8. SÁCH TẾT 1957 * TẬP I
Nguyễn Khắc Dực
Cái đầu ăn Tết
(truyện ngắn)
Hết giờ
làm việc, Vượng còn ngồi đọc xong tất cả một lô báo hàng tuần rồi mới
đứng dậy lững thững về phòng. Không khí tết gợi lên trên những trang
quảng cáo làm cho anh cũng thấy vui vui, háo hức. Tiếng pháo trẻ con
chốc chốc lại tạch một tiếng ở ngoài đường và hình ảnh những người dênh
những cành hoa vừa mua được mà anh đã thấy rất nhiều ở ngoài đường làm
anh nhớ cái vẻ xốn xang chuẩn bị đón Tết của vợ con, và anh cũng thấy
vui thêm.
Anh đinh ninh bữa chiều nay anh sẽ ăn ngon miệng, vì
vui và cũng vì chiều tối hôm qua vợ anh đã hứa sẽ làm thêm cho anh một
món mà anh thích.
Vượng có hai vợ chồng và một đứa con gái trên
mười tuổi. Con anh đi học. Vợ anh làm ở một cơ quan khác, nhưng tất cả
cùng ở với anh và ăn uống cũng nhờ tất cả ở cấp dưỡng của cơ quan anh
phụ trách.
Anh xuống ăn ở buồng ăn công cộng. Bữa bữa đứa con gái
anh, hoặc cũng có lúc là chính ngay anh, đến bếp lĩnh phần cơm và phần
thức ăn đem về phòng riêng để chờ vợ anh về, cả gia đình cùng ăn cho ấm
cúng. Vợ anh vốn khéo nấu nướng và lại có tài chế biến, hay làm thêm
thức ăn cho chồng con. Nên bữa ăn của gia đình anh thường vẫn là vui.
Hôm
nay anh về muộn cũng là để có thêm cái vui lúc bước vào phòng được thấy
vợ đã bày sẵn sàng cái món đã hứa làm thêm mà đứa con thì đang ngắm vào
đó một cách lý thú. Nhưng về tới cửa, Vượng hơi ngạc nhiên thấy đứa con
gái của anh đang một mình vừa ăn vừa ngóng ra phía cửa ra đường.
Nghe thấy anh về, nó quay lại:
“Con ăn trước để con còn đi họp.”
“Thế mợ cũng chưa về à?”
Vượng hỏi và con bé đáp gọn một tiếng “Chưa” rồi lại cúi xuống ăn. Một lúc nó mới lại nói:
“Cậu đợi mợ về hay là cậu ăn trước với con cậu ạ.”
“Con bận họp thì cứ ăn xong trước mà đi. Cậu cũng chưa đói.”
Vượng
trả lời con và anh ngạc nhiên thấy là mình nói dối. Anh bắt đầu hơi
nghi, không biết vợ đi đâu. Anh để ý nhìn vào bàn ăn thì cũng thấy vẻn
vẹn có mấy món của cấp dưỡng cơ quan đã nguội lạnh.
Anh thoáng
nghĩ hay là vợ anh đã đi uốn tóc. Mấy hôm nay anh có loáng thoáng nghe
thấy mấy anh cán bộ bàn tán về việc các cửa hiệu uốn tóc dạo này ùn lên
như cả ngay thời tạm chiếm cũng chưa bao giờ đông thế. Vợ anh sáng hôm
qua cũng có bàn với anh muốn uốn tóc để sửa soạn một cái đầu ăn tết. Anh
đã trả lời vợ một cách rất đúng nguyên tắc, rất nam nữ bình quyền là:
“Tuỳ thích ở như em”. Anh cũng đã nói thêm: “ Em thích thì anh cũng
thích”. Nhưng chẳng lẽ chỉ mới có thế thôi mà hôm nay vợ anh cũng đã
thực hiện ngay sao?
Vượng nhìn đầu con gái cũng đã phơ-ri-dê được hơn một tháng nay gọn đẹp và tiện.
Nhưng
mà nó là thiếu nữ, là trẻ con. Còn mẹ nó? À! Nếu mẹ nó mà uốn tóc bây
giờ thật thì thật là phiền. Anh nhớ trước đây, anh đã cực lực phản đối
cái kiểu đầu tóc lai căng ấy và khi mới trở về Hà Nội được ít tháng, có
lần anh đã nói nhỏ vào tai một người chồng có vợ phờ-ri-dê, một người
dân Hà Nội nhưng đối với anh cũng là chỗ thân tình, anh đã vừa cười vừa
nói với hắn ta là anh trông những đầu tóc uốn đúng là những cái rế lưu
động trong các đường phố. Rồi gần đây khi một số anh chị em cán bộ uốn
tóc, anh cũng đã quy cho họ là bị ảnh hưởng của thị dân tư sản. Vậy mà
bây giờ nếu vợ anh đi uốn tóc thật thì rồi người ta sẽ bảo ra sao? Và
anh, anh sẽ có đi chơi phố với cái “rế lưu động” hay không bao giờ anh
đi phố nữa?
Vượng toan lấy ô-tô đi đến mấy cửa hiệu cắt tóc phụ
nữ. Anh muốn tìm gọi vợ về, để cùng vợ bàn lại xem sao. Nhưng anh chưa
tự lái được xe, mà gọi đồng chí lái xe thì cũng thật là phiền. Định lấy
xe đạp, nhưng anh phụ trách xe cũng đi vắng, và cả mấy cái xe đều khoá.
Anh bồn chồn trở lại phòng riêng và vào giường nằm không để ý đến đứa
con nó đã đi họp lúc nào không biết.
Minh hoạ của Nguyễn Sáng
Anh
đang thiu thiu ngủ thì vợ anh về. Đúng là chị đi uốn tóc thật. Chị vào
tận giường gọi anh. Chị bật đèn sáng chưng cả gian phòng, định là để
được thấy cái hân hoan của chồng chị, nhất định là anh phải vui thích
lắm. Nhưng ánh đèn làm anh chói mắt, anh chớp liền mấy cái rồi nhăm nhăm
nhìn chị, làm cho chị bỗng bật cười.
“Anh trông em thế nào?” Chị
lại bên chồng và hỏi dồn luôn ngay một chập: “Em để kiểu này có hợp với
khuôn mặt không anh? Khuôn mặt em có tôn lên nhiều chứ anh nhỉ?” Và chị
say sưa tiếp: “Nhẹ sướng ghê lắm anh. Và tiện nữa, từ nay lúc gội xong,
lúc ngủ dậy đi làm, chỉ mấy nhát lược thôi anh ạ, lại không mất thì
giờ. Mà sướng nhất là cái nhẹ, từ lúc cắt uốn lên xong em thấy như trút
được gánh nặng… cái đầu em như bây giờ mới bỗng dưng được tự do…”
Anh không kịp nói gì. Nhưng nhìn khuôn mặt vợ anh thấy nhan sắc của chị quả cũng có được tôn lên thật. Anh bảo chị:
“Em đi ăn cơm chẳng đói. Con nó ăn trước nó đi họp đã lâu rồi.”
Chị
ngó vào mâm cơm thấy vẫn còn nguyên cả suất của chồng. Mọi thứ đều đã
nguội. Chị quay bảo với anh để đi mua phở rồi chị đi ra xuống bếp của cơ
quan mượn bát.
“Này, đừng đi thế!” Anh gọi giật chị lại.
Nhưng
chị đã nhanh nhẹn đi rồi. Và một lúc sau chị bưng về cho anh một bát
phở, khói thơm phưng phức. Chị đặt bát phở trước mặt chồng và chị cũng
ngồi vào ăn những món cơm canh đã nguội.
Vượng vừa ăn vừa thỉnh
thoảng lại ngó vợ. Bây giờ anh mới ngắm kỹ cái đầu tóc uốn của vợ anh.
Bát phở nóng và béo cay đủ vị làm cho anh cũng khoan khoái trong người.
Ăn xong anh đứng lên cất bát và cố ý đi vòng ra phía sau gáy của cái đầu
mới phờ-ri-dê. Anh lấy làm lạ là như thế mà sao trước kia anh lại có
thể thấy là cái rế lưu động được. Anh ngồi xuống bên cạnh vợ và sẽ hỏi:
“Em vừa mới phờ-ri-dê như thế mà cầm bát đi mua phở em không thấy ngượng nghịu gì à?”
“Anh
cho là em sợ người ta cười à? Em phờ-ri-dê cho nó tiện chứ có phải là
để rồi sinh ra đài các lên đâu." Chị trả lời và ghé vào tai chồng chị
nói thêm: "Tiện và đẹp anh ạ. Anh thấy em có đẹp hơn không?"
Vượng
nhìn kỹ lại vợ một lần nữa và thấy khuôn mặt của chị quả có được tôn
lên. Anh nghĩ: “Mọi chuyện về cuộc sống không bao giờ nên kết luận vội
vàng… Và trong chuyện này rồi đây những kẻ ác khẩu có thể sẽ bảo với anh
rằng đó là cuộc sống đã trả lời anh…”
Ý nghĩ khó chịu lúc nãy lại thoáng muốn trở lại trong đầu. Nhưng anh cười bảo vợ:
"Tết này nhất định là vui."
1-1957
*
Nguyễn Sáng
Hai bàn tay
Tết!
Đêm nay
Hà Nội
Có bóng tối
Rãi dài trong đêm
Hai bàn tay ủ vào túi da
Chân dẫm lên xác pháo
Nếm lại giọt mồ hôi
Gió rít từng cơn lạnh
Tiếng cười qua khe cửa
Nghe lanh lảnh…
Nhắc lại chuyện năm xưa
CÓ HAI BÀN TAY
HAI BÀN TAY CÀO NÁT QUẢ ĐẤT
Chọc thủng trời xanh
Qua bao thế kỷ
XÂY DỰNG
Văn minh
Hạnh phúc
Hoà bình.
Có bao bàn tay chết gục
Sinh chơi vơi giữa cuộc đời
Hàng trăm triệu người thất nghiệp
Hàng trăm triệu người chết đói
HAI BÀN TAY SÙ SÌ
Vẫn ghì trên mặt đất
Mồm nghiến cỏ xanh
Có bao bàn tay anh dũng
Cho thế giới hôm nay
Hát bài ca cách mạng
Có bao bàn tay quờ quạng
Đi tìm áng sáng
Hôm qua đã giết bao người
Hôm nay còn in máu đặc.
