TÀI LIỆU BÁN CỤ PHAN
Kính
gởi quý vị trên diễn đàn, quý thân hữu, chiến hữu.
Nhân
có câu hỏi về cụ Phan Bội Châu có phải do Hồ Chí Minh giết hay không?
Ðể rộng đường phán xét của người dân trong và ngoài nước, và làm sáng
tỏ cho thế hệ mai sau, tôi xin trích trong cuốn
"Hố Chí Minh Tại Trung Quốc" của
nhà sử học Trung Quốc Tưởng Vĩnh Kính do
Thượng Huyền dịch sang tiếng Việt ở trang 83, 84 và
85 với nguyên văn như sau:
"Cụ
Phan Bội Châu lãnh đạo cuộc vận động dân tộc Việt Nam, có liên hệ mật
thiết với hoàn cảnh cách mạng của Tôn Trung Sơn. Ðầu năm 1924, Tôn
Trung Sơn cải tổ Trung Quốc Quốc Dân Ðảng để chấn chỉnh lại trận doanh
cách mạng, thì cụ Phan cũng cải tổ Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc
Dân Ðảng, đặt Tổng Chi Bộ tại Quảng Châu, cùng sánh vai với cuộc cách
mạng của quốc dân Trung Quốc (chú thích 25- Ban Chấp Hành Trung
Ương Việt Nam Quốc Dân Ðảng, báo cáo của Bộ chấp hành Hải Ngoại
20/01/1945). Cán bộ nòng cốt của tổ chức tại Trung Quốc lúc bấy
giờ có Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thượng Thuật, Ðặng Sứ
Mặc v.v...., tỏ rõ cái khí thế sôi sục một thời (Chú thích 26- Bộ
Hải Ngoại Trung Ương Trung Quốc Quốc Dân Ðảng soạn "Chú thích 26- Việt
nam Cách Mạng Ðảng Phái Lược Lịch". Bản thảo chưa in ngày 6/05 năm Dân
Quốc 32, Trùng Khánh)
Hồ Chí
Minh, thuở nhỏ ở quê hương Nghệ An, vì thân sinh của ông là cụ Nguyễn
Sinh Sắc có quen biết qua lại với cụ Phan Bội Châu, nên ông rất được
cụ Phan thương mến. Cụ Phan đã từng khuyến khích ông tham gia phong
trào Ðông Du, nhưng ông từ chối (g). Lần này ông đến Quảng Châu và
xuất hiện dưới chiêu bài chủ nghĩa dân tộc, nên đã thường
tiếp xúc với cụ Phan. Hai bên thường đàm luận về những về sự tiến
triển của tình thế Việt Nam, cũng như bàn thảo về kế hoạch mới của
Việt Nam Quốc Dân Ðảng (chú thích 27 - Charles B McLane, tr 109 -
Dẫn Hồi Ký của Phan Bội Châu). Nhưng việc bất hạnh đã đột ngột
xảy ra: Tháng 6 năm 1925, cụ Phan bị cảnh sát Pháp bắt ở
Thượng Hải, ngay tại tô giới Pháp. Theo lời ghi thuật của nhà
học giả Việt Nam Hoàng Văn Chí thì cụ Phan bị bắt là vì do ông Hồ bán
cụ cho Pháp để lấy một số tiền là một trăm ngàn đồng. Tin tức này
trước tiên là do đồ đệ của cụ Phan thu lượm được, sau đó thì lan
truyền trong khắp các lực lượng cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc. Sự
việc này về sau đã được tay chân Hồ giải thích rằng " Cụ Phan già rồi
không còn thích hợp với cách mạng nữa; mặt khác việc cụ bị bắt chắc
chắn sẽ khích động mạnh mẽ tinh thần yêu nước của người Việt; mặt khác
nữa số tiền nhận được của người Pháp, có thể dùng để nuôi dưỡng các
lực
lượng mới". Sau này tìm hiểu thêm thì biết rằng ông Lâm Ðức Thụ (tên
thật là Nguyễn Công Viễn), đại diện cho cụ Phan tại Hương Cảng đã hợp
tác với ông Hồ trong việc bán cụ Phan cho Pháp. Sự việc xong, hai
người chia đôi số tiền một trăm ngàn đồng đó. Ông Hồ đã dùng phần tiền
của ông để tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội; còn Thụ
thì dùng tiền để tiêu phí trong các hộp đêm tại Hương Cảng. Và từ đó
Hồ, Thụ hai người còn tiếp tục hợp tác trong nhiều năm nữa để bán các
đồng chí của cụ Phan. Nguyên vì lúc bấy giờ, các thanh niên Việt Nam
trốn sang Quảng Châu để xin vào học trường Võ Bị Hoàng Phố rất đông.
