HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Sunday 22 September 2013

NVGP *75. THỤY KHUÊ * TRƯƠNG TỬU


75. THỤY KHUÊ * TRƯƠNG TỬU DUY VẬT


Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ qua cái nhìn duy vật biện chứng của Trương Tửu

Thụy Khuê

Bài đăng ngày 25/10/2008 Cập nhật lần cuối ngày 25/10/2008 16:13 TU
Mặc dù phương pháp phê bình mác-xít ngày nay đã lỗi thời, nhưng Trương Tửu vẫn là nhà phê bình sáng giá nhất, trong thế hệ tiền chiến. Bởi ông đã đã cố gắng tìm một con đường văn nghệ mới, thoát khỏi ảnh hưởng độc tôn của lãng mạn. Ông đã cập nhật kịp thời một phương pháp phê bình khoa học, và nhất là ông đã bác bỏ quan niệm sùng bái anh hùng của người Việt mà sau này được tôn lên hàng quốc sách. Ông đã khảo sát các nhân vật lịch sử và văn học như một đối tượng khách quan, và ông đã tranh đấu cho tự do đến dòng chữ cuối cùng.

In bài

Gửi bài

Bình luận bài

Trong tác phẩm Nguyễn Du và Truyện Kiều in năm 1942, ấn tượng sâu đậm nhất mà Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa để lại là sự đả phá quan niệm vĩ nhân, anh hùng và phê phán lòng tự tôn dân tộc. Tư tưởng này đã được ông hoà trộn trong lối tích phân, tổng hợp chặt chẽ những dẫn chứng và biện luận khoa học.

Để tìm hiểu con người Nguyễn Du, trước hết Nguyễn Bách Khoa đi từ khái niệm sinh vật học duy vật của Darwin về thuyết di truyền để giải thích dòng giống Nguyễn Du, rồi ông vận dụng triết thuyết phân tâm của Freud về phần nổi của hữu thức và phần chìm của tiềm thức, để phân tích tâm lý Nguyễn Du và sau cùng ông bước sang quan điểm đấu tranh giai cấp và bình thường hoá vĩ nhân anh hùng của Karl Marx, để xem Nguyễn Du như một thành quả của kinh tế xã hội, lịch sử, có thể khảo sát như một người bình thường với những ưu điểm và nhược điểm.

Trước hết cá nhân Nguyễn Du chịu luật di truyền trong huyết thống cha và mẹ. Cha thuộc dòng họ Nguyễn Tiên Điền, ở Nghệ Tĩnh, nổi tiếng xuất sắc về đường khoa cử văn chương, đúc kết cái khí tiết hiên ngang của vùng đất Nghệ Tĩnh chuyên sản xuất «anh hùng». Mẹ người Bắc Ninh, một tỉnh «giàu có, thích văn chương và phong tình diễm lệ vào bậc nhất ở Bắc Kỳ». Sự giao hoà giữa hai huyết thống ấy và nguồn cội ấy đã nẩy sinh ra thực thể Nguyễn Du.

Nguyễn Du thuộc đẳng cấp thượng lưu trí thức, sống trong một thời đại loạn lạc hung bạo, gia cảnh tan tác, đất nước suy tàn, Nguyễn Bách Khoa viết : « Đẳng cấp Nguyễn Du điêu tàn, huyết tộc Nguyễn Du điêu tàn, lý tưởng tôn vương của Nguyễn Du chưa nở đã héo từ trong chồi nụ, tương lai Nguyển Du đen mù đen mịt, thân thế Nguyễn Du bấp bênh như cánh bèo trên mặt sóng. Tâm hồn bị khủng hoảng đến rối loạn » (Nguyễn Du và Truyện Kiều, Văn Mới số đặc biệt ra ngày 25/12/1942, nxb Hàn Thuyên Hà Nội, trang 78).

Từ nhận định «tâm hồn Nguyễn Du bị khủng hoảng đến rối loạn» trên đây, Nguyễn Bách Khoa đưa phân tâm học Freud ra để giải thích các hiện tượng mà ông gọi là Hallucinations «Cái khiếu ảo giác » và cái «Căn tạng cảm xúc quá độ » của Nguyễn Du (trang 141), để đi đến kết luận: chính cái «căn tạng cảm xúc quá độ» và «cái khiếu ảo giác» là hai điều kiện chủ yếu kết tinh nên tác phẩm Kiều. (trang 39).

