HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Sunday 22 September 2013

NVGP * 53.TRẢ LỜI NGUYỄN HỮU ĐANG


53  . TRẢ LỜI NGUYỄN HỮU ĐANG VỀ TRĂM HOA ĐUA NỞ


Vài ý kiến với ông Nguyễn Hữu Đang về vấn đề “trăm hoa đua nở”

Trong thời gian qua, có những vi phạm tự do dân chủ và chúng ta đang tích cực sửa chữa. Điều đó đúng. Nhưng tôi thiết nghĩ ta không nên vì thế mà kêu tướng lên rằng: "Tôi phải được hoàn toàn tự do; tự do vô điều kiện ngay bây giờ". Ấy thế mà có người bất chấp điều kiện thực tế đòi phải được hoàn toàn tự do ngay lập tức, thậm chí đòi một thứ tự do không cần lãnh đạo, hoặc chỉ chấp nhận ý niệm lãnh đạo trừu tượng thôi, không muốn chịu sự lãnh đạo cụ thể. Họ còn đi xa hơn: họ cố gắng chứng minh rằng bản chất của trí thức vốn là tiến bộ rồi, do đó trí thức nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng có khả năng tiến bộ đặc biệt, có bản chất rất khác thường, chỉ có thể chiếu tỏa ra ngoài đời ánh sáng của chính bản thân mình một cách siêu giai cấp. Họ xuyên tạc lịch sử theo đúng ý của họ và hùng hổ bảo: các anh lắp lại một cách giáo điều những ý kiến của Lê-nin từ năm 1905 với dụng ý hạn chế "trăm hoa đua nở" trên đất nước này.

Những luận điệu ấy gần đây rải rác xuất hiện trên một số báo chí. Bài "Từ Pờ-rô-lê-cun đến trăm hoa đua nở" của Nguyễn Hữu Đang đăng trên báo Văn nghệ số 145, 147, 148 là một dẫn chứng. Cho nên tôi thấy cần phải góp ý kiến với ông Nguyễn Hữu Đang.


I. Thực chất của "Pờ-rô-lê-cun"

Nguyễn Hữu Đang gán cho Pờ-rô-lê-cun lúc đầu tính chất tiến bộ để dễ bề đạt tới ý mình định nói: văn nghệ ta hiện nay cũng gần như Pờ-rô-lê-cun, phải rút ở đấy bài học kinh nghiệm, đừng có giáo điều theo ý kiến của Lê-nin 1905 nữa, đừng có hạn chế tự do sáng tác nữa. Nhưng dù gán ghép như thế, Nguyễn Hữu Đang vẫn không đạt được dụng ý của mình. Cuối bài người đọc phải hỏi: "Ô hay! Pờ-rô-lê-cun đã là tổ chức phản động như thế thì ta với nó khác nhau về bản chất rồi còn gì; nó đã là của tư sản, phản động như thế thì sai lầm của nó e còn nghiêm trọng hơn ông Đang nêu ra kia, nó còn có mục đích chính trị của giai cấp tư sản thất thế cũng chưa biết chừng. Thế thì căn bản là không nên có sự ám chỉ gì ở đây cả vì lẽ rằng chủ trương của nó và của ta về văn nghệ đã hoàn toàn khác nhau về căn bản".

