HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Sunday, 21 July 2013

NGUYỄN THIÊN THỤ * NHỮNG CON CÁO ĐỎ VII


NGUYỄN THIÊN THỤ




NHỮNG CON CÁO ĐỎ

TẬP VII

MỤC LỤC

91. CẬU SÁU BA TRI
92. ÔNG TỔNG LỰU
93. HỒ TIÊN
94. CẬU TÁM KIỂNG
95. TÒA ÁN THÁNH GIÁO
96.NGƯỜI ĂN TRỘM BÊN XỨ ĐÔNG
97. NGƯỜI VỢ HỒ
98. MÊ ĐẠO
99. YÊU GÁI ĐẸP


91. CẬU SÁU BA TRI

Cậu Sáu là con quan huyện hàm (1) ở Ba Tri. Cha mẹ mất sớm, điền sản chẳng còn bao nhiêu, mà cậu thì lại học hành kém cỏi, ngay cả cái khảo hạch ở huyện cũng không qua khỏi. Tuy vậy, cậu là người chơn chất, hay lên chùa lễ Phật và làm việc thiện. Ông sư trong chùa Đại Bi thấy cậu là người thiện tâm, muốn thu nhận cậu làm đệ tử. Cậu cám ơn lòng tốt của sư mà trả lời:
-Phật tại tâm, đâu cần phải vào chùa và đầu tròn áo vuông. Thiếu gì kẻ ở trong chùa mà chính là tướng cướp Lỗ Trí Thâm!

Năm mười bốn tuổi, cha mẹ đã cưới vợ cho cậu, đã được một trai, một gái. Một hôm, chàng đi ăn giỗ bên ngoại ở Biên Hòa, lúc qua rừng, thấy một thợ săn quảy một giỏ lớn, bên trong có mấy con gà rừng, thỏ, chim trĩ, ba ba, rùa. Thấy hai mẹ con thỏ bạch xinh xắn,và một con cáo nhỏ tội nghiệp, cậu xin mua giá cao rồi phóng sinh.

Sau đó vài năm, cậu cũng đi Biên Hòa ăn giỗ bên ngoại, lúc trở về trời tối, lạc đường, đi loanh quanh mãi trong núi mà vẫn không tìm được lối ra. Chặp lâu, thấy xa xa có ánh lửa le lói, cậu bèn giục ngựa đi tới. Lại gần mới thấy đấy là một xóm nhỏ, có vài ba nhà tranh ẩn hiện trong rừng. Chàng xuống ngựa, gõ cửa một nhà. Lúc lâu, thấy một tiểu đồng ra mở của, đưa chàng vào nhà. Vào trong, cậu thấy nhà nhỏ nhưng bày biện trang nhã, hương thơm bay thoang thoảng mùi hồng, mùi lan.
Một lúc sau, một thiếu phụ trung niên bước ra. Bà ngạc nhiên nhìn cậu, bà nói:-Trời Phật dun dủi mới đưa cậu đến đây. Thú thật, tôi là hồ ly ở trong núi, bị thợ săn bắt được, may nhờ có cậu cứu giúp. Nay cậu tới đây, xin cậu ở lại chơi vài bữa rồi hãy về. Bà bèn lớn tiếng gọi vào trong:
-Minh Nguyệt! Minh Nguyệt ra đây mà chào ân nhân.
Cậu nghe một tiếng dạ rất thanh tao, và sau rèm bước ra một thiếu nữ tuổi độ trăng tròn, áo xanh, váy hồng, thắt lụa điều, mặt hoa da phấn, dáng thục nữ yểu điệu bước đến chào cậu. Cậu vui vẻ đáp lễ.

Đêm đó cậu ở lại trong núi. Thiếu phụ trung niên nói:-Tôi đây chỉ có một gái. Nếu cậu vừa ý thì xin dâng cho cậu nạp thiếp. Cậu nói rằng trong nhà đã có vợ, bản thân lại nghèo hèn , bất tài, không dám đèo bòng.
Thiếu phụ nói:"Thiện tâm ấy là khó báu trời cho, lo gì không rạng rỡ tổ tông".
Cậu vẫn một mực từ chối.
Thiếu phụ nói:
-Con gái của tôi xấu số nên không lấy được chồng hiền. Nếu cậu than nghèo, ta khuyên cậu ra hành y thì sẽ giàu có. Ta xem tướng cậu là tướng lương y tâm Phật, nên chuyên chú về y học thì không lo gì y thực.

Cậu Sáu nói :"Tôi chữ nghĩa kém cỏi, văn lý chưa thông, lại không được danh sư truyền thụ nghề y, làm sao dám làm thuốc?"
Thiếu phụ cười nói- “Cậu ngây thơ quá, nào phải các bậc danh y đều biết chữ đâu? Đa số sống trong cảnh bất đắc dĩ. Gái không lấy được chồng thì đi tu, trai thi hỏng thì làm đạo sĩ. Bây giờ toàn là thế! Trong triều đình bây giờ toàn là một lũ thất học, đè đầu, cưỡi cổ nhân dân bao nhiêu chục năm mà vẫn có hàng triệu người hoan hô. Ngươi đem thiện tâm và cố gắng đọc sách y dược thì sẽ khá gấp ngàn lần bọn tiến sĩ, thạc sĩ i -tờ! Chỉ cần cố gắng thì trời Phật sẽ phù hộ ngươi."

Trước khi cậu ra về, trung niên thiếu phụ đưa chàng một quyển sách bằng da đã cũ. Bà nói:" Đây là sách gia truyền của tổ tiên ta xin trao tặng ngươi. Ngươi nên hành y lập đức."

Cậu Sáu về nhà, còn chần chừ chưa dám hành y nhưng vợ đói con rách, lâm cảnh cùng bần liền nhớ lời trung niên thiếu phụ trong núi, bèn theo sách và theo kinh nghiệm dân gian hái các bài thuốc lá linh tinh đem ra chợ bày bán, và tại nhà làm một quầy thuốc nhỏ kiếm sống lần hồi, người ta cũng chưa thấy có gì hay. Gặp lúc quan tỉnh Bến Tre mắc bệnh ho, gởi công văn sai tìm thầy thuốc. Huyện Ba Tri vốn quê mùa nhỏ hẹp, ít có thầy thuốc, nhưng quan huyện không dám tắc trách, sai các làng tìm thầy thuốc, người ta đều đề cử cậu Sáu. Quan huyện lập tức gọi Cậu tới. Cậu vừa bị bệnh ho có đờm không tự chữa được, nghe lệnh sợ quá từ chối, quan huyện không nghe, sai đem ngựa trạm đưa lên tỉnh.

Đường đi ngang qua núi sâu, Cậu khát nước ho càng dữ, bèn vào thôn xin nước uống. Nhưng thôn trong núi nước quý như vàng, xin khắp vẫn không ai cho. Chợt thấy một người đàn bà rửa rau cải và rau cần, rau nhiều nước ít, nước trong chậu đục như bùn. Cậu khát quá chịu không nổi, xin nước ấy uống bừa. Trong khoảnh khắc thấy hết khát, cũng hết cả ho, thầm nghĩ đây là phương thuốc hay. Tới tỉnh thì thầy thuốc các huyện đã xúm vào chữa nhưng quan tỉnh vẫn không đỡ. Cậu vào, sai người vào dân tìm đủ thứ rau cỏ, đem rửa rồi lấy nước bùn đất dâng lên. Quan tỉnh chỉ uống một lần là hết bệnh. Quan mừng rỡ, thưởng cho rất hậu, ban cho biển ngạch chữ vàng "Thần y diệu thủ"để biểu dương.

Từ đó cậu Sáu rất nổi tiếng, người tới chữa bệnh đông như họp chợ trước cửa, mà cứ theo tay bốc thuốc là khỏi. Có người bị thương hàn kể bệnh xin thuốc, gặp lúc cậu đang say đưa lầm cho thuốc sốt rét, tỉnh rượu mới nhớ ra nhưng không dám nói cho ai biết. Ba ngày sau lại có người đem lễ rất hậu tới cảm tạ, hỏi ra thì người bị thương hàn uống thuốc sốt rét nôn mửa một trận rồi hết bệnh, những chuyện như thế rất nhiều
.

