TẠP CHÍ CỘNG SẢN
Rèn luyện đạo đức cần, kiệm, liêm, chính. Bài trừ tham ô, lãng phí, quan liêu
“Học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một cuộc vận động lớn về đạo đức. Mục
đích cuộc vận động là nhằm khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức
truyền thống tốt đẹp, đấu tranh khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối
sống; chặn đứng, đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn
xã hội; hình thành, phát triển các giá trị đạo đức của chủ nghĩa xã hội,
xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa có nhân cách cao đẹp, bản
lĩnh chính trị vững vàng, lối sống văn minh, xây dựng các quan hệ xã hội
lành mạnh, tiến bộ. Như vậy, nội dung cốt lõi của cuộc vận động là giáo
dục và rèn luyện cho cán bộ, đảng viên và cho mọi thành viên trong xã
hội ta đạo đức cách mạng, đạo đức của con người Việt Nam xã hội chủ
nghĩa trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Xin hãy bắt đầu bằng Cần,
Kiệm, Liêm, Chính, đạo đức lớn mà Bác Hồ đã dạy chúng ta từ cách đây
gần 60 năm và còn nhắc lại trong Di chúc của Người năm 1969: “Đảng ta là
một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo
đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”(1).
Cuối tháng 5 đầu tháng 6
năm 1949, để cổ vũ phong trào Thi đua ái quốc và xây dựng Đời sống mới,
Bác viết bài “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, chỉ rõ rằng:
“… Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc.
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người(2).
Cần, kiệm, liêm, chính là
những điều người xưa từng nói, sách xưa từng viết, các bậc thầy xưa về
đạo đức từng dạy. Nhưng ở Bác Hồ, những câu nói và viết đó, những lời
dạy đó đã trở nên sống động hơn, đời thường hơn, có hiệu ích hơn, bởi
tất cả đều chứa đựng một nội hàm mới, vừa có kế thừa vừa có phát triển,
có bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với việc xây dựng con người mới
trong thời đại mới.
CẦN là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Cần thì việc gì, dù khó khăn đến mấy, cũng làm được. Chữ Cần chẳng những có nghĩa hẹp như: tay siêng làm thì hàm siêng nhai. Nó còn có nghĩa rộng là mọi người đều phải Cần, cả nước đều phải Cần. Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn thì phải có Kế hoạch cho mọi công việc. Kế hoạch lại phải đi đôi với phân công. Cần và Chuyên phải đi đôi với nhau. Cần không phải là làm xổi. Cần
là luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, cả năm cả đời. Nhưng không
phải làm quá trớn. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình,
để làm việc cho lâu dài. “Trong 20 triệu đồng bào ta, cho 10 triệu là
thanh niên và thành nhân có sức làm việc. Nếu mỗi người, mỗi ngày làm
thêm một tiếng đồng hồ thì: Mỗi tháng sẽ thêm 300 triệu giờ. Mỗi năm
thêm lên 3.600 triệu giờ… Cứ tính một giờ làm đáng giá một đồng bạc, thì
mỗi năm nước ta đã có thêm được 3.600 triệu đồng. Đưa số tiền đó thêm
vào kháng chiến, thì kháng chiến ắt mau thắng lợi, thêm vào kiến quốc,
thì kiến quốc ắt mau thành công”(3).
KIỆM là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Cần và Kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. Cần mà không Kiệm
thì “làm chừng nào xào từng ấy”. Cũng như một cái thùng không có đáy,
nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không. Kiệm mà không Cần
thì không tăng thêm, không phát triển được. Mà vật gì đã không tiến tức
là phải thoái… Tiết kiệm về vật chất phải đi đôi với tiết kiệm về thời
giờ. “Thời giờ là tiền bạc”. Ai đem vàng bạc vứt đi là người điên rồ.
Thì ai đưa thì giờ vứt đi, là người ngu dại. Tiết kiệm không phải là bủn
xỉn. Khi không nên tiêu thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có
việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu
công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là Kiệm.
LIÊM là
trong sạch, không tham lam. Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những
người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là liêm, chữ liêm ấy chỉ có
nghĩa hẹp. Cũng như ngày xưa, trung là trung với vua. Hiếu là hiếu với
cha mẹ mình thôi. Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn, là mọi người đều phải Liêm. Cũng như trung là trung với Tổ quốc, hiếu là hiếu với nhân dân; ta thương cha mẹ ta mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết thương cha mẹ.
Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm – Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Kiệm mới có liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là Bất liêm…
Mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam
là có tội với nước với dân. Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ
gây nên tính liêm khiết trong nhân dân. Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ.
CHÍNH nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần phải có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn.
Trên quả đất, có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm hai hạng: người THIỆN và người ÁC. Trong xã hội, có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc CHÍNH và việc TÀ. Làm việc Chính là người Thiện. Làm việc Tà là người Ác. Siêng năng (Cần), tằn tiện (Kiệm), trong sạch (Liêm), Chính là Thiện. Lười biếng, xa xỉ, tham lam là tà, là ác…
Việc thiện thì dù
nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho
mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho
nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi
cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được
365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to. Cả 20 triệu đồng bào đều làm
như vậy, thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định nhiều hạnh
phúc.
Cần, kiệm, liêm, chính đối lập với tham ô, lãng phí, quan liêu như nước với lửa. Cần, kiệm, liêm, chính là vầng sáng của đạo đức con người. Tham ô, lãng phí, quan liêu
là bóng tối của sự tha hóa. Về ba thứ bệnh này, Bác Hồ đã phê phán hết
sức nghiêm khắc, nói đi nói lại nhiều lần, trong những thời điểm khác
nhau và cho những đối tượng khác nhau. Bác nói:
THAM Ô là
hành động xấu xa nhất của con người. Nhân dân ta làm lụng đổ mồ hôi, sôi
nước mắt để góp phần xây dựng của công – của Nhà nước và của tập thể.
