No15: Đệ Tam Quốc Tế, HCM và đảng CS Đông Dương
Nhìn lại lịch sử của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), từ khi được thành
lập cho đến nay, ta có thể luôn luôn tìm thấy được một điều căn bản, thể
hiện bản chất cố định của Đảng: Đặt mọi ưu tiên vào sự tìm kiếm một
“điểm tựa”, một “sự lệ thuộc” vào các thế lực bên ngoài để xây dựng một
guồng máy hữu hiệu trong một mục tiêu củng cố địa vị của một tập đoàn,
áp đặt độc quyền thống trị tuyệt đối của tập đoàn này lên trên mọi thành
phần khác trong dân tộc Việt Nam, đặt tham vọng của “tập đoàn” và của
“điểm tựa” của mình lên trên lợi ích của dân tộc. Để đạt được mục tiêu
này, ĐCSVN đã nhiều lần bắt buộc phải thay đổi “đường lối” của mình cho
phù hợp với các đòi hỏi của các điểm tựa bên ngoài.
Qua một vài
trích dẫn từ tài liệu chính thức của ĐCSVN (1) và một vài sự kiện lịch
sử mà ngày nay hầu như các cơ quan chính thức của Đảng cũng không còn có
thể phủ nhận, bài viết này muốn nêu rõ các khía cạnh khác nhau của vấn
đề này, phân tích quan hệ giữa ĐCSVN và Đệ tam Quốc tế (ĐTQT), thành lập
năm 1919 ở Moscou và giải tán năm 1943, trước khi ĐCSVN trở thành một
Đảng cầm quyền ở Việt Nam vào năm 1945. Muốn nêu rõ các quan hệ này
chúng ta cũng không thể không đề cập đến vai trò của Hồ Chí Minh (HCM),
người đã chấp nhận không điều kiện khung khổ của ĐTQT để đem đến cho
ĐCSVN quyền lực tuyệt đối hiện nay.
Trở thành một đảng cầm quyền
từ năm 1945 cho đến nay, mặc dầu sau đó phải đánh lừa dư luận tuyên bố
giải tán, ĐCSVN lại chịu thêm ảnh hưởng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc,
cùng một lúc với ảnh hưởng của Phòng thông tin ĐTQT (tái sinh năm 1947
của ĐTQT và giải tán năm 1956). Các phân tích trong thời kỳ này về ảnh
hưởng của cộng sản quốc tế đối với ĐCSVN, mà chủ yếu là các quan hệ
(quan hệ “lệ thuộc thân hữu” cũng như các quan hệ “tranh chấp thù nghịch
tương tàn”) giữa hai Đảng Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc, sẽ được đề
cập trong một dịp khác.
1. HCM, vai trò phức tạp của một viên chức của ĐTQT.
HCM
là một nhân vật phức tạp hay, nói cho đúng hơn, là một kịch sĩ nhà nghề
đại tài, nhiều thủ đoạn, tinh khôn và biết nhẫn nhục để chờ đợi thời
cơ… Đó là một nhân vật, trong suốt quá trình hoạt động của mình, đã thay
đổi lập trường một cách đơn giản, đã tinh vi đóng cùng một lúc những
vai trò tương phản, đối nghịch lẫn nhau, tinh xảo cướp công lao và việc
làm của người khác để tô điểm cá nhân mình,… đã thay đổi lập trường
chính trị từ thái cực này qua thái cực khác cho đến khi nắm được quyền
lực,… khiến cho ai cũng đặt ra những nghi vấn về thực chất của nhân vật
này.
* Trong Đảng Cộng Sản Pháp, các đồng chí của HCM thường nói
rằng đó là một nhân vật “kín đáo, dễ thương, nhút nhát,…”, thường hay
“lẫn trốn, không tham gia trực tiếp vào các tranh luận đối chọi gay gắt”
và… nhờ các đức tính này đã chinh phục được lòng tin cậy của các người
lãnh đạo Đảng Cộng Sản Pháp để dọn đường cho sự thăng quan tiến chức của
mình sau này trong ĐTQT. Trong tư cách là nhân viên của ĐTQT, người ta
còn tìm thấy ở HCM những đức tính khác của một nhân vật “rất ít có
khuynh hướng về lý thuyết”, một nhân vật “thực tiển”, trong mọi hoàn
cảnh tìm cách “tự thích ứng với mọi chỉ thị từ Moscou hay chỉ sửa đổi
hình thức bên ngoài các chỉ thị này cho hợp với sở thích của mình chứ
không bao giờ dám đi vào các tranh luận trực diện gay gắt”, tuân theo
không điều kiện nguyên tắc “trung ương tập quyền trên bình diện cách
mạng quốc tế vô sản”.
* Trong suốt thời gian lâu dài của hai thập
niên 1920 và 1930, chắc chắn HCM đã chứng kiến các cảnh thanh trừng và
tàn sát liên tiếp trong hàng ngũ ĐTQT trên lãnh thổ Liên Xô nhưng cũng
đã chấp nhận các tội ác của Staline để củng cố địa vị cá nhân đã đạt
được của mình trong phong trào cộng sản quốc tế cũng như vị trí lãnh đạo
tối cao của mình trong tổ chức cộng sản Việt Nam. Có lẽ nhờ vào thái độ
“khôn ngoan” này mà HCM đã là một trong những nhà lãnh đạo hiếm có của
các phong trào cách mạng vô sản ở các nước trong vùng Đông Nam Á đã
tránh được các nanh vuốt của Staline và còn sống sót được cho đến sau
thế chiến thứ II.
Vài sự kiện lịch sử.
* Được trình bày
trong mọi tài liệu chính thức của Đảng như là một nhân vật “xuất chúng,
có một nhãn quan vượt xa các kiến thức của những nhà ái quốc bình thường
đương thời,… xuất dương tìm đường cứu quốc,…”, ngày nay người ta đã
chứng minh đó là một con người tầm thường, ngay từ những ngày đầu tiên
đến hải cảng Marseille năm 1911, đã viết thư (ngày 15/9/1911, ký tên
Nguyễn tất Thành) cho Tổng Thống và Bộ Trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, cầu
khẩn xin được vào học “Trường Thuộc Địa”, bày tỏ “lòng ham muốn trở
thành hữu ích đối với nước Pháp trong các quan hệ đối với người đồng
hương của mình,…” để tìm kiếm cho mình một chức phận trong hệ thống
thuộc địa Pháp.
Một năm sau đó, từ New York, ngày 15/12/1912, với
tên mới là Paul Tất Thành và tự giới thiệu mình như là “…một người dân
trọn đạo làm con (filial peuple), một kẻ tùy thuộc biết ơn…”, HCM lại
viết thư cho Khâm sứ Trung Kỳ: “…xin Ngài ban cho cha tôi một công việc,
như là Thừa biện ở các Bộ hay Huấn đạo, Giáo thụ để cho Cha tôi sinh
sống…”.
* Không được thỏa mãn trong các dự định trên, người ta
không tìm thấy một dấu vết nào về các hoạt động yêu nước của Nguyễn tất
Thành trong các năm sau đó, cho đến sau thế chiến thứ I, lúc xuất hiện
những bài báo dưới bút hiệu “Nguyễn Ái Quốc”(!), bút hiệu đấu tranh của
“Nhóm những người ái quốc An Nam” (Pour le groupe des Patriotiques
Annamites: Nguyễn Ái Quốc). Để lấp khoảng thời gian trống nói trên, dưới
bút hiệu Trần Dân Tiên, HCM đã tinh xảo tạo ra các bức thơ mà Nguyễn
tất Thành đã gởi từ Luân Đôn cho Phan Chu Trinh vào các năm 1913, 1914…
chứng tỏ rằng mình đã có một quá trình hoạt động chung với các nhà cách
mạng Việt Nam đương thời và cho rằng mình đã thông hiểu được cục diện
thế giới hơn mọi người khác, và đã tiên đoán được tiến trình tất yếu của
thế chiến thứ I.
