Giọt nước trong biển cả
Hoàng Văn Hoan
(Hồi ký cách mạng) 16 kì
III. Hồ Chủ Tịch bị bắt ở Trung Quốc và những hoạt động của Người
Việc Hồ Chủ tịch đi Trùng Khánh gặp Tưởng Giới Thạch là một chủ trương chiến
lược rất quan trọng, từ trước đến nay rất ít người biết, có người biết ít nhiều
thì cũng vì lẽ này hoặc lẽ khác tránh đi không nói, cũng có người lại nói Hồ Chủ
tịch đi Trùng Khánh là cốt để gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chứ không
phải dể gặp Tưởng Giới Thạch. Cách suy nghĩ như thế là xuất phát từ chỗ không thấy
rõ sự cần thiết của cách mạng Việt Nam trong lúc đó là phải có một vị trí quốc tế,
cụ thể là phải có sự quan hệ rõ ràng với Trung Quốc, một nước trong phe Đồng minh
chống phát-xít, một nước mà phần lớn đất đai đã bị Nhật chiếm, đang tiến hành cuộc
chiến tranh chống Nhật và đang chuẩn bị việc Hoa quân nhập Việt. Hồ Chủ tịch bị
bắt ở dọc đường và giam giữ hơn một năm là việc không ngờ, nhưng với một thái độ
chính trị dúng đắn và những hành động khôn khéo, ở Liễu Châu Hồ Chủ tịch đã tranh
thủ được sự đồng tình của Trương Phát Khuê và Tiêu Văn, được đưa vào Ban Chấp hành
của Việt Nam cách mạng đồng minh hội và được đi về qua lại hoàn toàn tự do.
Đó chính là điều kiện thuận lợi cho Hồ Chủ tịch về nước lãnh đạo việc chuẩn bị khởi
nghĩa trước Cách mạng Tháng Tám, và cũng là điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh
giữa Việt Minh-Việt Quốc-Việt Cách sau Cách mạng Tháng Tám mà Việt Minh là kẻ chiến
thắng.
Sự việc có thể tóm tắt vào ba điểm như sau:
- Hồ Chủ tịch bị bắt và cuộc vận động của ta chống việc bắt Hồ Chủ tịch.
- Hồ Chủ tịch tham gia Việt Nam cách mạng đồng minh hội.
-
Hồ Chủ tịch được tự do về nước.
1. Hồ Chủ tịch bị bắt ở Trung Quốc và cuộc vận động của chúng ta chống việc
bắt Hồ Chủ tịch
Việc Hồ Chủ tịch bị bắt ở Trung Quốc cuối năm 1942 là việc chúng ta đã biết,
nhưng chỉ biết qua loa. Đến như những hoạt động của Người như thế nào để đạt được
kết quả chính trị có lợi cho mình, cho cách mạng thì rất ít người biết. Có người
trong lúc đó được biết một đôi chút về Người, khi viết hồi ký lại huênh hoang thêu
dệt ra một số tình tiết để tỏ vẻ mình là người biết rõ sự việc, là người được Hồ
Chủ tịch tin cậy, dặn dò và giao phó việc này, việc nọ. Thực ra, thời gian ở Liễu
Châu khi chưa tham gia Việt Nam cách mạng đồng minh hội, Người chỉ chăm chú rèn
luyện thân thể, cặm cụi đọc sách, báo và dịch cuốn Tam dân chủ nghĩa, không nói
chuyện chính trị và tiếp xúc với một "nhà chính trị" Việt Nam nào, vì Người cảnh
giác đối với các "nhà chính trị" đó. Sau khi tham gia Việt Nam cách mạng đồng minh
hội, Người lại rất chan hòa với mọi người, và yêu cầu mọi người phải thật lòng đoàn
kết trong mục đích chung là chống Nhật cứu nước. Chính vì thái độ đó mà được Trương
Phát Khuê kính nể, tin cậy và cuối cùng để cho được hoàn toàn tự do. Những sự việc
cụ thể mà tôi thuật lại trong mục này là đã tham khảo những tài liệu gốc của Quốc
dân đảng Trung Quốc trong lúc đó mà gần đây mới sưu tầm được, để chứng minh sự thật
một cách rõ ràng, chắc chắn hơn.
Sự thật là sau hơn một năm lãnh đạo công tác ở Cao Bằng, Việt Minh đã phát triển
rộng khắp trên các tỉnh Việt Bắc, cuộc chiến tranh chống phát-xít trên thế giới
cũng phát triển nhanh chóng, Hồ Chủ tịch thấy cần phải đi Trùng Khánh gặp Tưởng
Giới Thạch và bà Tống Khánh Linh, Chủ tịch Phân hội phản xâm lược đồng minh Trung
Quốc để đặt mối quan hệ chính thức với phía Trung Quốc, một trong năm nước lớn
Đồng minh chống Phát-xít.
Ngày 20-8-1942, anh Lê Quảng Ba đưa Bác đi từ Pác Bó đến biên giới Trung Quốc,
rồi xếp đặt một đồng chí Trung Quốc đưa Bác đi, còn anh thì lại trở về nước. Khi
đến phố Túc Vinh thuộc chuyên khu Thiên Bảo tỉnh Quảng Tây thì Bác bị bắt.
Bác đi Trùng Khánh với danh nghĩa là đại biểu Phân hội phản xâm lược đồng minh
Việt Nam đi gặp Tưởng Ủy viên trưởng để tỏ tòng tôn kính và gặp người phụ trách
Phân hội phản xâm lược đồng minh Trung Quốc để thương lượng công việc chống Nhật.