Của công ấy là nền tảng vật chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nguồn
gốc chủ yếu để nâng cao đời sống vật chất của nhân dân ta. Tham ô
là lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư. Nó có hại đến sự
nghiệp xây dựng nước nhà, có hại đến công việc cải thiện đời sống của
nhân dân, có hại đến đạo đức cách mạng.
LÃNG PHÍ và tham ô tuy khác nhau, ở chỗ lãng phí thì không trực tiếp ăn cắp, ăn trộm của công, nhưng kết quả tai hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể thì lãng phí cũng có tội… Lãng phí
có nhiều hình thức: hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo, ví dụ làm một
ngôi nhà không hợp thức, làm xong rồi phải phá đi làm lại. Hoặc vì tính
toán không cẩn thận, điều động hàng trăm, hàng nghìn người đến công
trường nhưng chưa có việc làm hoặc người nhiều việc ít, phải để họ trở
về. Hoặc vì xa xỉ, phô trương, hình thức, nào liên hoan, nào “báo chí”,
nào kỷ niệm, sắm sửa lu bù, xài tiền như nước v.v… Nói tóm lại, lãng phí là vì thiếu tinh thần trách nhiệm, không có ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước, của nhân dân.
QUAN LIÊU là
cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến
chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng nắm không vững, chỉ đạo
một cách đại khái, chung chung… Vì vậy, bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô(4).
Bác chỉ rõ rằng bệnh quan liêu luôn luôn đi đôi với bệnh mệnh lệnh. Nguyên nhân của bệnh quan liêu mệnh lệnh là do:
Xa nhân dân: do đó không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân.
Khinh nhân dân: cho là “dân ngu khu đen”, bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình.
Sợ nhân dân: Khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa.
Không tin cậy nhân dân:
Họ quên rằng không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy cũng
không làm xong; có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy cũng
làm được.
Không hiểu biết nhân dân:
Họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và
lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích
toàn cuộc). Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông.
Không yêu thương nhân dân: Do đó, họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không biết thực lòng giúp đỡ nhân dân.
Có nơi, bệnh quan liêu mệnh lệnh trầm trọng đến nỗi cán bộ lừa phỉnh dân, dọa nạt dân!
Sự phê phán nghiêm khắc và thái độ kiên quyết của Bác Hồ trong đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự nóng hổi.
Tệ tham ô cộng với sự nhũng nhiễu, hạch sách dẫu gọi chung là tệ tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Tham nhũng và lãng phí
làm tiêu hao một khối lượng lớn của cải của Nhà nước và của nhân dân.
Hàng vạn cán bộ công chức đã bị truy tố trước pháp luật hoặc bị xử lý kỷ
luật dưới nhiều mức độ khác nhau do phạm tội tham nhũng, lãng phí,
thiếu trách nhiệm làm thất thoát lớn của công. Bệnh quan liêu, xa dân cũng ngày một phổ biến.
Báo cáo chính trị tại Đại
hội IX của Đảng chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng,
đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí
là nghiêm trọng”. Đó là một trong những thách thức lớn đối với sự sống
còn của chế độ, làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước ta.
Tích cực phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu
là cuộc đấu tranh biểu thị quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn
bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội ta. Cuộc đấu tranh ấy đòi hỏi phải
có một tổng hợp biện pháp có hiệu lực từ giáo dục chính trị và tư tưởng
đến hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, xã hội, cải
cách hành chính và tăng cường kỷ cương, pháp luật.
Nêu cao đạo đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính và đấu tranh kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu
là hai mặt của một vấn đề: xây dựng đạo đức mới và con người mới, con
người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, một trong những mục tiêu mà cuộc vận
động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt tới.
Nhân Đăng
(1).Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (công bố năm 1969)
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2000, tập 5, tr 631(
3) Sđd, tập 5, tr 635(4) Sđd, tập 10, tr 574 http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Tieu-diem/2007/524/Ren-luyen-dao-duc-can-kiem-liem-chinh-Bai-tru-tham-o.aspx
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng
(Từ tác phẩm Đường Kách Mệnh đến bản Di chúc cuối cùng)
(ĐCSVN) - Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, từ bài giảng đầu tiên trong tác phẩm Đường Kách Mệnh[1] đến bản Di chúc cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và việc tu dưỡng đạo đức, coi đạo đức là “cái gốc” của người cách mạng.
Vấn
đề đạo đức cách mạng trong tư tưởng của Hồ Chí Minh luôn có sự nhất
quán và tính lôgic cao về tinh thần cách mạng cũng như phương pháp tư
duy, nhất là phương pháp tư duy khoa học, tư duy biện chứng của chủ
nghĩa Mác-Lênin, trên cơ sở truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc,
chắt lọc tinh hoa đạo đức của nhân loại, Người còn phát triển và sáng
tạo những giá trị tư tưởng đạo đức mới phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tầm
quan trọng của đạo đức bao giờ cũng được Người đặt ở vị trí hàng đầu.
Ngay từ khi Đảng ta chưa ra đời, không phải ngẫu nhiên những bài
giảng đầu tiên của Người cho thế hệ thanh niên yêu nước đầu tiên ở
nước ta theo con đường cách mạng vô sản là những bài giảng về tư cách
của người cách mạng. Trong trang đầu cuốn Đường Kách Mệnh -
Người đã ghi 23 nét tư cách của một người cách mạng trong ứng xử với
mình, với người, với đời, với việc. Đó là những chuẩn mực: “Tự mình phải:
Cần kiệm.
