HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Thursday 14 June 2012

19. * TRẦN VĂN TICH * BÙI TÍN * HỒ TUẤN HÙNG

 

Lịch sử và dật sự – Phản hồi các phản hồi

30/03/2009 | 4:21 sáng | 11 phản hồi
Tác giả: Trần Văn Tích
Tôi rất vui mừng tiếp nhận các phản hồi trên talawas blog. Trong niềm vui đó, tôi xin trình bày những suy nghĩ cá nhân qua đọc các phản hồi phát xuất từ bài viết Chuyện kể kiểu Bùi Tín của tôi.
Tôi dành nhiều trang mạng hơn để trao đổi cùng nhị vị Nguyễn Huệ ChiBùi Tín. Tôi có cảm tưởng dường như nhị vị không phân biệt sự kiện lịch sử và dật sự (được) truyền tụng.
Ông Hồ Chí Minh là người Việt Nam có sinh quán ở Nghệ An. Theo suy nghĩ của tôi, đây là một sự kiện lịch sử. Nói như thế có nghĩa là tôi cũng tin như quí ông Nguyễn Huệ Chi và Bùi Tín và không tin lập luận của ông Hồ Tuấn Hùng. Xin mở ngoặc: tôi không tin thuyết của tác giả Đài Loan vì tôi thấy nó không hợp lý chứ không phải vì tin những dật sự do ông Bùi Tín nêu ra làm dẫn chứng. Tại sao nó không hợp lý thì xin miễn bàn ở đây, để tránh dài dòng.
Trong khi vấn đề ông Hồ Chí Minh vốn người Nghệ An là một sự kiện lịch sử thì các chuyện do ông Bùi Tín nêu ra lại thuộc loại dật sự. Dật sự thường là chuyện kể gọn gàng về một sự kiện thú vị, lạ lùng, có ý nghĩa, ít người biết. Dật sự có thể mang tính chân lý lịch sử nhiều hay ít. Vua Lê khởi nghĩa đánh quân Minh là một sự kiện lịch sử. Chuyện Ngài được rùa thần trao cho gươm báu là một dật sự. Cho nên khi dạy chúng ta môn sử ký, thầy cô giáo thường mở đầu: “Tương truyền một hôm…” Nền văn học của bất cứ dân tộc nào cũng có dật sự. Một số tác giả thu góp dật sự thành sách. Việt Nam chúng ta có Nguyễn Dữ, Vũ Phương Đề, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, Đoàn Thị Điểm, Phan Kế Bính v.v… Trong Hoàng Lê nhất thống chí có nhiều tình huống được trình bày mang sắc màu dật sự. Lãng Nhân Phùng Tất Đắc viết Giai thoại làng Nho thực chất cũng là làm công việc sưu tầm dật sự. Cho nên Pháp-Việt tự điển Đào Duy Anh chuyển dịch chữ anecdote như sau: “chuyện vặt, dật sự, dật sử, cố sự, kỳ văn; anecdote remarquable: mỹ đàm; belle anecdote: giai thoại.”
Do đó tôi rất ngạc nhiên – nhưng cũng tức cười (xin được tha lỗi) – thấy ông Bùi Tín bảo rằng tôi “vòng vo tam quốc”, đoạn gián tiếp gán cho tôi cung cách bình giá “Bùi Tín chuyên có kiểu ăn nói tùy tiện, không có cơ sở sự thật” v.v… Rôi ông kêu oan. Đến lượt tôi cũng xin kêu oan, và kêu oan to hơn ông. Tôi có bao giờ nghĩ vậy đâu. “Chuyện kể à la Bùi Tín” cũng là chuyện kể theo kiểu Nguyễn Dữ, Đoàn Thị Điểm, Vũ Phương Đề, Phạm Đình Hổ, Phan Kế Bính, Phùng Tất Đắc v.v… Chuyện kể à la Bùi Tín là những dật sự, như các chuyện kể trong Giai nhân dị mặc,Truyền kỳ tân phả, Công dư tiệp ký, Vũ trung tùy bút, Truyền kỳ mạn lục, Tang thương ngẫu lục v.v…; thế thôi, không hơn chẳng kém, xét về mặt văn học và/hay tài liệu. Chẳng lẽ chư vị tiền bối tác giả những tác phẩm vừa liệt kê đều “ăn nói tùy tiện”? Tuy nhiên, cố gắng nói lên “tiếng nói ngay thật”, tôi xin thành thực nhận rằng tôi tiếp thu các dật sự do Vũ Phương Đề, Đoàn Thị Điểm kể một cách trung tính trong khi các dật sự do Trần Dân Tiên, Trần Huy Liệu, Đặng Xuân Trừng kể thì tôi tiếp thu một cách âm tính. Các dật sự do ông Bùi Tín kể cũng được bộ não tôi ghi nhận theo cách thứ hai. Tôi rất tiếc, nhưng biết sao hơn, “rằng quen mất nết đi rồi“. Tuy nhiên nay được đọc dật sự về chuyện hai tai, hai mắt và cằm của chú bé hồi nhỏ tên Coong với nhiều chi tiết mới thì tôi chuyển sang tin dật sự liên hệ hơn trước chút chút. Nhưng chuyện ông Hồ nói tiếng Nghệ An theo đúng thổ âm Nam Đàn thì tôi lại vẫn chưa có thể tin ông Bùi Tín nhiều hơn. Với những thủ đoạn độc đáo của các cơ quan phản gián, khi có được một thời gian dài hằng chục năm, kế hoạch đào tạo ra một người nói đặc giọng Nghệ An không phải là bất khả thi. Nếu người Tàu bắt cóc vài ba thanh niên thanh nữ Thanh Chương Nam Đàn rồi đem về cho “tam cùng” với nhân vật được chỉ định đóng vai ông Hồ thì người lên ngôi Chủ tịch nước Việt Nam sau này có thể nói đặc giọng Nghệ An lắm. Cựu Thủ tướng nước Đức Gerhard Schröder có người chị họ tên Renate G. sinh sống trong vùng Đông Đức cũ và được cơ quan Stasi (Mật vụ Đông Đức) tuyển làm nhân viên Toán 26, Ban 5, qui tụ mười bốn điệp viên. Chỉ cần hai năm, Stasi rèn luyện chu đáo, huấn nghệ kỹ lưỡng để bà trở thành một mật báo viên đắc lực nói lưu loát tiếng Anh đúng giọng Oxford của giới ngoại giao. Phản gián Bắc Hàn từng bắt cóc nhiều người Nhật Bản để các điệp viên của họ thực tập sống theo cách Nhật. Đến đây lại phải xin nhắc thêm lần nữa là lập luận thế này không có nghĩa là tôi tin tác giả sách Hồ Chí Minh sinh bình khảo.