Những ai chịu theo Hồ gia nhập Ðồng Chí Hội, thì sau khi học xong sẽ
được bảo đảm bí mật trở về nước an toàn; còn những ai vẫn trung thành
với tổ chức của cụ Phan, khi về đến biên giới Hoa-Việt, tức thì bị mật
thám Pháp bắt ngay. Những người này sở dĩ bị bắt, vì trước đó Hồ đã
báo cho Thụ ở Hương Cảng biết, Thụ đem ảnh của họ nộp cho lãnh sự Pháp
ở Hương Cảng. Sau khi họ bị bắt Hồ và Thụ lại được chia nhau tiền
thưởng, trong tình hình đó Tổng Chi Bộ Việt Nam Quốc Dân Ðảng tại
Quảng Châu dần dần mất liên lạc với quốc nội. Kết quả là các thanh
niên Việt Nam tốt nghiệp trường Võ Bị Hoàng Phố mà không gia nhập tổ
chức của Hồ thì không dám về nước, và chỉ có cách là gia nhập vào đoàn
quân cách mạng Dân Quốc của Trung Quốc, khiến cho Việt Nam Quốc Dân
Ðảng ở quốc nội phải dần dần tan rã, và đảng Cộng Sản thì cứ mạnh lên
dần (Chú thích 28 - Theo J. Buttinger, Vietnam, tr. 109 Cụ Phan bị
bắt là do sự sắp đặt của Hồ và một người khác nữa. Tháng 6 năm 1925
một buổi sáng nọ tại Thương Hải, cụ Phan nhận được giấy mời đi Quảng
Châu tham dự lễ thành lập Chi Bộ Việt Nam của Hội Liên Hiệp Các Dân
Tộc Nhược Tiểu trên Thế Giới. Khi cụ sắp lên tàu ở Thượng Hải để đi
Quảng Châu thì bị một nhóm người tập kích và dẵn vào tô giới Pháp, rồi
bị đưa sang Hải Phòng và giải về Hà Nội. Ông Hồ đứng giữa nhận tiền)
Sau
khi bị bắt, cụ Phan đã bị nhà đương cuộc Pháp kết án tử hình, làm cho
người Việt Nam vô cùng công phẫn. Toàn quốc rầm rộ tổ chức biểu tình,
đòi lập tức trả tự do cho cụ Phan. Cuối cùng người Pháp phải bỏ án tử
hình. Nhưng cụ vẫn bị quản thúc tại Huế và đã mất ngày
10.12.1940"..........................
Trân
trọng
Việt
Nam Quốc Dân Ðảng
TƯỞNG VĨNH KÍNH và Hồ Chí Minh tại Trung
Quốc
Nguyên tác Hoa ngữ của tác phẩm Hồ Chí Minh tại Trung Quốc chỉ được xuất
bản lần đầu tại Đài Bắc năm 1972, nhưng trước đó 5 năm đã xuất hiện bản dịch Anh
Ngữ của nữ dịch giả Margaret Chen vào tháng 6-1967. Năm 1999 mới có bản dịch Việt
ngữ của Thượng Huyền.
Cước chú từng trang cho thấy Tưởng Vĩnh Kính tham khảo rất nhiều tác giả Pháp,
Mỹ như Charles B. McLane, Jean Lacouture, Philippe Devillers, Joseph Buttinger,
Robert Shaplen, Ellen Hammer, I. Milton Sacks... và nhiều tác giả Việt Nam trong
số có Trần Dân Tiên mà lúc đó chưa ai biết là bút hiệu của Hồ Chí Minh. Tác giả
cũng nhắc tới các nhân vật thân cận với Hồ Chí Minh như Trường Chinh, Võ Nguyên
Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Khánh Toàn…
Một số nhân vật Việt Nam khác được nhắc nhiều lần như Nghiêm Kế Tổ, Hoàng Văn
Chí. Hoàng Văn Chí và Julie How là những người từng có thư từ liên lạc với tác giả.