Với danh nghĩa như vậy, đáng lẽ nước Trung Quốc đang chống Nhật thì phải tiếp đãi
thân mật và hết sức giúp đỡ; nhưng trái lại, đương cục địa phương lại lấy cớ giầy
tờ không hợp lệ, tùy tiện bắt giải đi như một người tù mà chẳng cần xét hỏi gì cả.
Việc Bác bị bắt ở Túc Vinh ta chưa biết ngay, mãi đến cuối tháng 10-1942, quần
chúng Trung Quốc nhắn cho biết, thì Tỉnh ủy Cao Bằng mới quyết định một mặt vận
động các đoàn thể quần chúng và kiều bào hải ngoại liên danh viết thư đòi phía Trung
Quốc phải tha ngay nhà cách mạng lão thành Việt Nam đang lãnh đạo phong trào chống
Nhật; một mặt phái anh Hoàng Đình Ròng [7]
đến biên giới lấy danh nghĩa Phân hội phản xâm lược đồng minh Việt Nam đánh điện
cho Tôn Khoa, Viện trưởng Viện Lập pháp Trung Quốc yêu cầu tha ngay Hồ Chủ tịch.
Bức điện bằng chữ Hán, nội dung như sau:
Kỉnh gửi Tôn Viện trưởng: Đại biểu của Hội chúng tôi là Hồ Chí Minh đi Trùng
Khánh để dâng cờ tỏ lòng kính trọng đối với Tưởng Ủy viên trưởng, khi đi qua Tịnh
Tây thì bị bắt, kính xin Ngài điện cho địa phương tha ngay.
Tôn Khoa nhận được điện liền chuyển ngay cho Ngô Thiết Thành, Bí thư trưởng Ban
Chấp hành Trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc. Ngày 9 tháng 11, Ngô Thiết Thành
điện cho Chính phủ Quảng Tây và Trương Phát Khuê bảo phải xét rõ và thả ngay. Nhưng
lúc đó Bác còn bị giải đi trên quãng đường Đồng Chính – Nam Ninh, nên Chính phủ
Quảng Tây và Trương Phát Khuê vẫn chưa tìm ra manh mối.
Vào khoảng trung tuần tháng 11-1942, tôi đến Nhượng Bạn gặp các anh Vũ Anh, Bác
Vọng, Phạm Văn Đồng đưa vấn đề ra bàn thì thấy rằng chỉ viết thư và đánh điện cho
nhà đương cục Trung Quốc chắc không có kết quả, cần phải gây thành một dư luận quốc
tế thì mới có sức ép với Quốc dân đảng Trung Quốc. Chúng tôi quyết định viết thư
cho các hãng thông tấn lớn trên thế giới. Bức thư gửi cho Trung ương Thông tấn xã
Trung Quốc tôi viết bằng chữ Hán; bức thư gửi cho các hãng TASS Liên Xô, UPI Mỹ,
Roi-tơ Anh và AFP Pháp thì anh Đồng viết bằng chữ Pháp. Nội dung bức thư như sau:
Tiền tuyến Trung – Việt ngày 15-11-1942,
Gần đây giữa cách mạng Việt Nam với đương cục Trung Quốc phát sinh một sự hiểu lầm rất nghiêm trọng. Đồng chí cách mạng Hồ Chí Minh đại biểu Phân hội phản xâm lược đồng minh Việt Nam đi Trùng Khánh để dâng cờ tỏ lòng kính trọng đối với Tưởng Ủy viên trưởng và để bàn công việc với Phân hội phản xâm lược đồng minh Trung Quốc. Ngày 2 tháng 9 đi đến quãng đường giữa Tịnh Tây và Thiên Bảo bị đương cục địa phương tùy tiện bắt với lý do là giấy thông hành không hợp lệ.
Phân hội phản xâm lược đồng minh Việt Nam, do sự hoạt động của đồng chí Hồ Chí Minh, được thành lập từ năm 1941 bao gồm nhiều đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân với hơn hai mươi vạn hội viên phân bố khắp cả nước, từ Nam kỳ, Trung kỳ cho đến Bắc kỳ.
Đồng chí Hồ Chí Minh là người có uy tín lớn và rất trọng yếu của Phân hội phản xâm lược đồng minh Việt Nam, nay bị bắt ở Trung Quốc, đã gây nên một sự bất mãn lớn của những người cách mạng Việt Nam đối với Trung Quốc. Gần đây nhiều đoàn thể nhân dân Việt Nam đã gửi thư tới Trùng Khánh nói rõ vấn đề, nhưng cho đến nay đồng chí Hồ Chí Minh vẫn bị giam giữ. Đề nghị quý Thông tấn xã vận động đương cục Trung Quốc tha ngay đồng chí Hồ Chí Minh.
Bức điện này nếu quý Thông tấn xã thấy cần thì có thể công bố.
Khi các thông tấn xã ở Trùng Khánh nhận được bức thư này thì Hồ Chủ tịch đã bị
giải đến Quế Lâm, nhưng qua một thời gian mấy tháng, Quế Lâm vẫn không điều tra
ra manh mối, nên lại giải về cho Quân khu bốn ở Liễu Châu để Quân khu bốn xử lý.
Quân khu bốn coi Hồ Chủ tịch là một người tình nghi chính trị, giữ lại chỗ giam
giữ quân nhân, nhưng cung cấp cho ăn uống đầy đủ, được đọc sách bào và không bắt
phải làm khổ công. Tháng 7- 1943, Quân khu bốn quan sát biết là một nhân vật hoạt
động quốc tế, Trương Phát Khuê liền chuyển về Bộ chính trị Quân khu và giao cho
tướng Hầu Chí Minh, phụ trách việc "cảm hóa".