Ở Bình Đại là huyện bên, có ông tú Siêu là bậc danh y. Lúc chưa nổi tiếng, bán lá thuốc dạo khắp nơi, gặp hôm trời tối không có nơi trọ, xin vào ngủ nhờ nhà nọ. Con trai nhà ấy bị thương hàn gần chết, chủ nhà xin ông tú chữa cho. Ông tú nghĩ nếu không chữa thì khó mà ngủ nhờ, nhưng chữa thì không biết cho thuốc thế nào. Đi tới đi lui nghĩ ngợi, lấy cơm trong gói viên thành viên trộn mật cho người bệnh uống nghĩ là phương thuốc cũng vô hại, sáng ra mà không bớt thì đêm nay mình cũng được ăn no ngủ yên. Nửa đêm, chủ nhà đập cửa phòng rất gấp, nghĩ người bệnh đã chết, cho là sẽ bị đánh đập chửi mắng, lòng lo sợ vô cùng, muốn bỏ trốn. Không ngờ chủ nhân vào báo tin con ông đã lành bệnh, mới được biết rằng người bệnh đã ra mồ hôi khỏi hẳn rồi. Chủ nhà mời tiệc rất long trọng, lúc ông tú ra đi lại tặng cho rất hậu.


___

(1). Ngày xưa, các triều vua thiếu tiền nên cho dân bỏ tiền hay thóc để mua những quan tước. Những chức quan này chỉ là danh hiệu, không nắm quyền cai trị. Tại Nam Kỳ trong khoảng thực dân cai trị, có những chức Thiên Hộ (Thiên hộ Dương), huyện hàm, phủ hàm cũng chỉ là danh xưng mà không nắm quyền thực thụ.

92. ÔNG TỔNG LỰU

Ông Tổng Lựu ở cổ thành Quảng Trị là nhà hào phú lâu đời. Nhà cửa to lớn, con cháu mỗi người một căn ba gian hai chái hoặc năm gian hai chái quây quần xung quanh ngôi nhà tổ. Trong nhà ông rơm chất thành mấy đống cao như núi. Rơm dùng cho trâu bò ăn, trải cho trâu bò và heo nằm cho khô ráo. Rơm cũng dùng để nấu ăn. Người nhà hàng ngày rút để đun nấu, dần dần thành một cái lỗ lớn. Có con hồ tới ở trong đó, thường hiện hình là một ông già lui tới chuyện trò với ông Tổng . Một hôm con hồ mời chủ nhân tới uống rượu, ông Tổng nhận lời. Hồ mời ông Tổng chui vào trong đống rơm. Ông Tổng người to cao, mập mạp chui vào khó khăn nhưng nể lời khách mà phải theo.

Vào trong thì thấy nhà cửa hoa lệ, vừa ngồi xuống thì trà rượu thơm ngát dâng lên, chỉ có ánh sáng mờ mờ không biết là ngày hay đêm. Uống rượu xong trở ra thì nhà cửa đều biến mất. Ông già cáo cứ tối đi sáng về, không thể theo vết được. Ông Tổng hỏi ông đi đâu, ông ta đáp là bạn bè mời đi uống rượu, ông Tổng xin theo cùng, ông ta không cho, nài nỉ mãi mới ưng thuận. Bèn nắm tay ông Tổng kéo lướt đi như gió, khoảng nấu chín nồi cơm thì tới một nơi thành thị. Vào quán rượu thì thấy khách khứa rất đông, ăn uống cười nói ồn ào. Ông Tổng quan sát kỹ thì ra đó là Hương giang tửu lâu ở Huế.

Con gái của ông Tổng tên là Ba Lụa lấy chồng ở Thanh Hóa bị hồ quấy phá. Chúng ném quần áo của hai vợ chồng ra giữa nhà, ném nồi niêu soong chảo sang nhà hàng xóm, quăng bàn ghế ra sân. Đại khái cứ phá phách như thế. Người nhà chịu không nổi chửi rủa ầm lên, cô Ba ngăn lại, nói coi chừng hồ nghe. Hồ ở trên không lên tiếng "Ta đã nghe thấy rồi”. Từ đó lại phá phách tệ hại hơn. Một hôm hai vợ chồng cô Ba đang ngủ , hồ vào vơ ráo cả quần áo đi. Hai người cứ trần truồng ngồi co ro trên giường nhìn lên trời khấn khứa thảm thiết. Chợt có cô gái từ cửa sổ chui vào ném trả quần áo lên giường, nhìn thấy không cao lớn lắm, mặc quần áo đỏ. Vợ chồng mặc xong quần áo chắp tay nói:- "Thượng tiên có lòng giáng lâm, xin đừng quấy phá, hãy làm con nuôi của ta được không?". Hồ đáp: "Tuổi ta còn lớn hơn ngươi, sao dám láo lếu tự tôn như vậy hả?” Cô Ba lại xin làm chị em gái, hồ ưng thuận, từ đó sai gia nhân gọi hồ là cô Cả Hồ.

Lúc ấy công tử họ Vương ở Động Hải có hồ ở trên lầu, thường chuyện trò với người. Cô Ba hỏi có quen biết không, hồ đáp "Đó là chị ruột của ta, sao lại không quen biết?". Cô em dâu của cô Ba nói: -"Chị ruột ngươi không quấy phá người, sao ngươi không học theo như thế?". Hồ tức giận bèn phá phách cô em dâu hơn trước. Giày tất trâm vòng cứ đem vứt ra đường, tới bữa ăn thì cứ thấy trong chén có chuột hoặc cứt đái.

Cô Ba khấn khứa: -"Các cháu trong nhà đều gọi là cô sao ngươi lại cư xử không ra bậc Tôn trưởng như vậy?" Hồ nói "Ngươi bảo em chồng bỏ vợ, để ta làm em dâu ngươi thì mới ở yên được". Người em dâu chửi:- "Con đĩ hồ không biết xấu hổ, định giành chồng của người ta à?". Lúc ấy người em dâu đang ngồi nấu cơm, đun bếp bằng rơm, bỗng rơm bốc ngọn làm cháy tóc tai, áo quần của người em dâu.


Thời bấy giờ tại miếu Thiên Mẫu ở Hoành Sơn có thầy pháp Ba Lắm giỏi bùa chú, cô Ba đem lễ vật tới mời về. Thầy lấy kim nhũ và đơn sa vẽ lên vải đỏ làm bùa, ba ngày mới xong. Vẽ xong, thầy gián bùa khắp trong nhà, bắt ấn quyết. Bỗng chốc trên rường nhà hiện lên một thiếu nữ hình dáng bé nhỏ, giơ tay chỉ mặt thầy mà mắng:
-Tại sao ngươi quấy phá ta?
Thầy trả lời:
-Ta theo chính giáo, một lòng thế thiên hành đạo, trừ gian diệt ác cho nhân dân!
Cô gái cười mà bảo:
-Ngươi nói thế thiên hành đạo, trừ gian diệt ác, sao ngươi không dám đem cái gươm gỗ của ngươi chém bọn vua chúa bán nước buôn dân, và bọn quan lại cướp đất dân oan? Nói xong , cô gái cười ha hả rồi biến mất.

Con Hồ ly này tức giận , luôn theo dõi thầy Ba để chơi khăm một vố. Một hôm, tại Hà Tĩnh có một nhà kia bị hồ ly quấy phá. Chủ nhà là một trung niên thiếu phụ góa chồng, ở với con dâu cũng góa chồng, bèn mời thầy Ba đến làm phép trừ yêu. Thầy lập đàn cúng tế Thượng Đế, Thái thượng Lão Quốc và Trương Thiên sư. Sau khi cúng tế, thầy vẽ bùa, bắt quyết, múa gươm xong thì đêm đã khuya. Gia chủ bưng ra một con gà luộc , và hai đĩa xôi và ba quan tiền ra hậu tạ (2).