Nhưng tác phẩm của Tưởng Vĩnh Kính dựa phần lớn vào tài liệu của văn khố Trung Hoa
Quốc Dân Đảng với những báo cáo của Julie How, Trương Phát Khuê, Tiêu Văn, Hình
Sầm Châu, Trịnh Học Giá…Vì phần lớn tài liệu được sử dụng là tài liệu trong văn
khố Trung Hoa Quốc Dân Đảng nên tập trung khá nhiều vào thời kỳ hoạt động của Hồ
Chí Minh tại Trung Quốc từ 1925 đến 1945. Trong khoảng thời gian này, Hồ Chí Minh
lui tới Trung Quốc ít nhất 5 lần và ở lại đây ít nhất 10 năm.
Qua 375 trang sách, TưởngVĩnh Kính thuật lại nhiều chi tiết về cuộc đời và hoạt
động của Hồ Chí Minh trong những năm sống tại Trung Quốc và xác định Hồ Chí Minh
luôn luôn vì chủ nghĩa Quốc Tế Cộng Sản – tức Liên Xô – vì lúc nào cũng làm theo
lệnh và báo cáo cho Bộ Phương Đông (1) Đệ Tam Quốc Tế. Theo Tưởng Vĩnh Kính, việc
Hồ Chí Minh dành được tình thân và lòng tin của một số giới chức Trung Hoa như Trương
Phát Khuê hay bà Tống Khánh Linh, phu nhân của lãnh tụ Tôn Dật Tiên… không do ý
hướng đấu tranh phụng sự đường lối cách mạng quốc gia mà do những thủ thuật giao
tiếp.
Hồ Chí Minh đã khôn khéo ứng phó với từng trường hợp để tìm điều kiện che chở
cần thiết cho việc thực hiện mục tiêu chính trị bí mật nhận lãnh từ Đệ Tam Quốc
Tế. Đây cũng là cách thức mà Hồ Chí Minh tiếp tục vận dụng vào những thời
điểm cần tỏ ra thân Mỹ hay thân Pháp để tạo điểm tựa cho việc giành quyền lãnh đạo
và triệt hạ các thành phần đối lập, dù đó là những phần tử yêu nước như các nhà
cách mạng thuộc các đảng Việt Cách, Việt Quốc và Đại Việt...
Nơi trang 116, Tưởng Vĩnh Kính nêu lên 5 điểm chứng tỏ Hồ hoạt đồng dưới sự điều
khiển chặt chẽ và theo đúng kế hoạch của Đệ Tam Quốc Tế. Hai tổ chức mà Hồ Chí Minh
thường liên hệ trong những năm 1929-1930 là Phòng Bí Thư Hội Công Chức và Công Nhân
Thái Bình Dương (từ 1930-1931 do Viễn Đông Cục quản lý) và Viễn Đông Cục của Đệ
Tam Quốc Tế ở Thượng Hải, ban đầu do Pavel Mif về sau do Hilaire Noulens điều hành.
Hồ Chí Minh cũng giúp Noulens điều hành Nam Dương Cục từ ngày 3-3-1930 đến tháng
6-1931 bao gồm các nước Nam Dương, Mã Lai, Xiêm.
Nhiều tác giả khác đều cho biết Hilaire Noulens là người trực tiếp điều khiển
Hồ Chí Minh tại Thượng Hải trong một thời gian. Noulens là người ra chỉ thị cho
Hồ Chí Minh và nhận báo cáo của Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành công tác.
Dựa vào những chứng nhân người Trung Hoa và tài liệu trong văn khố Quốc Dân Đảng,
Tưởng Vĩnh Kính cho biết hoạt động chủ yếu của Hồ Chí Minh trong giai đoạn ở Hoa
Nam là dựa vào uy tín các nhà ái quốc Việt Nam, kết thân với một số giới chức Trung
Hoa để dễ dàng xâm nhập các tổ chức cách mạng Việt Nam tại đây.
