HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Friday, 20 September 2013

NVGP *282. TÁC PHẨM THANH CHÂU

282. TÁC PHẨM THANH CHÂU

Thanh Châu
Mua hàng mậu dịch [8]
(phóng sự)

Sáng chủ nhật. Xe đạp chất đống trên hè nhà bách hoá. Giữa ngã tư, đồng chí công an múa găng tay điều khiển trật tự như một nhạc trưởng thận trọng. Chị Mênh nhìn đám đông tới tấp trước cửa hàng, hơi ngại. Chị Mênh là một cán bộ yếu vừa đi bệnh viện về. Chị có hai cái “séc” truy lĩnh trong tay. Chị nhờ tôi đi chọn ít hàng. Chị coi tôi là kẻ có ít nhiều kinh nghiệm xông pha mua hàng mậu dịch.

Muốn tỏ ra mình can đảm tôi quyết mở một “con đường máu”. Tôi nghĩ đến những đứa trẻ nhà chị đuơng chờ quần áo mới. Chị Mênh lách theo tôi. Hơi người trong ruột nhà hàng ngùn ngụt bốc. Mặt chị tái đi, chị Mênh hơn hếch mũi lên trần. Người quây chung quanh chúng tôi như trong chậu cá. Tôi chụm tay hét to vào tai chị: “Một là đi về, hai là đi vòng chọn hàng, lấy giá, làm séc, nhanh lên không lại kẻng”.

Những tiếng tôi vừa nói có vẻ “chuyên môn”! Tôi an ủi.

Nghĩa là ít nhất chúng ta phải “quan sát” các mặt hàng cho kỹ đã, quan sát và lấy giá.
Cuộc đời không giản dị như chị tưởng. Ví dụ, chị định mua 5 thước vải mình vừa ý, thì phải nhìn xem cái séc của mình ghi bao nhiêu tiền đã. Nếu 5 thước vải mà đúng 1 vạn đồng ghi trong séc thì gọn quá mất rồi.

Chị Mênh lo lắng.

“Thế quá số tiền ghi trrong séc. Ví dụ hai vạn?”

“Thì phải trả hai nghìn nữa, bằng tiền túi của mình, chứ không phải tiền đi xin được.”

“Thế trường hợp 5 thước vải không đến một vạn đồng?”

“Thì lại đi quan sát xem có thứ hàng gì vừa với số tiền thừa…, đôi tất nội, cái bàn chải, tuỳ ý chị.”

Biết chị Mênh đã nắm được phần nào “quy luật” mua hàng, tôi bắt đầu giới thiệu các loại mà tôi gần thuộc hết – vì mất bao nhiêu ngày nghiên cứu – cũng trong trường hợp mua hàng bằng séc trước chị Mênh:

“Thuốc đánh răng Trung Quốc và nội hoá, giày Tiệp thể thao và giày da các cỡ, vải bông in hoa bọc chăn, vải ca-rô Bảo các màu, téc-mốt vỏ tre đan và vỏ sắt, vải xám Đông Đức và vải tím công nhân, vải pô-pơ-lin kẻ và lanh cứt ngựa…”

Chị Mênh ngắt lời tôi:

“Tôi chỉ cần một cái thau men, nếu có thể, một cái áo đi mưa cho anh ấy đi công tác, vài thước vải.”

“Nếu thế thì chi đi mua ngoài, các cửa hàng ngoài thiếu giống! Có nhiều thứ đẹp và tốt của mậu dịch bán giá ngoài hơn đây một chút…”

Chị Mênh hơi cáu. Tôi có cảm tưởng như chị cự tôi, coi tôi là… mậu dịch:

“Nếu thế có séc lại đi sắm ngoài à?”

Tôi đại thí:

“Gửi séc cho ngân hàng giữ hộ tiền mình.”

Chị Mênh cười tươi hẳn người lên:

“Ừ hay là gửi vào đấy, để ít ngày, ta lấy tiền ra lại mua hàng như thế gọn hơn.”

“Nhưng chị phải chờ sáu tháng.”

“Sáu tháng séc mới thành tiền à? Có mà hoá dại.”

“Thế chị rút sổ tay, lấy bút ra nào, ta bắt đầu…”

Chị Mênh như bỗng nhớ ra điều gì:

“Tôi nghe nói còn mấy cửa hàng nữa, cũng của mậu dịch gần đây.”

“Đúng. Một cửa nhàng ngũ kim có xe đạp và các thứ tương tự, không bao giờ mình dám nghĩ tới. Một cửa hàng bán buôn. Một cửa hàng, có cả áo đi mưa và chậu thau men đấy, nhưng cửa hàng bách hoá Hàng Bài thì tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm sống…

Người chị Mênh bỗng vẹo đi. Một đám đông đương ào lên xô đẩy chị như cái bọt trên làn sóng. Có tiềng thét ở cuối gian hàng: “Chết bỏ mẹ tôi rồi, nó rút mất cái bút Pác-cơ rồi!” Mấy anh bộ đội chạy theo hút đứa lưu manh. Tôi kéo vội chị Mênh ra phía cửa. Mặt chị tái hơn ban nãy. Chị hít không khí như người chạy việt dã thi về. Chúng tôi đi về phía Hàng Bài.