Hòa mà không tư.
Cả quyết sửa lỗi mình.
Cận thận mà không nhút nhát.
Hay hỏi.
Nhẫn nại (chịu khó).
Hay nghiên cứu, xem xét.
Vị công vong tư.
Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Nói thì phải làm.
Giữ chủ nghĩa cho vững.
Hy sinh.
Ít lòng ham muốn về vật chất.
Bí mật.
Đối với người phải:
Với từng người thì khoan thứ.
Với đoàn thể thì nghiêm.
Có lòng bày vẽ cho người.
Trực mà không táo bạo.
Hay xem xét người.
Làm việc phải:
Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.
Quyết đoán.
Dũng cảm.
Phục tùng đoàn thể”[2].
Trên
cơ sở nhận thức về nền tảng của việc hình thành đạo đức mới, vấn đề
đạo đức cách mạng được Người nhắc lại nội dung tương tự khi nói chuyện
với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, năm 1947, nhưng cụ thể hơn[3], gồm 5 điểm: một, Mình đối với mình; hai, Đối với đồng chí mình phải thế nào?; ba, Đối với công việc phải thế nào?; bốn, Đối với nhân dân; và năm,
Đối với đoàn thể. Với những lời căn dặn này cho thấy, Người đã đặt
vấn đề đạo đức cách mạng một cách rất lôgic và có cơ sở khoa học về
các quan hệ lợi ích. Hầu như các nguyên tắc đạo đức Người đề ra trước
hết cho mình thực hiện, sau đó mới để giáo dục người khác, có thể nêu
ra một số chuẩn mực cơ bản về đạo đức cách mạng theo tư tưởng của
Người, như sau:
1/ Nếu bài học về đạo đức cách mạng đầu tiên trong cuốn Đường Kách Mệnh,
Người chỉ đề ra những nguyên lý chung thể hiện mối quan hệ giữa ba
khía cạnh, phản ánh mối quan hệ đạo đức mới, đạo đức cách mạng mà
người cách mạng cần quán triệt trước tiên, đồng thời nêu cao việc tu
dưỡng đạo đức cách mạng; thì ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính
phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người đã đề ra những nguyên tắc về
hành vi đạo đức cách mạng đối với người có chức, có quyền trong Chính
phủ từ toàn quốc đến các làng, Người đề nghị: “Mở một chiến dịch giáo
dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: Cần, kiệm, liêm,
chính” để “làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu
nước, yêu lao động”.
Người
coi cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là phẩm chất đạo đức cơ
bản nhất của con người mới, đồng thời là chuẩn mực cơ bản của nền đạo
đức mới của dân tộc ta. Đây là phẩm chất được Người đề cập đến nhiều
nhất, thường xuyên nhất với một nội dung đạo đức mới rất cách mạng mà
vẫn giữ được nền tảng của các khái niệm đạo đức cũ rất quen thuộc với
mọi người. Phẩm chất này gắn liền với họat động hàng ngày của mỗi con
người và có quan hệ mật thiết với tư tưởng trung với nước, hiếu với dân.
Chí công vô tư về thực chất là nối tiếp cần, kiệm, liêm, chính. Cần,
kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư và ngược lại. Người có
tinh thần chí công vô tư là người ham làm những việc ích nước, lợi
dân, không ham địa vị, công danh, phú quý, không nghĩ đến quyền lợi cá
nhân. Người cho rằng những cán bộ, đảng viên có đầy đủ đức tính nêu
trên sẽ đứng vững trước mọi thử thách, hơn nữa yêu cầu họ phải thể
hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đối với người, với việc và
với chính mình.
Người
từng nói: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách
mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình
mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình
sẽ tiến đến chỗ chí công, vô tư. Mình đã chí công, vô tư thì khuyết
điểm sẽ càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm. Nói tóm
tắt, tính tốt ấy gồm có 5 điều: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” [4].
Có thể thấy rằng từ các khái niệm đạo đức cũ như: nhân, nghĩa, trí,
dũng, liêm, Người đã đưa vào đây nội dung đạo đức mới bằng cách giải
thích nó theo quan niệm mới, với một nội dung hoàn toàn khác, rất cách
mạng, phản ánh các mối quan hệ một cách rõ ràng, cụ thể và dễ hiểu.
2/
Từ nội dung hẹp của các phạm trù đạo đức cũ, Người mở rộng, đưa vào
đây một nội dung rất mới, tiến bộ, cách mạng, vượt qua những hạn chế
của tư tưởng đạo đức truyền thống và nâng lên thành tư tưởng đạo đức
mới, mà tiêu biểu nhất là các khái niệm: trung, hiếu, nhân, nghĩa… “Từ
trung với vua thành trung với nước; từ hiếu với cha mẹ mình thành
hiếu với dân; từ nhân chỉ là nhân ái thành nhân dân, từ cần cho riêng
mình thành cần cho cả xã hội; từ kiệm cho riêng mình thành tiết kiệm
chung phục vụ cho đất nước; từ liêm nghĩa là liêm khiết, không tham
nhũng, nghĩa là chỉ giữ cho bản thân mình trong sạch, Người mở rộng
thành vấn đề liêm khiết mang tính xã hội; từ chính nghĩa là không tà,
nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn, Người chuyển sang vấn đề thiện, ác; làm
việc chính, là người thiện; làm việc tà là người ác”[5].
Người nhấn mạnh: “Người cán bộ phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ
đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức
cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải trái, giữ vững lập
trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”[6].
