HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Thursday 14 June 2012

17. TRƯỜNG LAM * GIA TỘC HCM


Tản mạn về những người trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trường Lam
 

talawas - Tác giả Trường Lam Hồ Sĩ Sênh từng công bố bài viết "Chuyện ở sân sau: Về ông nội và cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh" trên talawas ngày 23/8/2007 và bài "Về bài ký ‘Chuyện ở sân sau’" ngày 29/3/2008. Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu bài viết mới của ông về những người trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh.
***
Cha ông ta có câu: "Con chim có tổ, con người có tông…" Nên chi, ngày tung cánh dọc ngang trên bầu trời cao rộng nhưng chập tối, con chim nào cũng tìm về tổ ấm. Người ta ở đời cũng vậy. Thời trẻ, nghĩa vụ đối với nước cũng như công cuộc mưu sinh đầy gian lao vất vả, phải bươn chải, phải vật lộn để kiếm sống, có mấy ai được xuôi chèo mát mái. Nên con người tạm chưa để ý đến gốc rễ của mình: Cái cây nhờ đâu mà xanh tốt? Bản thân từ đâu mà sinh ra? Phần lớn, khi đã trải hết quãng đời sóng gió người ta mới có dịp ngồi nhớ lại hoặc giả đôi người thành đạt có nghĩ về công đức tổ tiên. Vậy là phải tìm tông.
Cụ Phó bảng Sắc là một người trong số đó. Từ bài kí "Chuyện ở sân sau" tôi có kể rằng: Năm Tân Sửu (1901) cụ Phó bảng vinh qui. Làng Sen giành lấy vinh dự được đón rước. Thật ra, theo các cụ họ Hà, làng Sen và làng Trù suýt chém nhau vì chuyện này. Bọn chức sắc Lâm Thịnh đã xử cho làng Sen thắng cuộc và phải cấp đất, làm cho cụ một căn nhà nhỏ năm gian lợp lá mía… Song cụ Sắc ở đó rất ít, bởi nếu ở thì cái gì cũng không có. Trước hết là lấy tiền gạo đâu mà sống. Cảnh gà trống nuôi con, không có người nội trợ, cái gì cũng không có, cũng phải nhờ vào bà mẹ vợ! Lại còn trách nhiệm đối với mẹ vợ và cũng là mẹ nuôi. Cái nghĩa cương thường to lớn lắm!
Năm 1902 ba cha con cụ Phó bảng lên ở nhà thờ họ Lê. Cụ Phó bảng mở lớp dạy học và dạy cả hai con (Nhà thờ họ Lê nay vẫn nguyên vẹn bên tả ngạn sông Lam cạnh chân cầu Rộ). Năm 1903 ba cha con chuyển qua nhà Phó Bột bên hữu ngạn, ngay chợ Rộ, sau chuyển vào nhà cụ Hàn Kháng họ Phan và tìm tới cụ Hồ Sĩ Tạo (ở làng Lai Nhã, xã Thái Nhã cùng trong tổ Võ Liệt).
Tại sao cụ Phó bảng lại phải lên mãi Thanh Chương để dạy học? Thanh Chương cũng không ít thầy giỏi và Nam Đàn đâu có thiếu học trò?
Đó là cụ Phó bảng đi tìm cha.
Ngày bé, tôi là một đứa trẻ hiếu động, thường xa xẩn để được nghe ông bà, chú bác trò chuyện, đâu có lạ điều này. Sau Cải cách Ruộng đất, vì khiếp sợ, ông bác đã khuyên chúng tôi không nhắc lại nữa!
Mới đây, cụ Phan Tố Đức, cán bộ lão thành cách mạng, ngót trăm tuổi, vẫn minh mẫn khỏe mạnh ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương đã xác minh lại lí do này lần nữa (lời kể của cụ Phan Tố Đức trong năm 2008 được ông Hồ Xuân Nhu, nguyên giáo viên trung học phổ thông, ghi âm đầy đủ).
Vậy cụ Phó bảng có mang họ Hồ lần nào không?
Không thấy!
Chỉ thấy trong bức thư đề ngày 1/6/1994 của cụ Võ Thiện Giá gửi Bảo tàng Cao Lãnh. Trong thư cụ kể: Năm 1914, lúc đó cụ khoảng tám chín tuổi, cụ Phó bảng Sắc và con trai có tìm về ở tại nhà cụ thân sinh. Cụ Giá gọi cụ Phó bảng là Hồ Tiến Sắc, gọi ông cả Khiêm là Hồ Thiện Khiêm. (Cụ Võ Thiện Giá là cán bộ lão thành cách mạng, nguyên thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An từ năm 1935, là em ruột ông Võ Nguyên Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư xứ ủy Trung Kỳ. Cụ Giá mới qua đời cách đây chưa lâu, thọ 102 tuổi.) Không rõ có phải lần nào đó ở nhà cụ Võ, cụ Phó bảng đã nhận mình là họ Hồ chăng? Cụ Võ Thiện Giá đã nói chuyện này với Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong lần ba cha con ra thăm Hà Nội. Ảnh chụp chung ba cha con với Thủ tướng nay vẫn còn.
Có điểm sau cũng cần được lưu ý: Các sách báo hiện nay đều nói cụ Phó bảng rời quê hương từ năm 1905 và đi luôn không có lần nào về lại quê hương. Ở đây cụ Võ Thiện Giá lại nói: Cụ Sắc đã về tại nhà cụ Giá ở Diễn Châu vào năm 1914. Vậy bên nào mới chính xác? Có lẽ cụ Võ Thiện Giá đã nhớ nhầm chăng?
Căn nhà lợp lá ở làng Sen liệu tồn tại được bao lâu?
Ngót ba năm trời cụ Phó bảng lo dạy học nuôi thân và nuôi con ở mãi Thanh Chương, rỗi rãi còn đi chơi bạn bè khoa bảng. Có lần ra tới nhà thờ tổ họ Hồ ở Quỳnh Đôi. Căn nhà lá không người ở, mốc meo. Thực tế của cha ông ta: nhà lợp rạ hoặc lá mía chỉ ba đến năm năm là nát toang toàng. Ông thầy ngày đó kiếm ăn vừa đủ sống, chưa dám ăn no, mọi chi phí tùy lòng hảo tâm của các bậc phụ huynh, làm gì có lương và làm gì có khoản này, khoản nọ như bây giờ!
Năm 1904 bà Đồ An ốm nặng, ba cha con ông Phó bảng trở về chăm nuôi. Bà ngoại qua đời. Ông Phó bảng được triệu vào Kinh.
Căn nhà tranh ấy người ta đã bán lấy tiền. Sau này có những bài viết về cảnh sống gia đình ấm cúng trong ngôi nhà này. Đó chỉ là tưởng tượng mà có được. Tôi nhớ dạo đầu đánh Mỹ, khi qua đó còn thấy trong nhà bày khung cửi, vong lác. Tiếc thay bà Loan đã mất ở Huế đâu 1901, trước khi có ngôi nhà là lộc của chồng.
Mới đây (14/6/2008) trên Internet, bạn Tháp Bút đã cho rằng: Gọi là Phó bảng Sắc bởi Thanh Chương có Phó bảng Tài, như Kiểu Nhữ Công Chân Khách Khí nói: "Nhất môn hữu hoàng giáp" và được Hồ Sĩ Thích đối: "Toàn gia vô bạch đinh". Đó là sự ganh đua lành mạnh. Nghe ra cũng có lí.
Chuyện này trước kia tôi có nghe chú Phạm Đức Dục (nguyên chủ nhiệm Khoa Sinh vật, Bí thư Đảng ủy Trường CĐSP Hà Nội) kể và sau đó là chú Phạm Đức Huân (bố bạn Tháp Bút), chú cháu chúng tôi tranh cãi chưa ngã ngũ thì 8/10/2004 chú mất. (Mùng 6/10 tôi xuống Vinh ra thăm, ngồi ăn cơm với nhau chú còn đưa tôi xem mấy trang cuối của "Truyện Kiều, hướng về nguyên tác". Chú nói đại ý là như vậy. Tam sao thất bản, bản gốc đã không còn, chúng ta có làm gì cũng hướng về nguyên tác mà thôi! Tôi đọc mấy trang bản thảo chữ rất đẹp. Ngày 8/10 mợ điện cho biết chú đã qua đời. Sáng 9/10 tôi đón ở Nam Đàn để cùng đưa linh cữu về quê.) Vậy là điều tranh cãi vẫn còn bỏ dở. Thật ra, nếu có sự trùng hợp như vậy là điều lí thú.
Cuộc tình duyên giữa ông Nguyên Sinh Nhậm và bà Hà Thị Hy, bố danh nghĩa và mẹ đẻ của cụ Phó bảng thật ra là như thế nào? Những điều tôi viết ở trong "Chuyện ở sân sau" cũng chỉ là được nghe kể từ ngày bé, chuyện đã gần như huyền thoại và đang chìm dần vào quên lãng.
Cụ Hồ Sĩ Tạo dạy học trong nhà ông Hà Văn Cẩn. Tuổi cụ Tạo và bà Hy xấp xỉ nhau. Nếu đúng cụ Tạo sinh năm 1834 (như bà Từ con út cụ nói) thì đến năm bà Hi 30 tuổi (1863) được gán cho ông Nhậm, Lúc đó ông Tạo 29 tuổi (tính cả tuổi mụ cũng là 30). Họ cùng trang lứa với nhau.
Còn ông Nguyễn Sinh Nhậm là bạn ông Hà Văn Cẩn. Có người nói ông Nhậm nhiều tuổi hơn cả ông Cẩn. Nhưng đã là bạn với nhau, ta coi họ ngay tuổi hoặc ông Nhậm ít hơn một vài tuổi cũng chẳng sao. Ông Nhậm chết sau ngày cưới bà Hy được 3 năm. Một năm sau bà Hy cũng ra đi. Bấy giờ ông Cẩn còn khỏe mạnh, đã mang cháu về nuôi khoảng 4 năm nữa. Cậu Sắc 8 tuổi, ông Cẩn mới giã biệt cõi đời.
Ông Cẩn gán con gái cho bạn, một là để tránh tai tiếng, nếu làng có hương ước không chừng ông còn bị phạt vạ nữa. Hai là để ông Nhậm, mồ côi vợ đã lâu, có người nâng giấc. Mối tình gượng gạo của một già một trẻ gàn như là bố con, ta vẽ thêm làm gì? Tán bậy ra lại càng không phải đạo.
Trong cuốn Kể chuyện về gia thế Chủ tịch Hồ Chí Minh (NXB Thuận Hóa) của nhà giáo Chu Trọng Huyến, nguyên giảng viên trường Đại học Vinh, tác giả đã khéo léo dựng lên một cái khung gồm những cứ liệu làm mốc. Giữa những khoảng trống của chiếc khung, tác giả gán thêm những bức tranh do mình tự vẽ. Ví như chuyện tình yêu lứa đôi của bà Hy và ông Nhậm. Nào là "Bà dồn tất cả tình thương cho chồng và con trai". Nào là "Nhậm cũng đón được từ trái tim người vợ kế một tình yêu vô cùng tròn đầy và nồng thắm". Chuyện nghe ra buồn cười và lạc lõng. Ai biết tròn méo ra sao, tô son trát phấn mà làm gì?
Trong sách đó tác giả Chu Trọng Huyến còn nói ông Nhậm chết sau bà Hy một năm. Vậy sao có chiếc lều ở rìa làng và xác bà Hy thì con trai làng Sài cùng ông Tạo phải sang chôn cất?
Mới đây, cụ Nguyễn Văn Do, phụ trách câu lạc bộ người cao tuổi thành phố Việt Trì có điện hỏi tôi về phần mộ bà Hà Thị Hy. Điều bất ngờ này khiến tôi giật mình: ba mươi mấy năm làm con rể làng Sen tôi chưa một lần tìm hiểu vấn đề này. Mộ bà Hy được con trai làng Sài mai táng ở đâu? Mất hay còn? Nấm mồ mới xây kia là thật hay là giả? (Tôi nói vậy bởi vì ngay mộ bà Hoàng Thị Loan có người còn mách với  tôi: Mộ thật nằm trên ngôi mộ đã xây một quãng. Cụ cả Khiêm ngày ấy điểm 9 huyệt, vùi vào trong 9 quả trứng, mấy ngày sau 8 quả bị thối, còn một quả nguyên lành và cụ táng mộ mẹ vào huyệt ấy. Cả 9 huyệt đều được đắp thành nấm, chẳng ai rõ mộ thật là cái nào.)
Vậy là tôi phải lo sửa chữa thiếu sót. Sửa làm sao để nắm trọn toàn bộ sự thật. May mắn thay, mọi điều tôi được toại nguyện: Ông bà Hung Khầm, nguyên trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, bạn học của vợ tôi ngày ở trường phổ thông, cùng một số cụ hậu duệ họ Hà làng Sài cho tôi biết những điều cần tìm hiểu:
Mộ bà Hà Thị Hy không có trong khu mộ Nguyễn Sinh, bởi bà không được họ thừa nhận, mà nằm trong phần khu mộ của họ Hà. Hơn 130 năm qua, người họ Nguyễn Sinh không hay biết gì về phần mộ này. Khu bảo tàng Kim Liên hình thành và phát triển, người họ Hà đã vài ba lần liên hệ để thông báo những đều bị bỏ qua. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, người của Sở Văn hóa cũng đôi lần về tìm hiểu, nhưng không mặn mà lắm nên con cháu họ Hà cũng không chỉ cụ thể.
Mãi năm 2002, do yêu cầu của đông đảo khách về thăm quan khu di tích, đòi được viếng mộ bà Hà Thị Hy, con cháu họ Hà quyết định cải táng mộ bà vào vị trí hiện nay, gần với mộ bà Hoàng Thị Loan. Mộ bốc xong, con cháu họ Nguyễn Sinh mới biết và họ đã bỏ tiền ra chung tay xây lại đàng hoàng (có người nói tiền xây mộ bà Hy là của ông Nguyễn Sinh Hùng). Trước  đây, phía mộ bà Hy là lối xuống từ mộ bà Loan, nay đã được thay đổi ngược lại. Việc làm của con cháu họ Nguyễn Sinh tuy muộn song đã giúp sửa chữa chút ít thiếu sót của người xưa, đó là điều đáng quý.
Đầu Xuân Mậu Tí (2008) con cháu họ Hồ ở Vinh tổ chức giao lưu. Rằm tháng 1 âm lịch, họ Hà làm lễ khánh thành nhà thờ Tổ. Con cháu hai họ về dự đông vui và lại được nghe những bậc cao tuổi kể về mối tình giữa cậu giáo Hồ Sĩ Tạo với cô con gái rượu của ông Cẩn. Kết quả là bé Sắc chào đời. Cha ông họ từ xưa truyền miệng lại như vậy.
