HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Monday 23 September 2013

NVGP * 5.. GIAI PHẨM MÙA THU TẬP III 1956


Giai Phẩm Mùa Thu Tập III

Mục lục
 

  • Lời của nhà xuất bản
     
  • Trương Tửu - Văn nghệ và chính trị
     
  • Mai Hanh - Những cánh cửa đời
     
  • Quảng cáo cho Giai phẩm mùa Thu số IV
     
  • Nguyễn Mạnh Tường - Vừa khóc vừa cười
     
  • Phùng Quán - Người dũng sĩ trên sông Xuân Bồ
     
  • Đào Duy Anh - Muốn phát triển học thuật
     
  • Quảng cáo cho loại sách Đất mới
     
  • Phan Khôi - Ba bài thơ ngắn
     
  • Chu Ngọc - Chúng ta gắng nuôi con
     
  • Quảng cáo cho loại sách Tự do Diễn đàn
     
  • Jovan Djordjevic - Chủ nghĩa xã hội và nhà nước tổ chức chính trị của Nam Tư (Bùi Quang Đoài dịch, Nguyễn Mạnh Tường giới thiệu)

Lời của nhà xuất bản

Để góp phần vào việc chuẩn bị Đại hội Văn nghệ Toàn quốc, để phát huy và đẩy mạnh tự do sáng tác văn nghệ theo phương châm trăm hoa đua nở, chúng tôi xuất bản tập Giai phẩm mùa Thu này, gồm có nhiều bài của nhiều tác giả bản sắc khác nhau, khuynh hướng nghệ thuật khác nhau. Mỗi tác giả chịu trách nhiệm bài viết của mình. Trên tinh thần này, nhà xuất bản thiết tha mong các bạn văn nghệ sĩ cộng tác đông đảo.

Nhà xuất bản Minh Đức


 

*



Trương Tửu
Văn nghệ và chính trị
 


“… Trong sự nghiệp văn học, tuyệt đối phải bảo đảm phạm vi thật rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho sở thích cá nhân; bảo đảm phạm vi thật rộng rãi cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung…”

Lê-nin
(Tổ chức Đảng và văn học Đảng)

Đối với công tác văn học nghệ thuật, Đảng chỉ có một yêu cầu, đó là phục vụ công nông binh, nói trong hoàn cảnh hiện nay, tức là phục vụ tất cả nhân dân lao động bao gồm trí thức

Lục Định Nhất
(Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng)
 

Gần đây, nhân bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” của cụ Phan Khôi (đăng trong Giai phẩm mùa Thu, tập I) vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và chính trị đã được nêu thành một đầu đề tranh luận trên báo chí. Báo Nhân dân có hai bài, một của ông Xuân Trường, một của ông Quang Đạm, đặt ra và giải đáp vấn đề dựa theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Các báo Cứu quốc, Văn nghệ, Thời mới, Độc lập, Tổ Quốc, Tiền phong, Nhân văn… đều nói đến vấn đề cách này hay cách khác.

Đồng thời, một số văn kiện Trung Quốc và Liên Xô được dịch và công bố, cung cấp cho chúng ta nhiều quan điểm soi sáng vấn đề. Đặc biệt có: Văn kiện của Đại hội các nhà văn Xô viết lần thứ hai; Văn kiện của Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20; bài “Vấn đề điển hình trong văn học và nghệ thuật” in trong tạp chí Người cộng sản (Liên Xô); bài nói chuyện “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” của ông Lục Đình Nhất bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 26-5-1956, trong Hội nghị các nhà văn hoá ở Hoài nhân đường; bài toát yếu bản “Tham luận về vấn đề văn học và nghệ thuật” của ông Chu Dương đọc tại Đại hội lần thứ 8 Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 25-9-1956; Tạp văn Lỗ Tấn tuyển tập (cụ Phan Khôi dịch) trong đó có 6 bài bàn về vấn đề vận động văn học cách mạng ở Trung Quốc.

Hiện giờ, chúng ta đang chuẩn bị Đại hội văn nghệ toàn quốc. Công việc chủ yếu là đặt nền móng cho một hệ thống lý luận văn nghệ thích ứng với yêu cầu khách quan của chế độ dân chủ nhân dân tiến lên xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc vận động lý luận văn nghệ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang tiến hành, vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, theo ý tôi, là vấn đề mấu chốt, căn bản. Được giải quyết đúng đắn, nó sẽ gỡ mối cho mọi thắc mắc của văn nghệ sĩ về những điểm: tự do sáng tác và lãnh đạo của Đảng, phục vụ kịp thời và sáng tác lâu dài; bảo đảm nghệ thuật tính và tuyên truyền chính sách, khai thác vốn cũ và hiện đại hoá nghệ thuật, tổ chức chuyên môn và chỉ đạo của Đảng, thâm nhập quần chúng và phát triển cá tính v.v…

Vì vấn đề có một tầm quan trọng quyết định như vậy nên không thể giải quyết nó một cách thô thiển, phiến diện, hấp tấp, giáo điều chủ nghĩa. Phải nghiên cứu nó về mọi mặt, ở mọi khía cạnh với một tinh thần thực sự cầu thị và nghiêm túc. Phải nhận thức nó qua lịch sử thực tiễn văn nghệ nói chung và không được sao nhãng quy luật của sáng tác văn nghệ. Phải tránh lối suy luận xã hội học thô thiển. Phải đặc biệt chú ý đến thực trạng của quan hệ giữa văn nghệ và chính trị ở xứ ta từ sau Cách mạng tháng tám đến giờ mới tránh được tật lý thuyết viển vông, chủ quan, không lợi gì cho sự thúc đẩy phong trào văn nghệ hiện tại.

Để góp phần vào công cuộc xây dựng lý luận văn nghệ tạo điều kiện cho sự thành công của Đại hội văn nghệ toàn quốc sắp tới, tôi xin trình bày dưới đây một vài ý kiến về vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và chính trị.

1. Chính trị tính và tác dụng chính trị khách quan của văn nghệ

Mối quan hệ mật thiết giữa văn nghệ và chính trị không phải là một vấn đề lý thuyết. Đó là một thực tế khách quan. Nội dung thực tế khách quan này là: văn nghệ, tự thân nó, tất yếu phải mang chính trị tính và có tác dụng chính trị; các giai cấp xã hội, xưa cũng như nay, đều sử dụng nó như một vũ khí đấu tranh chính trị - dù người sáng tác văn nghệ muốn hay không muốn, có ý thức hay không có ý thức, có ý thức đúng hay sai. Lý thuyết về sáng tác văn nghệ cũng như lịch sử thực tiễn văn nghệ đều chứng minh sự tồn tại của thực tế khách quan ấy.

Văn nghệ, căn bản, là một thể cách nhận thức và tái tạo thế giới thực tại, một thể cách biến cải xã hội, biến cải con người (về tư tưởng, tình cảm, ý chí, sinh hoạt) bằng đường lối thẩm mỹ. Quy luật sáng tác văn nghệ yêu cầu thực tại khách quan phải xuyên qua tâm hồn chủ quan của cá nhân văn nghệ sĩ mới hiện hình vào tác phẩm được. Nói như nhà phê bình văn học Nga Dobrolioubov, “văn nghệ sĩ đúc kết và thống nhất những cục diện phong phú và trái ngược nhau của cuộc sống vào thế giới quan của mình”. Cho nên, “
bất cứ tác phẩm nào cũng biểu hiện thái độ của tác giả đứng trước thực tế… Qua các nhân vật, nghệ sĩ suy luận về việc này, về một khía cạnh nọ của thực tế, bài bác hay tán thành nó và nói rõ lý tưởng của mình”. [1]

Vì lẽ đó, mỗi tác phẩm văn nghệ, xét đến cùng, mặc nhiên là một quan điểm phê phán của tác giả (bài bác hay tán thành) đối với thực tế xã hội đương thời – quan điểm này được thể hiện qua những hình tượng nghệ thuật ảnh hưởng đến người khác bằng mỹ cảm. “Con người” văn nghệ sĩ nào cũng phải sống trong một hoàn cảnh xã hội nhất định và cụ thể. Trong một xã hội có giai cấp và do đó tất yếu có đấu tranh giai cấp, quyền sống còn của văn nghệ sĩ không thể không trực tiếp liên quan đến một giai cấp nào đó và không thể không bị định đoạt trong hướng phát triển của cuộc đấu tranh giai cấp. Đứng trước những vấn đề thiết thực do cuộc đấu tranh đẻ ra, văn nghệ sĩ không thể không có thái độ và ý kiến, vì những vấn đề ấy giải quyết cách này hay cách khác sẽ ảnh hưởng quyết định đến đời sống của văn nghệ sĩ. Đã có thái độ và ý kiến, văn nghệ sĩ không thể không biểu hiện chủ quan mình trong khi sáng tác. “
Không tài nào sáng tác được nghệ thuật nếu cá nhân nghệ sĩ không khái quát triệt để những hiện tượng và sự trạng của cuộc sống, không có một quan niệm triết lý về cái mình biểu hiện…” [2] . Sáng tác văn nghệ là tự xác định một thái độ, một lập trường đối với cuộc đấu tranh giai cấp đương thời. Một tác phẩm văn nghệ tự thân nó là một hành động đấu tranh giai cấp, trực tiếp hay gián tiếp, ý thức hay vô ý thức, mạnh hay yếu, tuỳ trình độ tư tưởng, tài nghệ và cá tính tác giả. Và khi tác phẩm đã đem phổ biến ra giữa xã hội thì khách quan nó sẽ có tác dụng, ít hoặc nhiều, cách này hoặc cách khác, đến những người đang tham gia đấu tranh giai cấp. Nghĩa là: nó sẽ có lợi cho tầng lớp xã hội này hay có hại cho tầng lớp xã hội khác, ủng hộ giai cấp này hay bài xích giai cấp khác. Sự tác dụng này nhiều khi vượt ra ngoài hoặc ngược lại với ý định chủ quan của tác giả.

Mang nội dung giai cấp và có tác dụng đến quá trình đấu tranh giai cấp tức là có chính trị tính. Một hành động (kinh tế, quân sự, xã hội, văn nghệ, khoa học…) có ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh giai cấp là một hành động có ý nghĩa chính trị và bị các tầng lớp xã hội đánh giá như một hành động chính trị. Sự thực này được chứng minh rõ rệt khi ta nghiên cứu lịch sử văn nghệ từ trước đến nay. Tần Thuỷ Hoàng đốt sách, vua quan triều Louis XIV cấm diễn vở kịch Tartufe của Molière, triều đình Louis XV truy nã Voltaire, tịch thu Bách khoa toàn thư của nhóm Diderot, bọn cầm quyền Napoléon III truy tố tiểu thuyết của Flaubert, thơ của Beaudelaire, bỏ tù những người bán tập Châtiments của V. Hugo; Tưởng giới Thạch thủ tiêu các nhà văn Tả dực tác gia liên minh, thả đặc vụ lùng bắt Lỗ Tấn; trước đây thực dân Pháp cấm và tịch thu những tác phẩm văn học chống lại chúng (thơ của Phạm tất Đắc, văn của Trần huy Liệu, truyện của Vũ trọng Phụng, Nguyễn công Hoan v.v…); bọn tân phát xít Pháp cấm chiếu phim Bel ami của Louis Daquin, sai cảnh sát phá tranh bầy ở Phòng Triển lãm Algérie (Paris); bọn tân phát xít Mỹ cấm phim của Charlie Chaplin; bọn Ngô đình Diệm cấm nhân dân miền Nam hát những bài ca yêu nước, cấm diễn những điệu vũ chiến đấu, phá toà báo Tiến thủ, ném lựu đạn lên sân khấu để khủng bố gánh cải lương Kim Thoa đang diễn một vở tuồng tương đối tiến bộ v.v… - những “văn tự ngục” đàn áp khủng bố văn nghệ sĩ, cấm sách, đốt sách đầy rẫy trong lịch sử các nước không sao kể xiết. Tất cả những sự kiện ấy chứng minh rằng các giai cấp bóc lột cầm quyền, bất cứ thời nào và bất cứ ở đâu, đều nhất trí nhận định: văn nghệ là một vũ khí đấu tranh chính trị sắc bén và nguy hiểm; chúng xử trí văn nghệ như xử trí một chiến tuyến chính trị.

Một mặt khác, nhân dân bị bóc lột và áp bức, bất cứ thời nào và bất cứ ở đâu, vẫn lấy văn nghệ làm vũ khí đánh kẻ thù. Thơ Đỗ Phủ, truyện Thuỷ hử của Thi nại Am, Hồng lâu mộng của Tào tuyết Cần, Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, thơ trào phúng của Trần tế Sương, hài kịch của Molière, Beaumarchais, tiểu thuyết của Rabelais, Diderot, Voltaire, những bài hát của Béranger, nhạc của các nghệ sĩ thiên tài cổ điển, hội hoạ của thời đại Phục hưng, phim ảnh của Charlot, Tạp văn của Lỗ Tấn, kịch của Tào Ngu, tác phẩm của những đại văn hào Pouchkine, Gogol, Tchernychevsky, Tchékov, Leon Tolstoi, Gorki, Ostrovki, Cholokov, thơ của Maiakovski, của Pablo Néruda, của Eluard, của Hikmet, bài ca “Marseillaise” của Rouget de Lisle, bài “Quốc tế ca” của E. Pottier v.v… đó là những tác phẩm văn nghệ đã được nhân dân lao động dùng làm những mũi tên hòn đạn bắn vào đầu giai cấp bóc lột rất có hiệu quả. Điều này cũng chứng minh rằng văn nghệ không phải là trò du hí mà là những cung tên gươm giáo súng ống trên mặt trận đấu tranh giai cấp. Dù các tác giả văn nghệ có ý định hay không, những công trình sáng tạo của họ, khách quan, vẫn được sử dụng vào cuộc đấu tranh giai cấp liên tục trong lịch sử, từ xưa đến nay. Chính trị tính của văn nghệ là ở đó
[3] .

Bản thân văn nghệ mang chính trị tính như bản thân không khí mang ốc-xy gien. Chính trị là thực chất nội dung của văn nghệ. Quy luật sáng tác văn nghệ, tác dụng xã hội tất yếu của văn nghệ đẻ ra chân lý khách quan ấy. Quan hệ giữa văn nghệ và chính trị là một quan hệ hữu cơ. Muốn tách văn nghệ ra khỏi chính trị là một điều ngu xuẩn, một ảo tưởng.

2. Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ trong các chế độ người bóc lột người

Trong các chế độ người bóc lột người, quan hệ giữa văn nghệ - cụ thể là văn nghệ sĩ – và chính trị như thế nào? Có thể nói ngay rằng: tất cả những văn nghệ sĩ chân chính và thực tài, trong các chế độ ấy, đều sáng tác chống lại chính trị của giai cấp cầm quyền. Lịch sử văn nghệ căn bản là lịch sử chiến đấu của những văn nghệ sĩ nhân đạo chủ nghĩa đối kháng với chế độ áp bức con người, bảo vệ quyền tự do tư tưởng, tự do nói sự thực trong tác phẩm. Các nhà văn nghệ cổ điển, Đông cũng như Tây, đều dùng nghệ thuật, mỗi người một cách, tố cáo những cái độc ác, xấu xa, bỉ ổi của bọn thống trị chuyên sống bằng tội lỗi, bằng mồ hô, nước mắt và máu xương của nhân dân lao động. Họ căm thù, thống mạ, lên án mọi hành động, mọi chính sách của các bè lũ cầm quyền đã chà đạp lên con người, giày xéo lên đạo đức làm người, đè nén tài năng, bán dân bán nước để duy trì địa vị giàu sang hống hách. Đồng thời, họ cảm thông sâu sắc với những tầng lớp người bị áp bức, đầy đoạ, bóc lột; họ đề cao tự do, bình đẳng, nhân phẩm; họ ca tụng say sưa lòng yêu nước, tình nhân loại, chí quật cường bất khuất của những người nô lệ vùng dậy bẻ gẫy xiềng xích; họ đề cao những đức tính: hy sinh, trung thành với chính nghĩa, cần cù lao động; họ thương yêu con người, tin tưởng ở tương lai ngay trong những quãng lịch sử tối tăm nhất của xã hội. Mỗi tác phẩm văn nghệ cổ điển vừa là bản cáo trạng kết tội chính quyền mục nát đương thời, vừa là một bài hùng ca biểu dương khát vọng nhân đạo chủ nghĩa và tinh thần chiến đấu.

Để đạt được những kết quả tốt đẹp ấy, các văn nghệ sĩ cổ điển đã phải quyết liệt đấu tranh với mọi uy quyền vật chất và tinh thần muốn nô dịch tư tưởng tình cảm của mình. Họ là tử thù của giai cấp bóc lột vì giai cấp bóc lột là tử thù của sự thực, của nhân đạo chủ nghĩa, của quyền tự do nói thực. Bao nhiêu chính sách, biện pháp, công cụ đàn áp khủng bố của bọn thống trị đều chỉ nhằm mục đích: che giấu sự thực, cấm nói sự thực – vì sự thực lên án chúng, Sự thực là cách mạng. Nói sự thực, làm cho nhiều người biết sự thực là đánh một đòn quyết liệt vào đầu bè lũ bóc lột, đồng thời cũng là cổ võ nhân dân bị áp bức nổi lên tự giải phóng. Nói sự thực, theo lời Mác, là “
làm cho sự áp bức càng đè nặng hơn bằng cách đưa vào bản thân nó một ý thức” [4] .

Các văn nghệ sĩ cổ điển đã nói sự thực, bất chấp mọi đe doạ. Đại thi hào Pouchkine có câu: “Nhà văn không nên hèn nhát kêu ca oán thán vì phải bất thần chịu đựng những viên đạn đầu tiên trên mặt trận, vì phải nếm trải những nỗi khổ cực nguy hiểm do sự viết văn gây ra”. Đó cũng là thái độ của tất cả những văn nghệ sĩ cổ điển Đông và Tây - của những Đỗ Phủ, Nguyễn Du, Molière, Heine, Rousseau, Diderot v.v… Họ dũng cảm bảo vệ tự do tư tưởng, tự do nói thực đến kỳ cùng trước sức tấn công hiểm độc của các giai cấp bóc lột – như người lính cách mạng bảo vệ khẩu súng, như người nông dân cách mạng bảo vệ làng xóm, như người công nhân cách mạng bảo vệ nhà máy, trước sức xâm lược khốc liệt của quân thù dân tộc và giai cấp. Đó là điều kiện cơ bản của sự thành công nghệ thuật. Sự thực về con người, chân lý cuộc sống là huyết mạch của nghệ thuật. “Thiếu chân lý đó, không thể có tác phẩm nghệ thuật thực sự quan trọng được”
[5] .

Văn nghệ sĩ, muốn biểu hiện chân lý ấy, phải xâm đoạt nó bằng con mắt mình, bằng trái tim của mình, bằng lý trí của mình. Phải tự sức mình biến nó thành thực chất của tâm hồn mình, văn nghệ sĩ mới sáng tạo được một thế giới độc đáo chiếu toả ra một ánh sáng độc đáo soi đường cho mọi người đi sâu vào cuộc sống.

Muốn sáng tạo ra một thế giới độc đáo, văn nghệ sĩ phải có một cái nhìn độc đáo, một nhận thức độc đáo về thực tại, một trí tưởng tượng độc đáo, một lối nói độc đáo. Phải duy trì, bảo vệ, phát triển tính độc đáo ấy không để một sức mạnh bên ngoài nào xâm phạm đến hay làm cho mất đi. Phải tự do nhìn sự thực, tự do xúc cảm, tự do suy nghĩ, tự do tưởng tượng, tự do vận dụng ngôn ngữ nghệ thuật - để có thể phản ánh hiện thực một cách trung thành. Tự do đây có nghĩa là: chống lại mọi áp bức tư tưởng, mọi mệnh lệnh, mọi công thức, mọi quyền uy bắt mình nói điều mình không muốn nói, nghĩ điều mình không muốn nghĩ, nhận là đúng điều mình cho là sai, yêu những cái mà mình ghét, ca tụng những cái mà mình phản đối. Không có tự do ấy, sự sáng tác của văn nghệ sĩ sẽ giả tạo. Giả tạo là kẻ thù của nghệ thuật. Giả tạo là tiêu diệt nghệ thuật. Một tác phẩm văn nghệ không tiết ra từ những cảm nghĩ thành thực và sâu sắc của chính tâm hồn tác giả sẽ là một phản ảnh nhạt nhẽo của thực tại. Nó khô khẳng vì thiếu chất sống. Nó bất thành nghệ thuật, và do đó, chẳng xúc động được ai cả.

Các tác phẩm văn nghệ cổ điển sở dĩ có tác dụng mạnh mẽ đến người đọc là vì những người sáng tạo ra nó đã có can đảm “là mình” trong những điều kiện xã hội bắt họ “không được là mình”. Họ đã tự do nhìn, cảm, nghĩ, nói theo chủ định cá nhân mình trong những điều kiện xã hội buộc họ phải nhìn, cảm, nghĩ, nói theo những công thức thống trị. Họ đã tự lực vượt ra ngoài những gông cùm tư tưởng của các giai cấp bóc lột - để nói sự thực, tự do nói thực. Họ đã thoả mãn được những người cần biết sự thực, nghĩa là những người bị áp bức muốn giải phóng. Nhờ điều kiện này mà tác phẩm của họ được các nhân dân bị trị yêu mến, tôn trọng, ca ngợi, mặc dầu bản thân họ chưa đứng hẳn vào hàng ngũ nhân dân, chưa vượt được ra thoát hẳn khuôn khổ tư tưởng của giai cấp thống trị. Giá trị lớn lao của các nhà văn cổ điển là ở đó.

Trong bài “Quan hệ giữa chính trị và văn nghệ”, ông Quang Đạm viết: “Thứ chính trị ấy (chính trị phản động của các giai cấp bóc lột) dĩ nhiên là tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc, cưỡng ép mọi ngành hoạt động trong xã hội đều phải thực hiện âm mưu riêng của nó. Nhưng không phải nó lợi dụng văn nghệ thì nó đem lại cho văn nghệ thứ tự do sáng tác gì quý báu. Chẳng qua nó chỉ dành cho văn nghệ một thứ tự do độc địa nguy hiểm là bôi nhọ sự thật, đầu độc nhân dân, bôi nhọ và đầu độc bản thân văn nghệ”. Điều nhận xét này rất đúng. Nhưng không phải vì “chính trị phản động lợi dụng văn nghệ…chỉ giành cho văn nghệ thứ tự do bôi nhọ sự thật đầu độc nhân dân…” mà có thể suy diễn lầm rằng trong một xã hội mà chính trị phản động giữ bá quyền, văn nghệ sĩ đã mất tự do tư tưởng, tự do nói sự thực. Áp lực, âm mưu chính trị phản động bên ngoài chỉ càng làm sắt đá thêm cái tự do nội tâm của văn nghệ sĩ chân chính. Và thực tế, họ vẫn duy trì, bảo vệ và sử dụng tự do ấy, lấy ngay nó làm vũ khí chiến đấu chống lại mọi áp lực âm mưu chính trị định tiêu diệt nó. Bộ Hoàng triều luật lệ và tất cả chính trị cực kì phản động của Gia Long không ngăn cản được đại thi hào Nguyễn Du thống mạ bọn phong kiến vô nhân đạo và ca tụng Từ Hải khởi nghĩa đánh triều đình. Phòng kiểm duyệt nghiệt ngã ngục Bastille, đao phủ của Louis XV không ngăn cản được những Voltaire, Diderot, Rousseau, Beaumarchais v.v… tới tấp tấn công liên tục vào thành trì phong kiến và đề cao tự do, bình đẳng, bác ái. Roi vọt, lưỡi lê, nhà tù, kiểm duyệt, mật thám của Nga Hoàng nửa sau thế kỷ XIX không ngăn cản được những Pouchkine, Gogol, Nekrassov, Biélinski, Dobrolioubov, Tchernichevsky, Léon Tolstoi, A.Tchékov v.v… tuyên chiến với mọi hình thức áp chế dã man của giai cấp thống trị và cổ võ tinh thần chiến đấu của nhân dân khao khát tự do, bình đẳng, hạnh phúc trên mặt đất. Các thứ đao to búa lớn, các thứ sấm sét hỗn loạn của các thứ Hàn lâm, Viện mỹ thuật thống trị không ngăn cản được những Cézanne, Courbet, Manet, Picasso biểu hiện thực tại theo quan điểm và kỹ thuật hội hoạ riêng biệt của từng người. Cũng như tất cả Chính phủ Felix Faure, Brisson, Barthou và toàn thể Bộ tham mưu quân đội của bè lũ Cavaignac, de Pellieux, de Boisdeffre không ngăn cản được nhà văn hiện thực Emile Zola tuyên bố giữa toà án, giữa trang báo, giữa công luận thế giới: Dreyfus vô tội, trong lúc Dreyfus bị bọn phản động kết án tù vì “tội” gián điệp hoàn toàn bịa đặt…

Chính trị phản động đến mức nào của một giai cấp bóc lột tàn độc đến mức nào cũng không thể cưỡng đoạt được tự do tư tưởng, tự do nói thực của người văn nghệ sĩ nhân đạo chủ nghĩa. Các lưới bẫy ác nghiệt của bọn thống trị phản nhân dân càng chi chít trong xã hội- và cả trong tâm hồn một số người nhu nhược- không thể cản được sự thực cách mạng bước những bước vững chắc về phía trước theo hướng đi và sức hấp dẫn của quy luật lịch sử. Văn nghệ sỹ là sứ giả của sự thực ấy- mặc dầu có nhiều khi họ chưa có ý thức sáng suốt, thật triệt để về sự thực, về hướng đi, về quy luật. Chính trị phản động chỉ hạn chế được phần nào phạm vi hoạt động của tự do tư tưởng, làm vướng chân một phần nào bước tiến của văn nghệ sĩ chân chính; nó không tài nào diệt được tự do ấy, chẹn được bước tiến ấy.