Thấy trời lạnh, bà chủ mời thầy nán lại uống vài chén rượu cho ấm bụng. Trông thấy trên bàn có chiếc khánh ngọc, thầy bèn vơ lấy bỏ vào áo. Uống rượu xong, thầy muốn ra ngoài đi giải, đột nhiên thấy cô con dâu của chủ nhà đi qua trước mặt và liếc mắt đưa tình với thầy, thầy bèn tiến lên ôm lấy cô ta và đè xuống đống rơm. Đương lúc hấp dẫn như vậy, thầy bỗng kêu thét lên. Cả nhà đổ ra thì thấy một con trăn lớn đang quấn lấy thầy làm cho thầy sắp gẫy xương. Con trăn nói nhỏ bên tai thầy:
-Mày là bọn gian dâm, trộm cướp, còn khoe mẻ thế thiên hành đạo nữa thôi? Mày hãy bò bốn chân và sủa gâu gâu ba tiếng thì tao tha cho. Quá đau đớn, thầy phải quỳ xuống làm chó sủa gâu gâu thì con trăn biến mất. Từ đó, thầy Ba không còn làm pháp sư nữa!
___

(2).Thầy pháp hay pháp sư là thầy phù thủy chuyên lo việc cúng tế, ma chay, trừ tà khử ma, yếm bùa chú.. .Thầy pháp cũng như thường dân, nghĩa là lập gia đình, ăn mặn, trong nhà lập điện thờ thần, thánh. Khi cúng xong, gia chủ thường tạ bằng tiền bạc, lễ vật. Ca dao có câu:
"Chập chập rồi lại cheng cheng,
Con gà nào béo để riêng cho thầy!"



93. HỒ TIÊN

Lý Bình An là tú tài ở Bình Dương có tài thơ rượu. Một hôm được mời dự lễ thọ tại dinh Tổng Đốc, gặp một thư sinh, tên là Cao Minh, phong thái tiêu sái thoát tục, quê ở Tây Ninh, lấy làm hâm mộ. Tháng sau, viên tú tài lên Tây Ninh đưa danh thiếp ra mắt, lại gặp lúc Cao sinh đi vắng. Ba lần tới đều không gặp, bèn sai người rình chờ lúc có nhà về báo, lại tới xin gặp. Cao sinh bất đắc dĩ mới chịu ra gặp. Hai người trò chuyện vui vẻ. Cao Minh sai người nhà đãi rượu. Rượu gần hết, Cao lấy ra một bầu rượu, rót mời khách mươi bận mà vẫn còn. Nhìn kỹ té ra đó là một cái bình ngọc chạm trỗ tinh vi. Tú tài lấy làm lạ, năn nỉ xin học phép tiên. Cao sinh nói :
- Đây là phép tiên. Ông chưa rủ hết lòng trần, nếu tham lam sẽ mang tai họa.
Lý tú tài nói:
-“Oan cho ta quá! Ta có tham lam gì đâu, chỉ yêu thích phép tiên mà thôi!
Sau đó hai người chia tay.

Từ đó thường qua lại với nhau, kết bạn tâm giao. Cao tỏ ra rộng rãi, thường lui tới giúp đỡ Lý tú tài. Mỗi khi Lý thiếu thốn, Cao sinh lại lấy ra một viên đá trắng có vân đỏ, thổi vào rồi niệm thần chú, chà xát lên gạch ngói, gạch ngói lập tức hóa thành bạc vàng, đưa tặng chút ít tú tài. Tú tài xin thêm, Cao nói "Ta đã nói ông tham, bây giờ thì rõ là ông tham".
Xin không được, Lý tú tài muốn đoạt viên đá phép. Một hôm, hai người say rượu đã đi nằm, tú tài lén dậy lục lọi túi Cao. Cao tỉnh thức, biết Lý bất lương, bèn nói :-“Anh thật là không còn lương tâm, không thể ở chung được". Rồi từ biệt.

Hơn năm sau Lý tú tài dạo chơi bên bờ sông, nhìn thấy một viên đá trắng nằm giữa giòng suối trong suốt, giống hệt viên đá của Cao, bèn nhặt lấy giữ gìn như của báu. Qua vài hôm, Cao hốt hoảng đến, nói rằng:
- Tôi đã đánh rớt viên đá phép, ta bấm độn thì biết nó đang nằm trong tay huynh. Xin huynh trả lại cho tôi, tôi xin cảm ơn. Thú thiệt, tôi là Hồ tu tiên đạo, được thầy trao cho phép tiên mà tu luyện. Viên đá là bảo bối của ta. Nếu để mất thì công phu tu luyện ngàn năm sẽ mất hết.

Lý tú tài cười mà nói: -"Ta bình sinh không dám lừa dối bạn bè, đúng như ông bói đấy, viên đá điểm kim ở trong tay ta. Bây giờ ông tính thế nào?"
Cao xin tặng ngàn đồng tiền vàng. Lý tú tài nói: " Ngàn đồng tiền vàng không phải là ít. Nhưng tôi xin huynh truyền cho ta câu thần chú để ta làm thử một lần cho biết."
Bất đắc dĩ, Cao phải đọc câu thần chú cho Lý tú tài nghe.


Cao sợ Lý nuốt lời, Cao nói:- “ Huynh là tiên mà không biết xưa nay đệ không bao giờ thất tín với bạn bè à?". Cao bèn truyền cho câu thần chú, Lý ngoái lại định mài lên một hòn đá to, Cao nắm tay kéo lại không cho thử. Lý bèn cúi xuống nhặt một mảnh ngói đặt lên phiến đá rồi nói :-"Bấy nhiêu thì không nhiều chứ?”, Cao ưng thuận. Nhưng Lý không mài viên đá điểm kim lên mảnh ngói mà lên phiến đá lớn, Cao biến sắc, định giật lấy viên đá thì phiến đá đã biến thành khối vàng ròng. Lý trả lại viên đá, Cao than thở:
-Huynh đã học đạo thánh hiền mà trí trá như thế chẳng trách bọn vô học, vô lương tâm ngày nay giết người, cướp của, bán nước, buôn dân công khai. Số kiếp đã như thế, còn nói gì nữa? Đem phúc lộc sai trái tới cho người , ắt ta bị trời phạt, mà ông cũng không thoát tai ách. Nếu ông muốn cho tôi và ông được thoát thì xin phân phát số tiền này cho nhiều người, có được không?”

Lý tú tài chấp thuận. Nhưng tâm lý con người tham lam, có rồi lại muốn có thêm, làm sao mà chia sẻ quyền lợi cho người khác? Lý tú tài ôm lấy vàng, xây nhà cửa to lớn, mua ruộng nương, cho vay lãi nặng, lập hãng xưởng kinh doanh to lớn, không cho ai một ly. Lý có hai con trai và một gái. Con trai đầu đua ngựa với các công tử mà bị té què cả hai chân. Con thứ hai bị đối thủ đâm chết vì giành gái trong tửu lâu. Người con gái bị cướp hãm hiếp.
Viên tú tài hối hận thì đã muộn.

94. CẬU TÁM KIỂNG
Cậu Tám Kiểng ở Bạc Liêu, con nhà gia thế. Gặp thời loạn lạc, giặc cướp lên nắm quyền cai trị trong xứ. Cậu không theo chúng nên chúng tức giận. Chúng đã bắt tôi tớ trong nhà làm nội ứng và vu khống cho cậu tội "phản quốc", "phản động". Chúng cướp vàng bạc, nhà cửa, ruộng nương của cậu, rồi đuổi cậu ra khỏi nhà.

Chán nhân tình thế thái và thời cuộc, cậu bèn về quê vợ ở Định Tường nương náu. Cậu vốn đã học châm cứu với Bảo Định thiền sư ba năm ở Đông Thành. Khi về quê vợ , cậu bèn mở phòng châm cứu, ai trả tiền hay không trả tiền chàng đều không quan tâm.

Một hôm có một người ăn mày từ nơi khác tới, ống chân lở loét nằm ngoài đường, máu mủ bê bết, hôi tanh không thể tới gần. Dân làng sợ y chết, mỗi ngày cho ăn một bữa cầm hơi. Cậu Tám thấy thế thương xót, sai người dìu về, cho ở chái bếp. Gia nhân chê hôi tanh chỉ bịt mũi đứng xa xa, Cậu đem ngải ra, đích thân chữa cho, hàng ngày cho ăn cơm rau. Được vài hôm y đòi ăn canh, tên đầy tớ tức giận quát mắng, cậu nghe thế lập tức sai cho y ăn canh.