* Tiếp đó là việc xuất hiện của một số bài báo
tranh đấu chống chế độ thuộc địa và cũng nhờ đó mà dư luận mới thật sự
nhận biết các hoạt động “yêu nước” của một tập thể chính trị,… trong đó
có HCM. Sau này, khi đã thành công dành được chính quyền, HCM đã không
ngần ngại chiếm đoạt bút hiệu chung “Nguyễn Ái Quốc” của cả tập thể đó…
cho riêng cá nhân của mình, đồng thời phủ nhận và bôi bác công trình của
những người khác mà ngày nay ai ai cũng đều biết đó là “Nhóm những
người Ái Quốc An Nam”, đã hoạt động ở Pháp, bao gồm các nhân vật như
Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và…
Nguyễn Tất Thành là người gia nhập sau cùng vào Nhóm. Trong các văn kiện
quan trọng bị chiếm đoạt phải kể đến bản “Các yêu cầu của Dân An Nam”
gởi đến Hội nghị Versailles (1918). Ngay cả các bài viết về “Bản án chế
độ thực dân Pháp” xuất hiện trong khoảng thời gian 1921-1925, khi đã trở
thành đảng viên của đảng cộng sản Pháp, HCM cũng không phải là tác giả
duy nhất.
* Sự thành công của Cách mạng Vô sản Nga chắc chắn là
một biến cố kinh hoàng làm thay đổi lịch sử nhân loại và có nhiều ý
nghĩa. Quan trọng hơn cả là sự nẩy sinh ra một thế lực (hay một đế quốc)
mới, có qui mô rộng lớn, hùng mạnh và đủ sức đối đầu với các đế quốc tư
bản Tây phương đương thời.
Đối với các dân tộc nhược tiểu trong
các thuộc địa,… thế lực này rất có thể là một đồng minh cơ bản… để chống
lại một kẻ thù chung là chế độ thực dân. Với chiêu bài giải phóng người
lao động, bao gồm nguời vô sản và các dân tộc bị trị trong các thuộc
địa,… các khẩu hiệu (hịệu) của Cách mạng Vô sản, đang hăng say trong
chiến thắng trên lãnh thổ rộng lớn của cựu Nga Hoàng,… chắc chắn cũng đã
có một sức hấp dẫn kỳ diệu trong hàng ngũ những người yêu nước lưu vong
và rất có thể đã đem lại cho họ một lý tưởng cao đẹp… Sau nữa, đối với
những người đang chờ thời cơ để tiến thân và chưa tìm được một “vị trí
yên ổn” cho cá nhân mình dưới chế độ thuộc địa, mặc dầu mọi nhịn nhục,…
đó cũng là một cơ hội hiếm có để tìm được một “điểm tựa” hữu hiệu, một
“nơi trú ẩn” vững chắc,… để thực hiện tham vọng cá nhân của mình, miễn
là phải tìm cách chứng minh được sự trung thành tuyệt đối của mình phục
vụ đế quốc mới này. Tất cả các giả thuyết này đều có thể đúng hay sai
tùy theo hoàn cảnh của mỗi cá nhân…
* Là thành viên Đảng Xã Hội
Pháp và tham gia vào các tranh luận trong Đảng trên vấn đề gia nhập vào
Đệ Nhị Quốc Tế hay vào ĐTQT, HCM theo ĐTQT, gia nhập vào Đảng Cộng Sản
Pháp năm 1920 và trở thành thành viên thường trực của Ủy ban nghiên cứu
các vấn đề thuộc địa. Từ đó HCM trở thành, vĩnh viễn và vô điều kiện,
một người cộng sản “trung thành” của ĐTQT. Rất có thể HCM đã trở thành
một người yêu nước sau một thời gian ở ngoại quốc, khi được tiếp cận với
môi trường hoạt động chính trị đương thời. Cũng rất có thể HCM đã theo
tiếng nói của lương tâm mình, bừng tỉnh khi đọc được văn bản “Các phác
họa đầu tiên trên các Luận đề về các Dân tộc và về Thuộc địa” của Lénine
(1920) như đã được giải thích trong các tài liệu chính thức của Đảng,
tin tưởng tìm thấy trong “vô địch” Quốc tế Cộng sản một chỗ dựa tưởng
chừng “tuyệt đối” để đạt được sự lựa chọn chính trị chính đáng này của
mình. Điều cốt yếu ở đây là tìm hiểu các hậu quả chính yếu của sự lựa
chọn này trong quá trình tồn tại sau đó của ĐCSVN. Bình luận biến cố
này, tài liệu chính thức của Đảng (1), trang 16-17, giải thích:
“Kết
luận cuối cùng mà Nguyễn Ái Quốc đã rút ra từ các công cuộc tìm tòi của
mình và các tranh luận nói trên là, muốn cứu nguy đất nước và giải
phóng dân tộc thì không còn con đường nào khác hơn là con đường Cách
mạng Vô sản. Chỉ có Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Vô sản mới có thể giải
phóng các dân tộc bị trị và tầng lớp lao động trên thế giới… Giai đoạn
này đánh dấu một khúc quanh lịch sử trong cuộc đấu tranh cách mạng của
Nguyễn Ái Quốc, tiến hóa từ một nhà ái quốc đến một người cộng sản chân
chính, khúc quanh theo đó Nguyễn Ái Quốc đã tự đặt mình hoàn toàn vào
con đường của Cách mạng tháng 10/1917, của Chủ nghĩa Marx-Lénine và của
Quốc tế Cộng sản”.
2. ĐTQT và sự thành lập của ĐCSVN.
Đệ
nhất Quốc tế là phong trào cách mạng khuynh hướng xã hội được thành lập ở
Londres năm 1864 và giải tán năm 1876 vì sự đối nghịch giữa khuynh
hướng Mác xít và khuynh hướng chủ nghĩa Vô chính phủ. Đệ nhị Quốc tế là
khuynh hướng cải cách xã hội – dân chủ, thành lập năm 1889 ở Paris, được
phục hưng lại vào các năm 1923 và 1951. Đệ tam Quốc tế là khuynh hướng
cách mạng vô sản, thành lập năm 1919 ở Moscou và giải tán năm 1943, được
tái sinh lại năm 1947 và giải tán năm 1956, sau Đại hội XX của Đảng
Cộng Sản Liên Xô. Đệ tứ Quốc tế, thành lập năm 1938, là khuynh hướng
“cách mạng thường trực” mà Trotski đưa ra từ sau khi Lénine qua đời
(1924) để chống lại đường lối “cách mạng vô sản trong một quốc gia” của
Staline.
Vài sự kiện lịch sử.
* Sự thăng tiến của HCM
trong ĐTQT rất là mau chóng. Khi các phong trào cách mạng ở Âu châu đang
ở trong một thời kỳ thoái bộ, ĐTQT cảm thấy cần phải nới rộng các hoạt
động vào các chân trời mới, qua các xứ thuộc địa, đang trên đà biến hóa
mau chóng, nhất là ở Á châu. Năm 1923, HCM được Đảng Cộng sản Pháp chỉ
định tham dự Đại hội Quốc tế Nông dân ở Moscou, sau đó được vào Ban chấp
hành Trung ương Nông dân Quốc tế, đại diện các nước thuộc địa và nới
rộng các hoạt động trong các quốc gia Đông Nam Á châu. Tham dự Đại hội V
của Cộng sản Quốc tế ở Moscou vào tháng 5/1924, HCM đã hoàn toàn chấp
nhận sự thắng lợi của lý thuyết của Staline về “Chủ nghĩa Xã hội trong
một Quốc gia”, chống lại lý thuyết “Cách mạng thường trực” của Trotski.