Nhà hoạ sĩ lập thể chủ nghĩa trứ danh Fernand Léger trong một phút suy nghĩ về thân thế và sự nghiệp nghệ thuật của mình, đã viết: “Nếu anh sinh ra ở đời có óc tự do mà lại làm công việc sáng tạo với tất cả sức mạnh, sự phóng khoáng và sự nhiệt tâm bao hàm trong danh từ này thì anh sẽ có một cuộc sống đẹp nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất. Nghệ sĩ, thi sĩ, người sáng tạo cái đẹp: tất cả những người ấy đều mang nặng trong đời mình một định mệnh anh dũng là “hành động trong tự do”. Cái tự do thân thiết này… họ phải trả bằng một giá đắt vô cùng, trong sự gian nan liên tục, hàng ngày… Họ đã đứng thẳng lên tuyên chiến với xã hội mới quan niệm và sáng tạo được những công trình nghệ thuật tràn đầy sinh lực… Chỉ có tự dochân lý làm bạn chiến đấu, họ đã sáng tạo ra những tác phẩm ấy hoàn toàn bằng sự quan sát những thực tế mới bao trùm thời đại của họ, những thực tế mà, một mình một bóng, họ đã tự lực nhìn và thông cảm…”
[6] . Người văn nghệ sĩ sống bằng tự do tư tưởng. Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ là bất khả xâm đoạt.

Một phương diện khác của mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị trong các chế độ có giai cấp là quan hệ giữa các nhà văn nghệ chân chính và quảng đại quần chúng bị áp bức. Quan hệ này như thế nào? Nó rất phức tạp, tuỳ theo những điều kiện lịch sử khác nhau của cuộc đấu tranh giai cấp mà khoác những hình thái khác nhau. Đại cương, có thể chú ý đến ba trường hợp lịch sử nổi bật dưới đây:

A. Thời đại đấu tranh chống phong kiến của nông dân chưa có giai cấp tư sản lãnh đạo.

Đó là thời đại mà quần chúng nông dân, dưới sức thúc đẩy của đói rét và của lòng căm thù sôi sục đối với phe lũ cầm quyền vô nhân đạo, nổi dậy, cầm cầy bừa, đòn càn, giáo mác kéo nhau đi tiêu diệt bọn bóc lột và áp chế. Phần lớn những cuộc khởi nghĩa này chỉ nhằm mục đích thay vua đổi chúa, cải lương chế độ phong kiến, làm cho gánh nặng sưu thuế tô tức đè trên vai nông dân được nhẹ đi đôi chút. Kết quả: Một lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa, sau khi đánh đổ triều đình đương thời, lại nhẩy lên ngai vàng và quay lại đàn áp bóc lột nông dân như cũ. Đâu lại vào đấy: nông dân lại tiếp tục một cuộc đời nô lệ thảm đạm dưới roi vọt phong kiến - để một ngày nào đó lại vùng lên chiến đấu…

Trong những điều kiện lịch sử này, hầu hết các văn nghệ sĩ cổ điển - tuyệt đại đa số là xuất thân ở giai cấp thống trị - không có quan hệ trực tiếp với quảng đại quần chúng, chủ yếu là nông dân. Họ cũng không đứng trong hàng ngũ nông dân. Thường thường họ vẫn ở hàng ngũ thống trị. Lý Bạch, Đỗ Phủ vẫn phục vụ triều đình. Nguyễn Du vẫn là quan Tham tri bộ lễ của triều đình Gia long, Gogol (phần cuối đời) vẫn tuyên bố trung thành với Nga hoàng… Tuy vậy, các văn nghệ sĩ thiên tài ấy vẫn chịu ảnh hưởng gián tiếp của phong trào đấu tranh quần chúng ở đương thời. Gián tiếp nhưng quyết định. Vốn sẵn có một tâm hồn cao quý, họ hấp thụ được những khát vọng về tự do bình đẳng, nhân đạo của quần chúng cần lao - những khát vọng này biểu hiện sự yêu cầu phát triển thường xuyên của những lực lượng sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp suốt thời phong kiến. Có thể nói chính những khát vọng lý tưởng đó của đại chúng sản xuất đã là cơ sở lịch sử của sự xuất hiện những tâm hồn cao quý bất kể xuất thân ở tầng lớp xã hội nào.

Những khát vọng ấy được bộc lộ rõ rệt nhất, mãnh liệt nhất trong những cuộc đấu tranh của nhân dân cần lao chống triều đình phong kiến. Cũng chính trong quá trình đấu tranh giai cấp, các tầng lớp thống trị mới bị dồn vào thế phải trút bỏ cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa chúng vẫn đeo thường ngày, hiện ra nguyên hình một loại người ích kỷ, độc ác, lừa lọc, dã man, không từ một thủ đoạn nào dù vô nhân đạo đến đâu để bảo vệ quyền lợi riêng xây dựng trên tội ác. Văn nghệ sĩ sống giữa thực tế đấu tranh ấy đã gặp điều kiện tốt nhất để ghê tởm chế độ bóc lột, nhìn rõ và thù ghét giai cấp thống trị, thương xót và kính phục quần chúng chiến đấu, cảm thông với những yêu cầu của các tầng lớp cần lao về công lý, tự do, bình đẳng, nhân đạo, hoà bình. Đó là cái gốc lịch sử và xã hội của nhân đạo chủ nghĩa và hiện thực chủ nghĩa ở các nhà văn nghệ cổ điển thời phong kiến.

Văn nghệ sĩ cổ điển tố cáo những tội ác, kích thích tinh thần đấu tranh chống áp bức, đề cao tự do, bác ái là hoàn toàn theo sự suy nghĩ riêng, sở nguyện riêng, lương tâm riêng của bản thân họ, không có đảng chính trị tiến bộ nào lãnh đạo, không phụ thuộc vào tổ chức chính trị nào cả. Họ hoàn toàn độc lập tác chiến, độc lập tư tưởng, độc lập sáng tác. Nhưng nhờ hấp thụ ảnh hưởng khách quan của cuộc đấu tranh quần chúng, họ đã tiến đến được một chính trị tính (về tư tưởng cũng như về nghệ thuật), hợp với nguyện vọng quần chúng và có lợi cho công cuộc chiến đấu của quần chúng.

Tiến lên một bước nữa mà nói, tác phẩm của họ lại đã giáo dục quần chúng rất đắc lực. Bằng tài năng nghệ thuật, họ đã làm cho những nguyện vọng còn bàng bạc trong tiềm thức quần chúng hiện lên thành những hình thức tư duy sinh động có những đường viền, đường nổi rõ rệt trong tâm hồn mọi người đang chiến đấu. Có thể nói: ở trường hợp này, văn nghệ đã có tác dụng soi sáng đường hướng cho chính trị quần chúng, “góp phần làm phát triển những khuynh hướng giải phóng…” - tuy rằng văn nghệ sĩ, cũng như quần chúng, bị thời đại lịch sử giới hạn, chưa tìm được lối thoát cho tình trạng bế tắc của xã hội đương thời.
B. Thời đại đấu tranh chống phong kiến của đệ tam đẳng cấp do giai cấp tư sản lãnh đạo.

Trong hoàn cảnh lịch sử này, những văn nghệ sĩ chân chính cũng đóng một vai trò khá quan trọng trên chiến tuyến đệ tam đằng cấp. Đó là những người thợ công đầu xây dựng ý thức hệ cách mạng cho giai cấp tư sản đang lớn lên và cho toàn thể nhân dân muốn thoát khỏi ách phong kiến. Những tên tuổi chói lọi của họ chiếu ánh sáng tư tưởng cách mạng trên các chặng đường chiến đấu của nhân dân chống phong kiến – Rabelais, Cervantès, Léonard de Vinci, Rambrandt, Raphaël, Shakespeare, Molière, Diderot, Voltaire, Rousseau, Goethe, Shiller, Lermontov, Henri Heine, Biélinski, Tchernichevsky v.v… - chứng tỏ rằng họ đã thực sự vạch đường chỉ lối cho quần chúng, cho giai cấp tư sản tiên tiến ngay từ lúc những lực lượng xã hội này còn chưa có ý thức rõ rệt về nhiệm vụ lịch sử của mình. Nói thế không có nghĩa là những văn nghệ sĩ tiền phong kia không chịu ảnh hưởng của mọi cuộc vận động kinh tế, chính trị, xã hội, tự phát của đệ tam đẳng cấp nói chung và tầng lớp tư sản nói riêng. Ý thức hệ cách mạng của họ cũng bắt nguồn từ những cuộc vận động quần chúng ấy, và hình thành thông qua quá trình đấu tranh bản thân của họ chống chính trị phong kiến phản động. Nhưng không phải cuộc vận động quần chúng “lãnh đạo” tư tưởng và sáng tác nghệ thuật của họ. Ngược lại, ai cũng đã biết những tác phẩm văn học của Rousseau, Voltaire, Diderot đã vạch đường chỉ lối, trong căn bản cho những lãnh tụ cách mạng Jacobins như thế nào trong cuộc cách mạng 1789. Văn nghệ cách mạng Pháp hồi thế kỷ XVIII quả đã là ý thức sâu sắc, tiền phong của cách mạng dân chủ tư sản Pháp. Nó không “phụ thuộc” vào chính trị tư sản. Nó đã soi sáng cho chính trị tư sản. Không những ở Pháp mà thôi, nó còn là bó đuốc dẫn đường cho nhiều phong trào cách mạng dân chủ của giai cấp tư sản ở nhiều nước khác. Nói ngay như ở Việt nam ta, cả phần tư thế kỷ này, cuộc đấu tranh dân tộc và dân chủ của những người yêu nước đều lấy những tác phẩm của Montesquieu, Voltaire, Rousseau làm lý thuyết hướng đạo cách mạng.

Sở dĩ các văn nghệ sĩ tư sản cách mạng có ảnh hưởng lịch sử vĩ đại như vậy là bởi, suốt đời, họ dũng cảm chiến đấu với những sức mạnh phản động, kiên quyết phất cao lá cờ tự do tư tưởng ngay trước mũi quân thù, duy trì một thái độ tự do triệt để trong khi sáng tác văn nghệ; là bởi họ đã biểu hiện được trong tác phẩm tất cả sự thực của thời đại, đặc biệt là hướng phát triển cách mạng của xã hội đầy mâu thuẫn đương thời; là bởi họ đã nhập thân vào sức mạnh lịch sử đang tiến lên, đã tìm lẽ sống và giá trị làm người trong nhiệm vụ thúc đẩy sức mạnh ấy tiến lên. Trong sáng tác, họ chỉ thể hiện lý tưởng chủ quan của họ, mà đồng thời lại thể hiện được lý tưởng khách quan của xã hội đang phá vỡ chế độ phong kiến để vươn mình đến hình thái lịch sử tư bản chủ nghĩa. Quan hệ hữu cơ giữa chính trị của giai cấp tư sản cách mạng và văn nghệ tư sản cách mạng trước 1789 là: văn nghệ hướng đạo chính trị.

C. Thời đại giai cấp vô sản đấu tranh chống đệ tư bản và các lực lượng phản động khác câu kết với giai cấp tư bản.

- Đây là thời đại mà các khoa học tự nhiên và xã hội đều tiến những bước khổng lồ như chưa từng thấy bao giờ trong lịch sử loài người. Sự kiện quan trọng bậc nhất xuất hiện trong quá trình tiến bộ ấy là chủ nghĩa Mác – Ănghen. Với chủ nghĩa vĩ đại này, sự hiểu biết về lịch sử, về xã hội đã có tính cách khoa học rõ rệt. Với nó, giai cấp công nhân có một vũ khí lý luận sắc bén để tấn công kẻ thù, tiến hành đấu tranh có đường lối khoa học. Với nó, giai cấp công nhân có cơ sở khoa học để tin ở sự đắc thắng cuối cùng của xã hội chủ nghĩa, có ý thức về vai trò lịch sử của mình trong công cuộc giải phóng nhân loại.

Đây cũng là thời đại mà giai cấp công nhân đấu tranh đã có tổ chức, có bộ Tham mưu - tức là Đảng – có chiến lược chiến thuật vạch ra với một tinh thần cách mạng khoa học triệt để. Đảng của giai cấp công nhân ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ cuộc chiến đấu của toàn thể nhân dân lao động bị áp bức bóc lột. Nó làm rung động cả chế độ tư bản và bắt buộc mọi tầng lớp xã hội đều phải xác định thái độ đối với những mục tiêu đấu tranh của nó đề xuất ra. Vì lẽ giai cấp công nhân chỉ có thể giải phóng mình hoàn toàn bằng cách giải phóng tất cả nhân loại bị áp bức bóc lột, nên cuộc đấu tranh của công nhân phải tiến dần đến chỗ thu hút vào với mình quảng đại quần chúng lao động khao khát tự do bình đẳng và dân chủ. Nó nghiễm nhiên là đội ngũ tiền phong của nhân loại tiến bộ chống lại tất cả những sức mạnh đen tối cản đường phát triển của lịch sử.

Do hai điều kiện ấy – có chủ nghĩa Mác và có Đảng - mà chính trị của giai cấp công nhân mỗi ngày một thấm sâu vào các ngõ ngách của xã hội tư bản chủ nghĩa, mỗi ngày một lay động mạnh mẽ mọi tâm hồn có khả năng cách mạng. Trong hoàn cảnh này, những văn nghệ sĩ chân chính muốn chống lại chính trị phản động của giai cấp tư bản góp phần vào sự thúc đẩy xã hội tiến đến lý tưởng “không có người bóc lột người” không thể không tự giới thuyết mình, tự khẳng định mình đối đãi với chủ nghĩa Mác, với chủ trương chính sách của Đảng tiền phong của công nhân. Nhưng sự xác định thái độ của văn nghệ sĩ tiến bộ đối với chính trị vô sản không phải chỉ theo một đường thẳng như vậy - vì trong thời đại này vũ khí lý luận của giai cấp công nhân không phải chỉ là chủ nghĩa Mác, và bộ Tham mưu của nó cũng không phải chỉ là một Đảng duy nhất. Bởi bản thân giai cấp công nhân hình thành một cách phức tạp, bởi cuộc đấu tranh chống tư bản chủ nghĩa mỗi ngày một mở rộng bề mặt, nên bên cạnh một chính trị vô sản thuần tuý (theo chủ nghĩa Mác) còn nhiều đường lối chính trị khác (Proudbon, Bakounine, Fourrier, Jaures, Blanqui v.v…) nhiều Đảng khác cũng ảnh hưởng khá nặng nề đến công nhân. Có khi ngay trong hàng ngũ những người xã hội chủ nghĩa ở trong một Đảng cũng xẩy ra xung đột và đưa đến phân biệt…

Giữa tình trạng ấy, văn nghệ sĩ tiến bộ chịu ảnh hưởng của chính trị tiến bộ cũng theo những hành trình đa dạng. Bước lên, lùi xuống, rẽ ngang, nhẩy tắt là những hiện tượng tất yếu. Nhưng nói chung thì những đường lối chính trị của giai cấp công nhân (thuần tuý vô sản hay không) càng ngày càng ảnh hưởng quyết định tới hướng đi của văn nghệ tiến bộ. Nhà tiểu thuyết hiện thực Emile Zola từ chỗ lãnh đạm với chính trị và tin theo thực dụng chủ nghĩa tư sản tiến đến sự nghiên cứu lý thuyết xã hội chủ nghĩa của Fourrier, Saint Simon và sáng tác những truyện Germinal, La Terre, Travail bênh vực quyền lợi của công nông (trong một bức thư gửi Van Santen Kolff, người Hoà-lan, dịch giả những sách của ông, Zola đã phải nói: “Bất cứ bắt đầu nghiên cứu đề tài gì, tôi cũng chạm trán với chủ nghĩa xã hội”); John Ruskin, William Moris, Gérard Manley Hopkins (ba nhà văn hào Anh cuối thế kỷ 19) do ảnh hưởng của Ba lê công xã mà đoạn tuyệt hẳn với giai cấp tư sản nhẩy sang chiến tuyến công nhân xã hội chủ nghĩa; các thi sĩ Heine, Freiligrath (Đức) được Các Mác giúp đỡ trở thành những nhà thơ anh dũng của phong trào vô sản; Anatole France rời bỏ tư tưởng tài tử, hoài nghi chủ nghĩa để sáng tác chống giai cấp tư bản phản động (trong cuộc vận động duyệt lại án Dreyfus) và chiến tranh đế quốc v.v…: những hiện tượng trên đây biểu thị một quy luật: ở thời kỳ lịch sử này, văn nghệ sĩ muốn phục vụ sự tiến bộ của xã hội một cách có hiệu quả tối đa thể tất phải tiến đến triết học và chính trị đúng đắn của giai cấp công nhân.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy rằng: nói chung, hầu hết các văn nghệ sĩ tiến bộ trong thời đại này (trừ một thiểu số có chân trong các Đảng Cộng sản) chỉ chịu ảnh hưởng của tư tưởng giai cấp công nhân biểu hiện qua các lý thuyết xã hội chủ nghĩa và trong những cuộc đấu tranh quần chúng chống đấu tranh bóc lột chứ không hề sáng tác, suy nghĩ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của giai cấp công nhân thông qua những đảng công nhân. Họ không hề bị một tổ chức nào bắt buộc chấp hành một chủ trương chính sách nào của một đảng công nhân nào. Họ hoàn toàn tự do trong công việc nghiên cứu thực tế và sáng tạo nghệ thuật. Họ tự nguyện tự giác tham gia đấu tranh chống tư bản chủ nghĩa và các lực lượng phản động bên cạnh giai cấp công nhân, nhưng không bị một kỷ luật đảng nào ràng buộc, không bị một chỉ thị của tổ chức chính trị nào hướng đạo sự sáng tác. Họ chỉ tuân theo kỷ luật và chỉ thị của trái tim họ, của khối óc họ, của hiện thực xã hội mà phản ánh trong tác phẩm tuỳ theo trình độ nhận thức cá nhân họ.

Nhờ có tự do tư tưởng triệt để ấy và nhờ công trình thâm nhập thực tế sâu sắc của mình, một đôi khi, nhà văn nghệ lại phát hiện được những vấn đề đấu tranh có lợi cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động mà Đảng của giai cấp công nhân, không nhìn thấy. Hành động chống vụ án Dreyfus của nhà văn Emile Zola ở Pháp là một bằng chứng cổ điển. Dreyfus bị bè lũ phản động cầm đầu chính phủ và quân đội vu cho tội gián điệp và kết án đầy chung thân (22-12-1894). Có nhiều dấu hiệu làm cho Zola nghi rằng Dreyfus là một kẻ vô tội. Tức thì, ông tự mình mở cuộc điều tra để biết sự thực. Ông tìm hỏi các trạng sư cãi cho Dreyfus, nghiên cứu hồ sơ, khám phá ra những thủ đoạn và vu khống của kẻ cầm quyền.

Từ nghi ngờ, Zola tiến đến chỗ tin là Dreyfus hoàn toàn vô tội. Tức thì, ông quả quyết hành động…Chỉ vũ trang bằng sự can đảm của riêng mình và bằng sự tin ở thắng lợi tất yếu của sự thực, ông đương đầu với chính quyền, với tập đoàn các phe lũ phản động trục lợi, với sự dâng cao của ngu dại và căm hờn…” [7] Ông viết trên báo Rạng đông bài “Tôi tố cáo” tuyên chiến với toàn bộ các giai cấp phản động đang thống trị. Bài báo chấn động trong cả nước và thế giới. Ông bị truy tố, bị kết án, bị chửi rủa và doạ đánh phải lánh nạn sang Londres.

Chính lúc đó, Đảng công nhân Pháp của Jules Guesde- một nhà truyền bá chủ nghĩa Mác có uy tín- không nhìn thấy tầm chính trị quan trọng của phong trào Dreyfus. Trong phiên họp của Trung ương Đảng ngày 24-7-1898, Guesde vì muốn duy trì sự độc lập giai cấp của Đảng, đã đề ra và làm thắng chủ trương “không động viên giai cấp vô sản hành động đứng sau một phân số tư sản này đang tranh chấp quyền lợi với một phân số tư sản khác”. Nhà lãnh tụ Đảng công nhân Pháp lúc bấy giờ cho phong trào Dreyfus chỉ là “một cuộc nội chiến tư sản”, thợ thuyền không nên tham gia. Sau này, Maurice Thorez có phê bình chủ trương của Guesde là biệt phái chủ nghĩa.

Chung quanh vụ Dreyfus, nhà lãnh tụ Đảng Công nhân Pháp đã tỏ ra có nhãn quan chính trị thiển cận không sáng suốt bằng nhà văn hiện thực không đảng phái. Bài “Tôi tố cáo” của Zola đã làm lợi rất nhiều cho phong trào bảo vệ của chế độ Cộng hoà ở Pháp lúc ấy, và do đó, làm lợi rất nhiều cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân.


Nói tóm lại, lịch sử văn nghệ trình bày trên đây đã chứng minh rằng: hầu hết các văn nghệ sĩ chân chính, trong các chế độ người bóc lột người, đều tư tưởng và sáng tác hoàn toàn theo ý thức riêng của mình, không phụ thuộc trực tiếp vào một đảng chính trị nào. Họ không chủ định phục vụ một đảng chính trị. Họ làm nghệ thuật để phục vụ một lý tưởng mà chủ quan họ cho là cao cả, tốt đẹp. Lý tưởng này, tuỳ từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể, hợp với nguyện vọng của giai cấp cách mạng này hay giai cấp cách mạng khác – có chính trị tính. Trên đường phục vụ lý tưởng, họ có thể gần gũi, sát cánh những tổ chức chính trị (nếu có) cũng theo đuổi một chí hướng vị tha như họ. Họ có thể chịu ảnh hưởng của phong trào quần chúng chiến đấu cho lý tưởng ấy. Nhưng, căn bản, họ vẫn hoàn toàn tự do trong sự nhận thức lý tưởng ấy, hoàn toàn tự do trong sự sáng tác phục vụ nó. Không một sức mạnh bên ngoài nào ép buộc được họ phải theo và phục vụ một lý tưởng. Nếu họ theo và phục vụ một cách bị ép buộc thì họ đã không thành văn nghệ sĩ vĩ đại và hữu ích.

Nghệ sĩ chỉ có thể chiếu toả ra ngoài đời cái ánh sáng của chính bản thân mình. Không có tự do tư tưởng thì không thể có nghệ thuật chân chính được. Đó là một chân lý bất di bất dịch. Đó là một sự thực khách quan trong lịch sử thực tiễn văn nghệ. Bàn đến quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, trước hết không thể lãng quên được sự thực ấy.

(còn nữa)

Kỳ sau: Tự do của văn nghệ sĩ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa và chế độ dân chủ nhân dân – Văn nghệ và Đảng Cộng sản: lý thuyết Lê-nin.

(Trang 3-18)

 

*


Mai Hanh
Những cánh cửa đời


Trên màu bảng đen
Hiện lên giòng chữ trắng
Những giòng ánh sáng
Dưới bàn tay em

Anh từ biển sóng
Đưa lại con thuyền
Hồn căng bão lớn
Một ngày tìm em.

Nhà em cửa khép
Quanh năm âm thầm
Tiếng đời cách biệt
Mơ hồ bước chân
Bỗng đâu ánh sáng
Lớp học bình dân
Đưa em ra cửa
Nắng những con đường

Anh lại gần em
Ngập ngừng bỡ ngỡ
Bước đầu e sợ
Giông bão tình duyên

Em ngừng nhìn lên
Má em ửng đỏ
Mắt em rực rỡ
Biển xanh êm đềm

Học sinh cười nụ
(Các cụ học sinh)
Nhìn cô giáo nhỏ
Nhớ tuổi đa tình

Anh về gác cao
Mở tung cửa sổ
Bên trang sách dở
Nghe gió dạt dào

Sách không còn chữ
Chỉ thấy hình em
Mặt trời trong đêm
Nụ cười rực rỡ
Toả thành đôi chữ
I Tờ bay lên
Anh ngồi bên em
Chụm đầu lại đọc
Anh học em học
Những chữ yêu đầu

Ngày mai tươi cười
Tiếng người tha thiết

Em không cách biệt
Cuộc đời như xưa
Lớp học I Tờ
Cho em cuộc sống
Lòng anh như sóng
Đưa buồm ra khơi
Mắt em mở rộng
Ngập bốn chân trời
Từng đêm
Từng đêm
Hình em trong tim
Anh đi khắp phố
Hồn như biển gió
Nghe tiếng I Tờ
Sóng cuộn nhấp nhô
Lòng anh tự nhủ
- Dân ta đang mở
Những cánh cửa đời!

(Trang 19-21)


 

*


Quảng cáo

Sắp phát hành Giai phẩm mùa Thu tập IV, gồm những bài của Hoàng Cầm, Trần Công, Trần Duy, Nguyễn Dậu, Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan, Sỹ Ngọc, Tử Phác, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Trần Lê Văn…

 


[1]Tạp chí Người cộng sản – Bài “Vấn đề điển hình trong văn học và nghệ thuật.” [2]Báo Pravda, số ra ngày 3-11-1953. [3]Trong một xã hội không có đấu tranh giai cấp như Liên Xô hiện nay, chính trị tính của văn nghệ thể hiện ra ở nội dung xã hội chủ nghĩa của nó và ở tác dụng của nó đối với sự nghiệp xây dựng cộng sản chủ nghĩa (bồi dưỡng những nhân tố tích cực và đả phá tàn tích của những ý thức hệ giai cấp bóc lột). [4]Nguyên văn chữ Pháp dịch câu của Mác: “Rendre l’oppression plus oppressive en lui donnant une conscience.” [5]Tạp chí Người cộng sản – Bài “Vấn đề điển hình…” [6]Trích ở bài “Sự ấy bắt đầu thế nào? Bút ký của Fernand Léger”, đăng trong báo Văn học Pháp ra ngày 25-8-1955 để kỷ niệm nhà hoạ sĩ mới từ trần. Trong số báo này có đăng một bức điện chia buồn của Maurice Thorez: “Rất đau đớn được tin mất của Fernand Léger một hoạ sĩ, một nhà nhân đạo chủ nghĩa, một người bạn”. Các văn sĩ tiến bộ Pháp và thế giới đều ca tụng nhiệt liệt sự nghiệp hội hoạ của Fernand Léger. [7]Jean Fréville – Zola, semeur d’arages, trang 129 (Éditions Sociales), 1952.Nguyễn Mạnh Tường
Vừa khóc vừa cười

Trong một thiên anh hùng ca sáng tác vào khoảng thế kỷ thứ XI, thi sĩ tường thuật cuộc chiến đấu anh dũng của hai anh hùng Roland và Olivier, chống lại kẻ thù chung. Hai bạn chí thân giết được nhiều địch, nhưng hai người đều bị thương cả. Đặc biệt Olivier, máu chẩy nhiều, hoa cả mắt không nhận thấy gì nữa. Khi Roland lại gần để giúp bạn, Olivier tưởng nhầm là kẻ thù, bổ mấy nhát dao xuống, may không trúng đầu Roland. Anh này bèn dịu dàng lên tiếng: “Tôi là Roland đây mà. Sao anh đánh tôi?”. Olivier xin lỗi bạn: “Mắt tôi hoa, không nhận ra anh nữa.”

Khi châu Âu chuyển từ chế độ phong kiến sang chế độ tư sản, trong thế kỷ thứ XVI, Rabelais kể chuyện Badebec, vợ của Gargantua, vừa sinh con xong, thì từ trần: “Cái thắc mắc làm cho Gargantua rối trí là hắn không biết nên khóc vì vợ vừa chết, hay nên cười vì con vừa sinh”.

Đến cuối thế kỷ thứ XVIII, khi Cách mạng 1789 sắp bùng nổ, Figaro, một nhân vật của Beaumarchais, sau khi kiểm điểm tình hình của xã hội đã thủ tiêu hết mọi tự do, kêu lên: “Tôi vội vàng cười để tránh khỏi khóc oà.” Như thế không đúng. Phải khóc trên cái hiện thời để cười đón cái ngày mai. Dù sao, người trí thức là người vừa khóc vừa cười. Khóc vì các sai lầm phải chứng kiến trong hiện tại, cười vì vui với cái mới đang đến. Khóc vì đau khổ. Cười vì hy vọng. Khóc hôm nay để cười ngày mai. Trên quá trình từ cái khóc đến cái cười diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng của người trí thức.

Người nào chỉ biết hoặc khóc thôi, hoặc cười thôi, không phải là người trí thức.

Ta ân cần với người trí thức ưa khóc. Ta phải chiếu cố, nâng đỡ người ta. Người ấy đau khổ vì các thắc mắc căn bản và sâu sắc. Người ấy thành khẩn. Người ấy không phải là thù, người ấy là bạn. Ta phải kiên trì, cố gắng đưa cái khóc của ta biến thành cái cười.

Ta dè dặt, có khi ngần ngại, trước người trí thức ham cười. Ta hoan nghênh cái cười chân thật, xuất phát từ đáy lòng, nẩy nở trên các giọt lệ vừa khô. Nhưng ta khó chịu trước cái cười bình phong dùng để che đậy các thắc mắc bản thân mà mình không muốn thú với mình. Ta ghét cái cười dùng để mị trên, lừa dưới, câu các kẻ ngây thơ, biểu lộ một ý chí tôn sùng, hòng củng cố một địa vị, hay mưu cầu một bổng lộc. Quần chúng cần đề cao cảnh giác để khỏi mắc mưu cái cười ấy. Cấp lãnh đạo lại cần cảnh giác hơn nữa vì cái cười nịnh hót nuôi dưỡng bệnh chủ quan mà cấp lãnh đạo thường mắc.

Cái cười nguy hại này không nhất thiết biểu hiện bằng sự nhích môi. Nó có thể là linh hồn của một cử chỉ, nội dung của một thái độ. Có người cười bằng cái đầu nó gật, cái lưỡi nó tán thành ủng hộ. Trong bao nhiêu “tả khuynh”, tôi nghe thấy vang tiếng cười ấy.

Tôi sợ người trí thức im lặng. Tôi nghi ngờ người trí thức cười. Tôi thương người trí thức khóc. Tôi yêu người trí thức vừa khóc, vừa cười, khóc hôm nay để cười ngày mai, “khóc lên tiếng cười”.

TIN vẫn lợi hơn NGHI. Trong mười người ta tin, có thể có một kẻ thù lẻn vào. Nhưng ta vẫn còn chín người bạn. Và chín người bạn này sẽ giúp ta tìm ra kẻ thù ấy. Nếu ta nghi cả mười người, khi ta giơ tay, chẳng ai bắt tay ta. Ta không có một bạn nào cả.

Đồng ý rằng phải phân chia rõ rệt địch, ta. Nhưng ta phải xác định thái độ của ta đối với địch. Địch mưu hại ta và thực sự gây cho ta nhiều tổn thiệt. Nhưng ta chớ nên buộc cho nó trách nhiệm về các tai hoạ căn nguyên ở sự dốt nát, sai lầm, chủ quan của ta. Theo danh từ khác phổ biến: “như thế không lợi”. Không lợi vì ta đề cao địch, tỏ vẻ sợ địch. Không lợi nữa vì gán kết quả sai lầm của ta cho địch, ta không sửa chữa được gì, không rút được bài học của kinh nghiệm. Từ trước tới nay, ta chỉ đặt vấn đề: ai là địch, ai là ta? Tôi đề nghị đặt thêm vấn đề: do địch làm, do ta phạm. Điểm trên, đề cao cảnh giác và cho phép ta đề phòng, hoặc đối phó. Điểm dưới nêu cao tinh thần tự phê và giúp đỡ ta tự xây dựng.

Con thỏ sợ đến cả cái bóng của nó. Con sư tử bất chấp mọi thú vật. Ta không phải là sư tử cũng không muốn là sư tử. Nhưng nhất định ta không phải thỏ.

Kẻ thù số một của trí thức: bọn chụp mũ. Kẻ thù số một của cấp lãnh đạo: các cán bộ chuyên môn “cười”, và bọn vỗ ngực, và cả bọn chụp mũ nữa. Các cán bộ chuyên môn “cười”, dựa vào bọn vỗ ngực trong quần chúng, ru ngủ cấp lãnh đạo. Bọn chụp mũ nham hiểm hơn: họ gây thành kiến giữa lãnh đạo và quần chúng, họ vô tình hay hữu ý xuyên tạc các nguyện vọng chính đáng, các yêu cầu hợp tình, hợp lý, hợp pháp của quần chúng. Họ là Iago xúc xiểm Othello ghen vợ, ghét vợ, giết vợ. Bị bao vây chặt chẽ như vậy, tài nào cấp lãnh đạo hiểu biết được sự thật của quần chúng?

Có một số người thấy phong trào quần chúng đòi hỏi ở Đảng lãnh đạo, một chính sách cho trí thức (với các tự do dân chủ và mối quan hệ tốt giữa chính trị và chuyên môn) đã tỏ thái độ “khó chịu” và phản ứng mạnh. Họ nhắm mắt, lắc đầu, chép miệng, thở dài. Không thực sự cầu thị, chưa điều tra nghiên cứu, chẳng tìm hiểu sự thật, họ chỉ biết mang đao to, búa lớn ra doạ nạt, họ là Don Quichotte cầm giáo tiến lên đâm cối xay, họ quên lý luận Cách mạng họ đã học tập. Họ là nàng công chúa quên thời kỳ gặp Thạch Sanh trong hang.

“Tích tịch tình tang…” Tiếng đàn của Thạch Sanh có nhắc lại được kỷ niệm cũ không? “Hỡi tuyệt thế giai nhân mà tôi yêu với một mối tình vô hạn, nàng còn nhớ thuở đôi ta gặp nhau trong hang đá không? Đôi ta quyết tâm sống chết có nhau, với nhau. Vì vậy ta thắng kẻ thù, ta sống. Bây giờ thời kỳ gian lao đã qua, nàng trở về dinh cơ huy hoàng, lên xe xuống ngựa. Nàng nỡ lòng nào quên tình duyên cũ?”

Tôi muốn thân ái hỏi các bạn đang chép miệng thở dài: “Các bạn là những người Cách mạng. Thái độ của các bạn phản ứng, đối phó (tôi không nói đàn áp) trước một phong trào quần chúng đông đảo, đòi hỏi, trên lập trường Cách mạng, những quyền lợi chân chính, thái độ ấy, phân tích, truy nguyên nó, ta thấy gì? Tôi run sợ trước kết luận tôi phải tiến tới. Tôi ngừng bút. Tôi nhường lời cho tất cả người cộng sản trên thế giới, trong đó có các đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, có các bạn, để các người ấy nhận định về thái độ nói trên, định danh cho nó, gọi nó bằng tên Cách mạng của nó. Để tránh khỏi mang tiếng chụp mũ cho các bạn, tôi dành quyền phán định cho “giới có thẩm quyền”.

Tôi chỉ xin nhắc lại rằng trong lịch sử Cách mạng Liên Xô và Trung Quốc, khi giai đoạn kiến quốc tiến vào bước quyết liệt, chính thể Cách mạng không thể nào lãnh nhãn được vấn đề trí thức. Cuộc tranh đấu của trí thức Việt Nam hiện thời xen vào khung khổ Cách mạng, phối hợp với phong trào tranh đấu của trí thức trên toàn thể thế giới. Coi nhẹ nó là một sai lầm. Giải quyết nó một cách hời hợt, nông cạn, với tinh thần của người nhớn cho kẹo trẻ con để nó khỏi khóc, là một sai lầm nghiêm trọng. Đối phó với nó, chống lại nó… tôi không tiếp tục vì tôi tin rằng không một chính thể Cách mạng nào lại hành động như vậy. Bằng chứng là báo Nhân dân trong số 30-9-56 vừa đăng bài của đồng chí Lục Định Nhất đọc ngày 16-5-1956, với sự chậm trễ có 4 tháng thôi. Từ Bắc Kinh tới Hà Nội, đường dài hơn năm nghìn cây số, tốc độ của sự thật như thế là nhanh rồi. Còn báo cáo của đồng chí Chu Ân Lai in từ ngày 30-1-1956, tôi không nhờ đăng báo Nhân dân ngày nào. Dù sao, các bạn thấy rõ là Đảng Lao động Việt Nam coi trọng vấn đề, như Trung Quốc từ đầu năm nay, như Liên Xô từ năm 1936. Đảng lại còn phát động tinh thần dân chủ trong quần chúng, trong các giới, các cơ quan, và sở dĩ làm như vậy là để thắt chặt liên lạc với quần chúng, đi sát với sự thật của quần chúng, trưng cầu ý nguyện của quần chúng để xây dựng chính sách, lãnh đạo có kết quả. Vậy tại sao các bạn lại chép miệng thở dài? lại xuyên tạc ý nghĩa trọng đại, lịch sử của một phong trào quần chúng, mà chính Đảng phát động? Thế các bạn tranh đấu cho ai, phục vụ cái gì? Chủ trương của Đảng phát huy dân chủ là một sáng kiến mà toàn dân hoan nghênh. Hạt đã gieo, bây giờ sắp đến lúc gặt hái. Cớ sao mà bạn lại muốn truất quyền của Đảng gặt hái cái mùa màng mà Đảng đã gieo hạt?

Nhưng tôi hiểu các bạn. Các bạn là những người tốt. Chẳng qua các bạn chỉ nặng về một số thành kiến mà thôi. Tuy nhiên, các bạn thực sự cầu thị: các bạn cho phép tôi tin như vậy. Phải không, các bạn?

4-10-56

(Trang 22-25)


 

*


Phùng Quán
Người dũng sĩ trên sông Xuân Bồ

Ngày 20-5-950, tiểu đoàn 6e Spahis, một tiểu đoàn ứng chiến bậc nhất của Pháp ở Đông Dương, có thành tích 15 năm bách chiến bách thắng ở khắp thuộc địa của Pháp đã bất thình lình tấn công vào làng Xuân Bồ thuộc tỉnh Quảng Bình hòng tiêu diệt chủ lực của ta. Bộ đội chủ lực của ta đã chiến đấu vô cùng anh dũng suốt một ngày để bảo vệ nhân dân. Hàng trăm chiến sĩ đã hy sinh vẻ vang. Trong đó có 1 chiến sĩ mà nhân dân Quảng bình ai cũng biết tên là đồng chí Lâm Uý. Lâm Uý đã được chính phủ truy tặng danh hiệu anh hùng quân đội nhân dân Việt nam và huân chương Quân công hạng nhì.

Trước trận chiến đấu đơn vị Lâm Uý đóng quân ở làng Uẩn Áo cách làng Xuân Bồ 1 con sông

Bên kia Uẩn Áo, tiểu đội Lâm Uý đang hì hục xúc thóc đổ ra sân phơi giúp dân. Lâm Uý khệ nệ bưng từng thúng thóc đầy có ngọn, đổ dài ra thành từng vồng. Những hạt thóc màu vàng tươi, bốc lên một mùi thơm quen thuộc làm cho Lâm Uý bỗng thấy hơi nhớ nhà. Anh nhớ đến mùa gặt hái ở quê mình. Cũng những buổi sáng nắng đẹp như sáng hôm nay, anh cùng với mẹ xúc thóc ra phơi trước cái sân nhỏ trước nhà. Lưng mẹ anh còng xuống mặc dù bưng không nặng lắm, áo nâu của mẹ bạc màu rách vá. Chốc chốc mẹ lại ngừng lên nhìn trời, mây xanh ngắt, mẹ nheo mắt cười: Tốt nắng quá! Mẹ mắng yêu con gà mái ghẹ đang bới thóc lung tung.

Lâm Uý nói với một anh đứng cạnh:

“Năm nay lúa chín sớm thật. Không biết ở nhà mẹ mình đã gặt được tý nào chưa? Thế nào bà cụ cũng nhắc: “thằng Uý không thấy về mà ăn cơm gạo mới.”

Bà mẹ chủ nhà, lấy cái nón rách đội lên đầu Lâm Uý rồi cười móm mém:

“Thế ở đây không là mẹ à? Các con ở đây mai gặt lúa nếp về, mẹ làm cốm cho mà ăn.”

Lâm Uý vui vẻ nói:

“Để con giã cốm cho, con giã cốm giỏi lắm.”

Một con gà mái lục tục dắt một đàn con mới nở lông vàng và mình tròn như hạt thóc được mùa, đến bươi bươi đồng lúa anh vừa mới đổ. Anh bắt chước tiếng mẹ mắng yêu con gà:

“Cho ăn nhưng cấm bươi. Mụ cô mi gà. Được mùa, con gà, con qué cũng sướng thân.”

Mọi người đang vui bỗng ngừng cả lại, bên kia làng Xuân Bồ súng nổ dữ quá. Lâm Uý bảo anh em bỏ thúng mủng, vào nhà thắt nịt đạn đeo súng.

Vừa lúc đó, anh trung đội trưởng vừa chạy vừa hô to ở ngoài ngõ:

“Các tiểu đội chuẩn bị chiến đấu.”

Súng càng nổ dồn dập, khói đại bác từ Xuân Bồ bay sang khét lẹt. Bà mẹ cuống lên, cầm cái chổi lại cầm cái thúng không biết làm cái gì. Bà nói gần như khóc:

“Mới gặt về được ba hạt thóc, chưa phơi hắn đã đến càn, lỡ hắn cướp hết thì bốc đất mà ăn hở trời.”

Lâm Uý thương quá, anh nắm chặt bàn tay đen xạm, gầy trơ xương của bà mẹ và nói:

“Mẹ đừng lo. Có chúng con đây, chúng không dám cướp thóc của mẹ đâu. Mẹ cứ để thóc đấy, xuống hầm núp đi kẻo chốc nữa máy bay nó đến rồi chạy không kịp, chúng con đánh xong giặc lại trở về phơi thóc cho mẹ.”

Một giọt nước mắt nóng hổi, rơi xuống bàn tay gân guốc còn dính đầy bụi lúa của Lâm Uý.

Liên lạc của ban chỉ huy Trung đoàn đóng bên Xuân Bồ đã đem mệnh lệnh sang đến nơi. Năm phút sau cả đại đội tập họp đầy đủ dọc theo con đường trong xóm. Tiếng đồng chí đại đội trưởng nhanh và gọn như một băng trung liên:

“Tiểu đoàn bạn đang đánh nhau với quân ứng chiến Spahis. Lệnh của Trung đoàn: tiểu đoàn chúng ta phải vượt sông sang phối hợp tiêu diệt địch. Đại đội chúng ta vượt trước. Tiến!”

Đại đội loáng một cái thành 2 hàng dọc chạy như bay ra bờ sông. Đại đội trưởng cởi quần dài vắt lên cổ, súng lục cầm tay, dẫn đầu đại đội. Vừa chạy vừa đúc thúc:

“Mau lên! mau lên! địch nó chạy hết cả bây giờ.”

Sông Xuân Bồ chan hoà nắng sớm đã hiện ra ngay trước mặt, hình như những giờ phút quan trọng này sông lại rộng hơn, sâu hơn, chảy xiết hơn mọi ngày. Trên bến đò chỉ có một chiếc đò. Mỗi chuyến chỉ chở được 10 người là nhiều. Người chèo đò là một cụ già, tóc bạc lơ thơ, cằm không râu. Ông cụ hay nói: đói quá râu không mọc được. Ông ở trần, mặc chiếc quần cộc dài đến đầu gối, lưng cháy đen, răn reo như quả bưởi héo.

Một chiếc máy bay bà già bay vè vè dọc bờ sông kiểm soát, ông cụ cúi thấp người xuống, núp vào bụi cây, chửi:

“Tổ cha con mẹ nạ giòng mi lại sắp chỉ điểm ca-nông đây.”

Đại đội hai chạy đến bờ sông thì đứng lại. Đồng chí đại đội trưởng nhìn giòng sông lo lắng:

“Qua bằng cách gì bây giờ? Bơi à? Sông rộng và sâu quá lại mang cả vũ khí chắc khó lòng bơi qua được.”

Ông cụ chèo đò chạy ra khỏi bụi cây và nói:

“Các anh không xuống đò còn đứng làm chi đó?”

Anh đại đội trưởng nói:

“Bố ạ, một chuyến chở được 10 người, bao nhiêu mới qua hết một tiểu đoàn? vả lại tàu bay đại bác nữa.”

Ông cụ nhảy phăng xuống đò, hăng hái nhanh nhẹn như thanh niên, cầm chèo và nói như ra lệnh:

“Tàu bay bắn trên trời, đò mình chèo dưới nước việc gì mà sợ. Các anh xuống đò ngay, qua gấp gấp không giặc nó giết hết đồng bào Xuân Bồ chừ.”

Đồng chí đại đội trưởng cho bộ đội xuống đò, số nào bơi giỏi thì để vũ khí lên đò mà bơi.

Tiểu đội của Lâm Uý xuống trước tiên, đò hơi chòng chành, ông cụ bảo:

“Ngồi thật vững vào, lật chìm đò là lỡ mất việc nước đấy”, con đò mới ra khỏi bến chừng con sào thì chiếc máy bay bà già quay lại, lượn vòng trên đầu nghiêng cánh. Lâm Uý bảo:

“Chuẩn bị tinh thần nghe, nó câu đại bác đấy.”

Một phút sau, một loạt đại bác vút qua đầu và đánh đáo xuống sông. Có viên nổ chỉ cách đò 10 thước, mặt nước co rúm lại, sóng dội vào đò, ông cụ hét:

“Kệ cha hắn. Đạn nỏ có mắt không dám chui vào đò của bộ đội đâu.”

Tiếp đó đạn nổ không phân biệt quả nào trước quả nào sau. Mặt sông sôi sùng sục như một nồi cơm đang sôi. Cá chết nổi từng đàn. Đò chòng chành như muốn lật nhưng ông cụ vẫn không hề run tay, chèo càng nhanh hơn. Đôi mắt mở to nhìn hút hút sang bên kia bờ. Có cảm tưởng đôi mắt ông cụ như một cặp móc sắt đang cắm vào bờ bên kia để kéo chiếc thuyền thật nhanh vào bến. Đò gần đến bờ, đạn bắn càng dữ dội.

Giọng ông cụ vẫn bô bô:

“Các anh yên chí, tôi còn đứng vững trên mũi thuyền này thì tôi quyết chở các anh sang hết! sang hết! đánh thắng một trận thật to cho cụ Hồ mừng.”

“Chúng con cũng quyết đánh thắng một trận thật to cho xứng là con của bố!”

Ông cụ cười hà hà quay ngắt đò lại chèo về, nhanh không chịu được! Ông nói nhưng không quay đầu lại.

“Đánh mạnh vô! Đánh mạnh vô! Nhớ bắt cho tôi mấy thằng Tây thật to để tôi dậy nó chèo đò đỡ đần cái thân già này một chút.”

Giữa cảnh bom đạn ngất trời, ông cụ bỗng thấy mình trở nên hăng hái bồng bột như thuở còn trai. Cứ như thế, ông cụ đã chở cả tiểu đoàn sang sông trong 2 tiếng đồng hồ
[1] .


9 giờ 30 địch đánh vào làng đợt thứ ba. Lần này chúng đánh vô cùng quyết liệt, chết lớp này chúng xông lên lớp khác. Máy bay và đại bác đánh không sót chỗ nào. Cây cối gẫy lấp hết cả đường đi. Bọn địch lợi dụng những loạt đại bác, lăn xả vào cố chiếm một góc làng để làm bàn đạp tấn công.

Đại đội 2 sang sông xong, tiến như bay đến chỗ địch vừa chiếm được nêu khẩu hiệu: đạn tránh người.

Quân địch chưa đứng vững vào công sự thì đại đội II đến.

Đại đội trưởng chỉ huy đánh một mũi vào cạnh sườn địch. Quân địch chịu không nổi phải bật ra khỏi làng. Lâm Uý reo to:

“Truy kích mà tiêu diệt anh em ơi!”

Cả đại đội mà ra cánh đồng đuổi địch. Bọn địch phía sau thấy thế bắn bừa vào bọn địch rút lui. Bọn rút lui cùng đường phải nhào lại phía ta. Chạm trán nhau, nổ ra một trận đánh giáp lá cà, đâm chém nhau loạn xạ tối mắt. Đại bác và phi cơ địch lúc đó đành bó tay. Đại đội trưởng ra lệnh vừa đánh vừa lùi vào làng, củng cố lực lượng. Quân địch cũng rút giữa đồng chuẩn bị xung phong đợt khác. Tên quan một chỉ huy địch thấy sợ tổn thất trong trận giáp lá cà vừa rồi quá nặng nề phải kêu lên lo sợ:

“Gặp phải bọn chủ lực Việt Minh này rắn quá!”

Đại đội lúc đó thương vong cũng khá nhiều.

Đến 11 giờ 30 làng Xuân Bồ hoàn toàn im lặng không một tiếng súng, cái im lặng báo hiệu một cơn bão lớn. Nắng khủng khiếp. Tất cả mọi người đều cởi trần, mặc quần cộc dựa lưng vào giao thông hào để tìm hơi mát trong đất ẩm.

Lâm Uý kiểm điểm lại tiểu đội thương vong gần quá một nửa, mắt anh cau lại. Anh vốc từng vốc mồ hôi trên trán, dựa lưng vào một gốc mít bị đạn đại bác lật ngược, cởi áo chùi máu những vết thương xây xát khắp người, lẫn cả máu quân giặc, anh vò áo lại để lên bờ giao thông hào. Anh lầm bầm:

“Ở trần đánh càng đỡ vướng.”

Lâm Uý nhìn ra quang cảnh chung quanh, anh không ngờ khủng khiếp đến thế: Trước mắt anh chỉ còn cách hàng rào làng 50 thước, xác quân địch và xác chiến sĩ ta nằm chồng lên nhau, máu đọng lại thành từng vũng đen kịt. Một cây bưởi đang trổ hoa mảnh đạn băm nát như mặt thớt. Dưới gốc cây một em bé liên lạc đang ngồi ngoảnh mặt nhìn ra đồng, tay cầm một quả lựu đạn. Lâm Uý định gọi thì thấy em ngồi trên vũng máu và không hề động đậy. Trong giao thông hào bên trái, 3 chiến sĩ trong tiểu đội anh chết, ngồi dựa lưng vào thành đất trong tư thế trông rất thoải mái và bình thản, chiến tranh đã hiện ra đầy đủ với muôn vẻ tàn khốc của nó.

Nắng càng gay gắt. Tiếng ve kêu ra rã càng làm tăng thêm không khí yên lặng nặng nề của một buổi trưa tháng năm.

Đồng bào Xuân Bồ từ các hầm hố chui lên rủ nhau đi tìm nồi nấu nước cho bộ đội. Củi lấy ở các căn nhà bị đổ, chè bị đại bác bắn tiện, rơi la liệt khắp vườn, chỉ việc nhặt, rửa đi, cho vào nồi. Khói thuốc súng và khói bếp quyện vào nhau, lẩn quất quanh làng.

Ban chỉ huy họp cán bộ trung đội, phiên chế lại quân số chiến đấu cho hợp lý, cho các đồng chí bị thương ra phía sau. Những đồng chí bị thương nhẹ đều xin ở lại. Chính trị viên đại đội còn trẻ, có cặp mắt trông lúc nào cũng như đang cười đi đến chỗ giao thông hào của Lâm Uý. Chính trị viên ngâm thơ khá lắm, lúc nào đại đội liên hoan văn nghệ thế nào anh em cũng gào:

“Đề nghị anh cho ra một bài.”

Anh thấy Lâm Uý cởi trần liền tủm tỉm cười:

“Đồng chí Uý sắp đánh vật với ai đây?”

Lâm Uý xưa nay vẫn có tiếng là một tay vật cừ nhất đại đội. Lúc nào sắp vật chơi với anh em Lâm Uý cũng cởi áo vào nói: “Khoan, để ta cởi áo đã rách da thì da lại liền, rách áo không có vợ hiền vá cho.”

Lâm Uý cũng cười: chuyến này có lẽ cũng sắp phải vật nhau với Spahis rồi đây anh ạ, đạn gần hết rồi.

Anh chính trị viên nói:

“Lâm Uý có dám vật không?”

“Túng thì phải tính chứ, không dám cũng không được.”

“Vừa rồi đồng chí đánh kền lắm. Trận sắp đến cố chỉ huy tiểu đội giữ thật chặt mặt này. Tiểu đội đồng chí bây giờ là nòng cốt của đại đội đấy. Nếu cần, tiểu đội đồng chí phải dùng lưỡi lê, báng súng hay cả vật nhau nữa, giữ cho bằng được.”

Lâm Uý nói:

“Hứa với anh như thế. À anh có bài thơ gì hay ngâm bài động viên anh em đi.”

Chính trị viên vỗ vỗ tay ra hiệu, nói:

“Cả đại đội ai thích nghe ngâm thơ thì hãy lẳng lặng mà nghe.”

Tiếng ngâm thơ của chính trị viên khàn khàn vì ban nãy hét xung phong nhiều quá, nhưng nghe rất cảm động:

……………………
Anh giết bao nhiêu giặc
Mà mắt anh long lanh
Mời anh lên rừng xanh
Hỏi những cành lá biếc [2] .


Một anh lính ở cuối giao thông hào láu táu vọng lên:

“Đề nghị chính trị viên chữa lại:

Mời anh đến Xuân Bồ
Hỏi giao thông hào ruộng ạ”

Cả giao thông hào cười rộ. Không khí các tiểu đội vui hẳn lên. Các chị Phụ nữ Xuân Bồ mang nước đến cho các chiến sĩ, mỗi bát nước kèm theo một nụ cười khuyến khích. Nhiều chị cởi khăn tang trên đầu băng bó cho các đồng chí bị thương. Một chị còn trẻ, hai mắt sưng húp rót cho Lâm Uý một bát nước chè đầy tràn, Lâm Uý hỏi:

“Sao chị khóc nhiều thế?”

Chị bỗng xúc động, bát nước trên tay rung rung, sóng cả ra ngoài. Chị kể:

“Tôi mới sinh một cháu trai được 3 tháng, nó bụ bẫm, trắng như hòn bột. Sáng nay giặc bắn đại bác vào làng, rơi trúng nôi cháu treo giữa nhà. Cháu mất không còn mảnh thịt.”

Rồi không nén nổi đau đớn, chị úp mặt vào giao thông hào khóc, hai vai gầy rung rung. Lâm Uý uống cạn bát nước chè khét mùi thuốc súng vì lá chè chưa rửa sạch. Hai mắt anh mờ mờ nước mắt. Anh đỡ chị dậy và nói:

“Thôi, chị đừng khóc nữa. Tôi sắp trả thù cho cháu đây.”

Hai giờ chiều quân địch ngoài cánh đồng bắt đầu chuyển động. Đồng chí liên lạc Trung đoàn đầu quấn khăn tang trắng đẫm máu, chạy đến giao thông hào đại đội II.

Đồng chí chính trị viên đọc chỉ thị và lời động viên của trung đoàn:

“Hỡi tất cả các đồng chí! Ai còn đủ sức đứng lên thì hãy dũng cảm đứng thẳng lên. Cầm chắc súng và lưỡi lê, đánh thắng trận cuối cùng, bảo vệ cho bằng được Xuân Bồ và trả thù cho các đồng chí và đồng bào đã hy sinh”

Chính trị viên vừa đọc xong thì tất cả đại đội đều đứng lên hết, cả những đồng chí bị thương nhẹ. Hơn năm chục đôi mắt như năm chục lưỡi dao nhọn hoắc chĩa thẳng ra phía địch. Không ai nói một câu nào.

Quân địch bắt đầu đánh. Chúng dốc toàn bộ hoả lực vào đợt tấn công cuối cùng để tiêu diệt cho bằng được chủ lực của Việt minh mà chúng đoán gần bị tiêu diệt rồi. Một mũi mạnh nhất chĩa thẳng vào đại đội Lâm Uý. Chờ địch vào cách 30 thước, đại đội tung lựu đạn đánh ngã toán đầu. Toán thứ hai đạp xác toán đầu xông lên, đại liên, trung liên bắn phủ đầu. Khói thuốc súng cay xè như vã nước ớt vào mắt. Lâm Uý bình tĩnh chỉ huy tiểu đội chồng xác toán thứ 2 lên toán đầu. Lựu đạn gần hết, đạn địch vẫn bắn như mưa. Anh nhảy ra khỏi giao thông hào nhặt lựu đạn của địch và của anh em hy sinh rơi vãi chung quanh, lấy cả quả đã mở chốt an toàn trong tay em liên lạc ngồi dưới gốc cây bưởi. Tất cả được 30 quả, anh phân phát cho anh em đánh bật đợt xung phong thứ ba. Cuối cùng thì đạn và lựu đạn hết nhẵn. Lựu đạn địch ném vào như mưa, có quả chưa rút chốt an toàn. Lâm Uý bắt ném trả lại một lúc 10 quả, quả nào cũng xa 40 thước, nổ đích đáng giữa đầu, giữa lưng quân địch. Quân giặc vẫn điên cuồng lăn xả vào, tinh thần anh em đã hơi nao núng. Lâm Uý vẫn gan góc động viên mọi người:

“Không có lựu đạn thì dùng lưỡi lê báng súng mà diệt địch. Noi gương các chiến sĩ trên đồi Đồng Đưng.”

Quân địch đã vào đến mép làng, chuẩn bị đánh chiếm đoạn giao thông hào thứ nhất.

Đại đội trưởng ra lệnh:

“Chuẩn bị đánh giáp lá cà.”

Tất cả mọi người cầm chắc súng, cầm lưỡi lê sáng quắc sẵn sàng trong tư thế xung phong.

Tiếng quân địch hò hét như điên và tràn vào chiếm các giao thông hào mạnh như cơn nước lũ. Đồng chí chính trị viên đại đội cũng cầm súng cắm lưỡi lê và hô to:

“Tất cả các Đảng viên Cộng sản theo tôi tiến lên!”

Tất cả những người còn lại nhảy vọt ra khỏi giao thông hào, cản địch. Lâm Uý xông vào quân giặc dùng lưỡi lê đâm ngã một lúc 3 tên Spahis cao lớn. Mũi lưỡi lê quằn đi và tưởng như làm bằng thép đỏ.

Ta với quân địch quấn chặt lấy nhau, bụi bay mù trời. Súng trường súng máy đều mất hết hiệu quả. Chỉ còn lưỡi lê, tinh thần và quả đấm là giá trị. Cây cối, bờ rào gẫy răng rắc. Tiếng chửi, tiếng hét, tiếng lưỡi lê cắm vào ngực, tiếng báng súng khô khan choảng vào sọ dừa, lẫn lộn, nhào nhào, rùng rợn.

Ta và địch dồn nhau ra cạnh bờ sông. Trong đám hỗn loạn mịt mù bụi cát đó, Lâm Uý vẫn xông xáo như một con hổ, càng đánh càng hăng. Cả tiểu đội hy sinh gần hết, còn lại một mình anh với một lưỡi lê nhưng anh vẫn không hề nao núng:

“Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, tìm đủ mọi cách để tiêu diệt địch”, ý nghĩ này đã biến thành một chân lý chiến đấu sắt đá, vĩnh viễn chiếu sáng trong tâm hồn Lâm Uý.

Một tên Spahis, dùng tất cả sức lực từ xa nhảy đến đâm một nhát lê vào lưng anh. Lâm Uý tạt ngang tránh khỏi. Thẳng giặc mất đà ngã sấp xuống vồng khoai. Anh chồm lên đâm nó một nhát xuyên từ lưng qua ngực, mũi lưỡi lê cắm sâu vào đất. Thằng giặc chết dán người vào luống khoai như bị đóng đanh. Lâm Uý chưa kịp rút lê thì thằng giặc thứ hai nhảy đến, anh bỏ lưỡi lê ra, ôm thằng giặc vật. Thằng giặc cao hơn anh một cái đầu. Anh vừa vật vừa bóp dái, lăn lộn làm nát cả một đám vừng bằng hai cái nia.

Vừa lúc đó một bọn giặc khác chạy đến cứu bạn nó. Nhưng chưa đến kịp thì anh đã cắn vào cổ nó, thằng giặc rú lên, giẫy dụa, và anh dùng hết sức lực còn lại, ôm chặt nó lăn xuống sông. Bờ sông dốc tuột, thằng giặc không thể nào cưỡng lại được, cả hai lăn tròn như quả bóng, chìm sâu xuống nước. Nước toé lên bờ, toả ra thành từng vòng tròn, rồi liền lại như cũ. Giòng sông Xuân Bồ xanh ngắt trong nắng chiều và lấp loáng một vài vệt máu.

Đến 4 giờ chiều, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn Spahis thứ sáu bằng lưỡi lê, quả đấm, răng và móng tay…

Làng Xuân Bồ đã thành một nghĩa địa lớn chôn sâu 15 năm tội ác của một đội quân từng làm hãnh diện đế quốc xâm lược Pháp.

Quân đội nhân dân Việt nam anh hùng đã trả được mối thù lớn lao cho các đồng chí và nhân dân các dân tộc nô lệ anh em.


3 hôm sau, nhân dân Xuân Bồ đã vớt được xác của Lâm Uý lên, nói là vớt được 2 xác thì đúng hơn vì khi xác anh nổi lên thì hai tay anh vẫn ôm ghì xác thằng giặc. Đồng bào ruột đau như cắt, phải bẻ gãy cánh tay anh mới tháo được xác thằng giặc ra. Một cụ già thấy sau túi quần anh cồn cộn, liền lục ra, thấy 1 cái túi vải con ở một góc có thêu con chim đang bay bằng chỉ xanh. Không rõ là chim gì nhưng đoán được người thêu tuy cẩn thận mà vụng về.

Mở túi thấy có 1 cuốn sổ tay, nước thấm ướt mèm nhưng chữ vẫn còn đọc được. Trong sổ tay có một tờ giới thiệu sinh hoạt Đảng của chi bộ Cộng sản đại đội II: Trong giấy đề:

Lâm Uý, Đảng viên Cộng Sản chính thức.

Còn cuốn sổ tay ghi chép công tác, kiểm điểm hàng ngày của tiểu đội.

Còn một trang ở giữa sổ tay ghi 4 câu hò:

Yêu nhau chẳng quản núi cao
Cách sông bắc một con sào mà qua
Núi cao chi lắm Nết ơi
Che khuất mặt trời chẳng thấy người yêu.

Đó là 4 câu ca dao hôm hành quân về đồng bằng, Lâm Uý nhớ người yêu, làm cho quên đường.

Tất cả mọi người im lặng cúi đầu mặc niệm người anh hùng dũng cảm tuyệt vời và say đắm tình yêu.

Giữa lúc đó bỗng một tiếng khóc bật to lên, đó là bà mẹ già chủ nhà tiểu đội Lâm Uý đóng quân hôm trước ở bên kia làng Uẩn áo. Mẹ lấy vạt áo lau nước mắt đang chảy chan hoà trên gò má nấc nở kể:

“Mới hôm kia anh còn bưng từng thúng lúa có đầy ngọn đổ ra sân phơi cho tôi, lúc đi đánh giặc anh còn cầm tay tôi mà nói: mẹ cứ để thóc ở sân, chúng con đi đánh giặc xong lại trở về phơi thóc cho mẹ, thế mà giờ đã…”

Tất cả mọi người không nén nổi nữa, oà lên khóc theo…

(Trích 1 đoạn trong truyện dài anh hùng Lâm Uý)

(Trang 26-32)

 


[1]Cụ già chèo đò này hiện nay còn sống, đã được chính phủ tặng huân chương kháng chiến. [2]Thơ “Đêm liên hoan” của Hoàng Cầm, một thời kỳ chiến sĩ Bình Trị Thiên ai cũng thuộc Đào Duy Anh
Muốn phát triển học thuật

Tôi muốn góp một số ý kiến vào vấn đề xây dựng nền học thuật của nước nhà. Chẳng cần phải thảo luận, ai ai cũng phải thừa nhận rằng nền học thuật của ta hiện nay thấp kém, lạc hậu. Trong sự nghiệp kiến thiết kinh tế và văn hoá để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ theo hướng xã hội chủ nghĩa, công tác học thuật, công tác nghiên cứu khoa học, có một vai trò trọng đại, vì công tác này mà không phát triển thì không những kiến thiết văn hoá mà cả kiến thiết kinh tế cũng không thể đi xa. Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm thế nào cho công tác ấy đáp ứng xứng đáng được nhu cầu kiến thiết. Nhưng muốn nhận định nhiệm vụ ấy cho đúng đắn, cần phải đánh giá đúng mức tình hình hiện tại của công tác học thuật.

Dưới chế độ thực dân, nghiên cứu khoa học là độc quyền của bọn học giả thực dân. Nhưng để tiến hành công tác nghiên cứu rất phức tạp, chúng cần phải đào tạo những người giúp việc trong giới trí thức Việt Nam. Nhờ khiếu thông minh, đức cần cù và óc tự lập, một số không ít người Việt Nam đã nắm vững được kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu khoa học, và có người đã trở thành những nhà khoa học có tài. Một số trí thức Việt Nam khác, mặc dầu sự hạn chế của bọn thực dân, đã tự mình học tập và nghiên cứu, đặc biệt về khoa học xã hội, văn học và sử học, có người cũng đã thu được thành tích khả quan. Sau Cách mệnh tháng Tám, đại đa số những người trí thức ấy đã nức lòng nguyện đem sở trường chuyên môn ra phục vụ nhân dân để xây dựng nước nhà, và từ ngày toàn quốc kháng chiến đã quyết tâm theo Chính phủ về nông thôn và lên rừng núi tham gia kháng chiến. Trong khi ấy, một số trí thức du học ở Pháp mấy lâu cũng tìm cách trở về nước để chia phần gian khổ và hy sinh với đồng bào. Nguyện vọng thiết tha của những người trí thức ấy là được đóng góp vào công cuộc kháng chiến bằng năng lực chuyên môn của mình.

Trong thời kháng chiến, ngay năm 1948 đã được tổ chức Đại hội văn hoá toàn quốc để thành lập Hội Văn hoá Việt Nam, nhằm mục đích tập hợp các phần tử trí thức để đẩy mạnh công tác văn hoá. Đồng thời Hội Văn nghệ Việt Nam đã được thành lập, khiến công tác văn nghệ được tổ chức và lãnh đạo để phục vụ kháng chiến. Về công tác khoa học và kỹ thuật thì Đoàn Khoa học kĩ thuật thành lập sau đó ít lâu cũng cố gắng làm việc liên lạc và trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà khoa học kỹ thuật công tác ở các cơ sở khác nhau. Nhưng so với Hội Văn nghệ thì công tác của Đoàn Khoa học kỹ thuật gặp nhiều khó khăn hơn, vì cơ sở hoạt động của nó non yếu. Nói rằng nó không làm được gì thì cũng bất công, nhưng cũng không thể nói rằng nó đã thu được thành tích đáng kể. Thực ra thì do điều kiện kháng chiến vô cùng gian khổ, công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật cần có trang bị phức tạp rất khó tiến hành. Phương châm tự lực cánh sinh buộc chúng ta phải phát triển tinh thần thực tiễn chủ nghĩa đến cao độ. Theo nhu cầu của kháng chiến, một số các nhà chuyên môn phục vụ các ngành quân giới, quân y, quân dược, nhờ những cố gắng lớn lao đã giữ được mức nghiên cứu khoa học tương đối cao và đã có nhiều thành tựu tốt đẹp. Nhưng nói chung thì những hạn chế về vật chất vì tình hình kháng chiến khiến chúng ta, về mọi mặt, phải nhắm phát huy những kinh nghiệm do nhu cầu thực tế tạo nên, để giải quyết những vấn đề kỹ thuật càng ngày càng khó theo đà phát triển của chiến tranh, do đó chúng ta tất phải càng ngày càng đi sâu vào thiên hướng kinh nghiệm chủ nghĩa. Ngoài số rất ít chuyên gia nhờ điều kiện đặc biệt vẫn tiến hành được nghiên cứu khoa học, số đông chỉ làm công tác thực tiễn, và nhiều khi chỉ làm những công tác linh tinh xa với chuyên môn của mình. Những người có điều kiện may mắn cũng dồn chứa được một số kinh nghiệm có ích, nhưng phần đông vì không có điều kiện thích hợp, và không được bồi dưỡng về chuyên môn, khả năng chuyên môn của họ càng ngày càng cùn. Có lúc họ đã cảm thấy kiến thức của mình vô dụng trong một hoàn cảnh mà những công việc lớn đều có thể làm nên bằng lực lượng vĩ đại và kinh nghiệm phong phú của nhân dân. Tình trạng ấy lại củng cố thêm thành kiến của người cán bộ chính trị phổ thông cho rằng người trí thức chuyên môn cũ chỉ biết khoa học kỹ thuật của đế quốc là cái không thích hợp với chế độ chúng ta. Chính bản thân người trí thức chuyên môn, sau bao nhiêu đợt chỉnh huấn cũng phải nhận thấy rằng mình vốn chứa đầy thói hư nết xấu của thành phần tiểu tư sản hoặc mang nặng những tư tưởng tư sản và địa chủ, và sau khi đã xác định thái độ phục vụ nhân dân vô điều kiện, thì họ đã tự nguyện thủ tiêu hết thắc mắc về công tác chuyên môn để toàn tâm toàn ý phục vụ kháng chiến.

Chủ nghĩa thực tiễn và sự phát huy kinh nghiệm là những điều kiện quan trọng trong cuộc thắng lợi của kháng chiến, nhưng cái thiên hướng kinh nghiệm chủ nghĩa đã khiến công tác nghiên cứu khoa học không được đề cao và đã ảnh hưởng đến sự tăng thêm cái thành kiến xem nhẹ trí thức của một số đông cán bộ chính trị. Cuộc cải tạo tư tưởng - bằng chỉnh huấn - của giới trí thức đã thu được nhiều kết quả rất tốt, nhất là đã khiến họ thực thà hoà mình với nhân dân để phục vụ nhân dân, nhưng cái tác phong gay gắt quá mức đã khiến một số đông, vì thấy mình nhiều sai lầm to lớn quá mà thành tự ty, mất hẳn cái tự trọng mà, theo Chu Ân Lai, vô luận người lao động chính trực nào cũng phải có, thậm chí có người khi bất đắc dĩ phải nhận mình là trí thức thì cảm thấy hổ ngươi.

Trong thời kháng chiến, tinh thần mọi người đều căng thẳng hướng về yêu cầu "tất cả cho tiền tuyến", cho nên cái tình trạng công tác nghiên cứu khoa học không được săn sóc và người trí thức không được xem trọng, tuồng như chẳng đặt ra vấn đề gì. Nhưng từ ngày hoà bình trở lại thì tình hình khác hẳn. Mọi người, Chính phủ cũng như nhân dân, đều nhận thấy rằng trong sự nghiệp kiến thiết kinh tế và văn hoá, nghiên cứu khoa học là vô cùng cần thiết. Giới trí thức cảm thấy sâu sắc rằng đây là cơ hội để họ có thể đem khả năng chuyên môn ra phục vụ và mọi người đều hi vọng rằng, với sự săn sóc của Chính phủ đối với công tác nghiên cứu khoa học và sự giúp đỡ của các nước bạn, họ sẽ có điều kiện hoạt động dễ dàng, khác với cảnh chật vật gay go của thời kháng chiến. Thực ra trong hai năm nay, những trang bị về nghiên cứu khoa học, nhất là về y học, hoá học, vật lý học, các nước bạn giúp nước ta rất nhiều. Thế mà quang cảnh nghiên cứu khoa học chưa thấy khởi sắc, công tác học thuật vẫn cứ tiêu điều, giới trí thức lại dần dần mất đà phấn khởi. Chúng ta phải có can đảm nhìn nhận thực tế ấy, thành khẩn nhận ra nguyên nhân thì mới có thể tìm phương cải thiện tình hình được.

Chính phủ và Đảng Lao động Việt Nam đều nhận thấy tính quan trọng của sự nghiệp nghiên cứu khoa học và vai trò của giới trí thức trong sự nghiệp cách mệnh và kiến quốc. Nhưng vì ngày nay, cũng như trước kia, chưa có chủ trương cụ thể về vấn đề nghiên cứu khoa học và nhất là chưa có chính sách cụ thể về vấn đề tri thức, cho nên trong thực tế, người trí thức vẫn bị xem nhẹ, công tác nghiên cứu khoa học vẫn bị lơ là. Vì chưa có chính sách cụ thể về vấn đề trí thức cho nên trong quan niệm của người cán bộ chính trị, có khi là người giữ trách nhiệm điều khiển và lãnh đạo ở bực cao, vẫn tồn tại cái thành kiến không tin khả năng của người trí thức. Do đó, trong thực tế, người trí thức không được cảm thông nâng đỡ trong yêu cầu chuyên môn của họ, mà trái lại, họ cảm thấy luôn luôn bị người cán bộ chính trị chèn ép. Viết đến đây, ngòi bút của tôi ngần ngại rất nhiều. Tôi sợ không khéo người ta lại gia cho tôi cái tội muốn cho chuyên môn độc lập với chính trị, tức muốn thoát ly sự lãnh đạo của Đảng. Trải qua chín năm kháng chiến, nếu người trí thức Việt Nam không học được nhiều thì cũng được học hai điều chắc chắn: điều thứ nhất là cuộc kháng chiến và cách mệnh của ta phải do Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo thì mới có thể đi đến thắng lợi cuối cùng; điều thứ hai là chuyên môn phải chịu sự lãnh đạo của chính trị thì mới phục vụ đúng đắn được. Nhưng chúng ta phải thẳng thắn đặt cho rõ vấn đề: chuyên môn phải chịu sự lãnh đạo của chính trị, như thế không có nghĩa là người cán bộ chuyên môn vĩnh viễn phải chịu sự lãnh đạo của người cán bộ chính trị.

Theo tôi thiển nghĩ thì công tác chuyên môn căn bản phải do những nhà chuyên môn phụ trách - nếu không có đủ thì phải đào tạo mà điều ấy không phương hại gì cho nguyên tắc chính trị lãnh đạo.

Ở trường hợp người cán bộ phụ trách chuyên môn đã có lập trường và khả năng chính trị vững vàng - trải qua cuộc kháng chiến gian khổ, qua các đợt chỉnh huấn và học tập chủ nghĩa Mác–Lê và qua các phong trào đấu tranh xã hội lớn, người trí thức Việt Nam đã được rèn luyện nhiều về chính trị - thì tự họ biết hướng công tác chuyên môn của họ đi theo đường lối do chính trị vạch ra, tức theo sự lãnh đạo của chính trị. Khi ấy cố nhiên đặt người cán bộ chính trị không phải để lãnh đạo người phụ trách chuyên môn mà chỉ để phân công đảm đương cái phần công tác chính trị chung trong cơ quan. Ở trường hợp mà trình độ chính trị của người phụ trách chuyên môn còn non thì người cán bộ phụ trách công tác chính trị có nhiệm vụ giúp đỡ và hướng dẫn về đường lối chính trị, song nhất thiết không can thiệp vào nội dung của công tác chuyên môn, trừ phi người ấy đã cố gắng học tập mà nắm vững được chuyên môn thì chính họ lại trở thành chuyên gia rồi (trường hợp ấy cũng hiếm). Sự phân công giữa công tác chính trị và công tác chuyên môn phải rạch ròi thì công tác chuyên môn mới tiến hành thông suốt được. Nhưng tình hình thực tế của ta thì cũng ít khi đạt được mức lý tưởng như thế. Vì cái thành kiến không tin trí thức, cho nên trong nhiều cơ quan, có khi là cơ quan thuần tuý chuyên môn, bên cạnh hay ở trên người cán bộ phụ trách chuyên môn, tất phải có người cán bộ chính trị để lãnh đạo. Người cán bộ chính trị ấy, có khi vì trình độ còn non, thường có khuynh hướng vượt quá quyền hạn mà lấn sang quyền điều khiển chuyên môn.

Trong địa hạt khoa học tự nhiên, sự xâm phạm của những cán bộ chính trị vào địa hạt chuyên môn như thế cố nhiên là rất trở ngại cho công tác chuyên môn, nhất là công tác nghiên cứu khoa học. Trong địa hạt khoa học xã hội thì mối tệ cũng không kém. Vì khoa học xã hội chịu sự lãnh đạo của chính trị trực tiếp hơn cho nên người ta rất dễ nghĩ lầm rằng hễ người có lập trường và năng lực chính trị vững vàng thì tất có điều kiện căn bản cần thiết để làm công tác về khoa học xã hội. Bởi thế chúng ta thấy không ít trường hợp, hoặc những cán bộ thuần tuý chính trị hoặc những cán bộ chính trị mượn danh hiệu chuyên môn, được cử ra lãnh đạo một tổ chức văn hoá hay học thuật. Như thế thì công tác nghiên cứu khoa học khó lòng được quan niệm và hướng dẫn đúng đắn. Thái độ quá dễ dãi của người lãnh đạo đối với sự nghiên cứu, do trình độ chuyên môn còn non gây nên, và thái độ lũng đoạn học thuật do quan niệm hẹp hòi về lập trường gây nên, có thể tạo thành cái tác phong nghiên cứu hời hợt, thiếu nghiêm túc và chính xác, rất có hại cho công cuộc nghiên cứu chân chính.

Tóm lại, chính cái tư tưởng không tin và coi rẻ trí thức đã dẫn đến sự ứng dụng lệch lạc cái nguyên tắc rất đúng đắn về quyền lãnh đạo của chính trị, do đó công tác học thuật của chúng ta, về khoa học tự nhiên cũng như về khoa học xã hội, gặp nhiều cản trở mà vẫn bị hãm vào tình trạng lạc hậu.

Công cuộc kiến thiết đòi hỏi một trình độ kỹ thuật càng ngày càng cao. Cố nhiên chúng ta có thể nhờ sự giúp đỡ lớn lao của các nước bạn, nhưng bây giờ cũng như bao giờ, tự lực cánh sinh vẫn là chủ yếu. Tiếp thu sự viện trợ về kỹ thuật của các nước bạn, nâng cao trình độ kỹ thuật của nước nhà, đào tạo cán bộ nắm vững được kỹ thuật ấy, tất cả những việc ấy không thể làm nổi nếu công tác nghiên cứu khoa học không phát triển. Kéo dài tình trạng lạc hậu của học thuật thì không thể đảm bảo được kế hoạch kiến thiết, tức là một tai hại lớn cho quốc gia. Nhưng muốn chấm dứt tình trạng ấy, muốn cho học thuật phát triển được thì không thể làm thế nào khác được là dựa vào cái cơ sở sẵn có, các nhà trí thức chuyên môn Việt Nam, tức là đạo quân chủ lực của công tác học thuật.

Do đó vấn đề mấu chốt cần phải giải quyết trước hết để thúc đẩy công tác học thuật tiến lên là vấn đề trí thức.


Ở đây tôi không bàn về toàn bộ vấn đề trí thức, cho nên tôi không nói đến cái khả năng đóng góp của giới trí thức về mọi mặt công tác và những thiệt hại gây nên nếu không khai thác khả năng ấy. Những kinh nghiệm đau thương có tính chất lịch sử mà chúng ta đang trải qua hiện nay, nếu xét kỹ sẽ có thể cho thấy có phần hậu quả của những sai lầm về vấn đề trí thức ở trong ấy. Tôi chỉ nêu lên những khía cạnh của vấn đề trí thức có liên quan đến vấn đề phát triển học thuật mà thôi. Trong các nguyên nhân chủ yếu trở ngại sự phát triển học thuật, chúng ta đã thấy thì hiện nay cái tư tưởng không tin trí thức của người cán bộ chính trị vẫn tồn tại. Mặc dầu trong lý trí, người ta thừa nhận và phải thừa nhận vai trò quan trọng của người trí thức, nhưng trong tình cảm và trong đối xử thực tế, vẫn thấy ở người cán bộ chính trị lãnh đạo cái lòng hoài nghi và cái vẻ khinh rẻ đối với người trí thức gọi là trí thức cũ – mà tối đại đa số trí thức là cũ, chứ trí thức mới thì rất hiếm hoi. Cái mâu thuẫn tiềm tàng ấy khiến chính người cán bộ chính trị mỗi khi nghe người ta trách mình không tin và khinh trí thức thì lấy làm ngạc nhiên một cách rất thành thực mà không chịu nhận. Một người trí thức bạn tôi một hôm nhân gặp một nhà chính trị cao cấp của Đảng đã than phiền về điều ấy thì được nhà chính trị trả lời rằng: “ Sao anh lại nói là không tin? Thì trước kia anh là giáo sư, ngày nay anh cũng vẫn là giáo sư đấy chứ.” Tôi thấy đây quả là một sự hiểu lầm nhau. Cái quan niệm tín nhiệm thiên về hình thức của nhà chính trị, người trí thức không thể lấy làm thoả mãn. Muốn giải quyết vấn đề thì phải hiểu nhau hơn. Thực ra thì đa số các phần tử trí thức hiện nay đều có chức vị xứng đáng, không kể một số được chiếu cố đặc biệt còn giữ những chức vị quan trọng trong Chính phủ và trong các cơ quan. Nhà chính trị cho như thế là tín nhiệm giới trí thức nhiều lắm rồi. Nhưng người trí thức - người trí thức chân chính – thì cho như thế chỉ là xử trí về hình thức, và yêu cầu một sự tín nhiệm sâu sắc hơn, thiết thực hơn, tức là trên cơ sở nhìn nhận vai trò của người trí thức trong công cuộc cách mệnh và kiến quốc, tin cậy vào khả năng chuyên môn của họ và tạo điều kiện cần thiết để cho họ phát huy năng lực sở trường, do đó họ bảo toàn được phẩm cách và làm trọn được nhiệm vụ của người trí thức đối với Tổ quốc. Nếu các cán bộ chính trị đảm đương vai trò lãnh đạo mà không nắm vững cái yêu cầu ấy thì mỗi khi nghe người trí thức phàn nàn rất dễ có khuynh hướng nổi cáu mà cho họ là bội bạc, không cảm cái ơn chiếu cố mà còn “được voi đòi tiên”, và gán ngay cho họ những động cơ tự cao tự đại, hoặc tham lam quyền lợi và địa vị cá nhân. Oan cho họ lắm? Giới trí thức Việt Nam đã được rèn luyện đau đớn bao nhiêu trong lửa kháng chiến không phải toàn là loại nửa người nửa ngợm như có người đã tưởng đó đâu. Người ta phàn nàn là tất có vấn đề, nhưng không phải là vấn đề đơn giản về mặt điều kiện đãi ngộ. Giới trí thức mong nhà chính trị nắm vững thực chất của vấn đề thì mới có thể tìm phương giải quyết đúng được. Nhưng muốn thế thì nhà chính trị nên có nhận định rộng rãi và đúng đắn hơn về người trí thức Việt Nam.

Nếu xem người trí thức là người bên kia mình phải tranh thủ, tất nhiên là phải bắt đầu bằng sự đãi ngộ; nếu xem người trí thức là người bên kia mình đã tranh thủ được rồi và cần phải giáo dục, tất nhiên còn sợ lập trường của họ chưa vững, tư tưởng của họ chưa thuần, cho nên cách xử trí với họ thường nặng về mặt đối phó. Nhưng người trí thức Việt Nam có phải là người bên kia không? Trừ một thiểu số có quan hệ chặt chẽ với giai cấp thống trị, giới trí thức Việt Nam trong thời Pháp thuộc, căn bản là một tầng lớp lao động bị áp bức, bóc lột và giầy vò, cũng như những người lao động chân tay. Bởi thế một số đã tham gia cách mệnh và đại đa số đã nhiệt liệt hoan nghênh cách mệnh, tham gia kháng chiến, và tự nguyện tự giác nhận sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam. Họ đã qua sự giáo dục của Đảng, qua sự thử thách của kháng chiến. Họ đã chịu đựng gian khổ và đã hy sinh nhiều mặt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nếu buổi đầu vì trình độ chính trị tương đối lạc hậu, vì thành phần xuất thân phức tạp của một số người, mà có sự nhận lầm xem chung giới trí thức là người bên kia, thì ngày nay không còn lý gì mà không xem họ là thuộc hàng ngũ nhân dân lao động, là những người lao động trí óc mà hình thức cũng như nội dung công tác hoàn toàn phục vụ nhân dân. Nếu trong hàng ngũ trí thức còn có người lạc hậu thì trong hàng ngũ công nông những phần tử lạc hậu cũng chẳng hiếm hoi.

Sau khi xác định cái quan niệm xem người trí thức là người lao động trí óc, thuộc hàng ngũ nhân dân lao động, thì bao nhiêu hoài nghi đối với họ sẽ tiêu tán hết. Tín nhiệm là cái chìa khoá để giải quyết tất cả các chi tiết khác trong vấn đề trí thức.

Trong khi dưới ánh sáng của những nghị quyết lịch sử của Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô và do yêu cầu của tình hình hiện tại nước ta, Chính phủ và Đảng đương phải duyệt lại các chính sách lớn, giới trí thức khát khao mong mỏi ở Chính phủ và Đảng một chính sách cụ thể về vấn đề trí thức nói chung, và đặc biệt về công tác học thuật. Điều kiện thành công chủ yếu của chính sách ấy là nó phải xuất phát từ chỗ thực sự - chứ không phải chỉ là trên lý thuyết – xem người trí thức là cùng hàng ngũ với người lao động chân tay.

Với quan niệm ấy, trước hết có thể giải quyết đúng đắn cái vấn đề quyền lãnh đạo của chính trị. Nhà chuyên môn thấm nhuần đường lối chính trị chung, luôn luôn được học tập đường lối ấy cũng như mọi cán bộ khác, có thể tự quản trong công tác chuyên môn mà không sợ sai lầm về chính trị.

Từ quan niệm ấy, người ta tất thảy thấy rằng giới trí thức không phải là một lực lượng ở ngoài, mình phải lợi dụng vào công cuộc kiến thiết, mà chính là một lực lượng chủ nhân quan trọng không thể thiếu được trong sự nghiệp kiến thiết quốc gia. Lực lượng ấy còn non yếu, chúng ta phải bồi dưỡng nó. Lực lượng ấy còn mỏng mảnh, chúng ta phải phát triển nó. Đó là một nhiệm vụ của Nhà nước chứ không phải là chuyện chiếu cố cá nhân.

Những vấn đề khác, như vấn đề sắp xếp công tác cho hợp lý các cán bộ trí thức để tận dụng khả năng của họ, vấn đề hiểu rõ yêu cầu chuyên môn của họ để cung cấp điều kiện làm việc cần thiết, đối với những người trí thức làm công tác nghiên cứu, thì vấn đề trang bị và tài liệu nghiên cứu, vấn đề chế độ làm việc để đảm bảo thời gian nghiên cứu, cho đến cả vấn đề đãi ngộ về chính trị và đãi ngộ về vật chất, sẽ được quan niệm đúng đắn và giải quyết dễ dàng.


Giải quyết vấn đề trí thức là điều kiện tiên quyết để phát triển công tác học thuật. Nhưng cái điều kiện chủ yếu chính là phải xác định cái quan niệm đúng đắn về công tác học thuật, về nghiên cứu khoa học. Đây là vấn đề thuộc về bản thân của giới trí thức nhiều hơn, mà cũng rất quan hệ với nhà lãnh đạo.

Có một thành kiến cựu truyền cho rằng nghiên cứu khoa học là việc cao xa, thuộc về chuyên nghiệp của các nhà bác học, người thường không can dự đến. Thành tích nghiên cứu phải là những cái phát minh ghê gớm làm chấn động tai mắt mọi người. Đối với một số đông trí thức Việt Nam mà điều kiện công tác thực tế mấy lâu đã làm cho họ quên cái thói quen nghiên cứu, thì cái thành kiến ấy lại càng khiến họ không dám nghĩ đến việc nghiên cứu khoa học, chỉ yên phận trong công tác nghiệp vụ hàng ngày. Quan niệm quá trịnh trọng về công tác nghiên cứu và thái độ tự ty của người trí thức như thế chính làm tê liệt cái khả năng sáng tạo của họ và làm đình đốn công tác học thuật.

Trái ngược lại thì cái quan niệm quá dễ dãi về công tác nghiên cứu lại cũng tác hại rất nhiều. Cái quan niệm sai lầm này đặc biệt hoành hành trong địa hạt khoa học xã hội. Chúng ta đã biết rằng vì khoa học xã hội liên quan trực tiếp với chính trị là yếu tố lãnh đạo, cho nên người ta tưởng rằng hễ lập trường và năng lực chính trị vững vàng là có thể làm công tác lãnh đạo, cho đến cả công tác chuyên môn về khoa học xã hội - triết học, văn học sử học, kinh tế học. Vì vậy người ta không cần được chuẩn bị lâu dài, không cần được rèn luyện chu đáo về chuyên môn, không cần học tập phương pháp và kỹ thuật mà cứ làm bừa. Công tác nghiên cứu khoa học tự nhiên thì có những thủ tục rất cụ thể về kỹ thuật, nếu không theo đúng thì có khi gây tai nạn lớn, hại của chết người. Nhưng về khoa học xã hội thì dù người ta không theo thủ tục gì, phương pháp gì, dùng tài liệu không chính xác, phân tích tài liệu không chu đáo, thì cũng thấy chẳng chết ai. Thậm chí gò ép tài liệu, cưỡng bức sự thực phải theo định kiến của mình, nó cũng ngoan ngoãn phải theo, không thấy có gì hại cả. Vì thế người ta rất dễ thành chuyên gia về khoa học xã hội, rồi người ta tặng nhau một cách dễ dãi, rẻ tiền, những danh hiệu nhà triết học, nhà văn học, nhà sử học, nhà kinh tế học, là những danh hiệu mà chính thực, ở các nước, phải trải bao nhiêu công phu gian khổ cần cù, nhà chuyên môn mới tranh thủ được. Cái tác phong dễ dãi ấy có thể gây nên một quang cảnh phồn thịnh giả dối cho công tác nghiên cứu, nhưng thực ra thì vì cái tai hại của nó không thể hiện ra bằng vật chất, cho nên, trong khoảng vô hình, cái hại ngấm ngầm ăn sâu lan rộng mà có thể phá hại công tác nghiên cứu khoa học chân chính. Trong trường hợp mà cái tác phong ấy lại có những phương tiện chính quyền và những điều kiện vật chất rộng rãi để phát triển và chiếm bá quyền thực tế trong trường học thuật, thì tai hại của nó lại càng nghiêm trọng.

Quan niệm đúng đắn về nghiên cứu khoa học khác hẳn hai quan niệm trên.

Nghiên cứu khoa học không phải là một việc cao xa thuộc đặc quyền của các nhà bác học đeo kính làm việc trong những phòng thí nghiệm hay những thư viện tĩnh mịch nghiêm trang, như các đạo sĩ xưa luyện kim đơn trong hang núi. Nó là việc thường gắn liền với công tác hàng ngày của người trí thức chuyên môn. Ở các nước tiên tiến như Liên Xô, người công nhân xí nghiệp, người nông dân ở nông trường cũng như người sinh viên đại học, đều có thể tham gia nghiên cứu khoa học. Công tác ấy gồm nhiều hình thức khác nhau, từ thấp lên cao, từ đơn giản đến vô cùng phức tạp. Từ phiên dịch cẩn thận một tài liệu tham khảo về khoa học, sưu tầm và trình bầy trung thành và có hệ thống một số ca dao tục ngữ của một địa phương, cho đến tìm tòi để đi đến những phát minh lớn về vật lý hay triết học, đều là những hình thức nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học là một công tác khó khăn cần phải trải qua nhiều đường lối và phải do sự hợp tác của nhiều người thì mới thành công. Nhưng lại phải đề phòng cái lệch lạc cho rằng ai muốn nghiên cứu khoa học cũng được. Trên kia đã tố cáo cái quan niệm quá dễ dãi về nghiên cứu, ở đây xin nói thêm rằng về khoa học xã hội cũng như về khoa học tự nhiên, sự nghiên cứu phải theo phương pháp và kỷ luật nhất định mà phải học tập gian khổ mới nắm vững được, chưa kể là trước khi học tập những cái ấy thì đã cần phải nắm vững những kiến thức cơ bản về chuyên môn rồi. Chưa hẳn là về khoa học tự nhiên quá trình nghiên cứu khó hơn về khoa học xã hội như có người tưởng. Vị chuyên gia Trung Quốc ở trường đại học của ta cho tôi biết rằng theo kinh nghiệm của trường Đại học Bắc Kinh thì công việc đào tạo giáo sư về khoa học xã hội phức tạp và lâu dài hơn công việc đào tạo giáo sư về khoa học tự nhiên. Ở trên cũng đã bài xích cái quan niệm cho rằng nghiên cứu khoa học xã hội thì hễ nắm vững đường lối chính trị là làm được. Đây chỉ xin nhắc thêm một điều thường thức là làm thợ mộc thợ nề còn phải trải qua thời gian học nghề hàng chục năm trời, thì làm công tác nghiên cứu khoa học mà không chịu học nghề là chuyện vô cùng phi lý.

Trong quá trình học tập chuyên môn, không những người ta tập làm quen với phương pháp và kỷ luật nghiên cứu, mà còn phải làm quen với tác phong nghiêm túc, thận trọng, chân thành, thực sự cầu thị là cái tác phong, nếu thiếu, thì nghiên cứu chỉ là có hại. Tác phong ấy chúng ta phải giữ từ việc nhỏ đến việc lớn, việc nhỏ mà làm cẩu thả có thể hại đến việc lớn rất nhiều. Ví dụ công tác phiên dịch còn bị chúng ta coi nhẹ lắm, mà chính những người phụ trách công tác phiên dịch, vì trình độ phổ thông còn kém, cũng không tự đòi hỏi gay gắt. Nhưng khi chúng ta đặt công tác phiên dịch trong quá trình nghiên cứu khoa học thì phải đòi hỏi ở nó một trình độ chính xác nghiêm mật. Nếu không thì có khi chỉ một điểm sai lầm nhỏ có thể dẫn nhà nghiên cứu đến kết luận trái hẳn với thực tế, mà biến công cuộc nghiên cứu thành một cuộc du lịch phiêu lưu.

Nghiên cứu tuy không phải chỉ nhắm những phát minh phi phàm, nhưng căn bản vẫn phải là phát minh, là sáng kiến, là lập thành tích độc đáo. Bởi thế phiên dịch hay trình bầy một tài liệu cho chính xác và thận trọng để giúp cho công cuộc nghiên cứu còn có giá trị khoa học hơn một quyển sách dầy trong ấy tác giả chỉ thu lượm ý kiến của người khác, hoặc bằng cách dịch thuật, hoặc bằng cách trích dẫn, nếu không phải là sao tập, như thế chỉ là việc phổ biến chứ không phải là việc nghiên cứu khoa học. Đây là chỗ nên nhắc lại lời nói của Ô. Mi-cai-an ở Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô: “Học thuật là cái gì nếu không có tinh thần sáng tạo? Thế chỉ là bài tập của học sinh chứ không phải là học thuật, vì học thuật trước hết là sáng tạo cái mới chứ không phải là nhai lại.” Lời nói ấy mãi khuyến cáo những người làm công tác học thuật phải nghiêm khắc với mình.

Nhưng muốn tìm được cái mới thì tất phải biết rõ tình hình cái cũ là thế nào đã. Người làm công tác nghiên cứu khoa học phải biết rõ tình hình tài liệu về vấn đề mình muốn nghiên cứu, và hiện trạng nghiên cứu của vấn đề ấy là thế nào. Như thế mới tránh khỏi cái tình trạng mình mất công cặm cụi phiên dịch hay trình bầy một tài liệu mà người khác đã phiên dịch hay trình bầy từ trước mất rồi, hoặc “một mình vùi đầu vào nghiên cứu một vấn đề và có được những kết quả khả quan, nhưng không may họ không biết rằng có người khác, thậm chí mấy chục năm trước đây đã đạt được những kết quả ấy rồi” (xem bài nói chuyện của ông Lục Định Nhất về Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh). Như thế thì cũng tránh khỏi cái tình trạng có hại hơn nữa là có khi người ta chỉ tìm thấy một mẩu tài liệu vụn vặt nào đã tưởng lầm rằng đó là một phát minh quan trọng, vội dựa vào đó mà kết luận dứt khoát về một vấn đề mà các nhà học giả trong nước, có khi là trên thế giới, đang tranh luận gay go.

Những vấn đề trên là thuộc về hình thức và phương pháp. Xin nói thêm vài điểm về vấn đề nội dung.

Gắn liền với công tác hàng ngày, tất nghiên cứu khoa học phải kết hợp chặt chẽ với tình hình hiện tại với thực tế của nước nhà. Nhà khoa học cố nhiên phải chú ý những vấn đề cần giải quyết trước mắt, nhưng vì nghiên cứu khoa học là một quá trình phức tạp và lâu dài cho nên nhà khoa học lại còn phải nhìn xa thấy rộng mà nhắm mắt giải quyết những vấn đề tuy không có lợi ngay trước mắt mà có lợi ích rộng rãi và xa xôi. Vì vậy cần phải tránh cái quan niệm thực dụng chủ nghĩa mà người ta nhận lầm là thực tiễn chủ nghĩa. Với tinh thần thực dụng chật hẹp thì không những là thiên văn học sẽ không cần mà đến nghiên cứu nghệ thuật thời Lý và nghiên cứu những trống đồng Lạc Việt cũng là những chuyện vô dụng. Muốn cho khoa học phát triển mạnh mẽ dồi dào, không nên chỉ đóng khung sự nghiên cứu vào yêu cầu của kế hoạch nhà nước từng năm mà phải nhắm cả yêu cầu của kế hoạch lâu dài. Vì thế nội dung của những ván đề nghiên cứu không nên bị gò bó chặt chẽ mà nên để cho người đương sự lựa chọn rộng rãi.

Cái điều kiện cuối cùng, mà không thể thiếu được, để cho học thuật phát triển là tự do tư tưởng, tự do thảo luận. Ở đây tôi không vạch ra hạn chế tự do tư tưởng nói chung vì những tác phong quan liêu bè phái, độc đoán là những cái đã tác hại nghiêm trọng trong mọi ngành công tác. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh hai hình thức hạn chế tự do tư tưởng tác hại nặng nhất đối với học thuật là bệnh giáo điều và biến chứng của nó là bệnh sùng bái cá nhân. Đại hội thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô đã tố cáo những tác hại của hai bệnh ấy trong công tác tư tưởng và học thuật, nhất là về khoa học xã hội. Phần lớn các nhà công tác lý luận cũng như các nhà triết học, sử học chỉ là "nhắc lại những khuyến cáo, công thức và đề án cũ mà họ đã lật đi lật lại đủ chiều" (Mi-cai-an). Thậm chí người ta còn cho rằng "khoa học xã hội chỉ có thể phát triển nhờ những nhân vật phi phàm, các nhà học giả khác chỉ có việc là chú giải và phổ biến những tác phẩm của các lãnh tụ" (Kommounist). Ở nước ta thì bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân lại còn trầm trọng hơn, khiến người ta, vô luận bàn về vấn đề gì, cũng đều phải bắt đầu dẫn những đề án của Mác-Ăng-ghen và Lê-nin, hoặc những ý kiến của Sta-lin hay các lãnh tụ khác, để, hoặc phát triển thêm những ý kiến ấy, hoặc g̣ò bó tài liệu, xoay sở thế nào để gán vào khuôn khổ của những công thức rút ra tự những ý kiến ấy. Xin chỉ một cái tỷ dụ gần đây. Như vấn đề phân kỳ của lịch sử Việt Nam và vấn đề hình thành dân tộc, chúng tôi nhận thấy rằng nhiều người nghiên cứu không dám có ý kiến gì mới ngoài những điều các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác hay các vị lãnh tụ đã nói về các vấn đề ấy. Bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân lại dẫn thẳng đến cái tệ tư tưởng độc tôn: hễ thấy ai có ý kiến gì vượt ra ngoài những công thức cũ, những khuôn khổ sẵn có thì người ta chụp ngay cho những cái mũ dễ sợ, như cái danh hiệu cải biến chủ nghĩa chẳng hạn, những mũ như thế rất dễ bịt mồm bịt miệng người ta.

Tư tưởng không tự do thì không thể tự do thảo luận được. Mặc dầu không ai cấm tranh luận - các nhà lãnh đạo vẫn thường nói nên mở rộng tranh luận nhưng trong thực tế thì sự thảo luận đã bị thủ tiêu từ gốc rồi. Nghiên cứu hay nghị luận một vấn đề gì, nhiều người chỉ nơm nớp sợ không khéo thì chệch ra ngoài đường lối tư tưởng chính thống độc tôn. Đối với những người ấy, công tác học thuật trở thành trò xiếc leo dây. Con đường học thuật phải là con đường cái thênh thang mọi người tự do đi lại, chứ không phải sợi dây căng của người làm xiếc. Phải trừ bỏ những bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân để trả lại tự do cho học thuật. Phải áp dụng chính sách "bách gia tranh minh" mà Đảng Cộng sản Trung Quốc thi hành đối với công tác nghiên cứu khoa học, cái chủ trương mà ông Lục Định Nhất đã giải thích rằng: "Tự do suy nghĩ độc lập, tự do tranh luận, tự do sáng tác và tự do phê bình, tự do phát biểu ý kiến của mình". Về điểm này tôi không thể nói gì hơn. Tôi chỉ xin nhấn mạnh rằng cái tự do chúng ta chủ trương đây, cũng như ý kiến của ông Lục Định Nhất, không phải là tự do theo lối tư sản, mà là tự do dân chủ trong nội bộ nhân dân.


Những vấn đề chúng tôi nêu trong bài này thì ở Trung Quốc người ta đã giải quyết tốt đẹp rồi. Về vấn đề trí thức thì bản “Báo cáo về vấn đề phần tử trí thức” của Chu Ân Lai đọc ở cuộc hội nghị bàn về vấn đề phần tử trí thức do Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập hồi tháng 1 năm này đã nêu lên chính sách cụ thể của Đảng và Chính phủ, làm cho toàn thể giới trí thức Trung Quốc vô cùng phấn khởi và tin tưởng chắc chắn vào tương lai tươi đẹp của mình và của nước nhà. Về vấn đề phát triển học thuật thì bài nói chuyện của ông Lục Định Nhất hồi tháng 5 vừa rồi về chính sách “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh” lại làm cho giới trí thức thấy cái đường lối công tác rộng rãi và đúng đắn, đảm bảo chắc chắn sự thực hiện cái nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho họ, trong hạn 12 năm phải làm cho Trung Quốc theo kịp trình độ khoa học tiền tiến của thế giới về những ngành quan trọng. Việt Nam chưa phải là một nước tiến bộ như Trung Quốc, cố nhiên giới trí thức Việt Nam cũng không đòi hỏi sự giải quyết vấn đề in hệt như Trung Quốc. Vấn đề của chúng ta nhất định phải giải quyết trên cơ sở thực tế của chúng ta. Nhưng chúng ta đã học tập Trung Quốc về nhiều phương diện, thì về phương diện này chúng ta cũng có thể học tập Trung Quốc để tìm cái hướng giải quyết vấn đề của chúng ta. Giới trí thức Việt Nam đương chờ đợi một sự giải quyết mạnh bạo và căn bản.

(Trang 33-46)


 

*


Quảng cáo

Đón đọc loại sách Đất mới - Tập I: Chuyện sinh viên, gồm những bài của Nguyễn Bao, Bùi Quang Đoài, Thúc Hà, Dương Viết Á, Văn Tâm, Nguyễn Đức Tiêu, v.v. Bìa do hoạ sĩ Dương Bích Liên trình bày.


 

*


Phan Khôi
Ba bài thơ ngắn


Hồng gai

Hồng nào hồng chẳng có gai
Miễn đừng là thứ hồng rài không hoa
[1]
Là hồng thì phải có hoa,
Không hoa, chỉ có gai mà ai chơi?
Ta yêu hồng lắm hồng ơi,
Có gai mà cũng có mùi hương thơm.

(16-3-1951, Trên đường Tuyên Hà)


Hớt tóc trong Bệnh viện Quân y

Tuổi già thêm bệnh hoạn
Kháng chiến thấy thừa ta
Mối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra.

(1952)


Nắng chiều

Nắng chiều đẹp có đẹp
Tiếc tài gần chạng vạng
Mặc dù gần chạng vạng,
Nắng được thì cứ nắng.

(1956)

(Trang 47)

 


[1]Ở Việt Bắc có một thứ cây lá giống y như lá hồng, có gai mà không có hoa.
Chu Ngọc
Chúng ta gắng nuôi con (Hoạt cảnh)

Nhân vật: Chồng: 37 tuổi; Vợ: 30 tuổi

Đây là một căn phòng nhỏ của một gia đình cán bộ ở ngoại ô Hà Nội. Bàn, ghế, giường, tủ mỗi thứ một kiểu, mỗi màu, cũ kỹ, rẻ tiền; hình như chủ nhà nhặt mỗi thứ một nơi góp lại thành cái cảnh "nội trợ" này.

Chồng là một cán bộ, của một cơ quan T.Ư, tuổi ngoài ba mươi, gương mặt hơi hốc hác, da mặt tai tái và hơi khô, mắt lòng trắng đã ngả vàng, đùng đục. Anh thường bận bộ quần áo công nhân do mậu dịch bán giá 8.500 đ của nước bạn Tiệp Khắc. Anh nhìn người hoặc nhìn vật thường hay nhìn lâu.Có nhiều lúc như không tin ở đôi mắt nữa, anh dùng tay nắn vào người, vào vật. Đầu hay gật gù. Miệng thỉnh thoảng ho một tiếng.

Vợ, trẻ hơn, táo bạo hay nói thẳng, hay lo vặt và thường đem chuyện bực bội ở cơ quan về trút cho chồng, có lúc trút cho cả những đứa con còn ngây dại. Quan niệm của chị về cuộc sống: cứ vui, tin tưởng, chẳng tội gì gói ghém bực tức lại để thành mớ bề bộn trong lòng.


Chồng: Hay là... liều đến rạp mà xem. Hạng cuối 3 trăm, ngồi sát "ê cờ răng" cũng được.

Vợ: Loá mắt chết đi ấy.

Chồng: Nhưng còn có ghế dựa cái lưng.

Vợ: Dựa lưng? Sao mà tư sản thế!

Chồng: Tư sản? Thế thì thôi. Nhưng tả vừa vừa chứ, có thế cũng phải chụp cái mũ mới nghe.

Vợ: Chụp sẵn để anh đừng yêu cầu nữa. Từ một trăm ngoài bãi tiến tới ba trăm trong rạp, hai vợ chồng mấy đứa con, mất hơn một nghìn rồi đấy, cuối tháng có thiếu lại ầm lên.

Chồng: Ai ầm.

Vợ: Anh không ầm nhưng cái mặt anh dài ra còn khổ hơn là ầm.

Chồng: Ở nhà là ổn hơn hết, ngủ một giấc lại đỡ tổn.

Vợ: Thì xem ngoài bãi vậy, mỗi người một trăm thôi.

Chồng: Xem ngoài bãi! Mỏi cổ lắm.

Vợ: Em đỡ cổ cho.

Chồng: Đừng có khỉ. Với lại buồn ngủ thì dựa vào đâu.

Vợ: Dựa vào em mà ngủ.

Chồng: Đã bảo là đừng có khỉ. Chung quanh người ta phê bình cho.

Vợ: Ai làm gì mà phê bình. Vớ vẩn.

Chồng: Người ta phê bình là xem phim có nội dung tốt lại ngủ kia.

Vợ: Buồn ngủ thì cứ ngủ, sao lại lôi thôi thế nữa.

Chồng: Mình cán bộ, ngủ như thế là thiếu lập trường.

Vợ: Sao lại lập trường ở chổ ngủ ấy.

Chồng: Buổi xem phim Chỉ huy chiến hạm anh buồn ngủ quá. Một ông bên cạnh cứ ghé vào tai anh, "Sao lại ngủ, sao lại ngủ, thái độ xem phim nước bạn lạ nhỉ?". Anh cầm mũ đi về, ông ấy theo ra thảo luận, và khuyên anh xem cho hết. Bỏ về giữa chừng là có ý chê phim Liên Xô. Anh đành phải quay vào ngồi cho đến hết.

Vợ: Thế anh có nói cho ông ấy biết như thế là mất tự do của người ta không!

Chồng: Tự do nào?

Vợ: Tự do khen chê.

Chồng: Sao lại có cái tự do ấy nhỉ.

Vợ: Thế sao anh lại ngủ?

Chồng: Ờ ờ... à… à mấy ngày họp liền rồi liên hoan giữa bãi, gió hiu hiu thì ngủ chứ còn sao nữa.

Vợ : Phim có hay không?

Chồng: Nội dung tốt! Nhưng mà vừa xem vừa phải cắn lưỡi cho đỡ buồn ngủ. Lúc nào chót gật một cái thì vội vàng chữa bằng cách gật vài cái ra điều là mình thưởng thức. Lúc đó, may quá màn ảnh lại chiếu ngay đoạn ngoài biển khơi, ánh sáng đẹp quá. Ông bạn ngồi bên thấy mình gật gù thì ông ấy bằng lòng lắm cũng gật gù nói nhỏ với mình – “Chút nữa ông bỏ về, có phải thiệt không nào!”

Vợ: Thế là đêm hôm đó anh về cãi nhau với em đấy có phải không?

Chồng: Vừa mệt vừa bực mình, về đến nhà vợ lại càu nhàu bảo đi đến đâu cũng chẳng nhớ đến ai, chỉ biết sung sướng lấy một mình.

Vợ: Tưởng là không thích phim cơ chứ, gật gù thưởng thức như thế còn oan nỗi gì?

Chồng: Thế em vẫn cho là anh sung sướng lấy một mình ư!

Vợ: Ở nhà này anh không sung sướng... thì em sung sướng vậy. Em sung sướng lắm: cũng công tác, cũng học, cũng họp, lại nuôi con, giặt giũ, thổi nấu... rồi thì ở nhà phê bình đằng ở nhà; ở cơ quan phê bình đằng cơ quan...

Chồng: Thôi.. thôi... anh sung sướng! Sáng họp, chiều họp, tối học. Về nhà quét cửa, quét nhà, quét cổng, đun nước, tắm cho con, xi con ỉa, đêm ai gọi dậy mở cửa...

Vợ: Gớm gian khổ nhỉ! Nông dân người ta còn vất vả khối ra kia kìa.

Chồng: Thôi... thôi... biết rồi...! Đi xem vậy thôi. Ngoài bãi cũng được. Phim gì thế?

Vợ: Trẻ con nó bảo đâu... Chỉ huy chiến hạm đấy. Chúng nó bảo buồn lắm.

Chồng: Chỉ huy chiến hạm à... Nhưng sao trẻ con lại chê buồn.

Vợ: Thấy chúng nó bảo thế.

Chồng: Con nó bảo lại mà nghe ư? Lập trường để đâu hử trời!

Vợ: Lập trường nào?

Chồng: Lập trường bạn, thù. Phim nước bạn mà chê. Coi chừng tư tưởng đấy.

Vợ: Tư tưởng làm sao?

Chồng: Tư tưởng tư sản chứ còn làm sao nữa. Chê phim nước bạn có nghĩa là khen phim tư sản.

Vợ: Suy diễn tài nhỉ! Liên Xô có nhiều phim hay, song cũng có những cuốn phim không hay thì nó chê, không được ư. Biết đâu những phim ấy chính các đồng chí Liên Xô cũng chê ấy chứ lại!

Chồng: Hỏng, hỏng... gọi con Thu về đây. Không biết ai xui nó thế, chắc lại luận điệu địch đấy thôi. Nó bắt đầu tuyên truyền vào trẻ con rồi đó. Gọi nó về xem nó chơi với con cái nhà nào, phải đề cao cảnh giác đấy.

Vợ: Nó bé, tính nó ngay thẳng, thấy thế nào nó nói thế.

Chồng: Chẳng qua là tại em cả thôi. Trẻ con nó biết thế nào là hay và không hay.

Vợ: Thôi đừng chủ quan khinh chúng nó. Trẻ con nó cũng biết nhận xét chứ lại.

Chồng: Nhưng chúng phải biết đứng về lập trường nào mà nhận xét chứ!

Vợ: Lập trường của trẻ con là ăn chơi, yêu nhân dân, yêu lao động... yêu Bác Hồ, Bác Mao... Bác Bun-ga-nin...

Chồng: Yêu bác Bun-ga-nin mà chê phim Liên Xô!

Vợ: Nó chê phim Chỉ huy chiến hạm nó thích phim Xát-cô đi tìm hạnh phúc chứ nó chê phim Liên Xô đâu nào?

Chồng: Con hư là tại mẹ, khen chê là phải hướng cho chúng nó. Không thể để cho chúng nó tự do được. Coi chừng ảnh hưởng tư sản đấy.

Vợ: Thế anh là tư sản hay tôi là tư sản.

Chồng: Người nào cũng có thể là tư sản được cả. Ăn muốn ăn ngon, ở thì muốn ở rộng, cái gì cũng muốn, ước ước ao ao... Cứ đi qua các cửa hiệu Hàng Khay là đứng lại nhìn nhìn, ngắm ngắm... như thế là chớm phải tư tưởng tư sản rồi đấy.

Vợ: Những thứ ước ao ấy những người làm cách mạng không được dùng ư?

Chồng: Lúc nào tiến sang chủ nghĩa xã hội đầy đủ sẽ dùng.

Vợ: Thế lúc đó có gọi những người xã hội chủ nghĩa là tư sản không…

Chồng: Ừ... ừ... ừ... Thôi không nói nữa. Đi xem, đi xem...

Vợ: Thua rồi à. Thế đi xem phim nào?

Chồng: Bất cứ. Miễn là đi xem. Nghĩa là là không ở nhà.

Vợ : Có phim Dân chủ Đức, lại ở mãi Đại Nam kia. Mấy trăm bạc xe nữa.

Chồng: Tìm xem có phim nào xem tàm tạm.

Vợ: Nghe như có nhiều phim hay các ông ấy còn om, để chiếu cho chán những phim tiền cách mạng này đi đã. Giả có phim như Anh gắng nuôi con thì thích nhỉ.

Chồng: Em thích Anh gắng nuôi con lắm à?

Vợ: Ừ thích.

Chồng: Thế là chết rồi!

Vợ: Sao?

Chồng: (suy nghĩ một lát) Có vấn đề đấy. Nhận định của tôi đúng rồi.

Vợ: Đúng cái gì kia?

Chồng: Em bị tư sản tấn công thật đấy. Anh gắng nuôi con là phim Nhật.

Vợ: Nhật thì sao?

Chồng: Nhật chứ Nhật sao nữa. Một nước phát xít chinh phục loài người. Bây giờ đi với Mỹ, là một nước tư bản đế quốc.

Vợ: Thế à?

Chồng: Một nước có truyền thống võ sĩ đạo, rất nhiều anh hùng cá nhân, cho nên tôi kết luận rằng văn hoá của nước ấy là văn hoá tư sản.

Vợ: Ghê nhỉ? Nhưng còn thiếu.

Chồng: Thiếu gì nữa?

Vợ: Người Nhật... lùn nữa chứ lại. Và lần đầu tiên nhân dân Nhật bị hai quả bom nguyên tử của Mỹ chết mấy chục vạn người.

Chồng: Em để yên tôi nói.

Vợ: Nói như mọi hôm chứ gì. Lại cụ Mác, cụ Lê. Thôi, anh đừng làm khổ các cụ nữa. Lý luận để áp dụng vào thực tế công tác không phải để nói. Anh ăn đã chẳng được mấy hột, nói nhiều quá, phổi nó ráo đi.

Chồng: Nhưng mà em không được thích Anh gắng nuôi con

Vợ: Sao anh lại cấm em.

Chồng: (Cầm tờ báo Nhân dân đưa cho vợ) Đây này, báo đăng là không cho chiếu lần thứ hai nữa. Anh đọc em nghe nhé.

Vợ: (đứng lên) Thong thả em chặn cho con cái gối đã, kẻo nó giật mình.

Chồng: “Suốt từ đầu đến cuối bộ phim, người xem chỉ thấy một anh chàng say rượu, cờ bạc, cục cằn, hay đánh nhau, tính nết như một thằng điên.”

Vợ: Ý kiến của anh thế nào?

Chồng: Anh... anh (gật gù) cũng thấy Mễ Lang như hơi điên, uống rượu, đánh bạc, cục cằn, hay đánh nhau. Đúng đấy.

Vợ: Anh nói thật đấy chứ?

Chồng: Ừ.

Vợ: Sao hôm đi xem về anh khen cơ mà?

Chồng: Ai khen?

Vợ: Anh chẳng bảo - lâu lắm mới được xem một cuốn phim...

Chồng: Nói như thế mà bảo là khen ư?

Vợ: Thế ai nói cái xã hội Nhật trong phim ngột ngạt thật. Buôn bán lừa lọc, thằng trùm cờ bạc bịp Liễu Lang lại mở trường dạy học – giáo dục thiếu niên, thực mỉa mai - Chẳng khác gì Xuân tóc đỏ của mình.

Chồng:

Vợ: Có thế không nào? Mà anh lại còn ra vẻ thạo về chính trị, anh phân tích: Đấy cái thằng cờ bạc bịp nó tổ chức đánh bạc rồi nó lại gây ra cuộc ẩu đả - Trong lúc người ta xô vào đánh nhau thì nó lúi húi nhặt tiền ở chiếu bạc nhét đầy hào bao, để sau này nó thành một thằng mô phạm đúng là cái thằng Mỹ.

Chồng: Người ta ví với thằng Nguyễn Văn Mỹ bạn cũ hồi Pháp thuộc, nó giống cái thằng ấy, chứ ai bảo giống đề quốc Mỹ - Bảo người ta đương tố cáo là chẳng có gì là chồng viện trợ Mỹ cả, phê bình nhà chiếu bóng quảng cáo láo để làm tiền khán giả đấy.

Vợ: Thế việc gì đến anh mà cũng thắc mắc.

Chồng: Mình trót khen ầm lên ở cơ quan, cổ động anh chị em đi xem. Họ chen nhau mới lấy được cái vé. Bây giờ lại… phiền quá thôi, biết cứ đóng cửa ở nhà cho xong, chẳng xem chẳng xung gì cả, đỡ bực mình.

Vợ: Lúc xem lưỡi cứ tắc tắc như thạch sùng ấy, khen lấy khen để... Anh ngồi cạnh tôi, thấy tôi chưa kịp khen thì y như anh bực mình cho tôi là chậm hiểu.

Chồng: Nhưng bây giờ báo Nhân dân chê, cơ quan của Đảng nhận định cái gì là đã nghiên cứu chán rồi. Chắc có điểm gì sai lầm nghiêm trọng lắm... mới đề nghị cấm chiếu đấy. Mai đến cơ quan chúng nó lại nhè mình nó truy - Khen phim gì chẳng khen lại khen phim Nhật.

Vợ: Các đồng chí ở cơ quan cũng khen cả đấy chứ.

Chồng: Bây giờ ai còn nhận nữa.

Vợ: Thì phim ấy cũng hay đấy chứ, tội gì mà sợ.

Chồng: Em chỉ được cái nói bướng ở nhà mà thôi. Báo Đảng đã nhận định rồi.

Vợ: Ông Lam ở sở Hải quan Trung ương đấy chứ, có phải báo đâu.

Chồng: Nào riêng gì ông Lam, cả bà Nguyễn Thị Xuân nào nữa đấy cũng viết một giọng như thế...

Vợ: Ừ thì hai người chứ bao nhiêu mà lo. Bao giờ báo Nhân dân viết sẽ hay. Đây là ý kiến bạn đọc cơ mà.

Chồng: Đăng lên như thế tức là toà báo đã đồng tình rồi đấy. Mình thế nào cũng bị qui là bị tư sản tấn công.

(im lặng một lát)

Vợ: Ai đã qui mà sợ. Chính phủ cho phép chiếu, nhân dân xem sướng mắt rồi. Còn chiếu em còn đi xem, để ý làm gì đến những chuyện hẹp hòi, vụn vặt ấy.

Chồng: Xem thì có sao, đằng này mình lại khen kia. Bây giờ làm thế nào?

Vợ:...

Chồng: Thế nào.

Vợ: Chẳng biết thế nào cả. Đã rắc rối thế bây giờ không đi xem nữa.

Chồng: Chỉ tại em thôi.

Vợ: Tại gì tôi?

Chồng: Em khen lấy khen để...

Vợ: Thì đi qua cửa rạp thấy người ta xếp hàng lấy vé dài ra tận đường ấy, chắc phim phải hay mới đông như thế chứ? Bao nhiêu người khen cả sợ quái gì.

Chồng: Người ta là nhân dân thì sợ gì. Mình là cán bộ mới phiền.

Vợ: Sao lại có cái bà Xuân, với ông Lam nào mà ác thế nhỉ.

Chồng: Họ ác gì? Lập trường người ta vững mới phê phán như thế chứ! Chắc không phải thành phần mình đâu.

Vợ: Phim hay thế mà kêu rức óc lên. Hay là bị bệnh thần kinh thì có.

Chồng: Chẳng biết là cô hay bà nữa, nhưng chắc là cán bộ, nói có vẻ lên lớp lắm.

Vợ: Biết địa chỉ ở đâu kéo đến đấu tranh cho một chuyến cho ra lẽ. Phụ nữ mà lại khô thế nhỉ.

Chồng: Chắc đâu là phụ nữ.

Vợ: Ký là Nguyễn Thị hẳn hoi kia mà chẳng lẽ lại là đàn ông.

Chồng: Chưa chắc là đàn ông đâu. Khô hơn đàn ông nhiều.

Vợ: Em chắc, không phải là phụ nữ đúng hơn.

Chồng: Anh đã bảo không phải nam giới.

Vợ: Nam giới đấy.

Chồng: Anh không nhận đâu.

Vợ: Phụ nữ là phải để ý đến Mễ Lang. Một người chồng cờ bạc, rượu chè, du côn như thế mà thực hiện lời giối giăng của vợ, không đánh nhau nữa, chăm nom con, cố gắng xây dựng tương lai cho con để con khỏi sa vào con đường tối tăm tội lỗi cũ, như thế là người tốt có thuỷ chung đấy chứ!

Chồng: Ai người ta rung động làm gì những chuyện ngóc ngách ấy. Trái tim người ta đã thành trái tim ái nam ái nữ mất rồi.

Vợ: Chán nhỉ.

Chồng: Tình cảm phi nam phi nữ ấy còn biết rung động cái gì nữa... Mấy cái anh làm phim Nhật ấy cũng tồi. Cho ngay Liễu Lang là địa chủ bóc lột. Cho ngay Mễ Lang là bần cố nông, trong sạch, anh dũng, hữu ái giai cấp, được đội về bắt rễ, cuối cùng đứng lên đấu một trận có phải ông Lam với bà Xuân thích không nào.

Vợ: Phim nào cũng thế thì chán ốm.

Chồng: Nhưng mà dễ hiểu em ạ. Đỡ bận óc, chẳng phải suy nghĩ gì.

Vợ: Nhưng mà Nhật đã cải cách ruộng đất đâu. Mỹ còn chiếm đóng cơ mà. Chính phủ Nhật ở trong tay bọn trùm tư bản thân Mỹ kia mà.

Chồng: Ừ nhỉ. Thành ra người Nhật chửi Mỹ, phản đối Mỹ cũng vất vả nhỉ.

Vợ: Chắc thế cho nên các ông văn nghệ Nhật mới xây dựng lên Liễu Lang để bóng gió.

Chồng: Buồn nhỉ, là dân một nước không dân chủ, ăn không được ăn, nói không được nói, rồi cứ phải mượn cái này nói cái khác, làm cho người nước khác phải suy nghĩ mới hiểu thì mệt quá nhỉ.

Vợ: Không suy nghĩ thì bộ óc, với trái tim để làm gì? Mình là người đã từng bị bọn đế quốc nó thống trị thì mình cũng thông cảm với nhân dân một nước bị chiếm đóng chứ!

Chồng: Mấy người viết báo ấy nghĩ được như thế thì ngày mai mình đến cơ quan đã chẳng làm sao.

Vợ: Chẳng việc gì đâu.

Chồng: Mấy cái ông đại diện tư tưởng ở cơ quan thế nào mà chẳng xoay, chẳng truy mình.

Vợ: Đề nghị cho mấy ông đi học để các ông ấy biết dùng bộ óc đi chứ lại.

Chồng: Học chưa đủ. Điều cần phải có trước nhất là sự thông cảm. Chúng ta mới thoát khỏi vòng nô lệ, sao không thương nhau, lại hay dằn vặt hay úm nhau. Mà anh nữa, sao lại không dám chống lại khi họ chụp mũ vào đầu mình

(một lát) Này em! mình có phải là người nữa không nhỉ?

Vợ: Sao anh lại hỏi thế?

Chồng: Đầu là đầu của mình hay là đầu của ai?

Vợ: Dớ dẩn, đầu chẳng phải là đầu của mình, chẳng lẽ đầu của ai chạy đến gắn vào cổ mình.

Chồng: Nhưng còn cái chất đặc ở trong kia mà.

Vợ: Đầu của mình thì óc cũng của mình chứ của ai nữa.