Nhà thờ họ Hà nhỏ cũ nát, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh đã tài trợ tôn tạo và xây mới đàng hoàng để thờ phụng tiên linh, có người đã sinh ra bà mẹ bất tử Hà Thị Hy.
Còn việc ông Nguyễn Sinh Sắc thành thân với bà Hoàng Thị Loan tôi cũng được nghe kể hơi khác với tác giả Chu Trọng Huyến đã viết. Buổi đầu, khi ông Cẩn mất, bé Sắc phải về chăn trâu cho anh cả, cụ Hoàng Xuân Đường hiểu đây là con ai và đã nhận làm nghĩa tử. Hai con gái của cụ Đường coi Sắc là anh cả. Về sau, vợ cụ Đường không sinh thêm đứa con nào nữa. Nhà thiếu con trai. Quan niệm phong kiến xưa: Không con trai là đại bất hiếu. Vì vậy cụ Đường thay đổi ý định và tác thành đôi lứa cho hai con Sắc và Loan. Chẳng có thành viên nào khác xâm nhập được vào gia đình. Dầu sao, kẻ thờ phụng mình sau này mang 50% dòng máu họ Hoàng vẫn hơn. Bà Loan ngỡ ngàng và không đồng ý với cha. Cụ Hoàng Xuân Đường đã phải vận dụng đến tiếng nói của ông ngoại các con, là cụ Tú điệp Nguyễn Văn Giáp, người Kẻ Sía, bàn bạc khuyên giải, bà Loan mới xiêu lòng.
Trong "Chuyện ở sân sau" về việc tại sao Bác lấy họ Hồ làm họ của mình, tôi nói: Điều đó có lẽ chúng ta đã vĩnh viễn không còn được biết! Chẳng rõ có sự dặn dò nào của cụ Phó bảng khi cha con còn sống bên nhau không? Chỉ biết theo tài liệu về cụ Phan Chu Trinh, kí tên Lưu Cao, M. Slotjom, 15/1 số 272: Mật báo của Edouard lên thượng cấp đề ngày 17/11/1919. Trong đó y viết: "tôi đã dặn Nguyễn Ái Quốc tối qua. Anh ta giả danh là Hồ Ba nhưng tôi nhận ra đúng là Nguyễn Ái Quốc. Sáng nay anh ta và tôi đã gặp nhau ở phòng đợi của Bộ. Anh ta nói đã gặp ông Pasquier… Anh ta nói rời Đông Dương năm 1914. Nói được tiếng Anh, tiếng Tàu tốt, biết ít tiếng Đức." Edouard là một mật thám chuyên theo dõi những hoạt động của Bác ở Pháp vào những năm đầu thế kỉ 20. Pasquier là Bộ trưởng Thuộc địa. Như vậy là Bác đã mang họ Hồ từ trước tháng 11/1919. Lúc đó Bác biết bốn ngoại ngữ: Pháp, Anh, Hán, Đức.
Năm 1938–1940 Bác lấy họ là Hồ Quang. Ông Lăng Tuấn (Trung Quốc) đã viết: Hồ Quang là ai? Cuối năm 1938 tại "Phòng cứu nguy dân tộc" thuộc văn phòng đại diện Bát lộ Quân ở Quế Lâm, Trung Quốc, người ta thấy xuất hiện một nhân viên tên là Hồ Quang. Ban đầu, ngoài ông Lí Khắc Nông, chủ nhiệm văn phòng Bát lộ Quân ra, không ai biết lai lịch của người mới tới này. Về sau, dần dần người ta mới vỡ lẽ rằng Hồ Quang chính là Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Lúc bấy giờ Bác mang lon thiếu tá trong đạo quân thứ tám chống Nhật.
Tháng 2/1942 Bác lấy tên là Hồ Chí Minh. Trước tôi chỉ căn cứ vào bài "Kết luận" trong Ngục trung nhật kí rằng Bác đội ơn sâu của ông Hầu Chí Minh, để lấy tên mình là Chí Minh… Nhưng có lẽ tôi đã nhầm to! Mới đây, được đọc bài của Lăng Tuấn, đặc biệt là bài của Hoàng Tranh, Phó Giáo sư, Phó Viện trưởng Khoa học Xã hội Quảng Tây, Trung Quốc, các ông ấy đều kể: Tháng 12/1942 Bác vượt biên giới vào Tĩnh Tây, Trung Quốc, cùng ông Lê Quảng Ba, với tấm bưu thiếp đã chuẩn bị sẵn mang tên Hồ Chí Minh bằng chữ Hán. Vậy là tên Hồ Chí Minh đã có trước cả Ngục trung nhật kí. Thời gian này ông Lê Quảng Ba bị đau chân phải nằm lại Tĩnh Tây. Tháng 8/1942 Bác cùng Dương Đào, một đồng chí Trung Quốc rời Tĩnh Tây đi Điền Đông, đến Bản Túc Vinh thì bị bọn lính canh trụ sở thôn của Quốc dân Đảng bắt giữ. Bác bị giải đi qua nhiều nhà ngục ở Quảng Tây và bấy giờ Ngục trung nhật kí mới ra đời. Tháng 9/1943 Bác được thả ra và bắt liên lạc với các đồng chí đang hoạt động trong nước.
Chúng ta biết, suốt cuộc đời Bác Hồ có rất nhiều tên khác nhau, nhưng gắn với họ Hồ chỉ có vậy!
Việc Bác đội ơn sâu ông Hầu Chí Minh có lẽ là nhầm chăng? Việc Bác được thả ra có công sức của rất nhiều người. Tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Trùng Khánh được tin Bác bị bắt liền can thiệp với bên Quốc dân Đảng. Đồng chí Chu Ân Lai tự tìm đến Phùng Ngọc Tường, một viên tướng Quốc dân Đảng yêu nước ở Trùng Khánh nhờ giúp đỡ. Tường nhận lời. Sau đó ông ta gặp cố vấn Liên Xô, xin chỉ vẽ. Xong Tường đến gặp Lí Tôn Nhân, rủ Nhân cùng đến gặp Tưởng Giới Thạch. Phùng chất vấn Tưởng mấy điểm sau:
  1. Hồ Chí Minh có phải là Đảng viên Đảng Cộng sản hay không tạm chưa bàn, mà dù có thì đó phải là Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta có cần thiết và có quyền bắt giam người của Đảng Cộng sản ngoại quốc hay không? Thành viên đoàn cố vấn Liên Xô chẳng phải là đảng viên cộng sản đây sao? Tại sao ta không bắt giữ họ?
  2. Việt Nam ủng hộ cuộc kháng chiến của chúng ta, nên coi Hồ Chí Minh là bạn chứ sao lại coi là tội phạm?
  3. Nếu coi bạn quốc tế tán thành cuộc kháng chiến của chúng ta là tội phạm, thế chẳng hóa ra cuộc kháng chiến của chúng ta là giả dối? Như thế sẽ mất hết sự đồng tình và ủng hộ trên quốc tế.
  4. Rốt cục cuộc kháng chiến của chúng ta là thật hay là giả?
Lí Tôn Nhân cũng nói luôn: "Về lí ông Phùng đã nói rồi. Tôi xin hỏi ngài, tại sao lại bắt Hồ Chí Minh ở Quảng Tây? Như thế chẳng phải đổ vạ cho Quảng Tây hay sao? Việc ấy do ý cấp dưới hay lệnh của ngài?" Tưởng Giới Thạch chẳng còn lí do gì để chối cãi.
Cơ quân Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cũng triển khai kế hoạch cứu Bác, với danh nghĩa "Phân hội Việt Nam – Hiệp hội chống xâm lược quốc tế" cũng gửi điện tới Trùng Khánh cho Tôn Khoa, Viện trưởng Viện Lập pháp Quốc dân Đảng, yêu cầu thả Hồ Chí Minh. Tôn Khoa liền đệ trình lên Ngô Thiết Thành, chánh thư kí Trung ương Quốc dân Đảng. Thành điện cho chính quyền Quảng Tây yêu cầu "điều tra rõ để thả". Đồng thời Phân hội cũng gửi cho Thông tấn xã TASS đóng ở Trùng Khánh để đánh thức công luận.
Cuối cùng Tưởng Giới Thạch phải kí lệnh thả cụ Hồ Chí Minh. Hầu Chí Minh chỉ là người nhận lệnh, mang về thi hành mà thôi!
Người Nghệ nói chung thường hay chữ, hay nghĩa. Chơi chữ và nói lái là một thú vui tao nhã, có khi nói lái để che khuất những điều trần tục tầm thường. Ví dụ như trong thơ Hồ Xuân Hương, câu "Vì gió nên chi phải lộn lèo" hay "Tràng hạt vơi dần đếm lại đeo" là chơi chữ kiểu nói lái của dân địa phương.
Cụ Hồ Doãn Văn, nguyên chánh Sở Dây thép Phủ Quỳ nói, "Chí Minh" là "chính mi", ý nói lái chính Bác là họ Hồ. Đây có lẽ chỉ là một cách suy diễn, nhưng biết đâu lại là chuyện có thật?
Xứ Nghệ nhiều vùng có tiếng địa phương rất riêng và số ít nay vẫn còn. Tiếng "công" người vùng Kim Liên gọi trại đi thành "côông". Cũng như tiếng "ông" gọi là "ôông", ra đồng gọi là "ra đôồng"… Vì vậy cái tên Công hay Côông cũng chỉ là một mà thôi, dù âm tiết có khác. Cái tên "Khơm Công" nói lái thành "Không Cơm" cũng có thể là "Khơm Côông" là " Khôông Cơm", ý nói nhà rất nghèo chẳng có gì!
Bạn Tháp Bút kể: Mới nhìn bức ký họa đơn sơ về Bác Hồ, Thị Lang Phạm Hoàn đã nhận ra đó là con ông Phó bảng Sắc. Kể cũng kì tài. Tôi cũng đã được nghe bố bạn Tháp Bút kể chuyện này. Có những người am hiểu môn hình tướng học, chỉ thoáng qua họ có thể nói người này giống ai hoặc con ai. Chả thế mà cha ông ta có câu: "Giỏ nhà ai, quai nhà nấy". Huống nữa từ bé cụ Hoàn đã là học trò cụ Phó bảng cùng với cậu Khơm, cậu Công tại nhà thờ họ Lê. Và có lẽ nay nhìn bức ảnh Bác mới ra tù, đầu trọc, ta lại thấy khá giống Thượng tọa Thích Chân Quang.
Ngày nay, các sách đều nói Bác rời quê hương từ năm 1905, mãi đến tháng 6/1957 mới trở về thăm quê. Theo cụ Thái Kim Đỉnh, một nhà nghiên cứu uy tín của Nghệ Tĩnh: "Sau cuộc xin sưu năm 1908, Nguyễn Tất Thành có về Nghệ một thời gian, sau đó mới trở lại Huế". Anh Trần Lê Hiến, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Hà Tĩnh kể lại chuyến đi của cha Trần Hữu Đoài với cậu Thành, con trai cụ Phó bảng Sắc từ Huế ra Nghệ Tĩnh để tránh bị bắt bớ vào năm 1908: "Đến Kì Anh, họ vào quán ăn cơm vừa hay tin quan Tây đang đi bắt người làm loạn trốn về. Cậu Đoài vội hướng dẫn cho cậu Thành tìm đường lặn qua thôn xóm, về quê."
Lại có người nói năm 1929 Bác Hồ từ Thái Lan đã bí mật qua Lào về Nghệ An và từ Nghệ An Bác đã bắt liên lạc với tổ chức để đi ra nước ngoài.
Bà Thanh ở lại quê nhà, ruộng nương phát canh thu tô trang trải việc gia đình: giỗ chạp, sửa sang nhà cửa bên ngoại, đảm đang tháo vát có thừa. Khi ông Cử Vương Thúc Quý mất, ông Khiêm rời Huế, về chịu tang thầy và ở lại quê nhà. Hai chị em đều tham gia hội kín Việt Nam Quang phục của ông Phan Bội Châu nhằm đánh đổ Đại Pháp và lật đổ Nam Triều. Bà Thanh bị Pháp bắt và bị án tù khổ sai chín năm. Ra tù bà vẫn không được tự do mà chịu án quản thúc suốt đời. Dù ở Huế hay về Nghệ đều phải  thường xuyên đến trình diện quan sở tại.
Thời gian quản thúc ở Huế, bà Thanh đã tranh thủ mang hài cốt mẹ là bà Hoàng Thị Loan về quê chôn cất trong mảnh vườn tại làng Sen, đó là vào năm 1926.
Trước Tổng Khởi nghĩa tháng Tám, bà Thanh bị quản thúc tại Nam Đàn và đã chứng kiến cảnh dân chúng quê nhà nổi dậy cướp chính quyền. Bà thực sự mừng vui khi chính quyền về tay Việt Minh, về tay nhân dân trên toàn đất nước Việt Nam. Bà xuống Vinh gặp bạn bè thời Duy Tân. Nhà ai cũng mở tiệc ăn mừng nước mình độc lập. Bà Hàn Bình (mẹ của Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Minh Thái), bạn hoạt động của bà Thanh vừa mừng vừa băn khoăn: "Cụ Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Hà Nội, dân chúng đến đông như nước lũ để nghênh đón cụ Hồ và chính phủ mới do cụ Hồ đứng đầu. Anh Võ Nguyên Giáp của chúng tôi cũng tham gia chính phủ cụ Hồ, o Thanh ạ! (Chị Thái là vợ tướng Giáp, đã hi sinh ở trong tù). Rất tiếc không biết ông Nguyễn Ái Quốc bây giờ ở đâu?"
Bà Thanh không được nhà cách mạng nào cho biết tin tức của em trai mình! (Ngôi nhà bà Hàn Bình, mẹ của hai liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Minh Thái, mẹ vợ của Lê Hồng Phong và Võ Nguyên Giáp, bạn hoạt động thời Duy Tân của bà Thanh, ông Khiêm, một địa chỉ xứng đáng có trong khu lưu niệm, nay vẫn chưa được xác định.)
Rồi một ngày, cậu Vương Thúc Oánh (con trai cụ Vương Thúc Quý, rể cụ Phan Bội Châu) mang ảnh cụ Hồ tới khoe với bà Thanh: "Ảnh cậu Thành! Cậu Thành của chúng ta là cụ Hồ chị ơi!"
Bà Thanh cầm tờ báo, run run cố nhìn thật kĩ: "Ồ! Cụ Hồ… Cậu Thành? Tất Thành ư?"