Với đường lối của Staline, giai cấp vô sản ở các nước tư bản và các nước
thuộc địa phải tuân theo chiến lược toàn cầu chung, theo đúng đường lối
của Moscou, đặt lợi ích của Đảng Cộng sản Liên Xô lên trên mọi vấn đề
và đặt Liên Xô vào vai trò lãnh đạo cách mạng quốc tế…, HCM được cử vào
Ủy ban Tuyên truyền Cộng sản Quốc tế và Ủy ban Đông phương của Ban
thường trực Cộng sản Quốc tế.
* Với tư cách mới trong ĐTQT năm
1925 HCM bí mật đến Quảng Đông thành lập “Thanh Niên Cách Mạng Hội Việt
Nam” (TNCMHVN), trực thuộc ĐTQT ở miền Viễn Đông, với mục tiêu phối hợp
các hoạt động chống thực dân, kết nạp các đồng chí trong số những người
Việt Nam sinh sống ở Trung Quốc. Đó là tiền thân của ĐCSVN, trước khi đi
đến thành lập các đảng cộng sản trong các dân tộc ở miền Đông Á. Các
hoạt động này của HCM đã gặp được cơ hội thuận tiện vì được xuất hiện
giữa thời kỳ phát triển cao độ của các khuynh hướng cách mạng quốc gia
Duy Tân, Cải Cách ở Việt Nam cũng như phù hợp với thời kỳ hòa hoãn và
hợp tác giữa ĐTQT (được quyết định trong Đại hội V, 1924) với các phong
trào Cách mạng Dân tộc đương thời ở Trung Quốc và cho phép TNCMHVN tranh
thủ rộng rãi các hoạt động trong nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.
*
Khi các tranh chấp giữa phong trào Cách mạng Dân tộc và phong trào Cộng
sản bùng nổ năm 1927 ở Trung Quốc thì ĐTQT, qua Đại hội VI, tháng
12/1927, lại thay đổi đường lối đối với các khuynh hướng cách mạng Dân
tộc, chống lại các phong trào Xã hội – Dân chủ và đề ra khẩu hiệu “Đấu
tranh Giai cấp”. Sự thay đổi đột ngột đường lối này của ĐTQT được các tổ
chức cộng sản Việt Nam áp dụng tức khắc, đưa đấu tranh giai cấp lên
hàng đầu trong các hoạt động, tự tôn mình lên vị trí lãnh đạo cách mạng,
xem tất cả các khuynh hướng cách mạng dân tộc khác ở Việt Nam là kẻ thù
ý thức hệ trước mắt của mình. Bàn về mục tiêu các hoạt động của TNCMHVN
trong khoảng thời gian 1928-1929, tài liệu (1), trang 21 của ĐCSVN
viết:
“Khía cạnh đặc biệt quan trọng nhất của phong trào cách
mạng ở Đông Dương được thể hiện qua các phong trào đấu tranh quần chúng
công nông dân, ngày càng trở nên rõ ràng là độc lập và không còn bị ảnh
hưởng của các khuynh hướng quốc gia như trước… TNCMHVN đã được sinh
trưởng lên đúng vào lúc các đấu tranh giữa hai khuynh hướng, khuynh
hướng vô sản và khuynh hướng trưởng giả tư sản, đang lên cao tột độ ở
Việt Nam… Nhiệm vụ cấp bách và tức thời lúc đó của TNCMHVN là phải chận
đứng các phong trào Cải cách Tư sản và các phong trào cách mạng ngụy
trang trưởng giả, soi sáng cho quần chúng thấy rõ đâu là cách mạng, đâu
là cách mạng ngụy trang, đâu là cách mạng thật sự…”.
* Từ lập
trường trên, TNCMHVN chia thành hai phe chống đối nhau, một bên đòi hỏi
thành lập một Đảng cách mạng vô sản thực sự theo chủ nghĩa Marx-Lénine,
một bên muốn dùng chiến lược mềm dẻo cho rằng sự thành lập một ĐCSVN là
một điều quá sớm. Đại hội toàn quốc TNCMHVN, họp ở Hương Cảng từ ngày
1/5/1929, bác bỏ đề nghị của Chi bộ Bắc Kỳ đòi giải tán TNCMHVN để thành
lập Đảng Cộng Sản Đông Dương. Nhưng, trở về địa phương, Chi bộ Bắc Kỳ
công khai tuyên bố lập trường của mình và ngày 17/6/1929 tuyên bố thành
lập Đảng Cộng Sản Đông Dương. Để tranh dành ảnh hưởng và tránh khỏi bị
cô lập với Quốc tế Vô sản, các phần tử cộng sản quá khích khác của
TNCMHVN liền vội vã thành lập các Đảng trong địa phương của mình. Tháng
10/1929, Chi bộ Nam Kỳ họp đại hội giải tán TNCMHVN và thành lập Đảng
Cộng Sản An Nam. Tháng 1/1930, các phần tử trong Tân Việt Cách Mạng Đảng
cũng tuyên bố thành lập Liên Minh Cộng Sản Đông Dương. Trong khoảng
thời gian ngắn sáu tháng, khủng hoảng trong các tổ chức cộng sản Việt
Nam đã đạt tới mức độ cao điểm, với sự khai sinh ở Việt Nam của ba tổ
chức cộng sản, độc lập với nhau, cả ba đều đòi gia nhập vào Cộng sản
Quốc tế.
Đứng trước viễn ảnh tranh chấp gay gắt giữa các khuynh
hướng nói trên, HCM, tự nhận là Đại diện của ĐTQT, liền gởi một lệnh thơ
cho ba tổ chức cộng sản Việt Nam phải thống nhất lại với nhau trong
cùng một tổ chức duy nhất trực thuộc ĐTQT. Ngày 3/2/1930, với tư cách
Đại diện ĐTQT, HCM vội vàng triệu tập và chủ tọa Hội Nghị Thống Nhất
được tổ chức tại Hương Cảng, quyết định thành lập ĐCSVN và đặt Đảng dưới
sự điều hành của ĐTQT, thay vì tùy thuộc vào Liên Đoàn Cộng Sản Nam Hải
(Mặt trận thứ hai ở miền Viễn Đông được ĐTQT thành lập ở Singapour năm
1928, sau các thất bại của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trước phong trào
Cách mạng Dân tộc ở Trung Quốc) và đưa Đấu Tranh Giai Cấp lên vị trí
hàng đầu. Đi xa hơn nữa, cho rằng các tình cảm dân tộc là trái với tinh
thần quốc tế vô sản, tháng 10/1930, ĐCSVN đuợc đổi tên thành “Đảng Cộng
Sản Đông Dương (ĐCSĐD). Chương trình chính trị của Đảng nêu rõ, (1),
trang 28-29:
“Cách mạng Đông Dương ra đời vào lúc Tư bản thế giới
đang đi sâu vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, lúc các đế quốc đang
ráo riết chuẩn bị một cuộc chiến tranh thế giới mới để chia lại các thị
trường cùng vào lúc các đấu tranh chống Đế quốc ở các nước tư bản và các
xứ thuộc địa đang lên cao,… Cách mạng Đông Dương tự đặt mình trong
khung khổ của Cách mạng thế giới… Các mâu thuẫn căn bản ở Đông Dương là
các mâu thuẫn giữa tầng lớp các công nhân, nông dân và các người lao
động chống lại các tầng lớp thực dân, phong kiến, địa chủ và tư sản… Từ
đó Đề cương chính trị xác định Cách mạng Đông Dương là một Cách mạng dân
chủ lãnh đạo bởi giai cấp vô sản, một Cách mạng điền địa để xóa bỏ các
tàn dư phong kiến, chia lại ruộng đất cho nông dân, một Cách mạng chống
thực dân để lật đổ chế độ thực dân Pháp dành độc lập trên toàn lãnh thổ
Đông Dương,… tiến thẳng lên xã hội chủ nghĩa mà không qua giai đoạn phát
triển tư bản…”.