Trung vơí nước, hiếu với dân được coi là nội dung cơ bản nhất, bao
trùm nhất trong tư tưởng đạo đức cách mạng của Người, thể hiện mối
quan hệ giữa con người với Tổ quốc và nhân dân. “Trung với nước” là
trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, nước ở
đây là nước của dân, dân là chủ nhân của đất nước. Người cho rằng bao
nhiêu quyền hạn đều là của dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, quyền
hành và lực lượng đều ở nơi dân. Xuất phát từ quan niệm như vậy, nên
“hiếu” trong tư tưởng của Người chính là “Hiếu với dân”. Hiếu với dân
không chỉ là xem người dân như đối tượng dạy dỗ, ban ơn mà là đối
tượng phải phục vụ hết lòng. Ở người, lý luận luôn gắn chặt với thực
tiễn, lời nói luôn đi đôi với việc làm. Cuộc đời của Người là minh
chứng sinh động về tư tưởng tận trung với nước, tận hiếu với dân.
3/
Nếu như trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất của mỗi con người -
công dân đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, thì yêu thương con người
là trách nhiệm của mỗi con người đối với con người. Người cho đây là
phẩm chất cao đẹp nhất của con người. Yêu thương con người trước hết
là tình cảm dành cho những người bị áp bức, bóc lột, những người cùng
khổ. Yêu thương con người còn được thể hiện trong mối quan hệ hàng
ngày với những người đồng chí xung quanh, trong cuộc sống bình thường.
Phải luôn nghiêm khắc với bản thân, nhưng rộng rãi độ lượng với ngươì
khác. Điều đặc biệt là ở Người, yêu thương con người luôn luôn gắn với
niềm tin vào con người, tin vào lương tri, tin vào lòng dũng cảm, tin
vào sức sáng tạo của họ trong hành trình con người tự giải phóng lấy
mình, để con người làm chủ xã hội, làm chủ bản thân mình.
4/
Người đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cá nhân và giai cấp, giữa
dân tộc và quốc tế, giữa truyền thống và hiện đại tạo ra trong quan
niệm về đạo đức cách mạng sự hài hòa về các mối quan hệ lợi ích. Theo
Người, tinh thần quốc tế trong sáng thực chất là chủ nghĩa yêu nước
gắn liền với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Người cho rằng nếu tinh thần
yêu nước không chân chính, tinh thần quốc tế không trong sáng thì có
thể dẫn tới tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, hẹp hòi, sô vanh, biệt lập, kỳ
thị chủng tộc. Từ rất sớm, Người đã chủ trương quan hệ với các quốc
gia dân tộc và các tổ chức trên thế giới để thêm bạn, bớt thù. Quan
điểm dân tộc đã được thổi vào thời đại, đã vượt qua biên giới quốc
gia, hướng tới mục tiêu độc lập, dân chủ, hòa bình, hữu nghị và hợp
tác.
Cần
nhấn mạnh là tuy có những cách định nghiã khác nhau về nội hàm các
khái niệm đạo đức cách mạng, nhưng nhìn chung ở Người đều có sự nhất
quán về tinh thần cách mạng và phương pháp tư duy. Từ các khái niệm,
phạm trù của các tư tưởng đạo đức đã có từ trước như: nhân, nghĩa,
trí, dũng, liêm, đến cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; từ trung,
hiếu, đến thiện, ác... bao giờ Người cũng có cách giải thích riêng về
những chuẩn mực đạo đức phù hợp dễ hiểu, dễ chấp nhận với từng đối
tượng, với mọi tầng lớp nhân dân: trí thức, quân đội, công an, công
nhân, nông dân, phụ nữ, phụ lão, các cháu thiếu niên và nhi đồng... Đề
cao đạo đức mới, Người đã thể hiện một tầm nhìn xa trông rộng về nhân
cách con người. Những phẩm chất mà Người nêu ra là nhằm hướng con
người tới cái thiện, cái tốt, cái cao cả, đồng thời ngăn chặn, khắc
phục những biểu hiện thoái hóa, biến chất có thể xảy ra, đặc biệt là
chống khuynh hướng lạm dụng quyền lực để tham nhũng, lãng phí. Ngay cả
trước khi qua đời, việc đầu tiên được đề cập đến trong Di chúc
để lại cho toàn Đảng, toàn dân là nói về Đảng, việc đầu tiên khi đề
cập đến Đảng là đạo đức, Người viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền.
Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng,
thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật
trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật
trung thành của nhân dân”[7].
Tóm lại, từ bài viết đầu tiên trong tác phẩm Đường Kách Mệnh đến bản Di chúc
cuối cùng, dù ở những thời điểm lịch sử khác nhau nhưng tư tưởng của
Người về đạo đức cách mạng đều có sức thuyết phục rất cao, có sức sống
mạnh mẽ và có giá trị lâu bền. Bởi đó là sự thống nhất giữa lời nói,
tư tưởng và hành động. Người đặt vấn đề đạo đức cách mạng từ lĩnh vực
lý luận sang lĩnh vực thực tiễn, đưa đạo đức cách mạng vào chính sự
nghiệp cách mạng, coi đó là một trong những nguyên tắc hoạt động cách
mạng, phản ảnh các quan hệ mới về lợi ích tạo ra nền tảng vững chắc
của chính quyền cách mạng nói chung và người cách mạng nói riêng./.
