HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Friday 28 February 2014

DOCUMENTS OF VIETNAMESE ANCIENT CULTURE VIII

  

DOCUMENTS OF VIETNAMESE ANCIENT CULTURE VII

COLLECTED BY NGUYỄN THIÊN THỤ


50. NGUYỄN QUANG TRỌNG . ĐỊA ĐÀNG PHƯƠNG ĐÔNG

Diễn Đàn vừa giới thiệu trong mục "Thấy trên mạng" bài viết của Đỗ Kiên Cường trên báo Tia Sáng, về cuốn sách "Địa đàng ở Phương Đông" của S. Oppenheimer. Nhân dịp này, chúng tôi xin đăng lại bài điểm cuốn sách này của Nguyễn Quang Trọng, đã đăng trên Diễn Đàn (báo giấy) số 127, tháng 3.2003.

Địa Đàng ở Phương Đông
của Stephen Oppenheimer

Nguyễn Quang Trọng


Địa Đàng ở Phương Đông (1) là một quyển sách có bề dày đáng kể : 560 trang kiểu chữ nhỏ. Tựa sách khiến người ta nghĩ đến một truyện thần thoại hay tác phẩm nổi tiếng của John Steinbeck. Đọc xong mới biết cuốn sách kết tinh một công trình nghiên cứu dài hơi, nghiêm túc, của một nhà khoa học. Và đem lại nhiều phát giác mới mẻ, đặc biệt quan trọng cho các dân tộc Đông Nam Á.

Về tác giả, nhà nghiên cứu Oppenheimer

Stephen Oppenheimer tốt nghiệp bác sĩ tại đại học Oxford (Anh) năm 1971. Năm sau ông sang vùng Viễn Đông hành nghề bác sĩ nhi khoa tại nhiều bịnh viện trong vùng (Nepal, New Guinea, Malaysia, Hongkong, Brunei), mà độc đáo nhất là “ bác sĩ bay ” (flying-doctor) ở Sarawak (đảo Kalimantan). Ông nghiên cứu về sinh học di truyền bệnh sốt rét ở New Guinea, có kết quả quan trọng công bố trên tờ báo khoa học hàng đầu thế giới (Nature, 1997) về đột biến gene đã đưa đến gene kháng sốt rét... Năm 1997, ông trở về Oxford tham khảo tài liệu thư viện và viết cuốn sách “ 200 000 chữ ” về liên hệ văn hóa kỹ thuật giữa Đông và Tây vào thời tiền sử. Cuốn sách này do một số nhà xuất bản ở Anh, Đức và Ý đặt Oppenheimer viết dựa vào những công trình nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm bản thân của ông, một người Âu đã sống và tìm hiểu vùng Viễn Đông và Tây Nam Thái Bình Dương.

Khi nghiên cứu về di tố chống sốt rét của các nhóm dân New Guinea, Oppenheimer nhận thấy những bộ lạc nói tiếng khác nhau và có chung các huyền thoại cổ tích truyền khẩu thì có cùng di tố. Từ đó, ông say mê tìm hiểu sâu về cổ tích, tiền sử, ngôn ngữ, tập quán của toàn thể dân Á châu. Trong nhiều năm, ông bỏ thì giờ đi khắp Đông Nam Á lục địa (kể cả Việt Nam) và các đảo Thái Bình Dương nghiên cứu thêm về nhân học. ông lặn lội nơi thâm sâu cùng cốc, tìm đến những bộ lạc bán khai còn giữ ngôn ngữ, tập quán hay cổ tích truyền khẩu từ xưa...

Tại đại học Hongkong từ 1990 đến 1994, ông nghiên cứu về những đường thiên di đưa người nói tiếng Nam Đảo đi chiếm lĩnh các hải đảo trên một vùng biển rộng lớn, trải từ Madagascar ở bờ tây Ấn Độ Dương đến đảo Hawaii và đảo Phục Sinh (Iles de Pâques) phía đông Thái Bình Dương.
Từ những kiến thức đa dạng này, ông có một số ý kiến mới về sự hình thành của hai nhóm dân chính của Đông Nam Á, là dân nói tiếng Nam Á (Austroasian) và dân nói tiếng Nam Đảo (Austronesian). Trở về giảng dạy tại đại học Oxford sau khi rời Hongkong, ông không ngừng tìm hiểu về hai giống dân Nam Á - Nam Đảo mà ông đã từng chung sống trong hai mươi năm.

Địa Đàng ở Phương Đông

Tổng hợp các tài liệu và kết quả nghiên cứu của chính mình, bao gồm nhiều bộ môn như khảo cổ, y khoa, ngôn ngữ, nhân chủng, xã hội học, Oppenheimer đưa ra một thuyết mới về nguồn gốc một số dân tộc và văn minh Á châu. Theo thuyết này, “ cái nôi ” nền văn minh nhân loại (Homo sapiens sapiens) nằm ở Đông Nam Á. Nhưng người ta không thể khai quật các di tích khảo cổ vì ngày nay những vùng đất chứa dấu vết nền văn minh này đã nằm sâu dưới biển. đó là vùng thềm Sunda và thềm Nam Hải (tức Biển Đông hay thềm vịnh Hạ Long ).
Oppenheimer chia cuốn sách làm hai phần. Phần một, rất khoa học, về nguồn gốc của các giống dân Đông Nam Á từ cuối thời cựu thạch khí (thời đồ đá cũ). Phần hai gồm các huyền thoại và chuyện truyền khẩu các tộc người sống rải rác khắp Đông Nam Á lục địa và trên hằng hà sa số hải đảo vùng biển Thái Bình rộng lớn.
Trong phần thứ nhất : các tựa Đá, Xương, Di tố (gene) và Âm (Tiếng), gồm các chương từ 1 đến 7 được xếp thành nhóm theo ngành khoa học chuyên môn : Địa chất, Khảo cổ, Di truyền học và Ngôn ngữ học.

Hai chương đầu chứng minh Đại Hồng Thủy có thật vì vết tích địa chất để lại trên nhiều vùng gần biển và sự thiếu vắng di vật chứng minh dấu vết văn hóa nằm giữa các tầng có di tích văn hóa xưa nhất tìm thấy trong các hố khảo cổ. Các hiện tượng gây ra Đại Hồng Thủy vào thời băng giá cuối cùng được phân tích trong chương 1. Vào khoảng 20 000 năm trước đây, nước biển dâng cao 120 m so với mức nước biển cũ, trong vòng hơn 15000 năm, nhưng mực dâng không đều đặn. Cho đến khoảng 8000 năm trước đây, khí hậu nóng lên làm chảy dần lớp băng đá dày đến 1,6 km nằm trên vùng đông bắc Canada Laurentide, nước băng tan ứ đọng trong hồ Baltic, gây sức ép làm bật tung nút chặn thiên nhiên. Nước hồ tuôn ra eo biển Hudson, lôi theo những tảng băng chưa tan. Hiện tượng tương tự đã xảy ra tại nhiều nơi trên vùng lục địa gần cực địa cầu như vùng eo Bering-Alaska, cũng vào khoảng thời gian ấy. Mực nước biển dâng cao bất ngờ (25 m) gây đại hồng thuỷ. Thêm vào đó, trọng lượng mất đi của những lớp băng tan khiến vỏ trái đất càng thêm sôi động, di chuyển, sinh ra động đất, núi lửa và sóng thần, tăng thêm cường độ Đại Hồng Thủy, gây kinh hoàng cho các nhóm dân sống ven biển.

Trong chương 2, tác giả tổng hợp các tài liệu khảo cổ và nhân học vùng vịnh Á rập và Đông Nam Á (từ nam Nhật Bản, qua Hongkong, xuống đến Tân Guinea) chứng minh rằng khi lục địa Sunda bị chìm ngập, có sự tràn lan ra vùng ngoại vi lục địa Sunda các di vật khảo cổ và ống phun tên (blow pipe) vốn là một phát minh của cổ dân nói tiếng Nam Đảo sống tại bắc Borneo. Riêng cổ dân vùng thềm Nam Hải thì rút lên chỗ đất cao phía lục địa bây giờ và lập một số làng vào thời tân thạch khí (đồ đá mới) trên đảo Hải Nam và cửa Châu Giang ; đồ gốm tô màu hay khắc vạch của họ được tìm thấy tại nhiều nơi dọc biển nam Trung Hoa, cũng như đồ gốm văn thừng sau đó (đồ gốm bên ngoài có in dấu chày bện thừng đập lên gốm lúc còn ướt) đào được khắp vùng có cư dân Bách Việt. Liên hệ văn hoá giữa Đông Á với cổ vương quốc Ur (vùng Lưỡng Hà) được chứng minh qua các hiện vật khảo cổ nằm dưới lớp cát lắng trong hố khảo cổ ở Ur (nghĩa là trước lúc vùng bị nước biển ngập) : đồ gốm khắc vạch, đĩa gốm xoi lỗ, chì lưới bằng đất nung, hạt chuỗi vỏ sò, rìu tứ giác, lưỡi cày bằng đá, và đá quí, toàn là loại đồ của cổ dân Đông Nam Á. Và nhất là qua một hình nhân nhỏ bằng đất nung tượng trưng một phụ nữ có những dấu vết mà tác giả cho là dấu xâm mình, một tập tục của dân nói tiếng Nam Đảo.

Trong chương 3, trước khi đưa quan điểm của mình, tác giả trình bày thuyết Bellwood về sự di dân vùng Đông Nam Á vào thời đồ đá và thêm vào đó một số dữ kiện khảo cổ. Ông đả phá từng điểm một thuyết Bellwood về nguồn gốc người nói tiếng Nam Đảo (từ nam Trung Hoa qua Đài Loan), và nguyên do đưa đến thiên di và hậu quả của thiên di. Trong chương này có tiểu đoạn “ người Chăm đến từ đâu ”, với tiểu tựa viết bằng tiếng Pháp, “ D’où les Cham ? ”, trong cuốn sách hoàn toàn bằng Anh ngữ này. Tiểu đoạn ấy nói về tổ tiên gốc Nam Đảo của người Chăm tại Trung Việt. Ông dựa vào kết quả khảo cổ ở Trung Việt để chứng minh sự kiện người Nam Đảo bành trướng từ Đài Loan xuống các đảo Đông Nam Thái Bình Dương vào thiên kỷ II trước Công nguyên của Bellwood/Blust là không đúng. Bởi vì tổ tiên người Chăm không thể đến Sa Huỳnh sớm như thế được. Ngược lại, kết quả khảo cổ tại Tân Guinea chứng minh đã có lưu thông vật liệu (đá lửa đen, và cây trái như trầu cau) cùng với dân Nam Đảo theo đường hàng hải ngay sau khi Sunda bị ngập đi từ Đông Nam Á (bao gồm phần Sunda bị chìm) đến các đảo xa trước khá lâu niên đại Bellwood nêu ra. Và ông kết luận : khi nước biển dâng, người Nam Đảo di tản đến Ấn Độ, Tây Á, châu Đại Dương đem theo các yếu tố văn hoá, kỹ thuật của vùng bị ngập, và chắc chắn đã kích thích cuộc “ cách mạng ” thời đá mới. Theo ông, có thể cư dân Đông Nam Á đã đầu tiên khám phá ra hợp kim đồng thau (cư dân Ban Chiang tại Thái Lan, nơi giàu thiếc, kim loại cần cho hợp kim) và truyền bằng đường hàng hải đến Lưỡng Hà, nơi hiếm thiếc.

Chương 4 bàn về ngôn ngữ (cổ) Á châu, đặc biệt những ngôn ngữ Đông Nam Á. Trong ngôn ngữ học cũng như trong di truyền học, tính đa dạng được xem là biểu hiện sự cổ xưa : một vùng có cư dân (thuộc nhiều nhóm / bộ lạc) nói nhiều dạng khác của cùng một thứ tiếng được xem như là vùng có gốc xưa của thứ tiếng đó. Các bộ lạc thổ dân trên lãnh thổ nhỏ Đài Loan nói nhiều thứ tiếng rất khác nhau nhưng thuộc cùng nhóm (hay nhánh, phylum) tiếng Nam Đảo. Vì thế Đài Loan được xem là nơi xuất phát của cư dân nói tiếng Nam Đảo đi về các đảo nam Thái Bình Dương.

Đa số các nhà ngôn ngữ học xem vùng chân núi Himalaya, nơi hội tụ các sông lớn của Đông Nam Á, là cái nôi các ngôn ngữ Á Đông. Từ đó các ngôn ngữ chính truyền đi bốn phương : đó là các nhóm tiếng Hoa-Tạng, Nam Á, Nam Đảo và Thái- Kadai. Nhưng theo Oppenheimer, ba nhóm tiếng sau (mà nhiều người xem là cùng một gốc, gọi là austric) không lan truyền xuôi theo các giòng sông như Blust chủ trương, mà chúng phát xuất từ một ngôn ngữ gốc austric tại cổ lục địa Sunda, trước khi vùng này bị ngập. Khi trốn lụt, do địa hình của Đông Nam Á lục địa, họ chỉ có thể đi ngược giòng các con sông về phía bắc, nơi không bị ngập.
Tác giả đào sâu trong chương kế tiếp nơi bắt nguồn tiếng Nam Đảo, và hướng lan truyền thành các nhánh khác nhau. Trừ miền Trung Việt Nam và một vài nơi thuộc nam bán đảo Mã Lai, tất cả các dân nói tiếng Nam Đảo đếu sống trên hải đảo. Theo tác giả, tiếng Nam Đảo phát xuất từ tây bắc đảo Borneo, nhánh tiếng Tây Nam Đảo phát triển về phía bắc, ngược lên Phi Luật Tân, miền Trung Việt Nam và Đài Loan, và phát triển về hướng tây (tây Indonesia, Mã Lai, Mã Đảo...). Phía nam, nhánh Mã Lai- Polynesian lan xuống tận các đảo đông nam Thái Bình Dương. Đài Loan không thể là nơi xuất phát nhánh Mã Lai- Polynesian, vì không thổ dân Đài Loan nào nói tiếng thuộc nhánh cuối cùng này. Cuối chương, tác giả đặt thuyết về lịch và hướng lan truyền của nhánh Mã Lai- Polynesian như sau : trước “ chuyến tàu tốc hành ” ( tên đặt cho thuyết của Bellwood) đưa người Nam Đảo từ phía bắc xuống các đảo Đông Nam Thái Bình Dương trong khoảng thời gian ngắn (3500 năm trước), đã có “ chuyến tàu chậm” đưa người nói tiếng Nam Đảo đến các đảo vùng Melanesia. Theo ông, “ chuyến tàu ” này xưa hơn nhiều (vì khởi hành lúc Sunda bị ngập) và đã dừng khá lâu tại mỗi đảo, cho người lên xuống, sống chung chạ với cổ dân bản xứ, trao đổi đồ đạc, kỹ thuật, phong tục, ngôn ngữ và di tố (lai giống).

Hai chương 6 và 7 phân tích liên hệ gốc gác qua di tố. Tác giả đưa các kết quả mới của ngành di truyền học vào việc định hướng thiên di các dân tộc nói tiếng Nam Á và Nam Đảo. Di tố đuợc nghiên cứu nhiều nhất là di tố mtDNA (trong mitochondries) truyền qua người mẹ ; di tố này cho biết liên hệ “ mẹ con ” giữa các nhóm dân. Di tố “ chromosome Y ” cho biết đường đi (và lai giống) của cha. Ông còn thêm vào nghiên cứu riêng về khuyết tật di truyền đưa đến hồng huyết cầu đặc biệt ; gọi là khuyết tật nhưng chính ra nhờ đó mà dân Đông Nam Á, (đa số sống trong vùng ẩm ướt đầm lầy) chống được hậu quả chết người của bệnh sốt rét. Về hệ tộc, người Đông Dương nằm rất gần gốc của dân Đông Nam Á, nhưng theo tác giả, một số sắc dân (như Orang Asli) sống ở cực nam bán đảo Mã Lai, nơi có cả người nói tiếng Nam Á lẫn người nói tiếng Nam Đảo, có gene gốc cho cả hai nhóm này. Tổ tiên của họ có lẽ đã sống đâu đó trên lục địa Sunda, khi bị lụt đã di tản đến cực nam bán đảo Mã Lai, trên rìa cao của lục địa này.

Phần thứ hai sách nghiên cứu các huyền thoại, cổ tích truyền khẩu của các dân tộc Đông Nam Á. Huyền thoại các vùng trải từ Viễn Đông đến Âu Châu, ngang qua rừng núi nam Hi Mã Lạp Sơn, được tác giả so sánh tìm những điểm tương đồng và liên hệ đến đường thiên di cổ dân Đông Nam Á suy ra trong phần một. Tác giả áp dụng lý luận ngữ học (hay di truyền học) sắp xếp theo thứ tự trước sau trong thời gìan : vùng nào có nhiều dạng nhất của một huyền thoại sẽ là vùng gốc. Các huyền thoại được tác giả đề cập đến là huyền thoại chung của nhiều sắc dân sống tại những vùng khác nhau (kể cả những vùng núi non xa biển), như chuyện về Đại Hồng Thuỷ, về rồng biển, mà theo Oppenheimer đó là cá sấu khổng lồ sống ở cửa biển (*). Cũng như những huyền thoại về trời (cha) đất (mẹ) và sự nảy sinh vũ trụ, về con vật (như rắn) lột da thành trường sinh bất tử, về cây đời, về hai anh em đánh nhau. Chẳng hạn như tích Kulabob của các bộ lạc trên những hòn đảo nam Thái bình Dương. Oppenheimer xem tích Kulabob của thổ dân tại Tân Guinea là huyền thoại gốc của các huyền thoại tương tự của tất cả dân có liên hệ huyết thống với dân Nam Đảo. Dù tác giả không nói đến, nhưng tích Trầu Cau của dân Việt Nam, theo tôi, cũng là một dạng của tích Kulabob, nói về hai anh em cùng yêu/tranh chấp một cô gái. Oppenheimer sưu tập rất nhiều huyền thoại dưới thiên hình vạn trạng, khó có thể tóm tắt, tôi xin được miễn nêu ra ở đây.
***

DL

Lục địa SUNDA (vùng gạch chéo) trước khi chìm ngập
Các vết tích địa chất học thật sự chứng minh rằng nhiệt độ trái đất tăng dần từ hơn 12000 năm trước, làm tan một phần các băng sơn của thời băng giá khiến mức nước biển dâng cao thình lình cách đây 8000 năm. Từ sự kiện này, Oppenheimer suy ra rằng những người sống trên lục địa Sunda có văn minh cao phải di tản đi khắp nơi, đem nền văn minh ấy truyền đến khắp nơi trên thế giới. Trước đây, tuy biết rằng thềm lục địa Đông Nam Á ngày nay cạn và rộng lớn, trải từ tây Ấn độ đến nam Việt Nam về phía đông, xuống tận các đảo lớn của Indonesia về phía nam, nhưng không ai dám khẳng định như thế về mặt văn hoá và lịch sử, vì không hội đủ bằng chứng. Oppenheimer dựa vào các tài liệu khảo cổ cũ, thêm vào những số liệu mới về di truyền học, nhiều dữ kiện về ngôn ngữ và nhân chủng phương đông để chứng minh rằng đã có những dân tộc cổ Đông Á sống trên vùng thềm lục địa Sunda. Những dân tộc này đã biết trồng trọt, đánh cá, đã thuần hoá chó, lợn, có kinh nghiệm đi biển, nên họ di tản dễ dàng khi nơi họ sống bị biển ngập.

Theo Oppenheimer, khi nước biển dâng, tại vùng bị ngập, một số dân rút lên đất cao, một số khác cất nhà sàn ven bờ, số còn lại dùng thuyền vượt biển tìm đất mới. Trong số thứ ba này, một nhóm di dân đến vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia) đóng góp văn minh vào lịch sử Trung Đông, góp phần đẩy vùng này trở thành nơi tiến bộ bậc nhất trên địa cầu vào những thiên kỷ trước Công nguyên. Trường ca Gilgamesh tại đấy có nhiều điểm giống huyền thoại chung của hầu hết các dân tộc Đông Nam Á về trận Đại Hồng Thuỷ. Tích Đại Hồng Thuỷ cũng như truyện Cain và Abel trong Kinh Cựu ước Thiên Chúa giáo có thể đã lấy từ hai tích cổ phổ quát tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, đóng góp quan trọng nhất của nhà nghiên cứu này, theo ý tôi, có lẽ là việc phân tích nguồn gốc cùng hướng thiên di những sắc dân Đông Nam Á, đặc biệt là dân nói tiếng Nam Đảo (nhóm tiếng nói phong phú nhất thế giới). Trong số những nhóm nói tiếng Nam Đảo, phải kể đến người Chăm (Chàm) và một số sắc dân sống tại miền Trung Việt Nam. Phân tích này đưa đến thuyết di dân thời tiền sử ngược lại với thuyết về sự bành trướng của sắc dân nói tiếng Nam Đảo của Bellwood (nhà khảo cổ) và của Blust (nhà ngôn ngữ) vốn được nhiều người chấp nhận nhất.
Địa đàng ở phương Đông đem một cái nhìn mới về nguồn gốc xưa và văn minh cao của người Đông Nam Á, đặc biệt của người nói tiếng Nam Đảo sống trên lục địa Sunda trước khi biến thành đáy biển bây giờ. Điểm độc đáo của tác giả là đã kết hợp nhiều bộ môn, cổ điển và hiện đại, khoa học chính xác với khoa học nhân văn.

Dựa trên các dữ kiện đa ngành và với lập luận mạch lạc, tác giả đã đưa ra một thuyết giá trị có tính thuyết phục độc giả, kể cả những độc giả khoa học trong các ngành liên quan đến tiền sử Á Châu. Trước Oppenheimer, nhiều nhà khảo cổ nổi tiếng như Solheim II (Mỹ), Highham (Tân Tây Lan) và Beecham (Hong Kong), khi nói đến sự ra đời sớm của thương mại đường biển, nghề trồng trọt, làm gốm, đúc đồ đồng thau... tại Đông Nam Á cũng đã chứng minh các thuyết của Heine-Geldern và của Movius là không đúng vì các thuyết này cho rằng dân Á châu thời tiền sử kém cỏi hơn dân Âu châu và Cận Đông nhưng lập luận của họ xem ra không vững chắc có lẽ một phần vì lúc đó họ không đủ dữ kiện bằng Oppenheimer. Việc phân tích, tổng hợp các huyền thoại trong một vùng mà văn hoá không văn tự giữ một vai trò đặc biệt quan trọng là một việc đáng đề cao, dù sự định “ tuổi ” ( thứ tự trước sau) qua truyền thuyết khó thể chính xác như những phương pháp khác.

Nhưng cũng như mọi giả thuyết khác, những khám phá tương lai sẽ cho thấy thuyết này sai hay đúng. Mặt khác, mọi thuyết thường đặt căn bản trên dữ kiện ; nếu dữ kiện không đúng, thì giả thuyết khó có thể đúng. Tác giả muốn chứng minh văn minh phương tây (văn minh Lưỡng Hà, Ai Cập vùng đông Địa Trung Hải) có nguồn gốc Đông Nam Á nhưng có ba dữ kiện đặt lại vấn đề.

Điểm đầu tiên : theo kết quả khảo cổ, vùng Cận Đông được xem là vùng sớm có người hiện đại H. sapiens sống từ rất lâu (trên 100 000 năm) họ lập nên làng xã gần 10 000 năm nay, và phát minh ra canh nông (lúa mạch, lúa mì), chăn nuôi (dê, cừu, bò...) trong vùng trải từ Thổ Nhĩ Kì đến Israel, Iran. Oppenheimer sẽ thuyết phục hơn nếu ông đưa ra những bằng chứng khác. Vị trí “ cái nôi của nghề trồng lúa ” cũng cần xét lại. để chứng minh cây lúa đã được cư dân cổ Đông Nam Á trồng từ rất lâu, tác giả dùng kết quả khảo cổ Thái Lan, theo đó lúa được trồng ở nam Thái Lan 9 nghìn năm trước. Kết quả này chưa được xác quyết (ngay theo lời tác giả), và bằng chứng xem ra chưa đủ tính thuyết phục. Các cuộc khai quật khảo cổ gần đây tại nhiều địa điểm nam lưu vực Trường Giang bên Tàu cho thấy lúa hoang được thuần hóa và trồng trước thời điểm này rất nhiều (2). Tác giả cũng cho rằng lúa được trồng ở Việt Nam từ năm nghìn năm trước, thế nhưng dấu vết xưa nhất của việc thu hoạch lúa gạo, như dấu gạo cháy thuộc địa điểm đồng đậu (tiền - Đông Sơn) tìm được tại bắc Việt Nam, cho thấy cư dân tại Việt Nam ăn cơm (gạo) khoảng chỉ hơn ba bốn ngàn năm trước (3) và có thể đó là lúa trồng (liềm đá tìm thấy ở di tích Phùng Nguyên). Điểm cuối cùng về nguồn gốc đồng thau. Niên đại cổ vật đồng thau tại Thái Lan lúc đầu xem như xưa hơn đồ đồng thau Lưỡng Hà, nhưng các nhà khảo cổ ngày nay, khi thẩm định lại, cho là niên đại sau Lưỡng Hà này không đúng (4). Ở tây Á châu (Iran, Thổ Nhĩ Kì), người ta đã sử dụng kim loại đồng nguyên chất từ không gian vũ trụ rơi xuống trái đất từ thiên kỷ thứ VII-IX trước tây lịch, và kỹ thuật luyện đồng thau đã được các vương quốc cổ vùng này ghi lại từ bốn ngàn năm trước.

Eden in the East là một kho tài liệu lớn về tiền sử và gốc gác, huyền thoại các dân tộc Đông Nam Á. Nhiều đồ thị, bản đồ đính kèm hướng dẫn, giúp độc giả theo dõi dễ dàng các giả thuyết và lập luận phức tạp. Thuyết của Oppenheimer đề cao văn minh dân Đông Nam Á cổ, nên rất “ quyến rũ ” các dân tộc Đông Nam Á ngày nay. Đây là một cuốn sách rất quý, đáng đọc. Vấn đề sẽ đặt ra khi các giả thuyết ấy, vì một lí do nào đó, lại được trình bày như một sự thật, khiến độc giả nào không đọc tài liệu gốc sẽ tin tưởng điều đó. Dần dà một sự kiện có thể sai lại được phổ biến như chuyện hiển nhiên “ đinh đóng cột ” (5) nhất là khi điều đó góp phần đề cao nguồn gốc, khiến người ta được thoả mãn tự ái dân tộc, quên đi thực tại trước mắt.


Nguyễn Quang Trọng


(*) Điểm này cũng phù hợp với phân tích của nhiều tác giả Việt Nam khi luận về gốc mô típ rồng của Việt Nam qua cổ vật Đông sơn.
(1) Stephen Oppenheimer, Eden in the East. Weidenfeld & Ni-cholson, London, 1999 (hard cover), ISBN : 0297818163 ; Phoenix house (paperback) ; L’Eden a Oriente, Modadori, 2000, Milano.
(2) Tài liệu mới về kết quả khảo cổ về nguồn gốc cây lúa tại lưu vực Trường Giang đưa ra trên mạng internet, như http://www.carleton.ca/~bgordon/Rice/papers/ ; Ví dụ : Jane Libby, INTERDISCIPLINARY STUDIES BEARING ON THE ORIGIN OF RICE AGRICULTURE, hoặc : Zhang P Q, Discussion of Chinese domesticated rice - 10 000 year-old rice at Xianrendong, Jiangxi province, bài báo cáo tại International Symposium on Agricultural Archeology, China, 1998. Điều này không có nghĩa tổ tiên người Hán phát minh ra nghề trồng lúa. Dữ kiện khảo cổ và di truyền cho thấy là cư dân cổ vùng nam Trung Hoa không phải là người Hán mà là người vốn gần với người Việt cổ.
(3) Khảo cổ học Việt Nam, I. Thời đồ đá, và II. Thời đại kim khí Việt Nam, Hà Văn Tấn Ed, Nhà xuất bản Khoa học Xã Hội, Hà Nội (1998).
(4) Dictionnaire de la Préhistoire, Leroi-Gourhan A. chủ biên, Presse Universitaire de France, Paris, (1994)
(5) Nhân xem Lê Thành Khôi, Đọc sách Trần Ngọc Thêm, phần về năm xây Văn Miếu, Diễn Đàn Forum, số 125, tháng 1-2003, tr. 16. Tôi xem lại Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (mộc bản khắc năm 1697, Ngô Đức Thọ dịch, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993) thấy những điểm vô lí đúng như Lê Thành Khôi đã nêu ra. Ngô Sĩ Liên ghi : “ Tháng 8 (năm 1070), vua (Lý Thánh Tông) làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Từ phối, vẽ tượng Thất Thập Nhị Hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây ”. Xem những trang trước và sau, thấy ngay là Hoàng thái tử lúc đó mới bốn tuổi, mà vua cha là người rất sùng đạo Phật, lẽ nào lại cho lập Văn Miếu thờ Khổng Tử và môn đệ, cho con vào học ở đấy thay vì học ở chùa như tiên đế nhà Lý ? Thái tử lên làm vua (Nhân Tông) chỉ thấy chịu ảnh hưởng Phật giáo. Thế mà việc lập Văn Miếu vào thế kỷ 11 vẫn còn được chép lại trong sách sử ngày nay và trong các sách hướng dẫn du lịch ngoại quốc.
Tạ Chí Đại Trường nhận xét như sau về việc các tác giả đi sau lập lại người đi trước (Văn học tháng 1&2, 2003, tr. 53) : “ Sử sách chỉ có một quyển, truyền thuyết chỉ có một dòng, hệ thống diễn giải chỉ có một nếp ” và về khuynh hướng lấy một vài dữ kiện ngành khảo cổ để đẩy xa hơn nữa sự đề cao dân tộc : “ Sử gia khoa học ngày nay lại đem mê tín mới, về trống đồng để chứng minh bốn ngàn năm văn hiến từ Hùng Vương.... Nghe như sự tán rộng từ lời sử quan về việc truyền đời “ dòng mối ức vạn năm, với trời không cùng (tột) ” cộng thêm với mớ bùa chú khảo cổ học mà thôi ”. Eden in the East không phải là thánh kinh, và có lẽ khoa học gia Oppenheimer cũng không cần thuyết của mình trở thành tín điều.
Http://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-127/111oc-111ia-111ang-o-phuong-111ong





51. BÍ ẨN TRỐNG ĐỒNG NGỌC LŨ
TÁC GIẢ LÊ ĐÌNH QUỲ


Chìa khóa để mở những điều bí ẩn của nghệ thuật trống đồng thời Đông Sơn.Theo giả thuyết này trống đồng sinh ra để hòa đồng với dàn cồng trong ngày hội lễ phồn thực của các dân tộc như dân tộc Thái vào mùa Xuân tháng 2 có hội lễ “Kin Chiêng booc mạy”
Chìa khóa để mở những điều bí ẩn của nghệ thuật trống đồng thời Đông Sơn.Theo giả thuyết này trống đồng sinh ra để hòa đồng với dàn cồng trong ngày hội lễ phồn thực của các dân tộc như dân tộc Thái vào mùa Xuân tháng 2 có hội lễ “Kin Chiêng booc mạy” dịch : Mùa xuân ăn chơi hoa rừng. Trò ông đúc bà đúc, trò đâm mẹt ,trò đánh đu đôi, trò lễ giao duyên,chợ tình……Đó là các trò để ca ngợi song thần : Sinh – Dưỡng biểu tượng cho thần Cha – Mẹ của bộ tộc Việt. Cha thuộc Mặt trời khí Dương, mẹ thuộc Trái Đất khí Âm, hai vị thần này phù hộ cho bộ tộc sinh nhiều con cái nhất là nhiều con trai để bộ tộc mới có sức mạnh chống giặc ngoại xâm.

Hai vị thần Sinh – Dưỡng còn thể hiện ở trong các tháp Chàm, cột đá chùa Dạm- Bắc Ninh, cây đào, cây quất, đào là khí dương của Cha,có màu đỏ, mẹ khí âm của đất,cây quất có màu vàng, bánh của người Việt cổ trong tết ngày xưa là bánh ống tròn như cái giò có nhân bên trong, đó là biểu tượng của thần Sinh-Cha. Hai bánh dày bằng gạo nếp trắng không có nhân, đó là biểu tượng của thần Dưỡng- Mẹ, ngày nay còn lưu lại ở các dân tộc và miền Nam Việt Nam. Ngày nay bánh chưng và bánh dày vuông và tròn là bánh mới và quan niệm sai về trời đất. Ở xứ Thanh còn có một loại bánh gọi là bánh ít trong các ngày tết mùa xuân, biểu tượng đó là dương thực khí của người cha. Các dụng cụ như ông bình vôi cũng là vị thần sinh dưỡng, bát cơm in quả trứng, đũa lông bông, trên hòm người chết cũng là biểu tượng của thần sinh dưỡng, đó là hình tượng mô phỏng lại 4 cặp giao cấu trên t

hạpđồng đào thịnh, đó là mộ chôn xác tộc trưởng bên trong theo kiểu chôn chum, tục trầu cau của người Việt, bầu rượu nậm vú của người Việt cũng là biểu tượng của hai vị thần Sinh –Dưỡng và còn nhiều dụng cụ khác…


Như vậy trống đồng là hai vị thần Sinh- Dưỡng kết hợp với nhau mà thành, thần Cha thuộc dương mặt trời là mặt trống đồng, phần tang mô phỏng chiếc sọt đựng bát của người cổ xứ Thanh là biểu tượng của thần Dưỡng thuộc Mẹ. Trống đồng có rất nhiều loại nhưng đề tài thể hiện chỉ quay xung quanh nội dung của hai vị thần Sinh- Dưỡng, cho nên đó là chiếc chìa khóa để mở tất cả các điều bí ẩn được khắc trong hình tượng và các hoa văn của trống đồng thời Đông Sơn. Thuở hồng hoang dân số còn rất ít cho nên cần nhiều con trai thì bộ tộc mới có sức mạnh, nên thờ hai vị thần này là rất quan trọng trong sự sinh tồn của bộ tộc thời tiền sử.

Quan sát trống đồng qua nhiều niên đại khác nhau, ta tìm được những điểm chung hầu như rất ít thay đổi: Hình dáng của trống là mô phỏng hình dáng chiếc sọt đựng bát (Còn lại đến nay phổ biến khá nhiều ở các miền thôn dã của xứ Thanh – nơi tìm được khá nhiều trống đồng cổ).
Mặt trống đồng luôn có trung tâm là mặt trời, biểu tượng khí dương của thần Sinh, tang trống mang dáng cái sọt bát.Cái sọt đựng bát ăn cơm là biểu tượng của thần Dưỡng. Mặt trời trên mặt trống đồng được cấu trúc đan xen giữa các tia là biểu tượng của Âm vật và Dương khí (Âm dương xen kẽ hòa đồng).


Trống đồng Ngọc Lũ được cấu trúc hoàn chỉnh nhất theo ý nghĩa của giả thuyết trên. Trên trống có 14 tia mặt trời, con số 14 là biểu tượng cho sự hòa đồng giữa 2 giới tính dương và âm, tình yêu của 2 giới tính luôn được thể hiện không thể thiếu hai bàn tay của nam và nữ, tuy khác nhau về lý tính nhưng giống nhau ở 14 đốt ngón tay của cùng một bàn tay. Trên trống lại xuất hiện thêm con số 14 nữa đó là 14 con cò con – biểu tượng 1 thằng Cò, con số hòa đồng giữa 2 giới tính âm và dương để sinh ra 1 thằng cu. Một bên 8 con cò con cộng với 6 con cò con bên kia tạo thành con số 14.


Cũng trên vòng trang trí với 14 con cò, còn được khắc họa 20 con hươu, 10 con đực, 10 con cái xen kẽ nhau – con số 20 là số ngón tay của bốn bàn tay 1 cặp nam nữ đan xen nhau trong thời điểm khoái cảm của ái ân


Trên các họa tiết trang trí khác, ta còn thấy được các motip ngược xuôi của những vòng tròn đồng tâm có tiếp tuyến. Các vòng tròn này là biểu tượng của thần Sinh – Dưỡng, hai vòng tròn có tâm là biểu tượng hai bầu vú – thần Dưỡng, nét gạch tiếp tuyến như chiếc dùi cồng hay là dương thực khí biểu tượng của thần Sinh – Mặt Trời.


Tuy nhiên, khi nói tới nhân sinh quan của người xa được hình thể hóa trên trống đồng, chúng ta không được phép quên cách sử dụng trống đồng cổ của người Việt cổ: Đó là con gái cầm chày giã vào Mặt trời chứ không phải con trai đánh trống đồng, chày ở đây là biểu tượng dương thực khí của thần Sinh, đánh vào trung tâm Mặt trời, làm rung động khí âm dương đó là nghi lễ phồn thực.


Trống đồng Ngọc Lũ được đánh giá là loại trống cổ nhất và đẹp nhất, được xếp vào Heger loại 1, Phân tích những bố cục chính và các hình ảnh được khắc trên mặt trống Ngọc Lũ cũng như dưới tang trống.

Mặt trống đồng Ngọc Lũ được các nghệ nhân bố cục có 4 phần chính:
- Phần trung tâm: Hình ảnh ông Mặt trời được đắp cao nhất có 14 tia sáng là hình tượng thuộc Cha – Thần Sinh.Xen kẽ là 14 tia sáng là hình ảnh của Âm vật biểu tượng cho Mẹ - Thần Dưỡng. Tục ngữ Việt Nam có câu: Cha sinh – Mẹ Dưỡng. Khi đánh vào Mặt trời tức là đánh vào dương khí kích thích vào vị thần Cha – đồng thời cũng là kích thích vào thần Mẹ thuộc âm. Hai vị thần sẽ hòa hợp mà làm nên sự sáng tạo ra linh hồn, vì vậy mà trống đồng là vật thiêng liêng tôn thờ. ai giữ trống, người đó nắm được quyền uy – tù trưởng. Đặc biệt 1 năm trống đồng chỉ được đánh 1 lần vào lễ hội mùa Xuân tháng 2, đánh xong để thờ - đó là linh hồn của bộ tộc.

Ngoài Mặt trời là một khoảng trống được khắc vạch nhiều chi tiết li ti đó là biểu hiện của sự âm hưởng giao hòa.

- Phần thứ hai được khắc họa sinh hoạt văn hóa phồn thực của người Việt Cổ. Hình ảnh chính là các vũ nữ đội mũ lông cò, váy là lá cây hở đùi, ngực để trần phô diễn sinh lực của các cô gái tơ, có vũ nữ thổi khèn bè, có vũ nữ cầm chuông, có vũ nữ cầm tên săn bắn, còn phần lớn là phô diễn đôi bàn tay tuyệt mỹ của vũ điệu. Có 12 vũ nữ biểu hiện cho 12 tháng trong 1 năm.

Vào thời hoang sơ mông muội mà ông cha ta đã quan sát tự nhiên: cỏ cây, hoa lá để biết được quy luật của Trái đất một năm có 12 tháng. Bên cạnh các vũ nữ lớn có 1 vũ nữ bé cũng tập múa theo. Đó là hình ảnh của tháng nhuận trong năm, không đội mũ lông chim.



Tiếp đến phía trước các vũ công là 1 dàn cồng có 14 chiếc và nhạc công đang gõ nhịp (con số hòa đồng). Hai tay đánh 2 dàn cồng, chân đạp gõ nhịp giống như chiếc mỏ neo luồn dưới gầm dàn cồng. Cồng là hình ảnh của vú Mẹ - thần Dưỡng. Ta nên hiểu ngày hội lễ lớn cồng được xếp số chẵn 10-12-24-18-24 và chỉ khi bộ tộc có người chết, cồng mới đánh số lẻ 3, cồng biểu tượng cho 3 hồn.


Bên cạnh đàn cồng được khắc họa hình ảnh một bà đỡ đẻ. Hai tay bà nâng 1 con cò con ra đời, đó là niềm hân hoan nhất của bộ tộc, sinh ra nhiều thằng cò. Bên cạnh bà đỡ còn thấy 1 đôi trai gái trẻ đang làm nghi thức giao cấu – đó là hình ảnh hai người ngẩng cao đầu hân hoan giã gạo mà người xứ Thanh gọi là: “giã cấu”, điều đó còn có nghĩa giao hợp nhau để cấu thành đứa con. Thổ ngữ mà người xứ Thanh Hóa hay gọi hạt gạo là “Hột cấu”. Bên cạnh cặp trai gái là cái nhà sàn được thiết kế rất đẹp, mái cong, hai đầu nhà biểu tượng hai đầu thần chim cò.

Trên mái nhà được khắc một đôi chim công một trống một mái hoặc một con trống. Chim công là loài chim yêu nhau rất tuyệt mỹ. Công phải múa đẹp để quyến rũ bạn tình, công cũng hiền hòa và chung thủy nên ông cha ta đã lấy Công làm biểu tượng cho tình yêu đẹp.

Trong nhà sàn có đôi trẻ trai và gái ở trần truồng đang chơi trò “khai hoa – kết quả”. Trò chơi mục đồng vẫn còn lưu lại tới ngày nay, ta thường gọi “trồng hoa – trồng nụ”. Đây cũng là trò chơi mang ý niệm phồn thực. Trò chơi là môn luyện nhảy cao tăng thể lực cường tráng để nòi giống khỏe mạnh, ý niệm khai hoa kết quả đến nay tục chơi xuân của ta ngày tết không thể thiếu cành đào, cây quất. Cây quất càng nhiều quả mang nhiều ý niệm mong cho con cháu đông đúc xum vầy. Bên cạnh nhà sàn có 4 đứa trẻ đang tập đánh trống đồng. Qua hình ảnh này, ta nhận thấy trống đồng được đào xuống đất, đặt trống vào để đánh, điều đó càng chứng minh thêm cho giả thuyết : Hội lễ phồn thực để cầu thần Sinh Dưỡng đẻ ra nhiều con trai gái là đúng. Trống thuộc Dương khí, mặt trời, đất Mẹ thuộc Âm khí.Đào xuống đất đánh để hai khí hòa đồng mang theo ý niệm tín ngưỡng. Xin trời đất cho việc sinh nở đúng quy luật tự nhiên, không bị quái thai. Câu ngạn ngữ chúc cho Mẹ tròn con vuông cũng có ý nghĩa như vậy.

- Vòng thứ ba được bố cục đối xứng 20 con hươu xen kẽ nhau đực cái. Bên cạnh đàn hươu là đàn cò có đầu to như nhau được xếp mỗi bên 8 con, một bên 6 con tổng cộng là 14 con. Hai mươi con hươu la 20 ngón tay của 1 cặp nam nữ, 14 là con số 14 đốt ngón tay giống nhau - đó là số sinh 1 thằng cò (con số hòa đồng của 14 con cò). Tay là nơi biểu hiện cho tình dục, nên các nghệ nhân đã dùng con số 20 và 14 thể hiện thâm ý này. Hươu là loài có nhung rất bổ thận âm dương nên lấy hươu là tượng hình sức mạnh của tình dục.

 - Vòng thứ 4 là bầu trời Lạc Việt : Cò bay, cò đậu, để ca ngợi thần Cha. Bên cạnh đàn cò bay các nghệ nhân lại để một khoảng trống có vạch khắc li ti đó là âm hưởng giao thoa giữa mặt trống và tang trống – giữa thần Sinh với thần Dưỡng. Đặc biệt trên mặt trống còn có khắc họa những vòng tròn đồng tâm có tiếp tuyến. Các nhà nghiên cứu thường cho đó là những trang trí có hình kỷ hà, theo giả thuyết này đó là biểu tượng cao của 2 vị thần. Hai vòng tròn đồng tâm là hình ảnh 2 vú Mẹ, nét gạch giữa là dương thực khí của Cha. Các vòng tròn được trang trí chạy xuôi, ngược cũng có ý niệm âm dương.

Tang trống chủ yếu khắc họa cảnh thuyền chiến bảo vệ nòi giống cũng mang triết lý là thần Dưỡng .


Thuyền chiến dài có đầu chim cò làm biểu tượng, ở giữa thuyền là một chiến binh đánh trống da có lẽ là trống lệnh tiến lui, thu quân, gần đuôi thuyền có một vọng gác nhìn xa cho thủ lĩnh, có hình hươu. Tay thủ lĩnh cầm cung tên, trên thuyền đã có chiến binh đang sọc giáo vào đầu tù binh để thể hiện đây là thuyền chiến. Có những tang trống còn trang trí trừu tượng về những chiến binh đã hi sinh: bằng những vòng tròn đồng tâm mà trên đó là cái lông cò, không có hình người (biểu tượng cho linh hồn của chiến binh đã hi sinh). Bốn quai trống được tạo hình theo kiểu đan tre nứa.Có ngụ ý: hình trống mang hình cái sọt đựng bát bằng nứa xứ Thanh nay vẫn còn dùng ở các chợ quê. Nhân đây xin giải thích thêm có một số trống đồng khác để cóc, ếch trên mặt trống, được người Việt cổ tôn thờ, theo giả thiết của các nhà khoa học thì cóc, ếch để cầu mùa, cầu mưa, nhưng ta phải hiểu rằng lịch sử thời Hùng vương chỉ có 2 nghề săn bắt và hái lượm. Theo giả thuyết này người xưa quan sát tự nhiên thấy cóc, ếch có rất nhiều con như đàn nòng nọc dưới nước nên tôn thờ 2 vị này phù hộ cho bộ tộc của mình cũng có nhiều con như thế.


Qua phân tích trên ta còn thấy, trống đồng là bảo vật đặc biệt của quốc gia – nó đã để lại cho Việt Nam có một nền văn hóa lớn và rất sớm. Nó đã để lại dư âm cường thịnh của một thời “Văn hóa Đông Sơn”. Chúng ta rất tự hào về nghệ thuật tạo hình của người Việt cổ, hình vẽ được biểu tượng rất cao quý, đó là trí tuệ tuyệt vời của người Việt cổ, để cho con cháu ở thế kỉ này còn đang ngỡ ngàng và bái phục. Một nền nghệ thuật của thế kỉ đồ đồng vươn tới đỉnh cao của 1 nền văn minh hùng mạnh - thời của vua Hùng dựng nước Văn Lang.

Tác giả : Họa Sĩ Lê Đình Quỳ (BBT-ST)


Thứ sáu, 27 Tháng 6 2008 23:16
Email In


52. KHẢO CỔ VIỆT NAM SOI SÁNG VĂN MINH ĐÔNG SƠN
Nguyễn Đức Hiệp


Bài này viết để giới thiệu về nền văn minh Đông Sơn và sự liên hệ của văn minh Đông Sơn với các văn minh khác trong vùng (như Sa Huỳnh). Sự hiểu biết về văn hóa Đông Sơn còn được nhiều đóng góp về sau này nên sẽ không ngạc nhiên khi có những thuyết và tranh luận giừa các nhà khoa học nghiên cứu về nguồn gốc, biểu tượng, văn hóa Đông Sơn.

Từ các thập niên 50 đến 80, các nhà học giả Việt nam đã khai quật khám phá và đóng góp nhiều hiểu biết quan trọng về văn hóa Đông Sơn và công bố trong các tạp chí Khảo cổ học, Lịch Sử, Xã hội, các hội nghị khoa học trong và ngoài nước. Nhiều nghiên cứu có giá trị của Hà Văn Tấn, Chử Văn Tần, Phạm Văn Kỉnh, Diệp Đình Hoa, Phạm Minh Huyền.. bằng quốc ngữ chưa được biết nhiều ở các học giả nước ngoài .

Đáng chú ý, là từ các di chỉ tiền Đông Sơn khám phá ở các vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ đến các nghiên cứu về dân tộc và xã hội học, ta có thể thấy sự phát triển liên tục của văn hoá, văn minh Đông Sơn và cho thấy tính chất nội sinh và bản địa của nó. Các yếu tố ảnh hưởng từ ngoài, mà nguồn chính là từ vùng thảo nguyên Trung Á, thể hiện ở một số nhỏ hoa văn động vật và phong cách, cho thấy sự trao đổi văn hoá, kinh tế qua con đường từ trung du Bắc bộ đến Vân Nam và Tứ Xuyên qua sự trung gian của văn hoá Điền ở vùng Hoa nam.

Các điều kiện nghiên cứu tuy không đầy đủ như ở các nước khác, nhưng phẩm chất và nội dung rất phong phú. Ông Tạ Chí Đại Trường, một sử gia miền Nam trước 1975, trong một bài báo gần đây ở Mỹ, đã chỉ trích các nghiên cứu khảo cổ học ở Việt Nam là quá thiên về sự tự hào dân tộc và hoài nghi về các kết quả nghiên cứu. Ông ngay cả chỉ trích nhà sử học Mỹ Keith Taylor đã đến Việt Nam học hỏi và nghiên cứu các kết quả cùng với các nhà khảo cổ và sử học trong nước để kết thúc luận án tiến sĩ của ông mà sau này ông xuất bản cuốn sách với tựa đề “The birth of Vietnam”. Dĩ nhiên ngoài các công bố ít nội dung và có tính chất “diễn văn” mà ta có thể thấy dễ dàng và gạn lọc được ở các tạp chí khoa học trong nước, các nhà nghiên cứu vẫn biết được và trân trọng đa số các kết quả nghiên cứu có giá trị trong nước. Ông Tạ Chí Đại Trường đã có chút khách quan khi nhận định về khảo cổ học ở Việt Nam, nhưng khác với ông, tôi cho rằng các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam cũng có giá trị và đáng trân trọng.

Vừa đây Viện Khảo cổ học với đã xuất bản quyển sách "Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam" (Nxb Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1994, với sự tài trợ của Toyota Foundation tổng hợp một phần sự hiểu biết về văn hóa Đông Sơn từ các học giả Việt Nam. Đây là một bước nhỏ trong công việc tổng quan về vấn đề tìm hiểu văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam.


1. Sơ lược về khám phá và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn

Năm 1924, một nông dân làng Đông Sơn (Thanh Hóa), sau cơn nước lũ, đi câu cá ở bờ sông Mã, ngẫu nhiên phát hiện một số đồ đồng nằm trong lòng đất nơi bờ sông bị lỡ. Khi viên thương chính người Pháp, L. Pajot, thích chơi đồ cổ, mua được số đồ đồng trên và phát hiện sự tình, đã vội vàng báo cho trường Viễn Đông Bác cổ. L. Pajot được uỷ nhiệm tiến hành những cuộc đào bới ở địa điểm trên. Thế là tên làng Đông Sơn trở thành nổi tiếng dành cho "thời đại đồng thau ở Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ" khi Victor Goloubew ở trường Viễn đông Bác cổ công bố về các di vật đào được ở Đông Sơn trên tạp chí khoa học.

Trường Viễn đông bác cổ (Ecole Francais d'Extreme-Orient), thành lập năm 1900, trước đó đã sưu tập được một số đồ đồng như trống đồng Ngọc Lũ lấy từ chùa Long Đọi Sơn, Hà Nam (1903) và mua lại từ bộ sưu tập của Demange và D'Argence (1913 và 1927) mà trước đó họ đã thâu lượm và mua lại từ dân ở các vùng từ Bắc Ninh, Hà Đông, Sơn Tây tới Ninh Bình và Thanh Hóa.

Năm 1918, H. Parmentier đã công bố sự giống nhau kỳ lạ giữa hoa văn trên trống Ngọc Lũ với hoa văn trên các đồ đồng khác trong bộ sưu tập D'Argence. Trước đó, năm 1902, F. Heger, nhà nghiên cứu người Đức về các trống đồng ở Đông Nam Á đã xếp trống loại Ngọc Lũ (Đông Sơn) là trống đẹp và cao thuộc loại I (Heger I) trong 4 loại trống.

Sự khám phá ở Đông Sơn đã khởi động cho các cuộc tìm hiểu và nghiên cứu có hệ thống về thời đồng và văn hóa Đông Sơn của các học giả nhiều nơi trên thế giới. Năm 1934, nhà học giả người Áo, R. Heine-Geldern đã đề nghị gọi nền văn hóa đồ đồng ở Việt nam là "văn hóa Đông Sơn". Từ đó về sau các nhà nghiên cứu về văn hoá đồ đồng ở Đông Nam Á và Nam Trung quốc đã gọi chung nền văn hoá này là văn hóa Đông Sơn.

Sau năm 1954, các nhà khảo cổ Việt Nam đã khám phá ra nhiều di tích thuộc văn hóa Đông Sơn. Cho đến nay, 125 di tích đã được phát hiện ở khu vực Sông Hồng, Sông Cả và Sông Mã ở Việt Nam không kể các di tích Tiền Đông Sơn (Hà Văn Tấn, "Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam", 1994). Riêng số trống đồng loại I Heger (tức trống Đông Sơn) đã lên tới 143 chiếc. Trong đó có những trống đẹp, trang trí gần giống trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ như trống Cổ Loa phát hiện năm 1982 và trống Hy Cương phát hiện ở Đền Hùng mới đây. Trong năm 1997, các trống trên và nhiều trống khác đã được trưng dụng ở khắp nơi trong cuộc triển lãm đặc biệt về Thăng Long truyền thống tại Viện Bảo tàng Lịch sử, Hà Nội

Trong thư tịch lịch sử Việt Nam cũng có nói đến trống đồng trong sinh hoạt đời sống như lễ đông cô thời Lý, sứ Nguyên nghe trống đồng nhiều nơi khi sang Đại Việt dưới đời Trần. Đáng chú ý là ở chùa Đồng Cổ, Thanh Hoá có một tấm bảng gỗ khắc năm Bảo Hưng thứ 2 Tây Sơn (1802) của Tuyên Công Nguyễn Quang Bàn, con trai Nguyễn Huệ, ghi chép khá tỉ mỉ về trường hợp phát hiện và đo đạc khảo tả chiếc trống đồng cổ đặt trong chùa (1). Về sau chiếc trống này được người Pháp đưa vào trường Viễn đông Bác cổ. Trong luật Hồng Đức thờ Lê cũng có nói đến điều lệ trừng phạt lấy cắp hay phá hỏng tượng Phật và chuông dồng cổ. Có thể nói việc sử dụng trống đồng dần dần biến đi sau đời Trần cùng với các trống đồng.


2. Niên đại và nguồn gốc Đông Sơn

Thuyết cho rằng kỹ thuật làm trống đồng được truyền từ các các bộ tộc ấn-Âu (Indo-european) sang Nam Trung quốc rồi từ đó xuống Bắc Việt Nam lúc đầu đã được nhiều học giả như Parmentier, Finot, Maspero .. chấp nhận. Giả thuyết này được nghiên cứu từ sự giống nhau giữa các hoa văn, kỹ thuật của trống Đông Sơn và trống đồng của các bộ tộc indo-european. Cách đây vài năm và gần đây (đầu năm 1998), các nhà khảo cổ Trung quốc và phương Tây đã khám phá và công bố một vài mộ chôn của các người bộ tộc indo-european, Tochara, ở miền Tây TQ và cho thấy họ đã đi đến vùng này và gần hơn ở Nam và Bắc Trung Quốc. Những người này sau đó bị tuyệt chủng. Sự khám phá này cho thấy giả thuyết trên có thể đúng nhưng cần có sự nghiên cưú kỷ lưỡng hơn.

Mặc dầu không thống nhất trong sự xác định về niên đại của trống đống và văn hoá Đồng ở Đông Nam Á và Nam Trung Quốc, hiện nay các nhà khảo cổ cho rằng thời gian này kéo dài từ khoảng thế kỷ 9BC đến thế kỷ 1 sau công nguyên. Thời gian này tương đương với thời Hùng Vương đến giai đoạn đầu của Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam.

Theo Đào Duy Anh, căn cứ vào thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam, thi văn hoá Đông Sơn khởi từ thế kỷ 8BC đến thế kỷ 1 sau công nguyên. Ông chia ra làm 3 giai đoạn phát triển: giai đoạn 1 là giai đoạn hưng thịnh điển hình với các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ tương đương với thời kỳ hưng thịnh Hùng Vương. Giai đoạn 2 là giai đoạn tiến triển với trống Việt Khê, thạp Đào Thịnh, tương đương với cuối thời Hùng Vương và An Dương Vương. Giai đoạn 3 là giai đoạn suy vi, tương đương với thời kỳ đầu Bắc thuộc, Tây Hán và Đông Hán. Trần Mạnh Phú dựa vào diển biến hoa văn trên trống đồng cũng chia văn hoá Đông Sơn ra 3 giai đoạn như trên của Đào Duy Anh với giai đoạn 3 thuộc thời đại dồ sắt từ thế kỷ 2 trước công nguyên đến đầu thế kỷ 1 sau công nguyên.

Nhà khảo cổ Phạm Văn Kỉnh và Lê Văn Lan chia văn hoá Đông Sơn theo thời đại khảo cổ: giai đoạn đầu (sơ kỳ) của thời đồng thau với di tích của văn hoá Gò Mun, giai đoạn trung kỳ thuộc vào thời kỳ hưng thịnh đồng Đông Sơn và giai đoạn cuối là thời đại sắt cũng là mạt vận của văn hoá đồng Đông Sơn với đồ Tần-Hán có mặt bên cạnh đồ bản địa Đông Sơn, từ thế kỷ 3 trước công nguyên đến thế kỷ 1 sau công nguyên.

Hà Văn Tấn thì cho văn hoá Đông Sơn ở 2 giai đoạn: giai đoạn đồng thau và giai đoạn sắt. Nguyễn Linh thì không chia văn hoá theo giai đoạn mà nhìn tổng quan văn hoá Đông Sơn nằm trong thời hưng thinh và suy vong của thời đại đồng thau, từ thế kỷ 7 trước công nguyên đến khi nhà Hán sang cai trị cũng là lúc mạt vận của văn hoá Đông Sơn .Chử Văn Tần cũng như Nguyễn Linh coi văn hoá Đông Sơn tổng quan trong giai đọan cuối của một nền văn minh Đông Sơn khởi từ văn hoá Phùng Nguyên.

Phạm Minh Huyền chứng minh trong nền văn hoá Đông Sơn có sự phát triển khác nhau ở các địa phương, sớm nhất ở vùng sông Hồng rồi đến sông Mã. Sự kết thúc cũng khác nhau đánh giấu sự xuất hiện của đồ minh khí và tăng trưởng của đồ ngoại lai. Ông chia văn hoá Đông Sơn thành ba loại hình cơ bản: loại hình sông Hồng, loại hình sông Mã và loại hình sông Cả. Các loại hình có một số nét phong cách địa phương.

Cũng nên nhắc lại là từ miền Nam Trung Quốc xưa kia ở vào khoảng niên đại của trống đồng (thế kỷ 9 BC đến thế kỷ 2 AD) là vùng cư ngụ của các bộ tộc Bách Việt trước khi bị Hán hoá. Ở đây, văn hoá Đông Sơn cũng phát triển ở các bộ tộc vùng Hoa Hạ. Các lễ nghi, sinh hoạt của các dân trong thời này đã cho thấy rõ ràng tính chất của văn hoá Đông Sơn.

Bửu Cầm (2), trong bài triển khai từ nghiên cứu của Lăng Thuần Thanh “Đồng cổ đồ văn dữ Sở từ Cửu ca” (đăng trong Quốc lập trung ương nghiên cứu viện viện san đệ nhất tập, Đài bắc 1954, tr. 403-417) cho thấy họ Lăng dùng bài Đông quân trong Cửu ca của người dân Sở và những tài liệu dân tộc học về người A-Mi ở Đài Loan, người Nagas ở Assam cùng người Dayak ở Borneo để giải thích hình chạm trên trống đồng. Theo Bửu Cầm, Cửu ca của dân tộc Sở chẳng khác gì những bài “văn chầu” của đạo “thờ chư vị” ở nước ta. Nước Sở ngày xưa tuy rộng lớn nhưng dân tộc Sở không quá phức tạp, phần nhiều là giống Bộc, Lão tức Việt tộc, hoặc nói theo ngôn ngữ đời nay là giống Indonesian. Chính Sở vương Hùng Cừ đã nói: “Ta là man di, không cùng hiệu thụy với Trung quốc”.

Đồ đồng và trống đồng khám phá ở khu vực đông Nam Trung quốc được chia ra ba nhóm (3b) nằm trên 3 khu vực Tả Giang, Hữu Giang (giáp ranh với biên giới Việt Nam hiện nay) và Quế Giang-Tương Giang (giữa tỉnh Hồ Nam và Quý Châu). Đây cũng là vùng của các nhóm bộ tộc Việt: Lạc Việt, Câu Đinh, và Tây Âu. Các hoa văn trên một số trống đồng và rìu đồng giống hoa văn của nhóm Lạc Việt ở Bắc Việt Nam nhất là các rìu đồng hình hia tìm được ở vùng bộ tộc Tây Âu. Vùng Quế Giang của nước Tây Âu giáp với Hồ Nam bên kia Ngũ Lĩnh là địa phận xưa của văn hoá Sở..

Từ thập niên 60 đến nay, các học giả Việt Nam đã khai quật nhiều di tích Tiền Đông Sơn và Đông Sơn và đã công bố nhiều công trình nghiên cứu gần đây cho thấy có sự liên tục của các nền văn hoá. Từ đó đã khẳng định là nguồn gốc kỹ thuật và trống đồng Đông Sơn là nội sinh từ bản địa chứ không phải di từ bên ngoài vào (1). Tuy không phủ định là có sự giao lưu văn hoá giữa Đông Sơn ở Việt Nam, Nam Trung Quốc và vùng đồng cỏ phía Tây cho đến văn hoá Hallstatt Châu Âu, nhất là sự tương quan của một số hoa văn như các hoa văn ngôi sao trung tâm, xoắn ốc, thừng tết.. nhưng có rất nhiều hoa văn đặc biệt bản địa mà chỉ có ở Đông Sơn Việt Nam như nhà sàn, thuyền, người mặc áo lông chim, chim, cá, voi, hổ, hươu, cóc ... . Đặc biệt “thần thái Đông Sơn” trên trống đồng có tính chất bản địa Lạc Việt và khác xa với thần thái của trống đồng và đồ đồng của các văn hoá khác.

Với nhiều địa điểm dã được khai quật và nghiên cứu, như Gò Bông, Gò Mun, Gò Chiền, Đồng Dậu, Đường Cổ (Vĩnh Phú), Thiệu Dương, Quỳ Chử, Núi Nấp, Hoa Lộc (Thanh Hoá), Rú Trăn (Nghệ Tỉnh).., các nhà khảo cổ học Việt Nam đã đem lại sự hiểu biết sâu rộng hơn về các giai đoạn phát triển của văn minh Đông Sơn từ đồng thau đến sắt từ vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ tới lưu vực sông Mã . Giai đoạn Đông Sơn mà chúng ta thường biết từ khi Đông Sơn được khám phá chỉ là tiêu biểu cho một nền văn hoá phát triển từ khoảng thế kỷ 2BC đến các thế kỷ sau công nguyên. Những nghiên cứu trên phương diện địa tầng cũng như di vật tại các di tích cho biết sự liên hệ của các tầng văn hoá, như di tích Đồng Đậu chứa 3 tầng văn hoá từ Phùng Nguyên đến Gò Mun. Các hoa văn của Phùng Nguyên cũng đã được tìm thấy ở văn hoá Đông Sơn, cũng như sự chuyển tiêp của các loại hình đồ gốm, hoa văn trên đồ gốm cho thấy sự kế tiếp của các truyền thống văn hoá (1)(Chương VI, Hà Văn Phùng).

Văn minh và văn hoá Đông Sơn có thể được hiểu rộng hơn bao gồm bắt đầu từ giai đọan văn hoá Đồng Đậu, Gò Mun, Gò Chiền cho đến giai đoạn Đường Cổ ở vùng Trung du Bắc Việt tương đương với giai đoạn Đồng Ngầm, Quì Chử tới Đông Sơn ở vùng sông Mã, Thanh Hoá (3a). Có thể tóm tắt văn hoá Đông Sơn là sự liên tục của nền văn minh Đông Sơn bắt đầu từ giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên ở sông Hồng, văn hoá Quỳ Chữ ở sông Mã và Rú Trăn ở sông Cả.


Khi nói tới văn minh Đông Sơn ở Việt Nam, ta có thể hiểu nó bao trùm thời gian và không gian nói trên ở Bắc Việt Nam. Đặc trưng nhất của văn minh Đông Sơn là đồ đồng mà nổi bật là trống đồng. Các nhà khảo cổ Việt nam đã tìm được rất nhiều trống đồng kể cả trống đồng loại Heger I đẹp nhất như trống Hoàng Hạ, Cổ Loa, Hy Cương.. tương đương với trống Ngọc Lũ tìm được trước đó . Riêng trống đồng loại Heger I đã lên đến 143 chiếc, chưa kể hơn 100 trống minh khí (1).

3. Các di tích và di vật văn hóa Đông Sơn

Di tích

Di tích Đông Sơn được phát hiện ở khắp Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Thái Lan, Indonesia) và Nam Trung Quốc. Việt Nam là nơi có mật độ và số lượng di chỉ nhiều nhất, tập trung ở lưu vực sông Hồng và lưu vực sông Cả, sông Mã. Di tích cư trú, di tích mộ thuyền được phát hiện dọc sông Hồng đến Vĩnh Phú, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, sông Đuống, Thanh Hoá, Nghệ An. Đa số các di tích được khảo sát chi tiết và bảo tồn (một số như Đông Sơn, Thiệu Dương được khai quật và khảo sát nhiều lần), ngoài ra còn một số được khai quật “chữa cháy” khi được khám phá tình cờ ở các công trường, nhà máy, thuỷ lợi.. các hiện vật được lưu giữ nhưng không còn di tích bảo tồn .

Ngoài ra ở Hoa Sơn, Quảng Tây, gần biên giới Trung -Việt hiện nay, giáp Lạng Sơn là di tích nghệ thuật trên đá lớn nhất của văn minh con người, với khổ 200m x 40 m các hình vẽ chạm trên triền núi dọc sông Zuo. Trong các hình người (phù thuỷ hay chiến sĩ cầm gươm có vòng ở cán), có các hình trống với mặt trời ở giữa.

Đồ đồng Đông Sơn

Đồ đồng Đông Sơn gồm giáo, riều, mũi tên, chậu đồng, thố đồng.. nhưng nổi bật nhất là trống đồng . Nghề luyện kim đồ đồng và làm trống đống của người xưa đạt đến cao độ mà ngay cả gần đây vào các thập niên 60, 70 các chuyên gia ở Viện Khảo cổ Việt Nam đã bao lần tìm cách đúc lại các trống đồng mà không thành công.

Công cụ sản xuất gồm lưỡi cày, lưỡi cuốc, thuổng, xẻng.. dùng trong nông nghiệp . Đã có hơn 200 lưỡi cày đông Đông Sơn đã được tìm thấy. Các loại vũ khí gồm có giáo, lao, tên, nỏ, rìu, dao, kiếm ngắn, tấm che ngực. Mũi tên có nơi tìm được tới vạn chiếc như ở kho Cầu Vực. Trong vùng Cổ Loa, mủi tên đã được phát hiện ở nhiều nơi.

Các đồ dùng sinh hoạt thì có thạp đồng, thố đồng, bình, lọ, chậu, nồi, ấm, bát đĩa, thìa ... Một số thạp đồng Đông Sơn có hoa văn và hình tượng trang trí tỉ mỉ và đẹp như trống đồng. Thạp đồng nổi tiếng như thạp Đào Thịnh tượng trưng và thể hiện cao điểm của nghệ thuật văn hoá Đông Sơn.

Trống đồng Đông Sơn (Heger 1) cũng đã được phát hiện ở Gia Lai-Kontum (1921), Thủ Dầu Một, Sông Bé (1934) (3) và gần đây ở Bình Định (1998) cho thấy ảnh hưởng và sự liên lạc giữa khu văn mình Đông Sơn và Sa Huỳnh ở Trung Nam Bộ cho tới khu vực văn hoá Đồng Nai (di chỉ Dốc Chùa, Sông Bé khai quật năm 1977 đã cho thấy thời kỳ đồng thau phát triển bản địa tại khu văn hoá Đồng Nai)..

Đồ gốm và thủy tinh

Trong đợt khai quật ở Đông Sơn năm 1967, các nhà khảo cổ Việt Nam đã tìm đưọc bình gốm cổ cao, vai khép thân thấp, đặc trưng của loại hình gốm Sa Huỳnh. Trước đây, các loại hình gốm loại đèn và vịt nước cũng được biết ở các di chỉ Đông Sơn (7). Đặc biệt có sự tương quan của các hoa văn trên gốm và hoa văn trên đồ đồng Đông Sơn.

Rất nhiều đồ trang sức thủy tinh được khám phá ở các di tích mộ táng Đông Sơn. Tuy vậy số lượg và chất lượng không bằng các vật thủy tinh ở các di tích Sa Huỳnh từ Bình Trị Thiên tới Đồng Nai (trong các mộ chum, điển hình của văn hoá Sa Huỳnh) nhất là khuyên tai có mấu và khuyên tai hai đầu thú. Di vật đồ thủy tinh là chứng cớ khảo cổ cho thấy sự liên lạc và ảnh hưởng giữa hai văn hoá Sa Huỳnh và Đông Sơn. Mật độ các đồ thuỷ tinh tìm thấy ở các di chỉ Đông Sơn càng ngày càng nhiều đi từ đồng bằng sông Hồng xuống phía Nam và nhiều nhất là ở Làng Vạc vùng sông Cả, Nghệ An.

Trong sự liên hệ giữa Đông Sơn và Sa Huỳnh, ta nhận thấy đồ đồng Đông Sơn được khám phá rãi rác ở khu văn hoá Sa Huỳnh (đồ đồng tìm được rất ít ở di chỉ mộ chum Sa Huỳnh) ngược lại các đồ gốm và dồ trang sức thủy tinh mang đặc sắc của Sa Huỳnh được tìm thấy ở các mộ táng và di chỉ Đông Sơn. Các di chỉ mộ chum Sa Huỳnh ở Hàng Gòn, Dầu Giây, Đập Suối (Xuân Lộc, Đồng Nai) được xác định bằng C14 vào khoảng cách đây 2300 năm, tức là vào khoảng của niên đại đồng Đông Sơn ở Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc.

Về màu sắc và thành phần hoá học, thuỷ tinh Sa Huỳnh và Đông Sơn tương tự như nhaụ Vòng tai và tay đa số là maù xanh lá cây già, xanh lơ, xanh lá mạ. Ngoài thành phần hoá học cơ bản của thuỷ tinh là oxid silic (SiO2), thuỷ tinh Sa Huỳnh và Đông Sơn không có oxid chì (PbO). Trong thời đại muộn hơn (vaì thế kỷ sau Công nguyên), thuỷ tinh tìm được ở Trà Kiệu, Lâm Đồng có chì. Đây là điều chứng tỏ có sự thay đổ kỹ thuật nấu thuỷ tinh so với giai đoạn sớm hơn thuộc văn hoá Sa Huỳnh và Đông Sơn (1).

Ngoài những di vật đồng và gốm, thủy tinh nói lên sự trao đổi giữa 2 văn hóa, Hà Văn Tấn (5) đã nghiên cứu những đồ gốm khai quật ở các di chỉ văn hóa Phùng Nguyên (mà cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Tiền Việt Mường có niên đại trước Đông Sơn) và cho thấy có sự liên hệ với các đồ gốm Lapita khám phá ở các di chỉ các đảo Nam Thái Bình Dương (New Caledonia, Solomons, Tonga, New Britain, New Hebrides..). Theo Chử Văn Tần (6), có sự tương quan rất nhiều giữa loại hình gốm và hoa văn ở gốm Sa Huỳnh với các gốm ở di chỉ văn hoá Gò Bông-Hoa Lộc (Thanh Hoá) ở đầu thời đại đồng thau, trước Đông Sơn.