Nhưng, Pờ-rô-lê-cun có phải là một tổ chức lúc đầu tiến bộ không đã, chỉ lúc đầu thôi đấy! Pờ-rô-lê-cun do Bô-đa-nốp lập ra và điều khiển. Bô-đa-nốp là người thế nào? Hắn vốn là thầy thuốc, đảng viên đảng thợ thuyền xã hội dân chủ Nga, một thời gian đã đi với Bôn-sê-vích và từ trước 1905 đã có những quan điểm tu chính của chủ nghĩa Mác trong địa hạt triết học. Nhưng sau 1905, cách mạng thất bại, Bô-đa-nốp đã đoạn tuyệt với Bôn-sê-vích trên vấn đề hiểu nhiệm vụ đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân và trong địa hạt triết học. Bô-đa-nốp đã từng tổ chức những nhóm chống Bôn-sê-vích mà Lê-nin đã phản đối kịch liệt, Bô-đa-nốp đã là một trong những kẻ tổ chức trường chống Mác-xít ở đảo Ca-pờ-ri và cùng với Lu-nát-sát-ski, Ba-đa-rốp, bọn Men-sê-vích I-u-sơ-kê-vích và Va-lăng-ti-nốp viết bài chống lại cơ sở triết học của chủ nghĩa Mác. Bô-đa-nốp còn tạo ra lý luận rất phiền toái mà hắn gọi là "Empiriomonisme", thực chất là duy tâm chủ quan mà Lê-nin đã đập cho tơi bời trong cuốn Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (Matérialisme et Empiriocriticisme). Năm 1913, Bô-đa-nốp lại ra một quyển sách gọi là Khoa học tổ chức phổ cập từ đầu đến cuối đối địch với chủ nghĩa Mác mà Bu-kha-rin và những kẻ thù của nhân dân Xô-viết đã dựa vào đấy để chống lại cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa Liên Xô. Bô-đa-nốp cho rằng có ba con đường song song đi tới chủ nghĩa xã hội: con đường kinh tế, con đường chính trị và con đường văn hóa; ba con đường ấy độc lập hẳn với nhau. Nhiệm vụ của Pơ-rô-lê-cun là đi tới chủ nghĩa xã hội bằng con đường văn hóa. Mà con đường văn hóa độc lập đối với con đường chính trị tất nhiên sẽ dẫn đến sự độc lập của Pờ-rô-lê-cun đối với chính quyền của công nhân và nông dân.

Chính Lê-nin đã tuyên bố một cuộc "chiến tranh tàn nhẫn" đối với những "phát minh trí tuệ" ấy. Đó chỉ có thể là một thứ văn học hình thức mà những chuyên gia tư sản tung ra khắp trong nước bằng cả một hệ thống câu lạc bộ nghệ thuật hay văn học và những lớp nghệ thuật hay văn học, việc mà Nguyễn Hữu Đang cho là thiết thực giúp ích thợ thuyền về học tập văn hóa cũng như về sinh hoạt nghệ thuật.

Một tổ chức văn hóa muốn tách rời Đảng, tách rời chính quyền công nông, tách rời những điều kiện sinh hoạt vật chất của những người lao động, lại do một người mà trong lúc đang bận bịu vì chiến tranh, lo củng cố chính quyền Xô-viết và đặt nền móng cho chế độ mới, đành tạm gác những vấn đề văn học và nghệ thuật xuống hàng thứ yếu, Cách mạng cực chẳng đã phải để cho điều khiển, lại là một thứ tổ chức văn hóa tiến bộ?

Ai cũng biết từ năm 1905 Lê-nin đã nói: "tất cả những điều đó (về tự do sáng tác) cũng không lật đổ cái nguyên lý mà giai cấp tư sản và phái dân chủ giai cấp tư sản cho là lạ lùng kỳ quái: sự nghiệp văn học nhất định phải là một bộ phận công tác của Đảng xã hội dân chủ gắn liền chặt chẽ với các bộ phận khác" (Tổ chức Đảng và văn học Đảng). Thế mà sau đó hàng hơn chục năm (tháng 9 năm 1917), Pờ-rô-lê-cun ra đời, chủ trương ngược lại với Lê-nin như thế lại là một tổ chức tiến bộ? Trái với đường lối căn bản, trái với nguyên tắc của Lê-nin mà lại là tiến bộ? Không! Đấy chỉ là âm mưu giành độc quyền của giai cấp tư sản trong việc xây dựng một nền văn hóa mới. Âm mưu ấy đã thất bại. Cho nên có ý gây cho người ta cái ấn tượng văn nghệ của ta lâu nay cũng hẹp hòi, sai lầm như Pờ-rô-lê-cun chỉ là vu khống trắng trợn. Văn nghệ của ta là văn nghệ nhân dân chân chính. Có những hẹp hòi, những vi phạm tự do sáng tác nhưng đường lối văn nghệ của ta là đường lối cách mạng. Pờ-rô-lê-cun là phản động khoác áo vô sản. Căn bản là không nên có sự ám chỉ gì ở đây cả, mà nên rút thêm một kinh nghiệm là: phải tích cực vạch mặt bọn giả danh, bọn "treo đầu dê bán thịt chó".

Nguyễn Hữu Đang còn nói đến những người trung thực trong Pờ-rô-lê-cun. Không hiểu trung thực với ai khi họ đòi độc lập với chính quyền Xô-viết, khi họ "gián tiếp bảo vệ quyền tự do theo hay không theo cách áp dụng chủ nghĩa Mác của Lê-nin"? Ấy thế mà Nguyễn Hữu Đang còn bảo: "xu hướng thích độc lập và tự do ấy sẽ chẳng hại gì nếu họ có một đường lối phát triển văn hóa sát đúng với thực tế Liên Xô lúc bấy giờ". Thật là lạ lùng!