Xin nói cụ thể hơn nữa. Ông Bùi Tín từng là Đại tá trong Quân đội Nhân dân, ông từng làm báo ở Việt Nam. Đó là hai sự kiện lịch sử. Tôi tin hai sự kiện này gần 100 phần trăm. Nhưng khi cụ Võ Tử Đản ở làng Nại Cửu tỉnh Quảng Trị lên tiếng tố cáo ông Bùi Tín từng chỉ huy du kích đến bắt thân sinh cụ Võ dẫn đi thủ tiêu thì đó là một dật sự. Chuyện ông Bùi Tín vào tiếp thu Dinh Độc Lập và nhận sự đầu hàng của Dương Văn Minh cũng là dật sự nốt. Hầu như ai cũng tin ông Bùi Tín từng là sĩ quan cấp tá, hầu như ai cũng tin ông Bùi Tín từng làm báo. Nhưng không phải ai cũng tin hai chuyện thủ tiêu người và tiếp thu dinh liên quan đến ông Bùi Tín. Tất nhiên tỷ lệ giữa hai thành phần tin và không tin các dật sự này thay đổi tùy theo suy nghĩ, lý luận của từng người. Cá nhân tôi tin cụ Võ Tử Đản đến 90 phần trăm nhưng chỉ tin chuyện tiếp thu Dinh Độc Lập có 10 phần trăm. Cuối cùng, xin được nhắc lại là trong bài viết của tôi, ở phần mở đầu cũng như ở phần kết luận, tôi từng nhấn mạnh rằng những dật sự ông Bùi Tín nêu ra có thể, có khi là sự thật. Tuy nhiên do hoàn cảnh xuất xứ của chúng, do môi trường sáng tạo nên chúng, do khí quyển cấu thành ra chúng; một đầu óc bình thường, được trang bị “critical thinking” (chữ của ông Nguyễn Tâm Bảo, xin xem sau) chỉ có thể bán tín bán nghi khi nghe chúng, chỉ có thể tự nhủ là còn tồn nghi khi đọc chúng. Lỗi không phải ở người kể dật sự, tội không phải ở người nghe (và/hoặc nghi) dật sự. Đồng thời cũng xin ông Bùi Tín đừng nghĩ rằng tôi tố cáo hoặc tệ hơn nữa, kết án ông, theo dật sự Võ Tử Đản. Tôi quá cẩn thận như thế này cũng là điều rất khổ tâm. Bởi vì chẳng rõ ông Bùi Tín đọc tôi ra sao mà bảo là tôi cho rằng ông tạo archétypes stéréotypés, rằng ông nghĩ ra personnalité statutaire. Thưa ông Bùi Tín, tạo ra archétypes stéréotypés, đưa ra personnalité statutaire là chế độ cộng sản. Xin ông vui lòng đọc lại bài viết cho, kẻo tội nghiệp tôi lắm.
Trong bài “Chuyện kể theo kiểu Bùi Tín” tôi viết: “Rất nhiều người Việt Nam đang lấy tín lý làm chân lý.” Thực ra tôi đã cố gắng tỏ ra… lịch sự (!) (bởi vì tôn giáo vẫn có nhiều tín lý được xem là chân lý). Đúng ra tôi muốn viết: “Rất nhiều người Việt Nam đã và đang lấy ngụy tín làm chân lý.” Loại dật sự kể rằng nhiều người miền Bắc tội nghiệp cắc ca cắc củm mang mấy cái bát sành vào tặng bà con ruột thịt ở miền Nam sau 1975 chính là một bằng chứng nguỵ tín biến thành chân lý.
Bây giờ xin chuyển qua vấn đề “critical thinking” do ông Nguyễn Tâm Bảo nêu ra. Cũng cùng nội dung gần như tương tự nhưng vì ái mộ tiếng Pháp nên tôi gọi là le doute scientifique. Trong khoa học, phải biết nghi ngờ. Nhưng không phải đơn giản nghi ngờ tất cả như tác giả HL nêu lên, bởi như thế thì thành ra theo hoài nghi chủ nghĩa. Có hai thứ nghi ngờ, nghi ngờ vì yếu đuối (“doute de faiblesse“) và nghi ngờ vì khoẻ mạnh (“doute de force“). Nghi ngờ yếu đuối do cá nhân liên hệ bị tha nhân chi phối, kềm kẹp, thao túng, cấy sinh tử phù nên suy nghĩ lệch lạc. Nghi ngờ yếu đuối cũng có thể là hậu quả của cá tính thiếu quả quyết, hay do dự, luôn lưỡng lự, cứ dùng dằng, thường trù trừ. Nói tóm lại là nghi ngờ bị động. Lý trí của hạng người nghi ngờ yếu không có khả năng suy tư, lý luận và quyết định. Nghi ngờ khoẻ mạnh được ghi nhận nơi những người có suy nghĩ vững chắc, ổn định, quả quyết, minh mẫn, độc lập. Chủ yếu nó biểu lộ dưới hình thức nghi ngờ có phương pháp, theo phương pháp (doute méthodique), tức esprit critique, nó chính thị là critical thinking được ông Nguyễn Tâm Bảo đơn cử. Kết quả: điều ông Nguyễn Tâm Bảo trình bày “theo quan sát chủ quan” của ông thường là đúng vì người làm khoa học tự nhiên, khoa học ứng dụng được đào tạo khác với người làm khoa học xã hội, khoa học nhân văn. Nghi ngờ khoẻ là nghi ngờ chủ động. Alain, trong Propos (Đàm thoại, Đối thoại) bảo sự thật là điều không bao giờ nên tin ngay mà phải luôn luôn phân tích (Le vrai, c’est qu’il ne faut jamais croire, et qu’il faut examiner toujours) và còn đi xa hơn khi chủ xướng mọi sự tiến bộ đều là do nghi ngờ mà có (Tout progrès est fils du doute). Đương nhiên cung cách phân loại của ông Nguyễn Tâm Bảo vẫn có ngoại lệ mà trường hợp Luật sư Lê Quốc Quân do vị độc giả dahieu đơn cử là dẫn chứng.
Đã nói đến đơn cử, xin chuyển qua hầu chuyện độc giả Phùng Tường Vân, theo đó học giả quá cố Nguyễn Hiến Lê từng lưu ý rằng động từ “đơn cử” chỉ có thể được dùng để chỉ một thí dụ, một chuyện thôi. Thưa ông Phùng Tường Vân, lời chỉ dẫn của ông quả có phần hữu lý. Nếu theo đúng từ nguyên, nếu nhận sát ngữ lý thì “đan, đơn” trong “đan cử, đơn cử” khiến liên hội đến các từ Hán Việt đối nghĩa của chúng, tỷ như “song”, “phức”. Cho nên từ điển song ngữ và đơn ngữ thường thích nghĩa rằng “đơn cử” là “lấy một việc mà cử riêng ra” (Đào Duy Anh), hoặc “kể riêng ra một việc làm ví dụ” (Văn Tân). Nhưng mặt khác, Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, ấn bản 1994, lại định nghĩa “đơn cử” là: “nêu riêng ra một vài việc làm dẫn chứng. Đơn cử một vài thí dụ.” Có lẽ nhiều đồng bào chúng ta hiểu động từ “đơn cử” theo nội hàm ngữ nghĩa do nhà biên soạn từ điển Hoàng Phê trình bày nên “rải rác đó đây vẫn thấy có rất nhiều người viết ‘xin đơn cử vài thí dụ’” như ông Phùng Tường Vân nhận xét.
Để chấm dứt, xin cảm ơn cảm tình đặc biệt của độc giả dahieu, xin cảm ơn nhận xét thâm thúy của độc giả fireball và cũng xin cảm ơn phê phán nghiêm khắc của độc giả HL.
Thành thật ước mong sẽ có thêm phản hồi.
29.03.09
 