Nước mắt chảy tràn xuống gò má nhăn nheo khiến bà nhìn không rõ. Cậu Oánh khẳng định: "Em đã dự lớp huấn luyện do ông Nguyễn Ái Quốc phụ trách ở Quảng Châu. Bấy giờ là Lí Thụy, nhưng em vẫn nhận ra cậu Nguyễn Sinh Công… Cậu Tất Thành. Bây giờ em vẫn nhớ như in mà!"
Bà Thanh tần ngần trước tấm ảnh và chỉ thấy giống em trai bởi đôi mắt long lanh sáng và hai cái tai, còn khuôn mặt ở đây gầy gò, hốc hác với bộ râu lưa thưa nom lạ quá! Đúng là vẫn nửa tin nửa ngờ…
Để cho chắc chắn, năm 1946, là công dân của nước tự do, bà đã ra Hà Nội, gặp Cụ Hồ cho rõ đầu đuôi. Quà quê mang theo chỉ là mấy con vịt tự tay nuôi lấy, mấy cân nếp nhà cấy hái trên mảnh đất từng gieo vãi để nuôi Chủ tịch lớn lên. Chị em gặp nhau, bà kéo tai Bác xuống nhìn rồi nói: "Đúng rồi! Cái sẹo ở tai còn đây, lạc vào đâu được!" Đó là cái sẹo ngày bé câu cá với bạn Phương bị lưỡi câu móc vào. Lần về quê thứ nhất, bạn già gặp gỡ Bác còn vạch tai mình nói với ông Phương: "Cậu giật lưỡi câu móc vào tai mình. Cái sẹo còn đây!"
Bà Thanh ở vậy không lấy chồng. Ngày trẻ có anh Nho Bảy, con ông Cửu Ne, dưới Hưng Nguyên có ý định chọn bà Thanh làm vợ. Một lần anh lên chơi và bị mật thám bắt đem về giam ở Vinh. Ông Cửu Ne ở nhà lâm bệnh mà chết. Cô Thanh hay tin liền xuống gặp Tổng đốc Nghệ An, xin được ở tù thay. Quan Tổng đốc hỏi: "Bảy là chồng mày hay sao mà đòi ngồi tù thay nó?"
"Không! Người nhà quan bắt oan anh ta. Anh ấy chỉ lỡ độ đường ghé vào. Giờ các ông bắt khiến bố người ta ở nhà đổ bệnh mà chết. Tôi vô tình mang vạ. Anh ấy phải về chịu tang cha. Anh ấy và tôi đều vô tội. Các ông giam tôi hay anh Bảy thì có khác gì nhau?"
Nghe những lời nghĩa khí, Tổng đốc đuối lí, không lâu sau đành ra lệnh tha anh Bảy.
Bà Thanh là người ủng hộ tích cực đội Quyên, đội Phấn đánh Pháp. Khi làm chủ hiệu thuốc ở Vinh, bà tổ chức trộm súng giặc giúp nghĩa quân. Việc bại lộ, bọn mật thám ập đến khám xét thấy trong người bà còn giấu qui lát súng, chúng liền tống giam. Tổng đốc Tôn Thất Trạm giận dữ quát: "Đàn bà người ta chửa đẻ ra con, còn mày thì chửa đẻ ra súng".
Phiên tòa ngày 4/6/1918 chúng xử bà 9 năm tù khổ sai và phạt đánh 100 roi. Thời gian ngồi tù bà chữa khỏi bệnh cho vợ Án sát Quảng Ngãi nên tù được nới lỏng, bà được lui tới nhà quan án. Thời gian này bà chữa bệnh cho nhiều người. Năm 1922 chúng đưa bà về an trí tại Huế. Năm 1944 lại chuyển về Nghệ An.
Theo một số cụ già thì tô, tức của bà Thanh là rất nghiêm ngặt. Người cày ruộng rẻ hay nợ nần cứ nhất nhất thỏa thuận trước với nhau mà nộp đủ. Việc được miễn giảm là rất ít. Bà Thanh sinh năm 1884, năm ấy Triều đình Huế bán đứt nước ta cho giặc. Tên hiệu của bà là Bạch Liên. Bà mất năm 1954, cuối năm 1954 đầu năm 1955 là cuộc Cải cách Ruộng đất với nhiều đau thương tang tóc, nếu bà còn sống chắc gì đã thoát khỏi đấu tố nhục hình…
Khí phách của bà Thanh còn lưu lại tại bản báo cáo đề ngày 8/3/1911 do Bộ Lại thảo trình về "Tri huyện Nguyễn Sinh Huy" đã viết: "Con gái ông ta đang ở Nghệ An, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn. Cô ta là bạn thân của bon cướp và thường cho chúng ở lại trong nhà. Bọn này đến đây nghỉ ngơi sau những ngày hoạt động, nhất là các tên đội Quyên và Ấm Võ… Ấm Võ đã ca ngợi nó bằng một câu: Các quan lại ở Nghệ An đã biết rõ về cô gái này nhưng họ không dám bắt."
Bố vợ tôi người làng Sen. Mẹ vợ họ Nguyễn Sinh. Nhà ông bà chỉ cách nhà cụ Phó bảng ở làng Sen chừng 300 mét. Lúc sinh thời cụ kể với tôi rằng: "Ông Khiêm tuy là con thứ hai nhưng vẫn được gọi là cậu cả, thuở bé thông minh, được người làng coi là "Không học cũng biết".
Cậu Khiêm (hay Khơm) hiệu là Tất Đạt theo cha vào Huế cho đến khi ông Cử Vương mất, cậu về chịu tang thầy rồi ở lại quê nhà, cũng có thời gian ở Huế sinh sống tự lao động nuôi thân. Nhưng rồi vì tham gia phong trào chống thuế nên lại phải trở về quê để tránh khủng bố.
Cậu Khiêm cũng mang đầy đủ tính cách của một ông Đồ Nghệ. Nghĩa là cũng có tính gàn. Thời gian giúp sưu tầm văn hóa dân gian cho Ôgiê, chánh văn phòng tòa sứ Nghệ An, cậu chỉ cung cấp cho y những câu mình cho là có thể. Ôgiê, người đã tốt nghiệp Khoa Đông phương học tại trường thuộc địa Pari, quở trách cậu vẫn không nghe, ông  ta co chân đá nhưng bị cậu nhanh nhẹn tóm lấy, giúi cho suýt ngã. Ôgiê làm lành nhưng cậu Khiêm nhất quyết bỏ về, không thèm lấy tiền công.
Cậu Khiêm bị bắt cùng chị gái khi giúp đỡ Đông Du, giúp Quang phục Hội, che chở cho những người thuộc phe Ám xã. Chúng phỉnh phờ, cho cậu một số tiền và được thả về, song ông lại gửi số tiền ấy cho ông đội Quyên để đánh Pháp. Bực tức vì bị mắc lừa ngày 1/4/1914 chúng ra lệnh bắt cậu Khiêm. Phiên tòa xét xử mở ngày 25/9 năm đó, kết tội cậu liên lạc với đội Quyên, đồng mưu với bọn phản bội và kết án 3 năm tù khổ sai, trong tù cậu Khiêm cùng giáo Chức, cũng người làng Sen, tổ chức vượt ngục. Việc bại lộ, ngày 6/1/1915 chúng xử tăng án lên thành 9 năm. Ngày 31/7/1920 chúng đổi án, đưa về quản thúc tại Huế. Bố vợ tôi kể rằng ở Huế cậu Khiêm có mở lớp dạy trẻ trong làng, cả chữ Nho, Quốc ngữ và tiếng Tây. Quãng 1929, khi ở làng Phù Lễ (Huế) cậu cũng đã xây dựng gia đình. Sau vài lần sinh nở không thành, gia đình tan vỡ theo. Từ đó cậu Khiêm mượn rượu giải buồn, không thiết tha mấy đến tiền đồ sự nghiệp. Ngoài ngũ tuần, mức độ nghiện rượu của cậu Khiêm khá nặng. Sonhi, chánh mật thám Trung kỳ trong bức điện số 289 đã trình lên cấp trên rằng: "Nguyễn Tất Đạt quê Kim Liên, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn (Nghệ An), anh ruột của Nguyễn Ái Quốc, là người nghiện rượu nặng, trí não suy nhược nên không nguy hiểm nữa." Khâm sứ Trung kỳ muốn vô hiệu hóa hoàn toàn cậu Khiêm nên thỉnh thoảng lại sai người đến biếu rượu. Ngày 6/2/1940 cậu Khiêm được chúng thả cho trở về quê nhà.
Bố vợ tôi kể: "Thuở ấy làng quê còn nghèo khổ lắm. Làng Kim Liên còn được gọi là làng "đai khố" (không có khố, chỉ có cái đai). Cậu Khiêm trở về mở lớp dạy võ, dạy chữ Quốc ngữ cho thanh thiếu niên, tổ chức diễn tuồng nhằm tập hợp những người chung chí hướng. Tính cậu Khiêm hơi tàng tàng nhưng rất giản dị, đi đâu cũng mang bầu rượu đi theo, gặp bữa ai mời gì, bất kể khoai sắn hay rau cháo cậu đều vui vẻ ngồi rót rượu mời và ăn uống ngon lành, không phân biệt sang hèn giàu nghèo. Nghề chính của cậu bấy giờ là làm thầy địa lí, chuyên lấy hướng nhà cửa, kiến trúc, chọn hướng mồ mả, cổng ngõ… lấy chén rượu làm vui. Gặp đau ốm cậu có thể bắt mạch, kê đơn giúp đỡ mọi người. Tính tàng tàng của cậu, bố vợ tôi bảo rằng tại viên Khâm sứ sai biếu rượu đã cho thuốc độc vào để làm hại hệ thần kinh nhằm phục vụ cho mưu đồ của chúng.
Cũng thời gian này cậu còn bị mật thám bắt lần nữa. Ngày 20/8/1940 chúng phạt cậu hai tháng tù và 20 đồng bạc.
Nói tóm lại, tính tình của cậu Khiêm mang nét đặc trưng của một ông đồ Nghệ, hơi gàn nhưng rất tài hoa, thông thạo nho, lí, số, sống rộng rãi, bao dung, rất gần gũi với người dân bình thường.
Người quê tôi kể rằng: "Cậu Khiêm cùng với người giúp việc là ông Cú Đẹn đã lang thang tìm kiếm huyệt đất vừa ý để táng mộ mẹ, cuối cùng dừng lại ở Động Tranh, một thế đất đẹp trên dãy Đại Huệ. Và năm 1942 cậu đã lần nữa dời mộ mẹ trong vườn quê lên táng ở Động Tranh, vị trí được xây dựng đẹp của ngày nay. (Nên nhớ rằng mộ tổ của vua Quang Trung cũng táng cuối núi Đại Huệ. Theo một số cụ truyền lại: Phần mộ vua Quang Trung cũng có thể đã được bí mật mang về mai táng ở đây. Vua quan nhà Nguyễn đã tốn nhiều công sức đào bới nhưng không tìm thấy.)
Giống như bà Thanh, ông cả Khiêm cũng được hưởng trọn niềm vui của ngày nước nhà độc lập. Ngày ấy ông như trẻ lại hàng chục tuổi, đội ca lô, vác dáo dài theo đoàn người đi cướp chính quyền ở Nam Đàn, tưng bừng và phấn chấn.
Năm 1946 ông Khiêm cũng ra Hà Nội gặp em trai, mục đích của chuyến đi là trước là thăm em, vì đã quá lâu anh em không gặp nhau, sau là để nói với em về những gia đình trong hàng ngũ quan lại nhà mình từng chịu ơn sâu nặng. Hồi tưởng lại chuyện này, giáo sư Phan Ngọc viết: "Bác Nguyễn Sinh Khiêm, anh ruột Bác Hồ có đến nhà và bảo bố tôi: Tôi phải gặp anh thì có chết mới nhắm được mắt. Tình hình hiện nay không khỏi những xáo trộn. Tôi đã ra Hà Nội bảo chú Công: ông Phan Võ là ân nhân gia đình ta. Phải chú ý đừng để gia đình ông ta quá thiệt thòi…". Ông Phan Võ đậu Giải nguyên năm 20 tuổi, đậu Phó bảng năm 21 tuổi, làm quan vói cụ Nguyễn Sinh Sắc. Số sách thuốc cụ Sắc hành nghề là của cụ Phan Võ trao cho.
Ông Nguyễn Sinh Khiêm tự Tất Đạt sinh năm 1888 mất năm 1950. Khi ông mất, Bác Hồ gửi điện về: "Nghe tin anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường xá xa cách mà lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Tôi xin chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hi sinh tình nhà và phải lo việc nước." (Điện số 1229 ngày 9/11/1950).
Người có cuộc đời ngắn ngủi nhất trong gia đình Bác là bé Nguyễn Sinh Xin. Theo tài liệu của mật thám Pháp ghi lại lời bà Thanh có đoạn nói rõ: "Sau khi chấm thi cuối cùng (thi Hương ở Thanh Hóa) ông (Nguyễn Sinh Huy) lợi dụng chuyển qua ngang Vinh, về làng quê ở Kim Liên để lo cất bốc mộ họ. Trong khi ông ở đó ba tháng thì được tin vợ ông từ trần ở Huế ngày 19 tháng Chạp năm Thành Thái thứ 12" (7/2/1901). Cũng theo lời bà Thanh thì cậu Xin sinh khoảng cuối 1900, "chỉ sống một tháng rưỡi thôi". Như vậy cậu Xin mất sau mẹ chả mấy ngày. Hai cái tang trút cả lên đầu cậu bé 11 tuổi Nguyễn Tất Thành. Chi tiết này đã được ông Nguyễn Đắc Xuân thẩm định qua việc tìm gặp cụ Lê Xuyến (cháu Lễ Bộ Thượng thư Lê Trinh) và con gái cụ Viễn Diệu, là những người chứng kiến sự việc xảy ra: Vợ một vị khoa bảng từ trần: "Không để lại cho con một bát gạo, một đồng tiền nào! Xóm giềng đang chuẩn bị cúng đưa ông táo, gặp vận bĩ của gia đình cậu Cung, họ cúng ít lại, để dành một phần quà bánh, thức ăn chuyển qua giúp cậu cúng lễ mẹ." Gia cảnh như thế làm sao bé Xin sống nổi? Và nếu như bây giờ, người ta sẽ xét trách nhiệm cụ Phó bảng đối với gia đinh ở mức độ nào?
Tác giả Chu Trọng Huyến viết rằng: bé Xin được đưa về Nghệ rồi mới mất. Điều đó nghe thật hoang tưởng. Đường bộ từ Huế ra Nghệ mịt mù xa tít, làm sao bế được đứa bé tháng tuổi, mất mẹ, đi cho nổi?
Cuối cùng nhìn lại, chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ nhất vẫn là phụ nữ, đặc biệt là hai bà mẹ trong gia đình: Bà Hà Thị Hy và bà Hoàng Thị Loan. Họ đều mất ở tuổi 33, 34. Xin những người cầm bút hãy để sự thật được nguyên vẹn, chớ có tô hồng lên mà làm gì!

