HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Tuesday, 17 September 2013

300. .THẲO LUẬN VỀ THƠ VIỆT BẮC * II


7.THẲO LUẬN VỀ THƠ VIỆT BẮC * II

Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ Việt Bắc
Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn (3/15)
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15

6. Hoàng Yến

Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?

Tập thơ Việt Bắc, sau khi xuất bản đã gợi ra một số thắc mắc văn nghệ làm đầu đề cho những cuộc bàn cãi sôi nổi.

Thơ Tố Hữu đã trở thành một vấn đề văn nghệ nóng hổi của chúng ta hiện nay. Và một triển vọng có thể đạt tới là việc nghiên cứu, phê bình tập thơ Việt Bắc nếu mở rộng, đào sâu thì nhất định sẽ đẩy mạnh sáng tác và soi rõ thêm cho đường lối của thi ca Việt Nam.

Ðể bắt đầu cuộc thảo luận, chúng tôi đăng bài dưới đây của Hoàng Yến, [1] một bạn công tác văn nghệ trong quân đội, tiếp theo bài của Xuân Diệu đăng hai kỳ trước. Sau bài này sẽ còn nhiều bài khác và chúng tôi mong anh chị em văn nghệ cũng như độc giả thuộc các giới tham gia đông đảo. Chúng tôi mở một "tự do diễn đàn" và yêu cầu các bạn tích cực tỏ bày ý kiến riêng, theo đúng tác phong "nói thật, nói thẳng, nói hết", dù có những điểm mà chúng tôi không đồng ý, chúng tôi cũng hoan nghênh.

Văn nghệ


Tập thơ Việt Bắc chủ yếu là tập thơ kháng chiến. Sự sống trong thơ là sự sống nhiều mặt của cuộc kháng chiến toàn diện, toàn dân. Tình cảm trong thơ là những tình cảm lớn của con người kháng chiến đồng thời cũng là những tình cảm lớn của thời đại.

Vấn đề đặt ra là tôi muốn biết tác giả đã đi đến với sự sống nhiều mặt đó như thế nào? Ðã xúc cảm người đọc đến mức độ nào? Hay nói một cách khác, tôi muốn thử nghiên cứu, xác định, đánh giá khả năng hiện thực trong thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Qua tám năm kháng chiến, cuộc sống lớn mạnh và cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc ta có tất cả các hình thức sinh động, muôn vẻ muôn màu. Chưa bao giờ tâm hồn của con người chúng ta luôn luôn có những biến chuyển lớn lao như vậy. Những tình cảm ươn hèn của con người cũ rụng dần vào dĩ vãng. Ngày ngày những tình cảm mới phát triển và sinh thành. Cái quá trình tiến triển ấy dĩ nhiên là không phải thẳng tuột mà ngoằn ngoèo, phức tạp. Chỉ nhìn giản đơn một chiều, sẽ không hiểu thấu được cuộc sống. Tính chất hiện thực của sáng tác do đấy sẽ bị hạn chế và giảm sút đi nhiều. Với một quan niệm như vậy tôi đi vào phân tích một vài tình cảm lớn đã thể hiện qua thơ Tố Hữu.

Tôi bắt đầu với tình cảm phá đường trong bài thơ “Phá đường”, một bài thơ được phổ biến rộng khắp từ Bắc chí Nam. Tình cảm phá đường là một tình cảm tiêu biểu trong một giai đoạn chiến tranh nhất định. Tình cảm ấy đã được tác giả đào sâu và lột tả như thế nào? Trong đoạn đầu bài thơ, tác giả đưa ra hình ảnh một người phụ nữ nông thôn, mặc dù trăm công nghìn việc, con bế con bồng vẫn vui vẻ theo chồng đi phá đường quan. Cái tinh thần hăng hái phục vụ, cái nhiệt tình kháng chiến quên mình ấy, tác giả đã khéo đưa lên với những câu thơ mộc mạc và ý nhị. Nhưng cái tinh thần và tình cảm ấy không chỉ riêng gì trong công việc phá đường mà nó biểu hiện trong mọi công tác phục vụ khác bất kỳ ở đâu, lúc nào, khi mà kháng chiến cần những bàn tay chiến đấu sáng tạo của người nông dân lao động.

Ðoạn sau tác giả mô tả cảnh phá đường bao trùm trong không khí phấn khởi thi đua làm việc. Ðây cũng lại là những cảnh lao động thông thường chung chung mà người ta thường bắt gặp bất kỳ ở hậu phương hay tiền tuyến, trong công tác phá hoại hay kiến thiết. Cái đặc trưng của tình cảm phá đường vẫn chưa được lột tả.

Cách đây không lâu, tôi nhớ có đọc một bài thơ của người anh em mô tả cảnh đắp đường. Nội dung, bố cục cũng giống na ná như bài “Phá đường”. Tuy cách nói có khác nhau nhưng ý tình cũng vẫn là: "Nhà em con bế con bồng, em cũng theo chồng đi (đắp) đường quan", cũng: "Hì hà, hì hục, lục cục, lào cào" cũng thi đua phấn khởi: "Anh tài thì em cũng tài, đường dài ta (lấp) sức dai ngại gì".

Tôi bỗng tự hỏi thế thì tình cảm của con người "phá đường" trong kháng chiến và "đắp đường" trong hòa bình khác nhau ở chỗ nào? Câu hỏi ấy, tác giả bài “Phá đường” trong một vài câu đơn sơ để vào đoạn cuối:

Thằng gian Tây mày cứ vẩn vơ
Có hố này chờ chôn sống mày đây...
Ớ anh, ớ chị nhanh tay
Nhanh tay ta cuốc chôn thây quân thù

chưa giải đáp được thỏa đáng.

Dĩ nhiên trong hai sự việc ấy, trông bên ngoài đều có những hiện tượng, những động tác giống nhau. Lưỡi cuốc phá đường chặn giặc và lưỡi cuốc đào mương khai nước cùng là một lưỡi cuốc. Nhưng trong mỗi sự việc, có những ý tình khác nhau, những tâm tư khác nhau. Tuy trong hai sự việc đều dạt dào một niềm phấn khởi cách mạng, nhưng mức độ tình cảm khác nhau, khía cạnh tình cảm khác nhau, cái đặc tính của tình cảm và lý trí ở mỗi sự việc khác nhau.

Tình cảm phá đường là tình cảm tiêu biểu trong một giai đoạn kháng chiến. Người nông dân kháng chiến chính tự tay mình phải hủy hoại con đường của mình, của đất nước yêu dấu của mình để chặn đường giặc tiến không phải không thấy lòng đau xót. Và chính cái niềm đau xót lành mạnh ấy đã khởi bùng thêm ngọn lửa căm thù để biến thành hành động. Cái ý chí diệt thù, người dân phá đường đem trút trên từng nhát cuốc, đường gân. Có thế, cái khía tích cực của tình cảm phá đường mới khơi động được sâu sắc.

Cái khía tích cực của tình cảm ấy, cái đau xót chân thành ấy tôi tưởng đã lột tả được trong mấy câu mở đầu của một bài ca dao kháng chiến ở Liên khu Năm:

Lấy búa mà bửa chân trời
Lấy dao mà chặt lìa đôi nhịp cầu
Thà rằng cách trở sông sâu...

Con đường ấy, cái cầu ấy thường ngày đã in bao dấu vết của cuộc sống thân yêu, thế mà bây giờ phải lấy dao mà chặt lìa đôi nhịp cầu. Và thà rằng đó đây có cách trở sông sâu đi nữa, còn hơn là để cho giặc có cầu giặc qua.

Một câu thơ phá đường khác của một người du kích Nam Bộ nói lên tình cảm ấy một cách gọn ghẽ, trọn vẹn và tài tình hơn:

Con đường số Bẩy của tao
Nó đi theo giặc tao đào nó đây

Con đường đó trước kia là con đường của tao, một khúc ruột của đất nước tao. Nhưng giặc đã dùng được nó, nó đã đi theo giặc nên tao phải đào nó đấy. Thấm thía xót xa nhưng cũng quyết liệt mạnh mẽ xiết bao! Tay đào con đường mà lòng tưởng như phải giết chết một người thân yêu phản bội đi theo giặc. Có thế mới phản ảnh đúng được cuộc sống sinh động muôn vẻ, muôn màu. Có thế mới gợi lên được những tình cảm vĩ đại kết tinh từ trong máu lửa, nước mắt mồ hôi, rèn luyện qua bao nhiêu thử thách trong cuộc kháng chiến anh dũng trường kỳ.

Trong hầu hết các bài thơ đầu kháng chiến của Tố Hữu một hình ảnh nổi bật lên: hình ảnh anh bộ đội chiến đấu. Tác giả đã dành riêng cho anh bộ đội một góc thơ, một góc lòng, ấm cúng và thân yêu nhất của mình.

Mang theo tấm nhiệt tình ấy, tác giả vác ba-lô, tay dao, tay súng, đạp rừng gai, đá sắc, lội suối trèo đèo, lên Tây Bắc, sát cánh cùng người chiến sĩ trực tiếp chiến đấu ở mặt trận. Nhưng bài “Lên Tây Bắc” đã làm ta hơi thất vọng. Thi sĩ còn xa cách người chiến sĩ. Tác giả còn đương đi tìm anh bộ đội.

Anh đi tìm giặc, tôi tìm anh
Người lính trường chinh áo mỏng manh

Hình ảnh anh bộ đội, thi sĩ thấy rất đẹp:

Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo.

Nhưng đó là cái đẹp bên ngoài, cái đẹp hiên ngang, bóng dài trên đỉnh dốc, trong ánh nắng chiều.

Và qua bao ngày lặn lội, thông cảm nỗi gian khổ của người bộ đội, tác giả viết:

Lại những ngày đi vắt với sương
Ngô bung xôi nhạt, nước lưng bương
Ðêm mưa rình giặc tai thao thức
Mùa lại mùa qua rét nhức xương

Trước cái "vô cùng gian khổ", cái gian khổ cao độ và trường kỳ của người lính chiến đấu, mấy câu thơ trên quả đã bàng quan và bất lực.

Và ở đây tôi cũng lấy làm lạ tại sao tác giả đã cùng chiến sĩ đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi trong hành quân, lúc chiến đấu, đã từng "vắt cơm thấm nước, tàu lá lót lưng" mà không hề đả động đến mối tình đồng đội ruột thịt ấy. Tôi tưởng đó là một tình cảm mới nhất, tình cảm của những người chiến đấu sống chết có nhau từng chia nhau củ sắn trên đồi chè, múi bưởi trong rừng cọ, một mảnh chăn đơn, một tàu lá chuối, trong giá rét, trong mưa dầm.

Ðêm nay gió rét lạnh lùng
Cắt tàu lá chuối lót lưng đỡ đầu...
Anh ơi! ôm lấy lưng tôi
Chúng ta đùi cặp lấy đùi cho nhau
(Thơ chiến sĩ)

Cái tình keo sơn gắn bó, máu chảy ruột mềm, cái tình đoàn kết tương trợ cao quí và thiêng liêng ấy tôi tưởng thắm thiết hơn cả tình đào viên kết nghĩa, đạo nghĩa vợ chồng. Tôi nghĩ đến anh Phần lấy thân bắc cầu cho đồng đội bước qua. Tôi nghĩ đến anh Hàn miệng cổ cháy khô vẫn nhịn chút nước cho đồng chí bị thương rồi bò đi liếm từng giọt sương trên cỏ lá. Tôi nghĩ đến câu nói “đào cho nó thêm vài xuổng, liệm thêm cho nó cái màn để cho nó mồ yên mả đẹp”. Nằm trong tình giai cấp rộng lớn, được chủ nghĩa soi đường, cái tình ấy trở nên sáng suốt lạ thường đến đỗi khi thấy một đồng đội đào ngũ đã nói lên:

Chém cha cái bọn giặc Tây
Cái mùi tôi tớ đến nay vẫn còn
(Thơ chiến sĩ)

Nói đến con người bộ đội chiến đấu mà không nói đến tình cảm ấy, tôi tưởng đó là một thiếu sót. Vẫn còn rất xa lạ với tâm tình người chiến sĩ. Nhưng một khi Tố Hữu đi sâu vào tình cảm của người "nông dân mặc áo lính", đi sâu vào cái nguồn tiếp tế tinh thần dồi dào vô tận của người chiến sĩ, cái tình gửi về hậu phương, nơi chôn rau cắt rốn, nơi mái thôn nếp rạ, vách đất bờ tre, ở đấy có người mẹ già tóc bạc hoa râm, thì câu thơ trở nên thắm thiết, ấm cúng lạ lùng.

Không phải thơ Tố Hữu nữa mà là nỗi lòng nhớ thương của người chiến sĩ đương thánh thót:

Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu

Trên con đường chiến đấu gay go ác liệt mỗi khi nhớ đến bầm, đến cả cuộc đời đầy nước mắt mồ hôi, còng lưng dưới ách đế quốc địa chủ cường hào, thắt lưng buộc bụng nuôi con, thì bao nhiêu gian lao khổ ải trước mắt như chửa thấm vào đâu.

Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khổ nhọc đời bầm sáu mươi

Nhưng con là con đẻ của nhân dân lao động, nên tuy xa bầm, mà lòng con vẫn được ấp ủ trong tình thương của bao nhiêu bầm:

Con đi mỗi bước gian lao
Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm

Chỉ hai câu thơ thôi, thi sĩ đã truyền vào lòng mọi người chiến sĩ cả một nguồn an ủi, khuyến khích, mến thương, sâu rộng.

Nhưng một khi nhà thơ không đi sâu vào tâm hồn mà trở lại làm người khách của bộ đội để: "Chúc anh pháo binh bắn thẳng vào đồn cho đúng", để "anh đại bác, tôi chờ anh để hát" thì giòng thơ lại trở nên dửng dưng, thiếu sinh khí.