Hồ Chí Minh không gia nhập với mục đích góp phần đẩy mạnh hoạt động đấu tranh
giải phóng đất nước mà trước hết, tạo bình phong che giấu hình tích, và kế đó là
đạt các mục tiêu mà Đệ Tam Quốc Tế đang nhắm.
Mục tiêu cụ thể trong thời điểm đó của Đệ Tam Quốc Tế là vừa khai thác vừa lũng
đoạn phá hoại các tổ chức này để tạo đà phát triển ảnh hưởng cộng sản. Hồ Chí Minh
mượn các tổ chức này để trình diễn bộ mặt yêu nước đồng thời lôi cuốn người của
các tổ chức này gia nhập hàng ngũ cộng sản, và nếu được, sẽ biến các tổ chức này
thành tổ chức cộng sản.
Nhận định của Tưởng Vĩnh Kính phù hợp với tiết lộ của Hoàng Văn Hoan, một nhân
vật thân cận với Hồ Chí Minh nhiều năm, về giai đoạn Hồ Chí Minh tham gia tổ chức
Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội của các nhân vật Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần...
Theo Hoàng Văn Hoan, Việt Minh vốn là tên gọi tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh
Hội mà Hồ Chí Minh đã tham gia và sau đó biến thành tên gọi của phong trào cộng
sản Việt Nam vào năm 1945 mà mọi người đều biết là Mặt Trận Việt Minh.
Tưởng Vĩnh Kính xác nhận hai chữ Việt Minh là viết tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng
Minh Hội từng hoạt động từ lâu trước tháng 5-1941 do Hồ Học Lãm lãnh đạo. Về sau,
tổ chức này cùng một số tổ chức khác kết hợp thành Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh
Hội của nhiều nhân vật như Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công ...“Hồ gia nhập Cách
Mạng Đồng Minh Hội, một mặt là do đã ngụy trang thành công, được cá nhân tướng Trương
Phát Khuê tín nhiệm, mặt khác là được các phần tử tả khuynh Trung Quốc âm thầm hỗ
trợ từ bên trong.” (2) và “Một năm sau, khi Hồ Chí Minh tỏ thái độ "hợp tác"
và gia nhập Cách Mệnh Đồng Minh Hội, lúc bấy giờ các đảng phái Việt Nam theo chủ
nghĩa dân tộc mới thực sự bị đẩy vào một tình huống "khốn đốn”. (3)
Tóm lại, Tưởng Vĩnh Kính đánh giá toàn bộ hoạt động của Hồ Chí Minh suốt thời
gian ở Hoa Nam chỉ là xâm nhập để đánh phá các tổ chức cách mạng dân tộc yêu nước,
bởi cộng sản theo đuổi việc nắm độc quyền lãnh đạo các lực lượng đấu tranh nên đã
coi các tổ chức này là kẻ địch. Tình huống khốn đốn mà Tưởng Vĩnh Kính nhắc tới
được khắc họa bằng hai hình ảnh: hoặc bị sang đoạt đổi tên thành tổ chức công cụ
ngoại vi của Cộng Sản hoặc lâm cảnh bị kích động chia rẽ rồi tàn lụi.