Có thể có người hợm mình và ấu trĩ như thế chăng? Không! Một người có ý muốn văn hóa là độc quyền của giai cấp mình sao lại đòi độc lập đối với Đảng và giai cấp mình, với chính quyền của giai cấp mình? Tất nhiên, trong Pờ-rô-lê-cun có thể có một số người say sưa và mù quáng nào đấy, nhưng những người ấy, họ không có tinh thần thù địch đối với chính quyền Xô-viết.

Trong cuốn Lịch sử văn học Liên-Xô, E-gô-lin nói: "Trong Pờ-rô-lê-cun, có không ít những người chưa có tinh thần thù địch với chính quyền Xô-viết, nhưng nhìn chung thì cương lĩnh lý luận của Pờ-rô-lê-cun mang tính chất phản động".

Lê-nin đã từng chiến đấu cho việc xây dựng một nền văn học Đảng, một nền văn học vô sản. Nhưng văn học vô sản là văn học thấm nhuần ý thức tư tưởng của giai cấp vô sản chứ không phải là văn học vô sản kiểu Pờ-rô-lê-cun.


II. Không thể tách rời cuộc đấu tranh giai cấp mà quan sát vấn đề trí thức

Nguyễn Hữu Đang còn rút ra kết luận rằng áp dụng ý kiến của Lê-nin 1905 vào nước ta là giáo điều, và lập luận: trí tuệ bản chất vốn là tiến bộ, lo gì nó sẽ đi theo đường tiến bộ định sẵn của nó, độc lập với điều kiện sinh hoạt vật chất. Trí thức vốn mang trong người khả năng tiến bộ đặc biệt, họ có cái bản chất rất khác thường, họ tiến lên với lịch sử "như một nhu cầu cơ thể, như bản năng làm mẹ nó thôi thúc người phụ nữ (và các con vật cái)".

Những nguyên tắc mà Lê-nin nói trong Tổ chức Đảng và văn học Đảng từ năm 1905 vẫn có giá trị hiện thực ở nước ta ngày nay. Áp dụng nó là cần thiết, không phải giáo điều, nhưng đó là vấn đề sẽ bàn sau. Ta hãy nói đến cái "bản năng làm mẹ" của Nguyễn Hữu Đang. Thật ra lập luận này không mới mẻ gì. Từ nghìn năm trước đã có. Ngày nay ta cũng thấy trên báo chí tư sản Pháp những luận điệu cho rằng không phải trạng thái lực lượng sản xuất và sự biến diễn của quan hệ sản xuất tạo ra cách mạng, không phải phong trào của các giai cấp xã hội định đoạt sự thất bại hay thành công của cách mạng cũng như sự phát triển sau cách mạng mà là những tư tưởng những kế hoạch của các nhà tư tưởng. Ta thấy bọn Hồ Phong ở Trung Quốc tung ra lý luận "tinh thần chiến đấu chủ quan", "khuếch trương tự ngã”, “lực lượng nhân cách" của nhà văn, lấy nhân tính thay cho sự phân tích giai cấp, cho rằng nhà văn không phải là tai mắt của giai cấp, tư tưởng của tác phẩm cũng không phải do ý thức tập đoàn xã hội quyết định mà chỉ là "bản tính của vũ trụ hoặc là thể hiện của tâm". Có nơi Hồ Phong giải thích rằng đó là thái độ sáng tác của nhà văn, thái độ sáng tác mà chân thành thì nhà văn ấy có thể đột nhập vào hiện thực, có thể sáng tạo ra tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa. Có nơi Hồ Phong lại nói đó là "lương tâm nghệ thuật". Những lý luận ấy có khác gì lý luận bản chất của trí tuệ vốn đã là tiến bộ nên văn nghệ sĩ có cái bản chất rất khác thường, trí thức mang trong người một cái khả năng tiến bộ đặc biệt và cái xu hướng chân, thiện, mỹ; khác gì cái lý luận quanh co cho rằng văn nghệ sĩ có lý tưởng chủ quan của mình, họ cứ việc phục vụ lý tưởng chủ quan đó và tùy hoàn cảnh lý tưởng chủ quan đó hợp với nguyện vọng của giai cấp cách mạng này hay giai cấp cách mạng khác, khác gì lý luận chỉ cần "ngọn lửa chân thành" nơi nhà nghệ thuật…