TÂM KHÔNG CHÍNH, TỪ KHÔNG THUẬN !
Trần Văn Tích

( Trích đăng từ trang Web Sài Gòn Times )

Trong chế độ cộng sản, văn chương là một "hình thức hoạt động cách mạng". Cho nên nhiều phần tử hoạt động chính trị cũng được ghi tên vào sổ bộ làng văn. Họ cũng viết văn làm thơ như những người sống bằng cây bút, sống trong biên chế, sống nhờ tem phiếu lương thực. Văn chương "hiện thực xã hội chủ nghĩa" đối với người cầm bút mác-xít không hề có mục đích tự tại, lại càng không phải là phương tiện "kiếm ăn xoàng" (1). Văn chương trở thành "nghệ thuật truyền bá tư tưởng" (sic). Sáng tác văn học gắn chặt với yêu cầu chính trị.

Muốn bảo vệ thể chế, cộng sản phải nắm chắc chính quyền các cấp và kiểm soát gắt gao quần chúng. Nó cần một bộ máy cai trị trung thành và đắc lực. Nó cố tạo cho kỳ được một cơ sở xã hội thích hợp với chế độ của nó, gắn bó với quyền lợi của nó. Cộng sản chỉ dành cho người dân một con đường: đầu hàng khuất phục, chỉ chấp nhận ở đồng bào của nó một thái độ: còng lưng cam chịu. Khi dân tộc mất quyền tự chủ như thế thì bộ máy lãnh đạo công cuộc đấu tranh không còn chỗ đứng ở trong nước và công cuộc vận động cho tự do dân chủ cũng như công tác tuyên truyền cổ vũ đành phải chuyển ra nước ngoài. Trong hoàn cảnh như vậy, chủ lưu của văn hóa, dòng chính của văn học, mà đặc điểm là tính nhân bản, tính khai phóng, tính khoáng đạt không thể phát triển trong tư thế hợp pháp, theo con đường công khai. Văn hóa chính thống của dân tộc đành phải thoát ly, lưu lạc ra ngoài nước để rồi được chuyển trở lại nhằm tác động ngược vào trong nước bằng con đường hoặc bí mật, hoặc bán công khai.

Chủ nghĩa cộng sản dốc lòng nắm chặt quyền lãnh đạo văn hóa. Đối với nó, tư tưởng chủ đạo nền văn hóa công khai không phải là tư tưởng phấn đấu cho quyền làm người và quyền làm dân, mà là tư tưởng nô dịch ngu dân; văn hóa được đề cao không còn là nền văn hóa ngang tầm thời đại mà là nền văn hóa uốn nắn công dân thần phục chế độ toàn trị. Phải nhận là kẻ cầm quyền trong nước đã thực hiện được phần nào ý muốn của nó. Hồ Chí Minh và bè lũ sai nha của y hiện có dưới trướng hàng ngàn, dĩ chí hàng vạn thân binh cuồng nhiệt, tín đồ hoạt đầu hoặc đảng viên cơ hội trong đội ngũ văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, tu sĩ, khoa học. Hơn thế nữa, còn có những người cầm bút tự nguyện xếp hàng tham gia tập đoàn khuyển mã trung thành, tay sai tin cậy, gia nô ưu đãi của chế độ trong số có hai ông Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi, từng được Trung Tâm William Joiner Center tuyển chọn phụ trách một phần công trình nghiên cứu mệnh danh là "Đề Án Về Cộng Đồng Người Việt Ở Nước Ngoài Nghiên Cứu Gia Khoa Học Nhân Văn Quỹ Rockefeller 2001-2002".

Viết Văn Học Và Học Văn, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1999, ở phần I, Lý Luận Văn Học, từ trang 5 đến trang 13, dưới tiểu đề "Quan điểm tiếp cận văn học và quan điểm tiếp cận thực tế của Hồ Chủ Tịch", ông Hoàng Ngọc Hiến nêu lên "một vấn đề quan trọng bậc nhất" trong "tiếp cận văn học từ quan điểm phản ánh" là "tính chân thật của tác phẩm văn học". Rồi ông chăm chỉ trích dẫn lời bác của ông để nói về... tính chân thật. Chẳng lẽ ông Hoàng Ngọc Hiến chưa từng nghe nói đến Trần Dân Tiên, đến T. Lan? Chẳng lẽ ông không hề biết rằng Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch và Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện là hai cuốn tự truyện do chính Hồ Chí Minh viết để tự mình kể chuyện về bản thân và lố bịch, vô sỉ hơn nữa, để tự đề cao, tự ca ngợi? Dẫn một nhân vật như thế là mẫu mực cho sự "tiếp cận văn học", viết dài dòng về y và trích nguyên văn lời y "chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay mà còn để giáo dục cho con cháu ta đời sau" (2) (trang 10), ông Hoàng Ngọc Hiến chỉ khiến cho người đọc thở dài, dẫu rằng người đọc vốn không quen thở dài. Ở chương sách kế tiếp, chương Chủ Nghĩa Hiện Thực và Chủ Nghĩa Nhân Đạo, ông biện minh cho tính nhân đạo của chủ nghĩa cộng sản (!), từ trang 14 đến trang 61. Theo ông, chủ nghĩa cộng sản thương người, thương mình, thương nhà, thương nước. Ông thuyết giảng về ý tưởng nhân văn, về phát triển tự do, về biệt nhỡn liên tài. Ông viện dẫn Nguyễn Trãi. Ông nhảy sang cả lĩnh vực sinh học, ông chỉ cho chúng ta ý nghĩa của tình thương trong sự hình thành con người ở cả hai bình diện sinh thành chủng loại và sinh thành cá thể. Một chủ nghĩa từng giết cả trăm triệu người trên thế giới, một chủ nghĩa "ưu việt" hơn cả chủ nghĩa quốc xã cộng với chủ nghĩa phát xít, một chủ nghĩa mà cái ác đã được chính những người của nó như Vũ Thư Hiên, Trần Thư, Bùi Ngọc Tấn (và cả Trần Độ, dẫu gián tiếp) (3), vạch ra, chủ nghĩa đó vẫn cứ được ông Hoàng Ngọc Hiến cho là nhân đạo theo Marx, theo Engels, theo v.v... Nghe cứ như cô Kiều cam đoan với bác sĩ pháp y rằng màng trinh của mình vẫn còn nguyên vẹn sau mười lăm năm lưu lạc vì mình vốn xuất thân thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong. (So sánh cộng sản với Thúy Kiều kể thật là vô cùng bất nhẫn đối với nhân vật của Nguyễn Du). Cung cách những người viết văn cộng sản chia thế giới một cách dung dị thành hai phe, phe ta và phe địch, phe ta chỉ có tốt, phe địch luôn luôn xấu, cung cách đó được ông Hoàng Ngọc Hiến đánh giá là "nét độc đáo trong cách cảm nghĩ phổ biến một thời", chứ "xét đến cùng, không phải là một sự biến lệch trong cách nhìn" (trang 26). Không ai đòi hỏi bị can hay liên can luôn luôn phải can đảm, nhưng viết để chạy tội theo kiểu này thì thật...

