HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Sunday 22 September 2013

NVGP *82. MINH TÂM * PHÙNG QUÁN

82. MINH TÂM * PHÙNG QUÁN

Minh Tâm
Nhà văn Phùng Quán mang nỗi oan khuất xuống mồ

Nhà thơ Ngô Minh có rất nhiều tư liệu về Phùng Quán, nhờ đó anh đã tổ chức bản thảo, biên soạn được hai cuốn sách rất có giá trị, được bạn đọc cả nước đánh giá cao, đó là cuốn Nhớ Phùng Quán (NXB Trẻ 2003) và Phùng Quán - Ba phút sự thật (NXB Văn Nghệ 2006). Rất nhiều năm trước, Ngô Minh đã cho tôi xem “Đơn kháng cáo” của nhà văn Phùng Quán gửi các cơ quan pháp luật tối cao của Việt Nam kiện việc Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương đã vu cáo mình một cách trắng trợn trong chuyến đi Sài Gòn đầu năm 1994. Ngô Minh bảo đây là bản phô tô anh Quán gửi cho để biết. Anh cho phép tôi phô tô một bản. Hồi đó tôi xem lá đơn kháng cáo mà nổi da gà và rất thương và lo lắng cho anh. Tôi không hiểu tại sao số phận của anh luôn luôn bị những oan khiên tày trời đeo đuổi tới già như vậy. Rồi đầu năm 1995, anh Phùng Quán qua đời, tôi không nghe anh Ngô Minh nói đơn kháng cáo của anh Quán đã được xử lý hay chưa. Gần đây, nhân đám tang cụ Nguyễn Hữu Đang, trên mạng talawas số 401, ngày 14-2-2002 có công bố hai bức thư của cụ Đang gửi cho Hoàng Hưng, viết vào giữa năm 1994. Trong bức thư thứ hai viết ngày 6-6-1994 có đoạn cụ Đang nhắc lại chuyện Phùng Quán bị vu cáo oan như sau:

“Gần đây Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương có soạn một tài liệu chống những hoạt động phá hoại an ninh chính trị, gửi cho các đảng ủy địa phương dùng, cụ thể là để tất cả các chi bộ Đảng học tập. Đoạn cuối tài liệu có một câu qui cho Phùng Quán đã tiếp tay cho nhóm Nguyễn Hộ chắc anh đã biết rõ. Rồi đây Quán sẽ có thư kể lại đầu đuôi sự việc. Trong thư này tôi chỉ có thể khẳng định một câu là Phùng Quán oan, C.A. đã báo cáo sai và Ban TTVH T.Ư. đã thiếu xác minh thận trọng.

Mặt khác, chắc Quán sẽ đấu tranh thanh minh, nhưng cũng còn lâu mới giành được sự công bằng, và trong khi đó thì Quán mang tiếng thế nọ thế kia, rất thiệt hại. Quán đã phải tính đến nước kiện Ban TTVH T.Ư. trước toà án về tội vu cáo nếu họ không chịu sửa sai đến nơi đến chốn.

Không hiểu những người có quyền phân xử sẽ giải quyết êm thấm, hay là sẽ lờ đi, coi như chẳng có chuyện gì, hay là sẽ trấn áp người khiếu tố?”

Nhân chuyện này, tôi xin gửi đến bạn đọc talawas toàn văn đơn kháng cáo của nhà văn Phùng Quán.


*


Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 1994

ĐƠN KHÁNG CÁO

Kính gửi:

* Uỷ ban lập pháp của Quốc hội
* Viện Kiểm sát tối cao
* Toà án Nhân dân tối cao

Đồng kính gửi:

* Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
* Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương
* Ban Tuyên huấn Thành uỷ Hà NộI
* Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam

Tôi là công dân Phùng Quán, cán bộ về hưu, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, 64 tuổi, hiện thường trú tại khu tập thể Trường Chu Văn An, số 10-Thuỵ Khê, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Đầu tháng 5-1994, do tình cờ tôi được đọc một tài liệu dày 8 trang in khổ 30 cm x 19 cm. Trang đầu tài liệu ghi:

“Hà Nội ngày 8-4-1994 - Đảng Cộng sản Việt Nam, Thành uỷ Hà Nội. Ban Tuyên giáo. Tài liệu phổ biến đến đảng viên và cán bộ các đoàn thể. Theo kế hoạch số 38/KH-TU, ngày 7-4-1994 của Thường vụ Thành uỷ; (tài liệu lưu hành nội bộ), thực hiện công văn 212/ CVTW cuả Ban Bí thư Trung ương, Ban Tuyên giáo Thành uỷ sao nguyên văn hai tài liệu do Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương biên soạn: 1 - Bài nói của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Hội nghị cán bộ do Ban Bí thư triệu tập tại Hà Nội ngày 3-3-1994; 2 - Hoạt động của một số thế lực thù địch và chống đối. Các chi bộ, đảng bộ cơ sở đọc toàn văn trong kỳ sinh hoạt gần nhất. Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội ."

