Các bản tin về phiên toà xử Nhân văn - Giai phẩm (2) 27/04/2009 | 3:07 sáng | Tác giả: Lại Nguyên Ân Chuyên mục: Hồ sơ Nhân văn - Giai phẩm
Thẻ: Minh Đức Trần Thiếu Bảo > Nguyễn Hữu Đang > Thụy An Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn NGÀY 19-1-1960, TRƯỚC TÒA ÁN NHÂN DÂN HÀ NỘI NĂM TÊN GIÁN ĐIỆP PHẢN CÁCH MẠNG, PHÁ HOẠI HIỆN HÀNH CÚI ĐẦU NHẬN TỘI Nguyễn Hữu Đang và Thụy An, đầu sỏ chủ mưu, bị phạt giam 15 năm và mất quyền công dân 5 năm sau khi hết hạn giam
Ngày 19-1-1960, Tòa án Nhân
dân thành phố Hà Nội đã xử 5 tên Lưu Thị Yến tức Thụy An, Nguyễn Hữu
Đang, Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, Phan Tại và Lê Nguyên Chí. Chúng là
những tên gián điệp phản cách mạng, phá hoại hiện hành, hoạt động có tổ
chức, thực hiện âm mưu của địch, tiến hành những hoạt động chiến tranh
tâm lý đê hèn nhất, những hoạt động phá hoại thâm độc nhất, để hòng cuối
cùng lật đổ chế độ tươi đẹp của chúng ta ở miền Bắc. Phiên tòa do ông
Nguyễn Xuân Dương, chánh án Tòa án Nhân dân Hà Nội làm chánh án, ông
Phùng Bảo Thạch, Phó Hội trưởng Hội Nhà báo Việt Nam và ông Nguyễn Tử
Cát, ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn Hà Nội làm Hội thẩm, ông
Dương Văn Đàm làm công tố ủy viên và có luật sư Đỗ Xuân Sảng bào chữa
cho các bị can. Lưu Thị Yến tức Thụy An là một tên gián điệp lợi hại của
đế quốc. Trước Cách mạng tháng Tám, thị đã làm tay sai cho bọn trùm mật
thám và và trùm thực dân Marty và Grand-Jean. Trong kháng chiến, trong
khi toàn dân ra sức đánh giặc cứu nước thì Thụy An lại được giặc tin
dùng, cho làm Phó giám đốc Việt Tấn xã là cơ quan tác động tinh thần của
địch chuyên môn phản tuyên truyền chống kháng chiến. Như lời thị đã
cung khai, hòa bình vừa mới lập lại thị đã nhiều lần xuống Hải Phòng bàn
bạc với bọn phản động, trong đó có tên Quang là tay sai đắc lực của Mỹ -
Diệm từ miền Nam ra và đã giao cho thị nhiệm vụ ở lại miền Bắc để phá
hoại. Sau khi Chính phủ ta tiếp quản Hải Phòng, Thụy An đã trở về Hà
Nội, đến gặp ngay một tên ngoại kiều mà thị khai là Durand là một tên có
uy quyền đối với quân đội viễn chinh Pháp trước. Thụy An đã thú nhận là
khi gặp Durand tên này đã nhắc lại những lời tên Quang đã nói với thị ở
Hải Phòng và bày cho thị những cách phá hoại trong đó có kế hoạch phá
hoại trong văn nghệ, lũng đoạn tư tưởng, phá hoại miền Bắc. “Tôi làm
việc ấy một cách thích thú vì nó phù hợp với tư tưởng phản động của tôi”
(Lời khai của Thụy An). Durand còn nói thêm là không phải Thụy An làm
việc đó một mình, mà còn có thể tìm thấy bạn đồng đội trên những việc
làm của họ. Trên thực tế, Thụy An đã tìm thấy đồng đội của thị cụ thể là
Nguyễn Hữu Đang và đồng bọn và đã cấu kết chặt chẽ với chúng. Nguyễn
Hữu Đang là một phần tử đầu cơ chính trị, y đã thú nhận có tư tưởng phản
động từ lâu, đã cổ động cho những xu hướng chính trị phản động và ngày
càng tụ tập thêm vây cánh, mưu đồ lập một đảng chính trị phản cách mạng
để chống lại và lật đổ chế độ ta. Với những thủ đoạn tác động tinh thần,
vu khống, xuyên tạc, lừa bịp, mua chuộc, bọn Nguyễn Hữu Đang và Thụy An
đã lôi kéo được một số phần tử xấu và tháng 9-1956 chúng cho ra báo
Nhân văn làm công cụ thực hiện âm mưu của chúng. Tờ báo do một số tư sản
phản động giúp đỡ tiền nong và phương tiện và do Nguyễn Hữu Đang trực
tiếp điều khiển. Đang viết xã luận, sửa những bài chính, ngày càng đi
sâu vào con đường bịa đặt, vu khống, tác động tinh thần và đến số 6 đã
trắng trợn viết bài kích động quần chúng biểu tình chống chế độ. Lê Đạt
trong Ban biên tập báo Nhân văn và là một nhân chứng được tới dự phiên
tòa đã thú nhận: “Hành động của nhóm Nhân văn là nhằm lật đổ chế độ miền
Bắc… Trong nhóm Nhân văn, Đang là người chủ chốt, không có Đang thì
không có nhóm Nhân văn được. Sau Nguyễn Hữu Đang là bọn chúng tôi, và
chúng tôi là một nhóm phản quốc”. Và đây là lời Trần Duy, thư ký tòa
soạn báo Nhân văn, một nhân chứng khác: “Chúng tôi tưởng rằng số 6 Nhân
văn ra được thì bọn gián điệp sẽ ngóc đầu dậy, bọn chiến tranh tâm lý sẽ
có đất để hoạt động”. Sự thật là không phải chờ số 6 Nhân văn ra, bọn
gián điệp Nguyễn Quang Hải, Trần Minh Châu tức Cập mà Tòa án Nhân dân Hà
Nội đã xử, đã hoạt động điên cuồng nhất trong lúc báo Nhân văn phun nọc
độc. Sự thật là ở miền Nam bọn Mỹ - Diệm không ngớt lời khen ngợi và
tâng bốc Nhân văn và lấy tờ báo phản động ấy làm tài liệu quý báu để
xuyên tạc, vu khống miền Bắc. Và sự thật là, trong lúc đó Thụy An càng
mật thiết liên lạc với Durand, nhận chỉ thị của nó, ráo riết cổ động cho
Nhân văn. Minh Đức tên thật là Trần Thiếu Bảo là một tên tư sản phản
động làm tay sai cho đế quốc từ hồi thuộc Pháp. Trong kháng chiến y hoạt
động đầu cơ và cấu kết chặt chẽ với Nguyễn Hữu Đang. Trước và trong
thời gian báo Nhân văn ra đời, y lại được giới thiệu với một số tư sản
phản động khác và bọn này đã cung cấp cho y hàng chục triệu (tiền cũ) để
in lại những sách xấu thời thuộc Pháp và hàng loạt Giai phẩm, Đất mới,
Tự do diễn đàn với mục đích phá hoại rõ rệt, và sau khi Nhân văn bị vạch
mặt lại tiếp tục dùng nhà xuất bản của y để thực hiện âm mưu đen tối.
Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Tôi và Trần Thiếu Bảo đã lấy nhà xuất bản
Minh Đức làm một công cụ để chống đối”. Phan Tại trước đây trong vùng
tạm chiếm đã làm việc tuyên truyền cho địch chống lại kháng chiến, sau
hòa bình trở lại tích cực cổ động cho Nhân văn, vận động người góp tiền
cho Nhân văn, định mở rộng đoàn kịch lấy tiền ủng hộ Nguyễn Hữu Đang và
đồng bọn đẩy mạnh hoạt động phá hoại, lợi dụng sân khấu và điện ảnh để
phản tuyên truyền. Lê Nguyên Chí đã từng giữ chức thanh tra hành chính
và chính trị của bọn ngụy quyền trong thời kỳ Hà Nội còn bị tạm chiếm.
Hòa bình lập lại, tuy đã được chính quyền ta cho tự do sinh sống làm ăn,
nhưng y vẫn cấu kết với Nguyễn Hữu Đang và đã bố trí cho tên phản cách
mạng này chạy trốn để hòng đi làm tay sai cho địch một cách đắc lực hơn.
Năm tên nói trên rõ ràng là tay sai của đế quốc, của Mỹ - Diệm, được
địch giao trách nhiệm đặc biệt là phá hoại trong lĩnh vực văn hóa tư
tưởng, tiến tới thực hiện âm mưu chính trị phản động của chúng. Nhưng
chúng đã thất bại thảm hại. Chiểu theo luật lệ của Nhà nước, tội trạng
của bị can, và thực hiện chính sách xét xử của pháp luật ta là “nghiêm
trị bọn chủ mưu cầm đầu, bọn ngoan cố, khoan hồng đối với những người bị
lừa phỉnh, bị ép buộc, lầm đường, đối với những người thật thà hối
cải”, phiên tòa đã tuyên án: − Nguyễn Hữu Đang và Lưu Thị Yến: mỗi tên
15 năm phạt giam và 5 năm mất quyền công dân sau khi hết hạn giam. −
Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức: 10 năm phạt giam và 5 năm mất quyền công
dân sau khi hết hạn giam. − Phan Tại: 6 năm phạt giam và 3 năm mất quyền
công dân sau khi hết hạn giam. − Lê Nguyên Chí: 5 năm phạt giam và 3
năm mất quyền công dân sau khi hết hạn giam. Bọn chúng đã cúi đầu chịu
tội trước pháp luật, trước nhân dân. P.V. Nguồn: Thời mới, Hà Nội,
21/01/1960, tr. 1, 6.
No comments:
Post a Comment