47 . TRỊNH XUÂN CHÂU * XỬ ÁN NVGP
Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm theo ý kiến ông Trịnh Xuân Châu
Thư mục: Chung |
Đăng ngày: 06:19 17-11-2008
Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm theo ý kiến ông Trịnh Xuân Châu: xử thế vẫn còn là nhẹ ???
LẬT LẠI VỤ ÁN NHÂN VĂN GIAI PHẨM
TRỊNH XUÂN CHÂU
Nhà văn trưởng lão Tô Hoài, từng là Phó Tổng Thư Ký Hội Nhà Văn VN những năm có vụ Nhân Văn, có nói rằng: “(Theo Tô Hoài) đó thực chất là một vụ án chính trị, nhưng vì quàng vào một số nhà văn nên người ta cứ tưởng một vụ án văn chương. Nhân sai lầm ở cải cách ruộng đất và ta chuẩn bị cải tạo tư sản ở Hà Nội, hai tay Tây, một là Tổng Giám mục ở nhà thờ Hà Nội tên lÀ Dudley, hai là tay tùy viên văn học của Sứ quán Pháp tên là Durand Fischer, bèn xúi giục mấy ông đảng xã hội: Hoàng Văn Đức, Đỗ Đức Dục, Vũ Đình Hòe đòi ngang quyền với Đảng Lao Động. Fischer có liên hệ với Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Minh Đức (Trần Thiếu Bảo). Lúc này tư nhân ra báo không phải xin phép (hồi ấy ta vẫn còn theo chế độ của Pháp). Ta bắt ba người có dính đến Pháp là Đang, An và Bảo. Còn hai tay Tây thì trục xuất khỏi Việt Nam sau một tuần lễ. Còn Hoàng Văn Đức, Đỗ Đức Dục, Vũ Đình Hòe thì lặng lẽ cho thôi thứ cả. Bây giờ sửa sai thì cứ lặng lẽ kết nạp lại vào Hội Nhà Văn và tặng giải thưởng Nhà nước cho mấy ông Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm… Cho nên vụ án vẫn mù mờ chưa mấy ai hiểu rõ. Tổng chỉ huy chống Nhân văn là Hoàng Văn Hoan. Tố Hữu chỉ là người thừa hành. (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh – 2008).
Đó là một nhân chứng đáng tin cậy. Và còn rất nhiều nhân chứng khác về vụ này, liên quan đến ông Trần Dần và thơ Trần Dần. Nhưng trước hết hãy đọc lại Nghị quyết của Đảng Cộng Sản lúc bấy giờ nói gì. Nghị quyết đó có đoạn: “Tình hình trên đây là miếng đất tốt cho những phần tử thù địch tiến hành những hoạt động phá hoại. Nhằm vào chỗ yếu của mặt trận văn nghệ, nhất là dựa vào sự mơ hồ về lập trường tư tưởng của số đông văn nghệ sĩ, những phần tư phá hoại đã tiếp tục hoạt động và tác hại một cách nghiêm trọng. Rõ ràng những phần tử chống chủ nghĩa xã hội, chống Đảng đã nhân chỗ sơ hở của ta mà tiếp tục tấn công ta, về mặt tư tưởng dưới hình thức văn nghệ. Sự hoạt động của những phần tử phá hoại trong giới văn nghệ là một hiện tượng hết sức nguy hiểm, một vấn đề cấp bách cần giải quyết…” (Nghị quyết của Bộ Chính Trị BCHTƯ Đảng Cộng sản VN - số 30 NQ/TƯ ngày 6-1-1958.
Ông Trường Chinh, trong báo cáo tại hội nghị TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ 10-21-3-1958 nói: “Những người tuyên truyền những tư tưởng tư sản trên đây đã ngụy trang dưới những khẩu hiệu nịnh dân như “ủng hộ Đảng”, “ủng hộ chế độ”, “nhân đạo”, “nhân văn”, “dân chủ hóa Nhà nước”, “tự do sang tác”, “đả đảo bè phái”, “phản đối công thức”, “phản đối chủ nghĩa giáo điều”, “chống tả khuynh”... v.v… Tuần báo “Nhân Văn” cũng như trên những tập văn “Giai phẩm” và “Đất nước” thật không khác gì những “cơ quan tác động tinh thần” của bọn đế quốc và Ngô Đình Diệm ở miền Bắc. Dã tâm của bọn “Nhân Văn” là tưởng có thể dùng những cơ quan nói trên như bọn phản cách mạng Hunggari đã dung nhà xéc Pêtôphi để từ chỗ phê bình, đã kích lãnh đạo, tiến tới cổ động quần chúng ra đường biểu tình như ở Pôdơnam và Buđapét!. Ta không lấy làm lạ thấy các cơ quan tuyên truyền của Mỹ - Diệm nhiệt liệt ca ngợi “những hành động dũng cảm của bọn Nhân Văn”.