Tóm lại, các đặc tính: quốc gia, địa phương, đẳng cấp, tộc họ, trong một khoảng thời gian lịch sử nhất định đã cấu tạo nên «con người Nguyễn Du », rồi «cái căn tạng cảm xúc » và « cái khiếu ảo giác » là hai điều kiện chủ yếu kết tinh tác phẩm Kiều (trang 39).

Từ những nhận định trên, Nguyễn Bách Khoa mổ xẻ tác phầm Kiều, và đưa ra ba nhân vật chính mà ông coi là tiêu biểu cho hình ảnh của Nguyễn Du, đó là Kim Trọng, Từ Hải và Thúy Kiều.

Ở Kim Trọng là hình ảnh toàn khối của nhà nho Nguyễn Du (trang 189) với ba tâm lý cột trụ: đa tình, đa cảm và quả quyết. Kim Trọng chính là chân dung và phong độ Nguyễn Du hay là phần ý thức xã hội, bộc lộ ở bên ngoài:

Thiên tư tài mạo tuyệt vời

Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa.

Ở Từ Hải là giấc mộng Nguyễn Du muốn đạt thành:

Giang hồ quen thói vẫy vùng

Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo.

Từ Hải phản ảnh vùng tiềm thức của Nguyễn Du đã bị dồn nén sâu kín trong tâm hồn mà không đạt được vì bản chất đa tình và nhu nhược của đẳng cấp.

Đẳng cấp đã tạo cho Nguyễn Du một «triết lý xu thời», một «tín ngưỡng định mệnh» và một «khủng hoảng vô biên do sự bất lực gây ra» (trang 226).

Và sau cùng Kiều mới là con người tổng hợp của Nguyễn Du: «bản ngã trí thức hoà lẫn với bản ngã tiềm thức» lập thành một cá tính phức tạp mà Kiều là phản ảnh trung thành (trang 227).

Trong Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa chứng minh rằng những tư tưởng chủ yếu của Nguyễn Công Trứ, như: tính lạc quan, quan niệm hành lạc, chí nam nhi, sự nghiệp vi thần, tựu trung là con đường tư tưởng và hành động của giai cấp sĩ phiệt, xây dựng đế chế, mà Nguyễn Công Trứ là một thành phần tiêu biểu, chống lại giai cấp phú hào mà Nguyễn Hữu Chỉnh là tiêu biểu.

Trong hai tác phẩm Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ, tác phẩm viết về Nguyễn Công Trứ, vì theo sát quan niệm giai cấp một các khá máy móc, cho nên khô khan hơn tác phẩm viết về Nguyễn Du.

Nguyễn Du và truyện Kiều là tác phẩm gây cho Trương Tửu nhiều hệ lụy nhất. Trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, các mũi dùi đánh vào ông phần lớn nhắm vào tác phẩm này (chủ yếu là Hoài Thanh trong bài «Thực chất tư tưởng Trương Tửu»). Có lẽ vì thế mà sau này Trương Tửu bị nao núng, cuối đời khi một học trò hỏi về những tác phẩm ưng ý nhất, ông không nhắc đến Nguyễn Du và Truyện Kiều. (theo bài Kỷ niệm về thầy Trương Tửu của Nguyễn Văn Hoàn, Tạp chí Xưa và Nay số 72, tháng 2/2000).

Nguyễn Du và Truyện Kiều có những nét độc đáo và phạm thượng.

Điểm thứ nhất: tác phẩm triệt hạ chủ nghĩa vĩ nhân, anh hùng; chống lại quan niệm chung của người Việt trong sự sùng bái anh hùng và quan niệm riêng của Đảng Cộng Sản trong sự độc tôn lãnh tụ. Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa không coi Nguyễn Du như một vĩ nhân, một thần tượng, và ông đã khảo sát Nguyễn Du như một cá nhân văn học, một thành quả của biến chuyển kinh tế xã hội, lịch sử.

Điểm thứ nhì: Khi phân tích cá nhân Nguyễn Du, ông đã tìm ra những nhược điểm khá phũ phàng của một con người bệnh hoạn, trong một xã hội bệnh hoạn, trong một đất nước hèn kém, phân tranh, chém giết. Và ông đã thấy ở Nguyễn Du tất cả những nhược điểm của dân tộc Việt Nam, một dân tộc bệnh hoạn, bất lực, ích kỷ, tranh chấp, hoảng loạn.