Chẳng bao lâu, y lại xin rượu thịt. Tên đầy tớ chạy lên báo: "Thằng ăn xin kia thật buồn cười, mới đây còn nằm ngoài đường, chỉ mong mỗi ngày một bữa còn không được, nay thì ngày ba bữa còn chê khó nuốt, cho ăn canh lại đòi rượu thịt. Thứ người tham ăn này chỉ đem bỏ ra ngoài đường là phải!"

Cao hỏi chân y ra sao, đáp :"Đã tróc vảy dần dần, xem ra đi đứng được rồi, nhưng vẫn giả rên rỉ làm như đau đớn lắm". Cậu nói: "Thì có tốn kém bao nhiêu đâu? Cứ cho y rượu thịt đến ngày lành hẳn đi, có khi y không oán giận ta”. Tên đầy tớ giả vâng dạ nhưng rốt lại vẫn không đem rượu thịt cho người ăn mày, mà cứ có dịp kháo chuyện với đám tôi tớ lại cùng nhau cười ông chủ khờ dại.

Hôm sau Cậu Tám đích thân xuống thăm người ăn mày. Y khập khiễng đứng lên cảm ơn, nói: "Đội ơn nghĩa cao dày của ông, cứu sống người đã chết, đắp thịt lên xương khô, công ơn như trời che đất chở. Nhưng chỗ lở mới lành, chưa lại sức hẳn nên thèm ăn mặn thôi".

Cậu nghe biết tên đầy tớ không tuân lệnh hôm trước, gọi ra đánh cho một trận nên thân rồi lập tức sai dọn rượu thịt cho người ăn mày. Tên đầy tớ căm hận, nửa đêm phóng lửa đốt chái bếp rồi la ầm lên. Cậu Tám thức dậy xem, thì chái bếp đã cháy rừng rực, than rằng "Thôi rồi anh ăn mày!", rồi đốc thúc mọi người mau mau dập lửa, vào nhìn thì người ăn mày vẫn ngủ say giữa đám lửa, ngáy vang như sấm. Gọi dậy thì y làm ra vẻ kinh ngạc hỏi “Nhà cửa đâu rồi?”, mọi người mới bắt đầu hoảng sợ. Cậu Tám càng kính trọng, cho y lên ngủ trong phòng khách, may cho quần áo mới, hàng ngày trò chuyện. Hỏi họ tên, y nói là Hoàng Hạc.

Được vài hôm, mặt mày y càng thêm sáng sủa, ăn nói rất phong nhã, lại giỏi đánh cờ, lần nào đánh Cậu Tám cũng thua, bèn ngày ngày xin theo học, lĩnh hội được nhiều chỗ hay lạ sâu kín. Như thế nửa năm, người ăn mày nói xin đi, và xin mời chén quan hà. Cậu nói :-"Quen biết nhau rất vui, sao lại chia tay? Vả lại ông làm sao có tiền mua rượu, nên cũng không dám phiền ông mời tiệc”. Hoàng cố mời, nói:- “Một chén rượn thì có gì là tốn kém”.
Cậu hỏi:- “Uống ở đâu?" Hoàng đáp trong vườn. Bấy giờ đang giữa mùa đông, Cậu ngại ngoài vườn lạnh lẽo, Hoàng quả quyết là không sao.

Cậu Tám bèn theo vào vườn, chợt thấy không khí ấm áp như vào đầu tháng ba, vào tới trong đình lại càng ấm. Trong vườn chim lạ hàng đàn, líu lo ríu rít, mường tượng như vào lúc cuối xuân. Trong đình thì bàn ghế đều khảm ngọc lưu ly, có một cái bình pha lê trong suốt có thể soi gương, trong có khóm hoa đong đưa, hoa thì đóa nở đóa rụng không đều. Lại có con chim trắng như tuyết nhảy nhót qua lại bên trên, đưa tay vỗ nhẹ thì chợt biến mất hết. Cậu Tám ngạc nhiên hồi lâu, ngồi xuống thấy con két đậu trên giá gọi "Dọn trà ra!", trong chớp mắt thấy con phượng đỏ từ phía đông ngậm một cái khay ngọc đỏ đặt hai cái chén pha lê đựng trà thơm bay tới đáp xuống, ngẩng cổ đứng thẳng. Uống xong, đặt chén vào khay, chim phượng liền ngậm lấy, cất cánh bay đi. Con két lại gọi "Dọn rượu ra!", lập tức có loan xanh hạc vàng từ trong mặt trời chấp chới bay xuống, con ngậm bầu con ngậm chén bày ra khắp bàn. Giây lát có bầy chim vỗ cánh lui tới không ngớt, tấp nập dâng thức ăn lên, món ngon vật lạ trong chớp mắt đầy cả bàn, đồ ăn thức uống đều là những vật phẩm phi thường.
Hoàng thấy Cậu uống rất hào bèn nói: “Tửu lượng của ông rất cao, phải lấy chén lớn mới được". Con két lại gọi "Đem chén lớn ra đây!" Chợt thấy vành mặt trời chớp chớp, có con bướm lớn bấu một cái cốc anh vũ to bằng cái đấu nhẹ nhàng đáp xuống. Cậu nhìn thấy bướm to hơn con nhạn, hai cánh sặc sỡ, dáng vẻ rực rỡ, khen ngợi hết lời. Hoàng gọi “Bướm mời rượu đi?", con bướm xòe cánh bay một vòng biến thành một giai nhân áo thêu phơ phất, bước tới dâng rượu. Hoàng nói “Không được mời rượu suông thôi đâu!", cô gái bèn thướt tha múa lượn. Rồi hát rằng:

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu
Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu
Ðem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt
Duy giang thượng chi thanh phong,
dữ sơn gian chi minh nguyệt .
Kho trời chung, mà vô tận của mình riêng
Cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng
Kẻ thành thị kẻ vui miền lâm tẩu .
Gõ nhịp lấy, đọc câu « Tương Tiến Tửu »
« Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi »
Làm chi cho mệt một đời !

Uống rượu say, cậu Tám lăn ra nằm ngủ. Tỉnh dậy thì thấy trong đình không còn ai. Trên bàn chỉ có một phong thư đề mấy câu thơ:
Ta đây là một Cáo già,
Nhờ ông cứu giúp mà qua tai nàn.
Ta xin cảm tạ thâm ơn,
Nguyện xin kết cỏ ngậm vành về sau!

Cậu Tám ngẩn ngơ. Người ta cho rằng loài hồ dối trá, gian xảo nhưng sự thực thì có những con hồ rất nhân nghĩa, còn con người lắm kẻ đại ác, đại gian, nhất là những kẻ ba hoa hô hào bình đảng, dân chủ, tự do!


95. TÒA ÁN THÁNH GIÁO

Kim Văn Bình ở Bố Chánh châu, tuổi trẻ học giỏi, ba lần đỗ tú tài nhưng rớt cử nhân dài dài. Văn Bình rất mê hoa mẫu đơn. Nghe đồn ở thôn Kim Long, ngoại thành Thuận Hoá có nhiều giống mẫu đơn lạ và đẹp, chàng ao ước vào thăm cho biết.

Mùa thu năm ngọ, chàng vào Động Hải thi Hương nhưng lại hỏng thi, chàng phẫn chí bèn tìm vào Thần Kinh rong chơi một chuyến. Tới Thuận Hóa, chàng hỏi đường đi Kim Long. Người ta bảo đường lên Kim Long khá xa, có thể đi đò, đi ngựa, hoặc đi cáng. Chàng bèn đi đò vì giá thuê đò thì rẻ mà lại có thể ăn ngủ, nghỉ ngơi. Tới Kim Long, chàng dạo quanh làng, chợt thấy một vườn mẫu đơn rộng lớn, trong có căn nhà bỏ trống với hòn núi giả, chàng bèn vào hỏi thuê. Chủ nhà bằng lòng cho thuê. Kim tú tài liền đem hành trang vào cư ngụ. Lúc đó, mẫu đơn mới trổ nụ chứ chưa nở hoa.