Mục tiêu và ý hướng đó đã được Tưởng Vĩnh Kính nhắc lại qua những ghi nhận về
thái độ của Hồ Chí Minh đối với cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng
năm 1930: "Ông Hồ rất vui mừng thấy Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại. Điều đó
phản ảnh rõ trong ngữ khí của ông ta khi bình luận về cái thu hoạch được của Cộng
Sản Việt Nam như sau: "Từ sau cuộc khởi nghĩa đó, giai cấp tư sản (chỉ Việt
Nam Quốc Dân Đảng) đã mất tất cả ảnh hưởng trong cuộc vận động giải phóng dân tộc;
và giai cấp công nhân cùng quần chúng nông dân lao động được tổ chức lại trong đảng
tự do (chỉ Cộng Sản). Đảng trở thành người lãnh đạo duy nhất của cuộc cách mạng
chống chủ nghĩa đế quốc.” (4)
Đây là thời kỳ hoạt động mà về sau Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam luôn
diễn tả sai lạc hoặc xóa bỏ bằng sự khẳng định Mặt Trận Việt Minh được Hồ Chí Minh
cho ra đời tại Pác Bó. Các tác giả Cộng Sản Việt Nam sau này, ngoại trừ Hoàng Văn
Hoan, đều ghi rằng Mặt Trận Việt Minh thành lập vào tháng 5-1941 theo sáng kiến
của Hồ Chí Minh lúc đó còn mang tên Nguyễn Ái Quốc. (5)
Trọn chương 4 của tác phẩm được tác giả dành kể về hành động cụ thể của Hồ Chí
Minh tại Quảng Châu trong nỗ lực ngụy trang bằng chủ nghĩa dân tộc và cách thức
xâm nhập hàng ngũ những người yêu nước Việt Nam cũng như hàng ngũ Trung Hoa Quốc
Dân Đảng. Tháng 1-1926, nhân dịp đại hội Trung Hoa Quốc Dân Đảng, Hồ lấy tên
Lý Thụy đã gửi thư xin được tới trình bày về tình hình ở Việt Nam. Tưởng Vĩnh Kính
cho biết "Hồ đã tiếp xúc với Trung Hoa Quốc Dân Đảng, giống như kế hoạch của
Trung Cộng là cố nắm trong tay cuộc vận động chủ nghĩa dân tộc.”
Tưởng Vĩnh Kính nhắc tới một số người hoạt động với Hồ Chí Minh đã có nhiều hành
vi phản bội cách mạng như Lâm Đức Thụ, Vũ Anh, Lê Tùng Anh, Nguyễn Văn Thiều ...
Lâm Đức Thụ được Hồ Chí Minh đưa lên thay Hồ Tùng Mậu trong vai trò lãnh đạo Thanh
Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội tại Hương Cảng chính là kẻ giao nộp hình ảnh, tin tức
hoạt động của nhiều người đấu tranh cho mật thám Pháp – "Thụ là người từng hợp
mưu với Hồ Chí Minh bán cụ Phan Bội Châu cho Pháp năm 1925”. (6)
Theo Tưởng Vĩnh Kính, người đầu tiên Hồ Chí Minh tìm gặp khi đến Côn Minh là
Vũ Anh có bí danh Trịnh Đông Hải vốn cùng với Nguyễn Văn Thiều, Lê Tùng Anh là những
kẻ “vẫn giữ liên hệ với lãnh sự quán Pháp một cách âm thầm” đã phản bội Việt
Nam Quốc Dân Đảng khiến các nhân vật Trương Nguyên Minh, Vũ Hồng Khanh, Đào Quang
Bào bị nhà cầm quyền Quốc Dân Đảng Trung Hoa trục xuất.
Tất nhiên việc tranh thủ tình cảm và lòng tin của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc
là điều Hồ Chí Minh hết sức chú trọng. Vì thế, Hồ Chí Minh đã cùng đồng chí Phùng
Chí Kiên mượn danh nghĩa hội Việt Nam Dân Chúng Trợ Hoa Kháng Địch Hậu Viện đưa
ra các truyền đơn chống Nhật để được sự bao che của bà Tống Khánh Linh đồng thời
chiếm thiện cảm của nhiều giới chức Trung Hoa lúc đó.
Nhưng thời gian này, tháng 8-1940, Hồ Chí Minh đã âm thầm phái Trần Văn Hinh
đến Diên An ký một mật ước với Trung Cộng hứa sẽ liên hiệp các đảng phái lập mặt
trận thống nhất, lấy khẩu hiệu chống thực dân và phong kiến làm chủ điểm đấu tranh
và hứa yểm trợ các đảng viên Trung Cộng hoạt động tại Việt Nam. Đổi lại Trung Cộng
đồng ý cấp cho Hồ Chí Minh và các đồng chí 50 ngàn quan để chi phí ở Trung Quốc.