Cuối chạp năm Mậu Tí, Nam Nghĩa, Nam Đàn, Nghệ An
© 2009 Trường Lam Hồ Sĩ Sênh


© talawas 2009 - 27/10/2009
http://www.talawas.org/?p=12096
 

Về bài kí "Chuyện sân sau"

Trường Lam
 

Bài kí "Chuyện ở sân sau: Về người cha và ông nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh" của ông Trường Lam Hồ Sĩ Sênh được talawas chọn đăng, sau khi toà soạn được biết rõ bối cảnh của bài viết và tác giả. Chúng tôi đánh giá bài kí này là một nỗ lực nghiêm túc và chân thành nhằm tìm hiểu thêm về những chi tiết có thể còn chưa sáng tỏ trong tiểu sử của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những nhân vật lịch sử quan trọng của Việt Nam mà thân thế còn những mảng chưa được chính thức công khai trước công luận. Về một số phản hồi sau bài kí này, chúng tôi xin giới thiệu sau đây ý kiến của ông Trường Lam Hồ Sĩ Sênh.

talawas

Nam Đàn, 01/ 11/ 2007

Thân ái cùng độc giả talawas,

Bài kí "Chuyện ở sân sau: Về người cha và ông nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh" được giới thiệu trên talawas chưa lâu thì tôi đã nhận được nhiều cú điện thoại của bạn bè gần xa nhắn về. Qua điện thoại, tôi thấy có một số bạn đọc qua loa nên hiểu sai vấn đề.

