*
Nhân Văn Giai Phẩm phần VI : Trí thức và dân chủ tại Việt Nam trong thế kỷ XX, một truyền thống đấu tranh từ Phan Châu Trinh, Hoàng Đạo đến Nhân Văn Giai Phẩm. (bài 2)
Thụy Khuê
Bài đăng ngày 15/09/2009 Cập nhật lần cuối ngày 05/12/2009 19:29 TU
"Khi
đưa ra khẩu hiệu "thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch" thì
khẩu hiệu này không những quá tả một cách vô lý mà phản lại cách mạng là
đằng khác nữa (...) Khẩu hiệu của pháp lý thì khác hẳn : "Thà 10 địch
sót còn hơn một người bị kết án oan" (Nguyễn Mạnh Tường).
Trương Tửu: Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ
Trương
Tửu bước vào diễn đàn với lập luận chặt chẽ và đanh thép của nhà phê
bình, ông viết hai bài quan trọng trong chủ đề tự do tư tưởng: Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ (Giai phẩm mùa thu tập II, 30/9/56) và Văn nghệ và chính trị (Giai phẩm mùa thu tập III, 30/10/56) với phần hai là Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích. (Giai
phẩm mùa đông tập I, 28/11/56). Hai bài viết này xác định Trương Tửu
như một trong những người lãnh đạo tư tưởng của phong trào NVGP.
Trong bài Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ, ông trực tiếp đưa ngay vấn đề: "Tôi
viết bài này, nối gót nhà văn lão thành dũng cảm Phan Khôi, góp ý kiến
phê bình lãnh đạo văn nghệ, đặc biệt sự sùng bái cá nhân trong giới lãnh
đạo văn nghệ".
Nhà
phê bình Trương Tửu và hình bìa Giai phẩm mùa thu tập II (30/09/1956)
có bài "Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ".
(Ảnh : DR)
(Ảnh : DR)
Trước tiên, ông xác định bệnh sùng bái cá nhân là bệnh của lãnh đạo văn nghệ:
"Sùng
bái cá nhân là một bệnh phổ biến trong giới lãnh đạo văn nghệ (...) Tôi
không nói đó là bệnh của văn nghệ sĩ; vì rằng, hôm qua cũng như hôm
nay, người văn nghệ sĩ tự trọng không bao giờ thừa nhận sự sùng bái cá nhân.
Nghệ thuật là sáng tạo, là tự do. Sùng bái cá nhân là phục tùng mù
quáng, là nô lệ. Hai thứ đó như nước với lửa; có cái này thì không có
cái kia được".
Rồi ông dẫn chứng những trường hợp cụ thể không chịu sùng bài cá nhân của Tô Ngọc Vân, Sĩ Ngọc đối với Trường Chinh:
"Ai cũng còn nhớ, năm 1948, cố hoạ sĩ Tô Ngọc Vân đã tranh luận khá gay
gắt với ông Trường Chinh về vấn đề: quần chúng phê bình nghệ thuật.
Ngòi bút tranh luận của Tô Ngọc Vân chứng tỏ một khối óc độc lập, một
tâm hồn có cá tính không vì uy quyền của lãnh tụ này hay lãnh tụ khác mà
thủ tiêu ý kiến riêng của mình".
Cùng năm 1948, trong một buổi nói chuyện khác ở Thanh Hóa "có
đoạn ông Trường Chinh lớn tiếng mạt sát hoạ phái lập thể chủ nghĩa (của
Picasso). Ông cho hoạ phái ấy, cũng như các phái nghệ thuật Đa đa, Dã
thú v.v…, chỉ là những cái nấm độc mọc trên trạng thái thối tha của chế
độ tư bản chủ nghĩa ở Âu châu đầu thế kỷ 20".
"Sau buổi
nói chuyện này, hoạ sĩ Sỹ Ngọc đã viết một bài nói về chủ nghĩa lập thể
trong tạp chí Sáng tạo số 4" "để gián tiếp bác ý kiến của ông Trường
Chinh".
Trương Tửu xác định nhiệm vụ của văn nghệ sĩ trong cách mạng kháng chiến:
"Người
văn nghệ sĩ kháng chiến đi tìm chân lý, đi tìm chính nghĩa, đi tìm tự
do chứ không đi tìm cuộc đời nô lệ dưới hình thức này hay hình thức
khác. Lấy sáng tạo nghệ thuật để phục vụ cách mạng làm lẽ sống chủ yếu, họ
không thể sùng bái bất cứ cá nhân nào, không thể thừa nhận bất cứ uy
quyền độc đoán nào, chống lại bất cứ sức áp chế tư tưởng nào.