4. Đời sống vật chất, văn hóa và tâm linh người Đông Sơn

Để tìm hiểu đời sống và văn hoá Đông Sơn, ngoài các thông tin và tư liệu từ các di chỉ khảo cổ khai quật được, các nhà học giả Việt Nam còn dựa vào các thư tịch cổ của Trung Quốc như Thủy Kinh Chú, Quảng Chí, Hậu Hán thư, Giao Châu ngoại vực ký.. và Việt Nam như Lĩnh Nam Chích quái, Việt Điện U Linh, Vân Đài Loại Ngữ (Lê Quý Đôn). Các nguồn tư liệu qui giá khác là dân tộc học và văn hoá dân gian Việt Nam.

Con người Đông Sơn

Các cảnh tượng sinh hoạt trên mặt trống đồng cho ta thấy người Đông Sơn có đời sống gắn liền với sông, nước. Các di chỉ mộ thuyền được tìm thấy rất nhiều ở các tỉnh ven biển như Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình mà cách nay hơn 2 ngàn năm nằm giáp với biển Bắc Bộ, cho thấy họ có nguồn gốc và liên hệ mật thiết với biển. Mộ thuyền cũng đã được tìm thấy ở nhiều nơi ở Đông Nam Á (Kalimantan, Thái Lan, Phi Luật Tân). Đối với cư dân gần nước, khi sống họ dùng thuyền khi mất chiếc thuyền cũng đưa họ đi qua thế giới bên kia. Theo Goboulew, trong buổi lễ chiêu hồn Tiwah của người Dayak ở Borneo, khi có người mất, họ có “thuyền vàng” đưa linh hồn người mất đến thiên đường giữa hồ mây.

Theo ông Trịnh Cao Tưởng (8) nghiên cứu về đình làng Việt Nam, vị trí và địa thế lành hướng về sông nước của đình làng và kiến trúc đình Việt Nam mang hình tượng của một con thuyền hay cái lầu thuyền cho thấy âm hưởng của tâm thức người xưa vẫn còn để lại ảnh hưởng trong cuộc sống của người Việt Nam.

Về phương diện chủng tộc, có thể biết được giống người Đông Sơn qua các xương để lại trong các di tích. Rất nhiều đã bị mũn nát nhưng từ các năm 70, đã tìm được một số xương sọ ở các di tích như Núi Nấp, Quỳ Chử. Lê Văn Cường đã so sánh sọ các cư dân hiện đại trong vùng Đông Nam Á đến Papua, Úc và Eskimo để đưa đến dạng chủng tộc của con người Đông Sơn. Có hai loại hình đã được phân tích: loại hình Indonesien và loại hình Đông Nam Á. Loại hình Indonesien thuộc ngành Mongoloid với nhiều đặc điểm Australoid, trong khi loại hình Đông Nam Á mang đậm yếu tố Mongoloid nằm trong chủng tộc Nam Á của ngành Mongoloid. Các sọ tìm ở Việt Nam trong thời đại đá giữa và đá mới không hề thấy có sọ thuần Mogoloid, cho thấy nhóm loại hình Indonesien cổ được hình thành ngay từ thời đá mới bên cạnh các loại hình khác như Australoid và các loại hình hổn chủng khác. Cư dân Đông Sơn là hậu duệ của loại hình Indonesien do hổn chủng tăng mạnh vào thời đại kim khí.

Trong các mộ thuyền khai quật, các nhà khảo cổ Việt Nam đã thấy các người Đông Sơn đều nhuộm răng đen. Tục nhuộm răng đen và ăn trầu là tục xưa ở các dân tục vùng Đông Nam Á, và các đảo Thái Bình Dương. Tục này vẫn còn phổ biến ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Người Đông Sơn là các bộ tộc vùng trung du giao thoa với các bộ tộc vùng bờ biển và đồng bằng gốc Malaỵ Hai nguồn này là gốc Âu Việt và Lạc Việt mà sử sách và truyền thuyết đã để lại. Mối giây liên lạc giữa vùng núi và vùng biển đã được thể hiện ở truyền thuyết Âu Cơ, Lạc Long Quân và Sơn Tinh, Thuỷ Tinh. Các mộ thuyền Đông Sơn được tìm thấy ở dọc các vùng trũng ven sông: từ Việt Khê, Hải Phòng, qua Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội (cầu Giấy, sông Tô) đến Hà Sơn Bình. Đặc biệt các mộ thuyền khám phá ở vùng sông Châu, Hà Nam đều quay đầu về hướng núi Đọi. Mộ thuyền bắt nguồn từ vùng Đông Nam Á hải đảo với truyền thống không ít hơn 2,500 năm lịch sử. Từ vùng ven biển nó hội nhập vào văn hoá Đông Sơn, ngược theo các sông vào các vùng trũng hai bên tả ngạn sông Hồng. Cùng với nó là sự hội nhập hàng ngàn từ gốc ngữ hệ Malayo-Polynesian vào tiếng Việt. (9)

Không những thế trong thời gian này, vùng Bắc Việt Nam cũng là nơi các thuyền nhân từ phương xa đến. Theo Trần Quốc Vượng (9), thì truyền thuyết An Tiêm và quả dưa đỏ từ Tây qua thì An Tiêm là người đến nước Văn Lang của vua Hùng là người từ xứ Ấn.

Tây Vu - biến âm của Tây Âu - bao gồm miền Đông Anh và Tiên Du là một bộ lạc lớn Âu Việt, là mủi nhọn đi xuống vùng đồng bằng Lạc Việt . Người Tây Âu cũng là hậu duệ của chủ nhân văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu là kết hợp của người trung du và vùng Quảng Ninh gốc hải đảo. Những cư dân Tày, Thái cổ, vừa gần gủi Nam Á vừa gần gủi Nam Đảo mà học giả Karl P. Benedict gọi là Kadai hay Nam Thái (austro-Thai) có lẻ là chủ nhân chính của văn hoá Phùng Nguyên (9).

Nói tóm lại con người Đông Sơn, mà hậu duệ là người Việt hiện nay ở bán đảo Đông Dương, là giao chủng của các giống dân từ bờ biển, đồng bằng và miền trung du Bắc phần. Tiếng Việt hiện nay đã mang di sản của sự giao thoa trên với gốc từ Mon-Khmer, Tày-Thái, Malay và Tạng Miến.


Môi trường sống

Ta có thể biết chút ít về thế giới động vật, thực vật và môi trường sống ở thời đại Đông Sơn qua các di tích đông, thực vật ở các di chỉ, mặc dầu chúng có ít và không được bảo quản tốt. Ngoài ra còn có các hình tượng, hình vẽ.. ở các di vật, các tư liệu, thư tịch cổ của Trung quốc ở giai đọan muộn của văn hoá Đông Sơn hoặc thời Hán sau này.

Đã có những di tích động vật nuôi phổ biến: voi thuần, chó nhà, lợn nhà và trâu bò. Các di tích này được tìm thấy trong các di trỉ và được thể hiện trên các hình khắc và tượng (thí dụ các hình vẽ trên đá vách núi Hoa Sơn, Quảng Tây giáp Lạng Sơn biên giới hiện nay, cho thấy có chó nhà).

Trong di tích Đông Sơn ở Làng Vạc, cũng tìm thấy những hạt thóc luá, trấu. Lúa thuộc loại hạt tròn, gần giống lúa chim hoặc lúa nếp. Nông nghiệp là hoạt động chính yếu của cư dân Đông Sơn. Theo Thuỷ Kinh Chú và Nam Phương thảo mộc trạng, thì vùng Giao Chỉ, Cửu Chân trồng nhiều nếp và dùng nếp nấu rượu. Cũng trong “Nam phương thảo mộc trạng” của Kê Hàm (xuất bản năm 304) về thực vật ở khu vực nhiệt đới Quảng Tây, Quảng Đông và Bắc Việt Nam, ta có thể thấy được môi trường thực vật như sau: cây bầu, cây chuối, cây tre, lúa, tùng bách, dương sĩ, xoan, dâm bụt, hoa nhài, hoa súng, mía, hạt tiêu, trầm hương, nhãn, vãi, dừa, chà là, nho, khế, chanh, rau muống, rau cải..

Qua một ít các di tích xương răng ở các di chỉ Đông Sơn và trên các hình tượng, ta chỉ thấy hình ảnh hạn hẹp của thế giới động vật. Loài thú thì có hổ, voi, tê giác, huơu sao, bò bưóu, cá sấu. Ngoài ra còn có loại chim thuộc bộ cò (cò, vạc, bồ nông..) thường đến miền Bắc Việt nam khi di cư về phương Bắc .

Theo Lĩnh Nam Chích Quái, thì người Việt xưa thường ăn canh cá, biết dùng cá tôm làm mắm. Theo truyền thống người Việt ít ăn thịt trừ những dịp lễ tết, hội hè. Như vậy ta có thể cho rằng thức ăn của người Đông Sơn xưa chủ yếu là gạo, bột và hải sản.

Các di chỉ trong mộ thuyền cho thấy dân cư Đông Sơn biết làm chiếu cói, vải. Vải mặc dầu mũn nát, đã cho thấy có nghề se sợi, dệt vải. Ngoài ra đồ gổ đều có lớp sơn, chứng tỏ nghề sơn đã xuất hiện từ vài ba thế kỷ trước Công nguyên.



Văn hoá và đời sống Đông Sơn

Heger cho rằng các hình ảnh trên trống Sông Đà là ngày hội khánh thành trống với các thuyền chở người đi dự, họ là những khách cầm thoa để đánh trống. Ngày khánh thành trống là một ngày hội lớn cho cả cộng đồng. Theo Loofs-Wissoma, trống đồng là vật tượng trưng cho quyền lực của người cầm quyền. Một thứ quyền uy kiểu tôn giáo ở Bắc Việt Nam mà các tù trưởng ở khắp mọi nơi, kể cả vùng Đông Nam Á, tìm đến để xin ban cho trống đồng, để làm vua một cách hợp pháp (1). Tuy nhiên thuyết này không đựợc tán thành vì không những chỉ ở Việt Nam mới có đúc trống mà ở miền Nam Trung Quốc, và các vùng lân cận ở Đông Nam Á cũng có đúc trống. Sự có mặt khắp nơi của trống đồng là do sự giao thoa văn hoá trong vùng (Trịnh Sinh trong “Văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam”).

Theo nhiều nhà khảo cổ thì nhiều hình ảnh trên trống đồng phản ảnh ngày hội mùa để gặt lúa nước và thu thập mùa màng. Đoàn người vừa đi vừa múa tay cầm giáo, lao, rìu hay nhạc cụ. Họ mặc trang phục lông chim, mũ chim. Một số người mặc áo choàng lông chim mà chỉ ngày lễ hội lớn mới mang ra mặc. Người Dayak ở Borneo vẫn còn phong tục mặc áo và mũ lông chim trong các buổi lễ. Như ta biết, trong truyền thuyết Trọng Thủy, Mỵ Châu, cũng có đề cập đến áo choàng lông ngỗng dành cho công chúa.

Ngày hội mùa cũng mang tính chất tín ngưỡng phồn thực mong cho mùa màng tốt tươị Hình ảnh trên tang trống của đôi trai gái trên mặt trống cầm chày giã vào cối phản ảnh tính chất trên. Trên thạp đồng Đào Thịnh còn có các cặp trai gái đang giao phối. Ngày nay, tục lệ trai gái giao duyên ngày hội mùa mong cho mùa mang tốt tươi là vết tích của tín ngưỡng phồn thực còn lại ngày nay trong dân gian Việt Nam. Trên trống đồng Ngọc Lũ, ta cũng thấy trong một ngôi nhà sàn, một đôi nam nữ ngồi với tay và chân giao vào nhau, đang hát đối đáp trong lúc ở góc có người đang ngồi đánh trống đồng.

Nghi lễ đâm trâu, đâm bò cùng có phản ảnh trên trống đồng như trên trống đồng Làng Vạc, với hình bò và các chiến binh cầm rìu, giáo nhảy múa. Tục này vẫn còn phổ biến ở các dân tộc Đông Nam Á và các dân tộc sống ở Tây Nguyên Việt Nam.

Ngày hội cầu mưa, cầu nước lên hay rút là những ngày hội mà nhiều xã hội nông hay ngư nghiệp coi trọng để thời tiết mưa thuận gió hoà. Nhiều trống Đông Sơn có tượng cóc trên mặt trống gần mép trống, ngoài các vòng tròn đồng tâm. Có khi có cóc mẹ cõng cóc con như trên trống Hữu Chung . Hình tượng cóc thường gắn với sự cầu mưa vì “con cóc là cậu ông Trời” như dân gian Việt thường nói. Tiếng trống đồng cũng biểu hiện cho tiếng sấm. Người xưa trong hội cầu mưa đánh trống để thức tỉnh thiên nhiên mang lại mưa cho vạn vật. Trống vì vậy có mục đích quan trọng trong đời sống dân Đông Sơn.

Trên các tang trống Đông Sơn như Sông Đà, Làng Vạc, Miếu Môn.. ta có thể thấy nhiều hình thuyền diển tả cảnh bơi chải. Tục bơi chải (bơi thuyền dưới nước và bơi thuyền tượng trưng trên cạn) thường thấy trong hội đua thuyền ở các làng thờ thần nước ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Ngay cả trong thơ văn đời Đường, cũng có bài nhắc đến tục dùng trống trong lễ nghi về thần sông. Mặc dù vào thời Đường đã là 5 thế kỷ sau khi văn minh Đông Sơn tàn lụi, như dư âm các dân tộc Việt vùng Hoa nam vẫn còn vọng lại ở kinh đô Trường An. Kinh đô Trường An có vị trí đặc biệt là nằm giữa vùng ranh giới của hai vùng văn hóa Hoa Nam và Hoa Bắc.

Tống khách nam quy hữu hoài
Lục thủy noãn thanh tần
Tương đàm vạn lý xuân
Ngõa tôn nghinh hải khách
Đồng cổ trại giang thần
Tỵ vũ tùng phong ngạn
Khán vân dương liễu tân
Trường An nhất bôi tửu
Toà thượng hữu quy nhân
(Hứa Hồn)

(Tiễn khách trở về Nam - Nuớc biếc làm ấm cỏ lau xanh, Hồ Tương vẻ xuân vạn lý, Bình rượu gạch nằm đón khách đi biển, Trống Đồng cúng thần sông, Núp mưa bên bờ có tùng và phong, Ngắm mây bến sông có dương liễu, Một ly rượu ở Trường An, Trên tiệc có người về quê)

Bát phách Man
Khổng tước đuôi kim tuyến trường
Phạ nhân phi khởi nhập Đinh Hương
Việt nữ sa đầu tranh thập thúy
Tương hô quy khứ bội tà dương
(Tôn Quang Hiến)

(Tám điệu gõ người Man - Chim tước đuôi kim tuyến dài lê thê, Sợ người bay lên đậu ở Đinh Hương, Cô gái Việt đầu bãi cát tranh nhau nhặt sỏi, Kêu nhau trở về nhà lưng quay lại ánh tà dương)

Bồ Tát Man từ
Mộc thiên hoa ánh tùng từ tiểu
Việt cầm thanh lý xuân quang hiểu
Đồng cổ dữ Man ca
Nam nhân kỳ trại đa
(Tôn Quang Hiển)

(Đền bồ tát người Man - Ngôi đền nhỏ trong bụi cây toả ánh hoa mộc miên, Trong tiếng hót chim Việt thấy ánh sáng ban mai mùa xuân, Trống Đồng và bài hát Man, Người Nam cầu cúng nhiều)

Ngoài ra còn các bài thơ của Ôn Đình Quân hay Đổ Mục (9)

Độc thần từ
Đồng cổ trại thần lai
Mãn đình phan cái bồi hồi
Thuỷ đối giang phố quá phong lôi
Sở sơn như haọ yên khai
(Ôn Đình Quân)

(Đền thần bến sông - Trống đồng cầu cúng thần, Đầy sân cờ lọng bồi hồi, Gió sấm lướt trên mặt nước bến sông, Khói mây mờ núi Sở như tranh vẽ)

Trên trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ, ta còn thấy hình người ở trần, bị trói quặt tay sau lưng ngồi trên sàn thuyền, trước mặt là những người cầm vũ khí. Có thể đây là lễ hiến tế cho thần nước, nạn nhận bị giết rồi quẳng xác xuống sông cho thuỷ thần. Theo tài liệu dân tộc học thì trong lễ cầu nước có lễ hiến tế để cống và chiều lòng thuỷ thần. Ngay cả gần đây ở vùng ven sông Hồng, sông Đáy và sông Mã vẫn còn tục bắt con gái hoặc con trai ném xuống sông cống Hà Bá trong khi nước lụt lội (1)

Trên trống cũng có hình các loại nhà sàn: nhà sàn mái cong hình thuyền với hai đầu vểnh trang trí hình chim và nhà sàn mái tròn. Trong nhà sàn hình tròn có chia làm hai gian chứa lương thực. Các vết tích của nhà sàn như cọc, gỗ.. đã được khai quật và khám phá trong những đợt khai quật đầu tiên của người Pháp ở Đông Sơn. Cư dân Đông Sơn sống gần sông nước xây nhà sàn để tránh nước lên và thú dữ.

Ngoài ra mặc dầu chưa có chứng cớ trực tiếp từ khảo cổ học, người Đông Sơn còn có thể có tục xâm mình, tục ăn đất, tục uống nước bằng mũi qua tư liệu sử học (như trong Hán thư, Lĩnh Nam chích quái), dân tộc học hay dân gian.

Các hình tượng và cấu trúc trên mặt trống biểu hiện thêm gì? . Ngoài các thuyết cho rằng là biểu tượng ngày hội trống, tục bái vật (totem), nghi lễ cầu mưa... Cấu trúc trên trống có thể cho ta biết về triết lý và quan niệm sống của chủ nhân trống đồng.

Theo Trần Quốc Vượng thì quan niệm sống của chủ nhân trống đồng đã được ghi và kết tinh trong các hình tượng và mô hình trên tang trống. Ông đã dùng kết quả nghiên cứu liên ngành từ dân tộc học và xã hội học để cho thấy quan niệm lưỡng hợp và lưỡng phân trong đời sống tâm linh của người Đông Sơn.

N.I Nicolin trong bài “Trống đồng Đông Sơn và quan niệm cây thế giới” (4) (dịch từ nguyên tác Nga đăng trên tạp chí Khoa học Xã hội) đã so sánh rất hay và lý thú về truyền thuyết người Mường và biểu tượng trên trống đồng Đông Sơn.

Dựa vào các khám phá và nhiều ý kiến về biểu tương trên trống đồng của các nhà khảo cổ Việt Nam gần đây (như Lê Văn Lan) cho rằng trống đồng Đông Sơn biểu hiện mô hình thế giới: mặt trống phía trên là thiên giới và trần giới, phần tang trống là thuỷ quốc và mặt dưới là âm phủ, Nicolin cho rằng có sự liên hệ mật thiết giữa trống đồng, biểu tượng trên mặt trống và huyền thuyết của người Mường, một dân tộc rất gần với người Việt.

Trong tâm linh và thần thoại người Mường về sáng tạo vũ trụ, con người, “cây cuộc sống” biểu hiện nguyên lý về trật tự thế giới đối nghịch với trạng thái hỗn mang khi thế giới tạo lập. Trong truyền thuyết sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, một văn bản chính yếu của văn hoá Mường

Ngày xưa sinh đời trước
Dưới đất chưa có đất
Trên trời chưa có trời,
Trên trời chưa có ngôi sao đỏ đỏ
Dưới đất chưa có ngọn cỏ xanh xanh
Con nhà, con người muốn dậy
Chưa có mặt mũi
“Cây cuộc sống” xuất hiện chấm dứt tình trạng hỗn mang
Mọc lên một cây xanh xanh
Cây xanh có chín mươi cành
Cành mọc lên trời lá xanh biết cựa
Thân trên mặt đất thân cây biết rung
Cành bung xung có tiếng đàn bà con gái
Cành chọc trời biến nên cật đứa cái
Là ông Thu Tha
Cành bung xung biến nên cật đứa con mái
Là bà Thu Thiên
Ra truyền: làm nên đất nên trời

Tâm linh về “cây cuộc sống” cũng có ở các dân tộc Việt, Lào (4). Cây là hiện thân số phận của con người trong dân tộc người Ê Đê. Tục thờ cây cối là một tín ngưỡng xưa của người Việt. Truyền thuyết trầu cau thể hiện tục thờ cây (10). Theo Trần Quốc Vượng (9), thì tục thờ mẫu Liểu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử, thì Liễu Hạnh, cùng hai đàn em trong Phủ là chầu Quỳnh, chầu Quế cũng như tên chồng của Mẫu là Đào lang, đều là tên cây, hoa. Ông cho rằng tục thờ mẫu Liễu Hạnh có liên hệ cội nguồn với tục thờ cây cối.

Cây cũng đdại diện cho bộ tộc người Chàm trong truyền thuyết lịch sử: bộ tộc dừa, bộ tộc cau. Cùng với cái chết của cây crêc (cây sắt) thì đất nước cũng diệt vong. Cũng vậy trống đồng biểu hiện “cây thế giới” cũng có thể biến thành cây chết, với sự khám phá trong một ngôi mộ cổ: trống bị lật ngược với mặt trên bị thủng.

Ở thế kỷ 1 sau công nguyên, Mã Viện nhà Hán sau khi chinh phục dân tộc Lạc Việt đã thu thập và nấu hết các trống đồng “cây sống” tượng trưng cho sức mạnh dân Việt. Mã Viện cũng dựng lên một “cây chết” trụ đồng với dòng chữ: “Đồng trụ triết, Giao chỉ triệt”. Theo Minh sử thì “Trống mất thì vận người Man cũng mất” cho thấy vị trí của trống đồng trong sự sống còn của bộ tục chủ nhân làm trống.

Giữa mặt trống ở trung tâm là hình “ngôi sao” mặt trời với 14 tia sáng, tượng trưng cho tục thờ Mặt trời. Sau các vòng tròn đồng tâm trang trí, là vòng thứ 6 mô tả xã hội loài người, các hội hè nghi lễ, các hình vẽ nhà sàn, các hình người đánh trống, đánh cồng. Cồng sử dụng trong ngày hội tượng trưng cho sự sinh sản thịnh vượng. Người Mường theo tập tục mẫu hệ, chiếc cồng biểu hiệu cho bộ ngực người phụ nữ và chiếc cồng với những quả bí ngô liên kết với nhau biểu tượng cho sự phồn thực.

Trên trống đồng, ta thấy có nhiều mo-típ về chim, và người ăn mặc dưới dạng chim. Sự phồn thực cũng có thể liên quan đến nhóm hình trên trống Ngọc Lũ: hình một người đàn bà và một người đàn ông dùng chày giã gạo trong cối đá. Phía trên nhóm hình này là bầy chim bay liệng - đó là linh hồn trẻ nhỏ chuẩn bị đầu thai vào lòng phụ nữ. Cũng như chim Lạc của bộ tộc người Lạc Việt, theo người Mường thì thuỷ tổ của họ được coi là loài chim.

Thế giới trên vòng tròn đồng tâm thứ 8 thể hiện thế giới loài vật. Thế giới này được thể hiện bởi hai đàn chim và hai bầy hươu (hoẵng). Trong “Đẻ đất đẻ nước”, bên cạnh cây thế giới ta cũng thấy hoẵng và chim

Đàn hoẵng chầu ở giữa
Lũ phượng hoàng chầu ở trên
Lũ chim nên chầu ở cành si, cành đa.

Trên vòng đồng tâm thứ 10, vẽ 18 con chim bay và 18 con chim đậu. Các con chim bay giống như những tia mặt trời liên kết thiên giới với trần giới. Những con chim đậu ở nước (thuỷ điểu) liên kết trần giới, thiên giới với thuỷ quốc. Đằng sau các thuỷ điểu là những con ếc đúc nổi bằng đồng. Các loài ếch này coi là trung gian giữa thiên giới và trần giới với tiếng kêu báo hiệu mưa từ trời. Trong dân gian Việt nam, con cóc ếch vẫn còn được gọi là “cậu ông Trời”.

Như vậy trên “cây thế giới” trống đồng, ta thấy cả những biểu tượng thể hiện tâm linh và văn hoá của chủ nhân trống đồng. Nó liên kết thiên giới, trần giới, xã hội loài người và thuỷ quốc.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Hà Văn Tấn chủ biên - Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Viện khảo cổ học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994
(2) Bửu Cầm - Tương quan giữa những hình chạm trên trống đồng Việt tộc và bài “Đồng Quân” trong Sở từ, Tập san Sử Địa, Số 25, 1973, Saigon, trang 49-80.
(3) Phạm Minh Huyền, Diệp Đình Hoa - Vị trí địa điểm khảo cổ học Thiệu Dương (Thanh Hóa) trong văn minh Đông Sơn, Khảo cổ học, 2/1981, trang 19-34.
(3b) Nguyễn Duy Hinh - Đồ đồng vùng Đông Nam Trung Quốc, Khảo cổ học, 2/1982, trang 29-33.
(3) Phan Đức Mạnh - Lịch sử nghiên cứu khảo cổ học thời tiền sử Đông Nam Bộ, Tạp chí Khoa học Xã hội, Tp. HCM, 13 (III/92), 1992, trang 47-52
(4) N.Ị Nicolin - Trống đồng Đông Sơn và quan niệm cây thế giới, Tạp chí Khoa học xã hội, Tp Hồ Chí Minh, 12, II/92, trang 60-68.
(5) Ha Văn Tấn - Văn hoá Phùng Nguyên, nhận thức mới và vấn đề, Khảo cổ học, 1/1978, trang 5-22
(6) Chử Văn Tần - Về văn hoá Sa Huỳnh, Khảo cổ học, 1/1978, trang 52-60.
(7) Diệp Đình Hoa - Người Việt cổ phương Nam vào buổi bình minh dựng nước, Khảo cổ học, 1/1978, trang 61-69.
(8) Trịnh Cao Tưởng - Kiến trúc đình làng, Khảo cổ học, 2/1981, trang 56-64.
(9) Trần Quốc Vượng - Theo dòng lịch sử, những vùng đất, thần và tâm thức người Việt, Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1996.
(10) Nguyễn Đăng Thục - Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập 1, Nxb Tp HCM, 1992.

53. VÀI NÉT VỀ ĐẶC TRƯNG CÁC DI TÍCH TIỀN ĐÔNG SƠN Ở LƯU VỰC SÔNG HỒNG 

NGUYỄN SỸ TOẢN

Tiền Đông Sơn là thời kỳ trước văn hóa Đông Sơn và phát triển trực tiếp lên văn hóa Đông Sơn. Thời kỳ này gồm 3 giai đoạn văn hóa: Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun, có niên đại trong khoảng 4000 – 2800 năm cách ngày nay. Tên gọi các giai đoạn văn hóa này lấy theo tên gọi của các di tích tương ứng, được phát hiện lần đầu tiên trong mỗi giai đoạn văn hóa ấy. Di chỉ Phùng Nguyên được phát hiện năm 1959 ở xã Kinh Kệ, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Năm 1962 phát hiện di chỉ Đồng Đậu xã Minh Tân, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Và di chỉ Gò Mun thuộc xã Tứ Xã, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ được phát hiện năm 1961. Giai đoạn văn hóa Gò Mun nằm ở bước phát triển cao nhất của hệ thống các di tích tiền Đông Sơn lưu vực sông Hồng, một khúc chuyển quan trọng sang văn hóa Đông Sơn sau này. 50 năm qua, kể từ khi phát hiện di chỉ Phùng Nguyên, đến nay các nhà khảo cổ đã phát hiện và khai quật hàng trăm di tích thuộc các giai đoạn văn hóa tiền Đông Sơn. Để nghiên cứu toàn diện một di tích cần phải nghiên cứu cả hệ thống các di vật thuộc di tích đó. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập những đặc trưng của các di tích tiền Đông Sơn, mà hệ thống di vật sẽ được trình bày trong một công trình nghiên cứu khác. Dưới đây là một vài phác thảo về đặc trưng của các di tích tiền Đông Sơn:


01. Đặc trưng khu cư trú: Các di tích văn hóa tiền Đông Sơn phân bố trên một không gian rộng lớn, cơ bản bao gồm các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây (cũ), Hà Nội và Bắc Ninh, tập trung dọc theo tả và hữu ngạn sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Đuống... Đây là vùng đất chuyển tiếp từ trung du xuống đồng bằng châu thổ sông Hồng. Các di tích tiền Đông Sơn thường nằm ở vị trí cao hơn xung quanh, nhằm tránh tác động của thiên tai như mưa lũ, ngập lụt, muỗi, thú dữ, đồng thời lại tạo được không khí trong lành và thoáng mát. Mặc dù vị trí các di tích thường tọa lạc trên đồi, gò cao, nhưng gần nguồn nước như: sông, suối, hồ, đầm... và cũng gần rừng, gắn bó với rừng. Việc lựa chọn nơi cư trú như vậy rất thuận lợi cho điều kiện sống và sinh họat hàng ngày, cũng như việc khai thác các tiềm năng kinh tế của cư dân Tiền Đông Sơn. Ở gần nguồn nước sẽ thuận tiện cho việc khai thác thủy sản tôm, cá, cua, ốc... và ở gần rừng sẽ thuận lợi cho nghề đi săn bắt (bắn) các loài động vật cũng như việc nuôi trồng khai thác nguồn nguyên liệu quí có thể lấy gỗ làm nhà, lấy cây rừng về làm thuốc... Qua vài nét phác thảo trên đây về địa bàn cư trú của cư dân các văn hóa Tiền Đông Sơn, cho thấy ngay từ buổi sơ khai con người đã có khả năng thích ứng, tận dụng và hòa hợp với môi trường tự nhiên như một bản năng và quy luật tất yếu vì sự sinh tồn của mình.


02. Cấu tạo địa tầng văn hóa: Tầng văn hóa có thể ví như những trang sách ghi lại dấu ấn về đời sống sinh họat của con người thời đã qua. Trang sách của nhà khảo cổ chỉ được mở duy nhất một lần. Vì vậy, mỗi khi mở những trang sách này, các nhà khảo cổ đều rất cẩn trọng. Việc nghiên cứu kỹ các lớp đất, nhất là tầng văn hóa, có một ý nghĩa rất quan trọng. Đối với tầng văn hóa thì màu sắc, độ dày, mỏng, kết cấu đơn giản hay phức tạp, di vật nhiều hay ít đều là những tiêu chí chủ yếu, để nhà khảo cổ xác định rõ tính chất đặc điểm của một di tích khảo cổ học (4). Tầng văn hóa phản ánh rõ nhất, đầy đủ nhất và khách quan nhất về tất cả các mặt đời sống trong quá khứ của cư dân Tiền Đông Sơn. Di tích cư trú phát hiện được trong các văn hóa Tiền Đông Sơn đều là các di tích cư trú ngoài trời. Địa tầng trong các giai đoạn văn hóa hết sức đa dạng về độ dày, mỏng và sự kế tiếp các giai đoạn văn hóa trong cùng một di tích. Có di tích tầng văn hóa gồm cả ba giai đoạn phát triển, thể hiện sự kế tiếp giữa các giai đoạn văn hóa từ Phùng Nguyên đến Gò Mun, như ở Đồng Đậu, Đình Chàng. Đây là một trong những đặc thù của các văn hóa thuộc thời đại đồng thau Việt Nam ở lưu vực sông Hồng. Bởi đó là những văn hóa phát triển kế tiếp nhau mang tính chất nội tại của một cộng đồng ổn định. Sự khác nhau về mặt văn hóa cơ bản chỉ là sự khác nhau về trình độ. Thời gian tồn tại cho thấy dân cư đã cư trú ổn định và liên tục trong một thời gian lâu dài (6).

Do đó, chúng ta có thể suy luận rằng chủ nhân của thời đại đồng thau không thể không có ngôi nhà để che nắng, che mưa, cho dù ngôi nhà đó to, nhỏ và hình thù ra sao với chất liệu gì. Điều này đang dần được hé mở bởi công sức tìm tòi, phát hiện và nghiên cứu của hàng trăm nhà khoa học trong nửa thế kỷ qua. di tích tầng văn hóa gồm cả ba giai đoạn phát triển, thể hiện sự kế tiếp giữa các giai đoạn văn hóa từ Phùng Nguyên đến Gò Mun, như ở Đồng Đậu, Đình Chàng. Đây là một trong những đặc thù của các văn hóa thuộc thời đại đồng thau Việt Nam ở lưu vực sông Hồng. Bởi đó là những văn hóa phát triển kế tiếp nhau mang tính chất nội tại của một cộng đồng ổn định. Sự khác nhau về mặt văn hóa cơ bản chỉ là sự khác nhau về trình độ. Thời gian tồn tại cho thấy dân cư đã cư trú ổn định và liên tục trong một thời gian lâu dài (6).


Do đó, chúng ta có thể suy luận rằng chủ nhân của thời đại đồng thau không thể không có ngôi nhà để che nắng, che mưa, cho dù ngôi nhà đó to, nhỏ và hình thù ra sao với chất liệu gì. Điều này đang dần được hé mở bởi công sức tìm tòi, phát hiện và nghiên cứu của hàng trăm nhà khoa học trong nửa thế kỷ qua. di tích tầng văn hóa gồm cả ba giai đoạn phát triển, thể hiện sự kế tiếp giữa các giai đoạn văn hóa từ Phùng Nguyên đến Gò Mun, như ở Đồng Đậu, Đình Chàng. Đây là một trong những đặc thù của các văn hóa thuộc thời đại đồng thau Việt Nam ở lưu vực sông Hồng. Bởi đó là những văn hóa phát triển kế tiếp nhau mang tính chất nội tại của một cộng đồng ổn định. Sự khác nhau về mặt văn hóa cơ bản chỉ là sự khác nhau về trình độ. Thời gian tồn tại cho thấy dân cư đã cư trú ổn định và liên tục trong một thời gian lâu dài (6). Do đó, chúng ta có thể suy luận rằng chủ nhân của thời đại đồng thau không thể không có ngôi nhà để che nắng, che mưa, cho dù ngôi nhà đó to, nhỏ và hình thù ra sao với chất liệu gì. Điều này đang dần được hé mở bởi công sức tìm tòi, phát hiện và nghiên cứu của hàng trăm nhà khoa học trong nửa thế kỷ qua.


03. Các di chỉ xưởng: Di chỉ - xưởng là một đặc trưng và thành tố quan trọng không thể thiếu trong đời sống xã hội của cư dân văn hóa Tiền Đông Sơn. Phát triển sản xuất không chỉ tạo công ăn việc làm cho người lao động, mà ngày càng tạo ra công cụ tốt hơn phục vụ lao động sản xuất làm ra của cải. Vì nếu chỉ đơn thuần biết nghề trồng lúa thì khi mất mùa sẽ gặp nhiều khó khăn “ ruộng bề bề không bằng nghề trong tay” Giai đoạn tiền sơ sử Việt Nam với ba trung tâm sản xuất nghề thủ công: Trung tâm đồng bằng Bắc bộ và bắc Trung bộ; Trung tâm đồng bằng Trung bộ; Trung tâm đồng bằng miền Đông Nam bộ. Văn hóa Phùng Nguyên là điển hình của vùng trung tâm đồng bằng Bắc bộ. Với hàng chục di tích được xác định chắc chắn là di chỉ xưởng chế tạo đồ đá. Từ các tư liệu khảo cổ học cho thấy một số công xưởng đã chuyên môn hóa trong sản xuất sản phẩm. Chẳng hạn: di chỉ - xưởng Gò Chè chế tác công cụ đá là chính; di chỉ - xưởng Bãi Tự chế tác mũi khoan hay di chỉ - xưởng Tràng Kênh lại chủ yếu chế tác vòng trang sức. Như vậy đã có sự phân công lao động giữa các vùng và các thành phần lao động - người thợ có tay nghề cao. Tính chất công xưởng của các di tích này được thể hiện rõ qua hàng loạt di vật đá được phát hiện.


Đó là các phác vật rìu tứ giác, rìu hoàn thiện, phác vật vòng tay với mặt cắt chữ D, tam giác, chữ nhật. Đáng chú ý là, các loại công cụ sản xuất, phác vật cũng như sản phẩm hoàn hảo và đồ trang sức của các di chỉ - xưởng đều giống với công cụ sản xuất và đồ trang sức thấy ở các di chỉ Phùng Nguyên. Có thể nói, đây là khu vực công xưởng chế tác đá tiền - sơ sử lớn nhất, chưa từng gặp bất cứ nơi nào ở Việt Nam (4). Việc phát hiện di chỉ xưởng qua các giai đoạn văn hóa cho thấy sự tiến bộ về tư duy cũng như tay nghề của người thợ thủ công. Căn cứ vào dấu tích lò nung và sản phẩm của các nghề thủ công, có xưởng chuyên chế tạo dụng cụ lao động, hoặc có xưởng chuyên làm đồ trang sức, chứng tỏ xã hội đã có xu hướng phân công lao động giữa người làm nghề nông trồng lúa và người làm nghề thủ công. Đồng thời qua di chỉ xưởng và sản phẩm của nghề thủ công chúng ta thấy rõ một bước phát triển trong tư duy của cư dân từ văn hóa Phùng Nguyên đến văn hóa Gò Mun. Nếu như ở văn hóa Phùng Nguyên nghề thủ công cơ bản là chế tác đá, sang văn hóa Đồng Đậu vẫn tiếp tục nghề chế tác đá, nhưng đã thấy xu hướng phát triển nghề luyện kim, đến giai đoạn Gò Mun thì đã chứng tỏ một bước tiến dài trong tư duy nhận thức của cư dân ở các văn hóa này.


Tư duy nhận thức đó được hiện thực hóa bởi các công cụ bằng đồng được chế tác đạt trình độ cao về kỹ thuật và mỹ thuật. Nghề luyện kim ra đời ngoài nhu cầu về phát triển kinh tế cũng thể hiện rõ sự khám phá và muốn chinh phục tự nhiên của cư dân từ Phùng Nguyên đến Gò Mun. Nghề thủ công từ chế tác đá giai đoạn Phùng Nguyên, chuyển dần sang luyện kim ở các giai đoạn sau, thể hiện bước nhảy vọt về nhận thức và trình độ kỹ thuật của cư dân Tiền Đông Sơn, các yếu tố này là cơ sở cho việc hình thành một nhà nước sơ khai đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam - Nhà nước Văn Lang thời các vua Hùng. Nghiên cứu các di chỉ - xưởng, sẽ có giá trị và ý nghĩa rất lớn không chỉ về mặt lịch sử, mà còn có giá trị về văn hóa, khoa học. Ngay từ buổi sơ khai dựng nước bằng những kỹ thuật thủ công người Phùng Nguyên đã chế tác được những hiện vật đá trang sức là những khuyên tai, hạt chuỗi, vòng tay hết sức tinh tế. Đây chính là kho tàng tri thức của người Phùng Nguyên mà cần một sự liên ngành Khảo cổ học - Văn hóa - Du lịch để không chỉ phát hiện khai quật, mà còn phải giữ gìn và khai thác giá trị các di tích này trong đời sống hiện tại.


04. Các di tích trong tầng văn hóa


+ Vết tích nền nhà: Trong văn hóa Phùng Nguyên các nhà khảo cổ mới phát hiện được rất ít ỏi những dấu tích nền nhà. Những phát hiện này thường là một số mảng nền đất vàng hoặc cháy đỏ trong các di tích Phùng Nguyên, thì đến giai đoạn văn hóa Đồng Đậu trong đợt khai quật lần thứ tư di chỉ này, nền nhà đã xuất hiện, hình dạng khá vuông vắn, với chiều dài, chiều rộng và các hố cột có kích thước và khoảng cách hợp lý, khiến chúng ta không thể nghĩ khác hơn đó là di tích nền nhà. Đến văn hóa Gò Mun vẫn tiếp tục phát hiện các nền nhà giống như ở văn hóa Đồng Đậu, nhưng thường bên cạnh hay trên mặt nền còn phát hiện được những bếp nguyên thủy được đắp bằng đất sét rất cẩn thận. Như vậy, từ Phùng Nguyên đến Gò Mun, qua mỗi giai đoạn phát hiện vết tích nền nhà ngày càng rõ nét hơn, với sự xuất hiện của bếp lửa trên nền nhà càng khẳng định chắc chắn thêm loại hình di tích này.


+ Bếp lửa, lò nung: Trong văn hóa Phùng Nguyên hầu hết trong các cuộc khai quật dấu tích bếp lửa rất mờ nhạt. Chỉ tới khi phát hiện bếp lửa trong đợt khai lần thứ tư ở di chỉ Đồng Đậu, chúng ta mới biết tới hình dạng của các bếp lửa Phùng Nguyên một cách khá chắc chắn. Đến văn hóa Gò Mun thì với hình dạng và đặc thù của bếp, có ý kiến cho rằng bếp Gò Mun có thể có 2 loại hình, một loại khoét xuống lòng đất và một loại đắp thành hình trên mặt đất gần như bếp hiện nay. Lò nung đồng được phát hiện ở giai đoạn Đồng Đậu cũng cho thấy sự tiến bộ hơn của văn hóa Đồng Đậu so với văn hóa Phùng Nguyên trong kỹ thuật phát triển nghề luyện kim. Đến giai đoạn Gò Mun thì nghề luyện kim ngày càng phát triển hơn, người Gò Mun đã chế tạo nhiều hiện vật đồng rất nghệ thuật và tinh tế. Các bếp có hình dạng, quy mô kích thước không giống nhau. Đa số các bếp đều chứa di vật khảo cổ và xương thú vật. Phần nhiều bếp lửa nằm trong các hố đất đen ở những độ sâu khác nhau, có bếp nằm rất sâu so với mặt sinh thổ. Qua đây cho thấy mật độ bếp Phùng Nguyên ở di tích Đồng Đậu khá dày và đa dạng.


+ Hố đất đen: Trong nền đất vàng (nền nhà nhân tạo) hoặc nền đất tự nhiên nơi cư trú của các văn hóa Tiền Đông Sơn, chúng ta đều bắt gặp các hố đất đen. Đa phần các hố đất đen đều ăn sâu xuống sinh thổ. Nguyên nhân xuất hiện ra các hố này do nhiên tạo và do nhân tạo. Trong các di tích văn hóa Phùng Nguyên, các hố đất đen xuất hiện nhiều. Vị trí, kích thước, hình dạng... không tuân thủ một nguyên tắc nào khiến bước đầu có thể còn lúng túng khi tìm lời giải đáp về chức năng của chúng. Song, khi các hố đất đen này xuất hiện ở các giai đoạn sau như có dấu ấn của sự sắp đặt nhiều hơn, thì chức năng của chúng bắt đầu được lý giải từ nhiều góc nhìn khác nhau. Loại trừ các hố đất đen không mang dấu ấn con người tạo ra, các hố còn lại nơi thì chứa đồ phế thải, nơi thì có than tro bếp...khiến cho cách lý giải về chức năng của các hố đất đen cũng rất phong phú, có ý kiến cho rằng đó là vết tích của bếp, hố chứa rác thải, lỗ cọc.. Bên cạnh đó cũng không ít ý kiến cho rằng trước khi trở thành hố rác, thì các hố đất đen này là do con người lấy đất để làm gốm. Nhìn chung các ý kiến trên đều có cơ sở và có tính hợp lý nhất định. Mặc dù vậy chúng ta vẫn cần phải nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn nội dung và chức năng của loại hình di tích này.


+ Dấu tích về động, thực vật: Như chúng ta biết, người Phùng Nguyên sống chủ yếu bằng nghề nông. Nghề chăn nuôi, săn bắn (bắt), thu lượm và đánh cá chỉ có vị trí thứ yếu. Trên thực tế, chúng ta hiện biết quá ít về các dấu tích thực vật và động vật. Thời gian một năm đã có những đổi thay, vì vậy qua hàng ngàn năm lịch sử thì dấu tích động vật còn lưu tồn trong văn hóa Phùng Nguyên là rất hiếm, đa phần bị mủn nát không thể nghiên cứu được. Một số kết quả nghiên cứu về lĩnh vực này cho thấy, cư dân Phùng Nguyên đã biết nuôi trâu, bò, gà… Ngoài động vật nuôi, người Phùng Nguyên còn săn bắn (bắt) một số thú hoang dã như lợn rừng, hươu nai, hoẵng, nhím, cầy cáo, gà rừng. Những mũi lao, mũi giáo, mũi tên mài nhẵn chắc chắn là vũ khí tốt giúp người Phùng Nguyên săn bắn các loại thú sẵn có trong các khu rừng hay đồi gò xung quanh khu cư trú (1), (2), (3), (4), (5). Từ văn hóa Phùng Nguyên đến Gò Mun, cư dân ngày càng chủ động hơn trong việc nuôi trồng động, thực vật. Nếu ở văn hóa Phùng Nguyên dấu tích của hạt lúa còn khá mơ hồ, thì đến văn hóa Đồng Đậu, qua nghiên cứu những hạt gạo cháy phát hiện ở Đồng Đậu các nhà khoa học chứng minh đã có những hạt lúa tẻ và lúa nếp xuất hiện (7) , và trong văn hóa Gò Mun đã phát hiện được cả “hầm ngũ cốc” nơi cất giữ lương thực có thể do dư thừa nên tích luỹ.


Việc nuôi trồng các loài thực vật và động vật như trâu, bò, lợn, gà... ở các giai đoạn văn hóa sau, ngày càng có xu hướng mở rộng và phát triển hơn các giai đoạn trước, đây cũng là nhu cầu phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên. Ngoài các di tích nơi cư trú, trong tầng văn hóa còn có di chỉ mộ táng, việc các nhà khảo cổ học phát hiện và nghiên cứu mộ táng rất có ý nghĩa. Đây là nguồn tài liệu giúp cho chúng ta có thể tìm hiểu được đời sống của con người thời đã qua về nhiều mặt, như tập tục, tín ngưỡng, đời sống vật chất và tinh thần, sự phân hóa xã hội và cả những vấn đề về nguồn gốc chủng tộc, thân phận của người đã chết... Mặc dù loại hình di tích này đến nay phát hiện được còn rất ít, nhưng với những nguồn tài liệu và thông tin hiện có, chúng ta cũng đã phần nào hiểu được cư dân Phùng Nguyên có tục chôn cất người chết ngay tại nơi cư trú (Lũng Hòa). Trong khi các di tích mộ táng giai đoạn Đồng Đậu và Gò Mun chúng ta phát hiện lẻ tẻ và quá ít, mặc dù đã khai quật trên diện tích hàng ngàn mét vuông mà chưa tìm thấy một khu mộ như ở văn hóa Phùng Nguyên. Điều này khiến các nhà nghiên cứu đã nghĩ tới có một khu nghĩa trang riêng của người Đồng Đậu - Gò Mun. Nếu có một nghĩa trang tách khỏi nơi cư trú, thì cư dân Đồng Đậu - Gò Mun đã rất tiến bộ (văn minh) về mặt nhận thức giữa cõi sống và cõi chết.


Qua nghiên cứu trên có thể khẳng định rằng di tích khảo cổ là bằng chứng vật chất xác thực nhất, ghi lại dấu ấn của con người thời đã qua. Các di tích khảo cổ thời tiền sơ sử bị chôn vùi trong lòng đất hàng ngàn năm, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm khắc nghiệt mà vẫn còn lại với thời gian là hết sức quí giá. Các nhà khảo cổ học luôn lội ngược dòng lịch sử để lật tìm những vết tích còn lại thường không nguyên vẹn. Những vết tích như nền nhà, bếp lửa, lò nung, vết tích động, thực vật… được tạo ra do nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống. Vì các yếu tố ăn, mặc, ở và đi lại... đó là những nhu cầu tối thiểu không thể thiếu đối với sự sống của con người. Các di tích này là sản phẩm kết tinh công sức, trí tuệ của chủ nhân văn hóa thời đại đồng thau ở lưu vực sông Hồng. Đồng thời qua đặc trưng di tích, các nhà khoa học đã phác thảo một bức tranh khái quát toàn cảnh, khá sinh động về đời sống của của cư dân chủ nhân văn hóa từ Phùng Nguyên đền Gò Mun. Bức tranh đó là cơ sở cho sự hình thành một nhà nước sơ khai thời kỳ Hùng Vương. Mặc dù còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình nghiên cứu, nhưng với những thành tựu đạt được trong nửa thế kỷ qua của các nhà khoa học, các di tích Tiền Đông Sơn xứng đáng là nguồn di sản văn hóa chúng ta cần trân trọng bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống - xã hội hiện đại.


NST

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Xuân Chinh (1986), Báo cáo khai quật đợt một di chỉ Lũng Hòa, Nxb. KHXH, Hà Nội.
2. Hoàng Xuân Chinh (2000), Vĩnh Phúc thời tiền sơ sử, Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao Vĩnh Phúc xuất bản.
3. Hoàng Xuân Chinh, Nguyễn Ngọc Bích (1978), Di chỉ khảo cổ học Phùng Nguyên, Nxb. KHXH, Hà Nội
4. Hán Văn Khẩn (2005), Văn hóa Phùng Nguyên, Nxb. ĐHQG, Hà Nội.
5. Vũ Thế Long (2001), “Người Phùng Nguyên và môi trường sống của họ”, Tìm hiểu Văn hóa Phùng Nguyên, Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao Phú Thọ xuất bản, tr. 129-136.
6. Hà Văn Phùng (1996), Văn hóa Gò Mun, Nxb. KHXH, Hà Nội.
7. Hà Văn Tấn chủ biên (1999), Khảo cổ học Việt Nam, tập II, Thời đại kim khí Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội.

54. NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM ?
CUNG ĐÌNH THANH


Phần dẫn nhập:

Gần đây cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm hiểu nguồn gốc dân tộc. Một trong những thành tích về vấn đề này cần được lưu ý là quyển Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam của Nguyễn Khắc Ngữ do Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa Việt Nam xuất bản tại Montréal (Canada) năm 1985. Nói là đáng lưu ý bởi quyển sách nhỏ này (172 trang) trình bầy những dữ kiện và áp dụng một lối lý luận rất khoa học. Theo Nguyễn Khắc Ngữ thì : “đại để có thể chia các giả thuyết (nguồn gốc dân tộc Việt Nam) thành bốn loại tiêu biểu:
giả thuyết con Rồng cháu Tiên
giả thuyết Bách Việt
các giả thuyết của các tác giả miền Nam
các giả thuyết của các tác giả miền Bắc”.

Phân chia như vậy e rằng vừa thiếu lại vừa dư. Quá thiếu vì nếu cứ ý kiến của một tác giả được kể như một “giả thuyết” thì bảng liệt kê trên còn thiếu nhiều giả thuyết chưa kể ra. Quá dư vì những giả thuyết mà Nguyễn Khắc Ngữ gọi là giả thuyết Bách Việt, giả thuyết của các tác giả miền Nam, miền Bắc ... thực ra chỉ là con đẻ của một trong hai thuyết:

Thuyết thứ nhất dựa vào văn bản (những bộ sử hay truyện của người xưa viết ra để lại) chủ trương người Việt có nguồn gốc từ phương Bắc đi xuống. Các tác giả có công xây dựng nên thuyết này đầu tiên phải kể đến những học giả người Pháp như Edouard Chavannes, Léonard Aurousseau. Nhiều học giả nổi tiếng người Việt đã phụ họa thêm vào thuyết này như Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim ... Có điều lạ cần nhấn mạnh là những học giả người Pháp tuy có gốc thực dân, dựa vào những sách của các tác giả Trung Hoa cũng thực dân không kém như Tư Mã Thiên, Hoài Nam Tử ... đã giả thuyết rằng người từ phương Bắc đây, vốn thuộc đại tộc Bách Việt, vì sự bành trướng của nòi Hoa Hán dưới thời Tần nên phải di cư xuống Bắc Việt để cùng với dân bản xứ đã có sẵn ở đó từ trước (Madrolle CL. Les populations de L’Indochine, Paris 1918) lập nên nước Văn Lang.

Những tác giả vốn là người Việt nói về nguồn gốc dân mình lại không bằng những ông Tây kể trên. Nhiều người còn nghi ngờ cái nguồn gốc Bách Việt của mình, cuối cùng (đã phải là cuối cùng chưa?) còn sản sinh ra một đứa con hoang cho rằng dân Việt Nam chỉ là một bộ phận của người Trung Hoa hết đợt nọ đến đợt kia sang thực dân ở đây, khi hoàn cảnh thuận lợi đã lập ra nước riêng có tên là Việt Nam (Nguyễn Phương, GS Đại Học Văn Khoa - Việt Nam thời khai sinh - Viện Đại Học Huế 1965).

Mới xem giả thuyết này có vẻ không sai vì quả đã có một cuộc di cư của người từ phía nam sông Dương Tử, vùng nay thuộc các tỉnh Triết Giang, Phúc Kiến, Quý Châu, Quảng Đông, Quảng Tây đi xuống phía Nam từ khi nhà Tần thống nhất đại lục, lập ra một chính quyền trung ương dưới sự thống trị của nòi Hoa Hán (chỉ mấy trăm năm trước Công Nguyên). Tuy nhiên thuyết đó không giải thích được những điểm căn bản về sự xuất hiện của loài người đã sinh sống và đạt được một nền văn minh khá cao tại miền đất này cả chục ngàn năm, trước khi có người từ Phương bắc di cư tới. Thuyết này càng không thể hiểu được tại sao có sự xâm lấn ồ ạt của người phương Bắc đến một địa phương đã có người sinh sống trong một xã hội có tổ chức quy củ lại xẩy ra một cách êm thắm như vậy ? Ngay cả khi vua Thục chiếm Văn Lang của vua Hùng lập ra nhà nước Âu Lạc cũng tương đối êm thắm chưa kể vua Thục cũng được dân địa phương lập đền thờ như đã thờ vua Hùng. Lại nữa, khi nhà Hán đã xâm chiếm Giao Châu, chia thành quận huyện để cai trị cả mấy trăm năm, vậy mà khi Hai Bà Trưng nổi binh đánh Hán vào năm Canh Tý (năm 40 sau Công Nguyên), sử chép rằng : “Hô một tiếng mà các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Nam đều hưởng ứng. Việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay” (Lê Văn Hưu - Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - trg 146).


 Dân ở Cửu Chân, Nhật Nam là dân ở vùng Bắc và Bắc Trung Việt ngày nay, chắc chắn là tổ tiên người Việt nổi lên hưởng ứng Hai Bà Trưng, lãnh tụ của mình là chuyện dĩ nhiên rồi. Nhưng còn dân Nam Hải, Hợp Phố và 65 thành thuộc Lĩnh Nam tức dân các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, đảo Hải Nam, có thể một phần các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam, Giang Tây, Phúc Kiến, cả Triết Giang nữa thuộc Trung Quốc ngày nay. Vậy họ là dân nào? Chả lẽ họ là dân Hán mà lại theo lãnh tụ người Việt nổi lên đánh đuổi quan quân nhà Hán giành độc lập cho người Việt sao ? Phải chăng người phương Bắc đó với người địa phương nay thuộc Bắc phần và Bắc Trung phần Việt Nam chẳng qua cũng cùng một đại tộc ? Và sự di cư từ miền Bắc về miền Nam do sự dồn ép của Hoa tộc một phần, nhưng trước đó là do sự nước biển đã lui dần trả lại các đồng bằng sông Hồng, sông Mã màu mỡ, là phần khác, phần chính, khiến luồng người từ miền Bắc di về miền Nam cũng chỉ là sự qui cố hương của giống người trước kia đã từ miền Nam bành trướng lên miền Bắc ?


Thuyết thứ hai dựa vào những xương sọ, đúng hơn, vào tỷ lệ tộc người căn cứ vào các sọ này đã tìm được ở phần đất nay là Bắc và Bắc Trung phần Việt Nam. Tổng số xương sọ được dùng làm đối tượng nghiên cứu còn giữ lại được cho đến nay là 70 cái, chia làm hai bảng : Bảng thứ nhất gồm 38 sọ được coi là thuộc thời đại Đồ Đá Mới, phần lớn do các học giả người Pháp tìm ra (29/38) và cho rằng họ thuộc các chủng tộc Malanesian, Indonesian, Australoid hay Nam Á. Bảng thứ hai gồm 32 sọ, phần lớn, ngược lại, do các học giả Việt Nam tìm thấy (22/27) trong những năm gần đây sau khi Cộng sản cho lập Viện Khảo Cổ (từ 1960). Những sọ này được coi là thuộc thời đại Đồng-Sắt nghĩa là vào khoảng 1000 năm trước Công Nguyên đến vài ba trăm năm sau Công Nguyên, đa số thuộc chủng tộc Mongoloid. Hai bảng xương sọ này đã là nguyên nhân sinh ra những giả thuyết về nguồn gốc người Việt khác với những giả thuyết dựa vào văn bản kể trên. Tuy nhiên kết luận của các tác giả này cũng có những khác biệt đáng kể : có người cho nguồn gốc người Việt như vậy là quá trình Mongoloid hóa các sắc dân Hắc chủng (Trần Quốc Vượng & Hà Văn Tấn - Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam - Hà Nội 1963).


 Có người cho đành là đã có sự Mongoloid hóa hình thành nguồn gốc người Việt nhưng sự da vàng hóa này không nhất thiết được hiểu là Hán hóa mà là Mường hóa, Tày Thái hóa (Phạm Huy Thông, KCH 1&2 - 1983). Có người đi xa hơn cho nguồn gốc dân tộc Việt Nam là sự hòa đồng của các dân có nguồn gốc bản địa (Nguyễn Đình Khoa - Các dân tộc ở miền Bắc Việt Nam - Hà Nội 1976). Riêng Nguyễn Khắc Ngữ, tuy không khác các tác giả trên bao nhiêu, nhưng ông hiểu Mongoloid là giống Mông Cổ (Mongol) ở phía Bắc nước Trung Hoa, nên kết luận của ông đương nhiên phải cho nguồn gốc người Việt trước hết là các giống Malanesian, Indonesian, Australoid từ các hải đảo Thái Bình Dương vào. Dần dần những sắc dân này bị Mongoloid hóa mà ông khẳng định là Hán hóa từ phương Bắc xuống, hình thành nên tổ tiên người Việt (trang 88, sđd).

Trước khi minh định cho thực rõ người Mongoloid từ đâu mà sinh ra? (Điểm này sẽ được trình bày trong phần sau), ta cần xác định lại từ Mongoloid trong khảo cổ học không có nghĩa là người Mông Cổ của nước Mongol, cũng như Malanesian không có nghĩa là người Mã Lai, Indonesian không hẳn phải là người Nam Dương. Giản dị là khi có những tộc người này nhân loại chưa có quy chế quốc gia, tất nhiên cũng chưa có các nước Mongol, Indonesia, Malaysia ... Gia dĩ, khởi thủy nhân loại chỉ coi như gồm ba đại tộc : Mongoloid là đại tộc da vàng ở Á Châu gồm hai loại : Bắc Mongoloid ở từ Ngoại Mông về phía Bắc và Nam Mongoloid ở toàn cõi đại lục Á Châu; Europoid, đại chủng da trắng ở Âu Châu; và Négro - Australoid, đại chủng da đen ở Phi Châu và các đảo Nam Thái Bình Dương.

Việc tìm thấy sọ loại Mongoloid thời Đồ Đồng có ít hơn thời Đồ Đá là do một lý do khác sẽ được làm sáng tỏ trong phần dưới đây chứ không phải vì lý do người Mongoloid đã từ phương Bắc di cư đến như trước kia đã hiểu. Hãy lấy một thí dụ : chỉ có một địa điểm Hang Nậm Tum thuộc tỉnh Sơn La vùng Tây Bắc, trong thời tiền sử người ta đã thấy có hai lớp người đến cư trú để lại nhiều công cụ, nhiều ngôi mộ, nhiều di tích khiến người ta biết được hai lớp người tại đây cách nhau khá xa : lớp đầu thuộc văn hóa Sơn Vi (Hòa Bình I, khoảng hơn 20.000 năm trước Công Nguyên), lớp sau thuộc hậu kỳ đá mới bắt đầu thời kỳ kim khí (khoảng từ 1000 năm trước Công Nguyên trở lại). Giữa hai lớp này có một khoảng cách chứng tỏ không có con người sinh sống tại đây đến mười mấy ngàn năm (Võ Quý, KCH 1&2 - 1990, trang 25).

Chỉ tiếc những xương cốt để lại toàn là những mảnh sọ, những răng nanh, xương cẳng tay, ngón tay không nguyên vẹn khiến người ta khó đoán biết chủ nhân hang động này trước kia thuộc chủng tộc nào?

Việc có hai lớp người cư ngụ tại Hang Nậm Tum thuộc hai thời kỳ khác nhau cách quãng nhiều ngàn năm tương ứng với thời kỳ biển tiến (giả thiết có sự di cư của đoàn người từ Nam lên Bắc), và biển lui (tương ứng với sự bành trướng của Hán tộc ở phương Bắc đưa đến việc di cư ngược lại của đoàn người từ Bắc xuống Nam) là giả thiết cần được suy nghĩ và nghiên cứu. Người viết sẽ trở lại vấn đề này ở phần dưới đây.

Hai giả thuyết kể trên, dù là thuyết dựa vào văn bản, hay thuyết dựa vào các xương sọ đào được mà người ta gọi là thuyết nhân chủng đều dựa vào một tiền đề căn bản. Đó là : văn minh dân tộc Hoa Hán có trước tộc Việt; đất nước và con người Trung Hoa cũng đã có trước và từ khởi thủy đã không khác mấy với ngày nay (!).

Cái tiền đề này không biết tự bao giờ đã coi như là một chân lý bất biến mà hễ ai nói khác đi thì bị coi là dốt, là nói mò hay nói láo (!). Nay nếu cái “tiền đề” này được chứng minh là không đủ, không đúng, là sai sự thực, trái ngược cả sự thực thì tất cả những giả thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam kể trên, dù xây dựng trên thuyết dựa vào văn bản hay trên thuyết dựa vào sọ người cổ, đều là chuyện lâu đài xây trên bãi cát, đều trở thành sai vậy!

Việc chứng minh cái tiền đề này là không đúng, trái với sự thực chính là mục đích của người viết tham luận này.

Căn cứ vào kết quả của Hội nghị Berkeley 1978 nghiên cứu về nguồn gốc văn minh Trung Hoa, căn cứ vào những phát minh khoa học mới nhất về khảo cổ học, nhân chủng học, di truyền học (DNA), ngôn ngữ học, cả những sưu tầm về phong tục tậïp quán ở phần đất nay thuộc hai quốc gia khác nhau, người viết chứng minh được rằng : khảo cổ học, nhân chủng học, ngôn ngữ học, huyết thống di truyền học, cả về phong tục tập quán, đều chứng tỏ Đại Tộc Bách Việt đã có trước, cũng đã cư ngụ tại phần đất nay là đất nước Trung Hoa, ít nhất từ phía nam sông Hoàng, trước Hán tộc. Và văn minh Bách Việt, căn bản là văn minh định cư trồng lúa nước, cũng đã có trước văn minh Hoa Hán, thuộc văn minh săn bắn và trồng lúa tắc, lúa khô. Tộc Hoa Hán khởi thủy lập quốc từ đời Thương, khoảng 1600 năm trước Công Nguyên, chỉ là một tộïc ít người chiếm một vị trí nhỏ tương ứng với các tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây và một phần Hoa Nam ngày nay, nhưng nhờ có tài thiện chiến, tâm lý thực dụng và văn minh vật chất, học được do tiếp xúc với văn minh Lưỡng Hà đã nhanh chóng bành trướng ra khắp đại lục và đã đồng hóa được đa số tộc Bách Việt, thâu hóa được văn minh của họ, hòa đồng với nhiều văn minh khác xây dựng nên một nước Trung Hoa vĩ đại và đa tạp như ngày nay.

Sự chứng minh này không phải để so bì hơn kém, càng không có ý chia rẽ chủng tộc mà chỉ muốn nói lên cái gốc tích thực sự, cái dòng dõi chân chính của dân tộc mình, đồng thời chuẩn bị tài liệu cho một hội nghị quốc tế về nguồn gốc văn minh Việt Nam có thể được triệu tập trong tương lai.


Ai trong chúng ta cũng biết, muốn tìm hiểu nguồn gốc dân tộc Việt Nam, không thể không nói tới nguồn gốc con người. Phần viết dưới đây chủ yếu căn cứ vào những khám phá mới nhất của di truyền học DNA để tìm hiểu về nguồn gốc người Hoa và loài người nói chung, rồi từ đó suy ra nguồn gốc người Việt chúng ta.


KHÁM PHÁ MỚI VỀ NGUỒN GỐC NGƯỜI Á ĐÔNG QUA DI TRUYỀN HỌC CỦA NHÀ BÁC HỌC J.Y. CHU

Chỉ mới chưa đầy hai năm tính đến nay, một khám phá mới của nhà bác học J.Y. Chu cùng 13 đồng nghiệp khác tại các trường đại học và viện nghiên cứu lớn nhất ở Trung Hoa đã công bố một nghiên cứu thành công về Di truyền học DNA mang tên Genetic Relationship of Population in China, đăng trong Tạp chí Hàn Lâm Viện Khoa Học Quốc Gia của Hoa Kỳ (The Nation Academy of Sciences - USA - Vol.95, issue 20, 1763-1768, 29 tháng 7, 1998).

Báo cáo này khẳng định nguồn gốc của người Trung Hoa, và nói chung, người Đông Á là do giống người ở Đông Nam Á di lên. Những người này có gốc gác từ Phi Châu đã di đến Đông Nam Á qua ngả Nam Á từ nhiều năm trước. Riêng ở phía Bắc Trung Hoa ngày nay, những người này vào khoảng cả chục ngàn năm sau lại lai giống với người cũng từ Phi Châu di qua theo đợt sau nhưng đi theo ngả Âu Châu và Trung Á mà người ta đồ chừng nhiều lắm là khoảng 15.000 năm trở lại đây, sau đợt tan băng hà cuối cùng. Sự phát minh này đã được những nhà sinh học và nhân chủng học hàng đầu của nhân loại phụ họa và bổ túc (Cavalli - Sforza L. Alberto Piazza, 1998, Li Yin 1999) khiến nguồn gốc nhân loại Đông Phương, trong đó có Trung Hoa và Việt Nam có thể coi như đã được khẳng định.

Xin Quí vị độc giả đọc trong số này bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp tường trình báo cáo khoa học của GS. Chu. Ở đây, chúng tôi chỉ xin Quí vị cùng chúng tôi lược qua lý thuyết về sự thay đổi cấu trúc di truyền DNA; rồi kiểm chứng lại phát minh của ông Chu bằng khảo cổ học và cổ nhân chủng học đã từng được công bố; từ đó có thể chiếu rọi vào các thuyết nói về nguồn gốc dân tộc Việt Nam ngõ hầu có thể chấm dứt mọi tranh cãi về vấn đề tối quan trọng có thể dùng làm căn bản cho mọi hoạt động văn hóa của chúng ta sau này.


VÀI NÉT VỀ THUYẾT THAY ĐỔI CẤU TRÚC DI TRUYỀN DNA

Các nhà khoa học đều đồng ý đây là thuyết quan trọng nhất có thể thay đổi bộ mặt nhân loại kể từ đầu thiên niên kỷ thứ ba này. Người ta đã nói đến thuyết này từ lâu nhưng việc chứng minh được về phương diện khoa học của thuyết này mới được thực hiện trong những ngày rất gần đây.

Xin hãy lấy ngày 22-2-2000, ngày mở đầu Hội nghị về Kỹ thuật Vi-Kính trong Sinh học (Optics Within Life Sciences) tổ chức ngay tại bãi biển Coogee, thành phố Sydney (Úc Đại Lợi) làm khởi điểm thảo luận. Trong hội nghị này, nhà nữ bác học S. Kornilova, Trưởng đoàn nước Ukraine, trước kia thuộc Liên Bang Sô-viết, đã báo cáo về ảnh hưởng của phóng xạ nguyên tử đối với sinh vật tại Chernobyl nơi trước kia là địa điểm một lò nguyên tử của Nga đã bị dò làm phóng xạ thoát ra ngoài. Phóng xạ này khiến các nhiễm sắc thể vỡ ra nhiều mảnh vụn nhẹ cỡ 5.105 Dalta. Những mảnh vụn DNA này thường ở tình trạng thối rữa mang nhiều di tố 6-C gấp nhiều lần hơn bình thường, đồng thời các khoáng chất (sắt, đồng, măng gan, kẽm, chì ...) lại tăng lên rất nhiều. Cái đáng sợ nhất là tình trạng này đã tăng lên theo tuổi tác các sinh vật (trong đó có người) đồng thời di truyền cho thế hệ sau với mức tăng trưởng cao hơn gấp bội. Các sinh vật nói chung và con người nói riêng mai hậu tại vùng này sẽ biến thể như thế nào còn là điều người ta phải theo dõi thêm mới khẳng định được! Phải chăng rồi sẽ có những loại người khổng lồ như khủng long hay dị dạng như người hành tinh ? (Tất nhiên theo giả tưởng của khoa học).

Điều quan trọng hơn nữa là người ta đã chứng minh được bằng khoa học chứ không phải chỉ bằng lý luận và linh cảm như trước kia, rằng ngoài phóng xạ nguyên tử, cấu trúc di truyền cũng có thểâ thay đổi theo luật tự nhiên mà trước kia được hình dung qua cụm từ đột biến di truyền. Sự đột biến di truyền này khoa học ngày nay gọi là SPONTANEOUS POINT OF MUTATION, có thể xẩy ra vì nhiều nguyên do mà 4 nguyên do sau đây cần được lưu ý:

Đột biến di truyền do độc chất đưa đến ung thư (carcinogens) như chất formaldehyde gây ra.
Đột biến di truyền vì nhiễm khuẩn.
Đột biến di truyền do tia cực tím của mặt trời.
Đột biến di truyền do sơ xuất của bộ máy tuần hoàn trong quá trình phân sinh tự tạo thường xảy ra ở hai vùng có di tố purine và pyridine. (GS. Võ Thanh Liêm, Đại Học Monash, Báo Việt Luận, số 1460 ngày 11-3-2000).
Xin nói ngay, những hiểu biết trên, nhân loại cũng chỉ mới khám phá ra trong những năm gần đây. Muốn hiểu rõ hơn, đúng ra cần phải phân biệt khái niệm về di truyền với kỹ thuật di truyền (genetic engineering hay gene technology).