Trang cuối và dòng cuối tài liệu thông báo ở phần 2 “Hoạt động của một số thế lực thù đich và chống đối” ghi:

“Đầu năm 1994, Đỗ Trung Hiếu đã tổ chức cho Phùng Quán từ Hà Nội vào gặp ở nhà riêng, trong đó có Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu, Bùi Minh Quốc, nghe Phùng Quán trình bày lại vụ Nhân văn-Giai phẩm, từ đó bóp méo toàn bộ sự thật, vu khống, đả kịch Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Kính thưa các cơ quan luật pháp của Nhà nước,

Do tính chất hết sức nghiêm trọng của tài liệu thông báo nội bộ này có liên quan đến cá nhân tôi, nên buộc lòng tôi phải viết đơn kháng cáo gửi đến các cơ quan lập pháp và hành pháp của Nhà nước.

Theo nội dung cũng như lời văn của tài liệu thông báo nội bộ, Ban Tư tưởng Văn hoá của Trung ương đã ghép tôi vào thế lực thù địch và chống đối Đảng và Nhà nước, và tôi đã phạm phải hai trọng tôi trong Bộ luật Hình sự:

1. Liên kết, tiếp tay cho một tổ chức chính trị phản động nguy hiểm do Nguyễn Hộ cầm đầu… “có chủ trương nặn ra cái tổ chức gọi là Đảng Nhân dân Cách mạng và Liên minh các Lực lượng Dân chủ, với lực lượng chủ yếu 10 tỉnh Nam bộ, hoạt động hợp pháp kết hợp với bán hợp pháp và bất hợp pháp, để đấu tranh chính trị, kinh tế kết hợp với dùng lực lượng vũ trang. Tìm mọi cách xuyên tạc thực tế, vu cáo trắng trợn, nhiều chỗ mang tính kích động, kêu gọi quần chúng hành động, chống Đảng Cộng sản, từ bỏ C.N.X.H, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa…” (trích nguyên văn tài liệu thông báo)

2. Bóp méo toàn bộ sự thật vụ Nhân văn-Giai phẩm, vu khống đả kích Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tôi thiết nghĩ, một công dân phạm phải hai trọng tội như vậy, pháp luật phải lập tức truy tố, tống giam và đưa ra xử tội trước toà án nhân dân. Tại sao lại phải xử lý bằng cách thông báo nội bộ? Hay là do Đảng chiếu cố, khoan hồng đối với cá nhân tôi?

Nhưng là một công dân và một nhà văn có tư cách, tôi xin được khước từ lượng khoan hồng đó. Để góp phần làm sáng danh luật pháp của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời để làm gương cho những ai có manh tâm vi phạm luật pháp, làm phương hại nền an ninh quốc gia, tôi khẩn thiết yêu cầu các cơ quan lập pháp của Nhà nước:

* Đưa tôi ra xét xử công khai trước Toà án Nhân dân với đầy đủ các thủ tục tố tụng của Bộ luật Hình sự;

* Trong khi xét xử, nếu cơ quan soạn thảo ra tài liệu thông báo nội bộ trên chứng minh được bằng những chứng cớ xác thực, tôi không chối cãi được, sự việc: “Đầu năm 1994, Đỗ Trung Hiếu đã tổ chức cho tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn gặp gỡ ở nhà riêng để trình bày lại nội dung vụ Nhân văn–Giai phẩm với Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu, Bùi Minh Quốc, từ đó bóp méo toàn bộ sự thật, vu khống, đả kích Đảng Cộng sản Việt Nam”, tôi xin tự nguyện nhận lãnh án tù khổ sai chung thân để các cơ quan pháp luật, toà án khỏi mất công, mất thời giờ luận tội, xét xử.

* Ngược lại, nếu họ không chứng minh được, và tôi với những bằng chứng và nhân chứng cụ thể, chứng minh trước toà án sự việc ghi trong bản thông báo là hoàn toàn bịa đặt, thì tôi xin kiện lại cơ quan trên với hai điều kiện sau đây:

1. Họ đã bịa đặt, bóp méo toàn bộ sự thật, vu khống tôi, xúc phạm nghiêm trọng đến tư cách công dân và nhà văn của tôi.

2. Họ đã dồn đẩy tôi vào một hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm; biến tôi, một công dân, một cựu chiến binh, một nhà văn vừa được phục hồi hội tịch (1988) sau đúng 30 năm bị tước quyền viết văn một cách oan uổng, trở thành đối tượng căm thù của năm triệu (5.000.000) đảng viên (con số đảng viên của Đảng mà tôi được biết). Điều vu khống của một trong những cơ quan quyền lực tối cáo của Đảng - Ban Tư tưởng Văn hoá - hiện đang đe doạ nghiêm trọng cuộc sống và nghề nghiệp viết văn của tôi.