HAI BÀN TAY NẮM CHẶT
Đầu chít khăn tang
Nhớ năm mươi triệu người chết
Hồi đại chiến thứ hai.
Đêm nay
Giữa thủ đô Hà Nội
Tôi vẫn tin
Con người lúc sơ sinh
Hai bàn tay trong trắng hiền lành
Như trẻ thơ vê tròn vú mẹ.
Đêm nay
Giữa thủ đô Hà Nội
Tôi vẫn tin
Con người tay áp tay
Trao cho nhau chiếc nhẫn
Hứa cái hôn đầu ngày cưới.
Tết!
Đêm nay
Hà Nội
Có tôi nghiêng nghiêng
Nâng hai bàn tay
Soi lên ánh điện
Nhìn không chớp mắt
Rãi bóng dài trong đêm…
Hà Nội, 1-1957
*
Cao Nhị
Đầu năm xem phim Tôi khát
Ngày
Tết nói chuyện phim dễ vui, mà nói chuyện tình trong phim lại dễ vui
hơn nữa. Tuổi trẻ và tình yêu, văn chương nghệ thuật ca tụng hàng nghìn
năm nay, nó vẫn mới như thường và mới mãi.
Trong “Tuần lễ phim
Cộng hoà Dân chủ Đức” tổ chức vào dịp Tết này, tôi đặc biệt thích phim
Tôi khát của Pa-ry-la. Xem một lần, nhớ mãi không quên. Xem đến lần thứ
hai, lại thấy như vừa khám phá thêm nhiều điều mới lạ mà lần thứ nhất
chưa nhìn thấy. Nếu có dịp xem Tôi khát đến lần thứ ba, tôi sẽ xem lại
ngay, nhất định không thấy chán. Nguyên cái thích thú riêng đó dù có chủ
quan cũng chứng tỏ được phần nào cái thành công và sự hấp dẫn lạ lùng
của bộ phim.
Tháng 4-1956, trên tập Tân phê bình (Nouvelle
critique) của Pháp, trong một bài giới thiệu chung về phim ảnh Cộng hoà
Dân chủ Đức, có nói: phim Tôi khát đang xây dựng sắp hoàn thành. Đến nay
tháng 12, công chúng Việt Nam đã được xem phim: rõ ràng phim còn mới
toanh, ra mắt khán giả trên toàn thế giới.
Xin nói ngay: Tôi khát
là phim đen trắng, không phải phim màu. Tôi rất phản đối những ai chỉ
khen phim màu và chê phim đen trắng. Phim đen trắng của Liên Xô chẳng
hạn sản xuất vào khoàng 37-38 trước đại chiến, hay hơn những phim màu
Liên Xô 54-56 nhiều lắm! Thích phim màu chẳng qua chỉ là cái mốt, là
thích cái đẹp bề ngoài. Phim hay là ở nội dung nó hay, diễn xuất nó cao,
kỹ thuật nó già. Và trong một số trường hợp nào đó, theo tôi nghĩ, cái
màu của phim cứ để là đen với trắng (như trường hợp phim Tôi khát) nó
rất khoẻ, sâu và đau đớn.
Chuyện phim dựa theo kịch bản của Van-te Gơ-rích.
Trong
phạm vi bài này, tôi không bình luận chung về nội dung và kỹ thuật
phim, mà chỉ xin giới thiệu lại một mẩu chuyện tình, táo bạo, rất chân
thực, rất khoẻ mạnh đã rung động lòng tôi sâu xa: câu chuyện tình giữa
anh cố nông Páp-lô và chị sinh viên Ma-đơ-len.
Nội chiến
Tây-ban-nha năm 1936, rất nhiều đoàn quân tình nguyện các nước sang giúp
nghĩa quân Tây-ban-nha chống lại phát-xít Phơ-răng-cô. Trong nước,
nhiều đoàn trí thức, sinh viên cũng rời thành phố về nông thôn, gia nhập
nghĩa quân, đánh du kích. Ma-đơ-len là một nữ sinh viên ở trong một
đoàn đó. Tóc chị ngắn, bù xù như tóc con trai; gương mặt trong sáng,
không đẹp kiểu uỷ mị màu mè, cái đẹp rất cường tráng thông minh của thế
hệ trẻ ngày nay.
Ma-đơ-len lần đầu gặp Páp-lô đã ôm choàng lấy
hôn vì cảm động. Páp-lô vừa giết được lính gác, mở nước cứu được cánh
đồng ngô. Páp-lô rách rưới, bẩn thỉu, tứ cố vô thân, một chữ cắn đôi
không biết. Thấy sinh viên về, Páp-lô bước ra tố khố; nước mắt anh chảy
xuống ròng ròng. Trông anh đẹp và rất anh hùng, thế là chiếm luôn được
cảm tình của nữ sinh viên Ma-đơ-len.
Câu chuyện tình bắt đầu từ
đấy. Páp-lô lao vào chiến đấu và lao vào tình yêu, và trên cả hai mặt
trận ấy, anh không hề run sợ. Có thể nói, trong tất cả các phim của tất
cả các nước nói về nông dân, tôi chưa hề được gặp một nhân vật nông dân
nào điển hình như Páp-lô. Một con người vừa ngây dại vừa tha thiết, vừa
thô tục lại vừa dịu dàng; cái chân khuỳnh khuỳnh anh rê xuống cỏ, đôi
mắt nghênh nghênh vừa ngơ ngác lại vừa đanh thép: kể cả nội tâm nhân
vật, kể cả diễn xuất của diễn viên, tôi vẫn thấy đó là một mẫu mực bần
cố nông trong nghệ thuật không khác mảy may ngoài cuộc đời; không những
không khác lại còn được tô đậm lên thành một điển hình nông dân tuyệt
diệu!
Tình yêu của Páp-lô rất đau đớn, vì luôn luôn anh tự ty,
không dám ngờ Ma-đơ-len có thể yêu mình. Và mặc dầu vậy, anh lại càng
yêu Ma-đơ-len mãnh liệt. Hai người cùng nhau đi chơi núi. Một người đi
giầy cao gót, một người áo rách hở vai, đứng mãi bên nhau giữa cảnh núi
sông hùng vĩ, dưới vòm trời xanh mát rượi Tây-ban-nha.
Rồi
Ma-đơ-len nằm xoài xuống cỏ, lấy bút âu yếm dạy cho Páp-lô bài học bình
dân học vụ đầu tiên: chữ Ma-đơ-rích, tên thủ đô Tây-ban-nha.
Và
từ cái chữ tập đánh vần đầu tiên ấy, trên quyển vở học lúc nào cũng gài
bên ngực, Páp-lô tập viết đến chữ thứ hai, cũng bắt đầu bằng chữ M: đó
là chữ Ma-đơ-len, cái tên đẹp của bạn tình. Và khắp quyển vở, đâu cũng
chỉ thấy ngoằn ngoèo hai chữ Ma-đơ-len và Ma-đơ-rích.
Theo tôi
nghĩ, xây dựng được một tình yêu như vậy thật là tuyệt đẹp! Rất lãng
mạn, mà lại rất trung thực. Trong cải cách ruộng đất của ta, biết đâu
lại chả có sự kết hợp tốt đẹp ấy giữa nông dân và trí thức. Có điều, văn
chương ta chưa thấy nói đến mà thôi.
Páp-lô yêu Ma-đơ-len như
vậy. Song có chắc là được cô sinh viên kia yêu lại thực sự không, hay
chỉ là “tiểu tư sản tếu”, bốc đồng trong chốc lát? Xin thuật lại mẩu đối
thoại rất ngắn sau thì rõ cái nhìn đúng đắn của cô sinh viên:
Ma-đơ-len giở sổ của Páp-lô thấy toàn chữ Ma-đơ-len.
Hỏi: “Ma-đơ-len là ai, anh?”
“À, một cô gái người làng.”
“Anh có yêu cô ta không?”
“Chưa gặp cũng đã yêu rồi.”
“Thế cô ta có yêu anh không?”
“Không, đũa mốc đâu dám chòi…”
Ma-đơ-len nghiêm nghị:
“Páp-lô, sao anh hạ thấp mình quá thế. Anh sẽ đắp đập xây cầu…”
Páp-lô hỏi gặng: “Ai?”
Ma-đơ-len nhấn mạnh: “Chính anh chứ còn ai!”
“Không biết Ma-đơ-len có chờ tôi đến ngày đó không nhỉ?”
“Nhất định là có chứ!”
“Ma-đơ-len liệu có yêu tôi không?”
Ma-đơ-len hôn vội Páp-lô rồi nguẩy đi:
“Gớm, tò mò quá…”
Cái
hôn tình ái ấy là cái hôn đầu tiên, cũng là cái hôn cuối cùng. Vì ngay
sau đó, bom Đức Hít-le ném tan hoang trạm quân y, Ma-đơ-len chết không
còn mảnh xác. Páp-lô kêu khóc gọi tên người yêu, tay không cào đất đến
thành chảy máu. Và, trái tim đã bị thương, Páp-lô xông vào chiến đấu,
mang theo hình ảnh bất diệt của người yêu…
Tôi khát, bộ phim đen
trắng chiến đấu và trữ tình bậc nhất, đau đớn căm thù và hiện thực bậc
nhất. Câu chuyện Páp-lô và Ma-đơ-len là hiện thân của một mối tình lãng
mạn và cao quý ca ngợi vẻ đẹp vô cùng của tuổi trẻ và sự sống.
*
Hoàng Cầm
Con thú bị săn
Lời
nhà xuất bản – Mùa xuân hoà bình thứ ba, chúng ta nhớ lại sự thất bại
của đế quốc Pháp Mỹ ở Điện Biên Phủ, và cùng với tác giả Hoàng Cầm, cười
thêm một lần cái hèn nhát, bỉ ổi của bọn tướng lĩnh thực dân Pháp. Bài
thơ này sáng tác sau khi ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, một chiến công
oanh liệt mở đầu cho mùa xuân tốt đẹp của dân tộc.
Tên tướng giặc Đờ Cat-t-ri
Họ “Đờ” cũng giống Si-nhi một phường
Nghĩa là nói phét ra tuồng
Đến khi ”đờ” mặt “đờ” mồm mới thôi
Lúc hống hách trổ tài làm tướng
Mõm Cat-t-ri nói sướng lỗ mồm:
“Cat-t-ri còn, Điện Biên còn!”