Bản thân ông Hoàng Ngọc Hiến cũng từng cho chúng ta cơ hội đánh giá "tính chân thật của tác phẩm văn học" do chính ông chấp bút khi viết về Maiakovski, người từng được chế độ Liên Xô lấy tên đặt cho một thành phố. Hoan nghênh cách mạng tháng mười, Maiakovski làm thơ, ví dụ Levy Marsh (Hành Khúc Trái, Trái), viết kịch, chẳng hạn Misterija Buff (Diệu Pháp - Hề) với những lời lẽ thôi thúc hành động chiến đấu hay vạch đường cách mạng vô sản. Maiakovski đả kích mọi ý tưởng thời đại; tấn công đạo lý, luân thường tư sản; đánh phá tôn giáo chính trị trong những trường ca Oblako v schtanach (Áng Mây Mặc Quần), Voina i mir (Chiến tranh và thế giới) v.v... Cao điểm sáng tác của Maiakovski là trường ca Vladimir Ilitsch Lenin, một bản khải ca về sự phát triển của phong trào công nhân cho đến khi Lénine từ trần, nói lên thái độ ngưỡng mộ vô biên của tác giả đối với vị thượng đế mới. Mojo otkrytije Ameriki (Tôi Khám Phá Nước Mỹ) là tác phẩm văn xuôi lên án thế giới tư bản Hoa Kỳ lạc hậu về văn hóa và chính trị. Trường ca Khorosho (Tốt, Tốt), viết mười năm sau cách mạng, thể hiện các tình cảm mới về cuộc đời mới. Tác phẩm của Maiakovski được dịch ra năm mươi tám thứ tiếng của các dân tộc ở Liên Xô cũ và ba mươi chín tiếng nước ngoài, nhất là trong phe xã hội chủ nghĩa. Theo trào lưu này, ông Hoàng Ngọc Hiến cũng từng nhiệt tình giới thiệu Maiakovski với giới thưởng ngoạn văn học đồng hương. Tuy nhiên trong bài Mai-a-kốp-xki ở Việt Nam đăng trên Tạp Chí Văn Học (Hà Nội) số 3.74, tr. 98-104, ông chỉ có vỏn vẹn bốn chữ "cái chết bất hạnh" để mô tả trường hợp nhà thơ từ trần. Đức tính chân thật (!) cao quý của ông Hoàng Ngọc Hiến khiến ông mơ hồ một cách khó hiểu. Vì nếu chân thật thật thì ông phải viết rằng thực ra Maiakovski tự tử bằng cách bắn một phát súng lục vào tim vì các lý do: không thấy những điều kỳ vọng được thực hiện mà chỉ thấy cách mạng tiến bước ì ạch, thở dốc; tính cách bấp bênh của tương lai; rắc rối hành chánh nhất là từ bộ Văn Hóa; thất vọng tình cảm. Như thế, Maiakovski tự tìm cái chết để tự xử trước tòa án lương tri của người trí thức sau khi hoàn tất tác phẩm cuối đời - tất nhiên không được người cộng sản kể cả ông Hoàng Ngọc Hiến nhắc đến - là (bản dịch tiếng Pháp) Les Baines (Tắm Gội), bản văn phúng thích chỉa thẳng mũi dùi vào chế độ quan liêu stalinit. Maiakovski lìa bỏ lạc viên xô viết lúc mới 36 tuổi. Ông Hoàng Ngọc Hiến tốt số hơn nhiều. Ông được dịp tạm biệt thiên đường hạ giới xã hội chủ nghĩa của ông để dấn thân vào chốn địa ngục trần gian của phản động quốc tế; ông được dịp qua "nước Mỹ no nê và giàu sụ nằm ọep bên kia bờ đại dương: tha hồ "củi gỗ phong cháy rực", tha hồ "ca cao, sữa, bơ..." (4), như nhà thơ đồng chí của ông từng mô tả. Nếu Maiakovski tái sinh và được William Joiner Center móc ngoặc sang Hoa Kỳ góp phần vào một đề án nghiên cứu về người Nga lưu vong thì chắc chắn nhà thơ xô viết sẽ không ngậm miệng ăn đô-la và cúi đầu xơi bơ sữa như ông Hoàng Ngọc Hiến, là người xứng đáng được nghe lời nhắn nhủ về tính chân thật trong văn học của André Malraux: "Que tous ceux qui mettent des passions politiques au-dessus de lamour de la vérité sabstiennent de lire mon livre. Il nest pas écrit pour eux" (5)

Ông Nguyễn Huệ Chi cũng dùng cùng thủ thuật - và thủ đoạn - trong bài viết Vài Cảm Nhận Văn Học Việt Nam Hải Ngoại xuất hiện trên Văn Học Cali số 99, tháng 07.1994. Nhận xét về nội dung của nó, Tòa soạn cho rằng đây là "một bằng chứng của lối nhìn thiên lệch" do "(...) chủ đích chính trị nào đó". Chữ mắt trong bài viết của ông Nguyễn là "thức tỉnh". Không phải chỉ có văn học trong nước "mới thức tỉnh trong công cuộc đổi mới diễn ra chừng năm, sáu năm nay" mà "văn học người Việt ở ngoài nước cũng đúng là đang thức tỉnh", "thức tỉnh" qua "xu hướng giao lưu, hòa hợp, trở về gốc". Táo tợn hơn, tác giả còn chia xẻ lập trường với một người khác để khoe mẽ rằng "chính công cuộc đổi mới của đất nước mà bộ phận nhạy cảm là văn học, đã trực tiếp tác động, góp phần dẫn đến xu thế "thức tỉnh", "hòa nhập" của văn học người Việt ở nước ngoài".

Chế độ cộng sản có biệt tài đồng hóa: nó đồng hóa công dân thành một tập thể người chó theo học thuyết Pavlov. Nhà văn cộng sản ưa tiểu xảo thay đổi bản chất các sự kiện cho xấu xa giống như của chính mình: về chính trị lập trường thì theo cộng đành là sai (vì không chạy tội được nữa) nhưng chống cộng cũng trật (để cho hòa đồng giống nhau); về văn hóa văn học, nếu từ u mê mông muội, lừa bịp ngu dân, điếu đóm cung đình chuyển sang hé thấy được chút chút tính cách vô sỉ của quá khứ là "thức tỉnh" thì văn học hải ngoại cũng phải "thức tỉnh" khi có một dúm người cơ hội chủ nghĩa thuộc cộng đồng lưu vong tỵ nạn chủ trương khác với đại khối, lựa gió phất cờ.

Nhưng ngay cả trong dúm người này cũng có một điểm nổi bật mà ông Nguyễn Huệ Chi không có được chút liêm sỉ tối thiểu để nhìn thấy: nền văn học hải ngoại không có những thành phần chống - chống cộng (anti-anti-communism), ngoại trừ một hai gã cò mồi. Có người chủ trương hợp lưu, hòa hợp; có người đề xướng đa nguyên, thông luận. Tùy nơi, tùy lúc, tùy thành phần tập hợp v.v... những ngòi bút quốc ngoại có khác nhau về khuynh hướng sáng tạo, về phương pháp biên khảo, về sách lược lập ngôn, cả về dự kiến chính thể nữa, nhưng động cơ cơ bản và mục đích cuối cùng của họ vẫn là đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản. Mà cũng chẳng phải chỉ có người cầm bút. Trước cảnh tai họa vô song đổ lên đầu dân tộc, mỗi người Việt lưu vong góp vào công cuộc cứu quốc được cái gì thì góp, kẻ bằng cánh tay, kẻ bằng hiện vật, kẻ bằng miệng lưỡi, kẻ bằng trang báo. Không có ngòi bút nào rời bỏ thế đứng chống đối đại họa độc tài đảng trị, không có bất cứ ai chấp nhận chính sách văn học chỉ huy. Thế mạnh của văn học chính thống là thể hiện, biện luận, phân giải những vấn đề chính nghĩa, xoay quanh công cuộc chống ách nô lệ mác-xít. Người viết văn tỵ nạn không coi sáng tác như một biểu hiệu của tài hoa, mà là một bổn phận, vừa thỏa mãn nhu cầu tinh thần, vừa đóng góp cho đại cuộc. Ảnh hưởng hồi tác dương tính của nền văn học nghệ thuật hải ngoại hiện nay và của nền văn học nghệ thuật "vùng Mỹ ngụy" sau 1975 lên văn học nghệ thuật "hiện thực xã hội chủ nghĩa" là điều các ông Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi đang tự bưng tai không dám nghe, đang tự bịt mắt chẳng dám thấy. Và thảng hoặc họ có phê phán đường lối văn nghệ của chế độ cộng sản thì họ cũng chỉ phê phán không phải để phủ định chế độ đó mà để khẳng định nó.

Niên đại 1975 cũng được ông Nguyễn Huệ Chi nhắc đến trên một bài viết mới đây. Nhưng trong bài viết, nơi những điểm đáng bàn, đáng nói thì tác giả lại giở ngón sở trường lăng ba vi bộ. "Tuy nhiên, văn học từ 1975 đến nay phải chăng vẫn chỉ là một giai đoạn mà thôi? Nên nhớ về mặt lịch sử, cái mốc 1975 là một bước ngoặt chưa bao giờ có trong ba phần tư đầu thế kỷ, nó đánh dấu một kỷ nguyên độc lập trong thống nhất vẹn toàn, cũng đánh dấu một cuộc "viễn hành" quyết liệt và đầy hiểm nghèo mà kết quả là đưa hai triệu người Việt đến với nhiều chân trời mới, lạ của năm châu bốn biển" (6). Tại sao văn học lại có thể "chỉ là một giai đoạn"? Tại sao lại có thể đồng hóa một nghệ thuật với một phần thời gian? "Cái mốc 1975 là một bước ngoặt chưa bao giờ có trong ba phần tư đầu thế kỷ (...)": Câu văn đã lẩn quẩn lại quay quắt. Trước hết, đương nhiên là năm 1975 chưa bao giờ có trong ba phần tư đầu thế kỷ (ông La Palice ơi, ông đi đâu rồi?). Thứ nữa, nếu đó là một "bước ngoặt" thì là một bước ngoặt chưa bao giờ có trong lịch sử nhân loại tự cổ chí kim, từ đông sang tây. Sự thực là vậy. Sự thực là từ khi con người biết sống thành quần thể, chưa có chế độ nào, ngoài chế độ cưu mang hai ông Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi, đã khiến ít nhất hai triệu người phải liều chết lìa bỏ nó. Và không phải để làm một cuộc "viễn hành" (dẫu là viễn hành trong ngoặc kép). Tại sao ông Nguyễn Huệ Chi không dám dùng hai chữ lưu vong? Ngay cả khi vì thể tất nhân tình, chẳng ai nỡ đòi ông dùng hai chữ tỵ nạn?

"Cái mốc 1975" khiến cho những ai sống trong nước mà còn có chút lương tri - trong số này không có hai ông Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi - đều lâm vào một hoàn cảnh mâu thuẫn bi đát giữa tâm nguyện chủ quan và hành động thực tế. Kết quả là nền văn học nhân bản khai phóng không còn điều kiện hoạt động công khai như trước 1975 nữa và đành theo con đường lưu vong xuất ngoại, còn ở quốc nội thì nó chỉ có thể lén lút hoạt động, dẫu rằng thực ra nó mới chính là dòng chủ lưu của văn học Việt Nam. Và đây cũng chỉ là một hiện tượng lịch sử.

Chẳng hạn trong phân kỳ văn học Đức, có giai đoạn được gọi phổ biến là Drittes Reich und Exil (Đệ tam Đế chế và Lưu Vong). Đó là giai đoạn quốc xã thống trị khiến hàng loạt nhà văn bỏ ra nước ngoài, hình thành hai đội ngũ cầm bút thuộc hai chiến tuyến đối nghịch. Một bên là nationalsozialistische Literatur với Hanns Johst, Heinrich Zerkaulen, Friedrich Bethge, Dietrich Eckart, Hans Grimm, Werner Bergengruen; bên kia là Exilliteratur với Bertolt Brecht, Nelly Sachs, Johannes R. Becher, Ernst Toller, Anna Seghers, Klaus Mann, Thomas Mann, Lion Feuchtwanger. Văn học Pháp, văn học Nga, văn học Cuba, văn học Tây Ban Nha, văn học Ả Rập, văn học Maghrêbin, văn học Châu Mỹ La tinh v.v... đều đang có hay từng có văn học lưu vong, và đều được gọi là văn học lưu vong.

Chỉ có ông Nguyễn Huệ Chi là không gọi như vậy, không dám gọi như vậy. Danh bất thuận là do tâm bất chính. Cả hai ông Hoàng Ngọc Hiến lẫn Nguyễn Huệ Chi đều chỉ biết và vẫn chỉ biết nói thứ ngôn ngữ gian dối lắt léo, đều chỉ biết và vẫn chỉ biết viết thứ văn chương quỷ quyệt khó lường. Đối với bọn họ, giấy phép xuất ngoại "nghiên cứu", tấm bằng biểu dương tiên tiến, hoặc giả chỉ cái bắt tay của lãnh đạo, lời phủ ủy của "trên", với những dịp kiếm chác hôm qua và sau này v.v... vẫn dễ chơi hơn là cuộc đánh đu mạo hiểm lương thiện tôn trọng chân lý.

--------------------------------------------------------------------------------

(1) Tản Đà: Chữ nghĩa Tây, Tàu chót dở dang. Nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng (Đề Khối Tình Con Thứ Nhất).
(2) Văn chương của Hồ Chí Minh lủng cà lủng củng ai cũng biết. Tiếng Việt nói "giáo dục con cháu" chứ không nói "giáo dục cho con cháu".
(3) Qua bài viết Một Cái Nhìn Trở Lại, tiểu mục Chung Quanh Việc Đảng, Trần Độ cho rằng trong quá trình lãnh đạo đất nước đảng cộng sản đã để xảy ra "những lúc, những việc gây tổn thất và đau xót trong Đảng và nhất là trong nhân dân (...). Nhưng không thể vì thế mà đi đến chỗ coi đảng Cộng Sản chỉ là một lực lượng tàn bạo, chỉ có đàn áp và làm hại nhân dân, làm hại dân tộc (...)". Ông Trần Độ bênh vực đảng của ông một cách tuyệt vọng.
(4) Hoàng Ngọc Hiến - Trường Ca Tốt Lắm, Trường Ca Tháng Mười. Tạp Chí Văn Học, Hà Nội, số 11.1967. Đăng lại trong Tuyển Tập 40 Năm Tạp Chí Văn Học. Viện Văn Học, Hà Nội, Tập 4, Văn Học Nước Ngoài, 142-156.
(5) "Ai đặt nhiệt tình chính trị lên trên lòng yêu chuộng sự thật thì chớ có đọc sách của tôi. Sách đó không phải viết cho họ đâu!" Dẫn theo Jean Lacouture - André Malraux. Une vie dans le siècle. (Ăng-đrê Man-rô). Một cảnh đời trong thế kỷ). Nhà xuất bản Seuil, Paris, 1973,:172. Malraux muốn đề cập đến tác phẩm La condition humaine (Phận Người), giải thưởng Goncourt 1933).
(6) Nguyễn Huệ Chi - Một Vài Vấn Đề Phân Kỳ Lịch Sử Văn Học Nhìn Từ Điểm Đầu Thế Kỷ XXI. Tạp chí Văn Học, California, số 184, tháng 08.2002,:27.

Trần Văn Tích


 



Chuyện kể kiểu Bùi Tín ... hay hau qua cua tay nao trong xa hoi cong san



Chuyện kể kiểu Bùi Tín
27/03/2009 | 5:19 chiều |

Tác giả: Trần Văn Tích

Chuyên mục: Chính trị - Xã hội, Khủng hoảng đạo đức, Tổng hợp
Thẻ: Hồ Chí Minh > Hồ Tuấn Hùng > Huyền thoại xã hội


Bìa cuốn "Hồ Chí Minh sinh bình khảo" (11/2008) của tác giả Đài Loan
Hồ Tuấn Hùng
Tác giả Đài Loan Hồ Tuấn Hùng viết sách với nội dung cho rằng ông Hồ
Chí Minh từng làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thực ra
không phải là người thanh niên Nguyễn Tất Thành mà chính là một người
Tàu giả dạng. Ông Bùi Tín phản bác bằng cách kể một số dẫn chứng như
tháng 8.1945, ông Hồ tiếp bà chị ruột ở Hà Nội đã nói hoàn toàn giọng
Nghệ An với âm sắc riêng của vùng Thanh Chương Nam Đàn, đã hỏi thăm
rất nhiều người trong họ đã chết và còn sống; bà chị ruột nhìn hai
tai, mũi và cằm ông Hồ rồi bảo đúng là tai, mũi và cằm của thằng Công
thời trẻ; năm 1957, khi về thăm sinh quán Kim Liên, ông Hồ đi ngay vào
ngõ bên trái nhà ông khi xưa, không đi vào cổng mới làm sau này, sau
đó lại tự động sang lò rèn phía trái để hỏi thăm các cụ ở lò rèn xa
xưa. Rồi ông Bùi Tín nhận định rằng làm sao một người Tàu quê ở đảo
Đài Loan lại có thể nói tiếng Nghệ An theo đúng thổ âm Nam Đàn và nhập
vai trọn vẹn là em ruột rồi khi về quê Kim Liên xa lạ lại am hiểu điạ
hình và nhân vật cố hương như vậy? Kết luận, ông Bùi xin giáo sư Hồ
Tuấn Hùng lý giải để ông được thông suốt.

Tôi tưởng tượng thay vì “lý giải”, tác giả Đài Loan lại hỏi ngược ông
Bùi Tín rằng các dật sự ông vừa đan cử làm dẫn chứng là do Trần Dân
Tiên, Trần Huy Liệu hay Đặng Xuân Trừng1 kể thì chẳng biết ông Bùi Tín
sẽ trả lời thế nào. Tình huống này dường như chưa được rất nhiều người
Việt Nam hiện nay nghĩ đến. Trái lại, rất nhiều người Việt Nam đang
lấy tín lý làm chân lý. (Goebbels, Bộ trưởng Thông tin Tuyên truyền
Quốc xã, từng bảo đại khái rằng một lời nói dối mà nói đi nói lại mãi
thì sẽ trở thành sự thật.) Rất nhiều người Việt Nam hiện nghiễm nhiên
chấp nhận và công nhận các chuyện thuộc loại ông Bùi Tín kể là những
sự việc có thật.

Tất nhiên ông Bùi Tín không đặt bày, dựng chuyện. Tất nhiên những dật
sự ông nêu ra có thể, có khi là sự thật. Nhưng ai nghe chúng cũng có
thể và cũng có quyền nghi ngờ.

Mỗi con người chúng ta đều mang bản sắc và cá tính rõ nét về những đặc
điểm thân phận, phong cách, tài năng, ý chí, đạo đức, thể chất. Sự
hình thành nhân cách đó là một quá trình kéo dài từ thuở sơ sinh cho
đến khi nên thân người, qua sự tiếp nhận các yếu tố văn hoá, xã hội
trong những mối quan hệ cộng đồng phức tạp; qua sự hình thành những cơ
cấu tâm lý dựa trên các quá trình vô thức hay hữu thức, qua sự sinh
trưởng thành thục (hay suy thoái xuống dốc) của cơ thể. Trong mỗi xã
hội, có một loạt kiểu nhân cách tùy theo các cương vị xã hội được công
nhận và đề cao. Các personnalités statutaires đó là mẫu hình cho sự
phát triển tâm lý của cá nhân.