Trong tài liệu HCM Toàn tập do Nhà Xuất bản Sự thật ấn hành, ta còn có thể đọc laị các chỉ thị sau đây mà HCM viết cho ĐCSĐD:
“Đệ
Tam Quốc tế là một Đảng cộng sản thế giới. Các Đảng các nước như là các
chi bộ, đều phải nghe theo kế hoạch và quy tắc chung. Việc gì chưa có
mệnh lệnh và kế hoạch đệ tam quốc tế thì các Đảng không được làm… Cách
mệnh Việt Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới… Phải tin
theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tế cộng sản,… phải
thực hành cho được chánh sách và nghị quyết của Đảng và Quốc tế cộng
sản”.
Vài bình luận về sự ra đời của ĐCSĐD.
Một sự kiện
đáng được nêu rõ là, trước khi ĐCSĐD được thành lập, mọi khuynh hướng
đấu tranh đương thời ở Việt Nam đều chia sẻ cùng nhau một mục tiêu chính
yếu chống lại kẻ thù chung của dân tộc là chế độ thuộc địa, xem đó là
một “đồng thuận” của dân tộc, là điểm xuất phát chung của mọi phong trào
yêu nước. Nếu chưa đạt được mục tiêu đưa dân tộc thoát khỏi chế độ
thuộc địa thì ít nhất ai ai cũng đều có thể nhận xét rằng chưa bao giờ
có một sự chia rẽ hay một sự rạn nứt giữa các thành phần khác nhau trong
dân tộc trong mục tiêu trên. Vấn đề chính yếu của các phong trào yêu
nước đương thời là cùng nhau học hỏi những luồng tư tưởng mới trên thế
giới, tìm kiếm các mô hình tổ chức cho xã hội tương lai, trao đổi cùng
nhau các khám phá mới lạ tìm thấy ở thế giới bên ngoài, chia sẻ cùng
nhau những giây phút thất bại chung,… trong tinh thần đối thoại và hợp
tác, trong một mục tiêu chung giải thoát dân tộc khỏi chế độ thuộc địa…
Một
điểm thứ hai đáng được ghi nhận là, ngay trong tổ chức cộng sản
TNCMHVN, sự ra đời của ĐCSĐD chỉ là ý chí muốn ly khai của một “thiểu số
cực đoan”. Bàn về Đại hội của TNCMHVN mà hậu quả là sự ra đời sau đó
của ĐCSĐD, tài liệu chính thức (1), trang 24-25, của Đảng cũng viết:
“Đại
hội toàn quốc này được tổ chức ở Hương Cảng vào ngày 1/5/1929. Đoàn Đại
biểu của Chi bộ Bắc kỳ, trong đó phải kể đến Ngô Gia Tự là người cương
quyết và phi thường hơn cả, đưa ra đề nghị nhằm giải tán TNCMHVN và
thành lập ĐCSĐD. Đề nghị này không được chấp nhận, Đoàn Đại biểu liền
rời khỏi Đại hội và trở về nước. Ngày 1/6/1929 Chi bộ Bắc kỳ ra thông
cáo giải thích thái độ của mình ở Đại hội và… ngày 17/6/1929, ĐCSĐD được
thành lập…”.
Một nghi vấn được đặt ra ở đây là lập truờng của
HCM trong vấn đề này, HCM theo phe thiểu số hay đa số của Đại hội? và,
nếu ở về phía đa số, thì phải giải thích thế nào lập trường của HCM khi
ĐCSĐD được thành lập sau đó? Ta sẽ trở lai chi tiết này trong phần cuối
của bài viết.
Qua các sự kiện trên đây, ngay từ đầu ta có thể ghi
nhận rõ ba yếu tố căn bản chi phối quá trình các hoạt động sau này của
ĐCSĐD.
* Trước tiên, nếu khởi đầu thế kỷ XX dư luận ở Việt Nam
gần như đã đạt được một sự đồng thuận, đặt ưu tiên vào việc tìm kiếm các
con đường đấu tranh chống lại kẻ thù chung là chế độ thuộc địa thì, với
đấu tranh về ý thức hệ, sự ra đời của ĐCSĐD lại là khởi điểm của một
của một cuộc nội chiến tương tàn trên đất nước và trong dân tộc Việt
Nam, chỉ vì tham vọng của Đảng muốn độc quyền chiếm đoạt quyền lực. Sự
lựa chọn một cách tuyệt đối ý thức hệ cộng sản, với “đấu tranh giai
cấp”, với “chuyên chính vô sản” và “độc quyền về chân lý”, ĐCSĐD đã tự
đặt mình đối nghịch với mọi khuynh hướng đấu tranh khác ở Việt Nam, sẵn
sàng chấp nhận hòa hoãn với ngoại bang, kể cả với chế độ thuộc địa,… để
củng cố vị trí của mình nhưng lại xem mọi phong trào yêu nước khác là kẻ
thù tiên quyết về ý thức hệ, cần phải tiêu diệt trước.
* Yếu tố
căn bản thứ hai là sự chấp nhận không điều kiện lý thuyết về “Chủ nghĩa
Xã Hội trong một quốc gia” của Staline, theo đó giai cấp vô sản ở các
nước tư bản cũng như ở các nước thuộc địa phải tuân theo chiến lược toàn
cầu chung, theo đúng đường lối của Moscou, bác bỏ lợi ích của các quốc
gia và các dân tộc, đặt lợi ích của Đảng Cộng Sản Liên Xô lên trên mọi
vấn đề và đặt Liên Xô vào vai trò lãnh đạo cách mạng quốc tế. Nói một
cách khác, chưa thoát khỏi ách đô hộ của chế độ thuộc địa, ĐCSVN đã tự
nguyện tin vào một lý thuyết vô tưởng, tự đặt mình như là một bộ phận
của một thế lực quốc tế (mà thực tế chỉ là Đảng Cộng Sản Liên Xô), chấp
nhận một cách tuyệt đối phục vụ lợi ích của thế lực này, đặt lợi ích của
thế lực ngoại bang này trên cả lợi ích của cả dân tộc mình. Đối với mọi
dân tộc, dầu ở một thời đại nào đi nữa, đó là một nghịch lý lố bịch,
một hình thức ngụy biện, không thể chấp nhận được!!
Đi xa hơn nữa
trong lý thuyết phụ thuộc vào Quốc tế Cộng sản và xem ĐTQT như là một
hệ thống có đẳng cấp, sau khi ĐCSĐD được thành lập, HCM lại cho ghi
trong Luận Cương chính trị của Đảng sự phụ thuộc của ĐCSĐD vào các thế
lực cộng sản đàn anh khác, ra đời trước ĐCSĐD: “…Vô sản Đông Dương phải
liên lạc mật thiết với Vô sản thế giới,… Đảng phải liên lạc mật thiết
với Đảng cộng sản Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ”, xem đó là các điểm tựa
quốc tế chắc chắn và môi trường hoạt động quan trọng để củng cố quá
trình phát triển của Đảng.
* Yếu tố quan trọng thứ ba được thể
hiện ngay từ ngày thành lập Đảng là việc HCM, với tư cách của Quốc Tế Vô
sản, ra lệnh đổi tên của Đảng thành ĐCSĐD. Điều này có mục tiêu củng cố
sự kiểm soát cuả ĐTQT trên Đảng, tách rời Đảng ra khỏi ảnh hưởng của
khuynh hướng cách mạng dân tộc và đồng thời cũng thể hiện tham vọng của
Đảng muốn nới rộng địa bàn hoạt động của mình lên toàn lãnh thổ Đông
Dương. Sau này, khi hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc nắm được
chính quyền, các tham vọng này đưa tới nhiều hậu quả trầm trọng vì đó
chính là đầu mối của các tranh chấp ảnh hưởng của hai bên đối với các
quốc gia khác trên bán đảo Đông Dương, nhất là từ khi ĐTQT được giải tán
vào năm 1956.