Với
những văn nghệ sĩ yêu chuộng tự do như thế, hễ lãnh đạo độc tài, bè
phái thì tất yếu sự phản kháng nẩy ra ngay. Đó là tình trạng văn nghệ
của ta từ sau 1949."
Trong khi ấy thì lãnh đạo văn nghệ:
"Giống
như bọn thầy bùa phong kiến, các nhà lãnh đạo văn nghệ của chúng ta
muốn “yểm” tất cả các tâm hồn cứng rắn và tự do cho đến trở thành những
hòn đất thó “tròn méo mặc dầu tay kẻ nặn”. Những lá bùa của họ chế tạo
ra kể cũng đã khá nhiều: mất lập trường, phạm chính sách, phá đoàn kết,
phá tổ chức, vô kỷ luật, chống Đảng, địch lợi dụng, có vấn đề, bất mãn
cá nhân, óc địa vị, v.v… còn gì nữa?"
Sự đe nẹt của lãnh đạo văn nghệ cũng đã ảnh hưởng đến một số người:
"Và
phải nói ngay rằng ngần ấy lá bùa yểm cũng đã linh nghiệm ít nhiều. Một
số văn nghệ sĩ non gan (...) biến thành những tên thư lại văn nghệ xu
nịnh trục lợi. Một số khác trốn vào thái độ tiêu cực, chán nản công tác,
tâm tư nặng trĩu hờn oán và uất ức. Một số khác nữa “cất kín” cá tính
và nghệ thuật xuống “đáy ba lô”, yên lặng làm bổn phận một người công
dân kháng chiến bằng bút, bằng màu sắc, bằng dây đàn, bằng sân khấu –
“đánh giặc đã!”. Còn một số không khuất phục, kịch liệt phê phán tác
phong và đường lối lãnh đạo của thường vụ Hội thì bị chụp mũ, bị chèn
ép, bị “trù”, bị hành hạ, bị gạt sang một bên…"
Tình trạng trù dập, chụp mũ này dẫn đến hậu quả là : "Cho
đến hôm nay: sự phải xẩy ra đã xẩy ra. Nhân đã đẻ ra quả. Cuộc đấu
tranh âm ỷ dai dẳng chống lãnh đạo độc đoán, quan liêu, bè phái, trong
những năm cuối kháng chiến, khi hoà bình trở lại, đã bùng nổ. Khởi điểm
là ở trong Phòng Văn nghệ Quân đội. Trần Dần, Phùng Quán, Trần Công, Tử
Phác, Hoàng Cầm v.v… đề đạt nguyện vọng lên ban lãnh đạo yêu cầu một chế
độ công tác hợp với tính chất đặc biệt của sự sáng tạo văn nghệ, yêu
cầu trao trả quyền điều khiển văn nghệ cho văn nghệ sĩ, yêu cầu tự do
trong sáng tác và sinh hoạt văn nghệ. Các nhà lãnh đạo văn nghệ quân
đội, chủ quan và độc đoán, cương quyết đàn áp phong trào đấu tranh chính
đáng ấy. Kết quả là cuộc đấu tranh càng ngày càng lan rộng. Điểm cuối
cùng của nó là lớp học tập lý luận văn nghệ tháng Tám vừa qua ở trụ sở
Hội Văn nghệ. Suốt mười tám ngày, anh em văn nghệ sĩ trong Đảng cũng như
ngoài Đảng đã đứng dậy đồng thanh tố cáo những hành động và thái độ độc
tài, bè phái của ban lãnh đạo văn nghệ. Học tập văn kiện của Đại hội 20
Đảng Cộng sản Liên Xô (đặc biệt bản tham luận của Cholokov), học tập
văn kiện “Bách khoa tề phóng, bách gia tranh minh” của ông Lục Đỉnh
Nhất, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, anh em
văn nghệ sĩ càng phấn khởi và mạnh bạo nêu cao khẩu hiệu tự do tư tưởng,
trăm hoa đua nở, lấy đó làm mục tiêu đấu tranh chủ yếu. Hôm tổng kết
học tập, ông Nguyễn Hữu Đang, đại diện giới văn nghệ sĩ, đã đọc một bản
tham luận lên án đường lối lãnh đạo độc tài bè phái của thường vụ Hội,
sự việc thật là cụ thể, lời lẽ thật là tha thiết. Ông Tố Hữu, người có
trách nhiệm chính về phong trào văn nghệ từ thời kháng chiến đến giờ, đã
đứng lên sơ bộ tự kiểm thảo về tác phong quan liêu trong lãnh đạo văn
nghệ. Anh em văn nghệ sĩ chưa thoả mãn về những lời tự kiểm thảo của ông
Tố Hữu và có yêu cầu được gặp Trung ương Đảng để trình bày nguyện vọng.