Vì vậy tôi xin trình bày lại một số ý sau:

1.

Tôi là con cháu họ Hồ, từ bé đã được nghe kể khá nhiều chuyện của họ tộc và một số nhân vật liên quan, nhưng khi tất cả đang chìm vào dĩ vãng, không còn được ai nhắc đến thì thượng toạ Thích Chân Quang tìm về... Những gì tôi viết hoàn toàn nghiêm túc và đúng đắn.

2.

Có người hỏi căn cứ vào đâu mà nói ông Nguyễn Sinh Sắc là con ông Hồ Sĩ Tạo? Thưa, thượng toạ Thích Chân Quang đã ghi vào sổ vàng lưu niệm tại nhà thờ đại tộc Hồ ở Quỳnh Đôi: Ông là con cụ Hồ Chí Nghĩa, cháu nội cụ Nguyễn Sinh Sắc, chắt cụ Hồ Sĩ Tạo... Bút tích này đã có ở thị trường băng đĩa và nội san họ Hồ in ở Vinh đã chụp lại rõ ràng.

Đầu tháng Bảy Đinh Hợi này, thượng toạ lại ghi vào sổ vàng lưu niệm tại nhà thờ họ Hồ Thanh Khê, nhà thờ cụ Hồ Sĩ Tạo lần nữa... Trước tôi chỉ nghe kể nên không thể viết, nhà văn Sơn Tùng cũng dừng lại... không thể viết ra cụ thể.

Nay tôi ghi lại thì có gì là quan trọng?

3.

Tôi là con rể làng Sen, bà mẹ vợ người họ Nguyễn Sinh. Ông bà sinh sau thời điểm Bác rời Bến Nhà Rồng, chỉ cách nhà Bác 300m, và đã qua đời. Nhưng mấy chục năm qua không phải không được nghe kể đôi điều về gia đình Bác, huống nữa nhà văn Sơn Tùng đã viết nhiều trong Búp sen xanh.

4.

Có người nói tôi nói xấu Bác Hồ? Thưa rằng: Bác là vĩ nhân, là cha già dân tộc, người sáng lập Đảng, mặt trận, nhà nước, quân đội, là người cầm lái xuất sắc nhất con thuyền cách mạng Việt Nam. Kẻ thù trước đây cũng không nói xấu được, huống chi tôi? Trước Bác tôi đâu dám nhận quàng làm người họ tộc? Mà chỉ nêu hai điểm:
  • Về họ: Tôi nói điều này đã vĩnh viễn không còn được biết, chẳng có sự dặn dò nào của cụ Phó bảng.
  • Về tên: Tôi đoán mò rằng Bác lấy tên người đã dũng cảm cứu mình ra khỏi nhà tù... để làm kỉ niệm và chỉ có vậy thôi!
5.

Về thượng toạ Thích Chân Quang: ông là nhà sư đức cao vọng trọng, là người truyền giảng đạo Phật trên nhiều vùng đất nước, luôn gắn đạo với đời và mong cuộc đời ngày một tốt hơn. Người như vậy làm sao có sự khuất tất? Thanh Khê chúng tôi là vùng nghèo, miền núi đi lại khó khăn vậy mà thượng toạ vẫn tìm về dâng hương ở nhà thờ họ và nhà thờ cụ Giải nguyên Hồ Sĩ Tạo. Con cháu trong họ rất trân trọng và quý mến cái tâm của thượng toạ.

6.

Kí của tôi là dã sử, nó có chỗ khác với chính sử. Dã sử chỉ để tham khảo mà thôi!

7.

Những bạn đọc góp ý, khen ngợi, bổ sung... tôi xin trân trọng ghi nhận. Tôi là một "phó thường dân", ai gọi tôi bằng gì cũng được, tôi không hề nhận một xu nào của ai... Nhưng những kẻ gọi vị giáo sư sử học tên tuổi, đáng kính là "thằng này, thằng nọ, đồ này đồ nọ"... "nhận đôla rồi bịa đặt..." thì tôi coi là thiếu giáo dục, là vô học và xin được miễn tranh cãi và trả lời.

8.

Bài kí của tôi chỉ giới thiệu duy nhất trên talawas. Những báo và những ai không có sự đồng ý của tôi đã trích đăng, nhào nặn, bóp méo, thêm thắt... kí tên tôi để phục vụ cho những mưu đồ đen tối và mục đích chính trị bẩn thỉu, tôi cực lực phản đối.

Tôi viết sự thật không chứa đựng một ý đồ nào. Vì uy tín của tờ báo, tôi kính đề nghị talawas phát biểu chính kiến của mình.

Lần nữa xin chân thành. Cảm ơn bạn đọc

Trường Lam Hồ Sĩ Sênh
© 2008 talawas - 29.3.2008
 

Chuyện ở sân sau: Về ông nội và người cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trường Lam
 

Năm 1993, trong tập Trong cõi [1] xuất bản tại Hoa Kì, Giáo sư Trần Quốc Vượng (1934-2005), một trong những sử gia nổi tiếng nhất tại Việt Nam, đã công bố ghi chép của mình từ "Lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh của một số nhà trí thức Nho gia!", trong đó phần liên quan đến dòng dõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây nhiều dư luận. Theo đó, tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thêm một phần không được nhắc đến trong sử sách chính thống: Thân sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn là con đẻ nhưng không được thừa nhận của ông cử Hồ Sĩ Tạo, thuộc dòng họ Hồ ở Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Nghệ An. Hồ Chủ tịch, nổi tiếng với tên gọi Nguyễn Ái Quốc trong thời kì hoạt động tại nước ngoài, tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung [2] , tự là Nguyễn Tất Thành, song từ năm 1945 cho đến khi qua đời năm 1969 lại được người Việt Nam và toàn thế giới biết đến với tên là Hồ Chí Minh.
Mới đây, một nhà thơ xứ Nghệ đã nhiệt tình dẫn một cộng tác viên talawas từ Vinh về vùng sơn cước, đến xóm Nghĩa Thái, xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn để tìm gặp ông Hồ Sĩ Sênh (bút hiệu Trường Lam, hội viên Hội Văn nghệ Nghệ An), một người cháu mà theo gia phả họ Hồ, gọi cụ Hồ bằng bác. Khi nghe khách bày tỏ nguyện vọng, ông đến tủ sách, lục đưa cho khách xem bản phô-tô bài bút ký viết tay của ông, nhan đề "Chuyện ở sân sau", kể về sự thật cuộc đời của ông Hồ Sĩ Tạo, ông Nguyễn Sinh Sắc và hậu duệ. Bài ký này được viết ở Trại viết văn của Hội Văn nghệ Nghệ An đầu năm 2007. Ông Trường Lam cho biết, trong buổi tổng kết trại viết, người ta đã đánh giá rất tốt bài ký này, đã đọc bài ký cho các trại viên nghe. Nhưng là chuyện "huý kỵ", nên không có báo nào trong nước dám in. Ông Trường Lam đã đồng ý cho chúng tôi công bố nguyên văn bài ký trên talawas. Chúng tôi chân thành cảm ơn ông Trường Lam và hân hạnh giới thiệu cùng độc giả.