Tùng Khánh
[1] Đường Kách Mệnh,
xuất bản năm 1927 - đây là một tác phẩm lý luận và chính trị vô
cùng quan trọng, gồm những đề cương bài giảng của Nguyễn Ái Quốc,
tức Chủ tịch Hồ Chí Minh giảng cho các lớp huấn luyện chính trị
được tổ chức bí mật ở Quảng Châu, Trung Quốc từ đầu năm 1925 nhằm
đào tạo cán bộ cách mạng nước ta, chuẩn bị về tư tưởng, đường lối
và tổ chức cho việc thành lập một chính đảng mác xít của giai cấp
công nhân Việt Nam.
[2] Nguyễn Ái Quốc. Đường Cách Mệnh. Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1982, tr..22-23.
[3] Xem thêm: Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 54-55.
[4] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. Sđd, tr. 251.
[5] Thành Duy, Văn hóa đạo đức: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2004, tr. 35.
[6] Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 7, Sđd, tr. 480.
[7] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12, Sđd, tr. 510.
BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
CÁN BỘ KIỂM SÁT HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
Từ Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc - tấm gương kiên trì học tập và lòng hiếu thảo
Thứ sáu, 28/6/2012
Nhà Bác Hồ ở quê ngoại, làng Hoàng Trù, Nam Đàn,
Nghệ An
1. Rất nhiều tuyển tập, cũng như Toàn tập Hồ Chí Minh đều lấy tài liệu
chính thức bắt đầu từ 1920 (Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp mà Hồ
Chí Minh tham gia từ 1919, tức là ở Đại hội Tua, cũng là Đại hội sáng
lập Đảng Cộng sản Pháp) làm xuất phát điểm. Đó cũng là thời điểm đánh
dấu sự trưởng thành vượt bậc về tư tưởng chính trị của Chủ tịch Hồ Chí
Minh. Vậy trước 1920, cũng như trước nhiều năm sau này, Người là ai? và
chúng ta học tập ở Người đức tính gì?, khi Người là cậu bé Nguyễn Sinh
Cung và anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đến đồng chí Nguyễn ái Quốc. Tôi
muốn đề cập đến: Tinh thần ham học hỏi với một sự nhẫn nại và lòng kiên
trì phi thường, cũng như tấm lòng kính yêu cha mẹ và người thân của
Người.
2. Có một việc trùng hợp lịch sử về tinh thần ham học, vượt khó khăn
của người cha Chủ tịch Hồ Chí Minh với Người. Phụ thân của Người là
Nguyễn Sinh Sắc (sinh năm 1862). Ông Sắc lên 3 tuổi thì cha mất, lên 4
tuổi thì mẹ mất. Sinh Sắc phải sớm chăn trâu, cắt cỏ, ở với người anh
cùng cha khác mẹ. Nguyễn Sinh Sắc nổi tiếng là ham mê học tập, lan khắp
cả vùng. Nhờ đó Sinh Sắc được ông Hoàng Xuân Đường, một nhà nho thanh
bạch yêu quí nhận làm con nuôi. Rồi đến năm 1883, lúc Sinh Sắc 21 tuổi
được ông Hoàng gả con gái là Hoàng Thị Loan cho. Năm 1884, Bà Loan sinh
con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh; năm 1888, sinh con trai thứ 2 là
Nguyễn Sinh Khiêm. Năm 1890, sinh con trai thứ 3 là Nguyễn Sinh Cung
(sau này Nguyễn Tất Thành thường khai sinh là năm 1892).
3. Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành học tiểu học đến năm 20 tuổi ở Huế, Nghệ An, Bình Định (1890 - 1910).
Nguyễn Sinh Cung từ lúc sinh đến năm lên 5 tuổi sống ở làng Hoàng
Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Năm 1894 Ông Sinh Sắc đậu cử
nhân trong kỳ thi hương ở Nghệ An. Năm 1895, Sinh Sắc đưa vợ và Sinh
Cung, Sinh Khiêm vào Huế để thi Hội lần thứ nhất, nhưng Ông không đậu.
Gia đình ông Nguyễn Sinh Sắc tiếp tục ở Huế đến 1898, Ông thi Hội lần
thứ 2, nhưng Sinh Sắc vẫn không đỗ nên phải về làng Dương Nỗ cách Huế 6
km để dạy học.
- Nguyễn Sinh Cung học tiếng Hán 1898 - 1903
Mộ cụ Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nam Đàn, Nghệ An)
ở Dương Nỗ, Sinh Cung bắt đầu học chữ Hán năm 1898, tập viết chữ Hán trong sách mỗi trang có 4 hàng chữ to, nền giấy đen chữ trắng, Sinh Cung (cùng học trò khác) lấy bút lông chấm son đỏ để tô vào chữ trắng.
Năm 1900, Sinh Sắc đưa Sinh Khiêm cùng ra Thanh Hóa coi thi và sau đó
về quê Kim Liên để sửa sang mồ mả nội ngoại. Sinh Cung ở lại với mẹ tại
Huế. Bà Loan sinh con thứ 4, bé gái tên "Xin" bị chết. Ngày 10/02/1901,
Bà Loan mất. Sinh Cung lúc đó mới 11 tuổi. Ông Sinh Sắc lại vào Huế đón
Sinh Cung về quê.
- Năm 1901, Nguyễn Tất Thành
Năm 1901, Sinh Sắc đổi tên là Nguyễn Sinh Huy để lại vào Huế tiếp tục
thi Hội lần thứ 3. Sinh Cung ở lại quê được bà ngoại gửi đi học chữ Hán
ở làng Hữu Biệt cách Hoàng Trù 3 km. Năm 1901 đó, ông Sinh Huy đỗ Phó
bảng. Sinh Huy đưa 3 con về quê nội Kim Liên sinh sống. Khi được làm lễ
vào làng Kim Liên, Nguyễn Sinh Cung được đổi tên thành Nguyễn Tất Thành.