Cuộc đấu tranh còn tiếp tục…"
Nguyên nhân nào đã đưa đến tình trạng này: Bệnh sùng bái cá nhân.
Sau khi dẫn chứng chứng những cử chỉ, thái độ sùng bái cá nhân của các
lãnh đạo văn nghệ, từ Lưu Trọng Lư đến Tố Hữu, mà theo ông đó là những
kẻ có tâm lý "bảo hoàng hơn vua", "ở cửa miệng họ, bao
giờ ta cũng bắt gặp cái điệp khúc bất di bất dịch này: Đảng không bao
giờ sai lầm. Rồi từ chỗ nói: Đảng không bao giờ sai lầm, họ tiến đến chỗ
nói: các cá nhân lãnh đạo Đảng không bao giờ sai lầm".
Họ sùng bái cá nhân để làm gì ? Trương Tửu trả lời:
"Họ
sùng bái một người (cấp trên) để vạn người (cấp dưới) sợ cá nhân họ.
Nhờ phương châm ấy, họ bám vào gót giầy cấp ủy ban này, cấp ủy ban khác,
leo dần lên thang danh lợi, oai quyền hống hách, đàn áp cấp dưới, khinh
miệt quần chúng, báo cáo lên trên thì xuyên tạc sự thực có dụng ý, lãnh
đạo anh em thì mệnh lệnh độc tài. Họ sùng bái cá nhân là để trục lợi.
Họ chỉ có thể tiến thân bằng đường lối ấy (...)
"Thêm
vào tư cách lãnh đạo ấy sự hiểu biết nông cạn và lệch lạc về văn nghệ,
sự áp dụng máy móc phương châm phục vụ kịp thời, sự bắt buộc lồng một
cách công thức chủ trương chính sách vào tác phẩm nghệ thuật, sự độc
quyền và bè phái trong việc xuất bản báo, sự áp chế có tính cách hành
chính hoặc quân sự đối với những văn nghệ sĩ dám nói thực, nói thẳng,
nói hết… là ta có tất cả cái tình trạng văn nghệ ngột ngạt năm sáu năm
nay. Bao nhiêu năng lực sáng tạo văn nghệ vì thế mà quằn quại không phát
triển mạnh được."
Sau khi tóm tắt tình hình toàn bộ đời sống văn nghệ trong kháng chiến, Trương Tửu kêu gọi:
"Đã đến lúc phải sa thải những “nhà lãnh đạo” thiếu tư cách
mà quần chúng tuyệt đối không tin tưởng nữa để quần chúng văn nghệ tự
tay mình điều khiển công việc chuyên môn của mình một cách thực sự dân
chủ".
"Đã đến lúc phải thanh toán lối đàn áp tự do tư tưởng, khinh miệt quần chúng, mệnh lệnh, độc đoán, bè phái chủ nghĩa do bệnh sùng bái cá nhân đẻ ra, để mở đường cho trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói".
Về nguyện vọng của văn nghệ sĩ, Trương Tửu viết:
"Họ muốn tiêu diệt bệnh sùng bái cá nhân trong việc lãnh đạo văn nghệ đã cản trở sức phát triển nghệ thuật"
"Họ
muốn chấm dứt lề lối mệnh lệnh, độc đoán, quan liêu, bè phái, chụp mũ,
trong sự lãnh đạo văn nghệ, giành lại quyền tự do tư tưởng bị chà đạp
bấy lâu nay; vì thiếu tự do tư tưởng thì nghệ thuật sẽ co quắp, mòn mỏi
như cụm hoa thiếu ánh sáng mặt trời.
"Họ muốn công việc
lãnh đạo văn nghệ phải trả lại cho những văn nghệ sĩ – bất kể trong Đảng
hay ngoài Đảng – được quần chúng văn nghệ tự ý lựa chọn và tín nhiệm"
Bài
viết đầu tiên của Trương Tửu tố cáo toàn diện bộ mặt lãnh đạo văn nghệ,
qua đó ông phê phán bộ mặt lãnh đạo nói chung. Trong bài viết thứ nhì,
ông đi sâu vào vấn đề tự do sáng tạo.