Suốt ngày lang thang trong vườn hoa, mong hoa sớm nở cho mình thưởng ngoạn. Chẳng bao lâu, hoa nở rộ đầy vườn. Chàng Kim thích quá, lấy giấy bút ra vườn ngắm hoa mà làm thơ, ca tụng vẻ đẹp của mẫu đơn. Tháng sau, khi tiền lưng đã cạn, chàng đem cầm chiếc áo lạnh, lấy tiền lưu lại thêm ít bữa để thưởng ngoạn mẫu đơn.

Một sáng, chàng ra vườn ngắm hoa thì chợt thấy ở cuối vườn có một nữ lang, phục sức cung trang màu tím, với một người hầu cùng đứng ngắm hoa. Thầm nghĩ nữ lang là một tiểu thư con nhà thế gia trong vùng, Kim tú tài vội núp trong bụi cây cạnh hòn núi giả, chẳng dám giáp mặt vì sợ gặp chuyện rắc rối.

Lát sau, nữ lang thôi ngắm hoa, leo lên hòn núi giả ngồi nghỉ, còn thị tỳ thì đứng cạnh hầu hạ. Từ trong bụi cây, Kim lang chú mục dòm lén thì thấy nữ lang có một vẻ đẹp phi phàm không thấy có ở các giai nhân trần thế. Vì thế, Kim lang cho nàng là tiên nữ thượng giới chứ chẳng phải là tiểu thư phàm trần! Chàng quyết định chui ra khỏi bụi cây, rảo bước tới hòn núi giả để hỏi thăm. Thấy một nho sinh bước tới chỗ chủ nhân mình ngồi, thị tỳ vội nhảy ra cản đường, quát:"Cuồng sinh này làm chi vậy?"
Kim tú tài vội chắp tay đáp:"Tiểu sinh có dám làm chi đâu! Chỉ muốn tới hỏi thăm xem nương tử đây có phải là tiên nữ thượng giới hay không mà thôi!"
Nữ tỳ :"Ðừng có nói xàm! Cút đi ngay, kẻo ta bắt giải lên huyện, xin quan trị tội bây giờ!"

Kim lang chẳng dám nói chi thêm mà cũng chẳng dám đứng dậy, cứ đứng yên. Thấy thế, nữ lang mỉm cười, nói: "Mặc người ta! Mình về đi thôi!"
Nữ tỳ vội quay người lại, đỡ nữ lang xuống đất rồi dắt đi. Chờ cho hai người đi khuất vào lùm cây ở cuối vườn, Kim lang mới tỉnh hồn vía, thất thểu về nhà trọ.

Vào phòng, Kim tú tài nằm vật xuống giường, lòng vô cùng say mê và thương nhớ người đẹp cho nên suốt đêm chẳng hề chợp mắt. Ba ngày sau, Kim tú tài soi gương thì thấy mặt mũi hốc hác hẳn đi. Tối ấy, Kim tú tài thắp đèn, ngồi tựa lưng vào ghế mà tương tư nữ lang. Ðột nhiên, thấy lồng ngực khó thở, đầu óc đần độn, rồi chợt thấy nữ tỳ, tay cầm bình rượu, đẩy cửa bước vào phòng, nói:-"Nương tử nhà ta thân tự tay pha chế bình rượu độc này, sai ta đưa tới, bảo cuồng sinh phải uống ngay đi!" Nghe thấy thế, Kim lang lấy làm lạ, nói:"-Tiểu sinh với nương tử nhà nàng là hai người xa lạ, có thù oán gì với nhau đâu? Vì thế, tiểu sinh chẳng tin là nương tử nhà nàng lại bắt tiểu sinh phải uống rượu độc! Tuy nhiên, nếu rượu này quả là rượu độc do chính tay nương tử nhà nàng pha chế thì tiểu sinh xin uống hết ngay! Chết đi cho rồi, chứ sống mà tương tư trong tuyệt vọng như thế này thì cũng khổ lắm!"

Nói xong, Kim tú tài đứng dậy đỡ lấy bình rượu trong tay nữ tỳ mà uống một hơi cạn sạch, rồi trả lại chiếc bình. Nữ tỳ không nói gì, chỉ mỉm cười, đỡ lấy bình rượu đem về. Kim lang lại ngồi xuống ghế. Thấy rượu thơm mát, chàng thầm nghĩ chắc chẳng phải là rượu độc. Lát sau, Kim tú tài ngà ngà say rồi ngủ thiếp đi.

Sáng sau, khi thức giấc, thấy lồng ngực dễ thở, đầu óc minh mẫn, căn bệnh hôm qua đã biến mất, Kim lang càng tin rằng nữ lang là tiên nữ, đã cho mình uống rượu tiên để chữa bệnh. Kim lang bèn quỳ xuống đất, lầm rầm khấn khứa, cầu xin nữ lang cho mình được gặp mặt.

Mấy hôm sau, một đêm Kim nằm ngủ, chợt thấy nữ lang đến một mình. Kim vội vàng chạy đến chào nàng, và mời nàng ngồi. Kim hỏi tên nàng, gốc tích ra sao. Nàng đáp tên nàng là Kim Hoa, là hồ ly, nhà ở hang núi kề bên. Nàng cầm tay Kim âu yếm. Thấy hơi ấm từ da thịt nõn nà của nữ lang truyền sang tay mình, Kim bỗng cảm thấy sung sướng đê mê. Nữ lang nhìn Kim, mỉm cười. Kim mừng quá, xoắn xuýt mời vào, kéo ghế mời ngồi. Bấy lâu, tiểu sinh vẫn nửa tin nửa ngờ rằng nương tử là tiên nữ, nhưng nay mới thực rõ nương tử quả là tiên! May mắn được nương tử để mắt tới, tiểu sinh rất lấy làm hân hạnh.
Nữ lang cười, nói:-"Sao mà tưởng tượng viển vông quá thế? Ai là tiên nữ đâu? Thiếp cũng chỉ là một nữ hồ ly mà thôi! Tình cờ gặp chàng thì sinh tình cảm.

Sinh muốn ôm lấy nàng . Nàng cười mà nói: -" Phải kín miệng mới được, chứ tới tai thiên hạ thì chẳng thể mọc cánh mà bay được đâu!"

Kim mừng quá, vội đáp:-"Tưởng là chuyện chi, chứ nếu chỉ có thế thì tiểu sinh xin thề là sẽ giữ kín chuyện chúng mình!"

Nói xong, liền chạy tới ôm chầm lấy nữ lang, bồng lên giường mà ân ái.
Từ đó đêm đêm Kim Hoa đến cùng chàng. Nàng hỏi chàng đất khách quê người, nơi kinh thành gạo châu, củi quế, làm sao kéo dài cuộc sống ở đây. Chàng thú thật là đã bán chiếc áo dạ, còn chưa biết sẽ tính ra sao. Nàng bảo đừng lo. Hôm sau, nàng trở lại mang theo hai mươi lạng vàng để chàng làm sinh hoạt phí. Chàng và nàng bèn mua một cái nhà có đất đai rộng rãi để trồng mẫu đơn.

Trong làng bên cạnh, có Chín Càng là một người nông dân nhưng rất mưu trí và hung ác. Y có ba vợ sáu con nhưng từ khi gặp Kim Hoa thì sinh lòng mê đắm. Y thường gặp Kim Hoa ngoài chợ thì đem lời ong bướm. Kim Hoa cương quyết cự tuyệt thì lòng ghen ghét, thù hận của y càng tăng thêm.