3. Các thay đổi về đường lối của ĐCSĐD và của ĐTQT.
Cũng
như TNCMHVN, đường lối của ĐCSĐD tiếp tục phản ảnh đường lối của Moscou
cho đến khi ĐTQT giải tán vào năm 1943. Trong thời kỳ này, ĐTQT quan
tâm đến hai vấn đề chủ yếu. Trong nội bộ đó là sự chống đối của Trotski
đối với đường lối của Staline, trong khi đó ở ngoài Liên Xô là sự ra đời
của Đức Quốc Xã, ngày càng đe dọa trực tiếp cho sự sống còn của Liên
Xô. Cũng trong thời kỳ này, ta có thể phân biệt đường lối của ĐCSĐD qua
ba thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất kéo dài cho đến trước Đại hội VII của ĐTQT
(1935) là thời kỳ ý thức hệ đấu tranh giai cấp, thời kỳ thứ hai tiếp tục
từ đó cho đến năm 1939 khi thế chiến thứ hai bùng nổ là thời kỳ hòa
hoãn đối với chế độ thuộc địa Pháp và hoạt động dưới chiêu bài của Mặt
Trận Dân Chủ. Trong thời kỳ thứ ba, dưới chiêu bài của Mặt Trận Việt
Minh và đứng về phe Đồng Minh trong chiến tranh thế giới, ĐCSĐD lợi dụng
cơ hội nắm được chính quyền ở Việt Nam vào năm 1945.
A.Thời kỳ thứ nhất: Cách mạng vô sản và đấu tranh giai cấp
*
Các năm đầu của thập niên 1930 khởi đầu bằng hai biến cố quan trọng. Đó
là cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc Dân Đảng đề xướng vào tháng
2/1930 và cuộc nổi dậy Xô Viết Nghệ Tĩnh do ĐCSĐD cầm đầu
(9/1930-4/1931), cả hai tượng trưng cho hai phong trào cách mạng tiêu
biểu đương thời ở Việt Nam. Tuy có một quy mô rộng lớn hơn nhưng biến cố
Xô Viết Nghệ Tĩnh lại không có một ảnh hưởng quần chúng bằng cuộc khởi
nghĩa Yên Bái. Dư luận đương thời chưa sẵn sàng chấp nhận đấu tranh giai
cấp và thờ ơ với quốc tế vô sản. Trong khi đó cuộc khởi nghĩa Yên Bái
lại tác động trực tiếp vào khía cạnh tâm lý là tinh thần yêu nước chống
lại chế độ thuộc địa, điều quan tâm hàng đầu của cả dân tộc Việt Nam.
Sau
hai biến cố đó, chế độ thuộc địa tiến hành ở Việt Nam các cuộc đàn áp
dã man để tiêu diệt các phong trào cách mạng, khuynh hướng dân tộc cũng
như cộng sản. Các nhà lãnh đạo các phong trào cách mạng dân tộc bị truy
nã đến tận biên giới Trung Quốc, không còn đủ lực lượng để có thể xuất
đầu lộ diện trong lãnh vực sinh hoạt chính trị trong suốt thời gian dài
của thập niên 1930. Trong khi đó ĐCSĐD, với các tổ chức chặt chẽ, đã dần
dần xây dựng lại cơ sở trong vòng bí mật kể từ năm 1932 và chính thức
công khai lộ diện trong thời kỳ 1936-1938, khi Mặt Trận Bình Dân ở Pháp
nắm được chính quyền, với sự tham gia của Đảng Cộng Sản Pháp.
*
Tháng 3/1935 Đại hội I (toàn quốc) của ĐCSĐD được triệu tập ở Macao
nhưng không có thay đổi về đường lối, xác định lại chiến lược cũ về đấu
tranh giai cấp đề ra ở Đại hội VI (1927) của Đệ tam Quốc tế. Nhưng từ
khi Hitler lên cầm quyền ở Đức vào năm 1933 và trước sự đe dọa ngày càng
nặng của Đức Quốc Xã trên Liên Xô, Staline lại thay đổi đường lối, tìm
đồng minh với các nước Tây phương, ký kết với Anh và Pháp các hiệp ước
an ninh. Tháng 7/1935, Đại hội VII của ĐTQT họp ở Moscou ra chỉ thị cho
các đảng cộng sản ngoại quốc không được có các hành động làm trở ngại
chiến lược này. Đoạn văn sau đây, trích dẫn từ (1), trang 49, nêu rõ:
“…
Đại hội VII của Cộng sản Quốc tế (7/1935) ra lịnh cho giai cấp công
nhân và tầng lớp lao động trên toàn thế giới phải đặt mục tiêu tức thời
và trực tiếp không phải là lật đổ chế độ tư bản để xây dựng xã hội chủ
nghĩa mà là đấu tranh chống lại độc tài phát xít và ý đồ xâm lược của
phe phát xít, để xây dựng dân chủ và bảo vệ hòa bình. Các Đảng cộng sản
của mọi nước phải thống nhất các lực lượng lao động và thành lập một Mặt
trận rộng rãi bao gồm các đảng quốc gia, dân chủ và cấp tiến cũng như
các tầng lớp bình dân để thống nhất hành động chống lại kẻ thù chính yếu
tức thời là chế độ phát xít”.
Hiển nhiên đường lối này trái
ngược lại với đường lối của Đại hội VI (1927) mà ĐCSĐD vẫn tiếp tục
khẳng định trong Đại hội I (3/1935) của ĐCSĐD. Vì vậy, liền sau Đại hội
VII của ĐTQT, ĐCSĐD phải tức thời thay đổi đường lối để bám sát với
đường lối mới của ĐTQT và làm tự kiểm thảo, (1), trang 45: “Cần nêu lên
một khuyết điểm, Đại hội (I của ĐCSĐD) đã không nhận thức rõ ràng được
các hiểm họa phát xít trên thế giới cũng như không trù liệu trước các
khả năng chiến tranh chống phát xít,…”.
B. Thời kỳ thứ hai và chiêu bài Mặt Trận Dân Chủ
*
Đường lối mới của ĐTQT được chính thức đem ra thực hành sau Hội nghị
Ban chấp hành trung ương ĐCSĐD ở Thượng Hải (7/1936) với sự thành lập
“Mặt Trận Dân Chủ Thống Nhất Đông Dương”, gọi tắt là Mặt Trận Dân Chủ,
dùng các hình thức đấu tranh cho Dân chủ để che đậy thực chất của mình.
ĐCSĐD thường gọi giai đoạn này là giai đoạn Cách mạng Dân chủ nhưng đây
chỉ là một hình thức đánh lừa dư luận bên ngoài và là một chiến lược
nhằm thỏa mãn nhu cầu giai đoạn của Staline. Về thực chất, ĐCSĐD vẫn
luôn luôn không lùi bước trên mục tiêu ý thức hệ. Hội nghị Ban Chấp Hành
Trung Ương Đảng họp ở Thượng Hải năm 1936 giải thích, (1), trang 48:
“…
Nếu các nhiệm vụ chống đế quốc, chống phong kiến của Đảng nêu ra từ
ngày thành lập vẫn luôn luôn còn hiệu lực thì mục tiêu tức thời và trực
tiếp của giai đoạn này không phải là để lật đổ chính quyền của Đế quốc
Pháp và làm cách mạng cải cách điền địa, mà lại là đấu tranh chống lại
phản động thực dân, tay sai của phát xít… Đây chỉ là một vấn đề chiến
lược, tạm đình hoãn trong một giai đoạn các mục tiêu của cách mạng nhưng
cũng là một vấn đề tối cần để áp dụng chiến lược toàn cầu để bảo vệ
thành trì cách mạng thế giới. Không có thành trì này thì cách mạng ở
Đông Dương cũng không thể tồn tại được…”.
