HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Monday, 25 June 2012

141 * MINH VÕ * BẢO ĐẠI *



HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 39*
 

BẢO ĐẠI và Con rồng Việt Nam
Bảo Đại (1913-1997) là vị Hoàng Đế cuối cùng của nhà Nguyễn và cũng là vị vua cuối cùng của Việt Nam. Ngày 25-8-1945, Bảo Đại tuyên bố thoái vị, sau khi Việt Minh cướp chính quyền ngày 19-8-1945, rồi được Hồ Chí Minh cử làm Cố Vấn tối cao của chính phủ mới.
Sau này, nhà báo Phan Thế Trường (1) trong một dịp phỏng vấn cựu hoàng đã nêu câu hỏi: “Tại sao cựu hoàng lại trao quyền trị nước cho Hồ Chí Minh, rồi sau lại trao toàn quyền dân sự và quân sự cho Ngô Đình Diệm?”
Về trường hợp thoái vị để trao quyền cho Hồ Chí Minh, cựu hoàng cho biết: “Lúc ấy tôi chỉ biết Hồ Chí Minh có chí hướng quốc gia muốn mưu tìm độc lập, thống nhất cho Việt Nam. Hồ Chí Minh được giới thiệu như người cộng tác với Đồng Minh và được đại tá Patti trong tổ chức OSS ở Vân Nam của Mỹ ủng hộ. Nhiều người quanh ông ta mà tôi biết không phải cộng sản và có nhiều người tôi đã dùng trong những chức vụ trước đó.” Tóm lại, cũng như nhiều người Việt Nam và ngoại quốc khác vào thuở đó, cựu hoàng không biết Hồ Chí Minh là cộng sản nên đã nhiệt tình ủng hộ.
Năm 1948, cựu hoàng nhận lời đề nghị của các đảng phái quốc gia trở lại cầm quyền để đối đầu với cộng sản với danh nghĩa Quốc Trưởng. Năm 1955, ông bị hội đồng các tổ chức cách mạng quốc gia ủng hộ Ngô Đình Diệm truất phế và việc truất phế được hợp thức hóa bằng một cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Từ đó ông sống lưu vong an nhàn ở Pháp.
Trong thời gian làm cố vấn cho Hồ Chí Minh, cựu hoàng Bảo Đại đã chứng kiến và trải qua một số sự kiện khá đặc biệt do Hồ Chí Minh tạo ra mà sau này cựu hoàng thuật lại trong cuốn hồi ký bằng Pháp ngữ Le Dragon D’Annam (2)  được dịch qua Việt ngữ với tựa đề Con Rồng Việt Nam. (3)
Qua Con Rồng Việt Nam, cựu hoàng kể lại buổi gặp gỡ đầu tiên với Hồ Chí Minh sau khi đến Hà Nội với tư cách công dân Vĩnh Thụy ngày 6-9-1945 và ngay tối hôm đó, Hồ Chí Minh mở tiệc tiếp tân dành cho ông.
Cựu hoàng viết: “Hôm sau, lúc 11 giờ, tôi gặp Hồ Chí Minh, diện đối diện tay đôi... Ông tỏ ra rất lễ độ, dùng tiếng Ngài để gọi tôi ... chỉ còn có nước là xin lỗi bất đắc dĩ lắm mới phải cầm quyền.(4)
Nhận xét sơ khởi của cựu hoàng Bảo Đại về Hồ Chí Minh trong cuộc gặp đầu tiên phản ảnh một cảm giác hài lòng về người đối diện: “Mặc chiếc vareuse hở cổ, đi dép cao su, râu cằm lơ thơ, Hồ Chí Minh giống như một ông đồ nho hay một triết nhân, thích ngâm thơ vịnh phú hơn là làm chính trị. Người gầy gò mảnh dẻ, mắt sáng quắc đầy nhiệt tâm ông có một nhãn lực lôi cuốn vừa đạo mạo, vừa độc đáo. Lời nói cũng chan hòa nhân ái, như bác bỏ mọi bạo động, hận thù. Ông như đã nắm vững được thực tại và nhu cầu của Việt Nam lúc ấy... Trong câu chuyện hơn một giờ ấy, ông (Hồ) kết luận: “Thưa ngài, xin ngài đừng quên rằng Ngài là bậc quốc phụ, vì vậy tôi xin Ngài vui lòng tham dự buổi hội họp của hội đồng bộ trưởng, và nhận chức Cố Vấn Tối Cao cho chính phủ. Lời mời ấy thật bất ngờ đối với tôi”.
Cựu hoàng đã nhận lời vì nghĩ là Hồ Chí Minh rất thực tình. Sau đó, khi tham dự các phiên họp hàng tuần của chính phủ, cựu hoàng cũng nhận xét rất tích cực về các thành viên chính phủ mà cựu hoàng phân thành ba nhóm khác nhau. Nhưng chỉ ít ngày sau, cố vấn Vĩnh Thụy đã “khám phá ra được bộ mặt thật của Hồ Chí Minh(5)
Phát giác của cựu hoàng nhờ có điều kiện chứng kiến các hành động của nhóm thân cận với Hồ Chí Minh từ thuở hoạt động bí mật. Theo cựu hoàng, nhóm này đã tìm mọi cách sắp đặt ma mãnh để chiếm độc quyền ở các guồng máy điều khiển nhân dân. “Thí dụ Trần Huy Liệu, đã nắm trong tay toàn bộ phương tiện tuyên truyền...” (6)
Cựu hoàng còn thấy dụng tâm của họ nhắm thuyết phục cựu hoàng bằng thủ đoạn tuyên truyền khi họ trao cho cựu hoàng đọc tập tài liệu Đời của Nguyễn Ái Quốc mà tác giả là A. Marty, chánh mật thám của Phủ Toàn Quyền Pháp cũ. (7)
Từ đây, cựu hoàng bắt đầu dè dặt nghi ngờ, nhất là trước thái độ kính cẩn của Hồ Chí Minh đối với mình “vừa niềm nở vừa lễ độ, gần như nhiễm tình phụ tử”.
Đây là thời gian Hồ Chí Minh thường lui tới tiếp xúc với một số nhân vật người Pháp như Sainteny hoặc người Mỹ như Lansdale, Patti, tướng Gallagher… Gần như mọi dịp tiếp xúc, Hồ Chí Minh đều đề nghị cựu hoàng cùng đi và cựu hoàng đã nhận ra Hồ Chí Minh luôn để cựu hoàng đi trước hay đứng ở vị trí bên phải là những vị trí dành cho người lãnh đạo tối cao. Cung cách của Hồ Chí Minh khiến cựu hoàng hiểu ra ngay mình đang bị lợi dụng làm một thứ bung xung để Hồ Chí Minh vận động sự ủng hộ của đồng minh.
Cựu hoàng ghi lại trong Con Rồng Việt Nam: “...Tôi liền hiểu được ý nghĩa của việc xếp đặt này. Chính phủ dù có hiện hành, nhưng chưa được đồng minh công nhận. Sự có mặt của tôi, giúp cho ông ta một hình thức chính thức dùng làm chiếc bình phong đánh gỡ mà thôi.” (8)
Cựu hoàng cho biết nhóm thủ hạ của Hồ Chí Minh rất kém cỏi nên mỗi khi nhìn thấy hành động của nhóm này, cựu hoàng đều nhớ tới những cộng sự viên từng ở bên cạnh cựu hoàng thời gian trước đó: “...Tôi lại thấy trở lại cùng vấn đề đã từng thảo luận với Ngô Đình Diệm, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim. Thật là những người cao khiết, đầy tinh thần trách nhiệm, rất tài ba, sung mãn, nhiều ý kiến, nhưng chỉ khổ nỗi không có phương tiện để thực hiện quyền hành.” (9)
Rồi Hồ Chí Minh đề nghị cựu hoàng đi nghỉ ở Sầm Sơn và cử một nhóm bốn cô “nữ cán bộ du kích bảo vệ an ninh”. Từ Sầm Sơn trở về Hà Nội,  cựu hoàng được Hồ Chí Minh “trình” cho xem lá thư mà Hồ Chí Minh đã viết nhân danh cựu hoàng Bảo Đại gửi nước Pháp. (10)
Cựu hoàng nhận xét: “Tôi không hiểu ai là người nhận bức thông điệp này và bằng cách nào để thông điệp được gửi đi. Tôi mong rằng người nhận đã hiểu được không khó khăn, đây chỉ là một văn thư ngụy tạo với tên tôi mà thôi. Tất nhiên là loại thông điệp này vẫn thường được gởi tới các tổ chức dân chủ của các nước khác...Và tôi tin chắc rằng, tôi không phải là người đầu tiên và duy nhất bị đem ra để lợi dụng.” (11)
Cựu hoàng ghi lại một sự kiện đặc biệt xẩy ra vào ngày 27-2-1946: “Ngày 27-2, mới 7 giờ sáng, chuông điện thoại reo vang. Hồ Chí Minh gọi tôi:

– Thưa Ngài, tôi có thể đến gặp Ngài ngay bây giờ không?
Nghe tôi bảo được, ông ta đến ngay. Trông ông ta tuyệt vọng ra mặt, và người tiều tụy bé nhỏ lại hơn thường nhật. Mới vào, ông ta bảo tôi:
– Thưa Ngài, tôi không biết làm thế nào bây giờ. Tình hình rất khó khăn, tôi biết chắc người Pháp không muốn điều đình với tôi. Tôi không được Đồng minh tín nhiệm. Ai cũng thấy tôi quá “đỏ”. Vậy tôi xin Ngài làm cuộc hy sinh thứ hai là Ngài nhận lại quyền hành như trước.
Tôi đã thoái vị, và tôi không bao giờ muốn trở lại nữa. Hẳn cụ biết, tôi không có tham vọng chính trị nào và tự đặt một cách thành tín dưới quyền điều khiển của chính phủ cộng hòa...
Ông ta nài nỉ:
Ngài thay chỗ cho tôi và tôi trở lại thành cố vấn thay Ngài ...
– Thế nhưng ai trao quyền cho tôi?
– Ngài sẽ được quốc hội tấn phong, y như kiểu mọi chính phủ dân chủ thường làm.
– Nhưng tôi có quyền tự do lập chính phủ theo tôi, hay là phải lấy các nhân viên của Cụ?
– Ngài được tự do hoàn toàn lấy ai tùy Ngài.
Ông ta trấn an tôi như vậy.”
Cựu hoàng hỏi ý hai nhân vật là Nguyễn Xuân Hà và Trần Trọng Kim. Cho rằng Việt Minh bị khó khăn và họ thành thực, Trần Trọng Kim khuyên cựu hoàng nên nhận lời. Bảo Đại bèn trả lời “đồng ý”.
10 giờ, Hồ Chí Minh gọi điện thoại thúc đưa danh sách chính phủ gấp để chuyển qua Quốc Hội.
12 giờ, Bảo Đại trả lời đã sẵn sàng. Nhưng “đến 13 giờ thì chuông điện thoại reo. Ông Hồ mời tôi đến gặp ông ta.