(Cha cha! Oai quá! kép tuồng vẽ râu)
Thằng Na-va mượn màu son phấn
Vẽ cho Đờ ra trận múa may:
Điện Biên giữ chắc lắm thay!
Là nhờ thao lược của “Ngài Cat-t-ri!”
Mỹ khôn khéo bèn đi gõ mõ
Khua chuông lên cho nở mũi Đờ,
Phát thanh báo chí sủa to:
“Điện Biên có Cát vững như tường đồng!
Thế là mũi Cát phồng nắm đấm
Hét inh tai mười dặm chiến trường
Quan năm đang chức tầm thường
Được thăng thiếu tướng, nở nang mặt mày.
Tiếc một nỗi dịp may như thế
Không được bày buổi lễ linh đình
Mà từ trên tít mây xanh
Mỹ ném lon xuống rơi quanh đống bùn!
Đờ đi nhặt cái lon thiếu tướng
Mò cả đêm, những tưởng cụt đầu.
Súng ta bắn, Cát âu sầu:
“Kiếp này xin nhặt, kiếp sau xin chừa.”
Từ hôm đó lon vừa gài kỹ
Thì Cát nằm bẹp dí trong hầm
Trổ tài thao lược nướng quân
Để cho xứng với cái ân quan thầy
Càng hò hét múa may quay lộn
Càng thua đau thua đớn là thua
Đến hôm tắc tị nước cờ
Tướng tài đờ mặt vội giơ tay hàng.
Lon thiếu tướng vàng vàng đỏ đỏ
Nằm trên vai nhăn nhó khóc rằng:
“Đờ còn đây sống nhe răng
Sao Điện Biên mất hỡi thằng Cát-t-ri?”
Lúc ta hỏi “lẽ gì bại trận”
Đờ bèn thưa “thành khẩn” lắm thay:
“Tôi như con thú bị vây
Các ông săn giỏi, tôi nay phải hàng.”
Lời nói tự ruột gan Đờ Cát
Càng tỏ ra tướng Pháp đớn hèn
Nhưng còn một điểm Đờ quên:
Ai làm cho Pháp trở nên thú rừng?
Ai xui Cát khom lưng vào rọ
Để Cát nằm nhăn nhó kêu giời?
Cái lon rẻ thối xu đôi
Ai ném cho Cát đeo vai yêng hùng?
Đó, cả lũ thú rừng độc ác
Cùng một loài hèn nhát tham ăn
Đó là đế quốc thực dân,
Là Mỹ là Pháp, tiên nhân họ Đờ!
Ta đã săn một lô thú dữ
Ta còn săn cả lũ chúng mày
Tướng nào rồi cũng bị vây
“Đờ” gì rồi cũng giơ tay… "đờ” mồm!
Chiến dịch Điện Biên Phủ
*
Vì
tập sách này số trang có hạn nên còn một số bài và tranh để lại, và sẽ
đăng trong tập truyện đầu năm, bìa của Dương Bích Liên, phụ bản Nguyễn
Tư Nghiêm, phát hành trong tháng giêng Đinh Dậu, Minh Đức xuất bản.
Nguồn: Sách Tết 1957, Nhà xuất bản Minh Đức, 1957. Bản điện tử do talawas thực hiện. Lời giới thiệu của Lại Nguyên Ân.
====
Trần Công
Khi ấy xuân sắp về
(truyện ngắn)
Những
ngày tàn thu. Đường Lý Thường Kiệt dài, heo hút. Rặng cây đã đổi màu,
lá úa rơi rơi trước từng cơn gió nhẹ. Sương mù nặng trĩu trên những tấm
áo bông đang cúi đầu bước run rẩy.
Minh hoạ của N.
Ở một góc
đường, Linh đang vẽ. Người anh dong dỏng cao, mặt gầy, mắt sáng, tuy
đượm vẻ buồn xa xăm nhưng vẫn có tí tinh nghịch. Da hơi xám vì lạnh và
cũng vì sốt nhiều trong những năm kháng chiến. Chiếc áo khoác bằng vải
bạt mua chợ giời đã bạc màu, lấm tấm bẩn những vết mực vẽ. Bên lề đường,
Lân, người học vẽ, ngồi co rúm vì lạnh, mải ngắm những cô nữ sinh. Lân
còn trẻ lắm, mắt nhỏ, ngây thơ như mắt trẻ con, tóc hơi quăn, một mảng
nhỏ rớt trên trán.
Xung quanh Linh, dừng lại một số người hiếu
kỳ. Đây là một ông công chức vẫn hay đến sở muộn giờ. Người đeo kính trẻ
tuổi kia là một ông giáo ở trường bên cạnh. Cả một anh công an. Anh hơi
nhíu mày, phóng xe lại định hỏi, nhưng lại thấy một hoạ sĩ đang vẽ nên
lại thôi và cũng tò mò đứng xem.
Xa Việt Bắc hơn một năm nay, anh
nhớ những đồi sim dại, tím ngát trong chiều hoàng hôn, những đồi sim đã
vỗ về Linh sống trong những ngày gian khổ. Linh nhớ những ngưòi con gái
đẹp nghèo trong xóm, chiều chiều lên đồi sim tìm củi rồi hát véo von.
Từ khi về Hà Nội, đề tài của anh tản mạn, nhiều vướng mắc. Anh vẽ nhiều
nhưng kết quả ít được như ý muốn. Rồi mùa thu về. Ngồi đếm lá vàng rụng,
anh sực nhớ ra mình đã hai mươi tám. Mải mê với nghệ thuật, đâu sẽ là
mảnh nắng ấm lòng để sưởi khi trời trở lạnh. Anh thèm khát nhìn theo
những tà áo. Có một chiều nắng vàng, gió nhẹ lất phất những tà áo tím
quất vào hồn anh lùi về dĩ vãng: màu tím hoa sim dại trên núi đồi Việt
Bắc, bóng người con gái nghèo nhặt củi mỗi buổi hoàng hôn xuống.
Linh tần ngần bảo Lân:
"Lân ơi, tôi sẽ vẽ một người thôn nữ trong những bông sim tím."
Lân hồn nhiên:
"Đúng đấy anh Linh ạ. Anh vẽ người đẹp đi, Lân thích lắm."
Thế
rồi, có một sáng sớm, trời lành lạnh, Linh và Lân xách giá ra góc đường
ngồi vẽ. Linh muốn ngồi ngay góc ngã tư này để tìm gợi cảm hứng ở những
màu áo tím của các cô nữ sinh.
Đã một tuần rồi, vẽ rồi lại xoá,
màu tô lại đổi. Linh ôm trong hồn hình bóng một cô thôn nữ mộc mạc mà vẽ
mãi không giống lắm: “Đẹp đấy nhưng trông vẫn giống nữ sinh Hà Nội anh
Linh ạ!”. Linh nghĩ: “Ồ! Mới có hơn một năm mà cuộc sống thành thị đã ám
ảnh mình nặng thế ư?”. Anh nhẫn nại cố chữa, cố tưởng tượng trong ký ức
những nét giản đơn, cái đẹp tự nhiên thanh thoát của người thiếu nữ đồi
sim. Có một vài nữ sinh đi ngang, ngừng xe đạp tấm tắc khen đẹp làm
Linh ngường ngượng. Linh hơi buồn về ký ức kém cỏi của mình.
Nhưng,
có một sáng, khi kẻng vào lớp đã kéo hết học sinh đi, khi chỉ còn sót
một vài “công chúng” tí hon học buổi chiều ôm bóng đi đá thì bỗng Linh
ngừng bút ngửng đầu. Anh thần người đứng nhìn: Từ trước mặt đi lại một
cô hàng hoa. Cô mặc áo dài nâu, yếm trắng, chít khăn mỏ quạ, đi chân
không, người cô dong dỏng cao, khuôn mặt trái xoan, mắt to mà đen, hai
gánh đầy hoa: lay-ơn hồng, tím, cúc trắng, vàng, hồng nhung. Giữa những
màu rực rỡ xen vài lá xanh ướt đọng ít giọt sương mai.
Tưởng có
cơ bán được, cô gái hàng hoa ngừng bước, nhè nhẹ đặt gánh xuống. Người
hoạ sĩ đứng nhìn, đánh rơi cả bút, vui sướng thốt lên:
"Đây rồi!"
Đám
trẻ nhìn theo cười ròn rã rồi hò nhau đi đá bóng. Thôi phải rồi! Đây
mới thực là người cần cho tranh của Linh. Thoạt mới nhìn, anh có cảm
giác là lạ. Thấy như một đêm trăng nào đó, rờn rợn như trong Liêu trai,
bóng người đẹp hiện về trong thư phòng người hàn sĩ. Linh thấy như đã
tìm ra thìa khoá của nghệ thuật, linh hồn của bức tranh. Bây giờ chỉ còn
cách lồng nó vào giữa đám hoa vẽ xong từ bao giờ nhưng còn thiếu hồn
hoa. Thì nay hồn hoa đây rồi…
Linh bước lại gần người bán hoa.
Anh cầm lấy một vài chùm hoa, lơ đễnh hỏi giá và chăm chú nhìn người chủ
của chúng. Anh giơ lên một bó lay-ơn tím rồi tưởng tượng một cái khung
vô hình mà cạnh bó hoa là khuôn mặt cô gái. Thấy vừa ý, anh tấm tắc:
“Đẹp quá!”.
Cô hàng hoa nhanh nhảu: "Ông mua đi, loại ấy hiếm lắm. Tôi chỉ có một ít thôi!"
Linh vội vàng giả tiền.
Và cô gái bán hoa cũng đứng dậy, thoăn thoắt rảo bước.
Linh
thấy như hụt mất trong tay một vật quý, định gọi với lại nhưng lại
thôi. Anh đứng nhìn theo cho đến khi Lân đến vỗ vai anh, anh chợt tỉnh
quay lại giá vẽ, phóng bút vẽ nên một đôi mắt rất đen.
...
Và
cứ thế, trong sương mù của những buổi sáng cuối thu, khi ánh mặt trời
dậy muộn vội vã từng tia, xen qua sương mai phơn phớt vạch trên cây lá,
khi sương lách tách nhẹ rớt trên lưng người hoạ sĩ đang say mê vẽ, thì
cô gái hàng hoa cũng nhanh nhẹn quẩy gánh đi ngang. Người hoạ sĩ lại
tươi cười dừng bút mua một chùm hoa tím, nói vài câu chuyện. Chủ hàng ý
chừng đã quen tính vui vẻ hồn nhiên của ông khách lạ nên cũng thành thói
quen. Mỗi buổi sáng đi ngang đều có dừng lại. Nhưng có một lần, thấy
hoạ sĩ lúng túng móc túi mãi không đủ 300, cô ái ngại. Và nhìn lại quần
áo lôi thôi cũ kỹ thì chợt hiểu nỗi nghèo của người hoạ sĩ. Thầm kín, cô
hàng hoa mở bó hoa chọn một nhành hoa tím tươi nhất đưa cho Linh:
"Nhà tôi còn nhiều, ông cầm lấy mà vẽ."
Nói rồi quẩy hàng đi.
Ở
đời xét cho cùng thì nghệ thuật là cái dễ thấm hồn người nhất. Chỉ có
cái là người nói ra được, người chỉ cảm thông thôi. Linh cho là những
người bán hoa nhất định có người có tâm hồn đẹp như hoa và người mua hoa
cũng có ngưòi hiểu hoa, quý hoa.
Ngày hôm sau, như thường lệ, cô
gái hàng hoa tới, lúc kẻng trường đã dồn ông giáo, học sinh vào lớp,
lúc đám trẻ em đã phân tán đi chơi bóng. Lần này, Linh chưa kịp lại thì
cô gái hàng hoa đã tới trao cho anh một chùm hoa tím. Linh đem cắm nó
lên giá rồi hí húi vẽ. Cô hàng hoa đứng trông anh vẽ. Cô chợt hỏi Linh:
"Ông vẽ ai đấy?"
Linh nhìn cô:
"Tôi vẽ cô đấy. Có giống không?"
Cô hàng hoa ngượng ngùng:
"Bao nhiêu người đẹp mà ông vẽ tôi. Tôi có ra gì."
Linh nói rất nhiều, rất say mê giải thích bức tranh của anh. Nhưng nghe một lúc cô hàng hoa e lệ bỏ đi.
Linh
vẫn thấy tranh mình chưa vừa ý lắm. Thỉnh thoảng một chiếc ô tô vù bụi,
khét mùi xăng rầm rộ chạy qua… Thỉnh thoảng nhiều tiếng còi, tiếng
chuông, tiếng rao làm anh rộn óc. Khung cảnh ồn ào chung quanh chi phối
anh, anh bực tức. Thế rồi, có một sáng, trời lạnh hơn, sương xuống nhiều
hơn, anh không thấy cô hàng hoa qua đây nữa. Anh giục Lân thu xếp đồ
vẽ, bỏ đi tìm.
Ngoài Hà Nội. Một trại hàng hoa. Chập chờn trên
các mô đất chỗ cao chỗ thấp, điểm xuyết giữa những ngôi nhà nhỏ xinh xắn
là những vườn hoa rực rỡ.
Đào còn lạnh gió heo may chưa buồn nảy nụ. Linh, Lân cắp giá vẽ bút đi theo con đường mòn vào làng.
Ánh
sáng ban mai dìu dịu. Qua một dãy rào nứa dài, Linh, Lân bước vào một
mảnh vườn dài trồng toàn cúc và lay-ơn tím. Linh chợt thấy cô hàng hoa
của mình đang hái hoa. Anh định rẽ hoa chạy tới nhưng sợ kinh động người
hái hoa, sợ mất đi một cảnh rất quý, anh quay lại lấy bút ghi lại hình
ảnh đó. Đây mới thực là bức tranh anh mong muốn. Đây mới thực là nguyên
chất của sự phối hợp giữa cảnh và người. Cô hàng hoa giữa vườn hoa. Hồn
hoa không còn lạc lõng nữa. Hồn nghệ sĩ không còn lạc lõng nữa.
Một
lát sau, cô hàng hoa rẽ hoa, ôm một bó lớn đi về nhà. Linh, Lân lặng lẽ
ôm tranh đi theo. Đến một ngôi nhà tranh gần đó, cô hàng hoa đẩy cửa
bước vào. Linh bước vào theo. Một bà cụ trên 40 bước ra hỏi:
"Thưa hai ông hỏi ai ạ?"
Linh lúng túng chưa biết đáp thế nào cho tiện, ấp úng:
"Thưa cụ, tôi..."
Thì may quá cô hàng hoa đã bước ra:
"Ồ, hai ông, mời hai ông vào nhà."
Và nhanh nhẩu bảo bà cụ:
"Thưa đẻ, đây là hai ông hoạ sĩ vẽ tranh dưới phố, khách quen của con đấy ạ."
Gian
nhà thấp nhưng sáng sủa. Giữa nhà một hương án nhỏ đã long lở sơn trên
có tấm ảnh một người đàn ông khoảng 50. Một bàn gỗ tạp có bộ ấm chén cổ.
Trong góc nhà một chiếc phản gỗ. Cánh liếp bên trái để hở một tấm cửa
phên nhỏ vào buồng trong. Bà mẹ dáng hiền lành, gọi con:
"Lan ơi, lấy nước mời hai ông."
Mải
ngắm gian phòng, Linh để Lân tiếp bà cụ. Anh bước ra quanh quẩn nhìn
những cây hoa phong lan, lan tiêu, cái bể cạn nhỏ có mấy con cá vàng.
Anh nghĩ: “Sao mảnh đất nhiều tình ý thế này, tĩnh mịch gợi hứng nhiều
thế này, mảnh đất của hồn hoa mà đám nghệ sĩ mình ít người chịu ra đây
mà sống. Và anh thấy mến cái yên tĩnh thơ mộng của trại hàng hoa, thấy
sờ sợ cái ồn ào của Hà Nội. Anh thấy như ở đây mỗi thứ hoa đều có hồn
riêng, có đời sống riêng, có lịch sử riêng…
Đang suy nghĩ liên miên, Linh bỗng có cảm giác như có ai đang nhìn mình. Anh ngửng đầu lên, kinh ngạc thấy Lan đứng trước mặt.
Lan ra mời anh vào nhà uống nước, Linh hỏi:
"Này chị Lan, cây phong lan này giồng từ bao giờ?" [1]
Lan đáp:
"Tôi cũng không rõ nữa. Nghe đâu từ khi thầy tôi còn sống, tôi lớn đã thấy nó rồi."
Rồi Lan dẫn Linh ra phía sau nhà, chỉ vào một hàng lay-ơn tím:
"Đã sáu năm nay tôi vẫn giồng lay-ơn tím ở đây. Thường tôi vẫn cho ông đấy."
Linh
nhìn màu tím, dịu mắt, anh thấy đời mình cần một chỗ dừng chân. Anh hoa
mắt nhìn đôi mắt Lan. Người nghệ sĩ đã bước từ tình nghệ thuật vào tình
yêu: Anh đã yêu Lan.
...
Đêm hôm đó, Linh trằn trọc mãi.
Ngọn đèn đêm le lói toả mờ mờ gian phòng bừa bộn của người hoạ sĩ. Lâu
rồi, anh lại thấy những tác phẩm của anh không còn đủ để làm người yêu
duy nhất. Cạnh nàng nghệ thuật, anh đã thấy cần một người có con tim.
Lâu nay thắc mắc nhiều cho nghệ thuật, anh sợ nó ghen tuông, anh không
dám san sẻ nó với ai cả. Ngày đêm, anh thủ thỉ tâm tình với nó và nghĩ
rằng như thế là “trọn nghĩa”. Nhưng cô đơn vẫn là cô đơn. Hồn tranh đã
tụ lại thành hồn người đòi anh tìm tình yêu. Hồi Linh nghĩ biết đâu được
yêu lại chẳng giúp nhiều cho nghệ thuật. Biết đâu tình yêu lại chẳng là
chuyện mất thì giờ như anh thường nghĩ mà là cả một đề tài lớn cho anh,
mặc dầu nó có thể lại chua xót!
Linh với tay cầm bông hoa tím nhổm người ngắm bức tranh một lúc rồi áp bông hoa lên ngực ngủ thiếp đi trong nụ cười trên môi.
Linh
không ngờ: Lan lại là gái có chồng. Mấy hôm sau tình yêu lại đẩy Linh
lên trại hàng hoa tìm Lan. Lan chưa về. Lý, em Lan, cũng một cô hàng hoa
xinh xắn, ngồi nói chuyện với Linh.
Một lát sau, Lý đưa Linh
chạy tung tăng quanh nhà, bứt một chùm nhiều thứ hoa cho Linh. Rồi lúc
vào nhà ngồi, chợt Linh thấy trên liếp một tấm bảng “Gia đình vẻ vang”,
Linh hỏi Lý:
“Anh cô đi bộ đội đấy à?”
Lý rí rủm:
“Anh, nhưng không phải cả hai đều là anh ruột cả đâu. Một người là chồng chị Lan đấy.”
Linh bàng hoàng:
“Ồ! Anh cứ tưởng chị Lan chưa chồng.”
Lý bưng miệng cười khúc khích:
“Nhiều ông con giai cũng đều tưởng thế. Rồi lại khổ thôi.”
Linh hỏi:
“Sao lại khổ?”
Lý đáp:
“Khổ chứ còn khổ thế nào nữa. Người ta có chồng rồi thì còn lấy thế nào được nữa.”
Nhưng bỗng Lý đổi nét mặt, buồn rầu:
“Nhưng
mà chắc gì anh ấy về nữa. Anh ấy đi bộ đội 6 năm nay bặt tin bặt tức.
Từ khi hoà bình, bao nhiêu người ta về nhà, mà anh ấy chẳng có thư từ gì
cả. Người ta đồn là chết rồi. Khổ chị Lan nhỉ, chị ấy còn trẻ, mới 22
tuổi đầu."
Linh nhìn tấm bảng “gia đình vẻ vang” thấy tiếc thương người bộ đội và thấy buồn lây:
"Ừ mà thế đâm khổ cả đôi."
Lý mở to mắt, ngơ ngác:
"Chắc gì anh ấy còn sống để đủ cả đôi mà khổ."
Dần
dần, lòng người thiếu phụ cô quạnh, càng cô quạnh, lúc đông đang về
lạnh buốt, thấy mến Linh. Vẫn mong chồng, vẫn quý người bộ đội, nhưng mà
thấy nó xa xăm quá đỗi, hầu như tuyệt vọng. Linh hiền lành, dễ mễn, lại
biết quý người, quý lao động. Thường anh đến nhà, cũng biết gánh nước
tưới hoa. Anh vui vẻ nhưng lại đứng đắn, không cợt nhả bao giờ. Không
riêng gì Lan, mà mẹ Lan cũng quý anh. Nhất là Lý. Lý càng nhìn Linh lại
càng thương chị.
Có một chiều, hoàng hôn xuống ủ lên hàng lay-ơn tím đang đổi sang màu xám đen, Linh ngồi nói chuyện với Lan trước thềm.
"Trước
kia tôi chỉ muốn tìm ở Lan một người đẹp để vẽ vào tranh, nhưng gần đây
tôi yêu Lan, tuy biết Lan đã có chồng… Thế có sai không hở Lan?"
Lan cúi đầu, lặng thinh một hồi lâu. Bỗng cô ngửng đầu lên, giương to mắt ngơ ngác, sợ hãi lùi lại, giơ tay như che đỡ.
"Thôi anh đừng nói nữa. Tôi là gái có chồng."
Nhưng nói gì thì nói, đào đã bắt đầu chớm nụ. Tình yêu vẫn âm thầm, sôi nổi.
Có một hôm, Linh đến chào gia đình Lan đi vắng một thời gian.
Bà cụ hiền từ bảo Linh:
"Em
Lan và em Lý đều rất mến anh. Tôi cũng rất quý anh. Con rể tôi nếu
không may đã mệnh hệ đi rồi thì tôi cũng không cản con tôi đi bước nữa.
Tết này anh về nhà tôi chơi, cứ coi như người nhà cả thôi mà. Anh đừng
ngại gì cả."
Và đông đã sống những ngày cuối, tàn tạ. Từng đàn em
nhỏ tung tăng theo mẹ đi may quần áo Tết. Cây cối xanh dần hứng sương
mai long lanh.
Vài chùm đào sớm đã nở miệng cười hàm tiếu.
Lòng người đang thắm lại.
Và
những ngày ấy, xuân sắp về thì Lễ cũng về. Anh khập khễnh đi giữa đồng
hoa, hớn hở. Nụ cười trên môi tuy còn đọng tý lạnh lẽo của đau xót, da
tuy có xám, trán tuy có nếp nhưng người bộ đội đó vẫn trẻ. Anh đã thắng
nổi Thần chết. Sau hoà bình, đơn vị anh vẫn tiếp tục đi tiễu phỉ vùng
Tây Bắc. Vẫn những ngày đèo heo hút gió, nằm trời gối đất. Anh đi miên
man trên những vùng Cha Pa, Phong Tổ, Bát Xát. Rồi anh bị thương nặng ở
chân. Lạc đồng đội trong rừng, anh cố lê mãi ra đầu ngọn suối. Đồng bào
Mèo gặp đưa anh ấy về chạy chữa. Và trên giãy núi cao ngất, trong một
bản Mèo heo hút, anh đã sống 8 tháng trời. Anh bị hỏng một chân. Sau khi
bắt được liên lạc với đơn vị, anh được ra ngoài phục thuốc, lắp chân
giả.
Và chiều nay, một chiều cuối đông, khi xuân sắp về thì Lễ về nhà.
Thấy
chồng về, Lan vui mừng khôn xiết. Nàng quên hết chuyện cũ, quên hoa,
quên Linh, chạy ra đón Lễ. Người chồng trao cái túi dết cho vợ, tuột tay
để rơi xuống đất. Lan vội cúi xuống nhặt, tình cờ chạm phải cái gì cưng
cứng ở chân chồng mình. Nàng vén quần chồng lên thì thấy chiếc chân gỗ
mới lắp, còn thơm mùi sơn. Lan bàng hoàng đau xót, nửa thương chồng, nửa
tủi phận. Mẹ Lan mừng mừng tủi tủi rớt nước mắt đứng nhìn con rể. Lý
ngơ ngác, người con gái mới nhớn lên này thương hay mừng cho chị?
Dần
dần, Lễ biết chuyện. Anh không trách Lan mà thấy thương vợ. Đau khổ
nhưng anh không muốn ghen tuông vì nghĩ cũng chẳng lợi ích gì. Có lúc
anh nghĩ: “Giá mình chết đi thì họ đẹp đôi lắm nhỉ”. Ghen một tý thì
nghĩ thế thôi nhưng anh thấy cần phải sống, cần phải xây dựng lại hạnh
phúc của mình. Vì anh đã tranh đấu, đã thắng nổi cái chết, thì lúc này
anh không thể mềm yếu thế được. Tuy vậy anh vẫn bình tĩnh. Thỉnh thoảng
thấy vợ buồn buồn, đêm đôi khi quay đi ôm mặt khóc, anh để yên cho vợ
khóc. Và khi Lan muốn cất bức tranh của Linh đi thì Lễ ngăn cản lại bảo
cứ treo đó cho đẹp.
Nhưng ngày ấy, xuân sắp về. Vài chùm đào sớm
đã nở miệng cười hàm tiếu, màu đỏ dần dưới nắng ấm. Chợ họp đông dần,
những bức tranh làng Hồ thắm thiết màu dân tộc trong đám cưới chuột,
tranh hứng dừa, đang ngự trị dưới những túp lều mái rạ thơm phức.
Và
trong một ngày đó, Linh trở về nhà Lan. Cuộc gặp gỡ với Lan những tháng
trước đã giúp anh dựng một câu chuyện đẹp. Nhưng còn đoạn cuối sẽ kết
ra sao, bản thân anh cũng chưa rõ. Chỉ biết rằng dù sao thì tâm hồn anh
vẫn là của nghệ thuật, yêu con người, yêu cuộc sống. Anh cũng chẳng nghĩ
tới kết quả của cuộc tình duyên mà anh chỉ thấy nó đẹp lắm, trong trắng
lắm.
Linh tới nhà Lan. Vào nhà, anh thấy một người đang đóng khung lại bức tranh của anh. Linh hỏi:
"Chị Lan đâu hở anh?"
Linh vẫn ngỡ trước mặt mình là một bà con hàng xóm. Lễ mỉm cười:
"Chắc anh là anh Linh phải không?"
Linh ngạc nhiên:
"Sao anh biết?"
"Từ hôm tôi ở đơn vị về, các em gái tôi vẫn nhắc tới anh luôn."
"Ồ! Thế ra anh là anh ruột Lan. Thế chồng cô Lan có ở với anh không?"
Lễ trầm ngâm chậm rãi đáp:
"Tôi với Lễ ở cùng đơn vị. Lễ bị thương nặng mất một chân… nhưng nay khỏi rồi… và cũng sắp về đây."
Linh bàng hoàng, nói bâng quơ:
"Thế à! May quá nhỉ."
Trên
mảnh vườn đầy đào nở, bóng Linh đi. Anh ngắt một bông đưa lên trước mắt
ngắm nghía. Có khi anh dừng bước dưới một cành đào suy nghĩ hồi lâu.
Rồi lại đi.
Bỗng trước mắt anh hiện lên một dãy lay-ơn tím. Màu
tím đập vào mắt anh, đau xót. Anh lặng người một hồi lâu. Rồi ngửng đầu
nhìn trời xanh, nhếch mép cười, nói một mình:
"Âu cũng là một chuỗi ngày rất đẹp. Hồn hoa đâu, có nghe lời nghệ sĩ chăng?"
Đêm 27-12-1956
*
Tử Phác
Hai bài thơ tình
Mưa bóng mây
Trai gái khi tình tự
Nói toàn chuyện không đâu
Chuyện gì cũng nói được
Sao không nói chuyện yêu nhau
Trai gái giận hờn nhau
Nói toàn chuyện không đâu
Từ xưa đến về sau
Tình yêu có bao giờ áp dụng
phê bình, tự phê bình
Nếu đã phải dùng lý lẽ
Để biện bạch
thanh minh
Tình yêu sẽ giật mình biến mất
Muốn nói vẫn ngồi im
Nghe nằng nặng trong tim
Anh thèm hôn rất nhẹ
Lên má em ửng hồng
Khi mắt còn ngấn lệ
Trời chỉ mưa bóng mây.
Một đời một tuần
Chúng ta tìm nhau bao nhiêu năm
Gặp nhau một ngày chủ nhật
Cũng giống như mọi ngày thường
Trải qua bao nhiêu việc đời trôi nổi
Có nhiều chuyện tình cờ
Duy chỉ lòng người không thay đổi
Tôi gặp tôi trong lòng em
Và thấy em trong lòng tôi
Việc thật dễ mà thật khó
Con người đi tìm nhau
Một đời gặp một tuần
Một ngày gặp một phút
Nhắm mắt chết còn hò hẹn
Biết bao giờ lại gặp nhau
Từ muôn thuở vẫn tìm nhau mãi mãi
Thứ hai
Trời không mưa
Trăng rình sau kẽ lá
Nhìn mặt người phân vân
Tự mình không hiểu được
Trăng cười
Soi đường hai đứa đi chơi
Thứ ba
Trời đổ mưa to
Từng giọt mưa vỗ mặt hồ dăn dúm
Từng giọt mưa gõ cửa trái tim tôi
Gọi tôi đi thám hiểm trái tim người
Mưa này gọi mưa trước
Trăng này hẹn trăng sau
Vui buồn đều có chuyện
Chẳng bao giờ hết cớ gặp nhau đâu
“Tình yêu biết chia đôi hợp một
Mỗi người nghĩ cho hai
Hai người nghĩ như một”
Các nhà thơ chỉ tán hão mà thôi
Lúc xa nhau tôi ngỡ gặp em rồi
Khi ngồi cạnh lại thấy em biến mất
Lúc gặp em nghĩ lại thật vô lý
Một chặng nghỉ hồi hộp
Giữa nẻo đường dài điêu đứng băn khoăn
Em làm tôi suy nghĩ
Đến đời tôi
Khoảng thời gian vô lý
Biên thuỳ của hai thế giới hỗn mang
Trước sự sống và mãi sau khi chết
Đêm này qua đêm khác
Tôi vẫn đến tìm em
Để hiểu sự huyền bí
Của những điều vô lý
Một vạn trái núi phương Bắc
Cùng tiết ra một dòng nước khe trong vắt
Suốt quanh năm sóng gợn khói sương bay
Giống chim nhạn từ bốn phương về khao khát
Soi bóng mình tưởng thấy bạn tình đây
Sà xuống bóng mà thành ra chết đuối
Tôi đưa em tới bên suối Nhạn sầu
Đếm xác nhạn đa tình khắc khoải
Khi bốn phương chim vẫn rủ nhau về
Tôi muốn chết trong lòng em như thế
Con suối đời tôi chảy băng băng
Tìm về những chân trời đổi mới
Gặp cảnh đẹp tôi ngoạm bờ ven suối
Hoắm sâu thành vũng lặng
Đón người yêu về tắm rửa tung tăng
Tôi ngậm cả tấm thân em kỳ ảo
Nước hồn tôi mê hoặc mất em rồi
Tôi moi trái tim em ra kỳ cọ
Cuốn hồn em mơ mộng chảy ra khơi
Khi tôi khám phá được chân trời
Tôi sẽ trả hồn em về nhập xác
Đang bập bềnh theo dòng suối đời tôi
Em sống lại khi tình yêu đổi khác
Cả hai đều có gì muốn nói
Không ai chịu bắt đầu
Chỉ chờ người ta hỏi
Nên có buổi đi chơi thầm với nhau
Khi trái tim đang muốn khô thành sắt
Chính là lúc sức nam châm đang bắt
Mỗi chúng ta có một đời riêng lẻ
Mỗi con đường lùi lũi bóng ta đi
Để tìm những gì
Để thấy những gì
Tôi tìm mãi lòng tôi
Lòng một người đang yêu
Cũng là lòng tất cả mọi người
Tôi đi tìm người yêu
Tôi đã gặp chính mình
Từ hôm nay
Bắt đầu một chuyện tình
Vẫn cũ mà lại mới
*
Trần Dần
Hai dòng chữ
Một dòng chữ
Góc tường làng:
“Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”
Người du kích viết dòng chữ này,
Đã gục xuống một đêm kháng chiến…
Một người du kích khác viết theo sau:
“Đấu tranh hoà bình nhất định thắng lợi”
Hai người du kích viết theo nhau,
Hai dòng chữ theo nhau trong Lịch sử…
Tháng 4-1956
Nhớ
Trăng soi anh một góc trời
Trăng soi em một góc trời nhớ nhau.
Nhớ nhau chẳng đợi chiêm bao
Chẳng chờ khắc khoải tinh cầu đổi ngôi.
Em ơi !...
Anh leo một ánh trăng tà
Em leo một ánh trăng tà gặp nhau.
Tháng 3-1956
*
Hồng Lực
Hạnh phúc
(truyện ngắn)
NHẬT KÝ
Tết 1946
Dưới
ánh lửa Hà Nội đang bốc cháy, giữa tiếng nổ của bom đạn, Thoa ghi trang
nhật ký đẹp nhất của đời Thoa cái Tết kháng chiến đầu tiên, cái Tết mà
suốt đời Thoa không thể nào quên được. Thoa cùng anh Lâm cùng tất cả các
bạn đem tuổi trẻ và xương máu của mình để dâng cho Tổ quốc. Thoa không
thấy sợ mà trái lại thấy vui, có lẽ vì một điều rất giản đơn. Chúng mình
chiến đấu ở bên nhau. Mới đầu tưởng rất dễ chết, nhưng không phải, chết
có dễ lắm đâu! Một số bạn bị thương, cũng có bạn đã hy sinh, còn vẫn
tiếp tục chiến đấu…
Minh hoạ của Dương Bích Liên
Tết năm nay
là Tết lịch sử của dân tộc, đồng thời cũng là Tết lịch sử của đời mình.
Đêm giao thừa năm nay cũng là đêm hạnh phúc đầu tiên của hai người. Một
đám cưới thật là kỳ lạ. Trong một căn nhà, gạch ngói ngổn ngang, bàn
ghết lỏng chỏng gọi người quây quần liên hoan. Ban âm nhạc đủ các thứ
kèn bẹp, trống thủng, đàn đứt dây, cả chậu thau, mâm đồng. Thôi thì đủ
kẹo mứt, đường, sữa, lạc tha hồ ăn thoả thích, đấy là “chiến lợi phẩm”
mà các bạn đã đi “thu lượm” từ chiều. Vui quá! Hát! Ăn! Đánh nhau với
giặc, thật là vui như Tết có khác.
Hà Nội cháy khói lửa ngập trời
Hà Nội hồng ầm ầm rung…..
Các
bạn móc túi có gì cho hết! Quà tặng cô dâu chú rể khuân ở đâu về đủ
thứ, mùi xoa, bít tất, khăn len, tất cả có thể mở được một cái cửa hàng.
Những lời chúc tụng: “Chúc chúng mày hạnh phúc mãi mãi”, “Càng vui hạnh
phúc càng hăng chiến đấu, chiến đấu để bảo vệ hạnh phúc”. Từng tràng
liên thanh dài. “Pháo mừng chúng mày đấy!”. Cả Hà Nội liên hoan bằng bom
bằng lửa bằng đạn. Anh ơi! Chúng mình cùng hát to hơn tiếng nổ của bom
đạn để ca ngợi trang lịch sử anh hùng của dân tộc, ca ngợi mối tình rạng
rỡ của đôi ta. Chiến tranh mang đến chết chóc và tan vỡ nhưng chiến
tranh không thể nào tàn phá được lý tưởng và hạnh phúc của chúng mình.
Kháng chiến nhất định thắng lợi! Chúng ta mãi mãi yêu nhau.
Đầu xuân 1947
Vỡ
mặt trận. Em không gặp anh đâu cả. Anh Lâm yêu quý của em, giờ này anh ở
đâu? Trong bệnh viện quân y? Trong đống gạch vụn? Không anh không thể
nào chết được. Anh vẫn còn sống, vẫn chiến đấu, nhưng anh ở đâu? Em
chẳng được tin gì cả. Giữa chúng mình chỉ còn mỗi một sợi dây liên lạc
là lòng tin, là hy vọng. Sợi dây ấy lửa đốt không cháy, dao chém không
đứt.
Mưa xuân lấm tấm rơi, gió xuân nhè nhẹ thổi, hoa xuân đang nở, anh yêu quý của em giờ này đang ở đâu?
Anh còn sống hay là đã chết? Anh còn ở Hà Nội hay đã ra ngoài? Em đã tìm anh khắp các phố mà không thấy.
…
Anh có biết không, em bị một vết thương vào cánh tay. Đã mười hôm nay
vẫn chưa khỏi. Em nghỉ công tác nên cũng nghĩ tới anh nhiều. Sao anh
không ở bên cạnh để săn sóc em, em giận lắm. Ồ, nhưng mà biết đâu. Có
khi anh lại bị thương nặng hơn em nhỉ. Em không giận anh đâu. Em thương
anh lắm. Mà em lại còn có lỗi với anh nữa. Nhưng anh ơi, lỗi không phải
tại em, cũng không phải tại anh, mà tại chiến tranh. Không lúc nào em
mong ngừng tiếng súng bằng lúc này. Bên ngoài súng vẫn nổ…
Tết 1948
Cái
Tết bom lửa còn rõ nét trong trí óc, cái Tết năm nay đã đến với nếp
ngày xưa. Điều khác trước có lẽ là người đi lễ nhiều hơn. Các ông thầy
xem thẻ cũng đắt hàng hơn. Nhà nào chẳng có người ngoài kháng chiến.
Không có tin tức, đành tìm đến số mệnh, đành tin ở thánh thần. Em cũng
đi xin thẻ đấy! Anh đừng cười em nhé! Em chỉ có một niềm vui, niềm an ủi
là đứa con trong bụng. Nhưng nó ra đời trước thời hạn và đã chết trước
khi trông thấy mặt cha. Anh đã xa em, con anh cũng bỏ em nốt! Em khóc
biết bao nhiêu là nước mắt. Cái Tết năm ngoái sung sướng bao nhiêu thì
cái Tết năm nay em đau khổ bấy nhiêu. Đi bên hồ Gươm, gió lạnh, nhìn
xuống mặt nước hồ xanh ý nghĩ chán nản vụt qua, em thấy rùng mình. Không
em phải sống để chờ anh. Chắc là trời làm cho mình xa nhau để biết cái
khổ, lúc gần nhau càng thấy hạnh phúc.
… Một mình em lang thang
đi trên các phố mà chúng mình đã chiến đấu, nhớ lại những chỗ ngồi bên
nhau. Những ngày tươi đẹp nhất đời em cứ lùi dần lùi dần vào dĩ vãng,
làm thế nào níu lại được anh ơi! Bao giờ các anh lại về. Cả Hà Nội chờ
đợi. Em chờ đợi.
… Gia đình em không còn ai, ra kháng chiến cả,
em đành đến ở nhờ nhà ông bác. Em tiếp tục làm y tá. Đành lấy việc hàn
gắn vết thương cho mọi người làm lý tưởng, nhưng trong lòng em mang một
vết thương không ai hàn gắn cho cả.
Cái Vân cái Thuý bạn em lại
đi học. Chúng nó đến chơi với em luôn. Cả anh Nam bạn của anh lại tiếp
tục học trường thuốc. Anh ấy cũng gần gũi giúp đỡ em. Có công việc có
bạn bè cũng đỡ buồn. Nhưng không có gì lấp nổi cái trống trải mênh mông
trong lòng em cả.
… Hà Nội bắt đầu son phấn trở lại. Người ta thi
nhau ăn, diện. Trông bên ngoài tưởng như họ coi kháng chiến là chuyện ở
đâu đâu rừng trên núi xa lắm. Không anh ạ, họ vẫn mang kháng chiến ở
trong lòng. Anh có biết không? Đêm đêm họ vẫn nghe đài Tiếng nói Việt
Nam. Họ vẫn theo dõi và biết tình hình ngoài ấy, thuộc những bài hát
kháng chiến; chỉ có một điều là họ không được nói ra ngoài miệng.
Tết 1949
Lại
một năm qua. Em nhất định chờ anh. Buồn cười quá anh đừng ghen và đừng
giận anh Nam, nhớ. Thấy em cứ vò võ một mình anh ấy cũng thương tâm:
“Tôi rất cảm phục tấm lòng chung thuỷ của Thoa, nhưng tôi cũng thấy
thương Thoa, Thoa đợi ngày nào là khổ ngày ấy. Biết rằng bạn tôi còn
sống hay là đã chết? Biết đâu ở ngoài ấy lâu như thế anh ấy chẳng lập
gia đình. Thoa không nên để tuổi xuân của mình cứ trôi dạt mãi”. Hôm ấy
nghe nói em giận quá. Em gắt: “Mặc tôi việc gì đến anh!”. Sau em cũng
hối, mình quá nóng nảy. Chẳng qua anh ấy vẫn là bạn tốt của chúng mình,
anh ấy thành thực nghĩ như thế thì anh ấy nói thôi. Thế rồi một buổi
cuối thu anh ấy mang đến tặng em một bó hoa và thổ lộ tâm tình. Anh nói:
“Tôi thương Thoa, tình thương của một ngưòi bạn đối với một người bạn,
tôi thấy có trách nhiệm làm cho Thoa đỡ khổ. Thoa cũng nên hàn gắn lại
vết thương của lòng mình, không nên cứ bắt mình phải chịu khổ mãi. Thoa
hãy vui lòng nhận lấy hạnh phúc mà tôi đem lại cho Thoa…” Em không trả
lời gì cả. Em ứa nước mắt. Anh ấy ra về nhưng vẫn thường đi lại với một
tình bạn cao quý. Em có thể chờ anh được, em cứ chờ.
Tết 1950
Minh hoạ của N.
Mấy
cái Tết rồi Hồng Hà ơi! Sao dòng nước vẫn cứ trôi chầm chậm? Anh ơi Tết
năm nay anh ở đâu? Khói lửa vẫn mịt mùng. Phải chăng con người đành
chịu thua định mệnh? Tết năm nay em thấy trong lòng mình như có điều gì
lỗi với anh. Phải chăng như thế là có tội. Em thú thực với anh là trước
tấm lòng thành thực của Nam có lúc em đã nghĩ đành chịu thua số kiếp có
lúc em cũng muốn nhận lời. Anh không giận em nhớ, anh cũng hiểu tất cả
những cái khổ tâm của em chứ! Lòng tốt của Nam không có gì đáng ngờ cả.
Nếu sau này anh về! Em nghĩ rằng lúc đó sẽ liệu sau. Chắc anh cũng
thương em mà cho em quyền tự tìm lấy hạnh phúc cho đời mình. Anh Nam
cũng hứa rằng: Nếu sau này anh còn sống mà về, anh Nam vẫn sẽ là ngưòi
bạn tốt nhất của chúng ta. Đời em, có lẽ đành đợi vậy.
Nam quả đã
đem lại lại phần nào hạnh phúc cho em, em đỡ thấy cô đơn. Nam đã tốt
nghiệp bác sĩ. Nam rất say sưa làm việc chuyên môn có óc tìm tòi nghiên
cứu sáng tạo để góp phần cống hiến cho nên y học nước nhà. Đấy cũng là
điều làm cho em mến và quý Nam.
Tết 1951
Anh Nam yêu quý,
em thực không ngờ cuộc đời lại đi như thế. Em tưởng ngoài anh Lâm ra đời
em không thể thấy hạnh phúc ở ai cả. Em tưởng rằng anh chỉ có thể đem
lại cho em một niềm an ủi nhưng kỳ thực anh đã đem lại hạnh phúc cho em.
Lòng thành thực là niềm thương yêu của anh đã làm cho em cảm động. Em
sẽ nuôi con cho anh và sẽ là ngưòi bạn đắc lực giúp anh trong công việc
tìm tòi nghiên cứu. Hình ảnh Lâm trong trái tim em không bao giờ phai
nhoà được. Nhưng cũng không phải vì thế mà ảnh hưởng đến hạnh phúc của
chúng ta. Em cầu mong cho anh Lâm cũng như vậy. Em vẫn giữ ảnh của anh
Lâm anh không có quyền đụng chạm đến những kỷ niệm dĩ vãng của em đấy
nhé!
Tết 1952
…………
Tết 1953
…………
10-1954 -
Hoà bình trở lại. Các anh đã về! Hà Nội sống lại. Trời ơi vui sướng quá,
em lại đi trong hàng cờ đỏ nhớ lại những năm nào. Không gặp anh Lâm đâu
cả.
Hay là anh đã hy sinh? Lâu lắm hôm nay em lại khóc…
5-11-1954
- Không ngờ anh vẫn còn sống! Anh đen nhưng khoẻ hơn trước. Trông anh
đứng đắn trong bộ quần áo cán bộ em phải phì cười. Không! Anh không
khác, vẫn nụ cười ấy, vẫn con mắt yêu đời vẫn những lời nói có duyên.
Anh cũng đã lấy vợ. Cũng có một con. Thì ra anh cũng nghĩ như em cuộc
đời đành phải thế. Nhưng tình cảm con người như ngọn lửa không gì dập
tắt nổi. Em thoảng thấy anh buồn, lòng em cũng thế. Làm thế nào được.
7-11-1954
- Nam có vẻ giận dỗi với em! Khó tính với em! Ô hay sao Nam lạ thế nhỉ!
Em may áo cán bộ mặc cho ngắn cho gọn cho hợp với trào lưu thì đã sao
mà Nam về lại gay gắt với em! Rồi những chuyện không đâu cũng làm cho
Nam bực mình. Em giận nhất là thái độ lạnh nhạt của Nam đối với anh. Nam
chẳng chịu đi họp đi hành chỉ mài đầu vào phòng thí nghiệm nghiên cứu.
Em khuyên Nam nên ra hoạt động xã hội Nam không nghe. Em muốn anh nhận
thấy vinh quang của người trí thức trong chế độ này mà đứng ra nhận lấy
nhiệm vụ nhưng anh vẫn chưa hiểu. Cả Hà Nội đang tưng bừng thì em phải
buồn và khổ. Anh Nam yêu quý của em, sao anh lại thế? Sao cứ về đến nhà
là anh bực dọc tức tối về anh em cán bộ kháng chiến, có thể là mấy anh ở
bệnh viện anh có khuyết điểm, nhưng sao anh lại thành kiến như vậy. Thì
cũng là bạn anh trước kia cả. Anh chê họ khó khăn, máy móc, kém chuyên
môn. Cũng có thể thế nhưng không hoàn toàn như thế. Anh Lâm đấy, vẫn đầy
đủ những đức tính cao quý. Sống có lý tưởng rộng rãi với mọi người… Thì
ra bây giờ em càng thấy rõ chồng em hẹp hòi quá, chỉ nhìn thấy cá nhân
mình, chỉ nhìn thấy sự nghiệp của mình, hoài nghi cả tình bạn, tình vợ
chồng. Em không ngờ chính anh lại là người thay đổi nhanh chóng đến thế.
Cứ sống vơí nhau như thế này mãi thì em chịu làm sao được?...
15-11-1954 - Những ý nghĩ giầy vò trong đầu em! Anh Lâm, anh sống cũng không hạnh phúc lắm. Thật ư? Hay anh nói dối em.
Không
có lẽ, người cán bộ, người bạn chiến đấu của anh lại không hiểu anh
không mang lại đầy đủ hạnh phúc cho anh. Anh sắm sửa cho con chị cũng
gắt anh là lãng phí, anh mang vải về cho chị may áo dài chị cũng không
bằng lòng. Anh nói là đời sống tập thể và gian khổ của kháng chiến làm
cho chị mất những tình cảm nhỏ nhưng rất cần thiết cho một gia đình.
Có
khi anh buồn cứ ở cơ quan không muốn về nhà. Em nghĩ mà thương nhưng mà
hoàn cảnh của chúng mình cũng thật là éo le. Làm thế nào cho có hạnh
phúc? Cuộc đời cứ đòi hỏi phải suy nghĩ. Hạnh phúc đến với con người
thật không phải là dễ dàng.
Có lúc em nghĩ, hay là chúng mình trở
lại với nhau? Được chứ, chúng mình hoàn toàn có quyền cơ mà! Có lẽ Nam
không đem lại được hạnh phúc cho em nữa. Em sẽ hỏi ý kiến anh xem sao?
20-11-1954
- “Anh cũng rất thương em rất muốn trở lại nhưng không thể được”. Tại
sao thế anh? Em cứ suy nghĩ mãi về những điều anh nói: “Chúng mình có
quyền xây dựng hạnh phúc của mình, nhưng chúng mình còn có trách nhiệm
với người khác. Chúng mình có trách nhiệm với Nam, với vợ anh! Không lẽ
chúng mình có hạnh phúc mà để Nam và vợ anh phải đau khổ. Tất nhiên tình
cảm giữa chúng mình không bao giờ phai lạt được. Điều anh nghĩ là làm
thế nào để mọi người cùng được hưởng hạnh phúc. Em và anh đều đã trải
qua những ngày đau khổ, anh không muốn cho ai đau khổ cả?” Anh nói cũng
đúng! Nhưng làm thế nào được hả anh? Lại tự mình tạo hạnh phúc cho mình.
Có được không? Em khó tin quá…
12-1954 - Em thật là cảm phục
thái độ của anh. Anh là xứng đáng người yêu đầu của em. Nếu không vì
hoàn cảnh éo le thì anh thật xứng đáng là người đáng yêu dấu suốt đời
của em. Thái độ thân ái và giúp đỡ của anh làm cho Nam dần dần biến
chuyển. Em thật cũng mừng. Nam đã vui vẻ tham gia vào hoạt động xã hội.
Nam không hay dằn vặt em. Nam không hay ghen nữa và lại yêu quý em như
trước. Nam thành thực nói với em là đã hối hận về thái độ hiểu lầm anh.
Và Nam rất sung sướng có ngưòi bạn như anh. Đúng như lời anh, em lại tìm
thấy hạnh phúc. Còn anh thế nào? Sao ít lâu nay anh không đến chơi với
vợ chồng em?
Tết 1954
Thật là cái Tết hạnh phúc anh chị
dắt cháu đến thăm vợ chồng em. Chúng em phụ nữ tâm sự với nhau. Em sung
sướng thấy anh cũng đã tự tìm thấy hạnh phúc cho mình. Chị bảo cũng tại
chị hẹp hòi và cũng có ghen với em và chị cũng đã tìm thấy hạnh phúc ở
chỗ biết chiều chồng, biết săn sóc đến những cái nhỏ nhặt trong đời sống
của người chồng. Thì ra đúng những lời anh nói có thể làm cho mọi ngưòi
cùng được sống hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là chuyện gì khó khăn mà
ở tự mình cả. Bài học của cuộc đời cũng đã dạy em như vậy. Em cứ tưởng
từ ngày mất liên lạc với anh là đời em sẽ khổ, em cứ tưởng sẽ sống mãi
với Nam như thế đời em sẽ khổ, nhưng không em có thể tìm ra hạnh phúc.
Cảm ơn anh, cảm ơn cuộc đời.
Mùa xuân lại đến, vui tươi và rực rỡ. Hạnh phúc cũng như mùa xuân cứ đến với người mãi mãi không bao giờ hết được.
*
Trần Thịnh
Pa-ri một đêm Tết lạnh
(bút ký)
Gửi người bạn gái không tên
Tết
năm ấy, tuyết về muộn, Pa-ri xơ xác giữa những hàng cây trụi lá. Người
ta mong tuyết về cho bớt lạnh, bớt buốt. Nhất là đối với những người xa
quê hương, họ trông ngóng tuyết như trông mưa những ngày nắng hạn. Trong
giờ phút đợi tuyết, đợi Tết, trong con người tha hương có nhiều nỗi
nhớ. Nhớ nhiều lắm! Họ thèm khát thú vị Tết của xứ sở. Có lẽ chưa lúc
nào hình ảnh của những người thân yêu rộn ràng, xáo động trong người họ
như lúc này. Càng nhớ nhà, họ càng mong tuyết chóng về cho bớt lạnh…
Hà
Nội đêm nay lạnh quá. Nằm trong lòng thủ đô, Thanh muốn gửi những người
bạn cũ ở ven sông Seine chút hương ấm của xứ sở. Thanh cũng không quên
người con gái Pháp mà Thanh đã gặp trong một đêm giáp Tết, bên lề đường
Pa-ri, năm tuyết về muộn.
Minh hoạ của N.
Pa-ri đêm ấy vắng,
rét nhiều! Buổi liên hoan Tết ở nhà Tương tế tan đã lâu lắm rồi. Tiếng
métro ỳ ầm đã tắt hẳn. Cả tiếng lè nhè sặc rượu của mấy chú ăn mày
chuyên nghiệp quen thuộc cũng không thấy nữa. Gió lùa mạnh vào khe áo
làm Thanh rùng mình. Chiến pipe nóng rẫy trên môi gần như không còn tác
dụng gì đối với anh. Óc nghĩ lan man, Thanh bước đi như một con ngựa
quen đường. Thanh bước vào một phố nhỏ thuộc xóm La-tinh đi tắt cho
chóng đến nhà. Chợt từ trong một xó cửa tranh tối tranh sáng có tiếng
gọi giật nho nhỏ bằng tiếng Pháp: “Ông, ông…”, tiếng gọi rụt rè như
tiếng của một người con gái kiếm ăn đêm mới vào nghề. Thanh hơi nghi
ngại, nhưng tiếng gọi yếu ớt, ngường ngượng có cái gì là lạ khiến anh
dừng lại. Người con gái hơi ngập ngừng nhưng thấy anh dừng lại cũng từ
từ bước ra khỏi xó tối nói với: “Ông, ông muốn…?”
Thanh lắc đầu
từ chối. Khuôn mặt trái soan của người con gái có cái gì làm cho Thanh
ngờ ngợ. Chị cũng chợt nhận ra ở Thanh có cái gì quen quen, vội cúi mặt
xuống định quay đi. Thanh nói vội như cái máy: “Chờ tôi một chút”, nhưng
anh cũng chưa biết anh sẽ làm gì. Anh ngây người ra đứng nhìn người đàn
bà lạ lùng. Anh không nhớ rõ chị ở đâu nữa, nhưng hình như anh đã gặp
khuôn mặt hiền hậu và dáng người nhỏ nhắn ấy nhiều lần những ngày đi lấy
chữ ký chống bom nguyên tử và chiến tranh ở Việt Nam mấy tháng trước
đây. Trời ơi! Sao lại có thể thế được? Anh đoán chừng chị đang gặp khó
khăn nên mới làm công việc đáng tiếc này.
Chị từ từ ngửng đầu lên
nhìn Thanh nửa hối hận nửa trách móc. Cặp mắt chị thâm quầng vì ít ngủ.
Da mặt chị nhợt nhạt dưới ánh đèn. Trông chị co ro trong chiếc áo khoác
dạ tím bạc màu mà tội nghiệp! Nói gì bây giờ chỉ làm chị thêm khổ.
Thanh bảo chị cùng đi kiếm hàng cà-phê uống cho đỡ lạnh. chị rơm rớm
nước mắt, không nói. Thanh đưa tay cho chị khoác. Chị lẳng lặng theo
Thanh đi như một đứa em ngoan ngoãn. Chợt thấy bóng mấy tên cảnh sát nhô
ra ở đầu phố rẽ về phía hai người. Chị hốt hoảng nép vội vào vai Thanh.
Hai người lặng lẽ đi như một đôi tình nhân. Mấy người cảnh sát nhìn hai
người xì xào rồi lại đi thẳng. Chị thở phào một cái như vừa thoát một
tai nạn, nhìn Thanh cảm ơn kín đáo.
Gió thổi mạnh làm tóc chị xoã
xuống mặt, chị lấy tay vuốt tóc rồi chậm rãi kể cho Thanh nghe. Giọng
chị ngập ngừng, nức nở như không muốn nói hết. Trông chị thiểu não, khổ
sở quá! Qua câu chuyện, Thanh biết chồng chị mất việc đã khá lâu, hiện
đang bị ốm; chị phải nghỉ việc gần một tuần nay, đứa con đầu lòng ốm yếu
vì thiếu sữa. Thanh không dám nói nhiều dù là để an ủi chị. Chị mới làm
việc này lén lút từ bốn hôm nay. Nhưng chồng con vẫn ốm! “Bốn hôm nay!”
Người Thanh nóng ran không biết là giận chị hay thương chị nữa! Đêm
càng về khuya càng lạnh. Hai người tới trước quán cà-phê nhỏ. Sau một
tách cà-phê nóng, Thanh đưa cho chị số tiền nhỏ còn lại và ngỏ ý muốn
đưa chị về phía dãy nhà lù mù ở ven sông Seine. Thanh bắt tay chị, đầu
nặng trĩu như vừa dự một phiên toà xử án nhiều người vô tội. Anh định
tâm sẽ tìm gặp lại người con gái ấy, nhưng… Tết năm ấy tuyết không về và
anh không còn gặp lại người con gái ấy nữa!
… Đêm nay, nằm trong
lòng đất nước đón Tết, nghĩ tới Pa-ri, Thanh chợt nhớ đến người bạn gái
xa xôi, không biết giờ đây chị có còn lang thang trên hè phố lộng gió
hay đã về nằm ở nhà lục-sì Saint-Lazare? Thanh muốn gửi chị vài dòng
nhỏ, hy vọng nó sẽ đến với chị bên cạnh hơi thở đều đặn của người yêu,
trong một căn buồng có ánh lửa sưởi ấm, yên tiếng khóc của cháu bé đói
sữa.
Hà Nội, tháng 12-1956
[1]Thứ cây tác giả gọi là
“phong lan” ở đây (tên gọi không chính xác) có lẽ là cây thuộc loại
“hoàng lan” (nên phân biệt với một loại cây thân gỗ khác gọi là cây
“ngọc lan”); hoàng lan là cây thân gỗ, cao tới 4-5m, sống lâu năm, hoa
gần giống hoa móng rồng, khi chín có màu vàng, mùi thơm, thường được các
nhà trồng hoa ven Hà Nội trồng để lầy hoa bán, hoa hoàng lan thường là
một trong các loại hoa chính trong mỗi gói hoa cúng của dân quê miền Bắc
(talawas)
Nguồn: Sách Tết 1957, Nhà xuất bản Minh Đức, 1957. Bản điện tử do talawas thực hiện. Lời giới thiệu của Lại Nguyên Ân.
====
Quang Dũng
Có nhớ về đất Bắc
Có nhớ về đất Bắc
Những người xa quê hương
Người đi từ Xuân trước
Để mùa xuân nhớ thương
Ôi quê cũ xa rồi
Những ngày xưa thơ ấu
Sân đất rắc đường vôi
Xóm làng thơm khói pháo
Vàng nếp thắt lưng sồi
Ôi quê cũ xa rồi
Tiếng còi tàu màn xế
Vẳng sông xuân tiếng nhị
Bài thập ân kể lể
Dài công cha nghĩa mẹ…
Tiếng sẩm tiếng đàn bầu
Còn đọng thưở xuân nào
Một bến tàu Tân Đệ
Ôi quê hương quê hương
Dài rộng những con đường
Đi về nơi thôn mạc
Quần chúc bâu chưa giặt
Sột soạt khắp đường làng
Những nếp áo còn mới
Màu khăn nhiễu tam giang
Cụ già ấm hơi rượu
Đình chùa vẳng khói hương
Tiếng súc sắc, quay đất
Con trẻ cười vang vang
Ôi quê hương quê hương
Máu rỏ những con đường
Mười năm qua đánh giặc
Xác người xanh cỏ đất
Gửi vào đất thịt xương
Gửi vào đất thịt xương
Những con đường máu rỏ
Đầy hai chữ quê hương
Thế mà người ra đi
Có nhớ những con đường
Máu chính mình đã rỏ
Có nhớ những người thương
Hằng nhớ mong vò võ
Ngoài này xuân đã sang
Núi Ba Vì nhớ mong
Như trán người suy nghĩ.
Cứ chảy dài sông Nhị
Sao chảy về phương Nam…
Giòng nước đỏ hùng trầm
Mang linh hồn đát Bắc
Bảo là xuân đất nước
Sao đất nước chia hai
Ngoài này nhớ trong ấy
Trong ấy nhớ ngoài này
Nhớ thương và thương nhớ
Tính đã mấy trăm ngày
Có giới tuyến nào ngăn
Linh hồn và cánh tay
Chế độ nào cấm nổi
Tình ruột thịt ta đây
Rượu xuân vừa cạn cốc
Mong nhớ lại tràn đầy
Tháng 12-1956
No comments:
Post a Comment