Khi phân tích tâm lý nhân vật và tìm mối tương quan giữa Nguyễn Du và các nhân vật, một mặt, ông đã có những nhận xét sâu sắc về cá tính mỗi nhân vật, một mặt ông viện dẫn những lý thuyết khoa học về quy luật tâm lý, xã hội, lịch sử, để chứng minh, một cách khá thuyết phục rằng Kiều là sự tổng hợp của tất cả những khủng hoảng trong con người Nguyễn Du, cũng là người Việt Nam, ở thời điểm nhiễu nhương của lịch sử, trong môi trường Lê tàn, Tây Sơn thịnh, rồi mạt, và cuối cùng Nguyễn Ánh thống nhất đất nước.

Nói lên những điều này là một sự «phạm thượng» sâu sắc, chạm vào đầu mối của cả một ý thức hệ sùng bái anh hùng và tự hào dân tộc từ ngàn xưa đến ngày nay.

Trương Tửu tìm thấy và dám gọi ra, đặt tên nó là: «cái bệnh bất lực và hoảng loạn» của Nguyễn Du, tức là của dân tộc Việt Nam, cũng như Lỗ Tấn đã chỉ ra cái bệnh «người Trung Hoa ăn thịt người ». Đó là những liều thuốc đắng để chữa căn bệnh tự tôn hoang tưởng của một dân tộc, nguyên nhân sự thụt lùi về mặt dân chủ và xã hội của hai nước Tàu Việt, và nó nói lên cái can trường của nhà văn, trước những ảo tưởng tự tôn lâu đời nhất về dân tộc mình.

Phương pháp phê bình mà Trương Tửu sử dụng dựa trên hai lý thuyết cơ bản: triết học thực nghiệm của Auguste Comte và triết học duy vật của Karl Marx, trọng tâm của phương pháp dựa trên tiểu sử tác giả và sự khảo sát môi trường lịch sử tác giả sinh sống, để định vị tác giả. Phương pháp này không chuyên chú đến văn bản và giá trị nghệ thuật của văn bản: Giá trị nghệ thuật, ở đây được coi là hiển nhiên không cần xét đến và giá trị tư tưởng của tác phẩm không được chứng minh trực tiếp từ văn bản mà từ những yếu tố môi trường như lịch sử, giai cấp, và xã hội. Và đó cũng là những nhược điểm của phương pháp phê bình duy vật biện chứng. Nhưng cần phải nhắc lại rằng, khi Trương Tửu viết phê bình, thập niên 30-40, thì duy vật biện chứng là phương pháp khoa học mới nhất, bởi vì những phương pháp khác trong phê bình văn học thế Kỷ XX, chưa đến được Việt Nam. Hơn bẩy mươi năm đã trôi qua, lối phê bình đi từ tiểu sử tác giả, lịch sử xã hội và giai cấp để giải thích văn bản và tư tưởng của tác giả, đã bị coi là lỗi thời.

Phê bình hiện đại đi ngược lại con đường này: tức là người phê bình sẽ phải đi từ văn bản, để trước hết, xác định giá trị của tác phẩm qua chính những gì mà mình đọc được trong văn bản, chứ không qua những yếu tố khác, như lịch sử, xã hội, là những yếu tố ngoài văn bản. Bằng những phương pháp khoa học nhân văn như ngữ học, triết học hiện tượng luận, nhân chủng học cấu trúc, ký hiệu học, v.v... người phê bình tìm hiểu tư tưởng và nghệ thuật trong văn bản. Rồi từ những giá trị rút được trong văn bản, mới xác định cá tính nhà văn, dòng tư tưởng chủ lưu của nhà văn và tái tạo xã hội mà nhà văn sống.

Vì phê bình duy vật biện chứng đi từ tiểu sử, thân thế và sự nghiệp, hoàn cảnh lịch sử, và xã hội của nhà văn để xác định giá trị tác phẩm, cho nên, trong cách phê bình của Trương Tửu chúng ta không biết gì về nghệ thuật ngôn từ của Nguyễn Du, không tìm được cấu trúc đan cài giữa tư tưởng và nghệ thuật Nguyễn Du.

Đặc biệt trường hợp Kiều là một áng thi ca trác tuyệt, cho nên điểm quan trọng nhất khi phê bình Kiều là phải tìm được cấu trúc nghệ thuật thi ca của Nguyễn Du.

Kiều còn là một cuốn tiếu thuyết viết bằng thơ, từ tác phẩm văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân: Nguyễn Du đã theo sát cốt truyện đến từng chi tiết, gần như một dịch phẩm, tức là tôn trọng nguyên bản về cá tính nhân vật, đối thoại, khung cảnh, tất cả là Tàu, bởi Thanh Thanh Tâm Tài Nhân viết về xã hội Tàu. Cho nên khi phân tích Kiều, khó có thể bỏ qua nghệ thuật Nguyễn Du trong sự kết hợp văn xuôi với văn vần như thế nào, về sự Nguyễn Du đã Việt hoá cái xã hội nhà Hán dưới những năm Gia Tĩnh triều Minh đó như thế nào, khiến cho người Việt khi đọc Kiều, dù còn ở Lâm Truy hay đã đến Tiền Đường, cũng không hề thấy đó là khung cảnh đất nước Tàu, mà chỉ thấy một bà vãi Giác Duyên thuần Việt, một mụ Tú Bà thuần Việt «thoắt trông nhờn nhợt màu da, ăn gì to lớn đẫy đà làm sao».

Tóm lại Nguyễn Du đã Việt hoá cả bối cảnh lịch sử, địa lý, lẫn văn hoá của nhà Hán.

Lối phê bình duy vật biện chứng nói riêng và lối phê bình theo sử quan và triết học thực chứng nói chung, không cho chúng ta những giải đáp trực tiếp về văn bản, nên không thể chứng minh được Nguyễn Du khác với Thanh Tâm Tài Nhân ở chỗ nào. Tại sao tác phẩm của Thanh Tân Tãi Nhân chỉ là một cuốn tiểu thuyết «thường thường bậc trung» trong khi Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác.

Trong văn học Việt Nam, hai tác giả tiêu biểu đã làm được công việc Việt hoá một tác phẩm ngoại quốc, đó là trường hợp Nguyễn Du với truyện Kiều và Hồ Biểu Chánh khi ông viết lại những tiểu thuyết của Victor Hugo, Hector Malot sang tiếng Việt, ông cũng đã Việt hoá khung cảnh địa lý lịch sử và văn hoá Pháp.

Khi phê bình Nguyễn Công Trứ, phương pháp duy vật trở thành phương pháp duy nhất mà Nguyễn Bách Khoa sử dụng: Nguyễn Công Trứ trở thành biểu tượng của giai cấp sĩ phiệt, tư chất và hành động của Nguyễn Công Trứ hoàn toàn là phát biểu của giai cấp. Cuốn Nguyễn Công Trứ vì thế khô khan hơn và nó mang những nhược điểm xuất phát từ sự tuyệt đối hoá quan niệm mác xít.

Khi ghép Nguyển Công Trứ vào giai cấp sĩ phiệt, pháp biểu theo quyền lợi của giai cấp sĩ phiệt, thì không thể giải thích được trường hợp Cao Bá Quát. Cùng nguồn gốc trí thức quan lại, tại sao Nguyễn Nguyễn Công Trứ phò vua, còn Cao Bá Quát làm loạn?

Vậy cuộc đấu tranh tư tưởng của Cao Bá Quát là gì? Cao Bá Quát cũng thuộc giai cấp sĩ phiệt, nhưng ông đã lựa chọn Tự do tư tưởng, lựa chọn đứng về phiá người Dân, chống lại ý thức độc tôn, độc trị của triều đình phong kiến; tương tự như Trương Tửu là người mác-xít, đứng lên chống lại triều đình Cộng sản.

Cái khác biệt giữa Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát, cũng giống như cái khác biệt giữa Trương Tửu và Đặng Thai Mai. Đó là sự lựa chọn của người trí thức trước tình thế: Cùng nhóm Hàn Thuyên, cùng chịu ảnh hưởng tư tưởng mác-xít và đệ-tứ, tại sao Đặng Thai Mai phục vụ, còn Trương Tửu chống lại chính quyền cộng sản? Chính sự lựa chọn ấy xác định con đường mà người trí thức đi và hành xử với đời. Con đường ấy xác định giá trị của người trí thức trước lịch sử. Cao Bá Quát và Nguyễn Công Trứ cùng dòng dõi thế tộc, cùng đi vào con đường thi cử và quan lộ. Ngõ ngoặt đầu tiên của Cao Bá Quát là gặp bài thi của những thí sinh, viết hay nhưng phạm huý, ông bèn sửa mấy chữ phạm huý để cứu bài viết, đó là lựa chọn đầu tiên: đặt văn hoá lên trên luật pháp vô lý, thô thiển của những người cầm quyền. Bị kết án trảm giam hậu (tội chém, giam rồi xét sau). Rồi cũng được triều đình «khoan hồng», chỉ cách chức và cho đi xứ Batavia (tức là Indonésia) lấy công chuộc tội. Trở lại triều đình, không chịu được những thối nát của bọn quan trường, lại làm thơ châm biếm, chỉ trích. Lựa chọn thứ nhì: không về hùa với phường giá áo túi cơm. Bị chuyển xa kinh đô, về Quốc Oai, Sơn Tây, thấy dân tình đói khổ, nạn châu chấu hoành hành, mùa màng mất sạch, mà vẫn bị sưu cao thuế nặng, nổi lên. Cao Bá Quát theo nghiã quân chống lại triều đình. Lựa chọn thứ ba: đứng về phía những người yếu kém.

