Phan Văn Trường (1876 - 1933)
- Thứ tư, 13 Tháng 4 2011 10:09
- Số truy cập: 902
Ông Phan Văn Trường sinh ngày 25 tháng 9 năm 1876 tại làng Ðông Ngạc, huyện Từ Liêm TP Hà Nội trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Cha là Phan Anh Nhân(còn gọi là Anh Kiệt hay Duy Kiệt), mẹ là Phạm Thị Nghiêm. Ông là con trai thứ 5 trong gia đình gồm có 9 anh chị em, 6 trai và 3 gái: Anh cả là Phan Tuấn Phong (1865-1923), anh thứ 2 là Phan Cao Luỹ (1869-1915), anh thứ 3 là Phan Trọng Kiên (1871-?), anh thứ 4 là Phan Chí Thiện (1873-1945). Em ông, con thứ 6 là Phan Văn Ðường (1888-?)
Ông Phan Văn Trường thuở nhỏ học chữ Hán, sau chuyển sang học Quốc ngữ và chữ Pháp. Ông nổi tiếng thông minh và chăm chỉ từ nhỏ. Ông tốt nghiệp trường thông ngôn và đã làm thông ngôn ở văn phòng Phủ thống đốc sứ Bắc Kỳ một thời gian. Trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục 1907 tại Hà nội, Phan Văn Trường cùng hai người anh của ông là: Phan Tuấn Phong và Phan Trọng Kiên mở một lớp học ngay tại làng Đông Ngạc quê hương ông. Tháng 11-1908 thực dân Pháp đóng cửa trường.
Cuối năm 1908, trước tình hình đất nước ngày càng chìm trong những cảnh đau thương của sự đô hộ. Để không phải chứng kiến những viễn cảnh đau lòng và tìm ra con đường tự do cho đất nước, ông sang Pháp. Ông Phan Văn Trường sang Mareseille 2 hôm sau lên Paris, sau đó xin được làm giáo viên phụ giảng(Répétiteur) tiếng Việt ở Trường Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương (Ecole des Langues Orientales). Đồng thời trong thời gian đó ông còn theo học ngành luật tại Đại học Sorbonne, Paris. Nhờ tinh thần và sự say mê học tập nên ông sớm cử nhân luật. Từ năm 1910 ông thuê ở nhà số 6 Villa des gobelins với giá 750 frc mỗi năm. Ðể có quyền hạn ông đã nhập quốc tịch Pháp ngày 18-3-1911. Năm 1912 ông ghi tên vào đoàn luật sư Paris và hành nghề tại Tòa thượng thẩm Paris được chủ nhiệm đoàn là Henri Robert kính trọng tài năng và hậu đãi. Trong thời gian này, ông cũng đã tích cực hoạt động yêu nước và giao lưu nhiều với những người cùng chí hướng.
Năm 1912, Phan Văn Trường gặp Phan Châu Trinh tại Paris. Hai chí sĩ họ Phan đã lập ra Hội đồng bào thân ái (tiếng Pháp: La Fraternité des compatriotes) (1912-1916), tập hợp những người Việt Nam sinh sống, học tập, lao động tại Pháp do Phan Văn Trường làm hội trưởng. Đây là một trong những tổ chức đầu tiên của người Việt tại Pháp. Tính chất yêu nước của Hội đã được Hội trưởng Việt Nam Quang phục Hội là hoàng thân Cường Để phái người sang Paris năm 1913 đưa thư cho Phan Chu Trinh để liên kết hoạt động. Sau vụ Việt Nam Quang phục Hội đánh bom tại Hà Nội cũng trong năm 1913, chính quyền Pháp cho rằng Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh có liên hệ với phong trào bạo động này ở Việt Nam nên nhân Thế chiến thứ nhất nổ ra người Pháp đã bắt giam cả hai ông ngày 12 tháng 9 năm 1914 với lý do "âm mưu chính trị chống nước Pháp" và thông đồng với Đức. Do có sự can thiệp của Hội nhân quyền và của nhiều chính khách thuộc Đảng Xã hội (Pháp) như thiếu tá Roux và luật sư Marius Moutet nên gần một năm sau, tháng 7 năm 1915, chính quyền Pháp buộc phải thả hai ông. Tuy nhiên đến lúc đó thì Hội đồng bào tương thân tương ái cũng không còn và Phan Văn Trường bị thuyên chuyển xuống Toulouse làm thông ngôn cho các lính thợ gốc Việt đang phục dịch ở Arsenal de Toulouse.