Bấy giờ là thời loạn lạc, quân phiến loạn cướp kinh đô lập nền cộng hòa. Gặp lúc mùa màng thất bát, "Ủy Ban Trung Ương" ban lệnh "tăng gia sản xuất", và bắt các gia đình phải "ủng hộ vàng" cho "Ủy Ban" để cứu đói và chống ngoại xâm. Chín Càng lúc này được chỉ định vào "Ủy ban Cộng Hòa" tiểu khu. Y sai quân đội lục soát nhà và bắt hai vợ chồng Kim Tú tài giam giữ, sau đưa ra tòa án. Tòa án do Chín Càng làm chánh án, tuyên xử hai vợ chồng Kim tú tài các tội như sau:
-Vợ chồng Kim Tú tài chỉ trồng hoa mẫu đơn mà không trồng lúa và khoai sắn phạm tội là bất tuân lệnh "tăng gia sản xuất" của Ủy ban Trung Ương.
-Trong nhà có nhiều vàng mà không ủng hộ "Tuần lễ Vàng"như vậy là phạm tội chống nhân dân.
-Kim tú tài lấy vợ là giống Hồ như vậy là phạm tội chống dân tộc, làm tay sai cho ngoại bang.
Tòa án tuyên án xử tử vợ chồng Kim tú tài.
96.NGƯỜI ĂN TRỘM BÊN XỨ ĐÔNG

Ba Dao ở Chí Linh, Hải Dương cha mẹ chết sớm, phải nương tựa vào bác. Bác trai thời thương cháu, nhưng bác gái thì hẹp hòi, độc ác, bắt Hai Dao phải chăn trâu bò, hoặc lên rừng hái củi, ngày đêm khó nhọc không thôi.
Chuyện của Ba Dao cũng là chuyện thường thế gian:
"Con chú, chú cho học nho,
Cháu chú, chú bắt chăn bò, chăn trâu!"
Đã thế, mỗi bữa cơm chỉ được ăn một bát nhỏ với muối rang hoặc mắm cà, không bao giờ được ăn no. Ba Dao trốn đến Nam Định, xin vào làm tôi tớ ở một nhà cự phú. Công việc hàng ngày là cày cấy, thái rau, bổ củi. Ở đây, Ba Dao được ăn no, mặc ấm cho nên thân thể phát triển. Ba Dao mười bốn tuổi, thấy con gái phú ông mười ba, nhan sắc mặn mà nên đôi lúc cũng tỏ vẻ suồng sã. Bọn gia nhân mách với phú ông. Phú ông bèn trói Ba Dao lại, đánh một trận nên thân rồi đuổi đi.


Ba Dao lưu lạc nhiều nơi, sau vào Hồng Sơn, Nghệ An làm công cho một nhà phú hộ, quen một cô gái cũng làm công ở đây, hai bên kết thành vợ chồng. Phú hộ cho một miếng đất làm chòi mà ở . Ba Dao vẫn tiếp tục làm công cho phú hộ, nhưng đôi khi ban đêm ra đi, vào các nhà trong vùng ăn trôm, ăn cắp. Y là một tay trộm tập sự cho nên nhiều khi bị đánh đuổi, nhiều tháng ngày nhịn đói. Người vợ rất lo sợ, nhiều lần khuyên thôi đi, Ba Dao bèn bỏ nghề.

Được hai ba năm, nghèo túng không sao sống nổi, định bụng giở nghề cũ ra làm một lần chót. Bèn nói thác là đi buôn, tới gặp một người thầy bói giỏi, hỏi đi về hướng nào thì tốt. Người thầy bói nói “Hướng đông nam tốt, nhưng có lợi cho kẻ tiểu nhân, bất lợi cho người quân tử” . Ba Dao thấy quẻ bói hợp với mình, trong bụng mừng thầm, bèn đi về phía đông nam.


Phạm vi hoạt động của Ba Dao rất rộng lớn. Ba Dao thường qua lại phủ huyện lân cận như Diễn Châu, Đô Lương, Anh Sơn,Hưng Nguyên, Quỳ Châu. Hàng ngày, Ba Dao đi dạo qua các thôn xóm, giả làm thợ cắt tóc, người mua đồng nát vào các thôn xóm mà dò la đường sá, cửa nẻo. Một hôm ngẫu nhiên vào một ngôi chùa, thấy ở góc tường có hai ba hòn đá chất lên nhau, lấy làm lạ cũng nhặt một hòn vứt vào đó rồi ra sau tháp nằm ngủ. Đến chiều thì nghe trong chùa có tiếng nói ồn ào, như có hơn chục người. Nhìn kỹ thì thấy họ là những người cao to nhưng có đuôi như đuôi loài chồn, sói. Một người ra đếm đống đá, thấy thừa một hòn thì ngạc nhiên, cả bọn đổ đi tìm, thấy Ba Dao sau tháp bèn hỏi: “Ngươi ném hòn đá vào phải không?” Ba Dao dạ. Bọn kia hỏi tới tên họ quê quán, Ba Dao bịa đặt trả lời. Tên đảng trưởng hỏi:
-Tại sao người đi ăn trộm?
Ba Dao nói là mình quá nghèo khổ, bị bọn nhà giàu bóc lột, vô nhân đạo, không bố thí quần áo, cơm cháo lại đánh đập tàn nhẫn.
Viên đảng trưởng nói:
-Anh nói đúng. Bọn ta đây cũng vậy vì bọn nhà giàu tàn ác mà phải ăn trộm, ăn cướp. Vậy từ nay, anh là đồng chí của chúng ta, cùng tấn công quân thù, cùng chia vui sẻ buồn, cùng hưởng chung tài vật theo tinh thần tập thể. Nghe đảng trưởng nói thế, Năm Dao và cả bọn hoan hô. Từ đó Ba Dao gia nhập đảng cướp.

Tới một ngôi nhà lớn, bọn họ bắc thang lên tường tranh nhau trèo vào, riêng Ba Dao vì thân hình thấp bé nên được nằm lại ở bên ngoài nhận đồ vật từ trong chuyền ra. Giây lát, có một cái bao ném ra, lát sau, lại một cái hòm được ném ra. Ba Dao bưng cái hòm thấy bên trong có đồ vật, bèn phá ra đưa tay vào mò mẫm, thấy toàn là vật nặng đắt tiền, bèn dồn cả vào một cái bao, vác lên trốn đi luôn, ngày đêm theo đường về nhà. Nhờ đó xây dựng nhà cửa, mua ruộng tốt, nộp hàng ngàn tạ thóc cứu trợ, được quan huyện cấp cho biển “ Thiện nhân” treo ở trước cổng.

Tại Hải Phòng, có tên Năm Lẹ nhà nghèo túng. Cuối năm trong nhà hết gạo, trên người không có được tấm áo nào lành lặn, tự nghĩ không biết lấy gì mà sống. Bèn giấu vợ, lén vác gậy ra rình trong khu mộ ngoài đồng, chờ có kẻ nào đi ngang một mình thì ra cướp. Rình rập rất lâu, nhìn xa xa chẳng thấy bóng một ai, mà gió lạnh thấu xương, chịu không nổi đã toan bỏ về. Chờ thấy một người ì ạch đi tới, mừng thầm đợi lúc tới gần bèn nhảy xổ ra. Thì ra là một ông già đeo cái túi, đứng lại bên đường năn nỉ với Năm Lẹ rằng "Trên người không có vật gì đáng tiền, nhà hết gạo vừa qua vay con rể được năm đấu gạo này mà thôi". Năm Lẹ cướp túi gạo, lại muốn lột cả cái áo bông, ông già khóc lóc lạy lục, y tha, không cướp áo bông, chỉ vác gạo về nhà.

Vợ hỏi gạo từ đâu ra, ất nói dối là đánh bạc thắng được, nghĩ thầm cách này quá hay. Hôm sau lại ra đi, chờ không bao lâu thấy một người vác gậy tới, cũng núp vào trong khu mộ, ngồi chồm hổm nhìn nhìn ngó ngó. Năm Lẹ bèn sau mộ đi vòng ra, người ấy giật mình hỏi là ai, đáp là kẻ đi đường. Lại hỏi sao không đi tiếp, Năm Lẹ đáp "Chờ anh đấy thôi". Người kia cười ngất, tự xưng là Bảy Hổ. Hai bên hiểu ý nhau rồi cùng than thở chuyện đói rét. Từ đó cả hai quen thân với nhau.