Trương Tửu: Văn nghệ và chính trị
Đối
diện với Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, là những người có tư tưởng quốc
gia, triệt để chống lại quan niệm đấu tranh giai cấp của cộng sản,
Trương Tửu là người cộng sản đệ tứ, đứng trên quan niệm đấu tranh giai cấp để đòi hỏi tự do dân chủ.
Trước tiên, ông xác định quan hệ mật thiết giữa chính trị và văn nghệ:
"Văn nghệ, tự thân nó, tất yếu phải mang chính trị tính và có tác dụng chính trị" vì
"Văn nghệ, căn bản, là một thể cách nhận thức và tái tạo thế giới thực
tại, một thể cách biến cải xã hội, biến cải con người bằng đường lối
thẩm mỹ".
Cho nên, người nghệ sĩ khi sáng tác bắt buộc phải
"dấn thân", nhưng sự dấn thân ở đây có tính cách "đấu tranh giai cấp",
ông viết: "Sáng tác văn nghệ là tự xác định một thái độ, một lập trường đối với cuộc đấu tranh giai cấp đương thời".
Đồng
ý hay không đồng ý với quan niệm đấu tranh giai cấp này của Trưong Tửu,
nhưng không ai có thể phủ nhận quan niệm tự do của văn nghệ sĩ mà ông
trình bày trong bài viết. Vẫn đứng trên quan niệm đấu tranh giai cấp,
chống lại các chế độ người bóc lột người, ông viết về thời cổ điển:
"Lịch
sử văn nghệ căn bản là lịch sử chiến đấu của những văn nghệ sĩ nhân đạo
chủ nghĩa đối kháng với chế độ áp bức con người, bảo vệ quyền tự do tư
tưởng, tự do nói sự thực trong tác phẩm". Mà sự thực lại là điều mà các chế độ độc tài ghê sợ nhất. "Bao
nhiêu chính sách, biện pháp, công cụ đàn áp khủng bố của bọn thống trị
đều chỉ nhằm mục đích: che giấu sự thực, cấm nói sự thực – vì sự thực
lên án chúng". Nhưng: "Các văn nghệ sĩ cổ điển đã nói sự thực,
bất chấp mọi đe doạ. Đại thi hào Pouchkine có câu: “Nhà văn không nên
hèn nhát kêu ca oán thán vì phải bất thần chịu đựng những viên đạn đầu
tiên trên mặt trận, vì phải nếm trải những nỗi khổ cực nguy hiểm do sự
viết văn gây ra”.
"Đó cũng là thái độ của tất cả những văn
nghệ sĩ cổ điển Đông và Tây - của những Đỗ Phủ, Nguyễn Du, Molière,
Heine, Rousseau, Diderot v.v… Họ dũng cảm bảo vệ tự do tư tưởng, tự do
nói thực đến kỳ cùng trước sức tấn công hiểm độc của các giai cấp bóc
lột – như người lính cách mạng bảo vệ khẩu súng, như người nông dân cách
mạng bảo vệ làng xóm, như người công nhân cách mạng bảo vệ nhà máy,
trước sức xâm lược khốc liệt của quân thù dân tộc và giai cấp. Đó là
điều kiện cơ bản của sự thành công nghệ thuật. Sự thực về con người,
chân lý cuộc sống là huyết mạch của nghệ thuật. “Thiếu chân lý đó, không
thể có tác phẩm nghệ thuật thực sự quan trọng được”.
Trương Tửu đã viết những lời kêu gọi và biện hộ tha thiết cho sự tự do của văn nghệ sĩ:
"Muốn
sáng tạo ra một thế giới độc đáo, văn nghệ sĩ phải có một cái nhìn độc
đáo, một nhận thức độc đáo về thực tại, một trí tưởng tượng độc đáo, một
lối nói độc đáo. Phải duy trì, bảo vệ, phát triển tính độc đáo ấy không
để một sức mạnh bên ngoài nào xâm phạm đến hay làm cho mất đi. Phải tự
do nhìn sự thực, tự do xúc cảm, tự do suy nghĩ, tự do tưởng tượng, tự do
vận dụng ngôn ngữ nghệ thuật - để có thể phản ánh hiện thực một cách
trung thành. Tự do đây có nghĩa là: chống lại mọi áp bức tư tưởng,
mọi mệnh lệnh, mọi công thức, mọi quyền uy bắt mình nói điều mình không
muốn nói, nghĩ điều mình không muốn nghĩ, nhận là đúng điều mình cho là
sai, yêu những cái mà mình ghét, ca tụng những cái mà mình phản đối.