Sau Thế chiến thứ nhất, ông tiếp tục hoạt động trong nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp cùng Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Sinh Cung. Ông là một trong bốn người ký tên bản "Revendications du peuple annamite" ("Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam" hay còn gọi là "Yêu sách của nhân dân Việt Nam") năm 1919 với bút hiệu Nguyễn Ái Quốc và được coi là "kiến trúc sư" của văn bản này.
Từ 1921 đến tháng 5/1922 Phan Văn Trường sang Rhénanie, vùng đất Đức thuộc Pháp từ 1793 đến 1914, biện hộ tại toà án binh Mayence.
Ngày 3/6/1922, ông trình luận án tiến sĩ, đề tài Essai sur le Code Gia Long (Khảo luận về Luật Gia Long), trở thành tiến sĩ luật học đầu tiên của Việt Nam.
Này 23-12-1923, ông rời Pháp để về Sài Gòn trên con tầu Aki Maru của Nhật Bản. Về đến Sài Gòn, lập tức Phan Văn Trường mở văn phòng chung với luật sư Monin, tham gia tích cực những hoạt động dân chủ trong nước và cùng Nguyễn An Ninh xuất bản lại tờ báo Chuông rè (La Cloche Fêlée), sau đó là Nước Nam (L'Annam) bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn. Ông tích cực đấu tranh chống các chính sách của thực dân Pháp, đòi dân chủ, đeo đuổi việc bác bỏ chủ nghĩa "Pháp - Việt đề huề" của Đảng Lập hiến. Ông dứng ra tổ chức Đảng Cao vọng (còn gọi là nhóm Thanh niên Cao vọng). Báo L'Annam là cơ quan ngôn luận của nhóm này.
Ông đã cho đăng một số bài của các báo Người cùng khổ (của Hội Liên hiệp thuộc địa), Nhân đạo (của Đảng Cộng sản Pháp), Diễn đàn thông tin quốc tế (của Quốc tế Cộng sản); đặc biệt ông là người đầu tiên đăng Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Karl Marx và Friedrich Engels trên báo. Sau đó ông bị chính quyền Pháp kết án tù.
Năm 1933, ông ra Hà nội để thăm gia đình và tìm hiểu các phong trào yêu nước tại Miền Bắc nhưng ông ngã bệnh và phải ở lại Hà nội để điều trị. Khi bệnh thuyên giảm, ông lại khẩn trương lên đường vào Nam nhưng mới đến Đà nẵng, bệnh lại tái phát và ông phải quay ra Hà nội và ở tại nhà anh trai là Phan Cao Luỹ tại số 25 đường Gambetta (nay là đường Trần Hưng Đạo) để điều trị nhưng do bệnh nặng không thể cứu chữa, ông đã qua đời ngày 22/4/1933 tại Hà nội.
Nghe tin Phan Văn Trường mất, Phan Bội Châu đã làm câu đối bằng chữ Hán để khóc Phan Luật sư :
Tự tùng phân thủ lục tải dư, tương ức đán tương văn, vọng Balê, vọng Tây cống, chuyển vọng Đông kinh, thiên hải thương mang duy lão luỵ.
Tổng cá thương tâm bách niên trung, đồng sinh nghi đồng tử, khốc Tây Hồ, khốc Tập Xuyên, hữu khốc Phu Tử, giang sơn tịch mịch mãn bi phong .
Dịch nghĩa:
Xa cách đã hơn sáu năm, nhớ nhau mà không được gặp, trông Balê, trông Tây cống, rồi trông ra Đông kinh, nước mắt của già này mênh mông trời biển.
Một kiếp trăm năm buồn khổ, cùng sinh nên cùng chết, khóc Tây Hồ, khóc Tập Xuyên, nay lại khóc Phu Tử, giang sơn chết lặng trong luồng gió sầu thương.
Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng cũng có câu đối đăng báo tiếc thương nhà chí sĩ :
Trường chính trị gặp bước gian nan, một mảnh đan tâm vàng chịu lửa.
Cõi tinh thần tìm đường giải phóng, nghìn năm thanh sử miệng còn ghi.
Hai hôm sau, gia đình đã đưa ông về an táng tại Xóm 8 thôn Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội.
Mộ phần ông được xây bằng gạch nằm khiêm tốn trong một khu vườn nhỏ, bên cạnh cây trứng gà (Đào tiên) xum xuê toả bóng mát, hiện nay do cháu ông là Phan Văn Thăng trông nom và hương khói. Trên mộ có ghi một hàng chữ Hán “Luật sư Tiến sĩ”.
Tâm Nghĩa tổng hợp
Luật sư Phan Văn Trường - tấm gương sáng về trí tuệ và nhân cách
Đỗ Minh Ánh
Tôi
đang viết về một người Luật sư sinh ra trước tôi hơn một thế kỷ. Những
điều tôi biết về ông đều do quá trình tìm hiểu tài liệu và sách báo
đương đại hoặc lưu trữ lại. Có biết bao cuốn sách nhắc đến tên tuổi ông
như một học giả uyên bác, một trí thức yêu nước tiến bộ và một Luật sư
tài ba. Càng đọc, càng tìm hiểu tôi lại càng khâm phục trí tuệ và nhân
cách của ông. Ông chính là Luật sư Phan Văn Trường- người Tiến sĩ Luật
học đầu tiên, Luật sư đầu tiên của Việt Nam.
Phan
Văn Trường sinh ngày 25/9/1876 tại làng Đông Ngạc - Hà nội, nay là thôn
Đông Ngạc, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà nội. Ông xuất
thân trong một gia đình khoa bảng; dòng họ của ông có nhiều người học
giỏi, đỗ cao như: Phan Phu Tiên (tiến sĩ năm 1396), Phan Vinh Phúc (đỗ
tam giáp đồng Tiến sĩ năm 1685), Phan Lê Phiên (đỗ tam giáp đồng Tiến sĩ
năm 1757). Ngay từ nhỏ, ông đã học chữ Hán, sau đó chuyển sang học chữ
quốc ngữ rồi chữ Pháp. Ông nổi tiếng thông minh và chăm chỉ. Sau khi tốt
nghiệp trường Thông Ngôn ở Hà nội, Phan Văn Trường đã làm thông ngôn ở
văn phòng Phủ thống đốc sứ Bắc Kỳ một thời gian. Trong phong trào Đông
Kinh Nghĩa Thục tại Hà nội, Phan Văn Trường cùng hai người anh họ của
ông là: Phan Tuấn Phong và Phan Trọng Kiên mở một lớp học ngay tại làng
Đông Ngạc quê hương ông. Năm 1908, thực dân Pháp đã bắt giam những người
hoạt động tích cực cho phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, trong đó có ông
và hai người anh họ của ông. Tuy nhiên, do không đủ lý do buộc tội,
thực dân Pháp đành phải trả tự do cho ba anh em họ Phan.
Sang Pháp, tiếp tục hoạt động cách mạng và bị bắt giam lần thứ hai:
Cuối năm 1908, ông sang Pháp. Trong tập hồi ký "Une histoire des Conspirateurs Annamites à Paris ou La vérité sur l'Indochine"
(Một câu chuyện về những người Việt Nam mưu loạn ở Paris hay Sự thật về
Đông Dương), ông đã viết: "Năm 1908 lưu lại một ký ức tang thương đối
với quê hương tôi. Máu người Việt Nam chảy lênh láng ở tỉnh Quảng Nam và
các nơi khác tiếp theo sau những cuộc biểu tình của nhân dân.... Tôi
vừa lòng vì có thể đi xa để khỏi phải chứng kiến những cảnh đau lòng
trong đời sống ở thuộc địa". Tại Paris, ông dạy Tiếng Việt tại trường
ngôn ngữ phương Đông. Trong vài năm, ông đỗ cả cử nhân luật khoa và cử
nhân văn khoa. Thời gian sống tại Pháp, Phan Văn Trường đã tham gia rất
nhiều hoạt động yêu nước. Ông có liên hệ thường xuyên với Phan Châu
Trinh, Nguyễn ái Quốc và các nhà trí thức tiến bộ, cùng tham gia các
hoạt động cách mạng. Tác giả Ngô Văn đã từng nhận xét trong cuốn "Vietnam 1920-1945 Revolution et centre-revolution sous la domination coloniale" (Việt Nam 1920-1945: cách mạng và cao trào dưới chế độ thuộc địa) rằng: Phan Văn Trường là một trong Ngũ Long của thành phố Paris (Cinq Dragons à Paris) trong cuộc cách mạng Đông Dương (Revolution Indochinoise).