Một hôm, cả hai không kiếm được gì, Năm Lẹ muốn về, người kia nói :"-Anh tuy làm nghề này, nhưng còn ngây thơ lắm, để ta chỉ cho anh, song anh phải chịu tốn tiền mua, vì ta cũng cũng phải mua của người với giá hai lượng vàng. Năm Lẹ bằng lòng. Người bạn dẫn Ba Dao vào trong núi, đến một hang sâu, gặp bà phù thủy , vốn là một Hồ tiên, mua phép ăn trộm. Năm Lẹ nộp hai cây vàng, Hồ tiên bèn giao cho Năm Lẹ một đầu lâu và dặn trước khi đi hành nghề phải thắp hương đọc chú . Năm Lẹ tuân lời đem đầu lâu về để trên gác bí mật. Trước khi ra đi hành nghề, y thường thắp hương khấn vái trước đầu lâu. Hễ cái đầu lâu quay về hướng nào đi hướng đó thì tất thành công.

Một hôm, Năm Lẹ đến một nhà có đám cưới và gặp Bảy Hổ cũng rình rập nhà này. Cả hai chờ đợi mọi người mỏi mệt đi ngủ thì vào. Không bao lâu có người mở cửa ra múc nước, Năm Lẹ và Bảy Hổ nhân đó lẻn vào, thấy phòng phía bắc còn đèn sáng, các phòng khác đều tối om. Chợt nghe một bà nói: "Con à, về phòng phía đông xem lại xem, nữ trang của con cất cả trong rương, có khóa hay quên rồi?". Hai người nghe tiếng cô gái mệt mỏi ậm ừ, mừng thầm lẻn qua phòng phía đông. Mò mẫm trong bóng tối, thấy có cái rương dài, mở nắp lên sờ soạng nhưng đáy rương sâu quá không với tới. Bảy Hổ bảo Năm Lẹ "Vào đi". Năm Lẹ nhảy vào vớ được một cái bọc to bèn chuyền ra cho Bảy Hổ. Bảy Hổ hỏi hết chưa, đáp :"Hết rồi". Lại nói "Tìm nữa xem". Năm Lẹ quay lại mò thêm nữa thì Bảy Hổ đóng nắp rương cài khóa rồi bỏ đi.

Năm Lẹ bị nhốt ở trong, không ra được. Không bao lâu có ánh đèn lửa tiến vào phòng, soi tới cái rương, rồi nghe tiếng bà già nói ai khóa lại thế nhỉ. Kế đó hai mẹ con tắt đèn đi ngủ, Năm Lẹ bí quá giả làm tiếng chuột gặm sột soạt, cô gái nói "Trong rương có chuột". Bà già nói "Coi chừng nó cắn nát áo con đấy, mẹ mệt lắm rồi, con dậy xem đi”. Cô gái mặc áo trở dậy mở khóa giở nắp rương lên, Năm Lẹ bất ngờ nhảy ra, cô gái hoảng sợ ngã lăn xuống đất, kêu toáng lên, gia nhân vây bắt được Nam Lẹ trói lại rồi sáng sớm giải lên quan.

Quan bắt tra khảo. Năm Lẹ khai ra Bảy Hổ và bà phù thủy. Quan sai lính vây núi thì bắt được một hang ổ hồ ly. Từ đó trong vùng hết trộm cướp.
97. NGƯỜI VỢ HỒ

Nông Văn Phúc ở Bắc Giang, xuất thân gia đình nghèo khổ, cha mẹ chết sớm, phải sống nhờ chú thím. Chú thím chỉ thương con ruột mà bạc đãi chàng. Lúc sinh thời, cha chàng làm nghề thuốc, đã cứu đưọc nhiều người. Cha chàng là người nhân hậu, cũng ra tay băng bó cứu thương, trị bệnh cho những con nai, con thỏ, con nhím trong rừng. Chú thím nuôi chàng đến 15 tuổi thì đuổi chàng đi vì theo lệ bản làng, tuổi 15 là tuổi tự lập. Chàng bèn vào trong núi lập trại, phá rừng làm rẫy và săn bắn.

Một đêm đang ngồi buồn bã, thấy có cô gái bước vào, quần áo rực rỡ sang trọng nhưng diện mạo già nua, đen đúa, xấu xí, cười nói :
- "Không lạnh à?"
Sinh sợ hỏi nàng là ai, nàng đáp:- "Ta là hồ tiên, tên là Hồ Bạch Hồng. Thương chàng tịch mịch buồn bã nên tới làm bạn với chàng".
Sinh sợ hồ, lại ghét vì xấu, la lớn. Cô gái lấy tiền ra đặt lên rồi đi. Món tiền dù ít cũng đủ cho chàng chi dụng.
Một thời gian sau, nàng lại đến mà bảo chàng:
-Cha ta đã được cha chàng cứu nạn, nay ta muốn báo đáp ơn sâu. Nếu chàng muốn giàu sang, quyền thế thì phải theo Tiên Thánh giáo, và phải trung thành với ta.
Chàng thấy cuộc đời chàng quá nghèo khổ, nay có nơi nượng tựa thì giơ tay xin thề!
Hôm đó, nàng ở lại và hai bên ân ái mặn nồng. Gần sáng, cô gái dậy nói :- Ta nay trao cho chàng một số kim ngân, chàng hãy lo sửa chữa nhà cửa. Tháng sau, thiếp sẽ trở lại.

Chàng bèn lên rừng đốn gỗ về làm nhà to lớn hơn, đóng bàn ghế, giường phản đủ cả. Xong xuôi, chàng gánh củi xuống chợ bán, khi về mua chăn, chiếu, màn, mùng đủ thứ. Một tối, nàng đến, thấy nhà cửa to lớn, bàn ghế, giường phản, chăn chiếu mới thì rất vui vẻ. Từ đó đêm nào cũng tới, lần nào ra về cũng để lại tiền bạc. Hơn một năm, nhà cửa phòng ốc của chàng đều được sửa sang, người nhà trong ngoài đều mặc lụa là gấm vóc, nghiễm nhiên thành giàu có.

Vài năm trôi qua, một hôm, nàng đưa chàng vào trong núi sâu, là vương quốc Hồ ly, tên là An Lạc thiên quốc. Chàng được nàng lo lót các giáo sĩ trong Tiên Thánh giáo nên được phong làm giáo trưởng tiểu khu. Sau thăng giáo trưởng trung khu. Đây là một chức vụ cao quý trong Tiên Thánh giáo và cũng là chức vụ hành chánh, quân sự của xứ Hồ Ly. Từ đó, chàng vào ra xe ngựa nghênh ngang, vàng bạc đầy kho.

Nhiệm vụ của chàng là huấn luyện binh sĩ trong trung khu xung trận chống ngoại xâm. Chàng cũng có học qua sách vở nên cũng được giao nhiệm vụ tuyên thuyết giáo lý của Tiên Thánh giáo. Chàng nghiên cứu kỹ giáo lý Tiên Thánh giáo thì thấy rất hay, nhưng thực tế có lắm điều trái ngưọc. Tiên Thánh giáo dạy ăn chay, kiêng rưọu và cấm sát sinh nhưng trong Thánh giáo phần đông rưọu thịt say sưa. Sáng nhậu, trưa nhậu, chiều nhậu, tối nhậu. Quán rưọu chật ních gái trẻ xếp hàng. Cửa hàng ăn uống có phòng ngủ cho khách qua đêm. Phòng ca vũ nhạc khỏa thân trăm phần trăm và các cô nàng chiêu đãi viên cứ thế ngồi lên lòng khách.

Thánh giáo dạy công bằng, nhưng từ vua cho đến dân cách xa nhau hàng vạn dặm cao thấp, sang hèn. Thánh giáo dạy từ bi bác ái nhưng nhìn ra nông trường hay công trường, công nhân ngày hạ đêm đông phải ở trần, đóng khố mà lao động. Họ không được ăn no, còn bị đánh đập.

Chàng được nhân dân và chức sắc trên dưới đón tiếp nồng hậu. Họ mời chàng ăn nhậu, tiệc tùng, và biếu xén lễ vật nồng hậu. Chàng không thể từ chối vì sợ thất lễ với nhân dân và các chức sắc bề trên. Họ còn biếu chàng gái đẹp. Nhiều mỹ nhân tự động đến hiến dâng. Chàng không cầm lòng cho nên vui vẻ với họ cho nên Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên đâu cũng có mái nhà ấm cúng.

