4. GIAI PHẨM MÙA THU 1956 * TẬP II
Giai phẩm mùa Thu 1956
Tập II
(Phần tiếp theo)
Phùng Quán
Thơ cái chổi - Chống tham ô lãng phí
Tôi đi qua
Những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt:
Tôi đã gặp
Những bà mẹ già quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
Kéo dây thép gai tay máu chảy ròng
Bởi đồn giặc trồng ngô tỉa lúa.
Tôi đã gặp
Những cô gái trồng bông
20? 30?
Tôi không nhìn ra nữa.
Mồ hôi sôi trên lưng
Mặt trời như mỏ hàn xì lửa
Đốt đôi vai cháy hồng.
Tôi đã đi qua
Nhiều xóm làng vùng Kiến An Hồng Quảng.
Nước biển dâng lên ướp muối các cánh đồng
Hai mùa lúa không có một bông.
Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ.
Tôi đã gặp
Những đứa em còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu.
Cơm thòm thèm độn cám với rau
Mới tháng ba đã ngong mong đến Tết
Để được ăn cơm no có thịt
Một bữa một ngày…
Tôi đã đi
Giữa Hà Nội những đêm mưa lất phất
Đường mùa đông nước nhọn tựa dao găm
Tôi đã gặp
Chị em công nhân đổ thùng
Yếm rách chân trần
Quần xắn quá gối
Run lẩy bẩy chui vào hầm xia tối
Vác những thùng phân
Ta thuê một vạn một thùng
Có người không dám vác
Các chị suốt đêm quần quật
Sáng ngày vừa đủ nuôi con.
Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn
Của quần chúng anh hùng lao động
Đang buộc bụng thắt lưng để sống
Để xây dựng kiến thiết nước nhà
Để yêu thương nuôi nấng chúng ta.
Vì lẽ đó
Tôi quyết tâm rời bỏ
Những vườn thơ đầy bướm đầy hoa
Những vần thơ xanh đỏ sáng loà
Như trang giấy kim
Dán lên quân trang
Đẫm mồ hôi và máu tươi của cách mạng
Như công nhân
Tôi muốn đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Những con người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả!
Các đồng chí ơi!
Tôi không nói quá
Về Nam Định mà xem.
Đài xem lễ [1] họ cao hứng dựng lên
Nửa chừng thiếu tiền bỏ dở.
Mười một triệu đồng dầm mưa dãi gió
Mồ hôi máu đỏ mốc rêu.
Những con chó sói lãng phí quan liêu
Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng!
Nghe gió mùa đông thâu đêm suốt sáng
Nhớ “đài xem lễ” tôi xót bao nhiêu
Đất nước chúng ta không đếm hết người nghèo
Đêm nay thiếu cơm thiếu áo.
Những tên quan liêu Đảng đã phê bình trên báo
Và bao nhiêu tên chưa ai biết ai hay
Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo, gày
Khắp mặt đất
Như ruồi nhặng
Ở đâu cũng có!
Đảng muốn phê bình tất cả
Phải một nghìn số báo Nhân dân!
Tôi đã đến thăm nhiều hố xí cầu tiêu
Giấy trắng nửa mặt, xé toang chùi đít
Những người này không bao giờ họ biết
Ở làng quê con cái nhân dân ta
Rọc lá chuối non đóng vở học i-tờ!
Tôi đã đến dự những phiên toà
Họp suốt ngày luận bàn xử tội
Những con chuột mặc áo quần bộ đội
Đục khoét áo chúng ta
Ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ
Kim phút kim giờ lép gày như bụng đói
Những mẹ già, em trai, chị gái
Còng lưng, rỏ máu lấn vành đai!
Trung ương Đảng ơi!
Lũ chuột mặt người chưa hết
Đảng lập đội quân trừ diệt
- Có tôi!
đi trong hàng ngũ tiền phong.
Tôi gài bãy chăng lưới khắp mọi tâm hồn.
Xông khói ớt quạt lùa vào hang hốc.
Lưới bẫy của tôi chẳng tốn tơ tốn sắt.
(Dành công nhân dệt lụa dựng cầu)
Khói của tôi chẳng tốn ớt tốn rơm
Tất cả là thơ ca
Tôi rút từ tủy xương
Hiến dâng hết cho sự nghiệp đấu tranh của Đảng.
***
Trần Công
Một vài ý nghĩ
Tôi bước dần vào lòng Hà Nội
một sáng đầu thu nắng lên
chưa bao giờ
nắng chiều như hôm nay
trên ngực em gái quàng khăn đỏ.
Tôi bước dần vào lòng Hà Nội
gió vút lên cao tiếng máy
nhà diêm, nhà rượu, nhà bia
sở thuộc da, nhà máy nước, máy điện
trời ta càng ngợp khói
những nhà máy đó
dân ta càng dễ thở hơn.
Nắng rất nhiều
chưa bao giờ nắng nhiều
như hôm nay
trên ngực em gái quàng khăn đỏ
Tôi bước vào hàng sách
thấy buồn buồn
ít quá
cô hàng chống cằm ngồi mơ đi đâu?
Ôi! người yêu tôi đang buồn tủi
bao giờ cho em vui
sao mà chất nghèo
giá lại đắt.
cửa hàng quốc văn bé quá
so với những thứ khác
cũng gọi là hàng
bao giờ ở nước ta
có một Pie Xê-gơ [2]
kính cẩn in sách cho
A-ra-gông, Béc-tôn Bờ-rét [3]
Tôi bước vội ra tai ù lên
Như nghe tiếng nhiều người hỏi tội
Tôi thấy những đôi mắt nghiêm khắc
Của Lỗ Tấn, Goóc-ki, Rô-lăng
Ban-dắc, Sét-spia, Hao-va Phốt [4]
trừng lên: “Bao giờ các anh mới chịu
đọc sách chúng tôi”.
Nhưng may thay
nắng hôm nay nhiều quá
nắng vẫn sáng trên ngực
em gái quàng khăn đỏ
tôi rẽ vào một nhà in
ngửi thấy mùi giấy
tôi say như thèm hơi thở
trên ngực người yêu
nhưng lật đống giấy
lại thấy quảng cáo hoá đơn của mậu dịch
còn nhiều hơn tiểu thuyết
Tôi bước ra đường
lại ngồi cạnh một em bán báo
báo lèo tèo cùng một khuôn
giống nhau như một hàng quân phục
có tờ số xuất bản ra
không cao bằng số bao thuốc lá
bán ở một hàng Bờ Hồ
trong những tờ báo Đảng
các anh quên mất phần con người
thỉnh thoảng còn sống sượng
xếp nên những dòng chính sách trên giấy
các anh có biết rằng
một bộ ngực vừa nhú lên đôi vú
là đời sắp thêm một chuyện mới
của hai người yêu nhau
và Đảng phải lo cho họ
nhưng một số nhà văn ta
vì thích vỗ tay hiếu hỷ
cũng quên mất nốt
trong đó có những kẻ
nằm ngoan như cục xà-phòng
có mùi thơm và nhiều bọt
Tôi vào hàng cà-phê
một anh thương binh Nam bộ
tập tễnh đi
chiếc chân Đức mới lắp
hớn hở như trẻ lên hai
tập đi bên tay mẹ
thế mà không ai nói tới
trong lúc đó trên màn ảnh
phim ta nhiều diễn thuyết và vỗ tay
mà một số người quan trọng
vô tình đã trở nên tài tử
của Xưởng phim Thời sự
Nhưng may thay
nắng hôm nay nhiều quá
nắng sáng rực
trên ngực em gái quàng khăn đỏ
Có người chỉ đường
miệng rít còi
mắt mải nhìn theo một tà áo tím
để đọng lại một số xe
nhưng khách qua đường
đã vui vẻ cười
dễ tính
Vải vóc muôn mầu
nhiều lắm
hoa muôn mầu
nhiều lắm
nhưng bao giờ sách báo cũng nhiều
như hoa
tôi sẽ cao giọng
hát một bản tình ca
tặng các nhà xuất bản.
Hà Nội, 9-1956
***
Lê Đại Thanh
Cuốn sổ tay
Khi tôi đến thì Bảo sắp tắt nghỉ. Đôi mắt đã dại hẳn, đồng tử đưa ngược lên, Nhưng đôi môi lắp bắp thoáng một nụ cười, đôi môi như đang nói một câu gì chưa dứt đoạn với một người thân nào ở xa.
Sách vở, mấy bản thảo, giấy má, một số phác hoạ ném trên bàn, trên mặt chiếu hoa, dưới đất, nằm cả trên ngực, trên cánh tay người sắp chết. Một bông hồng quế đỏ tươi cắm trong một chiếc cốc nước pha lê trong suốt. Một bức ảnh in trên giấy lụa mầu nâu để dựng nên một chồng tác phẩm ngoại quốc. Bức ảnh chụp một bến sông có một người đàn bà ăn mặc cán bộ đứng quay mặt lại vẫy nón chào ai, Nét mặt có một sức cám dỗ đặc biệt nhất là nụ cười toát ra một tình yêu thắm thiết say mê.
Tôi là người biết rõ Bảo hơn ai hết. Anh là người yêu bạn hơn bản thân mình và có thể hy sinh tất cả để làm một việc anh thích. Không có một điều gì anh không nói với tôi. Nhưng hôm nay nhìn bức ảnh, tôi thấy còn một chuyện anh giấu hay chưa kịp nói. Tự nhiên tôi thấy thương Bảo vô cùng. Mỗi người chết như mang đi một câu chuyện, một tâm tình, một cuộc đời. Người văn nghệ sĩ chết chôn với mình ít nhất một tác phẩm.
Tôi phải can đảm lắm mới chặn nổi mấy dòng nước mắt nghẹn ứ ở cổ khi Bảo nắm chặt tay tôi thầm thì như nói một mình.
“Biển mặn nuôi ngọc trai. Ngọc trai có là vì biển mặn. Có ai nuôi ngọc trai trong ao tù được đâu. Người làm văn làm thơ, người nghệ sĩ cũng chỉ là những con trai nhả ngọc, Không làm được việc đó đau xót như người đàn bà không có con… Tác phẩm là hòn máu của người văn nghệ sĩ để lại cho đời.”
Nói xong anh tắt nghỉ.
Tôi nhắc cuốn sổ tay trong tay người bạn với cảm giác đang rứt ra một trái tim nâng trong tay mình, Một mảnh giấy nhỏ vương ra, tôi đọc:
“Gửi anh cả sinh mệnh của tôi”.
“Có ai đến lấy thì anh đưa, nếu không đó là kỷ niệm nhỏ tôi tặng anh, vì đó là cả một cuộc đời. Chưa tác phẩm nào của chúng ta nói lên được con người xứng đáng giai đoạn của chúng ta. Anh cố gắng làm việc đó.”
… Tôi hiểu cả. Cuộc sống của chúng tôi kết tinh cả ở đây, từng giọt tư tưởng chắt lại trên những trang giấy nhỏ, tôi nghĩ đến cuốn sổ tay của tôi. Con ong phải lấy phấn trăm hoa rừng lọc qua cơ thể mới nhả nổi một giọt sương mật. Một trang sổ tay có thể là một ngày sống, một đêm trắng, một cuộc gặp gỡ - một lời nói yêu thương hay mấy nét nguệch ngoạc viết giữa phút cái sống và cái chết giằng co nhau.
Một trang sổ tay có thể là một mảnh đời bỏng nung cuộc sống.
Phải đấu tranh tư tưởng mãi mới dám đọc. Đọc cuốn sổ tay của người văn nghệ sĩ như đi sâu vào cuộc đời một người đàn bà - Đêm tối đầy bí mật nhưng cũng đầy những vì sao lấp lánh khó khăn lắm mới lách nổi qua những con đường đi của tâm tình.
Người đàn bà ở đâu cũng có một chỗ đứng rất đặc biệt nhất là trong sổ tay của người văn nghệ. Nhiều chữ nhiều câu viết tắt – ghi bằng dấu – những tên chỉ là một chữ hoa, một nét vẽ tượng trưng.
Có những phác hoạ một khuôn mặt trái xoan, một đôi mắt dài và xếch, một cặp môi hiền dịu nét vẽ mềm và nhanh rất linh động. Má hồng nhiều khi là hai vết mực xanh đậm.
Vài trang đánh dấu những ngày qua một đồn giặc ở địch hậu – mấy trận đánh dọc theo sông Luộc, mấy đợt phát động quần chúng ở Việt Bắc và cả đợt cải cách ruộng đất gần đây.
Rồi những câu thơ viết dở, những chủ đề của một số truyện ngắn truyện dài. Chữ viết li ti, mực phai nhoà (vì mưa hay vì mồ hôi, nước mắt?). Có tờ còn mang cả vết bùn.
Giở từng trang giấy, đọc từng dòng, tôi thấy cuốn sổ tay không còn phải là một vật riêng biệt của người đã chết. Tôi lọc ra một số trang ghi chép – sắp xếp lại cho có hệ thống – Tôi muốn làm sống lại bạn tôi. Tư tưởng con người vẫn là một cái gì bất diệt khi nghệ thuật làm rung lên rất mạnh con tim người đọc mình, xem mình, nghe mình cũng vậy.
Đây là nội dung mấy trang giấy nhỏ:
4-6-47. Tôi phải viết. Tôi muốn viết rất nhiều. Tôi thèm viết như người đói thèm ăn. Chung quanh tôi người ta sáng tác khá nhiều nhưng chưa thấy một tác phẩm nào dựng được một con người cho đúng. Tôi lao vào đi tìm con người trong chiến đấu. Con người lù lù trước mắt như rặng núi xanh to lớn vĩ đại. Nhưng đi đến con người cũng như đi đến với trái núi. Mầu sắc, hình dáng, cây cỏ, cả đến cảm xúc, tình cảm không còn giữ tính chất đầu tiên của nó. Có lúc tôi đã thất vọng lo sợ, tôi muốn nắm lấy con người. Con người như dòng nước chuồi dưới tay tôi. Nhưng tôi không chịu nản.
13-1-48. Tôi đã nhìn rất kỹ cuộc sống chung quanh, tôi ghi chép hằng ngày những sự việc, tôi sống với người nông dân để viết. Bản thân tôi có lúc chùn lại trước một sự thực sống giữa con người mà không trông thấy con người.
Tôi đã tìm ra một chân lý cho tôi: Cả bao nhiêu thế kỷ chung đúc lại mới có được một Nguyễn Du.
25-12-49. Địch đã đổ bộ lên Sa Cát phía gần Cầu Bo Thái Bình. Chúng dồn nhân dân tới sát biểu định cắt đôi Liên khu III để tiêu diệt quân đội chúng ta. Bản hùng ca của dân tộc đang được những người vệ quốc quân và những du kích viết bằng dao quai bằng súng và cả bằng máu mình nữa.
Đứa con gái lớn của tôi cõng đứa em bé lên ba theo nhân dân hồi cư khóc nói với tôi:
"Con về quê tăng gia để nuôi em. Nhưng bố đừng để chúng con phải chờ lâu bố nhé."
Tác phẩm của tôi viết bằng nước mắt đang mọc rễ trong đầu tôi.
Rồi mặt trận vỡ.
Những người vệ quốc quân gan dạ im lặng bọc vũ khí vào chiếu, chia thành những đơn vị nhỏ chuyển vào hình thái chiến tranh bí mật.
Tôi không muốn viết gì lúc này. Chỉ còn một con đường: phải tìm hiểu những con người trước mắt của tôi. Tôi đã đi theo một đơn vị tác chiến…
3-3-1950. Hôm nay địch quây tròn càn quét. Và cũng hôm nay tôi nhận thấy giá trị của con người, Chúng tôi bị o ép trong một vòng vây hẹp như lòng bàn tay. Chỗ nào cũng thấy bóng địch: ruộng ngô, bờ đê, trên cầu, trong mấy chiếc đình vùng Cầu Nại, cả trên mặt sông. Địch cứ vây, chúng tôi cứ chạy, hai bên nhìn thấy rõ mặt nhau,
Có lúc tôi có cảm giác là con chim bị mắc cạn, rúc đầu vào nan lồng mà không chỗ nào tìm thấy lối thoát ra. Lúc người ta mạnh dạn đương đầu với cái chết là lúc tôi nghe lòng con người vững chắc nhất.
Một chị cán bộ mặc áo cánh trắng đeo chiếc túi xanh thay vội chiếc áo nâu, thản nhiên nói to bảo nhân dân:
"Các ông các bà cứ đi vào mấy làng trước mặt kia, thế nào cũng có cách tránh tai nạn."
"Nhưng đấy là làng tề!"
"Tề thì cũng là chúng ta. Vào là sống."
Giọng nói sắc và gọn. Đôi mắt xếch và dài của người cán bộ nữ sáng một nét rắn rỏi.
Chúng tôi rẽ xuống bãi ruộng ngô xanh nhắm gốc cây gạo phía trước mặt mà tiến. Bùn phù sa láp nháp bám chặt lấy bàn chân lôi chúng tôi lại. Tôi cứ nhìn chiếc áo nâu và chiếc túi con xanh mà bước. Có một sức mạnh thúc đẩy, quấn chặt lấy đầu óc, lôi cuốn. Tâm thần căng thẳng.
Tôi không nhìn thấy địch, không nhìn thấy nguy hiểm, mà nhìn thấy một tác phẩm hiện hình…
Thế là thoát. Bẩy hôm sau, tôi, Lý và mấy người cán bộ quân sự luân phiên nhau nằm hầm bí mật và đi nghe ngóng tin tức.
Sống một tuần trong hoàn cảnh tôi là sống bảy năm trong cuộc đời. Tôi thầm cám ơn sự may rủi cho tôi gặp tai hoạ – và gặp Lý. Con người văn nghệ ở trường hợp sáng tạo, khát khao sống – say mê sống - thèm uống vào sự sống ừng ực từng ngụm lớn. Con người, tôi đã tìm thấy ở đây rồi.
Tôi nhớ mãi tiếng đạn tiểu liên reo khô xé rách mướp những thân ngô non. Con chó Béc-giê cao lêu nghêu chồm qua bãi ruộng cắn lên những tiếng ông ổng. Tôi ngửi rõ thấy cả mùi hôi khai và nồng ở người nó bốc hơi. Lý giật mạnh cánh tay tôi kéo nằm úp mặt xuống một rảnh đất sũng nước. Một người đàn bà nông thôn đang nằm với chúng tôi vụt chồm dạy xoã tóc ra kêu rú như người điên. Bốn tên lính Pháp ập tới kéo vội đi. Tôi nghe rõ tiếng Lý rít hàm răng lẩm bẩm:
"Quân dã man!"
Ba hôm liền chúng tôi phải nhịn đói, chân tay tê dại. Đôi mắt dài và xếch của Lý mỗi phút như bắt mạch tinh thần lên xuống của chúng tôi tất cả năm người. Có lúc đôi mắt Lý gặp đôi mắt của tôi. Chúng tôi nhìn nhau rất lâu không nói gì. Tôi đã sắp xếp được trong đầu tôi cả một câu chuyện. Sáu tiểu đoàn địch kéo qua Cầu Nai xuống ca-nô về Nam Định, Tiếng súng Pạc Hoọc hay tiểu liên từng phút nổ ròn qua những cành cây me, và cây gạo làm bay lên từng đám quạ đen. Từ dưới hầm nước sâu, tôi nghe thấy cả cuộc đời bên trên – tiếng kêu, tiếng doạ nạt – tiếng van lơn – tiếng khóc của một em gái – tiếng cười ồm ồm của mấy tên quỉ dâm ô.
Lý và tôi nhiều khi phải nhắm mắt lại tránh nhìn nhau. Cái đau xót cái căm uất thấm vào mạch máu, vào tim, vào óc nhức nhối khi kim châm không chịu được. Cái đau xót của đồng bào chúng tôi thấy khắc vào da thịt chúng tôi hằn thành những nét chạm phù điêu.
10-3-50. Hôm nay người nông dân giấu chúng tôi mang cho mấy củ khoai và một mo cơm nắm chỉ tay về phía Duyên Hà nói vội:
"Các anh các chị đi cho nhanh – Bọn Phòng Nhì và hương dũng ở Hưng Nhân xuống đang đi sục hầm, tìm cán bộ ấy."
Chúng tôi đi tắt ở cổng sau lội qua ruộng nước.
Lý chuyển cho mỗi người mo cơm dặn ăn đỡ lòng một hai miếng còn phải để dành.
"Có thể chúng ta chưa bắt được liên lạc ngay đâu."
Bảy hôm mặt trận vỡ.
Bảy hôm tôi yên trí là địch đã càn quét hết cả khu hoạt động của chúng tôi.
Nhưng mới đi được một giờ bỗng chúng tôi nghe thấy tiếng súng cối và tiếng lựu đạn trong một thôn xa. Một anh cán bộ quân sự nghe ngóng một tràng đại liên rồi kêu to.
"Đúng là quân ta rồi!"
Những con mắt tìm nhau. Từ bé tới giờ tôi mới được thấy hãnh diện là người. Tôi muốn ôm lấy từng đồng chí chung quanh, để nói một lời vui. Tôi thấy dân tộc gian khổ quá và vĩ đại quá.
Lần thứ nhất tôi thấy Lý cười – đôi môi mỏng có một nét đồng tiền lúm xuống ở góc.
Nhiều trang sổ tay của Bảo ở đoạn này bị đứt quãng. Nước mưa, vết bùn dính một tập ngắn vào nhau.
Từ đoạn sau có nhiều những câu ngắn hằn học, bất mãn. Hình như có một giai đoạn nào đó Bảo không vừa ý với cuộc sống.
Tôi chép lại đây mấy câu thơ khôi hài viết bằng chữ mực mầu cánh cam tươi.
Đời tôi như chiếc ba lô rách
Thủng cả hai đầu đứt cả quai
Dưới đó có mấy dòng chú thích bằng bút chì nét yếu và mềm nhưng chữ rất nắn nót:
"Đừng viết thế, dù đó là sự thực. Anh em thân người ta lại cười cho."
Ký tên: Người bạn ra đi
Tiếp theo mấy trang sau có bốn câu thơ ghi vội bằng mực đỏ:
Người về đuôi mắt ngời sao
Rưng rưng lệ nhỏ má đào nhẹ hoen.
Người đi tựa cánh mui thuyền
Bâng khuâng mơ dải tóc huyền phủ vai.
5-4-1950. Tôi thèm viết quá rồi, không chịu nổi sự thằn thúc của sáng tác. Nằm trên một sàn gác tôi khơi to đĩa đèn dầu chẩu để viết. Tôi viết hối hả như người đói được ăn. Hình ảnh Lý giúp tôi rất nhiều. Có lúc mệt quá ngủ gục trên sàn tre. Nghe tiếng trâu rũi sừng vào cột ngoàm thở phì phì mới mở mắt thì người chủ nhà đã thức dậy giã thình thịch một cối lúa lấy gạo ăn bữa sáng để cả nhà còn đi rừng. Tôi nhìn rất lâu bức ảnh của Lý chia tay trên sông. Số giấy viết cạn dần nhưng sau ba tháng làm việc tác phẩm đầu tay của tôi đã thành. Tôi viết đi viết lại năm lần.
Sau mấy trang này tôi đã nắm được sự việc vì Bảo đã kể cho tôi nghe câu chuyện của anh. Sau ngày qua sông, anh vượt bến đò Nhật Tảo về khu tìm cách cho in tập truyện của anh. Nhưng người phụ trách sau năm tháng nhận xét trả lời gọn lỏn một câu viết trên một mẩu giấy báo đưa cho liên lạc cầm ra.
"Lúc này cần in những tập ca dao, hay kịch tuyên truyền để phục vụ đòi hỏi trước mắt. Trả lại anh bản thảo để anh sử dụng. Nếu có điều kiện sẽ viết thư cho anh sau."
Bảo uất ức để đầu trần đi lang thang trên con đường Xích Thổ giữa ban ngày. Thời kỳ này là thời kỳ máy bay địch ráo riết kiểm soát các đường giao thông của chúng ta. Bảo bất chấp cái chết. Anh rủ tôi đi vào miền địch hậu Nam Định. Ở đây chúng tôi đã gặp một thi sĩ dùng những bản đất in thơ, rồi cho vợ gánh từng tập ra chợ bán. Thơ dí dỏm nói đúng sự việc của địa phương. Giá lại rẻ vừa với túi tiền của bà con đi chợ nên những tập thơ nhỏ bán chạy như tôm tươi.
Bảo cũng rất tán thành cách làm việc tháo vát thích ứng với hoàn cảnh của người bạn thi sĩ! Nhưng anh cũng rất buồn về việc đó. Anh làm một bài thơ châm biếm dài mà tôi còn nhớ mấy câu:
Mòn tay viết lách năm năm
Thơ in đất thó truyện nằm ổ rơm
Gác sàn gối cánh cô đơn
Giấc mơ gặp bạn chập chờn lửa khuya
Câu chuyện đến đây là chấm hết. Mấy tờ cuối cuốn sổ tay bị xé rời mép còn gợn vết răng cưa. Gần một tháng tôi tìm cách lục lại một số tài liệu và các bản ráp khác của Bảo để xem có gì sử dụng được không. Tôi muốn làm sống lại bạn tôi dù chỉ bằng mấy dòng ngắn: Người văn nghệ sĩ thường cũng chỉ có hai bàn tay trắng và cái thiên tài của mình làm cái vốn độc nhất trong đời. Không thể hiện được cái thiên tài đó bằng tác phẩm, chết không nhắm mắt nổi. Thì một hôm có một người đàn bà đến thăm tôi.
Khuôn mặt gầy, đôi mắt xếch và dài, nét da xanh mái. Chúng tôi nói chuyện rất lâu về sáng tác, những thắc mắc của con người sáng tác, những giằng co vật lộn của nội tâm trước vấn đề sáng tạo nhân vật dựng lên cuộc sống. Người đàn bà tỏ ra thông minh và rất am hiểu văn nghệ.
Tôi hỏi tên, người đó không nói.
Chỉ khi ra về, chỉ một ngón tay lên mặt bàn đúng vào một tập tài liệu:
"Tôi muốn xin ông những cái này vì đây là một người tôi quen thân."
Tôi bất giác kêu lên:
"Đồng chí là người kí tên ở dưới bài thơ của anh Bảo phải không?" Người đàn bà khẽ gật đầu, nhẹ nhàng rải chiếc khăn tay lụa mỏng kẻ ô đỏ gói cuốn sổ tay và tập bản thảo để ở góc bàn của tôi, trân trọng như gói một di vật hay một mớ ngọc châu.
Khi người ấy đi khuất đã lâu, tôi bàng hoàng như vụt tỉnh một giấc mơ, tự trách mình là quá nhẹ dạ tin người, và nhận thấy tôi có lỗi nặng với Bảo.
Nửa tháng sau tôi còn hối hận về việc đó, nhất là việc quên không hỏi tên và địa chỉ người đàn bà, thì một hôm nhận được một phong thư chữ mực viết mầu xanh cánh cam thật tươi, nét yếu nhưng rất duyên dáng.
"Cám ơn ông đã tin ở tôi. Người bạn thân của ông không dặn tôi địa chỉ của ông thì tôi không biết đâu mà đến. Tôi quí những bản thảo và cuốn sổ tay của Bảo hơn cả ông và hơn cả Bảo nữa. Vì tôi là một người đàn bà, một người đàn bà rất yêu văn nghệ, hiểu rõ tâm trạng những người văn nghệ. Bảo đã khuyến khích tôi viết mấy năm gần đây nhưng anh căn dặn tôi rất kỹ: ‘Cuộc đời không cho chúng ta không cái gì. Mỗi dòng viết của chúng ta phải đổi bằng một dòng nước mắt’. Tôi quí trọng và mến Bảo vì anh đã say mê cuộc đời, biết yêu thương con người. Tôi cho là một dân tộc văn minh không sao không yêu những người văn nghệ chân chính. Họ hy sinh cả cuộc sống của mình, quên cả giầu sang để phục vụ một quần chúng không bao giờ gặp, hay có khi chưa có mặt trên trái đất khi họ viết.
Tôi cũng đang muốn hy sinh cả cuộc sống của tôi đấy ông ạ, nghĩa là tôi làm văn nghệ. Liệu tôi có may hơn Bảo không? Nhưng cuộc đời nó là thế. Con thiêu thân yêu ánh sáng đèn và chết vì ánh sáng đèn, nhưng có con thiêu thân nào sợ ánh đèn đâu. Ngọn lửa chúng ta cùng thắp lên phải chuyền từ tay người này tới tay người khác mới làm được cái sứ mệnh soi sáng được tâm hồn con người đã chết như Bảo.
Tôi không còn ân hận gì nữa khi được giữ cuốn sổ tay của Bảo. Nó sẽ giúp cho tôi làm được một cái gì. Cuốn sổ tay văn nghệ của tôi sẽ bắt đầu làm việc từ hôm nay đấy.
Ký tên: Lý"
Tự nhiên tôi thấy nhẹ hẳn người như vừa trút được một gánh nặng. Tôi thấy không cần phải thương bạn tôi nữa, Hình như trong cuộc sống anh đã tìm thấy một con người.
***
K.
Ngụ ngôn: Tìm ưu điểm
Một dạo, giữa loài dở cạn dở nước mở cuộc thi sắc đẹp. Nhân có sự tranh chấp, ba con ếch, cóc, ếch ương đấu khẩu với nhau. Tiếng cóc nhỏ hơn hết, nhưng mà động đến Trời.
Trời sai nhái bén làm trọng tài. Nhái bén từ chối: Con nhỏ hơn hết, con không dám có thẩm quyền trên ba chị ấy.
Trời phán: Chỉ có mầy là đồng loại với chúng nó, mầy sẽ làm vừa ý ta, không được từ chối.
Sau khi cực chẳng đã phải làm trọng tài, nhái bén tâu kết quả: Ếch ương giải nhất, ếch giải nhì, cóc không ở giải nào cả.
Trời tỏ dáng không vui, bảo nhái bén: Mầy cố hết sức tìm ưu điểm của cóc xem.
Nhái bén tâu: Chị ấy mụt mằn khắp cả người, con không tìm ra ưu điểm nào hết.
Trời phán: Thôi, cho mầy đi về.
Mấy hôm sau, có nghị định của Hà bá sức về: Nhái bén bị đày vĩnh viễn ở dưới nước, không được lên cạn nữa.
Nhái bén gặp cá trê, kể cảnh ngộ của mình.
Cá trê bảo: Mầy dại lắm. Đi đâu chẳng biết “con cóc là cậu ông Trời”? Tao đây mà cũng còn thua kiện nó nữa là...
-------------------------------------------------------------
[1]Đài xem lễ do ủy Ban thành phố Nam Định dựng lên để các đại biểu đứng xem lễ. Việc này đã bị phê bình ở báo Nhân dân.
[2]Pierre Seghers: một nhà thơ vừa là nhà xuất bản tiến bộ Pháp
[3]Aragon, Bertolt Brecht: thi hào Pháp, Đức
[4]Tên những đại văn hào thế giới.
Hồng Lực
Tiếng nói của tình yêu
Em mười tám tuổi
Giữa cuộc đời
Như một ngôi sao sáng
Giữa bầu trời
Em có tội gì đâu?
Tại sao sấm sét nổ trên đầu?
Họ bắt em lừa mình tự dối
Họ bắt em kiểm điểm nhận liều
Thân bị trói bởi những lời buộc tội
Không!
Em là tuổi trẻ! Tình yêu!
Em là bông hoa tươi thắm
Dưới ánh mặt trời, tắm nắng
Em có gì đâu
Chỉ một Trái Tim
Và một Tấm Lòng
Em hát vang lừng
Đi khắp núi sông
Biển rộng, trời cao, bát ngát
Sóng trong tim dào dạt
Tay giơ cao ngọn đuốc Tình Yêu!
Anh ơi!
Cuộc đời bỗng đẹp lên nhiều
Yêu em
Anh càng yêu Đất Nước
Quý em
Anh càng quý cuộc đời
Niềm thương yêu, đặt cả trên môi
Truyền cho nhau sức mạnh
Bay, bay đi! Chúng mình mọc cánh
Chân mình đạp hết chông gai
Em là con chim
Tha mồi làm tổ ngày mai
Đuốc Tình Yêu không thể nào dập tắt
Hoa Tình Yêu chỉ nở không tàn
Hương càng thơm, tiếng hát càng vang
Gió càng mát, trăng thu càng sáng.
(9-1956)
***
Hữu Loan
Cũng những thằng nịnh hót
(Sau khi đọc bài: “Những thằng nịnh hót” của Maiakovski)
Dưới thời kỳ Pháp thuộc
Những thằng nịnh hót nghênh ngang
Lưng rạp trước quan Tây
Bắc vợ như thang
Chân trèo lên danh vọng
Đuôi vợ chúng đi
Lọt theo đầu chúng
Bao nhiêu nhục nhằn;
Nhục mất nước muôn phần
Nhục cùng đất nước
với những thằng nịnh hót
Một điều đau xót
Trong chế độ chúng ta
Trong chế độ dân chủ cộng hoà
Những thằng nịnh còn
thênh thang
đất sống
Không quần chùng, áo thụng
Không thang đàn bà
Nhưng còn
thang lưng
thang lưỡi
Những mồm
không tanh tưởi
Ngậm vòi đu đủ
Trợn mắt
Phùng mang
Thổi vào rốn cấp trên
“Dạ, dạ, thưa anh…
Dạ, dạ, em, em…”
Gãi cổ
Gãi tai:
… anh quên ngủ
quên ăn
nhiều quá!
Anh vì nước
vì dân
hơn tất cả
từ trước đến nay
Chân xoa
và xoa tay,
Hít thượng cấp
vú thơm
như mùi mít
Gọi như thế là
phê bình cấp trên
kịch liệt
Gặp cấp trên chủ quan
Mũi như chim vỗ cánh
Bụng phềnh như trống làng:
Thấy mình
đạo đức
tài năng
hơn tất.
Như thế là chết rồi:
Quân nịnh
tha hồ lên cấp
Như con gì nhà gác lên thang
Còn muốn lên thủ trưởng cơ quan
Còn đi đây
đi đó
Lưỡi và lưng
Lắm chằng gian khổ
Chúng nó ở đâu:
Thối thóc thuế
Mục kho hàng
Phong trào suy sụp
Nhân dân mất cắp
đang giữa ban ngày
To cánh và to vây
Những ai
không
nịnh hót
Đi, mang cao
liêm sỉ con người
Chúng gieo hoạ gieo tai
Kiểm thảo
hạ tằng
Còn quy là phản động!
Có người
đã chết oan
vì chúng
Vẫn thiết tha yêu chế độ
đến hơi thở cuối cùng
Nguy hiểm thay,
Thật khó mà trông:
Chúng nó nguỵ trang
Bằng tổ chức
bằng quan điểm nhân dân
bằng lập trường
chính sách
Chúng nó
còn thằng nào
Là chế độ ta
chưa sạch
Phải làm tổng vệ sinh
cho kỳ hết
mọi thằng
Những người
đã đánh bại
xâm lăng
Đỏ bừng mặt
vì những tên
quốc xỉ
Ngay giữa những thời nô lệ
Là người chúng ta
không ai biết
cúi đầu.
(9-1956)
***
Hoàng Huế
Một bản đề án về Đại hội Văn nghệ lần thứ hai
Dù tất cả những gì đáng tiếc đã xảy ra, hôm nay, tôi vẫn muốn mở đầu bản đề án của tôi bằng lời chân thành cảm tạ Đảng. Câu sau đây nhắc nhở tưởng cũng không thừa: chỉ có chế độ ta, chế độ do những người cộng sản lãnh đạo, chế độ ấy, và con người trong chế độ ấy mới có thể thẳng thắn nói lên những sai lầm của bản thân mình. Đúng như vậy. Hôm nay, nếu chúng ta nói được tất cả những băn khoăn, nếu chúng ta viết được những trang sách chiến đấu, chính vì Đảng đã dạy chúng ta, Đảng yêu cầu và cho phép chúng ta được nói được viết.
Và nếu hôm nay, tôi can đảm thảo bản đề án này, chính vì tôi biết Đảng sẽ tôn trọng sự suy nghĩ, cũng như tôn trọng những đề nghị chân thành của chúng ta.
Điều này chắc chắn không ai có thể chối cãi: Đảng ta, từ lúc mới khai sinh trong một khu rừng xanh, cho tới nay, lúc nào Đảng cũng dựa trên lý luận Mác-Lênin mà lãnh đạo nghệ thuật.
Nhưng nếu mười năm qua, nền văn nghệ Việt Nam đã mang nhiều sai lầm nghiêm trọng, chính vì Đảng chưa có một chính sách thật rõ ràng, thật cụ thể đối với văn nghệ sĩ.
Bây giờ, cũng như Đảng Trung Quốc vừa công bố chính sách “trăm hoa đua nở” làm nở ra những bông hoa mới, chúng ta nghĩ rằng: đã đến lúc Đảng ta cũng cần tuyên bố dứt khoát chính sách như thế. Đó là yêu cầu tha thiết của tất cả những người viết văn, làm thơ, đóng kịch, hội hoạ và soạn nhạc. Đó cũng là yêu cầu tha thiết của quần chúng muốn thưởng thức những tác phẩm hay.
Trong văn kiện ấy, chúng ta mong rằng Đảng sẽ có thái độ đối với một số người hẹp hòi, thủ phạm của bao nhiêu sai lầm nghệ thuật. Đảng sẽ xét lại vấn đề Trần Dần và cuốn Giai phẩm, mà theo ý một số đông anh em tuy có ít nhiều khuyết điểm, nhưng cũng có công mở ra một hướng đi mới cho văn nghệ chúng ta. Giải quyết được vấn đề trên, tức là giải quyết được tất cả quan niệm nghệ thuật rộng rãi này.
Cũng trong văn kiện ấy, chúng ta mong rằng Đảng sẽ tuyên bố dứt khoát sứ mệnh của người văn nghệ sĩ trước cuộc sống, và định rõ vị trí người văn nghệ sĩ trong xã hội.
Chắc chắn, tiếng nói chân thành và đanh thép của Đảng sẽ mở ra cho nghệ thuật Việt Nam những chân trời mới.
Muốn cho văn nghệ sĩ hăm hở đi vào chân trời mới kia, thiết tưởng điều kiện vật chất không phải không quan trọng.
Từ trước tới nay, đời sống vật chất của một số lớn người công tác nghệ thuật như thế nào?
Ai cũng biết rằng đời sống của chúng ta thiếu thốn quá. Đấy là sự thực buồn bã vẫn hàng ngày đập vào mắt chúng ta, làm những kẻ đơn giản nhất cũng phải ít nhiều suy nghĩ.
Chúng ta không thắc mắc gì về cảnh sống chật vật trong kháng chiến. Bấy giờ, dù trèo rừng xanh, ăn mỗi ngày một miếng cơm cháy, người nào cũng vui lòng vì nghĩ rằng: trước mắt chúng ta, chỉ có hai chữ tự do hay nô lệ. Nhưng trở về Hà Nội, giữa những phố xá đầy lụa, tủ kính và ánh đèn xanh đỏ, có lẽ chưa bao giờ người nghệ sĩ cảm thấy cay đắng như lúc này.
Cần nói thẳng rằng ở một toà soạn báo văn nghệ, trong số tám biên tập viên có vợ, thì sáu người vợ đã thất nghiệp hay bán thất nghiệp.
Những trang giấy trắng đáng lẽ chỉ dùng viết những bài thơ, cũng đã bao nhiêu lần biến thành lá đơn xin việc. Nhưng những lá đơn ấy gửi đi, để rồi im lặng không nghe một tiếng trả lời.
Sự thực đã có những nhà văn viết đêm, không có một tách cà-phê để uống. Đã có những thi sĩ không làm thế nào mua được dăm điếu thuốc lá hút trong cơn nghiện. Và đã có một kịch sĩ bán chiếc đồng hồ đeo tay của mình để bồi dưỡng viết cho xong cuốn sách, nhưng sách in ra không đủ để chuộc lại đồng hồ.
Hữu Loan có thể nói cho chúng ta biết tình cảnh của anh hai năm nuôi vợ nuôi con đã chất đầy nợ trên vai gầy của người thi sĩ. Nằm trong bóng tối căn nhà nhỏ ngoại ô Hà Nội, khi không còn tiếng vợ kêu và trẻ con khóc, Hữu Loan chỉ mơ ước có một ngọn đèn dầu thức viết.
Văn Ký cũng có thể nói cho chúng ta biết tình cảnh của anh. Buổi sớm mai củ khoai luộc không có cho con ăn. Nghe tiếng con khóc mà đứt ruột.
Khoai không thể mua cho con, nói gì đến ước mơ có những con búp bê mang giá hai vạn đồng ở cửa hàng mậu dịch. Có một nhà văn, đau xót quá, viết vào nhật ký thế này: “Ừ nhỉ, người ta bày những con búp bê tóc vàng ấy trong ngăn tủ để làm gì? Tại sao người ta cứ muốn phô ra trước mắt những người cha một sự mỉa mai nhức nhói?”.
Nước ta còn nghèo, ai cũng biết đó là tình trạng chung. Lúc này, chính phủ và nhân dân ta đương cố thắt lưng buộc bụng để xây dựng lại một đất nước đầy vết thương. Nhưng, tiếng súng đã im từ hai năm rồi. Chúng ta không đòi hỏi gì hơn một điều kiện vật chất tương đối, để có thể thảnh thơi tâm hồn mà sống mà viết. Cần phải chú trọng tới điều này, nếu muốn nghệ thuật của nước nhà tiến mạnh.
Tôi muốn nói đến vấn đề phụ cấp.
Từ xưa tới nay, ai cũng biết rằng tất cả văn nghệ sĩ trên thế giới đều sống bằng tác phẩm của mình. Chưa bao giờ và chưa có nước nào, người nghệ sĩ, để làm nghệ thuật, lại sống bằng lương của Bộ Tài chính. Tình trạng đó thật không hợp lý, nhưng biết làm thế nào? Đại đa số nhân dân ta vừa bước ra khỏi bóng tối, hôm nay mới bắt đầu cầm sách. Đồng ruộng cũng mới thoát khỏi tay hòm chìa khoá của giai cấp địa chủ. Nạn thất nghiệp ở thành phố không phải đã tan hết. Thật vậy, trong hoàn cảnh ấy, người nghệ sĩ chưa thể sống bằng bản quyền của mình. Rõ ràng cần có một cái gọi là “phụ cấp văn nghệ”. Chúng ta mong rằng Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu loại phụ cấp ấy cho thật thích đáng. Một phụ cấp thế nào để không thể có một nhà văn nào chết vì ho lao. Và nhất là nghiên cứu thế nào, để trong hoàn cảnh hiện nay, văn nghệ sĩ phải trả lại một phần nhỏ bằng tiền bản quyền của mình.
Chúng ta còn mong chính phủ sẽ ban bố một đạo luật về tự do xuất bản, giúp đỡ về giấy má và việc phát hành của các nhà xuất bản và các báo văn nghệ tư nhân. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt của nó. Giải quyết được, tức là bảo đảm được phần nào đời sống vật chất của nhà văn, khuyến khích một cách thiết thực việc trăm hoa đua nở.
Đồng thời, chúng ta cũng đề nghị chính phủ ban bố một sắc lệnh về bản quyền tác giả. Vì thực tế ở nước ta, một số ít nhà xuất bản vẫn còn giữ quan niệm ban ơn cho văn nghệ sĩ. Những người này cho rằng tác giả chỉ ước mơ được in tên mình lên bìa sách, còn bản quyền nhiều hay ít không thành vấn đề.
Và để bảo đảm sắc lệnh được thi hành trọn vẹn, thiết tưởng tổ chức cao nhất của phong trào văn nghệ sau này cần thành lập một ban “bảo đảm quyền tác giả”. Nếu ở Liên Xô, “Hội bản quyền tác giả” đấu tranh cho cả quyền lợi những nhà văn đã mục xương từ bao nhiêu thế kỷ, và can thiệp bất cứ vụ vi phạm nào đối với các tác giả đã chết, thì tại sao ở Việt Nam, những người đang sống, đang viết, đang ăn và đang mặc lại không có một ban nào để bảo đảm cho cơm và áo của mình?
Hai điều kiện vật chất và tinh thần trên đã đầy đủ đối với sự sáng tạo của người nghệ sĩ chưa?
Thật ra, đó mới là hai yếu tố đầu tiên. Điều căn bản quyết định vấn đề này, chính là tổ chức sống và viết.
Không có một tổ chức hoàn bị, thì chưa thể có nhiều tác phẩm hay. Không có tổ chức, người nghệ sĩ sẽ lạc lõng giữa cuộc đời không hơn một cái bóng.
Hiện nay, ai cũng phải nhận rằng nghệ thuật của chúng ta đã lớn vượt lên. Nếu những người thanh niên phải bỏ cái áo thiếu nhi để may áo người lớn, thì tổ chức Hội Văn nghệ hôm nay cũng đã đến lúc cần phá vỡ.
Hơn lúc nào hết, yêu cầu trước mắt của chúng ta là: phải thành lập những tổ chức mới, những Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ, Hội Hoạ sĩ và Hội Sân khấu.
Ngay cả Ban Chấp hành cũ, cũng đã đến lúc không thể tồn tại. Ban Chấp hành ấy do Đại hội Văn nghệ lần thứ nhất bầu ra, tới nay cần thành thật nói rằng nhiều người đã mất hết tín nhiệm của anh chị em. Ban Chấp hành ấy đã đóng hết vai trò lịch sử của mình rồi, hiện nay nói chung chỉ còn đại diện cho một tập đoàn quan niệm hẹp hòi cũ kỹ đang tan rã. Đại hội lần thứ hai của chúng ta cần kéo trúc nó xuống, và ngoài vài người cũ còn được tín nhiệm, phải bầu những người lãnh đạo mới không có tinh thần bè phái và óc bảo thủ, trái lại, có đủ dũng cảm và khả năng lãnh đạo những lực lượng văn nghệ đang vươn lên.
Tôi nghĩ rằng việc thành lập các hội, định danh sách hội viên, nhất định cũng không thể do một số người nào quyết đoán, nhất là không thể do Ban Chấp hành cũ của Hội Văn nghệ quyết đoán. Hôm nay, có thể nói rằng họ không còn đại diện cho nguyện vọng của văn nghệ sĩ, ý kiến của họ chỉ là những ý kiến cá nhân mà phần lớn đã mang vết mốc. Các hội nghệ thuật là hội quần chúng, dứt khoát phải do quần chúng quyết định.
Trên nguyên tắc đó, việc tổ chức các hội phải làm theo ý kiến của đại đa số văn nghệ sĩ. Nó phải dân chủ và tập thể đến triệt để.
Theo ý tôi, muốn tiến hành, tôi đề nghị làm theo “kế hoạch bốn bước”.
Trước hết cần triệu tập hội nghị của từng ngành văn thơ, nhạc, hoạ, kịch ngay trong Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai. Mỗi ngành như thế sẽ góp ý kiến tổ chức hội của mình như thế nào? Họ sẽ định rõ tiêu chuẩn hội viên. Họ sẽ thảo luận về quyền lợi tinh thần và vật chất cụ thể của hội. Họ sẽ bàn bạc thêm nhiều chi tiết khác. Sau đó, họ sẽ bầu ra một ban trù bị thành lập hội, trong ban này nhất định phải có mặt anh em lớp trước và anh em lớp sau. Nhiệm vụ của ban trù bị là: căn cứ trên đề án của tập thể mà nghiên cứu thành lập danh sách hội viên, và thảo các bản tuyên ngôn, tôn chỉ và điều lệ của hội.
Khi sự chuẩn bị này xong xuôi, có lẽ tất cả những người đi họp Đại hội Văn nghệ toàn quốc đã trở về địa phương từ lâu. Bởi vậy, trong bước hai, ban trù bị ấy cần triệu tập một cuộc hội nghị trù bị mở rộng, mời tất cả anh chị em văn nghệ chung quanh Hà Nội và đại biểu những người công tác văn nghệ ở các địa phương, để thảo luận và thông qua danh sách các hội viên.
Và thế là Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ, Hội Hoạ sĩ và Hội Sân khấu đã thành hình. Bây giờ đến bước thứ ba: triệu tập đại hội của các hội, các hội viên sẽ thông qua các văn kiện hội mình sắp công bố, và bầu lên ban chấp hành của hội.
Nhưng bốn hội riêng như thế, tôi thiết tưởng chưa đủ. Chúng ta còn cần tiến hành bước thứ tư để thành lập một tổ chức cao cấp của văn nghệ, tạm gọi là Hiệp hội Văn nghệ. Ban chấp hành của Hiệp hội này sẽ do các ban chấp hành của các hội bầu ra. Và tổ chức tối cao ấy sẽ có nhiệm vụ nắm vững và lãnh đạo phong trào văn nghệ trong cả nước.
Chắc chắn tất cả “Kế hoạch bốn bước” trên đòi hỏi một thời gian không ngắn. Nhưng có lẽ chúng ta đều đồng ý rằng: việc thành lập các hội nghệ thuật, tuy nhanh và gọn chừng nào hay chừng ấy, nhưng trước tiên cần làm thật tốt. Giải quyết được chu đáo vấn đề tổ chức này, tức là chấm dứt được những trường hợp không hợp lý trước đây, giải quyết được tất cả những băn khoăn, thắc mắc, và cũng quyết định được tất cả cuộc đời nghệ thuật sau này của mỗi văn nghệ sĩ. Bởi vậy, tầm quan trọng của nó thật là rộng lớn, nó đòi hỏi một sự chuẩn bị thật kỹ càng, thật chu đáo và rộng lớn.
Đến đây, tôi muốn nói riêng về Hội Nhà văn. Ắt hẳn mọi người đều cảm thấy đây là một vấn đề đòi hỏi những cuộc tranh luận nẩy lửa. Thật ra, tất cả chúng ta sẵn sàng chờ đón những cuộc tranh luận gay go ấy. Vì có lẽ lúc này, mỗi nhà văn đều đã mang trong óc một bản đề án đanh thép của mình.
Là một người viết văn, tôi cũng có bản đề án của riêng tôi.
Gần đây, một dư luận xôn xao về tiêu chuẩn hội viên nhà văn đang lan rộng trong giới cầm bút. Rất nhiều người nhìn lại cái quá khứ sáng tác của mình, và băn khoăn đánh một dấu hỏi lớn: mình có được gọi là nhà văn hay không?
Tôi nghĩ rằng trong vấn đề này, nhất định văn nghệ sĩ không cần sự ban ơn của vài cấp trên nào. Trước tiên, chúng ta chỉ cần quan niệm về tiêu chuẩn cho thật rộng rãi.
Chắc chắn số hội viên chính thức của Hội Nhà văn không thể nào thu hẹp trong phạm vi một số người nhất định. Nếu Hội Nhà văn Liên Xô có trên bốn ngàn hội viên, thì Hội Nhà văn Việt Nam không thể nào chỉ gồm vẻn vẹn vài mươi cây bút cũ, trong đó thật ra nhiều ngòi bút đã vẹt gần hết. Dựa theo quan niệm khắt khe hẹp hòi trên, nhất định văn nghệ Việt Nam không thể nào có nhiều tác phẩm khá. Sự thực lại chứng tỏ rằng: có rất nhiều tài năng mới đang mọc lên, hoặc đã nở thành hoa, hoặc vừa mới chớm nụ. Trong tình trạng đó, rõ ràng phải mở rộng hội để đón nhận thật nhiều cây bút mới.
Và muốn thế, rõ ràng ban trù bị do anh em bầu lên, khi nhận đơn xin gia nhập hội, cần phải dựa trên nguyên tắc: căn cứ vào sáng tác chứ không căn cứ tuổi tác, và trong sáng tác, căn cứ chủ yếu là chất lượng, chứ không căn cứ nhiều vào số lượng.
Tôi quan niệm rằng: biểu hiện của tài năng mỗi người là ở tác phẩm hay nhất của mình, chứ không phải ở mái đầu bạc hoặc số sách tầm thường đã viết. Một văn sĩ có năm cuốn sách kém, tài năng không thể nào bằng một cây bút trẻ mới viết được một truỵên ngắn hay. Ví dụ bạn trẻ Nguyễn Quang Sáng, anh chỉ mới có một truyện ngắn “Con chim vàng”, nhưng sáng tác nhỏ ấy cũng đủ chứng tỏ khả năng của anh, nếu được những điều kiện bồi dưỡng của hội, có thể trở thành một người viết khá. Nhưng bên cạnh đó, không phải không nên căn cứ ở số lượng tác phẩm hay của mỗi người. Vì có một nhà văn có nhiều sáng tác hay, tất nhiên chứng tỏ tài năng đã bảo đảm hơn một người chỉ mới viết một hai sáng tác tốt.
Với quan niệm ấy, tôi nghĩ rằng trước tiên, hội viên của Hội Nhà văn phải là những người có tài, tài ấy đã phát triển hay đang nẩy mầm, và biểu hiện tài ấy trên nhiều sáng tác hay ít nhất trên một vài sáng tác.
Do đó, hội cũng cần chia làm hai loại: chính thức và dự bị.
Những hội viên chính thức là những cây bút đã lăn lộn với nghệ trong một khoảng thời gian dài hay ngắn, nhưng trước cách mạng hay hiện nay, đã có một số sáng tác nói lên cho cuộc đời biết rằng họ có thể có những tác phẩm khá sau này. Những hội viên này, nếu đang ở các ngành thì phải tập trung về hội, và trừ một số “nhân sĩ” đặc biệt, cần có một phụ cấp ngang nhau để đi vào cuộc sống mà viết. Ngay cả số người gọi là “nhân sĩ”, cũng chỉ nên có một loại phụ cấp không hơn người chưa “nhân sĩ” bao nhiêu.
Còn hội viên dự bị, là những bạn trẻ như Nguyễn Quang Sáng, hiện nay hầu hết đang tản mạn ở khắp các ngành. Không thể để cho tài năng họ vừa chớm lên, sẽ mòn mỏi dần trong những công tác sự vụ. Cần phải sắp xếp lại công tác cho họ, theo kiểu “luân phiên” từng thời gian khá dài. Sau đó, cần phải điều họ về Hội Nhà văn, giúp đỡ bồi dưỡng nghệ thuật cho họ trong một thời gian. Rồi trao cho họ một số phụ cấp ngang với anh em chính thức, và tung họ vào cuộc sống.
Đối với những anh em đã cầm bút nhiều năm hay mới gần đây, nhưng chưa có sáng tác khá, nên giải quyết thế nào?
Tôi đề nghị hai cách: một là dứt khoát không nhận họ vào hội, hai là chỉ nhận một số ít mà xét ra, vì công tác bận bịu hoặc vì bị bó buộc vào những điều kiện nào khác nên chưa thể viết hay.
Cũng trong vấn đề hội viên, tôi yêu cầu đặc biệt chú ý đến những anh chị em hiện công tác ở địa phương.
Tình trạng sau đây không phải là ít: có những tài năng hứa hẹn rất nhiều, hiện nay đang hấp hối trong các tỉnh nhỏ. Những ngòi bút có thể sáng tác nhiều áng văn hiện nay, hiện đang làm những bài tính ở thuế quan, ở mậu dịch, đang viết những tin ngắn năm dòng hoặc thảo những đề án tuyên truyền cho xã. Tôi có thể nói ra đây vài trường hợp. Hà Khang, công tác ở Ty Văn hoá Thanh Hoá, kể rằng tấm thẻ hội viên của anh nhận được từ khi Hội Văn nghệ mới thành lập, tới nay đã bạc màu mà chưa bao giờ có một lời khuyến khích của hội. Xuân Hoàng ở Quảng Bình cũng bị quên lãng, đang âm thầm với những bài ca dao phục vụ buồn bã của mình. Sợi dây liên lạc của trung ương hội với các nhà văn địa phương mỏng manh đến nỗi Vũ Lê, một cây bút trẻ ở Hải Phòng, đã phải thốt lên một câu chua chát: “Tôi chỉ yêu cầu giải tán quách cái Hội Văn nghệ ấy đi!”
Có thể nói rằng những người này có thừa tiêu chuẩn để vào Hội Nhà văn. Đã đến lúc cần phải mời tất cả những anh em ấy về Hà Nội. Sự thực rõ ràng: chỉ có ở trung ương mới làm được nghệ thuật. Chỉ có trung ương mới có thể phụ cấp về tinh thần và vật chất cho những anh em ấy, và tung họ trở về cuộc sống với những điều kiện sáng sủa hơn.
Ngoài ra, chúng ta còn biết rằng tài năng là một cái gì không thể ngờ. Có thể vài ba tháng, hay vài ba năm nữa thôi, từ trong quần chúng sẽ xuất hiện những cây bút mới. Mai đây, sẽ có những người công nhân trở thành thi sĩ, và những người nông dân trở thành nhà văn. Tôi đề nghị bên cạnh hai loại chính thức và dự bị, Hội Nhà văn cần có thêm một bộ phận theo dõi những tài năng sẽ đột ngột mọc lên đó, và sẽ có nhiệm vụ mời họ vào Hội Nhà văn. Bên cạnh đó, bộ phận này còn có nhiệm vụ giúp đỡ tài liệu và ý kiến cho những cây bút chưa đủ tiêu chuẩn để vào hội.
Sau khi đã được nhận làm hội viên, các nhà văn cần được hưởng những quyền lợi gì?
Như tôi đã trình bày, về vật chất, họ cần có một phụ cấp thích đáng và ngang nhau.
Còn về tinh thần, đối với nhà văn, có lẽ không gì sung sướng bằng được đi vào cuộc sống, thu nhận tiếng vang của cuộc sống vào lòng mình để viết lên trang sách. Những phải làm thế nào để sống mà không bù đầu, để sau này vẫn có thể viết được. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy nếu người nghệ sĩ đi về địa phương, bị buộc chặt vào một công tác sản xuất hẳn hoi, họ sẽ rất khó sáng tác. Bấy giờ, muốn làm tròn trách nhiệm của mình, ít người mở rộng được tầm mắt để nhận xét chung quanh, Bởi vậy, nhà văn có thể đi một năm, hai năm, nhưng chỉ nên nhận một công tác rất nhẹ và không bận bịu.
Trong thời gian ấy, họ phải được liên lạc thường xuyên với trung ương và được bồi dưỡng luôn về mặt nghệ thuật cũng như tư tưởng. Nếu cắt đứt với trung ương, và lệ thuộc hoàn toàn vào sự lãnh đạo của địa phương hoặc của một số cán bộ không biết gì về nghệ thuật, nhất định nhà văn cũng sẽ trở thành người cận thị.
Đến đây, cần nói thêm Hội Nhà văn nên để hội viên hoàn toàn chọn lấy hướng đi của mình. Tuỳ theo khuynh hướng và ý muốn có người sẽ về đồng ruộng, có người sẽ đến nhà máy, có người sẽ lên rừng, có người sẽ xuống bể, như một trăm người con của bà Âu Cơ xưa. Cũng có thể có người vẫn ở lại phố xá để viết về phố xá. Nghĩa là tất cả sẽ đi, không ai nên ở lại trung ương hội, nếu không bị mắc kẹt vào công tác hội trong một thời gian nhất định.
Sau khi làm những chuyến đi dài như thế, bây giờ vấn đề viết. Theo ý tôi, Hội Nhà văn cần xây dựng vài khu sáng tác ở kề thủ đô. Nước ta còn nghèo, ai cũng biết thế. Nhưng nếu đồng chí Sô-lô-khốp đề nghị với Đảng Liên Xô làm nhà ngói cho gia đình nhà văn ở ngay các địa phương họ cần sống, tại sao Hội Nhà văn Việt Nam không thể làm một số nhà tranh, ở một xóm nhỏ có nhiều hoa đào tại ngoại ô Hà Nội? Ngoại ô chúng ta đi về các rạp chiếu bóng chỉ mất nửa giờ đi xe đạp, ở đó vốn rất yên tĩnh, và trứng gà rẻ lắm! Có thể gọi hẳn nơi đây là một “làng văn” chứ sao! Mỗi người dân trong làng sẽ được chia một phòng riêng, một chiếc giường và một cái bàn. Chỉ cần thế thôi!
Rồi trong sự thực, có thể có những nhà văn chưa cần đi đâu cả, vì ai dám nói cả quyết rằng họ thiếu thực tế! Những người ấy sẽ ngồi bên bàn viết yên tĩnh của mình, trút lên giấy trắng tất cả sự sống chứa chất trong lòng từ mười năm nay. Có thể họ sẽ viết chuyện kháng chiến. Có thể họ viết ngay câu chuyện của mình. Có thể họ viết một tháng, lại đi một tháng để lấy tài liệu. Rồi tất nhiên có những nhà văn, sau một chuyến đi hàng năm trở về, lại ngồi hàng năm để viết. Những căn nhà gianh ngoại ô chính là những nhà hộ sinh không có bà đỡ. Ở đấy, tất cả làng văn sẽ trao đổi về những thai nghén nóng hổi của mình. Và từ nơi đấy, chúng ta hãy tin chắc chắn sẽ xuất hiện những tác phẩm lớn.
Sách đã viết, và nhất định ngày càng nhiều, không lẽ để nằm chết đó. Hội Nhà văn cần thành lập nhà xuất bản riêng của hội, nó phải có quy mô rộng hơn nhà xuất bản Văn nghệ hiện nay.
Cũng trong hoàn cảnh có nhiều sáng tác, tất nhiên nên đóng cửa tờ báo Văn nghệ bây giờ để thay vào hai tạp chí mới. Một tạp chí phê bình lý luận, đối tượng là văn nghệ sĩ và một số cán bộ học sinh.
Bên cạnh đó, cần có tạp chí sáng tác, đối tượng là quần chúng và ngoài một số rất ít người thường trực ra, ban biên tập sẽ là tất cả hội viên sáng tác của Hội Nhà văn.
Với tất cả những hình thức trên mới đáp ứng được những đòi hòi thiết tha của văn nghệ sĩ và của bạn đọc.
Ở đây, có lẽ cũng phải nói tới một tình trạng cần chấm dứt trong trường hợp có những bộ máy kềnh càng như thế.
Hai năm hoà bình, chúng ta đã thấy nhiều nhà văn có tài bị buộc chặt vào địa vị bằng những sợi lụa hoa có tẩm chất độc. Tác phẩm của họ là chỉ thị, kế hoạch, công văn, thông cáo. Họ trịnh trọng thắt cà-vạt-đỏ, đi giầy da vàng đọc đít-cua và nhồm nhoàm ăn tiệc. Rồi họ còn xách va-li, bay đó bay đâu trên mây gió.
Đã đến lúc đừng bắt những người đau khổ một cách sung sướng ấy mang tất cả những cà-vạt, giầy da, va-li và ăn tất cả những bữa tiệc. Chúng ta đang cần đến tài năng của họ. Chúng ta yêu cầu họ hãy khoác vào người bộ quần áo vải, đi vào chân đôi dép cao su đen để xuống với quần chúng.
Vì lý do đó, tất cả bộ máy sau này của các ban chấp hành, của nhà xuất bản và tạp chí sáng tác cần được giản đơn hẳn. Và nếu nhà văn không may nào phải ở lại với chức vụ của mình, cần tổ chức luân phiên mỗi nhiệm kỳ là một năm, để họ cũng được hưởng quyền lợi như tất cả những anh em khác.
Hôm nay, ai cũng biết rằng quần chúng đang bỏ xa chúng ta. Con em những người nông dân, công nhân và thị dân đang ngồi chật tất cả những trường học mới. Ít lâu nữa, bao nhiêu lớp chủ nhân trẻ tuổi kia sẽ trùng trùng tiến ra khỏi những trường trung học và đại học.
Không còn nghi ngờ gì nữa.
Hơn bao giờ hết, quần chúng đòi hỏi ở chúng ta một nghệ thuật thật tươi đẹp giàu có. Và hơn bao giờ hết, tất cả văn nghệ sĩ phải cống hiến được cho thời đại những tác phẩm xứng đáng với thời đại.
Các đồng chí! Mỗi chúng ta có lửa cháy trong tim. Chúng ta có lòng chân thành và chí dũng cảm. Nhất định phải tiến thẳng tới tương lai. Đại hội văn nghệ lần thứ hai sẽ mở cho chúng ta những con đường sáng sủa.
Tháng 9-56.
----------------------------------------------------------------
Nguồn: Giai phẩm mùa Thu 1956 -Tập II, với sự cộng tác của Hoàng Cầm, Trần Công, Trần Duy, Quang Dũng, Hoàng Huế, Phan Khôi, Hồng Lực, Hữu Loan, Sỹ Ngọc, Bùi Xuân Phái, Phùng Quán, Trương Tửu, Lê Đại Thanh, Tô Vũ, Trần Lê Văn. Tranh khắc gỗ trong hầm mỏ của Bùi Xuân Phái, in tại nhà in Quảng Nghi do Ngô Quang Thịnh trông nom. Bìa của Sỹ Ngọc, in tại nhà in Minh Đức, do Nguyễn Viết Thưởng trông nom. Bản khắc của nhà Tiến Mỹ, Minh Đức xuất bản, in tại nhà in Sông Lô, Hà Nội, hoàn thành ngày 30-9-1956, khổ 16 x 24, 72 trang số in 318, số xuất bản 49, số sách in… Nộp lưu chiểu tháng 9-1956 tại Hà Nội. Bản điện tử do talawas thực hiện.
Hết “Giai Phẩm Mùa Thu Tập II”
Nguồn: F Talawas
Quay lại phần đầu Tập II Ã
Tags: văn
Prev: Giai Phẩm Mùa Thu - (Tập II )
Next: Lược khảo tư tưởng của thánh Gandhi
reply share
===
No comments:
Post a Comment