Sinh Huy gửi Nguyễn Tất Thành học chữ Hán ở lớp của thầy Vương Thúc
Quý. Năm 1903, Sinh Huy dạy học ở Thanh Chương, Tất Đạt và Tất Thành
được đi cùng. Tất Thành được học chữ Hán với thầy đồ Trần Thân. Năm
1905, Tất Thành có lần theo cha ra tận Thái Bình, đất Bắc và đi rất
nhiều nơi ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Thời gian học chữ Hán khoảng từ 1898 -
1903, khoảng 5 năm, nhưng sau này qua tập Ngục Trung Nhật Ký viết vào
năm 1941- 1942 cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh có một vốn Hán học rất sâu
sắc và tập thơ của Người có phong vị Đường thi với một nội dung vừa bình
dị mà sâu sắc, vừa ý nhị mà tha thiết với lối sử dụng luật đối xứng
trong thơ rất hoàn hảo.
Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh
Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
(Thị xã Sa
Đéc, tỉnh Đồng Tháp)
Ví dụ như bài "Nạn hữu xuy địch":
Ngục trung hốt thính tư hương khúc
Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu
Thiên lý quan hà vô hạn cảm
Khuê nhân cánh thướng nhất tằng lâu.
Hoặc như bài "Vọng Nguyệt":
Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thử lương tiêu nại nhược hà
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.
Hoặc như bài "Mộ":
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
- Năm 1905, Nguyễn Tất Thành bắt đầu học tiếng Pháp
Tháng 9/1905, Pháp mở trường thuộc địa bản xứ tại Vinh, với lớp đầu
tiên của tiểu học gọi là lớp dự bị, Tất Thành được đi học ở trường
Vinh, chủ yếu học tiếng Pháp, một ít giờ học chữ Hán. Như vậy, Chủ tịch
Hồ Chí Minh bắt đầu học tiếng Pháp từ năm 1905. Tháng 05/1906, Sinh Huy
phải vào Huế do được bổ nhiệm làm Thừa biện Bộ Lễ. Nguyễn Tất Thành được
đi cùng và do đó anh phải học lại lớp dự bị tại Trường tiểu học Pháp
Việt Đông Ba, niên khóa 1906-1907 vì ở Vinh đang học dở. Sau đó là lớp
sơ đẳng (1907 - 1908). Năm học 1908 - 1909, Nguyễn Tất Thành chuyển sang
học lớp nhì ở Trường Quốc học Huế.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc và Cụ Hoàng Thị Loan, thân sinh và thân mẫu của Bác Hồ Tháng 05/1909, Sinh Huy được cử làm giáo viên phúc khảo kỳ thi Hương tại Bình Định, tiếp theo Sinh Huy được cử làm Tri phủ huyện Bình Khê, Bình Định. Nên cuối 1909, Tất Thành phải rời Trường Quốc học Huế vào Bình Định với cha. Ông Sinh Huy gửi Tất Thành học lớp Nhất Trường tiểu học Pháp Việt Quy Nhơn. Tháng 01/1910, Sinh Huy bị triệt hồi chức Tri huyện, phải cùng Sinh Khiêm trở về Huế. Chỉ còn một mình Tất Thành ở lại Quy Nhơn học hết chương trình tiểu học vào tháng 6 năm 1910. Như vậy Nguyễn Tất Thành đến năm 20 tuổi mới học xong chương trình tiểu học, phải học rất nhiều nơi, chuyển nhiều trường, đứt quãng và rất khó khăn từ Nghệ An - Huế đến Bình Định. Nguyễn Tất Thành đã không quay về Huế mà đi xuống phía Nam.
4. Năm 1910 - 1920, Nguyễn Tất Thành vừa làm vừa học tiếng Anh, tiếng Pháp.
- Tháng 8/1910, Tất Thành không quay về Huế với cha mà vào làm trợ
giáo môn thể dục Trường Dục Thanh ở Phan Thiết với mức lương 8 đồng Đông
Dương, đồng thời phụ trách các hoạt động ngoại khóa. Anh dành thời gian
để đọc sách rất nhiều.
- Đầu tháng 2 năm 1911, sau khoảng 6 tháng ở Phan Thiết, Tất Thành
rời Phan Thiết vào Sài Gòn, tạm trú ở nhiều chỗ. Trước khi xuống tàu ra
nước ngoài 3 ngày, ở 128 Khánh Hội, đó là chỗ của một nhà máy nước mắm
cũ.
- Ngày 03 tháng 6 năm 1911, Tất Thành lấy tên là Văn Ba xuống tàu
Amiran Latusơ - Tơrevin xin làm phụ bếp. Ngày 05/6/1911, tàu này đi Mác
Xây. Trên cùng chuyến tàu có ông Bùi Quang Chiêu, kỹ sư nông học Pháp
hơn anh Ba 20 tuổi hỏi Ba: "Sao con lại làm cái nghề khó nhọc này, bỏ
nghề này đi chọn nghề khác danh giá hơn". Ba cảm ơn ông Chiêu nhưng
không nói đồng ý hay là không. Hàng ngày phải lao động rất cực nhọc,
nhưng Văn Ba vẫn thức khuya để đọc sách và học tập.
- Ngày 06 tháng 7 năm 1911, tàu đến Mác Xây. Sau đó 2 tháng, ngày 15
tháng 9 năm 1911, Tất Thành viết thư gửi Tổng thống và Bộ trưởng thuộc
địa Pháp xin được vào học Trường Thuộc địa ở Pháp. Việc làm đầu tiên ở
Pháp của Nguyễn Tất Thành là đi xin học. Nhưng tháng 10 năm 1911, Chính
phủ Pháp từ chối việc xin học của anh. Nguyễn Tất Thành lại lên tàu trở
về Sài Gòn.