Không có tự do ấy, sự sáng tác của văn nghệ sĩ sẽ giả tạo. Giả tạo là
kẻ thù của nghệ thuật. Giả tạo là tiêu diệt nghệ thuật. Một tác phẩm văn
nghệ không tiết ra từ những cảm nghĩ thành thực và sâu sắc của chính
tâm hồn tác giả sẽ là một phản ảnh nhạt nhẽo của thực tại. Nó khô khẳng
vì thiếu chất sống. Nó bất thành nghệ thuật, và do đó, chẳng xúc động
được ai cả."
Ông kêu gọi người nghệ sĩ phải "có can đảm “là mình” trong những điều kiện xã hội bắt họ “không được là mình”. Họ phải "tự do nhìn, cảm, nghĩ, nói theo chủ định cá nhân mình trong những điều kiện xã hội buộc họ phải nhìn, cảm, nghĩ, nói theo những công thức thống trị".
Và ông kết luận: "Người văn nghệ sĩ sống bằng tự do tư tưởng. Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ là bất khả xâm đoạt". "Không có tự do tư tưởng thì không thể có nghệ thuật chân chính được. Đó là một chân lý bất di bất dịch."
Và ông kết luận: "Người văn nghệ sĩ sống bằng tự do tư tưởng. Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ là bất khả xâm đoạt". "Không có tự do tư tưởng thì không thể có nghệ thuật chân chính được. Đó là một chân lý bất di bất dịch."
Văn nghệ và chính trị là bài viết đấu tranh cho tự do tư tưởng hay nhất và mạnh mẽ nhất trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm.
Lê Đạt: Nhân câu chuyện mấy người tự tử
Lê
Đạt, trên Nhân Văn số 1 (20/9/56), mượn một câu chuyện thời sự trên
báo: một đôi tình nhân tự tử để gợi lại chuyện riêng của mình (Lê Đạt
yêu Thúy Thúy -Nguyễn Thị Thúy- một nghệ sĩ sân khấu, ly dị vợ, bị cấp
trên khiển trách). Nhưng bài thơ đã vượt trên bi kịch cá nhân, để tố cáo
sự độc tài đảng trị, kiểm soát cả trái tim con người:
Chế độ ta không cấm họ yêu nhau
Mà sao họ chết?
Người công an đứng ngã tư đường phố
Chỉ huy
bên trái
bên phải
xe chạy
xe dừng
Rất cần cho việc giao thông.
Nhưng đem bục công an
máy móc
đặt giữa tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
theo đúng luật đi đường nhà nước
Có thể gây rất nhiều chua xót
ngoài đời
Từ bi kịch của đôi tình nhân, nhà thơ nhìn lại chính mình, từ bấy lâu nay đã ngủ quên trong chế độ:
Thơ tôi bị cuộc đời ruồng bỏ
Vì tôi đã ngủ quên trong chế độ
Vẽ phấn bôi son, tô toàn màu đỏ
La liệt đầy đường hoa nở
chim kêu
(...)
Giữa năm Cộng hoà lớn khôn mười một tuổi
Vẫn còn lọt lưới
nhiều thói "an nam"
Dán nhãn hiệu
"Made in Cách mạng"
Ngang nhiên xúc phạm con người
Đẩy họ đi tự tử
Nay bừng tỉnh, nhà thơ kêu gọi mọi người, hãy "Quét sạch mây đen", "Chặt hết gông xiềng":
Phải quét sạch mây đen
cho chân trời rộng mở
Chặt hết gông xiềng
cho những cánh tung lên
Ngày và đêm
mộng bay đầy cuộc sống
Khát vọng theo khát vọng
Không gì ngăn cản con người
Tác
phẩm chiếm trọn trang ba của tờ báo, có vị trí một bài xã luận, xác
định lập trường chính trị của Lê Đạt và của báo Nhân Văn. Những câu: Đem bục công an máy móc đặt giữa tim người. Bắt tình cảm ngược xuôi theo đúng luật đi đường nhà nước đã vượt thời gian, đi vào tim người như bức hình rõ nhất chụp lại chế độ công an trị trên đất nước Việt Nam.
Nguyễn Mạnh Tường: Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo
Ngày 30/10/1956, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đọc bài diễn văn "Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo" trước Mặt Trận Tổ Quốc Hà Nội.
Đây
là một bài chính luận sâu sắc, nội dung phân tích những sai lầm của chế
độ, đi từ sai lầm cải cách ruộng đất ở thôn quê, sang sai lầm trong chế
độ mậu dịch ở thị thành, tất cả nằm trong bản chất thiếu dân chủ của
chế độ. Ông truy nguyên nguồn gốc những sai lầm và trình bày những
nguyên tắc mới để sửa sang lại guồng máy luật pháp, chính trị của đất
nước.
Luật
sư Nguyễn Mạnh Tường đã viết lại bài "Qua những sai lầm trong cải cách
ruộng đất" để đăng trên báo Tự Do Diễn Đàn, ra tháng 12 năm 1956 nhưng
bị cấm.
(Ảnh : DR)
(Ảnh : DR)
Với giọng văn vừa mỉa mai, vừa chua xót, Nguyễn Mạnh Tường nói thẳng với Trường Chinh:
"Tôi phấn khởi được nghe bản phê bình của Đảng Lao động do ông Trường Chinh đọc trước Hội nghị. Nhưng
tôi cũng phải thú rằng lòng phấn khởi của tôi một phần bị giảm đi, vì
tôi nhớ lại kết quả tai hại của các sai lầm đã phạm trong công cuộc Cải
cách Ruộng đất. Tôi xin phép các vị được kính cẩn nghiêng mình trước kỷ
niệm những người vô tội đã chết oan, không phải vì bàn tay của địch mà
chính của ta. (...) Trái lại, các người chết oan vì các sai lầm trong cuộc Cải cách Ruộng đất này, lúc tắt thở, cay đắng đau xót vì chết với một ô danh"
Với
tài hùng biện, Nguyễn Mạnh Tường đã "nói" bài này trước Mặt trận tổ
quốc, sau khi nghe Trường Chinh đọc bản tự phê bình của Đảng Lao Động về
chính sách cải cách ruộng đất. [Ông ứng khẩu, sau người ta yêu cầu ông
viết lại (đăng trên báo Tự do diễn đàn, ra tháng 12/56, bị cấm)].
Trong cuộc đối thoại trực tiếp với Trường Chinh, Nguyễn Mạnh Tường buộc tội:
Những người lãnh đạo, có trách nhiệm vụ Cải cách ruộng đất làm cho bao nhiêu người chết oan, không thể chỉ đứng ra xin lỗi, hoặc nhận là Đảng đã sai lầm, mà xong đâu.
Xin lỗi không phải là hành động luật pháp. Giết người rồi, không thể
chỉ xin lỗi mà xí xoá được. Trong một nước dân chủ thực sự, thì Quốc hội
phải lập một ủy ban điều tra, phải đưa họ ra toà, và toà sẽ phân xử,
kết án, tùy theo trách nhiệm nặng nhẹ của mỗi người, từ lãnh đạo cao nhất xuống dưới.
Trước tiên, ông phân tích tình hình chính trị xã hội Việt Nam, bằng những chất vấn:
"Tình hình nước ta hiện thời ra sao? Tình hình ấy có bi quan không?"
"Về
Mậu dịch nửa năm nay, đồng bào ca thán như thế nào, ta đã biết. Nào
chèn ép các nhà kinh doanh tư nhân, nào lãng phí bao nghìn triệu trong
khi thực hiện chính sách, nào tàn nhẫn với các người bán sức lao động
cho mình, nào đưa ra thị trường sữa hư mà không bao giờ nghĩ đến tính
mệnh của người ốm, của trẻ sơ sinh, nào tung ra bơ hỏng, thuốc lá mốc,
phạm đến sức khỏe của nhân dân,nào bất lực trước hiện tượng vật giá ngày
càng lên trong khi nhiệm vụ của mình là phải bình ổn nó. Có thể nói
được, suốt ngày đêm không đâu là không có lời oán trách Mậu dịch".
Sau khi tổng kết tình trạng bi quan về kinh tế, xã hội, Nguyễn Mạnh
Tường trở lại vấn đề Cải cách ruộng đất, ông hỏi: chúng ta đã sai lầm
nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất, nhưng bây giờ phải tìm hiểu xem
sai ở đâu? Vì sao mà sai?
Đường lối cách mạng đề ra là người cày
phải có ruộng, trên nguyên tắc điều ấy là đúng, không ai chối cãi. Nhưng
khi thi hành chính sách này người ta đã coi thường sinh mạng con người,
và vi phạm luật pháp:
"Khi đưa ra khẩu hiệu "thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch" thì
khẩu hiệu này không những quá tả một cách vô lý mà phản lại cách mạng
là đằng khác nữa (...) Khẩu hiệu của pháp lý thì khác hẳn: "Thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án oan".
Nguyễn Mạnh Tường nhắc lại những nguyên tắc cơ bản của pháp lý:
- không phạt các tội đã phạm quá lâu rồi mà bây giờ mới khám phá ra.
- Chỉ một mình phạm nhân chịu trách nhiệm việc mình làm, không có trách nhiệm chung của vợ con, gia đình.
- Muốn kết án một người phải có bằng chứng xác đáng.
- Thủ tục điều tra, xét xử phải bảo đảm quyền lợi của bị tố nhân. Bị tố nhân có quyền nhờ luật sư bào chữa cho mình.
Những nguyên tác cơ bản này không được áp dụng trong cải cách ruộng đất.
Sở dĩ có sai lầm như vậy vì ba nguyên do:
- Quan điểm ta-địch, thù-bạn mơ hồ
- Bất chấp pháp luật
- Bất chấp chuyên môn.
Vì
quan điểm ta-địch, thù-bạn mơ hồ, cho nên bao nhiêu bi kịch đẫm máu xẩy
ra [các hiện tượng thanh trừng trong các nước cộng sản], có "những
người suốt đời hi sinh cho sự nghiệp cách mạng, rồi bỗng nhiên phải
truất quyền, khai trừ ra khỏi Đảng, tống giam, thậm chí có khi bị giết
nữa". Trong cuộc cải cách ruộng đất, bao nhiêu "chiến sĩ cách mạng thành tích lộng lẫy" cũng "bị kết án là phản động, cường hào gian ác và, sau khi nhận tội, bị tống giam hay bị hành hình".
Những cán bộ hành xử như vậy, nếu vì "chủ mưu phá hoại" thì phải đưa ra
toà, còn nếu vì điên cuồng thì phải đem đi chữa bệnh thần kinh.
Vì chính trị bất chấp pháp luật cho nên, muốn xử tử ai cũng được: "Quyền xử tử người một cách đơn giản như vậy trái với luật pháp".
Vì bất chấp chuyên môn cho nên "Trong
10 năm vừa qua, ta thấy một tình trạng quái gở. Chính trị ám ảnh đầu óc
chúng ta đến nỗi hai chữ “lập trường” làm ta mất ăn mất ngủ (...) Khi
chọn một người vặn lái ô tô, ta không hỏi người ấy có bằng vặn lái và đã
vặn lái bao năm, ta chỉ hỏi: “Có lập trường không?” Kết quả là từ hai
năm nay, riêng trong thủ đô Hà Nội, hàng trăm tai nạn xảy ra do các
người vặn lái ô tô có lập trường mà không nắm chuyên môn. Khi đưa tới
bệnh viện một bệnh nhân cấp cứu, vấn đề mang ra thảo luận trước tiên là:
Bệnh nhân thuộc thành phần giai cấp nào? Chữa cho địa chủ thì “mất lập
trường”. Để nó chết mới chứng minh mình có “lập trường giai cấp” (hiện
tượng do B.S. Nguyễn Xuân Nguyên đưa ra) (...) Tại sao có những hiện
tượng quái gở như vậy? Là vì chính trị chiếm đóng tất cả các khu vực
trong nhận thức của chúng ta làm chúng ta mất cả cái nhân đạo tối thiểu của con người, làm chúng ta khước từ các chân lý".
Thiếu dân chủ
Quốc hội thành lập đã mười năm [từ 1946 đến 1956]. "Nhưng quyền lập pháp của Quốc hội ở đâu?" "Dư luận quần chúng quan niệm rằng Quốc hội chỉ có quyền thông qua các chính sách mà thôi".
"Trong bản Tuyên ngôn độc lập, trong Hiến pháp cũng như trong các sắc lệnh, đạo luật, nguyên tắc dân chủ đã được ban bố". Nhưng trong thực tế: "người dân không có quyền, không có phương tiện nói lên ý kiến của mình, tham gia xây dựng các chính sách của Chính phủ".
Đề nghị hướng sửa chữa sai lầm: một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự."
Nguyễn Mạnh Tường nói:
"Hạnh phúc của loài người xây dựng trên cơ sở dân sinh và dân quyền. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây về vấn đề dân quyền.
Ta được biết từ hai thế kỷ nay chủ yếu trong vấn đề dân quyền là vấn đề
dân chủ, nghĩa là quyền của người dân làm chủ trên đất nước, đồng thời
là quyền của con người được sống theo các nhu cầu thiết yếu và chính
đáng của nhân bản".
"Tuy rằng trong nước ta có một Bộ Tư pháp, có các toà án, có luật lệ, nhưng chế độ pháp trị hầu như không có". Vì không có một chế độ pháp trị chân chính cho nên mới xẩy ra vụ cải cách ruộng đất.
"Tuy rằng trong nước ta có một Bộ Tư pháp, có các toà án, có luật lệ, nhưng chế độ pháp trị hầu như không có". Vì không có một chế độ pháp trị chân chính cho nên mới xẩy ra vụ cải cách ruộng đất.
Và sau khi xẩy ra rồi, thì: "phải
lập một ủy ban điều tra gồm các vị đại biểu Quốc hội, Mặt trận, Đảng
Lao động với sự cộng tác của các vị thẩm phán cao cấp, giàu kinh nghiệm
để lập một hồ sơ theo phương pháp pháp lý đã nhận định, trên quá trình
đi từ lãnh đạo qua chỉ đạo đến chỗ thực hiện chính sách, trách nhiệm ở chỗ nào và do những ai phải chịu.
Sau khi kết thúc cuộc điều tra, ủy ban ấy sẽ phân tách trách nhiệm
chính trị và trách nhiệm pháp lý. Ai chịu trách nhiệm chính trị sẽ trả
lời trước Quốc hội biến thành Toà án tối cao. Ai chịu trách nhiệm pháp
lý sẽ trả lời trước các tòa án tư pháp. Dưới con mắt của quần chúng theo
dõi xây dựng cuộc điều tra và xét xử, công lý phát huy, không còn ai
thắc mắc nữa".
Làm như thế mới đúng quy tắc của một chế độ dân chủ. Một chế độ thực sự dân chủ trong đó người dân được làm chủ trên đất nước không những trong hiến pháp, mà cả trong thực tế nữa.
Và ông nhấn mạnh: "
Lịch sử các phong trào cách mạng trong hơn một thế kỷ nay, chưa bao
giờ, chưa ai có thể ngăn cản được một phong trào quần chúng tranh đấu
đòi các tự do dân chủ".
Cùng với bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi, bài Văn nghệ và chính trị
của Trương Tửu, đây là một trong ba văn bản quan trọng nhất thời kỳ
NVGP. Theo Hoàng Văn Chí, bài diễn văn của Nguyễn Mạnh Tường lọt ra
ngoại quốc, không biết bằng cách nào, đã đến Rangoon, rồi truyền sang
Paris và có tiếng vang trong dư luận quốc tế.
Cách bàn về dân chủ
của các tác giả trong NVGP là nói với một quần chúng đã quen biết với
dân chủ, có ý thức, có trình độ cao về dân chủ, khác hẳn với lối viết
giản dị và giáo khoa của Phan Châu Trinh đầu thế kỷ XX, nói với một quần
chúng còn phôi thai vế vấn đề dân chủ. Và cũng khác cách viết tự tin và
tự hào dân tộc của Hoàng Đạo đối đầu với thực dân Pháp. Như vậy đủ thấy
rằng từ đầu đến giữa thế kỷ XX, trong đầu óc người Việt nam, tự do dân
chủ đã có những biến chuyển lớn lao, chứ không hề dậm chân tại chỗ.
Chỉ
từ khi đảng Cộng sản dập tắt phong trào NVGP, dẹp tan tư tưởng tự do
dân chủ, giữ địa vị độc tôn cai trị, coi tất cả những đảng phái đối lập
là thù nghịch, là phản động, và nhất là không còn giáo dục học sinh về quyền công dân, quyền con người nữa,
thì người Việt mới lại rơi vào vòng chậm tiến, không ý thức được vấn đề
tự do dân chủ, và chúng ta mới phải nghe những lời tuyên bố thoái hoá
của những "trí thức", lãnh đạo, về vấn đề tự do dân chủ như ngày nay.
Hết phần VI
No comments:
Post a Comment