Về khái niệm di truyền, từ năm 1665 Robert Hooke là người đầu tiên đã dùng từ tế bào (cells) để diển tả cấu trúc của đối tượng ông quan sát dưới kính hiển vi thô sơ của ông. Năm 1943 cụm từ DNA (DEOXYRIBO NUCLEIC ACID) đã được dùng lần đầu để chứng minh có sự di truyền trong loài vi khuẩn, nhưng đến năm 1951 Rosalind Frannklin mới cung cấp được dữ kiện về sự cấu trúc của DNA. Khởi điểm của kỹ thuật di truyền có thể kể từ năm 1953 khi James Weston và Francis Crick mới đặt thành định đề cấu trúc di truyền DNA trong 23 cặêp vòng xoắn nhiễm thể chromosomes - cấu trúc của con người hiện đại. Phải bước vào thập niên 80, kỹ thuật di truyền mới bắt đầu phát triển với kỹ nghệ sản xuất insulin (1980), với giải thưởng Nobel Hòa Bình trao cho Barbara Mc Clintock về công trình khảo cứu tính di động của genes, (1983) tiếp theo là nhiều thành tựu của thay đổi cấu trúc di truyền từng bước đạt được do tiến bộ của kỹ thuật di truyền thay DNA bằng cách chuyển đổi genes. Nhưng việc làm chủ được kỹ thuật di truyền đủ để con người có thể đoạt quyền tạo hóa trong việc tạo ra muôn loài, tăng khả năng phát hiện được nguồn gốc loài người, thì, như trên đã nói, nhân loại mới đạt được trong những năm rất gần đây mà thôi.

Một câu hỏi cần làm cho rõ nghĩa là: vậy kỹ thuật di truyền (genetic engineering) là gì ? Xin đọc định nghĩa sau đây của một cơ quan giáo dục và di truyền Úc: “Những tế bào của mọi động vật cũng như thực vật đều chứa yếu tố DNA, ví như một bảng thiết kế cho cuộc sống được lưu truyền từ đời nọ qua đời kia. DNA tạo nên gene và chính các genes đã mang tín hiệu làm cho muôn loài từ thực vật, động vật đến con người có được cái sắc thái đặc biệt như mắt xanh, da nâu ... DNA có thể bị thay đổi bằng cách chuyển đổi các genes giữa muôn loài khác biệt nhau. Thí dụ: ta có thể cấy một gene từ loài cá sống ở biển Bắc Atlantic vào một cây dâu khiến cây dâu này có thể sống trong băng lạnh.

Thay đổi những genes đặc biệt với mục đích thay đổi một loại động vật hay thực vật nào đó theo phương cách đặc biệt thì được gọi là kỹ thuật di truyền vậy”

(“The cells of all plants and animals contain DNA; it’s like a blueprint for life, which is passed from generation to generation DNA is made up of genes, and it’s the genes that carry the information which make plants, animals and humans have specific charcteristics such as green eyes or brown skin ... DNA can be changes by transferring genes between and within defferent living things - you might, for example, try putting a gene from a fish that lives in the vary cold seas of the North Atlanitc into a strawberry, so it can survive a frost.

Changing specific genes in order to change a plant or animal in a particular way is known as genetic engineering or genetic modification” - Choice Magazine, Feb. 1997, published by Australian Consumers’ Association)

Trong kỹ thuật di truyền niên đại đáng ghi nhớ là năm 1997 khi nhà bác học IAN WILMUT tại Viện Roslin Institute ở Tô Cách Lan đã chế ra “con cừu DOLLY” bằng phương pháp phân sinh tế bào (clone).

Rồi tháng 1 năm nay 2000, Đại học Texas (USA) đã chế tạo thành công một cấu trúc DNA hoàn toàn nhân tạo.

Chính những khám phá kể trên đã phá vỡ được điểm bế tắc mà kể từ Darwin (The descent of Man - London 1874), ông tổ của thuyết TIẾN HÓA chỉ có thể lý luận được bằng lý thuyết chứ chưa chứng minh được bằng khoa học về câu hỏi : làm thế nào mà người vượn (Homo-Erectus) lại có thể biến thành người hiện đại (Homo-Sapiens) như chúng ta ngày nay ? Điểm này sẽ được trình bày trong những dòng sau khi ta bàn đến:


SƠ LƯỢC VỀ THUYẾT TIẾN HÓA VÀ NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI

Thuyết này chủ trương con người cũng như muôn loài trên trái đất đều từ một đơn bào phát sinh cách nay khoảng 1 tỷ rưỡi năm biến đổi sinh thành. Riêng ông tổ trực tiếp của loài người đều được các nhà nhân chủng cho là từ một giống người vượn đi thẳng bằng hai chân tên khoa học là Homo-Erectus biến hóa dần mà ra. Như ta đã biết (Ts TƯ TƯỞNG số 4 - Văn Hóa Đông Sơn, trang 15) dấu vết người vượn hay còn gọi là Linh Trưởng cho đến nay tìm được, xưa nhất là ở Đông Phi Châu. Người ta chia làm ba loại:

Cổ nhất thường được gọi là người Viễn Cổ (Proteo-anthropus) từ 1 triệu năm trở về trước (dấu chân người vượn homonid có thể cách đây đến 3 triệu rưỡi năm!).

Cổ thứ nhì thường được gọi là người Thái Cổ (Arche-anthropus) có từ 100.000 năm đến 1 triệu năm.
Cổ thứ ba được gọi là người Thượng Cổ (Paleo-anthropus) từ khoảng 40.000 năm đến hơn 100.000 năm trở về trước.
Sau hết là người Hiện Đại (Neo-anthropus) là mẫu hình nhân loại ngày nay tên khoa học là Homo- Sapiens-Sapien xuất hiện cùng một loạt ở nhiều nơi mà khảo cổ tìm thấy xương cốt cách đây trên dưới 40.000 năm. Hai trung tâm tìm thấy người Hiện Đại đầu tiên là Đông Nam Á (Hang Nia) và Tây Á.
Một câu hỏi cần đặt ra là: có phải người Vượn Homo-Erectus từ hơn hai triệu năm trước đã tuần tự tiến hóa để trở thành người hiện đại như ngày nay không ?

Các nhà nhân chủng học hình như đã không có cùng một câu trả lời cho vấn đề này.

Người đồng ý với thuyết chủ trương từ người Vượn Phi Châu (Autralopithecus) đã chuyển thành người Hiện Đại chỉ theo một tiến trình Sapiens hóa duy nhất là nhà sinh học nổi tiếng Weidenreich F. [On the Earliest representatives of modern mankind recovered on the soil of East Asia (Peking, Not.Hist. Bul. XIII, 1939) - A skill of Sinanthropus pekinensi (A comparative study on a primitive minid skill - Palacotologia Simica - No. 10, 1943) - The Kellor Skull: Anr. jown. of Physic Anthropology 3, 1, 1945]

Nhưng phần lớn những nhà nhân chủng khác đều cho rằng tiến trình này chỉ bắt đầu từ người Thượng Cổ (Paleo-Anthropus) mà bỏ đi hai loại Thái Cổ và Viễn Cổ, với lý do hai loại người Vượn quá xưa này có bộ óc quá nhỏ (dung tích não dưới 1000 cm3) không thể cùng một chủng loại với loài người được (não phải từ 1000 cm3 đến 2000 cm3) [Dobzhansky T. (Mankind Evolution - New Haven - London, Yale Uni. Press. 1962); Coon C.S. (The Origins of Races 1963)]. Nói một cách khác, ông tổ trực tiếp của người Hiện Đại là người Thượng Cổ rõ hơn chỉ từ người Thượng Cổ (Paleo-anthropus) mà ra.

Ngay cả với loại người vượn Homo Erectus thượng cổ này (Paleo-Anthropus) không phải tất cả đều tiến hóa thành người Hiện Đại. Có những loại như người Neanderthal rất phổ thông ở Âu Châu (đến nay tìm thấy được hàng trăm di tích có xương cốt loại người này) đã phát triển cách đây 150.000 năm rồi bỗng tự tiêu diệt cách đây khoảng 50.000 năm, như nhiều loài động vật khác thời đó. Giống người này có bộ óc khá phát triển (1550 cm3 so với người hiện đại bộ não trung bình là 1400 cm3). (Boule M & Vallois H. - Les hommes sossiles - Paris 1952) và như vậy người Neanderthal không phải là tổ tiên của người Châu Âu ngày nay. Di truyền học DNA xác nhận kết luận của khảo cổ học kể trên là đúng. (Krings M. & al Neanderthal DNA Sequences and the Origins of modern humans - Cell. Vol. 90. pp. 7719-7724, 1997).

Xem chừng chỉ có một loài linh trưởng qua được cái cầu thay đổi cấu trúc di truyền mà trước kia được gọi là đột biến di truyền và bước nhẩy biện chứng. Muốn hiểu tại sao thì trước hết ta phải trả lời được hai câu hỏi căn bản nữa là:

Cấu trúc di truyền của người vượn và người hiện đại khác nhau như thế nào?

Nếu loài người đã sinh ra từ một nguồn duy nhất mà nhân chủng học ngày nay thường gọi là từ một “bà Mẹ Phi Châu”, thì tại sao con người lại kẻ da trắng tóc hoe như người Âu Châu ? Kẻ da vàng tóc đen như người Á Châu ? Kẻ da đen tóc xoắn như đa số người Phi Châu và Hải đảo Thái Bình Dương?

Về câu hỏi thứ nhất:

Người ta biết được rằng con người hiện đại như chúng ta ngày nay có 23 cặp vòng xoắn nhiễm thể (chromosomes) trong khi người vượn có những 24 cặp, trong đó chỉ có 5 cặp là giống người hiện đại. Do đó, trước kia, bằng lý luận và bằng linh cảm các nhà nhân chủng học đã đoán biết được người vượn đã tiến hóa để trở thành người hiện đại phải vượt được cái cầu thay đổi cấu trúc di truyền. Nhưng thời đó khoa di truyền học chưa tiến bộ nên người ta chỉ có thể lý luận có tính cách triết học là sự thay đổi này phải có nhờ bước nhẩy biện chứng: Các học giả thời ấy giả thiết khi những biến chuyển nhỏ về lượng tích lũy đến một mức nào đó có thể gây những biến đổi về chất. Trả lời như vậy là chưa thỏa đáng, không thể làm vừa ý những người đắm mình trong tinh thần khoa học, thường được mệnh danh là khoa học chính xác trước đây.

Ngày nay nhờ tiến bộ của khoa di truyền như trên đã nói, người ta hiểu, ngoài thay đổi vì phóng xạ, có thể có thay đổi cấu trúc di truyền DNA theo luật tự nhiên vì những nguyên do khoa học, như trên đã trình bày.

Vậy thì, trong các loại người vượn, đã có một loại, ở Phi Châu, hội đủ được những yếu tố khoa học để thay đổi được cấu trúc di truyền của luật Spontaneous Point of Mutation này, chuyển được DNA (translocation) của loài Homo-Erectus thành DNA của loài Homo-Sapiens mà thành người hiện đại. Việc này xẩy ra chỉ mới khoảng 100.000 năm cách ngày nay (tối đa là 200.000 năm). Vậy di truyền học DNA đã chứng minh thuyết các nhà nhân chủng học chủ trương chỉ riêng người vượn Thượng Cổ (Paleo-Anthropus) đã chuyển hóa thành người Hiện Đại là đúng.


Về câu hỏi thứ hai:

Con người Homo-Erectus từ Phi Châu dần dà đã phân bố đi các nơi theo nhiều đợt qua nhiều giai đoạn khác nhau: đợt qua Á Châu trở thành người da vàng tên khoa học là Mongoloid, đợt qua Âu Châu trở thành người da trắng Europoid và đợt xuống Nam Phi Châu và qua hải đảo trở thành người Negro-Australoid. Những người này có vóc dáng mầu da, ánh mắt, râu tóc ... khác nhau. Tại sao ?

Trước kia, câu trả lời của các nhà nhân chủng học là: vì ảnh hưởng của môi trường sinh sống (môi sinh). Điều này có thể hiểu theo hai nghĩa:

Nghĩa thứ nhất: môi sinh được coi là yếu tố ngoại tại,
Nghĩa thứ hai: môi sinh khi thâm nhập vào cơ thể con người dần dần đã biến thành yếu tố nội tại của con người đó.

Theo nghĩa thứ nhất: con người được dinh dưỡng tốt, có khí hậu tốt thì có thể cao lên, to ra; sống tại nới quá nóng hay quá nhiều ánh sáng mặt trời thì da có thể đen hơn; sống ở nơi môi sinh khác hẳn như người Mongoloid qua eo Bering sang Mỹ Châu, da đỏ hơn, to lớn hơn ... Nhưng sự thay đổi hình dáng vì môi sinh như vậy cũng chỉ có thể đến một chừng mực nào đó. Không thể cùng một nguồn gốc hay cùng một mẹ mà kẻ da trắng mũi lõ, người da vàng mũi tẹt, người lại da đen tóc xoăn quắn. Dùng môi sinh theo nghĩa này để giải thích hiện tượng con người cùng một gốc mà vì ảnh hưởng của môi sinh đã biến thành người da trắng (Europoid) ở Âu Châu, da vàng (Mongoloid) ở Á Châu hay da đen (Negro-Australoid) ở Hải Đảo Thái Bình Dương và các vùng khác ở Phi Châu thì có vẻ không ổn vì không đúng với khoa học và thực tế.

Nhưng nếu hiểu theo nghĩa thứ hai, vấn đề lại khác : môi trường đặc biệt có thể đưa vào cơ thể con người những yếu tố đặc biệt (như các vi khuẩn, tia cực tím do ánh sáng mặt trời, các chất độc, các khoáng sản đặc biệt ... ) khiến con người khi hội đủ yếu tố có thể có sự đột biến di truyền tự nhiên mà khoa học ngày nay gọi là spontaneous point of mutation. Trong trường hợp đó nhiễm sắc thể DNA trong gene sẽ làm con người thay đổi đi về hình dáng, màu da, râu tóc, sức khỏe, tật bệnh, cả về thông minh và có thể về tác phong thiên hướng của con người như nghiện rượu, đa sát ... nữa. Cái nhiễm sắc thể DNA này, một khi đã lập thành sẽ tồn tại vĩnh viễn trong con người và di truyền mãi mãi cho các thế hệ về sau.

“Genes contain the information necessary for our bodies to grow, develop and formation. Genes are made of the chemical DNA (Deoxyribosenucleic acid) which is the basic material of heridity. Genes provide the information for the cells in the form of a chemically codes “message”, knows as the genetic code”. (Fact Sheet No14 - NSW Genetic Educ. prog.)

và:

“ - all yours DNA is in nearly every cell in your body.

- it influences things that make up personal identify ; height, build, shin colour, intelligence and possibly propensity for some behaviours such as alcholism.

- your genetic make up stays with you all your life it cannot be changed” (Information paper No 5 - Sept 1996 - Privacy Commissioner Human Rights Australia)

Chính vì sự bất lực của khoa học trước kia không giải thích nổi các hiện tượng như cách giải thích của di truyền học DNA vừa kể trên nên thuyết tiến hóa từ một trung tâm duy nhất không đủ sức thuyết phục, nên nhiều tác giả, kể cả người viết những dòng này trước kia, đã phải tạm quay ra thuyết nhiều trung tâm, dựa vào thuyết Tiến hóa Độc lập Đa địa phương (Multiregional Evolution) để giải thích về sự xuất hiện của người hiện đại. Xin đừng vội dùng thuyết lai giống để giải thíùch hiện tượng này vì khởi thủy đã có giống da trắng, da vàng, da đen khác nhau đâu mà lai.

Tóm lại: tuy trước kia đã có rất nhiều lý thuyết có sức thuyết phục cao, nhưng trước khi có sự khám phá về thay đổi cấu trúc di truyền DNA mà, như trên đã nói, mới chỉ phát minh ít năm gần đây, mọi cuộc bàn cãi về nguồn gốc con người nói chung, về nguồn gốc một chủng tộc nào đó như chủng tộc Hoa, chủng tộc Việt nói riêng, chỉ có giá trị thuần lý thuyết.

Trong những bài viết trước đây, chúng tôi đãõ chứng minh bằng những chứng tích do khảo cổ học cung cấp, là con người đã từ phương Nam (Văn Hóa Hòa Bình) di lên phương Bắc và là căn cốt thành lập nên nước Trung Hoa, kể cả các nước Nhật Bản, Triều Tiên. Tuy nhiên, lúc đó chưa có được các bằng chứng về di truyền học nên người viết còn biï lấn cấn về bảng xương sọ có tính Hắc chủng mà các học giả Pháp gọi là người Malanesian, Indonesian, Nam Á, Australoid, và được tất cả các tác giả người Việt gần đây tuân theo như một chứng tích đầy quyền uy của khoa học. Tất cả những lấn cấn này, nay nhờ di truyền học đã được sáng tỏ. Và chúng ta thấy đã đến lúc cần phải duyệt xét lại tất cả các thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam từ trước đến nay cho phù hợp với tiến triển của khoa học ngày nay.


ĐÓNG GÓP CỦA GS. CHU & ĐỒNG NGHIỆP VÀO NGUỒN GỐC NGƯỜI ĐÔNG Á QUA THUYẾT DI TRUYỀN

Như trên đã nói, xin Quý vị độc giả đọc chi tiết về báo cáo khoa học của GS. Chu và các đồng nghiệp trong số này. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh vào ba điểm căn cốt như sau :

Điểm thứ nhất:

Công trình khảo cứu của GS.Chu phủ nhận người Trung Hoa đã tự sinh ra và phát triển độc lập trên đất Trung Hoa như nhiều nhà khảo cổ trước đây đã chủ trương đồng thời khẳng định gốc gác của người Trung Hoa từ Đông Nam Á di lên.

[Trích Báo cáo GS. Chu:

“Nervetheless, genetic evidence does not support an independence origin of Homo-Sapiens in China. The phylogeny also suggested that it is more likely that ancestor of the populations currently residing in East China entered from Southeast Asia”].


Điểm thứ hai:

Người từ Đông Nam Á di lên đó cũng không hẳn tự phát sinh ở Đông Nam Á mà họ đã đến từ Phi Châu qua ngả Nam Á.

[Trích Báo cáo GS. Chu:

“In both phylogenies with different loci and populations from East Asia always derived from a single lineage, indicating the single origin of those populations ... It is now propably safe to conclude that modern humans originating in Africa constitute the majority of the current gene pool in East Asia”].


Điểm thứ ba:

Và, sau khi phối kiểm với kết quả của khảo cổ học như việc đo đạc xương cốt sọ mặt ... GS. Chu kết luận riêng người phương Bắc Trung Hoa sau khi đã từ Đông Nam Á di lên sau lại lai giống với người từ Trung Á và Âu Châu di cư đến. (Có lẽ đây là tổ tiên của người Hoa Hán lập nên nhà Thương - Người viết ghi thêm).

[Trích Báo cáo GS. Chu :

“The northern populations were under strong genetic influences from ALTAIC populaitons from the North. But it is unclear how Altaic populations migrated to Northeast Asia. It is possible that ancestral Altaic pop. arrived there from middle Asia, or alternatively they may have originated from East Asia”.

và:

“Therefore, it is likely that ancestors of Altaic speaking people originated from an East Asia population that was originally derived from South Asia, although the current Altaic-speaking populations undeniably admixed with later arrivers from mid-Asia and Europe”].


Như thế là đủ rõ.

Trong những bài viết trước, chúng tôi đã chứng minh người thuộc Văn hóa Hòa Bình Từ Đông Nam Á mà điểm chính có thể từ Bắc Việt Nam đã di cư lên góp phần thành lập nước Trung Hoa. (TƯ TƯỞNG số 2 - Nguồn gốc dân tộc Việt Nam; số 3 - Biển tiến và Sự thuần hóa cây lúa nước; số 4 - Văn hóa Đông Sơn). Nay thì di truyền học đã chứng minh không phải người Đông Nam Á chỉ góp phần mà thực ra đã đóng vai trò chính, đã là tuyệt đại bộ phận của nhân chủng lập nên nước Trung Hoa. Ngay cả những người ở phía Bắc Trung Hoa cũng chỉ là người lai giữa giống từ Đông Nam Á di lên với giống từ phương Tây (ngưới Âu?) di lại. Và việc đó cũng chỉ diễn ra nhiều lắm từ 15.000 năm trở lại đây mà thôi.

Sự khám phá của Gs. Chu và các đồng nghiệp đã được các học giả khắp nơi hưởng ứng. Nhiều học giả đã bổ khuyết thuyết của Ông Chu bằng những tham luận giá trị. Xin kể ra đây ba khuynh hướng đáng lưu ý nhất:

Khuynh hướng 1: Trước hết, phải kể đến nhà di truyền học rất nổi danh vì đã đóng góp cho nhân loại nhiều công trình nghiên cứu giá trị là GS. Cavalli-Sforza. Ông đã chứng minh từ năm 1997 trước khi có sự công bố công trình nghiên cứu của GS. Chu là người từ Châu Phi đã đến Đông Nam Á qua ngả Nam Á, rồi từ Đông Nam Á họ đã chia hai ngả : một ra các hải đảo thuộc Châu Đại Dương để trở thành những người mà sau này các nhà nhân chủng học gọi bằng nhiều tên như Malanesian, Indonesian, Australoid; và một ngược phía bắc lên Đông Á rồi vượt eo Bering sang Mỹ Châu. (Cavalli-Sforza - genes, people & languages - Proc. Natl. Acad. Sci. - USA, Vol. 194 pp. 7719-7724, 1997). Câu hỏi cần được đặt ra là: Tại sao cũng từ Đông Nam Á ra đi mà người ra hải dảo thì da sậm, tóc xoăn; trong khi người ngược phía Bắc lại thuộc da vàng, tóc đen? Cần phải có sự nghiên cứu về di truyền học và có thêm tài liệu khảo cổ để trả lời câu hỏi này cho xác đáng. Trong hoàn cảnh tài liệu hiện có, chỉ có thể giả thiết, người từ Phi Châu đến Đông Nam Á rồi tiện đường (lúc này nước biển thấp nên có nhiều cầu nổi nối liền Đông Nam Á đến hải đảo) ra hải đảo Thái Bình Dương trước.



Trong khi trụ lại Đông Nam Á, họ đã hội đủ các yếu tố khoa học để có được một sự thay đổi cấu trúc di truyền lần hai, biến từ giống da đen sang giống da vàng trước khi họ tiến lên phía Bắc. (Xin đọc lại đoạn trên về sự thay đổi di truyền DNA là nguyên nhân thay đổi vóc dáng, mầu da, mầu mắt, mầu tóc ...). Vậy phải chăng người Hắc chủng từ Phi Châu đến Đông Nam Á rồi nhờ hội đủ yếu tố khoa học, đủ cơ duyên, đã biến đổi thành người da vàng mà sau này nhân chủng học gọi bằng tên Mongoloid. Từ đó họ đã tỏa lên phía bắc vượt sang Châu Mỹ tạo thành người Da Đỏ. Một nhánh khác của Hắc chủng khi đến Âu Châu đợt sau đã nhờ thay đổi cấu trúc di truyền DNA mà thành Bạch chủng, sau này gọi là Europoid. Đại chủng Vàng Mongoloid ở Á Châu, và Đen Negro-Australoid ở Phi Châu và các hải đảo Thái Bình Dương, và Trắng (Europoid) ở Âu Châu nay lan sang nhiều nơi khác như Bắc Mỹ, Úc Châu ... là ba đại chủng chính của nhân loại ngày nay.

Khuynh hướng 2: Đến năm 1999, một học giả khác người Trung Hoa, GS. Li Yin, đứng đầu một nhóm khoa học gia về di truyền học (Đại học Stanford) đã nghiên cứu cùng một vấn đề trên. Báo cáo của ông củng cố thuyết của ông Cavalli-Sforza mà còn chi tiết thêm thuyết con người có gốc duy nhất từ Phi Châu đã di cư đi các nơi khác qua ba đợt như sau:

Đợt 1: Từ Phi Châu đến Nam Á rồi xuống Châu Đại Dương.

Đợt 2: Từ Phi Châu đến Đông Nam Á qua ngả Nam Á; rồi từ Đông Nam Á chia hai ngả, một đến các hải đảo Thái Bình Dương, một ngược lên phía bắc đến Đông Á và Bắc Mỹ.

Đợt 3: Từ Phi Châu đến Tây và Trung Á rồi từ đó chia hai : một nhóm đi lên Âu Châu rồi qua Bắc Mỹ; một nhóm đi qua Nam Á và vào Bán đảo Ấn Độ. Kết quả về di truyền của GS. LiYin về sự di cư của người Phi Châu thực ra cũng không khác nhiều với thuyết di cư do các nhà nhân chủng học mà tiêu biểu là Charles Higham đã vẽ ra bản đồ từ năm 1996 (Li Yin & N. - Distribution of halotypes from a chrosmosomes 21 Region-distinguishes multiple prehistoric human migrations - Proc. of Natl. Acad. Sci. - USA, Vol. 96 pp. 3796-3800, 1999).
Khuynh hướng 3: Một tác giả nổi tiếng khác ủng hộ và làm sáng tỏ thêm kết quả nghiên cứu của GS. Chu là GS. Alberto Piazza ở Đại học Torino, Ý Đại Lợi, ông nhắc lại ba mô hình được các học giả trước đây đưa ra về nguồn gốc người Trung Hoa là :

Mô hình 1: Chủ trương nguồn gốc người Trung Hoa ở Hoa Nam là từ Hoa Bắc di xuống rồi hợp chủng với những người Australoid đã có sẵn ở đó.

Mô hình 2: Chủ trương ngược lại cho người Hoa Nam đã di cư lên Bắc và người phía Bắc Trung Hoa chỉ là hậu duệ của người Phương Nam di cư lên.

Mô hình 3: Chủ trương hai giống người ở Hoa Bắc và Hoa Nam tiến hóa và phát triển độc lập với nhau qua ba trung tâm chính Yang-Shao, Ching Lien Khang và Ta-Pen-Keng.
Ông kết luận: mô hình thứ hai (Bắc là hậu duệ của Nam Trung Hoa), người phương Bắc có sau và do từ người phương Nam di cư lên sinh ra, phù hợp với các dự kiện về di truyền học theo khảo cứu của GS. Chu và đồng nghiệp hơn. Những sự nghiên cứu khác dù về di truyền (Cavalli-Sforza), hay về khảo cổ như nghiên cứu về răng (Turnen C. G.); về sọ ( Hanihara T.) của người cổ ở Trung Hoa cũng hậu thuẫn cho mô hình hai này. (Alberto-Piazza - Human Evolution: Towards a genetic history of China - Proc. of Natl. Acad. Sci. - USA, Vol 395, No 6707, 1998).

Trước khi kết luận bài viết này, chúng tôi có ý định lược duyệt các thuyết đã có về Nguồn gốc Dân tộc Việt Nam và trình bày những ưu khuyết điểm của chúng trước khi đưa ra kết luận chung cuộc cho vấn đề. Nhưng viết đến đây tôi thấy việc làm này cũng không cần thiết nữa. Chung qui thì những thuyết về nguồn gốc dân tộc ta từ trước đến nay, dù do người ngoại quốc viết, dù do người Việt Nam viết cũng chỉ qui về hai mô hình như đã trình bày ở phần mở bài : mô hình 1 căn cứ vào văn bản chủ trương người Việt là hậu duệ của những người từ phương Bắc di cư xuống; mô hình 2 căn cứ vào bảng tỷ lệ xương sọ thời Đồ Đá Mới do người Pháp thành lập trước kia và mới được bổ túc vào thập niên 60, chủ trương người Việt là hậu duệ những người thuộc Hắc Chủng từ Hải đảo Thái Bình Dương di vào sau phối hợp với những người Mongoloid từ phương Bắc di cư xuống mà thành. Tất cả những khảo cứu về di truyền học DNA , như vừa trình bày ở trên, đều khẳng định cả hai mô hình trên là sai, là ngược lại với sự thực. Người viết, bằng vào những kết quả mới nhất của khảo cổ học về thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng, về sự thuần hóa lúa nước ... cũng đã chứng minh những thuyết ấy là sai sự thực (Tập San TƯ TƯỞNG số 1, 2, 3 và 4). Những chứng minh này hổ trợ cho các kết luận về di truyền học như vừa kể. Chúng tôi sẽ trình bày các sưu khảo khác về đồ gốm, về ngôn ngữ, văn tự, về các phong tục tập quán, nói chung về văn hóa, tất cả đều chứng minh tộc Bách Việt đã có trước và di cư lên phía Bắc để lập ra nhiều nước khác nhau trước khi thống nhất dưới bạo lực của nhà Tần thành nước Trung Hoa như ngày nay. Văn hóa Việt cũng đã có trước rồi sau này tiến hóa thành văn hóa Hoa ăn khớp nhịp nhàng với kết luận của các khảo cứu về di truyền học vừa được công bố trong vài năm gần đây.

Thuyết của GS. Nguyễn Khắc Ngữ cũng như các GS. Đại Học Hà Nội về người Hắc chủng ở hải đảo vào lai giống với người Mongoloid là tổ tiên của người Việt ngày nay và thuyết của các học giả Pháp và các học giả người Việt lớp cũ từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đến Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim ... nói về nguồn gốc người Việt là hậu duệ của người từ phương Bắc xuống phải được đảo ngược lại mới đúng với sự thực.

Người viết xin kết luận bài này với lòng mong ước những nhà di truyền học Việt Nam, trước hết xin bổ khuyết cho phần viết của chúng tôi liên quan đến di truyền học DNA trong những dòng viết ở trên để những tài liệu này được hoàn chỉnh hơn. Thứ nữa, nếu có thể được, xin sớm thực hiện một cuộc khảo cứu về di truyền học DNA cho người Việt Nam, như trường hợp GS. Chu và đồng nghiệp của ông vừa thực hiện đối với người Trung Hoa ngỏ hầu có thể khẳng định và làm rõ rệt thêm rằng người Hòa Bình, đã di cư từ Châu Phi đến, nhưng đã trụ ở Đông Nam Á và nhờ đó đã có một sự chuyển hóa di truyền lần thứ hai tại đây nhờ những thay đổi về DNA trong nhiễm sắc thể khiến từ người da đen gốc Châu Phi dã chuyển hóa thành da vàng Châu Á trước khi di cư lên phía Bắc. Nhờ vậy Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) trở thành cái nôi người da vàng cổ nhất của nhân loại tại phần đất không những ở Đông Nam Á mà ở cả toàn cõi Châu Á vậy.

CUNG ĐÌNH THANH
(Viết tại Sydney, Nam Bán Cầu, nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng Ba năm Canh Thìn 14/4/2000)
devcb
02-16-2004, 02:23 PM
...:clap LD...Thank so much for posting of this excellent research :clap ...




Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

1. Thuyết của người Tàu cho rằng mình là một giống man di ở phía nam Trung Quốc ngày xưa. Mình có hai ngon chân cái chỉa vào nhau như chữ X nên còn được gọi là Giao Chỉ. Việc một dân tộc có nền văn hóa cao hơn khinh miệt những dân tộc khác là chuyện thường tình. Người Tàu luôn gọi các dân tộc chung quanh họ là man di; ...
Sau khi đọc xong bài viết của Nguyễn Văn Tuấn ... tôi thấy nực cười quá .. Họ (Trung Hoa) những kẻ tự xưng mình là "rốn của vũ trụ" lại là những kẻ đã chối bỏ nguồn gốc của chính họ và lại đi chê bai chính tổ tiên (VIệt Nam) của họ ...


2. Một thuyết khác cho rằng người Việt mình vốn là dân ở bên Tàu ngày xưa. Những nhân vật như Việt Câu Tiễn đều là tiên tổ của mình. Có lẽ là do ngày xưa bên Trung Quốc có rất nhiều dân tộc xưng là Việt, như Chiêm Việt, Mân Việt... (họ được gọi chung là Bách Việt hay Bei Yue 百越). Người Lạc Việt mình là trong nhóm khoảng một trăm dân tộc Việt ấy. Khi người Tàu (có gốc nguồn từ con sông Hán nên tự xưng là dân tộc Hán) sang đánh người Bách Việt thì người Lạc Việt đã chạy xuống phương Nam mà lập ra nước Văn Lang.
Thuyết #2 này ... thực ra chỉ là những biện minh để giải thích cái nguồn gốc mà họ ( lũ Bắc Á) muốn áp đặt và mê hoặc những người ở phía nam sông Giang Tử mà thôi ... bây giờ thì quá rõ ... không cần giải thích thêm ... thuyết này là không đúng ... mà phải nói ngược lại là :" nguời Việt là thuỷ tổ của người Trung Hoa ... " ....


3. Có thuyết cho rằng người Việt ta ngày trước được kết hợp giữa hai dân tộc - một di tản từ vùng châu thổ sông Dương Tử (Yangtzi River) Trung Quốc ra cửa biển Phúc Kiến (Fujian?) rồi theo gió nam đi dọc biên hãi Trung Quốc xuống miền Bắc; một theo sông Cửu Long (Mekong River) từ Tây Tạng (Tibet, China) rồi tẻ theo sông Hồng Hà (?) mà đến Bắc Việt (còn những người không tẻ ra thì đi lập ra các nước Lào, Campuchia và Thái Lan). Hai dân tộc này đã sống hiền hòa với nhau và sau này đã đồng nhất, trở thành dân tộc Kinh ta ngày nay.
Thuyết #3 này cũng chỉ là biện luận mà thôi .... Ai cũng thừa hiểu là :
1. văn hoá Ướt (lúa nước) có trước văn hóa Khô ( kê mạch) ...
2. Cách đây 20.000 năm truớc khi tan băng hà ... thì ở thung lũng sông Giang tử chưa thật sự có văn hoá Ướt ... còn ở thung lũng sông Hoàng thì là vùng không thể định cư được ... lúc ấy chỉ có người du mục (Bắc Á) luân chuyển mà thôi ...
Cho nên thuyết từ Bắc-xuống-Nam là không có căn cứ ...
Theo những nghiên cứu (khoa học) về DNA và văn Hóa Đông Sơn thì rõ ràng là Nam-lên-Bắc ... chứ không có chuyện Bắc-xuống-Nam ...
===================================================

Some Original quotes từ bài viết của Nguyễn Văn Tuấn

1. Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng mức độ biến thiên đa hình thái (polymorphic variation) trong các nhóm dân Đông Nam Á cao hơn trong các nhóm dân thuộc vùng Bắc Á. Điều này có nghĩa là các sắc dân ở Đông Nam Á có một quá trình định cư lâu dài hơn là các nhóm dân Bắc Á ....

2.Dùng các phương pháp phân tích di truyền quần thể (population genetics), các nhà nghiên cứu kết luận rằng con người thời đó đã di cư từ Phi châu sang đến Đông Nam Á [11] vào khoảng 60 ngàn năm về trước, và sau đó đã di chuyển lên phía Bắc Á (kể cả Trung Quốc ngày nay) và Siberia [12].

3.Ngoài ra, còn có bằng chứng di truyền cho thấy các nhóm dân Polynesians cũng có nguồn gốc từ Đông Nam Á [13].

4.qua dùng kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction) họ phân tích 6 “restriction enzymes”, và ghi nhận khoảng cách di truyền giữa người Việt và người Hoa rất thấp (chỉ 0.0022), nhưng giữa người Việt và Ấn Độ thì tương đối cao hơn (0.0468), có nghĩa là quan hệ giữa giống người Việt và Hoa gần nhau hơn so với quan hệ Việt và Ấn.

5.trong nhiễm sắc thể Y trong hai nhóm dân: Bắc Á (Bắc Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, và Mông Cổ), và Nam Á (Nam Dương, Phi Luật Tân, Thái, và Việt Nam) cho thấy người Việt gần với các nhóm dân Bắc Á (nhất là Hàn Quốc) hơn là các nhóm dân Nam Á [17]!

6. qua nghiên cứu của Giáo sư Chu, người Hoa phía Bắc Trung Quốc có cấu trúc di truyền khác với người Hoa phía Nam Trung Quốc. Do đó, phát hiện này quả rất khó giải thích.

7.qua số liệu của các nhà nghiên cứu này, chúng ta có thể phát biểu rằng trong hai gien mà họ nghiên cứu, người Việt có lẽ là một sắc dân cổ nhất trong vùng Đông Nam Á.

8.Những kết quả của các nghiên cứu này đã cung cấp thông tin cho chúng ta để phát biểu một giả thuyết mới, rằng người Hoa ngày nay có thể xuất phát từ phía Nam, mà cụ thể hơn là Đông Nam Á; và có bằng chứng [tuy chưa đầy đủ] cho thấy người Việt có thể là một dân tộc cổ nhất trong vùng Đông Nam Á; cho nên có thể người Việt cũng có thể chính là tổ tiên của người Hoa ngày nay, nhất là các sắc dân ở miền Nam Trung Quốc. Cố nhiên, đó chỉ là một giả thuyết cần được thử nghiệm ......

9.di truyền học đã chứng minh không phải người Đông Nam Á chỉ góp phần mà thực ra đã đóng vai trò chính, đã là tuyệt đại bộ phận của nhân chủng lập nên nước Trung Hoa. Ngay cả những người ở phía Bắc Trung Hoa cũng chỉ là người lai giữa giống từ Đông Nam Á di lên với giống từ phương Tây
lost-dude
02-26-2004, 09:42 PM
Bài dưới đây được trích từ trang "Người Tàu Xấu Xí"
http://www.uglychinese.org/vietnamese.htm

VIETNAMESE & SOUTHERNERS
In this section on Vietnam, I will lump together various peoples living to the south of ancient Chinese. This is for simplicity's sake. Otherwise, I would have to separate them into Sanmiao (Three Miao) peoples, Dian-Yue (Yunnan Yue) People, the Dong-Yue (Eastern Yue) People, the Nan-Yue (Southern Yue) People, the Min-Yue (Fujian Yue) People, the natives living in the mountains of southwestern China, the Nan-Zhao people, the Burmese (Myanmar), the Thai people, the Taiwan natives, and the Vietnamese. It will be a difficult task to cover them all. Southwest China, part of the plateau leading to Himalaya, was validated to be a spot full of traces of ancient homo erectus and homo sapiens. In this very spot, archaeologists had proven that ancient Yunnan Prov people could be the sole supplier of tin for the bronze of Shang Dynasty and succeeding Chinese dynasties. (Hair styles of men and women on bronze utensils excavated from ancient Dian-yue Statelet in Yunnan Prov had proved a continuity of customs among today's Yi-zu minority people.) Vietnamese, the equivalent of Jing-zu minority in China's Guangxi Prov, certainly have their ancestry in the same place that we are to explore below. Vietnamese, from the perspective of geography, should belong to the ancient Hundred Yue family.

The earliest southerners were called Sanmiao. At the times of Lords Yao-Shun-Yu, the so-called 'Sanmiao' (Three Miao) people had been living in the middle Yangtze River, taking Lake Dongting as their very homeland. In Prehistory, we mentioned that some advocates for southern aboriginals claimed that Chiyou (Chi-u) belonged to southern Chinese who descended from the Liangzhu Culture and that southerners had expanded into Hebei areas of northern China, instead. Someone by the name of Qin Yanzhou speculated that Chiyou's Jiuli was an alliance of ox-totem southern proto-Nan-Man people and bird-totem eastern proto-Dong-Yi people. Conventional wisdom claimed that SanMiao was derived from Chiyou's Jiuli or "Nine Li[2] Tribes". The middle Yangtze River would remain marshlands and lakes till the time of the Chu State of the Warring States period (403-221 BC). The State of Chu, 1500 years after Xia Dynasty was first established, would still belong to an alien ethnical group, and they were the first group of people to reject the overlordship of the Zhou Dynasty by declaring themselves as a king of equal footing. Mainly in today's Guangdong and Hunan provinces would exist Zhuang-zu and Yao-zu minorities, and mainly in today's Guizhou and Guangxi provinces would exist Miao-zu, Zhuang-zu, and Yao-zu minorities. Miao-zu, Zhuang-zu, and Yao-zu, living more closer to central China, should have closer affiliations with ancient San-Miao people, with the same character 'miao' embedded.


Southern Minority Peoples

The natives living in the mountains of southwestern China number the most variety in today's China. Especially noteworthy would be Yunnan Prov, i.e., the original habitation of ancient Nan-zhao & Da-li statelets. Among 56 ascertained ethnic groups, Yunnan Prov was in possession of 26 groups, comprising of one third of the provincial population. Specific to Yunnan Prov would be about 16 groups, while the other 10 lived across multiple provinces and borders.

Per Scholar Zhan Quanyou (The Culture of Nan-zhao & Da-li Statelets, 2002 edition, Sichuan People's Press, Chengdu, Sichuan), Yi-zu's ancestor would be Wu-man (i.e., black barbarian); Bai-zu's ancestor would be Bai-man (i.e., white barbarian); Dai-zu's or Thai ancestor would be Jin-chi-man (i.e., gold teeth barbarian), Yin-chi-man (i.e., silver teeth barbarian), Hei-chi-man (i.e., black teeth barbarian) and Mang-man; Bulang-zu and De'ang-zu belonged to Pu-zi-man; Wa-zu belonged to Wang-man; A'chang-zu belonged to Xunchuan-man; Jingbo-zu belonged to Luo-xing-man (i.e., nude body barbarian); Naxi-zu belonged to Mo-xie-man; Lisu-zu belonged to Shi-man and Shun-man; and Hani-zu belonged to He-man. (Here, Bai or Wu has nothing to do with the color of the skin, and both groups belonged to Sino-Tibetan Di[1]-Qiang[1] people.)

Zhan Quanyou further grouped Dai-zu under Bai-yue or Hundred Yue Family; Bulang-zu, De'ang-zu and Wa-zu under Bai-pu or Hundred Pu[2] Family; A'chang-zu, Jingbo-zu, Naxi-zu, Lisu-zu, Bai-zu, Yi-zu and Hani-zu under Di[1]-Qiang[1] Family.

Also dwelling in Yunnan would be the following ethnic groups: Lahu-zu, Pumi-zu, Nu-zu (nu meaning angry, and a river was named Nu-jiang, too), Dulong-zu (i.e., lonely dragon), and Jinuo-zu. Other ethnic groups in Yunnan that span across provinces would be Zang-zu (Tibetan), Hui-zu (Muslim), Miao-zu (the same 'miao' character as SanMiao), Zhuang-zu, and Yao-zu.

Separately, the provinces of Guizhou, Guangxi, Guangdong, Hunan and Sichuan harbored numerous other ethnic groups. In Guizhou Prov could be found Shui-zu (water), Gelao-zu, and Buyi-zu, in addition to cross-border groups like Miao-zu, Yi-zu, Dong-zu, Zhuang-zu, and Yao-zu. In Guangxi Prov could be found Mulao-zu, Maonan-zu, Jing-zu, in addition to cross-border groups like Miao-zu, Dong-zu, Zhuang-zu, and Yao-zu. (Jing-zu is the majority ethnic group in today's Vietnam.) Zhuang-zu and Yao-zu also dwelled in Guangdong and Hunan provinces. In the south and southeast, Hainan-dao Island possesses Li-zu minority. Fujian & Zhejiang provinces possess She-zu minority. Gaoshan-zu (high mountain ethnic group) would be in Fujian Prov & Taiwan Island.

Dominance Of Tibeto-Burman language
Zhan Quanyou cited one school of thought: the people dwelling to the west and northwest of Yunnan Prov, i.e., Tibetans, Yi-zu, Bai-zu, Hani-zu, Naxi-zu, Lisu-zu, and Lahu-zu, all belonged to the descendants of ancient Di-Qiang people linguistically, i.e., the Tibetan branch and Yi-zu branch of the Tibeto-Burman language family.

The interesting thing about southwestern China will be the so-called Tibeto-Burman language. As detailed in the section on Tibetans, the Tibetans belong to a larger language family called Sino-Tibetan. The Tibeto-Burman branch consists of 2-300 languages spoken primarily in the uplands of Inner, South, and Southeast Asia, and could be found from Sichuan and Qinghai in the north to the southern extremity of Myanmar (Burma), northwestern Vietnam, and northern Pakistan in the west. Tibetans are related to the minorities in today's southwestern China, for example, Mo-so & Lo-lo (aka Yi-zu minority) people. Mo-so & Lo-lo peoples are pockets of minorities who had survived thousands of years of human migrations from north to south. Most of the early southerners would have been pushed out of southern China a long time ago, and a migration path could be separately painted for the Polynesians, the Southeast Asians in the Philiphines and Indonesia/Malaysia, and the peoples in Vietnam, Burma and Thailand. Note that there already had occurred early waves of migrations hundreds of years before the Mongols destroyed the independent state of Nan-Zhao (Da-Li) in AD 1253. Today's Shan and Thai peoples in Burma and Thailand are refugees of Nan-Zhao Statelet.

Brief Introductions To Southern Minorities
In Yunnan Province, several tribes lived along the banks of Du-long [lonely dragon] River & Nujiang River [angry river or En-mei-kai River in Burma]. Du-long River flows 150 kilometers southward in parallel with Nujiang River, with ridges on two banks reaching as high as 3000-4000 meters. Among Dulong-zu, Nu-zu, Pumi-zu, Lisu-zu, Bai-zu, Yi-zu, Jingpo-zu and Wa-zu who dwelled along Nujiang River, Dulong-zu & Nu-zu were in seclusion. Dulong-zu people, numbering 4800 people by 1982 census, dwelled inside of Du-long River Valley, with connection with outside world through south valley mouth for only three months per year. Dulong-zu had a customs of killing ox for oblation; however, they rarely could afford to buy an ox. Dulong-zu had a custom of marriage between niece and aunt across all villages. Nu-zu, across the mountain and by the bank of Nujiang River, possessed 22000 people by 1982 census. Nu-zu have 5 months time for connecting with the outside world. Before iron spread there in early years of ROC, Nu-zu used stone tools for plowing. Nu-zu have a cutom of celebrating long-lasting marriages, similar to diamond memorial.

Lisu-zu, to the south of Nu-zu, was part of ancient Wu-man barbarians, aka Li-man in Tang Dynasty records. Lisu-zu could have migrated to Nujiang from Lancangjiang & Jinshajiang river area during Qing Dynasty time period. Lisu-zu claimed origin in Tian-jin, i.e., Chengdu of Sichuan Prov. Lisu-zu people love sliding across river by hanging cord, dancing on charcoal fire, and climbing knife ladder, a custom passed on from Ming Dynasty time period when they helped defeat Burmese tribes. They have a habit of 'gong fang' (i.e., public house) for dating, and like to drink wine via same bowl.

Bai-zu have 1 million plus by 1982 census data. Duan Siping of Dali-guo Statelet (AD 937-1253) originated in Bai-man, i.e., ancestors of today's Bai-zu. There are two groups of Bai-zu, mountainside Bai-zu and plains Bai-zu. On the west bank of Nujiang and two banks of Lancangjiang, there are small number of Bai-zu communities. Bai-zu, around Erhai area, produced numerous literature, epics and chronicles.

Pumi-zu, numbering less than 20,0000 per 1982 census, had no automonous region of their own. However, Pumi-zu possessed an ancient chronicle entitled 'kai lu jing' [Classics Of Paving Road]. Pumi-zu, at the burial time, liked to use sheep for hint as to soul's willingness to return north. Pumi-zu could have origin in ancient Xi-fan [western barbarians], aka Ba-ju. Cai Ah-dong claimed that they could have origin in ancient Xi-rong or Rong-qiang people. Pumi-zu called themselves Pei-mi (white man), and Cai Ah-dong stated that they were the same as Bai-lang-guo (white wolf country) which sought vassalage with Han Emperor Mingdi (reign 58-750. Pumi-zu have beautiful clothes, and wear pants and skirts from age 13 onward, and they possessed strict guidelines as to inter-marriages between clans.

Close to Burma, Jing-po-zu, beyond Gaoli-Gongshan mountain ranges, possessed 100,000 per 1982 census. Jing-po-zu had an autonomous region with Dai-zu. Jing-po-zu could have origin in Xunchuan tribe of Tang Dynasty time period. Like La-hu-zu, Jing-po-zu hunted tigers and lived on ridges. Jing-po-zu fought British in late 19th century. Jing-po-zu are fond of bride abduction. Dai-zu, known as Thai in Thailand, with a population of 800,000 plus per 1982 census, live in the famous xi-shuang-ban-na district. Dai-zu claimed to have originated from ancient Bo-ren ('bo' meaning peace and freedom in Dai). Dai-zu belonged to Zhuang-Dong branch, while Yi-zu belonged to Tibetan-Burmese branch. Per Cai Ah-dong, Dai-zu could be ancient Jin-chi (gold teech) barbarians. Dai-zu could be classified into two groups: Han-bai-yi [land Dai] in west Yunnan and Shui-bai-yi [water Dai] in southern Yunnan. Dai-zu sought vassalage with Song Emperor Xiaozong during Chunxi Era 7th Year, i.e., AD 1180. It would be Dai calendar 542nd year. Song court conferred King of Dai with a tiger-head seal and 'dao' (knife) surname. Cai Ah-dong stated that Dai-zu calendar could be as old as Zhou Dynasty. Today's Dai-zu possessed a local chronicle dating from 1180 onward. Dai-zu eat all foods, including insects, are good at agriculture, possess good housing styles, and possess the famous Po-shui-jie [water pouring] festival.


Wa-zu, living in stone age not long ago, used to killing each other between villages. Cai Ah-dong stated that Wa-zu could be Wang-ren or Ha-la in ancient times. Wa-zu like to make big dangling ears. Lahu-zu, meaning tiger-hunting tribe and numerbing 34,000 by 1982, lived on two banks of Lancangiang River. Lahu-zu could be Kunming-man barbarians which might be qiangic. Lahu-zu at one time fought British invasion. Bulang-zu, numbering 58,000 by 1982, could be from ancient Pu, Pu-zi-man, Ailaoyi, Min-pu, or Luo-pu. Cai Ah-dong stated that Zhuge Liang of Three Kingdoms time period might have forced them into a migration. Benglong-zu (i.e., De'ang-zu), being a neighbor of Bulang-zu, numbered 12000 per 1982 census. De'ang-zu are a tea growing people. Cai Ah-dong stated that De'ang-zu could be Pu in Han-Jinn dynasties, Mang-man in Sui-Tang dynasties, Inchi-guo in Song-Yuan dynasties, and Pu-ren or Ha-la in Ming-Qing dynasties. Cai Ah-dong stated that Benglong-zu (De'ang-zu), Bulang-zu and Wa-zu all belonged to ancient Pu people, and they are close to Khmer in language.

A-chang-zu, numbering 20,400 per 1982 census, could be ancient Mang-man barbarian and Ailaoguo statelet. They could also be known as Er'chang-man or Xunchuan-man. They like to eat snakes and are good at making A-chang-dao knife.

Ji-nuo-zu produced tea similar to De'ang-zu and Dai-zu, and their language was similar to Yi-zu language. Numering 12000 per 1982 census data, Ji-nuo-zu claimed to be descendants of the soldiers of Kong Ming (i.e., Zhuge Liang of Three Kingdoms time period), stating that their ancestors were lost while following Kong Ming in southern campaigns. Ji-nuo-zu possessed a Kong-ming-mao hat, and they inherited an "abduction game" for teenagers reaching adulthood age 16.

Hani-zu, numbering 1,060,000 per 1982 census, would be the biggest group in Yunnnan Prov. Cai Ah-dong claimed that they could be He-yi barbarian of 3rd century BC in Daduhe River area, or He-man barbarian in Tang Dynasty, or 37-barbarian-groups in Yuanjiang River area during Dali Statelet time period. Na-xi-zu numbered 240000 per 1982 census. The interesting thing about Na-xi-zu would be so-called legend and customs of "nu-er-guo" (i.e., women statelet): They possessed "a-zu-hun" whereby women, never married to a single man, would just accept whoever man visits her house. Na-xi-zu, per Cai Ah-dong, could be ancient 'Hao' or 'Mosha-yi' barbarian.

Yi-zu minority, numbering 5,000,000 per 1982 census, used to possess a caste society similar to Indians. They possessed two groups, i.e., Bai-yi (i.e., White Yi-zu) of Western Cuan Family and Hei-yi (i.e., Black Yi-zu) of Eastern Cuan Family. Note that white or black has nothing to do with skin, but Black Yi-zu's claim that they had black bones of noble blood lineage. Black Yi-zu used to require that all Yi-zu people must recite their family lineages by tracing dozens of generations backward, and hence Black Yi-zu could usually catch fleeing White Yi-zu slaves by exposing the loopholes of the family heritage. Yi-zu could be traced to Na-man or Xinan-yi of Han Dynasty time period, and later Cuan-man barbarians controlled by Cuan family. Yi-zu would be equivalent to Wumeng-man barbarians that established the Nanzhao Statelet, and they had a strict slave society that continued well into 20th century. (There are Western "racial approach" experts who tried to dig up a non-Mongoloid origin for the Yi-zu minority. Alternatively, some Chinese scholar had compared the Yi-zu people to the Tanguts of Xi-xia [Western Xia] Dynasty, claiming that they all possessed dark face with red decoration and comparatively higher nose bridge.)

Qiang-zu, numbering 112000 per 1982 census, possibly the most orthodox descendant of ancient Qiangic people, now dwell mostly around Mingjiang River area of Sichuan Prov. A good website about the today's Qiangs would be http://www.infomekong.com/p_group_Tibetan_1.htm. Qiang-zu are fond of building their houses into citadels, per Cai Ah-dong, a tradition most likely resulting from historical confrontations with people around them.

Miao-zu, numerbing 5 million per 1982 census, are said to be descendants of ancient Lord Chiyou. In accordance with Luu Simian dissertation, San-Miao, with 'miao' meaning descendants, could point to three ancient clans and tribes of Dihong-shi, Jinyun-shi, Shaohao-shi as their ancestors. Miao-zu's epic talked about "westward migration", which pointed to the fact that they had probably dwelled more to the center and east of China in ancient times. Miao-zu like to wear beautiful clothes and hats.

Buyi-zu, numerbing 2100000 per 1982 census, could be ancient Yelang-guo Statelet of Guizhou Prov, and later ancient Luo-yue or Liao-ren people. Cai Ah-dong claimed that Luo-yue, Liao-ren and Xi-ou had converged to ancient Zangke & Yelang statelets, with Zangke dwelling around Hongshui River. Buyi-zu people are fond of blowing ancient "chui sheng" musical instruments that were often utilized during Spring & Autumn time period of Zhou Dynasty. Dong-zu, numerbing 142,5000 per 1982 census, was said to be a branch of Hundred Yue people and had migrated from Jiangxi Prov to today's Guangxi Prov. They had a custom of building "diaojiaolou", i.e., a kind of house that sit on one single pole. Cai Ah-dong claimed that Dong-zu could be ancient Tong-miao barbarian. Shui-zu, numering 286000, lived apart from each other. They could be ancient Xi-dong in Sui Dynasty time period and could be possibly Luo-yue descendants. Shui-zu has a langauge of 200 characters that are in fact the inverse shape of Han Chinese characters. Shui-zu have similar festivals as Han Chinese, and they are good at making strong liquor that is equiv to "maotaijiu" liquor. Ge-lao-zu, numering 510000 per 1985 census, dwelled in Zunyi of Guizhou Prov, and they were said to be descendants of San Miao. Ge-lao-zu were know as Liao-zi in ancient times and they are fond of pulling out upper teeth as beauty.


Early Southern Statelets

Sima Qian's Shi Ji & Ban Gu's Han Shu said that among the southern barbarians, the Yelang Statelet, located in the southwestern mountains of today's Guizhou Province, was the biggest of all. Further to the west will be a statelet called Dian-Yue [or Dian], located in today's Yunnan Province. (Early Yunnan Prov civilization, located around Erhai Lake, was validated to have possessed bronze technology dating from 12th century BC, and this bronze technology spread eastward to reach the peak around Dianchi Lake by 1st century AD.) North of Dian would be a statelet called Qiongdu bordering today's Sichuan. In eastern Yunnan and southern Sichuan would be a country called Bo. Half a dozen small statelets existed to the southwest of Sichuan Province at that time. Sima Qian, on basis of position of Sichuan Prov, classified southwestern barbarians into two groups of Nan-yi (i.e., southern barbarians) and Xi-yi (i.e., western barbarians). Nan-yi would be equivalent Pu-Yue people, while Xi-yi would be Di[1]-Qiang[1] people.


While Yue people had migrated to the westward, Pu people as well as Di[1]-Qiang[1] people had migrated southward. Ancestors of Pu people, at the time of Shang-Zhou transition, i.e., 1122 BC, lived to the south of Han-shui River, somewhere between Sichuan and Hubei provinces. Shi Ji recorded that Zhou King Wuwang, calling his troops by the name of 'people from the west', had included eight barbarian statelets as allies, including the Qiangs from Gansu, the Shu-Sou-Mao-Wei statelets in Sichuan Province, Lu and Peng from the northwest, and Yong and Pu south of the Han-shui River.

King Weiwang (reign 339-329 BC) of Chu Principality, during the Warring States period, ordered his General Zhuang Qiao on a campaign along the Yangtze River. Chu army conquered Ba (namely, Chongqing city or the area around the Dabashan Mountains of today's Sichuan Prov), and the middle of Qian (namely, today's Guizhou Province). He arrived at Dianchi, a lake in today's Yunnan Province. General Zhuang was said to have pacified dozens of Mimo clans. But General Zhuang was cut of by Qin Army which inavded Sichuan and took over Zhuang Qiao's return path. Hence, General Zhuang returned to Dianchi Lake and declared himself King of Dian Statelet in approx 263 BC, and for one hundred years, the Dian Statelet was disconnected with Qin China and Han China.

Qin extended its influence southward, crossed the Jinshajiang River (gold sand river), and reached north and northwest of Yunnan Prov. After Qin Shihuangdi's succession of the throne in 246 BC, Li Bing, the tai shou [i.e., governor] for Sichuan who built the Dujiangyan Fork Dam, began to build roads leading towards Daobo (today's Yibing of Sichuan) bordering Yunnan Prov. After Qin unification of China in 221 BC, tai shou Chang E extended the road to Yunnan Prov's Shaotong and Qujing on basis of Li Bing's pavement. This is the so-called "Five Chinese Feet Road" [i.e., wu chi dao] that was paved with raw stone slates, with trace of over thousand meter long recognizable today still.

Archaeological Discoveries & Origin of Peoples In Southwest:
Scholar Zhan Quanyou pointed out i) that Yunnan Prov possessed a variety of mono-color potteries dating from the Neolithic Age; ii) that southeastern region of Yunnan province exhibited similar pattern on stone hatchets as excavations of Southeast China; and iii) that middle, western and northwestern regions of Yunnan province exhibited similar potteries, stone weapons, burial customs and building patters as excavations from the Yellow River area. Zhan Quanyou cited museum chief Li Kunsheng in stating i) that west of Guizhou and east/northeast of Yunnan belonged to the domain of ancient Liao-ren people, ii) that Guangxi, Vietnam and southeast of Yunnan belonged to the domain of ancient Luo-yue people, iii) that central Yunnan like Dianchi Lake and Lancangjiang River (i.e., the Mekong River in upper stream) areas belonged to the domain of ancient Di[1]-Qiang[1] people and ancient Pu-yue people; and that iv) western Yunnan Prov like Baoshan city belonged to the domain of ancient Dian-yue people. Zhan Quanyou further stated that ancient Di[1]-Qiang[1] people had apparently arrived at Erhai Lake of Yunnan Prov via Jinshajiang River in northwestern Yunnan Prov.

In Yunnan Prov, 3000-year-old stone carvings had been discovered, with totem-like pictures like snakes and lizards (i.e., dragon totem), birds (i.e., phoenix totem) and gourd (i.e., a plant similar to the shape of a woman's body that was often cited as the source of human creation by minority people like Wa-zu). Cangyuan area of Yunnan Prov was called Hulu-guo or Gourd Country in ancient times.

Zhan Quanyou's conclusion is that Yunnan Prov was a localized culture mixed up with the two groups of Hundred Yue people from southeast and Di[1]-Qiang[1] people from the northwest, respectively, and that Dali-Nanzhao statelets were the result of exchanges between two cultures of Erhai Lake to the west and Dianchi lake to the east. Per Scholar Zhang Zengqi, 3800-year-old Erhai Lake culture, on basis of carbon data, exhibited a typical rice planting culture that could be seen to the south of the Yangtze River, with agri-tools and rice traces etc, whereas the potteries, half-cave buildings and burial sites of this area shared similarities with Majiayao Culture of Qinghai Prov and Banpo Culture (i.e., Yangshao Culture) in Xi'an of Shaanxi Prov.

Alternatively speaking, Scholar Zhang Zengqi stated that in ancient times, there existed two groups of people with husbandry and agriculture modes of life in Erhai area; that Kunming-man around Lanchangjiang River Valley, not the same as Di-Qiang nomadic people, were native husbandry people who entered Erhai Lake area in 12th century BC and later merged with Ailao-yi after Kunming-man were defeated by Nanzhao Statelet during Tang Dynasty time period; that part of Kunming-man would become later Wa-zu (Wabeng-zu) minority; that Siyu-man (aka Yeyu-man) were the native agriculture people in Erhai Lake area who later were relocated to Dianchi Lake by Nanzhao Statelet during Tang Dynasty time period; that Baopu-man, a group belonging to Khmers (i.e., Gao[high]Mian[cotton]) of Austroasiatic Language Family, entered Erhai area about 8th-6th century BC; that Bo-ren, who originally dwelled in eastern Yunnan Prov, would enter Erhai area about 1st-8th century AD and become later Bai-man (i.e., today's Bai-zu minority); and that Ailao-yi, ancestors of today's Yi-zu minority who originally dwelled in Yongchang and Ailao-shan Mountain area, would establish the Nan-zhao Statelet under the support of Tang Dynasty and Bai-man.

Khmers & Mon People:
Ancient Khmers, said to be of Austroasiatic Language Family, for sure had migrated towards the land of today's Thailand in the south. What remained unsure would be whether it was related to the southwestern expansion by Qin/Han Chinese. http://www.khmerclub.com/History.htm claimed that the ancestors of Khmers "moved southward before 200 BC into the fertile Mekong delta from the Khorat Plateau of what is now Thailand". Thereafter, they were Indianized by successive waves of Indian influence [Funan's legend of creation by marriage of an Indian Brahmin Kaundinya to an indigenous "naga" princess] and ... were exposed to Indo-Malayan influences [Java's conquest of Chenla]...More Indian influence [ANGKOR period A.D. 889-1434] ... followed by migrations of Tai [Siam] peoples from the 10th to the 15th century [Dali King, Duan Zixing, surrendered to the Mongols in AD 1253], by a Vietnamese [Champa] migration beginning in the 17th century, and by Chinese migrations in the 18th and 19th centuries. Khmers' move into the Mekong Delta before 2nd century BC, however, might have cut off the contacts between Dravidians stranded in Champa of Vietnam and those who remained in Indian Subcontinent, in my opinion. In the Mekong Delta already existed a statelet called Funan as recorded in Chinese Chronicles in 2nd century AD, a maritime state with same commercial importance as Champa in acting as a stopover for Arabs/Romans and Chinese. Funan was later conquered by its vassal, i.e., Chenla ("Kambuja" by Khmer), which was said to be a "more direct ancestor of the Khmer Empire" per http://spirit.dos.uci.edu/cambo/knowledge/history.html in 7th century AD. Defeated by Java, Prince Jayavarman II of Chenla served hostage at the Java court and returned to become king of a later Angkor Empire in 790 AD. Zhenla or Chang-la, spelled Zhenla in Mandarin, was recorded in Chinese chronicles to be a country where male population were small in size but dark in skin, some females were said to have lighter skin, and the Chang-la people all had curly hair.

There is a good possibility that ancient Mon people were related to the ancient Khmers. Mons were said to have occupied the central plain (Menam Delta) and northern highland of modern Thailand and Burma, while the Khmers in Cambodia and Laos. Both Mon and Khmer were grouped under the same language branch. From 6th century AD onward, Mon had developed a culture with a lot of import from Buddhism and Sanskrit and were said to have diffused the Indian culture to the Khmers. Sanwiched between the Khmer Kingdom of Angkor Wat and the Thai from Southern China, the Mon territory shrank into Southern Burma. When the Burmese rose to power in Pagan in 11th century, the Mon sufferred further oppression from the Burmese. By the 18th century, Burmese Ruler U Aungzeya destroyed the last remaining Mon stronghold and massacred innumerable Mon people.

Nan-Yue Statelet: (Nam Việt)
Early Han Dynasty was, in fact, a restoration of Zhou Dynasty's feudal system. Numerous independent statelets were in existence. Han[4] Emperor Liu Bang had conferred kingship to numerous generals who contributed to the overthrow of Qin Empire and the later campaigns against General Xiang Yu. For example, King Lu Wan of Yan Principality, was one of the non-Liu kings. Among the non-Liu kings, Marquis of Huaiying, Han Xin, was demoted to marquis from kingship. King of Han[2] Principality defected to the Huns for fear of his failure in resisting the Huns. After King of Han[2] Principality defected to the Huns, the prime minister of Dai Principality, Chen Xi (a friend of Marquis of Huaiying, Han Xin), rebelled against Han[4] Emperor. Chen Xi himself defected to the Huns after losing battles to Han Emperor, while Han Xin (who had earlier encouraged Chen Xi to plot the rebellion out of anger at Han Emperor for demoting him to marquis from king) was executed together with his wife and mother's lineages, so-called 3 lineage extinction, by Han Empress Luu Hou (i.e., Gaohou). 



King Peng Yue of Liang Principality did not answer the call to quell the Chen Qi rebellion. He was arrested by Emperor Liu Bang and put to death by Empress Luu Hou. King Ying Bu of Huainan Principality was accused by his minister of plotting to rebel against Han[4] Emperor, and during the battle, he wounded Emperor Liu Bang with an arrow. Ying Bu was killed by his relative, King Wu Chen of Changsa Principality when he fled to Changsha for asylum. Later, the non-Liu kings were reduced to King of Changsa Principality, only. Emperor Liu Bang had conferred 8 king titles to his own kinsmen (6 being Liu Bang's own sons and 2 the sons of his two brothers). The 8 kings would be for Qi, Chu, Dai, Wu, Zhao, Liang, Huaiyang and Huainan.

Among the non-Chinese statelets would be the Nan-Yue or Southern Yue Statelet led by Zhao Tuo, an ex-Qin general with the title of 'wei' or captain for Nanhai (i.e., southern sea) Commandary. Zhao Tuo united the commandaries of Guilin, Nanhai, and Xiang-jun. Here, the prefix 'Nan' means southern. Min-Yue Statelet would be in existence in today's Fujian Province, while Dong-Yue Statelet would be near today's Wenzhou, Zhejiang Province.

Central China and the region of the lower Yangtze was well connected since the time of Lord Yu. Lord Yu's son, Shaokang, assigned one of his sons to Shaoxing for guarding Lord Yu's tomb. Zhou King Wenwang's uncles came to the delta to launch their own statelet later. The Wu State was founded by two uncles of King Zhou Wenwang: the two uncles decided to go to the Yangtze Delta to launch a state because they did not want to contend with their brother Ji-li (i.e., later Zhou King Wenwang). The Zhou court later conferred the descendants of the two brothers the title of Count. Later, during the time of the Zhou dynasty, Yue and Wu were set up in the region of Hangzhou Bay. At the beginning of the fifth century BC, Yue defeated the rival state of Wu on the Taihu Lake and in present-day Suzhou. But Yue was conquered by Chu in 334 BC. When Chu was conquered by Qin in 223 BC, the former territory of Yue was made into the commandery of Kuaiji. Qin army moved eastwards from today's Jiangxi Province, crossed Wuyishan Mountains, and went southwards to Guangdong. Qin expeditions conquered two small statelets of the Yue people, in present-day Wenzhou and Fuzhou, and set up the commandery of Minzhong. Between 220 BC and 214 BC, the armies of Qin conquered and annexed territories covering the greater part of present-day Guangdong, Guangxi and northern Vietnam, and part of Fujian. Qin Emperor Shihuangdi, after conquering the south, set up the commandaries of Guilin, Nanhai, and Xiangjun etc.

Under Qin, 'Zhi-Dao', i.e., straight highways, were built aross the nation, all originating from the capital. In the north, after the rebuilding of the Great Wall, General Meng Tian was ordered to pave a road across the mountains to reach Inner Mongolia. To the south, a highway would continue up the valley of the Xiangjiang River, along the present-day railway line, southeastward into Lingling. South of the county of Lingling, by the present-day town of Xingan, Shihuangdi had a canal cut across the watershed to link the Xiangjiang River with the Lijiang River. This is the Ling Qu ("Magic Trench") built for sake of conquest of the south.

Zhao Tuo seized and blocked the passes through the Nan Ling (southern ridges) and declared himself an emperor when he heard about the peasant uprisings against the Qin Empire. In 193 BC, Han Emperor Liu Bang sent Lu Jia to Nan-Yue Statelet. Zhao Tuo downgraded his title to that of a king. At the time of Empress Luhou, Zhao Tuo again upgraded his title to that of an emperor. Zhao did not downgrade it till he was visited by the emissary of the new emperor, Han Emperor Wendi (reign BC 179-157). Wendi won back Zhao Tuo by repairing Zhao's ancestral graves in northern China.

Min-Yue Statelet:
King of Min-Yue or Min Yue Statelet, Wuzhu, and King Yao of Dong-Yue, were all descendants of the old Yue Principality from the Warring States period. Their family name was 'Zou'. Both Wuzhu and Yao were downgraded into chieftans after Qin defeated them and reunited China. With the fall of Qin, Min-Yue of Fuzhou and Dong-Ou (Dong-Yue) of Wenzhou re-asserted themselves. Min-Yue of Fuzhou and Dong-Ou (Dong-Yue) of Wenzhou joined the governor of Fanyang, Wu Rui, namely, the King of later Changsha Principality, in the uprisings against Qin Empire. General Xiang Yu did not confer them kingship after defeating Qin Empire. So they allied with Liu Bang in defeating Xiang Yu. They were recognised by both General Xiang Yu and later Han Emperor Liu Bang.

In 202 BC, Wuzhu was conferred the title of King of Min-Yue by Han Emperor Gaodi (Liu Bang).

Dong-Yue Statelet:
Sima Qian, in comments about the length of Min-Yue & Dong-Yue Statelets, said that the 'Yue' People must have inherited Lord Yu's spirits. One claim would put all Yue people, i.e., Bai Yue or Hundred Yue Peoples, in the same lineage as Lord Yu's descendants. Min-Yue & Dong-Yue were related to so-called 'Gu-yue' or Ancient Yue Statelet located in Hangzhou, Zhejiang Prov. After Han Emperor Wudi defeated Min-Yue of Fuzhou and Dong-Ou or Eastern Ou (Dong-Yue) of Wenzhou, there existed a remnant statelet called Xi-Ou or Western Ou.

In 192 BC, Yao was conferred the title of King of Donghai (East Sea) by Han Emperor Huidi. The capital was in Dong'ou and hence he was referred to as King of Dong'ou. Here, the prefix 'Dong' means eastern. Dong-Yue Statelet had been upheld by Han Dynasty for its contribution in the uprisings against the Qin Empire.

In 135 BC, namely, Jianyuan 6th year of Han Emperor Wudi, however, Min-Yue attacked Dong-Ou, and they later besieged Dong-Ou capital in 138 BC. Dong-Ou asked for help from Han court. Han court relocated Dong-Ou (Dong-Yue) people northward, to the area between the Yangtze River and the Huai River. Min-Yue took over the vacant land of Dong-Ou (Dong-Yue).

Another generation later, after the conquest of Nan-Yue by Han Emperor Wudi, Min-Yue, now also known as Dong-Yue, would be attacked by Han armies under the pretext that they tried to take advantage of Han'a war with Nan-Yue. A combined force of armies from Yuzhang and ships from Hangzhou Bay destroyed the state. Min-Yue people were relocated northward to the Huai and the Yangtze.