Năm 1912, Phan Văn Trường gặp Phan Châu Trinh tại Paris. Hai chí sĩ họ Phan đã lập ra Hội đồng bào thân ái, tập hợp những người Việt Nam
sinh sống, học tập, lao động tại Pháp. Chiến tranh Pháp - Đức bùng nổ,
tháng 8/1914, vì vốn là người có quốc tịch Pháp, Phan Văn Trường phải
nhập ngũ. Không bao lâu sau, Phan Văn Trường cùng Phan Châu Trinh bị bắt
và giam tại nhà lao Cherche- Midi dành riêng cho quân nhân với lý do đã
có "âm mưu chính trị chống nước Pháp", mặc dù căn cứ buộc tội còn khá
mơ hồ. Tuy đã bị bắt giam, Phan Văn Trường vẫn kiên quyết phản đối đến
cùng việc bắt giam vô lý của Pháp. Ông viết trong tập hồi ký "Une histoire des Conspirateurs Annamites à Paris ou La vérité sur l'Indochine":
"...Âm mưu này chỉ có thể có trong tưởng tượng ác ý của những người
buộc tội chúng tôi mà thôi". Tháng 7/1915, trước thái độ đấu tranh kiên
quyết của Phan Văn Trường và sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, chính phủ
Pháp buộc phải trả tự do cho hai chí sĩ họ Phan. Phan Văn Trường lại
tiếp tục ở trong quân ngũ và làm thông dịch ở Toulouse cho đến khi chiến tranh chấm dứt.
Năm 1917, Phan Văn Trường cùng với Nguyễn ái Quốc thành lập và chỉ đạo Hội những người Việt Nam yêu nước. Ngày 18/6/1919, Hội những người Việt Nam yêu nước đã gửi "Bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam" (Revendications du Peuple Annamite) tới Hội nghị Versailles.
Theo một số tài liệu của nhiều tác giả khác nhau, nội dung bản yêu sách
là do hội ý chung của bộ ba Phan Văn Trường- Phan Châu Trinh và Nguyễn
ái Quốc trên cơ sở đề xuất của Nguyễn ái Quốc và Nguyễn ái Quốc ký dưới
bản yêu sách. Không ai khác, chính Phan Văn Trường là người "chấp bút"
bản yêu sách bằng tiếng Pháp- bản yêu sách đã được công bố trên các báo ở
Paris. Cuối năm 1919, ông sang Mayence- Đức làm Luật sư và thỉnh thoảng mới trở về Paris;
tuy nhiên, mỗi lần trở về thủ đô nước Pháp là một lần ông tích cực tham
gia vào các hoạt động cách mạng bên cạnh Nguyễn ái Quốc. Trong bức thư
viết tay của Arnoux- giám đốc Sở mật thám phủ toàn quyền Đông Dương-
gửi Bộ trưởng Bộ nội vụ của Pháp ngày 12/11/1919,
có đoạn nói về Phan Văn Trường như sau: "Phan Văn Trường, cử nhân Luật,
là người có học thức (...) Phan Văn Trường đã từng là hội trưởng hội
"Đồng bào thân ái" và có xu hướng dân tộc chủ nghĩa rõ rệt..."
Hai sự nghiệp: Luật sư và Nhà báo trên cùng một con đường cách mạng
Năm 1922, ông ghi tên vào danh sách Đoàn Luật sư Paris và hành nghề tại Toà thượng thẩm Paris. Theo một số nguồn tài liệu ghi chép lại báo cáo của mật thám Pháp, Phan Văn Trường tuy đã ghi tên vào Đoàn Luật sư Paris
nhưng không mở văn phòng luật sư nên không có thân chủ, đời sống khá
chật vật về sinh hoạt vật chất. Ông thường bên vực quyền lợi của nhân
dân nên được mọi người rất quý mến. Cùng lúc đó, ông bảo vệ thành công
luận án tiến sĩ luật khoa với đề tài "Essai sur le Code Gia Long" (Lược khảo về bộ luật Gia Long). Đó là cơ sở để sau này ông biên soạn cuốn "Le droit pénal à travers l'ancienne législation chinoise- étude comparée sur le Code Gia Long" (Luật hình qua pháp chế cổ Trung Hoa- Nghiên cứu đối chiếu với Bộ luật Gia Long). Đáng chú ý hơn cả, tháng 10/1923, tại Paris, ông đã viết tác phẩm hồi ký "Une histoire des Conspirateurs Annamites à Paris ou La vérité sur l'Indochine" (Một câu chuyện về những người Việt Nam mưu loạn ở Paris
hay Sự thật về Đông Dương). Tác phẩm phê phán mạnh mẽ chế độ thực dân
Pháp ở Đông Dương; do đó, chính quyền thực dân Pháp đã cấm lưu hành và
dùng biện pháp đàn áp nếu cuốn sách được dịch sang chữ quốc ngữ. Cũng
trong thời gian này, ông tham gia một số hoạt động trong Ban nghiên cứu
thuộc địa và viết nhiều bài đăng báo Le Paria (Người cùng khổ)- tờ báo do Nguyễn ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Nổi bật là các bài báo như: "La vanité" (Sự khoe khoang phù phiếm), "Les antifrancais dans le vocabulaire colonial" (Những người chống Pháp trong từ ngữ thực dân), "Une question?" (Một câu hỏi?), "Le liberté de voyage" (Tự do đi lại),...
Cuối năm 1923, sau khi Nguyễn ái Quốc bí mật rời Paris
sang Liên Xô, Phan Văn Trường cũng rời Pháp về nước. Ông mở một văn
phòng Luật sư tham vấn (cabinet d'avocat consultant) ở số 119 đường Mac
Mahon - Sài gòn. Một mặt hành nghề Luật sư, một mặt Phan Văn Trường hợp
tác với Nguyễn An Ninh cùng làm báo đấu tranh chống thực dân Pháp. Đầu
tiên là tờ La Cloche Fêlée (Chuông rè) vào năm 1925 và sau đó là tờ L'Annam (Nước Nam)
vào năm 1926. Từ tờ báo cho đến những buổi diễn thuyết chống thực dân
trước sự cổ vũ cuồng nhiệt của hàng ngàn thanh niên Việt Nam, ông luôn
bày tỏ thái độ chống thực dân, tấn công cái gọi là "Pháp Việt đề huề"
một thời ru ngủ một số các trí thức thân Pháp như Phạm Quỳnh ở miền Bắc,
Bùi Quang Chiêu ở miền Nam. Ngoài một số trợ bút người Việt Nam
như: Nguyễn Văn Long, Nguyễn Huỳnh Điểu, Nguyễn Khánh Toàn, luật sư
Nguyễn Ngọc Thoại, ông còn được sự hợp tác của hai cây bút người Pháp.