Trí tuệ nói chung phát triển theo hướng đi lên của lịch sử loài người. Nhưng tư tưởng và nghệ thuật không phải vẫn tự nhiên nảy nở theo hướng tốt. Lịch sử loài người nói chung phát triển theo hướng đi lên thì cái gì trong xã hội loài người nói chung lại không phát triển theo hướng đi lên! Nhưng vấn đề có ý nghĩa thực tiễn cần bàn ở đây lại không phải là vấn đề nói chung như thế mà là vấn đề nói trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể, có giai cấp, trí tuệ tiếp tục đi theo hướng tốt như thế nào.

"Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội". Ý nghĩ, lời phê phán của các nhà học giả bách khoa không tự nó có động cơ. Trước những tư tưởng của họ đã có trạng thái của những sức sản xuất, mâu thuẫn giữa sự phát triển của sức sản xuất với quan hệ sản xuất lỗi thời, đã bị vượt qua sự bố trí mới về lực lượng xã hội, những giai cấp đương thời. Cho nên không phải năm 1689 hay 1889 tư tưởng phái bách khoa thắng mà là trong một thời kỳ lịch sử kinh tế và xã hội nhất định.

Trong xã hội có giai cấp, mỗi giai cấp đều quả quyết rằng cách xem xét suy nghĩ của mình là đúng, là đầy đủ. Sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa ý thức tư tưởng của giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột không thể phủ nhận tính chất giai cấp của ý thức tư tưởng. Giai cấp bóc lột khi đã đến ngày tan rã diệt vong cũng có thể phân hóa và một số ít phần tử có thể phản lại giai cấp mình một trình độ nào đó.

Mác – Ăng-ghen – Lê-nin minh mẫn lỗi lạc, đem ý thức xã hội chủ nghĩa lại cho phong trào công nhân tự phát mạnh mẽ, nhưng các bậc thiên tài ấy phục vụ hẳn cho giai cấp công nhân và cũng không phải tự dưng có được ý thức xã hội chủ nghĩa. Người ta lại biết rằng, sau và trong khi Mác – Ăng-ghen – Lê-nin phục vụ cho giai cấp công nhân thì có bao nhiêu trí thức khác phục vụ cho giai cấp tư sản thậm chí ngăn cản, phá hoại nền văn minh của loài người. Trí thức không phải là một lực lượng siêu giai cấp, lịch sử không phải là kết quả hoạt động cá nhân của tư duy phê phán, của những người trí thức lỗi lạc.

Trong xã hội có giai cấp, hầu hết những người trí thức đều phục vụ cho giai cấp thống trị; họ đại biểu cho tư tưởng thống trị đương thời, không phải tự nhiên họ bước theo giai cấp cách mạng để đi tới cái hướng chân, thiện, mỹ. Cả một cuộc đấu tranh bản thân và xã hội nảy ra. Không phải vấn đề "nhu cầu cơ thể" mà là vấn đề trí tuệ phục vụ cho giai cấp nào. Vì trí thức là những người lao động trí óc sản xuất ra những phẩm vật tinh thần cho các giai cấp xã hội khác nhau, đồng thời cũng biến thành những người bảo vệ lợi ích cho các giai cấp xã hội đó. Phạm Quỳnh chắc không phải tính là một người trí thức. Nội bộ của giai tầng xã hội ấy − trí thức − rất phức tạp. Nhắm mắt bảo rằng ở những nước mà cách mạng đã nắm được chính quyền và đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, các giai cấp thống trị cũ đã bị lật đổ rồi tuy chưa tiêu diệt hẳn, hiện tượng phản động của tư tưởng của giai cấp thống trị cũ không còn là một hiện tượng đáng kể nữa, chỉ là dối mình và dối người, là trái với chủ nghĩa Mác.

Lê-nin viết: "Việc thủ tiêu giai cấp là kết quả của một cuộc đấu tranh giai cấp lâu dài, gian khổ, quyết liệt mà sau khi lật đổ chính quyền tư sản, sau khi đánh đổ nhà nước tư sản, sau khi thành lập chế độ vô sản chuyên chính, vẫn không biến mất (như những người tầm thường của chủ nghĩa xã hội và dân chủ cũ vẫn tưởng tượng) mà cuộc đấu tranh giai cấp đó chỉ thay đổi hình thức, trở thành quyết liệt về nhiều mặt.