- Ngày 31 tháng 10 năm 1911, Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ
nhờ chuyển giúp số tiền 15 đồng cho cha mà anh không có điều kiện gửi
trực tiếp. Số tiền anh Ba dành dụm được khi làm phụ bếp - một cử chỉ rất
đáng quan tâm về trách nhiệm và tình cảm thương mến với gia đình.
Lần đầu tiên ra nước ngoài xin đi học của Nguyễn Tất Thành đã không được đáp ứng.
- Năm 1912, Tất Thành lại xuống tàu chở hàng đi châu Phi, Trung Nam
Mỹ rồi đến Mỹ. Đây là lần thứ hai Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài và anh
nói là "muốn đi xem các nước." Chuyến đi này (1912) cho đến mãi năm 1941
mới trở về quê hương đất nước. Tàu qua á, Phi, Mỹ La Tinh rồi đến Mỹ
vào cuối năm 1912 ở thành phố New York. Tất Thành kể lại là: Khi đó anh
cũng chưa hiểu lắm về chính trị.
- Ngày 05 tháng 12 năm 1912, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ
Trung kỳ nhờ cho biết tình hình và địa chỉ của ông Sinh Huy, Tất Thành
nói đã gửi cho cha 3 ngân phiếu, nhưng mới chỉ nhận được một lần trả
lời.
Giữa 1913, Nguyễn Tất Thành học tiếng Anh
ở Mỹ từ cuối 1912 đến khoảng giữa năm 1913, Tất Thành rời Mỹ về Anh,
Tất Thành nói là để học tiếng Anh và xem nước Anh ra sao (một vấn đề rất
thời sự là học tiếng Anh giai đoạn hiện nay). ở Luân đôn, Tất Thành xin
làm quét tuyết cho một trường học, sau đó làm thợ đốt lò ở Trung tâm
sưởi ấm. Lao động cực kỳ nặng nhọc, tiền công rất thấp nhưng anh phải
dùng số tiền này để trả công thầy dạy tiếng Anh gần hết, rồi đi làm bồi
bàn ở khách sạn Các lơ tôn.
Nguyễn Tất Thành vừa lao động vừa học tập và tham gia Hội những người
lao động hải ngoại (một tổ chức tiến bộ của người Châu á ở Anh).
- Ngày 16 tháng 4 năm 1915, Nguyễn Tất Thành thông qua Lãnh sự Anh ở
Sài Gòn gửi Toàn quyền Đông Dương bức thư của anh tới cha anh là ông
Sinh Huy. Chính quyền địa phương đã hỏi bà Thanh, ông Khiêm về tin tức
nhưng chỉ biết cha Sinh Huy đã vào Nam từ cuối 1911 đến đầu năm 1912 làm
ở đồn điền cao su ở Lộc Ninh, Thủ Dầu Một.
- Sống làm việc ở Anh, Nguyễn Tất Thành đã trang bị được cho mình một
trình độ tiếng Anh vững vàng trong khoảng thời gian từ giữa năm 1913
đến cuối năm 1917 (khoảng hơn 4 năm). Đó là một công cụ rất quan trọng
trong đấu tranh chính trị. Xem bức thư của Bác Hồ gửi cho Charles Fenn,
một sỹ quan Mỹ thuộc lực lượng OSS ngày 09 tháng 6 năng 1945 với một lối
chữ viết và lời văn rất rõ ràng càng thấy rõ điều đó. Bức thư này được
công bố trong một cuốn sách do các tác giả người Mỹ viết và do chính
Fenn giới thiệu năm 2003 có tiêu đề: "Ho Chi Minh - a Portrait".
- Khoảng cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành rời Anh để đi sang Pháp. Cả
năm 1918 đến giữa năm 1919, Đảng Xã hội Pháp mới tìm kiếm cho Tất Thành
được một thẻ lao động hợp pháp. ở Paris, Tất Thành được cụ Phan Châu
Trinh dạy cho nghề làm ảnh. Đầu năm 1919, Tất Thành tham gia Đảng xã hội
Pháp. Được hỏi vì sao vào Đảng xã hội Pháp, Tất Thành trả lời "Vì đây
là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, tổ chức duy nhất theo đuổi
lý tưởng vĩ đại: Tự do, bình đẳng, bác ái".
Tháng 6/1919, tên Nguyễn ái Quốc lần đầu tiên xuất hiện
- Hội nghị các nước Đế quốc họp ở Véc xây (Pháp) sau thế chiến thứ
Nhất (1914 - 1918). Nhóm người yêu nước Việt Nam đã đưa ra Bản yêu sách 8
điểm bằng tiếng Pháp của Phan Châu Trinh - Phan Văn Trường và Nguyễn
Tất Thành. Bản yêu sách ký tên Nguyễn ái Quốc, tên Nguyễn ái Quốc lần
đầu tiên xuất hiện, khoảng ngày 18 tháng 6 năm 1919.
ý kiến về việc đưa ra Bản yêu sách do Nguyễn Tất Thành đề xuất nhưng
khi làm văn bản do Luật sư Phan Văn Trường viết bằng tiếng Pháp - Nguyễn
ái Quốc viết văn bản này bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán (Trần Dân Tiên).
- Nguyễn ái Quốc - tên gọi thiêng liêng xuất hiện, làm thực dân Pháp
run sợ, nhưng tên gọi đó lại trở thành linh hồn và lời hiệu triệu của
người Việt Nam yêu nước. Danh xưng Nguyễn Ái Quốc từ chỗ là tượng trưng
cho nhóm người Việt yêu nước trở thành tên riêng của Nguyễn Tất Thành.