Chồng: (một lát) Thế thì thích nhỉ.

Vợ: Thế xưa nay anh vẫn thấy bộ óc, trái tim là không phải của anh ư?

Chồng: Không... với lại có phải anh nói riêng mình anh đâu.

Vợ: Nhưng sao anh lại hỏi về đầu óc như thế mới được chứ?

Chồng: Anh hỏi thế để biết rằng lâu nay anh không dùng đến cái đầu này - đến cái bộ ngực này. Ngũ quan của anh chỉ dùng có cái tai, anh chỉ nghe thôi. Và cái cổ để gật. Lòng anh chắc cũng như lòng một số người cứ thu hẹp mãi lại, cuộc sống tình cảm cứ lần lần mất đất. Một bộ phim nêu lên một ý nguyện từ chối một cuộc sống cũ - đánh nhau, bịp bợm, kẻ tiểu nhân như Liễu Lang lại cầm vận mệnh của tương lai, một người tự lực cánh sinh, lao động xây dựng cho lớp người về sau, anh tưởng đó là nguyện vọng của người muốn cách mạng, người tốt chứ. Sao lại phê phán là: chẳng hé mở cho người xem thấy một giải quyết nào - Thế nào mới là giải quyết. Đóng cửa tâm hồn mình lại thì còn thấy được ai hé mở. Có chăng là tự mình phải cởi trói cho tâm hồn mình. (một lát). Khen không dám khen, chê không dám chê. Từ Chỉ huy chiến hạm đến Anh gắng nuôi con anh đã không phải là anh nữa. Bản tâm thì khen nhưng khi thấy báo Nhân dân chê thì sợ... Nhân phẩm của anh lâu nay không biết còn hay mất.

Vợ: Ai cấm chúng ta không được khen chê, Đảng đã chẳng khuyến khích chúng ta mạnh dạn phát huy tự do tư tưởng, nói thẳng, nói thật, nói hết, bày tỏ nguyện vọng để Đảng biết kia mà. Có ai cấm đâu.

Chồng: Chẳng ai cấm, nhưng anh có dám tin ở anh đâu. Thành phần của mình nói gì ra cũng tự cảm thấy có thể sai được cả - tiểu tư sản bấp bênh lắm. Ở nông thôn thì lập trường địa chủ, về thành phố dễ bị tư sản tấn công. Một người nói ra như thế, trăm người nói theo, thế là bách khẩu đồng từ, ấy thế là bất cứ một việc gì sự tự ti về thành phần cũng ngăn cách giải quyết của anh: Sợ sai em ạ. Đến cả em nữa, em là một người trao xương gửi thịt, ấy thế mà nhiều lúc anh cũng sợ. Anh không dám nói phim hay, phim dở. Vừa rồi anh cũng sợ chúng ta quay lại chỉnh nhau, nên anh tự chỉnh trước. Kể anh cũng hèn thực. Nói dối cả mình, nói dối cả vợ, nói dối cả Đảng. Chỉ ừ ào xuôi chiều, thủ tiêu đấu tranh.

Vợ: Không biết ông Lam có cùng một tâm trạng như chúng ta không nhỉ. Em tin rằng ông cũng có thể dối lòng ông. Em tưởng khi đặt câu hỏi cho cô Tuyết trong phim khi yêu Mễ Lang: Không hiểu yêu vì nỗi gì, yêu vì hay uống rượu, cờ bạc hay đánh nhau khoẻ. Sao không lật ngược lại vấn đề mà hỏi ngay ở lòng mình là một người con gái phải làm trong một quán rượu muốn thoát khỏi cái cảnh không ra gì ấy để có một cảnh gia đ́nh êm ấm trong sạch yêu một người "không đánh nhau nữa, chỉ biết lo cho con" thì không xứng đáng hay sao, anh nhỉ. Thông cảm cho nỗi khổ của con người, khó thật.

Chồng: Không nói đến ông Lam bà Xuân vội. Nói ngay đến vợ chồng mình đã…

Vợ: Thì mình cũng phải lên tiếng chứ. Tôi không tán thành ý kiến của các ông, các bà kia mà. Sao lại không đấu tranh.

Chồng: Anh đương đấu tranh đây, đấu tranh bản thân đã em ạ, không phá tung cái lưới đương vây lòng mình lại thì không nói gì được cả. Dù đau xót, dù có phải rớm máu cũng phải cố rứt cho được những mắt lưới đương dăng ở cuống họng anh, để anh có thể nói thật được với em là vợ của anh, các đồng chí ở cơ quan, các bạn bè, bà con. Anh phải phá cái hẹp hòi của anh đã. Xưa nay không nói là để khỏi phiền đến mình, để bảo vệ mình, đó cũng là một khía cạnh của bệnh hẹp hòi.

Vợ: Thì em vẫn khuyên anh cứ nói kia mà!

Chồng: Nhưng mà em có dám nói không? Em dám nói sao không dám nói ở cơ quan. Đem chuyện về nhà to nhỏ với nhau là chưa nói được ở cơ quan. Anh chỉ là chỗ trút thắc mắc của em. Em chẳng thường nói với anh: Thôi mọi chuyện bỏ ngoài tai, nhắm mắt lại, cốt sao có đồng lương nuôi con đã, bao giờ đầy đủ sẽ đấu tranh...

Vợ: Em nghĩ thế là khi còn kháng chiến... phải đuổi địch và đánh đổ địch đã... Bây giờ kiến thiết rồi.

Chồng: Thế à, nếu thế anh sẽ nói, nói hết. Trên sai, anh sẽ nói trên sai, chung quanh sai, sẽ nói chung quanh sai, mà anh sai anh đẩy cao tự phê. Cái gì chưa hay thì nói chưa hay, cái gì của mình kém thì phải học, công trình lao động nào của nhân loại mà tốt đẹp chúng ta phải hoan nghênh. Phải đả phá cái óc "bế quan toả cảng", phải làm bật gốc nó đi.

Vợ: Anh nói thì nói, nhưng phải xây dựng đấy, đừng có nói cho hả, các đồng chí lại hiểu lầm thì lại khổ vợ khổ con. Em chẳng lạ gì kẻ làm sai họ thường hay bảo thủ, họ bám lấy cái sai của họ. Phải coi chừng họ lại đánh những đòn ngầm, hoặc bôi nhọ mình bằng cách vu khống thì khổ đấy....

Chồng: Nếu quả việc đời còn đến như thế thì cũng chịu em.

Vợ: Chịu à? Thế còn em và các con thì sao?

Chồng: Thì lại quay một cuốn phim...

Vợ: Phim gì kia?

Chồng: Em gắng nuôi con.

Vợ: Em gắng nuôi con à.

Chồng: Ừ.

Vợ: Khiếp! Đâu đến nỗi thế. Có Đảng có nhân dân sao lại có thể như thế được. Với lại anh cũng phải thanh toán sự hoài nghi của anh đi. Mấy cái bài báo đó ai tin kia chứ. Người ta đọc người ta còn cười cho là đằng khác. Em có tin đâu nào. Còn anh, anh có tin không?

Chồng: Thì ai lại lạc hậu đến thế mà em hỏi.

Vợ: Thế thì các đồng chí ở cơ quan, bà con đã xem Anh gắng nuôi con. Ai người ta tin chứ.

Chồng: Ừ nhỉ! Suy bụng ta ra bụng người. Cái gì dở mà bảo hay ai mà chịu được, cũng như cái hay mà bảo dở thì dù trời có bảo thì người ta cũng cười vào mũi trời ấy chứ lại. Huống hồ là hai bài báo ấy...

Vợ: Như thế anh phải tin tưởng chứ - Xem thằng con nó ngủ ra sao đây này.

Chồng: Nó ngủ ngoan nhỉ (anh bắt chước giọng Mễ Lang). Bình ơi! con ngoan nhé, con ngoan nhé!

Vợ: Khỉ, để con nó ngủ (một lát). Chúng ta gắng nuôi con cho khôn lớn, tương lai của chế độ là phần con mình được hưởng đấy.

Chồng: (vẫn tiếp tục) Bình, ngoan nhé, con ngoan nhé... Lớn lên đừng có hẹp hòi con nhé!

(Trang 48-56)


 

*


Quảng cáo

Đón đọc loại sách Tự do Diễn đàn: nghị luận – sáng tác - phê bình, tập I, ra ngày 10-12-1956. Minh Đức xuất bản


 

*



Jovan Djordjevic
Chủ nghĩa xã hội và nhà nước tổ chức chính trị của Nam Tư
Bùi Quang Đoài dịch

Những người trí thức nào thiết tha đến sự nghiệp và tiền đồ của cách mạng, đến lý luận và thực tiễn cách mạng, đến công cuộc giải phóng nhân dân lao động, kiến thiết xã hội chủ nghĩa, sẽ nghiên cứu các trang sau đây do ông Jovan Djordjevic, Giáo sư Luật khoa đại học ở Belgrade và Thư ký phụ trách vấn đề lập pháp và tổ chức ở Hội đồng Chấp hành Liên bang của nước Nam Tư, viết. Cuộc đón tiếp nồng nhiệt và trọng thể của Liên Xô đối với chủ tịch Tito, mối giao hảo đặt lại giữa Liên Xô và Nam Tư, việc mới rồi đồng chí Khroutchev đến đón đồng chí Tito đi nghỉ mát ở bờ Hắc Hải cho phép chúng ta biết rằng kinh nghiệm của Nam Tư trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, tuy khác Liên Xô, nhưng vẫn căn cứ vào chủ nghĩa Mác-Lê. Do đó, trên con đường tiến triển của cách mạng, Nam Tư tiến một bước mới. Như tác giả viết: cái vấn đề chủ yếu hiện thời là “cần thiết tiến tới một sự đồng tình, đồng ý của các lực lượng xã hội chủ nghĩa” trên điểm sau đây: “cuộc chuyển biến từ tư bản chủ nghĩa tới xã hội chủ nghĩa thành tựu hoặc bằng cách tiêu diệt bộ máy Nhà nước cũ, và kiến lập một hệ thống Nhà nước mới, hoặc bằng cách biến đổi hệ thống Nhà nước cũ và bộ phận dân chủ của nó, để làm nó thích hợp với sự chuyển sang một xã hội mới”. Đạt được sự đồng tình đồng ý giữa các lực lượng xã hội chủ nghĩa về điểm ấy, mới thống nhất được phong trào xã hội chủ nghĩa quốc tế. Đảng Cộng sản Liên Xô đã công nhận rằng điểm ấy là đúng.

Vì vậy chúng ta nghiên cứu kinh nghiệm Nam Tư qua Hiến pháp xây dựng Nhà nước ở Nam Tư. Dĩ nhiên chúng ta chưa thoả mãn với tài liệu sau đây vì nó còn thiếu sót về một số điểm. Tuy nhiên tài liệu ấy cho ta một khái niệm về một vấn đề pháp lý và chính trị mà ta thấy cực kỳ quan trọng. Các điểm căn bản trong kinh nghiệm Nam Tư xây dựng Nhà nước tác giả tóm tắt trong các dòng kết thúc tài liệu là: “quyền sở hữu của xã hội đối với các phương tiện sản xuất, quyền tự trị của các người sản xuất và công nhân, đặc biệt trong khu vực kinh tế, cuộc tranh đấu chống lại tất cả cái gì tạo ra sự bất bình đẳng giai cấp và sự người bóc lột người, sự Nhà nước dần dần chết, sự giải phóng cá nhân của người và của sản xuất nhằm lợi ích của mọi người và sự thoả mãn các nhu cầu của họ”.

Nguyễn Mạnh Tường

1. Bản chất Nhà nước xã hội chủ nghĩa là tổ chức chính trị của xã hội quá độ

Chủ nghĩa xã hội ngày nay không phải chỉ là một chủ nghĩa trừu trượng một mớ quan niệm và nguyện vọng chủ quan. Nó trở thành sự thực tiễn thường ngày của hàng triệu người: trong cả một loạt nước tiên tiến và một số nước chậm tiến hơn, cái chế độ xã hội đó sửa đổi trong căn bản, nếu nó không thay thế chủ nghĩa tư bản “cổ điển” và chủ nghĩa tư bản nhà nước. Do đó cần phải làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản mà sự tiến hoá của một phần lớn nhân loại đặt ra: một trong những vấn đề quan trọng nhất là vấn đề quan hệ giữa Nhà nước và chủ nghĩa xã hội.

Cuộc tiến hoá xã hội hiện đại cho phép đặt vấn đề đó một cách thẳng thắn và tất cả phạm vi rộng rãi của nó. Tôi dùng chữ “tiến hoá xã hội” với ý nghĩa là sự phát sinh và phát triển của những nước xây dựng chủ nghĩa xã hội hay nhìn thấy những cơ cấu xã hội chủ nghĩa xuyên thọc qua mọi kẽ nách của chủ nghĩa tư bản rồi biến hình dần nó đi. Thực ra trong lãnh vực đó, chúng ta luôn luôn vẫn phải tìm những giải pháp mới mẻ, thích hợp và luôn luôn tranh đấu chống những quan điểm hủ lậu hay giáo điều.

Nhưng một lý luận xã hội chủ nghĩa táo bạo bắt đầu càng ngày càng tự khẳng định. Nó gây ra một thực tiễn xã hội hợp lý. Căn cứ đặc biệt vào lý luận chính trị và thực tiễn xã hội ở Nam Tư chúng ta sẽ suy diễn ở đây một vài nét tổng quát về những mối quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội và Nhà nước. Không ai còn phủ định trong hàng ngũ xã hội chủ nghĩa và những nhà chuyên môn nghiên cứu về khoa học xã hội rằng nhà nước là cần thiết không những trong khoảng chuyển bước từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội mà cũng cả trong khoảng thời kỳ lịch sử tương đối lâu dài giữa xã hội cũ và xã hội mới. Đấy là 1 sự thực: nhà nước là cần thiết trong một xã hội đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một mặt khác cũng chắc chắn rằng – và lịch sử chứng minh quan điểm ấy - sự chuyển bước từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội được thực hiện hoặc bởi sự tiêu diệt Nhà nước cũ và sự xây dựng một hệ thống nhà nước mới, hoặc bằng cách sử dụng hệ thống nhà nước cũ và bộ máy dân chủ của nó và cải biến những yếu tố này để cho nó thích hợp với sự chuyển bước lên xã hội mới. Trong bài khảo luận nhan đề: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa trong thực tiễn Nam Tư”. Eduard Kardelj
[1] chứng minh rằng cần phải thống nhất ý kiến giữa mọi lực lượng xã hội chủ nghĩa về điểm ấy nếu muốn thống nhất phong trào xã hội chủ nghĩa quốc tế. Sự thống nhất này là rất cần thiết. Cái tiền đề ấy đặc biệt quan trọng cho lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội và nói chung cho lý luận về xã hội. Với sự tán thành của Đảng Cộng sản Liên Xô, cái tiền đề ấy bây giờ có giá trị của một “ý kiến động lực”.
………

2. Cơ sở tổ chức chính trị

… Cơ sở xã hội của tổ chức chính trị và của bộ máy chính phủ ở Nam Tư là quyền sở hữu xã hội về những phương diện sản xuất và quyền “tự trị” của những người sản xuất trong kinh tế”.

Tất cả những phương tiện sản xuất không phải là đã trở thành sở hữu xã hội, nhưng những cái căn bản nhất đã được xã hội hoá. Quyền tư hữu tài sản còn tồn tại trong lãnh vực nông nghiệp và thủ công; người nông dân tư hữu có thể có cho đến 10 hécta; còn về hoạt động thủ công thì hướng bây giờ là bác bỏ sự bóc lột nhân công, như thế thì có thể nói rằng có một thứ quyền tư hữu của người lao công đã được cải biến. Cái quyền tư hữu ấy tất nhiên cũng được hoàn toàn bảo đảm về những vật tiêu thụ và thực dụng.

Thực chất của quyền sở hữu xã hội về những phương diện sản xuất không phải chỉ là ở cái khối lượng của nó mà cũng là và trước hết là ở trong tính chất của nó nữa. Tất cả mọi quyền sở hữu trong lịch sử đều biểu hiện những mâu thuẫn giữa “sở hữu” và “không sở hữu”. Đó cũng là trường hợp quyền sở hữu Nhà nước. Quyền sở hữu này là quyền sở hữu tập thể hoá với những yếu tố sở hữu xã hội. Sở hữu xã hội có nghĩa là những phương tiện sản xuất đều thuộc về tất cả xã hội mà những phương tiện ấy phục vụ về phần chính hoặc phục vụ hoàn toàn. Từ đó, không một đơn vị nào, dù có là Nhà nước, được nắm quyền sở hữu. Nguyên tắc này được bảo đảm trước hết bởi một quyền pháp mới mà những người sản xuất ở Nam Tư đã giành được: quyền pháp tự trị của những người sản xuất. Thực tế thì giai cấp công nhân dùng toàn bộ các quyền hành chính, kinh tế và xã hội để quản lý một cách tự chủ những xí nghiệp kinh tế (trong phạm vi luật pháp và trong phạm vi kế hoạch kinh tế) và nhận phân phối những sản phẩm lao động xã hội.

Quyền sở hữu xã hội về những phương tiện sản xuất và quyền tự trị của những người sản xuất đã tạo nên một phạm trù khoa học độc nhất: chính đấy là thành lập những quan hệ sản xuất mới trong lịch sử. Người sản xuất không còn là một người làm công mà trở thành một người tham gia xí nghiệp hay như những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Pháp thường nói là một người “hội viên”.

Sự thay đổi đó rất là quan trọng, nhất là vì từ đây không có một quyền uy xã hội nào, dù có là Nhà nước xã hội chủ nghĩa có quyền tuyệt đối trong sự phân phối sản phẩm xã hội.

Trên cơ sở quyền sở hữu xã hội về những phương tiện sản xuất và quyền tự trị của những người sản xuất, Nhà nước mất cái tính chất tuyệt đối và tập trung chủ nghĩa của nó.

Quyền tự trị của những người lao động trong lòng những tổ chức kinh tế cũng đưa đến sự mở rộng cơ sở chính trị của những cơ quan dân cử, bằng cách thêm một uỷ ban kinh tế vào những uỷ ban và hội nghị nhân dân. Cuối cùng đó là một cách trả lại cái tư thế nhân cách cho người sản xuất và cho con người bước đầu bằng cách chấm dứt sự tách rời từ bao nhiêu thế kỷ giữa phương tiện sản xuất và người lao động. Sự chấm dứt cái tình trạng tha hoá ấy là điều kiện đệ nhất để giải phóng con người. Sự giải phóng này sẽ làm cho nó thực sự tự thuộc về mình như Mác đã mong ước sau Hê-ghen hay như Gor-ki đã tưởng tượng một cách nên thơ là làm cho tiếng nói của nó vang dội lên kiêu hãnh.

Từ đây chúng ta có thể khẳng định rằng sự phát triển của quyền tự quản của tập thể công nhân ở Nam Tư đã phát hiện cái tính chất nhân đạo tiến bộ và giải phóng của chủ nghĩa xã hội; chính đấy là cái sở trường của phong trào công nhân mà thói quan liêu, tư tưởng công thức, tinh thần sự vụ, sự thờ phụng nhà nước và sự sùng bái lãnh tụ đã muốn chiếm đoạt. Theo một vài triệu chứng thì có thể suy diễn rằng tư tưởng xã hội chủ nghĩa bắt đầu giải thoát những áp lực đó và phát triển một cách tự do hơn.

Quyền tự quản của tập thể công nhân rõ ràng đã ảnh hưởng một cách tích cực đến quá trình tiến triển dân chủ của Nam Tư trong vòng sáu năm gần đây. Chính cái quyền tự quản tập thể công nhân là cơ sở của tất cả chính sách “giảm quyền nhà nước” và “giảm quyền quan liêu” trong nước. Quyền tự quản của tập thể công nhân đã đánh dấu bước đầu của quá trình chuyển về địa phương những quyền chấp hành và hành chính của chính quyền; nó gây nên những thay đổi sâu sắc trong cơ cấu chính trị của nền tự trị địa phương và của tổ chức trong nước. Cuối cùng nó đã điều chỉnh những quan hệ sở hữu và những quan hệ xã hội nói chung, đồng thời tạo nên những điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế, củng cố tự do của con người và của công dân và để cải thiện chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa.

3. Xã tự trị, nền tảng của tổ chức chính trị

Hiến pháp Nam Tư năm 1953 xác nhận những kết quả đã đạt được trong sự phát triển của những uỷ ban nhân dân (tức là cơ quan hành chính tự trị địa phương) đã đặt quyền tự trị của xã thành cơ sở của toàn bộ tổ chức chính trị của Nam Tư. Hiến pháp đảm bảo quyền hành chính tự trị của những tập thể địa phương bằng cách quy định rằng “Liên bang và những người Cộng hoà nhân dân” nghĩa là những cơ quan chính quyền trung ương) chỉ đảm nhận những nhiệm vụ mà Hiến pháp Liên bang và những Hiến pháp Cộng hoà đã giao phó cho một cách rõ ràng”.
…..

Những đặc tính cơ bản của tổ chức hiện tại của các xã và các huyện có thể tóm tắt như sau:

Hệ thống tự trị địa phương được thống nhất hơn và đơn giản hơn đối với giai đoạn trước. Trước hết điểm ấy đã rõ ràng trong sự mở rộng diện tích xã và huyện. Trước ngày được tổ chức lại, nghĩa là mãi đến tháng 9 năm 1955, Nam Tư gồm có 4156 xã trong đó một số chỉ gồm có vài thôn hoặc là vài xóm. Ngày nay, Nam Tư gồm có 1479 xã. Sự thực về dân số và diện tích vẫn còn sự khác nhau khá quan trọng giữa các xã với nhau. Nhưng trừ một vài ngoại lệ, không có xã nào là dưới hai ngàn đầu người và dân số trung bình được chừng 6 ngàn. Những xã bao gồm những thôn gần nhau, những đơn vị tập thể nông nghiệp và những thị xã nhỏ. Ở huyện cũng có những thay đổi như thế: 329 huyện và 24 thành phố riêng biệt đã bị rút xuống thành 107 huyện trong toàn Nam Tư.

Xã không phải chỉ là một đơn vị cơ sở của quyền tự trị địa phương mà còn là đơn vị cơ sở của toàn bộ tổ chức xã hội và chính trị trong nước. Pháp luật và các điều lệ định nghĩa xã là “tổ chức chính trị địa lý cơ sở của quyền hành chính tự quản của nhân dân lao động và tập thể kinh tế và xã hội cơ bản của dân xã”. Do đó có những kết quả quan trọng. Theo nguyên tắc, xã được những yếu tố của một xã tự trị xã hội chủ nghĩa, tức là một tổ chức thay đổi thực chất của chính thể nhà nước cổ điển và cấu tạo cơ sở của Nhà nước quá độ. Là tổ chức trực tiếp và cơ sở của quyền hành chính tự quản, xã biểu hiện một cách cụ thể rằng chủ quyền đã trở lại nhân dân lao động. Trong dân chủ tư sản chủ quyền của nhân dân, mặc dầu đã được Cách mạng dân chủ tư sản công bố trong những bản Tuyên ngôn thắng lợi của nó, chỉ là một hình thức trừu tượng, vì bộ máy hiến pháp và thực tiễn của dân chủ tư sản đã giao phó chủ quyền cho những cơ quan dân chủ trung ương. Bây giờ mà xã đã được đặt thành cơ sở của tổ chức hành chính thì không những là “nhà nước đã được đặt lên chân mà người công dân đã có điều kiện cần thiết để lấy lại những quyền chính trị trước kia đã bị chiếm đoạt.

Điều kiện để cái quyền tự trị xã hội chủ nghĩa ấy được thành lập không phải chỉ là xã là một tổ chức dân chủ. Nói một cách khác, quyền người công dân bầu cử trực tiếp cơ quan đại diện xã và kiểm soát hoạt động của nó về mặt chính trị với quyền bãi bác đại biểu của mình cũng không đủ. Cần phải thấy hai khái niệm căn bản khác làm cơ sở cho chế độ tự trị địa phương ở Nam Tư. Quyền tự trị này không đồng nhất với cơ quan dân cử và tự trị của chính quyền - uỷ ban nhân dân - Quyền tự trị của xã là sự thống nhất trên cương vị chính trị và dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp. Ngoài uỷ ban nhân dân, xã Nam Tư còn có những hình thái dân chủ trực tiếp và bán trực tiếp sau đây: những đại hội cử tri, tổ chức trưng cầu dân ý và uỷ ban thôn. Mặt khác, một nguyên lý của hiến pháp Nam Tư là xã có tất cả mọi quyền hành và nhiệm vụ về vấn đề quản trị việc công trừ những quyền hành và nhiệm vụ mà Hiến pháp và Luật pháp đã giao cho Huyện, Cộng hoà hay Liên bang và trừ những quyền hành và nhiệm vụ thuộc về phạm vi của các tổ chức kinh tế, xã hội và tự trị”. Trong lãnh vực xã, nguyên lý đó được diễn đạt theo hai cách khác nhau. Xã là một tổ chức quản trị chính trị pháp lý cơ bản. Quyền tự trị xã như thế không có tính chất tập trung chủ nghĩa và độc đoán. Nó không đồng nhất với cái tập thể xã hội và kinh tế của xã: vì rằng trong ấy còn có những hệ thống tự trị hành chính tự quản, như tự quản của tập thể công nhân trong kinh tế và tự quản xã hội trong các trường, trong các cơ quan y tế và trong những cơ quan phục vụ công chúng khác.

Sau hết, một quyền tự trị như vậy ở xã bao hàm cả những quyền hành và những phương tiện vật chất mà những đạo luật mới định rõ. Những quyền hành chủ yếu của xã là như sau:
 

  1. Quyền xã hội và chính trị - Điều hoà những quyền lợi cá nhân của công dân với quyền lợi chung của xã hội và bảo đảm sự bảo trợ những quyền tư nhân và chính trị của công dân

     
  2. Quyền kinh tế - Bảo đảm những điều kiện phát triển sức sản xuất; phối hợp những quyền lợi và hoạt động của những tổ chức kinh tế với những quyền lợi chung của xã hội, khuyến khích cho những tổ chức kinh tế và năng xuất lao động tăng cường; phân phối cái phần thu hoạch quốc gia trong xã thuộc về quyền sử dụng của xã hướng sự phát triển kinh tế trong xã.

     
  3. Quyền sử dụng kinh tế - Quản trị những tài sản xã hội thuộc về quyền sử dụng công cộng và những tài sản xã hội khác: Bất động sản, đất đai, v.v…

     
  4. Quyền điều chỉnh - Quản trị một cách tự trị những việc thuộc về quyền lợi trực tiếp của xã và do xã khởi đầu

     
  5. Quyền chấp hành cơ bản - Chấp hành các đạo luật và những chế khác, trừ phi nhiệm vụ đã được giao một cách rõ ràng cho những cơ quan và tổ chức khác.

     
  6. Quyền văn hoá và xã hội - Bảo đảm sự bảo trợ và cải thiện sức khoẻ nhân dân; thực hiện chế độ giáo dục nghĩa vụ 8 năm và chế độ giáo dục của những tổ chức chuyên nghiệp, bảo đảm những điều kiện cần thiết cho sự phát triển văn hoá và sự bảo trợ xã hội.

     
  7. Quyền chính trị tự trị - Thành lập một cách hoàn toàn độc lập những tổ chức tự trị và kiểm tra tính chất hợp pháp của công tác của những tổ chức ấy.

     
  8. Quyền hành chính - Giữ vững an ninh trật tự trong xã.
Để thực hiện những quyền hành đó, xã có những nguồn thu hoạch riêng của nó được luật pháp bảo đảm; xã xây dựng kế hoạch xã hội và ngân sách của nó, thành lập các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, ra nghị định pháp lý chấp hành, xử các cuộc kiện tụng hành chính ở bậc sơ cấp, cử viên chức, sử dụng những phương tiện bảo đảm quyền hành của xã v.v…

Huyện không phải là một tổ chức hành chính mà cũng không phải là một chi nhánh của chính quyền trung ương. Hai yếu tố biểu thị đặc tính của nó: a) Huyện là một tổ chức chính trị địa lý hành chính tự quản, b) Nó là tập thể xã hội tinh tế của những xã và tập thể nhân dân trên đất đai của nó. Với danh nghĩa là tập thể xã hội kinh tế, huyện là một hệ thống có phần chặt chẽ, có phần lỏng lẻo với danh nghĩa là một tổ chức hành chính tự trị nó là cần thiết cho tổ chức xã hội, kinh tế và chính trị trong giai đoạn hiện tại của sự phát triển văn hoá và xã hội ở Nam Tư.

Quyền hành của huyện xuất phát từ cái vị trí ấy. Trước tiên nó có “những quyền hành và nhiệm vụ liên quan công tác quản trị việc xã hội của xã”. Nhưng với danh nghĩa là tổ chức hành chính tự trị liên quan trực tiếp với Cộng hoà nhân dân và với Liên bang, huyện cũng giải quyết những công việc vượt qua quyền lợi của xã mà không hoặc không thể dính dáng đến nó. Đó là những công việc do Luật pháp quyết định tức là “những việc chung của xã hội” (như sự an ninh của Nhà nước, giấy hộ chiếu, sự trừng trị những tội ác, v.v…).

Huyện đối với xã không phải là một chính quyền đệ nhị cấp. Huyện với danh nghĩa là hình thức tự trị địa phương đệ nhị cấp chỉ có một việc kiểm tra tính chất hợp pháp của những hoạt động của uỷ ban nhân dân xã. Tất nhiên cũng có một phạm vi hợp tác giữa huyện và xã. Cả hai đều cùng nhau giải quyết một số vấn đề: nghĩa là về những vấn đề ấy thì uỷ ban nhân dân xã quyết nghị với sự đồng ý của uỷ ban nhân dân huyện. Mặt khác, huyện phải cung cấp sự giúp đỡ về phần kỹ thuật và hành chính những xã có nhu cầu. Tuy nhiên, thực chất của những quan hệ đó là huyện không có quyền hành tuyệt đối hoặc quyền hành đệ nhị cấp đối với xã; huyện và xã là hai phạm vi hành chính tự trị độc lập đối với nhau mà quyền tự trị của xã là cơ sở.

Cũng như quyền tự trị của xã, quyền tự trị của huyện bao hàm trong cơ cấu của nó uỷ ban nhân dân với danh nghĩa là cơ quan đại diện và những hình thái dân chủ trực tiếp (đại hội cử tri và hình thức trưng cầu dân ý). Cũng như quyền tự trị của xã, quyền tự trị của huyện không có tính chất tập trung chủ nghĩa hay tuyệt đối. Cái quyền tự trị ấy không đồng nhất với tập thể xã hội kinh tế của huyện. Những cơ quan trung ương của Cộng hoà Nhân dân đối với huyện chỉ kiểm soát tính chất hợp pháp của hoạt động của nó.

Tuy vậy, xã và huyện không phải là “những Nhà nước nhỏ” tự túc; nó không tuyệt giao với “sự thống nhất quốc gia”. Quyền tự trị của nó nằm trong bộ máy quản trị độc nhất. Sự thống nhất này cũng không theo nguyên tắc tôn ti hay tập trung chủ nghĩa; nó cũng không phải là vô chính phủ. Trước hết nó nằm trong quyền sở hữu xã hội về phương tiện sản xuất, trong quyền chính trị mới của công dân xã hội chủ nghĩa, trong những lực lượng tinh thần và chính trị xuất phát từ một xã hội thủ tiêu sự bóc lột và những hình thức bất bình đẳng và độc quyền khác. Nhưng sự thống nhất này cũng có những khí cụ pháp lý và những khí cụ khác của nó; trong đó sự thống nhất cơ bản của kế hoạch hoá kinh tế, sự thống nhất những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hệ thống kinh tế, chính trị, nhà nước (và nói chung là của hệ thống xã hội) cũng như sự thống nhất của pháp quyền.

Ngay trong chế độ hiện tại, quyền tự trị địa phương chưa phát triển đến cái hình thái cuối cùng của nó. Nó tiến triển song song với sự phát triển vật chất, chính trị và văn hoá của toàn nước Nam Tư. Quyền tự trị địa phương ngày nay trong hệ thống xã hội và chính trị đóng một vai trò rộng rãi hơn và một công việc quyết định hơn trước. Kinh nghiệm sẽ cho biết rằng những quyền hành của quyền tự trị địa phương là có tác dụng thực tế và những giải pháp mới là thích hợp hay không. Sự phát triển của hệ thống đó không những do lực lượng vật chất của toàn thể Nam Tư mà còn do ở ý thức, văn hoá, sáng kiến, đoàn kết, tính kiên nhẫn và sự phối hợp lao động của các công dân của các cơ quan tự trị và các tổ chức trung ương của Nhà nước. Không có người công dân nào có ý thức mà không trông thấy những khó khăn phải đương đầu, những cố gằng và hy sinh cần thiết. Nhưng họ cũng hiểu rằng sự thực hiện một quyền tự trị địa phương càng ngày càng thực sự, biểu hiện rằng trong toàn quốc thực sự đã có những cải tạo xã hội chủ nghĩa và những quan hệ dân chủ mạnh mẽ. Mà cũng chắc chắn rằng xã hội xã hội chủ nghĩa không thể nào tiến triển bằng một tổ chức hành chính tập trung chủ nghĩa và quan liêu hay trong khuôn khổ cứng rắn của nền dân chủ cổ điển.

4. Bộ máy chính quyền

Bộ máy chính quyền đặt trên cơ sở nguyên tắc tự trị (self–government) của nhân dân lao động. Bên cạnh quyền quản trị xã hội trong mặt kinh tế, quyền ấy đã trở thành một tổ chức chính trị, bộ máy chính quyền bao gồm hệ thống chính quyền với những tổ chức cai trị trực tiếp, và quyền “quản trị xã hội” trong lãnh vực những “cơ quan phục vụ công chúng’ (giáo dục, khoa học, văn hoá, y tế, an ninh, xã hội, nhà ở).

Chế độ chính quyền là dân cử và dựa vào nguyên tắc “chính quyền hội nghị”. “Chính quyền hội nghị” có nghĩa là chính quyền được thống nhất về mặt chính trị nằm trong tay những cơ quan đại diện, đại hội và uỷ ban nhân dân. Riêng hệ thống tư pháp thì độc lập và chỉ hoạt động theo luật pháp. Còn về phần quản đốc những công việc chấp chính, các hội đồng nhân dân tự bầu cử những cơ quan chấp hành của họ. Những cơ quan này lại cử những bộ phận hành chính cần thiết để giải quyết những vấn đề hành chính (Bộ và các tổ chức hành chính khác). Trong những uỷ ban nhân dân, những công việc chấp chính, thực tế đều giao phó cho những tiểu ban của các uỷ ban đó uỷ viên và một số công dân khác. Tổ chức hội đồng những người sản xuất mở rộng và củng cố chế độ chính quyền hội nghị. Những hội đồng của những người sản xuất là những cơ qua đại diện cho những người sản xuất trực tiếp: nó ngang quyền với những cơ qua đại diện chính trị trong những vấn đề kinh tế, lao động và sự an ninh xã hội. Nhờ những hội đồng của những người sản xuất, những người công dân hoạt động nhiều nhất được tham gia vào những sự quyết định chính trị căn bản trong nước; nhờ những hội đồng đó mà những người sản xuất lao động với những phương tiện sản xuất cá thể được đại diện một cách tương ứng với phần đóng góp vật chất của họ.

Bên cạnh những cơ quan đại diện còn có cả một số khác thuộc về dân chủ trực tiếp. Đó là: phòng những buổi họp cử tri kiểm soát về mặt chính trị hoạt động của những cơ quan đại diện, giới thiệu những người ra ứng cử và có một số quyền hành khác (quyền cử tri bãi bác đại biểu, trưng cầu dân ý, sự tham gia của công dân trong toà án; những tiểu ban và hội đồng công dân lập bên cạnh những uỷ ban nhân dân để điều khiển một số việc). Chính quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa là một sự phối hợp của những hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp; hình thức dân chủ trực tiếp càng ngày càng trở nên quan trọng. Thực tế, đó là một bộ máy dân chủ đại diện bao hàm một số hình thái quản trị và cai trị trực tiếp hay bán trực tiếp của công dân.

Trong lãnh vực giáo dục, khoa học, văn hoá và trong “những tổ chức xã hội” khác, nguyên tắc được áp dụng là nguyên tắc quản trị xã hội: quyền quản trị các tổ chức này chuyển gần hết – và sắp chuyển hoàn toàn sang những cơ quan xã hội, tức là những cơ quan thành lập ngay trong những tổ chức đó bởi những tập thể lao động cùng với một số công dân khác do những buổi họp cử tri, những hội khoa học hay kỹ thuật v.v… bầu ra. Những tổ chức đó trước kia thuộc về phạm vi hành chính tự trị bây giờ trở thành những tổ chức tự trị hay quản trị xã hội, tách khỏi hành chính nhà nước. Những cơ quan đại diện hay đúng hơn là những cơ quan chấp hành của nó đối với những tổ chức ấy chỉ giữ những quyền hành do luật pháp quy định và nói chung là hạn chế vào việc kiểm soát tính hợp pháp. Trong những lãnh vực ấy, quyền quản trị xã hội không những là thay đổi vai trò và cơ cấu của hành chính nhà nước, nó còn thay đổi tính chất của hành chính ấy. Cái mà đang thực hiện là một quá trình tự tiêu cơ bản của vai trò trước kia của hành chính và do đó sự phá bỏ mọi độc quyền nhà nước hay chính trị trong một lãnh vực khó xử bậc nhất của đời sống xã hội và đời sống tư nhân của người ta.

Sở dĩ quyền quản trị xã hội có thể thực hiện là do quyền sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất và do sự cách tạo sâu sắc thực chất của nhà nước cổ điển. Nhưng nó không xuất phát máy móc từ cơ sở xã hội và chính trị của nó. Nó đòi hỏi những hình thái và những quyền tự do chính trị trái với chủ nghĩa tập quyền và chủ nghĩa độc quyền về tư tưởng hay chính trị, nhưng góp phần gây ý thức cho người công dân về cương vị và quyền lợi bản thân, về trách nhiệm và nhiệm vụ xã hội của mình: như vậy người công dân sẽ có thể trở thành thực sự chủ thể chính thức của chế độ quản lý mới, anh ta trở thành chủ nhân ông của “quyền lực” của mình. Xét tới cùng, quyền quản trị xã hội có hướng vượt qua về mặt dân chủ cái chế độ cổ điển về đảng phái và Nhà nước. Nó trở thành quyền quản trị tổ chức trên cơ sở xã hội của người công dân sản xuất có ý thức, tự do và có quyền của mình.

5. Thực chất và vai trò của những đảng chính trị

Đời sống tập thể và động lực nội bộ của Nhà nước xã hội chủ nghĩa luôn luôn biểu hiện trong chính trị và bằng những phương tiện chính trị. Do đó cần phải có những tổ chức chính trị hay đảng phái.

Sự tồn tại của một Đảng độc nhất không phải là nhất định đi đôi với sự phát triển xã hội chủ nghĩa của xã hội. Vì cho rằng tất cả mọi giai cấp đã được hoàn toàn thủ tiêu trong những giai đoạn đầu tiên xây dựng chủ nghĩa xã hội tưởng rằng giai cấp công nhân sẵn sàng và chỉ sỉnh ra một lần thôi, chính đấy là sai lầm. Có thể cho rằng trong cái xã hội phức tạp và phân hoá của giai đoạn quá độ, chính giai cấp công nhân cũng có nhiều đảng và có thể là những đảng ấy có đấu tranh chính trị với nhau, thậm chí lại có thể rằng những đảng công nhân hợp tác với những đảng đại diện cho tầng lớp xã hội và những giai cấp mà quá trình tiến hoá của lịch sử lôi cuốn vào đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, những tầng lớp và giai cấp ấy tham gia chủ nghĩa xã hội trên lập trường riêng của họ và bảo vệ không những là quyền lợi riêng mà cả những quan niệm riêng về hình thái tiến bộ.

Trường hợp mà chỉ có một đảng độc nhất có thể là do một tất yếu lịch sử, kết quả của một cuộc tiến hoá và những điều kiện lịch sử nhất định. Tất yếu đấy là tất yếu của một trường hợp lịch sử cụ thể chứ không phải là tất yếu của bản thân xã hội xã hội chủ nghĩa. Quá trình tiến hoá chính trị của nước Nam Tư trước kia, cũng như những biến chuyển thực hiện trong Chiến tranh giải phóng và Cách mạng, đã đưa đến một kết quả khách quan: là chỉ có hai tổ chức chính trị, Đảng Cộng sản và Mặt trận nhân dân, là đã đấu tranh giải phóng Tổ quốc, trong lúc mà các đảng phái cũ đều ra khỏi sân khấu chính trị. Hai tổ chức đó trong thời kì đấu tranh là những lực lượng thực tế duy nhất; chính nhờ hai tổ chức đó mà Nhà nước mới sinh nở và bắt đầu sống và phát triển. Sau đấy mà lại tái lập những đảng phái cũ thì không thích hợp với hoàn cảnh xã hội mới: làm như thế sẽ là đưa những tổ chức chính trị một cách giả tạo từ ngoài vào trong. Đứng về mặt lịch sử, không thể đưa vào như thế được, vì hai lý do: một là, vì rằng những tổ chức như thế không thể có vị trí trong cơ cấu chính trị và xã hội trên đất nước; hai là, vì rằng những lực lượng xã hội và chính trị đã chịu đựng những hy sinh rất nặng nề và có những cố gắng to lớn để giải phóng xã hội thoát khỏi quá khứ của nó (tức là thoát khỏi những giai cấp cũ và tổ chức của nó) không chịu, không thể và cũng không có quyền dung túng việc ấy; và cũng không ai có tư cách để chê trách những lực lượng đó.

Một trong những đặc tính quan trọng nhất của tổ chức chính trị Nam Tư trước hết là Đảng Cộng sản không bao giờ đã là một đảng theo kiểu “đảng độc nhất” (về tổ chức, về vai trò, vì rằng thực tế nó cũng không bao giờ đứng “độc nhất”); điểm thứ hai là sự thay đổi tính chất, vị trí và vai trò của đảng và của bản thân “chế độ đảng phái”. Mục đích của chủ nghĩa xã hội không phải là giữ vững và phát triển một hay nhiều chính đảng theo nghĩa thông thường. Nó chỉ là để đảm bảo một quá trình giải phóng trong ấy có hai mặt chính:
a.
phát triển những điều kiện cần thiết xây dựng quyền tự do thực sự công và tư của người lao động và của con người nói chung;
b.
biến chuyển cơ cấu chính trị cổ điển của xã hội bởi sự thay đổi biến hình và tự tiện của Nhà nước và của đảng, tức là của những bánh xe chính trong bộ máy cổ điển của chính quyền giai cấp và đấu tranh giai cấp.

Trong những biến chuyển ấy ở Nam Tư, những đặc tính cổ điển của Đảng đã biến chuyển: Đảng Cộng sản ngày nay đã trở thành một liên đoàn chính trị, liên đoàn những người Cộng sản. Với danh nghĩa là tổ chức chính trị, Liên đoàn còn giữ một vài thuộc tính của một đảng, vì nó còn là đoàn thể chính trị của những thành viên của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã chọn con đường xã hội chủ nghĩa bằng công trình lao động, bằng quan niệm và thái độ của họ và đấu tranh để cải biến thực tế xã hội.

Nhưng liên đoàn mất dần những yếu tố đảng tính, yếu tố làm cho một đảng đòi nắm chính quyền cho mình và cho giai cấp của mình, biến nó thành độc quyền của mình hay giai cấp của mình và trên lập trường ấy, lãnh đạo xã hội và cuộc tiến hoá của nó. Liên đoàn những người cộng sản chỉ là tổ chức của “bộ phận có ý thức nhất của nhân dân lao động”.

Nhưng đấy không phải chỉ là một sự thay đổi danh từ, vị trí và vai trò của một đảng phái trong đời sống chính trị và xã hội, mặc dầu yếu tố này có tầm quan trọng sống còn cho một Nhà nước của giai đoạn quá độ đã phát triển trên cơ sở tương đối thống nhất chính trị để tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Để thay đổi tính chất và vai trò của một đảng, điều kiện cần thiết là phải thay đổi nền tảng và điều kiện tồn tại của chế độ đảng phái. Một trong những điều kiện của sự thay đổi đó ở Nam Tư là Liên minh Xã hội chủ nghĩa của Nhân dân lao động, tổ chức chính trị phổ cập của những người công dân Nam Tư. Liên minh Xã hội chủ nghĩa là một tổ chức trên cơ sở tự nguyện, không có một độc quyền tư tưởng hay chính trị nào. Nó hạn chế và ngăn cản mọi sự độc quyền. Trong phạm vi nào đó, nó là sự thừa nhận chủ nghĩa đa diện chính trị và là sự biểu diễn bên ngoài của sự tồn tại của chủ nghĩa ấy. Nhưng chủ nghĩa đa diện này càng ngày càng là chủ nghĩa đa diện tự do của cá nhân công dân.

Cơ sở để thay đổi chế độ đảng phái, nghĩa là thay đổi độc quyền chính trị, phải là và, ở Nam Tư, chỉ là thiết lập những quan hệ theo kiểu xã hội chủ nghĩa và quy định cho con người tự do và có ý thức về cái vị trí của mình trong hệ thống xã hội và chính trị. Sự biểu hiện chính trị của cơ sở đó, cái thượng tầng kiến trúc được xây dựng trên nó và thích nghi với nó là chế độ dân chủ trực tiếp, quyền tự quản của người sản xuất và tự trị của người công dân. Những xã tự trị, hội đồng công nhân và cả chế độ quản trị xã hội cũng cấu thành một bộ máy lịch sử mới giải thoát con người khỏi sự bao biện và sự tha hoá chính trị. Cái tình trạng tha hoá của con người, chế độ độc quyền chủ nghĩa tập quyền, chính quyền do một tổ chức chính trị độc nhất nắm đều phải tính là lực lượng ngoại lai.

Cũng như những đảng phái trong sự cấu thành và phát triển của nó có liên quan chặt chẽ, phức tạp và nhiều mặt với những từng lớp xã hội với những giai cấp và đấu tranh giai cấp, cái quá trình biến chuyển và tự tiên của chế độ đảng phái và bản thân những đảng phái ấy là do mức độ mà xã hội đã đạt được trong công việc thủ tiêu thực sự những đối kháng và bất bình đẳng, những xung đột giai cấp và mọi hình thái ngu dốt, bất bình đẳng, bóc lột và tha hoá của con người.

6. Những đường lối khác nhau để tiến tới và phát triển chủ nghĩa xã hội

Quyền hạn của mỗi dân tộc là chọn con đường của mình tiến tới và phát triển chủ nghĩa xã hội không phải chỉ là một nguyên tắc chính trị nhưng là một quy luật khoa học do Mác khám phá ra, được Lê–nin và nhiều nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa khác biện hộ, cuối cùng được thực tiễn xã hội trong lịch sử xác nhận. Vì thế mà tổ chức chính trị của một nước xã hội chủ nghĩa chỉ là một hình thái cụ thể của một quá trình đặc biệt của tổ chức chính trị của xã hội xã hội chủ nghĩa. Chế độ chính trị Nam Tư không bao giờ có tham vọng cung cấp những giải pháp sẵn sàng cho các nước khác dù có là những nước nằm trong một hoàn cảnh lịch sử tương tự (vì không cái gì có thể thực sự gọi là tương tự lịch sử). Những lực lượng giác ngộ nhất ở Nam Tư cũng không cho tổ chức chính trị của nước mình là hoàn bị hay đã hoàn toàn thoả mãn: cái tổ chức đó gồm có những hình thái xã hội và chính trị mới, bên cạnh những hình thái khác kế thừa của dĩ vãng, những hình thái ấy là tạm thời, chưa đầy đủ và chưa hoàn thành. Sự khiêm tốn ấy rất cần thiết cho sự tiến bộ xã hội và nhân văn cũng như sự hợp tác của những lực lượng xã hội chủ nghĩa của những nước khác nhau đang phát triển mỗi dân tộc và toàn thể nhân loại.

Tuy nhiên chế độ xã hội và chính trị của Nam Tư rất đáng chú ý ngày nay cho khoa học xã hội và phong trào tư tưởng. Nó đã chứng minh giá trị của một số nguyên tắc đang có hoặc có thể sẽ có vai trò trong những tiền đề của chế độ dân chủ mới. Chế độ này là chế độ tất yếu của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Những tiền đề đó là: quyền sở hữu xã hội của những phương tiện sản xuất, quyền tự trị (self government) của những người sản xuất và công nhân, nhất là về kinh tế, đấu tranh chống tất cả cái gì gây ra bất bình đẳng giai cấp và sự người bóc lột người, quá trình tự tiêu từng bước của Nhà nước, sự giải phóng cá nhân con người và sự sản xuất vì quyền lợi con người để thoả mãn nhu cầu của nó.

(Trang 57-67)


 


[1]Eduard Karadelj là phó chủ tịch Hội đồng Chấp hành Liên bang của Cộng hoà Liên bang Nhân dân Nam Tư (N.D.)
Nguồn: Giai phẩm mùa Thu tập III - Với sự cộng tác của Đào Duy Anh, Bùi Quang Đoài, Mai Hạnh, Phan Khôi, Chu Ngọc, Phùng Quán, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường. Bìa của Sỹ Ngọc. In tại nhà in Minh Đức. Bản khắc của Tiến Mỹ. Minh Đức xuất bản. In tại nhà in Xuân Thu 89, Nguyễn Thái Học, Hà Nội. In 3200 cuốn. Khổ 16x24. 68 trang. Hoàn thành ngày 30-10-1956. Số xuất bản 51. Số nhà in 330. Nộp lưu chiểu ngày 5–11–1956. Bản điện tử do talawas thực hiện.
( * ) - Giai Phẩm Mùa Xuân
(
* ) - Giai Phẩm Mùa Thu Tập I
(
* ) - Giai Phẩm Mùa Thu Tập II
(
* ) - Giai Phẩm Mùa Đông Tập I





1 comment:

  1. Tôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại cuộc hôn nhân của mình với niềm vui và sự an tâm của nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn. Cảm ơn Chúa, tôi đã tổ chức Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng giờ. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề này trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple @ gmail)

    ReplyDelete