Chẳng hạn trong xã hội phong kiến Việt Nam, ông quan đi sứ ứng biến
mẫn tiệp, làm rạng danh nòi giống là một personnalité statutaire. Ông
ta ứng khẩu đối chan chát các câu đối do Tàu ra, ông ta đọc lưu loát
bài văn tế công chúa Tàu mới mất. Thể loại chuyện kể này chỉ quên mất
chi tiết quan trọng là chư vị sứ thần học chữ nho không theo phương
pháp học sinh ngữ hiện đại và muốn giao thiệp với người phương Bắc,
các quan của ta chỉ có thể bút đàm. Chúng - các dật sự ứng đối trên
trường ngoại giao - thực ra chỉ là sáng tác của một ông đồ ông cử nào
đó đã khổ công chọn ý gò chữ để làm thành những vế đối liên hay những
bài thơ rồi do lòng ngưỡng mộ tôn vinh một personnalité statutaire nào
đó trong cộng đồng vua quan, đã đem gán thành quả trí tuệ của mình cho
ông trạng X, ông nghè Y. Tuy nhiên, khác với trong chế độ độc tài toàn
trị, chuyện kể trong chế độ phong kiến luôn luôn đuợc xác nhận chỉ là
chuyện nghe nói, chuyện phong thanh. Và những Vũ Phương Đề, Phạm Đình
Hổ khi ghi các dật sự đó thì đều dùng lối hành văn phiếm chỉ: “Lại có
truyền ngôn rằng, ta thường nghe rằng”. Khác với xã hội xã hội chủ
nghĩa: chuyện Lê Văn Tám được ghi vào sách giáo khoa, tên Lê Văn Tám
được dùng đặt tên đường, tên trường.


Ngày nay, khoa tâm lý học xã hội đã nghiên cứu tác động của những
phương pháp tuyên truyền giáo dục, của các phương tiện thông tin đại
chúng, của dư luận, của quảng cáo trên các mặt ứng xử, suy nghĩ thuộc
đời sống nội tâm và thậm chí trên cả ngoại hình cơ thể. Chế độ thống
trị càng tàn ngược, dấu ấn lưu lại trên cá tính công dân càng sâu sắc.
Chính sách thông tin càng bưng bít, vô thức xã hội càng có nhiều mẫu
hình đúc bản (archétypes stéréotypés).

Những huyền thoại xã hội, những biểu tượng chế độ tác động lên tâm lý
đám quần chúng bị bưng tai bịt mắt, bị nhồi sọ một chiều khiến cho các
thành viên của dân tộc thường lặp lại những hình tượng tương tự mà cốt
lõi tạo hình nằm trong noãn sào vô thức xã hội. Chế độ cộng sản tự ru
mình trong những hư tưởng, ảo giác. Hô hấp một bầu khí quyển như thế,
người công dân xã hội chủ nghĩa, tự tận cùng chiều sâu vô thức, rất
sẵn sàng chấp nhận những dữ kiện lý lịch, những chi tiết hành trạng do
guồng máy thông tin dối trá phịa ra, lăng xê ra để trang trí cơ chế
cách mạng và đánh bóng con người tiến bộ. Có một thần tượng lớn, có
những thần tượng vừa, có nhiều thần tượng nhỏ. Đã có Tôn Thất Tùng,
Lương Định Của, Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ còn có Võ Thị Sáu, Nguyễn
Văn Trỗi, Út Tịch, La Văn Cầu, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Cù Chính
Lan, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm v.v…

Tuy nhiên trong khi những chuyện kể nhằm đánh bóng chế độ, đề cao lãnh
tụ, khoa trương thành tích v.v… thường là phét lác thì loại chuyện kể
có tác dụng trái ngược đả kích, châm biếm, thậm chí chửi bới lại
thường là chuyện người thực việc thực.

Phức tạp hơn nữa, chính tận cùng sâu thẳm của vô thức nơi người công
dân xã hội chủ nghĩa đã đóng góp vào kho tàng dật sự à la2 Bùi Tín.
Tôi có người bà con tên Bùi Viên cùng học lớp 6è Occidentale (lớp đệ
thất) Lycée Khải Định thời Pháp thuộc. Học sinh gồm cả Pháp lẫn Việt,
cả nam lẫn nữ. Ban giảng huấn đa số gồm người Pháp, chỉ có ông Nguyễn
Dương Đôn dạy Mathématique (Toán), ông Tôn Thất Đào dạy Dessin (Vẽ) và
ông Nguyễn Quang dạy Travail manuel (Thủ công). Dạy môn Pháp văn - môn
học chính - là bà Hamel. Trong một giờ làm luận, bà Hamel bất ngờ kêu
Bùi Viên lên bảng đen, trong tay cầm một mảnh giấy. Rồi bà ngoắc tôi
lên bục - vì tôi ngồi bàn đầu - và bảo “Traduis-moi ça”. Hoá ra Bùi
Viên bí không biết tiếng động từ Pháp ngữ để chỉ việc đi lùi lại là gì
nên viết “lùi lại?” trên mảnh giấy con, thế nào lại bị bà Hamel bắt
được. Tôi dịch xong, bà Hamel xua tôi về chỗ và tặng cho Bùi Viên vài
lời giáo huấn. Sau 1975, ở tù về, tôi gặp lại Bùi Viên. Anh đã trở
thành sĩ quan công an cao cấp, làm việc trong khu doanh trại Bộ Tư
lệnh Cảnh sát Quốc gia cũ ở đường Nguyễn Trãi. Vừa là bà con, vừa là
bạn học cũ, chúng tôi nhắc lại chuyện xưa. Đột ngột Bùi Viên hỏi tôi
có nhớ bà Hamel và câu nói của bà ta không? Tôi bảo nhớ bà Hamel thì
nhớ lắm chứ nhưng còn câu nói của bà Hamel là câu nào? Bùi Viên bảo
thì hôm nói câu đó, bà Hamel kêu cậu - anh gọi tôi theo vai vế trong
đại gia đình - lên dịch mấy chữ tôi viết trên mảnh giấy mà bà bắt được
mà. Tôi ngớ ra, không nhớ câu nói nào của bà giáo người Pháp cả. Bùi
Viên bảo: “Hôm đó, bà Hamel mắng tôi với câu Les Annamites sont des
voleurs (Bọn Mít toàn là đồ ăn cắp ăn trộm).” Và Bùi Viên thêm: chính
vì câu đó mà tôi theo cách mạng. Tôi chết sững vì làm sao một bà giáo
da trắng lại có thể nói một câu nặng nề như vậy, lăng mạ cả một lớp
học và cả một dân tộc, chỉ vì người học trò da vàng chưa học một động
từ tiếng Pháp nên tìm cách hỏi bạn ngồi bên cạnh? Hơn nữa, lớp 6è
Occidentale đó còn một số học sinh đồng khoá hiện vẫn còn sống ớ hải
ngoại, và có ai nhớ câu đó đâu? Huống chi hành động hỏi - dẫu là hỏi
lén - người ngồi cạnh mình đâu phải là ăn cắp ăn trộm? Ngoài ra làm
luận bằng tiếng Pháp rất nhiều khi phải làm ở nhà, nghĩa là tha hồ
muốn hỏi ai thì hỏi. Vả lại, hành động của Bùi Viên trong lớp học
không phải là voler, cùng lắm, coi như tricher. Hoá ra một bà giáo
người Pháp dạy tiếng Pháp lại sử dụng Pháp văn thiếu chính xác và
không thích đáng.