"Suốt trong thời kỳ quá độ đó, cuộc cách mạng sẽ vấp phải sự chống đối của bọn tư sản cũng như sự chống đối một cách có ý thức của một số đông phần tử trong các giới trí thức tư sản". (Chào mừng giai cấp công nhân Hung-ga-ri).

Và ai cũng biết lý luận vô sản chuyên chính của Lê-nin nói rằng ở những nước mà giai cấp vô sản đã nắm được chính quyền, giai cấp tư sản không phải là không có mưu mô phục hưng, vì sau khi bị lật đổ, trong một thời gian lâu dài, nó vẫn còn mạnh hơn giai cấp vô sản đã lật đổ nó. (Cách mạng vô sản và tên phản bội Cao-sky).

Tình hình Hung-ga-ri và Ba-lan gần đây càng chứng minh điều đó vẫn đúng. Vì vậy, quan sát mọi vấn đề xã hội, kể cả vấn đề trí thức, không thể tách rời cuộc đấu tranh giai cấp.

Ở nước ta do những đặc điểm về địa vị kinh tế, về chính trị và tư tưởng, trí thức trừ một số ít phản phúc dân tộc ra, ai cũng có tính chất cách mạng. Họ biết ngoài con đường đi với giai cấp công nhân họ không còn con đường nào khác. Những năm kháng chiến gian khổ, thông qua thực tiễn và quan sát đời sống xã hội, thực tiễn nghiệp vụ và học tập lý luận Mác – Lê-nin, họ tin tưởng ở Đảng Lao động Việt Nam, tin tưởng đối với chủ nghĩa xã hội, phần lớn trong số họ đã là một bộ phận của giai cấp công nhân. Nhưng phần lớn không phải là tất cả. Mà ngay trong phần lớn ấy, do ảnh hưởng của đế quốc và phản động, trạng thái tư tưởng của trí thức đã hoàn toàn tương ứng với sự thay đổi về địa vị chính trị và vị trí xã hội của họ đâu. Nhiều người tiến bộ vẫn còn tác phong tư tưởng duy tâm, tư sản, cá nhân trong những mức độ nhất định. Số trung gian thì càng không phải nói. Có người kêu lên rằng hoàn cảnh xã hội nước ta ngày nay khác hoàn cảnh năm 1905 của Lê-nin rồi. Đúng, ngày nay chủ nghĩa xã hội đã thành một hệ thống thế giới, nhưng tại sao họ không kêu lên: trước và sau Cách mạng tháng Mười, Bô-đa-nốp đòi văn nghệ độc lập với chính trị mà ngày nay ở ta cũng vẫn còn có người đòi trả quyền điều khiến văn nghệ về cho văn nghệ, trả quyền điều khiên chuyên môn về cho chuyên môn; có người đánh giá trí thức quá cao mà quên những di sản xấu của xã hội trên người họ, làm như họ đã siêu nhân; có người khuếch đại cái bản lĩnh cá nhân của văn nghệ sĩ để cố gắng chứng minh rằng đấu tranh giai cấp trên mặt trận tư tưởng không còn là một hiện tượng đáng kể. Họ làm như khả năng truyền bá tư tưởng duy tâm, tư tưởng tư sản một cách có ý thức ở ta đã hết hoặc không còn đáng kể nữa, làm như thực tiễn xã hội chủ nghĩa đã đủ sức thuyết phục mọi người, mọi giai cấp ở nước ta rồi, làm như bên nách ta, trên một nửa đất nước ta không còn bọn đế quốc, phong kiến, tư sản mại bản, kẻ thù công khai của chế độ chúng ta nữa rồi.

Họ nhấn mạnh trí thức có khả năng tiến bộ đặc biệt khác với những phần tử khai thác kinh tế mà quên rằng địa chủ, tư bản muốn cải tạo thành công nhân, ngoài việc cải tạo tư tưởng ra, trước hết phải bỏ nhà máy, ruộng vườn ra đã, nghĩa là trước hết phải có sự thay đổi căn bản về sinh hoạt vật chất đã, còn sự chuyển biến của trí thức, mấu chốt là ở cải tạo tư tưởng.

Tóm lại, họ muốn đặt vấn đề tiến bộ của trí thức một cách chung chung, thoát ra ngoài hoàn cảnh lịch sử cụ thể, giới hạn giai cấp; họ muốn làm ra vẻ duy vật đếm xỉa đến tình hình các nước mà cách mạng đã nắm được chính quyền nhưng lại đem bộ phận thay cho toàn thể, tán dương một cách duy tâm cái bản lĩnh chủ quan của trí thức, của văn nghệ sĩ.


III. Nắm vững nguyên tắc và hiểu đúng chính sách "trăm hoa đua nở" của Trung Quốc

Có người cứ muốn bê ngay chính sách "trăm hoa đua nở" của Trung Quốc về. Họ bảo: các anh nhắc lại một cách giáo điều những ý kiến của Lê-nin 1905 với dụng ý hạn chế trăm hoa đua nở. Họ đánh dấu hỏi: hay là không tin ở xu hướng chân, thiện, mỹ của những người trí thức, văn nghệ sĩ đã đi theo cách mạng bao năm đồng thời cũng không tin cả cái hoàn cảnh thuận tiện và chế độ ta? Không, chúng ta tin nhưng không tin có cái xu hướng chân, thiện, mỹ trời phú cho và cũng biết rằng hoàn cảnh thuận lợi của chúng ta chưa phải là đã hoàn toàn thuận tiện cả. Chúng ta đang chiến đấu để đi tới chỗ đó, có những sự hy sinh nhỏ cho lợi ích lớn và lâu dài. Chúng ta xưa nay không phủ nhận vai trò quan trọng của những người trí thức nói chung, của văn nghệ sĩ nói riêng. Có những thiếu sót về mặt thi hành chính sách nhưng chúng ta tích cực sửa chữa, đừng ai vì thế mà nghi ngờ, liên tưởng đến chuyện nàng Công chúa quên Thạch Sanh.

Trong văn nghệ quả đã có những sai lầm. Ngoài những nguyên nhân khách quan ra, quan niệm giáo điều và phiến diện về phương châm phục vụ công, nông, binh và phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đã dẫn đến những hạn chế trong sáng tác văn nghệ: đề tài chật hẹp, đơn điệu, phong cách ít ỏi; dẫn đến những thái độ thô bạo, giản đơn và những can thiệp hành chính không thích đáng. Những sai lầm ấy cần sửa chữa gấp, nhưng đừng vì những sai lầm ấy mà nghi ngờ, ám chỉ liều lĩnh.

Chúng ta không phủ nhận sáng tác của nhà văn phải thông qua ý thức tư tưởng của nhà văn, không phủ nhận quy luật đặc thù trong thực tiễn sáng tác của nhà văn, thậm chí chúng ta còn thừa nhận các nhà nghệ thuật, có thể thông qua con đường quanh co, ngoằn ngoèo của mình dần dần đạt tới chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, họ hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn phương pháp sáng tác của mình; chúng ta không lẫn lộn khuynh hướng nghệ thuật với vấn đề chính trị là một.

Phương pháp sáng tác phải do chính nhà văn sáng tác ra trong thực tiễn sáng tác, không một ai có thể khoác vào cổ nhà văn. Phạm vi đề tài phải rộng lớn, vô hạn, có thể ca tụng xã hội mới mà cũng có thể phê phán xã hội cũ. Phong cách sáng tác càng nhiều càng hay. Đồng thời trong phê bình văn học không những chỉ chú ý đến nội dung chính trị của tác phẩm mà còn phân tích cụ thể cả về mặt nghệ thuật tính của tác phẩm. Nhưng không vì thế mà chúng ta không khẳng định rằng phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác hay nhất, mà chúng ta phủ nhận quy luật chung, muốn nhà nghệ thuật rời bỏ con đường thênh thang để đi vào con đường hẻm; chúng ta không đối lập quy luật chung với quy luật riêng, không đề cao tinh thần chiến đấu chủ quan, bản lĩnh của nhà nghệ thuật, một cách duy tâm. Mác nói: "Con người là con người xã hội hóa, cảm giác của con người là cảm giác nhân hóa, cho nên trạng thái tinh thần của con người là do đời sống giai cấp quyết định, do đấu tranh giai cấp quyết định". Tất nhiên, cùng một giai cấp, một giai tầng, mỗi người vẫn có cá tính riêng, song cá tính ấy cũng vì khí chất của mỗi người và do từng trải đời sống cụ thể và sự giáo dưỡng quyết định. Cho nên ta không tách rời khách quan, tách rời hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tách rời giai cấp và đấu tranh giai cấp mà thổi phồng xu hướng chân, thiện, mỹ. Một nhà văn phi vô sản thoát ly giai cấp thoái hóa của mình, nếu muốn viết được hiện thực khách quan, muốn viết tình hình chân thật của người nghèo chẳng hạn, tất phải nghiên cứu nhiều về nguyên nhân tạo ra cái nghèo, nghiên cứu đời sống của người nghèo, thể nghiệm nỗi khổ của người nghèo. Nghiên cứu càng nhiều khách quan tất nhiên nhà văn không thể không ngày càng bỏ dần, thậm chí đi ngược lại những thành kiến chính trị chủ quan của mình, những thiên kiến giai cấp của bản thân mình. Khách quan giáo dục chủ quan nên phương pháp sáng tác tiến bộ thắng thiên hướng giai cấp lạc hậu, chứ không phải cái xu hướng chân, thiện, mỹ tự nó có sẵn nơi nhà văn như một vật trời cho, tự nó đẻ ra được tác phẩm tốt cứ có "lương tâm nghệ thuật" là đủ rồi. Mâu thuẫn ngay trong bản thân thế giới quan của Ban-dắc là một ví dụ. Chúng ta không nêu "lập trường tiến hóa", "lập trường chân, thiện, mỹ" chung chung, mà nêu rõ chân, thiện, mỹ của giai cấp nào, nhân đạo của giai cấp nào, v.v…

Tinh thần của chính sách "trăm hoa đua nở" của Trung Quốc cũng tức là quyền tự do dân chủ của nhân dân. Xưa nay, lãnh đạo văn nghệ của ta không hề có ý thức đi ngược lại tinh thần của chính sách "trăm hoa đua nở". Chế độ ta bản chất là tự do, dân chủ; sử dụng quyền tự do dân chủ là quyền lợi của người công dân Việt Nam. Vấn đề chỉ là sử dụng như thế nào để có lợi nhất cho chế độ ta. Lại cũng nên ghi thêm ra đây rằng: quyền tự do dân chủ cũng thay đổi theo nội dung giai cấp của nó trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể. Trung Quốc đề ra chính sách "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" khi có những điều kiện đầy đủ nhất và có lợi nhất:

1. Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã giành được những thắng lợi có tính chất quyết định về các mặt trong các khu vực chính của toàn quốc. Trung Quốc đang trở thành một nước xã hội chủ nghĩa không có giai cấp bóc lột.
2. Tình hình chính trị, tư tưởng trong giới trí thức đã có thay đổi căn bản và đang dẫn tới những thay đổi căn bản hơn nữa. Thử hỏi khi thực tiễn cách mạng xã hội chủ nghĩa chưa đủ sức thuyết phục tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa, khi tư tưởng Hồ Thích, Lương Thâu Minh và những tư tưởng đại loại như thế còn bám chặt trong đầu óc một số trí thức, khi tư tưởng Hồ Phong còn tác yêu tác quái, nhân dân có thể để cho những nọc độc ấy trà trộn vào công tác học thuật để làm hại sự nghiệp xã hội chủ nghĩa không?
3. Kẻ thù, nhất là kẻ thù trong nước đã suy nhược nhiều.
4. Sự nhất trí về chính trị, về tư tưởng của nhân dân đã tăng cường rất nhiều và đang tiếp tục tăng cường.

Trước ngày 2-5, Mao Chủ tịch chưa tuyên bố chính sách "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" nhưng có phải là trước đó người ta có ý thức hạn chế "trăm hoa đua nở" đâu? Tại sao mấy năm trước nữa, Trung Quốc chỉ có khẩu hiệu "trăm hoa đua nở, lọc cũ ra mới" và chỉ áp dụng cho giới kịch thôi? Chẳng qua trước kia vẫn đi trên con đường ấy và ngày nay đã đến lúc cần thiết và có thể tuyên bố hẳn thành chính sách cụ thể, nhấn mạnh chính sách ấy.

Chúng ta nghiên cứu kỹ những điều ấy, đối chiếu với tình hình nước ta hiện nay, lại rút những bài học về mở rộng tự do dân chủ ở các nước xã hội chủ nghĩa sau Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô, lại nên biết ở Trung Quốc người ta "đua" như thế nào? Có thật người ta "tự do không giới hạn" không? "tự do vô điều kiện" như Nguyễn Hữu Đang nói không? Hay là "hoa" tuy có thể hàng "trăm" nhưng phương hướng chỉ một: phục vụ công nông binh. "Nhà" tuy có thể hàng trăm, nhưng mục đích không hai: phục vụ sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. Ông Nguyễn Hữu Đang viết: "Tôi muốn cùng các bạn xác định xem cái trường hợp hạn chế không cho hoa nở mà ông Lục Đinh Nhất nói đến là trường hợp nào. Ông Lục Định Nhất đề xướng tự do vô điều kiện trong đường lối "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói" cho tất cả mọi công dân "miễn không phải là phần tử phản cách mạng".