Đối với Hồ Chủ tịch, Hầu Chí Minh tỏ vẻ kính nể, thường ngồi cùng ăn uống và
trò chuyện rất bình đẳng, nhưng tìm hiểu về thân phận thì Hồ Chủ tịch cự tuyệt không
trả lời. Sau do sự phát giác của nội tuyến [8]
thì mới biết rõ Hồ Chí Minh là Lý Thụy, là Nguyễn Ái Quốc, là Hoàng Quốc Tuấn, là
lãnh tụ cộng sản và lãnh tụ Việt Minh.
Tên phản Đảng Trần Báo mách cho đương cục biết rõ lai lịch của Bác, mục đích
là cốt để cho Bác mất hẳn tự do hoặc bị giết hại thì hắn mới có thể đứng vững. Nhưng
không ngờ sau khi biết rõ thân phận của Bác, Trương Phát Khuê lại càng kính nể và
ưu đãi hơn trước. Trong bản báo cáo của Trương Phát Khuê gửi Trung ương Quốc dân
đảng hồi tháng 1-1944 có đoạn nói: "Hồ Chí Minh từ lúc dời đến Bộ chính trị Quân
khu vẫn được ưu đãi và được cảm hóa với một thái độ kính nể. Lúc đó Trương Phát
Khuê đã có ý định tha Hồ Chủ tịch về Việt Nam. Về việc này, bọn phái viên của Tưởng
ở Liễu Châu tỏ vẻ rất bực tức, nhưng Trương Phát Khuê vẫn không thay đổi thái độ.
2. Hồ Chủ tịch tham gia Việt Nam cách mạng đồng minh hội
Như ở phần thứ ba đã nói, Quân khu bốn định lập Hội phản xâm lược đồng minh Việt
Nam làm cơ quan lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lấy Việt Bắc làm căn cứ, lấy chủ nghĩa
tam dân làm cơ sở dựng nước và lập Chính phủ lâm thời Việt Nam để phục vụ việc cho
Hoa quân nhập Việt, là những chủ trương không hợp lý mà chúng ta nhân danh Việt
Minh đã chỉ vạch ra, Quân khu bốn phải gác lại không bàn chuyện lập Hội phản xâm
lược đồng minh nữa. Sau khi hai người Việt Nam Quốc dân đảng là Vũ Hồng Khanh và
Nghiêm Kế Tổ, được Trùng Khánh làm hậu thuẫn, từ Côn Minh đến Liễu Châu thì Quân
khu bốn chuyển hướng, chuẩn bị thành lập Việt Nam cách mạng đồng minh hội với ý
định hoàn toàn gạt Việt Minh ra ngoài.
Ngày 1-10-1942, Đại hội thành lập Việt Nam cách mạng đồng minh hội
[9] chính thức khai mạc ở Liễu Châu.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm bảy người là: Trương Bội Công, Nguyễn
Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Trần Báo, Nông Kinh Du, Trương Trung Phụng;
mà ủy viên thường vụ là Trương Bội Công, Nguyên Hải Thần, Vũ Hồng Khanh. Xem danh
sách thì Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần có địa vị cao, sự thực thì Vũ Hồng Khanh,
Nghiêm Kế Tổ là người của Trùng Khánh nắm ưu thế.
Mong Việt Cách sẽ trở thành một công cụ đắc lực cho việc Hoa quân nhập Việt,
Trương Phát Khuê bổ nhiệm Hầu Chí Minh làm Chủ nhiệm Bộ chính trị Quân khu kiêm
chức "Đại biểu chỉ đạo Việt Nam cách mạng đống minh hội".
Ngày 1-9-1943, Hầu Chí Minh định triệu tập một cuộc Đại hội Việt Cách để bàn
bạc việc chỉnh đốn nội bộ, nhưng rồi Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh,
Nông Kinh Du vẫn mỗi người một phách, vẫn ngấm ngầm tranh giành, chèn ép nhau nên
cuộc họp không thực hiện được, mãi đến cuối năm 1943, tình hình Việt Cách vẫn như
cũ chẳng có gì thay đổi.
Trương Phát Khuê thấy rõ Hầu Chí Minh là bất lực, bèn tự mình đứng ra trực tiếp
nắm lấy quyền chỉ đạo, đồng thời chỉ định tướng Tiêu Văn làm phó. Một văn phòng
của Đại biểu chỉ đạo được thành lập do Tiêu Văn làm Chủ nhiệm.
Tiêu Văn trao đổi ý kiến với Hồ Chủ tịch về việc muốn triệu tập một cuộc đại
hội để chỉnh đốn Việt Cách bằng cách đưa một số người mới vào ban lãnh đạo, trong
đó có Hồ Chủ tịch. Hồ Chủ tịch nói, hiện nay các thành viên của hội Việt Cách đều
là người ở hải ngoại, chưa có đại biểu trong nước; như vậy, gọi là họp đại hội không
ổn, có lẽ chỉ nên gọi là hội nghị đại biểu các đoàn thể của Việt Cách ở hải ngoại,
thì thích hợp hơn. Đến như việc tôi [10]
tham gia Hội Việt Cách như thế nào, thì do Trương Trưởng quan và Tiêu Chủ nhiệm
quyết định. Hồ Chủ tịch cũng đề nghị nếu họp hội nghị thì nên để Nguyễn Tường Tam
tham gia, vì y tuy là người của Đảng Đại Việt thân Nhật, nhưng là một người có học
vấn, nếu được tham gia hội nghị thì sẽ hết sức cảm ơn Trương Trưởng quan và sẽ có
thể tự cải tạo thành một người trong hàng ngũ chống Nhật.
