HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Friday 20 September 2013

NVGP *156. GỬI TRIẾT GIA DUY VẬT

156. GỬI TRIẾT GIA DUY VẬT
Gửi một triết gia duy vật

Một triết gia VN nổi tiếng (1) hiện có mặt tại Paris để ra mắt sách. Nhân dịp đó, một cuộc gặp gỡ được tổ chức trong mục đích trao đổi về triết học. Để sửa soạn cho cuộc gặp gỡ này, chúng tôi được nhờ soạn ra một vài câu hỏi về triết học duy vật Marx-Lénine. Xin ghi ra đây để hy vọng cuộc “trao đổi” trên trở nên rộng rãi hơn với nhữg suy nghĩ về đóng góp của độc giả “mộ điệu” bốn phương.

Kính thưa bác,

Có hai đề tài trong triết lý duy vật Marx-Lénine có thể bị coi như hai “khâu yếu”, xin được bác giải thích, đó là:

1. Vấn đề bản chất của vật chất:

Theo bác, triết học Marx-Lénine có quan niệm sự hiện hữu của “con người nói chung” trong cái quá trình gọi là “lịch sử loài người”. Vậy trong một quá trình rộng lớn hơn là quá trình tiến hóa của vật chất (“lịch sử” của vật chất), cũng phải có cái gọi là “vật chất nói chung”. Nó là gì?

Đây cũng là đặt vấn đề bản chất của vật chất. Bác đã dẫn Lénine để cho rằng: “không có trình độ thấp nhất của vật chất”, tức vật chất không có cái gì được nhìn nhận là đầu tiên để mà quy định mọi bước tiến hóa khác. Bác cũng cho rằng thế giới là “vật chất vô hạn đương vận động”. Tựu trung, ta có thể hiểu, như Lénine, rằng: “Thiên nhiên trong tất cả các bộ phận của nó không có gì là đầu tiên và cũng không có gì kết thúc”.



Vậy, cái “vật chất” không có hạn chế và cũng không biết từ đâu ra như thế có còn là vật chất nữa hay không ? Chấp nhận sự hiện hữu của một vật chất như vậy có còn thực sự là “duy vật biện chứng” nữa hay không? Vì đến một lúc nào đó, ở chỗ vô hạn hay ở chỗ khởi thủy không hiện hữu, sẽ không còn cái điểm tựa vật chất để mà biện chứng nữa , mà sẽ chỉ là vận động khái niệm thuần túy (2).

2. Vấn đề chuyển hóa năng lượng thần kinh thành năng lượng tâm thần hay nói rộng hơn, vấn đề nguồn gốc của ý thức và các hoạt động tâm trí:

Đây là một “khâu yếu” vì hai lý do:

- Thứ nhất: Sự chuyển hóa năng lượng thần kinh thành năng lượng tâm thần có thể quan niệm được, nhưng với sự hiểu biết của khoa học hiện tại, chưa thể chứng minh được. Năng lượng thần kinh, như sự hiểu biết hiện nay, đến từ một số phản ứng hóa học và thay đổi điện thế nơi các màng tế bào thần kinh. Không ai cắt nghĩa được các hiện tượng vật lý, hóa học ấy làm ra ý thức và các hoạt động tâm trí như thế nào cả. Nói: “một ngày kia sẽ cắt nghĩa được”, chỉ là một lời hứa. Trong khi chờ đợi lời hứa ấy được thực hiện, thì vẫn là “biện chứ không có chứng”, như lời phát biểu khôi hài của anh bạn Phan Tấn Hùng (3).



- Thứ nhì: Nếu quan niệm mọi hoạt động tâm trí đều được làm ra bởi một cơ cấu phức tạp bao gồm:

- môi trường sống (đem lại những khích động cho hệ thần kinh).

- các cơ quan cảm nhận của thần kinh hệ (tiếp nhận các khích động đến từ môi trường);

- hệ thống thần kinh có khả năng chuyển biến những khích động ấy thành ý thức và các hoạt động khác của tâm trí,

thì có lẽ cũng phải nghĩ rằng: trong một giai đoạn nhất định, mọi hoạt động của con người đều đã được quy định trước bởi cơ cấu kia.

Một cách cụ thể hơn, ta có thể nói: Mỗi tư tưởng của con người đều đã được sắp đặt trước một cách chính xác bở một chuỗi phản ứng hóa học và vật lý đặc biệt cho cái tư tưởng ấy. Như vậy, phải đặt vấn đề sáng tạo trong các họat động tâm trí của con người.

Có hai giả thuyết :

a) Hoặc con người không sáng tạo gì cả. Tất cả đều được định đoạt sẵn. Tương lai có tính tất yếu. Nhưng con người lại không thể là “chủ thể làm ra lịch sử của mình” như Marx và Engels tuyên bố.

b) Hoặc con người có phần nào sáng tạo, trong sự lựa chọn giữa những giả thuyết đã được in sẵn trong cái “máy làm ra tư tưởng” của mình. Như thế, nếu con người lựa chọn được đúng những giả thuyến phù hợp với thực tại, với môi trường sống, thì con người sẽ tồn tại, còn nếu lựa chọn sai, đem áp dụng những giả thuyết không thích nghi với môi trường sống, thì con người sẽ suy thoái và có thể bị hủy diệt. Trong giả thuyết này, tương lai không có tính tất yếu, và như thế lại không phù hợp với nhận thức khoa học theo chủ nghĩa Marx-Lénine ? (4)

Một vấn đề khác xin được trình bày với bác là :

một phần lớn nhân loại tin vào một ý thức hoàn toàn tách rời khỏi vật chất. Họ gọi đó là Thiên Chúa, Thượng Đế … Chấp nhận có ý thức tách rời vật chất, thì cũng có thể chấp nhận một số chuyện như: một thế giới sản phẩm của tâm hồn biệt lập với các điều kiện vật chất, ý thức có thể có trước vật chất và chỉ dùng cấu trúc của vật chất như phương tiện để phát biểu ra mà thôi. Con vật cũng có thể có ý thức như con người tuy nó không có được cái cấu trúc vật chất như con người (bộ óc) để phát biểu những cái mà con người phát biểu (một số thuyết cho là con người có thể đầu thai vào con vật hay ngược lại), ý thức có thể tồn tại sau sự hủy diệt của vật chất …. Ngoài cách lên án các tư tưởng này là “duy tâm tiên nghiệm”, bác có cách nào khác để bài bác chúng hay không ?

Xin cảm ơn và kính chúc bác mọi sự tốt lành.

NHV

Chú Thích :

(1) Giáo Sư Trần Đức Thảo

(2) Từ khi viết bài này tôi đã « giác ngộ » được một vài khía cạnh về quan niệm của Marx và Lenine về vật chất ; Xin xem : http://pagesperso-orange.fr/nguyen.hoai.van/Marx-nhung-ngo-nhan.htm

(3) Thật ra, từ khi viết bài này, nhiều tiến bộ đã được ghi nhận trong lãnh vực này, xin xem :

http://pagesperso-orange.fr/nguyen.hoai.van/ontogenese_et_phylogenese.htm (tiếng Pháp)



http://pagesperso-orange.fr/nguyen.hoai.van/tao.huu.tao.chung.htm



(4) Vấn nạn này cũng đã được phần nào giải quyết trong : http://pagesperso-orange.fr/nguyen.hoai.van/Marx-nhung-ngo-nhan.htm

No comments:

Post a Comment