Phút công đồn là phút quyết liệt nhất trong cuộc đời người lính chiến đấu. Cái nhiệm vụ cao nhất của người chiến sĩ đã sắp đến tay rồi. Nhân dân nuôi cơm nghìn bữa để hôm nay đánh giặc một giờ. Bao hồi hộp lo âu, tin tưởng phấn khởi và quyết tâm cùng đổ dồn trong một lúc. Nhưng tình cảm ấy tác giả chưa thông cảm. Ðọc xong bài “Bắn” chúng ta thấy không gợi được một cảm giác gì, không để lại một ấn tượng gì dù là không sâu sắc. Con mắt nhìn đồn địch trên khoảnh đồi đỏ "ngon như miếng thịt bò tươi" thì thật là xa lạ với chiến sĩ. Vả lại người nông dân mặc áo lính cũng ít khi được thấy đĩa thịt bò tươi. Không kể đoạn giữa bài thơ mô tả một cách tự nhiên và thô sơ cảnh trông đợi khai hỏa và cảnh chào cờ trong đồn địch, ngay đoạn tác giả gợi căm thù cũng rất chung chung, đại khái, không sôi sục được lòng người đọc:

Bao đồng chí của ta bay đã giết
Chặt đầu cắm cọc phơi khô
Chị em ta, bay căng thịt lõa lồ
Con em ta bay quẳng chân vào lửa
Lúa ngô ta bay cướp về cho ngựa
Xóm làng ta bay đốt cháy tan hoang

Tác giả đã nói đúng và đủ. Nhưng chất thơ không phải ở chỗ đúng và đủ. Ðặc tính của thơ là nói ít mà gợi nhiều. Có thể nói tác giả đã tổng kết sự việc trên tài liệu chứ chưa kinh qua thực tế của cuộc sống để tổng kết chất thơ. Cũng vì vậy những câu thơ mô tả những chiến công lịch sử ở Ðiện Biên tuy đôi đoạn hơi thơ có vẻ mạnh, khí thơ có vẻ hùng nhưng người đọc, nhất là những đồng chí đã dự mặt trận Ðiện Biên thấy chưa thỏa mãn và còn giả tạo.

Thiếu tính chất cụ thể, thiếu chi tiết sống điển hình, thơ sẽ mất nhiều hiệu năng gợi cảm. Mà những tính chất cụ thể ấy những chi tiết điển hình ấy chỉ có thể có trong sự sống. Tôi nghĩ rằng, thơ cũng phải kinh qua giai đoạn sống, thu thập "tất cả cái văn học nghệ thuật dưới hình thái tự nhiên" thì thơ mới biểu hiện được cuộc sống một cách sâu sắc và trọn vẹn. Cái nhược điểm trên đây đã làm một số bài thơ trong tập Việt Bắc ít rung cảm được người đọc và làm yếu tác dụng hiện thực đi nhiều.

Tập thơ Việt Bắc nói đến những tình cảm lớn của thời đại. Nhưng nó đã kết tinh trọn vẹn được tình cảm của thời đại chưa? Nó đã nói được tiếng nói tiêu biểu của thời đại chưa?

Thời đại đó như thế nào? Nó có những đặc điểm gì?

Rõ ràng thời đại chúng ta là thời đại quần chúng đương chuyển biến, mạnh mẽ và dồn dập. Dưới sự lãnh của Ðảng, cả một dân tộc nhất tề đứng dậy bảo vệ quê hương, bảo vệ đất nước; hàng triệu nông dân lao động vùng lên thét căm thù vào mặt địa chủ cường hào. Bước đi rầm rập tưởng như chuyển đất rung trời.

Thời đại chúng ta cũng lại là thời đại có nhiều mất mát, chia ly và đau xót. Tiếng nói bao trùm cả thời đại là tiếng nói giận dữ căm hờn thúc giục chiến đấu.

Tôi tưởng một thi phẩm phản ảnh được thời đại phải trào lên những giòng thơ hừng hực chiến đấu, đỏ rực căm thù, có mãnh lực động viên kích thích hàng triệu người ra mặt trận đấu tranh.

Ðọc xong Việt Bắc, hình ảnh để lại trong lòng ta là những hình ảnh đẹp, ý nhị, nhẹ nhàng. Khía rung động sâu sắc nhất là khía mến thương thắm thiết, tâm tình. Phần lớn các câu thơ đều có dáng dấp hiền lành dìu dịu.

Ðối chiếu với cuộc sống mãnh liệt đi băng băng như con ngựa phi, cuồn cuộn như giòng thác đổ, thơ Tố Hữu còn bước những bước đi thong thả, giòng thơ còn trôi chảy lặng lờ. Ðôi lúc cũng có sông xáo [2] nhưng đó chỉ là những sóng nhỏ vỗ bờ.

Có một điều tôi tưởng cần phân biệt là không phải trong thơ Tố Hữu không nói đến căm thù, chiến đấu, nhưng nói trong thơ là một việc còn thơ tự nó nói lên lại là một việc khác.

Bài thơ “Việt Bắc” là một trong những bài thơ thắm thiết nhất của Tố Hữu.

Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.

Cái tình thương người mến cảnh nồng nàn ấy đã biến thành một tiếng hát trong ngần, "tiếng hát ân tình thuỷ chung". Cả một đoạn thơ dài:

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Ðáy, suối Lê vơi đầy...
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa...
Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng...

Ta tưởng như nghe tiếng nói thầm lặng rì rào của đất nước thân yêu từ ngàn xưa vọng lại.

Nhưng khi Tố Hữu nói đến cái Việt Bắc oai hùng, cái đất thần thánh, thiêng liêng của cách mạng thì hơi thơ đuối, khí thơ đoản, cái nhiệt tình nóng cháy trên kia tưởng như giảm sút đi. Những câu:

Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh đao [3] đầu súng, bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc những đoàn.
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

Và những đoạn như:

Ai về ai có nhớ không
Ta về ta nhớ Phủ Thông, Ðèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ Phố Ràng
Nhớ từ Cao Lạng, nhớ sang Nhị Hà

chưa dựng được trong lòng ta cái Việt Bắc tôn kính, khởi điểm của cách mạng, chủ não của kháng chiến, miếng đất lịch sử đã ghi những chiến thắng lịch sử quyết định bước chuyển biến cả một giai đoạn chiến tranh.

Nhưng điểm cần chú ý trong bài thơ “Việt Bắc”, là cách đặt vấn đề, cách nhìn cái khía tình cảm của tác giả. Cái việc từ Việt Bắc tiến về Thủ Ðô là một sự kiện lịch sử lớn lao, đánh dấu một bước thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Ðó là ngày mong đợi thiết tha nhất của mọi tấm lòng, trong đó có cả tấm lòng Việt Bắc. Việt Bắc anh dũng oai hùng cũng để cho Thủ Ðô có ngày giải phóng. Thủ Ðô lộng lẫy đẹp tươi càng làm cho Việt Bắc thêm anh dũng oai hùng. Việt Bắc - Thủ Ðô không mâu thuẫn mà thống nhất khăng khít trong bước trưởng thành chung của dân tộc. Tôi tưởng người Việt Bắc không phải chỉ vì chút tình riêng tây mà quên cái vui tưng bừng chiến thắng, không vì cái ủy mị tình cảm nhất thời mà quyến luyến phân ly "bước đi một bước, giây giây lại dừng", "Mình về mình có nhớ ta".

Tôi quan niệm cái việc tiến về Thủ Ðô là cả một khí thế xuất sơn tiến về đồng bằng, cái khí thế "Nam hạ" mạnh mẽ, bừng bừng không sức gì cản nổi. Những câu thơ:

Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son...
Nước trôi nước có về nguồn
Mây đi mây có cùng non trở về

đã không gợi đến cái khí thế bừng bừng ấy mà làm ta thêm ái ngại ngậm ngùi với cảnh heo hút đìu hiu của Việt Bắc sau lúc cơ quan bộ đội rút về xuôi. Khác với câu thơ lục bát trong sáng hồn nhiên trong bài “Bầm ơi!”, câu thơ trong bài “Việt Bắc” uốn éo với một lời duyên dáng nửa cũ nửa mới thiếu thành thực. Kỹ thuật thơ trong bài “Việt Bắc” rất điêu xảo nhưng nội dung tình cảm rất yếu đuối và có chiều đi xuống. Và khi về Thủ Ðô, những câu thơ sau đây trong bài “Lại về”:

Hà Nội ta không khuất
Hoả Lò thêm Nhà Tiền
Những đứa con vào chật
Hà Nội ơi vùng lên!...

chưa lột tả được sức đấu tranh sôi sục trong lòng Thủ đô, sức chịu đựng dũng cảm của người dân Hà Nội, tinh thần quật khởi của người công nhân Hà Nội. Nói chung cái khía tích cực của tình cảm mới, Tố Hữu chưa khơi động hết.

Viết đến đây tôi sực nhớ lại câu chuyện ở một trạm xá quân y hỏa tuyến trên mặt trận phối hợp Hà Nam Ninh, thu đông 52. Trận đánh đương ở thời kỳ gay go quyết liệt, thuốc men lại thiếu thốn vô cùng. Mổ xẻ, cưa chân cưa tay thường là không có thuốc tê. Buổi sáng ấy trời mưa dầm. Tôi vừa bước chân vào trạm xá thì nghe một giọng ngâm thơ sang sảng, bài thơ rất quen thuộc. Tôi thấy một chiến sĩ trẻ măng bị thương ngồi để y sĩ cưa chân, vừa ngâm thơ Tố Hữu.

........................
Thì em hỡi đi tìm cảnh lạ
Ở làm chi nấn ná cho thêm phiền
Ði đi! Vui vẻ với hồn yên
Vì đói khổ phải đâu là tội lỗi......................

Ra về tôi nghĩ thầm: "Sung sướng thay cho độc giả chúng ta có một nhà thơ như vậy. Và cũng vinh dự thay cho nhà thơ có những độc giả như vậy".

Thời đại chúng ta là một thời đại có nhiều đau xót. Bọn giặc thú dữ không còn một chút nhân tính đã chà đạp lên tất cả cái gì thân yêu cao quý nhất của con người. Bao tang tóc, chia ly và tan vỡ. Bao giọt nước mắt thương yêu, căm thù và phẫn nộ. Những giọt nước mắt ấy, tác giả không phải không thông cảm nhưng tác giả không nói, mà phải nói qua những giọt nước mắt của A-liêu-sa (dịch thơ Xi-mô-nốp).

Tôi nghĩ rằng thơ thời đại phải dựng được cái quá trình sinh thành của những tình cảm mới. Ðiểm này thơ Tố Hữu chưa tiêu biểu được một cách đầy đủ.

Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ so sánh thơ Tố Hữu trong thời kỳ trước với thơ Tố Hữu trong thời kỳ này. Trong thời kỳ trước cách mạng với nhu cầu cụ thể của nó, thơ Tố Hữu là lá cờ tiền phong hướng dẫn đấu tranh. Với thời đại kháng chiến bây giờ, với những đòi hỏi lớn lao gấp bội thơ Tố Hữu quả chưa làm tròn được nhiệm vụ tiền phong chiến đấu như thời kỳ trước. Nếu đem so sánh đối chiếu với mỗi thời đại, cái tỷ lệ tương xứng ấy cho ta thấy thơ Tố Hữu ngày nay còn bé hơn thơ Tố Hữu trước kia. Bé vì Tố Hữu chưa thổi được vào thơ ngọn lửa hừng hực chiến đấu của thời đại để đốt cháy lòng người đọc. Bé vì chất sống chưa thật sâu sắc nên ý thơ nhiều đoạn còn giả tạo và công thức.

Bàn về thơ Tố Hữu là một vấn đề lớn có nhiều mặt nhiều phương diện. Trong một bài báo ngắn không thể nói hết được ưu điểm cũng như khuyến điểm. Tôi chỉ đề cập đến một vấn đề chính là chủ nghĩa hiện thực trong thơ Tố Hữu qua một số bài thơ trong toàn bộ tập thơ Việt Bắc. Mấy ý kiến ấy, tôi mạnh dạn trình bày, mong các bạn tham gia thảo luận.

28-2-55

Văn nghệ, số 65 (11.3.1955)




7. Hoàng Yến

Ðọc thơ Việt Bắc của Tố Hữu

L.T.S. - Cuộc phê bình truyện Vượt Côn Ðảo của Phùng Quán và cuộc phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu hiện nay đang tiến hành song song trong giới văn nghệ.

Tiếp theo hai bài phê bình truyện Vượt Côn Ðảo của Ðức Minh và Thúc Ðạt, hôm nay chúng tôi đăng lại bài dưới đây của bạn Hoàng Yến phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu đã đăng trong báo Sinh hoạt văn nghệ số 35 của quân đội, để góp phần đẩy mạnh phong trào phê bình văn nghệ và mở rộng dư luận đối với hai tác phẩm nói trên.

Chúng tôi rất hoan nghênh các bạn gửi bài tiếp tục góp thêm ý kiến về hai tác phẩm nói trên. [4]

Nói đến thơ Tố Hữu tôi nhớ đến một người bạn đồng đội rất yêu thơ thường nói với tôi: "Thơ Tố Hữu hay thật!" Nhưng khi tôi hỏi: "Hay ở chỗ nào?” thì anh bạn không đi vào câu hỏi của tôi mà chỉ trả lời chung chung: "Bài nào cũng hay mà đúng đường lối không chê vào đâu được." Tôi hỏi thêm: "Thế
anh có thấy khuyết điểm nào không?" Anh ngẫm nghĩ rồi tặc lưỡi: "Khó nói quá!".