Được nghe Tiêu Văn báo cáo những ý kiến trên của Hồ Chủ tịch, Trương Phát Khuê
rất tán thưởng và quyết định triệu tập ngay hội nghị để chỉnh đốn lại bộ máy lãnh
đạo của Việt Cách.
Hội nghị đại biểu họp tại Liễu Châu từ ngày 25 đến ngày 28-3-1944, gồm 15 đại
biểu các đoàn thể, trong đó có đại biểu Hội giải phóng ở Vân Nam là Lê Tùng Sơn
vốn đã theo Việt Minh, đại biểu Biệt động quân ở Nam Ninh là Nguyễn Thanh Đồng cũng
là Việt Minh, đại biểu Đảng Đại Việt là Nguyễn Tường Tam và đại biểu Phân hội phản
xâm lược đồng minh Việt Nam là Hồ Chí Minh.
Những đoàn thể có đại biểu được mời đến tham dự hội nghị lần này, trước kia đều
không có chân trong Việt Cách.
Kết quả việc chỉnh đốn lần này là: Trước kia bảy người trong Ban Chấp hành trung
ương có Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nông Kinh Du, thì bây giờ ba người này chỉ
ở trong Ban giám sát, ba người mới được thay vào là Lê Tùng Sơn, Bồ Xuân Luật và
Trần Đình Xuyên. Hồ Chủ tịch và Nguyễn Tường Tam được bầu làm Ủy viên Trung ương
dự khuyết. Sau một thời gian Trần Đình Xuyên bị gạt, Hồ Chủ tịch được trở thành
Ủy viên Trung ương chính thức. Thế là Hồ Chủ tịch đã có một địa vị vững chắc trong
Việt Nam cách mạng đồng minh hội.
3. Hồ Chủ tịch được tự do về nước
Việc cải tổ Việt Cách ở Liễu Châu tiến hành xong (28-3-1944) một thời gian thì
đầu tháng 6-1944, Tiêu Văn đi Côn Minh để cải tổ Phân hội Việt Cách ở Vân Nam. Kết
quả của việc cải tổ là Ban Chấp hành Phân hội năm người thì ba người là Việt Minh
[11] ; Ban thường vụ ba người thì hai
người là Việt Minh [12] ; Ban giám sát
ba người thì có một người là Việt Minh [13]
. Kết quả đó làm cho Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ hết sức bất mãn và tỏ thái độ chống
đối. Tiêu Văn liền cho bắt ngay Nghiêm Kế Tổ và Vũ Quang Phẩm đang hoạt động ở Đông
Hưng và định cho bắt luôn cả Vũ Hồng Khanh đang ở Côn Minh với cái tội "vi phạm
kỷ luật, chống phá Phân hội Việt Cách". Vũ Hồng Khanh được Trùng Khánh che chở nên
không bị bắt, nhưng từ đó về sau bị cấm không được trở lại Liễu Châu nữa.
Ngày 9-8-1944, Hồ Chủ tịch được Trương Phát Khuê để cho hoàn toàn tự do để chuẩn
bị việc về nước.
Trước khi về nước Hồ Chủ tịch dự thảo kế hoạch công tác và một số yêu cầu viện
trợ cụ thể đưa Trương Phát Khuê. Kế hoạch công tác là xây dựng hai căn cứ địa du
kích ở dọc biên giới tương đối gần nhau để có thể dễ bề liên lạc. Hai căn cứ địa
cần độ 600 khẩu súng; ngoài ra còn cần 400 khẩu súng nữa để tổ chức một số tiểu
đội, động thì đánh du kích, tĩnh thì làm vũ trang tuyên truyền. Về kinh phí xin
cấp cho hai vạn năm nghìn tiền Đông Dương để chi phí về tiền ăn trong hai tháng
đầu và một số tiền Trung Quốc đủ dùng cho trong lúc đi đường từ Liễu Châu về đến
Việt Nam.
Về phần cá nhân, Hồ Chủ tịch yêu cầu mấy việc như sau:
- Yêu cầu Trương Phát Khuê việt một bức thư gửi các đoàn thể yêu nước Việt Nam.
- Yêu cầu có một thư ủy nhiệm của Trung ương Việt Cách phái Hồ Chủ tịch về nước công tác.
- Yêu cầu cho một bản địa đồ Việt Nam dùng cho quân sự.
- Yêu cầu Trương Phát Khuê cho một chứng minh thư dài hạn để tiện việc đi lại.
- Xin một số tài liệu tuyên truyền như quyển Tội ác giặc Nhật và một số tranh ảnh.
- Xin một khẩu súng nhỏ để tự vệ.
- Xin một số kinh phí cần thiết cho cá nhân trong buổi đầu.
Sau khi nhận được kế hoạch công tác và yêu cầu về cá nhân, Trương Phát Khuê liền
cấp cho:
- Một cái hộ chiếu dài hạn để tiện cho việc đi lại, các thứ giấy tờ cần thiết khác và một số thuốc chữa bệnh.
- Bảy vạn sáu nghìn tiền Trung Quốc.
Đến như số kinh phí để xây dựng căn cứ địa và một số tiểu đội du kích thì còn
nghiên cứu chưa cung cấp ngay.
Ngày 20 tháng 9 năm 1944, Hồ Chủ tịch cùng 18 cán bộ rời Liễu Châu qua Long
Châu, Tịnh Tây, Bình Mãnh về Cao Bằng.
Theo hồi ký của đồng chí Mạc Nhất Phàm [14]
, thì lúc Bác đến Bình Mãnh sức khỏe không tốt, đồng thời trong nước đang bị khủng
bố nặng, Bác phải bí mật tránh ở nhà anh Lâm Kiến Thông ở Lũng Y thuộc xã Bình Mãnh.