- Báo Đời Sống Công Nhân xuất bản ở Paris bằng tiếng Pháp lúc đó có
mục tin vắn mỗi tờ chỉ 5, 3 dòng. Nguyễn ái Quốc lần đầu tiên viết bằng
tiếng Pháp những tin rất ngắn và được một người bạn Pháp sửa cho. Mỗi
bài Nguyễn viết làm 2 bản: 01 bản gửi báo, 01 bản giữ lại, khi báo đăng
thì so sánh với hai bản viết lại để rút kinh nghiệm. Cứ dần dần viết dài
thêm 15, 20 dòng rồi cả một cột báo. Sau đó người bạn Pháp lại bảo
Nguyễn viết ngắn lại. Đến một lúc thì có thể vừa viết được ngắn, vừa
viết được dài. Người đã học tiếng Pháp qua việc thể hiện những tư tưởng
sắc bén trên hàng loạt bài báo, bằng cách làm rất bình dị và khiêm tốn.
Bài báo đầu tiên với tính cách là một bài báo của Nguyễn ái Quốc đó
là bài "Vấn đề dân bản xứ" đăng trên báo Nhân đạo ngày 02/8/1919 xuất
bản ở Paris.
Nguyễn ái Quốc đã học tiếng Pháp, thể hiện tiếng Pháp với sự kiên trì và hiệu quả từ thực tiễn làm báo như vậy đó.
Thay cho lời kết
- Có nhiều phẩm chất để làm nên Lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại của lịch
sử và thời đại chúng ta. Tinh thần ham học hỏi và kiên trì học tập là
một trong những phẩm chất đó, rất đáng để các thế hệ người Việt Nam học
tập.
- Không nỗ lực học tập như vậy thì năm 1925 không thể viết được Bản
án chế độ thực dân Pháp và năm 1927 viết cuốn Đường cách mạng, cuốn sách
chỉ đường cho cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam.
- Có thể sẽ không có Hồ Chí Minh nếu không có Nguyễn Sinh Cung,
Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ai Quốc vượt qua muôn vàn gian khó để học
tập, trong đó có học chữ Hán, học tiếng Anh, học tiếng Pháp và sau này
là tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Trung Quốc, tiếng Quảng Đông, tiếng
Xiêm.v.v. với một tinh thần ham học hỏi bằng lòng nhẫn nại và sự kiên
trì phi thường trên con đường hoạt động cách mạng. Qua cuộc đời và sự
nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thấm thía chân lý: Không có tri
thức cách mạng thì không có phong trào cách mạng, không có hoạt động
cách mạng.
- Có một logic biện chứng giữa
một người con hiếu thảo chắt chiu từng đồng tiền bằng lao động nặng nhọc
của mình để gửi cho cha với vị lãnh tụ của đất nước trước nạn đói của
đồng bào đã tự mình hàng ngày nhịn ăn một bữa và kêu gọi nhân dân cùng
làm để từng gia đình lập hũ gạo cứu đói cho dân, vị lãnh tụ đã cơm cà
rau muống với dân. Hai con người đó là một. Đó là một nhân cách lớn thấm
nhuần tư tưởng nhân văn sâu sắc.- Hiện nay chúng ta đang đứng trước nhu cầu rất lớn và cấp bách của cải cách tư pháp là đào tạo một đội ngũ cán bộ "cập nhật được các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa". "Tiến hành đào tạo đủ số lượng cán bộ Tư pháp có trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên sâu về lĩnh vực tư pháp quốc tế..." Đó là những định hướng đào tạo cán bộ Kiểm sát rất cơ bản của chúng ta.
Chúng ta đã có các chương trình đào tạo mới về hội nhập quốc tế, các chương trình đào tạo phục vụ cho việc tăng thẩm quyền cấp huyện, đào tạo tiếng Anh và tin học, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở trong nước và nước ngoài.v.v. Học tập lại đang nổi lên như một yêu cầu thôi thúc của thời đại mới. Các chương trình đào tạo, công tác tổ chức cán bộ, chính sách.v.v. dĩ nhiên là tạo điều kiện cho môi trường học tập. Nhưng tự giác học tập giữ vị trí vô cùng quan trọng. Tấm gương học tập của Bác Hồ, trước hết ở sự tự giác, sự vươn lên vì tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc và cả danh dự của dân tộc nữa. Tôi nghĩ rằng: Toàn thể cán bộ đảng viên chúng ta trước hết là đảng viên trẻ, các đồng chí đoàn viên thanh niên cộng sản, các cán bộ thuộc nguồn qui hoạch đào tạo v..v hơn lúc nào hết noi theo tấm gương kiên trì học tập của Bác Hồ, với một "tinh thần xông lên trời" như Các Mác đã nói; bởi vì Đảng, Tổ quốc và nhân dân đang cần chúng ta làm như vậy.
KHUẤT VĂN NGA
Nguồn: Tham luận tại Hội thảo "Học tập và
làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát: Công
minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" do VKSNDTC tổ chức;
tháng 7 năm 2006
Thông tin về tác giả: Tiến sĩ luật, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC
http://tapchikiemsat.org.vn/viewtopic/Hoc-tap-va-lam-theo-tam-guong-dao-duc-Ho-Chi-Minh/tam-guong-82.html
http://tapchikiemsat.org.vn/viewtopic/Hoc-tap-va-lam-theo-tam-guong-dao-duc-Ho-Chi-Minh/tam-guong-82.html
No comments:
Post a Comment