Mà quả khó nói thật. Nhất là đối với thơ của Tố Hữu. Câu chuyện trên phản ánh đúng cái tâm trạng mà hầu như thành thói quen của phần đông anh em chúng tôi khi đọc được một tác phẩm bao trùm những chủ đề lớn lao của thời đại. Nội dung chính trị và tư tưởng của tác phẩm lắm khi làm cho ta quáng mắt. Không ai chối cãi rằng ý nghĩa xã hội và chính trị là tiêu chuẩn quyết định của một tác phẩm văn nghệ. Nhưng một điều chúng ta ít chú ý là chủ đề càng rộng lớn bao nhiêu thì phương pháp sáng tạo và kỹ thuật biểu hiện càng quan trọng bấy nhiêu. Tác phẩm đã đề cập đến những vấn đề mấu chốt trong cuộc sống hiện thực thì tác giả càng phải hiểu biết sự sống hiện thực ấy một cách thuần thục, sâu sắc và trọn vẹn. Có thế, tác phẩm mới phản ánh trung thành được cuộc sống. Riêng thơ mới truyền được những xúc cảm mạnh mẽ, những rung động sâu sắc vào lòng người.

Tập thơ Việt Bắc chủ yếu là tập thơ kháng chiến. Sự sống trong thơ là sự sống nhiều mặt của cuộc kháng chiến toàn diện, toàn dân. Tình cảm trong thơ là những tình cảm lớn của con người kháng chiến, đồng thời cũng là những tình cảm lớn của thời đại.

Vấn đề đặt ra là tôi muốn biết tác giả đã đi đến với sự sống nhiều mặt đó như thế nào? Ðã xúc cảm người đọc đến mức độ nào? Hay nói một cách khác, tôi muốn thử nghiên cứu, xác định, đánh giá khả năng hiện thực trong thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Qua 8 năm kháng chiến, cuộc sống lớn mạnh và cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc ta có tất cả các hình thức sinh động muôn vẻ, muôn màu. Chưa bao giờ tâm hồn của con người chúng ta luôn luôn có những biến chuyển lớn lao như vậy. Những tình cảm ươn hèn của con người cũ rụng dần vào dĩ vãng. Ngày ngày những tình cảm mới phát triển và sinh thành. Cái quá trình tiến triển ấy dĩ nhiên là không phải thẳng tuột mà ngoằn ngoèo, phức tạp. Chỉ nhìn giản đơn một chiều sẽ không hiểu thấu được cuộc sống. Tính chất hiện thực của sáng tác đó đây sẽ bị hạn chế và giảm sút đi nhiều. Với một quan niệm như vậy, tôi đi vào phân tích một vài tình cảm lớn đã thể hiện quanh thơ Tố Hữu.

Tôi bắt đầu với tình cảm phá đường trong bài thơ “Phá đường”. Một bài thơ được phổ biến rộng khắp từ Bắc chí Nam. Tình cảm phá đường là một tình cảm tiêu biểu trong một giai đoạn chiến tranh nhất định. Tình cảm ấy đã được tác giả đào sâu và lột tả như thế nào? Trong đoạn đầu bài thơ, tác giả đưa ra hình ảnh một người phụ nữ nông thôn, mặc dù trăm công nghìn việc, con bế con bống vẫn vui vẻ theo chồng đi phá đường quan.

Cái tinh thần hăng hái phục vụ, cái nhiệt tình kháng chiến quên mình ấy, tác giả đã khéo đưa lên với những câu thơ mộc mạc và ý nhị. Nhưng cái tinh thần và tình cảm ấy không chỉ riêng gì trong công việc phá đường mà nó còn biểu hiện trong mọi công tác phục vụ khác bất kỳ ở đâu lúc nào, khi mà kháng chiến cần những bàn tay chiến đấu sáng tạo của người nông dân lao động.

Ðoạn sau, tác giả miêu tả cảnh phá đường bao trùm trong không khí phấn khởi thi đua làm việc. Ðây cũng lại là những cảnh lao động thông thường chung chung mà người ta thường bắt gặp bất kỳ ở hậu phương hay tiền tuyến, trong công tác phá hoại hay kiến thiết. Các đặc trưng của tình cảm phá đường vẫn chưa lột tả.

Cách đây không lâu tôi nhớ có đọc một bài của người anh em miêu tả cảnh đắp đường. Nội dung bố cục cũng giống na ná như bài “Phá đường”. Tuy cách nói có khác nhau, nhưng ý tình cũng vẫn là "nhà em con bế con bồng, em cũng theo chồng đi đắp đường quan", cũng "hì hà, hì hục, lục cục, lào cào", cũng thi đua phấn khởi - "Anh tài thì em cũng tài. Ðường dài ta lấp sức giai ngại gì".

Tôi bỗng tự hỏi thế thì tình cảm của con người phá đường trong kháng chiến và đắp đường trong hòa bình khác nhau ở chỗ nào? Câu hỏi ấy, tác giả bài “Phá đường” trong một vài câu đơn sơ thêm vào đoạn cuối:

Thằng Tây mày cứ vẩn vơ
Có hố này chờ chông sống mày đây...
Nhanh tay ta cuốc chôn thây quân thù

chưa giải đáp được thỏa đáng.

Dĩ nhiên trong hai việc ấy, trông bên ngoài đều có những hiện tượng, những động tác giống nhau. Lưỡi cuốc phá đường chặn giặc và lưỡi cuốc đào mương khai nước cũng là một lưỡi cuốc. Nhưng trong mỗi việc có những ý tình khác nhau, những tâm tư khác nhau. Tuy trong hai việc đều dạt dào một niềm phấn khởi cách mạng, nhưng mức độ tình cảm khác nhau, khía cạnh tình cảm khác nhau, cái đặc tính của tình cảm và lý trí ở mỗi việc khác nhau.

Bạn đọc mong đợi ở bài thơ nói lên không những chỉ ở cái không khí phấn khởi của lao động mà cả cái tâm sự kín đáo, những tình cảm sâu sắc của con người nông dân kháng chiến phá đường. Tiếng nói thầm kín của lòng người dân phá đường, tác giả không đả động đến.

Tình cảm phá đường là tình cảm tiêu biểu trong một giai đoạn kháng chiến. Người nông dân kháng chiến tự tay mình phải hủy hoại con đường của mình, của đất nước yêu dấu của mình để chặn đường giặc tiến không phải không thấy lòng đau xót. Và chính cái niềm đau xót lành mạnh ấy đã khơi bừng thêm ngọn lửa căm thù để biến thành hành động. Cái ý chí diệt thù người dân phá đường đem trút trên từng nhát cuốc, đường gân. Có thế, cái khía tích cực của tình cảm phá đường mới khơi động được sâu sắc.

Cái khía tích cực của tình cảm ấy, cái đau xót chân thành ấy, tôi tưởng đã lột tả được trong mấy câu mở đầu của một bài ca dao kháng chiến ở Liên khu 5:

Lấy búa mà bửa chân trời
Lấy dao mà chặt lìa đôi nhịp cầu
Thà rằng cách trở sông sâu...

Con đường ấy, cái cầu ấy thường ngày đã in bao dấu vết của cuộc sống thân yêu, thế mà bây giờ phải lấy dao mà chặt lìa đôi nhịp cầu. Và thà rằng đó đây có cách trở sông sâu đi nữa còn hơn là để cho giặc có cầu giặc qua.

Một câu thơ phá đường khác của một du kích Nam Bộ nói lên tình cảm ấy một cách gọn ghẽ, trọn vẹn và tài tình hơn:

Con đường số bảy của tau
Nó đi theo giặc tau đào nó đây

Con đường đó trước kia là con đường của tau, một khúc ruột của đất nước tau. Nhưng giặc đã dùng được nó, "nó đã đi theo giặc" nên tau phải đào nó đây. Thấm thía xót xa nhưng cũng quyết liệt, mạnh mẽ xiết bao. Tay đào con đường mà lòng tưởng như phải giết chết một người thân yêu phản bội đi theo giặc.

Có thế mới phản ánh đúng được cuộc sống sinh động muôn vẻ muôn màu, có thế mới gợi lên được những tình cảm vĩ đại kết tinh từ trong máu lửa, nước mắt, mồ hôi, rèn luyện qua bao nhiêu thử thách trong cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng.

Cái niềm đau xót ấy đôi lúc tác giả cũng cảm thấy thấm thía khi đi "giữa thành phố trụi". Nhưng cái đau xót ấy chưa thật bắt nguồn trong cuộc sống, chưa bước thẳng chân vào cảnh, vào tình nên kém phần sâu sắc. Xúc cảm của tác giả chưa đến mức độ để biến thành những giòng thơ rung động của lòng người. Vì thế khi tác giả chuyển qua ca ngợi cảnh tiêu thổ thì câu thơ trở nên gượng gạo, thiếu hồn nhiên:

A! Các anh chiến lũy!
Sắt gỗ giăng thành
Cả các anh
Những di lăng, sấu, gạo
Không liếc lá cành xanh
Vật ngang đường cản giặc

Tôi tin rằng một người thị dân khi tự tay mình phá từng mảnh tường, nạy từng viên gạch, xô bẹp mái nhà thân yêu, nơi đọng bóng cả một cuộc đời từ thuở ấu thơ qua thời niên thiếu để trọn đường với kháng chiến, với dân tộc, tôi tưởng khi nhìn lại miếng đất hoang tàn giữa thành phố trụi, tình cảm của họ chắc sẽ cụ thể và thấm thía hơn nhiều. Và chắc không dễ dàng gì trong chốc giây họ có thể bình thản:

Gõ gót vui nghe tiếng hát
Của mỗi hòn gạch nát mỗi cành khô.

Tình cảm của thi sĩ trong “Giữa thành phố trụi” đã xuất phát từ khái niệm nhiều hơn là từ thực tế của cuộc sống.

Trong hầu hết các bài thơ đầu kháng chiến của Tố Hữu, một hình ảnh nổi bật lên: hình ảnh anh bộ đội chiến đấu. Tác giả đã dành riêng cho anh bộ đội một góc thơ, một góc lòng, ấm cúng và thân yêu nhất của mình.

Trang thơ mở đầu cũng là mở đầu cuộc gặp gỡ giữa nhà thơ và anh bộ đội, cuộc gặp gỡ bất ngờ mà tưởng chừng như một cuộc hò hẹn có tiền duyên của đôi lứa nhân tình. Mới "một thoáng lặng nhìn nhau", hai tâm hồn đã "âm thầm thương mến". Nhìn:

Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ

Thi sĩ nói lên một cách hồn nhiên tiếng nói của lòng mình:

Anh vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế!

Câu nói ấy chúng ta rất đồng tình. Mà chúng ta cũng đã đồng tình ngay trước lúc thi sĩ chưa nói. Hình ảnh của người vệ quốc thân yêu quả đã in bóng trong tấm lòng của người dân từ những ngày đầu kháng chiến. Tình mến thương ấy, người đọc muốn thi sĩ nâng cao lên và khắc sâu mãi trong lòng mình. Hình ảnh ấy, người đọc muốn được tô bằng những nét đậm hơn, sâu hơn, cụ thể hơn. Những câu thơ:

Anh kể chuyện tôi nghe,
Trận chợ Ðồn chợ Rã
Ta đánh giặc chạy re
Hai đứa cười ha hả.
Mồm anh nở rất tươi
Mặt anh vàng thắm lại
Cánh đồng quê tháng mười
Thơm nức mùa gặt hái

mới tả cái dáng dấp bên ngoài của anh bộ đội. Sự thông cảm của tác giả mới ở trên cảm giác.

Chúng ta muốn biết cái tâm hồn đẹp đẽ, cái phẩm chất cao quý của người chiến sĩ giết giặc để xây dựng cho tình mến thương nồng nàn của ta một cơ sở vững bền. Chúng ta muốn có những giòng thơ đi sâu vào những góc sâu kín nhất của tâm tư, làm lòng chúng ta rung lên khi thầm nhắc đến tên anh bộ đội.

Nhưng mỗi phút giây gặp nhau, chưa dễ đi sâu vào tình cảm, tác giả còn phải đi sát và đi sâu vào cuộc sống hơn nữa. Mang theo tấm nhiệt tình ấy, tác giả vác ba lô, tay dao, tay súng, đạp rừng gai đá sắc, lội suối trèo đèo, lên Tây Bắc, sát cánh cùng người chiến sĩ trực tiếp chiến đấu ở mặt trận. Nhưng bài “Lên Tây Bắc” đã làm ta hơi thất vọng. Thi sĩ còn xa cách người chiến sĩ. Tác giả còn đang đi tìm anh bộ đội:

Anh đi tìm giặc, tôi tìm anh
Người lính trường chinh áo mỏng manh.

Hình ảnh anh bộ đội, thi sĩ thấy rất đẹp:

Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới,
Lá nguỵ trang reo với gió đèo.

Nhưng đó là cái đẹp bên ngoài "bóng dài trên đỉnh dốc, trong ánh nắng chiều".

Và qua bao ngày lặn lội, thông cảm nỗi gian khổ của người bộ đội, tác giả viết:

Lại những ngày đi vắt với sương
Ngô bung xôi nhạt nước lưng bương
Ðêm mưa rình giặc tai thao thức
Mùa lại mùa qua rét nhức xương

Trước cái "vô cùng gian khổ", cái gian khổ cao độ và trường kỳ của người lính chiến, mấy câu thơ trên quả đã bàng quan và bất lực. Thi sĩ không nói được cái mình muốn nói, không gợi được một trong trăm nghìn phần cái thực tế gian khổ và sức chịu đựng phi thường của người chiến sĩ trên chiến trường rừng núi.