Cũng lại xe đạp chất đống bên hè trước cửa hàng bách hoá Hàng Bài. Cũng người ra vào như đi xem triển lãm. Giấy viết dở, bông xé tung vãi trên nền gạch. Người ngồi nghỉ chân ngay bực cửa. Có người đang giở cơm nắm ăn để chờ đến lượt mua hàng. Một chị có chửa lảo đảo đi ra, vịn tay ghi-đông xe đạp nôn thốc nôn tháo. Chị cố len từ sáng, nhưng đành không mua được thứ gì, mặt đỏ bừng như say rượu, áo nát nhàu vạt trước vạt sau.

Tôi đương nghĩ đến những cửa hàng thơm tho, đi lại thảnh thơi, tha hồ chọn ngắm. Đi mua sắm đôi lúc cũng là lúc hạnh phúc cho con người. Bỗng một anh cán bộ quen đập mạnh vào vai: “Về thôi, tôi khoẻ thế này mà có tướng còn định trèo qua đầu mình để được mua trước thì phải biết!”

Anh chỉ mấy bà Liên Xô đương tất tả đi ra:

“Anh xem, các bà này cũng đến chịu thua rồi.”

“Hàng dành riêng cho nước bạn?”

“Chắc là không thích, hay ở đấy không đủ mặt hàng?”

Một người đàn bà ngồi dưới đất nói xen vào:

“Tôi từ Bắc Ninh sang hai hôm rồi chưa mua được bốn thước vải láng, ăn chực nằm chờ thế này, còn sầu bằng vạn các bà ấy chứ?”

Chị Mênh đã có kinh nghiệm xông xáo hơn ban nãy. Chị lên gác, xuống nhà, dừng lại chỗ này, chỗ khác. Chị hỏi giá những người đã mua được vải đương căng ra giữa lối đi, hàng chục thước, làm vướng thêm người đang chen chúc. Một tay sổ, tay bút chì, chị ghi tên hàng, làm tính cộng, tính nhân. Chị bảo tôi:

“Thôi đành mua cả ở đây thôi. Tôi có khăn mặt, xà phòng rồi, cũng cứ thế mua thêm cho đủ séc.”

Nhưng việc đời lại không dễ dàng như tôi đã cảnh cáo chị một lần. Cửa hàng này, có lối làm việc khác bên Tràng Tiền một chút. Nghĩa là muốn mua thứ gì, phải nói với chị bán hàng ghi vào một cái bông xong rồi đưa lên gác giả tiền, xong rồi lại cầm cái bông ấy xuống nhà đưa cho chị bán hàng.

Hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi bị thúc đẩy, có lúc bị ép dẹp như tàu lá. Đến khi chị Mênh quyết định xong, vừa đưa chứng minh thư ra để làm séc, thì kẻng cũng vừa báo nghỉ.

Một anh đứng cạnh chúng tôi, gạt mồ hôi trán, nói như tuyệt vọng:

“Đời cứ như là đánh số. Chỉ còn vài thước loại này thôi, không mua kịp bây giờ là hết đấy.”

Tôi chưa kịp hiểu, thì anh chàng đã nháy mắt tôi một cái:

“Có gì đâu, hàng này ít mà lại tốt, lại rẻ ghê! Em định nhờ các anh cán bộ lúc mua hàng thì mua thêm cho em mỗi người vài thước. Ngoài kia đã có khối anh chờ, lại bán cho các hiệu may làm lót đấy mà, kiếm chác tí ti thôi!”

Tôi nhìn chị Mênh như người ngái ngủ. Kinh nghiệm của tôi mấy lần trước đây cũng không giúp ích gì cho chị.


Trên đầu giường chị Mênh có mấy quả cam. Đó là quà của các bạn nghe tin chị ốm đến thăm. Mặc dù ốm, chị cũng phải kể lại lần thứ một trăm tai nạn vừa xảy ra cho chị. Ở nhà hàng Bách hoá về chị choáng váng vì tim yếu, suýt ngất đi, phải bỏ cơm chiều. Cái xe đạp chị mượn của người quen không kịp khoá, đã bị kẻ gian lấy lúc nào không biết. Bây giờ còn lại hai cái séc. Chị tính ai cần thì chị bán rẻ đi. Để vay thêm tiền đền vào cái xe đã mất. Một anh bạn miền Nam nghe xong nổi đoá ngay:

“Tôi đã nói chị không tin. Lần trước chị có xem báo Văn nghệ mục ‘Nụ cười’ đó chớ? Chính tôi viết cái bài anh cán bộ bắt buộc phải mua thuốc bổ thận là thứ mà thận anh ta không cần đến, cho đủ số tiền ghi trong séc. Chính tôi đó chớ ai?”