Để góp phần vào việc làm sáng danh khẩu hiệu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra cho toàn dân: “SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT!”, một lần nữa tôi khẩn thiết yêu cầu các cơ quan luật pháp của Nhà nước sớm hồi âm đơn kháng cáo của tôi, và sớm đưa tôi ra xét xử công khai trước pháp luật.

Nay kính đơn
(Ký tên)
Phùng Quán


*


Đọc “Đơn kháng cáo” được viết với thái độ kiên quyết, thắng thắn và quyết liệt như thế, ai cũng biết Phùng Quán là người trung thực. Nhà thơ Ngô Minh kể rằng, đợt anh Phùng Quán đi TP Hồ Chí Minh đầu năm 1994 là do Công ty mì Vifon mời. Vì lúc đó nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, bạn thân của Phùng Quán, đang ở Sài Gòn, nên giám đốc Công ty mì Vifon mời Phùng Quán vào để chơi cùng bạn bè cho thêm vui, chứ anh Quán không biết Đỗ Trung Hiếu là ai cả. Công ty mì Vifon cho tiền mua vé máy bay, nhưng anh Phùng Quán không có thẻ chứng minh nhân dân nên không mua vé máy bay được, chỉ mua vé tàu hoả. Đợt đi đó anh Phùng Quán cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường, doanh nhân Lê Minh Ngọc (vì anh Ngọc là đảng viên, nên anh Tường và Phùng Quán hay gọi là “tư bản đỏ”) đi lên thăm Đà Lạt, có quay camera cẩn thận.

Gần 7 tháng sau khi “Đơn kháng cáo” được gửi đi, nhà văn Phùng Quán lâm bệnh nặng và qua đời ngày 22-1-1995. Như vậy, sinh thời anh chưa được các cơ quan pháp luật “hồi âm” kháng cáo hay đưa ra xét xử để làm rõ trắng đen: Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương hay Phùng Quán, ai là kẻ vu cáo, bịa đặt? Ai đáng bị pháp luật nghiêm trị công khai trước nhân dân? Nhà thơ Ngô Minh cho biết, đã hỏi lại chị Vũ Bội Trâm, vợ anh Quán, trước và sau khi anh mất, có văn bản nào của các cơ quan mà anh Quán gửi đơn kháng cáo, gửi đến gia đình giải thích sự việc không? Chị Trâm bảo rằng không hề có. Chị kể rằng, gần một tháng sau khi anh Quán qua đời, ông Trần Đăng (Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương lúc đó), cùng một lãnh đạo ban tên là Từ Sơn đến thắp hương cho anh Phùng Quán. Họ mang theo hương, hoa, quả và phong bì một triệu đồng (ngoài phong bì đề là “Ban Tài chính Trung ương Đảng”). Sau khi họ thắp nhang xong, chị Bội Trâm dẫn họ lên tham quan “chòi ngắm sóng”, chị hỏi: “Khi còn sống anh Phùng Quán có cái đơn kháng cáo chuyến vô Sài Gòn đầu năm ngoái, đã mang đến tận Ban Tư tưởng Văn hoá để gửi tận tay, không biết các anh đã đọc chưa?”. Ông Từ Sơn trả lời: “Chúng tôi đã đọc”. Chị Trâm hỏi tiếp: “Sao Ban không có hồi âm?”. Hai người không trả lời. Phùng Đỗ Quyên, con gái đầu anh Quán, mời ghi sổ tang, ông Trần Đăng ghi: “Anh Phùng Quán thân mến! Biết anh từ ngày Vượt Côn Đảo, chúc anh ra đi thanh thản vì sự nghiệp văn học nghệ thuật mà anh để lại”. Chị Vũ Bội Trâm nhận xét: họ viết như thế tức là họ công nhận anh Quán không có tội gì cả. Nhà văn Phùng Quán đã mang theo nỗi oan khuất xuống mồ!

Như vậy Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, cơ quan soan thảo bản thông báo nội bộ đã không có một dòng hồi âm, hỏi cũng không trả lời, tức là “đã lờ đi như không có gì xảy ra”, đúng như cụ Nguyễn Hữu Đang dự đoán trong thư gửi Hoàng Hưng. Đó là việc lâu nay họ thường làm, coi mạng sống của công dân như cỏ rác. Tục ngữ Việt Nam có câu “Lời nói đọi máu”, “bút sa, gà chết”, lời nói của họ có thể dẫn đến việc nhà văn Phùng Quán, một nhà văn luôn được nhân dân tin yêu kính trọng phải chết rũ trong tù ngục hay bị treo cổ trên đoạn đầu đài. Còn họ thì chẳng có bất cứ tí trách nhiệm gì với với những “lời nói đọi máu” của mình vu oan cho nhân dân sao?

Tại sao khi công dân kháng cáo, họ lại im lặng? Tôi cho rằng, dù đã mười ba năm trôi qua, vụ việc này cũng phải xử lý lại thật nghiêm khắc mới đảm bảo xây dựng một “Nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh” như Nghị quyết X của Đảng đã đề ra.



No comments:

Post a Comment