Hiển nhiên, khi xác
định “mục tiêu tức thời và trực tiếp của giai đoạn này không phải là để
lật đổ chính quyền của Đế quốc Pháp”, ĐCSĐD đã thể hiện một nghịch lý
căn bản vì quan tâm hàng đầu của Dân tộc Việt Nam luôn luôn vẫn là tìm
mọi cách để dứt bỏ chế độ thuộc địa Pháp. Trên thực tế điều này có thể
được giải thích dễ dàng vì lý do kỷ luật của ĐTQT, “giai cấp vô sản ở
các nước tư bản và các nước thuộc địa phải tuân theo chiến lược toàn cầu
chung, theo đúng đường lối của Moscou, đặt lợi ích của Đảng Cộng sản
Liên Xô lên trên mọi vấn đề và đặt Liên Xô vào vai trò lãnh đạo cách
mạng quốc tế” và nước Pháp đang được xem như là một đồng minh của Moscou
và đối nghịch với Đức quốc xã. Ngoài ra, lại còn phải xét đến “lợi ích”
của Đảng Cộng sản đàn anh Pháp, đang tham gia vào chính quyền đương
thời ở Pháp. ĐCSĐD đã chỉ thi hành đúng chỉ thị của ĐTQT: “mục tiêu tức
thời và trực tiếp không phải là lật đổ chế độ tư bản để xây dựng xã hội
chủ nghĩa”, bắt buộc hòa hoãn với chế độ thuộc địa.
Cùng một lúc, HCM cũng từ Trung Quốc ra chỉ thị cho ĐCSĐD, (1), trang 50:
“Nhiệm
vụ chính yếu của thời gian hiện tại là tranh đấu để đòi hỏi các quyền
dân chủ, tự do. Tổ chức của Mặt Trận phải thật là hết sức rộng rãi, bao
gồm tất cả mọi tầng lớp nhân dân, ngay cả các thành phần trưởng giả quốc
gia và cấp tiến ở Đông Dương nhưng không thể hòa hoãn được với thành
phần theo Trotski. Phải thẳng tay trừng phạt với các thành phần ly khai,
phải giữ chặt các liên hệ mật thiết với Đảng Cộng Sản Pháp và Măt Trận
Bình Dân Pháp”.
* Nếu ĐCSĐD phải tạm thời trì hoãn đường lối Cách
mạng Vô sản để thi hành chỉ thị mới của ĐTQT thì ngược lại chiến lược
này đã có một tầm quan trọng hàng đầu cho sự phát triển của Đảng, mang
lại cho Đảng những thành công sau này trong ý đồ chiếm giữ độc quyền ở
Việt Nam. Lợi dụng cùng lúc Đảng Cộng sản Pháp tham gia vào chính quyền ở
Pháp, ĐCSĐD lại tái xuất hiện khắp nơi trên các đô thị lớn dưới chiêu
bài của Mặt Trận Dân chủ, dấu kín bản chất ý thức hệ của mình, thay thế
các nhãn hiệu “cộng sản” đã dùng trước đây bằng nhãn hiệu “dân chủ”.
Trong lúc các phong trào cách mạng quốc gia vẫn còn hoạt động trong vòng
bí mật thì ĐCSĐD lại lợi dụng một cách khôn ngoan và thiết thực mọi khả
năng hoạt động, vừa bí mật và chính thức hay bán chính thức để tổ chức
và động viên quần chúng, tham gia trên bình diện toàn quốc vào mọi lãnh
vực, từ đấu tranh công đoàn cho đến tham dự vào các bầu cử địa phương,
từ các sinh hoạt văn hóa, tôn giáo,… cho đến nghệ thuật, thể thao,… Quan
trọng hơn cả, ĐCSĐD tìm mọi cách thâm nhập vào nội bộ của các phong
trào yêu nước, gây chia rẽ và phá hoại các phong trào này để đưa mình
lên vị trí độc tôn lãnh đạo cách mạng ở Đông Dương. Đoạn văn sau đây nêu
rõ thêm các hoạt động trên đây của Đảng, (1), trang 50:
“Một bộ
phận cán bộ của Đảng và của Mặt Trận được phân công thâm nhập vào các
hội đồng, các phong trào cải cách, duy tân và phản động để tố cáo các
tội ác của đế quốc và tay sai, vạch mặt giới lãnh đạo các phong trào
phản động, chinh phục quần chúng về phía mình… Về hướng tổ chức quần
chúng, phải tìm mọi cách để đạt được số đông. Nhưng đối với tổ chức Đảng
thì phải giữ vững chất lượng, phải thẳng tay trừng trị những phần tử
theo Trotski, những phần tử khiêu khích, phản Đảng,… “.
C. Thời kỳ thứ ba và chiêu bài Mặt Trận Việt Minh
*
Đầu năm 1938, chính quyền ở Pháp lại thay đổi và rơi về phía hữu, ĐCSĐD
cũng kịp thời rút vào vòng hoạt động bí mật và tập trung các hoạt động ở
thôn quê. Tiếp theo đó là thời kỳ Thế chiến thứ hai. Năm 1940, nước
Pháp chấp nhận sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã, thỏa hiệp với Nhật Bản để
cùng chiếm đóng Đông Dương và từ đó được ĐCSĐD gắn liền với khối phát
xít. Đường lối chống phát xít bây giờ bao gồm cả chế độ thuộc địa của
Pháp (cũng như của Nhật sau này) ở Đông Dương. Từ thời điểm này, trên
bán đảo Đông Dương không còn sự hiện diện nào của các Đế quốc Tư bản
đồng minh với Moscou. ĐCSĐD xem nước Pháp cùng với Đức, Ý và Nhật là phe
“Phát xít”, đồng hóa với “Đế quốc”, đồng thời đồng hóa đường lối “chống
Phát xít” của mình trước đây với đường lối “chống Đế quốc” mà vẫn không
đi ngược lại với các chỉ thị của ĐTQT. Không như giai đoạn trước đây,
nếu ĐCSĐD không nêu rõ mục tiêu chống đế quốc và chế độ thuộc địa Pháp,
thì đường lối mới của ĐCSĐD có phần nào thay đổi vì nêu rõ mục tiêu
chống đế quốc Pháp. Thật sự, vẫn luôn luôn dấu kín bản chất của mình,
đây là giai đoạn mà ĐCSĐD tìm cách củng cố vị trí để đưa mình lên địa vị
độc tôn lãnh đạo cách mạng. Tháng 11/1939, Ban chấp hành Trung ương
Đảng họp ở Bà Điểm vạch đường lối (1), trang 57:
“Giải phóng đất
nước là nhiệm vụ đầu tiên của cách mạng Đông Dương. Cách mạng chống đế
quốc và cách mạng cải cách điền địa là hai trục chính của cách mạng dân
chủ. Không hoàn thành được nhiệm vụ thứ hai là thất bại trong nhiệm vụ
thứ nhất và ngược lại. Nguyên tắc căn bản này không thể thay đổi được
nhưng phải được áp dụng một cách khôn khéo để có thể thực hiện nhiệm vụ
đầu tiên của cách mạng là lật đổ chủ nghĩa đế quốc. Dựa trên định hướng
chiến lược mới này, Ban chấp hành trung ương Đảng ra lịnh tạm thời đình
hoãn cách mạng cải cách điền địa,… Để tập trung tất cả lực lượng vào
công việc lật đổ chính quyền của đế quốc và tay sai. Dự định thành lập
Mặt trận Thống nhất Toàn quốc chống Đế quốc ở Đông Dương. Các lực lượng
chính của Mặt trận này là thợ thuyền và nông dân. Phải liên minh hay vô
hiệu hóa giới tư sản, các địa chủ cở trung bình và cở nhỏ, đặt dưới sự
lãnh đạo của giới vô sản…”.