– Thưa Ngài, xin Ngài hãy quên những điều tôi nói ban sáng. Tôi không có quyền từ bỏ trách nhiệm vì hoàn cảnh khó khăn. Trao trả lại quyền cho Ngài trong lúc này, có thể coi như sự phản bội của tôi. Tôi xin Ngài tha lỗi cho một phút yếu lòng...” (12)
Theo cựu hoàng, Hồ Chí Minh đổi ý vì đã được phe Cộng Sản hứa giúp, nhất là vì đã mua chuộc được Tiêu Văn để nhân vật này ra lệnh cho Lư Hán ép phe quốc gia nhất là Việt Nam Quốc Dân Đảng phải hợp tác với Việt Minh.
Cựu hoàng cũng thuật lại chuyện đặc phái viên Văn Chí của Việt Minh đến gặp cựu hoàng ở Paris năm 1954 dụ ông trở lại tham chính để đón Việt Minh vào Sài Gòn. Nhưng cựu hoàng cho biết không còn lầm mưu nữa nên “Chính sau cuộc gặp gỡ này, tôi trao toàn quyền cho Ngô Đình Diệm.”
Cựu hoàng đánh giá Ngô Đình Diệm là người có khả năng đối phó với tình hình phức tạp khó khăn sau hiệp định Genève, nhất là thái độ của người Pháp lúc đó.
Cựu hoàng viết: “…Thời của mâu thuẫn chưa chấm dứt. Vì lời tuyên bố của tướng Ely (13) ngày 3-8 (1954) ở Sài Gòn: “vị trí của nước Pháp tại Đông Dương vẫn không thay đổi.”
Viễn tượng hòa bình của hiệp định Genève thật là mịt mù, vì cả hai phe ký kết  đều không từ bỏ ý muốn chiếm ngự miền Nam bằng cách lợi dụng vai trò và uy tín của cựu hoàng, vì thế, cựu hoàng đã chọn trao toàn quyền cho một người vừa cương quyết chống cộng sản, vừa nhất định không lùi bước trước âm mưu của thực dân Pháp.
Về bản hiệp định Ba Lê hai thập kỷ sau đó, cựu hoàng trích nguyên văn một đoạn vắn cho thấy không những đám thủ hạ của Hồ Chí Minh không tôn trọng mà chính các nước đã ký cam kết bảo đảm cho bản hiệp định được thi hành đúng đắn cũng buông xuôi mặc cho Cộng Sản xua quân tiến chiếm miền Nam bằng võ lực: “Thỏa ước Paris đã chẳng đưa đến hòa bình ở Việt Nam... 23 sư đoàn của Văn Tiến Dũng ở Nam vĩ tuyến 17 đã chẳng bao giờ chịu rút đi ... Bọn thống trị miền Bắc coi những điều ký kết ở Paris không khác mớ giấy lộn ném trong sọt rác...”
Trong cuốn hồi ký Một cơn gió bụi, tác giả Trần Trọng Kim, nguyên thủ tướng Việt Nam thời Nhật chiếm đóng, đã ghi lại một câu của cựu hoàng nói với tác giả về tập đoàn Cộng Sản Việt Nam: “Chúng ta già trẻ lớn bé mắc lừa bọn côn đồ.”
CHÚ THÍCH
CHƯƠNG 39
(01)   Diễn Đàn Phụ Nữ , số tháng 9-1992.
(02)   Nxb Plon – Paris, 1980,
(03)  Bản Việt ngữ do Nguyễn Phước Tộc (hoàng tộc) dịch, xuất bản tại Mỹ 1990.
(04)-(05)-(06)-(07)-(08)-(09) SĐD  tr. 197, 202, 203, 206, 207, 209
(10)  Bức thư được đăng nguyên văn nơi trang 226-228.
(11)-(12)  SĐD  tr. 228, 230- 233
(13)  Tổng tư lệnh Pháp kiêm cao ủy Đông Dương thời đó.
 Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:37 PM EST


 

 



 



No comments:

Post a Comment