Một anh cán bộ vừa đi Cải cách Ruộng đất về có mặt ở đấy cũng an ủi chị:

“Tất cả chúng ta đều trải qua cái đó. Tất cả khách hàng và anh em các cơ quan, chị cứ hỏi bất cứ ai cũng có một chuyện vui, buồn về mậu dịch.” Anh chỉ vào ngực mình:

“Mà chính tôi đây cũng đã từng hút thuốc lá Bảo mốc của mậu dịch bán rẻ cho cán bộ, hồi đi học ở trường Cải cách. Tôi suýt ốm ho, bỏ công tác vì thiếu thuốc phải hút bừa cái đó.”

Một anh mặt đăm chiêu nói có vẻ xót xa:

“Tôi cũng có nghe rất nhiều người nói đến cái sự bán hàng hỏng mốc cho cán bộ. Có một dạo chúng ta được ăn bánh mì chua, bán rẻ cho các cơ quan buổi sáng. Người ta bảo bột mì làm bánh là bột ở kho bị giột, bán lại làm cho các nhà thầu làm. Một giáo sư kể chuyện là ông ta ăn phải sữa hỏng cũng đau ruột liền 3 tháng. Lại có anh than phiền là chưa được biết mùi bơ là gì, thì bơ đã hỏng rồi, nghe nói phải đem nấu xà phòng."

Chung quanh giường người ốm vì Bách hoá, bây giờ mạnh ai ấy nói. Không khí có vẻ như tố khổ. Có người nói đến thuốc lá "Đại tiền môn" không hiểu sao đầu tiên bán 9 trăm, rồi một nghìn mốt, bây giờ lại phải mua lẻ đến 3 nghìn rưởi một gói. Có người thắc mắc: đến cửa hàng mậu dịch ngũ kim thấy có bầy xe đạp "Mercier", không hiểu bầy ra làm gì mà lúc thấy đông người hỏi lại đâm cuống lên rồi vội cất biến đi. Có người len vào Bách hoá mua không được vải, bực mình lên tận chợ Đồng Xuân, thì các chị bán hàng tấm lại buộc mình cứ một thước vải xanh Trung Quốc lại phải mua kèm theo một thước vải hoa to bằng cái bát, để làm gì không biết?

Mọi người đuơng tranh nhau nói thì một chị đánh máy trong một cơ quan phát biểu:

"Tôi tưởng không phải chỉ có khách hàng là ‘nạn nhân’ của những việc ta vừa kể. Cho được công bằng ta nên nghĩ đến những người đau khổ khác. Công tác đánh máy của tôi đã mệt, nhưng so với các chị bán hàng vẫn thường đo vải láng đen Nam Định ở Bách hoá thì tôi phục quá. Cứ suốt ngày không một lúc hở tay, chỉ có một mình mà đo, cắt, tính vào sổ, cho hàng ngàn người xúm quanh hò hét, như vậy thì phát điên lên được."

Tôi cũng chợt nhớ ra người đàn bà "anh dũng" ấy. Tôi đã từng thấy chị giữa giờ kẻng nghỉ tay ăn cơm, mặt thất sắc và uể oải. Không biết chị có tính nhầm đến nỗi phải đền vào lương tháng của chị không? Không biết chị ăn cơm sau buổi bán hàng có nhạt miệng không?

Tự nhiên tôi muốn biết tên chị quá. Tôi suy nghĩ: "Giá một ngày kia, nghe tin chị được huân chương thì tôi rất vui lòng".

Chị Mênh, chừng khát lắm, ra hiệu cho bạn bè xin cốc nước. Anh bạn Nam bộ ban nãy chợt gõ vào đầu một cái:

"Tôi phải viết chuyện này mới được."

Không đợi mọi người hỏi lại, anh tiếp theo luôn:

"Tôi sẽ viết chuyện một người mang séc đi mua hàng mậu dịch. Bắt đầu thì anh rất yêu đời, hăng hái. Nhưng sau một cuộc đấu tranh liên tiếp mấy ngày liền, sau một cuộc chen chúc, tính toán, ảnh hưởng đến cân não, rút cuộc anh cũng mua được hàng mậu dịch. Nhưng rồi anh ốm, ốm gần chết nữa, và nằm trên giường, liệt vị, anh ngắm nhìn những hàng hoá mà anh đã mua bằng tiền lao động của mình, những thứ đồ dùng không cần thiết gì cho đời anh cả."

Tôi nối lời anh:

"Tôi cho sống ở đời mà lại đánh mất xe đạp của người khác như chị Mênh, còn khổ hơn là kẻ mua được những thứ hàng mà mình không thích."

No comments:

Post a Comment