Tháng 11/1940, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp ở Đình Bảng (Bắc Ninh) nhấn mạnh:
“Hai
tai họa đang đe dọa lên các dân tộc Đông Dương: Bán đảo Đông Dương chịu
sự chiếm đóng của hai đế quốc phát xít Nhật và Pháp, hai kẻ thù hiện
tại chính yếu của ta. Vì vậy nhiệm vụ tức thời của Đảng là lãnh đạo các
dân tộc ở Đông Dương để sửa soạn cuộc khởi nghĩa vũ trang để lật đổ phát
xít Nhật-Pháp và nắm chính quyền…”.
Hiện diện ở Trung Quốc từ
cuối năm 1939 và ở Việt Nam vào đầu năm 1941, tháng 5/1941, HCM vẫn với
tư cách Đại diện của ĐTQT triệu tập Hội nghị Trung ương ĐCSĐD ở Pac Bó
(Cao Bằng) để cụ thể hóa đường lối hoạt động của Đảng cho thời gian sắp
tới, xác định thực hiện công cuộc giải phóng Đông Dương trên bình diện
của mỗi quốc gia bằng cách thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, gọi tắt
là Việt Minh, hoạt động theo kiểu mẫu của Mặt Trận Dân chủ, dưới hình
thức của các hội “Cứu quốc” thay cho khẩu hiệu “Dân chủ” đã dùng trước
đây. Đồng thời với Mặt Trận Việt Minh, ĐCSĐD cũng thành lập các tổ chức
bù nhìn tương tự ở các nước khác ở Đông Dương: Ai Lao Độc Lập Đồng Minh
và Cao Miên Độc Lập Đồng Minh, để đi đến thành lập Mặt Trận Thống Nhất
Đông Dương.
Khôn ngoan hơn ai hết, tạm thời đình hoãn mục tiêu
cách mạng vô sản, HCM biết lợi dụng chiêu bài “Độc lập dân tộc”, “Giải
phóng đất nước”,… làm bình phong khuấy động dư luận, biết rằng đó là
động lực tâm lý duy nhất quan tâm của mọi người Việt Nam. Một khi nắm
được ưu thế trong chính quyền sẽ đương nhiên xây dựng Xã hội Chủ nghĩa
bằng bạo lực chuyên chính vô sản…
ĐTQT tuyên bố giải tán năm
1943. Sau ba năm (1942-1944) ở Trung Quốc, đó cũng là thời gian cuối
cùng mà HCM hoạt động với tư cách là nhân viên của ĐTQT, tháng 10/1944
HCM trở về Việt Nam, dựa trên uy tín quá khứ quốc tế của mình để củng cố
địa vị của mình như là người lãnh đạo tối cao và trực tiếp của ĐCSVN,
không còn nhân danh ĐTQT đưa mệnh lệnh từ ngoài vào như trước.
Cơ
may cho ĐCSĐD, và đó cũng là một tai họa cho cả các dân tộc ở Đông
Dương, nhờ vào vị trí của ĐTQT trong chiến tranh thế giới, ĐCSĐD trở
thành phong trào có tổ chức chặt chẽ duy nhất ở Đông Dương đứng về phe
Đồng Minh và đã lợi dụng được cơ hội này nắm được chính quyền ở Việt Nam
vào năm 1945.
4. Bàn lại vai trò của HCM.
Trên đây là một
vài nét giải thích đường lối chính thức các hoạt động của ĐCSĐD kể từ
khi ĐTQT được thành lập từ năm 1919 cho đến khi tổ chức này giải tán
(lần thứ nhất) vào năm 1943. Có một điều căn bản đáng được ghi nhận ngay
từ đầu là ĐCSVN chỉ là một sản phẩm của ĐTQT, được thành lập theo lịnh
và tổ chức theo đúng một khuôn mẫu định sẵn từ ĐTQT đưa xuống. Trong
suốt quá trình hoạt động của mình, ĐCSĐD đã tự thỏa mãn như là “một bộ
phận” và chấp nhận sự lãnh đạo tuyệt đối của thế lực quốc tế này.
Điều
thứ hai đáng được ghi nhận là vai trò và vị trí của HCM trong các quan
hệ giữa ĐTQT và ĐCSĐD. Trên vấn đề này, ta có thể khẳng định rằng HCM
không phải là người lãnh đạo tối cao của ĐCSĐD vì khi tự nguyện đụợc
đứng vào hàng ngũ của ĐTQT thì ĐCSĐD đã chấp nhận “chiến lược toàn cầu
chung, theo đúng đường lối của Moscou, đặt lợi ích của Đảng Cộng sản
Liên Xô lên trên mọi vấn đề và đặt Liên Xô vào vai trò lãnh đạo cách
mạng quốc tế…”. Như vậy, người lãnh đạo tuyệt đối ĐCSĐD là Đảng Cộng sản
Liên Xô mà cụ thể là Staline. Ngay cả trong các tài liệu chính thức của
Đảng, HCM đã chỉ được trình bày như là một “cấp trung gian” để chuyển
đạt các mệnh lệnh và chỉ thị của ĐTQT xuống Đảng. HCM cũng không phải là
người Việt Nam duy nhất chịu mệnh lệnh trực tiếp của ĐTQT!
Trên
thực tế, ngay cả HCM, trong những lúc liên hệ với ĐCSĐD cho đến năm
1943, cũng vẫn luôn luôn tự xem mình như là “Người Đại diện Quốc tế Cộng
sản”, một nhân vật không trực tiếp “nằm trong Đảng” nhưng lại “đứng
trên Đảng” để “ban hành đường lối hoạt động cho Đảng”. Nói một cách
khác, HCM chỉ là một người “làm công”, một “nhân viên” hay một “viên
chức” (agent) của ĐTQT, có nhiệm vụ phải kiểm soát và chịu trách nhiệm
về các hoạt động của ĐCSĐD trước ĐTQT!. Chỉ bắt đầu từ khi ĐTQT tuyên bố
giải tán vào năm 1943 thì chức vụ “Đại diện Quốc tế Cộng sản” không còn
chính đáng nữa thì HCM mới trở về Việt Nam, dựa trên uy tín quốc tế cũ
của mình và dành được vị trí lãnh đạo chính thức trong ĐCSĐD. Trong mọi
trường hợp, các tư cách “Đại diện Quốc tế Cộng sản” của HCM cũng chỉ là
những công việc tạm thời, chỉ được ĐTQT giao phó cho từng giai đoạn nhất
định, không liên tục. Ngay cả trong ĐCSĐD cũng có rất nhiều người nghi
ngờ tính cách “Đai diện” này của HCM, vì chỉ có như vậy HCM mới có thể
đứng trên đầu trên cổ mọi người trong Đảng để sai khiến họ. Về các điểm
này, trong hồi ký của Hoàng Tùng (5), nguyên Bí thư Trung ương Đảng và
nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, ta có thể đọc:
“Năm 1931-32, ở
Hương Cảng, Bác không có chức vụ gì, nhưng vì sự nghiệp cách mạng Bác
vẫn làm. Bác gửi thư cho Quốc tế Cộng sản đề nghị giao việc, vì thời
gian đó Bác chỉ làm nhiệm vụ một hộp thư. Đường giao thông giữa ta với
Pháp bị vỡ do một anh thủy thủ Pháp bị bắt khai ra… Việc Bác được tha là
nhờ luật sư Loseby… Việc Bác bị bắt rồi được tha, Liên Xô không hiểu,
họ nghi ngờ có điều gì phức tạp trong vụ án. Tại sao lãnh tụ cộng sản mà
được đế quốc tha yên ổn, cho nên trong vòng bốn năm họ không giao việc
gì. Bác là nhân viên thường ở Ban thuộc địa. Sau đó Bác nhận làm nghiên
cứu sinh phó tiến sĩ, nhưng Người rất chán.