Tưởng Vĩnh Kính nhận định là trong hành động, Hồ Chí Minh luôn coi đường lối
của Mao Trạch Đông là mẫu mực nên vận dụng tối đa tấm bình phong chủ nghĩa dân tộc
và trưng dẫn thêm quan điểm mà Hồ Chí Minh đã nêu trong tác phẩm Con Đường Kách
Mệnh: "Một là, nhiệm vụ cách mạng không phải vì một thiểu số người nào mà
vì quảng đại giai cấp công nhân và quần chúng nông dân, do đó cần phải tổ chức quần
chúng. Hai là, cách mạng tất yếu phải chịu sự chỉ huy của chủ nghĩa Mác Lênin. Ba
là, cuộc vận động cách mạng ở mỗi quốc gia phải được kết hợp chặt chẽ với giai cấp
vô sản quốc tế; công nhân và quần chúng nông dân phải phân biệt rõ giữa đệ tam và
đệ tứ quốc tế.”
Tưởng Vĩnh Kính cũng cho thấy sự trùng hợp như dập khuôn giữa nghị quyết đại
hội kỳ 6 của Trung Cộng với bản hiệu triệu và cương lãnh giản yếu do Hồ Chí Minh
đưa ra sau khi hợp nhất các nhóm Cộng Sản Việt Nam thành Đông Dương Cộng Sản Đảng
ngày 18-2-1930. Cả hai văn kiện đều dựa theo phương án dành cho các đảng cộng sản
Đông Nam Á được đề ra tại đại hội kỳ VI của Đệ Tam Quốc Tế nhưng trong bản hiệu
triệu, Hồ Chí Minh đã lập lại đầy đủ 10 khẩu hiệu của Trung Cộng trong nghị quyết
đại hội kỳ 6 của Cộng Sản Trung Hoa.
Tác giả trưng nhiều bằng chứng cho thấy Hồ Chí Minh luôn hành động rập khuôn
theo Trung Cộng, từ việc khai thác chiêu bài kháng chiến chống Nhật qua việc tiếm
danh các tổ chức quốc gia, việc lập nên các hội cứu quốc đến thủ đoạn triệt hạ các
phần tử khác chính kiến mà tổ chức Việt Minh thi thố sau này: "Những người bị
thảm sát đều bị gán cho tội "Việt gian”, tội "làm gián điệp cho địch”, hoặc
thân Nhựt vv…Cách thức đó của Việt Minh hoàn toàn giống với Trung Cộng trong khu
giải phóng của họ.” (7)
Tưởng Vĩnh Kính xác định mục đích tối hậu của Hồ là đoạt chính quyền, chứ không
phải dành độc lập cho tổ quốc. Mục tiêu này đã soi sáng mọi hành vi cũng như lời
lẽ của Hồ Chí Minh trong giao tiếp với các thế lực ngoại quốc lúc đó là Mỹ, Pháp,
Trung Hoa.
Tác giả viết:
"Nỗi thao thức chính yếu của ông Hồ vào lúc đó không phải là vấn đề có thể sớm đạt được một nền độc lập hay không, mà chính là vấn đề bản thân của Việt Minh có thể đoạt thủ được chính quyền hay không…
… Do đó trước khi công tác chuẩn bị cho việc cướp chính quyền chưa hoàn thành, ông không hề mong quân Đồng Minh vào Việt Nam; lại càng không mong các đảng phái Việt Nam khác theo quân đội Trung Hoa trở về Việt Nam để tranh thủ dân chúng và chính quyền cùng với ông. Bởi vậy các thành viên Cách Mạng Đồng Minh Hội không thuộc cộng đảng trở về Việt Nam đều bị Việt Minh bao vây, bắt giết và đội quân dò đường của Trung Quốc vào Việt Nam đã bị quấy phá ngăn trở …
... Ông Hồ đã dùng điện đài Mỹ tại căn cứ của ông để tiếp xúc thẳng với đại diện chính phủ De Gaulle tại Côn Minh, ngoài việc yêu cầu Pháp bảo chứng sẽ trả độc lập cho Việt Nam trong vòng từ 5 đến 10 năm, còn yêu cầu Pháp cấp vũ khí và huấn luyện. Khoảng tháng 7, một đoàn đại biểu Pháp, Mỹ gồm 6 người đã nhảy dù xuống tổng bộ Việt Minh. Ông Hồ đã ngụy trang cho mình một bộ mặt rất "thân Tây phương". John, một thiếu úy Mỹ trẻ tuổi, ở chung mấy tháng với ông Hồ tại căn cứ Việt Minh lúc bấy giờ, đã ngây thơ tin chắc ông Hồ không phải là cộng sản. Dưới cái nhìn của John, giả sử ông Hồ có là cộng sản, thì cũng chắc chắn rằng ông Hồ rất muốn hợp tác với tây phương, đặc biệt là với Mỹ và Pháp. Hiển nhiên, Việt Minh có hành động bài Hoa cũng là nhằm mục đích dụ hoặc người Pháp”.