Như vậy, cùng một hoàn cảnh lịch sử, cùng thế gia vọng tộc, cùng đi vào quan lộ, cùng không bi bạc đãi, nhưng sự lựa chọn của họ Cao khác hẳn sự lựa chọn của họ Nguyễn. Tóm lại, Cao Bá Quát ở trong giai cấp sĩ phiệt nhưng ông không biểu trưng cho giai cấp sĩ phiệt mà ông chống lại giai cấp sĩ phiệt.

Cái giới hạn của phê bình mác xít là coi con người là biểu trưng của một giai cấp, mà không chú ý đến cá nhân nhà văn, đến sự lựa chọn của nhà văn trong cùng một hoàn cảnh, một môi trường, một xã hội, một nguồn gốc, có kẻ phản ứng như thế này có kẻ phản ứng như thế khác, chính cái sự lựa chọn ấy mới xác định tư cách và hành động của nhà văn. Sự lựa chọn ấy phát xuất từ môi trường, bị ảnh hưởng của môi trường gia đình và xã hội, nhưng không phải chỉ có thế, mà nó còn phát xuất từ cái projet, cái dự tính, cái dự trình, mà cá nhân con người muốn xây dựng nên đời sống của mình. Cái dự trình đó, là duy nhất, tự thân mỗi cá nhân, không thể đồng hoá với môi trường và giai cấp.

Một thời tao loạn như thời Lê mạt, đã nẩy sinh bao nhiêu nhân tài, với những lựa chọn và dự trình sống hoàn toàn khác nhau, như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Thanh Quan, Xuân Hương v.v... mỗi người một cá tính, một lựa chọn riêng, dù họ đều được đào tạo trong cùng một môi trường, cùng phát xuất ở những dòng trí thức vọng tộc, nhưng họ chẳng thể là đại biểu cho giai cấp của họ, mà là đại biểu của chính cá nhân họ, nhờ thế mà cùng ở cùng một thời điểm lịch sử, chúng ta có những nhà văn khác nhau, có những tiếng nói khác nhau.

Tính giai cấp cũng không giải thích được ngay cả trường hợp Trương Tửu. Là một người thuộc giai cấp nghèo, ông đã đi theo lý tưởng cách mạng vô sản. Nhưng sau đó, ông đã kịp thấy trước mọi người nguy hại của sự độc tài đảng trị và ông đã chống lại. Sự lựa chọn của Trương Tửu phát xuất từ cá nhân ông, không dính dáng gì đến giai cấp vô sản, mà phần đông đã chấp nhận sự thống trị của đảng Cộng Sản trên mọi phương diện.

Để kết luận về hành trình của Trương Tửu, chúng ta có thể nói rằng: Mặc dù phương pháp phê bình mác xít ngày nay đã lỗi thời, nhưng Trương Tửu vẫn là nhà phê bình sáng giá nhất, trong thế hệ tiền chiến. Bởi ông đã đã cố gắng tìm một con đường văn nghệ mới, thoát khỏi ảnh hưởng độc tôn của lãng mạn. Ông đã cập nhật kịp thời một phương pháp phê bình khoa học, và nhất là ông đã bác bỏ quan niệm sùng bái anh hùng của người Việt mà sau này được tôn lên hàng quốc sách. Ông đã khảo sát các nhân vật lịch sử và văn học như một đối tượng khách quan, và ông đã tranh đấu cho tự do đến dòng chữ cuối cùng.


Văn Học Nghệ thuật _ 20081025
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/106
logger.


No comments:

Post a Comment