Đại hội VII của Quốc
tế Cộng sản (1935), Bác không có cuơng vị gì cả. Đại hội lần thứ nhất
của Đảng ta họp trước đó bầu Bác là Ủy viên dự khuyết và còn ghi rõ là
chỉ công tác ở nước ngoài. Chính vì thế nên Bác không có tên trong Đoàn
đại biẻu của Đảng ta sang dự Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản.
Đoàn đại biểu của Đảng cộng sản Việt Nam chỉ có Nguyễn Thị Minh Khai và
Lê Hồng Phong. Sau khi xin việc mãi không được, Bác xin về nước. Gần đây
tôi có gặp một nhà trí thức Việt Nam, người này có gặp một nhà trí thức
Pháp, họ nói Bác suýt bị hạ vì những chuyện lôi thôi này. Ông lãnh tụ
Nhật Bản Nosoka Sando cũng bị làm rầy rà. Những chuyện này Bác biết
cả…”.
Có một điều mà gần như dư luận, ở trong cũng như ở ngoài
Đảng, ở trong cũng như ở ngoài nước, ai ai cũng đều công nhận là HCM một
viên chức phục vụ một cách đắc lực, đã áp dụng đúng đường lối của ĐTQT
trong từng chi tiết một vào trường hợp của ĐCSĐD, mặc dầu trong nhiều
trường hợp đường lối này có phần trái ngược với quan niệm của cá nhân
mình… Về chiến lược hành động, ai ai cũng đều rõ ý đồ quen thuộc của HCM
là đánh lừa dư luận bằng cách lợi dụng tối đa nhiệt tình yêu nước của
mọi thành phần trong dân tộc, tạo ra những tổ chức quần chúng bù nhìn,
tạm thời dấu kín các mục tiêu cách mạng vô sản của Đảng, đi đến một hình
thức cộng tác bên ngoài với mọi phong trào yêu nước nhưng thực chất là
thâm nhập vào nội bộ vừa lợi dụng, vừa lũng đoạn các tổ chức đối lập với
Đảng. Với phương pháp hành động này, HCM chắc chắn là đã ở về phía đa
số trong Đại hội năm 1929 của TNCMHVN ở Hương Cảng, muốn tạm thời đình
hoãn việc thành lập ĐCSĐD. Nhưng phương pháp này của HCM đã không được
giới lãnh đạo ĐTQT thấu hiểu mà còn bị xem là một khuynh hướng dân tộc
chủ nghĩa, cải lương và hữu khuynh… Các đoạn văn sau đây trích từ hồi ký
của Hoàng Tùng (5) cho phép soi sáng một phần nào các nghi vấn nêu ra
trên đây về đường lối hoạt động, về vị trí của HCM đối với Đảng Cộng sản
Pháp cũng như đối với ĐTQT, trong khoảng thời gian từ Đại hội VI (1927)
của ĐTQT cho đến lúc ĐCSĐD được thành lập năm 1930. Bàn về “nỗi đau thứ
hai”, trong số “10 nỗi đau lớn” của HCM, Hoàng Tùng viết:
“Nỗi
đau thứ hai là, sau vụ chính biến Tưởng Giới Thạch, Bác đi Liên Xô.
Trước đó Bác phụ trách phòng Đông Nam Á của Quốc Tế Cộng sản. Bác có đi
dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản (1924) nhưng không được bầu vào Ban chấp
hành. Lần này sang, do cách hoạt động của mình, Bác bị Liện Xô nghi ngờ
là chưa đủ tiêu chuẩn cộng sản. Sang Liên Xô Bác không được giao việc gì
cả, không có chức vụ chính thức trong tổ chức quốc tế. Bác xin về, họ
không cho tiền. Sau Bác phải xin tiền bạn bè để về…
Nghe tin ở
nước nhà giải tánThanh niên cách mạng dồng chí hội để lập Đảng cộng sản,
Bác cho rằng chưa phải lúc. Bác cho rằng lúc đầu hãy tập hợp thanh niên
và giương cao ngọn cờ yêu nước đã. Có tổ chức Đảng cộng sản chỉ là tổ
chức bí mật chứ chưa đưa Đảng cộng sản ra và nói đấu tranh giai cấp vội,
cứ nói đánh Tây cho quần chúng dễ hiểu.
Theo tôi tại sao lại lập
Đảng cộng sản? Chuyện này có lẽ bắt nguồn từ Đảng cộng sản Pháp. Đảng
cộng sản Pháp sợ liên lụy không giám bênh vực phong trào cách mạng ở các
nước thuộc địa nữa… Đảng cộng sản Pháp cho rằng Bác không lập ra Đảng
cộng sản mà chỉ tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, lại phê phán Đảng cộng
sản Pháp khá nhiều trên báo chí và ở Đại hội quốc tế Cộng sản. Đảng Cộng
sản Pháp có ý không tán thành Bác. Đảng Cộng sản Pháp cử ba người trong
phái đoàn Pháp sang Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (1927), trong đó có
Nguyễn Văn Tạo (Năm 1923, Nguyễn Văn Tạo là học sinh bãi khóa ở Sài Gòn
được sang Pháp học, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp, rồi vào Trung
ương ngay. Nguyễn Ái Quốc không được bầu vào Trung ương, Bác làm việc ở
Ban thuộc địa). Nguyễn Văn Tạo đề nghị là ở Đông Dương điều kiện đã chín
muồi, đề nghị cho thành lập Đảng Cộng sản. Sau đó mới tác động đến nhóm
Bắc kỳ Ngô Gia Tự, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, ba người hăng hái
nhất lập ra Đông Dương cộng sản đảng, đề nghị giải tán Việt Nam thanh
niên cách mạng đồng chí hội.
Việc đó chính là phê phán Nguyễn Ái
Quốc hay gọi là sự sửa sai đối với Nguyễn Ái Quốc. Nhưng Bác vẫn im lặng
tìm cách sửa sai việc đã rồi, vì ba tổ chức tìm cách chống đối nhau,
gây chia rẽ. Sau Lê Văn Lương nói với tôi là khi Bác về, Trịnh Đình Cửu
có hỏi Bác giấy ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, vì Bác nói là Quốc tế
Cộng sản cử về, Bác trả lời: Đồng chí tưởng tượng xem, nếu tôi mang
trong nguời giấy ủy nhiện của Quốc tế Cộng sản, thì liệu tôi có về được
đến đây không?…”.
Hiển nhiên, trong các điều kiện kể trên, khi cả
bốn phía (HCM và ba Đảng cộng sản ở Đông Dương) đều tỏ ý muốn phục vụ
ĐTQT, thì phải chấp nhận sự kiện đã rồi và thống nhất các tổ chức. Đó là
con đường sửa sai hợp lý nhất cho HCM. Điều còn lại là phải tiếp tục
chứng tỏ sự trung thành tuyệt đối của mình đối với ĐTQT để tránh các
biện pháp kỷ luật, khỏi bị thanh trừng như thường đã xẩy ra ở Liên Xô
trong các thập niên 1920 và 1930…
Tôn Thất Long
(2006)
Tài liệu tham khảo:
1. 50 ans d’activités du Parti communiste du Vietnam. Edition en langues étrangères, Hanoi, 1980.
2. Pierre-Richard Feray: Le Viet-Nam, Collection Que sais-je?, Presse universitaire de France, 1984.
3. Nguyễn Thế Anh: L’itinéraire politique de Hồ Chí Minh, Đường Mới, Paris, 1990.
4. Tôn Thất Long: Le PCV, Congrès et évolution, Đường Mới, Paris, 1992.
5. Hoàng Tùng (Hồi kí): Hồ Chí Minh, Trung Quốc và Liên Xô.
Không có nhận xét nào: