HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Monday 23 September 2013

NVGP * 18. NGÔ THẾ THỊNH * TRƯƠNG TỬU

18. NGÔ THẾ THỊNH * TRƯƠNG TỬU
NHỮNG LUẬN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA XÉT LẠI
TRONG CON NGƯỜI TRƯƠNG TỬU

Ngô Thế Thinh
Ban giám hiệu trường Phổ thông cấp II Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

Chúng tôi nhận định những luận điểm của chủ nghĩa xét lại biểu hiện trong con người Trương Tửu.

Ngay từ những giòng đầu của bài “Văn nghệ và chính trị” (“Giai phẩm” tập III) Trương Tửu đã “phủ đầu” mọi người bằng lời nói của Lê-nin: “Trong sự nghiệp văn học tuyệt đối phải bảo đảm phạm vi thật rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho sở thích cá nhân; bảo đảm phạm vi rộng rãi cho sức tưởng tượng, cho hình thức và cho nội dung”.

Trương Tửu sẽ núp dưới những lời nói ấy để xuyên tạc, dẫn tới những luận điểm thật là phản động và sai lầm. Trương Tửu thực hiện đúng khẩu hiệu “đầu Mác-xít, đít tư bản”, khẩu hiệu mà bọn Đệ nhị quốc tế thực hiện rất đúng.

Từ đó Trương Tửu hô hoán: “Tự do của văn nghệ sĩ là bất khả xâm đoạt”. Thế rồi Trương Tửu giở đủ các thứ lý luận, hiện tượng, thời cổ cũng có, thời kim cũng có, để đòi rằng: “Văn nghệ sĩ phải được tự do sáng tác”, một thứ tự do sặc mùi vô chính phủ. Trương Tửu đã đem những lời nói, những giòng chữ động viên của văn nghệ sĩ thời trước để chống chế lại giai cấp bóc lột, chống chế lại chính quyền phản động, thì bây giờ Trương Tửu “áp dụng” với chính quyền dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo. Trương Tửu coi chính quyền dân chủ nhân dân của chúng ta như một thứ công cụ của giai cấp bóc lột dùng để nô dịch tư tưởng văn nghệ sĩ, đàn áp văn nghệ sĩ, căm thù văn nghệ sĩ.

Trương Tửu viết: “Các văn nghệ sĩ cổ điển đã phải quyết liệt đấu tranh với mọi uy quyền vật chất và tinh thần muốn nô dịch tư tưởng, tình cảm của mình. Họ là tử thù của của giai cấp bóc lột vì giai cấp bóc lột là tử thù của sự thực, của nhân đạo chủ nghĩa, của quyền tự do nói thực”.

Từ chỗ Trương Tửu lộ ý cho chính quyền và chế độ của chúng ta không có “Nhân văn”, không có tự do, Trương Tửu đã trắng trợn chống lại đường lối văn nghệ của Đảng, đường lối phục vụ của chính phủ dân chủ cộng hòa. Trương Tửu phủ nhận văn nghệ phục vụ công nông binh, phục vụ nhân dân lao động, phục vụ công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa. Trương Tửu muốn “tự do” khen dù rằng khen cái cái xấu, Trương Tửu muốn tự do thích thú dù rằng thích thú cái sai, Trương Tửu muốn tự do bênh vực dù rằng bênh vực cái phi vô sản, cái phản động, cái tư bản chủ nghĩa!

Trương Tửu khùng lên, giơ tay, trợn mắt, chống lại sự giáo dục, hướng dẫn của Đảng, của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đối với văn nghệ. Trương Tửu xua tay hét: “Chống lại mọi áp bức tư tưởng, bắt mình nói điều mình không muốn nói, nghĩ điều mình không muốn nghĩ, nhận là đúng điều mình cho là sai, yêu những cái mà mình ghét, ca tụng những cái mà mình phản đối”.

Từ cái “mình” của văn nghệ sĩ, Trương Tửu đi vào cái tôi, cái tâm của chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa xét lại kiểu Can-tơ (một triết gia người Đức thế kỷ thứ 18).

Thế rồi Trương Tửu thốt ra những câu sặc mùi chủ quan, phản động, vô tổ chức, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân đến cao độ. Trương Tửu bảo: “Văn nghệ sĩ chân chính chỉ tuân theo kỷ luật và chỉ thị của trái tim họ, của khối óc họ, của hiện thực xã hội mà họ phản ánh trong tác phẩm tùy theo trình độ nhận thức cá nhân họ”.

Hiện thực xã hội! Hiện thực đây là hiện thực gì? Theo quan điểm của giai cấp nào, của ai? Hay là của tư sản? Trái tim và khối óc ở đây là trái tim của ai, giai cấp nào? Nếu là trái tim và khối óc như kiểu của Trương Tửu thì thật là cái “họa” cho giai cấp công nhân, cái họa cho nhân dân, và cái họa cho những sinh viên mà Trương Tửu đang có trách nhiệm “giáo dục”.

Kế đó, Trương Tửu “câu” và “nịnh” văn nghệ sĩ đi vào thứ chủ nghĩa của hắn. Trương Tửu viết: “Các văn nghệ sĩ chân chính làm nghệ thuật để phục vụ một lý tưởng mà chủ quan họ cho là cao cả, tốt đẹp”.



Thế chủ quan văn nghệ sĩ cho là cao cả và tốt đẹp thôi là đủ rồi à? Không, quyết không! Văn nghệ sĩ chân chính của chúng ta quyết chỉ theo một lý tưởng mà lý tưởng ấy là của giai cấp công nhân và chỉ của giai cấp công nhân mà thôi: Lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Bất cứ một thứ lý tưởng nào đã không phải là lý tưởng của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, thì dù chủ quan văn nghệ sĩ có cho là cao cả, tốt đẹp đến mấy đi chăng nữa, chúng ta cũng vo viên nó, cho nó vào sọt rác. Nhưng Trương Tửu lại ca tụng cái đó.

Ở đây Trương Tửu đã đưa văn nghệ cũng như văn nghệ sĩ thoát ly khỏi giai cấp tính, thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân. Trương Tửu đã nuốt trôi những dòng chữ mà cũng chính tay Trương Tửu viết: “Bản thân văn nghệ mang chính trị như bản thân không khí mang ốc-xy-gien”.

Tiến mạnh hơn nữa, Trương Tửu muốn ngoe ngách, giẫy giụa, vùng vằng hô hào văn nghệ sĩ thoát ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Trương Tửu hô hoán: “Cứ để mặc kệ văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ rọi theo sở thích riêng, lương tâm riêng của mình cũng có thể làm nên sự nghiệp tự do, bình đẳng, bác ái, v. v…”.

Trương Tửu viết: “Văn nghệ sĩ cổ điển tố cáo những tội ác, kích thích tinh thần đấu tranh chống áp bức, đề cao tự do bác ái là hoàn toàn theo sự sở thích riêng, sở nguyện riêng, lương tâm riêng của bản thân họ, không có đảng chính trị tiến bộ nào lãnh đạo, không phụ thuộc vào tổ chức chính trị nào. Họ hoàn toàn độc lập tác chiến, độc lập tư tưởng, độc lập sáng tác”.

Thế là Trương Tửu muốn trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ, chuyên môn tách rời chính trị, Đảng, hay ra ngoài địa hạt văn nghệ!

Lấy tư cách là một người công tác giáo dục, một người yêu văn nghệ, chúng tôi cực lực phản đối những luận điểm sai lầm của Trương Tửu. Chúng tôi đề nghị Đảng, chính phủ và Bộ giáo dục có những biện pháp thích đáng đối với những luận điểm sai lầm của Trương Tửu.



● Nguồn: (báo) Độc lập, Hà Nội, s. 354 (10.4.1958), tr. 3, 4.

No comments:

Post a Comment