For the next three hundred years, Fujian and east of the Wuyishan Mountains would be quiet. It would be until the time of Han Emperor Shundi of Later Han, in AD 138, that the former territory of Dong-Ou would become the county of Yongning.


Hidden Trade Routes of The South:
In 135 BC, Han emissary, Tang Meng, was dispatched to Yelang Statelet, and noted that Nan-Yue or Southern Yue was using soy sauce from Sichuan Province. Yelang Statelet, with 100,000 strong army, was targeted by Han as a ally in the war on Southern Yue. Han emissary said that the Zangke River (a place in today's Sichuan Province), by which the Yelang Statelet dwelled, would flow into Panyü of today's Guangdong Province. Looking at the map, we could assume the ancient Zangke River must have flowed down today's Guizhou Province to converge with the West River of Guangdong Province.


Around 122 BC, Zhang Qian saw cloth of Sichuan in Bactria (i.e., Afghanistan) and reported that he saw Zangke bamboo products and Sichuan clothing which the Bactrian merchants said were shipped over from India. Emperor Wudi then ordered 4 search teams to the southwest in search of a route to India. Earlier, from the mouth of a defecting Hun, Wudi learnt about a country called Yüeh-chih Major to the west of the Huns. Hence, he sent an emissary called Zhang Qian, a Hun guide called Tangyifu and 100 people on a trek across the west. Zhang etc was arrested by the Huns soon, and he was forced to live among the Huns for dozens of years and he had married and born two children. Zhang, however, did not forget about Wudi's order, and he fled with his Hun guide to the west and reached the state of Da'yuan (Fergana), and with the assistance from Da'yuan king, was escorted to Kangju where the Kanju king assisted him further on his trip to Bactria, the new home where the Yüeh-chih Major settled down.

The trade route through the southwest was named 'Shu Yuan Du Dao', i.e., Sichuan-Indu Road, that could penetrate Piao (i.e., Burma) to arrive in India. From Sichuan to Yunnan, two paths, Zhuti-dao and Lingguan-dao, existed before they converged into Chuxiong. The segment from Chuxiong to Burma was named Bonan-dao, named after Bonan Mountain in today's Dali-zhou Autonomous Prefecture of Yunnan Prov. Han Emperor Wudi, in 105 BC, established, along Bonan-dao Path, four counties of Yunnan-xian (Xiangyun), Xianlong-xian (Weishan), Yeyu-xian (Dali), and Bisu-xian (Yunlong), and two more counties of Buwei-xian and Suitang-xian to the south of Bonan Mountain. In 69 BC, Bonan-xian was set up in today's Yongping of Yunnan Prov.


Han's Conquest Of Southern Statelets


Nan-Yue rebelled as a result of its prime minister killing the young king, Zhao Xing, the great grandson of Zhao Tuo. This had to do with the adultery of the Han emissary with the mother of Nan-Yue king. Zhao Xing's father was a hostage in Han court and he married a kind of 'singer' woman, but this woman was an old mistress of the Han emissary who visited Nan-Yue later. Nan-Yue Prime Minister, with the backing of Zhao Guang (King of Cangwu of Nan-Yue, a place in today's Guangxi Province bordering Guangdong), rebelled against Han. Han Emperor Wudi sent several columns of armies to campaign in southern China. A naval fleet arrived at Panyu, namely, today's Canton, at the mouth of Zhujiang Delta, to attack Nan-Yue from the sea. When the Nan-yue remnants fled to the sea, the fleet pursued them to the Gulf of Tongking in Vietnam. The kingdom of Nan-Yue continued under Zhao Tuo and his successors for almost a hundred years until it was reconquered by the armies of Emperor Wudi in 111 BC.

Southern barbarians in Guizhou and Sichuan provinces were called upon as auxiliaries. But they killed Han emissary. Han armies killed the chief of southern barbarians and made the territory into Zangke (Yangke?) Commandary, namely, today's Guizhou Prov, in 111 BC. Four more commandaries were set up southwest of Sichuan, including Yuesui Commandary (today's southwestern Sichuan and northern Yunnan), Shenli Commandary (today's Daduhe River area in Sichuan Prov), Wenshan Commandary (today's Wenchuan and Songpan of western Sichuan Prov) and Wudu Commandary (today's southern Gansu and southern Shenxi Prov). Yelang Statelet was pacified and conferred kingship. Dian, aka Shoumi-guo, which Scholar Zhan Quanyou stated was built upon a Shoumi tribal statelet, was the next target. Two years later, Han Emperor mobolized armies of Ba and Shu (i.e., Sichuan) for a southern campaign, exterminated the tribal statelets of Laojin (i.e., today's Malong) and Mimo (todays' Qujing) in eastern Yunnan Prov, and amassed forces onto Dian Kingdom and forced it into submission. In 109 BC, Dian Kingdom was conferred as a king, with a gold seal. (In Nov 1956, excavations of Shizhaishan Mountains tombs in Jinning produced a royal gold seal bearing Han Dynasty's conferred title of 'Seal Of King Dian' in addition to bronze musical instruments and swords with gold sheath.) Yizhou Commandary, with governor office at today's Jinning of Yunnan, was set up to control the domain. In western Yunnan, Buwei County, i.e., today's Baoshan, was setup, and in the south, Laiwei County (today's Laizhou Prov of Vietnam) was set up.


In southwestern China, local resistance to sinicization was occasionally successful. In Latter Han Dynasty, Han would have to re-assert its influence that was lost due to the intermittent dynastic substitution by Xin Dynasty. The non-Chinese people of Wuling commandery, especially the people in Wuqi or "Five Gorges", on the upper reaches of the Yuan River, by the present-day Hunan-Guizhou border, defeated local Han army in 48 AD. General Ma Yuan would mount a full campaign in the south. General Ma Yuan erected bronze monuments in eulogy of his victories. He erected a kind of gate on the West River. Ma Yuan went further southward and he also set up some bronze monuments in Champa, today's central to southern Vietnam. New History Of Tang Dynasty recorded that there were ten households in the name of Ma dwelling in Champa area, and those people refused to return to China with General Ma. 500 years later, by Sui Dynasty, the ten families had multiplied into 300 households.

Wuling commandery had a major rebellion in the early 160s AD. The Wuqi barbarians continued rebellions during the Three Kingdoms period. During Three Kingdoms time period, Zhuge Liang, prime minister of Shu State, had once campaigned against southern barbarians led by someone called Meng Huo. Legends said that Zhuge Liang captured Meng Huo seven times and set him free for sake of captivating the hearts of southern barbarians.


The 'MAN' Barbarians

In the Prehistory section, we mentioned the terminology of 'Nan Man' , namely, southern barbarians (mọi rợ). The 'Man' designation is categorical. Chinese classics said the 'Man' barbarians were the descendants of Pan Hu. The Quanrong or Doggy Rong in northwestern China, i.e., ancestors of later Huns, were said to be descendants of Pan-hu, too.

The 'Man' people were not a group of passive people as they seemed. They had rebelled against the Chinese numerous times. They also expanded into Chinese territories frequently. In the valley of the Xiangjiang River, there was a major rebellion in AD 157, and rebellion was seen in the northern part of Changsha, Hunan Province. Disturbances were seen in Xiangjiang River basin and extended across the Nan Ling Mountains to the south. Rebellions were quelled in AD 164.

By the time of the Three Kingdoms, the 'Man' had migrated out of southwestern China and the Three Gorges areas. According to History of The North Dynasties, the 'Man' people were scattered between the Yangtze River and the Huai River. They were seen as east as Shouchun of Anhui Province, as west as Sichuan Province, and as north as Henan Province. They were not a threat during Ts'ao Ts'ao Wei Dynasty of the Three Kingdoms time period. But they began to multiply by the end of Jinn Dynasty. As a result of devastation dealt by Hunnic Han & Zhao Dynasties, the central areas of China became vacant. Hence, the 'Man' people began to migrate northward.

In AD 386, Toba set up Wei Dynasty and controlled the areas around the Yellow River. In AD 423, a 'Man' king called Mei An led a column of a thousand people on a pilgrimage to Toba Wei's capital. They requested for their prince to be a hostage with Toba Wei. This 'Man' prince, Mei Bao, was later conferred the title of governor of Jiangzhou Prefecture and the Duke of Shunyang. Another 'Man' king, Wenwulong, surrendered to the Tobas and was conferred the title of governor of Southern Yongzhou Prefecture and Marquis of Luyang. One more 'Man' king, called 'Taiyang Man' or the sun 'Man', by the name of Heng Dan, surrendered his 80,000 households to the Toba, and they were located in the ancient Mian-Shui River areas (in today's Shaanxi-Hubei Provinces). Heng Dan was conferred the title of governor of Eastern Jingzhou Prefecture and King of Xiangyang. Heng Dan, however, was the son of ex-Jin general Heng Xuan (who had at one time deposed the Eastern Jinn emperor in an abortive rebellion). Heng Dan, still a boy, fled to the barbarians for asylum after Heng Xuan's failure in rebellion against Eastern Jinn Dynasty.

The 'Man' people were kind of sanwiched between Toba Wei and the southern dynasties of the Chinese. They rebelled against Toba Wei, and some fled to southern dynasties for protection. One group was relocated to Yangzhou Prefecture under Southern Liang Dynasty (AD 502-557). When Toba Wei underwent Hunnic rebellions in the north, the 'Man' people around the Three Gorges and today's Hubei Province rebelled as well. In AD 566, Northern Zhou (AD 551-587) armies, under Lu Teng and Sima Yi, dealt the Three Gorges 'Man' a devastating defeat, and tens of thousands of skulls were piled up as a warning to the 'Man' people. History of The North Dynasties said that in AD 572, the 'Man' people stopped rebellion.


The 'Liao-ren' Barbarians

The 'Liao-ren' Barbarians would be alternative race of 'Nan Man', i.e., southern barbarians. They scattered in various parts of Sichuan Province as well as Hanzhong region. When Li Shi's Di[1] people took over Sichuan and overthrew Jinn Dynasty's ruling, the 'Liao-ren' people began to migrate out of their traditional Sichuan Prov lands of Baxi, Guanghan, Quchuan, Yang'an and Zizhong. Li Shi's Cheng Han Dynasty was commented to have perished as a result of external attacks and internal attacks, with the internal being from the 'Liao-ren' barbarians. The external attacks would be from Eastern Jinn Dynasty General Heng Wen. History of Northern Dynasties said that Heng Wen, after taking over Sichuan from Cheng Han Dynasty, failed to control the 'Liao-ren' people. Once the Sichuan people relocated eastward, the 'Liao-ren' people took over the vacated lands of Sichuan. Some of the 'Liao-ren' people co-habitated with the so-called 'Xia' people or Chinese. By the time of Southern Liang Dynasty, the 'Liao-ren' people would become sandwiched between Toba Wei Dynasty and Southern Liang Dynasty. The 'Liao-ren' people rebelled against Northern Zhou Dynasty frequently. Later, Tang Dynasty records continued to show that 'Liao-ren' people constantly staged rebellions against the Chinese.

The 'Liao-ren' people, together with 'Li-ren', 'Lang-ren', 'Yan-ren' and 'Wei-ren', had been categorically called Bai-yue People or Hundred Yue People.


The Vietnamese

Vietnam was historically restricted to today's northern Vietnam and parts of China's Guangxi-Yunnan Provinces (tỉnh Quảng Tây-Vân Nam). The word 'viet' means the same as 'Yue', while 'nam' means southern. It was called Jiaozhi (Giao Chỉ) in Chinese history. It fell under Chinese influence beginning from Qin Empire (nhà Tần). Zhao Tuo's Nan-Yue Statelet (Triệu Đà Nam Việt) took Jiaozhi as a prefecture. Today's Vietnamese belonged to the same group as Jing-zu [Kinh Tử(?) minority in China's Guangxi Prov.

During the early conquest, Qin mobilized an army of 100 to 200 thousand people, mostly consisting of the so-called outcasts of then China, i.e., the men who lived in wives' homes after the marriage and the merchants whose occupation was deemed the lowest in then society. History recorded that altogether 500,000 people, again consisting of the disgraced men and the merchants, were relocated to southern China by Qin Shihuangdi (Tần Thủy Hoàng Đế). This explains the fact that today's Guangdong Province (tỉnh Quảng Đông) still possesses the most variety of ancient Chinese dialects.

The people of Vietnam was an interesting group. They differ from Burmese and Thai (Miến và Thái) people who were descendants of the Nan-Zhao (Nam Triệu?) refugees. They have a good mixture of Chinese and Austro heritage. The reason I said Vietnam was restricted to the northern part of today's Vietnam is that there existed many statelets in today's southern and central Vietnam, Laos and Cambodia. Chinese history recorded that the people living to the south of Vietnamese, in both Linyi and Funan (Phù Nam/Thượng Chân Lạp), possessed curly hair, a Negroid characteristic that has more to do with Dravidians of India. History of Northern Dynasties mentioned that the people of Linyi possessed relatively deep-socket eyes and higher nose bridge, which further supported the previous claim that the ancient people of southern Vietnam were Indians. 



History of Sui Dynasty (nhà Tùy) stated further that the people of Linyi (Chàm) possessed dark skin and curly hair, and that after first Sui Emperor Yangdi (Tùy Dương Đế?) conquered Southern Chen Dynasty (nhà Trần bên Tàu) in AD 589, Linyi sent in tributes. Linyi stopped tributes till Sui armies, led by General Liu Fang (Liễu Phong?), attacked them in AD 604. (Sui Emperor, in addition to attacking Linyi, had invaded Ryukyu.) According to History of Sui Dynasty, further to the southwest of Linyi (Champa) would be a statelet called Zhenla (Chang-la or Chenla)(Chân Lạp/Camphuchia), a vassal of Funan. Zhenla (Chang-la) male population were recorded to be small in size but dark in skin, but some females were said to have lighter skin. Chang-la people all had curly hair. To the west of Zhenla (Chang-la) would be a statelet called Zhu-jiang (Ngô Giang/Thailand?), and to the south Che-qu. Numerous statelets existed further, with rulers carrying Indian names. It is no strange to see this phenomenon when we examined the history of southeast Asia as a whole to find that Indian influence had spread across the whole area much before the Chinese poked their nose in the same area.

In 110s BC, General Lu Bode (carrying the same title of 'Quelling Sea Waves' as the later General Ma Yuan [Mã Viện]) was ordered by Han Emperor Wudi (Hán Ngủ Đế) to campaign in the south, and he first set up Rinan Commandary (Quận Nhật Nam). The Linyi (Champa) Statelet would be where the Xianglin County (Cửu Chân?) of Rinan Commandary was. At the beginning of Later Han, Ma Yuan campaigned against the rebellion led by the Zheng (or Trưng) sisters in the region of the Red River between 40 and 43 AD. General Ma Yuan erected two bronze pillars here as a demarcation line of Han China's boundary. History Of Liang Dynasty (nhà Lương) said that in the demise years of Han Dynasty, a county clerk, by the name of Qu Da (Quốc Đạt, anh của bà Triệu), killed the county sheriff of Xianglin and declared himself a king. After several generations, the throne passed on to a nephew called Fan Xiong (Phiên Ngung?). By AD 337, someone called Nuwen usurped the Linyi (Lâm Ấp/Chàm) Kingdom throne. Nuwen was originally a servant under Fan Zhi the county sheriff of Xijuan County of Rinan Commandary. Governor-general of Jiaozhi Prefecture was in charge of Rinan Commandaries. But Nuwen and his son and grandson kept attacking Rinan Commandary for generations. Nuwen killed Xiahou Lan (Phạm Hồ Lan?)(the chief of Rinan Commandary) in AD 347 and stayed put in the capital of Rinan Commandary for 3 years.

Vietnam hence began as two states, a northern statelet called Annam (Nam Viet or Dai Viet) under Chinese influence and a southern one called Champa that displayed strong Indian influences. The southern Vietnamese kings are simlar to Cambodian kings, like in the names of Rudravarman etc.

Annam: Chinese records did not give any claim to native dynasties in Northern Vietnam. One alternative Vietnamese account treated Zhao Tuo (Triệu Đà), the king of Nan-yue (Nam Việt) statelet of Guangzhou (Quảng Châu), as the first emperor of Vietnam. As we mentioned earlier, the first record of dynastic nature in Vietnam would be attributed to Fan Xiong of Champa, in Central and Southern Vietnam, around 270 AD. In Northern Vietnam, there was the claim of Thuc Dynasty set up by An Duong during 257-207 BC. Zhao Tuo's Nan-Yue expanded into Northern Vietnam by this time. Zhao Tuo is also spelled as Chao Tuo or Trieu Da. Thereafter, there was the claim of Nan Viet's Chieu Dynasty, with rulers of following reign years: Võ Vương (207-137 BC), Văn Vuong (137-125 BC), Minh Vuong (125-113 BC), Ai Vuong (113-111 BC), Dương Vuong (111 BC). General Lu Bode (Phục Ba Tướng Quân Lộ Bác Đức) of Han China would campaign against Southern and Central Vietnam after Han's conquest of Nan-Yue in 111 BC. Rinan Commandary was set up. General Ma Yuan (Mã VIện) quelled the rebellion led by the Zheng (Trưng) sisters between 40 and 43 AD.



In the demise years of Han Dynasty, a county clerk, by the name of Qu Da (Triệu Quốc Đạt), killed the county sheriff of Xianglin (Cửu Chân) and declared himself a king. After several generations, the throne passed on to a nephew called Fan Xiong. By AD 337, someone called Nuwen usurped the throne of Linyi Kingdom (Champa). Nuwen killed Xiahou Lan (the chief of Rinan Commandary) in AD 347. Then, there was the Vietnamese claim of Li (Lý) Dynasty (111 BC - 544 AD), and thereafter Vietnamese produced names of kings like Bon (Lý Bổn - Tiền Lý Nam Đế)(544-548 AD), Kuang Phuc (Triệu Quang Phục - Dạ Trạch Vương)(548-571 AD), Thien Bao (Lý Thiên Bảo)(549-555 AD), Phat Tu (Lý Phật Tử)(571-603 AD). Chinese records showed that Sui and Tang (Tùy và Tống) had re-asserted control over Annam. By AD 603, Sui China re-conquered Northern Vietnam and attacked Champa in Central Vietnam. Another Vietnamese dynasty, Ngo Dynasty, would emerge at 939 AD. Tang Dynasty continued Sui policies, and it set up 'Du-hu Fu', (đô hộ phủ) i.e., the Protector-General Office of Annam. Tang China divided Ling-nam into two 'dao' units, and Annam was a part.


 China controlled Northern Vietnam for a short time period of 965-968. Song Dynasty (nhà Đường/Thương?) conferred the title of King Jiaozhi-jun (Giao Chỉ Quận Vương) onto a person called Ding Buling (Đinh Bộ Lĩnh) of Dinh Dynasty (968-981). Ding Lian (Đinh Liễn), the son of Ding Buling, assumed the same title of King of Jiaozhi Commandary. After another three generations, someone called Li Gongyun (Lý Công Uẩn) usurped the kingdom and was validated by Song China. Li family (i.e., Le Dynasty 981-1009) ruled for eight generations till it was usurped by someone. The son-in-law of this usurper would be King Trần Nhân Tông (Chen Ri-xuan). Rough timelines for the dynasties will be like: Ngo Dynasty 939-965, Dinh Dynasty 968-981, Le Dynasty 981-1009, Later Li 1010-1072, Latter Le 1072-1225, Tran Dynasty 1225-1400, Ho Dynasty 1400-1407 (niên đại và triều đại viết lộn). In between, the Mongol army, after conquering Dali in Yunnan (Đại Lý ở tỉnh Vân Nam), Shanshan statelet in Chinese Turkistan and Tibetan Plateau, would briefly invade Vietnam. Subetei's son was ordered to march to the southwest and he conquered various southwestern statelets and tribes such as Baiman, Wuman, Guiman, Luoluosi, A'bo and A'lu etc. Tonkin or Annam (northern Vietnam) was invaded. In 1257, Vietnamese king, by the name of Chen, fled to an island and Hanoi was sacked. Vietnamese king surrendered and Mongols left after a stay of nine days. In AD 1280s, Khubilai Khan, for sake of his wars with Champa, had few wars with Annam when Annam king refused to lend the path to the Mongols. After losing wars to Champa and Annam, Mongols later mounted futile overseas campaigns against Java.

Ming China controlled Northern Vietnam for a short time period of 1407-1428. Then came: Latter Le 1428-1527, Mac Dynasty 1527-1533, Nguyen Dynasty 1533-1802-1883. The French came in 1883, and the Japanese invaded in 1940. In 1954, communists took over Northern Vietnam. (Nhà Lê Trung Hưng và Tây Sơn không có ghi. Cuộc kháng Nguyên cũng viết trật.)

Champa: Champa would be the statelet Chinese records claimed Fan Hiong (Xiong) set up around 270 AD. Vietnamese records showed an Indian king by the name of Sri Mara ruling a so-called first dynasty from 192 AD onward. The Indian king, by the name of Bhadravarman I, would return to the reign around 377 AD. This would be after one hundred years of ruling by the Fan family: Fan Hiong c. 270, Fan Yi c. 284-336, Fan Wen 336-349, and Fan Fo 349-?. http://www.seacrc.org/media/pdfiles/ChamBook.pdf had a good article exploring into the Champa people. It mentioned that "in 1905 A. Cabaton, in an article published in the Journal Asiatique (Dix Dialectes Indochinois recueillis par Prosper Oden’ hal), introduced a classification of the Indochinese languages based on lexical similarities. He grouped them in three families: Mon-Khmer, Tai and Burman-Tibetan, and Malayo-Polynesian. He classified Cham and related languages under the latter category.

Mongols Wars With Champa & Annam Champa, located to the south of Annam, refused to acknowledge being a vassal of the Mongols. Mongols, under Suodu, departed Canton with over thousand ships. Champa boasted an army of 200,000. After being defeated by the Mongols, Champa prince fled to the mountains and sent a minister to the Mongol camp for surrender. Unguarded, Suodu was later defeated by a Champa ambush. Suodu requested for relief army. Khubilai ordered that his ninth son, Duohuan, i.e., King of Zhennan (i.e., quelling the south), lead an army southward via Annam. Annam King agreed to supply grains, but refused to lend the path to the Mongols. The brother of Annam King, Chen Jun, took charge in fighting the Mongols. Annam King sent over one thousand ships to aid his brother. After several rounds of fighting, Annam King requested again that Mongols leave Annam per the treaty signed with Mengke Khan before. Mongols attacked the Annam camp and took over the capital. Annam King fled, and one brother by the name of Chen Yiji surrendered.


 Mongols met with shortage of grain and pestilence in Annam capital and hence called off the campaign. When fleeing northward, Annam army attacked them with poisonous arrows at a river crossing. Duohuan barely escaped alive. Suodu, not knowing the retreat of Tuohuan, was ambushed at another river crossing, and Suodu committed suicide by jumping into the river. Having incurred heavy losses, Khubilai was advised not to attack Annam for now. In AD 1284, Khubilai conferred Annam kingship onto Chen Yiji and ordered King of Zhennan Tuohuan to lead a campaign against Annam. Mongols took over Annam capital again, and Annam king fled to the island. By the spring of AD 1288, pestilence erupted again. When Mongols retreated, Annam King assembled a land/sea army of 300,000 and circumvented to the hind of the Mongols. Tuohuan barely escaped alive, and he was reprimanded by Khubilai with a prohibition to return to Peking. Annam king, however, sent over a gold statute and requested for amnesty. Khibilai hence sufficed with the status of Annam. Burma, however, was invaded by another Mongol king and Burma acknowledged vassalage.

http://www.anu.edu.au/asianstudies/south_china.html has a good account of early Vietnam:


"During Later Han, there was major development of Chinese colonisation in the whole region of Jiao province (Giao Châu). In the eastern part of the territory, Nanhai commandery extended up the Beijiang River (North River) to the border with Guiyang commandery in Jing province, and up the system of the Dongjiang River (East River) and along the coast as far as present-day Shantou. Cangwu, with its capital by present-day Wuzhou, controlled the lower reaches of the present-day Xijiang River (West River), known at that time as the Yu River, and notably its northern tributary the Gui River, then known as the Li, which joined the Ling Qu Canal. ... Upstream of Cangwu, Yulin commandery controlled the main stream of the West River and its tributary the Liu River. The capital of the commandery was at the river junction by present-day Guiping in Guangxi. ..


... Vietnam ... The major administrative units were the commanderies of Jiaozhi, on the Red River delta, with its capital at Longbian by present-day Hanoi, Jiuzhen, with its capital at Xupu, near Thanh Hoa in northern Vietnam, and Rinan, which was based upon Xiquan, near present-day Quang Tri. .. At the beginning of Later Han imperial authority was confirmed by the campaigns of Ma Yuan against the rebellion led by the Zheng (or Trung) sisters in the region of the Red River between 40 and 43 AD. .. For a hundred years after Ma Yuan put down the rebellion of the Trung sisters, the imperial authority remained largely intact, despite endemic small-scale rebellion ... In 136, however, there was a great uprising, chiefly by the Cham people from the south, which overwhelmed the greater part of Rinan Commandery, and made heavy inroads into Jiuzhen. Moreover, when troops were raised in Jiaozhi to oppose the rebels, these men in turn broke out in mutiny, and the whole imperial position in the region was threatened... There were, however, continued disturbances in the region of Vietnam during 144, 157 and 160, and troubles with the mountain people of the north, in present-day Guangxi and Guizhou. At the extremity of the empire, Rinan Commandery below the 16th parallel appears to have been lost, and the non-Chinese kingdom of Linyi was established in the region of Hue, extending south beyond present-day Da Nang. Further around the coast, on the Mekong Delta, the kingdom of Funan, which traded regularly with the Han empire, and which was developing political authority along the eastern coast of the Malay peninsula and a dominance of the regional trade, was powerful enough and sufficiently distant to avoid any military confrontation.



http://www.anu.edu.au/asianstudies/south_china.html further said that the population of Jiaozhi commandery, in 2 AD, before the rebellion and partial withdrawal of the late 130s, had reached three quarters of a million people, Jiuzhen commandery increased by about a quarter, from 166,013 to 209,894 at the same time, and Rinan gained more than 40 per cent from just under 70,000 to just over 100,000. Jiaozhi commandery provided a prosperous hinterland for trade and influence by land and sea, northeast across the modern frontier into the upper reaches of the West River, northwest into present-day Kunming in Yunnan (administered by Yizhou Commandery) where Later Han claimed suzerainty over the Ailao people and the new commandery of Yongchang about the Dali Lake."


Cuan Family Influence For 400 Years

Scholar Zhang Zengqi stated that in ancient times, there existed two groups of people with husbandry and agriculture modes of life in Erhai area; that Kunming-man around Lanchangjiang River Valley were native husbandry people who entered Erhai in 12th century BC and later merged with Ailao-yi after Nanzhao Statelet defeated them during Tang Dynasty time period; that part of Kunming-man would become later Wa-zu (Wabeng-zu); that Siyu-man (aka Yeyu-man) were the native agriculture people in Erhai Lake area who later were relocated to Dianchi Lake by Nanzhao Statelet during Tang Dynasty time period; that Baopu-man, a group belonging to Khemers, entered Erhai area about 8-6th century BC; that Bo-ren, who originally dwelled in eastern Yunnan Prov, would enter Erhai area about 1st-8th century AD and become later Bai-man (i.e., today's Bai-zu minority); and that Ailao-yi, ancestors of today's Yi-zu minority who originally dwelled in Yongchang and Ailao-shan Mountain area, would establish the Nan-zhao Statelet under the support of Tang Dynasty and Bai-man.

Han Chinese heavily immigrated into southwest China at the time when Han Emperor Wudi first established Yizhou-jun Commandary in 109 BC. Death row convicts as well as manipulative merchants were dispatched to the southwest. Out of the Han Chinese who stationed in Yunnan Prov would emerge several big families, including the 'Cuan' family which claimed to have ancestry in ancient lord Zhuanxu. Cuan-shi, like other big families of Chinese ancestry, gradually inter-married with natives and took over the tribal chieftan titles like 'yi-shuai' (i.e., alien or barbarian marshal). Scholar Zhan Quanyou stated that Western Han's colonization was centered around Dianchi Lake while Eastern Han pushed westward to Erhai Lake area. In 51 AD, Ailao-yi submitted to Han China. In 69 AD, Han Dynasty established Yongchang-jun Commandary by merging Ailao (today's Tengchong, Longling and Dehong counties), Bonan (today's Yongping county) and Yizhou Commandary, with a census data of 200,000 households or 1,890,000 heads.

By 220 AD, Southwest China, called Nanzhong at the time, fell under the influence of Shu-Han Dynasty of the Three Kingdom time period. Shu-Han Prime Minister Zhuge Liang campaigned against rebellious chieftans in AD 225. Rebellious chieftans included Meng Huo and Yong Kai of Yizhou-jun and Gao Ding (aka Gao Dingyuan) of Yuesui-jun (Yuexi?), and submissive chieftan would be Luu Kai of Yongchang-jun. Zhuge Liang, after pacifying Gao Dingyuan and Meng Huo, rezoned Yizhou-jun (with capital at today's Qujing of Yunnan Prov) into Jianning-jun Commandary, and carved several counties of Yizhou-jun into Yunnan-jun (today's Xiangyun and Dali), Xinggu-jun commandaries. Shu-Han Dynasty possessed 7 commandaries in Southwest China: Jianning-Yongchang-Yunnan-Xinggu in Yunnan, Zangke in Guizhou/Yunnan, Yuesui in Sichuan, and Zhuti (established in Yunnan in 205 AD). Cuan Xi, from Cuan family, who served under Yong Kai, was transferred to Chengdu under the order of Zhuge Liang. After going through turmoils of Western Jinn and Eastern Jinn time periods, Cuan family expanded westward towards the middle and west of Yunnan Prov.

In AD 271, Western Jinn established Ningzhou Prefecture on basis of Jianning-Yunnan-Yongchang-Xinggu. In AD 279, after unification of China, Western Jinn rezoned the country into 19 prefectures (zhou) and made Ningzhou into one of the 19. Later, Western Jinn changed Ningzhou's rank into so-called 'xiaowei' or colonel for pacifying southern barbarians instead of 'cishi' or circuit inspector, leading to the rebellions by Di[1] people under the leadership of Li Te and Li Xiong in AD 301. Western Jinn re-established Ningzhou in AD 302. The Di[1] people established the first state of Cheng Han among the Sixteen Nations, and Li Xiong proclaimed himself an emperor in Chengdu in AD 306. Western Jinn's circuit inspector Li Yi was killed by the rebels at Qujing in AD 307. A new circuit inspector by the name of Wang Xun failed to quell the Di[1] rebellion. In AD 322, Eastern Jinn court dispatched Yi Feng to Ningzhou as circuit inspector. Yi Feng, who was guarding the remaining Zhuti and Jianning areas, had to surrender to Di[1] General Li Shou in AD 333. Among Eastern Jinn generals who surrendered to Di[1] would be Cuan Shen who was retained by the Di[1] people as an official for Ningzhou (renamed Jiaozhou of Jianning-guo Statelet by Li Xiong's Cheng Han Dynasty). Cuan Family continued its influence in Southwest Chian till AD 747, for about 400 years.


Nan-Zhao & Da-li Statelets

Nan-Zhao & Da-li Statelets remained independent for hundreds of years till it was destroyed by the Mongols. In Nan-Zhao dialect, the word 'zhao' meant king. There are six 'zhao' according to New History of Tang Dynasty, and Nan-Zhao was the southern-most king of the six. It had a domain connecting to Vietnam to the southeast and Tibet to the northwest. During Three Kingdoms time period, Zhuge Liang, prime minister of Shu State, had once campaigned against this group of people.

During the Tang Dynasty, the Nanzhao arose. Tang Dynasty's demise was commented to have been induced by the failures in its wars with Nan-zhao, not the Huang Chao Rebellion. Nanzhao, Tibet and Tang China had been engaged in triangular warfares for hundred years.

Nanzhao was succeeded by the statelet of Dali (AD 937-1253). The Mongols advanced into present-day Yunnan and destroyed Dali in AD 1253. The Mongols set up Yunnan Province. In 1252 and 1253, Khubilai would order Subetei's son to attack Dali (i.e., Nanzhao) in today's southern Chinese province of Yunnan, with three columns. Dali King, Duan Zixing, surrendered. Moslems from northwestern China and Khitans/Dawo'er (Dagur) relocated to the area under Mongol orders.

Tibetans vs Nan-Zhao


Ancient China's Island Policies

Two islands, Taiwan and Hainan Islands were not far away from China's coastline. Their fates are different. Hainan was colonized several times by Han China, but Taiwan was skipped in early efforts. China apparently was not interested in colonizing island of malaria, Taiwan. Early China did possess navy to mount major campaigns, as evidenced by naval operations along the coast of present-day Fujian during the third and second centuries BC, and etc. The final victory of Han over Nan-Yue in 111 BC was achieved by a fleet at Panyu, namely, today's Canton, at the mouth of Zhujiang Delta. The fleet pursued its enemies to the Gulf of Tongking in Vietnam. At the end of Later Han Dynasty, Sun Ce (elder brother of Sun Quan, the founder of Wu Dynasty of the Three Kingdoms) mounted an expedition by sea from Hangzhou Bay to the mouth of the Min River in 196 AD. Lü Dai of Wu Dynasty attacked the Shi family in Jiaozhi (today's Vietnam) by both land and sea in AD 226.

Diplomacy and trade flourished over the seas. In the time of Han Emperor Huandi (reign AD 147-167), there was a series of visits from the west, arriving by sea, from the south of Rinan Commandary (today's central Vietnam). Indian envoys were received at the Han Court in AD 159 and in AD 161, and an emissary from Daqin, i.e., the empire of Rome, arrived in AD 166. During China's Three Kingdoms time period, another Roman envoy arrived in Wu Dynasty, and when he left China, he requested with Sun Quan for a dozen pigmy people to be sent to Roman Emperor as a gift. (Sun Quan caught pigmy people somewhere south of the Huai River.) Sun Quan of Wu Dynasty of the Three Kingdoms sent two emissaries, Zhu Ying and Kang Tai on a trip across southeast Asia and the Indian Sub-continet. During AD 399-414, one Chinese monk, Fa Shien, had returned to China via sea route, after spending years studying Buddhism in India. By Southern Liang Dynasty, diplomacy and trade far surpassed the level enjoyed in the Han Dynasty.

Under Han China, Hepu commandery was in charge of the shoreline between present-day Guangzhou and Hanoi, including Hainan strait and the Leizhou peninsula. Pearl fisheries were the incentive for Han to exercise control. The West River of today's Guangdong Province was utilized for trading and transportation as well. Hepu county had access by land north across the low and narrow watershed to the West River in Yulin. As noted by http://www.anu.edu.au/asianstudies/south_china.html, "Hepu was the base for long-distance sea traffic, ... that officials of the emperor's private apartments were sent on missions as far as India to exchange the gold and silks of China for precious stones, curios and trinkets, while the pearls they brought back were as large as two inches diameter, far more valuable than those collected locally. The goods were assessed and traded in the market at Hepu, and then joined the local production of pearls for portage to the West River and then by the rivers and canals to the north."

During the 170s and 180s AD, Han Emperor Lingdi of Later Han sought for the establishment of Gaoliang commandery over east Leizhou peninsula. Attempts were made to establish imperial presence on Hainan Island. At the end of the second century BC, immediately after the conquest of Nan-Yue, Emperor Wudi set up two commanderies on the island, Dan'er ("drooping ears") and Zhuyai ("shore of pearls"). Frequent rebellions by locals caused Dan'er to be abolished in 82 BC, and in 46 BC Zhuyai. At the beginning of Later Han, a county named Zhuyai was re-established. Han Emperor Mingdi is said to have received tribute from the barbarians of Dan'er.

http://www.anu.edu.au/asianstudies/south_china.html noted that "during the Han period, ... coastline of present-day Fujian... An outpost of the empire was maintained by the counties of Dongye and Houguan, at the mouth of the Min River by present-day Fuzhou... Something was known of Taiwan, then called simply Yizhou ... "Barbarian Island", but there was no official interest in the place. Further to the north, from the time of Han Emperor Shundi, the county of Yongning occupied the mouth of the Ou River by present-day Wenzhou in southern Zhejiang. None of the coastal settlements, however, appear to have exercised more than nominal control over their hinterland, and there was no drive to do so. The greater part of the mountain country of southeastern China, including all of Fujian, and great areas of eastern Guangdong, southeastern Jiangxi and southern Zhejiang, was unoccupied land outside the frontiers of the empire ..." (Đòi chủ quyền của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Xin xem «Những Biết Cố Mất Lãnh Thổ và Lãnh Hải Việt Namtừ Năm 939-2002» của Trịnh Quốc Thiên để biến chính.)

written by Ah Xiang
devcb
02-27-2004, 08:39 AM
Thanks LD ...

I'll read this ...
It's a well of infos ...

Still having of such infos .???.. post it pls, my thanks of anticipation...
Believe me ...There're lots of audiences for this ...
lost-dude
02-27-2004, 06:03 PM
devcb,

Thanks for your encouragement! Regarding your comment concerning the origin of the Chinese people, I think there should be a distinction between the Han Chinese and the other Chinese minorities. The people in presdent-day South China are mostly not the Hán people. Like the 54 minorities in Vietnam, those people are called Chinese because they live in China and their lands have been annexed by the Han people.

LD nhớ một câu chuyện về một người Tàu từ Quảng Đông đến Tokyo để kiêu người Nhựt ngừng giúp cụ Phan Bội Châu và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của cụ. Một lãnh tủ người Nhựt đã chửi khéo tên đó rằng, người Lạc Việt còn có chí hướng độc lập, còn dân tộc các anh vẫn là loài nô lệ của thằng Tàu. Bên Tàu cũng có năm sáu chục dân thiểu số, trong đó có người Việt mình, họ được gọi là Jing.

Một chuyện bên lề, tiếng Phổ Thông/Mandarin bây giờ là một ngôn ngữ ngoại lai. Hẳn người Mông Cổ và người Mãn Châu đã đồng hóa tiếng Tàu. Tiếng Quảng Đông/Cantonese mới thực sự là tiếng Tàu và còn rất gần với tiếng Tàu cổ. Tiếng Hán Việt của mình gần tiếng Quảng hơn là tiếng Bắc Kinh là vì thế. Chẳng hạn như "phụ mẫu chi tâm" được đọc bằng tiếng Quảng Đông là "fù mẩu chi tsâm" còn giọng Phổ Thông là "fùmu zhi xing". Tiếng Việt mình nằm về tông chi Austro-Asiatic/Úc-Á và chi Việt Mường. Việc ấy chứng tỏ rằng mình không có nguồn gốc Tàu nào trong đó. Có một điều là người Tàu vẫn luôn coi dân tộc mình như loài mọi rợ mà mình lại đồng hóa mình thành Tàu hơn;chứng tỏ rằng người Tàu đánh giá đúng. Càng ngày mình càng nói tiếng Tàu, ăn đồ Tàu, nghe nhạc Tàu, mặc đồ Tàu, mừng lễ Tàu... Ít có dân tộc nào mà giống dân tộc mình vậy.
mitdat
02-27-2004, 10:00 PM
Well said. THX !
NguoiTriAm
02-28-2004, 01:02 AM
Just for clarification!

Tiếng Mãn Châu không phài tiếng Phổ Thông. Ví dụ chữ Té (nghĩa là ba, cha, bố), nẽung, loèn (mẹ) là tiếng tiếng Phổ Thông và tiếng Quảng còn tiếng Mãn là A-ma. Còn chữ "phụ mẫu chi tâm" tiếng Quảng là "phùa mụ chzía xấm" chứ không phải "fù mẩu chi tsâm". Còn tiếng Phồ Thông hay còn gọi là tiếng Quan Thoại (Quan la quan quyền, Thoại là đối thoại) được dùng trong hành chánh quan quyền từ thời Nghêu/Thuấn lâu lắm rồi. Ngoài ra người dân mổi một địa phương nói một thứ tiếng riêng của họ. Người dân Thượng Hài, Bắc Kinh, Phúc Kiến, Hẹ, Quảng, Tiếu Châu, Hải Nam nói tiếng riêng của họ và còn thêm cà chục tiếng được dùng trong những miền quê (đuợc gọi là tiếng miến quê). Vì vậy sau này người Tàu mới thống nhất một thứ tiếng là tiếng Quan Thoại. Thí dụ:

Szịck fàn = ăn cơm = Quảng
Chzứa fán = ăn cơm = Quan Thoại / Phổ Thông
Chzìa bừng = ăn cơm = Tiều Châu
Chzìa bzui = ăn cơm = Hải Nam

ăn cơm = ăn cơm = Việt
lost-dude
02-28-2004, 01:52 AM
Cám ơn NgườiTriÂm đã đính chính cho về phần phiên âm. Còn về phần thổ ngữ và từ địa phương thì ngôn ngữ nào cũng có vậy. LD chỉ nói là tiếng Tàu vùng Thượng Hải, Bắc Kinh bị ảnh hưởng từ những dân tộc cai trị Tàu nên nó khác xa với miền nam Trung Quốc. Cách phát âm của Lưỡng Quảng, Vân Nam, Phúc Kiến... gần với tiếng Hán cổ, từ đời Đường về trước. 65% từ vựng tiếng Việt mình là từ tiếng Tàu, nhưng sở dĩ được phát âm khác với người Tàu vì sau khi độc lập, tiếng Hán-Việt và tiếng Hán tẻ ra hai đường khác nhau cho nên đến đời nay đọc không giống hẳn nhau. Như 我爱你
được đọc là "ngộ ái lỵ" trong tiếng Quảng Đông còn tiếng Hán-Việt thì là "ngã ái nễ." Như trong tiếng Việt ta ngày trước không có âm TR mà lại có âm TL nên miền bắc phát âm chữ Trời là giời, có vùng lại phát âm là chời, và vùng thì là trầi** Khi được tẻ ra thì vùng này đọc khác vùng nọ, đó là lý do mà tiếng Hán-Việt lắm khi không còn nhận được phần Hán trong đó.
NguoiTriAm
02-28-2004, 04:10 AM
lost-dude, nhà Nguyên (The period Mongo ruled China) chỉ trọn vẹn có 89 năm à (AD 1279 - 1368). Think about it, Việt bị Tàu ảnh hường phài trải dài cả ngàn năm. Nếu nói Tàu bị ảnh hường bởi Mongol thì có lẽ Việt bị Pháp ành hưởng nhiều hơn bị Tàu ành hưởng rồi.

Ngọ oi nị = Quảng
Wọ ái nìa = Quan Thoại/Phổ Thông

Thái kwó phũzn = quá đáng = Quan Thoại/Phổ Thông
Thai kwo phành = quá đáng = Quảng

hong lẻ Thái Quá Phấn = quá đáng = Viet ????

Đó là lí do tại sao Việt Nam phài dùng chu Nôm để thay chử Nho (Hán-Việt). Ví dụ chử nôm "Ăn" dùng hai chử Hán ghép lại (chử Khẫu + chử An)
lost-dude
02-28-2004, 11:49 AM
NTA,

Nói về ngôn ngữ thì khi nào có sự giao ưu sẽ tạo ra ảnh hưởng. Người Ấn Độ sang VN truyền giáo và ngày nay trong tiếng Việt chúng ta còn dấu vết, như "cà ri" là tiếng Ấn. Ta có thể nói người Pháp đã đô hộ VN tương đương với số năm mà người Mông Cổ trị Tàu, làm sao không có ảnh hưởng được? Như NTA đã nêu lên, trong tiếng Tàu có những cụm từ của người Mãn, như a-ma.

Tiếng Việt mình nằm trong tông chi Úc-Á, bán chi Việt-Mường, hoặc Mon-Khmer trong tiếng Việt cổ. Tiếng Việt và tiếng Tàu là hai ngôn ngữ không bà con họ hàng gì cả. Nhưng không cần có thuyết mạch mới ảnh hưởng nhau. NTA cũng nên lưu ý là tiếng Hán-Việt và tiếng Việt thuần là hai loại tiếng Việt khác nhau; ngay cả văn phạm văn pháp cũng khác. Tiếng Hán-Việt còn gọi là tiếng Nho, là tiếng của người Tàu mà họ bắt chúng ta dùng, như Pháp cũng lập ra cái cục văn hóa chính trị để Pháp-hóa tiếng Việt ta. Như bây giờ, không đời nào mà người Việt chúng ta vứt đi tiếng Việt mà đi dùng tiếng Anh. Ông bà chúng ta dùng là bị ép buộc, và họ đã phản khán qua việc sáng tạo của chữ nôm, tức chữ viết cho tiếng thuần Việt.

Tiếng Hán-Việt được Việt hóa cũng khá nhiều:
vị -> vì
mãnh -> mạnh
ấu trỉ -> trẻ
dụng -> dùng
thị -> thì
tự -> từ
tiết -> tết...


Và cũng khá nhiều tiếng Hán-Việt mà ít người biết chúng là HV:
lạnh, tức là lẹng trong pinyin: jintian hen leng
bịnh, tức là bing: wo bing le

Có lẽ có sự hiểu lầm về Nôm và Nho vậy. :)
NguoiTriAm
02-28-2004, 01:07 PM
NTA chỉ không đồng ý lost-dude exagerated "tiếng Phổ Thông/Mandarin bây giờ là một ngôn ngữ ngoại lai. Hẳn người Mông Cổ và người Mãn Châu đã đồng hóa tiếng Tàu". NTA không biết lost-dude từ đâu mà suy ra như vậy nữa. Muợn từ trong ngôn ngữ thì ngôn ngử nào không có. Còn đồng hóa cả một ngôn ngữ trong mấy chục năm thì hơi lạ. Huống hố chi đòi đồng hoá người Tàu trãi dài bắt đầu từ thời Nghêu-Thuấn, Xuân Thu (trước đời Nguyên cả mấy ngàn năm). Có lẽ họ không bị đồng hoá như ngưòi Mãn bị người Tàu đồng hóa là may rồi.

NTA đồng ý một diểm là có nhiều tiếng Hán-Việt mà ít người biết chúng là HV. Thí dụ cụ thể là chừ Việt "hiểu" (understand), tiếng Quan Thoại lẫn cả tiếng Quảng cũng đọc exactly là "hiểu".
lost-dude
02-28-2004, 02:22 PM
Về tiếng Phổ Thông, NTA có thể nghiên cứu về tiếng Hán cổ, đặt biệt là về các thanh và âm tiết. Tiếng phổ thông bây giờ chỉ có năm thanh, trong khi đó tiếng Quảng có đên chín thanh. Trong tiếng Việt ta, tiếng của người miền nam cổ hơn tiếng của người miền bắc, dẫu là miền nam mới có sau này (nhưng tiếng của người nam chỉ có bảy thanh, mà tiếng của người bắc có đến tám thanh). Như chữ "quốc" vẫn được đọc là "quấc", chữ "việt" vẫn còn được đọc là "diệt"... NTA có thể dùng google để tìm hiểu về ngôn ngữ học của Chinese.

Khi va chạm thì sẽ tạo ra ảnh hưởng; nhưng LD chống việc chúng ta cứ Hán hóa tiếng Việt chúng ta vì lý do nghiêng về xã hội ngôn ngữ học. Ngày xưa tiếng Anh cũng bị tiếng Đức đồng hóa, nhưng người Anh biết đầu óc độc lập cho nên ngày nay tiếng Đức không còn tiếp tục ảnh hưởng tiếng Anh. Tiếng Anglo-Saxon được trở thành tiếng căn bản trong tiếng Anh. Và bây giờ, tiếng Anh đang ảnh hưởng đến biết bao nhiêu ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Nhìn về lịch sử, nước Anh bị biết bao nhiêu dân khác cai trị, nhưng vài thế kỷ sau, họ lại tạo ra được hệ thống thuộc địa lớn nhất lịch sử nhân loại. Chúng ta cần phải được độc lập. Nếu chúng ta bỏ hết các tiếng HV thì tiếng Việt chúng ta không đủ năng lực tự tồn.


Chúng ta muốn làm chủ nợ, nhưng mà mình đang là con nợ, tệ hơn nữa là mình tiếp tục đi mượn. Sự ảnh hưởng của tiếng Khmer đối với tiếng Việt, và sự anh hưởng của tiếng Việt đối với tiếng Khmer là cái tỷ lệ ta nên chấp nhận; còn 65% là con số quá lớn. Mà nói cho cùng, khoang 80% văn hóa ta là vai mượn của người Tàu. Tôi trung không thờ hai chúa, gái trinh chẳng lấy hai chồng. Bản tính của con người là có mới nới cũ; chúng ta lấy tiếng của người Tàu rồi dần dần vứt tiếng của mình đi. Chuyện các từ vựng trở thành tử ngữ/archaid là chuyện bình thường. Hiện nay, có vài ngôn ngữ mà chỉ còn vài chục người biết nói thôi. Nếu tiếng thuần Việt của ta bị diệt vong thì lúc đó sự sinh tồn tiến hóa của dân tộc ta cũng có vấn đề. Theo cái hóa trình hiện tại thì tiếng thuần Việt đang tắc thở. Tiếp tục cái đà này thì Vietnamese chẳng qua cũng là một Cantonese hay gì đó của Chinese vậy. Lúc mà ông Hồ Quý Ly báo động việc tiếng HV chiếm gần 3/8 tiếng Việt hay lúc Sùng Chính Viện của Nguyễn Huệ khuyến khích việc dùng chữ nôm và tiếng Nôm vì 1/2 tiếng Việt là tiếng Tàu mà người Việt mình làm cái gì đó thì ngày nay LD cũng không cần bi quan đến cở này. Nói về kinh tế của một nước mà cứ mua đồ mà không bán thì nền kinh tế bị vấn đề; chứ không phải nên tự hào là trong nước có nhiều hàng hóa.

(Theo vnexpress ngày 18/02/2004)


Một nửa số ngôn ngữ có thể biến mất vào cuối thế kỷ

Ngôn ngữ của các dân tộc ít người đang tiêu biến rất nhanh.
Thế kỷ 21 chấm dứt cũng là lúc nhân loại phải chứng kiến một phần hai số ngôn ngữ trên hành tinh đi vào dĩ vãng, khi mà các cộng đồng nhỏ hoà tan vào các nền văn hoá toàn cầu và quốc gia.

Cảnh báo này được các nhà nghiên cứu đưa ra trong cuộc gặp của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ đang diễn ra ở Seattle, Washington. Ước tính, khoảng 6.800 ngôn ngữ "độc nhất" còn tồn tại đến ngày nay. Song các ảnh hưởng về chính trị, nhân khẩu học và xã hội đang góp phần đẩy nhanh sự thoái hoá của nhiều thứ tiếng mẹ đẻ.

Theo các nhà nghiên cứu, mất đi đa dạng ngôn ngữ không chỉ là một cú sốc đối với các công trình tìm hiểu về văn hoá, mà còn đối với khoa học. Lựa chọn duy nhất là chúng ta phải lưu trữ và phân loại các ngôn ngữ này trước khi chúng biến mất.

"Số ngôn ngữ lúc này ít hơn so với một tháng hoặc 6 tháng trước đây", David Harrison thuộc Đại học Swarthmore ở Pennsylvania, Mỹ thông báo. "Tiếng nói của loài người đang mất đi đúng theo nghĩa đen".

Harrison đưa ra ví dụ về ngôn ngữ Middle Chulym, mà nay chỉ còn một dúm người đếm trên đầu ngón tay có thể nói được. Họ sống bó hẹp trong một thị trấn ở vùng Siberi, và tất cả đều đã trên 45 tuổi. Sự hoà nhập với cộng đồng Nga đã làm suy giảm nhu cầu cần đến tiếng mẹ đẻ của họ, và một khi những người cuối cùng thông thạo thứ ngôn ngữ này qua đời, bản thân ngôn ngữ cũng sẽ chết.

"Điều đáng nói là khi một ngôn ngữ tiêu biến, nó kéo theo sự biến mất của cả một thế giới khác, như các thông tin về dân tộc học và văn hoá", Stephen Anderson, thuộc Đại học Yale, cho biết.

Harrison cũng bổ sung rằng mỗi một ngôn ngữ ra đi sẽ để lại một lỗ hổng trong sự hiểu biết của chúng ta về cách thức nhìn nhận thế giới của mỗi cộng đồng. Chẳng hạn một vài thứ tiếng châu Mỹ bản địa gợi nên những hiểu biết rất khác nhau về thiên nhiên theo thời gian.

Nhưng trong khi nhiều ngôn ngữ thiểu số biến mất, thì những thứ tiếng thống trị toàn cầu, như tiếng Trung, tiếng Anh và Tây Ban Nha lại trở nên biến hoá và phức tạp hơn, David Lightfoot, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ tại Đại học Georgetown, tuyên bố. Và cuối cùng những ngôn ngữ mới có thể sẽ ra đời từ đó. Chẳng hạn, những biến dạng của tiếng Trung đang xuất hiện nhiều hơn, và trở nên khó hiểu ngay cả với một vài người nói tiếng Trung khác.

Tuy nhiên, Lightfoot nhấn mạnh rằng việc sưu tầm những ngôn ngữ hiện có là cực kỳ quan trọng. "Chúng ta muốn hiểu càng nhiều càng tốt về ngôn ngữ loài người. Nhưng để duy trì sự sống của chúng, bạn cần cả một cộng đồng dùng thứ tiếng ấy và đó không phải là điều có thể kiểm soát được".
Dieumi
03-04-2004, 04:22 AM
Hy vọng tác phẩm này sẽ làm Lost-dude đỡ buồn hơn ....

TỪ-ĐIỂN NGUỒN GỐC TIẾNG VIỆT
(Cognatic Dictionary of the Vietnamese and South East Asian Languages)
Tác giả: Bác Sĩ NGUYỄN HY VỌNG

Sơ lược về tác giả :
Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng sinh năm 1932, tại Huế, Việt Nam. Tốt nghiệp Bác Sĩ tại Đại Học Y Khoa Sài Gòn năm 1958. Là một sĩ quan Quân Y trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng như hành nghề y sĩ từ 1958 đến 1975 ở Việt Nam. Tháng 4, năm 1975, khi miền Nam Việt Nam bị quân đội Cộng Sản Bắc Việt xâm chiếm Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng đã di cư tị nạn sang Hoa Kỳ. Tại đây ông đã tốt nghiệp hậu đại học tại Viện Đại Học Kansas, Trường Y Khoa về Khoa Tâm Thần, năm 1979. Sau đó ông hành nghề Bác Sĩ Tâm Thần tại Seattle, tiểu bang Washington, từ 1979 đến 1997. Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng chuyên nghiên cứu trong lãnh vực biên soạn từ - điển từ năm 1951. Suốt thời gian 10 năm, từ 1951 đến 1961, ông đã cộng tác với nhà biên soạn từ - điển nổi tiếng của Việt Nam là cụ Đào Đăng Vỹ để hoàn thành những cuốn:

Pháp Việt Đại Từ - Điển (Grand Dictionnaire Francais Vietnamien), 1952.
Pháp Việt Tiểu Từ - Điển (Petit Dictionnaire Francais Vietnamien), 1954.
Phần danh từ Khoa Học trong Từ - Điển Bách Khoa Việt Nam (Encyclopedia Vietnamica, quyển A, B, C, 1960 – 1961)

Từ năm 1981, ông đã dành ra 20 năm trời để sưu tầm, nghiên cứu cuốn Từ - Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt. Năm 2001 ông đã hoàn thành việc biên soạn, và hiện đang cho thực hiện việc in thành sách và làm thành các C D. Theo ông cho biết toàn bộ Từ - Điển sẽ được in thành 4 cuốn, mỗi cuốn 1000 trang, và thành một bộ 10 cái C D. Trong buổi lễ nhận Nghị Quyết Tuyên Dương của Thành Phố Westminster, ông đã đọc một đáp từ ngắn. Sau khi giới thiệu sơ qua về cuốn từ - điển, ông kết luận:

"Ngày hôm nay, công trình này được dâng hiến cho tinh thần hy sinh của những chiến sĩ Việt - Mỹ đã chiến đấu cho Tự Do. Nó cũng đồng thời được kính tặng cho sự vinh quang của tiếng Anh, một ngôn ngữ của Tự Do."

Cuốn Từ - Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt là một công trình văn hóa hết sức lớn lao. Nội dung của nó gồm tới 275000 (275 ngàn) âm gốc và nghĩa gốc

(étymons) của các tiếng nói ở Đông Nam Á có cùng nguồn gốc với tiếng Việt. Nhờ cuốn Từ - Điển này người Việt học tiếng Việt sẽ dễ dàng hiểu biết khoảng 27000 (27 ngàn) tiếng trong tiếng Việt, từ những chữ dễ hiểu, theo bác sĩ Vọng, như chữ Nhà, đến những chữ khó hiểu như Đau đớn, và Đẹp đẽ, thì chữ đớn, và chữ đẽ nghĩa là gì. Bác sĩ Vọng cho biết những chữ khó hiểu như trên có đến tới con số 7000 (7 ngàn) chữ, "ta nói mà ta chẳng hiểu gì, nói như vẹt vậy thôi, từ mấy ngàn năm nay rồi." ( Trích trong bài Thế Nào Là Một Từ - Điển Nguyên Ngữ, của BS. Vọng). Ngoài ra còn có những tiếng Việt mà ngày xưa các cụ nói, nay không còn dùng nữa, nên khi chúng ta học thơ văn của các cụ chúng ta không còn hiểu các cụ muốn diễn tả điều chi. Ví dụ, trong cuốn Quốc Âm Thi Tập của học giả Hán – Nôm Đoàn Khoách, gửi tặng BS. Vọng, học giả cho biết có đến 71 chữ khó hiểu trong thơ của Nguyễn Trãi. Trong bài Về Hai Chữ Song Viết, và bài Anh Tam Là Gì ?, BS. Vọng kể lại ông đã khổ công đi tìm nguồn gốc và ý nghĩa của hai chữ kép nói trên. Cuối cùng ông đã tìm được những tiếng cùng nguồn gốc với chữ Song viết ở trong tiếng Thái và Lào, với chữ Anh Tam ở trong tiếng Môn – Khmer của người Sêđăng ở phía Bắc Kontum, và trong tiếng Malayo – Polynésian của người Malay (Mã – Lai) mà hiện nay những dân tộc này vẫn còn dùng. Thế là ông đã "....tìm lại cái văn mạch đã lạc giòng 500 năm ! ". Dưới đây là một vài câu thơ trong nhiều câu mà ông đã giải thích bằng ngôn ngữ thời nay để mọi người dễ hiểu, thí dụ :

Bài số 10:
Con cháu chớ hiềm song viết ngặt
Thi thư, thực ấy báu ngàn đời.
[ Con cháu chớ hiềm đời sống khó khăn ]
Bài số 13:
Con cháu mã hiềm song viết tiện
Nghìn đầu cam quýt ấy là tôi.
[ Con cháu chớ hiềm cảnh sống tần tiện ]
...
Mây khách khứa nguyệt anh tam
[ Mây khách khứa nguyệt anh em ]
...
Bếp lạnh anh tam biếng hỏi han
[ Bếp lạnh anh em biếng hỏi han ]
...
Tuy rằng bốn biển cũng anh tam
[ Tuy rằng bốn biển cũng anh em ]

Đặc biệt xưa nay nhiều người cứ nghĩ rằng tiếng Việt đã mượn rất nhiều tiếng Tàu, gọi là tiếng Hán - Việt. Ví dụ, chữ Tâm là tiếng Hán - Việt, so với chữ Lòng của tiếng Việt. Trong bài Tâm Là Con Nuôi, Lòng Là Con Đẻ, BS. Vọng viết:

" Qua 2000 năm, con số chữ Tâm chỉ bằng 10% chữ Lòng, kể cũng lạ, vì nhiều người cứ la hoảng là có quá nhiều tiếng Tàu trong tiếng Việt ! nhưng khi hỏi là bao nhiêu % thì không ai biết cả, người thì nói 30%, người thì nói 50%, thử hỏi, đã có ai đếm xem có cả thảy bao nhiêu tiếng Việt gốc, và mượn của Tàu bao nhiêu tiếng Tàu gốc thì họ cũng không biết, rồi lại hỏi vậy chứ tiếng Tàu có bao nhiêu chữ gốc cái đã, và người Việt đã mượn bao nhiêu % tiếng Tàu đó ? thì họ cũng không biết luôn, thành thử ông nói gà bà nói vịt, chỉ là đoán mò mà không chịu đếm cho chắc, vì ngôn ngữ cũng là một khoa học mà không khoa học nào qua mặt được sự đếm cái gì mình muốn. Một tiếng cũng như một đơn vị ngôn ngữ, sao lại chẳng đếm được rồi từ đó mới có thể nói có sách mách có chứng được. "

BS. Vọng đã đếm được chừng 25 chữ Tâm mượn xài, từ những chữ tâm huyết , tâm hồn, đến những chữ ác tâm, thiện tâm, thâm tâm, tiểu tâm. Và ông cũng đã đếm những chữ ghép với chữ Lòng đứng phía sau như an lòng, ấm lòng, cho đến xiêu lòng, xót lòng, xuôi lòng. Có cả thảy 192 chữ. Nếu cộng thêm với những tiếng ghép chữ Lòng đứng trước như lòng dạ, lòng riêng, lòng thành, v...v., thì có đến 211 chữ ! Ông đã kết luận :

" ??? mặc dầu qua hơn 2000 năm, ông bà ta cũng coi Tâm như đứa con nuôi, nhưng xem Lòng mới là đứa con rứt ruột đẻ ra, và thương nó nhiều hơn mười lần ! "

Cũng bằng cung cách đếm như vậy, ông cho biết trong tiếng Việt có đến :

- 42% tiếng cùng nguồn gốc tiếng Thái
- 40% tiếng cùng nguồn gốc tiếng Môn – Khmer ( 28% tiếng Khmer, 12% tiếng Môn )
- 12% tiếng cùng nguồn gốc tiếng chàm ( Malayo – Polynésian )

- và chỉ có 12% tiếng Việt có cùng nguồn gốc giống của tiếng Tàu mà thôi.

-Xin lưu ý : nếu cộng tất cả các % kể trên thì có tới 106%. Sở dĩ có tình trạng này là vì có nhiều tiếng trùng nhau thuộc cả hai hoặc nhiều ngôn ngữ cùng dùng. Ví dụ, chữ anh tam kể trên được dùng cho cả hai hệ thống ngôn ngữ Môn – Khmer và Malayo – Polynesian.

Một điểm son nữa là BS. Vọng còn nghĩ đến những thế hệ con em chúng ta ở hải ngoại, trong tương lai sẽ biết nhiều về ngoại ngữ hơn là tiếng mẹ đẻ, cho nên tác giả đã dùng cả tiếng Anh và tiếng Pháp để giải nghĩa những âm gốc và nghĩa gốc (étymons) ghi trong từ - điển. Việc làm này sẽ giúp cho con em chúng ta sau này dễ dàng học và hiểu tiếng Việt để tìm về nguồn gốc của tổ tiên mình.

Cuối năm vừa qua, 2002, BS. Vọng bị một cơn tai biến mạch máu não, phải vào bệnh viện cấp cứu, để các bác sĩ giải phẫu kịp thời rút hết máu chảy trong não, và đã được chữa lành khỏi bệnh. Ngay khi lấy lại được sức khoẻ ông lại lao vào công việc ngay. Đến nay ông đã hoàn thành in và làm CD xong đến hết phần chữ G. Cầu mong ông được luôn luôn bình an mạnh khoẻ để sớm hoàn tất một công trình có lợi ích lớn lao cho tương lai tiếng Việt yêu qúy của nòi giống Tiên Rồng.

Ghi chú: Hiện nay (2 – 2004), BS. Vọng đang in và làm CD phần chữ H.

Lưu Ý : BS Vọng cho rằng tiếng Việt chỉ 12% là giống tiếng Hán ...
Dieumi xin bổ túc thêm là tiếng Hán mượn 12% của tiếng việt .. chớ không có chuyện ngược lại ... tại sao vậy ??? .. Xin coi chứng minh trong bài viết sau << ... CLICK HERE (http://www.vietcyber.net/forums/showpost.php?p=846505&postcount=57) ...>>
lost-dude
03-04-2004, 05:54 PM
Xin cám ơn bài đăng của Dieumi. Xin hỏi Diệumi đã tìm tài liệu trên ở đâu? LD rất muốn tìm hiểu hơn những nhận xét và những công trình về tiếng Việt của bác sĩ Vọng.

Mỗi ngày có khoảng 450,000 người được đẻ ra và 200,000 người chết đi; nhưng khó có thể tính nhân số trên trái đất được. Ngôn ngữ, giống như con người, là những hiện vật sinh động. Việc đếm các chữ trong tiếng Việt, theo từ vựng, thì được; chớ đếm theo cách dùng như bác sĩ thì e không tiện lắm. Ngôn ngữ nào cũng luôn có chữ mới và luôn có tử ngữ, làm sao mà đếm được đây?

LD đếm cái chữ tâm của bác sĩ Vọng, và thấy con số ông đưa ra hơi khiêm tốn:

tâm huyết , tâm hồn, ác tâm, thiện tâm, thâm tâm, tiểu tâm, tâm tư, tâm trí, tâm thư/thơ, tâm linh, thành tâm, nhẫn tâm, tà tâm, hảo tâm, lương tâm, tâm chí, tâm đầu, tâm địa, tâm điểm, tâm giao, tâm huyết, tâm khảm, tâm lực, tâm lý, tâm não, tâm nhĩ, tâm niệm, tâm phúc/phước, tâm sai, tâm sự, tâm tánh/tính, tâm tình, tâm thần, tâm trạng, nhân tâm, giả tâm, thanh tâm, tĩnh tâm, trung tâm, chuyên tâm, tâm can, tâm đắc…

Một đàn kiến chạy nhảy tứ tung thì làm sao mà đếm được? Người bình dân sẽ thích dùng chữ lòng hơn, còn những "học giả trí thức" thì thích dùng chữ tâm hơn. Dùng những từ điển chuyên môn thì những từ Việt gốc Hán còn nhiều hơn tiếng thuần Việt. Có nhiều tiếng Hán đã được Việt hóa đến độ nó được dùng tứ tung, như chữ "sự". Ngay cả chữ "huyết" có từ Việt là "máu" nhưng trong "huyết vịt", ta không thể hiểu là "máu vịt" được. Lost-Dude rất interesting in learning more about him and his works, cám ơn Diệumi rất nhiều. :)
Dieumi
03-05-2004, 04:55 AM
Anh Lost-Dude -- Anh có thể vào đây để tìm tài liệu về NÀY (http://www.gio-o.com/NguyenHyVong1.html) ... hoặc liên lạc: Nguyễn Hy Vọng ; 13391 San Simeon,Tustin, CA 92782

========================================================

Thế nào là một từ điển nguyên ngữ?

BS Nguyễn Hy Vọng

Từ lâu ta chỉ có những từ điển thông dịch [house/ maison là nhà] hoặc những từ điển giải thích [nhà là cái chỗ ở của một hay nhiều người]

Ta chưa hề có từ điển nguyên ngữ cho tiếng Việt -- và vì thế sự học hỏi tìm hiểu thêm tiếng Việt thiếu sót vô cùng!

Nhà là gì? Tại sao lại gọi/phát âm/ đọc là nhà/ có thật chỉ có người Việt mới đọc như thế và hiểu như thế sao? và cái nghĩa gốc có phải như vậy không hay là khác đi?

Thắc mắc này rất chính đáng và cần thiết cho chừng 27000 tiếng trong Việt ngữ, từ chữ nhà [dễ hiểu ?] cho đến những chữ khó hiểu hơn như đau đớn[đớn là gì?] đẹp đẽ [đẽ là gì?]

Những chữ khó hiểu này có đến # 7000, ta nói mà ta chẳng hiểu gì, nói như vẹt vậy thôi, từ mấy ngàn năm nay rồi. Ta đã vay mượn rất nhiều tiếng Tàu qua hơn hai ngàn năm nay, vì vậy cứ tưởng là nguồn gốc của từng tiếng trong Việt ngữ có thể tìm ra từ trong các từ điển của Tàu.

Tiếng Việt thật ra không phải như người ta thường tưởng, nó khó mù trời!

Phần từ ngữ Hán Việt, là tiếng con nuôi, sau hai ngàn năm vẫn còn mù mờ.

Phần nôm na, tiếng Việt thuần ròng, tiếng con nh, tiếng con đẻ; sau mấy chục ngàn năm vẫn còn như một bãi sa mạc, sự tìm hiểu gần như không có!

Sự thật về tiếng Việt phải đi tìm theo những con đường mòn hun hút bạt ngàn, chằng chịt khắp vùng rừng núi Đông nam Á, nếu may mắn tìm thấy một phát âm quen thuộc một nghĩa gốc quen thuộc, thì bạn đã gặp được một tiếng anh em [cognate] rồi đó

Sự tìm hiểu tiếng Việt bị khựng lại đã lâu, vì người ta cứ tưởng đâu nghiên cứu chữ Tàu và phát âm Hán Việt là đủ; thật ra ta phải học tất cả các tiếng nói anh em của vùng ngôn ngữ Đông nam Á[tiếng Miên, Lào, Thái, Chàm, Nùng Thổ, tiếng Mon bên Miến điện, cả tiếng Miến nữa...chưa xong, còn phải học hỏi tất cả các thứ tiếng của 54 sắc dân thiểu số hiện đang chia nhau chung sống với người Việt trên mảnh đất chữ S mà nay đang bị méo mó khá nhiều vì bị cắt bớt đem dâng không cho Tàu!

Lại nữa tiếng Chàm đã từ hai ngàn năm nay cho tiếng Việt mượn rất nhiều từ ngữ mà ta lờ đi không muốn nhìn mắc nợ, lại còn coi thường tất cả những gì “chàm”!

Đi tìm nguồn gốc tiếng Việt trong tiếng Tàu là bước hai bước mà trật đường rầy cả hai! Tiếng Tàu mình xài trong tiếng Việt chỉ là những tiếng vay mượn, hai nữa là chỉ có thể giúp ta tìm hiểu nguồn gốc của các tiếng Hán Việt mà thôi; thí dụ “tổ chức” là “tết, dệt” chứ làm sao mà hiểu cho được ý nghĩa của hai chữ “đành hanh” hay “đành rành”:( hoặc là nguồn gốc của những chữ/tiếng Việt thuần ròng/ con nhà :( sau đây: ...”tôi đi chợ mua hai con cá” chẳng hạn! chợ là gì, cá là gì, mua là gì !

Sau # 100 năm tìm hiểu, nay thì thế giới ngôn ngữ học đã biết là tiếng Việt xưa của ta không phải từ tiếng Tàu mà ra, mà lại bắt nguồn ngay tại chỗ [vùng Đông Nam Á] và đã là một nhánh của cây ngôn ngữ Mon-Khmer từ ngàn ngàn năm về trước, từ cái thuở mà ta chưa phải là Giao chỉ mà Tàu cũng chưa phải là Tàu!

Vậy thì làm sao mà biết đâu là đâu? May thay, bằng phương pháp so sánh âm, vần, cách phát âm của mấy ngàn năm về trước, mà ta không thể biết ( hồi đó làm gì có máy ghi âm , tệ hơn nưã là chữ Tàu chỉ là những hình vẽ, không ghi được âm ) với chữ viết và cách phát âm đi kèm của mấy ngàn năm về sau, ta cũng có được những nhận xét khá vững về nguồn gốc của tiếng Việt ta. Đó là khoa ngôn ngữ học so sánh, âm vận học so sánh, ngữ nghĩa học so sánh [comparative linguistics/ comparative phonetics/ comparativesemantics] nghe thì có vẻ lôi thôi khó hiểu nhưng tôi xin lấy một vài thí dụ dễ hiểu:

Nếu ta biết được rằng:

trong trẻo trong veo thì người Thái họ nói là trẻo veo
băn khoăn sợ hãi thì họ nói là khoăn hãi

thì ta bắt đầu nghi ngờ là giữa tiếng Việt và tiếng Thái phải có chi đây! và quả là có thật, vì có đến 42 % tiếng Thái đang sống chung với tiếng Việt !

chân mây, chân trời thì người Khmer nói là châng mêkh
chân tay thì họ cũng nói là chân đay

Thì ta sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng có đến 28 % tiếng Miên cùng một nguồn gốc với tiếng Việt

đành rành thì người Chàm cũng nói là đành đành
đành đạch thì họ cũng nói là ch-đác ch-đàng

có đến 12% tiếng Chàm chen vai thích cánh với tiếng Việt, điều mà ít người ngờ đến!

vắng vẻ thì người Lào họ gọi là vằng ve
quạnh quẽ thì họ cũng gọi là quành que

có đến 30 % tiếng Lào cùng một nhịp đàn ngôn ngữ với tiếng Việt, mà lâu nay ta cứ tưởng rằng họ không cùng một lòng một dạ với ta về âm vận và ý nghĩa.

Còn nhiều nữa, không biết bao nhiêu là tiếng nói khác của vùng đất thiêng Đông Nam Á đã chia xẻ “cái nôi ngôn ngữ” ở chung với tiếng nói ông bà chúng ta, khi mà người Tàu xưa còn vắt vẻo dọc con sông Hoàng Hà cách xa chúng ta cả mấy ngàn cây số và chỉ biết đến chúng ta qua một tên xa lạ là Man [] mà họ cũng phát âm trật là Man- an và viết là Vạn An [xem bản đồ xưa nhất của Tàu dưới đây] .

Tất cả những gì mà sách xưa của Tàu đã ghi lại về chúng ta đều phải xét lại cả, chứ ta đừng nên gục đầu ê a đọc rồi mà cho là khuôn vàng thước ngọc, chỉ vì nó là sách xưa của Tàu :( làm như thể sách càng xưa thì nói càng đúng hơn sách bây giờ, không có gì trái với thực tế cho bằng! và không có gì tỷ lệ ngược cho bằng! ---> (Nếu BS NHV mà biết được thêm là .. Tiếng việt là mẹ đẻ của tiếng Tàu .. (http://www.vietcyber.net/forums/showpost.php?p=846505&postcount=57) thì ... Ổng sẽ còn chửi thiên hạ tợn hơn nữa ... nghe sướng lỗ tai luôn ..)

Đó là lập trường của vài ông Hán Việt cứ khư khư cho là cái gì của ta cũng do Tàu mà ra, như một một món hàng tư tưởng ế khách của một buổi chợ chiều văn hóa ... ... :D (... nghe đã thiệt ...)

Họ không chịu nhận là họ đã bị những tìm kiếm mới của ngôn ngữ học qua mặt một cái vù, mà cứ giữ khư khư nhửng thành kiến đã mục nát từ lâu

Họ có cái “thái độ chùm gởi” của nhửng kẻ học trò của ông thầy Tàu, chỉ muốn được thơm lây mà không chịu đi tìm cái sự thật và cái giá trị riêng của mình.

Họ là ai ? họ là người đã phát ngôn vô tội vạ về nguồn gốc người Việt như sau:

“người Việt chẳng qua là người Tàu mà tràn xuống sinh sống ở vùng quanh châu thổ sông Hồng hiện nay rồi khi đủ điều kiện thuận tiện :( thì trở thành người Việt ” :( -- xin miễn phê bình !

Họ là người đã nói như sau: ...”tiếng Việt chẳng qua là tiếng Tàu xen lẫn một vài tiếng Mường tiếng Mọi mà thôi vì chẳng qua gặp thì có thêm một vài tiếng để mà tiện nói chuyện hay buôn bán với họ :(!

Cũng may là từ trước, cũng có những học giả có ý thức chân chính trả đũa lại như ông Dương quảng Hàm và ông Nguyễn háo Vĩnh, nhưng nói chung đã bị những ông kia đánh phủ đầu vì những ông kia họ có sách báo để làm chuyện đánh lộn sòng đó!

Không kể ra hết được những níu kéo ràng rịt thân thương giữa tiếng Việt và các tiếng nói anh em cật ruột khác ở Đông nam Á mênh mông bao quanh đất nước ta như một vòng dây thân ái, thay vì quay mặt lại ngưỡng mộ tên cướp ngày hung dữ ngàn đời là Tàu rồi đi kiếm nguồn kiếm gốc nơi nó trong một cố gắng huyễn hoặc muôn đời mà chính nạn nhân là ta lại cứ muốn xin đi hộ khẩu chung với kẻ cưỡng hiếp kinh niên, đó là chứng bệnh tinh thần là “identification with the agressor -- đi bênh kẻ có tội với mình” mà mấy ông Hán Việt giổm hiện đang mắc phải!

Quyển Từ điển nguồn gốc tiếng Việt (Vietnamese Cognatic Dictionary) với 4000 trang và 275000 etymons[âm gốc] và [nghĩa gốc] đang xuất bản dưới hai dạng CD rom và sách in sẽ đem lại cho bạn, người yêu mến tiếng mẹ, một cái nhìn hoàn toàn mới lạ nhưng khoa học về cái nguồn gốc thực sự của tiếng Việt mà chúng ta tha thiết muốn biết đã từ lâu.

Nó sẽ cho ta biết từng con chữ, từng chữ, từng âm, từng vần, từng âm trình, âm tiết, từng cái nhấn giọng cho đến từng giọng của ba miền, từng tiếng một, từng tiếng ghép, từng từ từng ngữ, từng nghĩa đen, từng nghĩa bóng; trọn vẹn, đầy đủ, đâu vào đó/ không có một tiếng nào mà phải bị mang tiếng là đệm, không có một từ nào còn bị tối nghĩa một cách oan uổng tức tối.

Quyển sách này sẽ là cái gối đầu giường cho ta, êm và mềm, từ đầu đời cho đến cuối đòi, là niềm hãnh diện cho 80 triệu người Việt, xứng đáng với câu nói đầy khen ngợi của ông Leonard Bloomfield, nhà ngôn ngữ học Mỹ nổi tiếng khắp thế giới, rằng tiếng Việt là “ một tiếng nói văn- hóa vĩ đại của miền Đông nam Á”... “a great cultural language of South East Asia... “
Dieumi
03-05-2004, 05:35 AM
Nhìn thẳng vào bộ mặt thật của tiếng Việt

Theo ông Swadesh, một nhà ngôn ngữ học, đứa con nít nào cũng chỉ cần độ 200 tiếng một là đủ sống rồi. Theo tôi có lẽ là ít hơn nữa. Xin đưa ra đâyvài chục tiếng đó:

- con, mẹ, cha, anh, chị ...
- trời, đất, mưa, nắng, gió, nước, mặt trời, mặt trăng, đêm, ngày, mây, sao,
đá, cát, sạn, bụi, khói, lửa, lạnh, nóng, ấm, mát ...
- ngồi, đứng, nằm, chạy, nhảy,leo, trèo, đi, bước, bò, lết, bay, bơi, lội, đến, tới ..
- rờ , mò, bắt, chụp, ôm, giữ, nói, kêu, la, hét, cười, khóc, nhìn, thấy, nghe, biết, run, sợ
- ăn, uống, nuốt, cắn, nhai, ngủ, hít, thở ...
- lau, chùi, quẹt, quét, rửa ...
- tóc, tai, mặt mũi, má, cằm, miệng, lưỡi, răng, râu, lưng, vai, chân, tay, ngón, móng, da, thịt, xương, máu, mủ, mỡ, trứng, bụng, cổ, vú, đầu, đuôi, lông, tóc ..
- mô, tê, răng, rứa, ni, nớ [riêng cho con nít miền Trung và một nữa miền Nam]
- nhiều, ít, hết, còn, có, không, được, không được, muốn, thèm, thích, ưng, ưa, khát,
- đói, chết, sống, giết,
- 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10...
- to, nho,û dài, ngắn, trên, dưới, trong, ngoài, gần, xa, đây, đó .
- vuông, tròn, dẹp, méo/ xanh đỏ tím vàng, trắng đen, xám/ khô ướt, chảy/ đầy, cạn,
- mới , cũ
- chim, cá, chó, chí, chuột, mèo...
- cây, lá, hột,

chú ý: đây chỉ là tạm thời, còn rất nhiều nữa...nên nhớ là em bé này chỉ mới 2, 3 tuổi!


Rồi từ 1 đến 4 tuổi, em bé nào cũng biết được >200 tiếng đó và tình mẹ con nẩy nở suốt đời ... rồi từ bốn đến năm tuổi, học thêm độ 500 tiếng nữa là đủ dùng cho tiếng nói hằng ngày của một người trung bình dù là Mỹ, ở Anh, Pháp, Tàu, Việt hay Esquimaux, hay bất cứ ai trên đời này, dù không đi học bao giờ. Ấy là muốn nhấn mạnh đến sự quan trọng vô cùng của mẹ dạy con, không có cái đó thì bao nhiêu cái lớp học cũng vô ích ..

Tiếng Việt chì lắm, sau 2000 năm bị lệ thuộc mà vẫn còn, từ 1 triệu người đời Giao chỉ, nay đã gần 80 triệu người, đứng hàng thứ 14 về số người nói trên thế giới, chỉ thua có 13 nước khác là Tàu, Ấn độ, Tây ban Nha, Mỹ, Nam dương, Nhật, Brésil, Thổ nhĩ kỳ, Nga, Mexico, Đức, Ả rập ..., đông người hơn cả Pháp và Anh , [hồi 1939 Pháp có 37 triệu người, ta chỉ mới 25 triệu! ]

Tiếng Tàu rất kỳ lạ, không ai biết nó ở đâu mà ra, và thật ra có đến 6 thứ tiếng Tàu khác nhau, mà chỉ có chữ viết là thống nhất thôi, tiếng Hán Việt thì gần với tiếng Tàu Quảng đông nhiều hơn chứ chẳng ăn thua gì đến tiếng Tàu Bắc kinh, mặc dầu Tàu nó muốn cái tiếng Bắc kinh phải là chuẩn cho cả nước Tàu; còn lâu ! đó chỉ là “wishful thinking”- những điều mình muốn cho mình, nói ra như thể thật tình có luôn, chỉ vì chữ Tàu chỉ là 7500 cái hình vẽ, biểu diễn ra cái ý muốn của nó mà nó gọi là cái từ .... :D ..:D

Thật ra chữ Tàu làm gì có chữ, mà chỉ có những những hình vẽ, để vẽ ra :p những ý nghĩ của con người, thí dụ nhàn là hình vẽ mặt trăng trong cửa sổ, mắc mớ gì mà phải hiểu là nhàn [relaxed]? nếu mặt trăng ngoài cửa sổ thì gọi là gì bây giờ?! không ai biết tại sao, kể cả Khổng tử cho đến Mao trạch đông. Chứ còn tiếng Việt ta thì hai viết là hai, ba viết là ba, con nít 6 tuổi cũng viết được ngay mà hiểu ngay, mà dù có là cụ Trần trọng Kim đi nữa thì cũng không hiểu gì hơn được, cái tính cách hiểu biết thẳng vào chữ của chữ a b c là như vậy [direct and immediate incept]

Các bạn có biết là Tàu nó mượn khá nhiều tiếng khắp thế giới để mà nói không? mà nó cứ lờ đi làm như thử là tiếng của nó.

Inspiration thì nó đọc là yên sĩ phi lí thuần, club là câu lạc bộ, Asia [tiếng Hy lạp] nó gọi là Á tế Á, nó dịch chữ hippopotamus ra là hà mã, vì hippo là con ngựa còn potamus là con sông, thật ra đó chỉ là một định nghĩa [mượn của Hy lạp] chẳng xứng đáng là một cái tên, cũng như nếu ta gọi là con ngựa nước chẳng hạn, cũng may ta không gọi vậy vì ta làm biếng, bắt chước theo Tàu mà đọc là hà mã luôn thành ra cả Tàu và Việt đều bé cái lầm! -- ( Dieumi :"Cháo" là tiếng của ta (văn hoá ướt - lúa nước) - Tầu lấy của ta xài đọc là "shao" ( 粥, zhou1 ) mà họ đâu có thẹn thùng gì đâu - không có thì lấy xài - bổ xung cho văn hoá .. thế thôi ....)

Cái nghèo nàn của tiếng Tàu thấy rõ khi nó phải đặt ra những tiếng mới cho những ý niệm mới. Hỏa tiễn là cái tên lửa, nếu gọi như bọn việt cộng thì được, chứ có gì giống nhau giữa cái tên lửa với cái missile khổng lồ của Mỹ đâu?! vậy mà bọn đỉnh cao trí tuệ Việt cộng tưởng đâu là văn minh lắm mới dùng hai chữ đó, chúng nó hỏi ông Nguyễn hiến Lê...”tại sao lại dùng chữ hỏa tiễn làm gì, nên gọi là tên lửa như chúng tôi :p cho nó gọn” !. Nhà học giả miền Nam của chúng ta bảo với chúng nó là một ngọn đèn dầu với tia sáng laser đâu có dùng chung một tên với nhau được! Thế mà chúng nó vẫn không hiểu.! tội nghiệp! ... :D ..:D (nghe đã thiệt )..

Trong 150 năm vừa qua, Nhật bản văn minh hơn Tàu quá nhiều nên đặt ra cả hàng chục ngàn từ ngữ khoa học kỹ thuật rồi mấy ông Lương khải Siêu và Khang hữu Vy cùng sau này Hồ Thích, chỉ việc lễ mễ khuân về Tàu mà xài đó thôi ... cũng như hàng trăm ngàn từ ngữ khoa học hiện nay trong tiếng Pháp Anh Mỹ là do các nhà bác học Anh Mỹ Pháp Đức đặt ra chớ đâu phải mấy ông Hy lạp hiện nay đặt ra đâu.

Mà Tàu thì lúc nào cũng khoe là nó không mượn từ ngữ của ai mà nói hết, thật ra chúng nó vay mượn như điên, mà chối đó thôi .....

Còn như những ngoại lệ về ngôn ngữ thì tiếng nói nào chả có[ trong tiếng Mỹ thì wistful và wishful cũng một nghĩa thôi, meat và meet thì chỉ một âm mà viết hai cách để có hai nghĩa khác nhau/ trong tiếng Pháp thì roide và raide chỉ một nghĩa là căng, cứng. Trong tiếng Việt thì cũng thế! có rất nhiều trường hợp như vậy, thí dụ viết là một [one] nhưng cả 40 triệu người Trung và Nam đâu có đọc là một hồi nào? người ta chỉ đọc là mộk mà thôi! trong khi người Bắc thì phát âm lẫn lộn giữa s và x, giữa tr và gi [ tuy rằng họ vẫn hiểu một cách thôi, cũng may, nếu không thì nói là giái cây[fruits] luôn thì nguy, hoặc tìng hìng chíng chị chíng em thì khó nghe quá. Thành thử, ép buộc viết theo một cách thôi cũng có lợi cho sự thông hiểu, mặc dầu viết một cách mà phaỉ đọc một cách khác, quá khổ! vả lại dù sao thì cũng là ép buộc, cũng tại cụ Alexandro de Rhodes mà ra cả vì thật tình cụ ấy viết cho người bắc mà thôi!


Bằng chứng đâu? có ngay! đây là một trang đầu của tự điển của Alexandre de Rhodes, ông ta có nói là viết cho tiếng nói của người đàng ngoài mà thôi, mà ổng lầm là tiếng nói đàng ngoài cũng là tiếng nói của đàng trong ! [xem giòng chữ [B]sev tunchinnensis [ # có nghĩa là, hay là, hoặc là, cũng như là tonkin] :( cái lầm lớn đó cộng thêm cái thời gian hai trăm năm những chữ viết ấy chỉ lui tới qua lại trong đám tân tòng theo đạo chúa blời của ông ta thôi, chữ viết ấy như thể là một thứ mật mã về tôn giáo, nên không có ảnh hưởng cho cả toàn dân, rồi sau này cũng chẳng có từ điển nào sửa lại những sai lầm đó trong suốt cả 250 năm, nên khi Pháp nó bắt buộc xài chữ quốc ngữ mà thôi thì cái nguồn tài liệu duy nhất vẫn là quyển từ điển ấy vì vậy mà cả nước xúm nhau lại viết theo lối Bắc kỳ trong khi hai phần ba dân chúng lại chẳng đọc và phát âm theo lối Bắc kỳ một tí nào hen[gà mái] trong tiếng Anh, tưởng như không có âm đó trong tiếng Việt nhưng mà có, vì người Quảng trị nói là cái chénh, rất giống với âm này, không có người Việt nào phát âm được âm này, trừ ra người Quảng Trị, đã lạ chưa?! người Huế và Saigòn thì nói là cái chéng, người bắc thì nói chén, ba miền nói ba cách, rồi thì một miền lại nói hai ba cách, mặc dầu cũng viết là chén mà thôi; còn như “em người hà lội [hà nội!]” thì đòi thống nhất và trong sáng cái mốc xì, chớ đừng nói chi đến cái chuyện đòi tiếng Bắc làm chuẩn hay là không chuẩn!

Đó là tại Al de Rhodes không ý thức được rằng mẫu âm trong tiếng Việt có thứ đọc dài, có thứ đọc ngắn, có thứ đọc vừa phải :

ă không có thật, nó chỉ là a mà đọc ngắn đi thôi/ thử đọc ba và baéc
â không có thật, nó chỉ là ơ mà đọc ngắn đi thôi / thử đọc bơù và bất

anh và ăn chỉ là một âm thôi, nhưng phải viết khác nhau để cho nghĩa khác nhau !
ngoài dấu sắc ra, đúng ra phải có một dấu sắc cao khác nữa để phân biệt hai giọng sắc vừa và sắc cao

thí dụ: ánh và ách/ ước và ức/ hết và hếch/ chết và chếch/ mết và mếch/ rát và rách

cũng thì dấu sắc mà giọng cao giọng thấp khác nhau rất nhiều, thành thử cái thực tế của âm việt, mà một trẻ em nào của ba miền cũng dễ dàng nhận thấy cái khác biệt ngay, trong khi đó thì các ông ngôn ngữ, các ông văn phạm, các ông từ điển lại không thấy hoặc có thấy đôi chút thì lờ đi vì họ không hiểu được tại sao nó như thế mà cũng chẳng buồn đưa vấn đề ấy ra mổ xẽ, mà chỉ muốn xin hai chữ bình yên cho rồi!

Lại thêm cái chuyện hỏi ngã, họ cũng lầm lẫn to!. Ai cũng cho là tiếng Việt có sáu dấu giọng huyền ngã nặng hỏi sắc không, làm như thể đó là mộ cái khuôn vàng thước ngọc :( cho cả dân ba miền! Làm gì có chuyện đó! 2 phần 3 dân Việt [nghĩa là đa số] người Trung và Nam chỉ có một giọng cho hỏi/ngã mà thôi, gọi nó là dấu giọng gì cũng được, nhưng chỉ có một mà thôi, họ không ý thức, không phân biệt, không biết được là trong tiếng nói của họ có cái giọng lấp láy đó mà họ cũng không cần biết đến, họ chỉ phát âm một giọng thôi, vừa hỏi mà vừa ngã, chỉ nói một cách thôi, không phải hỏi mà cũng chẳng là ngã, cho nên cách phân biệt không cần thiết với họ, cách viết phải phân biệt cũng không cần thiết với họ.

Tại sao như vậy? tại vì cũng lỗi của ông cụ Al de Rhodes đã viết chữ cho tiếng Bắc kỳ mà thôi chớ không phải cho tiếng Việt cả ba miền, của đáng tội, ổng có viết rõ là ổng viết cho miền Bắc thôi[tunchinensis]xem bằng chứng sau đây, trang mở đầu thứ 10 trong từ điển của ổng có viết chữ lớn và rõ ràng là :
LINGUAE ANNAMITICA sev TUNCHINENSIS brevis declaration
có nghĩa là bản trình bày tiếng An nam hay là tiếng Tunchin [Tonkin/ Bắc kỳ/ Đàng ngoài] chứ ổng không đến nỗi là không biết đến cái sự thực nghiệt ngã của dấu giọng ba miền là chúng nó khác nhau rất nhiều, nhưng các ông học giả ba phải hiện nay thì cứ một mực cho là cũng được đi, thành ra qua hơn trăm năm, người Bắc trách khéo là tại sao Trung và Nam lại không chịu viết hỏi ngã cho đúng như họ! Trời đất, người ta đâu có hỏi đâu cóø ngã hồi nào đâu mà bảo là chịu với không chịu?!

Cũng như thật là vô lý vô nghĩa nếu ngược lại người Trung và Nam cứ đi trách móc người Bắc là tai sao không chịu đọc cho phân biệt rõ ràng các phụ âm s với x/ tr với gi/ gi với d mà gần 99,9% người Bắc đọc lầm!, họ làm gì có ý thức phân biệt được những cái đó [như là người Trung và Nam] hồi nào đâu , cái đó gọi là cái gene của ngôn ngữ, không có cái gene đó thì chịu thôi, cho vàng để đọc theo người khác cũng đành chịu thua; cũng như cho vàng đi nữa, mấy anh ba Tàu cũng vẫn nói là : mister plesident, I eat fly lice :( kể cả Khổng tử .. cho đến Mao trạch Đông, nếu có sống lại đi nữa! cũng nói như vậy thôi! ) ..

Các bạn biết không, trong âm R của tiếng Việt ta có khoảng 500 từ mà không hề có một tiếng hán việt nào chen vào được. Tại sao ? là vì Tàu nó không có cái mà tôi tạm gọi là cái gene R, mà đã không có cái đó thì làm sao có thể lập lờ đánh lộn sòng mà chen / xen vào được vì vậy nó, tiếng Tàu, đành đứng ngoài, ghé mắt nhìn chơi thôi ! ....

Cái âm R , với 500 tiếng một bắt đầu với nó, là một bằng chứng hùng hồn rằng tiếng Việt không phải là chung một giòng họ với tiếng Tàu bao giờ cả, mặc dầu qua hơn hai ngàn năm bị chèn ép về tiếng nói và chữ viết, trong khi đó thì khắp các tiếng nói ở Đông Nam Á, người anh em ngôn ngữ của ta, độ 450 triệu người, đều nói và phát âm R một cách dễ dàng!


Các bạn hãy lấy bất cứ từ điển Việt nào mà xem phần chữ R đi, thử xem có một tiếng hán việt nào xen vào trong đó không? một tiếng cũng không! Tính cách độc lập của vần R trong tiếng Việt là hoàn toàn ! không chối cãi được, nó như là một định đề cho những ai hiểu lầm về nguồn gốc của tiếng Việt , vốn đã bắt nguồn tại chỗ là miền Đông nam Á, từ ngàn xửa ngàn xưa, khi tàu chưa phải là tàu mà việt cũng chưa phải là việt, khi mà những ý niệm mãi sau này mới có như lịch sử, văn hóa, văn minh, xã hội, thời giờ, tôn giáo, học hành, văn chương cứ xen vào trong các nhận xét về ngôn ngữ mà làm sai lạc cái nguồn gốc thật của tiếng Việt và nòi giống Việt đi, làm cho ta khó mà thấy rõ cái gốc gác của giòng giống ta ở đâu nữa, làm nẩy sinh ra những lý thuyết vớ vẩn và viển vông mà đã như là những khuôn vàng thước ngọc giổm nó làm cho đầu óc ta quá sai lầm vì quá tin tưởng vào đó, như là một thứ “khổng tử viết” vào một buổi chợ chiều ế ẩm của tư tưởng.

Mong rằng quyển từ điển nguồn gốc tiếng Việt này, đang in bằng CD và sách, với 275 ngàn dẫn chứng về tính cách anh em của các tiếng nói ĐNÁ, sẽ đánh gục những ý nghĩ sai lầm về nhiều khía cạnh thích thú của tiếng Việt rồi chuyển hướng về những nhận xét đúng đắn hơn về nguồn gốc thật của tiếng nói đầu lòng cũng như cuối đời của chừng 80 triệu người Việt
Dieumi
03-05-2004, 06:16 AM
NHỮNG CÁI HIỂU LẦM VỀ TIẾNG VIỆT

1 . Trong tiếng Việt có rất nhiều tiếng Tàu !?

Nếu ta có mượn đôi ba chục ngàn tiếng Tàu mà nói đi nữa thì qua 2300 năm vay mượn, mỗi năm ta chỉ mượn có khoảng 12 tiếng thôi, 1 tháng một tiếng, có gì là nhiều!? Thật ra tiếng Tàu trước sau chỉ có độ 7500 từ gốc rồi họ chắp nối với nhau để có đủ tiếng mà nói [ vỹ-đại, uy nghi, lẫm liệt v..v...lại nữa phần lớn những từ ngữ mà ta mượn của Tàu trong vòng 100 năm vừa qua mới là nhiều, mà chính những từ ngữ kỹ thuật ấy là do người Nhật đặt ra trong vòng thế kỷ vừa qua do họ văn minh kỹ thuật trước Tàu, chứ không phải Tàu đặt ra

2. Vì có nhiều tiếng Tàu quá nên tiếng Việt nghèo đi ! -:(!

Ta có mượn mà nói, nhưng Tàu nó đâu có rút rỉa, lấy lại bớt của ta tiếng nào đâu. Nếu vốn liếng ngôn ngữ của ta là 100% mà ta có thêm 30% tiếng Tàu thì ta đã có 130% , chứ có mất mát gì đâu mà phàn nàn? Tiếng Mỹ vay mượn 90% của các tiếng khác.

3. Tiếng Việt từ tiếng Tàu mà ra :(..

Nhiều người có cái ý nghĩ này là vì cái tinh thần nô lệ của ta, đã hết bị nô lệ hơn 1000 năm mà vẫn còn ham nói dòng [thanh thủy] thay vì nói dòng nước trong. Thử hỏi 80 triệu người Việt có còn ai muốn nói dòng thanh thủy nữa, mắc mớ gì mà phải nói vậy, nói bến cũ chứ mắc mớ gì mà phải nói là cổ độ , bị vướng vô cái hệ lụy Hán Việt như cái nợ ba đời, bị mắc vô cái óc vọng ngoại làm khổ thêm con cháu phải nhai mấy cái của nợ đó cho đến đời nào?

Gần đây công trình nghiên cứu tiếng Việt của các nhà ngôn ngữ học quốc tế đã ghi nhận tiếng Việt có gốc Mon-Khmer, một nhánh nhỏ của gốc Austro-Asian.

Theo Encyclopedia Britannica 2000 thì : “ ... the Vietnamese language is distinct, it can be described as a fusion of Mon Khmer, Tai and Chinese elements... the failure of the chinese language to assimilate the Vietnamese language underscores the fact that strong elements of Vietnamese culture must have emerged long before China established its rule over Vietnam” -- ta nên lấy đó mà suy gẫm ! ...

4. cụ Trần trọng Kim bảo rằng ”trong tiếng Việt có rất nhiều tiếng đệm, tự nó không có nghĩa nhưng khi ghép với một tiếng khác có nghĩa thì nó đổi nghĩa của tiếng ấy đi :( ...” trời đất! nói lựng lựng như vậy mà không đưa một bằng cớ gì ! cho nên nhiều người hiểu lầm cụ ...

Dựa vào đâu mà nói là đệm? mà ai đệm cho, mà đệm hồi nào vậy, mà tại sao lại phải đệm, mà tại sao lại đệm chữ này mà không đệm chữ kia, mà tại sao một người mà cả nước nghe theo răm rắp, mà người ấy là ai vậy, ông vua nào đệm, ông quan nào đệm?! ... một sự đoán càn làm thui chột hàng ba bốn thế hệ về sau không ai dám tìm hiểu tiếng Việt cho đàng hoàng nữa!

Thế cho nên cả những người nghiên cứu về văn phạm tiếng Việt sau này cũng nhại đi nhại lại cái câu bất hủ đó của cụ Kim như một châm ngôn vàng ngọc, có người hiện nay còn nói bắt chước theo ổng là:sáng mới có nghĩa, lạng là vô nghĩa[sic] phải nói/viết là xán lạn mới đúng”...[sic] ; nhận xét khơi khơi vô tội vạ, theo cái kiểu để cái cày trước con trâu như thế (!) đã làm cho những ai muốn tìm hiểu chín chắn về tiếng Việt cũng bị khựng lại hơn nửa thế kỷ qua.

Trái lại, các trường phái ngôn ngữ học quốc tế ,có phương pháp tìm hiểu khoa học hơn nhiều, đã thấy rằng, không có ngôn ngữ nào mà phải đệm cả, bất cứ một tiếng nào cũng có gốc gác, cái lý do[ raison d’être ] của nó, không hề tự nhiên mà sinh ra, mà có được, dù là tiếng Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Tây ban Nha hay là tiếng Esquimaux, Nam Phi, Tàu hay Việt ..v...v trong số hàng ngàn tiếng nói trên thế giới.

Trong tiếng Việt ngay cả những tiếng như ê-a... uể oải, oái oăm , hàng ngàn ngàn tiếng như vậy cũng phải có lý do mà sinh ra, khoa ngôn ngữ học gọi là etymology tìm hiểu nguồn gốc của từng tiếng một, chứ còn nói dựng đứng vô tội vạ là tiếng đệm quả ø thiếu tư cách nghiêm túc của khoa học. Thật ra trong tiếng Việt , không có một từ nào mà không có nghĩa, nhưng vì nó bị tối nghĩa đã mấy ngàn năm rồi vì ta không có ai tìm hiểu nguyên nghĩa của tiếng nước ta, nên ta nói không rõ ràng [nói rộn rịp mà không hiểu rịp là gì, đẹp đeõ là gì, tại sao lại sáng sủa, sớm sủa, rảnh mà sao lại rang? nhịp mà lại nhàng! vì cụ Kim đã phán là đệm rồi, nên không ai dám nói ngược lại mà cũng không dám tìm hiểu chi nữa!

Lại nữa nếu cho rằng tiếng Việt bắt gốc từ tiếng Tàu thì làm sao giải thích cho được cái lạ lùng là trong số chừng 500 từ Việt bắt đầu với vần R, không hề có một tiếng Tàu nào xen vào đó cả , một tiếng cũng không, vì cái lưỡi của cả ngàn triệu người Tàu không phát âm được R, thì làm sao mà nó làm cái gốc cho tiếng Việt được( ta có cái gene R mà nó không có, vậy thì cái gene R phải là do một gốc khác truyền cho, và thưa các bạn , cái gốc đó là cái gốc Đông nam Á, vì khoa ngôn ngữ học hiện đại đều công nhận tiếng Việt là thuộc nhánh ngôn ngữ Mon-Khmer mà được rất nhiều tiếng gốc Thái pha trộn vào, mà cả 4 thứ tiếng này đều ở vùng đó ...

5. Hiểu lầm rằng chữ là tiếng đó rồi, biết chữ là hiểu tiếng!

Ông Dương quảng Hàm , hồi còn là sinh viên, đã nói những lời chính đáng, đánh thức dậy cái ý thức còn kém cõi của bao người Việt ta:

“ lạ thay cho nước mình! có tiếng nói mà không hề ai học tiếng, không đâu dạy cách dùng tiếng, không sách nào nói đến nghĩa tiếng cùng mẹo đặt câu...chưa từng ai nghiên cứu học hành tiếng An-nam cả, điều đó thật là một khuyết điểm đó...”

Sự thật là , tiếng quan trọng hơn chữ rất nhiều, và hai cái đó khác hẳn nhau !

“ Các người đi học hồi xưa chưa bao giờ học tiếng Tàu mà chỉ học viết chữ Tàu mà thôi, chưa bao giờ họ học cho hiểu rõ cái tiếng Việt hồi đó mà chỉ học cái cách viết gọi là chữ nôm, mà ngay cả hiện nay chúng ta cũng chưa bao giờ học cho hiểu tiếng việt của chúng ta nó ra làm sao... nói vậy có quá đáng không? thưa, không quá đáng một chút nào. Cả 6 trường văn khoa đại học Việt Nam cũng không có trường nào làm cái chuyện đó cả, thật là đau đớn cho tiếng nước ta, chỉ lo học viết chữ Tàu, chữ Nôm.

Hiện nay ai lại chẳng viết được chữ đau đớn mà có ai hiểu đớn là gì không?mới mẻ là gì, xuề xòa là gì, sáng sủa là gì?!còn cả ngàn ngàn tiếng như vậy , chúng ta nói như vẹt không hiểu gì cả, mà lại cũng không biết tại sao lại nói như thế !?

Cả nước chúng ta có thể mù chữ không nhiều(độ 15 %) nhưng mù tiếng còn quan trọng hơn nhiều và cái mù này là 100 % ! vì cái chữ chỉ là cái áo cái quần mặc cho ngôn ngữ, mà ngôn ngữ mới thật là cái da thịt của ta, không tách rời nó ra được.

Ông Leonard Bloomfield, một nhà ngôn ngữ học Mỹ nổi tiếng khắp thế giới đã khen tiếng Việt là: ” a great cultural language in South East Asia...”; muốn cho xứng đáng với lời khen đó, chúng ta phải làm sao hiểu cho rõ ý nghĩa của hàng ngàn ngàn tiếng Việt tối nghĩa, đã bị cụ Kim cho là đệm [sic], mới được!

6. Ta cứ cho rằng những tiếng như :

Tổ quốc, quốc gia, cộng sản, khốn nạn.v..v.. là tiếng Hán Việt! Thật ra đó là tiếng Tàu 100%, mình mượn mà xài, nhưng mà đọc không đúng âm Tàu , chứ có gì “Việt” trong đó đâu?. Cụ Trần kinh Hòa, một giáo sư Tàu qua dạy ở đại học Huế ba chục năm trước đã cho là những tiếng Tàu đó là“ Hán tự Việt độc”(tiếng Tàu đọc theo âm Việt).. nhận xét ấy rất đúng, không có gì là việt trong đó cả. Cũng như nếu ta nói OK Salem , nhờ giâm( jump) giùm chiếc xe vì nó yếu bình điện hoặc là cái mũ bêrê, cái gara, vải kaki, một kilô, thì có gì là Mỹ Việt hay Pháp Việt đâu! , chẳng qua là mượn mà nói mà đọc trẹ cái âm của người ta mà thôi. Thiếu thì mượn mà xài, thế thôi; không nên nhìn lạm cho nó là cái tiếng gốc của mình.

Tệ hơn nữa là người Tàu họ có hiểu là cái quái gì đâu, vì họ nói là chộ quố làm sao mà họ hiểu cho ra là tổ quốc cho được ! họ nói là khôn lịn mà ta thì nói là khốn nạn !

Khổ cho họ [?] vì ta lại còn viết chữ Nôm, hồi xưa họ đã đọc không ra, rồi giờ đây lại viết bằng chữ abc, họ đâu biết gì! mặc dù nhũng tiếng đó là của Tàu 100 %! ... vậy có phải là Ta chơi chữ - và xỏ xiên tầu và giỏi hơn Tầu chưa :) -- có thêm một vài tiếng Môn -Miên -Lào -Thái - Mông - Pháp -Tầu trong Việt ngữ là thêm phần phong phú cho ngôn ngữ của chúng ta ... Nguời Hòa Lan, người Bỉ được coi là dân tộc có văn hoá cao - vì họ nói thành thạo tiếng mẹ đẻ (Dutch) và Anh, Pháp, Đức - nhờ đó họ rất thành công về Kinh tế ...

Còn những tiếng đúng là Hán Việt thì các ông làm từ điển Hán Việt, từ Đào duy Anh cho đến về sau, lại không ý thức đến, và lờ đi không nhắc đến, xem như chúng nó đương nhiên là tiếng Việt :( : người thân, già lão,truy lùng, đánh chiếm, đoạt lấy, suy ra,sinh sống, nhập vào, xuất ra v..v.. và v..v.., kể ra đây mấy cho hết , cả ngàn ngàn tiếng như vậy, mà người dân Việt đã đóng góp nói phô theo cái cách rất dễ làm là cứ một tiếng Việt thì cho ghép vào với một tiếng Tàu cùng nghĩa để cho ai ai cũng nói được và hiểu được ngay, khỏi cần hỏi ai mà cũng không cần kiếm sách. Ông bà ta đã thật sự làm một cuộc cách mạng chữ nghĩa âm thầm qua hơn 2 ngàn năm, đã thật sự thai nghén ra một thứ tiếng mớí mà dù có 50 % tiếng Tàu trong đó, không hề có một người Tàu nào đọc được, viết được nói được và hiểu được, nếu muốn thì phải học , cho dù đó là Sĩ Nhiếp, Mã Viện, hay Giang trạch Dân ! Ý thức và phương pháp [methodology] làm tự điển của các ông quả thật đã trật đường rầy.

Quả thật ông bà ta hồi xưa đã là những quyển từ điển, chứ không bao giờ là tự điển biết nói, biết đi biết đứng, biết cả một lúc ba thứ tiếng, biết cả tiếng Tàu, biết cả tiếng Việt , đương nhiên; mà lại còn sáng chế ra một thứ tiếng mới mà không người Tàu nào hay biết chi cả! và đó là cái thứ tiếng mà hiện nay cả 75 triệu người Việt đang nói đó, đứng hàng thứ 14 về số đông ngươì nói trên thế giới, mặc dầu đất đai thì chỉ đứng hàng thứ 60.

Ai đã làm ra cái thứ tiếng mà hiện nay chúng ta đang nói? Không phải là 100 thế hệ quan lại, làm quan cho Tàu mà đặt ra được, bằng cớ rõ ràng là họ lại còn chê “nôm na là cha mách qué” là khác ; đã chê cái gì thì có đâu mà lại đi vun xới cho cái đó! Vậy thì ai đã góp phần làm ra tiếng Việt đó? thưa chính là người thường dân Việt của đất nước Việt, trong hoàn cảnh nhục nhã bị tiếng Tàu, một thứ tiếng lạ hoắc xen vào, đã thủ thế bằng cách ghép từ việt này với từ hán kia đồng nghĩa vừa dễ nhớ vừa đễ cho tiếng Việt ấy không thui chột đi được. / như ông Dương quảng Hàm cũng nói cách đây 80 năm, về chuyện mượn tiếng Tàu:” ...mượn như thế không phải là một vài người có học nhiều mà bắt người ta nói theo được đâu, đó là vì cả một đám bình dân mượn mà nói, đặt ra mà nói theo lẽ tự nhiên vì nhu cầu ăn nói mà lại đọc khác đi, cho hợp với cái lưỡi của họ chứ không phải vì một vài người học giả muốn mà đặt ra được, rồi bắt người ta nói theo...” Trên thế giới không có ai làm được cái chuyện đó được cả, dù có muốn đi nữa.

Hơn nữa, không phải chỉ có tiếng Việt và tiếng Tàu chơi trò ngôn ngữ với nhau trên sân khấu văn hóa lịch sử; mà các tiếng nói anh em khác như tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Miên , và cả những tiếng anh em họ xưa như tiếng Mon, tiếng Chàm, tiếng Khasi, tiếng Nùng v..v.. cũng đóng vai góp vế với tiếng Việt qua những trao đổi gắn bó muôn đời, trước cả tiếng Tàu xa chừng, xa rất xa, từ cái buổi thôi nôi của con người Việt.

Chỉ xin đưa ra đây một vài thí dụ trong số 275000 tiếngcái của mạng lưới ngôn ngữ Đông nam Á này /xem từ điển nguồn gốc tiếng Việt sau đây:

ta nói “rộn rịp” thì người Thái cũng nói là rịp [ busy]
“trong trẽo, trong veo” clear, thì người Thái cũng nói là trẽo veo [những tiếng Thái như vậy núp bóng trong tiếng Việt chừng 42%!]

còn tiếng Khmer thì làm giàu cho tiếng Việt chừng 28 %, một vài thí dụ sau đây:
chân mây ~ chơng mêkh [chân trời/ horizon]
tay chân ~ đay chơng

và tiếng Lào thì dính líu với tiếng Việt ta như hình với bóng:
tiếng Việt ~ xiểng Việt [the Vietnamese language]
trăng sáng ~ chăn séng moonlight

Còn tiếng Chàm mà ta xem như rất xa lạ, hóa ra rất gần gũi, ít ai biết được rằng ta đã chung một dòng máu ngôn ngữ với Chàm từ đời xửa đời xưa khi mà Chàm chưa phải là Chàm mà ta cũng chưa phải là Việt nữa !

ta nói chậm rì thì Chàm nói là rì [low, tardive]

ta nói là ni, tê [miền Trung] thì Chàm cũng nói : ni tê

Còn nhiều rất nhiều nữa nhưng bằng chứng không chối cãi được về cái máu huyết chung [genetics] của tiếng Việt với các tiếng nói khác ở Đông nam Á [xin đón xem quyển từ điển nguồn gốc tiếng Việt đang in dưới hai dạng sách và CD [ một bộ 10 CD/ mỗi CD từ 300 đến 400 trang].

Tác phẩm nghiên cứu này như một ghi ơn của dân Việt ngày nay đối với hàng triệu người Việt và hàng chục triệu con người ở Đông nam Á thời xa xưa đã cho chúng ta một tiếng nói “tuyệt vời” , “xưa cũng rất xưa mà nay cũng rất nay”, để mà sống với nhau và tìm hiểu nhau qua cái vốn liếng từ ngữ chung của con người Đông Nam Á .
Dieumi
03-05-2004, 06:27 AM
Dị ứng về văn hóa

Bị allergy cả đời nên rất ghét allergen, cái sinh ra allergy. Một allergen mà tôi ghét nhất là hai chữ văn hóa và cái ý nghĩa văn hóa theo nghĩa tàu [hóa thành ra tốt đẹp ] nghe thì ngon lành lắm như một cái bánh sắp được ăn, hóa ra là một cái bánh vẽ!

Bọn Âu mỹ thì gọi là culture [trồng trọt] đúng hơn nhiều vì trồng trọt thì cũng có khi mất mùa, mà bị mất mùa cũng là văn hóa/ hành vi bán nước của bọn Việt cộng hiện nay cũng là một hành vi văn hóa [văn hóa bán nước] thay vì cái văn hóa dựng nước của ông bà ta! vì đảng chúng nó đang mất mùa dài dài , chờ ngày gục chết!

Tôi thích cái định nghĩa văn hóa của Giáo sư Y khoa Trần ngọc Ninh là “cái gì khác người” mà vẫn khác hoài, dù hay hay dở, không thành vấn đề [thí dụ mất gà mà chõ mỏ qua hàng xóm chưởi luôn ba ngày, đó cũng là một nét văn hóa!/ mượn tiếng của người mà nói rồi lờ luôn, đó cũng là nét văn hóa của Tàu, nhìn lạm của người ta [như phù lưu là mượn của phlu [trầu] gốc tiếng Miên] và tân lang là cau[sinla] cũng tiếng Miên luôn/ trà là từ âm chè của người Đông nam Á, âm Cháo gốc tiếng Việt !...

Còn cả ngàn từ khác Tàu mượn của các giống người Man ở phía nam sông Trường giang mà lờ đi luôn, nhìn lạm cho là của nó, trong khi ta mượn tiếng Tàu thì trọng quý ngàn đời, rồi nô lệ nó luôn. Ở đời kẻ dại bao giờ cũng bị thằng khôn ăn hiếp hoặc hãm hiếp. Đây đúng là một sự hãm hiếp về văn hóa đáng được đem ra tòa án văn hóa của thế giới văn minh để thưa kiện, nhưng ở đời biết khôn thì sự đã rồi!

Cái cung cách văn hóa cướp giật này, Tàu nó xài từ lâu, nó vẽ bản đồ nước tàu bao gồm cả Đông nam Á luôn rồi nó chiếm Tây tạng, rồi nó chiếm Hoàng sa của Việt Nam mình, rồi nó đang nhòm ngó Trường sa nửa. Văn hóa của nó là văn hóa ăn cướp mà mấy trăm đời các ông hán việt coi như là khuôn vàng thước ngọc trong đó khuôn gỗ thước mộc xen vào rất nhiều, kiểu sáo đội lông công ! Bọn Tàu không hề có trống đồng ! một vài cái trống ở vân nam là của dân Điền, một dân thuộc giòng Thái xưa, không nói tiếng Tàu , mà chúng nó nhìn lạm.


Bọn Tàu không biết cơm gạo là gì và không uống trà / Khổng tử của chúng nó bảo với học trò: “ta không biết trà là gì, nghe đâu là một thứ lá trong rừng mà bọn Man nấu và uống nóng hổi, giải nhiệt. Ta không biết lúa là gì, ta chỉ ăn kê và lõa mạch!. [Tàu nó gọi lúa là hòa cốc , chứng tỏ nó bắt chước trồng lúa khi tràn về vùng đất của bọn Man, và sống chung đã rồi cướp đất luôn .
Khổng tử còn nói, khi Tư mã Ngưu, học trò, sắp đi vùng kinh tế mới ở miền của người Man, hỏi ý ông ta : có về đó thì phải cẩn thận, bọn Man bắn tên độc rất giỏi, và vào đầu năm, chúng nó nhảy múa tưng bừng hoa lá, say sưa tối ngày, nghe đâu chúng nó gọi ngày lễ đó là TẾ SẠ [chỉ là phiên âm Tàu của Tết] chứ không phải Tết là đọc trẹ tiết mà ra đâu, như mấy ông hán việt hiểu lầm, vì nhìn đâu cũng thấy cả tàu là tàu không à, tội nghiệp !...

Tôi đã chứng minh bằng nguyên ngữ học cái nguồn gốc không chối cãi được của TẾT là nguồn gốc ĐNÁ, trong một bài báo đăng trong báo Độc lập ở Đức và Làng văn ở Canada cách đây đã 17 năm. Tầu chỉ xài ké thôi ....

Chú ý - " hòa cốc" chỉ là một định nghĩa, không phải là một cái tên/ một cái tên gọi thật sự thì không bao giờ lẫn lộn với định nghĩa thí dụ như chân tay hay thủ túc/ hòa cốc cũng như hà mã chỉ là những cố gắng vụng về để gọi cái gì mình chưa hề có, chưa hề thấy , chưa hề biết., cũng như phù-lưu hay tân lang chẳng hạn chỉ là những tiếng đọc trẹ theo ph-lu, ph-lâu Tàu nó mượn phiên âm của các tiếng ĐNÁ đó mà thôi!

Trong các từ điển của tàu có nhan nhản những từ mà nó bảo là không dùng một mình, âm ghép, vì đó là những tiếng mà nó mượn của kho ngôn ngữ ĐNÁ ! vì tiếng riêng của nó là độc âm đã từ đời nào, mà các thứ tiếng Đông nam Á thì rất là song âm. Khi một mà mượn của hai thì phải nói là không đứng một mình, lẽ tất nhiên .. xem TĐ Khai trí tiến đức , có cả đống trong đó! làm tôi nhớ đến chuyện con cò [sao nó lại đứng một chân hả mày? thì cũng phải cho nó một chân chứ? không có chân nào nó té bỏ mẹ!] ..

Đúng là cái logique illogique [vậy mà không phải vậy] cái wishful thinking của bọn Tàu [những điều mình muốn cho mình, nói ra như thể thật tình có luôn :) ...]
Dieumi
03-05-2004, 08:26 AM
Đây là một vài trang trong tự điển của BS NHV :

http://www.vietcyber.net/fgallery/data/media/5/NHV1.jpg

http://www.vietcyber.net/fgallery/data/media/5/NHV4.jpg
Dieumi
03-05-2004, 09:21 AM
Anh anh Lost-dude và các ACE ...

Tài liệu này có rất nhiều trong Net ... Dieumi xin tóm tắt đế các ACE đọc cho đỡ buồn ngủ ...

Hy vọng đề tài này sẽ ... làm anh và các ACE thích và quan tâm hơn ... Nhưng cũng xin đừng cười lớn ... cái hay là ở Hiên Tại .. Bây giờ họ Giầu và hơn minh nhiều ... họ đang cười mình đó ... ( money talks )
Vì Kinh tế là vận mệnh của tổ quốc ... KT có thể thay đổi được tất cả :chính thể - chính quyền - đến văn hoá - v.v ... ngay cả Lịch sử cũng vậy ...

Out-of-Africa Theory ...

Theo Nhân Chủng Học và Lý Thuyết "Out of Africa" thì :

1. Đông tiến : Hai nhóm chính hình thành con người và văn hóa Á đông là:

http://www.vietcyber.net/fgallery/data/media/5/MAP_relief_Eastwards2_2.jpg

Nhóm Đông tiến theo ngõ Trên : Nhóm người đi lên phía Bắc và sau theo ngã Bắc và dọc theo những dặng núi phía trên Hy mã lạp sơn ( Iran-Afganistan-Turkmenistan-Urbekistan-Kyrgyzstan -Kazakhstan- Mongolia ..) để tiến về hướng Đông .. thành những nhóm người ở các tỉnh phía Bắc và Tây Bắc Trung Hoa ( Quingai, Ganxu, inner mongolia, Jilin, Heilongiang ) ...

Nhóm Đông tiến theo ngõ Duới : Vì không thể vượt qua chặng núi Hy mã lạp sơn được - nhóm này đi dọc theo mé phía Nam của dãy núi này để tiến về phía đông - đến cuối chân của dãy Trường Sơn và tiến vào bình nguyên sông Hồng (bắc việt nam ) và từ đó phát triển ra các vùng khác Chiêm, Miên và Bách Việt và Tầu ...

2. Tai sao có Văn Hoá Khô và Ướt ? :

Văn hóa Khô : Trên đường đông tiến theo ngõ Trên - địa lý bằng phẳng nhiều thảo nguyên, có khí hậu lục địa (khô ráo, nóng và lạnh thay đổi nhiều giữa ngày và đêm) ... Những đặc thù của địa lý và khí hậu này là những yếu tố Chính cho việc phát triển tự nhiên của nền văn hoá Khô (Kê Mạch - Nuôi Thả - Săn Bắn - Du canh du cư )...

Văn hoá Ướt : Trên đường đông tiến theo ngõ Dưới - địa lý chặng đầu không bằng phẳng nên đông tiến rất nhanh - và .. bình nguyên đầu tiên Họ đặt chân đến trên đường Đông tiến là châu châu thổ sông Hồng - địa lý duyên hải và khí hậu nhiệt đới đã là những yếu thố thuận lơi cho viếc phát triển văn hóa Ướt ( Lúa nước - Nuôi nhốt - Mò nhặt - Định canh định cư )...

Tranh cãi của hai nền văn hoá này - Nền nào văn mình hơn ? - thì xin cho Dieumi miễn bàn - Ai cũng rõ là thế nào là văn minh rồi ... :) ...>>Muốn biết tại sao .??..CLICK HERE (http://www.vietcyber.net/forums/showpost.php?p=845415&postcount=47)..<<

Riêng về những Va chạm và Kết hợp của hai nền văn hóa này .. sẽ bàn sau ....


3. Nguồn gốc Á Đông :

http://www.vietcyber.net/fgallery/data/media/5/migration_of_homo_sapiens.gif

Định canh định cư lần thứ nhất: sau khi đến châu thổ sông Hồng (Red river delta) - Không đông tiến được nữa - Họ đã dừng lại và bắt đầu định canh định cư .

Nền văn hóa Ướt thứ nhất : châu thổ sông Hồng có địa lý bằng phẳng , mưa nhiều , khí hậu nhiệt đới đã là những điều điều kiện thuận lợi & tự nhiên để nền nền văn hoá Ướt phát triển - các nền Văn Hóa của Đông Á khởi nguồn ở đây và từ đó phát triển rộng ra tứ phía .

Xuống Nam : thành ra người Chiêm và một phần cúa người Miên ...

Lên Bắc: thành ra Bách Việt và các nhóm người Tầu trực hệ Khác ...

Nguồn gốc : có thể nói tất cả người Á Đông (Tầu, Đại Hàn, Nhật bổn, Chiêm, Miên) là hậu duệ của Người ở bình nguyên Hồng Hà ( miền Bắc VN ) ...

4. Di dân văn hóa - bắc tiến lần thứ Nhất: đến châu thổ sông Châu(Pearl river Delta)

Di dân :Bình nguyên Hồng Hà tuy hết sức thuận lợi nhưng không lớn mấy ... điều kiện địa lý bằng phẳng dễ dàng tiến lên phía bắc .. và chỉ một thời gian Ngắn sau họ đã có một số đi dần lên phía bắc qua Quảng tây và đến châu thổ sông Châu ở Quảng Đông ...

Định canh định cư lần thứ Hai: sau khi đến bình nguyên Châu Giang - Họ định canh đinh cư tại đây Khá lâu ...

Nền văn hóa Ướt thứ Hai : địa lý bằng phẳng , mưa nhiều , khí hậu nhiệt đới cũng tương tự như châu thổ Sông Hồng ... nền văn hoá Ướt đã hình thành rất thịnh vượng ở đây (Hongkong, Macau, Quảng Châu, Thẩm Quyến, v.v.. đều nằm trong vùng châu thổ sông Châu Giang.) ...
Thời gian từ di dân từ châu thổ sông Hồng sang châu thổ sông rất ngắn ... con người , văn hóa không biến chuyển ...Đó là 1 trong những lí do tại sao DNA của người lưỡng Quảng giống y chang 100% người Việt và VN luôn nói đất lưỡng Quảng là của VN ..
http://www.vietcyber.net/fgallery/data/media/5/Viet-Chin_cultural_delta.gif

5. Di dân văn hóa - bắc tiến lần thứ Hai:đến châu thổ sông Trường(Yangtze river Delta)

Di dân :Bình nguyên sông Châu tuy lớn hơn ở sông Hồng .. nhưng vẫn hạn hẹp và đo đó Họ vẫn tiếp tục hành trình dần tiến về phía bắc ... thế là Họ đã đến được châu thổ sông Trường ...

Định canh định cư lần thứ Ba: sau khi đến bình nguyên Giang Tử to lớn này - Họ định canh định cư tại đây ... rất lâu ....

Nền văn hóa Ướt thứ Ba : khí hậu ôn đới mưa nhiều, cũng có những điều kiện khí hậu tuy không bằng nhưng khá tương tự như châu thổ sông Hồng, sông Châu ... nhưng địa lý bằng phẳng và rộng lớn hơn ... vẫn có thể làm lúa Hai vụ ....và nền văn hoá Ướt đã hình thành cực thịnh ở đây ...

6. Di dân văn hóa - bắc tiến lần thứ Ba: đến châu thổ sông Hoàng(Yellow river Delta)

Di dân :sau một thời gian rất lâu ở bình nguyên Giang Tử - Họ đã theo duyên hải đi dần lên .. và một lân nữa Họ đã tìm thấy và đặt chân đến vùng châu thổ sông Hoàng ..

Định canh định cư lần thứ Tư: sau khi đến bình nguyền to lớn này - Họ lại định canh định cư tại đây ...

Nền văn hóa Ướt thứ Tư : khí hậu hàn đới mưa nhiều, lạnh lẽo - Nhưng vẫn có thể làm lúa nước 1 vụ được .. nền văn hoá Ướt đã được hình thành ở đây ...

7. Những di dân văn hoá - Bắc tiến tiếp theo: Địa lý và khí hậu không thuận tiện cho việc phát triển văn hóa Nuôi -Trồng nhưng vùng duyên hải ở đây rất phong phú hải sản nên văn hóa Mò - Lượm rất dễ dàng và văn hóa Câu - Lưới rất phát triến ... Sông Hoàng nước chảy cuồn cuộn khó mà có thể vượt qua ... thế nhưng có gì mà ngăn chân được con người có văn Hoá Câu - Lưới ... họ đã tiến lần lên phía bắc thành Đại Hàn và Nhật Bán - đó cũng là lý đo tại sao người Đại Hàn và Nhật Bản rất phát triển về văn hóa Câu - Lưới , thich ăn cá - giỏi thủy chiến , hàng hải và cũng có cả văn hoá lúa nước ... Dân biển gió máy nên phải nói to - giọng nói cứ ầm ầm như chửi nhau ấy ! :) ... đố biết tại sao Họ lại mắt một mí nhiều ... :D :D ...


Và tiến xa hơn nữa ... qua vùng biển cạn (Beringia land bridge) .. mãi tận phía bắc ... và America bị chinh phục ... ( hậu lai của người ở châu thổ sông Hồng đó ...:) )...

8. Va Chạm văn hoá - Lùi về phía Nam:
DNA cúa người Đại Hàn và Nhật bản rất giống người Việt Nam và Lưỡng Quảng mình - thế nhưng lại khác xa người Hebei (Bắc Kinh), Liaoning, Jilin ... Cho nên đã có người thắc mắc .. và đã có hai giả thuyết là :

1. dân Việt ở phía nam đã đến Đại Hàn qua ngả eo biển Shandong ....
2. Họ đã đến hai nước này trước khi những người văn hoá Khô đến được Bắc Đông Á ..
Trước sự giao lưu và kết hợp của văn hóa Ướt và Khô ... một nhóm "Ba rọi " ( nửa Ướt- nửa Khô )... đã hình thành ... nhóm người ( Hán ) mới này thiện chiến, và hung hãn vì đã có văn hóa Khô .. nhóm người này đã đi ngược trở lại và Bách Việt + Tầu Ướt bắt đầu bị chèn ép ... và từ đó hành trình lùi về phía nam bắt đầu ... đó là lý do tại sao các vùng miền Bắc và Tây Bắc Trung Hoa (Heilongjiang, inner mongolia, Hebei, Xanxi, Ningxia v.v..) có pha lẫn nhiều DNA " KHÔ " :) ...mà không có DNA "chuẩn Ướt " như Lưỡng Quảng, Fuzian, Jangxi, Zhejiang, Anhui, Korea ...


9. Kết Luận :

*** Tiếng nào là mẹ đẻ của tiếng kia - tiếng Việt hay tiếng Tầu ??? :D :D :D ***

- Nếu các ACE đã có đủ can đảm để đọc tới đây ... thì chắc không cần suy nghĩ nữa ... đã có thể tự trả lời câu hỏi trên .....

- Còn vấn đề dùng Hán tự để diễn tả âm Việt - cũng như hay dùng mẫu tự La tinh để diễn tả - hoặc dùng mấy con giun của tiếng Miên, Thái - hay mấy cái móc của chữ Ả rập để diễn tả tiếng Việt cũng không thành vấn đề ... đó chỉ là 1 quy ước trong cách viết mà thôi ....

- Cái quan trọng là " Tiếng Nói " chứ không phải là " Chữ Viết" ...

- Nên nhớ :Có Tiếng Nói rồi mới có Chữ Viết ....

- Những gì người Tầu " Ba Rọi " - viết Sách để nói về người khác thì chả bao giờ đúng sự thật - Kẻ Thắng kẻ Mạnh bao giờ cũng nói phần đúng, phần hay về mình ... Ai Họ cũng chê là Quỷ hết cả ... nào là Bạch quỷ , Hắc quỷ , ... Xích quỷ ( dân việt ở vùng Xích đạo ) ...

- Không nên tin vào sách Tầu - Những minh chứng trong Nhân chủng học , Khảo cổ học , Ngôn ngữ học và Di truyền học mới là những sự thật mà người ta không thể chối cãi được ...

- Mình có thể hỏi ngươc lại - Họ là ai nhỉ - nguồn gốc ở đâu ?? ... là con ai cháu ai đây ?? ...

- Ngoại trừ người Lưỡng quảng , họ không bao giờ chối bỏ nguồn gốc Việt ... Riêng người Hán - Thực ra người Hán cũng là con cháu người Việt có pha khoảng ~30% Trung á - người Hán có DNA gần Đông Nam Á (Việt) hơn người Trung Á ( Thổ , Nga, eskimo ) nhiều ....

- Người Hán đã chối bỏ nguồn gốc ƯỚT.. thì mình phải chửi những loại người này là gì nhỉ ??? :D

- Con cháu mà dám chửi tiền nhân là Xích quỷ ... thì những con người này đúng là không phải là con người ....

Để hiểu rõ thêm : Ai đẻ ra ai ??? - Văn hóa nào là Tổ của văn hóa nào ??? :D ... Ai là Tầu .. Ai là Hán thứ thiệt ... xin đọc bài viết Dieumi táI đăng dưới đây ...
1. VIỆT-NAM, TRUNG-TÂM NÔNG-NGHIỆP LÚA NƯỚC VÀ CÔNG-NGHIỆP ĐÁ, XƯA NHẤT THẾ-GIỚI (http://www.vietcyber.net/forums/showpost.php?p=844781&postcount=27)
2. NGUỒN GỐC NGƯỜI TẦU ... Các Bác Học Trung Quốc đã công nhận (http://www.vietcyber.net/forums/showpost.php?p=846505&postcount=57) ...
lost-dude
03-05-2004, 07:19 PM
Cám ơn DiệuMi :) LD dạo này hơi lost nên có comment về những bài viết đó sau. Chúc bạn một cuối tuần vui vẻ.
lost-dude
03-06-2004, 12:24 AM
LD đọc xong cái trang http://www.gio-o.com/NguyenHyVong1.html rồi. Còn NguyenHyVong2.html nữa. Trước hết, LD rất impressed với con đường mới mẻ của bác sĩ Vọng. Đúng vậy, từ trước đến giờ, nói đến ngôn ngữ học Việt Nam là nói đến hán-việt, chữ nôm và chữ nho. Bác Vọng, Dinh, Cao và một số ít người mới đi theo con đường khác. Nếu tìm ra nghĩa những tiếng mà từ trước giờ ta hay gọi là tiếng láy hay tiếng đệm thì ta sẽ làm cho tiếng Việt ta giàu mạnh lại mà không cần việc gì cũng nhìn lên anh Tàu.

LD rất hoan nghênh những ý kiến và đường lối mới ấy. Song, LD cũng xin bất đồng về một số điểm:

Etymology rất quang trọng trong Linguistics. Nhưng không thể vì thế mà bỏ đi Sociolinguistics. Tiếng nói là kết quả của con người, là cái "văn hóa" theo định nghĩa culture. Nó Việt-Việt, Hán-Việt, Thái-Việt, Nùng-Việt, Chàm-Việt, Pháp-Việt, Anh-Việt... gì cũng là cái văn hóa mà. Không phải tiếng nói của ta bị Hán hóa, mà con người ta cũng bị Hán hóa (khi dân số ta là 1,000,000 mà Tàu đem mấy chục ngàn quân qua ở thời Bắc thuộc, hậu Minh... - sự ảnh hưởng máu mũ không thể nào không có), văn hóa, các cái. Mỗi khi có va chạm là có ảnh hưởng, không luận tốt hay xấu. Và lâu ngày nó trở thành ta.

Chúng ta nên phản đối, vì nếu gọi là Việt mà phần đông không phải là Việt thì cũng chẳng nên gọi là Việt. "Tiếng Việt còn, người Việt còn"; nhưng nếu tiếng Việt ngoại lai thì người Việt cũng ngoại lai, và nước Việt sẽ bị ngoại trị. Ta phải biết "trả lại cho Caesar những gì thuộc về Caesar" thì ta mới tìm kiếm cái của ta mà phát minh nó thêm, bột lộ tiềm năng của nó... Vì đầu óc nô lệ nên ta óc sáng tạo ta rất lục. Nếu ta cứ làm việc ta hằng làm với phương cách ta hằng dùng thì ta sẽ cứ lãnh cái kết quả mà ta hằng lãnh. Việt Nam ngày nay trên cộng đồng quốc tế là gì? Những ai đang sống tại hải ngoại, đã bao lần bị ngộ nhận là "Chinese"? Ta cần phải đi một đường hướng mới, và đó là lý do ta phải thay đổi. Trong Kinh Tế, nếu ta bán mà không mua, mua mà không bán; thì sẽ không được. Cái vấn đề là ta phải bán bao nhiêu và mua bao nhiêu.

Ngôn ngữ là cái gì nó sống động. Như thân thể ta, lúc bé thì nó nhỏ, sau này nó lớn. Xương, da, tóc... nó cũng thay đổi. Cái gì dẽo dai thì mới sống lâu bền. Tiếng Tàu, tiếng Việt hay một tiếng nào khác cũng cần phải có từ ngữ mới. Cellular phone, Internet <-- mấy trăm năm trước đâu có mấy từ này trong tiếng Anh. Tiếng Anh cũng phải đưa thêm tiếng vào. Việc tiếng Tàu dùng những thứ tiếng khác thì cũng vậy thôi. Người Mỹ cũng dùng "chow" hoặc "kungfu" trong tiếng Anh đó mà. Nếu vậy, tại sao người Tàu không thể dùng "Gege-gela", tức Coca-cola? Tiếng nói dùng để biểu đạt tư tưởng, đó là mục đích chính của nó. Việc nói người Tàu dùng mấy ngàn cái symbols, abc không phải là symbols sao? Cái gì dùng làm ký âm cũng là symbol, khác là khác ở hình thể và công thức.

Như LD đã nói, tiếng miền Nam xưa hơn tiếng/giọng Bắc. Nhưng khác nhau đâu có nghĩa là xấu. Nói việc phát âm gi và tr làm tối nghĩa tiếng Việt, vậy cách phát âm cho dẳn, dẵn, dẳng, dẵng, dẩn, dẫn, dẩng, dẫng, giẳn, giẵn, giẳng, giẵng, giẩn, giẫn, giẩng, giẫng, vẳn, vẵn, vẳng, vẵng, vẩn, vẫn, vẩng, vẫng không làm tối nghĩa tiếng Việt mà làm tiếng Việt nghèo ra về âm tiết sao? Cái nào nó cũng có cái hay và các không hay của nó. Việc quan trọng là ta nên lừa lộc những cái tốt mà giữ lại vậy.

Việc tác giả chỉ trích cụ Trần Trọng Kim là một việc không khôn khéo cho lắm. Khi mà phát minh ra được những gì mới, các nhà khoa học không cho những khoa học gia thời trước là ngu, cứng đầu, nhìn một chiều... Thực ra, trước ông TTK, chúng ta không có một quyển sách văn phạm tiếng Việt nào cho người Việt cả. Thêm một phần nữa, tác giả dùng những từ ngữ thật khiếm nhã, nói nôm na hơn là "mạy dất". Bản thân tác giả cũng phần chính chỉ dùng âm ngữ học và nguồn gốc tiếng nói mà bỏ lơ những khía cạch khác của ngôn ngữ học. Khi bạn A biết bạn B rồi thỉ dù lớn dù nhỏ, bạn A sẽ là một con người khác trước khi quen biết B.

He needs to lower his pride and look at the matter from other angles as well. Beside those, he got good substances. :) Thanks for sharing, DieuMi.
TranQuocToan
03-06-2004, 12:37 AM
có một điều tôi thắc mắc là thí dụ một từ ngữ nào đó tiếng Tàu có mà tiếng Việt cũng có thì ai ai cũng cho đó là người Việt chúng ta vay mượn từ Tàu mà ra cả; điển hình là chữ "Nam" (south)
lost-dude
03-06-2004, 12:53 AM
Tiếng "mãi" là tiếng Tàu lẫn tiếng Việt. Mãi-miết là tiếng Việt; thương-mãi (shuongmai) là Hán-Việt. Ba-quân và ba, bốn, năm, sáu... <-- hai chữ ba khác nhau. Cũng có nhiều trường hợp như vầy. Nhưng chữ Nam như trong Việt-Nam là từ tiếng Tàu. Đông, tây, nam, bắc là nan, xi, dong, bei, chẳng hạn. Có nhiều tiếng Tàu mà ta dùng rất lâu rồi khó nhận ra gốc Tàu của nó. Chẳng hạn như chữ "đầu, cao, số, học..."

Nếu nói tầm quan trọng của tiếng Hán-Việt rất nhỏ, ta thử loại bỏ tất cả những tiếng HV trong tiếng Việt thì tiếng Việt mình sẽ bị dysfunctional.

Đề: "Quê Hương Từ Thành Đến Tỉnh" = Thành: "ừ Đến".
Dieumi
03-08-2004, 11:27 AM
Để yểm trợ cho "out of Africa theory" Dieumi xin tải đăng bài của Bà Nguyễn thị Thanh, M.D. , Ph.D

Bài nghiên cứu này đã chứng minh :

1. Việt nam có văn hoá Uớt lâu đời NHẤT thế giới .
2. Văn Hóa Trung Hoa và Con Đẻ của văn Hóa Việt Nam .
3. Văn Hóa Việt nam là Văn Hóa của CẢ nhân loại .
4. Nhiều sách vở của Trung Hoa viết sai về VN (nhất là các sách cận đại)
5. Nhiều người Hán hay nhận vơ văn hóa của Việt Nam là của Họ - đã bị khảo cổ học phanh phui sự thật .
6. Nhiều người mang tiếng là Hán nhưng DNA gần Việt hơn là Mông Cổ .
7. 12 địa chi ... là do người Việt làm ra ... chớ không phải là người Hán ..
8. Viêm Đế , Thần nông , Nữ Oa ... là người Việt chứ không phải người Hán ..:D ..
9. ... còn nhiều điều lý thú và bổ ích nữa ... xin ráng đọc sẽ tự thấy ...

======================================================
Nghiên Cứu Văn-Hóa Tiền Sử
VIỆT-NAM, TRUNG-TÂM NÔNG-NGHIỆP LÚA NƯỚC
VÀ CÔNG-NGHIỆP ĐÁ, XƯA NHẤT THẾ-GIỚI

BS tiến sĩ Nguyển Thị Thanh

Lời xác-minh của tác giả : Những ý kiến trong bài nghiên cứu sau đây hoàn toàn khách quan dựa trên những tài liệu lịch sử và khảo cổ Việt Nam, Trung-hoa, Pháp, Hoa-kỳ và Liên-xôø. Chúng tôi không hề đưa ra một sự kiện lịch sử chủ quan nào có thể làm hại đến uy danh văn hóa của một quốc gia nào khác. Chúng tôi chỉ vì sự thât của lịch sử dân tộc và nhân loại . Nếu có điều gì bất như ý đối vơi cá nhân hay quốc-gia nào, kính mong rằng quý vị học giả các nước liên quan đến bài nầy thông cảm cho, chúng tôi xin đa tạ.

Trong Việt Nam Sử-lược, sử gia Trần Trọng Kim đã viết: "Tích Quang và Nhâm Diên sang làm thái thú tại Giao-Chỉ và Cửu-chân (2 quận lớn trong 9 quận của Việt Nam cổ), dạy dân điều lễ nghĩa, cưới vợ hỏi chồng, dùng cày bừa mà cày cấy ruộng, vì trước đó dân Giao Chỉ chỉ biết săn bắn và chài lưới....". Sử gia Đào Duy Anh cũng viết "Nó (Trung Hoa) làm thầy khai hóa cho ta và các dân tộc Á Đông khác."

Sách vở của các vị sử gia trên đã dạy dân học suốt bao thế kỷ. Người Việt Nam cứ cong lưng theo thế mà học về lịch sử nước nhà. Có lẽ hai ông sử gia trên đã dựa một cách tiêu cực vào sử Trung Hoa mà không cố tình suy luận và phán đoán về sử liệu nước nhà (một gương sáng mà chúng ta cần lưu ý : Triều-Tiên và Trung-Hoa phản kháng 35 điểm viết sai trong lịch sử giáo khoa Nhật-Bản hiện nay).

Mặc dầu rằng 2 ông sử gia nói trên đã có công viết nên lịch sử nước nhà để dạy dân. Nhưng không hiểu vì sao 2 ông không hề quan tâm nghiên cứu tệ lắm là những gì quí báu ghi chép trong những bộ sữ nước ta vào thế kỷ 13 là bộ Đại-Việt Sử - Ký do 2 sử gia Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên biên soạn dưới thời nhà Trần; và bộ Sử-Ký Toàn-Thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn dưới thời nhà Lê, cùng nghiên cứu các sách vở khác của Trung-Hoa.

Trước thế kỷ 13 là thời kỳ độc lập lâu dài, chắc hẳn chúng ta đã có nhiều tài liệu lịch sử cũng như luật pháp và văn chương. Bằng chứng là Mã Viện đã tâu với vua Quang Võ nhà Đông Hán là luật của Trưng Vương có 10 điều khác với luật Tàu cần hủy bỏ để trói buộc họ (xem hình chụp lời của Mã Viện sau). Sở dĩ ngày nay chúng ta không còn một dấu tích gì về các bộ luật cổ, sử điïacổ, văn chương cổ mà điển hình là luật đời Trưng Vương vì Tàu đã tiêu tiêu hủy hay cướp đem về Tàu tất cả. Một trường hợp cụ thể khác mà GS Lê Hữu Mục vừ cho biết là Trung hoa đã cho xuất bản một quyển sách mà tác giả là Lê Quý Đôn (đây là một trường hợp hi hữu đáng khen vì tuy sách bị cướp nhưng tên tác giả còn được giữ)ù. Như vậy biết bao là tài liệu về lịch sử văn chương v.v. của tổ tiên chúng ta đã bị cướp phá và tiêu hủy.

Tưỡng cũng hữu ích ở đây khi trở lại thời tiền sử Trung-Hoa và Việt Nam. Sử Trung-hoa chép, khoảng 3000 năm trước T-C, dân du mục Mông-Cổ vượt sông Hoàng-Hà đánh chiếm nước Bách Việt từ sông Hoàng Hà đến sông Dương-Tử của Đế-Lai. Đế Lai xưng là thiên tử làm vua phương Bắc, là con Đế Nghi, cháu nội Đế Minh. Đế-Minh là cháu 3 đời của vua Đế-Viêm tức Thần Nông. Đế Minh đi ngao du đến núi Ngũ Lĩnh (tỉnh Vân Nam ngày nay) gặp một tiên nữ (người tài giỏi và rất đẹp nên được người đời ấy tặng biệt hiệu là tiên nữ), đẻ ra Lộc Tục. Đế Minh cho Lộc Tục làm vua phương Nam từ Dương-Tử-Giang đến tận Việt-Thường. Lộc-Tục làm vua Bách Việt phương nam đặt tên nước là Xích-Quỉ, xưng hiệu là Kinh-Dương-Vương lấy nàng Long-Nữ con Động Đình-Quân đẻ ra Sùng-Lãm tức Lạc-Long-Quân (như vậy là Lạc-Long-Quân là con Nữ-Rồng và cháu nội của Nữ-Tiên: do đó mà chúng ta được gọi là con Rồng cháu Tiên).


Lạc-Long-Quân nối nghiệp Kinh Dương Vương làm vua phía Nam sông Dương tử. Đế Lai đem con gái Âu-Cơ gả cho Lạc Long-Quân. Sau đó Đế-Lai cùng em họ là Lạc Long-Quân lập liên minh Xích Quỉ đánh nhau với du mục Mông Cổ tại Trác-Lộc trên sông Hoàng-Hà(3.000 tr. T-C). Mông cổ thắng trở thành Hán tộc. Người Hán rất ghét thủ lảnh Liên Minh Xích Quỉ là Đế Lai nên gọi ngài là Xi-bưu (xấu xí láo lếu). Đế Lai tử trận, Lạc-Long-Quân có thể đã chết trong trận Trác-Lộc, hoặc còn sống thì đem một số con cái tướng tá và tàn quân chạy ra biển tản mác khắp nơi trên Thái-bình-Dương. Mông Cổ chiếm bình nguyên Hoàng-Hà xưng là Hoàng-Đế lập nên Trung-Quốc và cũng bắt chước Đế Lai xưng là Thiên tử. Một số thị tộc Bách Việt mà Hán Mông cổ gọi là man di, ở lại sống chung rãi rác khắp nơi.

Vợ Lạc Long Quân là nàng Âu Cơ, con gái Đế Lai kéo quân qua sông Dương-Tử, trở lại chốn rừng núi phía nam tức là nước Xích Quỉ, chia các con cai trị sinh ra 18 dòng họ Hùng-vương. Cho tới Bắc thuộc lần thứ I, biên giới nước ta kéo dài từ Động Đình Hồ trở xuống đến Việt Thường (Trung Việt ngày nay).

Nếu so sánh giữa hai sắc dân, Mông Cổ du mục và Bách Việt nông nghiệp sống định cư thì chúng ta dễ hiểu rằng nguồn gốc nông nghiệp của Tàu là do dân Miêu tộc (tên người Hán gọi Bách Việt). Dân Bách Việt vốn đã có nghề nông từ lâu đời trước khi Mông-Cổ đến. Vả lại các vị Thần nông, Phục-hi, Nữ-Oa vv. là tổ tiên của Bách Việt đã chết lâu đời trước trận Trác-Lộc. Vậy nên Hán tộc gốc Mông Cổ hoàn toàn không liên can gì đến sự nghiệp nhà nông của các Vị nói trên. Và dân Bách Việt cũng đã thạo thành về nông nghiệp lâu đời từ trước khi mông Cổ đến. Chúng ta thữ chứng minh nhận xét hoàn toàn hợp lý trên đây.

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rõ nét rằng Việt Nam có nguồn gốc Bách Việt và luôn tự xưng là Bách-Việt, mà là Bách Việt thuộc thành phần chính thống, trung kiên, bất khuất, lãnh đạo. Lúc bị dân du mục Mông Cổ đánh bại tại Trác-Lộc, Lạc-Long-Quân là vua nước Xích -Quỉ bị tử trận hay chạy ra biển nhưng nước Xích-Quỉ được bà Âu-Cơ giữ gìn nguyên vẹn. Một số người Bách-Việt phương Bắc ra đi đến nước Xích Quỉ phải là tầng lớp lãnh đạo Bách Việt. Kẻ ở lại bị coi là dân man di nô lệ, chung sống với dân Mông Cổ mà thành dân Trung-hoa ngày nay ( nhiều người tự xưng là Hán ... nhưng thực ra xét về DNA thì họ là gốc Bách Việt :D ) ...

Nói như thế chỉ để chứng minh rằng nền văn minh nông nghiệp của dân Bách Việt không phải do du mục Mông Cổ khai sáng. Đó là tàng tích Bách Việt hoàn toàn. Nếu phải nói một cách công bằng thì văn minh nông nghiệp Bách Việt là tài sản chung của toàn thể Bách Việt mà Việt Nam là chủ yếu. Trung-Hoa có nông nghiệp từ thời tiền sử là nhờ vào dân Miêu tộc (tức Bách Việt ở lại chung sống). Vậy cả hai dân tộc Trung-hoa gốc man di Bách-Việt và Việt Nam gốc Bách Việt chính thống đều là dân đã làm nên nền nông nghiệp từ rất nhiều thiên niên kỷ trước khi Mông Cổ đến xâm lăng đất đai.

Người Hán gốc Mông Cổ cai trị Trung-hoa lâu đời, và đô hộ Việt Nam non 1000 năm, nên lòng người man di Trung-hoa gốc Bách Việt cũng như lòng người Việt Nam dần lãng quên gốc gác của mình mà tưởng rằng văn minh nông nghiệp là do Tàu Mông cổ (Hán) khai hóa ?! Đối với dân tộc Trung-quốc thời bấy giờ, người Hán có nguồn gốc Mông Cổ là lớp quí tộc chủ nhân, lớp lãnh đạo quyền uy giàu có. Miêu tộc tuy đông, làm nghề nông bị liệt vào hàng bần cùng, nô lệ, bị coi là man di.

Trở lại Việt sử, trong 2 bộ sử xưa của Việt Nam là bộ Đại Việt Sử Ký do 2 sử gia Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên biên soạn dưới thời nhà Trần, và bộ Sử Ký Toàn Thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn dưới thời nhà Lê đã ghi: "Trước họ Hồng Bàng (Kinh Dương vương) còn nhiều đời vua nhưng không kể đến..(đó là các vua Phục-Hy, Đế Viêm, Đế Minh, Đế Nghi vv.", và rằng " ...từ họ Hồng-Bàng (2879 tr. TC) dân ta cầy cấy mà ăn, đào giếng mà uống..." rằng "Vua Kinh Dương Vương nối nghiệp con cháu Thần nông, lấy con gái vua Động Đình, tỏ rõ đạo vợ chồng, nắm ngay gốc văn hóa, lấy đức mà cảm hóa dân...đó chẵng phải là phong tục thái cổ từ Viêm Đế ư ?."

Có lẽ Trần Trọng Kim và Đào Duy Anh cho là tưỡng tượng nên không tin vào đoạn sữ nầy. Trong lúc đó sữ gia Trần Trọng Kim viết, họ Hồng Bàng có vua Kinh Dương Vương (2879-258) là dòng dỏi Vua Thần Nông có quốc hiệu là Xích Quỉ, có con là Lạc-Long-Quân nối ngôi ( 2.804 năm tr. TC). Đã gọi là con cháu vua Thần nông thì tại sao không rành về nghề nông mà phải đi nhờ dân gốc Mông Cổ dạy ? !

Như thế, rõ ràng 2 sữ gia Trần Trọng Kim và Đào duy Anh chỉ biết dựa trên sử của một quốc gia đã xâm lăng nước ta lâu đời và luôn có khuynh hướng chiếm, phá hoại hay xuyên tạc văn hóa tiền sữ và lịch sữ của dân tộc Bách việt. Tuy nhiên nhờ vào di vật của tổ tiên còn để lại trong lòng đất, các học giả khảo cổ học ngoại quốc và Việt Nam đã chứng minh cho chúng ta và thế giới ngày càng thấy rõ sự thật, rằng chính dân Bách Việt nông nghiệp Bắc Việt đã ảnh hưỡng giáo dục lễ nghĩa, nông nghiệp và công nghiệp cho khắp lục địa Nam-Á trước khi Mông Cổ tới nhiều nghìn năm (sẽ chứng minh rõ sự kiện nầy)

Đối với Bách-Việt thì ta có thể nói rằng khi dân du mục Mông cổ đánh liên minh Xích-Quỉ của Đế Lai - Lạc Long Quân mà chiếm bình nguyên sông Hoàng Hà có thể coi đó là Bắc xâm lược lần thứ I (3000 năm tr.TC). Lúc Tần Thủy Hoàng chiếm nước Việt Âu Lạc của Thục An dương vương là Bắc thuộc lần thứ II (246-206 tr TC). Lúc nhà Hán dứt nước Nam-Việt của họ Triệu là Bắc thuộc lần thứ III. Nhà Đông Hán đô hộ nước Lĩnh-Nam của Trưng-Vương là Bắc thuộc lần thứ IV. Những tài liệu nầy, kể cả tên nước Xích Quỉ cũng đều được nêu ra trong tài liệu viết sữ của các sữ gia nói trên, riêng về ranh giới thì lại càng rất đúng. "Tích Quang và Nhâm Diên sang làm thái thú tại Giao-Chỉ và Cửu-chân (2 quận lớn nhất được coi là kinh đô của Việt Nam cổ), dạy dân điều lễ nghĩa, cưới vợ hỏi chồng, dùng cày bừa mà cày cấy ruộng.....". Qua những tài liệu trên làm sao tin được sự kiện lịch sữ nầy chứ ? . Chúng ta hãy nghe những câu nói của Đức Khổng Tử sau đây. Khi một môn đồ suôi Nam đến đất Việt, xin Đức Khổng Tử chỉ dạy, ngài nói "...người Bách Việt miền nam (phía nam Dương Tử Giang) có lối sống, tiếng nói, luật lệ, phong tục, tập quán, thức ăn uống riêng...", ... "...dân Bách-Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn chứ không như chúng ta trồng kê và lúa mì. Họ uống nước bằng lá cây hái trong rừng gọi là trà."

Một lần khác Đức Khổng Tử xác nhận : "Những đạo lý (ngài) viết ra điều là những điều đã có sẵn trong dân gian (dân chúng gốc Bách-Việt) ". Chính những đạo lý đó Mông Cổ hoàn toàn không có vì với Mông-Cổ chỉ có đạo lý của sức mạnh. Vì thế Đức Khổng Tử mới lấy đạo lý từ dân gian, viết ra để dạy cho vua quan là giòng giõi Hán tộc Mông Cổ. Đức Khổng Tử còn nói rằng : "Dân Bách Việt rất thích ca múa, vừa làm việc vừa ca vè, hát đối, nói vận (vè, thơ, ca dao), lấy lá cây mang vào người, trá hình múa hát..." . Và Đức Khổng tử cho rằng: "xướng ca vô loại, chẵng nên ca múa như dân Nam Man". Nên trong thời gian đô hộ quan Tàu cấm dân ta múa hát trong những ngày lễ lạc. Nhưng hát-bội hay hát-bộ (vừa hát vừa làm bộ điệu) gốc Bách Việt mà Tàu rất thích nên họ phát triển hát bộ (sau nầy lại truyền qua cho Việt Nam phương thức hát bộ mới, được chế biến thêm. Miền Nam Việt Nam lại cải biến thêm thành Cải Lương, Tàu lại chế biến thành cãi lương Hồ-Quảng).


Sách Hậu Hán Thư quyển 14 viết lại "Dân Giao-chỉ (thủ đô của Bách Việt phương nam) biết nhiều thủ công nghiệp, luyện đúc đồng và sắt vv..". Sách Cổ Kim Đồ Thư, Thảo Mộc Điếm của Trung-hoa chép: "Mã viện tâu vua Tàu, Giao-chỉ ép mía làm đường phèn: Giao chỉ có thứ cây mía ngọt, đem ép lấy nước rồi làm đường phèn.". "Giao chỉ làm giấy mật hương: giấy mật hương làm bằng lá và vỏ cây mật hương trồng ở Giao-chỉ, giấy mềm, giai và thơm, ngâm nước không bở không nát".

Vậy mà trong quyễn ART DE LA CHINE của ông Jean Buhot "Les Eùditions du Chène, Paris" xuất bản tháng Tư năm 1951, tác giả đã viết "Le papier ayant inventé par la Chine dès la dynastie de Hán probablement, on peut croire qu'il connaissent depuis la même époque deux procédés : l'estampage et l'impression. " ..."Giấy đã được Tàu phát minh ra từ thời nhà Hán, chắc như vậy, và người ta có thể tin rằng cũng vào thời ấy người Tàu đã biết 2 kỹ thuật : rập khuôn bằng tay và in ấn ..". Xem như vậy thì thấy những sự hiểu biết của người Âu Châu về Trung-Hoa và Việt Nam lệch lạc và bất công biết bao nhiêu.

Các sách cổ khác của Trung quốc như Giao-Châu Ký, Tam Đô Phủ, Ngô Lục Địa Lý Chí, Nam Phương Thảo Mộc Trạng vv. đều chép đại lượt rằng : "Dân Lạc Việt trồng lúa mà ăn, dùng lá trà mà uống..." ;... "...họ biết uống nước bằng lổ mũi ...";... "...nuôi tằm mà dệt vải..."; "...dùng đất sét đào sâu trong đất, thái mỏng phơi khô làm thức ăn quí, dùng làm quà quí để đi hỏi vợ...";... "...dùng đá màu làm men gốm...";. ".dùng mu rùa mà bói việc tương lai.";. ".họ dùng một khúc tre dài chừng 1 thước hơn,một dầu có trụ cao làm tay cầm, có giây buộc vào tru ïnối lại đằng kia mà làm đàn gọi là độc huyền cầm.".... "...họ đem tính tình các con vật mà so sánh với người, rồi họ truyền tụng rằng ngày thứ nhất trời sinh con chuột, ngày thứ hai sinh con trâu, ngày thứ ba trời sinh con cọp ...(chuyện thần thoại của người Dao : gốc tích của 12 con địa chi của tử vi ngày nay)". "Họ biết tìm hiểu các thức ăn nóng mát (tức thuyết âm dương) để trị bệnh, dùng kim đâm vào da thịt lấy máu để trị bệnh (lễ giác bầu), lấy đá hơ nóng áp vào da thịt để trị bệnh...."; ... ". Họ rất quí các loài chim, biết tập chim biết nói, ... họ có nuôi nhiều chim trĩ sống trên núi rất đẹp (mà sau nầy Tàu gọi là phụng hoàng)". Sử Tàu kể rằng vào thời nhà Châu bên Tàu dân Bách Việt quận Việt Thướng đem tặng vua nhà Châu cặp chim trĩ, sau đó nhờ Tàu dùng xe chỉ nam của Mông Cổ chỉ đường về.

Những ghi chép thường có tính cách kỳ thị là man di. Nhưng những chuyện huyền thoại cổ Man Di như chuyện ông Bàng Cổ gốc người Dao (xem Bàn Cổ của Nguyễn Văn Diễn), chuyện bà Nữ Oa biết "đội đá vá trời" tức có kinh nghiệm về thời tiết mưa gió, dạy dân theo thời tiết mà trồng trọt, Thần Nông dạy dân làm ruộng, Viêm đế (vua xứ nóng Bách Việt) thì dân Mông Cổ chiếm lấy làm của riêng. Thật ra lúc đầu người Hán không quan tâm những câu chuyện có vẻ hoang đường của dân Bách-Việt. Nhưng khi họ hiểu ý nghĩa triết lý sâu xa của những câu chuyện hoang đường về các Vị, thì họ chép ngay câu chuyện và nhận ngay các Vị có gốc Bách Việt ấy làm tổ tiên của họ. Họ cũng có lý một phần, vì dân Miêu tộc Trung-hoa là hậu duệ các Vị. Nhưng họ phải hiểu rằng dân Việt Nam mới là con cháu đính thị của các Vị.

Tuy người Tàu vẫn biết tổ tiên của người Hán có nguồn gốc Mông-Cổ có con vật tổ là cọp trắng, với nhà truyền thống cổ là nhà gốc du mục hình tròn. (Les premières civilisations LA CHINE ANCIENNE, trang 28-29, của ông William Watson xuất bản năm 1969 tại Grande Bretagne) (xem hình của Bs Thanh vẻ lại dựa theo hình nhà khảo cổ của ông William Watson). Trong lúc đó nhà cổ của Bách Việt là nhà sàn hình chữ nhật làm bằng tranh và tre cong cho chắc chắn, dần dà sinh ra mái cong. (xem hình vẻ của Bs Nguyễn Thị Thanh, phỏng theo loại nhà minh khí {nhà chôn theo người chết} bằng đất nung thời Hùng Vương tìm thấy trong văn hóa Đông-Sơn 2.000 ans tr T-C). Ngày nay thế giới và cả người Việt Nam cũng đều lầm tưỡng rằng con rồng (chỉ là hiện thân của con cá sấu) con chim phụng (là hiện thân của loài chim trĩ) vật tổ của Trung-Hoa, và mái nhà cong là văn hóa cổ truyền của họ luôn. Chẵng qua đó là hiểu lầm. Ngày nay nhờ khảo cổ học mới có thế chứng minh được sự thật - đó là của Việt Nam .

Dầu sao thì cũng nhờ vào ảnh hưởng Bách Việt mà Trung quốc phát triển về mọi mặt văn hóa sau này và cả Nhật-bãn và Đại-Hàn cũng nhờ vào ảnh hưỡng Bách-Việt qua Trung-Hoa. Trong lúc đó thế giới đặt biệt là người Pháp cứ cho là Việt Nam bắt chước Tàu (trong quyễn LES POTERIES ET PORCELAINES CHINOISES tác giả là bà Daisy LION-GOLDSCHMIDT đã cho rằng Annam bắt chước gốm Hoa-lam của Tàu (trang 4), trong khi chính Việt Nam có gốm trước Tàu và thợ gốm giỏi Việt bi Tàu bắt về tất hết cả, và gốm hoa lam Việt có trước Tàu và hoàn toàn khác Tàu), và ngay cả dân Việt Nam cũng lầm lẫn và lẩm cẩm cho rằng văn hóa Việt Nam nhờ ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa.

Tệ lậu hơn nữa, hiện nay có nhiều nhà khoa bảng Việt Nam còn không biết văn hóa là gì, còn cho là dân mình không có văn hóa nữa kia, hoặc có chăng chỉ là cái "búi tó trên đầu" (bài "Bảo tồn Văn-hóa" ?! của nhà đại khoa bảng bác-sĩ giáo-sư Đại-học danh tiếng Mỹ kiêm nhà văn Vũ Đình-Minh biệt hiệu là Mai-Kim-Ngọc đăng trên nhiều báo đặc biệt là báo Y-giới: bài viết có tính cách mỉa mai Việt Nam không có văn hóa gì để mà bảo tồn hết trơn hết trọi, hoặc giả có chăng chỉ có cái "búi tó" của ông nội nhà khoa bảng MKN). Trở lại nông nghiệp của dân Bách Việt. Làm ruộng cần công cụ. Nền nông nghiệp sinh công nghiệp. Công nghiệp sản xuất côïng cụ cho thợ đá, kỹ nghệ đá, cho thợ đồng, kỹ nghệ đồng và các thứ tiểu công nghiệp khác như nghề nuôi tằm dệt vải, làm đồ gốm của nước ta từ trước thời các vua Hùng cho đến thời Bắc thuộc lần đầu tiên (111 tr TC)õ đã phát triển xa hơn Tàu và không hề nhờ phương bắc giáo huấn.

Trái lại các thợ giỏi và kỷ thuật cao của nước ta bị sức mạnh cướp lấy để phát triển, dành lấy làm văn hóa của mình. Dân việt cổ bị cấm tuyệt mọi sinh hoạt kỹ nghệ bản địa công khai. Vì vậy những nền văn hóa thời tiền và sơ sử Việt Nam bị ngưng hẵn từ thời Bắc thuộc lần đầu. Thế giới cũng hiểu rằng Trung Quốc đã ngăn chặn những nền văn minh tiền sử Việt Nam và đã xung phong vào để tiếp nối những nền văn minh tiền sử đó (sẽ có bằng chứng rõ về sau).

Từ trước đến nay chúng ta chưa khẳng định được những điều nói trên mà phải chờ di vật cổ tổ tiên để lại trong lòng đất mới có đủ luận cứ thuyết phục cho chính chúng ta và thế giới. Khảo Cổ học đã nói lên cho chúng ta biết rất nhiều điều bí ẩn mà ngoại quốc đã hiểu lầm hoặc che dấu và xuyên tạc. Nhờ vậy ngày nay rất nhiều học giả Trung-hoa đã công nhận sự thật về nguồn gốc Bách Việt trong văn hóa Tàu.

Từ khi người Pháp qua cai trị nước ta, họ chiếm độc quyền về khoa Khảo-cổ. Từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khảo cổ học đã tìm ra ở trên đất nước chúng ta hiện tại, đặc biệt là từ miền Bắc vào Miền Trung từ xưa là đất cổ Việt Thường. Cho đến nay người ta đã tìm thấy rất nhiều nền văn minh tiền sử Việt Nam cổ liên tục nối đuôi nhau trên đất Bắc và Trung Việt. Thường khi tìm được di chỉ văn hoá ở đâu đầu tiên người ta lấy tên địa phương mà đặt cho nền văn hóa đó. Văn hoá Việt cổ xưa nhất còn gặp nhiều di vật cách đây từ 30.000 năm trở lại được tìm thấy ở núi Đọ, thôn Sơn-vi tỉnh Vĩnh Phú được đặt tên là văn hóa Sơn-vi hay Tiền Hòa Bình. Nền văn hóa nầy được tìm thấy rải rác khắp miền Bắc và Trung Việt. Tuy việc tìm kiếm là ngẫu nhiên, nhưng nhờ vào sự giàu thịnh nên người ta đã tìm thấy rất nhiều nền văn hóa có tính cách liên tục nối tiếp nhau từ văn hoá Sơn-Vi (30.000 năm tr, TC) qua Hoà Bình (16.000 - 7.000 tr TC) đến Bắc Sơn rực rở, Quỳnh Văn, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Hoa lạc vv.. dần dần đến văn hóa Đông Sơn huy hoàng có niên đại từ 800 năm đến 111 năm trước TC là thời gian bị Bắc thuộc lần đầu. Rồi từ 111 trước TC văn hóa nước ta ngưng hẳn chìm lỉm, vì sao ? Hỏi tức nhiên là đã trã lời. Dư âm của các nền văn hóa trên còn âm thầm kéo dài thêm vài thế kỷ sau Bắc thuộc rồi bị Tàu thôn tính và ẳm đi luôn.

Trong những nền văn hoá tiền sử nước ta khi nói đến văn hóa Hòa Bình (di chỉ tìm thấy ở tỉnh Hòa-bình Bắc-Việt) thì từ lâu giới khảo cổ học và trí thức thế giới đều biết rằng đó là một trung tâm nông nghiệp và công nghiệp đá xưa nhất thế giới. Nhưng vì sao dân tộc ta như các sử gia Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh cứ luôn cho mình là dân man di, được Hán khai sáng, dạy cho cưới vợ hỏi chồng, dạy cho nông nghiệp.... Suốt 1000 năm cai trị, Hán lấy tài nguyên sản vật quí, và bắt thợ giỏi, gái đẹp cùng ngăn cấm dân truyền tụng văn hoá cổ, ngăn cấm dân ta phát triển kinh tế, và đập phá tất cả mọi công trình công nghiệp điển hình là gốm, lò luyện kim, lò đúc đồng trống đồng, đúc sắt.

Dân Việt sợ, ai có đồ gốm và đồ đồng, trống đồng thì đem chôn dấu. May thay khảo cổ học đã lấy lên từ lòng đất những sự thật về văn hóa tiền sử và lịch sử nước nhà. Nghiên cứu tài liệu khảo cổ, đối chiếu với tài liệu sử học là việc làm có bằng chứng khoa-học vững vàng giúp chúng ta tìm hiểu nguồn gốc văn hóa dân tộc. Lịch sử văn hóa mỹ thuật dân tộc Việt-Nam cần được soi tỏ dưới ánh sáng khoa học một cách công-minh. Khác với lịch sử, sử gia có thẩm quyền ghi chép nhiều ít theo ý mình những sự việc xẩy ra, văn-hoá mỹ thuật lịch-sử cần những sự thật cụ thể được chứng-minh bằng khoa-học. Lịch-sử phụ thuộc sử gia, trong lúc văn-hoá mỹ thuật lịch-sử là công trình của tiền nhân để lại một cách đích thực, hiển nghiên, không thể chối cãi hay làm méo mó sự thật được.

Văn hóa mỹ thuật lịch sử giúp tìm hiểu con người, hoàn cảnh, nghệ thuật, trình độ tiến hóa, sinh hoạt gia đình làng xã. Thế cho nên văn hoá mỹ thuật là một khoa học lịch sử tuy khó khăn nhưng vô cùng quí báu lý thú. Những cổ vật là vô tri, nhưng qua đó chúng ta có thể tìm hiểu được cách sống, tư tưởng , cá tính, tinh thần tập thể, tình cảm, hoài bão và tư tưỡng triết thuyết trong cuộc sống vật chất và tinh thần của tiền nhân. Vì vậy có thể nào chấp nhận lịch sử văn-hóa nước nhà qua hành động và lời lẻ khinh bạc, dìm dập, xuyên-tạc của thực-dân ngoại lai Tây và tay sai trong nước của họ.

Trở lại các thị tộc du mục Mông Cổ, thủy tổ nhà Hán vượt sông Hoàng Hà đến chiếm dần dà trung nguyên bao la rộng lớn mà lập nên nước Tàu vĩ đại. Nghề nông là do dân Bách Việt làm từ lâu đời trước khi Mông Cổ đến chiếm, họ tiếp tục làm. Vị tù trưởng Mông Cổ lên ngôi đầu tiên xưng là Hoàng đế và biến dân Bách Việt thành nô lệ chỉ được quyền làm nghề nông hay làm lính.

Như vậy khi đến chiếm lục địa trung nguyên dân Mông Cổ được thừa hưởng tài sản nông nghiệp của bao nhiêu đời Bách Việt truyền lại. Tuy vậy xưa kia Hán tộc Mông Cổ rất kỳ thị, khinh miệt và đối xử tàn ác với Miêu tộc Trung-hoa, do đó mới sinh ra chế độ nô lệ. Dân nô lệ Bách Việt thường chỉ được sống với nghề bản xứ, trồng trọt, đánh cá hay đánh giặc. Dân Hán là dân nắm chính quyền vẩn còn nhớ, yêu thích nghề du mục xưa, nên lấy sự săn bắn làm một thú tiêu khiển cho hàng vương giả. Sau trận Trác-Lộc, lớp Bách Việt thuộc hàng lãnh đạo bỏ chạy về phương Nam là vùng đất cực nam của Bách Việt lập nên nước Việt cổ. Cũng lại bị nhà Hán đến đô hộ, và sự đô hộ kéo dài ngót 1.000 năm. Nhà Hán vừa chiếm Việt cổ họ thi hành ngay chính sách thực dân, thâu nạp không những của cải vật chất, mà họ còn rất chú trọng đến tài nguyên trí tuệ. Nhà Hán đã chiếm văn hóa tiền và sơ sử của Bách Việt trên lục địa Trung Hoa từ trước.

 Nay lại chiếm luôn cả văn hóa sơ sử Việt Nam của nước Lĩnh-Nam của Trưng Trắc từ Động Đình Hồ trở xuống Miền Bắc và Miền Trung Việt Nam cổ. Họ có thâm ý làm cho người Trung-hoa và người Việt cổ quên hẳn quá khứ của giống nòi hầu dễ dàng buộc họ đồng hóa và chấp nhận rằng chính nhà Hán Mông-cổ khai hóa ra Bách Việt. Người Trung-quốc đã được sinh ra từ Mông-cổ đồng hóa với Bách-Việt. Và nhà Nguyên Mông-cổ và nhà Thanh Mãn-Châu sau nầy lại bị Trung-hoa đồng hóa lần nữa. Như vậy Mông cổ và Mãn Thanh đã bị man di Miêu tộc Bách việt đồng hóa thành Trung-hoa. Người Tàu Mông cổ vốn có vật tổ là cọp trắng, và nhà cổ là nhà hình tròn gốc du mục nhưng khi họ thấy vật tổ Bách Việt rồng phụng, và nhà cổ Bách Việt mái cong, có vẻ đẹp tao nhả mỹ thuật, nên họ đã chiếm ngay văn hoá nhà cổ và rộng phụng Bách Việt làm của họ và người mình không hề dám hé môi hay trăn trối với con cháu.


Gần đây đào được trống đồng ở Vân-Nam, khảo cổ gia Tàu cũng tuyên bố ầm ỷ là trống đồng do Mã Viện và Gia Cát Lượng sãn xuất !. Sao họ có thể quên Hậu Hán Thư (sách của Họ) quyển 14 ghi rõ: "Dân Giao-Chỉ có linh vật là trống đồng, nghe đánh lên họ rất hăng lúc lâm trận....". Chính vua Quang Võ nhà Đông Hán đã ra lệnh cho Mã Viện phải phá hủy trống đồng Bách Việt. Vì thế trên đất Hoa Nam hiện tại là đất Việt cổ tìm thấy trống đồng là việc đương nhiên. Hậu Hán Thư quyển 14 chép: "Mã Viện là người thích cưởi ngựa giỏi, biết phân biệt ngựa tốt. Lúc ở Giao-chỉ Viện lấy được trống đồng đem đúc ngựa..." (xem hình chụp Hậu Hán Thư)

Mã Viện cũng đã phá trống đồng để đúc cột đồng trụ để chiếm cho chắc ăn phần đất từ Động Đình Hồ trở xuống của nước Lĩnh-Nam. Và vì sợ dân Giao Chỉ lấy cột đồng đúc trống và phá hủy biên giới do Mã Viện đề ra, nên Mã Viện ghi "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" để dọa dân việt cổ. Nhưng rồi chắc là dân ta cũng đã lén lấy đồng trụ để đúc trống vì thiếu đồng, nên đồng trụ biến mất. Ngoài ra, vì cần đồng để đúc trống nên thường đem vàng bạc ngọc ngà hạt trai, sãn phẩm quí đồi lấy tiền đồng của người Hoa cổ. Trước đó chính bà Lữ Hậu vợ vua Thái Tổ nhà Hán là Lưu Bang đã ra lệnh cấm bán, đổi chác tiền đồng cho dân Giao Chỉ. Riêng Mã Viện, từ khi thắng Trưng Vương, biết dân Giao Chỉ coi trống đồng như là một linh vật giữ nước. Mã-Viện, có kinh nghiệm về việc Trưng Vương ra trận dùng trống đồng thúc quân, thấy uy lực trống đồng của Bách Việt rất lớn, giúp họ đánh giặc rất hăng. Việc đúc ngựa, đúc đồng trụ chỉ là cái cớ để tiêu hủy linh vật của Bách Việt mà thôi. Vậy ai dám bảo trống đồng do Mã Viện và Gia Cát Lượng đúc thì thật là xuyên tạc lịch sử mỹ thuật Việt Nam một cách trắng trợn.

Nhân đây xin kể một trường hợp xuyên tạc, bình gốm Hoa Lam cổ, trưng bày ở viện bảo tàng Istanbul, cách đây trên 50 năm Tàu và Nhựt tìm xem có thể là của họ không. Nhưng đến khi thấy niên hiệu ghi trên bình là niên hiệu vua Việt "Thái-hòa bát niên..., Bùi Thị Hi bút" (xem hình), người Hoa bèn bảo đó là ".của một ông thầy Tàu qua Việt Nam chơi, làm để lại.." Vào Thời kỳ đó người ta hoàn toàn chưa biết Việt Nam đã có lò gốm hoa lam rất sớm từ thế kỷ 12, 13 với màu xanh bản địa chứ không nhập cảng màu xanh tươi của Ba-Tư như Trung-Hoa

Phải mất 30 năm sau, khi khảo cổ học Việt Nam tìm thấy dấu tích nhiều lò nung gốm cổ hoa lam trên đất Bắc từ thế kỷ 12, 13 cùng những sản phẩm phế thải của lò và những gốm Việt Nam cổ có hoa văn giống hoa văn trên độc bình ở Istanbul, mới chứng minh đích thực bình cổ danh tiếng ở bảo tàng viện Istanbul là của Việt Nam do một phụ nữ là Bùi Thị Hi trang trí.

Vả lại dân Mông-Cổ là dân sống bằng săn-bắn và du mục( văn hóa Khô). Do đó họ không thể nào là những người đã phát sinh ra nền văn-hóa nông nghiệp(văn hóa Ướt). Và như thế họ cũng chẵng bao giờ có họ hàng và cần thiết có họ hàng với các ông Thần-Nông (người tài giỏi về làm ruộng), bà Nữ-Oa "đội đá vá trời" (tức là người tìm hiểu và kinh nghiệm nhiều về thời tiết giúp nhà nông làm ruộng).... chỉ hay tài nhận vơ ...

Dân du mục phải thường xuyên chống chọi với thú rừng, cũng như chống chọi với các đoàn du-mục khác, họ phải đấu tranh không ngừng. Vì thế họ là một chủng tộc mạnh, tài nghệ bắn cung, cưởi ngựa, đô vật, đâm chém của họ rất cao. Chính nhờ vào tài nghệ nầy mà họ đã thành công trong việc chiếm lục địa Trung-hoa và chiếm Việt Nam sau nầy.

Giòng máu du mục buộc họ luôn sẵn sàng chiến đấu, từ đó nảy sinh giòng máu xâm lăng. Vả lại khí trời miền bắc lạnh, nên bản chất họ rất khỏe, và rất sợ khí nóng ở miền nhiệt đới nông nghiệp mà họ coi là nơi âm phong chương khí. Cũng vì lý do đó, người Trung-Hoa gốc Mông cổ không thể có các vị vua Thần nông "vua trồng-trọt xứ nóng" tức là vua Viêm Đế , cần thiết của nhà nông. Dân Bách-Việt hiền lành ở miền Nam lo nghề nông, không quen đánh giặc bị họ chiếm hết đất đai và văn hóa.


Suốt trên hai nghìn năm chúng ta hầu như chỉ học cho biết rằng Việt Cổ là một đất nước vô văn-hóa, man di, được nhờ Tàu Mông cổ khai hóa. Dầu rằng Tàu gốc Mông cổ không chứng minh được văn hóa tiền sử của họ. Như thế đủ thấy ảnh hưỡng của việc bị đô hộ Tàu, kể cả Tây sau nầy, là nguy hiểm như thế nào !. Chính vì vậy mà LM Triết-Gia Kim-Định đã gia-công nghiên-cứu một triết-lý An-Việt và nói đến ".một nền văn hóa Việt-Nam cổ mồ côi. ". Nhưng văn-hóa tiền-sử Việt-Nam đã bị che dấu và cướp đoạt vì sức mạnh, chứ nhất thiết không hẳn là một văn hóa mồ côi. Văn-hóa Việt cổ có mẹ đẻ từ các nền văn hóa tiền sử Việt Nam, và đã sinh đứa con khổng lồ là nền văn-hóa siêu-việt Trung-Quốc . Chính văn-hóa Trung-Quốc lúc không nhận là con đẻ của văn-hóa Bách-Việt, là một văn-hóa mồ côi. Lúc Tưỡng-Giới-Thạch ra lệnh nghiên cứu về văn hóa Trung-Hoa từ ngày nay trở về trước. Nhưng khi lên đến nhà Hán và thời Khổng-Tữ, các nghiên cứu gia Trung-Hoa Dân-Quốc đành bỏ dở vì vấp phải văn hóa Bách-Việt !!! .... nói sao được nữa ... tịt luôn ...

Với thực dân Pháp, trong vòng gần 80 năm đô hộ Việt Nam, chúng ta nhìn thấy biết bao tài sản của nước ta Pháp đã đem về xây dựng đất nước họ, làm giàu Viện Bảo Tàng của họ (nào đàn-đá báu vật hiếm quí, nào 4 quyển sách trước tác của cụ Nguyễn Du vv. và vv. Pháp cướp về nước tất. Tương lai gần chúng ta nhất định phải đòi lại tài sãn bị cướp, đòi bồi thường và đòi Pháp phải xin lỗi dân tộc Việt Nam )

Trong thời gian bị thực dân Pháp đô-hộ, việc khảo-cổ trên đất nước ta chỉ dành độc quyền cho người Pháp. Chuyên gia và khảo cổ gia Việt-Nam có đóng góp công lao ý kiến cũng không được ghi lại. Người Pháp mà tiêu biểu là ông H. Mansuy đã có những phán đoán sai lạc, lập luận lầm lẫn về văn hóa mỹ thuật tiền sữ và lịch sử Việt Nam. Trước những khám phá về văn hóa tiền sử và lịch sử Việt Nam, ông ta luôn có thành kiến rằng, bao nhiêu nền văn hóa xa xưa của Việt-Nam cổ từ thời tiền sử vốn chỉ là ".hàng nhập cảng.".. ".hàng vay mượn., .hàng thiên di vv...của phương Bắc hay phương Tây. " ! Từ trước, với phong cách thực dân khi Ông H. Mansuy khi nhìn thấy những viên gạch lót nền nhà cổ có hoa văn đẹp (xem hình gạch lót nhà có hoa văn), đào lên từ lòng đất, đã nói rằng: "Đây là gạch nhập cảng để làm bàn thờ chứ không thể lót nền nhà ".

Ngày nay chúng ta đã tìm thấy nhiều lò gạch cổ sản xuất gạch có khắc hoa văn ở Bắc Hà, và đã đào được nền nhà lót gạch có hoa văn thời nhà Trần, ví dụ nền nhà có lót gạch hoa văn của Hưng Đạo Vương tại Vạn Kiếp. Và các nhà học giả về khảo cổ học khắp thế giới và Việt Nam đã chứng minh về tính chất bản địa của những nền văn hóa tiền sữ xưa nhất và phát triển nhất trên đất nước Việt Nam mà đặc biệt là văn hóa Hòa Bình với sự ra đời sớm nhất thế giới của nông nghiệp lúa nước cũng như các nền văn hóa lịch sử sau nầy.

Có những người Việt Nam mà đại diện là ông Trần Văn Tốt đã đọc sách tây thực dân, sao chép lại nguyên văn làm sách, mặc dầu thế giới đã cải chính trước đó rất lâu. Ông Tốt đã theo đúng luận điệu thực dân của H. Mansuy mà viết sai lạc về văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn rằng: "Người Hoà-Bình có mặt trên đất nước Việt-Nam vào khoảng từ 5000 đến 3000 trước TC... coi như chưa biết gì về nông nghiệp và chăn nuôi, không biết gì gốm .. "... "Đá mài đã có vào thời Bắc-Sơn, nhưng ít được xử dụng. "; "... nghệ thuật đá mài có vai rất tiêu biểu cho văn-hóa tộc họ Auxtro asiatique, được dùng nhiều ở miền Trung Đông Dương. Người ta đã cho là những rìu mài nầy đươc nhập cảng từ Tây-Tạng, Giang Nam bên Tàu, vì chúng nó cũng có ở Hoa-Nam, ấn-Dộ, Nhật-Bổn, Đại-Hàn... "; ... "và những dụng cụ đá mài hình dĩa là của văn-hóa Úc từ Tàu truyền xuống vv. " Than ôi! thật vô cùng đáng trách ! ông Tốt đã sao chép lại y-nguyên những lập luận lầm lạc và vội vàng và đầy day thành kiến đầu tiên của ông Mansuy mà bỏ qua mọi chứng minh khoa học xác đáng và mới mẻ hơn của các ông C.O. Sauer và W.G. Solheim, không biết với mục đích gì ?. Như thế phải chăng ông Tốt đã vô tình hay cố ý làm tay sai cho thực dân lỗi thời mà thế giới đã lên án ! ?.

Ông Tốt đã theo đuôi thực dân đưa ra một thứ suy luận hàm hồ, vì Hễ cứ thấy nơi nào có, thì tất là " nhập cảng của nơi đó.", bất chấp cả thời gian nơi nào có trước, nơi nào có sau, và bất chấp cả nơi nào có tính cách sản xuất nghiệp vụ và nơi nào có tính cách tiêu thụ. Vậy thì ông Tốt viết sách về văn-hóa tiền sử Việt-Nam, phải chăng để tìm cách dìm dập thóa mạ tổ tiên mình hay là để nối giáo cho giặc ?.

Nhà học giả Sauer Hoa-Kỳ đã viết trong quyển Đồng-Quê:
"Đúng là nông nghiệp đã tiến triển qua 2 giai đoạn, mà giai đoạn đầu là giai đoạn của văn-hóa Hòa-Bình, lúa nước đã được trồng cùng một lúc với củ môn nước (khoai sọ) ". Đến nay tất cả các nhà khảo cổ học, sử học Hoa-kỳ như các ông C. Sauwer, R. Somhein, Trương Quang Trực (Ông Trực là người Mỹ gốc Trung-hoa), ông Jorhman và học-giả Liên-Xô ông N. Vavilow đều công nhận:

"Đông-Nam-Á mà chủ đạo là Việt-Nam đã có một nền văn hóa tiền sử phát triển rất sớm sủa, tiên-tiến và nhanh chóng, sáng tạo và sống động chưa từng thấy một nơi nào khác trên thế-giới.".

Chúng ta hãy nghe mấy dòng sôi nổi của ông C.O. Sauer viết trong quyển Agricultural Origins and Dispersals - Xuất bản ở New York:

"Tôi đã chứng minh Đông-Nam-Á là cái nôi của nền nông nghiệp xưa nhất. Và tôi cũng chứng minh rằng văn-hóa nông nghiệp có nguồn gốc gắn liền với đánh cá bằng lưới ở xứ naỳ. Tôi cũng chứng minh rằng những động vật gia súc xưa nhất bắt nguồn từ Đông-Nam-Á, và đây là trung tâm quan trọng của thế-giới về kỹ thuật trồng trọt và cải biến cây cối bằng cách tái sinh sản thực vật ". Trước đây người ta vẫn ca tụng địa điểm văn-minh tân thạch khí ở vùng Tây-Á Tiểu-Á và cho rằng đây là một xứ nông-nghiệp xưa nhất thế-giới. Vì đã có những niên đại C14 lên đến thiên niên kỷ thứ VI, thứ VII. Việc phát hiện ra nền nông-nghiệp tại Hòa-Bình cách đây trên 10.000 năm đã làm cho thế giới rung chuyển, chao động...

Như vậy trung tâm nông-nghiệp xưa nhất không còn là vùng Lưởng Hà mà là Đông-Nam-Á mà chủ đạo là Việt-nam. Việt-Nam đóng vai trò quan trọng nhất vì nơi đây là điểm phát xuất chính.

Chúng ta hãy nghe lời bình luận xác đáng của ông W. G. SOLHEIM II đã viết từ năm 1967: "Tôi cho rằng khi chúng ta nghiên-cứu lại nhiều cứ liệu ở lục-địa Đông-Nam-Á, chúng ta hoàn toàn có thể phát giác ra rằng việc thuần-thục-hóa cây trồng đầu tiên trên thế-giới đã được dân-cư Hòa-Bình (Việt Nam) hoàn thành vào khoảng 10.000 năm trước TC.... " ... "...Rằng văn-hóa Hòa-Bình là văn-hóa bản-địa không hề chịu ảnh-hưởng của bên ngoài, đưa tới văn-hóa Bắc-Sơn (Việt Nam)... " "... Rằng miền Bắc và miền Trung lục địa Đông-Nam-Á có những văn-hóa tiến bộ mà trong đó đã có sự phát triển của dụng cụ đá mài láng đầu tiên của Châu-Á, nếu không nói là đầu tiên trên thế giới và đồ gốm đã được phát minh... "

"...Rằng không phải là sự thuần hóa thựt vật đầu tiên như ông Sauer đã gợi ý và chứng minh mà thôi. Mà còn đi xa hơn, nơi đây đã cung cấp tư-tuỡng về nông nghiệp cho phương Tây. Và sau nầy một số cây đã được truyền đến Ấn-Độ và Phi-Châu. Và Đông-Nam-Á còn tiếp tục là một khu-vực tiền-tiến ở Viển-Đông cho đến khi Trung-Quốc thay thế xung lực này vào nữa đầu thiên niên kỷ thứ 2 tr TC tức khoảng 1500 tr TC." (Nữa đầu thiên niên kỷ thứ 2 tr TC tức khoảng 1500 sau khi Mông-Cổ chiếm lục địa Trung-Hoa non 1500 năm.)

Như đã nói trên, Trung-quốc thừa hưỡng văn hóa nông nghiệp phát triển nhờ dân Bách Việt còn lại trên hoa lục. Chính nhờ sự phát triển của những sắc dân Bách Việt nầy mà Trung quốc rộng lớn có đủ tư cách thay thế xung lực phát triển nông nghiệp Đông Nam Á vào khoảng năm 1500 tr TC. Như vậy chứng tỏ chính dân Bách Việt tức Việt cổ dạy Tàu nông nghiệp chứ không phải ngược lại như Trần Trọng Kim đã viết trong Việt Nam Sử Lược.

Chúng ta phải xúc động trước những lập luận rất vô tư, công bằng và rất khoa-học của Solheim II, cũng như rất xúc động trước nắm gạo bị cháy dở hóa thạch đã tìm thấy ở Đồng-Đậu Vỉnh-Phú có niên đại 5.500 năm trước TC tức cách đây 7.500 năm (C14). Nắm gạo cháy dở của thời phát trịển trồng lúa nước nầy cũng chứng minh cho chúng ta rằng lúa nước đã được trồng từ rất lâu không ai biết được trước lúc nắm gạo bị cháy như ông Sauer đã cho rằng lúa nước đi đôi với nghề đánh cá.

Những sự kiện trên đây đã được công bố lên thế-giới từ lâu. Với C.O.Sauer chẳng hạïn, trong quyển "Agricultural Orgins and Dispersals, New-York- 1952 ", với Wilhelm G. Solheim trong quyển "Southeast Asia and the West. Science vol. 157, 1967, p.899 ". Ít nhất là trước thời gian mà ông Trần Văn Tốt xuất bản quyển « Introduction à l'art ancien du Việt-Nam » bằng tiếng Pháp năm 1969. Chúng tôi nói ngay mặt ông Trần Văn Tốt rằng một trong các văn-hoá tiền sữ Việt Nam, văn hóa Hòa-Bình của Việt Nam không phải là đứa con nuôi, con vay mượn, con hoang, hay con mồ côi, nó chính là con đẻ của văn-hóa Sơn-vi kéo dài từ rất xa xưa có thể lên đến 500.000 năm đến 25.000 năm tr TC. Thường người ta lấy một niên đại tượng trưng gần nhầt là 30.000 năm làm mốc trung gian. Và để tiếp tục cuộc đời, văn hóa Hòa Bình đã dẩn đưa nhanh chóng đến một nền văn-hóa nổi danh thế giới của Việt Nam là văn-hóa Bắc-Sơn. Và từ văn-hóa Bắc-Sơn đến các nền văn hóa Quỳnh Văn, Bầu Tró, Hoa Lạc, Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồng Đậu và cuối cùng là Đông-Sơn.

Sự liên tục của các nền văn hóa luôn được duy trì bằng những chứng minh cụ thể. Thật vậy các nền văn-hóa Việt-Nam cổ ngày càng được tìm thấy là có những bước tiến mạnh mẽ, những nét phát triển huy-hoàng. Mãi cho đến thời Bắc-thuộc lần thứ I thì, văn hóa Đông Sơn nước ta, bắt nguồn từ thời tiền sữ, bị ngưng hẳn.

Chính giặc Mông-Cổ là những người đã xâm lăng các nền văn hóa tiền sữ và sơ sữ Việt cổ từ trên đất Trung Nguyên cho đến Việt Nam. Họ lấy hết cả, vừa đất đai, vừa công trình, vừa công cụ, vừa con người, vừa những người thợ tài giỏi Việt cổ đem về Tàu để phát triển nên nền văn hoá siêu-việt của Trung-Hoa sau này. Đồng thời cướp lấy, họ phá hoại, họ cấm cản mọi sự phát triển văn hóa địa phương của kẻ bị trị : trong suốt non 1000 năm đô hộ, họ đã cố tâm cướp đoạt, hủy hoại, cấm đoán, dìm dập và giấu giếm tất cả mọi vết tích, mọi hình thức phát triển của văn-hóa lịch-sữ Việt-Nam. Nhưng lòng đất đã phơi bày mọi sự thật :D . Chính sách vở và các học giả Trung Hoa hiên-đại cũng đã nhìn nhận những sự thật trên.

Văn-hóa Việt-Nam bị tê liệt, bị biến mất do xâm lăng và cướp giựt của Trung-quốc. 1000 năm quá dài, con cháu không được truyền đạt, nên dần dà người Việt-nam tự cho là mình đã được người Tàu khai hóa như các sữ gia Trần Trọng Kim và Đào duy Anh nói trên, thật là hổ thẹn với tiền nhân thay !!.

Từ rất sớm, năm 1932, tại Đại Hội Nghị Quốc tế của các nhà khảo cổ tiền sử học Viển đông, vấn đề văn-hóa Hòa-Bình nước ta đã được xác nhận một cách chính đáng. Vấn đề thự tiển là nền văn hóa Hòa-Bình có mặt trên toàn thế giới. Nhưng điều quan trọng ở đây là nền văn-hóa nầy đã được tìm thấy ở Việt-Nam sớm hơn đâu cả, nghĩa là có trước những nơi khá trên thế giới và tìm thấy ở Hòa-Bình một làng nhỏ Việt Nam, ở vào một thời gian xa xưa nhất (cách đây trên 16.000 năm) đối với các nơi khác trên thế-giới.

Điều nầy có nghĩa là người Việt cổ tại Hòa-Bình Việt Nam đã có làm nên nền văn-hóa Hòa-Bình trước nhất trong nhân loại. Nói một cách khác, người Hòa-Bình trên đất Việt-Nam đã có một thời văn minh xưa nhất thế-giới, đó là sự thật mà khoa khảo cổ học thế giới minh chứng và xác quyết. Thế nên khảo cổ học thế-giới đã lấy tên của một làng quê Hoà-Bình Bắc-Việt đặt tên cho nền văn-hóa nầy gọi là văn-hóa Hòa-Bình cho toàn thế giới (xem Encyclopédie d'Archéologie).

Thế là Hòa Bình tại Việt-nam đã được coi là trung tâm văn minh tiền sử đầu tiên của nhân loại về nông nghiệp lúa nước và về công nghiệp đá. Chẳng những nền văn minh tiền sử nầy ngang hàng với Trung Mỹ và miền Lưỡng Hà về phương diện kỷ thuật. Một điểm rất đáng hãnh diện là "Hòa Bình đã được thế giới xác nhận là trung tâm phát minh nông nghiệp và sãn xuất nông nghiệp cùng chăn nuôi gia súc đầu tiên trên thế giới. ". Trung tâm nông nghiêp cùng chăn nuôi đầu tiên trên thế giới tại Hoà Bình Việt Nam đã có trước vùng Lưỡng Hà đến 3000 năm. Như vậy thì còn điểm nào nghi ngờ rằng nơi nào "nhập cảng" nơi nào!....

Hòa-Bình, trung tâm văn-minh nông nghiệp đầu tiên của nhân loại trên thế-giới, để rồi từ đó nền văn-minh trên được lan tràn khắp vùng Đông-Nam-Á: Trung-Quốc, Nhựt-Bản, Mả-Lai, Thái-Lan, Ấn-Độ v v.. Mà ở Hòa-Bình là nơi sầm uất, giàu thinh hơn đâu hết và đã có vị vua Viêm Đế (vua nóng tượng trưng cho mùa trồng trọt), Thần-nông là người đã nghiên cứu dạy nghề nông và được tôn sùng như một vị vua, và có bà Nữ-Oa là người đã nghiên cứu thời tiết nắng mưa, cùng các ngày lể, ngày Tết phù hợp với mùa màng và sự nghỉ ngơi của người nông dân sau khi mùa đã thâu hoạch. Bà Nữ Oa đã nghiên cứu thời tiết lúc gieo, lúc cấy, lúc gặt, mà dạy dân làm ruộng không thất mùa. Vì thế dân gian coi bà Nữ-Oa như một vị thần-linh có khả năng " lấy đá vá trời ".


Văn hóa tiền sữ nước ta đã thu hút thế giới vào văn-hóa Hòa-Bình. Một trung tâm kinh tế sản xuất đầu tiên trên thế giới. Một trung tâm kỹ nghệ đá đầu tiên của nhân loại, trước rất xa văn hóa Lưỡng-Hà và Trung-Mỹ (Mexico hiện tại) đến cả 3 thiên niên kỷ. Bước tiến này nhảy vọt mạnh với văn hóa Hòa Bình, có lẻ một phần cũng nhờ ở biến cố thiên-nhiên là trận Đại Hồng Thủy thế giới đã xẩy ra thời văn hóa Hòa Bình (sẽ nói rõ sau). Nói chung đó chỉ là một suy luận, nhưng thật chất là đã có sự phát triển liên tục và rõ ràng từ văn hóa Sơn-vi đến Hòa-Bình. Tiềm lực của văn-hóa Hòa-Bình là càng ngày càng đưa con người thích nghi nhu cầu sự sống với một cố gắng như là một cuộc cách mạng. Đó là cuộc cách-mạng sinh-sống bằng kỷ-nghệ sản xuất công-cụ để bán đi khắp nơi cho thợ đá. Và dụng-cụ nông nghiệp đá cho người dùng. Với nhu cầu sản xuất nông nghiệp mới nầy, tất nhiên kỷ-nghệ đồ đá phải phát triển. Văn hóa Hòa Bình là văn hóa đá giữa, nên nó có một ảnh hưởng sâu rộng về nghệ thuật đá mới. Vì chính nơi đây, Hòa Bình, trên đất nước Việt cổ, là điểm phát xuất ra nhũng nền văn hoá thuộc nền cách mạng đá mới của các nước Trung-quốc, Nhật-Bản, Philippine, Indonêsia, Mã-đảo và cả miền Địa Trung-Hải vv. Chính vì vậy, Việt-Nam chính là trung tâm cách mạng sản-xuất đá mới đã được thế giới khẳng định. Có rất nhiều tầng văn hóa của các nước trên thế giới thuộc văn hóa Hòa-bình nhưng trẻ trung hơn, tức ra đời sau hơn nhiều, so với Hòa Bình, đã được nghiên cứu đến và đều được qui về văn hóa Hòa Bình. Thế giới đã khẵng định rằng trong những nền văn hóa ấy không hề có thuật chế tạo đá sỏi như ở Việt Nam.

Thời gian, thời tiết và mưa nắng đã làm tan vỡ rồi bào mòn và tẩy sạch những tãng đá lớn. Hạt nhân đá còn lại có độ cứng rất cao gọi là đá-sỏi hay đá-cuội. Chế tạo những hòn đá cứng nầy rất khó khăn. Nhưng người ta cần những rìu đá, búa đá, dao đá bằng đá-sỏi mới có thể sãn xuất ra những rìu, búa, dao, cày đá bằng đá tãnng mềm hơn cho người nông dân.

Ghè đẻo trên đá sỏi cứng rất khó, nhưng rất cần thiết. Vì những công cụ bằng đá sỏi cứng dùng để chế ra các công cụ đá tảng dễ dàng hơn. Chỉ ở Hòa Bình mới có nghệ thuật chế tác đá sỏi cứng, với số lượng rất cao, dùng để bán đi khắp nơi cho thợ đá chế tạo những dụng cụ bằng đá. Thợ đá dùng công cụ đá sỏi cứng của Hoà Bình mà chế tác các dụng cụ nông nghiệp đá tảng mềm hơn đá sỏi. Khắp nơi trên địa cầu có rất nhiều học trò về chế tạo đá của các bậc thầy đá Hoà Bình Việt Nam. Điều nầy chứng minh rõ ràng là chỉ trong nền văn-hóa Hòa-bình tại Việt-nam mới có việc sản xuất công cụ đá cứng cho người thợ đá xữ dụng như là dụng cụ chế tạo đá. Vậy còn ai hoài nghi Hoà-bình không phải là trung-tâm đẻ ra nghiệp vụ đá cho nhiều quốc-gia trên thế-giới. Văn-hóa Hòa-Bình là một nền Văn-hóa cách mạng ra đời trước văn-hóa Bắc-Sơn, và như trên đã nói, lẻ dĩ nhiên trước Đông-Sơn rất lâu, ít nhất đến cả từ 6.000 đến 8.000 năm.

Và chính Hòa Bình là mẹ đẻ ra nền văn hóa nổi danh Bắc Sơn và sau nầy là văn hóa Đông Sơn rực rỡ huy hoàng. Văn hóa Đông Sơn kéo dài cho tới khi Tàu qua chiếm nước ta lần đầu tiên thì ngừng hẳn. Điều nầy chứng minh rõ ràng Tàu đã đến cướp mất, phá hoại, cấm chỉ sự phát triển văn hóa của nước Việt cổ. Rõ ràng cũng nhờ cướp bóc lõi cốt văn hoá Bách Việt cộng với sự giàu mạnh của cải và quân lực mà văn hóa Trung Hoa tiến nhanh sau nầy.

Trưng Vương là người Việt là một người đàn bà đã dành được độc lập cho Việt Nam đầu tiên trong thời gian rất ngắn ngủi (xem hình theo sữ Tàu). Tuy nhiên con số 3 năm là do Tàu xuyên tạc và buộc dân Việt phải nghe theo, ai nói khác là bị tội. Sử gia Trần Trọng Kim cứ dựa theo đó mà sao chép lại mà thôi, như trường hợp của Trần Văn Tốt nói trên. Sự thật là nguyên bà Trần Thi Đoan là một nữ tướng, vợ của quan lạc tướng Trương Man Thiện ở đất Mê-linh, giòng dỏi Hùng Vương. Vợ chồng ông Man Thiện, song thân 2 chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị (tên thật là Trương Nhất và Trương Nhì. Trước mắt chúng ta nhất nhì là chữ Hán. Nhưng tên hai bà Trưng cho chúng ta thấy rất có thể chữ hán có nguồn gốc trong chữ Bách Việt, rồi sau đó trở lại chữ Việt có nguồn trong chữ Hán. Chẵng khác nào chữ Anh có nguồn gốc trong chữ Pháp hay La-Tinh, rồi chữ Pháp và La-Tinh lại có nguồn gốc từ chữ Anh ngày nay) đặt bản doanh ở đất Phong Châu nơi mà văn hóa Đông Sơn vẩn âm thầm tồn tại, cùng hai con gái nổi lên chống Tàu từ nhiều chục năm về trước. Chồng mất sớm, bà Man Thiện cùng 2 con thay quyền (xem hình chụp sách Hậu Hán Thư). Nguyên từ trước gia đình bà Man Thiện Trần Thị Đoan có mối thù truyền kiếp với gia đình Đặng Thi Sách là người rất hùng dũng, giòng dỏi Sơn Tinh ở làng Chu diên, giòng giỏi nầy cũng chống Tàu. Bà Man Thiện bèn tìm kế cởi bỏ hận thù để liên minh chống giặc. Bà đặt con gái trưỡng là Trưng Trắc làm thống soái. Rồi cho Trưng Trắc kết duyên với Thi Sách để cùng liên minh. Khi lâm trận Thi Sách bị giết, Trưng Trắc một mình phải thống lảnh luôn 2 đạo quân của mình và của chồng nên thanh thế bà rất mạnh, nơi nơi đều lần lượt đến hợp tác.

Vì thế nếu chúng ta cứ gọi Trưng Trắc đánh Tàu là vì thù chồng là sai lầm trầm trọng và oan cho một vị nữ anh hùng Việt Nam. Bà Trưng cùng mẹ chống Tàu từ thuở còn niên thiếu vào những năm 20,22 sau TC. Đến năm 30 sau TC, tuy còn trẻ bà qui tụ được nhiều anh hùng nam nữ. Trong thời gian dấy nghiệp, và trong phạm vi cai trị của bà Man Thiện Trần Thị Đoan, văn hóa Đông Sơn đã có phần phục hưng khá mạnh. Chính dân quân của bà Man Thiện, rồi đến sau là của Trưng Vương tự rèn lấy gươm dáo, tự đúc lấy trống đồng mà dùng và đem tiếp tế cho những bộ tộc Bách Việt khác theo bà. Đó cũng là lý do khiến các bộ tộc Bách Việt đều kính nể và qui về một mối với Trưng Vương.

Nền văn hóa Đông Sơn dưới thời Trưng Vương tuy âm thầm và ngắn ngủi nhưng tính ra có đến trên 100 năm, vì nó tiềm ẩn trong rừng sâu núi cao. Nền văn hóa nầy được gọi là nền văn hóa Đông-sơn-phục-hưng. Điều nầy cũng chứng minh trong mọi hoàn cảnh tiềm lực nghệ thuật của người Bách Việt mang một tính chất bất khuất, nhân gian và liên tục. Âu đây cũng là đức tính mà Trưng Vương đã truyền lại cho con cháu vùng Hà Tĩnh Nghệ An và sau nầy truyền đến Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên vv. vậy. Về sau lúc có độc lập dài lâu, văn hóa thời Lý, Trần cũng đã dần dần chổi dậy, nhưng so với văn hóa Đông Sơn thì còn kém xa. Như thế thì thấy nạn xâm lăng tai hại cho văn hóa dân tộc biết bao!

Thật vậy, nhờ vào khảo cổ học mà mọi bí ẩn của tiền sử đã được làm sáng tỏ. Và thế giới đã công nhận Việt Nam, tiêu biểu là văn hóa Hoà Bình mà tên tuổi đã được "thế-giới-hóa" (Encyclopédie d'Archéologie), đã được thế giới xác nhận là nơi có một nền nông nghiệp lúa nước và công nghiệp đá xưa nhất thế giới.

Có thể vì văn hóa Hòa Bình nằm vào thời điểm của trận Đại-hồng-thủy cách đây từ 17.000 năm đến 6.000. Cuộc Đại Hồng Thủy nầy bao gồm cả thế giới, theo đó chắc nó ăn khớp và trùng hợp với cuộc Đại Hồng Thủy đã được diễn tả trong Cựu Kinh Ước của đạo Do Thái và Đạo Công Giáo. Vì vậy theo khoa học, rỏ ràng trước và sau Đại Hồng Thủy loài người đã có mặt thậm lâu trên miền Đông Nam Á, mà quan trọng là tại Việt Nam. Sau vụ đại hồng thủy nầy, nơi trên thế giới nguy hại nhiều nhất, chính là Lục Địa Đông Nam Á. Vì một phần đất lớn của miền nầy đã sụp xuống biễn, mở rộng thêm Thái-bình-dương. Xét theo thềm lục địa Đông Nam Á, các nhà khảo cổ nhận thấy Đại Hồng Thủy lên và lui rất chậm chạp, vì thế không xẩy ra tai nạn chết ngừơi tập thể. Và như vậy số người đã sống trên bình nguyên Đông Nam Á cũ mà nay là biển đã di tản nguyên vẹn ra khắp các lục địa Đông Nam Á, và Úc Châu còn lại. Có lẻ đó là lý do chính của sự hổn hợp nhiều chủng tộc trên miền Đông Nam Á.

Phần đất còn sót lại sau Đại-hồng-thủy trở nên quá ít đối với số dân sống bằng hái lượm trước kia. Do đó vấn đề cần thiết cho sự sinh sống của người Đông Nam Á mà trong đó người Bách Việt cổ là căn bản là đi tìm thức ăn. Người Bách Việt cổ đã di tản lên chốn cao nguyên tức là lục địa Bách Việt cổ mà nay là miền Nam Trung Hoa và đồng bằng Bắc Việt và thẵng đến miền duyên hải Trung Việt (vùng Quãng Trị Quãng-Hóa tức là Thừa-Thiên). Người Việt cổ bắt buộc phải nghĩ đến cách làm tăng số lượng thực phẩm cần thiết để sinh sống mà trước đây họ chỉ cần tìm thấy dễ dàng trong thiên-nhiên. Đây có lẻ là nguyên nhân phát triển nghề nông của các chủng người đã di tản đến Đông Nam Á mà chủ yếu là Việt Nam cổ.

Trên đây tôi đã dẫn những cứ liệu lịch sữ về văn hóa Hòa Bình với mục đích xóa tan những luận điệu và nhận xét sai lạc của thực dân Tây và Tàu; đồng thời cũng để trình bày một cách tương đối sơ lượt, một khía cạnh nào đó sự nghiệp lớn lao của tổ tiên chúng ta: hiện tại thế giới đã công nhận rằng nước Việt Nam chúng ta đã có một nền nông nghiệp lúa nước và một nền công nghiệp đá đã từng phát triển rực rở và xưa nhất thế giới.

Vậy mà bao nhiêu trăm năm nay đất nước chúng ta phải trải qua biết bao gian truân, đói khó, xâm lăng, huynh đệ tương tàn. Đến nổi con cháu mờ mịt cả mắt mũi không còn thấy gì về tiền nhân, không còn biết gì đến công lao tổ tiên. Đồng thời con cháu cũng đã để ngoại bang hiểu lầm về sự nghiệp của các Vị. Vậy mà hiện tại người dân Việt phải đói khổ, phải nghèo nàn, phải đau thương, phải chậm tiến một cách man rợ. Thật là một điều vô cùng tủi nhục cho thân phận con người Việt Nam.

Thôi thì, tục ngữ ta vốn có câu "Mấy ai giàu ba họ, mấy ai khó ba đời". Ngày xưa vinh thì ngày nay nhục vậy. Đối với Trung Hoa hay ít lắm là với Nhật Bãn, Đại Hàn, Thái Lan, Đài Loan... Việt Nam tệ lắm là ở địa vị ngang hàng, chúng ta trở thành thua kém xa vời thì nổi nhục ấy quả nhiên là lớn lao. Chúng ta lại phải di tản sống lưu vong trong nhiều quốc gia có những nền văn minh khoa học và xã hội vượt bực.

Vậy, chúng ta chỉ còn cầu mong hết nhục ắc sẽ có ngày vinh quang. Chúng ta hãy đầy lòng tin tưỡng cho ngày mai. Sau cơn sáng trời lại mưa, thì ắt sau cơn mưa trời lại sáng. Chúng ta phải tin tưỡng như vậy. Chúng ta sẽ không tự mãn hả hê trước những thành tựu về học hành thi cử hay nghề nghiệp của con em trên đất khách. Vì đó chỉ là chuyện đương nhiên, mà trái lại chúng ta phải tự kiểm điểm những thiếu sót, những mất mát lớn lao cho thế hệ trẻ về phương diện văn hóa dân tộc.

Chúng ta phải có bổn phận vun trồng mầm móng văn hóa Bách Việt nước nhà lên lòng non dân tộc hải ngoại. Đó tất nhiên phải là điều khó khăn, chúng ta có thể bỏ công lao mồ hôi nước mắt, nghị lực thời gian làm việc hữu ích cho hậu duệ chúng ta; hơn là ngày đêm ganh tương tị hiềm, kình địch, châm biến, chia rẽ, đua nhau bịa đặt bôi nhọ kẻ nào có gì hơn mình chút đỉnh. Những hành đông đó chẵng những đã biến dần dân lưu vong thành một sắc dân mất gốc vô văn hóa, vô tổ tiên, mà còn biến một số người Việt đông đúc kém cỏi về kiến thức văn hóa Việt Nam (mặc dầu có khoa bảng, bằng cấp ngoại quốc cao, hay tiền bạc nhiều) lưu vong thành man di đúng như suy luận của người Trung-Hoa.

Các các dân tộc khác như Trung-hoa, Nhật-Bản, Do-Thái... Họ âm thần đoàn kết với nhau bảo tồn và xây dựng lại nền văn hóa dân tọâc, đi tiền phong khó khăn vất vả cho đến đạt mục đích thiết thực và họ đã thành công huy hoàng. Các dân tộc ấy là những tấm gương sáng giúp chúng ta trong nổ lực làm phát triển văn minh tinh thần tức văn hóa truyền thống của tổ tiên Việt.

Niềm tin sẽ trở nên hiện thực hay không trong một ngày mai hậu gần gũi cũng do ở những hành động sâu ẩn trong mối ưu tư văn hóa dân tộc của mổi một người trong chúng ta. Để cầu chúc cho bước tiến văn hóa ở tương lai gần của dân Việt , chúng tôi xin kính hiến chút tình cảm lên trước bao công trình của tổ tiên chúng ta suốt từ thời tiền sữ đến nay. Chúng tôi xin mượn câu nói của nhà văn hào Jean Valery:

"Hởi tâm hồn cao cả, đã đến lúc mà Người cần được mặc chiếc áo xinh đẹp xứng đáng với cơ thể của người."
NguoiTriAm
03-08-2004, 06:27 PM
Việt nam có văn hoá Uớt lâu đời NHẤT thế giới ???

I know it's about national pride (tự hào quốc gia). It's normal, it's ok. But before carrying too far, to state something no conclusive evidents is mind boggling. Hình như Đai Hàn, Nhât, Cambodia cũng nói họ lâu đời nhất. Hong lẻ everybody đểu lâu đời nhất?? It's all non-sence.

NTA nhớ là trong cuốn TN Paris by night nào đó chú Nguyen Ngoc Ngan có nói là VietNam lúc xưa không co chử viết chỉ có tiếng nói đơn thuần nên phải mươn chử Tàu. Đó là tại sao vì tự hào quốc gia nên phải dẹp bỏ chử Tàu, dùng vần A,B,C của Phương Tây.

http://en.wikipedia.org/wiki/East_Asia

"The history of East Asia, as well as parts of Southeast Asia, is heavily influenced by and intertwined with that of China. For example, all East Asian countries, except Mongolia, have been using Chinese characters. These nations, which have closely related writing systems, are collectively referred to as CJK. Nevertheless, Mongolians participated in the Chinese politics in the Yuan Dynasty of China.

The Asian parts of Russia are sometimes included in this category, and one region of Russia is in fact known as the Russian Far East."
NguoiTriAm
03-08-2004, 06:29 PM
HOW VIETNAM WAS NAMED

Chuck Ward
Vietnam, USN
Newberry, SC

Dr. Vien Doan, D.O.
Riverside, CA
Liaison for, CA, AK, HL.

The name Vietnam came about when Emperor Cia Long wanted to rename the country Nam Viet. Seeking the Chinese emperor's approval of the new national name, Cia Long sent his Ambassador, Le Quan Dinh, to China in 1802. Le Quang Dinh addressed the Emperor as follows: The new King of the Nguyen has succeeded in realizing under his rule, what the former reigns of the Tran and Le could not - the reunification of the old land of An Nam and the new land of Viet Thuong. Consequently, we would like to ask your permission to change the ancient name of An Nam to Nam Viet.
After consulting his court, the Chinese Emperor decided that the hame Nam Viet would bring to mind Trieu Da's ancient kingdom of Nam Viet Dong which had included the two Chinese provinces of Guang Dong and Kwang Si, and therefore the proposed name of Nam Viet could lead to misunderstandings or even conceal territorial ambitions. The problem was solved by simply reversing the order of the two words to Viet Nam.
Viet Nam means the Viets of the South (Nam) or the south populated by the Viet the main ethnic group in Vietnam.
Etymologists and anthropologists have defined the origins of the Viet people by separating the components of the calligraphy for Viet, or Yue, as it is known in Mandarin. On the left side of this ideogram is a character pronounced tau in Vietnamese, meaning to run. On the right is the complementary component pronounced Viet, with the meaning and profile of an axe. This component carries with it the particle qua, which signifies a lance or javelin.
This small ideographic analysis depicts the Viet as a race known since antiquity as a migratory, hunting people, perpetually moving and spreading beyond their frontiers of origin, carrying bow and arrow, axe and javelin.
The word Viet is the Vietnamese pronunciation of a Chinese character meaning beyond or far. It also has the sense of "to cross", "to go through", "to set onself right". The character Nam, meaning South, probably served to differentiate between the Viets in the North who remained in China and those who had left and headed South.
The name Viet referred to the territories located in the south of China during the 11th century B.C. These were so named by the Zhou dynasty (1050-249 B.C.).

4,000 Years of Unchartered Fortune
Vietnam's ancient history reads like a book of legend with many pages torn or missing, due to a lack of early historical records, many of which were destroyed as its history was in the making. Like any ancient nation, Vietnam's earliest history has been generously embellished with legend and fairy tales, rather daunting to the Western understanding. However, by combining Chinese and Vietnamese historical records, Vietnamese folklore and recent archaeological discoveries, some of the missing pages have come to light.
In ancient times, Eastern cosmogony viewed the world through the concept of The Five Elements: metal, wood, water, fire and earth, or Nghu Han, which represents Five Regions: the Center, the South, the North, the East and the West. The Center was represented by the earth and the color yellow, the South by fire and the color red, the North by water and the color black, the East by wood and the color green, the West by metal and the color white. The first threads of Vietnam's history are inextricably intertwined with the history of China.
At the source of the legend: The Han and the Viet

From time immemorial, akingdom reigned in the heart of the Asian continent. Known as the Middle Kingdom or Chung Hoa, its power center was located in the Five Mounts (Ngu Linh) Territory. It was peopled by many races, the two major being those of the Han and the Viet. Unlike the homogeneous Han, the Viets incorporated hundreds of tribes and were known as the Pac Yeuh (One hundred Yeuh) or Each Viet, whose chief ruled the Five Mounts Territory. The Viets settled south of the Yellow River and developed an agricultural culture, whereas the Han in the northwest became expert in hunting and battle skills.
The Five Mounts Territory of the Middle Kingdom was ruled by three consecutive chiefs: Toai Nhan - who discovered fire; Phuc Hi - who discovered the I Ching and domesticated wild animals; and Shen Nong - who cultivated wild plants for domestic use and taught his people to grow rice. By the end of Shen Nong's era the Han had invaded the Five Mounts territory and occupied the highest mount, Thai Son.
Their chief proclaimed himself Hwangdi, the Yellow Emperor of the Center, in accordance with the Five Elements concept. Hwangdi inherited the heritage of the Tam Hoang, Three Yellows era, which his invasion of The Five Mounts Territory ended. He referred to the Viets settled in the South as the southern barbarians, Nam Man. The Viets fled to the south where their chief proclaimed himself Viem De, the Red Emperor of the South, and named their territory Xich Qui, the territory of the Red Devils. This marked the first Viet exodus from Chung Hoa, the Middle Kingdom. The Viets regarded themselves as descendents of the first three chiefs of China's Three Yellows era. The last of the three, Shen Nong, is the direct Viet link.
According to Vietnamese historical folklore, De Minh, a third generation descendent of Shen Nong, fled to the southern territory of the Five Mounts and married Princess Vu Tien. Their son, Loc Tuc, became king of the south and called himself Kinh Duong Vuong, King of the Kinh and Duong Territory. He married one of the daughters of Dong DinhQuang, a king from the lake of Dong Dinh territory. Their son, Sung Lam, succeeded his father to become Lac Long Quan, meaning the Lac Dragon.

The Quasi-Legendary Epoch and Hoa Binh Civilization

Vietnam's National Annals tell of the marriage between King Lac Long Quan, the Dragon Lord of the Mighty Seas, and the beautiful Princess Au Co, descendant of the Immortals of the High Mountains, the daughter of King De Lai. Their union gave birth to one hundred sons and the Kingdom of Each Viet, whose principalities extended from the lower Yang Tse Kiang to the north of Indochina. The Kingdom prospered, but the Lord of the Dragon and the Princess of the Mountains, convinced that the difference in their origins would always deny them earthly happiness, decided to separate. Half the children returned with their mother to the mountains, the others followed their father and established themselves beside the eastem sea.
The symbolism of Lac Long Quan's descendancy from the Dragon Lord and Au Co from the Immortals, holds significance for the Vietnamese as the Dragon symbolizes yang and Immortal is the symbol for ying. Thus the Vietnamese believe they are the descendents of Tien Pong, the Immortal and the Dragon, and these symbols constitute their earliest totems.
Civilized norms governed early relations between the Han Court and the Viet kingdom. The Chinese historian Kim Ly Tuong recorded that in the Fifth Year of Dao Duong, Emperor of the Yao dynasty (236 1 B.C.), the Viet Thuong kingdom sent a diplomatic delegation to the Han court and offered a "sacred turtle" (Linh Qui) as a friendship present. The turtle was thought to be a thousand years old and its shell was covered with precious inscriptions in hieroglyphics. It was learnt later that Emperor Yao transcribed all these inscriptions into a vade-mecum, which he then called the "Calendar of the Sacred Turtie"
The southern Viet kingdom of Xich Qui was divided into one hundred principalities, each one governed by one of the 100 sons. In 2879 B.C. the eldest son was crowned King of Lac Viet. He named himself King Hung Vuong and Lac Viet was renamed Van Lang. His Kingdom of Van Lang was the most powerful and comprised most of present-day North Vietnam and the north of Central Vietnam.
The kingdom of Van Lang prospered during the first millennium B.C. under the rule of eighteen successive Hung kings who formed the dynasty of Hung Vuong. His capital was founded in present day Vinh Phu Province which was then divided into fifteen provinces. At this time a certain King Thuc Phan governed the neighboring kingdom of Au Viet, another Viet tribe, to the north of Van Lang. His desire to bring about a marriage between his daughter and Hung Vuong'sson was not shared by Hung Vuong who scornfully rejected the proposal. The hereditary hatred this rebuff bred betweenthe two Viet dynasties led to conflict and eventually, in 25 8 B.C., during the rule of the rather weak 18th king, the destruction of Van Lang.
Under the title of King An Duong Vuong, Thuc Pham established the new kingdom of Au Lac and installed his capital at Phuc An where a spiral citadel was built. The remains of the citadel can still be seen to this day in the village of Co Loa to the west of Hanoi in North Vietnam.
Fifty years later, the kingdom fell into the hands of the northern hordes of an ambitious general, Trieu Da from the South of the Middle Kingdom. After vanquishing the other Chinese generals, Trieu Da founded the independent kingdom of Nam Viet, which included much of present-day Southern China. He proclaimed himself king in 208 B.C. and founded the Trieu dynasty which lasted until the 3rd century B.C. His capital was located near present day Guangzhou.
Under the Trieu dynasty Nam Viet progressively entered the Chinese sphere of influence. In exchange for periodic tributes to the Court of the Han Emperor, Nam Viet received protection against foreign invasion. This period was marked by continual intrigues, including a plot aimed at seizing Nam Viet led by a Chinese Emperor, which was exposed and denounced. Less than a century later, in the year 3 B.C., the Han Emperor Wudi sent his mighty armies to conquer Nam Viet. Despite the defending army's fierce resistance Nam Viet finally fell into the hands of the Han invaders.
It is generally believed that with the decline of the Hung Vuong Dynasty and the ensuing decades, came the fusion of legend with known history in which much of Vietnam's ancient history has been recorded.

The Period of Chinese Domination

The first Chinese occupation lasted from 3 B.C. until A.D. 42. After Trieu Dau's defeat the country became a Chinese protectorate under the new name of Giao Chi. Highly qualified administrators were appointed as governors to rule the country, but their endeavors to introduce Chinese literature, arts and agricultural techniques met with fierce resistance from the Vietnamese. Greatly frustrated by decades of Chinese influence and culture, the Vietnamese not only guarded their national identity but fought fiercely to preserve it.
Finally, in 39 A.D., the oppressive rule and injustices of a cruel governor, To Dinh, provoked the victorious armed revolt against the Chinese authorities led by two sisters, Trung Trac and Trung Nhi. Their reign, however, was short-lived. Three years later, the better generals and arms of the Chinese Han armies saw to their downfall and the country was once more subjected to Chinese control. The fall of the Trung sisters marked the second period of Chinese occupation which lasted until 543. During this time Nam Viet was administered as a Chinese province and a campaign was launched against the Kingdom of Champa in the south.
This period of Chinese occupation ended abruptly when a scholar named Ly Bon led an armed revolt and succeeded in chasing out the Chinese authorities. Ly Bon took control of the territory and founded the Ly Dynasty which lasted until the Chinese once again regained their supremacy in 545. The particularly troubled era that followed was marked by frequent outbreaks of violent battles between the Chinese and the Vietnamese. It ended with the third period of Chinese occupation which lasted from 603 until 938. During this timethe Chinese made concerted efforts to establish their culture and civilization in Nam Viet, which they renamed Annam. However, numerous insurrections broke out despite the solid administrative structure imposed by the Chinese government of the Tang Dynasty.
lost-dude
03-08-2004, 08:50 PM
http://www.vietcyber.net/forums/attachment.php?attachmentid=15602

Took me a long time to read all of that. Just some quick comments. I believe the author, to a large extent. There's a combination of "national pride" and archeaological proves. Both are good. In the past century, many of the "missing pages in Vietnam history" have been found buried by time and nature. For instance, we read about how Che Bong Nga's forces burnt Thanh Long; but not until the past couple of months that we have a gleam of what that capital city looked like.

I do believe that our people were pretty good with bronze; looking at the picture of the surface of Trống Đồng Ngọc Lữ above. A couple thousand of yours ago, it wasn't easy to make them. But such bronze drum can be found from southern China through the Indochinese and the islands off the Pacific Rim. But surely Vietnam was one of the places to make them. It could have been the first place, I need to check back on the dates. Historically, the Chinese buildings were straight, they didn't change into cursive until the Song/Đường dynasty. Talking about those cultures, we should take a look at Angkor, the ancient capital city of Campuchia, and other places like Babylon as well.

The Egyptians didn't build the pyrimads to kill time or anything like that. They have their own cultural and theological purposes. The đống đồng reflects similiar purposes. Look at the picture above, it shows the sun (trời/ông trời/god), people and nature; or simply known as nhân-thiên-địa. It represents the ideology and practices of ancient Vietnamese. And look at how many circles are there. Notice that the circles start off and concentric to the Sun. If the people spent time, money and effords to build this drum, I bet there are philosophy hidden.

We can be certain that democracy was practiced long time ago in Vietnam. In our language, vợ and chồng don't show superority. Unlike Chinese: Tỳ thiếp, tiện thiếp, phu quân, chúa công... Chế độ Thôn xã tự trị was a form of democracy, as well; better than the ancient Greek city-state system. The Vietnamese folklore tells us more about the relationship between male-female, parents-children, husband-wife... It also tells us our history; for instance, "ai về Biên Thượng, Lam Sơn, nhớ Lê Thái Tổ chặn đường quân Minh." "Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm," <-- If you want to go philosophical with that, a clear conscience would lead to a happier life? THE VIETNAMESE PEOPLE HAVE A LACK UNDERSTAND OF THEIR PAST! You might judge people who try to understand them as "partial" but you should be gratful that they do what they're doing; because no one else did before. As a culture, we need other cultures, so we can compare and contrast; not to erase what's ours and copy from others. Từ Thức returned to the moral ralm because life is a journey, not a destination. We should learn more about our past, but simultaneously, move on.

I'd love to see the pictures mentioned in the writings. Some parts of it need to be more convincing than that. If Đế Minh is Viet, how come his name is in Chinese? Hai Bà Trưng, why are their names Chinese names? Phan Bội Châu didn't take a French name when he was fighting against the French.
lost-dude
03-08-2004, 09:10 PM
Bye the way, the "Việt" in Việt Nam in Chinese is Yue, the way it's written is f***ed up. 越 is comprised of http://vkhuc.tripod.com/image028.jpg and http://vkhuc.tripod.com/image025.jpg. If you know Chinese, it reads Tuất and Tẩu, which means "chó chạy". 越南= Con chó chạy xuống (nam). FFFF
lost-dude
03-08-2004, 09:13 PM
Those historians are so mindless when they say our first national name was Xích Quỷ. They sure will cross Cocytus.
lost-dude
03-09-2004, 01:18 AM
Please disregard the stuff about "language" in the previous three posts. :)
Dieumi
03-09-2004, 01:08 PM
Việt nam có văn hoá Uớt lâu đời NHẤT thế giới ???
I know it's about national pride (tự hào quốc gia). It's normal, it's ok.
Đây là sự thật (không có vân đề tự hào trong đây) ...
Nhiều học giả nổi tiếng trền thế giới đã nghiên cứu và xác định điều đó ...
( người ngoại quốc không có tự hào hộ Việt Nam đâu )


But before carrying too far, to state something no conclusive evidents is mind boggling.
Famous foreigner scholars have taking that so-sofar not Dieumi .. :D ...
Later .. Dieumi will show you some profound publications of those famous foreigner anthropologists ...


Hình như Đai Hàn, Nhât, Cambodia cũng nói họ lâu đời nhất. Hong lẻ everybody đểu lâu đời nhất?? It's all non-sence.
Trong một tranh chấp ... muốn thắng thì phải dẫn chứng cụ thể (khảo cổ học, ngôn ngữ học, Di truyền học , v.v.).. và dẫn chứng này phải được công nhận bởi người trong và ngoại cuộc ... nếu không có chứng minh cụ thể thì những tuyên bố đó không có giá trị ....

Dieumi không thể tìm thấy những dẫn chứng khoa học nào của Đại Hàn, Nhât, Cambodia cả ... ngoài một vài sites của chính họ (with no refs) ...
Xin anh cho biết một vài tài liệu có cơ sở khoa học của họ - Nếu họ nói là của họ mà không có dẫn chứng cụ thể ... thì không nên tin ...

Besure to remember that Dry-Rice-Cultivation is not Wet-Rice-Culture ..
( nhiều dân tộc thiểu số VN vẫn Trồng Lúa Khô (lúa rẫy) mà vẫn chưa biết Lúa Nước là gì cả )


NTA nhớ là trong cuốn TN Paris by night nào đó chú Nguyen Ngoc Ngan có nói là VietNam lúc xưa không co chử viết chỉ có tiếng nói đơn thuần nên phải mươn chử Tàu. Đó là tại sao vì tự hào quốc gia nên phải dẹp bỏ chử Tàu, dùng vần A,B,C của Phương Tây.
Ai cũng có thể nói đại-xì-ẩu như vậy ... đó không phải là lý do mà mình đã chuyển qua học chữ quốc ngữ .. ông NNN này lại .. nữa rồi ... Ổng chuyên môn bâng quơ như vậy đó .. để thiên hạ cãi nhau chơi ...:D ... ...Ai bảo là VN không có chữ viết ??? CLICK HERE !. (http://www.vietcyber.net/forums/attachment.php?attachmentid=15605) ..đây là những chữ viết CỔ của VN đã được viết trên các cổ vật của hàng ngàn năm trước công nguyên ...

Thêm nữa nè ... CLICK HERE (http://www.vietcyber.net/forums/attachment.php?attachmentid=15613) ... đây là chữ viết của người việt cổ ở việt nam ... những chữ như vầy được viết nhiều trên những cổ vật .. và ngay ở trên "Bàn đá chữ trời " ở sapa vẫn còn ... những chữ viết này có lẽ cỡ 3000 năm ... <- chưa chắc người phương Bắc đã có chữ Viết lâu như vậy ?


http://en.wikipedia.org/wiki/East_Asia
"The history of East Asia, as well as parts of Southeast Asia, is heavily influenced by and intertwined with that of China. For example, all East Asian countries, except Mongolia, have been using Chinese characters. These nations, which have closely related writing systems, are collectively referred to as CJK.
That is what the Han claimed ... However, Can they answer the questions:

1. Was Han the original language of the Han-people ....??? This seemed-silly- question can never be answered ... because : the answer was NO ( I'll reveal it later ) ...

2. How many percent of the chinese are true Han-people ...???

3. Why do many non-Han-people have to speak Han-language ???

4. Why do non-Han-people still consider themselves as true Han ??? (I 'll use other people's researches to answer these question later ...)

- Anyone can easily say things ... but proving it to be true is another cake ...
- In the opposite, Some works had proved that the Han-languages has been influenced by the Viets (will prove later )


Nevertheless, Mongolians participated in the Chinese politics in the Yuan Dynasty of China.
We are talking the Neolithic age - Yuan dynasty was too young to participate .


The Asian parts of Russia are sometimes included in this category, and one region of Russia is in fact known as the Russian Far East." ... which region of Russia ??? They (mongolia & eskimo & nomads included) have no Wet-Rice-culture ... they have only Millet-Wheat-Culture ...
NguoiTriAm
03-09-2004, 02:28 PM
Cho dù bạn có dẫn chứng (reference) bao nhiêu cũng vậy. Cái vấn đề là bạn dẫn chứng một cách chủ quan. Bạn có thấy vấn đề ở đây không? Mình là ngưỏi VietNam thì mình dẫn chứng VN là cái nôi của toàn Châu Á. Bạn lấy bài Bà Nguyen Thi Thanh là nguời Việt cho những gì trong đó là "conclusive evidents". Nếu đặc trướng hợp bạn là người Thái chắc chắn bạn sẽ không dẫn chứng VietNam là nguồn gốc của lúa gạo (ThaiLand là nước sản xuất gạo đứng đầu thế giới). Bạn sẽ có dẩn chứng khác đi. Bạn không phải là người Thái, Nhật, Mông Cổ thì làm sao bạn biết được họ cũng không có những dẫn chứng của họ nói họ là cái này cái kia. Cho dù họ đưa ra bằng chứng cụ thể, bạn có bảo đảm là không bác bỏ không? Nều bạn không bác bỏ thì NTA sẽ bác bỏ tại họ cũng thuộc loại nhìn vào một vấn đề một cách chủ quan quá.

Cho nên nếu bạn là nguởi nước ngoài phương tây thông hiều lịch sử của từng nước một Châu Á (để mà có đủ kiến thức phán xét cái nào mới là evidents cái nào mới không phải là evidents) với lòng muốn theo đuổi tìm tòi lịch sử của nhân loại với địa vị "khách quan" và có những dẫn chứng khách quan thì có lẽ sẽ khác. Nhửng dẫn chứng của bạn, cũng như những người nước ngoài nào đó bạn cho là "well-known" với những evidents mà bạn coi là conclusive, có cái nào "conclusive" đâu.

A conclusive evident is an evident that leads to no debate at all among scholars. The earth is indeed round, not some kind of square box, is a statement with "conclusive evident".

By the way, if you fully understand the history of China, there is no "Han languge". Chử Hán, tiếng Hán are just the references of of today Chinese to all of their ancient Chinese people. Triều Châu , Phúc Kiến, Quảng, Hẹ, Hải Nam, Quan Thoại are the main spoken languages along with hundreds of other minor languages exists and used in China till nowadays. Nowadays, Chinese reference themselves as either "nguời Hoa" or "người Đuờng" and reference their ancient ancestors as a whole as "ngưòi Hán".
Dieumi
03-09-2004, 02:43 PM
Cho dù bạn có dẫn chứng (reference) bao nhiêu cũng vậy. Cái vấn đề là bạn dẫn chứng một cách chủ quan. Bạn có thấy vấn đề ở đây không? Mình là ngưỏi VietNam thì mình dẫn chứng VN là cái nôi của toàn Châu Á
Anh không đọc kĩ rồi ... Tôi ĐÃ NÓI tôi sẽ dẫn chứng bằng tài liệu nghiên cứu của những Học giả người Ngoại Quốc chứ không phải người Việt ...
Xin Anh đọc bài viết :
New Light On A Forgotten Past By Wilhelm G. Solheim II, Ph.D. Professor Of Anthropology, University Of Hawaii (http://www.vhvietnam.com/vanhoa/drum.htm) thì tự động Anh sẽ rõ ... Trung Hoa không phải là cái rốn của văn hóa ướt .... họ chỉ nhận vơ thôi .... :D ...

Và ... rất có thể là Anh vẫn chưa chịu ... vì TL ...
xin Anh cứ tiếp tục nêu ra những gì anh không đồng ý ... mình thảo luận tiếp ...
NguoiTriAm
03-09-2004, 03:02 PM
Anh không đọc kĩ rồi ... Tôi ĐÃ NÓI tôi sẽ dẫn chứng bằng tài liệu nghiên cứu của những Học giả người Ngoại Quốc chứ không phải người Việt ...
Xin Anh đọc bài viết :
New Light On A Forgotten Past By Wilhelm G. Solheim II, Ph.D. Professor Of Anthropology, University Of Hawaii (http://www.vhvietnam.com/vanhoa/drum.htm) thì tự động Anh sẽ rõ ... Trung Hoa không phải là cái rốn của văn hóa ướt .... họ chỉ nhận vơ thôi .... :D ...

Và ... rất có thể là Anh vẫn chưa chịu ... vì TL ...
xin Anh cứ tiếp tục nêu ra những gì anh không đồng ý ... mình thảo luận tiếp ...

Không lẽ chỉ bằng vào những gì Wilhelm G. Solheim II gì đó nói, thì NTA sẽ phán là Trung Hoa hoặc Thái Lan là cái nôi hoặc không phải là cái nôi của văn hóa ươt? NTA không phải là lịch sử gia, hoặc khảo cổ học để mà đủ tư cách cho là Thai Lan hoăc Trung Hoa là cái nôi hay không phải là cái nôi của văn hóa ưót. Bạn có nghỉ đến là Trung Hoa, Thái Lan hoặc những nươc Châu Á khác họ cũng có những references của họ không? Cho nên NTA chỉ dùng cái khách quan để nhìn vào cái vấn đề này thôi.
Dieumi
03-09-2004, 03:40 PM
Không lẽ chỉ bằng vào nhửng gì Wilhelm G. Solheim II gì đó nói, thì NTA sẽ phán là Trung Hoa hoặc Thái Lan là cái nôi hoặc không phải là cái nôi của văn hóa ươt? NTA không phài là lịch sử gia, hoặc khảo cổ học để mà đủ tư cách cho là Thai Lan hoăc Trung Hoa là cái nôi hay không phải là cái nôi của văn hóa ưót. Bạn có nghỉ đến là Trung Hoa, Thái Lan họ cũng có những references của họ không? Cho nên NTA chỉ dùng cái khách quan để nhìn vào cái vấn đề này thôi.

Anh nên biết một điều là Prof. W.G Solheim là người Mỹ .. và là Học Trò của Prof. Sauer ..

Prof. Sauer Cũng là người Mỹ và được coi là nhà nhân chủng học lớn nhất trong thế kỉ 20 ...

Sauer đã có những Theories về ĐNÁ mà mãi đến nay người ta MỚI thấy là đúng ( sau khi đã tìm thấy các hiện vật khảo cổ ở VN và Thái Lan )

Hiên nay Prof. Solheim còn có nhiều proposal táo bạo hơn nữa ... "Văn Hoá Đông Sơn" còn tiến về Âu châu và Phi Châu nữa ... vẫn chưa có ai bẻ được ông ta ...

Sách của SAUER là standard TEXTBOOKS được dùng để giảng dạy trong các trường đại học ở Mỹ .. và trên nhiều quốc gia khác ...

Như vậy ...Các trường Đại Học ở Mỹ và các quốc gia khác dĩ nhiên là phải biết đâu là sự thật khi dùng sách của Sauer để giảng dạy .. - Họ đã làm một cuộc cách mạng mà hàng ngàn năm nay ai cũng nghĩ là cái gì ở ĐNÁ cũng từ Tầu mà ra .... Té ra là không phải vậy .... Tầu chỉ nhận đại thế thôi ... ai muốn cãi thì phải chứng minh ...

Một khi mà người ta đã học thuộc lòng là cái gì cũng là của Trung Hoa ... lâu ngày ngấm dần đến xương đến tủy ... thì ai mà nói gì mà thiếu chứng minh cụ thể .... thì chỉ có chết ...
50 năm trước đây SAUER & VIVOLOV đã có đề xuất theory ĐNÁ ... nhưng lúc chưa có đủ minh chứng ... và kết quá là ... chẳng có ma nào tin cả ...
NAY nhờ có những khám phá mới trong khi khai quật các vật Khảo cổ ... Người ta mới nghiệm thấy SAUER's theory là đúng và chính thức công nhân theory này ...

Từ đó cho đến nay các Học Giả Trung Hoa không tiếp tục claim là văn hoá Ướt của họ "CỔ nhất" nữa ... tuy nhiên họ lại claim 1 cách khác là văn hoá Ướt của họ " Văn Minh nhất" ... vấn đề này vẫn còn đang được bàn cãi ... và lại một lần nữa họ lại bị lung lay vì những phát hiện dồn dập tại VN (sẽ tiếp sau)

Misinformation :Có nhiều người không biết vấn đề này ...cho nên vẫn có nhũng cái sites vẫn viết là của Tầu ( họ chỉ copy của các site khác và bỏ vào site của họ mà không chịu tra cứu đến nơi đến chốn ... nên thành thử nhiều người vẫn bị misinformed ) ...

Vậy đến đây mình đồng ý với nhau là ... là Văn hóa Ướt CỔ NHẤT là không phải của Tầu rồi nha ...

Còn là của Ai ?? ...thì Dieumi xin bàn lại vào post kế tiếp ...
Dieumi
03-09-2004, 03:53 PM
Sau đây là một số key papers và Books đề cập đến hoặc công nhận SAUER's theory ...

Arcticles:
A1. Kent Flannnery, "The origins of agriculture," Annual Reviews of Anthropology 2:271-310 (1973)
A2. Charles Heiser, Jr.,(Prof.Ph.D) "Origins of some cultivated New World plants," Annual Reviews of Ecology and Systematics 10:309-26(1979)
A3. Mark Blumler and Roger Byrne, "The ecological genetics of domestication and the origins of agriculture," Current Anthropology 32:23-54 (1991);
A4. New Light On A Forgotten Past By Wilhelm G. Solheim Ii, Ph.D.

Textbooks: Thosse are used to teach in different US-Universities and around the globes --they are truly GERMS not non-sense books.

B1. Wesley Cowan and Patty Jo Watson, eds., The Origins of Agriculture (Washington, D.C.: Smithonian Institution Press,1992)
B2. David Harris and Gordon Hillman, eds., Foraging and Farming: The Evolution of Plant Exploitation (London: Unwin Hyman,1989)
B3. C.Barigozzi, ed.,(Prof.Ph.D) The Origin and Domestication of Cultivated Plants (Amsterdam: Elsevier,1986
B4. Jack Harlan,(Prof.Ph.D) Crops and Man, 2nd.ed. (Madison, Wis.: American Society of Agronomy,1992)
B5. Richard MacNeish,(Prof.Ph.D) The Origins of Agriculture and Settled Life (Norman:Universityof Oklahoma Press,1992)
B6. David Rindos,(Prof.Ph.D) The Origins of Agriculture: An Evolutionary Perspective (San Diego: Academic Perss,1984)
B7. Bruce Smith,(Prof.Ph.D) The Emergence of Agriculture (New York: Scientific American Library,1995

B8. Keith Weller Taylor ;Prof. Ph.D;The Birth of Vietnam, california university of press,1991 -- "Vietnamese history prior to the tenth century has often been treated as a branch of Chinese history, but the Vietnamese side of the story can no longer be ignored " In this Book (volume ed.) Keith Taylor draws on both Chinese and Vietnamese sources to provide a balanced view of the early history of Vietnam." ...

B8. Sauer, C.O.,(Prof.Ph.D) "Agricultural Origins and Dispersals".Bowman Memorial Lectures series American Geographical Society publication , 1952 New York ,
Prof.Sauer đã viết "Tôi (Sauer) đã chứng minh Đông-Nam-Á là cái nôi của nền nông nghiệp xưa nhất. Và tôi cũng chứng minh rằng văn-hóa nông nghiệp có nguồn gốc gắn liền với đánh cá bằng lưới ở xứ này. Tôi cũng chứng minh rằng những động vật gia súc xưa nhất bắt nguồn từ Đông-Nam-Á, và đây là trung tâm quan trọng của thế-giới về kỹ thuật trồng trọt và cải biến cây cối bằng cách tái sinh sản thực vật ". Trước đây người ta vẫn ca tụng địa điểm văn-minh tân thạch khí ở vùng Tây-Á , Tiểu-Á , v.v. và cho rằng đây là một xứ nông-nghiệp xưa nhất thế-giới. Vì đã có những niên đại C14 lên đến thiên niên kỷ thứ VI, thứ VII. Việc phát hiện ra nền nông-nghiệp tại Hòa-Bình (Vietnam ) cách đây trên 10.000 năm đã làm cho thế giới rung chuyển, chao động......""

More about Prof.SAUER ...Anh có thể vào COLORADO UNIV (http://www.colorado.edu/geography/giw/sauer-co/sauer-co.html) hoặc ...BERKELEY UNIV (http://geography.berkeley.edu/PeopleHistory/History/60YrsGeog/Sauer,%20Carl%20O.html) .. để tham khảo ...
NguoiTriAm
03-09-2004, 04:14 PM
First, just for clarification:
Chủ kiến (someone's own opinion) = ý kiến của chính mính
Chù quan (subjective feeling) = là sự quan sát một vấn đề một cách thiên vị (thiên về mình).

Hai từ này khác xa lắm.

OK, trở lại vấn đề, bạn vẩn không hiểu NTA muốn nòi gì rồi. Vấn đề đây không phải bà là Nguyen Thi Thanh chủ quan hoặc ông nước ngoài nào đó là khách quan khi nhìn vảo vấn đề này. Cái vần đề là ở chổ bạn là chủ quan, ngưởi Trung Hoa, Thái Lan, Nhật....là chủ quan thì bạn cũng như họ sẽ quote, reference một cách chủ quan để bác bỏ cái này bác bỏ cái kia, chứng minh quốc gia này là cái nôi quốc gia kia không phài là cái nôi. Khi mình chủ quan thi mình sẽ có những gì thiên về cái mính cho là đúng. Chắc có lẽ bạn chủ quan quá nên không biết bạn thiếu sót hay hấp tấp kết luân quá sớm:

1. Prof. W.G Solheim lả học tró của ông Sauer gí đó, chứ đâu phải là ông Sauer.

2. Ông Sauer gí đó đã có những Theories về ĐNÁ mà mãi đến nay người ta MỚI thấy là đúng ( sau khi đã tìm thấy các hiện vật khảo cổ ở VN và Thái Lan ). Cái náy không phải là "conclusive statement" back up by "conclusive evidents".

3. SAUER là standard TEXTBOOKS không chứng minh hoặc có nghĩa là được dùng để giảng dạy trong các trường đại học ở Mỹ .. và trên nhiều quốc gia khác ...và cũng không chứng minh được là các trường Đại Học ởi Mỹ và các quốc gia khác dĩ nhiên là phải biết đâu là sự thật khi dùng sách của Sauer để giảng dạy.
Dieumi
03-09-2004, 04:19 PM
Cám ơn đã chỉnh từ "chủ kiến" mà Dieumi không xài đúng chỗ ...Sẽ đi sửa lại ngay ...


OK, trở lại vấn đề, bạn vẩn không hiểu NTA muốn nòi gì rồi. Vấn đề đây không phải bà là Nguyen Thi Thanh chủ quan hoặc ông nước ngoài nào đó là khách quan khi nhìn vảo vấn đề này.
Cái vấn đề ở đây là Anh và Dieumi phải công nhận là :
a) Theory ĐNÁ của Prof. Sauer là đúng ( đã chứng minh sau khi các cổ vật của Đông sơn đã kiế?m định với C14)
b) Các dẫn chứng của Prof.Solheim là đúng ( ông đã dùng những những vật cổ mà tiến-sĩ-sinh của ông đã tìm thấy ở ĐNÁ )


Cái vần đề là ở chổ bạn là chủ quan, ngưởi Trung Hoa, Thái Lan, Nhật....là chủ quan thì bạn cũng như họ sẽ quote, reference một cách chủ quan để bác bỏ cái này bác bỏ cái kia, chứng minh quốc gia này là cái nôi quốc gia kia không phài là cái nôi. Khi mình chủ quan thi mình sẽ có những gì thiên về cái mính cho là đúng.
- Cái quan trọng ở đây là hai điểm A & B bên trên là đúng ....
- còn chuyện Dieumi có chủ quan hay không thì không thành vấn đề ... có thể Dieumi có chủ quan thật ... rõ rành rành như vậy thì .. không sao được ??? ...


Chắc có lẽ bạn chủ quan quá nên không biết bạn thiếu sót hay hấp tấp kết luân quá sớm:
1. Prof. W.G Solheim lả học tró của ông Sauer gí đó, chứ đâu phải là ông Sauer.
Ủa? ... Anh lại đọc không kĩ nữa rồi ... Dieumi cũng viết là Solheim là học trò cúa Sauer mà ....(Prof. SAUER đã chếT 1975 ... trong khi Solheim vẫn còn sống)


2. Ông Sauer gí đó đã có những Theories về ĐNÁ mà mãi đến nay người ta MỚI thấy là đúng ( sau khi đã tìm thấy các hiện vật khảo cổ ở VN và Thái Lan ). Cái náy không phải là "conclusive statement" back up by "conclusive evidents".
Anh đòi tuyệt đối quá ....
Xưa Nguyễn trường Tộ tâu với vua là bên Tây đèn treo ngược (đèn điện) ... Vua đâu có tin ... nhưng bây giờ thì chúng ta tin ... vì đèn treo ngược là có thật ...


3. Sách SAUER là standard TEXTBOOKS không chứng minh hoặc có nghĩa là được dùng để giảng dạy trong các trường đại học ở Mỹ .. và trên nhiều quốc gia khác ...và cũng không chứng minh được là các trường Đại Học ởi Mỹ và các quốc gia khác dĩ nhiên là phải biết đâu là sự thật khi dùng sách của Sauer để giảng dạy.
Anh nói như vậy là sao ??? Dieumi không hiểu ???
Những tiên đoán của Sauer đã được chứng minh qua việc định tuổi các cổ vật bằng C14 ... thì vậy là chứng minh rồi chớ còn gì nữa ....

Bạn Dieumi nói thật là có 200g Vàng trong nhà ...
Dieumi nói là Má Dieumi có " Nhiều hơn" trong tủ sắt ... không ai tin cả vì Dieumi không có chia khoá để mở ...
Đến khi Má về .. mở cho coi thì mọi người nhìn thấy là có tới 1500g lận ... và 1500g thì chắc chắn phải nhiều hơn 200g ...

Như vậy mọi người phải tin Dieumi nói "Nhiều hơn " là đúng chớ ...

Chẳng lẽ ...
NguoiTriAm
03-09-2004, 05:13 PM
Không phải NTA đọc không kĩ mà là bạn không hiểu NTA nói gì. NTA nói là "Prof. W.G Solheim lả học trò của ông Sauer gí đó, chứ đâu phải là ông Sauer" để nêu lên tại sao bạn reference bài của ông W.G Solheim một cách chủ quan rối gắn liền ông W.G Solheim gì đó với ông Sauer để chứng minh bài của ông Soheim cũng có giá trị.

Nói chung nếu mà nói đến cái vấn đề nguồn gốc con người và hoặc môt chủng tộc nếu không có "conclusive" evidents thì nó cứ đi vòng vòng hoài vì ai củng có cái references, cái lý của họ. Vấn đề tin vào cái thuyết nào thì coi bạn là người nước nào.
lost-dude
03-09-2004, 05:14 PM
Man, I was typing a really long respond, but accidently hit some keys that sent me back to the previous page and I lost everything. Ahhhhhhhh! Ok, NTA, I get your point, but you can't just say, "I don't agree." Obviously, everybody can go in here and say that; because that statement isn't so "conclusive," isn't it? If you say what Dieumi presented is partial, prove that. Dieumi's presentations used proven facts to make the claims, why don't you use proven facts that defend your view? "Just because" isn't a conclusive statement, base on your definition. Don't agree with her, prove that she's wrong, that's all you need.


At first, Europeans drawn the conclusion that everything in SEA is a byproduct of India or China;thus the name Indochina is used to prefer to SEA. I bet you wouldn't agree that it's conclusive. It is like saying only languages effect people and people DO NOT effect languages. Culture is a two way street. If you hit someone, don't expect that you lose no energy. It's a universial law. If two species interact, a relationship is drawn. How much did India and China effect SEA is the question. That question is also followed by, what was the magnitude that SEA effected China and India. Look at how China always yapping about their "4,000 years of uninterrupted civilization." If I'm not wrong, Chinese once called their fathers "a-ma". Don't tell me that after a quarter of a millenium ruling China, the Manchurians had absolutely no impact whatsoever on the Chinese culture. That would just be B.S.

Let me take you through another paradigm. Several decades ago, Americans sold steel to the Japanese; and the Japanese used that steel to manufacture cars, which in turn were sold to American consumers. But when looking at a Toyota, Americans don't say, "Look at this babe, she's my steel." What people see is a "Japanese car". But is that car all Japanese? :)

Let's take another view: You might not like Ngô Đình Diệm, but he was a good leader, if not a great one. Under 9 years of his presidency, literacy rate tripled. Factories, industries... were created and people become more prosperous. [If you want to argue about Buddhism and stuff under his administration, we'll talk about that later; for the sake of this argument.] But then, Americans wanted to send troops over. NĐD opposed, because when a regular Vietnamese sees a white person, he's prepared to do some a$$ kicking after what the French did to our people. Plus, it was an internal affair, Americans had no business fighting it. JFK pressured to send troops in, and NĐD responded with "over my dead body". And BANG! He's dead. But that's not what you read or learnt in a typical American history classroom.


 You learn about how corrupted and oppressive he was. Why? Because Americans say that to cover their behind. Imagine a Vietnamese comes to the U.S. and use American sources to write the history of Vietnam War. You can imagine how off he would be. Vietnam didn't have history until the Tran dynasty. The first historians used Chinese books as their primary sources. And the Chinese called us barbarians. If you're a European reading about them, you'd day, Chinese is so great and Vietnamese is a pile of she-it. We were brain-washed under the 1,000 years of Chinese occupation. Using archeaology, anthropology, linguistics, DNA/heredity, we're trying to find the missing pages of Vietnam history. It's different from what we've learnt, so learn to learn it. If you learn about bà Triệu, they described that she has two yard long breasts. Put that image in your head and what do you see? A monsterous, sub-humano barbarian. The Chinese describes our leader as a hellish individual. Họ đạp mình xuống để nâng họ lên. Sử gia mình thật ngu xuẩn khi chỉ đi chép lại những gì Tàu ghi. Dân tộc mình thật là dạy thì khi chỉ biết accept what's being written.

Let me post this before I do something stupid again.
lost-dude
03-09-2004, 05:17 PM
Nói chung nếu mà nói đến cái vấn đề nguồn gốc con người và hoặc môt chủng tộc nếu không có "conclusive" evidents thì nó cứ đi vòng vòng hoài vì ai củng có cái references, cái lý của họ.
Phủ nhận hay chấp nhận phải có lý lẽ riêng chớ. NTA đi vòng vòng hoài mà không đưa cái gì để prove hoặc disprove thì người ta biết bạn nhìn vào đâu để mà biện minh hay chấp nhận? You presented nothing solid.
lost-dude
03-09-2004, 05:33 PM
If you go to Beijing and hear a little Chinese boy says, "Wo xiang yi ge gege gele." What language you think he's speaking? Perhaps you would say Chinese. You're right but also wrong. He's only speaking partially Chinese. What he's saying is, "I want a Coca Cola." If you live in the U.S. like me, we call it "Coke". Whenever you think of the drink, you think of "coke" and now you hear "gege gele", you would never suspect that he's using English-Chinese. Let's say that the English speakers get brain-washed. And they are ruled by Chinese. The Chinese then tell Americans to call it "Gege gele." In that case there's no way an American would know that he's speaking English. I raised the question: "Why our founders had Chinese names?" They answer is, they aren't Chinese. The Chinese people transliterated it from Vietnamese and then we transliterated it from Chinese; like the example of Coke. Like Dr. Vọng's example, Tế-sạ --> Tiết --> Tết.

The problem is, these stuff are abstract. If you're not theorectical, we should be discussing something else. :) Because the only way that would make you believe is to turn back time.
NguoiTriAm
03-09-2004, 05:43 PM
lost-dude,

Read the posts again, from the beginning I did not prove, accept or present anythings. All that I'm trying to say is if without "conclusive" evidents, don't jump into conclusion with subjective feeling. Another thing is I did not try to prove anyone is wrong or anthing because it's just going back and forth. What is the point of proving something that somone already has a subjective feeling toward? Do I need to prove that your hair looks cooler than mine? If you understand what I'm talking about.
Dieumi
03-09-2004, 06:06 PM
Có lẽ Anh muốn nói là :???
Vì Solheim là học trò của Sauer ... nên Sauer nói ... thì Solheim cũng "chủ quan" mà support Sauer luôn ...
Có đúng vậy không ạ .. xin anh trả lời cho Dieumi rõ ...

Nếu đúng như vậy .. để tránh "chủ quan" là VN binh VN ...Thì Dieumi sẽ minh chứng bằng các tài liệu nghiền cứu về Cổ nhân học, Nhân chủng Học, Khảo cổ học, Di truyền học v.v. hoàn toàn của các Bác học nguời Ngoại quốc và Bác học người Trung Quốc cho công bình hơn .....

Dieumi có chuyện phải đi .....mai sẽ tiếp ..

À ... anh chưa trả lời hết mấy cái câu hỏi mà Dieumi đã hỏi Anh ... Nhớ trả lời nha ...

Điều quan trọng là mình thảo luận với nhau trong tinh thần xây dựng ... Dieumi không có giân gì Anh đâu ... nhưng những gì Anh phán .. Dieumi không chịu ... nên phải cãi thế thôi ... mong Anh hiểu và không giận ...

=========================================================
Văn hóa Ướt - niềm Hãnh Diện

Thêm một vài nhận định của GS Vũ thế Ngọc ( Viện Việt Học)

Nhưng ruộng nước là ruộng gì? Có gì đặc biệt ở đó? Phải nên biết Hán tộc bắc phương, đất tổ là phía bắc Hoàng Hà chỉ biết trồng lúa mì (ruộng khô). Phương nam mới là nơi trưởng sinh ra phương pháp trồng lúa gạo (ruộng nước).

Muốn trồng được lúa gạo, con người phải đạt được trình độ văn minh cao hơn hết thẩy so với các hoạt động kinh tế nông nghiệp khác, vì họ phải biết tính toán được chu kỳ thiên văn, điều thủy .... bên cạnh các kỹ thuật như làm ra được lưỡi cầy và thuần phục được trâu (là giống vật duy nhất để cấy được ruộng nước, vốn là một con thú hoang dữ tợn và to lớn) v.v....


Vì vậy dân tộc đầu tiên làm chủ được ruộng nước, ắt phải kiêu hãnh lắm (so với tình trạng thời đó, thì còn hơn là các nước Âu châu trong thời gian "cách mạng kinh tế" của thế kỷ 19 nhiều). Thế mà dân Lạc Việt lại là dân tộc đầu tiên trên thế giới biết đến nó, cuộc khai quật của Wilheim G. Solheim, thuộc đại học Hawaii lại cho thấy sau khi thử phóng xa C-14, mẫu lúa của người Hòa Bình, cho niên đại là khoảng 3500 trước Tây Lịch, sớm hơn ở Ấn Độ và Trung Quốc khoảng 1000 năm, nơi mà người ta vẫn cho là quê hương của loại lúa trồng này . Solheim còn tin là nếu tiếp tục tìm kiếm người ta có thể tìm được mẫu lúa, chứng tỏ là người Lạc Việt đã biết trồng lúa hơn bốn ngàn năm trước Tây lịch . Cũng nên nhắc ở đây là qua các cuộc đào tìm này người ta đã minh chứng một số chứng liệu cụ thể khác như nền văn hóa Hòa Bình biết đến kim loại sớm nhất thế giới, biết làm đồ gốm sớm nhất thế giới .... . Nhà địa chất học Hoa Kỳ Carl Sauer từ năm 1952 cũng đã đặt giả thuyết chính người Hòa Bình biết đến nông nghiệp sớm hơn hết, giả thuyết này cho đến năm 1966 thì được các giáo sư của các đại học Otago (Tân Tây Lan), Hawaii (Hoa Kỳ) chứng minh bằng các mẫu đậu với niên đại cho bởi phóng xạ C-14 là 10 ngàn năm trước Tây lịch . Cuối cùng Solheim đặt giả thuyết nền văn hóa Hòa Bình, ở Bắc Việt Nam có thể đã là gốc mẹ của nền văn hóa Lưỡng Thiều Trung Quốc (nơi phát tích ra văn hóa Trung Quốc) .
lost-dude
03-09-2004, 06:26 PM
lost-dude,

Read the posts again, from the beginning I did not prove, accept or present anythings. All that I'm trying to say is if without "conclusive" evidents, don't jump into conclusion with subjective feeling. Another thing is I did not try to prove anyone is wrong or anthing because it's just going back and forth. What is the point of proving something that somone already has a subjective feeling toward? Do I need to prove that your hair looks cooler than mine? If you understand what I'm talking about.
The only way to prove it to you is to go back in time, right? Because it's te only way to be conclusive. Without anything tangible, you will object. The only way to touch is to go back in time. How much proves are needed? How are these proves being disproved by others? What's the point of presenting no substance and demanding substances? Or you're just saying?
NguoiTriAm
03-09-2004, 07:38 PM
lost-dude,

You are all about proving something, disproving something. Please, read the posts again and see do I in anyway try to present some fact, or prove some facts or convince you to belive the fact that you said I'm trying to present? If you understand what I mean by "subjective feeling/opinion" then no, you don't have to go back in time and prove or disprove about your hair cooler than mine, or your shirt looks nicer than mine. Hope you understand the point that I'm trying to say.
lost-dude
03-09-2004, 09:03 PM
NTA,

Those scholars used archeaological facts to prove. Their works, to some degree, are opinionated; but not totally. They are pioneers in this field. No one else has done this from the Vietnamese point of view. Saying that they're subjective, before giving them a chance to prove to you, is kind of unfair. The Chinese has been beaten us down and humiliated us. They called us barbarians while literally burnt our ancestors to get the cooking oil/thắng mỡ. Who's the barbarians? Who's the uncivilized? Who's hidden the truth? Why attack these guys when they're trying to prove that the Chinese are wrong? Why siding with the people that treated us like she-it? This is not about some objectionable statements. The facts speak for themselves. If anybody can make the claim, why disprove our own people? Why forfeit a game when we might have the chance to win? I don't see the point of downsizing our own people with pessimistic approaches. The Japanese might be the largest car manufacturer, but that doesn't necessarily make them the first to manufucture cars. Let the Thai, the Chinese, the Korean present their case. And let our own people do that do that too, don't discourage them.
NguoiTriAm
03-09-2004, 09:36 PM
lost-dude,

I just try to contribute to the discussion from the third person angle (khách quan) by no mean that I try to discourage or downsize anybody, hope you understand. If you think that's what it is, then I stop my discussion right here before it carries too far off the subject.
lost-dude
03-09-2004, 09:59 PM
NTA, it's anybody's discussion mà. I know that you want people to do the "reality checks." But we're not the ones that actually doing the projects/researches ourselves. That's why I thought if we contribute to this discussion from a more optimistic approach, we all will gain more. :)
Dieumi
03-10-2004, 04:12 AM
Xin hai Anh bớt nóng ...
Hãy cùng nhau thảo luận, bổ xung cho nhau ...
và .. Ráng để cho mọi người biết đâu là sự thật ...

Dieumi không bao giờ có ý định hay chủ kiến chủ quan gì với người Tầu đâu ... Nhiều khi tức Tầu lắm .. nhưng trong đám Tầu đó có nhiều Bách Việt bà con ... Nên ... nhiều khi không biết phải chửi làm sao để không bị đụng chạm nữa đây ...

Thật ra vấn đề này cần phải làm rõ ra thế thôi ...
Người Tầu có cả hàng triệu cái sites ... chuyên copy & past qua lại cho nhau .. Thành ra người ngoại quốc đã bị hiểu lầm rồi ngày càng bị hiểu lầm nhiều hơn vì những cái sites vớ-vẩn vô-tội-vạ nhưng misinformation đó ...
=========================================================
TÊN NƯỚC VIỆT-NAM
GS Cao Thế Dung

Tên nước Việt Nam xuất hiện từ cổ thời Dư Ðịa Chí của Nguyễn Trãi, soạn vào khoảng năm 1428-1430, về quốc hiệu nước ta vào đời Hồng Bàng, Nguyễn Trãi viết: "Trong sách chương của Thiên Vương có gọi Việt Nam, Nam Việt, Giao Chỉ, An Nam, Nam Bình, ngày nay cũng xưng là Việt Nam" và "Vua Ðế Minh trao cho Kinh Dương Vương làm Việt Nam Vương" (1).

Tiến sĩ Hồ Tôn Thốc soạn bộ thế chí dưới triều Trần Nghệ Tông (1370-1372) đặt tên là Việt Nam thế chí (2).

Trong thi tập "Trình Tiên Sinh Quốc Ngữ" của Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) mở đầu có câu: "Việt Nam khởi tổ xây nền". Một số văn bia thế kỷ thứ 17, lại khắc tên nước là Việt Nam. Văn bia "Hạ trùm trưởng quan bi ký" ở Bắc Ninh, tạo dựng năm 1649 mở đầu bài minh: "Việt Nam Triệu quốc, Kinh Bắc định vương. Yên Phong Mỹ huyện. Mẫu Xá danh hương" (3). Bia "Thế Tồn bi ký" tạo vào năm 1670 tại Ðồng Ðăng, Lạng Sơn, mở đầu khắc: "Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan. Thạch bích hoàn vụ Uyên quận giới phiên. Ðồng Ðăng linh ấp..." (4). Bia "Hậu thần bi ký", tạo năm 1690 ở Từ Phong, huyện Quế Võ, Bắc Ninh, mở đầu: "Việt Nam cảnh giớị Bắc nhất vi tiên. Từ Sơn mỹ hi. Hữu thị miếu triều" (5).

Bảng nhãn Lê Quí Ðôn (1724-1784) trong bộ Bách Khoa Vân Ðài Loại Ngữ, đã dùng hai chữ Việt Nam trong câu: "Nay xét tục ngữ Việt Nam..." (6).

Ðất nước Việt Nam thuộc về 56 dân tộc anh em. Dân Việt là đại đa số chủ thể, tựa như một cánh quạt mà trung tâm là người Việt với tiếng nói thuộc ngữ hệ Nam Á, một trong những nhóm ngôn ngữ xưa nhất ở Ðông Nam Á. Dân tộc Mường là dân Lạc Việt ở miền núi.

================ REFs ===================
[1]- Dư Ðịa Chí, Ức Trai Tướng Công di tập - dịch và chú giải của Á Nam Trần Tuấn Khải. Văn Hóa số 65-1961, tr. 1249- 1256.
[2]- Gaspardone, Bibliographie Annamite, B.E.F.E.O. T.XXXIV, No 62-1934-tr. 95 - Hồ Tôn Thốc là tác giả bộ Việt Sử Cương Mục.
[3] - Mẫu Xá Yên Phong do Tiến sĩ đệ nhất giáp Nguyễn Thuần soạn, năm Khánh Ðức, nghĩa là: "Việt nam mở nước. Kinh Bắc định ranh giới. Yên Phong là một huyện đẹp. Mẫu Xá tên làng nổi tiếng.'
[4]-Bia Ðồng Ðăng tạo năm Cảnh Trị do Thao quốc công Nguyễn Ðình Lộc soạn, nghĩa là: Cửa ngõ yết hầu của Việt Nam. Trấn giữ quan ải phía Bắc. Vách đá giữa trời đất. Là quận sâu của biên giới. Ấp thiêng xứ Ðồng Ðăng.
[5]Bia Từ Phong, tạo năm Chính Hòa, nghĩa là: Bờ cõi Việt nam. Phía Bắc là đầu tiên. Ðẹp thay Từ Sơn. Có miếu triều này.-- Xem: Phạm Thị Vinh, Tên gọi "Việt Nam" trong bia đá thời Lê Trung Hưng. Tạp chí Hán Nôm, số 4-1994, tr. 37-40.
[6]- Lê Quí Ðôn, Vân Ðài Loại Ngự Nxb Tự Lực 1974, Q. VI, Âm tự loại, tr. 280.

Muốn tìm hiểu thêm chi tiết ... xin đọc bài viết này: <<... CLICK HERE (http://www.vietcyber.net/forums/showpost.php?p=790825&postcount=1) ...>>
Dieumi
03-11-2004, 02:10 PM
CỘI NGUỒN DÂN TỘC

Chữ Việt xuất hiện từ thời nhà Chu (1134-314 trước CN) và Xuân Thu chiến quốc. Sử Ký Tư Mã Thiên chép về người Di Việt từ thời vua Chu Thành Vương (1027-1006 trước CN). Ngoài tên Việt, người Hán đời nhà Chu còn dùng từ Việt chỉ nhiều tộc Việt khác, họ gọi chung là Bách Việt.

Theo Ðào Duy Anh, sách Lộ Sử đời Tống chép rằng: Việt Thường, Lạc Việt, Âu Việt, Âu Khải, Âu nhân, Thả Âu, Cung Nhân, Hải Dương, Mục Thâm, Phù Xác, Cầm Nhân, Thương Ngô, Man Dương, Dương Việt, Quế Quốc, Tây Âu, Quyên Tử, Sản Lý, Hải Quỳ, Tây Khuẩn, Kê Từ, Bộc Cần, Tỷ Ðái, Khu Ngô, gọi là Bách Việt. (16)

Sử ký của Tư Mã Thiên mục "Nam Việt Úy Ðà" viết: "Ðà đem binh uy hiếp ngoài biên, để vơ vét tài vật của cải. Mân Việt, Tây Âu, Lạc Việt đều đầu hàng qui thuộc. Chú thích: Sách Hán thư âm nghĩa viết rằng: Ðó là Lạc Việt vậy" (17).

Căn cứ vào bộ Sử Ký Tư Mã Thiên, hai học giả Pháp cho rằng, tổ tiên của Câu Tiễn, vua nước Việt, thuộc dòng người Yu có tục vẽ mình, cắt tóc và tập quán giống như người Việt phương Nam. Nước Việt này từ thế kỷ V trước Thiên Chúa đã có một lãnh thổ rộng lớn. Năm 472 tr. TC, Việt Vương Câu Tiễn đã mở rộng lãnh thổ về phía Bắc lên đến tận Giang Tô và Sơn Ðông (shandong ... vào thời băng đá người ta có thể đi bộ qua Đại Hàn .. đó là lý do tai sao người Đại hàn có DNA gần người Việt hơn là người Jilin & Liaoning ).

Sau khi Câu Tiễn mất (465 tr. TC), các vua kế vị đã không giữ được bờ cõi cũ. Năm 379 tr. TC, nước Việt chỉ còn phần lãnh thổ ở vùng Chiết Giang cũ và đến năm 333 tr. TC nước Việt hoàn toàn bị nước Sở thôn tính. Từ đó người Việt bị phân tán và di cư về phía nam Ðại Ngũ Lĩnh.

Nước Việt sau những biến cố này bị phân tán, các phe trong hoàng tộc đánh lẫn nhau để tranh quyền. Sau đó mỗi người chiếm một vùng đề làm vua hay làm chúa. Họ chiếm giữ miền duyên hải phía Nam Chiết Giang.

Aurousseau cho rằng từ thế kỷ III tr. TC, có rất nhiều tiểu quốc người Việt thành hình, được gọi chung là Bách Việt. Trong các tiểu quốc Bách Việt, sử sách còn viết đến những nước chính như Ðông Việt (Ôn Châu, Chiết Giang), Mân Việt (Phúc Kiến), Nam Việt (Quảng Ðông, Quảng Tây), Lạc Việt (Bắc Việt Nam ngày nay) (18).

Một số tài liệu căn cứ từ cổ sử và cổ thư Trung Hoa cho rằng, dân Việt có nguồn gốc từ nước Sở (Sở Việt).

[16] - Ðất Nước Việt Nam qua các thời đại. Nxb KH-HN 1964, tr.16 (viết tắt Ðất nước VN)
[17]Nguyên văn: Ðà dĩ binh uy biên tài vật lộ dị, Mân Việt, Tây Âu, Lạc Việt đầu thuộc Yên. Chú: Hán thư âm nghĩa viết: "Lạc Việt dã" - Tư Mã Thiên, Sử ký, Q.113, tr.26.
[18] - Xem: Nguyễn Khắc Ngữ, Nguồn gốc dân tộc Việt Nam-NCSÐ, Montréal 1985, tr.13-19.
lost-dude
03-11-2004, 02:20 PM
Cho hỏi nhỏ: NTA là trai hay gái vậy? Lúc đầu LD nghĩ là gái, nhưng thấy DM gọi bằng anh. Just curious :D
Dieumi
03-11-2004, 02:39 PM
GIẢ THUYẾT SỞ-VIỆT

Cửu ca là nhạc chương tôn giáo của dân tộc Sở đã có trước thời Khuất Nguyên (19), ông chỉ là người sửa lại, bỏ đi những lời quê mùa. Các học giả Hoa Lục, Ðài Loan và Nhật Bản đều nhất trí về ý kiến Cửu ca là của dân tộc nước Sở. Nước Sở thuộc giống Bộc, Lão tức Việt tộc. Vua nước Sở là Hùng Cừ nói: Ta là Man Di không cùng hiệu thụy với Trung Quốc. (20).

Các di chỉ khảo cổ học đã cho thấy, Việt tộc thời Viễn cổ đã có văn tự, trước cả Hoa Hán, nếu không thì cũng cùng thời với Hoa Hán đời Thương-Ân. Nhà khảo cổ Pháp V. Golouchew đã tìm ra dấu tích của một loại văn tự cổ Việt tộc khắc trên các hốc đá ở vùng Chapa (SAPA), Thượng du Bắc Việt (21).

Trung Quốc rất tự hào về Sở từ với Cửu ca và khúc Ly Tao của Khuất Nguyên, coi đó là những áng văn chương trác tuyệt của văn học cổ Trung Quốc nhưng lại là của Việt tộc. Học giả Lăng Thuần Thành, nghiên cứu về trống đồng và Sở từ Cửu ca, đã đi đến kết luận: Cửu ca chính là nhạc chung của dân tộc Bộc Lão (Việt tộc).

Một số tác giả cổ thư Trung Quốc cho rằng Khuất Nguyên sáng tác Cửu ca. Trong Khuất Nguyên Ngoại Truyện của Thẩm Á Chí đời Ðường cho rằng Khuất Nguyên đã từng đi chơi vùng sông Nguyên và sông Tương Lân, ở đó có tục thích cúng tế, làm nhạc ca để vui lòng thần, lời rất quê mùa, ông nhân đó ở lại núi Ngọc Tử để làm Cửu tích tự nước Việt bị diệt năm 333 trước Gia-tô vậy. Sử gọi tên là Lạc Việt về đời Chu, Tây Âu, Tây Âu Lạc hay là Âu Lạc về đời Tần. Tốp này ca (nguyên văn: Khuất Nguyên thường du Nguyên Tương, tục hiếu tự, tất tác nhạc ca dĩ ngu thần, từ thậm ly. Nguyên nhân thê ngọc tử sơn tác cửu ca). Thực ra Khuất Nguyên chỉ sửa lại Cửu ca của người đồng tộc. Khuất Nguyên là người Sở Việt) (22).

Cửu ca là những bài hát dùng trong việc tế tự của dân nước Sở gồm 11 thiên. Mỗi thiên dành cho một vị thần. Thiên sau cùng gọi là lễ hồn, là bài hát tống (tiễn) thần. Ở nước Sở và các nước bị nước Sở thôn tính, đạo đồng bóng rất thịnh hành. Sách cổ Ðiển Học Hân Thưởng, mô tả Cửu ca của nước Sở như sau: Ðồng cốt có nhiệm vụ cầu thân giữa người và thần, khéo múa hát, cho nên đạo đồng bóng đạt đến một trình độ nhất định có thể xúc tiến sự phát triển nghệ thuật. Cửu ca do đó mà sản sinh. Cửu ca đã phản ảnh lòng nhiệt ái về việc sinh sôi nẩy nở và ý muốn trưng cầu hạnh phúc của nước Sở, đồng thời cũng phản ảnh niềm sùng kính của họ đối với những người đã hy sinh cho tổ quốc; lời lẽ thanh tân tú lệ, cảm tình sung mãn chân thật, tuy Khuất Nguyên có góp tài hoa vào đó nhưng nói về việc thành tựu thì nên qui công cho thi sĩ vô danh trong dân gian.

Theo Vương Dật, ghi chú Cửu Biện thì Cửu là số dương, giềng mối của đạo, còn Lễ hồn nói về việc thờ cúng chín thần. Cửu ca cũng là chín vị thần mà dân Sở-Việt thờ cúngđó là: Ðông Hoàng thái nhất, Vân trung quân, Tương Quân, Ðại tư mệnh, Ðông Quân, Hà Bá là dương thần; Tương phu nhân, Thiếu tự mệnh, Sơn quỷ là âm thần (23)

Dân tộc Việt Nam, chủ yếu là Lạc Việt thuộc dòng Bách Việt, vốn là dân bản địa trên đất nước Việt Nam ngày nay. Về phía Nam và Ðông Nam Trung Hoa là khu vực của người Bách Việt, bao gồm Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Ðông, Quảng Tây, miền Bắc Việt Nam cho đến quá đèo Hải Vân miền Trung. Người Việt Nam sống trong vùng này từ thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên (CN). Học giả Pháp Aurousseau cho rằng người Việt Nam ngày nay có liên quan đến nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn ở Chiết Giang (24).

Theo thuyết >> Out-of-Africa << (http://www.vietcyber.net/forums/showpost.php?p=843347&postcount=22) thì người Việt ở châu thổ sông Hồng sau đó mới đi dần lên phía Bắc sau đó đi ngược trở lại ... điều này rất dễ hiểu là người Tầu không thể BAY cái vù từ Ấn độ hay từ Indonesia đến vùng châu thổ sông Hoàng được ... bắt buộc phải lội bộ qua Việt Nam .. Vậy mà họ vẫn không chịu nhận người " man ri " Việt Nam là thuỷ tổ của Họ thì ..???.. Người Việt Không bao giờ chối bỏ nguồn gốc của mình - có thể mình có gốc Ấn độ hay gì gì đó ... nhưng chắc chắn không phải là Tầu .. vì người KHÔ đi đường ngắn (đường rừng băng qua trường sơn) hay người ƯỚT đi đường dài (dọc theo các ven biển ) thì TẤT CẢ Khô, Ướt, Dài hay Ngắn gì gì cũng đều phải lội bộ đến qua VN trước .. (thời đó chưa có máy bay :) ) ... trừ khi người Tầu là ... là .. là .. dân "Bạch Quỷ :D"(dân đông tiến theo đường bằng phía trên của dãy Hy mã lạp sơn (Iran, Turkmenistan, Uzbekistan-Tajikistan-Kirgizstan, Kazakhstan).. đó là những người mắt sâu râu rậm mũi lõ ở các tinh phía Tây trung hoa: Xinjiang, Qinghai, Gansu )

Còn căn cứ theo tài liệu cổ Trung Hoa, học gỉa Pháp Aurousseau cho rằng, người Việt Nam trước ở Trung Hoa rồi mới di cư qua miền Bắc Việt Nam. Nước Sở thuộc giòng Bách Việt, lãnh thổ bao gồm 2 tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam ngày nay, xuất hiện trước thế kỷ thứ XI trước CN. Ðến thế kỷ thứ IX trước CN, một ngành nước Sở di cư về phía Nam, dọc theo sông Dương Tử, định cư ở Chiết giang, thành lập nước Việt (Việt Vương Câu Tiễn) vào thế kỷ thứ VI trước CN. Năm 333 trước CN, nước Sở đánh bại nước Việt, người Việt chạy về phương Nam theo bốn nhóm: Nhóm Ðông Âu hay là Việt Ðông ở miền Ôn Châu (Chiết Giang). Mân Việt ở Phúc Kiến. Nam Việt ở Quảng Ðông, Quảng Tây. Lạc Việt ở phía Nam Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam. Các nhóm kể trên bị Hán hóa, chỉ còn lại nhóm Lạc Việt là tồn tại. Aurousseau cho rằng Người An Nam gốc tự Bách Việt và Lạc Việt (trong Bách Việt). Theo Aurousseau: Ðến như tên Âu thời lại càng làm chứng rõ về chủng tộc người An Nam lắm. Người An Nam về thế kỷ thứ III trưóc Gia Tô với người dân miền Ôn Châu (Chiết Giang) không những cùng là giống Việt, mà lại là cùng một chi trong giống ấy, là chi Âu. Cứ xem như người Việt ở Ôn châu gọi là "Ðông Âu", mà người Việt ở Bắc kỳ, nghĩa là người An Nam, gọi là "Tây Âu" thì đủ rõ, không còn nghi ngờ gì nữa.

Những chúa dẫn các dân Việt di cư xuống miền Nam Quảng Tây và đến tận Bắc kỳ ngày nay về thế kỷ thứ IV và thứ III trước Gia tô là cùng một dòng họ với các vua Việt đến định cư ở Ôn Châu, Phúc Châu và Quảng Ðông vậy.

Vậy thời ta có đủ chứng cớ mà nói quyết rằng người An Nam ngày nay là dòng dõi trực tiếp của người nước Việt bị diệt năm 333, và tiên tổ ngàn xưa, về thế kỷ thứ VI trước Gia tô, đã ở miền tỉnh Triết Giang nước Tàu ngày nay, vào khoảng lưu vực con sông cùng tên ấy.

Aurousseau còn cho rằng, ngoài 3 "tốp" lớn trong Bách việt gọi là Tam Việt, còn có nhiều tốp nữa đồng thời lập nên ở miền Quảng Tây và Bắc kỳ ngày nay. Có một tốp cũng khá to gọi là "Lạc Việt", hay là "Tây Âu Lạc" hay là "Tây Âu", tốp này chính là dân An Nam về thế kỷ thứ IV và thứ III trước Gia tô.
Theo Aurousseau, dân Việt Nam ngày nay là hậu duệ dân nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn:

"Nói tóm lại, nước Việt bị diệt năm 333 rồi thời dân Việt di cư xuống phía Nam, lập thành ra nước chư hầu, có bốn tốp lớn nhất, ở về vùng : 1-Ôn châu Triết giang); 2-Phúc châu (Phúc kiến); 3- Quảng đông; 4- phía Nam Quảng tây và Bắc Kỳ. Bốn tốp đó chắc thành lập từ cuối đời Chu, nghĩa là vào khoảng cuối thế kỷ thứ IV và đầu thế kỷ I I I trước Gia-tô, vì trong sách Trang tử đã nói đến tên Nam Việt, và về đời Chu đã có tên Lạc Việt. Nay ta nghiên cứu kỹ về từng tốp một, sẽ thấy đều là giống Việt cả, và đều là phát chính là gồm các dân An Nam về thế kỷ thứ I I I trước Gia tô, khu vực của các dân ấy ở về đầu thế kỷ thứ III trước Gia-tô thì không thể biết được rõ, nhưng về cuối thế kỷ ấy thì tức là gồm một phần to quận Tượng, tự phía Nam Quảng Tây cho đến tỉnh Quảng Nam (Trung Kỳ) bây giờ" (25).

Aurousseau có một phần đúng. Một số tộc trong dòng Bách Việt gốc Sở và Việt di cư về phương Nam. Nhưng không đúng ở một số điểm, dòng Bách Việt cư trú trên khắp lãnh thổ Hoa Nam ngày nay chứ không phải chỉ có riêng hai nước Sở và Việt. Dân Bách Việt là dân bản địa ở Hoa Nam, trong đó có tộc Lạc Việt. Tộc Lạc Việt cũng là dân bản địa ở miền Bắc Việt Nam ngày nay, chính là chủ nhân ông của các nền văn hóa Sơn Vi, văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn, văn hóa văn minh sông Hồng - Phùng Nguyên - Ðồng Ðậu và Ðông Sơn.

Một số học giả Tây phương như Lm Aucohrt lại ngộ nhận "Người Việt Nam gốc ở Trung Hoạ Năm 334 trước Công Nguyên bị dồn xuống phương Nam". Ðiều này đúng một phần, như tộc Thục Âu Lạc bị dồn xuống phương Nam từ thượng lưu sông Mân giang. Nhưng Lạc Việt là dân bản địa, cương vực trải dài từ phía nam hồ Ðộng Ðình cho đến Cửu Chân, Nhật Nam (Việt Thường). Không thấy tác giả nêu lên biến cố lịch sử nào để lấy năm 334 làm điểm mốc. Ông cho rằng giống Việt ở Trung Hoa biến mất chỉ còn lại giống Việt ở nước Việt nam duy trì được bản sắc riêng (26).

Hai đợt di dân (thụt lùi ) lớn của Việt tộc là cuộc di dân của nước Việt Câu Tiễn về phương Nam và cuộc di dân của nước Sở chạy về phương Ðông, qua tận Nhật Bản và Ðại dương châu và Bắc Việt ngày nay nơi tộc Lạc Việt là dân bản địa đã có mặt ở đây với nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn trước thời Tần Thủy Hoàng khoảng 7-8000năm. Trước hai đợt di cư này, phải kể tới dân Miêu cũng thuộc Việt tộc đã văn minh trước Hoa Hán. Khi Hán tộc biết đến dân Miêu thì thấy giống dân này đã biết làm ruộng, trồng lúa mà ruộng thì có bờ đất chia thành từng miếng vuông y như lối làm ruộng của người Việt Nam ngày nay, vì thế người Tàu viết chữ Miêu có chữ điền (ruộng) và thảo (cỏ). Trong kinh thư có nói rằng đất Kinh và Dương có ruộng nương (27).

Theo Maspéro, người Việt cổ thời bấy giờ không hay di chuyển, lập thành các cộng đồng nhỏ, gồm LÀNG đặt dưới quyền cai trị của Lạc tướng thế tập. Lạc tướng giữ quyền về tôn giáo, dân chính và binh bi Về trình độ văn minh thì đã khá tiến bộ, đã biết cấy lúa một năm hai mùa. Về binh khí họ có những cung lớn độ vài thước cao dùng để bắn những mũi tên tẩm thuốc độc. Họ đã biết đúc đồng để làm đầu mũi tên (28).

================= REFs =================================
[19] - Cửu ca có 11 bài, sao gọi là Cửu ca? Trong Sở Từ Sớ, Lục Thời Ưng cho rằng Quốc thương và Lễ hồn là hai bài không thuộc Cửu ca. Trong Chiêu Minh Văn Tuyển thì chỉ có Cửu ca, không có Quốc Thương và Lễ Hồn. Riêng Quốc Thương là bài hát của người nước Sở dùng để cúng tế những chiến sĩ đã chết vì Tổ Quốc. Ngày xưa chết non (chưa quá 20 tuổi) gọi là thương. Thương trong Quốc Thương chỉ trai tráng đã bỏ mình nơi chiến trường. Quốc Thương thể hiện tinh thần yêu nước và lòng sùng kính của dân Sở đối với anh hùng dân tậc vị quốc vong thân. Các tộc Việt sau này cũng một tinh thần và lòng sùng kính như vậy.
[20] - Tư Mã Thiên Sử ký, Q.40, tr.3b.
[21] - V. Golouchew, Roches gravées dans la région de Chapạ BEFEO, T. XXV, 1925, tr.423-434.
[22] - Về Khuất Nguyên và tác phẩm Ly Tao, tham khảo: Du Quốc Ân, Khuất Nguyên-Hương Cảng Học Lâm Thư Ðiếm xb 1959.
[23]- Xem: Bửu Cầm, "Tương quan giữa hình chạm trên trống đồng Việt tộc và Ðồng quân trong Sở từ". Tập san Sử Ðịa số 25, 1973 tr. 49-80 - Lăng Thuần Thành, Ðồng Cổ văn Sở từ Cửu ca- Quốc lập trung ương nghiên cứu viện. Viện san đệ nhất tập, Ðài Bắc 1954, tr. 402-417.
[24] - L. Aurousseau, La première conquête chinoise des pays annamites (Cuộc chinh phục các xứ An nam lần đầu tiên của Trung Hoa). BEFEO, T.XXII-1923.- Notes sur les origines du peuple annamite (Ghi chép về nguồn gốc dân tộc An Nam) BEFEO-XXIII, 1923, tr.254.
[25] - Léonard Aurousseau, "Khảo về cỗi rễ dân An Nam". Bản dịch của Hồng Nhân Phạm Quỳnh. Nam Phong tạp chí số 84, tháng 6-1924, tr.480 (Bản Pháp văn đã dẫn).
[26] - P. Aucohrt (Lm), "Les Annamites avant la dynastie chinoise des Han". Revue d'Indochine,T.XL,No 9&10, 1930, tr. 229-249.
[27] - Lê Chí Thiệp, Gốc tích dân tộc Viết Nam. Văn Hóa số 39-1959, tr.214-220.
[28] - Xem H. Maspéro: Etudes d'Histoire d'Annam-Le Royaume de Van Lang (nghiên cứu Nam Sử-Vương quốc Văn Lang). BEFEO T. XVIII, No 3, tr. 1-10 - Lê Thanh Khoi: Le Viet Nam-Histoire et Civilisation-Les Editions de Minuit 1955, tr. 82-91.
Dieumi
03-11-2004, 03:06 PM
NGUỒN GỐC CỦA NGƯỜI TẦU ....
Các Bác Học Trung Quốc Công Nhận .. xin đọc tiếp...

Dân tộc Việt Nam có gốc tích lâu đời nhất Ðông Nam Á (ÐNA). Khảo cổ học phát hiện được người vượn ở Bình Gia (Lạng Sơn) và các dụng cụ bằng đá của người nguyên thủy vào thời kỳ đồ đá cũ ở núi Ðọ (Thanh Hóa), có thể khẳng định con người đã có mặt trên đất Việt khoảng trên 30.000 năm trước.

Khảo cổ học cũng đã tìm được những chiếc răng của người hóa thạch vào thời kỳ địa chất Pleistocene cách nay khoảng 300.000 năm. Khảo cổ học cũng đã tìm được di tích của đời sống "bầy" người nguyên thủy ở Sơn Vi (Lâm Thao, Vĩnh Yên), ở Bắc Sơn, Hòa Bình, ở Hang Muối và Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) (7).

Người nguyên thủy ở Việt Nam là chủ nhân ông của nền văn hóa Sơn Vi có tuổi khoảng từ 11 đến 20.000 năm, trải dài từ Lào Cai, Lục Ngạn vào tận Nghệ Tĩnh. Di tích tập trung nhiều nhất ở Sơn Vi (Lâm Thao). Hang Pông (Sơn La, có di chỉ 11915+_ 120 BP (Bln 1352), Hang Con Mong và Mái đá Ông Quyền, với di chỉ: 18390+_ 125 BP (Bln 1855).

Các nhà khảo cổ học Pháp khai quật ở nhiều địa điểm Quảng Bình, Quảng Trị, nhất là ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cho thấy con người nguyên thủy xuất hiện ở đây trước cả 10.000 năm. Niên đại C - 14 ở Long Thạnh, Phú Hòa cho thấy văn hóa Sa Huỳnh phát triển từ đầu thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên. Văn hóa Bầu Tro, Văn hóa vịnh Hạ Long phát triển khoảng 5.000 năm trước đây.

Cho đến nay, ở Ðông Nam Á và ở cực Nam ÐNA vẫn tiếp tục tìm thấy dấu vết xương cốt "những đại diện" rất cổ của loài người. Những gì phát hiện ở ÐNA nói chung cũng tìm thấy ở Việt Nam. Giữa miền cực nam ÐNA và Trung Quốc, Việt Nam lại là một cầu nối, một khu vực đệm (8). Ðối với vùng ÐNA, Việt Nam là biên giới, là điểm tận cùng. Ở vào vị trí ấy nếu nói rằng Việt Nam là "thiên đường" của một số ngành khoa học (trong đó có Cổ Nhân Học) cũng là rất đúng (9).

Những khám phá mới nhất của nhà bác học Trung Quốc J.Y. Chu và 13 đồng nghiệp của ông bằng Di Truyền Học DNA, khẳng định rằng nguồn gốc của người Trung Hoa và người Á Ðông (Korea, Japon,Taiwan ..) là do giống người Ðông Nam Á đi lên. Những người này có gốc gác từ Phi Châu đã đi đến Ðông Nam Á qua ngả Nam Á (10). ..

Một bộ phận của con người tiền sử (ở Việt Nam hiện nay) đã đi lên hướng Bắc vào địa phận Trung Quốc và đã góp phần dựng nên nền văn hóa cổ đại Trung Hoa. Giáo sư Joseph Needham, tác giả bộ "Khoa học và văn minh ở Trung Quốc" (Science and Civilisation in China) cũng đã khẳng định điều đó ... "Có thể, người Việt đã bao nhiêu thế kỷ chịu ảnh hưởng của văn minh Hán Hoa, đã ăn sâu vào cá tính và có thái độ cho rằng mình thua kém, chỉ thu thập văn minh và văn hóa Trung Quốc và không tin rằng, văn hóa Trung Quốc thật sự đã nhận được sự đóng góp đáng kể từ các dân tộc Bách Việt ở phương Nam" (11).

Kết quả nghiên cứu và khám phá của Tiến sĩ Chu là con người ở Ðông Á do di dân đến từ ÐNA (Sau đó lên Bắc Á và Mỹ) và một phần nhỏ đến tứ Âu và Trung Á ... Tiến sĩ Chu và đồng nghiệp đi đến kết luận (qua phương pháp DNA): "Nguồn gốc con người khởi từ Phi Châu đã cấu tạo nên phần lớn số lượng di truyền của con người ở Ðông Á. Có nhiều cơ sở cho thấy rằng, tổ tiên của những dân cư nói tiếng Altaic bắt nguồn từ nhóm cư dân ở Ðông Á đã đến trước đây từ ÐNA mặc dầu không thể chối cãi là các cư dân tới muộn hơn từ Trung Á và Âu Châu" (12).

Tiếp tục công trình nghiên cứu của nhà bác học Chu, trong năm 1999, Tiến sĩ Li Yin, Ðại học Stanford, California, nghiên cứu vùng di truyền Chromosome ở 21 người, đã khám phá ra là có ít nhất ba đợt di cư dân từ châu Phi thời tiền sử. Ðợt đầu từ Phi châu đến Nam Á và sau đó đến châu Ðại dương (Oceania). Ðợt hai từ Phi châu đến Ðông Nam Á (qua Nam Á) rồi từ đây chia ra hai hướng đi lên Ðông Á và Bắc Mỹ rồi đi xuống châu Ðại dương. Ðợt 3 từ Phi châu đến Tây và Trung Á rồi đi lên Âu châu, Bắc Mỹ và đi xuống nam Ấn Ðộ (13). Trong các đợt di cư ấy, từ Nam Á đến ÐNÁ , lên Trung Hoa và Ðông Á, Việt Nam lại là trung tâm giao lưu, mà văn hóa Hòa Bình (cách đây 10.000 năm) là tầng cao, tỏa rộng lên đến Hoa Nam, Thái Lan, Lào, Miến Ðiện.

Với những phát hiện của nhà khảo cổ Pháp Colani, con người đã có mặt ở đảo Cát Bà trên 5.000 năm , là thời khảo cổ cho thấy, lúc Cát Bà chưa tách ra khỏi đất liền, mảnh đất đó đã từng là nơi tụ cư đông đúc của con người. Ðến nay, đã phát hiện được trên mười di chỉ thuộc thời kỳ trước đảo này, chú ý đều là di chỉ hang động. Vết tích cư trú của lớp người này còn được phát hiện ở huyện Hoành Bồ, huyện Cẩm Phả (Quảng Ninh). Cũng như người Bắc Sơn trước đó, tích tụ trong tầng văn hóa ở các hang động này đều có nguồn gốc lục địa. Di vật của con người thời này còn để lại, chủ yếu là công cụ bằng đá, bằng xương, đồ dựng và đun nấu bằng gốm. Kết quả phân tích C14 ở di chỉ Cái Bèo là 5645+_115 (1950) (14).

Các nhà địa chất, nhân chủng và khảo cổ học nhất quán cho rằng, Việt Nam là một trong mấy chiếc nôi của loài người. Con người xuất hiện ở nước ta vào loại sớm nhất, vào khoảng trên 10.000 năm. Sơ kỳ đồ đá mới, các nhà khảo cổ đã tìm thấy sọ người thuộc giống Mê la nê giống Pymoide ở làng Cườm, ở Khắc Kiệm, Ða Bút, Phố Bình Gia (15).

================ REFERENCES ==================
[7] - Các nhà địa chất học Fromaget và Saurin tìm được ở Tam Hang và Tam-pa-loi, sát biên giới Việt Lào những chiếc răng và mảnh xương thái dương của những người cổ được cho là thuộc giống sinanthropus, thuộc thời kỳ địa chất pleistocene.
- Xem: J. Fromaget & E. Saurin, "Les récentes découvertes anthropologiques dans les formations préhistoriques de la chaine annamitique. Note présenté au III Congrès des préhistoriens d'Extrême Orient à Singapore-Janvier 1938.
- BSGI, vol. XII, Fasc. 3-HN 1925; VOl. XIV, Fasc. 6, HN 1925; Vol. XIX, Fasc. 3 HN 1932.
- Nguyễn Duy, "Nghiên cứu về những người cổ sống trong thời dại đồng thau ở Thiệu Dương-Thanh Hóa" trong "Một báo cáo về khảo cổ học Việt Nam." Viện khảo cổ học Hà Nội 1966, tr. 329-340.
[8, 9] - Nguyễn Ðình Khoa, Nghiên cứu cổ nhân học ở nước ta - Khảo cổ học số 2-1977, tr. 1-13.
[10, 11]- Cung Ðình Thanh, Nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Tạp chí Tư Tưởng, số 7, tháng 4-2000, tr. 1-8.
- Krings M-al Neanderthal DNA sequences and the origins of modern humans. Cell. Vol. 90-1979 pp 7719-7724.
[12,13] - Nguyễn Ðức Hiệp, Ph.D. Khám phá mới di truyền học về nguồn gốc con người ở Ðông Á (Theo báo cáo khoa học của GS. J.Y.Chu). Tạp chí Tư Tưởng, số 7, tháng 4-2000, tr. 9-13.
- J.Y. Chu (Giáo sư bác học Trung Quốc), Genetic relationship of population in China. The National Academy of Sciences (USA). Vol. 95, No 20, July 1998, vol.95, pp. 1763-1768.
- Li Yin, et al,(Giáo sư bác học Trung Quốc) Distribution of haplotype from a chromosome 21 region distinguishes multiple prehistoric huan migrations. The National Academy of Sciencces (USA) vol.96, 1999, pp. 3796-3800.
[14]- Nguyễn Văn Hảo, Văn hóa Hạ Long ở đảo Cát Bà (Hải Phòng) Khảo cổ học, số 2-1986, tr.13-16.
[15] - Xem: H. Mansuy et M. Colani - La Préhistoire en Indochine (tiền sử ở Ðông Dương)- BSGI Vol.XII, Fasc.3- Hà Nội 1925.- Néolitique inférieure (Bacsonien) et Néothique supérieur dans le Haut Tonkin-Dernières recherches avec description des crânes du gisement de Làng Cườm.
===============================================




- Nếu ta dựa trên Nhân Chủng Học (Out-of-Africa) thì VN có trước ...
- Nếu ta dựa trên Di Truyền Học (DNA) thì VN cũng có trước ...
- Nếu ta dựa trên Khảo Cổ Học thì VN có văn minh trước ...
... người Việt Nam tệ lắm thì cũng phải già (cổ) hơn người Tầu ~500 năm (thời gian đi từ red river delta -> pearl river delta -> Yangtze river delta -> Yellow river delta ) ...
- Nếu ta dựa trên Ngôn Ngữ Học thì VN có ngôn ngữ trước Tầu ( con cháu chưa đẻ ra thì làm sao có tiếng nói )
- Nếu xét trên Âm ngữ thì tiếng Việt và tiếng Tầu gần nhau nhất ... vậy mà ai cũng nói là Việt nam mượn Âm mượn Chữ của Tầu ... ---> nếu đúng như vậy thì có lẽ má tôi đẻ tôi ra bằng NÁCH hay bằng LỖ MŨI :D :D :D :D :D ...

- Còn về chữ viết thì VN cũng đã có khoảng 3000 năm rồi ..... CLICK HERE (http://www.vietcyber.net/forums/attachment.php?attachmentid=15605) ... and ...HERE (http://www.vietcyber.net/forums/attachment.php?attachmentid=15613) ..<- Kiểu chữ cổ này tương tự như những chữ viết trên "Bàn đá chữ trời" ở SAPA ... Vậy ai nói là Lạc Việt không có chữ viết ...??? ...

Còn tai sao phải bỏ chữ đó để theo chữ Hán thì ai cũng biết là tại sao rồi !!!(bị đô hộ mà). Thật ra chữ Viết chỉ là 1 phương tiện để lưu giữ tiếng nói bằng những ký hiệu tượng Hình hay tượng Âm mà thôi ... cho nên dùng mấy con giun Miên, mấy cái cù ngéo Ả rập, chữ Hán hay mẫu tự La Tinh hay cái gì gì đó cũng không thành vấn đề .. Cái quan trong ở đây là Tiếng Nói chứ không phải là Chữ Viết .. có tiếng rồi mới có chữ ... cho nên các cụ xưa chọn chữ Quốc Ngữ để theo chắc cũng có ẩn ý đấy ... dễ cho con cháu sau này ...

Note: BS già Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ .. cũng đã tự lặn lội nghiên cứu về DNA và đã tuyên bố từ lâu rồi ... nhưng nếu dẫn chứng thêm thì không hay - lấy dẫn chứng của Bác học Trung Quốc cho chắc ăn ... hết cãi ...:D ... .. Dieumi nhớ khi Yên Tử Cư Sĩ đăng bài khảo cứu về DNA bi thiên hạ cự nự ầm trời luôn .. vì họ đâu có tin (hàng triệu cuốn sách , hàng triệu cái sites ..., và cứ thế mà học từ chương cho nên bị Misinformed ) ... Giờ đây thì chính các Bác Học Tầu cũng đã công nhận ... thì cái vụ tranh cãi coi như đã yên ..
Nên nhớ là từ sau khi Solheim (1966) đã dùng Khảo cổ Học chứng minh lý thuyết ĐNÁ của SAUER là đúng .... thì các Học Giả thứ Nặng Ký Tầu không tranh cãi là ai "ƯỚT Trước" nữa ...
Nhưng Họ lại claim 1 cách khác là họ bảo họ "ƯỚT Hơn" (Văn Minh hơn, tuyệt vời và thiện nghệ hơn ) ... cái này vẫn còn đang trong bàn cãi ... chưa chắc là ai ƯỚT HƠN ...:D ... vì tuyệt đỉnh của nghệ thuật của Ướt là văn hóa Đông Sơn ... mà những trống đồng Cổ nhất và Mỹ thuật nhất lại tìm thấy ở Đông Sơn (VN) .... Tại sao Đông Sơn quan trọng thế :D ?? .. (sẽ post sau ..)
lost-dude
03-11-2004, 03:35 PM
nếu đúng như vậy thì có lẽ mẹ tôi đẻ tôi ra bằng NÁCH hay bằng LỖ MŨI
LD ở bụi tre ra nè :D

Việt Câu Tiễn là trong nhóm Bách Việt, đâu hẳn là người Việt Nam; LD không thấy connection nào cả :)
Dieumi
03-11-2004, 04:17 PM
LD ở bụi tre ra nè :D :) ---> vậy Anh là PANDA-bear :D ...

Dân tộc Việt Nam, chủ yếu là Lạc Việt, vốn là dân bản địa trên đất nước Việt Nam ngày nay .... sau đó có những nhóm Lạc Việt thuộc thế hệ sau rời bỏ Red-river-delta đi lên phía bắc ( Pearl river delta, Yangtze , Yellow river delta) để trở thành cách Bách Việt khác ở phía Nam và Ðông Nam Trung Hoa bao gồm Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Ðông, Quảng Tây ...v.v.. đến mãi tận Sơn Đông .. rồi đi xa hơn nữa dọc theo duyên hải ... rồi qua vùng biển cạn (Beringia land bridge) .. mãi tận phía bắc ... và America bị chinh phục ..


Aurousseau cho rằng người Việt Nam ngày nay có liên quan đến nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn ở Chiết Giang
Cái này chỉ là để cho rộng đường dư luận mà thôi ... Lúc đó (1923)chưa có các khám phá về Nhân Chủng Học(1998) và Di Truyền Học (1999) 1 cách rõ ràng và có cơ sở khoa học như ngày hôm nay ... Nhưng ông ta cũng đã nhận thấy có 1 sự liên hệ giữa Lạc Việt và các dân tộc tận mãi sâu trong lục địa Trung Hoa ... nên Aurousseau đã phỏng đoán là có sự tương quan như vậy ....

Người Việt mình không hề bao giờ ghét người Tầu (nhiều khi đùa cái này cái nọ cho vui thế thôi chứ không hề có thâm ý ) ... có lẽ vì "nước mắt chảy xuôi " chăng ??? .... Tức 1 cái là Họ lại cứ nói mình là "man ri" ... trong khi ...

... mà thôi ..." Never cut what can be untied " ... Nghĩ mà cũng buồn ...

Thôi Dieumi stop đây ...

vẫn còn 1 số tài liệu lảm nhảm nữa ... sẽ post tiếp tục sau ...
lost-dude
03-11-2004, 04:40 PM
Posted ben Khao Co roi nhưng post lại bên đây too


http://www.bvom.com/resource/Images/vnhistory/Pre_history/congcutiensu.jpg

Neolithic and Paleolithic

Vietnam is located in Southeast Asia, where the early appearance of anthropoids has been in many places.

In August 1965, in a cave in the area of Tan Van village, Lang Son province, the discovery was made of remains of two anthropoids closely related to Sinanthropus. These remains are still being studied, but the date of their appearance may be put, according to preliminary estimates, at the Middle Pleistocene, about half a million years ago.

The first trace of a real human industry were found in November 1960, on Mount Do in Thanh Hoa province. On a site 20-30 meters above the level of the surrounding rice fields were found thousands of stone splinters from cutters and scrapers. Among these were almond shaped hand-axes, carefully smoothed on both faces and typical of the Chellean period. The existence of a Earlier Paleolithic in Vietnam was thus confirmed.

In many caves in Yen Bai, Ninh Binh and Quang Binh provinces, where bones from post- Pleistocene fauna have been unearthed, teeth and jaw-bones from Homo sapiens have also been discovered. And so man had thus continued to exist over a long period, gradually improving his tools, albeit very slowly.

Towards the end of the Paleolithic, the Red River delta had not yet completely silted up. Man had settled in the limestone hills bordering the plains, in spacious habitable caves located near rivers and forests where fish and game abounded. Tools were made from pebbles found in the streams. In Hoa Binh and Bac Son, centers of Stone Age culture have been discovered in caves with the remains of tools, utensils and hearths, even ashes, and traces of food preparation, particularly shells and bones.

http://www.bvom.com/resource/Images/vnhistory/Pre_history/riu%20Co%20Loa.jpg


Tools were made of roughly-chipped stone, were ellipsoid, disc, or almond-shaped, and comprised cutter, scrapers and rectangular axes. Pebbles served as pestles for crushing nuts and grain. Gradually the so-called Bac Son axe of polished stone made its appearance. Tools made of animal bones and horn have seldom been found. It is probable that bamboo was widely used to make stakes, arrows, cutters and so on.

A section cut form the trunk of bamboo could serve as a vessel or even a cooking pot (still the case in highlands) as could coconuts, gourds and calabashes. Pottery made its appearance in the Bac Son period. Clay was first kneaded into a soft mass then molded into the shape of containers whose inner or outer surfaces were then polished. Traces have been found of a kind of spatula tied together by a piece of grass with which the clay was patted while still wet. In general, earthen ware was still rough and fired at a fairly low temperature.

Hunting and food gathering were the main activities. No traces of agriculture and no remains of domestic animals, except perhaps for the dog, have been found.

In the same period, along the coast Trung Bo (Central) man lived mostly from fishing. Shells from mollusks which had been eaten accumulated in enormous mounds, five or six meters high and several thousand square meters in area, the most typical having been found in Quynh Luu ( Nghe An Province). These mounds also contain the bones of mammals (deer, buffalo and dog) and pestles with hollowed-out stones used to crush grain. Many stone tools have been unearthed.

Under a heap of shells in Quynh Van, several tombs have been found in a group. The dead were buried in a sitting position with their knees bent, along with a few tolls and adornments made of shell, none and stone, small perforated beads of baked earth, and pottery with decorative motifs. On the wall of a cave in Hoa Binh, a drawing has been found of a creature with the body of an animal and a human head but with horn, The presence of shells in caves far from the coast and of stone tolls in coastal areas where stone was not available seems to be evidence of some sort of exchange between regions.

It is reasonable that at the end of the Neolithic Era, about 5,000-6,000 years ago, most of the primitive human beings living on the territory of present-day Vietnam were entering into the era of rice cultivation. Recent archaeological discoveries have provided evidence of this everywhere, form north to south, from highlands to lowlands. and from littoral areas to islands off the coast. Besides well-known Neolithic sites in the Red River delta and the basin of the Ma River, traces of the Halong culture have been found along the coast of Quang Ninh province, a culture that succeeded the Bac Son culture. Father south and also on the coast in the southern part of Binh Tri Thien area, the Bau Tro site can be regarded as a more developed stage of the Quynh Van tradition. During the same period in the highlands in southwest central Vietnam, open-air where the axes, knives, polishers, stone hoes and pottery found show no similarities in manufacturing techniques with those of articles found elsewhere in Vietnam.

Farther south, in the basin of the Dong Nai River nearly 50 Neolithic sites have been discovered in ancient or more recent alluvial layers of islands, the most representative being Cau Sat in Xuan Loc districts. This region flourished 4000 years ago, with relatively important centers of human habitation. The Dong Nai culture was an upland one whose inhabitants practiced dry rather than wet rice cultivation in low-lying western region of the MeKong River Delta.

http://www.bvom.com/resource/Images/vnhistory/Pre_history/datnung.jpg

Polished stone implements became more and more specialized. Axes and shoulder axes (those with tenons) were well-polished, in various sizes and with regular geometrical shapes, and set in hafts. men knew how to saw and drill, and to use various tools to fell trees, clear large expanses of land, build boats, make wooden and bamboo implements, scrape tree-bark and hides, and make rings, bracelets, earrings and beads out of bones, shell or stone.

Pottery-making reached a high level. The use of the potter's wheel and kiln made it possible to obtain items of good quality and varying size and shape, mainly pots and vases decorated with geometrical patterns. Bone needles, spinning wheels and shuttles of baked earth prove the existence of weaving and garment-making. Along the coast and near rivers and streams, sinkers of baked clay have been discovered as well as projectiles of the same material used in hunting with blow-pipes.


The existence of agriculture and livestock-breeding has been confirmed by the discovery of hoes, large earthen-ware grain containers, and pig and buffalo bones, It appears that rice was grown in burnt-out forest clearings on hill-slopes and in submerged fields in the plains. Indochina is one of the regions where rice -growing made its appearance at the earliest date.

While man continued to live in caves in mountainous regions, in recently discovered sites on the plains traces have been found of houses made of wood and bamboo, their size seeming to indicate that they were communal dwellings. The remains of such structures are scattered over tens of thousands of square meters, an area equivalent to that of present-day village. Innumerable artefacts found here indicate the presence of thousand of people, comprising tribes made up of many clans. Houses were probably built on stilts as among present-day dwelling ethnic minorities. historical records state that our ancestors built elevated houses to ward off attacks by tigers.

The large -scale manufacture of implements and large quantities of jewelry and decorated pottery show that the division of labor had reached a high level. The dead were were buried together with implements, ornaments and pottery, and often in communal graves. Such equality in death shows that class differentiation among the living had not appeared.

Skulls found in Hoa Binh, Bac Son, Quynh Van and Minh Cam suggest that the people belonged to the Australo-Negroid group. However, Mongoloids coming to from the north and Australo-Negroloid gave birth to a southern Mongoloid group which at first coexisted with the others but finally became predominant. Ethnic groups now living in Vietnam all belong to this group, but have fairly definite Australo-Negroid features. What happened was interracial mixing from which sprang an autochthonous group which developed its own culture- not massive migration bringing in any external civilization. The study of stone tools and pottery from various Neolithic and Mesolithic sites has proved the continuity of an internal evolution occurring on the spot with its own unique features.

The Bronze Age

http://www.bvom.com/resource/Images/vnhistory/Pre_history/trangsucdongnai.jpg

In the middle of the second millennium B.C, bronze first made its appearance together with stone tools. Sites dating back to early Bronze Age were mostly concentrated in the uplands and the Red River delta. The most representative site is Phung Nguyen (Vinh Phu province) discovered in 1958, where the objects found- working tools and ornamental items- all finely polished, testify to a high level of stone-working, chiefly of cutting, making it possible to produce objects of precise and sometimes complicated form with a minimum of raw materials. Bronze appears to have become more and more common in the whole range of tools as welll as weapons.
The Phung Nguyen culture at the beginning of the Bronze Age gave rise to the Dong Dau period (second half of the 2nd millennium B.C), then to the Go Mun period (early in the 1st millennium B.C), finally reaching a peak with the Dong Son culture, named after the eponymous site, the most important Bronze Age site discovered in 1924 in Thanh Hoa province.

Archaeologists have now identified 96 Dong Son sites yielding a rich collection of items (at least 56 types) scattered throughout most of northern Vietnam, mainly in the deltas of the Red, Ma, and Ca rivers.

The first copper, and later bronze, objects appeared beside polished stone implements and earthenware still Neolithic in nature. Sandstone moulds for manufacturing axes, spears and knives have been found in many places. The quality of the bronze and of their shaping improved little by little, eventually resulting in the remarkable creations of Dong Son. This evolution took many centuries. While its was marked by external elements, these were not decisive as has been claimed by European archaeologists.


On the basis of inadequate information and inspired really by co by colonialist feelings, some European archaeologists have even put forward the theory that the art of bronze-casting in Vietnam came originally from Europe.

Recent discoveries have revealed three important facts:

The art of bronze-casting appears to have been based on the Neolithic industry;
- It underwent a long period of development leading to the remarkable creations of Dong Son;

- It spreads throughout the territory of Vietnam, and recently discovered sites have revealed a unique civilization.

http://www.bvom.com/resource/Images/vnhistory/Pre_history/trangsucvang%20Dong%20Nai.jpg

The bronze artefacts discovered are extremely varied in nature: production implements such as ploughshares, axes, scythes, scrapers, chisels for wood-working, needles and fish-hooks; domestic utensils such as large containers, pots, basins and jars; weapons such as arrowheads, spears, sabers, knives, halberds and armor; musical instruments such as bells and drums; and works of art such as bracelets and statuettes.

http://www.bvom.com/resource/Images/vnhistory/Pre_history/dodong%20DongSon.jpg


The most remarkable objects are without doubt the bronze drums. They have been found in many places in Southeast Asia and China, but it is generally recognized that the finest were discovered in Vietnam.
The drum found at Ngoc Lu is 63 centimeters high, 79 centimeters in diameter, and cylindrical in shape. In the middle of the upper surface is an image of the sun with radiating beams, and 16 concentric circles with very varied decorations: geometrical patterns, herds of deer and aquatic birds, and human figures, playing musical instruments, pounding rice, or beating drums.

The men are clad in garments made from the feathers of aquatic birds, which give them the appearance of bird-men probably indicating a totemic significance. They dance to the rhythm of clappers. There are also small buildings and houses on stilts and, on a curved edge below the top, boats and warriors carrying axes, spears and arrows.


These drawings and decorations are both realistic and stylized, testifying to the artistic talents of their creators. Most bronze artefacts are also highly decorated or finely shaped. This unquestionably shows a specific and unique civilization. The bronze drums were used during important festivals and ceremonies, especially those invoking rain.

Bronze ploughshares, scythe and sickle blades, and drawing on implements representing rice plants or people pounding rice-all testify to the development of agriculture. While cultivation in burn-out forest clearings continued, wet rice planting was also developing. Fishing in oceans and rivers was widely practised. Handicrafts, pottery-making and bronze-casting, having reached a high level, began to be separated from agriculture. On pottery vessels, traces of plaited bamboo ties can be seen; basket-making must also have reached a high level of development.

Drawings on the bronze drums represent large houses on stilts and junks, some with towers, evidence of great progress in wood-working.

Overseas exchanges, especially with certain regions in southern China and Indonesia, have been proved by the discovery in tombs of various objects and weapons from the Warring Kingdoms Period (5th-3rd centuries B.C in China) while bronze drums of Dong Son manufacture were sold in far-away lands.

While material civilization and art reached their peak at the end of the first millennium B.C in the north, there appeared on a narrow strip of coastal land from south of the Ngang Pass (18th parallel) to the basin of the Dong Nai river another brilliant civilization related to the Dong Son culture. This was the Sa Huynh culture, named after the site where it was first discovered on the coast of present-day Nghia Binh province.
Its principal distinguishing characteristic is a large number of funeral jars (usually 0.6 meters high) containing human remains, ornamentals made of bronze, precious stones and glass and bronze or stone tools

Artefacts revealing a culture tradition that had evolved without interruption for a thousand years from the beginning of the Bronze Age to the beginning of the Iron Age (4th-1st millennia B.C)



The study of items collected leads us to assume that the economic basis of the Sa Huynh culture was the cultivation of rice and grain crops on varied terrain comprising high hills, low-lying plains and alluvial land along the coast. The people of Sa Huynh also practised sea-fishing and had a close relationship via the sea with the inhabitants of the Red River delta in the north and islands in the south. Their funerary remains came within the frame work of a wider cultural tradition whose range of influence spread over upper Laos, Thailand, the Philippines and Indonesia. The Sa Huynh culture may have given rise to the formation of ancient Malay- Polynesian states on the coastal plains of central Vietnam in the 1st century A.D.

Thanks to rice cultivation, the living of the then people all over the now Vietnam became more stable.

In communes, a large part of the population became specialized. Their production was first to meet the demand of their commune and then for exchange with other communes. Then the primitive tribes began to disintegrate. The country entered a new stage.
xiongnu
06-27-2004, 12:57 PM
百越: Baiyue, not Beiyue. 百 in third tone, 越 in fourth tone in standard Mandarin.
timhieu
07-28-2004, 07:51 AM
muon tim hieu ma viet toan la tiuen anh khong
doc khong hieu gi het
chan qua
Dieumi
07-29-2004, 05:38 AM
Kinh Dịch:di sản sáng tạo của Việt Nam
Nguyễn Thiếu Dũng
( Dieumi thấy tài liệu nghiên cứu này rất độc đáo - Xin tái đăng về để các AC cùng đọc - Dieumi không hiểu kinh Dịch - nhưng chỉ cần biết kinh Dịch là của VN là được rồi ...)

Đã có khá nhiều công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam về Kinh Dịch, trong số đó có một công trình đặt lại vấn đề " tác quyền" của bộ Kinh này. Đó là học giả Nguyễn Thiếu Dũng, qua nhiều tìm tòi và nghiên cứu, ông đã nêu ra một số chứng lý để minh chứng rằng Kinh Dịch là sáng tạo của người Việt Nam. Với sự thận trọng cần thiết, xin giới thiệu bài viết sau đây của học giả Nguyễn Thiếu Dũng để rộng đường tham khảo.

Từ hai nghìn năm trước khi chúng ta bị phong kiến phương Bắc đô hộ, tổ tiên chúng ta ở thời đại Hùng Vương đã sáng tạo Kinh Dịch và dùng học thuyết này xây dựng nền tảng cơ bản cho văn hoá Việt Nam, nhờ thế trong suốt một nghìn năm lệ thuộc Trung Hoa, chúng ta vẫn đứng vững không bị đồng hoá như các dân tộc ở Hoa Nam.

Người Trung Hoa không biết từ thời điểm nào đã tiếp thu được Kinh Dịch của Việt Nam và họ cũng đã dùng Kinh Dịch để góp phần xây dựng nền tảng văn hoá của họ. Cho nên trong sinh hoạt, chúng ta có nhiều điểm giống họ, sau một nghìn năm mất chủ quyền, ta mất luôn tác quyền Kinh Dịch và những gì ta nghĩ, ta làm thấy giống Trung Hoa ta đều tự nhận mình học của Trung Hoa. Kỳ thật không phải như vậy. Người Trung Hoa rất trọng hướng Đông, khi họ tiếp khách, chủ nhà ngồi quay mặt về hướng Đông để tỏ chủ quyền. Trong thời lập quốc họ luôn luôn hướng về biển Đông, không kể Nam Kinh những Kinh đô danh tiếng của Trung Quốc đều lần lượt nối nhau tiến dần từ Tây Bắc sang Đông. Ngày nay những thành phố lớn của họ cũng đều tập trung ở bờ Đông. Thế mà trong Kinh Dịch họ phải công nhận hướng Nam là hướng văn minh, mặc dầu trong sử sách họ vẫn cho Hoa Nam là xứ man di. Mỗi khi cần bói Dịch họ đặt Kinh Dịch trên bàn thờ cho quay mặt về hướng Nam như hướng ngồi của Hoàng đế, rồi lạy bái cầu xin. Cử chỉ này cho thấy trong tiềm thức họ không quên nguồn gốc Kinh Dịch đến từ phương Nam, từ đất nước của các vua Hùng.

Trong vòng 60 năm trở lại đây một số nhà nghiên cứu Việt Nam đã trực giác thấy rằng Kinh Dịch là tài sản của Việt Nam nhưng khi nói như thế họ vẫn chưa thoát khỏi sự ràng buộc của truyền thuyết nên vẫn thừa nhận Phục Hy là nhân vật sáng tạo Kinh Dịch. Cho nên không tránh được mâu thuẫn.

Ngày nay chúng ta có đầy đủ chứng lý để nói ngay rằng Kinh Dịch là sản phẩm của Việt Nam, do chính tổ tiên người Việt sáng tạo, trên chính quê hương Việt Nam với nhiều bằng chứng vật thể còn lưu dấu trên đồ gốm Phùng Nguyên (VN), đồ đồng Đông Sơn(VN)... Phục Hy, Văn Vương chưa từng làm ra Dịch....

1) Chứng lý vật thể:
Kinh Dịch xuất hiện tại Việt Nam một nghìn năm trước khi có mặt tại Trung Quốc:

Tại di chỉ xóm Rền, thuộc nền Văn hoá khảo cổ Phùng Nguyên, các nhà khảo cổ đã đào được một chiếc nồi bằng đất nung (11, tr 642) trên có trang trí bốn băng hoa văn, mỗi băng nầy tương đương với một hào trong quẻ Dịch, theo phép đọc Hổ thể thì đây chính là hình khắc của quẻ Lôi Thuỷ Giải. Đây có thể xem là chứng tích xưa nhất trên toàn thế giới hiện chúng ta đang có được về Kinh Dịch. Chiếc nồi báu vật vô giá này mang trên mình nó lời cầu nguyện của tổ tiên chúng ta về cảnh mưa thuận gió hòa, mong sao được sống một đời an bình không có họa thuỷ tai. Lôi Thuỷ Giải là mong được giải nạn nước quá tràn ngập (lũ lụt), hay nước quá khô cạn (hạn hán). Niên đại của Văn hoá Phùng Nguyên được Hà Văn Tấn xác định: ”Phùng Nguyên và Xóm Rền đều là các di chỉ thuộc giai đoạn giữa của văn hoá Phùng Nguyên. Hiện tại chưa có niên đại C14 cho giai đoạn này. Nhưng hiện nay chúng ta đã có một niên đại C14 của di chỉ Đồng Chỗ là di chỉ mà tôi cho là thuộc giai đoạn sớm của Văn hoá Phùng Nguyên: 3800 + 60 BP (Bln-3081) tức 1850 + 60BC (Hà Văn Tấn 1986: 181-182). Như vậy, các di chỉ Phùng Nguyên và Xóm Rền phải muộn hơn niên đại này. Nhưng Phùng Nguyên và Xóm Rền lại sớm hơn các niên đại C14 của lớp dưới di chỉ Đồng Đậu. Hiện nay lớp này có các niên đại: 3330 + 100BP (Bln-830), 3050 + 80BP (Bln-3711); 3015 + 65BP (HCMV 05/93); 3100 + 50BP (HCMV 06/93).

Nếu tin vào các niên đại C14 này thì giai đoạn giữa của văn hoá Phùng Nguyên nằm vào khoảng giữa thế kỷ 17 và thế kỷ 14 trước Công Nguyên... tương đương với văn hoá Thương ở Trung Quốc, thậm chí với giai đoạn sớm của văn hoá này (1, tr 578-579).

Về phía Trung Quốc, tuy theo truyền thuyết cho là Kinh Dịch do Phục Hy thời đại tối cổ Trung Quốc tạo ra nhưng trên thực tế không có chứng cứ nào để xác nhận chuyện này (Chỉ nhận vơ rồi cãi ngang không có chứng cớ gì cả .. :newwink:
Tuy nhiên các nhà học giả chân chính không nhận vơ như thế: Triết gia đầy uy tín của Trung Quốc Phùng Hữu Lan đã khẳng định trong Trung Quốc Triết học sử: " Suốt thời nhà Thương (2100-1800 B.C.) chưa có Bát Quái” (bản Hồng Kông 1950, tr 457). Chưa có Bát Quái nghĩa là chưa có Kinh Dịch. Quẻ Dịch xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc là trên sách Tả Truyện thời Xuân Thu-Chiến Quốc (772-221 BC). Vào thời kỳ này trên một số lớn các trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam đã có khắc hình quẻ Lôi Thuỷ Giải bằng 6 dải băng nghĩa là đầy đủ 6 hào. Vậy là rõ ràng Kinh Dịch đã có ở Việt Nam từ thời các Vua Hùng, so với chứng cứ cụ thể của Trung Quốc Kinh Dịch đã có ở nước ta trước Trung Quốc cả nghìn năm... Chuyện này chẳng khác chi chuyện tổ tiên ta đã biết trồng lúa nước nghìn năm trước Trung Hoa mà Trần Trọng Kim vẫn viết trong Việt Nam sử lược là người Trung Hoa có công dạy dân ta làm ruộng.

2) Chứng lý ngôn ngữ học:
Một số tên quẻ Dịch là tên tiếng Việt không phải tiếng Trung Quốc:

Người ta thường gọi Kinh Dịch hay Kinh Diệc và cứ đinh ninh Diệc là do Dịch đọc chệch đi, kỳ thật tổ tiên ta nói Kinh Diệc và người Trung Hoa đã đọc chệch đi thành Dịch. Tiếng Trung Hoa Dịch còn có thể đọc là Diệc(Xem Khang Hy Từ Điển). Diệc là một loài chim nước, có họ với loài Cò. Đây là những loài chim quen thuộc với đồng ruộng, với văn minh nông nghiệp, văn minh Văn Lang. Kinh Dịch là kết tinh của văn minh nông nghiệp, các nhà sáng tạo kinh Dịch Việt Nam lấy hình ảnh con diệc, con cò làm tiêu biểu cho hệ thống triết học của mình là hợp lý, nhưng người Trung Quốc muốn làm biến dạng cho khác đi, cho rằng chữ Dịch là hình ảnh con tích dịch - một loại thằn lằn hay biến đổi màu sắc theo thời gian chẳng thân thiết gần gũi gì với người nông dân cả. Điều này đã được ghi chú rất rõ trên trống đồng Đông Sơn về sau sẽ giải rõ.

Tên tám quẻ đơn Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài đều là tiếng Việt không phải là tiếng Trung Quốc. Các học giả Trung Hoa rất lúng túng khi giải nghĩa nguồn gốc tên những quẻ này vì họ cứ cho đó là tiếng Hoa nên tìm mãi vẫn không lý giải được. Ở đây chỉ dẫn một quẻ để minh chứng. Quẻ Ly không có nguồn gốc Trung Hoa, đây chỉ là chữ ghi âm tiếng Việt, một dạng chữ Nôm loại giả tá. Kinh Dịch bản thông hành ghi là Ly, âm Bắc Kinh đọc là Lĩ, nhưng bản Bạch Thư Chu Dịch đào được ở Mã Vương Đôi thì lại ghi là La, âm Bắc Kinh đọc là lúo (đọc như lủa). Rõ ràng đây là cách ghi của hai người Trung Hoa ở hai nơi hoặc hai thời điểm nghe người Việt Nam nói là quẻ Lửa, một người bèn ghi là lĩ (Ly), một người lại ghi là lủa (La). Còn người Việt Nam viết chữ Nôm Lửa thì lại dùng chữ lã làm âm. Cả ba âm Ly, La, Lã đều là cận âm với âm lửa, dùng để ghi âm âm lửa. Như vậy quẻ Ly không phải là quẻ có nghĩa là lìa hay là dựa như người Trung Hoa nghĩ mà chính là quẻ Lửa tức là quẻ Hoả như về sau họ đã dịch đúng nghĩa của nó.

3) Chứng lý đồ tượng:
Kinh Dịch Trung Hoa thiếu một hình đồ trọng yếu, trong khi hình đồ này đang được cất giấu tại Việt Nam. Chứng tỏ Việt Nam mới là nước sáng tạo Kinh Dịch.

Đồ tượng và quái tượng (quẻ) là những hình tượng cơ bản cấu tạo nên Kinh Dịch. Cả hai đều có những giá trị bổ túc cho nhau để hình thành Kinh Dịch. Đọc Dịch mà chỉ chú trọng đến quẻ không chú ý đến Đồ là một thiếu sót đáng tiếc vì như thế là đã bỏ qua quá nửa phần tinh tuý của Dịch. Những ứng dụng quan trọng của Dịch đa phần đều căn cứ trên đồ, như thuyết trọng nam khinh nữ chi phối sâu đậm nhân sinh quan Trung Quốc thời kỳ phong kiến là ảnh hưởng Càn trọng Khôn khinh của Tiên Thiên Đồ, xem phong thuỷ, coi tử vi, học thuyết Độn Giáp, Thái Ất phát sinh ở Trung Hoa là do ảnh hưởng của Hậu Thiên Đồ. Y học, Võ thuật, Binh Thư Đồ trận lừng danh của Trung Quốc đều từ các Thiên Đồ mà ra. Theo thuyết Tam tài, cơ sở để xây nên toà lâu đài Kinh Dịch thì phải có ba Đồ chính là Tiên Thiên Đồ, Hậu Thiên Đồ và Trung Thiên Đồ nhưng suốt cả hai nghìn năm nay, Trung Quốc chỉ lưu hành hai Đồ Tiên Thiên và Hậu Thiên. Người Trung Hoa tuyệt nhiên không tìm ra Trung Thiên Đồ, cuối cùng họ đành bó tay, rồi thản nhiên kết luận, không cần có Trung Thiên Đồ. Đã có Tiên Thiên Đồ làm thể và Hậu Thiên Đồ làm dụng là đủ lắm rồi. Đây chính là khuyết điểm lớn nhất của Dịch học Trung Quốc mà cũng là cái may lớn nhất cho ta để từ chỗ sơ hở này ta tìm ra chứng lý quan trọng nhất, quyết định nhất để xác nhận tác quyền của Việt Nam. Trung Quốc không có Trung Thiên Đồ, một Đồ quan trọng bậc nhất dùng làm la bàn để viết nên kinh văn các lời hào, Việt Nam lại cất giữ Trung Thiên Đồ! Vậy thì ai là chủ nhân Kinh Dịch? :newwink: :) Câu hỏi đã được trả lời, bí ẩn hai nghìn năm đã được trưng ra ánh sáng. :) :) :) ..

Tác giả bài này có may mắn là đã thiết lập được Trung Thiên Đồ. Đồ này quẻ Càn ở phương Nam, quẻ Đoài ở phương Đông Nam, quẻ Tốn ở phương Đông, quẻ Khảm ở phương Đông Bắc, quẻ Ly ở phương Bắc, quẻ Cấn ở Tây Bắc, quẻ Chấn ở Tây và quẻ Khôn ở phương Tây Nam.

Đây chính là Đồ thứ ba trong số ba Thiên Đồ trọng yếu của Kinh Dịch mà người Trung Hoa không tìm ra. Nếu Tiên Thiên Đồ là Thiên Đồ, Hậu Thiên Đồ là Địa Đồ thì Trung Thiên Đồ là Nhân Đồ nghĩa là Đồ nói về con người. Có một danh hoạ tài ba nào chỉ trong một hình vẽ có thể biểu đạt ba hình thái khác nhau về con người? Điều này chưa ai làm được, ngay cả máy móc tân tiến nhất, hiện đại nhất cũng không thể làm việc này. Thế mà Trung Thiên Đồ cùng một lúc có thể diễn tả ba trạng thái khác nhau đó: Trung Thiên Đồ có mục đích nói về những vấn đề liên quan đến con người cho nên hình đồ Trung Thiên có thể biểu thị ba khía cạnh khác nhau của con người về mặt sinh lý, về mặt siêu lý và về mặt đạo lý:

a) Con người sinh lý:
Quẻ Càn tượng cho bán cầu não phải, Quẻ Khôn tượng cho bán cầu não trái. Khi một người bị tai biến mạch máu não ở bán cầu phải thì tay chân bên trái thường bị liệt, ngược lại cũng thế. Vì Càn thuộc dương nên liên quan đến tay trái gồm hai quẻ Chấn dương và Cấn dương và vì tay trái đã dương thì chân trái lại thuộc về âm nên chân có quẻ Ly âm. Trái lại, bán cầu não trái Khôn âm sẽ ảnh hưởng đến tay phải Trạch âm và Tốn âm cùng với chân Khảm dương. Điều này tương đồng với kết quả thực nghiệm của Leokadia Podhorecka (1986), trình bày năm 1986 tại hội nghị quốc tế về Trường sinh học tại Zagrev về tính bất đối xứng phải - trái trong nhân thể (2, tr 117). Hình đồ cũng thể hiện được y lý Đông Phương cho rằng Thiên khí tả truyền: Dương khí đi từ bên phải (Càn dương) sang bên trái (Cấn, Chấn dương), Địa khí hữu truyền: Âm khí đi từ bên trái (Khôn âm) sang bên phải (Đoài, Tốn âm). Con người muốn sống cần phải thở (Càn phế, chủ khí), sau đó phải được nuôi dưỡng bằng thức ăn (Khôn, tỳ vị). Con người khoẻ mạnh khi tâm (Ly) giao hoà với thận (Khảm), nếu tâm thận bất giao sẽ sinh tật bệnh, vị y tổ Việt Nam Lê Hữu Trác đã phát triển học thuyết này để chữa bệnh rất hiệu quả.

b) Con người siêu lý:
Theo trãi nghiệm của các hành giả Yoga hoặc Khí công, Thiền, thì cơ thể có bảy trung tâm năng lượng tác động chi phối sự sống của con người, gọi là bảy đại huyệt hay là bảy luân xa. Trung Thiên Đồ chính là biểu đồ hệ thống bảy luân xa đó, theo thứ tự từ dưới lên: luân xa 1 là Hoả xà Kundalinê chính là quẻ Ly hoả, Luân xa 2 là Mệnh môn quan chính là quẻ Khảm (thận thuỷ), Luân xa 3 là Đơn điền Ngũ Hành Sơn chính là quẻ Cấn sơn, Luân xa 4 là Luân xa tâm gồm hai quẻ Tốn (tâm âm) và Chấn (tâm dương), luân xa 5 là trung tâm Ấn đường chính là quẻ Đoài, luân xa 6 nằm ở chân mi tóc hay huyệt Thượng tinh mà Đạo giáo thường gọi là Kim mẫu chính là quẻ Khôn (Địa mẫu), Luân xa 7 là huyệt Thiên môn Bách hội chính là quẻ Càn Thiên.

c) Con người đạo lý:
Trung Thiên Đồ còn biểu đạt một mẫu người đạo lý tâm linh: quẻ Sơn Tượng cho tính người tham lam muốn tích luỹ như núi (Tham), quẻ Ly Hoả tượng cho người có tính sân như lửa (Sân), quẻ Khảm Thuỷ tượng cho người có tính si như nước đổ dồn về chỗ thấp (Si), ba thói xấu đó sẽ dẫn con người đến chỗ ác tượng trưng bằng quẻ Tốn (tâm âm, nhục tâm, vọng tâm), (như thuyết Tam Độc của Phật Giáo). Nhưng nếu con người biết phát triển tâm từ bi như tình yêu của mẹ tượng bằng quẻ Khôn (Địa Mẫu - Từ Bi), khiến tâm thanh tịnh an lạc tượng bằng quẻ Đoài (Vui, Hỉ), lúc nào cũng sẵn lòng cảm thông tha thứ cho người, tượng bằng quẻ Càn (Xả) thì con người sẽ đạt được cõi phúc, tượng bằng quẻ Chấn (Tâm dương, Chân tâm, Đạo tâm), (như thuyết Tứ vô lượng tâm của Phật giáo).

4) Phát hiện Trung Thiên Đồ trong truyền thuyết
Kinh Dịch có tám quẻ đơn: Càn còn gọi là Thiên có tượng là trời, là vua, là cha. Khôn còn gọi là Địa có tượng là đất, là hoàng hậu, là mẹ. Khảm còn gọi là Thuỷ có tượng là nước, là cá (ngư). Ly còn gọi là Hoả có tượng là lửa. Cấn còn gọi là Sơn có tượng là núi. Đoài còn gọi là Trạch có tượng là đầm (hồ). Chấn còn gọi là Lôi có tượng là sấm, là con trai trưởng. Tốn còn gọi là Phong có tuợng là gió, là cây (mộc).

Khi tám quẻ đơn chồng lên nhau ta được 64 quẻ kép, nhưng khi tám quẻ đơn được đặt trên vòng tròn ta sẽ được ba thiên đồ căn bản: Tiên Thiên Đồ thường được người Trung Hoa gọi là Tiên Thiên Đồ Phục Hy vì cho là do Phục Hy chế ra, Hậu Thiên Đồ cũng được người Trung Hoa gọi là Hậu Thiên Đồ Văn Vương vì cho là do Văn Vương thiết lập, ở đây chúng tôi chỉ gọi là Tiên Thiên Đồ và Hậu Thiên Đồ vì đã chứng minh được Kinh Dịch do người Việt Nam sáng chế nên Phục Hy, Văn Vương chẳng can dự gì vào việc sáng tạo các thiên đồ. Dịch đồ thứ ba chính là Trung Thiên Đồ đã được tổ tiên Việt Nam cất giấu trong truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ.

Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ không chỉ là một huyền sử về nguồn gốc dân tộc "Con Rồng cháu Tiên", một thông điệp về tình đoàn kết, nghĩa yêu thương giữa các dân tộc anh em, đồng bào mà còn chứa đựng một thông tin về di sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam đã được tổ tiên chúng ta bí mật cất giữ trong đó: tôi muốn nói đến Kinh Dịch đứa con lưu lạc của Việt Nam đã được Trung Quốc nuôi dưỡng và đã thành danh ở đó. Nếu chúng ta kết hợp những thông tin nằm rải rác trong các truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, truyện Hồ tinh, Mộc tinh, Ngư tinh ta sẽ thiết lập được một Trung Thiên Đồ mà người Trung Quốc chưa hề biết đến. Theo Kinh Dịch, Lạc Long Quân thường được nhân dân gọi là Bố mỗi khi có việc cần giúp đỡ có thể ký hiệu bằng quẻ Càn có tượng là vua, là cha. Lạc Long Quân thường sống ở Thuỷ phủ ký hiệu là quẻ Khảm có tượng là nước. Lạc Long Quân diệt được Hồ tinh là con cáo chín đuôi sống hơn ngàn năm ở đầm Xác Cáo nay là Hồ Tây, sự kiện này có thể ký hiệu bằng quẻ Đoài tức quẻ Trạch có tượng là đầm. Đất Phong Châu thời Thượng cổ có cây Chiên đàn sống hàng ngàn năm, chim hạc thường đến đậu ở đấy nên nơi đó còn gọi là đất Bạch Hạc (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), lâu ngày cây hoá thành yêu tinh dân gọi là thần xương cuồng, Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân ra sức đánh đuổi, cứu dân thoát khỏi sự bức hại của xương cuồng.


Sự kiện này có thể ký hiệu bằng quẻ Tốn còn gọi là quẻ Phong có tượng là mộc. Lạc Long Quân cũng có công diệt được ngư tinh, con yêu ngư xà ăn thịt người, chuyện này cũng thuộc quẻ Khảm ký hiệu ở trên. Truyền thuyết thường nói chung là Lạc Long Quân (quẻ Càn) diệt hồ tinh (quẻ Đoài), diệt mộc tinh (quẻ Tốn), diệt ngư tinh (quẻ Khảm) để cứu dân, từ đó ta đã có được một vế của Trung Thiên Đồ: Càn - Đoài - Tốn - Khảm. Theo truyền thuyết Lạc Long Quân nói với Âu Cơ (được tôn xưng là Quốc mẫu, là mẹ, ký hiệu là quẻ Khôn): (1, tr 30). Như thế là truyền thuyết đã xác định rất rõ tính cách tương phản giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ. Long Quân thuộc quẻ Khảm (Thuỷ) thì Âu Cơ thuộc quẻ Ly (Hoả). Truyền thuyết kể tiếp: "Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc) suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang". Lên Phong Châu là lên núi ký hiệu là quẻ Cấn có tượng là núi, tôn người con cả ký hiệu là quẻ Chấn vì Chấn có tượng người con trưởng. Ta lại có thêm vế thứ hai của Trung Thiên Đồ: Ly - Cấn - Chấn - Khôn. Đến đây ta đã khai quật được Trung Thiên Đồ từ lớp ngôn ngữ truyền thuyết, các quẻ xếp theo thứ tự Càn - Đoài - Tốn - Khảm - Ly - Cấn - Chấn - Khôn theo chiều ngược kim đồng hồ.

5) Vai trò Trung Thiên Đồ trong việc hình thành văn bản Kinh Dịch:

a) Bố cục Kinh Dịch:
Kinh Dịch có 64 quẻ, 30 quẻ đầu thuộc về thượng kinh, 32 quẻ sau thuộc về hạ kinh. Nhìn vào cách sắp đặt vị trí các quẻ Dịch trong bản kinh văn thông hành ta không thể không nghĩ rằng các nhà làm Dịch đã sử dụng Trung Thiên Đồ như là la bàn để phân bố các quẻ. Mở đầu kinh văn là hai quẻ Càn số 1, Khôn số 2 đúng như vị trí Càn Khôn đứng bên nhau trên Trung Thiên Đồ, cuối thượng kinh là hai quẻ Khảm số 29 và Ly số 30 đúng như vị trí Khảm Ly dưới Trung Thiên Đồ. Mở đầu hạ kinh là hai quẻ Trạch Sơn Hàm số 31 và quẻ Lôi Phong Hằng số 32 đúng như vị trí quẻ Đoài Trạch đối qua tâm với quẻ Cấn Sơn tạo thành quẻ Trạch Sơn Hàm, quẻ Chấn Lôi đối qua tâm với quẻ Tốn Phong tạo thành quẻ Lôi Phong Hằng nằm giữa Trung Thiên Đồ. Cuối hạ kinh là hai quẻ Thuỷ Hoả Ký Tế số 63 và Hoả Thuỷ Vị Tế số 64 đúng như vị trí quẻ Khảm Thuỷ giao hoán với quẻ Ly Hoả tạo thành.

Khác hẳn với Tiên Thiên Đồ và Hậu Thiên Đồ các quẻ Càn Khôn Ly Khảm đứng đối nhau qua tâm, biểu hiện trạng thái phân ly, trên Trung Thiên Đồ các quẻ Càn Khôn Ly Khảm đứng gần nhau từng đôi một biểu hiện trạng thái giao hội. Ở tự nhiên mọi vật có thể đối nghịch, vừa tương phản vừa tương thành. Nhưng ở con người thì khác, con người là một chỉnh thể, một thái cực, một toàn đồ âm dương phải tương hội điều hoà, nếu một bên thiên thắng con người sẽ bất ổn, phát sinh bệnh tật.

b) Đặt tên cho quẻ Dịch:
Nhiều nhà chú giải Kinh Dịch Trung Quốc khi giải thích nghĩa chữ giao của hào thượng cửu quẻ Thiên Hoả Đồng nhân số 13 "Đồng nhân vu giao" thường chỉ dừng lại ở vấn đề chính trị xã hội nên hiểu giao theo một nghĩa rất hẹp, họ cho giao là vùng đất ngoại ô kinh thành nếu muốn đồng thì nên tìm người ở xa mà liên hiệp. Hiểu như vậy thì không sát nghĩa và không đúng với lập ý của người làm ra Kinh Dịch. Có lẽ vì người Trung Quốc trong tay không có la bàn Trung Thiên Đồ là đồ đã bị Tổ tiên người Việt Nam cất giấu rất kỹ không truyền ra ngoài nên không hiểu rằng giao tức là giao hội, khi hoả xà Kundalinê từ lâu cuộn mình ở đốt xương cùng có đủ điều kiện lên hợp nhất với thần Vishnou cư trú ở huyệt Thiên môn nghĩa là khi luân xa số 1 là quẻ Ly Hoả hoà nhập với luân xa số 7 là quẻ Càn Thiên là lúc con người đạt đến trạng thái toàn thức, hạnh phúc hoàn hảo nhất, con người đạt đến mức độ giao hội cùng vũ trụ, tha nhân, vì thế mới đặt tên cho quẻ này là Thiên Hoả Đồng nhân. Giao nằm ở hào thượng cửu (theo Dịch lý thuộc tài thiên), tức là ở mức độ đồng nhân cao nhất, mức độ hoà đồng siêu việt, Nếu hiểu giao như nghĩa các chữ Đông giao (ngoại ô phía đông), Nam giao (ngoại ô phía Nam) thì không phù hợp với cấu trúc quẻ Dịch, hiểu như vậy là mặc nhiên nhận giao thuộc về đất phải nằm ở hào hai, tài Địa. Cũng như quẻ Đồng Nhân, các Dịch học gia Trung Quốc cũng bị hạn chế khi hiểu quẻ Đại Hữu chỉ là sở hữu tài sản vật chất họ không ngờ rằng Đại Hữu là sở hữu tài sản tinh thần vĩ đại, quẻ này chính là ghi lại thành tựu một quá trình công phu trãi nghiệm của hành giả đã hợp nhất với vũ trụ, mà mỗi hào mô tả thành quả một chặng đường liên tục từ hạ đẳng công phu đến thượng đẳng công phu.

c) Đọc lại Kinh Dịch:
Nhờ có Trung Thiên Đồ ta có thể đọc lại Kinh Dịch một cách chính xác hơn, điều này nghe có vẽ nghịch lý vì ta làm sao thông thạo ngôn ngữ Trung Hoa hơn người Trung Hoa được, nhưng vì ta có Trung Thiên Đồ là la bàn tổ tiên ta dựa vào đấy để viết các lời hào nên chúng ta có cách đọc thuận lợi hơn. Ở đây tôi chỉ xin dẫn ra một thí dụ để minh chứng. Kinh Dịch có ba quẻ nói đến Tây Nam, quẻ Giải: "Lợi Tây Nam", quẻ Kiển: "Lợi Tây Nam, bất lợi Đông Bắc”, quẻ Khôn: "Tây Nam đắc bằng, Đông Bắc táng bằng”. Căn cứ vào Hậu Thiên Đồ, quẻ Khôn (đất) nằm ở hướng Tây Nam, quẻ Cấn (núi) nằm ở hướng Đông Bắc, Vương Bật, người thời Tam Quốc, trong Chu Dịch chú giải thích như sau: ”Tây Nam là đất bằng, Đông Bắc là núi non. Từ chỗ khó mà đi đến chỗ bằng, cho nên khó khăn sẽ hết, từ chỗ khó mà đi lên núi, thì sẽ cùng đường”, Khổng Dĩnh Đạt trong Chu Dịch chính nghĩa viết: ”Tây Nam thuận vị là hướng bằng phẳng dễ đi, Đông Bắc hiểm vị là chỗ trắc trở khó khăn. Đường đi lắm trắc trở, tất cả đi đến chỗ bằng dễ đi thì khó khăn sẽ hết, trái lại nếu đi vào chỗ hiểm thì càng bế tắc cùng đường. Đi ở phải hợp lý vậy”, (3, tr 846).Trương Thiện Văn trong Từ điển Chu Dịch giải thích: ”Lợi cho việc đi về đất bằng Tây Nam, không lợi cho việc đi về phía núi non đông bắc. Tây nam tượng trưng cho đất bằng, Đông bắc tượng trưng cho núi non.

 Đây nói ở thời kiển nạn mọi hành động đều phải tránh khó khăn hiểm trở, phải hướng về phía bằng phẳng thì mới có thể vượt qua kiển nạn,vì vậy nói lợi tây nam, bất lợi đông bắc”, (3, tr 907). Nói chung lời giải thích của đa số Dịch gia Trung Quốc đều dựa vào vị trí các quẻ trên Hậu Thiên Đồ và đều cho núi là trở ngại, nhưng giải như vậy không thể khớp với Dịch lý, quẻ Kiển tức là quẻ Thuỷ Sơn Kiển, hình tượng nước ngập núi, trận đại hồng thuỷ. Vậy núi chỉ là trở ngại thứ yếu. Sự thật đối với người cổ đại núi tuy có khổ ải hơn nơi bằng phẳng nhưng không phải là trở ngại đáng kể. Đối với người cổ đại núi là nhà, hang hốc là nhà. Núi che chở cho họ, cung cấp thực phẩm, đùm bọc nuôi dưỡng họ. Nói cho cùng với tượng quẻ như vậy, người ta không lo về núi mà nỗi lo triền miên chính là nước. Suốt thời cổ đại, nhất là ở Việt nam, chiến tranh bất tận là chiến cuộc giữa NGƯỜI với NƯỚC. Con người khơi dòng lấy đất canh tác, đẩy lùi biển để giành đất sống. Khi con người thắng biển nghĩa là khi Sơn tinh thắng Thuỷ tinh, Kiển nạn được giải. Vấn đề lật ngược, quẻ Thuỷ Sơn Kiển lật thành quẻ Sơn Thuỷ Mông, Thoán từ ca ngợi chiến công thần thánh này là Lợi Trinh (thắng lợi bền chặc).

Ở Hậu Thiên Đồ cũng như ở Trung Thiên Đồ, quẻ Khôn cùng ở vị trí Tây Nam nhưng ở vị trí Đông Bắc thì quẻ của hai đồ hoàn toàn ngược nhau. Nếu Hậu Thiên Đồ là quẻ Cấn (núi) thì ở Trung Thiên Đồ lại là quẻ Khảm (nước). Ta thấy rõ muốn hiểu nghĩa lời hào của ba quẻ đó không thể dựa vào vị trí quẻ trên Hậu Thiên Đồ, vì không chính xác. Chỉ có thể dựa vào vị trí quẻ trên Trung Thiên Đồ mới làm sáng tỏ được nghĩa quẻ. Con người không ngại núi mà chỉ e sông, e biển. Câu lợi Tây Nam, bất lợi Đông Bắc không phù hợp với thực tiển Trung Quốc vì con đường sống của họ luôn dịch chuyển từ Tây Bắc sang Đông Bắc, hành trình các kinh đô của các triều đại Trung Hoa thường đi từ núi ra biển:Tây An - Trường An - Lạc Dương - Khai Phong - Bắc Kinh. Đó là hành trình ngược với lời hào ba quẻ: Giải, Khôn, Kiển.

Trong khi đó lời hào ba quẻ trên lại hoàn toàn phù hợp với thực tiển Việt Nam. Đối với Việt Nam, Đông Bắc mới thực là bất lợi, đó là biển cả là cửa ngỏ cho phong kiến phương bắc xâm lược. Việt Nam chỉ có con đường sống là mở nước về phương Nam và Tây nam. Lịch sử Việt Nam đã chứng thực lời đó, đã hai lần chúng ta tiến về hướng Tây Nam, đợt đầu tiến về đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh, đợt sau tiến về vựa lúa châu thổ sông Cửu Long. Lời hào trên vẫn còn là lời dự báo ứng nghiệm với Việt Nam ngày nay: Tây Nam đắc bằng khi gia nhập khối Đông Nam Á, con đường Tây nam đang ở thế thuận lợi.

6/ Kết luận:

Chúng ta còn nhiều chứng lý từ vật thể đến phi vật thể, từ ngôn ngữ đến văn bản, nhưng mấu chốt hơn hết để chứng minh Kinh Dịch do Tổ tiên người Việt Nam sáng tạo vẫn là vai trò của Trung Thiên Đồ. Khi một người muốn chứng minh một vật là sản phẩm do chính mình đúc ra thì ngườI đó phải trưng ra khuôn đúc, ở đây cũng vậy Trung Quốc không có Trung Thiên Đồ giống như không có khuôn đúc thì làm sao bảo rằng Trung Quốc đã sáng chế ra Kinh Dịch. Thật ra Trung Quốc chỉ có công phát huy Kinh Dịch nhờ đó Kinh Dịch mới có bộ mặt vĩ đại như ngày nay, cũng như họ đã làm rạng rỡ cho Thiền nhưng không ai có thể quên Thiền có nguồn gốc từ Phật giáo Ấn Độ. Đã đến lúc cái gì của César phải trả lại cho César. Khi chúng ta nhận ra rằng Kinh Dịch là di sản của Tổ tiên ta sáng tạo, ta sẽ hiểu được do đâu ta cũng cùng giải đất với các dân tộc vùng Hoa Nam, núi liền núi, sông liền sông mà họ bị đồng hoá còn chúng ta thì không. Kinh Dịch chính là cuốn Cổ văn hoá sử của Việt Nam mà Tổ tiên chúng ta còn lưu lại ngày nay, tuy có bị sửa đổi nhuận sắc nhiều lần nhưng những vết tích của nền văn minh thời các vua Hùng dựng nước vẫn còn đậm nét trong nhiều quẻ Dịch.

Người sáng tạo Kinh Dịch đã dựa vào Trung Thiên Đồ để bố cục vị trí các quẻ đúng như bản thông hành hiện đang phổ biến. Các Dịch học gia Trung Quốc căn cứ vào vị trí các quẻ theo Hậu Thiên Đồ nên có nhiều câu trong Kinh văn bị họ giảng sai với ý nguyên tác, muốn giảng cho đúng phải dựa vào Trung Thiên Đồ, không thể làm khác được.

Trung Thiên Đồ giữ một vị trí quan trọng và quyết định như vậy đã được Tổ tiên Việt Nam cất giấu rất kĩ trong truyền thuyết Lạc Long Quân Âu Cơ. Từ truyền thuyết này có thể tìm lại Trung Thiên Đồ. Trung Thiên Đồ còn được khắc ghi cẩn trọng trên Trống đồng Đông Sơn có điều kiện tác giả bài này sẽ công bố sau.

Chúng tôi còn nhiều minh chứng khác để kiện toàn chứng lý cho kỳ án này. Không còn nghi ngờ gì nữa, Kinh Dịch chính là sáng tạo của Tổ tiên Việt Nam. Muốn hiểu đúng bản chất văn hoá Việt Nam không thể không khảo sát Kinh Dịch, như là sáng tạo của Việt Nam.
 http://www.qtginc.com/forums/archive/index.php/t-69300.html