Tôn chỉ của tờ báo L'Annam là lời của Mạnh Tử: "Dân vi quý, xã tắc thứ
chi, quân vi khinh". Đây là tư tưởng mà Nguyễn ái Quốc cũng đã dịch sang
tiếng Pháp trong Tạp chí cộng sản năm 1921: "Lợi ích của dân là trước
hết, thứ đến là lợi ích của quốc gia, còn lợi ích của vua là không đáng
kể". Những bài báo của hai tờ La Cloche Fêlée và L'Annam đều công khai
tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản, lên án mạnh mẽ chính sách của người
Pháp ở Đông Dương, đặc biệt là viên toàn quyền A. Varenen vốn là đảng
viên Đảng xã hội Pháp, khiến thực dân Pháp hết sức lo sợ. Đó là các bài
báo như: "Le 1er discours de M.Varenne- Idées- Préjugés- Sophismes" (Diễn văn đầu tiên của Ô. Varenne; ý kiến- thành kiến- nguỵ biện), "L'incident Phan Bội Châu- Arrestation et détention illégales"
(Vụ Phan Bội Châu- Bắt bớ và giam cầm bất hợp pháp),... Về những đóng
góp của ông, hai tác giả Giáo sư Nguyễn Phan Quang - Phan Văn Hoàng đã
viết: "Rõ ràng tờ La Cloche Fêlée và L'Annam là những cái gai chọc vào
mắt chính quyền thuộc địa. Nhưng Phan Văn Trường đã biết tận dụng những
kẽ hở trong luật pháp thực dân đối với tờ báo tiếng Pháp để truyền bá
một cách kín cạnh những tư tưởng yêu nước và tiến bộ." Cũng chính vì lẽ
đó, ngày 25/7/1927, thực dân Pháp đã một lần nữa bắt và ghép cho ông tội
"xúi giục người bổn xứ chống đối và dấy loạn", tờ báo L'Annam cũng bị
ngừng xuất bản một thời gian. Ngày 12/1/1928,
tờ báo lại tiếp tục và vẫn theo đường lối sơ khởi. Trước thái độ kiên
cường ấy, thống đốc Nam Kỳ đã truy tố và bỏ tù tất cả Ban giám đốc và
cộng sự viên của tờ báo. Ngày 27/3/1928,
Phan Văn Trường bị Toà án áo đỏ Sài gòn kết án hai năm tù giam. Vốn là
một luật sư, am hiểu luật pháp, ông không chấp nhận phán quyết này, ông
chống án sang Pháp và hơn một năm sau Toà thượng thẩm Paris vẫn xử y án. Ngày 14/8/1929,
ông bị đưa vào nhà giam La Santé, nơi Phan Châu Trinh cũng đã bị giam
15 năm trước. ở trong tù, như luôn trực sẵn tư chất của một luật sư, ông
vẫn tiếp tục đấu tranh. Khi bị giam chung với tù thường phạm, ông đã
phản đối. Kết quả là ngày 31/8/1929, chính quyền thực dân buộc phải chuyển ông sang khu dành cho tù chính trị.
Phục vụ cách mạng đến khoảnh khắc cuối cùng- ý nguyện dang dở:
Năm
1931, sau khi hết hạn tù, Phan Văn Trường trở lại Sài gòn và gặp lại
Nguyễn An Ninh với ý định tiếp tục cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp
trên mặt trận báo chí công khai. Vậy mà ý nguyện của ông đã không thành.
Năm 1933, ông về Hà nội để thăm gia đình. Trong thời gian ở Hà nội, ông
đã ngã bệnh bất ngờ và qua đời tại quê nhà ngày 23/4/1933,
ở tuổi 57. Khi được tin ông từ trần, Phan Bội Châu rất xúc động và có
đôi câu đối điếu ông. Trong đó có câu: "Một kiếp thương tâm" ám chỉ Phan
Văn Trường cả cuộc đời đau đáu nỗi đau chung mất nước.
Chúng
ta nhớ về Phan Văn Trường là nhớ về người Tiến sĩ luật học- Luật sư đầu
tiên của Việt Nam, một nhà cách mạng yêu nước đã dành trọn cuộc đời cho
sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày nay, con đường dẫn vào Học
viện Tư pháp- cái nôi đào tạo và bồi dưỡng những con người góp phần bảo
vệ công lý- được vinh dự mang tên của ông.