Các đồng chí ở Lũng Y sợ để trong làng dễ bị lộ, phải làm lán trong rừng để Bác
ở và phái mấy đồng chí luân lưu thường trực săn sóc và bảo vệ Bác một thời gian
rồi mới đưa Bác về Pác Bó.
VI. Hồ Chủ tịch đi Côn Minh gặp tư lệnh không quân Mỹ
Việc Hồ Chủ tịch đi Côn Minh gặp Tư lệnh không quân Mỹ cũng là một việc rất ít
người biết, có người biết ít nhiều cũng tránh đi không nói. Tôi thấy đây cũng là
chủ trương chiến lược rất quan trọng, cần phải thuật lại đầy đủ để mọi người thấy
rõ sự thật. Những sự việc cụ thể mà tôi thuật lại trong mục này cũng đều có tham
khảo tài liệu gốc của Quốc dân đảng Trung Quốc trong lúc đó mà gần đây mới sưu tầm
được.
Mùa đông năm 1944, Mỹ phái nhiều máy bay từ Trung Quốc qua đánh Nhật ở Việt Nam.
Một chiếc máy bay bị Nhật bắn rơi xuống một khu rừng gần thị xã Cao Bằng. Trung
úy phi công tên là San (Shan) bị Nhật lùng bắt, được quần chúng địa phương thu dụng,
che chở rồi đưa đến vùng biên giới gặp Hồ Chủ tịch. Trong khi đi đường trung úy
San được săn sóc và đối đãi rất tốt, chỉ khổ một điều là không hiểu tiếng Việt và
tiếng Pháp nên ai nói gì cũng nghe không ra. Khi gặp Hồ Chủ tịch bỗng được nghe
một câu tiếng Anh: "Chào phi công, phi công ở đâu đến?" thì anh cảm động quá, ôm
chồm lấy Bác và nói: "Tôi nghe tiếng nói của ông y như tiếng nói của bố tôi ở bên
Mỹ". Chuyện trò một hồi rồi Hồ Chủ tịch hỏi: "Bây giờ phi công có yêu cầu gì không?"
San nói: "Cơ quan chỉ huy của tôi ở Côn Minh, tôi mong được các ông giúp đưa đến
biên giới Trung Quốc, thì tôi sẽ được đón về Côn Minh". Bác nói, tôi cũng có việc
đang định đi Trung Quốc đây. Anh có thể cùng đi với tôi, Trung úy San nói, như thế
thì rất tốt, đến Trung Quốc tôi sẽ đề nghị cơ quan chỉ huy của tôi mời ông cùng
đi Côn Minh.
Việc lên đường được chuẩn bị gấp. Ann Phùng Thế Tài đưa Bác và Trung úy San đi
Côn Minh, cùng đi trên đất Trung Quốc được năm ngày thì đương cục Trung Quốc tách
riêng ra, chỉ tiếp đãi và đưa trung úy San đi Côn Minh, còn Hồ Chủ tịch thì để mặc
tự mình đi mà không ngăn cản, vì Hồ Chủ tịch đã được tư lệnh không quân Mỹ ở Trung
Quốc mời, mà lại có sẵn hộ chiếu dài hạn do Trương Phát Khuê cấp cho từ trước. Báo
cáo của Trương Phát Khuê gửi Trùng Khánh cũng chứng nhận việc Hồ Chủ tịch đi Côn
Minh là do Mỹ mời.
Cuối năm 1944, Hồ Chủ tịch đến Nghi Lương ở nhà anh Hoàng Quang Bình, nghỉ ngơi
mấy hôm để hỏi han tình hình rồi đi Côn Minh.
Đến Côn Minh Bác ở nhà anh Tống Minh Phương, người đã báo cáo xin biếu cả toàn
bộ gia tài cho cách mạng, bề ngoài vẫn là một hiệu bán cà phê, thực tế là trụ sở
làm việc để Bác có thể tiếp xúc với những người có quan hệ. Ở đây vợ chồng anh Tống
Minh Phương coi Bác như bậc thầy bậc cha, tiếp đãi và săn sóc hết sức chu đáo. Cụ
Lê Nhuận Chi, anh Phạm Việt Tử rời Liễu Châu về Côn Minh từ cuối năm 1942 cũng cùng
vợ chồng anh Tống Minh Phương hết sức giúp đỡ Bác.
Bác đến Côn Minh với danh nghĩa là ủy viên Trung ương của hội Việt Cách, tất
nhiên có trách nhiệm xem xét tình hình Phân hội Việt Cách ở Vân Nam, và giúp đỡ
cán bộ về tư tưởng và cách thức làm việc, khiến cho Phân hội trở thành một tổ chức
cách mạng được quần chúng tin cậy.
Nhưng mục đích của Hồ Chủ tịch trong dịp đến Côn Minh là liên hệ với quân Đồng
minh Mỹ để cách mạng Việt Nam có một vị trí quốc tế rõ ràng trong phe Đồng minh
chống phát-xít.
Ở nhà anh Tống Minh Phương không lâu thì Bác đi gặp tướng Chen-nớt-tơ, Tư lệnh
không quân Mỹ đóng ở Vân Nam. Chen-nớt-tơ trực tiếp gặp và chuyện trò thân mật.
Qua sự giới thiệu của Hồ Chủ tịch, được biết các tổ chức chống Nhật ở Việt Nam
đều gia nhập mặt trận Việt Minh, Chen-nớt-tơ hỏi: Việt Minh có thể tổ chức một cái
"trạm cứu hộ" để cứu giúp những phi công Đồng minh nhảy dù xuống Việt Nam được không?
[15]
Hồ Chủ tịch trả lời, có thể làm được và sẵn sàng làm để phối hợp với quân Đồng
minh đánh Nhật. Hiện nay tổ chức chống Nhật ở Việt Nam phát triển rộng, nếu Mỹ giúp
vũ khí đạn dược và phương tiện thì Việt Nam sẽ có lực lượng nhiều hơn để đánh phá
quân Nhật. Đến như việc "cứu hộ" quân nhảy dù Đồng minh, thì chúng tôi đã làm, việc
trung úy San được cứu hộ và được an toàn đưa đến Trung Quốc là một bằng chứng cụ
thể.
Chen-nớt-tơ hài lòng với câu trả lời trên, nhưng không quên đặt vấn đề yêu cầu
Việt Minh làm tình báo cho Mỹ. Hồ Chủ tịch nói chúng tôi không làm nhân viên tình
báo Mỹ, nhưng chúng tôi có thể thông báo tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt
Nam cũng như tình hình hoạt động của Nhật ở Việt Nam để phối hợp cùng nhau đánh
Nhật. Chúng tôi xem đó là một sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Minh với các nước Đồng
minh. Về việc này chúng tôi đã tuyên truyền và giáo dục quần chúng từ năm 1941 sau
khi Việt Minh ra đời. Chúng tôi hiểu Việt Nam chỉ phải đứng về phe Đồng minh và
hợp tác chặt chẽ với Đồng minh trong việc chống Nhật thì mới có thể giải thoát khỏi
ách thống trị của phát-xít Nhật.
Ngoài việc gặp Chen-nớt-tơ ra, Hồ Chủ tịch còn tiếp xúc một số người Mỹ khác
để bàn việc cụ thể. Khi rời Côn Minh, người Mỹ tặng Bác khẩu súng bát, hai vạn viên
đạn, một số thuốc chữa bệnh và một số tiền. Bác không nhận tiền, chỉ nhận súng đạn,
thuốc chữa bệnh, tỏ lời cảm ơn và nói mong sau này Mỹ sẽ giúp nhiều hơn nữa.
Thời gian Hồ Chủ tịch ở Côn Minh cũng là thời gian xảy ra một số việc quan trọng:
- Ở Trung Quốc, ngày 11-11-1944 Liễu Châu bị Nhật chiếm, Bộ tư lệnh Quân khu bốn phải chuyển về Bách Sắc, một thị trấn không lớn thuộc Quảng Tây. Các "nhân vật trọng yếu" của Việt Cách như Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Trần Báo, Nông Kinh Du đã hoảng hốt chạy khỏi Quảng Tây; sáu trăm quân Phục quốc cũng tán loạn, chỉ còn 140 người cùng với Bồ Xuân Luật, Lê Tùng Sơn chạy theo Bộ tư lệnh Quân khu bốn về đến Bách Sắc.
- Ở Việt Nam, ngày 9-3-1945 quân Nhật đảo chính Pháp, ngày 13-3 Bảo Đại tuyên bố ngoan ngoãn làm tay sai cho Nhật.
- Ở Pháp, ngày 24-3-1945 Chính phủ Đờ-gôn tuyên bố quyết tâm trở lại cai trị Việt Nam. Chính phủ Tưởng Giới Thạch vì không muốn gây rắc rối trong việc bang giao với Pháp, nên không tỏ thái độ phản đối, thì nhóm Việt Nam Quốc dân đảng ở Côn Minh cũng ngậm tăm, nhưng cũng ở Côn Minh, ngày 7-4-1945 Dương Bảo Sơn được sự chỉ dẫn của Hồ Chủ tịch, đã nhân danh phân hội Việt Cách họp báo tuyên bố chống chủ trương của Đờ-gôn, trong lời tuyên bố có đoạn nói: "Vận mệnh của Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam quyết định, người Pháp không có quyền can thiệp. Hiện nay nhân dân Việt Nam đã có bộ đội vũ trang, do đoàn thể cách mạng [16] lãnh đạo, đang chiến đấu với kẻ thù". Buổi họp báo có Tiêu Văn tham gia làm cno người ta hiểu rằng thái độ của Dương Bảo Sơn là thái độ của Quân khu bốn.
Ở đây cũng cần nhắc thêm một việc là, sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Việt Nam,
một số tàn quân Pháp chạy đến biên giới Trung Quốc. Trương Phát Khuê đã đưa ra một
kế hoạch giải quyết, trong đó có đoạn nói: Đối với quân Pháp, Trung Quốc giữ mối
quan hệ đồng minh, cùng nhau chiến đấu; đối với Đảng cách mạng Việt Nam
[17] thì hết sức giúp đỡ, sau khi quân
Nhật bị đuổi ra khỏi Việt Nam, sẽ do Đảng cách mạng Việt Nam thành lập chính quyền
mới, tuyên bố nước Việt Nam độc lập [18]
. Thấy kế hoạch có mâu thuẫn, một nhà báo thuộc phe Tưởng hỏi, vì sao đã giúp Pháp
lại giúp Việt Nam độc lập? Truơng Phát Khuê trả lời, giúp Pháp là một cách nói hữu
nghị, giúp cho Việt Nam độc lập mới là thực chất.
Qua hai việc kể trên, chúng ta có thể thấy rõ, lúc đó Trùng Khánh chủ trương
chấp nhận việc người Pháp trở lại thống trị Việt Nam; Trương Phát Khuê và Tiêu Văn
thì chủ trương giúp cho Việt Cách lập chính quyền mới; tuyên bố nước Việt Nam độc
lập, cố nhiên quan niệm của Trương Phát Khuê và Tiêu Văn là độc lập dưới sự che
chở của Trung Quốc. Đó là cái lý do chính mà Trương Phát Khuê không được Trùng Khánh
tín nhiệm, việc Hoa quân nhập Việt phải chuyển từ tay Trương Phát Khuê qua tay Lư
Hán, đã đành trong việc để cho Lư Hán phụ trách việc Hoa quân nhập Việt còn có một
ý đồ quan trọng nữa là để hất cẳng Long Vân ở Vân Nam.
- Tháng 3- 1945, Hà Ứng Khâm, Tổng tư lệnh lục quân Trung Quốc đến Côn Minh để
bố trí việc Hoa quân nhập Việt. Ngày 30-3-1945, Tiêu Văn đến Côn Minh gặp Hà Ứng
Khâm yêu cầu lúc Hoa quân nhập Việt, vẫn giữ được trách nhiệm giúp Việt Cách thành
lập Chính phủ Việt Nam độc lập thân Trung Quốc. Yêu cầu này được Hà Ứng Khâm đồng
ý [19] .
Việc khác nhau giữa Tưởng Giới Thạch và Trương Phát Khuê làm cho chúng ta hiểu
được vì sao Hồ Chủ tịch khi ở Liễu Châu, được ưu đãi và được đưa vào Ủy ban Trung
ương của Việt Cách (3-1944), được tự do đưa 18 cán bộ về nước (9-1944), được tự
do đi Côn Minh gặp Mỹ (cuối 1944) mà không bị ngăn trở, được hoạt động với danh
nghĩa Việt Cách ở Côn Minh, được tự do trở về Bách Sắc, rồi lại một lần nữa tự do
về nước.
Hồ Chủ tịch ở Côn Minh một thời gian tương đối lâu đến đầu tháng 4-1945 thì mới
rời Côn Minh đi Bách Sắc.
Hồ Chủ tịch đến Bách Sắc được hai hôm thì Tiêu Văn cũng từ Côn Minh về Bách Sắc.
Tiêu Văn bố trí cho mấy tốp biệt kích vào Việt Nam:
- Tốp Bồ Xuân Luật lãnh đạo 50 người vào phía Long Bang.
- Tốp Trương Trung Phụng lãnh đạo 55 người vào phía Bình Mãnh.
- Tốp Ngô Quang Hợp lãnh đạo 50 người vào phía Đông Khê, Thất Khê.
- Hồ Đức Thành cũng mang một số người vào phía Bình Ca.
Trong khi các tốp biệt kích đang chuẩn bị vào Việt Nam thì Hồ Chủ Tịch đã gấp
rút lên đường về nước.
Tháng 5- 1945 về đến Việt Bắc, khi gặp các anh Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp, Bác bảo
cần tìm một địa điểm thích hợp để làm chỗ trung tâm liên lạc. Hai anh đi tìm địa
điểm đã bàn với anh Song Hào và anh Chu Văn Tấn chọn Tân Trào là chỗ thích hợp nhất,
vì đó là một nơi đã có chính quyền nhân dân, có cơ sở quần chúng tốt, có núi rừng
hiểm trở mà lại ở xa đường cái lớn.
Bác đến Tân Trào không bao lâu, thì một số người Mỹ, trong đó có thiếu úy Tô-mát
(Thomas) nhảy dù xuống một sân bay nhỏ mà chúng ta mới phát một đám rừng và dọn
dẹp xong.
Thiếu úy Tô-mát được xếp ở một chỗ trên núi Tân Trào để làm việc liên lạc. Hồ
Chủ tịch thường đến gặp nói chuyện thân mật về tình hình thế giới, về tiền đồ của
cuộc chiến tranh chống phát-xít. Tô-mát cảm thấy rất thoải mái và tin Việt Minh
là thật lòng với phe Đồng minh.
Việc liên lạc với Mỹ như thế là cốt để gây ảnh hưởng trong nhân dân, để tạo uy
thế lợi cho việc khởi nghĩa cướp chính quyền từ tay Nhật. Nhưng Hồ Chủ tịch cũng
tính toán lực lượng của ta còn yếu, chưa chắc trước khi quân Đồng minh đến ta đã
giành được chính quyền trong phạm vi cả nước, mà quân Đồng minh đến thì nhất định
có Pháp, như vậy là ta phải nói chuyện với Pháp. Hồ Chủ tịch thông qua vô tuyến
của Mỹ điện cho tướng Pháp Xanh-tơ-ni [20]
ở Côn Minh, đề nghị gặp nhau để trao đổi ý kiến, nhưng vì trắc trở không gặp nhau
được. Sau Cách mạng Tháng Tám đến Hà Nội, Xanh- tơ-ni là Trưởng đoàn đại biểu Pháp
ở Việt Nam đàm phán với Hồ Chủ tịch và ký kết Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm
1946.
*
Việc Bác đi Trùng Khánh gặp Tưởng Giới Thạch
[21] , việc đi Côn Minh gặp Tư lệnh không quân Mỹ và việc liên hệ
với tướng Pháp Xanh-tơ-ni trước Cách mạng Tháng Tám thật ra ít người biết, có người
biết ít nhiều cũng tránh đi không nói, vì họ nghĩ rằng như thế là hữu khuynh, là
thỏa hiệp. Cách nghĩ như vậy là không phù hợp với thực tế, không hiểu hết ý nghĩa
chiến lược và sách lược của sự việc.