Tưởng Vĩnh Kính cho biết ngay giữa thời điểm đó, Hồ Chí Minh đã có một hành động
vừa nhắm lấy lòng Pháp vừa muốn mượn bàn tay Pháp triệt hạ một tổ chức yêu nước
là đảng Đại Việt: “Ông Hồ đã dùng điện đài của quân Mỹ để nói xấu và bán rẻ cái
mũi nhọn chống Pháp là đảng Đại Việt, hòng tranh thủ lòng ưu ái của Pháp.Trước ngày
Nhật đầu hàng không lâu, John đã dùng điện đài của mình đánh đi bức điện tín sau
đây giùm ông Hồ: "Đảng Đại Việt đang trù tính gây một cuộc khủng bố chống Pháp đại
quy mô và mưu toan giá họa cho Việt Minh. Việt Minh đã ra lệnh cho 2 triệu hội viên
và vô số dân chúng ủng hộ, hãy đem hết khả năng đề phòng cẩn mật cùng ngăn chặn
kế hoạch phạm pháp này của đảng Đại Việt. Việt Minh xin tuyên bố mục đích rõ ràng
của mình là mưu cầu nền độc lập cho quốc gia bằng đấu tranh chính trị; nếu cần thiết
phải dùng đến hành động quân sự thì quyết không dựa vào các thủ đoạn hèn hạ và phạm
pháp. Ủy ban giải phóng dân tộc VM - ký tên" (8)
Theo Tưởng Vĩnh Kính, lúc đó đảng Đại Việt của Nguyễn Tường Tam và Quốc Dân Đảng
của Vũ Hồng Khanh hợp nhất thành một lực lượng đấu tranh với thành phần lãnh đạo
gồm 29 nhân vật đều là những phần tử trí thức ưu tú của Việt Nam không chỉ được
sự ủng hộ của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc mà còn có thanh thế rất lớn đối với dân
chúng trong nước. Lực lượng này là mối lo cần đối phó trước hết của Hồ Chí Minh.
“Bởi vậy, hành động "liên kết với Mỹ” và "bài Hoa” của ông Hồ và mặt trận Việt
Minh hoàn toàn đặt cơ sở trên nỗi thao thức về vấn đề sinh tồn và phát triển của
bản thân họ. Còn như Việt Nam có đạt được độc lập hay không chỉ là vấn đề
thứ yếu thôi.” (09)
Trong ý đồ đó, việc lợi dụng danh nghĩa Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội được tác
giả nhìn nhận là hết sức cần thiết cho Hồ Chí Minh và phân tích:
"…Tại sao ông Hồ và trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam lại vẫn muốn lợi dụng lá cờ Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (chỉ bỏ chữ "hội” đi một cách khôn khéo mà thôi)? Cách thức đó chính là lặp lại một cách khéo léo điều mà người Cộng Sản gọi là "chiếm lĩnh cơ quan, làm phe tả của họ”. Ý đồ của họ, xét ra không ngoài việc lợi dụng danh nghĩa Độc Lập Đồng Minh Hội để dễ dàng chiêu tập tổ chức quần chúng của nó, thậm chí còn chiêu dụ cả đám tàn dư của phe thân Nhật. Ý đồ chủ yếu của ông Hồ và Cộng Sản Việt Nam khi tiếp thu Độc Lập Đồng Minh Hội hiển nhiên là nhằm chiêu dụ tổ chức quần chúng của hội này. (10)
Căn cứ vào các tư liệu tại Quảng Tây thời đó, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh được thành lập tháng 7 năm 1935, là sự hợp thành của Việt Nam Quốc Dân Đảng, Độc Lập Đảng, Tân Việt Đảng … Các tổ chức quần chúng của nó cũng được ông Hồ đổi thành các hội "Cứu Quốc” (11) Ý đồ lớn nhất của ông Hồ khi lợi dụng cơ cấu Việt Minh là che giấu cái bộ mặt cộng sản, lợi dụng tình thế cùng tâm lý quần chúng Việt Nam, ngụy trang chủ nghĩa dân tộc, nhằm phát triển thực lực của bản thân.” (12)