"Tôi đoán có lẽ ông Lục Định Nhất nói trường hợp của những tên phản cách mạng đã bị tòa án xử rồi. Nếu không chỉ là nêu ra một vấn đề cảnh giác thiếu căn cứ…"

Không nên hiểu sai hay cố ý hiểu sai ý kiến ông Lục Định Nhất. Ông Lục Định Nhất không đề xướng tự do vô điều kiện mà đề xướng "tự do trong nội bộ nhân dân" và chủ trương mở rộng tự do đó theo với đà củng cố chính quyền nhân dân. Ông Lục Định Nhất còn chú thích rõ rằng tự do tuyên truyền của người vô thần và người hữu thần đều có hạn độ cả. Ông Lục Định Nhất cũng không hạn chế "hoa" của bọn phản cách mạng nở mà là chuyên chính thẳng tay đối với bọn phản cách mạng. Lại cũng đừng nói mê nói sảng đoán liều rằng ông Lục Định Nhất "nêu ra một vấn đề cảnh giác thiếu căn cứ", cho rằng ngoài những tên phản cách mạng đã bị tòa án xử rồi không còn tên phản cách mạng nào khác nữa. Nếu không phải là nói mê thì cũng đừng ru ngủ kẻ khác. Sau nữa là phải nói hẳn rằng đối với tư tưởng phản cách mạng, chúng ta không phải đều đồng loạt dùng phương tiện đấu tranh bằng văn hóa cả đâu: phải biết phân biệt nguồn gốc, động cơ của những tư tưởng ấy. Có những khi cần "công an, hộ khẩu can thiệp vào" để bảo đảm cho "trăm hoa đua nở" được thuận lợi… Chúng ta nên có một sự phân tích toàn diện, cùng nhau thảo luận kỹ càng, chú ý đến những điểm giống nhau và cả những điểm không giống nhau giữa tình hình nước ta và Trung Quốc để cân nhắc xem ta có áp dụng chính sách "trăm hoa đua nở" của Trung Quốc được không, và nếu áp dụng thì áp dụng như thế nào, phải đặc biệt chú ý những mặt nào, v.v… chứ không nên chỉ nóng nảy: "văn nghệ sĩ sẵn có xu hướng chân, thiện, mỹ rồi, chế độ ta là chế độ dân chủ nhân dân, sao không tuyên bố "trăm hoa đua nở" ngay đi?

Trong một xã hội có giai cấp mà ý thức tư tưởng tư sản và tiểu tư sản còn mạnh, phong trào dân chủ hóa không phải chỉ làm cho xu hướng xã hội chủ nghĩa thêm mạnh mà cũng làm cho kẻ địch có thể lợi dụng cơ hội để hoạt động trở lại. Ở Ba-lan, ngay trên một vài tờ báo do Đảng kiểm soát hay trong một vài giới trí thức chịu ảnh hưởng của Đảng đã nổi lên yêu sách và khẩu hiệu tư sản che đậy dưới danh nghĩa sửa chữa những sai lầm của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Chúng công kích chủ nghĩa Mác, lên án vô sản chuyên chính, gạt bỏ khẩu hiệu xây dựng xã hội chủ nghĩa, vứt bỏ chủ nghĩa quốc tế vô sản, chống lại Liên Xô.

Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ kỹ. Chúng ta không phải mới đưa ra đã vội rụt ngay lại như một vài người tưởng mà bao giờ cũng vậy, chúng ta thận trọng, chúng ta phải mở rộng đến hết khả năng của mình. Thận trọng tức là để đảm bảo tự do dân chủ.

Cho nên, chúng ta cũng đừng quá say sưa, càng không nên vì quá say sưa, mà đi đến xuyên tạc hay viết lại lịch sử theo ý mình, đưa ra những lập luận duy tâm "khuếch trương tự ngã".

11/1956
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Nội, số 155 (11.1.1957), tr. 2-3, 5. Bài không đề tên tác giả. Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn.





No comments:

Post a Comment