Riêng
với cá nhân tôi- một Luật sư được sinh ra ở thế kỷ 20 và trưởng thành ở
thế kỷ 21, khi đất nước đã qua chiến tranh được 30 năm- cuộc sống yên
bình của tôi trái ngược hẳn với "ký ức tang thương" và "cảnh đau lòng
trong đời sống thuộc địa" mà luật sư Phan Văn Trường đã nhắc đến trong
tập hồi ký của ông. Điều đó thôi thúc tôi tìm hiểu về ông để hiểu rõ hơn
về người luật sư mà thân thế và sự nghiệp đã từng được nhiều nhà cách
mạng cộng sản đánh giá cao. Trong số các tác phẩm mà ông đã viết, thật
ngẫu nhiên tôi đặc biệt chú ý đến cuốn "Pháp luật lược luận"
được ông viết năm 1926 trong số nhiều sách và bài viết thuộc nhiều chủ
đề khác nhau. Có lẽ bởi đây là cuốn sách chứa nhiều quan điểm tiến bộ
của ông về Pháp luật với tư cách là một tiến sĩ luật khoa và một luật sư
có quá trình hoạt động thực tiễn tại nhiều nước. Sau một hồi tìm kiếm,
tôi đến được căn phòng nhỏ trong Thư viện Quốc gia nơi lưu trữ bản
microfilm cuốn sách "Pháp luật lược luận" của nhà in Xưa Nay
xuất bản năm 1928. Trong cuốn sách, ông đã dành cả chương thứ nhất để
nói về mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật. Ông kết luận: "Đạo- đức
chủ ý lương thiện. Pháp- luật chủ ý công bằng. Đạo-đức và pháp- luật tuy
có khác nhau thực; nhưng mà thực- hành ra thời đạo- đức và pháp- luật
cũng không thể có cách biệt hẳn được, bởi vì pháp- luật, nhất là luật
hình phải dựa lấy đạo- đức làm nền, làm cơ- sở. Sự lương- thiện với sự
công- bằng nó gần nhau lắm, nó có thể hợp- đồng được. Và có hiểu sự
lương- thiện thời mới rõ sự công- bằng được." Sự lý giải chặt chẽ, logic
về mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật dưới những ngôn từ rất mộc mạc
và dễ hiểu như vậy thể hiện một con người không những có sự hiểu biết
sâu sắc, uyên bác về pháp luật mà còn tinh thông về xã hội, triết học và
những lĩnh vực khác. Cũng như ở phần kết luận của cuốn sách ông đã
viết: "Pháp- luật là một ngành xã-hội học. Mà xã-hội học là phải khảo
cứu hết cả nhơn-tình thế-cố, hết cả qui- tắc nhơn-quần sanh-hoạt, cho
nên dẫu bàn cao xa đến đâu cũng vẫn chưa đủ là cao xa." Rõ ràng những
dòng cô đọng đó đã mang lại cho chúng ta bài học về một phương pháp
nghiên cứu khoa học nghiêm túc, một cách thức suy nghĩ có hệ thống. Điều
này hẳn là rất cần thiết cho một Luật sư ở bất kỳ hoàn cảnh lịch sử
nào.
Những
Luật sư ngày nay đang sống và hành nghề trong bối cảnh mới: hội nhập
quốc tế, có nhiệm vụ bảo vệ công lý cho một xã hội hoà bình, dân chủ,
công bằng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, mỗi chúng ta cần tiếp thu ở
Luật sư Phan Văn Trường sự không ngừng nâng cao tri thức. Và điều đáng
quý hơn chúng ta thấy ở Luật sư Phan Văn Trường, đó là ông đã đem tri
thức của mình để cống hiến cho lợi ích chung của đất nước, sự nghiệp
chung của dân tộc. Xin được thay lời kết bằng đôi câu đối chữ Hán đặt
trước phần mộ Luật sư Phan Văn Trường để nói lên nhân cách và trí tuệ
của ông:
"Bình sinh tối ái tự do đại tư tưởng hữu đại nghị luận,
Anh hùng vô nhị chủ thị tri xã hội bất tri gia đình"
Bài
viết có tham khảo một số tài liệu do Trung tâm lưu trữ Quốc gia I và
Thư viện Quốc gia cung cấp, tài liệu của các tác giả: Giáo sư Nguyễn
Phan Quang, Phan Văn Hoàng, Ngô Văn.http://luathoc.vnweblogs.com/post/19665/241121
No comments:
Post a Comment