talawas

Mọi điều tưởng như đã vĩnh viễn chìm vào bóng đêm của quá khứ mông lung, huyền ảo, có hồn ma bóng quỷ, có những hình nhân vật vờ, thấp thoáng, bỗng rơi vào quên lãng, lặng im…
Người ta thở dài, tiếc những sự thật, hoặc giả là những lời đồn đại không thể xác minh, sẽ mãi mãi chôn vùi… Đột nhiên, một ngọn đèn le lói thắp lên, xua đi bao điều huyễn hoặc, mơ hồ.
Đầu tháng Bảy nhuận (Bính Tuất), quê tôi trời bỗng ào ạt tuôn mưa. Những tưởng mùa thu này rồi vẫn vời vợi cao xanh, nắng đẹp cứ dịu dàng trôi, ai ngờ lại có tuần mưa gió sụt sùi! Giữa ngày mưa như vậy, tôi nhận được tin: Có một vị sư đạo cao đức trọng từ miền Nam ra, đã tìm đến và thắp hương viếng mộ cụ Cố chúng tôi, một Giải nguyên xứ Nghệ. Cụ là người đầu tiên giành được thứ hạng này ở tổng Võ Liệt (Thanh Chương). Thật là may, ngôi mộ mới được xây lại cách đây chưa lâu. Ông bác của chúng tôi, nguyên Giám đốc Học viện An ninh Khu vực II, sau khi nghỉ hưu đã tìm về lo lắng, sửa sang. (Bác là Hồ Nhã Chương, khi làng quê không tồn tại [3] đã đổi tên là Hồ Thanh Chương, cháu nội cụ Hồ Sĩ Tạo, bắt đầu từ bà thứ tư ở Quảng Trạch, Quảng Bình, hiện trú tại 257A, đường Nguyễn Trãi, phường Cư Trinh, TP Hồ Chí Minh).
Vị sư đó là Thượng toạ Thích Chân Quang, sư trụ trì chùa Phật Quang, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông xưng danh là Hồ Chí Việt, chắt nội của cụ Giải nguyên, một đứa con lạc loài, nay tìm về với tổ tông. Đội mưa gió, theo sau xe Thượng toạ là bảy xe chở Phật tử, trong đó có hai xe ca… Chuyện đó thật không ngờ!
Mãi sau ít lâu tôi mới được biết Thượng toạ cũng đã về thăm nhà bia tưởng niệm Đức nguyên tổ Hồ Hưng Dật tại Quỳnh Lâm, thăm nhà thơ họ Hồ tại Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Ghi vào sổ vàng lưu niệm của dòng họ, Thượng toạ đã nói rõ mình là: "đứa con lạc loài" nay mới tìm về với gia tộc… Ngoài ra Thượng toạ còn thắp hương viếng mộ cụ Hà Thị Hy và bà Hoàng Thị Loan…
Những điều đột ngột diễn ra khiến tôi không khỏi suy nghĩ về những mối quan hệ huyết thống, dòng tộc đang bền bỉ, âm thầm bén rễ sâu trong tiềm thức con người. Và những kỷ niêm tuổi ấu thơ đã xa lắc xa lơ, đang chìm dần vào bóng tối bỗng nhiên chậm chạp hiện về, hệt như những cuốn phim quay chậm, có quãng mơ hồ, quãng lại hiện rõ như in.
*
Làng Lai Nhã quê tôi nay đã không còn tên trên bản đồ hành chính. Nó bị xoá sổ từ năm 1978 khi người ta tiến hành cuộc cách mệnh "thay trời đổi đất, xếp đặt lại giang sơn". Ngót ba mươi năm trôi qua bóng dáng làng xưa đâu có dấu ấn gì với thế hệ con cháu bây giờ! Nhưng đối với chúng tôi, những ông già cổ hủ, đêm nó vẫn hiện về trong mơ. Và riêng tôi: một làng Lai Nhã cổ truyền tươi xanh, vẫn nguyên lành bóng dáng êm đềm, hiện hữu đời đời…
Từ nửa cuối Hậu Lê, một nhánh họ Hồ Quỳnh Lưu lập làng ở vùng Cương Gián (Nghi Xuân) cảm thấy thiên nhiên quá khốc liệt, đe doạ cuộc sống, phải bỏ đất tìm nơi khác định cư. Một gia đình họ Hồ như vậy theo ông Đậu Quận Công đến vùng Lòi Nhã, xã Thất Thôn dựng nhà sửa cửa, khai phá đất đai, lập thành một trong bảy thôn của Đậu Quận Công (vùng đất ngày trước đã có người thiểu số sinh sống. Bà nội tôi gọi họ là người Mường. Những địa danh còn lại như Bến Mường, Động Mường… nói lên điều đó. Khi người Kinh tiến vào, họ lập tức rút lui đi.)
Thế hệ sau, họ có con cháu là cụ Hồ Yên Định, làm quan đến hàm tứ phẩm (không qua thi cử) mới đổi thôn thành Lai Nhã, xã Thất Thôn thành Thái Nhã. Con cháu li tổ phải lấy chữ Nhã đệm vào để luôn nhắc nhớ tới quê hương. Khi vua Quang Trung ra Bắc diệt quân Thanh, họ có cụ Hồ Hữu Tiềm đầu quân giết giặc và hi sinh tại Thăng Long (mùng 5 tháng Giêng âm lịch là ngày giỗ). Nhà thờ họ Hồ được cất lên thời đó. Khi giác móng và lấy hướng, ông thầy địa lý người Tàu phán rằng: "Thuỷ đáo từ đường. Hồ gia vi vương". Ông ta bảo đây là thế đất "Phượng Hoàng ẩm thuỷ". Thời bấy giờ sông Rộ còn ngoằn nghèo chảy bên phía núi xa, cách nhà thờ chừng non cây số. Biết khi nào nước sông chảy đến cho chim Phượng Hoàng uống?
Trước Cách mạng tháng Tám, họ Hồ Lai Nhã cũng mới chỉ vài chục gia đình nhưng đã có bốn cử nhân và khá nhiều tú tài. Có người khá nổi tiếng như cụ Giải nguyên Hồ Sĩ Tạo.
Làng Lai Nhã với con sông Rộ chảy vòng ôm lấy những vườn cây quả mướt xanh như một nét chấm phá thật thơ mộng và dịu dàng. Tôi có ông chú, con cô của bố tôi, làm chủ nhiệm Khoa Sinh vật, kiêm Bí thư Đảng uỷ Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (chú là Phạm Đức Dục, quê xã Thanh Long, Thanh Chương, cháu ngoại cụ Cử Hồ Sĩ Hạp, gọi Thị lang Phạm Hoàn là bác). Chú bị bệnh tâm thần phân liệt, vợ con nhốt vào một xó… Vậy mà khi tôi tới thăm, ông vẫn còn ước ao được về làng Lai Nhã để đi câu cá. Ông kể chuyện cụ Phủ Tạo và ông ngoại là cử nhân Hồ Sĩ Hạp, nhưng lẫn lộn lung tung… (Về làng Lai Nhã, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Hữu Dụng, cháu ngoại cụ Cử Hồ Sĩ Huấn cũng có ấn tượng rất đẹp.)
Làng tôi có những khu vườn um tùm, rập rạp với vòng ngoài chen đặc song mây, tre nứa và cây cọ cùng những cái tên đặc trưng như: Vườn Cụ Phủ, Cụ Huyện, Cụ Cử, ông Tú, ông đồ… đầy cây ăn quả và bốn mừa líu ríu tiếng chim. Cụ Tạo về hưu đã trồng bốn cây đa ngoài cổng đoài của làng. Có hai cây sau này thành tam quan nhờ một rễ phụ căng ngang, nom rất kỳ thú. Đây là nơi ông Tạo mắc võng nằm vào những trưa hè.
Sau này tôi mới biết, nhờ những khu vườn này mà các bậc cha chú có tiền trọ học thành tài, bởi ruộng đất ở đây rất xấu, chưa nắng đã khô, chưa mưa đã lụt, có thu hoạch được là bao!
Ôi, những khu vườn trong mơ và làng xưa cũng chỉ còn lại trong mơ, nơi đã bay bỗng tuổi thơ tôi, nơi chúng tôi tha hồ quậy phá: trèo bắt tổ chim, tìm hái những chùm quả chín và cắp sách tới trường…
Khoảng mấy năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước, nước sông Rộ vòng về, xói lở một góc vườn nhà thờ và nhà thờ họ Hồ Lai Nhã thấp thoáng soi bóng xuống mặt nước sông trong. Chim Phượng Hoàng ơi! Hãy uống nước đi…
*
Cụ Hồ Sĩ Tạo tự Tiểu Khê, sinh năm 1834 (Tổng tập Văn học Việt Nam tập 19 nói cụ Tạo sinh năm 1831. Cụ Cao Xuân Dục, học trò ông Tạo, trong sách Nghệ An khoa bảng nói ông Tạo sinh năm 1841. Chúng tôi theo người già trong họ nói ông Tạo thọ 73 tuổi và bà Hồ Thị Từ, con út ông Tạo nói bà ra đời lúc cha đã 70 tuổi, lên 3 thì cha mất…, mà suy ra), mất năm 1907, là người tài hoa nổi tiếng cả vùng. Theo gia phả nói thì cụ thuộc phe chủ chiến, chủ trương đánh Pháp tới cùng, nên bị vua Tự Đức đánh hỏng (?).
Trong cuộc đời làm quan, dạy học, giao du với bạn bè khắp vùng, ông Tạo đã có quan hệ gắn bó với năm người phụ nữ. Theo các cụ trong họ (trong đó có cụ Hồ Sĩ Huề) từng kể với cháu con thì:
Người phụ nữ thứ nhất chính là người vợ cả của cụ được gia đình cưới cho ngày còn trẻ. Bà người họ Phan ở xã Xuân Trường (Thanh Chương) và đã cho ông Tạo hai người con trai trưởng thành.
Người phụ nữ thứ hai là bà Hà Thị Hy, còn gọi là cô Đèn, quê ở làng Sài, Nam Đàn. Ông Tạo nổi tiếng khẩu khí, đam mê hát phường vải, ứng đối nhanh và giỏi. Bà Hy là người hát hay, giọng tốt và rất đỗi xinh đẹp. Tài tử gặp giai nhân cũng ví như cá gặp nước, rồng gặp mây. Khi họ quen biết nhau, tuy ông Tạo ít tuổi hơn nhưng đã có vợ và đang dạy học trong nhà họ Hà. Vì quá tài hoa nên mãi năm cô Đèn ba mươi vẫn chưa có đám nào lọt vào mắt xanh… Trai làng không với tới nên họ phong toả, hình thành thế bao vây, không cho con trai nơi khác đến. (Theo bác Hồ Thanh Chương, ông Tạo yêu cô Đèn trước khi có vợ. Bà Hy có thai, ông Tạo về xin cha mẹ được cưới, nhưng gia đình không đồng ý vì đã dạm hỏi đám khác. Cụ Hà Văn Cẩn đành ngậm ngùi gả bà Hy cho ông Nhậm, một ông già lụ khụ.)
Vậy là cái gì phải tới đã tới. Cô Đèn mang thai và ông Nguyễn Sinh Nhậm mồ côi vợ, cheo cô về làm mọn. Năm 1863, bà Hy sinh con trai. Cậu con ông Hồ Sĩ Tạo mang họ Nguyễn Sinh được ông Nhậm đặt tên là Sắc. Nguyễn Sinh Sắc lên 3 tuổi thì ông Nhậm chết. Bà Hy vốn bị người nhà họ Nguyễn Sinh coi là dân "xướng ca vô loài", nên họ buộc hai mẹ con phải ra sống trong một căn lều ngoài đồng khoai, cạnh làng. Chỉ hơn một năm sau, bà Hy cũng bỏ cậu Sắc mà ra đi. Bà chết trong khổ cực âm thầm và trong sự hắt hủi của gia đình nhà chồng! Con trai làng Sài hối hận, thương người con gái mệnh bạc, đã kéo sang làng Sen làm lễ chôn cất. Chính ông Tạo là người đọc điếu văn.
Cậu Sắc đành phải về dựa vào anh cả để khỏi chết đói. Và dần dà, lên thêm một tí cũng được anh cả cho một buổi chăn trâu, một cuổi cắp sách tới trường. Việc cậu Sắc được đi học cũng nhờ phần lớn ở thầy Tú Vương. Thầy xin anh Thuyết cho Sắc đến lớp mà không phải chịu khoản phí nào. Thầy Vương đã xem tướng tay, xem chữ viết và tấm tắc khen là con nhà nòi: "Nòi xướng ca và nòi nhả ngọc phun châu cô Đèn thầy Tạo… Con hãy cố lên, tài hoa lắm, thầy sẽ giúp…"
Rồi một hôm ông họ Hoàng bên làng Chùa sang làng Sen thăm thầy Tú Vương. Học trò được ra chơi. Đôi bạn trò chuyện với nhau rất lâu. Ngoài chuyện thơ phú, văn chương, thi cử… còn có chuyện cậu bé Sắc. Họ bàn với nhau những gì không rõ. Chỉ biết rằng ít lâu sau, ông Tú Hoàng Đường đến nhà Nguyễn Sinh Thuyết xin được nhận chăm nuôi cậu bé Sắc. Vợ chồng Thuyết mừng rơn. Thuyết còn chút tình người, song vợ Thyết từ lâu hậm hực, căm ghét, sợ phải chia gia tài, phải nuôi tốn kém… nên đã đồng ý liền, coi như trút được hết gánh nặng tội nợ… Ông Hoàng Đường vội mang cậu bé Sắc về ngay.