Và ở đây, tôi cũng lấy làm lạ tại sao tác giả đã cùng chiến sĩ đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi trong hành quân, lúc chiến đấu, đã từng vắt cơm thấm nước, tàu lá lót lưng, mà không hề đả động đến mối tình đồng đội ruột thịt ấy. Tôi tưởng đó là tình cảm mới nhất, tình cảm của những người chiến đấu sống chết có nhau, từng chia nhau củ sắn trên đồi chè, múi bưởi trong rừng cọ, một mảnh chăn đơn, một tàu lá chuối, trong giá rét, trong mưa dầm:

Ðêm nay gió rét lạnh lùng
Cắt tầu lá chuối lót lưng đỡ đầu
Anh ơi! Ôm lấy lưng tôi
Chúng ta đùi cặp lấy đùi cho nhau.
(Thơ chiến sĩ)

Cái tình keo sơn gắn bó, máu chảy ruột mềm; cái tình đoàn kết tương trợ cao quý thiêng liêng ấy, tôi tưởng thắm thiết hơn cả tình đào viên kết nghĩa, đạo nghĩa vợ chồng. Tôi nghĩ đến anh Phấn lấy thân bắc cầu cho đồng đội bước qua. Tôi nghĩ đến anh Hàn miệng cổ cháy khô vẫn nhịn chút nước cho đồng chí bị thương rồi bỏ đi liếm từng giọt sương trên cỏ lá. Tôi nghĩ đến câu nói "Ðào cho nó thêm vài xuổng, liệm thêm cho nó cái màn để cho nó mồ yên mả đẹp". Nằm trong tình giai cấp rộng lớn, được chủ nghĩa soi đường, cái tình ấy trở nên sáng suốt lạ thường đến đỗi khi thấy một đồng đội đào ngũ đã nói lên:

Chém cha cái bọn giặc Tây
Cái mùi tôi tớ đến nay vẫn còn
(Thơ chiến sĩ)

Nói đến con người bộ đội chiến đấu mà không nói đến tình cảm ấy, tôi tưởng đó là một thiếu sót.

Và 4 câu thơ tỏ tình của chiến sĩ:

Ai biết trưa nay giữa bụi bờ
Anh nằm sưởi nắng mắt lơ mơ
Tôi ngồi không ngủ nghe anh thở
Khe khẽ lòng ngâm lên tiếng thơ

vẫn còn rất xa lạ với tâm tình người chiến sĩ.

Nhưng một khi Tố Hữu đi sâu vào tình cảm của người "nông dân mặc áo lính", đi sâu vào cái nguồn tiếp tế tinh thần dồi dào vô tận của người chiến sĩ, cái tình gửi về hậu phương, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mái thôn nếp rạ, vách đất bờ tre, ở đấy có người mẹ già tóc bạc hoa râm, thì câu thơ trở nên thắm thiết, ấm cùng lạ lùng.

Không phải thơ Tố Hữu nữa, mà là nỗi lòng nhớ thương của người chiến sĩ đang thánh thót:

Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu

Trên con đường chiến đấu gay go, ác liệt, mỗi khi nhớ đến bầm, đến cả cuộc đời đầy nước mắt, mồ hôi, còng lưng dưới ách đế quốc, địa chủ cường hào, thắt lưng buộc bụng nuôi con, thì bao nhiêu gian lao khổ ải trước mặt như chưa thấm vào đâu:

Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi

Nhưng con là con đẻ của nhân dân lao động, nên tuy xa bầm, mà lòng con vẫn được ấp ủ trong tình thương của bao nhiêu bầm:

Con đi mỗi bước gian lao
Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm

Chỉ hai câu thơ thôi thi sĩ đã truyền vào lòng mọi người chiến sĩ cả một nguồn an ủi, khuyến khích, mến thương sâu rộng.

Và ở nơi đồng ruộng xa xôi, đêm đêm lòng bầm cũng theo con từng bước:

Ðêm nay bộ đội rừng khe
Mưa ướt dầm dề gió buốt chân tay
Nó đi đánh giặc đêm nay
Bước run bước ngã bước lầy bước trơn

Ta tưởng như lòng thương của người mẹ đang hướng theo bóng trăng buồn trong hơi gió, theo từng "bước run bước ngã bước lầy bước trơn" của người con đêm nay đi đánh giặc ở phương xa.

Và nỗi vui mừng của nhân dân khi bộ đội về bản đã dệt nên những câu thơ tươi đẹp và không kém phần thắm thiết:

Anh về cối lại vang lừng
Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân
Anh về sáo lại ái ân
Ðêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca

Và hiện nay trong hoàn cảnh hòa bình trở lại, tư tưởng hòa bình đang biến diễn phức tạp, tôi tưởng những câu sau đây:

Mắt nó đỏ nọc
Nó cầm tay tôi:
“Mẹ ơi! đừng khóc
Nước độc lập rồi!”
Tôi bảo con tôi:
“Mày đi tao nhớ
Tuổi đã lớn rồi
Liệu mà cưới vợ”
Nó chỉ cười khì:
"Vợ con gì gấp
Con còn phải đi
Giữ gìn độc lập"

còn có nhiều tác dụng góp vào việc nâng cao ý chí chiến đấu không ngừng, không mỏi của người chiến sĩ, quân nhân cách mạng.

Nhưng một khi nhà thơ không đi sâu vào tâm hồn mà trở lại làm người khách của bộ đội để "chúc anh em pháo binh bắn thẳng vào đồn cho đúng", để "anh đại bác, tôi chờ anh để hát" thì giòng thơ lại trở nên dửng dưng, thiếu sinh khí.

Phút công đồn là phút quyết liệt nhất trong cuộc đời người lính chiến đấu. Cái nhiệm vụ cao nhất của người chiến sĩ đã sắp đến tay rồi. Nhân dân nuôi cơm nghìn bữa để hôm nay đánh giặc một giờ. Bao hồi hộp lo âu, tin tưởng, phấn khởi và quyết tâm cùng đổ dồn trong một lúc. Những tình cảm ấy tác giả chưa thông cảm.

Ðọc xong bài “Bắn”, chúng ta thấy không gợi được một cảm giác gì, không để lại một ấn tượng gì dù là không sâu sắc. Con mắt nhìn đồn địch trên khoảnh đồi đỏ "ngon như một miếng thịt bò tươi" thì thật là xa lạ với chiến sĩ. Vả lại người nông dân mặc áo lính cũng ít khi được thấy đĩa thịt bò tươi. Không kể đoạn giữa bài thơ mô tả một cách tự nhiên và thô sơ cảnh trông đợi khai hỏa và cảnh chào cờ trong đồn địch, ngay đoạn tác giả gợi căm thù cũng rất chung chung đại khái, không sôi sục được lòng người đọc:

Bao đồng chí của ta bay đã giết
Chặt đầu cắm cọc phơi khô
Chị em ta, bay căng thịt lõa lồ
Con em ta bay quẳng chân vào lửa
Lúa ngô ta bay cướp về cho ngựa
Xóm làng ta bay đốt cháy tan hoang

Có thể nói tác giả đã nói đúng và đủ. Nhưng chất thơ không phải ở chỗ đúng và đủ. Ðặc tính của thơ là nói ít mà gợi nhiều, nói hiện tại mà ấp ủ tương lai. Có thể nói tác giả đã tổng kết các việc trên tài liệu chứ chưa kinh qua thực tế của cuộc sống để tổng kết chất thơ. Sự sống có thiên hình vạn trạng. Mọi người dân kháng chiến ít hay nhiều đều mang trong lòng một mối căm thù với quân giặc cướp nước, dằng dặc có, nhức nhối có, sâu sắc có. Trong muôn nghìn sự việc ấy, trong muôn nghìn khía cạnh của tình cảm ấy, nhà thơ sẽ chọn cái nào điển hình nhất, xúc cảm nhất. Trong trăm nghìn sợi tơ ấy, nhà thơ sẽ chọn cung bậc nào để khi gõ vào như một ngọn đũa thần gợi lên cả một bầu trời tình cảm. Tiếng thơ đã dứt mà âm hưởng còn ngân nga quyện vào từng nếp nhỏ trong tâm hồn. Vì thế nhà thơ xúc cảm mãnh liệt với đề tài chưa đủ, tuy đó là điều kiện căn bản để làm thơ, mà việc chính là làm cho những đề tài ấy xúc động mãnh liệt vào lòng người đọc.

Cũng vì vậy những câu thơ miêu tả những chiến công lịch sử ở Ðiện Biên tuy đôi đoạn hơi thơ có vẻ mạnh, khí thơ có vẻ hùng nhưng người đọc, nhất là những đồng chí đã dự mặt trận Ðiện Biên, thấy chưa thỏa mãn và còn thấy là giả tạo. Những câu thơ ấy mới nói chung quanh khái quát, còn thiếu những tính chất cụ thể điển hình để nâng cao hiệu lực gợi cảm lên nữa. Thi sĩ mới tổng kết những việc xảy ra thành vần thành thơ, chứ chưa thật tổng kết chất thơ của sự việc.

Thiếu tính chất cụ thể, thiếu chi tiết sống điển hình, thơ sẽ mất nhiều hiệu năng gợi cảm. Mà những tính chất cụ thể ấy, những chi tiết điển hình ấy chỉ có thể có trong sự sống. Tôi nghĩ rằng thơ cũng phải kinh qua giai đoạn sống, thu thập "tất cả cái văn học, nghệ thuật dưới hình thái tự nhiên", thì thơ mới biểu hiện được cuộc sống một cách sâu sắc và trọn vẹn. Cái nhược điểm trên đây đã làm một số bài thơ trong tập Việt Bắc ít rung cảm được người đọc và làm yếu tác dụng hiện thực đi nhiều.

Tập thơ Việt Bắc nói đến những tình cảm lớn của thời đại. Nhưng nó đã kết tinh trọn vẹn được tình cảm của thời đại chưa? Nó đã nói được tiếng nói tiêu biểu của thời đại chưa? - Nó là vấn đề thứ hai tôi đề ra để chúng ta cùng nghiên cứu.

Trước khi đi vào vấn đề, chúng ta hãy thử nhìn lại thời đại chúng ta đang sống. Thời đại đó như thế nào? Nó có những đặc điểm gì?

Rõ ràng thời đại chúng ta là thời đại quần chúng đang chuyển biến, mạnh mẽ và dồn dập. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cả một dân tộc muôn người như một, bừng bừng sát khí, nhất trí đứng dậy bảo vệ quê hương, bảo vệ đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, hàng triệu nông dân lao động vùng lên thét căm thù vào mặt địa chủ cường hào. Bước đi rầm rập tưởng như chuyển đất rung trời, xô non lấp biển.

Thời đại chúng ta cũng lại là thời đại có nhiều mất mát chia ly và đau xót.

Với những điểm trên, chúng ta có thể nói thời đại chúng ta là thời đại yêu nước nồng nàn, căm thù sôi sục, tin tưởng sâu sắc, chiến đấu quyết liệt. Tiếng nói bao trùm cả thời đại là tiếng nói giận dữ, căm hờn, thúc giục chiến đấu của một dân tộc bị áp bức bóc lột đang vươn mình dậy. Cơn "giận dữ lôi đình" chính đáng ấy là đặc điểm của thời đại chúng ta đang sống.

Tôi tưởng một thi phẩm phản ánh được thời đại phải trào lên những dòng thơ hừng hực chiến đấu, đỏ rực căm thù, có mãnh lực động viên, kích thích hàng triệu người ra mặt trận đấu tranh.

Ðọc xong tập thơ Việt Bắc, chúng ta gấp sách lại. - Hình ảnh để lại trong lòng ta là những hình ảnh đẹp ý nhị, nhẹ nhàng. Khía rung động sâu sắc nhất là khía mến thương thắm thiết tâm tình. Phần lớn các câu thơ đều có dáng điệu hiền lành, dìu dịu. Chúng ta bỗng thấy thơ Tố Hữu còn thiếu một chất gì để thỏa đáp những tình cảm mạnh mẽ đang sôi sục trong lòng chúng ta. Và tôi nghĩ rằng cái chất thiếu ấy là "tiếng nói lôi đình" của thời đại. Thơ Tố Hữu chưa toát lên được cái hơi thở dồn dập, sôi nổi, nóng rực của thời đại. Thơ Tố Hữu còn thiếu một tiếng thét căm hờn, một tiếng kèn xung trận, một tiếng gọi lên đường thúc giục hành động, thúc giục đấu tranh.

Ðối chiếu với cuộc sống mãnh liệt đi băng băng như con ngựa phi, cuồn cuộn như dòng thác đổ, thơ Tố Hữu còn bước những bước đi thong thả, dòng thơ còn trôi chẩy lững lờ. Ðôi lúc cũng có xông xáo [5] nhưng đó chỉ là những gợn sóng nhỏ vỗ bờ.

Có một điều tôi tưởng cần phân biệt là không phải trong thơ Tố Hữu không nói đến căm thù, chiến đấu, nhưng nói trong thơ là một việc, còn thơ tự nó nói lại là một việc khác.

Bài thơ “Việt Bắc” là một trong những bài thơ thắm thiết nhất của Tố Hữu.

Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn.

Cái tình thương người mến cảnh nồng nàn ấy sẽ biến thành một tiếng hát trong ngân, "tiếng hát ân tình chung thủy". Cả một đoạn thơ dài:

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Ðáy, suối Lê vơi đầy…
Nhớ ai tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…
Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng…

Ta tưởng như nghe tiếng nói thầm nặng [6] rì rào của đất nước thân yêu từ nghìn xưa vọng lại.

Nhưng khi Tố Hữu nói đến cái Việt Bắc oai hùng, cái đất thần thánh, thiêng liêng của cách mạng thì hơi thơ đuối, khí thơ đoản, cái nhiệt tình nồng cháy trên kia tưởng như giảm sút đi. Những câu:

Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đâm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc những đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

Và những đoạn như:

Ai về ai có nhớ không
Ta về ta nhớ Phủ Thông đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhớ từ Cao-Lạng, nhớ sang Nhị Hà

chưa dựng được trong lòng ta cái Việt Bắc tôn kính, khởi điểm của cách mạng, chủ não của kháng chiến, miếng đất lịch sử đã ghi những chiến thắng lịch sử quyết định bước chuyển biến cả một giai đoạn chiến tranh.

Những điểm cần chú ý trong bài thơ “Việt Bắc” là cách đặt vấn đề, cách nhìn cái khía tình cảm của tác giả. Cái việc từ Việt Bắc tiến về thủ đô là một sự kiện lịch sử lớn lao, đánh dấu một bước thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Ðó là ngày mong đợi thiết tha nhất của mỗi tấm lòng, trong đó có cả tấm lòng Việt Bắc. Việt Bắc anh dũng, oai hùng cũng để cho thủ đô có ngày giải phóng. Thủ đô lộng lẫy đẹp tươi càng làm cho Việt Bắc thêm dũng, oai hùng. Việt Bắc - thủ đô không mâu thuẫn mà thống nhất khăng khít trong trưởng thành chung của dân tộc. Tôi tưởng người Việt Bắc không phải chỉ vì chút tình riêng tây mà quên cái vui tưng bừng chiến thắng, không vì cái ủy mị tình cảm nhất thời mà quyến luyến phân ly "bước đi một bước, giây giây lại dừng" "mình về mình có nhớ ta".

Tôi quan niệm cái việc tiến về thủ đô là cả một khí thế xuất sơn tiến về đồng bằng, cái khí thế "Nam hạ" mạnh mẽ bừng bừng không sức gì cản nổi. Những câu thơ:

Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son…
Nước trôi nước có về nguồn
Mây đi mây có cùng non trở về…
Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng
Mình đi ta hỏi thăm chừng
Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui.

đã không gợi đến cái khí thế bừng bừng ấy mà làm ta thêm ái ngại với cảnh heo hút đìu hiu của Việt Bắc sau lúc cơ quan rút về xuôi. Khác với câu thơ lục bát trong sáng hồn nhiên trong bài “Bầm ơi!”, câu thơ trong bài Việt Bắc uốn éo với một lối duyên dáng nửa mới nửa cũ đến khó chịu.

Và khi về thủ đô, những câu thơ sau đây trong bài “Lại về”:

Hà Nội ta không khuất
Hỏa Lò thêm Nhà Tiền
Những đứa con vào chật
Hà Nội ơi vùng lên!
Giành lại bao năm tháng
Giành lại mọi người con
Từng ngọn đèn tươi sáng
Từng giọt nước lành ngon!

chưa lột được sức đấu tranh sôi sục trong lòng thủ đô, sức chịu đựng dũng cảm của người Hà Nội, tinh thần quật khởi của người thợ Hà Nội, những người còn ưu tú tuy xa Bác, xa Trung ương, nằm trong nanh vuốt của giặc vẫn không hề lỏng tay chiến đấu một phút, một giây. Nói chung cái khía tích cực của tình cảm mới, Tố Hữu chưa khơi động hết.

Thời đại chúng ta không chỉ là "thời đại giận dữ" mà còn là một thời đại có nhiều đau xót. Bọn giặc cướp nước thú dữ không còn một chút nhân tính đã chà đạp lên tất cả cái gì thân yêu, cao quý nhất của con người. Bao tang tóc, chia ly và tan vỡ. Bao giọt nước mắt thân yêu, căm thù và phẫn nộ, lúc kín đáo âm thầm, lúc lộ liễu, lúc ráo hoảnh.

Những giọt những mắt ấy, tác giả không phải không thông cảm, nhưng tác giả không nói mà phải nói qua những giọt nước mắt của A-liêu-sa, người con gái vùng Smô-len.

Tôi nghĩ rằng thơ thời đại phải dựng được cái quá trình sinh thành của những tình cảm mới. Có yêu mến thắm thiết mới có đau xót chân thành. Có đau xót chân thành mới có căm thù sâu sắc. Có căm thù sâu sắc mới có chiến đấu năng nổ. Và qua chiến đấu, tình cảm con người được nâng cao mãi lên và rộng lớn mãi lên. Từ chỗ mến yêu mảnh vườn, thửa ruộng đến tình yêu đất nước, Tổ quốc, từ chỗ căm thù riêng tây, đến căm thù giai cấp, căm thù dân tộc. Sự sâu sắc và lớn mạnh của những tình cảm ấy là bản chất của những tình cảm mới của thời đại, của chủ nghĩa anh hùng mới cần thể hiện trong văn thơ. Ðiểm này thơ Tố Hữu chưa tiêu biểu một cách đầy đủ được thời đại.

Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ so sánh trong thời kỳ trước với Tố Hữu trong thời kỳ này. Trong thời kỳ trước cách mạng, với nhu cầu cụ thể của nó, thơ Tố Hữu là lá cờ tiên phong hướng dẫn đấu tranh. Tố Hữu với thời đại kháng chiến và bây giờ, một thời đại có nhiều đòi hỏi lớn lao gấp bội, thơ Tố Hữu quả chưa làm trọn được nhiệm vụ tiên phong chiến đấu như thời kỳ trước. Nếu đem so sánh đối chiếu với mỗi thời đại, cái tỷ lệ tương xứng ấy cho ta thấy Tố Hữu ngày nay bé hơn Tố Hữu trước kia. Bởi vì Tố Hữu chưa thổi được vào thơ ngọn lửa hừng hực chiến đấu của thời đại để đốt cháy lòng người đọc. Bé vì chất sống chưa thật sâu sắc nên ý thơ nhiều đoạn còn giả tạo và công thức.

Bàn về thơ Tố Hữu là một vấn đề lớn, có nhiều mặt. Trong một bài báo ngắn không nói hết được ưu điểm cũng như khuyết điểm. Tôi chỉ đề cập một vấn đề chính là chủ nghĩa hiện thực trong thơ Tố Hữu qua một số bài thơ trong toàn bộ tập thơ Việt Bắc. Mấy ý kiến ấy, tôi mạnh dạn trình bày, mong các bạn tham gia thảo luận.

Hà Nội, 28-2-1955


[1]Bài của Hoàng Yến, một trong những ý kiến gây nên cuộc tranh luận, được đăng trên một số tờ báo ở Hà Nội đương thời, sớm nhất có lẽ là trên tờ Sinh hoạt văn nghệ (tiền thân của tạp chí Văn nghệ quân đội). Như ta sẽ thấy, dạng văn bản đăng báo Văn nghệ được biên tập lại, ngắn gọn hơn so với dạng văn bản đăng trên báo Nhân dân. Do tính tư liệu của cuốn sách này, người sưu tầm in cả hai văn bản, cùng với lời dẫn của tòa soạn hai tờ báo trên (NST).
[2]Có lẽ là “sóng xao” (bản gốc in lầm?).
[3]ánh đao: có lẽ tác giả trích dẫn sai, hoặc báo in sai; đáng ra là “ánh sao”.
[4]Ðây là lời Tòa soạn báo Nhân dân khi đăng lại bài này (NST).
[5]Có lẽ là “sóng xao” thì cả câu mới hợp lý (bản gốc xếp chữ sai?).
[6]Phải chăng là “thầm lặng”? (bản gốc xếp chữ sai?)




===
Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ Việt Bắc
Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn (4/15)
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15

8. Minh Tranh

Tình yêu trong tập thơ Việt Bắc

L.T.S. - Chúng tôi mời bạn đọc và các bạn văn nghệ tham gia phát biểu về bài của Hoàng Yến nói riêng “Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?” (đăng kỳ trước) và về thơ Tố Hữu nói chung, để cùng nhau thảo luận, tìm tòi, học tập, giúp nhau giải quyết một số vấn đề văn nghệ. Kỳ này, chúng tôi đăng một bài của Minh Tranh [1] .

Nhân dân ta rất giàu tình cảm. Tất nhiên tình cảm ấy là tình cảm cách mạng, đẫm một lòng yêu tha thiết với tất cả những cái gì gắn với tổ quốc, với tiến bộ, với cách mạng. Tình cảm của nhân dân ta không thiếu, nó man mác, lẻ tẻ, nó tràn ra, lắng xuống, trào lên rồi lại lắng xuống trong nhiều thơ ca phong phú tám, chín năm qua. Nhưng ghi được những cái tình cảm phong phú ấy, tả ra được cho đúng, không phải bất cứ thi sĩ nào cũng làm được. Phải là một thi sĩ hiểu lòng ta nhiều lắm, gần với lòng chúng ta nhiều lắm. Tố Hữu chính là nhà thơ ấy. Tập thơ Việt Bắc đã nói lên hộ chúng ta những cái gì chúng ta vẫn cảm vẫn rung động, nói lên lòng yêu, lòng căm hờn, lòng tin tưởng của nhân dân ta.

Một số anh em chúng tôi không sành thơ hỏi nhau khi mỗi người đọc xong Việt Bắc: "Anh thấy cái gì trong thơ Tố Hữu?" Chúng tôi đồng thanh: "Lòng yêu man mác, sâu xa, đằm thắm, và trước hết là lòng yêu Tổ quốc". Tổ quốc chúng ta không phải là trừu tượng. Nó là cảnh, là người, nó đẹp vô cùng. Nó là Lưng đèo Nhe, bóng tre mát rượi; nó là cánh đồng quê tháng mười, thơm nức mùa gặt hái. Nó là:

Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà rào rạt bến nước Bình Ca

Tổ quốc của chúng ta là Phú Thọ, Tuy Hòa, khu Ba, khu Bốn, là thủ đô Hà Nội, là Nam Bộ, Tiền Giang và Hậu Giang, là Ðồng Tháp Mười:“Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp.” Là: Nam Ngãi, Bình Phú, Khánh Hoà, Phan Rang, Phan Thiết, Tây Nguyên, Công Tum, Ðắc Lắc, là “Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung.”

Nhưng tổ quốc chúng ta không phải chỉ là không gian có núi cao, sông dài, có những chí lớn như biển Ðông trước mặt, tổ quốc chúng ta còn lâu dài với thời gian nữa. Nó là hàng thế kỷ, là mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây. Tố Hữu nói với chúng ta:

Của ta, trời đất, đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta.

Tiếng của của Tố Hữu ở đây sao đáng yêu quá, vì đúng quá. Trời đất Việt Nam là của chúng ta; đêm và ngày ở Việt Nam là của người Việt Nam, không phải là của kẻ nào khác và không thể là của những kẻ nào khác. Ðọc tất cả những bài thơ Tố Hữu, chúng ta càng cảm sâu hơn lòng yêu tổ quốc, yêu núi sông của ta, yêu năm tháng đêm ngày của chúng ta. Và lòng yêu ấy càng sâu thì chúng ta càng thấy cái ta là to lớn mạnh mẽ. Lòng tất cả mọi người chung lại thành một khối:

Bắc Nam liền một biển
Lòng ta không giới tuyến
Lòng ta chung một Cụ Hồ
Lòng ta chung một thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam

Sung sướng thay những ai có một lòng ta rộng lớn mênh mông như thế.

Tổ quốc chúng ta là một khối hai mươi triệu người, kết tinh lại trong một vĩ nhân: Hồ Chủ tịch. Cho nên đã yêu tổ quốc không thể không yêu Hồ Chủ tịch, và yêu Hồ Chủ tịch chính là yêu tổ quốc.

Trong cơ quan chúng tôi, có một cháu nhỏ mười sáu tháng đang học nói. Tiếng đầu tiên nó thốt ra là "Pa Hồ". Hai tiếng rời nhau nhưng nó gắn lại làm một, rồi nó nín hơi, ra sức nói lên một âm thanh đáng yêu đáo để. Rồi ngón tay xinh xinh của nó chỉ lên tấm ảnh trên tường. Người lớn chúng ta không hay hỏi nhau như thế. Nhưng giá có một người nào hỏi chúng ta: "Anh yêu ai?" thì tôi tưởng hình ảnh đầu tiên đến với chúng ta không thể nào khác hơn là "Bác Hồ". Lòng chúng ta đã ghi sâu hai tiếng “Bác Hồ” rõ ràng rành rọt hơn là các em nhỏ. Vì lòng yêu Bác của chúng ta đã từ tâm khảm biến thành lý trí. Nhưng dù đã được nâng lên lý tính, lòng yêu Bác Hồ của chúng ta vẫn không khác mấy lòng yêu của các em nhỏ. Vì Bác Hồ gần chúng ta lắm. Dù là ai đã được gặp Bác, dù là ai mới chỉ thấy Bác trong ảnh, nhưng ai cũng đều có một lòng yêu Bác như lòng yêu của thi sĩ Tố Hữu. Tố Hữu hỏi chúng ta:

Các anh chị, các em ơi, có phải
Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh
Môi ta thầm kêu Bác "Hồ Chí Minh"
Và mỗi trận, mỗi mùa vui thắng lợi
Ðôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi
Ta lớn cao lên bay bổng diệu kỳ...

Chỉ riêng hình ảnh của Bác đã là một sức động viên vô tận rồi. Bác luôn luôn
Với cây chì đỏ

Chỉ đường đi từng bước từng giờ

Tố Hữu đã nói lên ý nghĩ, tâm tình của chúng ta:

Không gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại

Ðứng trước một cảnh đẹp, một con người vĩ đại, ta rung cảm, nhưng giá có ai hỏi: "Cảnh ấy thế nào? Người ấy thế nào?" thì nhiều anh chị em ta thường trả lời: "Tuyệt, hay lắm, vĩ đại lắm" hoặc “không thể tả được”. Hoặc đôi khi diễn tả cái đẹp, cái vĩ đại, thì thấy làm sao ấy, diễn ra không thông. Ðối với Tố Hữu, không phải như thế. Tố Hữu đã ghi lại tình cảm của mình bằng hình ảnh, bằng âm thanh mà hình ảnh, âm thanh ấy không có gì xa lạ với chúng ta, trái lại gần gũi chúng ta nhiều, khiến cho chúng ta thấy lòng Tố Hữu như lòng chúng ta vậy.

Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà.

Ðây là Bác Hồ khi còn ở Việt Bắc. Ðến nay Bác đã về thủ đô. Chúng ta thấy Bác, tuy không phải là chiếc áo nâu nữa, nhưng y phục của Bác, lời lẽ của Bác, cái nhìn của Bác vẫn đậm đà màu quê hương rất bền bỉ. Người của Bác là người của quê hương, tinh thần của Bác là tinh thần của Tổ quốc. Và có chung một Tổ quốc thì nhất định là:

Lòng ta chung một Cụ Hồ

Một tiêu chuẩn để đo tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng của mỗi người là xét xem người ấy đối với lãnh tụ của cách mạng như thế nào. Chúng ta có thể nói rằng:

- Càng yêu Tổ quốc, càng yêu Hồ Chủ tịch.

Ðã yêu Bác Hồ, yêu Tổ quốc thì không thể nào không yêu anh bộ đội. Anh bộ đội của chúng ta là những người bạn hiền lành “Người lính trường chinh áo mỏng manh,” những ngày đi của anh là những ngày vắt với sương,

Ngô bung xôi nhạt, nước lưng bương
Ðêm mưa rình giặc tai thao thức
Mùa lại mùa qua rét nhức xương

Nhưng khi anh bộ đội về thì:

Cối lại vang rừng
Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân
Anh về sáo lại ái ân
Ðêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca

Bác Hồ, anh bộ đội, đó là những hình ảnh luôn luôn xuất hiện trong những bài thơ của Tố Hữu có khi nổi hẳn lên, có khi thấp thoáng. Và bóng của Bác, bóng của anh bộ đội không bao giờ hút cả. Trong bài “Cá nước”, “Voi”, “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên,” chúng ta thấy anh bộ đội trước mặt chúng ta; trong bài “Bầm ơi”, “Bà mẹ Việt Bắc”, Tố Hữu hướng ta theo rõi bóng anh bộ đội. Thi sĩ Tố Hữu cũng như chúng ta, hiểu cuộc đời anh bộ đội lắm, qua mấy câu thơ:

Xa xôi đầu xóm tre xanh
Có bà ru cháu nằm khoanh lòng già
Cháu ơi cháu lớn với bà
Bố mày đi đánh giặc xa chưa về

Cám ơn thi sĩ đã nói hộ tất cả những mối tình của chúng ta đối với những

Chiến sĩ anh hùng
Ðầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm,
Mưa dầm cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không sờn
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Ðầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm
Những bàn tay xẻ núi, lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện.

Trong những tình yêu thắm thiết trên đây, đã chất chứa sẵn một mối căm thù sâu sắc đối với những kẻ muốn chà đạp lên nhân dân Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục. Người Việt Nam không thể nào khoanh tay đứng nhìn những kẻ gây ra cảnh xác nằm ngổn ngang, phố đổ nhà hoang vắng, những kẻ đã làm cho Thủ đô chúng ta cay đắng tám năm ròng, năm cửa ô rào thép. Nhân dân ta căm thù bọn chúng rất sâu sắc. Cho đến tất cả những cái gì có trên đất Việt Nam cũng căm thù. Chiến lũy, sắt gỗ giăng thành...

Di lăng, sấu gạo,
Không tiếc lá cành xanh
Vất ngang đường cản giặc
Các anh nữa, những giòng chữ sắc
Thân cây tảng đá góc phòng
"-Phá tan tấn công mùa Ðông của Pháp"
Bằng than, bằng gạch, bằng sơn
Nét muôn tay hằn vạn đại căm hờn

Căm hờn ấy càng ngày càng lớn lên. Từ Bông Lau, ỷ La, sông Lô năm 1947, ta tiến tới Ðiện Biên Phủ năm 1954:

Nghe trưa nay, tháng 5 mồng 7
Trên đầu bay, thác lửa hờn căm!
Trông, bốn mặt, lũy hầm sập đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Ðiện Biên toàn thắng.

Không có một thác lửa căm hờn kẻ thù của Tổ quốc thì nói làm sao được đến lòng yêu Tổ quốc. Lòng yêu và lòng căm hờn đã khiến cho "anh cuốc, em cuốc, đá lở đất nhào" để phá đường chặn giặc, biến những con đường thành những nơi cảnh cáo giặc: "Thằng Tây mà cứ vẩn vơ, có hố này chờ chôn xác mày đây". Và cũng chính lòng yêu và lòng căm hờn ấy đã khiến cho bà mẹ của anh bộ đội nói với con: "Mày đi, mày lo cho khoẻ, đừng nghĩ lo gì, ở nhà có mẹ..." [2]

Lòng yêu và lòng căm thù dính liền với lòng tin tưởng tất thắng. Lòng tin của nhân dân ta từ khi có Hồ Chủ tịch, có Ðảng mỗi ngày càng vững mạnh, càng không có gì lay chuyển nổi. Ngày đầu kháng chiến, bà mẹ của anh bộ đội bảo con đi, nhìn theo con, trong lòng đã nhìn thấy ngày "nó về thắng trận". “Những thành phố trụi” của Tố Hữu cũng hát ca:

Mùa đông dài lạnh sẽ qua
Phố ta lại dựng, nhà ta lại về
Bàn tay đã nắm lời thề
Ra đi quyết phá, ngày về sẽ xây
Từ trong đổ nát hôm nay
Ngày mai đã đến từng giây từng giờ.

Anh bộ đội nâng niu khẩu đại bác, dặn dò: "Voi hăng voi nhé, trận này lập công!" Anh chị dân công khi đưa cuốc lên đã thách nhau "nhanh tay ta cuốc chôn thây quân thù". Người chiến sĩ đi ra trận dặn bà mẹ "nhớ con bầm cũng đừng buồn, giặc tan con lại về luôn với bầm". Lòng tin tưởng ấy từ đầu 1947 đã làm cho người chiến sĩ luôn luôn đi tới và làm cho cuối 1954:

Làng ta giặc chạy rồi!
Tre làng ta lại mọc
Chuối làng ta xanh chồi
Trâu ta ra bãi ra đồi
Ðồng ta lại hát hơn mười năm xưa...

Người, vật, cảnh, và tình trong thơ Tố Hữu đều đầy rẫy cái lạc quan cách mạng. [3]

Thơ Tố Hữu gần chúng ta, dễ cảm chúng ta, không những vì tình cảm của thi sĩ là tình cảm của chúng ta, mà còn vì thi sĩ đã nói lên những lời quen thuộc với chúng ta nhiều lắm. Chúng ta hãy đọc:

Ai về ai có nhớ không
Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang
Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công
Ðiều quân chiến dịch Thu Ðông
Nông thôn phát động, giao thông mở đường...

Và suốt cả những câu kế tiếp trong bài “Việt Bắc” hình như là những lời ca dao thân thuộc với ta, hình như là những câu Kiều lẩy, và có lẽ một đoạn nào đó trong Lục Vân Tiên? Nó là tất cả những phong vị dân tộc ấy trộn lại, toát ra và được nâng lên thành những cái gì mới mẻ mà trong đó ta vẫn thấy tiếp nối bao nhiêu cái cũ của ngàn xưa.

Hay là đây nữa:

Voi là voi ơi
Voi là voi quý
Voi nằm voi nghỉ
Voi nghỉ voi chơi
Voi là voi ơi
Voi ta đầu thép
Voi cong chân đẹp
Voi nghểnh voi cười

Ðọc bài này ai không nhớ lại bài "Con vỏi con voi, cái vòi đi trước". Con voi của pháo binh khác hẳn với con voi ngày xưa, nhưng nhạc điệu của bài mới phảng phất dội lại bài hát cũ của quần chúng, làm cho con voi của pháo binh càng thêm thân mật.

Chúng ta dễ thuộc thơ của Tú Mỡ vì lời Tú Mỡ thân với ta, chúng ta dễ thuộc thơ Tố Hữu vì thơ Tố Hữu đậm một hình thức dân tộc.

Ðã lâu lắm chúng ta không đề cập đến vấn đề chủ nghĩa nhân văn cách mạng. Thơ của Tố Hữu chính là biểu hiện chủ nghĩa nhân văn của chúng ta. Chủ nghĩa nhân văn là nêu cao cái tôi tiến bộ, cách mạng của mỗi con người trong cái ta của Tổ quốc. Chúng ta được đào tạo trong cùng một lý tưởng với thi sĩ Tố Hữu nên chúng ta yêu thơ Tố Hữu, và thấy thơ Tố Hữu là những lời hát của chúng ta. Với mắt nhìn của Tố Hữu, sức sống luôn luôn vươn lên, trong ngày hôm qua đã chớm nở buổi hôm nay; trong quá khứ đã sẵn có tương lai, giữa thành phố trụi đã có cảnh xây dựng lại nhà cửa, v.v... Tất cả những người yêu Tổ quốc, yêu tiến bộ, yêu hòa bình đều nghĩ như vậy. Hai vợ chồng Rô-xân-bơ (Rosenberg) ngay trong lúc bị kẻ thù của nhân loại giam cầm trong ngục tối vẫn nhìn thấy

Mai sau đời sẽ hát ca
Mai sau cây cỏ nở hoa trên mồ
Ðời ta phơi phới tự do
Hòa bình thân ái tắt lò chiến tranh

Chủ nghĩa nhân văn không có gì khác hơn là nhằm vun trồng giá trị của con người. Giá trị của con người không phải là sự tính toán ích kỷ của mỗi cá nhân; không phải là sự quanh quẩn chật hẹp, mà chính là trong cái ta rộng rãi, to lớn. Ðã có một thời các thi sĩ khi làm thơ thì đầu đề trước nhất là "tự thuật", "tự tình", rồi tự gì gì nữa. Thời ấy đã qua rồi. Chúng ta đang cùng nhau đi tới trên con đường tự do cuồn cuộn, trên con đường mà mỗi chúng ta hòa mình với Tổ quốc, với thủ đô, với Bác Hồ, với anh bộ đội... Thơ của Tố Hữu không có những cái "tự thuật" của thời xưa. Thơ của Tố Hữu có núi sông, có đêm ngày của đất nước, có những

Ngày mai xanh lại từng cây
Ngày mai lại đẹp hơn rày năm xưa...

Thơ của Tố Hữu là chủ nghĩa nhân văn cách mạng.

Văn nghệ, s.66 (21.3.1955)



9. Nhân dân

Tin ngắn văn nghệ

Cuộc họp thứ nhất thảo luận về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu tại trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam

Ðể đẩy mạnh phong trào phê bình văn nghệ, ban văn học của Hội văn nghệ Việt Nam đã tổ chức vào tối 31-3-1955 vừa qua tại trụ sở của Hội cuộc họp thứ nhất thảo luận về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Kỳ họp đầu tiên này mở trong một phạm vi hẹp, chủ yếu dành cho anh chị em hoạt động trong ngành thơ và một số các bạn yêu thơ, có tính chất mở đầu cho những cuộc họp rộng rãi hơn sau này để tiếp tục thảo luận về tập thơ của Tố Hữu.

Gần 60 anh chị em đến dự cuộc thảo luận đã trao đổi ý kiến về tác phẩm của Tố Hữu.

Cuộc thảo luận hướng theo ba vấn đề lớn đã được phát hiện về tập thơ Việt Bắc trong những bài phê bình đăng trên các báo văn nghệ gần đây: tính chất hiện thực, tính chất thời đại và tính chất quần chúng của thơ Tố Hữu như thế nào? Trong gần 3 tiếng đồng hồ thảo luận, các ý kiến phát biểu đã xoay quanh một vấn đề chính: chủ nghĩa hiện thực trong tập thơ Việt Bắc. Anh chị em đã sôi nổi phân tích, trình bày những điểm dẫn chứng cụ thể để tỏ rõ lập luận của mình.

Cuộc thảo luận đầu tiên nhìn chung có kết quả tốt. Anh chị em đến tham dự đã tích cực góp ý kiến. Mỗi người đã cố gắng trong việc phát huy tự do tư tưởng, thành thật phát biểu ý kiến. [4]

3.4.1955



10. Vũ Ðức Phúc

Tranh luận về tập thơ Việt Bắc: Hoàng Yến chưa nắm vững vấn đề hiện thực

Ý chính trong bài phê bình của Hoàng Yến (đăng trong Văn nghệ số 65) là: "Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?" Vấn đề quan trọng ở điểm này.

Sở dĩ tôi phải nhắc lại vấn đề và nhấn mạnh là vì theo tôi hiểu, Hoàng Yến trong khi phê bình thơ Tố Hữu, đã nhiều lần rơi vào chủ nghĩa tự nhiên hoặc chủ nghĩa lãng mạn. Ðó là việc tôi sẽ chứng minh sau.

Ngay cách Hoàng Yến đặt vấn đề "Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?" cũng chưa được rõ. Bởi vì có hai thứ hiện thực: Hiện thực phê bình và hiện thực xã hội chủ nghĩa (còn gọi là hiện thực mới nữa).

Trong bài này, để bạn đọc dễ liên hệ ý của tôi với ý của Hoàng Yến, tôi cũng tạm dùng hai tiếng "hiện thực" không thôi, nhưng xin hiểu là "hiện thực xã hội chủ nghĩa".

Vấn đề thứ hai cần phải nêu lên khi phê bình một tác giả, không thể dựa vào một ý muốn chủ quan của mình rồi bắt buộc người được phê bình phải có thêm những cái mà họ không thể có. Mở đầu cho bài phê bình, Hoàng Yến nêu lên: "Tập thơ Việt Bắc chủ yếu là tập thơ kháng chiến. Sự sống trong thơ là sự sống nhiều mặt của cuộc kháng chiến toàn diện, toàn dân. Tình cảm trong thơ là những tình cảm lớn của con người kháng chiến đồng thời cũng là những tình cảm lớn của thời đại". Nếu sau khi đọc tập thơ mà có cảm tưởng như vậy (như anh Xuân Diệu) thì đó là quyền của người ta. Nhưng đặt một cái nhiệm vụ rất to lớn ấy cho tập thơ, trước khi đi vào phê bình, dựa vào đó mà phê bình như ta kiểm thảo việc thực hiện nghị quyết, như vậy là một phương pháp phê bình hết sức chủ quan. Ta không nên đòi hỏi một chiến binh có tài phải là một chỉ huy có tài nữa, cũng như không thể nói rằng khuyết điểm của đại tướng Võ Nguyên Giáp là không bắn được "bách phát bách trúng". Người ta hay đòi hỏi nhà văn nghệ những đức tính mà họ không thể có, những điều mà họ không thể biết, do chỗ khả năng con người nói chung và những cá nhân nói riêng, dù có phát triển tột bực và đúng hướng, cũng chỉ có hạn. Nếu theo ý muốn của mình mà phê bình thì có thể chỉ trích "bạt mạng" bất kỳ một nhà văn siêu việt nào.

Riêng về Tố Hữu, mặc dầu người ta vẫn ca tụng anh như thế nào cũng chưa từng biểu lộ tham vọng gói ghém "tất cả tình cảm của thời đại" vào trong một tập thơ rất là mỏng. Ðứng về phía độc giả mà nói, thì được đọc một bài thơ hay, nói lên một tình cảm sâu sắc gì đó, ta cũng đủ cám ơn tác giả rồi. Dù Tố Hữu có là thánh đi chăng nữa, cũng không thể quan niệm đọc Tố Hữu là không cần đọc ai nữa cũng đủ cho tất cả buồng tim, thớ thịt của mình rung chuyển theo thời đại.

Dựa trên hai quan niệm căn bản ấy tôi xin góp ý kiến về tập thơ Việt Bắc đồng thời chống lại một vài nhận xét của Hoàng Yến mà tôi cho là không đúng.

Bắt đầu ngay vào bài “Phá đường”, Hoàng Yến cũng bắt đầu phê bình với tình cảm phá đường trong bài thơ đó. Bài thơ “Phá đường” được phổ biến từ Bắc chí Nam. Riêng một điều đó cũng nói đủ rồi. Bài “Phá đường” không tả chàng thanh niên mà lại tả một phụ nữ nông dân có con mọn, việc nhà neo bấn. Từng ấy nét là những nét rất điển hình, rất dân tộc, rất hiện thực. Cũng vì vậy nên bài “Phá đường” không phải chỉ có tác dụng động viên người ta đi phá đường mà thôi; mà anh cán bộ, anh đội viên, người dân công đi phục vụ, v. v... nói tóm lại tất cả những người phải "tranh đấu tư tưởng" ít hay nhiều, để phục vụ cách mạng, để thanh toán những thắc mắc phổ biến như gia đình, vợ con, việc nhà neo bấn... những người đó cũng thấy bài thơ gần gụi với mình. Ngay bây giờ bài thơ cũng còn truyền cảm và có tác dụng. Ðó là chỗ đạt của bài thơ, không phải là khuyết điểm.

Ðó là tác dụng nâng cao trình độ tư tưởng của văn nghệ hiện thực.

Hoàng Yến có nói một người anh em nào đó có làm bài thơ “Ðắp đường” na ná như bài “Phá đường” rồi kết luận: "Tôi tự hỏi như thế thì tình cảm của con người "phá đường" trong kháng chiến và "đắp đường" trong hòa bình khác nhau ở chỗ nào?" Nhưng trước khi đối chiếu hai bài, Hoàng Yến quên không nghĩ tới một vấn đề căn bản là bài “Ðắp đường” nào đó là một bài thơ "tồi". Hai nữa, Tố Hữu không làm một bài “Ðắp đường”, nhưng khi hòa bình được lập lại, anh làm bài “Ta đi tới”:

Ðường ta rộng thênh thang tám thước.

Nếu nghiên cứu bài “Phá đường” và bài “Ta đi tới” sẽ trả lời được câu hỏi của Hoàng Yến. Một bài nói về phá đường, chờ giặc Pháp tấn công; một bài nói về những con đường rộng thênh thang mới đắp, đi đến độc lập, tự do, thống nhất. Hai bài, hai giai đoạn lịch sử, tình cảm làm sao giống nhau được? Ngay bây giờ, thí dụ Hoàng Yến cần đọc bài thơ “Phá đường” cho một người lạ nghe, tất nhiên cũng phải nói đến tới hoàn cảnh nào, thời kỳ nào mới có con người ấy, tình cảm ấy trong thơ Tố Hữu. Một bài như vậy có tác dụng trong các công tác khác như đắp đường trong thời bình chẳng hạn, thì chỗ đó chỉ chứng tỏ tính chất hiện thực của nó. Nhưng nếu theo kiểu "bài hát ta theo điệu tây" trong thời kỳ 1936-1940 rồi viết ra một bài “Ðắp đường” như người anh em nào đó thì bỗng đâm ra nhạt phèo. Lấy một tỉ dụ: trong thời kỳ hòa bình hiện nay, nếu cần phải đắp đường, cái thắc mắc về neo bấn, về vợ mọn con thơ v.v... có thể là thứ yếu và nhiều khi không thành vấn đề, mà tinh thần vui vẻ xây dựng, quyết tâm phấn khởi đi tới thống nhất, độc lập, tinh thần căm thù Mỹ có thể là tình cảm nổi bật. Thực tế trong hoàn cảnh hiện nay Chính phủ tổ chức mọi người đi công trường kiến thiết đường giao thông, nói chung là có áo rét hẳn hoi, mà nếu lại hạ câu "Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế" thì thật là lạc điệu và dớ dẩn.

Cách nhằm vào một bài thơ đã được nhân dân cách mạng hưởng ứng lâu rồi mà phê phán như Hoàng Yến, không nâng cao quan niệm của anh về nghệ thuật chút nào và chỉ tỏ ra vụng về. Theo ý tôi, nếu ta hiện thực một chút, nếu ta quả là "thực sự cầu thị", thì phải nghiên cứu, phân tách một bài thơ đã trải qua thử thách như bài “Phá đường” để học lấy kinh nghiệm làm thơ thì phải hơn.

Hoàng Yến lại đưa ra mấy câu thơ sau này để đề cao và đối chọi với bài “Phá đường”:

Lấy búa mà bửa chân trời
Lấy dao mà chặt lìa đôi nhịp cầu
Thà rằng cách trở sông sâu.

Ðưa ra mấy câu thơ như vậy làm tiêu chuẩn thực là nguy hiểm cho nền thơ dân tộc. Mấy câu đó có gì là hiện thực hơn bài thơ Tố Hữu. Dù gọi là một kiểu tìm "hình ảnh" theo đúng "mỹ từ pháp" [5] cũng không thể tưởng tượng, so sánh việc phá đường với lấy búa bửa chân trời, hoặc một cái cầu trên sông sâu mà có thể cầm dao chặt lìa đôi như một cây ta bắc qua lạch được. Cái kiểu nói "quá đi một tý" theo những câu trên, dù phân tách thế nào cũng không thể tìm thấy "hiện thực" ở chỗ nào được. Tình cảm giả tạo của nó biểu lộ rõ ràng.

Một câu thơ nữa mà Hoàng Yến đưa ra để chọi với bài “Phá đường”:

Con đường số Bảy của tao
Nó đi theo giặc tao đào nó đây

Ðồng chí du kích nào sáng tác ra câu đó mà hò, cũng không ai kiểm duyệt. Nhưng để đối chọi với bài “Phá đường”, chỉ tìm được những câu như thế, đề cao lên là thơ hiện thực thì không hiểu quan niệm về thơ hiện thực của Hoàng Yến như thế nào? Con đường mà ta phá đi cho giặc không lợi dụng được, không mấy người quan niệm là "nó đi theo giặc". Nói hẳn rằng quan niệm như thế sai. Ðã sai sao gọi là hiện thực? Hai câu đó chỉ là một cách ví von ấu trĩ. Nhân dân sáng tác truyền khẩu từ khi lập quốc đến nay có đến hàng triệu triệu bài như những câu thơ trên, trong đó cái số ca dao còn lại và được truyền tụng chỉ là một số ít thôi. Còn như hai câu mà Hoàng Yến ca tụng chỉ là đọc ra rồi để quên đi. Mặc dầu người đọc rộng lượng đến thế nào chăng nữa, giàu óc tưởng tượng đến đâu nữa, cũng rất ngạc nhiên khi thấy Hoàng Yến gán ghép cho hai câu trên là "thấm thía xót xa", "phản ảnh được cuộc sống sinh động muôn vẻ muôn màu".

Trong vở hài kịch của Mô-li-e nhan đề là “Phụ nữ kiểu cách lố bịch” có tả một đoạn một anh đầy tớ giả làm quan lớn tên là Mát-ca-ri đến đọc thơ cho hai cô ả kiểu cách là Ca-tốt và Ma-đờ-lông nghe. Tôi xin tạm dịch đoạn văn "điển hình" đó ra đây:

"Mát-ca-ri (đọc thơ):
- Chao ôi, chao ôi! Tôi không chú ý đề phòng:
Trong khi, không có tình ý gì, tôi nhìn cô
Con mắt của cô, rình mò, chộp ngay quả tim tôi
Ô kẻ trộm! ô kẻ trộm! ô lũ trộm! ô kẻ trộm!
Ca-tốt. - Trời! Thật là diễn tả việc ca tụng đến tột bậc của nó.
Mát-ca-ri. - Tất cả những cái tôi sáng tác đều có vẻ khoáng đạt tự do, không có gì là sách vở cả.
Ma-đờ-lông. - Thật là xa sách vở đến hai nghìn dặm ấy chứ lại.
Mát-ca-ri. - Các chị có chú ý đoạn ra mở đầu "Chao ôi, chao ôi!" chăng? Như thế mới là khác đời: "Chao ôi, chao ôi!" như là một người bỗng nhìn chợt nhận ra. "Chao ôi, chao ôi!" đó là cách diễn tả sự ngạc nhiên. "Chao ôi, chao ôi!".
Ma-đờ-lông. - Phải, tôi nhận thấy chữ "Chao ôi, chao ôi!" đó thật đáng khen ngợi.
Mát-ca-ri. - Thoạt nghe, tưởng chừng như đáng chú ý.
Ca-tốt. - Trời! Sao lại nói thế? Những câu thơ như thế thật là quý vô giá!
Ma-đờ-lông. - Ðúng rồi còn gì nữa; tôi ước mong sáng tác được mấy chữ "Chao ôi! Chao ôi!" đó hơn là làm một thiên anh hùng ca..."

Hai câu:

Con đường số Bẩy của tao
Nó đi theo giặc tao đào nó đây.

mà Hoàng Yến đã tán tụng là "... phản ảnh đúng được cuộc sống sinh động muôn vẻ muôn màu: Có thế mới gợi lên được những tình cảm vĩ đại kết tinh từ trong máu lửa, nước mắt mồ hôi, rèn luyện qua bao nhiêu thử thách trong cuộc kháng chiến anh dũng trường kỳ". Hai câu trên và ý kiến của Hoàng Yến làm tôi nhớ lại đoạn văn trên của Mô-li-e và tôi có nhận định chắc chắn rằng Hoàng Yến đã rơi vào lập trường của ả Ma-đơ-lông, cách xa hiện thực xã hội chủ nghĩa đến ba thế kỷ, và có lẽ lại còn cũ kỹ hơn cả Ma-đơ-lông nữa.

Nói về anh bộ đội, mặc dầu Tố Hữu đã nói tới trong nhiều bài: “Bà mẹ Việt Bắc”, “Lên Tây Bắc”, “Bao giờ hết giặc”, “Bắn”, “Voi”, “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”, v.v... và nhiều bài thơ dịch của anh; mặc dầu là đã nói nhiều như thế, cũng chỉ nói được phần nào về anh bộ đội của ta, không thể nói hết được. Chúng ta muốn đòi hỏi phải nói hết, cũng không được. Anh em bộ đội chờ đợi, đòi hỏi Tố Hữu nói nhiều chỉ là vì thơ của Tố Hữu đã đi sâu vào lòng anh bộ đội, không phải là khuyết điểm. Tố Hữu chưa thấm thía mối tình đồng đội thì anh không thể viết ra được. Nhưng về phía khác, những bài thơ của anh tả tình cảm bà mẹ nhớ con đi bộ đội, tả bộ đội nhớ mẹ già, thật là thấm thía, chưa ai viết được như anh. Về mặt ấy, chính Hoàng Yến cũng phải công nhận là Tố Hữu đã thành công. Nhưng Hoàng Yến có nêu lên mấy câu thơ sau đây trong bài “Lên Tây Bắc” của Tố Hữu:

Lại những ngày đi vắt với sương
Ngô bung xôi nhạt, nước lưng bương
Ðêm mưa rình giặc tai thao thức
Mùa lại mùa qua, rét nhức xương

Nêu lên như vậy, Hoàng Yến nhận định là mấy câu thơ đó "bàng quan và bất lực". Cách nhặt mấy câu trong một bài thơ chủ yếu không phải là tả cảnh khổ của bộ đội, mà là tả tình cảm một người đi theo bộ đội đánh giặc, cách nhặt mấy câu như trên rồi kết luận là "bàng quan và bất lực", là chưa nắm được nội dung chính của bài thơ. Bài thơ không phải như một cuốn tiểu thuyết có thể nói lan man kỹ lưỡng về nhiều vấn đề. Nội dung chính của bài “Lên Tây Bắc” là nói lên tình cảm tin tưởng, ngưỡng mộ, phấn khởi của người đi theo bộ đội:

Tôi ngồi không ngủ nghe anh thở
Khe khẽ lòng ngân lên tiếng thơ

Không thể đòi hỏi một bài thơ như thế đi sâu vào tả cảnh chịu đựng gian khổ của bộ đội. Ta phải đòi hỏi ở tác phẩm khác, tác giả khác, hoặc chọn lọc trong số thơ của bộ đội. Không phải cái gì cũng hỏi anh Tố Hữu. Nếu đòi hỏi đi sâu vào những ý phụ, bài thơ có thể lại mất nội dung chính của nó và như thế là hỏng.

Cũng như đối với bài “Bắn”, thì phê bình của Hoàng Yến cũng không hiện thực chút nào. Tố Hữu có tả người lính khi chuẩn bị nhìn đồn địch trên khoảng đất đỏ, thèm thuồng thấy "ngon như một đĩa thịt bò tươi". Hoàng Yến căn cứ vào chỗ bộ đội ít được ăn thịt bò tươi, bảo rằng câu thơ đó xa lạ đối với chiến sĩ. Thực tế người ta thèm thuồng những cái gì ít khi được hưởng thụ. Chính vì ít khi anh bộ đội được ăn thịt bò tươi, anh thèm thịt, nên ví cái đồn địch như một đĩa thịt bò tươi là rất đúng. Cái cảm giác "thèm thuồng đồn địch" mà chiến sĩ cần phải có đó, cũng là tính chất hiện thực mới. Vì nó có tác dụng nâng cao tư tưởng người đọc ở chỗ thèm thuồng diệt địch cho nên nó mới. Anh bộ đội hay ao ước "chất" nhất, mà "chất" nếu không là thịt lợn thì thường là "thịt bò", cho nên câu thơ đó hiện thực. Lời phê bình của Hoàng Yến làm cho người ta có cảm giác rằng chính tư tưởng Hoàng Yến mới xa lạ với tình cảm của bộ đội mặc dầu trong thực tế Hoàng Yến có thể gần anh bộ đội hơn.

Cũng trong bài “Bắn” có mấy câu sau:

Bao đồng chí của ta bay đã giết
Chặt đầu cắm cọc phơi khô
Chị em ta, bay căng thịt lõa lồ
Con em ta bay quăng chân vào lửa
Lúa ngô ta bay cướp về cho ngựa
Xóm làng ta bay đốt cháy tan hoang!

Hoàng Yến trích mấy câu đó, rồi phê phán: "tác giả đã tổng kết sự việc trên tài liệu". Nói như vậy trước hết là thiếu "thực sự cầu thị", tức là không hiện thực chút nào. Ðọc một bài “Em bé Triều Tiên” cũng hiểu tác giả có một mối căm thù rộng lớn và sâu sắc. Ngay bài “Bà mẹ Việt Bắc” cũng tả rất cụ thể tội ác của giặc. Ngay dưới mấy câu thơ trên đây, Tố Hữu còn viết một câu kết tinh lòng căm thù mà Hoàng Yến đã cắt nghĩa một cách độc đoán:

Chúng bay cười?
- Ðến giờ chưa đồng chí?

Một người đã vào sinh ra tử trong bao nhiêu năm trời, nếm trải mọi mùi tàn ác của đế quốc, chứng kiến bao nhiêu cảnh dã man mà chúng gây ra, một người như Tố Hữu phải đâu là người không cảm thông được nỗi căm hờn giặc, dù là chỉ nghe chuyện mà hình dung ra sự việc. Một người như vậy nếu ta kết luận là "tổng kết sự việc trên tài liệu", thì cũng nên suy nghĩ một chút.

Hai nữa, cũng như bài “Lên Tây Bắc”, nội dung chính trong bài “Bắn” không phải là tả lan man về mối căm thù của anh bộ đội. Nếu trong lúc bắn pháo, mà anh bộ đội lan man như thế thì anh bộ đội bắn trượt mất, mà người tả như thế là một nhà thơ mơ mộng chứ không hiện thực chút nào. Anh bộ đội sắp bắn, phải hết sức chú mục vào việc bắn. Cảm giác chính là thèm thuồng, bồn chồn, những hình ảnh căm thù chỉ thoảng qua và thúc đẩy anh nóng ruột thêm.

Chúng bay cười?
- Ðến giờ chưa đồng chí?

Bồn chồn như vậy, căm thù như vậy mà vẫn phải cẩn thận, bình tĩnh để "còn trông còn ngắm từng ly", để "sửa lại cho ngay nòng súng". Hình ảnh bọn địch chắc chắn sẽ bị tiêu diệt làm cho anh càng sốt tiết thêm, đầu "cháy bùng lên như cục lửa". Tất cả những tình cảm đó, Tố Hữu đã nhận xét rất tinh, rất thực tế. Ðọc xong bài thơ, chúng ta hình dung ngay được một cảnh khoái trá là một tràng đạn đại bác oàng oàng rơi vào đầu địch. Một bài thơ như vậy, không thể trích một vài câu như trên, một vài câu khía cạnh, rồi kết luận là tác giả "tổng kết sự việc trên tài liệu" được.

Ðể nêu lên cái tình đồng đội, Hoàng Yến có nhắc tới mấy câu thơ sau của một chiến sĩ:

Ðêm nay gió rét lạnh lùng
Cắt tầu lá chuối lót lưng đỡ đầu
Anh ơi! ôm lấy lưng tôi
Chúng ta đùi cặp lấy đùi cho nhau.

Mấy câu thơ đó có thể làm bộ đội bật cười về cái hình ảnh "đùi cặp lấy đùi". Nhưng cũng không thể đặt mấy câu đó lên trên thơ Tố Hữu và gọi nó là hiện thực mới được. Chỗ này Hoàng Yến đã lầm lẫn "chủ nghĩa tự nhiên" với "hiện thực mới". Rét quá lại thiếu chăn thì anh nào dù không có cảm tình với nhau mà chẳng phải quặp lấy nhau mà ngủ, mà chẳng phải kiếm một thứ rơm, rạ, lá lẩu gì đó mà lót lưng, cứ gì phải có "tình đồng đội", phải "gắn bó keo sơn" hơn là Lưu, Quan, Trương, mới biểu hiện ra như thế. Trong hàng vạn bài thơ, ca dao của chiến sĩ, chọn mấy câu thơ ấy đặt lên trên thơ Tố Hữu, làm cho người ta có thể hiểu nhầm thơ bộ đội toàn thế cả. Ðó là việc đuổi ruồi cho bạn ngủ ngon bằng cách ném tảng đá vào con ruồi đậu trên mũi bạn. Mấy câu thơ đó nâng cao tư tưởng ở chỗ nào mà bảo là "hiện thực mới"? Hoàng Yến còn nói: “Nội thi phẩm phản ánh được thời đại phải trào lên những giòng thơ hừng hực [6] chiến đấu, đỏ rực [7] căm thù, có mãnh lực động viên kích thích hàng triệu người ra mặt trận đấu tranh.

Ðọc xong Việt Bắc, hình ảnh để lại trong lòng ta là những hình ảnh đèm đẹp, ý nhị, nhẹ nhàng, khía rung động sâu sắc nhất là khía mến thương thắm thiết, tâm tình. Phần lớn các câu thơ đều có dáng dấp hiền lành, dìu dịu.

Ðối chiếu với cuộc sống mãnh liệt đi băng băng như con ngựa phi, cuồn cuộn như giòng thác đổ [8] , thơ Tố Hữu còn bước đi thong thả, giòng thơ còn trôi chảy lặng lờ. Ðôi lúc cũng có sóng xao nhưng đó chỉ là những sóng nhỏ vỡ bờ”.

Ðoạn văn phê bình trên đây chứa đựng nhiều sai lầm. Hoàng Yến muốn Tố Hữu phải là một người làm những thiên anh hùng ca thật là kêu gào. Ðiều đó không phải là nên khuyến khích. Những bài kêu gào, rất nhiều hình dung từ chồng chất, vị tất đã đi sâu vào lòng con người như những bài thắm thiết, sâu sắc. Thời đại chúng ta anh hùng thật; nhưng mà tả nó trước hết phải chống lại xu hướng lãng mạn đã hết thời (không phải là lãng mạn cách mạng không mâu thuẫn gì với hiện thực xã hội chủ nghĩa mà còn nằm trong đó) và xu hướng kêu gào, gầm thét rỗng tuếch. Thử đọc những bài thơ tuyệt tác của Si-mô-nốp, những bài Tố Hữu đã dịch cũng như bài dân ca Nam Tư, những bài đó nói tới chuyện nhớ nhung, chuyện nhớ của cha mẹ, vợ chồng, con cái, rất thắm thiết, cho nên cũng rất anh hùng. Tố Hữu, theo tôi, đã có những bước tiến bộ về mặt ấy. Ta thử đọc lại bài “Ly rượu thọ cũ” của anh (1935) sẽ thấy hình ảnh Mã Chiếm Sơn ít nhiều còn nhuốm màu anh hùng chủ nghĩa: tác giả tả Mã Chiếm Sơn như một vị thiên thần. Giai đoạn lịch sử đó thực tế có phải như chuyện "thần thoại" đó đâu? Rứt bỏ được khuyết điểm cũ đó Tố Hữu đã chắc chắn vững vàng hơn xưa nhiều.

Do nhận xét đó, mấy câu thơ sau đây của Tố Hữu trong bài “Việt Bắc”, dù chưa phải là hay nhất, nhưng cũng không thể bắt tội là "khí thơ đoản, hơi thơ đuối" như Hoàng Yến hạ bút phê phán được:

Những đồng Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc những đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Tả như trên là thấm thía. Nếu theo Hoàng Yến cần phải tả: "Việt Bắc oai hùng, cái đất thần thánh thiêng liêng [9] của cách mạng" không khéo chỉ là thêm một số hình dung từ ồn ào mà thôi. Nhiều người quan niệm các vị lãnh tụ cách mạng, các anh hùng chiến sĩ của ta một cách rất "lãng mạn", đến khi gần gũi các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, lại không thấy gì là giản dị hơn, thân mật hơn. Thực tế như vậy, phải thức tỉnh các nhà văn nhà thơ lãng mạn tưởng tượng những chuyện lay trời chuyển đất như chuyện Lý Nguyên Bá tung đôi trùy nặng tám trăm cân lên đánh trời.

Xuân Diệu, theo ý tôi, cũng đòi hỏi Tố Hữu những cái mà Tố Hữu không thể có, hay Tố Hữu đặt xuống hàng thứ yếu. Xuân Diệu có phê bình nhược điểm thơ Tố Hữu là nhẹ về tình cảm cá nhân mà nặng về tình cảm xã hội. Theo ý Xuân Diệu, tình cảm cá nhân (căn cứ theo bài phê bình của anh) là tình yêu và sự chết.

Trước hết, quan niệm về thơ trữ tình, bó hẹp tình cảm cá nhân trong tình yêu, thiên nhiên và sự chết như kiểu Guýt-sta-vơ Lăng-xông (Gustave Lanson) đó đã cũ lắm rồi. Tình yêu Tổ quốc, yêu nhân loại, yêu giai cấp, cùng với tình yêu gia đình vợ con, bè bạn, bố mẹ v.v... theo đúng hướng của nó cũng đặt vào phạm vi thơ trữ tình. Theo quan niệm hiện thực xã hội chủ nghĩa mà nói, rất khó phân biệt tình cảm xã hội và tình cảm cá nhân. Chỉ có tình cảm tiến bộ và tình cảm lạc hậu. Ái tình cũng có hai mặt đó. Chính Xuân Diệu cũng nhận là "tình cảm từng cá nhân khi đã đúng hướng tiến bộ của toàn xã hội, cần được diễn tả vào sâu đến khía đặc biệt, vì những tình cảm đó đều tiềm tàng một ý nghĩa xã hội".

Như vậy là trong chỗ này, Xuân Diệu công nhận khó phân biệt tình cảm cá nhân và xã hội, nhưng ở trên, anh lại phân tách độc đoán ra hai loại tình cảm khác nhau và trách Tố Hữu nặng mặt nọ nhẹ mặt kia.

Riêng về Tố Hữu, nhận định như Xuân Diệu cũng không đúng. Tố Hữu có tả tình cảm mẹ con một cách rất sâu sắc như bài “Bà mẹ Việt Bắc”, “Bầm ơi”, “Em bé Triều Tiên”... Về ái tình, có những nhà thơ nói sâu sắc hơn Tố Hữu, như Si-mô-nốp, thì khi anh dịch anh đã để hết cả tình cảm của mình vào đó. Ðối với một người dù đã có gia đình và là một người chồng gương mẫu (nói thí dụ) nhưng đứng trước nhiệm vụ đã tuyên bố "lòng không vướng nợ bén duyên gì", ta cũng không nên đòi hỏi đi sâu vào ái tình, vào sự chết nhiều quá.

Viết đến đây, tôi đã nói hết về hiện thực mới trong thơ Tố Hữu. Tôi cũng có thể nói về những thiếu sót của thơ anh. Nhưng những thiếu sót ấy không liên quan gì đến tính chất hiện thực mới của thơ Tố Hữu.

Gia Lâm, 3-1955
Văn nghệ, số 67 (1.4.1955)





[1]Ðây là lời tòa soạn báo Văn nghệ.
[2]Lưu ý: các câu thơ dẫn chứng có khác biệt ít nhiều so với nguyên bản tập thơ.
[3]Lưu ý: cách diễn đạt này ("đầy rẫy") của tác giả có thể gây phản cảm ở thời kỳ sau; chỗ này sưu tập giữ nguyên là do tính chất tư liệu (B.T.).
[4]Tin của báo, không ký tên phóng viên.
[5]“mỹ từ pháp”: cách nói cho đẹp lời (nguyên chú của VÐP).
[6]Do tôi gạch dưới (in ngả) để độc giả chú ý cách dùng chữ (V.Ð.P.).
[7]Do tôi gạch dưới (in ngả) để độc giả chú ý cách dùng chữ (V.Ð.P.).
[8]Do tôi gạch dưới (in ngả) để độc giả chú ý cách dùng chữ (V.Ð.P.).
[9]Do tôi gạch dưới (in ngả) để độc giả chú ý cách dùng chữ (V.Ð.P.).




=====




No comments:

Post a Comment