Tác phẩm của Tưởng Vĩnh Kính không bao quát hết cuộc đời Hồ Chí Minh nhưng đã
xác định được chủ đích trong mọi hoạt động của Hồ Chí Minh là tranh thủ quyền hành
cho tổ chức của mình để theo đuổi lý tưởng, còn mục tiêu giành độc lập cho đất nước
chỉ là mục tiêu giai đoạn bắt buộc phải đạt tới.
Hồ Chí Minh tỏ ra không mệt mỏi trong việc hô hào đấu tranh giải phóng dân tộc
vì không còn con đường nào khác để phụng sự lý tưởng Cộng Sản và như chính Hồ Chí
Minh đã nói – nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi
được độc lập thì quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không
đòi lại được.
Những trái ngược dễ dàng xẩy ra khi nhận định về Hồ Chí Minh có lẽ vì mức cuốn
hút của một ý chí đấu tranh mãnh liệt đã phủ mờ yêu cầu phân tích tính mâu thuẫn
tất yếu giữa quyền lợi giai cấp với quyền lợi dân tộc. Do đó, hình ảnh thực tế luôn
chao đảo khiến mọi cái nhìn về một con người dựa trên nền tảng này khó tránh khỏi
ngả nghiêng.
CHÚ THÍCH
CHƯƠNG 07
(01) Tên gọi của cơ cấu
này theo tài liệu chính thức của Cộng Sản Việt Nam là Bộ Phương Đông Quốc Tế Cộng
Sản, còn báo chí thường nhắc theo nhiều cách như Đông Phương Bộ, Ban Phương Đông,
Đông Phương Cục hoặc Cục Đông Phương hoặc có khi là Viễn Đông Cục, Viễn Đông Vụ
....
(02) - (03) - (04) SĐD tr. 246, 245, 119
(07) Văn Kiện Đảng – T. 3, tr. 195 ghi: Từ ngày 10 đến ngày 19.5.1941
Hội Nghị lần 8 Trung Ương Đảng Cộng Sản Đông Dương họp tại Pác Bó, Cao Bằng. Đây
là Hội Nghị Trung Ương Đảng lần đầu tiên họp ở trong nước do Nguyễn Ái Quốc chủ
trì với tư cách đại diện Quốc Tế Cộng Sản. Hội nghị đã khẳng định: Trong lúc này
khẩu hiệu của Đảng ta là phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương
ra khỏi ách của giặc Pháp – Nhật ...Vì nếu không giải quyết được vấn đề dân
tộc giải phóng thì... quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi
lại được.
Hồ Chí Minh Toàn Tập – T. 3, tr. 197 ghi: Theo sáng kiến của đồng chí
Nguyễn Ái Quốc, Hội Nghị trên đã quyết định thành lập Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất
rộng rãi mang tên Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Minh) nhằm liên
hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ,
gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị đặng cùng nhau mưu cuộc
dân tộc giải phóng và sinh tồn.
(06)-(07) SĐD tr. 108, 329
(08)-(09) SĐD – Cước chú ghi theo tài liệu của Robert Shaplen các tr. 28-30,
tr.361
(10) Về gia nhập các tổ chức để tranh thủ quần chúng, xin xem chương về Phùng
Thế Tài.
(11)-(12)
SĐD tr. 202, 206
No comments:
Post a Comment