Nhưng tôi không bao giờ nghi cho người bạn cũ lớp 6è Occidentale phịa
chuyện. Theo kháng chiến khi còn rất trẻ rồi tập kết ra Bắc, người
thiếu niên rồi người thanh niên rồi người trung niên rồi người cao
niên Bùi Viên vào một thời điểm nào đó, từ tận cùng chiều sâu vô thức,
bỗng một hôm cảm thấy mình cần một dữ kiện lý lịch, một chi tiết hành
trạng để trang trí cho cuộc đời cách mạng của mình. Vô thức đã sáng
tạo từ hư vô câu nói được cho là của bà giáo thực dân da trắng đối với
đứa học trò thuộc địa da vàng. Bùi Viên chỉ là một archétype
stéréotypé. Đồng chí Lê Quang Vịnh khi chưa đảm nhận chức Trưởng ban
Liên lạc Tôn giáo Chính phủ trong một buổi nói chuyện vào dịp tiếp thu
Trường Trung học Pétrus Ký cũng kể một câu chuyện đáng tiếc xảy ra cho
cá nhân đồng chí vào thuở đồng chí còn là “học trò nhà nước”, nó đã là
động cơ thôi thúc đồng chí sau này lên đường theo cách mạng. Trong đám
nhà giáo nghe đồng chí “giáo dục” hôm đó có bà xã tôi nhưng lâu ngày
quá nên chúng tôi quên mất nội dung cụ thể; vả lại vốn dị ứng với loại
chuyện ba hoa chích choè này nên chúng tôi dễ có xu hướng tẩy xoá
chúng khỏi vỏ não. Lê Quang Vịnh cũng chỉ là một archétype
stéréotypé.

Hàng loạt những bài viết, những phóng sự vừa được tung lên báo lên
mạng liên quan đến tư cách xấu xa, đạo đức suy đồi, nhân phẩm tồi tệ
của người Việt. Chẳng hạn, nhiều người than van tại sao có những kẻ
“áo quần bảnh bao“ mà cũng bẻ hoa giật kiểng nhân dịp hội hoa. Câu trả
lời là vì họ hành động như những mẫu hình đúc bản, theo phân tâm học.
Chẳng những chỉ hành động, họ còn suy nghĩ, lý luận như những mẫu hình
đúc bản. Năm 1987, khi đồng chí Nguyễn Khắc Viện xin xử lại vụ Nhân
văn - Giai phẩm thì đồng chí Trần Độ trả lời: “Vụ Nhân văn - Giai phẩm
là một vụ án chính trị. Nhà nước ta xét xử và bản án đã được thi hành.
Đây là vấn đề ngoài phạm vi văn học, nghệ thuật.” Năm 2009, khi có
nguời lo sợ về vụ khai thác bô-xít thì đồng chí Nguyễn Tấn Dũng giải
thích rằng khai thác bô-xít là chính sách lớn của Đảng và Chính phủ.
Ngay kẻ viết những dòng này cũng từng được Đảng… chiếu cố. Số là trong
tù cộng sản, sau khi qua giai đoạn mười bài lý thuyết, quản giáo động
viên tù ghi tên tham gia lao động. Khi tôi phát biểu là để bác sĩ đi
cuốc đất, phá rừng là phí phạm chuyên môn, thì quản giáo - anh ta tên
Ninh - bí nên quay qua hỏi ngược tôi: “Nếu Đảng bảo anh đi lao động
thì anh bảo sao?”. Trung tướng Trần Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
quản giáo Ninh đều suy nghĩ và lập luận y hệt nhau, không Đảng thì Nhà
nước, không Nhà nước thì Chính phủ. Họ đều là archétypes stéréotypés.


Thuở talawas chưa là talablog, tôi đã trình bày rằng chế độ cộng sản
xây dựng thành công một cỗ máy khổng lồ hoạt động rất tinh vi nhưng
cũng rất tàn bạo, cỗ máy đó đã quay trở lại nghiền nát những cá nhân
nằm trong vòng xoay của nó. Cho nên ông Hồ Chí Minh thân danh là Chủ
tịch nước nhưng phải đến cầu xin tên tướng Tàu chỉ huy phong trào cải
cách ruộng đất mà vẫn không cứu được bà Cát Hanh Long. Cho nên ông
Phạm Văn Đồng giữ chức Thủ tướng Chính phủ mấy chục năm trời mà lại
tuyên bố là mình chẳng có quyền hành gì cả. Ông Hồ Chí Minh bất lực
khi muốn cứu người, ông Phạm Văn Đồng vô quyền những năm dài chấp
chính. Hai ông là hai archétypes stéréotypés vĩ đại và á-vĩ đại.

Có lẽ nên nói thêm là “qui chụp” một số thành viên của chế độ xã hội
chủ nghĩa vào đội ngũ những archétypes stéréotypés không phải là thái
độ khinh mạn hay đả kích. Khi xã hội bệnh hoạn thì con người bị thương
tổn, bất kỳ là xã hội nào.

Chẳng ai chê bai phê phán, chẳng ai nhìn một cách tiêu cực những nạn
nhân các vụ nổ bom nguyên tử hay hỏng lò nguyên tử.

Chủ nghĩa cộng sản được xây dựng trên sự dối trá lừa đảo (deceit) như
văn hào Soljenitsyne nhận định. Mới tuần vừa qua, góp ý với thủ hiến
Erwin Sellering của tiểu bang Mecklenburg-Vorpommern khi ông này bảo
rằng Đông Đức cũng có điểm tốt, Trưởng khối CDU Harry Glawe trong Hội
đồng Đại biểu Tiểu bang bảo ai cũng biết chế độ Đông Đức được xây dựng
trên cở sở một hệ thống những điều dối trá (auf einem System von Lügen
gegründet).

Chuyện kể Bùi Tín bị nhiễm phóng xạ cộng sản cũng có thể trở thành láo
khoét luôn. Đương nhiên lỗi chẳng phải ở ông Bùi Tín là một. Đương
nhiên chuyện kể loại Bùi Tín có thể trở thành… (chứ không phải bắt
buộc phải…) là hai.

Có điều không thể xem loại chuyện đó là những chứng tích lịch sử, là
những dữ kiện chân lý. Chúng thuộc thể loại thông tin chủ xướng chính
Quốc xã giết mấy vạn sĩ quan Ba Lan, chúng là “đồng môn” của những kẻ
phủ nhận lò sát sinh người Do Thái hay chối bỏ vụ thảm sát Mậu Thân.


27.03.09
http://newsgroups.derkeiler.com/Archive/Soc/soc.culture.vietnamese/2009-03/msg01154.html

--------------------------------------------------------------------------------
1 Trong Đặc san kỷ niệm Quốc-học Huế 1896-1991, trang 7, Hiệu trưởng
Trường Quốc-học Đặng Xuân Trừng kể rằng Bác đã vào học Trường Quốc học
vì “muốn đánh Tây phải hiểu Tây, muốn hiểu Tây phải học tiếng Tây”.
Chắc cũng vì muốn hiểu Tây rõ hơn ngay trên đất Tây nên Bác mới chân
ướt chân ráo đến Marseille là đã nộp ngay đơn xin vào học Trường Thuộc
địa.

 

No comments:

Post a Comment