Ngày xưa, người hiểu biết cũng thường quan tâm tới nòi giống. Ngày nay lại nói tới nguồn gien và tin theo thuyết di truyền. Nguồn gien quý thường được nuôi dưỡng, giữ gìn. Thấy lúa tốt phải hỏi giống gì, thấy con tốt phải xem cha mẹ chúng…
Từ ngày ông Tú Hoàng Đường mang Sắc về, ông trở thành cha nuôi và là thầy giáo của cậu bé. Năm Sắc mười tám tuổi, cậu được ông Đường gả con gái đầu lòng của mình là bà Hoàng Thị Loan, mươì ba tuổi, cho. Ba năm sau bà Loan sinh cô Thanh, bốn năm tiếp sinh cậu Khơm (Khiêm) và vài năm sau nữa lại sinh cậu Côông (Công)…
Người phụ nữ thứ ba (của ông Hồ Sĩ Tạo) là bà vợ kế ở quê nhà. Khi bà cả qua đời, gia đình không người chăm lo, ông Tạo đã cưới người vợ thứ. Bà sinh hạ cho ông một con trai rất thông minh, học giỏi, nhưng chỉ đi thi hộ người khác lấy tiền cờ bạc rượu chè, không màng tới tiến thân.
Người phụ nữ thứ tư là cô gái quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình. Ông nói dối là ông không còn vợ để được cưới bà. Bà con nhà gia thế, nên về sau, khi chuyện vở lỡ, gia đình đã kiện quan về chuyện này. Bà sinh hạ được hai người con trai. Thời gian sau đó, ông Tạo cáo quan về nhà dạy học.
Người phụ nữ thứ năm là một cô gái nghèo ở thôn Nam Lĩnh, cùng xã, nơi ông Tạo dạy học những ngày cuối đời. Hàng ngày cô vẫn thường đi bán chổi đong gạo. Khi có một con gái với ông Tạo, người ta gọi là cô Chổi. Lúc này ông Tạo đã bảy mươi tuổi. Ba năm sau, ông Tạo qua đời. Nhà cũng chẳng có gì, con trai cờ bạc, rượu chè phá phách hết, ông chỉ để lại cho con gái một chiếc áo bông cũ, đắp lấy hơi cha!
Người con gái út này của ông Tạo là bà Hồ Thị Từ (tên khai sanh là Thuyến). Hoà bình lần thứ nhất, bà vẫn sống khoẻ mạnh. Bà lấy chồng họ Tôn. Ông là bác ruột của giáo sư Tôn Tích Thạch. Và vì không có con trai nên đã coi Thạch là con, cho tới 1955, Thạch qua Lien Xô du học. Hơn 7 năm sau trở về thì ông bà đã qua đời. Ông Tôn Quang Phiệt cũng họ này.
Tôi còn nhớ như in mỗi lần bà về quê là đi khắp bà con xóm làng, ăn trầu luôn miệng và nói cười ha hả, rất vui. Bà kể biết bao nhiêu là chuyện, trong đó có chuyện cái huyệt mộ ông Tạo được cải táng. Ông Tạo bị cảm bệnh tại thôn Nam Lĩnh trong xã, con cháu đưa về nhà thì ông qua đời. Ông chết trong lặng lẽ, giữa ngày thời tiết không thuận nên chỉ có xóm giềng biết với nhau. Chỉ khi cải táng (1911) học trò mới làm lễ lớn. Cái huyệt mộ cải táng là do ông Tạo chọn cho mình ngày còn dạy học ở quê vợ, xã Xuân Trường.
Theo bà Từ: Mộ được táng dưới một khối đá ngầm, phải đào hố sâu bên cạnh, khoét ngang rồi đun tiểu sành đựng hài cốt vào, nén đất lại, trên dựng một mộ chí đơn sơ. Bà bảo đó là cái hàm dưới của Miệng Rồng (Chuyện này, khi xây dựng đường điện siêu cao thứ nhất, bác Hồ Nhã Đỉnh, ở Viện Năng lượng, về vùng Nam Đàn giám sát, bác cháu gặp nhau, trò chuyện, bác còn nhắc lại cho nghe lần nữa). Nay bia mộ ông Tạo chỉ là một mảnh đá nhỏ. Phía trên bị đập vỡ chỉ còn lại một chữ thiếu nét và một chữ "Nhã". Đọc bên phải: "Mậu Thìn Giải nguyên" (ông Hồ Sĩ Tạo đậu Giải nguyên triều Nguyễn, Huế, khoa Mậu Thìn (1868), cùng khoa thi này Hoàng Cao Khải đậu cuối bảng. Theo cụ Hồ Sĩ Huề kể: Có lần ông Tạo ra Hà Nội. Hoàng Cao Khải đã tự tay bưng nước đến để ông Tạo rửa mặt mũi, tay chân. Có lẽ ngoài việc trong vọng, đây còn nhằm mực đích mua chuộc sĩ phu…). Dọc bên trái bia mộ: "Tri phủ Quảng Trạch". Chính giữa phía dưới: "Hồ Tiểu Khê chi mộ". Việc cải táng hoàn toàn do học trò ông Tạo tuân theo di huấn của thấy mà làm, rất long trọng, có nhiều vị khoa bảng của hai huyện Thanh Chương, Nam Đàn tới dự (nhưng chắc chắn là không có ông Nguyễn Sinh Sắc. Bởi ông đã vào Kinh nhậm chức theo lệnh vua).
Năm người đàn bà gắn bó với một người đàn ông, chuyện thật khó tin. Chắc ông Tạo tài hoa lắm và cũng đa tình lắm mới cuốn hút được như vậy.
Sách vở ông Tạo để lại đã bị đốt hết trong Cải cách Ruộng đất. Còn sót một tập thơ nhỏ ở nhà cụ Hồ Sĩ Huề, phó giáo sư Ninh Viết Giao đã mượn, nay chắc còn chỗ ông ấy!
*
Cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu cử nhân khoa thi Hương năm Ngọ (1894) tại Trường Nghệ, nhưng trượt khoa thi Hội tiếp theo. Để chuẩn bị cho Sắc vào tiếp khoa thi năm Tuất (1898), ông Tạo suy nghĩ rất nhiều. Các con trong giá thú ở quê chẳng đứa nào nối được chí cha. Thông minh thì cũng có đủ, nhưng lười học, chỉ thích cờ bạc, rượu chè. Duy chỉ có đứa con ngoài giá thú là Nguyễn Sinh Sắc lưu tâm tới việc học hành, không thể để nó bỏ dở sự nghiệp và phụ lòng mong mỏi của bao người. Nghĩ tới đây, ông sai người mài mực, lấy giấy bút viết thư. Ông nhớ tới ông Thượng thư họ Hồ ở An Truyền đã nhận đồng tông với mình. Nhớ tới ông Cao Xuân Dục, một học trò, đang là quan to của triều đình. Đằng nào cũng phải nhờ họ giúp. Xưa nay mình đã nhờ vả họ gì đâu!
Vậy là nhờ có bức thư ấy, mà các vị đại thần họ Hồ, họ Cao ra tay giúp đơc để ông Sắc được vào học Trường Quốc Tử Giám. Đó là việc rất dễ nhận biết: Trường Giám là trường của Hoàng gia, quý tộc, con dân làm sao mà vào nổi?
Ông Sắc vào Trường Quốc Tử Giám mang cả gia đình đi theo, chỉ trừ cô Thanh ở nhà với bà ngoại, làm phận sự thay cho bố mẹ. Vào Huế, ông đổi tên là Nguyễn Sinh Huy. được sự giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần của các vị đại thần quen biết ông Tạo, cùng các quan khác người Nghệ Tĩnh. Bà Loan dệt vải nuôi con. Ở chốn Kinh thành, cuộc sống có dễ dàng gì đâu!
Khoa thi Mậu Tuất, ông Sắc lại rớt. Bà Loan sinh thêm cậu Xin. Và vì quá kham khổ, lao động quá sức, bà lâm bệnh và qua đời cuối năm Canh Tý (1900). Chỉ ít lâu sau, cậu Xin cũng quy tiên theo mẹ. Ba cha con ông Sắc lại dắt díu nhau về Nghệ.
Khoa thi năm Tân Sửu (1901) ông Sắc trúng Phó bảng nhưng không ra làm quan mà xin ở nhà nuôi mẹ già yếu. Thời kỳ này ông lên dạy học ở Thanh Chương. Ông nghĩ mình trước hết phải trọn đạo hiếu với cha mẹ. Nếu không, sao đáng làm người. Giai đoạn đầu ông Sắc dạy học ở nhà thờ họ Lê ở Nguyệt Bổng (nhà thờ này nay vẫn còn ở chân cầu Rộ), sau chuyển sang nhà ông Hàn Kháng, họ Phan ở Võ Liệt - là một họ khoa cử, có người nổi tiếng như tiến sĩ Phan Sĩ Thực - Ngôi nhà này đã bị tịch thu chia cho nông dân trong Cải cách Ruộng đất). Chỗ ở này cách nhà ông Tạo có con sông Rộ nhỏ thó, xắn quần là có thể lội qua. Như các cụ trong dòng họ kể lại thì ông Sắc đã dẫn cậu Công qua chơi với ý định nhận cha, nhưng việc đó chưa kịp làm thì năm 1904 bà đồ An qua đời. Đầu năm 1905, ông Sắc được triệu vào kinh nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ do cụ Phan Chu Trinh giao lại. (Việc chưa nhận cha còn có thể do quy ước khắt khe của dòng họ – Ví như cụ Hồ Sĩ Tôn, 2 lần đậu đầu khoa: "Thiên hạ sĩ vọng vã", "Thiên hạ cống sĩ", là bố ông nghè Hồ Sĩ Tân. Thời trẻ dạy học ở Hưng Nguyên, có một con trai với cô con dâu nhà ho Bùi. Về sau anh này cùng con mình đều đậu tiến sĩ. Hai cha con về Quỳnh Đôi nhận họ, nhưng vì quy định đó mà không thành. Hai cha con đành đứng ngoài cổng nhà thờ họ, vái lạy rồi quay về. Nên đến nay con cháu vẫn mang họ Bùi…)
Cuộc đời làm quan và phiêu bạt của ông Sắc tính từ đây. Năm 1907, ông Sắc được bổ Tri huyện Bình Khê và chỉ bốn năm sau đã vướng vào trọng tội…
… Bữa đó, ông Sắc đang ngồi tự lự, mượn chén rượu giải sầu, lòng tràn nỗi niềm thương cảm đối với vợ con. Ông tuy làm quan nhưng nhà vẫn nghèo khổ, mái tranh, vách đất, chẳng chút tài sản nào dư dả để nuôi con… Bỗng có lính bẩm báo:
"Thưa quan, mấy gã chống thuế hôm qua lại đến."
Ông lập tức truyền cả bọn vào và giữa lúc ngà ngà say, ông bảo:
"Bọn bây phải biết rằng, chỉ có vua mới miễn được thuế. Còn ta chỉ có đồng lương ít ỏi phải bù cho số thuế thiếu kia. Ta đã cho người dò la kỹ rồi: Nhà tụi bây còn giàu hơn cả quan đây. Làm ruộng thì phải đóng thuế, chống lại là cớ làm sao?"
Cả đám lập tức nhao nhao nói hỗn, chửi bới, chỉ trích quan tham nhũng, ông Sắc nổi cáu, truyền:
"Lôi ra ngoài đánh bọn chúng cho ta."
Bọn lính lôi cả đám ra ngoài đánh đập thỏa sức. Bất đồ một người trong bọn trúng chỗ hiểm, lăn ra chết… Lệnh ông ban quên không hạn chế mấy roi, nên bọn lính đã quá tay. Triều đình triệu ông về Kinh chịu tội. Vua phê: "Trảm!". May nhờ có các ông Thượng thư họ Hồ, họ Cao và Đào Tấn cùng rập đầu xin vua tha chết. Cả ba ông đều tâu vua: "Nguyễn Sinh Huy làm quan thanh liêm, xử án công minh, bốc thuốc chữa bệnh người rất tận tâm… Việc xảy ra chỉ là do sơ suất và bọn lính đã quá tay…"
Vua cũng biết Nguyễn Sinh Huy là quan thanh liêm, không hề có tư túi gì, nên sau một lúc suy nghĩ đành giảm xuống "Trảm giam hậu!" (giam chờ chém sau) và phạt đánh 100 roi. May nhờ có Thượng thư Bộ binh Đào Tấn lo lót cho bọn lính nên được nhẹ đòn và ông Huy thoát chết. "Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách". Nhân buổi lộn xộn chưa quyết, nhờ có người ngầm giúp, ông Huy chuồn thẳng! Các cụ già quê tôi, người thì bảo ông cải trang làm phu xe theo đoàn khách thương chở hàng vô Nam, kẻ lại bảo ông xuống một thuyền buôn dông thẳng vào Gia Định. Mỗi người một phách, nhưng cũng chẳng sao. Điều cơ bản là ông Huy đã thoát khỏi cái lưỡi dao thái thịt người đang lơ lửng trên đầu và có thể hạ xuống bất ký lúc nào…