Chúng ta đều biết, từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (5-1941) quyết định
lấy Mặt trận Việt Minh thay cho Mặt trận phản đế thì chúng ta đã tuyên truyền là
chúng ta đứng về phe Đồng minh chống phát-xít. Chúng ta đã phái 12 người đi học
bộc phá và 60 người đi học quân sự ở Trung Quốc là một biểu hiện ta đứng về phe
Đồng minh. Quần chúng ta cứu phi công Mỹ và Bác di Côn Minh gặp Tư lệnh không quân
Mỹ cũng là biểu hiện ta đứng về phe Đồng minh, Bác có ý muốn bàn bạc với Tướng Pháp
Xanh-tơ-ni cũng là biểu hiện ta đứng về phe Đồng minh, vì trong cuộc chiến tranh
thế giới lần thứ hai đã phân định thành hai phe rệt, phe phát-xít là Đức, Ý, Nhật;
phe Đồng minh là Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc. Trong đại hội lần thứ bảy của
Quốc tế Cộng sản họp ở Mạc Tư Khoa năm 1935 đã quyết định các Đảnh cộng sản trên
toàn thế giới cần lập Mặt trận chống phát - xít là đã chống phát-xít thì khi có
phe Đồng minh chống phát-xít là ta phải ủng hộ phe Đồng minh. Việc ủng hộ phe Đồng
minh và đứng về phe Đồng minh chúng ta đã tuyên truyền nhiều, nhưng trên thực tế
ta chưa trực tiếp liên hệ được với phe Đồng minh. Ta đã biết chắc phát-xít nhất
định sẽ thất bạt, Đồng minh nhất định sẽ thắng, ta cần phải có một hình thức liên
hệ thực tế với Đồng minh thì khi Đồng minh thắng ta mới có một địa vị, có tiếng
nói của mình. Đến như việc muốn liên hệ với Pháp để trao đổi ý kiến, là vì Bác đã
biết chắc khi quân Nhật thua, Đồng minh đồng ý cho Pháp trở lại Việt Nam, nếu không
có sự chuẩn bị trước thì lúc đó sẽ bị động. Vì vậy việc Bác định gặp Tưởng ở Trùng
Khánh, gặp Mỹ ỏ Côn Minh và muốn trao đổi ý kiến với Xanh-tơ-ni là một chủ trương
chiến lược rất sáng suốt. Về mặt sách lược, thì Bác biết rất rõ là cách mạng thì
phải dựa vào quần chúng, không có quần chúng tức là không có lực lượng, phải tự
mình tổ chức vũ trang, không có vũ trang là không thể chiến đấu, vũ trang đó ta
có thể lấy ở địch, nhưng ta phải có một cái vốn. Bác cũng biết rất rõ là Mỹ tuy
đồng tình Pháp trở lại Việt Nam nhưng Mỹ vẫn muốn hất cẳng Pháp. Tưởng tuy phải
thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam nhưng cũng vẫn muốn trong dịp Hoa quân
nhập Việt sẽ gây khó dễ cho Pháp. Bác vẫn biết Mỹ và Tưởng sẽ không giúp cho chúng
ta gì nhiều đâu, nhưng gặp để tranh thủ ảnh hưởng, tranh thủ được sự giúp đỡ dù
rầt ít cũng vẫn tốt, gặp để phân hóa họ, để hạn chế họ.
Đó là vấn đề sách lược. Hãy xem bọn đặc vụ Trùng Khánh khi thấy Trương Phát Khuê
để cho Bác tham gia Việt Nam cách mạng đồng minh hội, để cho Bác tự do về nước,
để cho bác tự do đi gặp Mỹ ở Côn minh mà không ngăn cản, thì chúng rất căm tức,
báo cáo với Trùng Khánh phê phán Trương Phát Khuê là tả khuynh, Tiêu Văn là thân
Cộng, đồng thời cho việc Bác đi Côn Minh là "liên Mỹ, chống Hoa", việc muốn liên
hệ với Xanh-tơ-ni là "thỏa hiệp với Pháp chống Trung Quốc". Tất cả những việc đó
nói lên việc Bác muốn gặp Tưởng, gặp Mỹ là muốn trao đổi ý kiến với Pháp là những
việc có tính chất chiến lược và sách lược đó hoàn toàn có lợi cho cách mạng. Sự
thực lịch sử đã chứng minh như vậy.
[7]Hoàng Đình Giong?
[8]nội tuyến ở đây là tên phản Đảng Trần
Báo
[9]gọi tắt là Việt Cách
[10]Hồ Chủ tịch tự xưng
[11]Phạm Việt Tử, Lý Đào, Phạm Minh
Sinh
[12]Phạm Việt Tử, Lý Đào
[13]Dương Bảo Sơn
[14]người Quảng Tây vào Việt Nam tham
gia cách mạng từ năm 1942
[15]Trạm cứu hộ nói ở đây cụ thể là
một cái sân bay nhỏ để máy bay trực thăng (máy bay thì đúng hơn vì khi đó, ở Trung
Hoa và Đông dương chưa có trực thăng. BT) có thể lên xuống và một chỗ ở cho một
số người Mỹ làm việc liên lạc.
[16]mập mờ không nói rõ Việt Minh hay
Việt Cách
[17]muốn nói là Việt Cách
[18]nguyên văn trong Việt Nam vững biên
của Hình Sâm Châu tháng 7-1947. Hình là đại biểu Trung ương Quốc dân đảng Trung
Quốc đóng ở một vùng biên giới Việt - Trung
[19]về tình hình Hoa quân nhập Việt
sẽ nói rõ hơn trong mục Những ngày tháng sau Cách mạng Tháng Tám
[20]Có lẽ tác giả nhầm, Sainteny J.
không đeo hàm tướng bao giờ. BT
[21]không gặp được vì bị bắt ở dọc đường
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5610&rb=08
http://xoathantuong.tripod.com/hvh_giotnuoc.htm
No comments:
Post a Comment