Sơ qua vài cứ liệu như thế để thấy thêm vụ án Nhân Văn là vụ án chính trị, có nhiều văn nghệ sĩ dính líu. Nghị quyết của Ban Chấp Hành Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam còn nói mạnh hơn: “Qua đấu tranh, mọi người đã nhận rõ nhóm “Nhân Văn – Giai phẩm” là một nhóm phá hoại, hoạt động hết sức nguy hiểm trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhằm chống lại Tổ quốc, nhân dân, chống lại chủ nghĩa xã hội, chống chế độ ta và Đảng ta. Cầm đầu nhóm đó là những tên “tác động tinh thần” lành nghề, Tơ-rốt-kít lâu năm, những tên phản cách mạng già đời hoặc đầu cơ cách mạng và phản bội, câu kết với một vài phần tử phản động trong giai cấp tư sản. Bọn chúng dựa vào môt số văn nghệ sĩ kháng chiến trở về, số người này từ khi về thành thị đã bị lối sống trụy lạc và tư tưởng phản động làm cho biến chất, từ chỗ sa đọa về đời sống, tư tưởng và nghệ thuật, họ đã rơi vào con đường chính trị phản cách mạng. Những hoạt động phá hoại của những bọn kể trên đã diễn ra một cách liên tục và có hệ thống trong văn nghệ và trong trường Đại học, suốt mấy năm nay” (Nghị quyết hội nghị, Hà Nội 4-6-1958, Nhà xuất bản Sự thật)
Ngày nay, sau 50 năm, với bao biến đổi, nhìn lại vấn đề, chúng ta có thể thấy ngôn từ và hành động thời ấy thật quá kiên quyết, cứng rắn. Nhưng kháng chiến, đánh giặc là kiên quyết và cứng rắn, không thể khác. Kỷ luật cũng khá nhẹ: Hoàng Cầm chỉ bị cảnh cáo và khai trừ ra khỏi Ban Chấp hành Hội Nhà Văn, Trần Dần, Lê Đạt chỉ bị khai trừ trong thời hạn 3 năm… Có người nói: so với việc Liên Xô, Trung Quốc làm, thì Việt Nam là “nhẹ tay” (thực ra thì việc khai trừ 3 năm lại biến thành 30 năm!)
Mấy chục năm nay, các cơ quan tuyên truyền thông tấn của miền Nam (khi trước), hải ngoại, phương Tây… cho trấn áp Nhân Văn là trấn áp tự do dân chủ. Nhưng hoàn cảnh lịch sử nhận thức lịch sử lúc ấy là thế, mà chưa thấy Đảng ra nghị quyết vào “xét lại” cả. Việc tặng thưởng giải Nhà Nước cho một số nhà văn đã tham gia Nhân văn, có lẽ là xuất phát từ thiện ý muốn trong tình hình đổi mới, sau thắng lợi của chiến tranh chống Mỹ, mà “hòa giải”, giữa những người dù sao cũng một thời cùng một chiến hào, chứ chắc Chủ Tịch Nước không có ý “sám hối” mà ký lệnh trao giải, như mạng Talawas nói.
Còn về nhà thơ Trần Dần, thì trong cuộc đó, ông đã nói những lời như sau: “Tất cả cái gọi là sự nghiệp chống công thức, tìm cái mới của tôi chỉ là sự nghiệp chống Đảng ngày càng trầm trọng và khôn khéo hơn, như thế mà thôi. Con đường tôi đã đi là đi từ những bất mãn cá nhân đến chống Đảng, ngày càng trầm trọng.
Đi từ chống đối hung hăng đến chống đối tinh vi.
… Tất cả những chuỗi gọi là sáng tác “mới”, “có tư tưởng” với lại “chống công thức” của tôi đó chỉ là những hành động phá hoại, một chuỗi những tội lỗi chất cao mãi lên… Tôi đã “giả danh cách mạng”, lừa mình dối người là tôi đứng ở ở mũi nhọn đấu tranh chống chủ nghĩa Sta-lin, nhưng sự thực tôi đã đứng ở mũi nhọn của chủ nghĩa tư bản, chống lại chủ nghĩa xã hội đã bắt đầu xây dựng ở miền Bắc từ 3 năm nay. Tôi đã đứng ở hang ngũ bọn xét lại tơ rốt kít, bọn chống Cộng, bọn gián điệp, bọn phá hoại các cỡ, và đằng sau hết là sự thật giẫm của bọn đế quốc trùm sỏ chúng đã chăng khắp nơi một cái lưới, chằng chịt rất tinh vi những tư tưởng và âm mưu phản động. Suốt thời gian qua, tôi đã múa may trong sự điều khiển của các đường dây tư tưởng địch đó, múa may tợn tạo, khác gì con rối phản cách mạng lầm tưởng mình là một con người. Trong 3 năm qua, tôi đã sống hèn nhát đau khổ và hằn học. Một chuỗi ngày u mê nó tiêu ma sức lực vật chất và tinh thần. Tư tưởng thù địch phá rỗng tâm hồn tôi”
(Văn học, số 1, ngày 25-5-1958
Văn Nghệ, số 12, tháng 5 – 1958)
Ngày nay, chúng ta cảm thấy những lời lẽ ấy là những lời quá nghiêm khắc, “đao to búa lớn”, nhưng hồi ấy, đó là thường. Nhưng nhìn lại việc trao giải, và hàm ý trao giải cho “Trần Dần – Thơ”, ta buộc lòng phải truy lại trước sau, xem đâu là phải, trái, đứng đắn hoặc sai lầm, rồi nhìn vào cái sâu xa của hàm ý muốn lợi dụng vụ Nhân văn một lần nữa của một số thế lực trong ngoài…
Nguồn: Tuần báo Văn Nghệ TPHCM
http://vn.myblog.yahoo.com/jw!D9k_6D.aERo6aFEwiiXRB.BA/article?mid=1263
===
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments: