HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Monday 23 September 2013

NVGP * 21.. NGUYỄN TUÂN * CHỐNG NVGP

21. NGUYỄN TUÂN * CHỐNG NVGP Nguyễn Tuân


Nhìn rõ sai lầm


Trước Cách mạng tháng Tám và trước ngày Kháng chiến, tôi sống tuyệt đối bằng cảm tính, chỉ dựa hoàn toàn vào những xúc cảm bản năng và phản ứng tình cảm để đánh giá cái tốt cái xấu cái thiện cái ác. Tôi nghĩ rằng thời kỳ ấy, tôi đã là người của thuyết hư vô và nhiều lúc đã quan niệm một cách nguy hiểm rằng người trí thức chân chính là phải hoài nghi tất cả. Đối với vấn đề đảng phái và hoạt động đảng phái, kể cả Đảng ta, lúc ấy, tôi hết sức né tránh, nghĩ sai rằng nghệ thuật là ở ngoài chính trị và còn ở trên cả mọi chính trị, mọi hoạt động chính trị. Về những vấn đề lớn thuộc về vận mệnh dân tộc, tôi nghĩ rằng cái biểu hiện yêu nước của tôi ở tôi, tôi chỉ xin khung nó gọn vào vấn đề xây dựng tiếng nói dân tộc mà bản thân mình sẽ cố công đóng góp vào ít nhiều, qua những tìm tòi sáng tác văn học của bản thân mình. Trước mọi biểu hiện và mọi tương quan với cuộc sống chung quanh, tôi tự cho tôi là một đơn vị. Đối với chủ nghĩa Cộng sản, con người duy tâm và tự do vô chính phủ của tôi đã là người tán thành cái thuyết viển vông được làm người cộng sản mà không ở trong tổ chức Đảng.


Về quan niệm nghệ thuật, trước đây, tôi là người của phái nghệ thuật vị nghệ thuật, tức là tôi chủ trương nghệ thuật không phục vụ chính trị. Một số sách và tiểu thuyết của những tác giả tờ-rốt–skít hoặc có quan điểm tờ-rốt–skít về tư tưởng nghệ thuật, đã ảnh hưởng phần nào đến cái nhìn của tôi đối với Xít–ta-lin, đối với những hoạt động chính trị, và cụ thể là rất có định kiến nghi ngại đối với tổ chức Đảng nói chung trên thế giới cũng như ở ta. Tôi cho rằng làm chính trị thì không tránh được thủ đoạn này thủ đoạn khác và trên cái nhận thức sai lệch ấy, tôi càng tách con người văn nghệ ra khỏi bất cứ hoạt động chính trị gì. Có thể nói rằng tôi vẫn còn kéo dài cái sống phiêu lưu ngay cả sau thời kỳ Cách mạng tháng Tám đã thành công rồi, và sự cải tạo tư tưởng của tôi chỉ mới bắt đầu có từ ngày Kháng chiến. Cuộc đấu tranh võ trang khắp nước đã cho tôi những điều kiện khách quan và chủ quan để dần dần nắn uốn lại một các nhân sinh quan đồi bại ở trong tôi, cụ thể là giải quyết bước đầu cho tôi về các mặt tư tưởng hoài nghi.



Trong những năm Kháng chiến, công tác và sáng tác của tôi, tuy chưa có là bao nhiêu, nhưng đều chứng minh cái kết quả bước đầu của cuộc cải tạo đó. Và tôi thấy cần phải nói thêm rằng có được cái kết quả ấy, cũng là nhờ ở phần khách quan nhiều hơn là phần chủ quan, và nhất là nhờ có cái phần Đảng dìu dắt cho. Cuộc sống kháng chiến có gian khổ về mặt vật chất và thể xác, nhưng có những thuận lợi khác về mặt trau dồi [2] tinh thần cầu tiến và nhiệt tình cách mạng. Tuy chưa được toàn tâm toàn ý, nhưng tôi cũng đã gắn bó rất nhiều với Đảng với nhân dân và tìm cái lẽ sống còn của bản thân mình trên cái cơ sở tập thể lớn lao ấy. Và mọi băn khoăn cá nhân chủ nghĩa, về căn bản, đã được dẹp xuống. Hoà bình trở lại đây, điều kiện khách quan đổi khác cả. Cách mạng chuyển giai đoạn đã mấy năm nay, tư tưởng tôi không những đã không chuyển theo kịp mà lại còn có những điểm ngoặc trở lại với những nếp cũ của thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Cũng như nhiều anh chị em cán bộ khác về làm việc ở thành thị ngay từ ngày đầu tiếp quản, tôi cũng vẫn nói với tôi là đấu tranh hoà bình gian khổ phức tạp; phản đế phản phong trong kháng chiến, thế mà còn dễ hơn cái giai đoạn cách mạng này nó đánh thẳng vào con người trí thức tiểu tư sản mình còn nặng những cái căn của tư tưởng tư sản.




Nhưng đồng thời tôi lại vẫn bảo cả tôi và cả nhiều người khác cùng một thành phần giai cấp: “Tư tưởng tư sản và lực lượng tư sản ở ta, có gì mà làm ghê đến thế?”. (Tôi nhớ lại rằng trong hồi phát động quần chúng để cải cách ruộng đất, hình như tôi cũng đã kêu rằng giai cấp địa chủ và tư tưởng địa chủ ở ta thực ra có gì mà ghê gớm đến thế?” Từ sau hoà bình, con người cầu an hưởng lạc ở tôi dần dần hồi sinh lại với cái nếp trước của người thị dân cũ trong tôi, vào những ngày đầu của Cách mạng tháng Tám. Tôi kêu cái này cái khác, đòi hỏi Cách mạng phải thế này thế kia, tiếng kêu phù hợp với cái tiếng nói của chủ nghĩa hoà bình của cái số người cho rằng “miền Bắc ta làm mạnh quá, tốc độ chính sách đi gấp đi dữ như vậy, e khó mà tranh thủ được miền Nam”. Lập trường của tôi bấp bênh, nên tôi mâu thuẫn với tôi: vừa lo mình dồn đẩy nhanh quá, lại vừa sốt ruột cho tình hình ì ạch đủ các mặt. Đối với hiện tượng này hiện tượng khác về hộ khẩu, về thị trường của phần kinh tế quốc doanh, về đời sống anh bộ đội phục viên, về mức sống công trường xí nghiệp, về đợt năm của cải cách ruộng đất, về đê vỡ, những tình cảm tiểu tư sản trong con người động dao của tôi lại vẩn lên rất nhiều oán tiếc hờn dỗi nó kết lại thành một cái cách nhìn phiến diện để dẫn tới một cách nhìn khác bất công và u uất, bất mãn và nghi kỵ. Chuyện trong nước đã thế, nhìn ra cả trong phe trong khối ta, thì thấy toàn là những sự việc và hiện tượng nó vượt quá cái trình độ nhận thức vốn lệch lạc của mình, và vượt quá cái khả năng đánh giá vốn một chiều và cực đoan của mình. Đứng trước những khó khăn mới của Cách mạng chuyện mạnh giai đoạn, cái chất hoài nghi cố hữu ở trong tôi đã ngóc dậy rất mạnh nhất là từ sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên xô. Lần lại cái mạch tư tưởng của tôi ngược lên hồi Cách mạng tháng Tám, tôi thấy trong hệ thống tư tưởng của tôi đã có những luồng sóng ngầm nó quật lại nó dội lên, sau một giáp mười hai năm có bị chìm xuống. Trong cơn khủng hoảng này, vì lạc phương hướng mà có lúc tôi đã nói đã nghĩ đã viết ra như là một người không phải là đảng viên. Một đôi khi, còn bắt được mình đang thoát ly Đảng trong tư tưởng. Nay giật mình nhìn lại, thấy mình đã có trôi trên cái dốc của quan điểm chủ nghĩa xét lại. Lòng tin bị sứt vỡ, cho nên đối với sự việc này sự việc khác, đối với tài liệu này tài liệu khác, hay đòi lật ngược lại. Học tập tình hình thế giới còn dễ thông hơn tình hình trong nước. Nguồn tin chính thì tiếp thu có điều kiện, các nguồn tin khác thì nhận và phát đi một cách đi một cách dễ dàng. Lập trường tư tưởng đã có sự lẫn lộn, cho nên nghiệt ngã với ý kiến của đồng chí, của bạn, cho nên dễ hoà theo với lời xúc siểm dèm pha tán tỉnh của bọn ác bọn xấu. Cái phần vẩn đục trong con người hoài nghi của tôi đã là một miếng đất thuận tiện cho sự nảy nở của những tư tưởng do các nguồn đối địch gieo vào. Và muốn hay không muốn, trong một số công việc nhất định, tôi đã trở nên một cái bình phong cho bọn xấu dùng được.


Về phần sáng tác, gần đây tôi đã gặp những khó khăn tỏng tư tưởng sáng tác.
Cũng là do bi quan hoang mang tác động và hạn chế cái nhiệt tình của người nghệ sĩ cách mạng. Cũng là do cái phương pháp tư tưởng nặng về hiện tượng vụn vặt mà không nhìn thấy cái đại thể của Cách mạng và cái hướng của sự vật trong quá trình phát triển cách mạng. Cũng là do lẽ này lẽ khác, nhưng cái chính là cái nguyên do ngờ vực. Chính vì sa sút đi cái lạc quan cách mạng đó, mà trên một số bài tôi viết ra ít lâu nay, tôi đã đi vào chỗ lệch, chỗ sai, đã lạc hướng về tư tưởng và lầm lẫn về chỗ đứng của người đảng viên văn nghệ. Tôi đã có xu hướng tách văn nghệ ra khỏi chính trị và đối lập văn nghệ với chính trị. Ví dụ ở tuần báo Văn dưới đầu đề “Phê bình nhất định là khó” tôi đã viết “Nếu đã có những tác giả còn not nớt, nếu đã có những tác phẩm yếu xoàng, thì cũng đã có một số cán bộ thực hiện chính trị một cách cũng không cao tay gì lắm …” Đối với tác phẩm in lại, tôi tự tiện gạt đi cái phần chính trị của vấn đề để chỉ còn thấy có phần nghệ thuật. Đề tựa cho tập sách Thạch Lam và vở kịch Kim tiền của Vi Huyền Đắc, tôi chỉ có đề cao tác phẩm và tác giả mà không đứng trên cái quan điểm văn học vô sản của người phê bình cách mạng mà vạch ra những nhược điểm khuyết điểm và sai lầm của tác phẩm. In lại tập Vang bóng một thời của tôi, tôi cũng thiếu mất cái trách nhiệm của người tác giả đối với độc giả mà xác định thái độ của mình về nội dung tư tưởng của tác phẩm cũ. Thậm chí, còn đưa vào sáng tác tất cả cái bức bối, cái hờn dỗi với thực tế, chì chiết cạnh khoé điều này điều nọ, như ở trong bài “Cây Hà nội”: “…con người ở đây ít chú trọng đến cây… ở đây, con người đối với con người vẫn chưa đủ mức chú trọng, nói chi đến chuyện chày cối… đôi lúc có nhớ đến người này người nọ thì ta chỉ quen nhớ những cái lúc họ đánh đổ hoặc đánh vỡ một cái gì…”




Thực ra chủ nghĩa nhân đạo cộng sản chúng ta không bao giờ dạy con người tự mình tách khỏi tạo vật chung quanh và chà đạp hoa cỏ cây cối, thực ra Đảng ta quan tâm đến trình độ văn hoá cần nâng cao dần cho quần chúng nhân dân, trong ấy mặc nhiên là có cái phần giáo dục thẩm mỹ, dạy con người yêu quý hoa cỏ quả cây và hướng nó vào cuộc sống cần lao của tập thể. Những câu đại để như ở bài “Cây Hà nội”, với cái lối nói ỡm ờ đó, đã phần nào biến mùa xuân miền Bắc thành ra những cái ngậm ngùi kích động đến những tâm sự sửa sai, tạo thành những cái đơn chiếc và mất công trong cách nhìn ra thực tế sinh động trên đất nước. Cách nhìn không lành mạnh ấy thật là không xứng đáng với bất cứ nhà văn nào muốn đóng góp giấy mực của mình vào cái quyết tâm cùng chung sức xây dựng miền Bắc của mọi người. Cách nhìn và cách viết ấy không giải quyết gì cho sự sống nặng nề đang cần phải bốc lên đẩy lên. Nó có phần nào đã làm đầu têu cho một số mồm và bút sẵn sàng mượn khéo văn chương để nói cạnh và chửi đổng, móc máy việc này việc khác. Nhưng trong cả một mớ lệch, lạc, lầm, sai của tôi ít lâu nay, cái sai lầm tôi cho nghiêm trọng hơn hết, tức là cái sai lầm của tôi đối với nghị quyết của Bộ Chính trị của Đảng nhận định về tình hình văn nghệ.




Nghị quyết phân tích sâu sắc, tổng kết đầy đủ rõ ràng về sự lũng đoạn của phần tử đối địch trong văn nghệ. Tôi được phổ biến nhiều lần về nghị quyết này, tôi vẫn cứ khăng khăng cho rằng văn học nghệ thuật ta ít lâu nay có vấn đề và đang có những vấn đề cần phải giải quyết sớm, tức là có nghiêm trọng về tình hình, nhưng không đến nỗi nghiêm trọng đúng như tinh thần và con chữ đã vạch ra trong từng chương mục của nghị quyết. Tại sao phải trải qua hơn ba tháng ròng họp tập liên hệ, phải trải qua rất nhiều khó khăn của diễn biến tư tưởng và qua bao nhiêu công sức của đồng chí và đồng nghiệp giúp đỡ cho mà nay tôi mới nhất trí được với toàn bộ nghị quyết của Đảng về tình hình văn học nghệ thuật? Chính là vì tôi đã mơ hồ về lập trường, không phân rõ địch ta, nên không nhìn thấy vấn đề đấu tranh giai cấp trong lĩnh vực văn học nghệ thuật giữa lúc Cách mạng tiến lên đang đánh vào tất cả những cái gì dám chống đối và phản lại nó. Chính vì tôi non yếu và mơ hồ về chính trị, nên không thấy cái mặt chính trị của vấn đề văn nghệ đây. Bản chất cầu an hưởng lạc nghỉ ngơi ở tôi đã làm tôi mờ nhạt về sự tất yếu của cuộc đấu tranh này và quên cả cái tính chất của tổ chức Đảng ta là một tổ chức chiến đấu và đang cần chiến đấu quyết liệt trên mặt trận tư tưởng .



Cuối năm 1956, đóng cửa Nhân văn. Tôi là một chữ ký trong bản kiến nghị của nhiều anh em văn nghệ sĩ ký ngày 13-12-56; nhưng trong tôi vẫn còn phân vân về biện pháp hành chính dùng với Nhân văn. Nay tôi đã thấy rõ là không thể thuyết phục cải tạo tờ báo đó và biện pháp ấy là biện pháp duy nhất). Chính vì tôi có xu hướng tách văn nghệ khỏi chính trị nên tôi không nhận ra khía [3] chính trị của vấn đề. Tôi thường còn hay kêu là ít lâu nay ta làm chính trị quá nhiều trong văn nghệ và nên dành thời giờ để bàn về chuyên môn thì đúng hơn. Tôi không thấy rằng tình hình địch ta nghiêm trọng đã như thế, thì cái yêu cầu cấp bách của văn nghệ hiện nay là giải quyết về chính trị đã, rồi trên cái cơ sở trắng đen đã phân rõ ấy, trong nội bộ nhân dân của văn nghệ, mới thanh thoát được cho sự thảo luận chuyên môn văn nghệ. Không nhìn nhận ra được chỗ sáng suốt của nghị quyết của Đảng về tình hình văn nghệ bị lũng đoạn, tôi cho cái nguyên nhân chính còn nằm ở cái chỗ lòng tin của tôi đối với Đảng.


Từ sau hoà bình và nhất là sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên xô, lòng tin của tôi đối với Đảng đã có thêm những mảng đen của sự nghi ngờ. Thời kỳ mở phong trào chống chủ nghĩa sùng bái cá nhân cũng là thời kỳ tôi đi sâu vào một bệnh sùng bái khác. Tức là tôi đã tự phụ, tự túc, tự ái, tự đại mà sùng bái cái cá nhân tri thức tiểu tư sản của tôi. Tôi cho là phải phát triển tới cái độ cao nhất về việc suy nghĩ độc lập, lấy tư duy độc lập ra mà làm cái thừa trừ cho cái kiểu mà tôi vẫn gọi là: “cách nghĩ một chiều của nhiều đồng chí chúng ta”. Ngông nghênh với sự phát triển bừa bãi đó, tôi đã tự huyễn hoặc mình về cái kiến thức bản thân thổi phồng bơm to lên, tự phỉnh nịnh mình đến cái mức bọn ác bọn xấu dùng được mình mà không nhận ra, đến cái mức chỉ thấy có mình mà không thấy phương hướng trong tư tưởng. Qua một lần kinh nghiệm tôi tự phát trên một cái cơ sở cá nhân bấp bênh, nay tôi nghĩ rằng Đảng ta, trên con đường từ nay kiện toàn chuyên chính vô sản song song với mở rộng dân chủ, Đảng ta không những không hạn chế sự suy nghĩ độc lập của đảng viên và anh chị em trí thức, mà lại còn khuyến khích mọi người đóng góp cái phần trí tuệ chân cảm của mình vào cái khối trí tuệ vĩ đại của Đảng. Riêng tôi, sau một trận thử thách vừa rồi, qua cái bài học choáng váng vừa rồi để phân rõ thiện ác trong giới văn nghệ phức tạp tôi thấy sáng lên cái chân lý này: Muốn suy nghĩ độc lập, cần phải có cái vốn phong phú về thực tế đấu tranh, cộng với một căn bản lý luận cách mạng chắc chắn; Khi mình đã ngờ vực Đảng, thì dễ nghĩ sai và làm sai.Những cái tôi nói đó, thực ra không có gì là mới cả nhưng riêng với tôi, nó có cái giá trị của một lần “suy nghĩ” vừa đau xót, vừa yên tâm, vừa lành mạnh. Viết ra đây cái điều trên, tôi thấy tôi thoải mái trong sự khiêm tốn thành khẩn và càng tới gần Đảng hơn bao giờ.

8-4-58

--------------------------------------------------------------------------------
[1]Nguyên văn: dẻ dách (talawas)[2]Nguyên văn: chau dồi (talawas)[3]Nguyên văn. Chúng tôi nghĩ có thể ở đây tác giả muốn nói “khía cạnh” (talawas)Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 12, tháng 5 năm 1958 – Số đặc biệt thứ hai chống Nhân văn–Giai phẩm, trang 59-121

No comments:

Post a Comment