*
Cậu Công gặp lại cha ở một địa điểm kín ở Gia Định, trong một buổi, trước khi cậu xuống tàu đi xa. Dặn dò con xong ông Huy lặn sâu vào giữa vùng Đồng Tháp Mười, chẳng để lại dấu vết nào với người đời, rằng mình đã từng là một Phó bảng thứ thiệt, là ông Huyện Bình Khê…
Ngày ấy Đồng Tháp Mười còn rậm rì năn lác, đường bộ chưa có là bao. Giao thông chủ yếu là nhờ vào những chiếc xuồng tam bản tự tạo của đồng bào sống ở miệt sình lầy. Ông Nguyễn Sinh Huy lặn lội đến vùng Cao Lãnh ngày nay thì dừng lại, ở nhờ một ngôi chùa. Nơi đây ông giấu biệt tông tích của mình, tự xưng là Cụ Vương, hành nghề bốc thuốc chữa bệnh.
Nhà Phật vốn chủ trương "cứu nhân độ thế", các sư cũng luôn làm nhiệm vụ bốc thuốc chữa bệnh cho dân. Bấy giờ làm gì có bệnh viện hay hiệu thuốc ở những vùng sâu, xa như thế. Thấy Cụ Vương giỏi y thuật, lại sống độc thân nên các sư rất mừng, lưu cụ ở luôn tại chùa để giúp đỡ bao nông dân nghèo khó đang hàng ngày vất vả kiếm sống và cũng vất vả chống lại tật bệnh, ốm đau. Phong trào chống thuế ở miền Trung đang nổi lên rần rần, nên nhà vua cũng làm ngơ luôn cái án của ông Tri huyện Bình Khê. Vậy là ông Nguyễn Sinh Huy được triều đình "bỏ quên".
Chẳng bao lâu, cái tiếng của vị thầy thuốc giỏi, lại nhân từ, sẵn sàng chữa bệnh không công cho người nghèo, theo những chiếc xuồng nhỏ, len lỏi trên sông nước, trên kênh rạch lan truyền đi khắp vùng. Người ở xa chở con bệnh tới để chữa trị hoặc mua thuốc mang về. Người gần mời cụ ngồi xuồng tới nhà bắt mạch điều trị. Nhà nghèo cụ miễn luôn mọi khoản. Đức độ của cụ hoà vào nước Đồng Tháp Mười, thấm sâu vào đất đai, tạo nên vựa lúa bạt ngàn hôm nay…
Có lần chữa trị dài dài, cứu được mấy mạng người trong một gia đình, giúp họ thoát khỏi dịch bệnh, ông già Mai Nhuận trả ơn bằng cách gả cô con gái út của mình cho ông Vương.
"Không dám…", Ông Vương cười. Chữa bệnh cứu người là công việc hàng ngày, tôi đã nguyện theo đuổi suốt đời, đâu dám mong có ân huệ đền đáp. Cô nhà đây còn nhỏ tuổi hơn cả con trai út của tôi. Nhận lời cụ chẳng hoá ra tôi là thằng khốn nạn hay sao?
"Chúng tôi không quan tâm tới việc thiên hạ dư luận, chỉ cần cụ nhận lời và nuôi cháu là nhất định gia đình sẽ có ngày mở mày mở mặt. Nó đến với cụ cũng đã sung sướng cho bản thân nó. Công việc nấu nướng, chợ búa… giúp cụ chuẩn bị thuốc men, so với việc đồng áng khác nhau một trời một vực, việc gì nó chẳng làm được. Cụ đừng lo…"
Năm ấy, ông Sắc đã ngoại lục tuần. Cô gái họ Mai mới ngoài hai mươi, nhỏ hơn cậu Công.
Ít lâu sau cuộc tình duyên muộn mằn ấy, cậu Vương Chí Nghĩa chào đời (1927). Ông Vương Chí Nghĩa là bố của Vương Chí Hùng và Vương Chí Việt cùng năm người con gái khác. Theo Thượng toạ Thích Chân Quang, khai sinh lấy họ Vương, nhưng trong tiềm thức, trong gia phả là họ Hồ. Cụ Vương dặn như vậy. Lấy họ Vương là để che mắt kẻ thù. Việc rời Đồng Tháp lên Tây Nguyên cũng là vậy. Phải tránh sự khủng bố, truy bắt, bảo vệ mình và mở ra con đường kiếm sống lâu dài. Thượng toạ Thích Chân Quang sinh ở Tây Nguyên tháng 12.1959. Tốt nghiệp đại học Khoa tiếng Anh, xuất gia năm 1980 cùng chị gái là Hồ Thị Minh Nguyệt, hơn ông hai tuổi.
(Ngày làm lễ Nhập hồn Tượng cho vua Hồ Quý Ly và nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại nhà thờ họ Hồ Quỳnh Đôi, Thượng toạ Thích Chân Quang cười nói với tôi: "Em viết việc tìm họ của anh đơn giản và dễ dàng quá! Thật ra là bọn anh phải dằn vặt, đau khổ, đi xác minh cẩn thận, có thu âm, ghi hình đầy đủ, người ta mới công nhận. Những người trông coi Khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp cứ một mực bảo ông Sắc không có vợ lẽ ở đây! Anh sẽ ghi lại cụ thể chuyện này gửi em sau. Báo để em biết, anh đã đến thăm chú Hồ Thanh Chương, tình cảm của chú cháu là vô cùng nồng ấm." Thượng toạ đã đối chiếu gia phả và gọi tôi là em, mặc dù tôi nhiều tuổi hơn.)
*
Việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy họ Hồ làm họ mới của mình có gì giống với con cháu cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp nhận mình là dòng dõi họ Hồ không? Điều đó chắc chắn chúng ta đã vĩnh viễn không còn được biết. Trong mịt mờ quá khứ xa xăm, trăm ngàn mối quan hệ chằng chịt, đan xen, không ghi âm, chụp ảnh, không quay phim, ghi chép… làm sao lần mò ra được?
Cuốn Ngục trung nhật ký của Bác với 132 bài thơ (từ số 1 đến 133, nhưng bài số 100 chỉ có tên bài đề "Liễu Châu ngục" mà không có thơ), mở đầu bằng bài "Khai quyển", kết thúc là bài "Kết luận" (Nay sách in mới, bài "Kết luận" được thay bằng bài "Mới ra tù tập leo núi", một bài Bác ghi bên lề tờ Nhật báo Quảng Tây, không phải làm ở trong tù). Bài "Kết luận", Bác viết:
Hạnh ngộ anh minh hầu chủ nhiệm
Như kim hựu thị tự do nhân
"Ngục trung nhật ký" tòng kim chí
Thâm tạ hầu công tái tạ ân.
(Tạm dịch: May mắn được gặp Chủ nhiệm họ Hầu sáng suốt. Mà nay tôi lại là người tự do, "Ngục trung nhật ký" từ nay chấm dứt. Cảm tạ sâu sắc ơn tái tạo của ông Hầu.)
Hầu công mà Bác nhắc ở đây là ông Hầu Chí Minh, thiếu tướng, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Hoa Nam của Quốc dân Đảng, người rất mực mến phục Bác, đã can thiệp tích cực để Bác thả ra, trở về lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Điều đó cũng chứng minh rằng, nơi nào trên trái đất này cũng có người tốt!
Cái tên mới của Bác, ta có thể đoán mò một cách không chắc chắn rằng, Bác lấy tên người đã dũng cảm cứu mình để làm kỷ niệm. Tên ông là "Sáng Suốt" và việc làm của ông dành cho Bác cũng rất sáng suốt. Còn cái họ thì xin chịu. Liệu có sự dặn dò nào của cụ Phó bảng từ một ngày rất xa, khi hai cha con còn sống bên nhau không?
Bác đi bôn ba thế giới "tìm đường cứu nước", trải qua một vòng trái đất và mãi hơn 50 năm sau mới về lại quê nhà. Ý định nhận cha, nhận họ của cụ Phó bảng ngày dạy học ở nhà ông Hàn Kháng… cũng chưa thực hiện được. Vào Huế làm quan rồi trốn mãi vào miệt sình lầy Đồng Tháp, cụ không có điều kiện trở về. Ông Hồ Chí Nghĩa cũng vậy, không thể về bởi binh lửa liên miên và đất nước chia cắt. Chỉ mãi hôm nay Thượng toạ Thích Chân Quang mới hoàn thành việc đó.
Từ ngày cụ Phó bảng đi làm quan đến ngày Thượng toạ Thích Chân Quang tìm về, thời gian dài hơn thế kỷ. Chúng tôi lấy làm tiếc, nhà thờ họ Hồ Lai Nhã đâu còn ở chốn xưa! Ngày di dân, lòng tôi như vừa chịu một trận động đất mạnh 9 độ rich-te. Dân quân cả huyện ào ào đến dỡ làng kéo đi, hệt như chạy loạn. Hàng chục chiếc máy ủi màu đỏ son gầm gừ húc cây cối đổ ngổn ngang, san phẳng mọi vườn tược mà không có pháp luật nào giải thích, không một xu đền bù giải toả!... Cha con, anh em, họ hàng phải chia lìa nhau. Người bốc được thăm ở cuối rừng, kẻ bốc được thăm nằm đầu xã, cách nhau ba bốn cây số là chuyện bình thường. Mối quan hệ tộc họ từ ngàn xưa bị rạn vỡ. Nhà thờ họ vốn có vườn riêng đầy cây trái, nay đột nhiên không có đất đứng, phải hốt vào trong hẻm núi sâu, nơi bác tộc trưởng bắt được thăm, phong cảnh thật u ám, thê lương. Thật tiếc, trong thời khắc bối rối ấy, con cháu ở quê cũng không dám đấu tranh đòi cho nhà thờ họ một chỗ xứng đáng! Con cháu đi xa muốn tranh thủ về thăm quê cũng khó khăn. Vùng chân Trường Sơn mưa nhiều hơn nơi khác, đường sá không một tấc nhựa, lầy lội, nhớp nháp bởi thứ đất mến người, lại trèo đèo lội suối quanh co, khúc khuỷu. Anh em bà con nghèo túng hơn, về vài ngày là không thể đi thăm hết được, mà có về cũng vất vả lắm! Thôi đánh chịu lỗi với Tổ Tiên!
Thượng toạ Thích Chân Quang về đúng những ngày mưa tháng bảy. Sau khi dâng hương viếng mộ cụ Hồ Sĩ Tạo xong, mấy chú cháu trong họ, những người đi đón bàn nhau: Xin Thượng toạ hoãn việc về thăm nhà thơ họ Hồ Thanh Khê lại, vì đường quá xấu, xe không vào được. Nếu đi lỡ gặp tai nạn, thật là không nên… Và Thượng toạ đã đồng ý.
Chúng tôi chép toàn là chuyện ở sân sau. Người ta nói: Đời là một sân khấu lớn với hàng ngàn vở diễn, bi có, hài có… ồn ào và sôi động trải ra. Đó là ở sân trước. Sân sau khác hơn. Nó âm thầm, lặng lẽ… Nhưng có lẽ xin được dừng lại ở đây. Dã sử vốn có chỗ dị đồng với chính sử là thế! Cũng với khoảng thời gian chưa xa, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có buổi trò chuyện thân mật với một số con cháu họ Hồ. Chắc rằng mọi chuyện vẫn chưa phải đã hết. Còn có những điều sâu kín, dài dài, chưa thể nói ra, nhưng cũng rất con người, đang ở sân sau…
Mong ông bà, chú bác, anh em… cùng hương hồn Liệt Tổ Liệt Tông tha thứ cho.
Mùa xuân Đinh Hợi (2007)
(Địa chỉ: Hồ Sĩ Sênh, xóm Nghĩa Thai, xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn, Nghệ An. ĐT: 0383 785248)
© 2007 talawas - 23.8.2007

[1] Trăm Hoa xuất bản, California 1993, 288 trang (các chú thích trong bài đều của talawas)
[2] Các cách ghi âm khác: Nguyễn Sinh Côông, Nguyễn Sinh Côn, Nguyễn Sinh Công
[3] Do dời làng lên núi để làm kinh tế
 

No comments:

Post a Comment