Chàng có nhiều mỹ nhân cho nên càng ngày càng thấy vợ cũ càng xấu xa, già nua. Chàng bèn xua đuổi nàng. Hồ Bạch Hồng tức giận mắng:
- "Vong ơn phụ nghĩa như chàng là hết mức! Nếu đã không thích nữa, thì ta tự đi thôi. Có điều tình nghĩa đã tuyệt, nhận cái gì của ta thì phải trả lại đủ số", rồi đột nhiên biến mất. Hôm sau, Hồ Bạch Huệ bước vào, ôm một con vật đầu mèo đuôi rắn, đặt xuống trước giường, suỵt suỵt nói :
-"Hì hì, cắn vào chân thằng gian đi".
Con vật lập tức há miệng, răng nhọn như đao.

Chàng cả sợ định co người ẩn núp, thì chân tay đã không cựa quậy được nữa. Con vật cắn vào ngón chân của chàng nhai rau ráu, nghe tiếng xương gãy răng rắc. Nông đau quá van lạy, bà vợ nói -"Đem hết vàng bạc châu báu ra đây, không được giấu diếm".
Nông vâng dạ, cô gái nói "À à", con vật mới thôi không cắn nữa. Nông không dậy được, chỉ nói ra nơi cất tiền bạc. Cô gái tự đi lấy, ngoài áo quần và vật trang sức chỉ có hơn hai trăm lạng vàng, thấy còn thiếu, lại nói "Hì hì". Con vật lại cắn, sinh rên rỉ thảm thiết xin tha. Hồ Bạch Huệ nói phải chỉ nơi cất giấu. Chàng liền dẫn nàng ra vườn đào lên năm cái chum, gồm hai ngàn lượng vàng và một số châu báu.

Chàng bị nàng cầm phất trần đánh túi bụi rồi mê man. Tỉnh dậy thấy một mình nằm trong túp lều tranh cũ ở Bắc Giang như ngày xưa thơ ấu mà đầu mình và chân tay còn chảy máu.


98. MÊ ĐẠO
Lưu giáo thụ huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình là người có lý tưởng cao siêu. Ông mê say Lão Trang, giỏi Dịch Kinh và Đạo Đức kinh. Ông thích truyện Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, truyện Phạm Tử Hư, truyện Bích Câu kỳ Ngộ. . .Hễ khi nào ông giảng về Lão Tử, Trang Tử thì học trò đều say mê , thích thú.
Một hôm, ông đi vào Ngân Sơn là một vùng núi non xinh đẹp, thăm đền Linh Giác và ở lại vài ngày. Người chủ ngôi đền là Thái Thanh đạo trưởng nổi tiếng là pháp thuật tinh thông, đạo hạnh cao thâm.
Đêm nằm, quan giáo thụ thấy một bà già đắt một cô gái trẻ bước vào chào hỏi, rồi nói với quan:
-Già đây là Tiên hồ, tu hành đắc đạo. Nghe danh quan uyên thâm Đạo học, thích tu tiên cho nên già xin đưa quan chu du tiên cảnh một phen.
Quan vui mừng xin vâng. Bà già nói:
-Đây là con gái lão, xin để con gái lão dẫn đường tiên sinh lên tiên cảnh.

Bà già lui ra, cô con gái bèn mời quan lên xe loan bay lên trời. Đến nơi, quan thấy một cảnh đẹp trong mây hiện ra. Lâu đài, cung điện san sát như trong cung vua. Xung quanh cây cối xanh tươi, hoa tím, hoa vàng, hoa hồng nở rộ, chim bay, bướm lượn khắp nơi. Khắp nơi, trai gái, trẻ già vui chơi. Kẻ đánh cờ, người uống rượu, người đọc sách, kẻ câu cá rất vui vẻ.
Giây lát thấy một nơi điện gác cao tận mây xanh, dưới có thềm đá, cứ từng chặng từng chặng đi lên, khoảng hơn trăm bậc mới hết. Thấy có cửa son treo rèm, lại có vài người đẹp chạy vào trong báo tin khách tới.

Không bao lâu trở ra dắt vào điện, thấy móc vàng treo rèm ngọc sáng ngời lóa mắt. Trong điện có một nữ nhân xuống thềm ra đón, tiếng vòng ngọc khua leng keng, dáng vẻ như bậc tiên nương.
Quan giáo thụ định vái lạy, tiên nương đã nói :- Xin cảm tạ tiên sinh đã dời gót ngọc đến tệ xá.”
Rồi gọi tả hữu mời trà rượu. Tiên sinh nói:
- "Kẻ quê mùa hèn mọn được ơn trên vời tới đây đã là vinh dự lắm rồi, làm sao còn dám nhận lễ chào khách, lại thêm tăng tội giảm phúc của thần thôi”.
Rượu được vài tuần, tiên sinh nói:- “Thần uống rượu kém, sợ say thất lễ. Chỉ cầu xin tiên nương cho thăm cảnh Đào Nguyên.
Tiên nương nói:
- Đào Nguyên là đây.
Bà gọi lớn:
-Cho ban vũ lên giúp vui cho tiên sinh.
Liền đó có mười hai mỹ nhân tiến ra. Cô mặc áo xanh, cô mặc áo vàng, cô mặc áo đỏ, nhưng ở giữa là cô mặc áo tía là đẹp nhất và có lẽ là trụ cột của ban vũ.
Ban nhạc đánh đàn đủ thứ nhạc cụ, có nguời đánh trống, gõ sênh, phách, có kẻ thổi sáo mà hòa âm. Tiếng nghe trong mà nhỏ tuyệt hay.

Sau khi nghe hát xong, Tiên nương mời khách đi xem vườn đào. Cây đào cao vút, trái xanh, trái vàng, trái hồng chen chúc nhau. Tiên nương sai tiên nữ hái một trái mời quan. Tiên nương nói:
- Đào Tiên cứ một trăm năm mới nở hoa, một trăm năm mới kết trái và một trăm năm mới chín. Tiên sinh hôm nay đến vừa lúc đào chín, thật là hữu duyên. Tiên sinh ăn trái đào này thì chẳng bao lâu sẽ thành tiên.

Quan giáo thụ nhận trái đào tiên cắn thử thì thấy ngọt lịm và thơm ngát, hoa quả trần gian không thể sánh bằng.
Đang dạo chơi nơi Tiên cảnh, bỗng nhiên có tiếng hạc kêu vang. Tiên nương xin cáo từ vì có Thái Thượng Lão quân đến viếng, Tiên nương phải trở về tiếp khách. Tiên nương sai tiên nữ đưa quan về hạ giới. Tiên nương hẹn sẽ mời quan lên thăm Tiên Cảnh lần nữa.

Quan theo xe loan về hạ giới mới biết mình đã qua một giấc mơ. Quan trở về trường học tiếp tục công việc thường ngày. Ngày đêm nào quan cũng mong tiên nữ trở lại đưa mình lên thiên giới.
Nhưng chờ đợi năm này qua tháng khác mà vẫn không thấy tiên nữ hay hồ tiên đến. Quan giảng dạy phương pháp tọa thiền nhưng học trò chẳng đứa nào có tiến bộ. Trần tục vẫn là trần tục. Không ai có phép màu. Không ai mọc cánh để bay lên Thiên cung. Quan tức giận, bắt học trò tập thiền một ngày từ giờ tý đến giờ ngọ rồi lại tiếp đến giờ tý, quên cả ăn, cả ngủ luôn suốt tuần rồi suốt tháng. Một số bệnh lăn ra nằm liệt giường, một số hóa điên. Một số bỏ trốn. Quan nổi điên, đánh đập học trò, phạt quỳ, phạt giam vì chúng không nỗ lực để tiến nhanh, tiến mạnh. Riết rồi học trò phải ra đi không lời từ biệt thầy! Quan thất vọng não nề, cho rằng nhân sinh thấp kém, sĩ tử trần tục không thể nào thành tiên, thành Phật.

Không học trò, quan đã bỏ đi lang thang khắp nơi. Bạn bè xa lánh quan vì không muốn nghe quan to tiếng nói về giải thoát, giải phóng, tự do. Trẻ con ném đá vào quan và kêu quan là thằng điên. Vợ quan bỏ quan nói quan cuồng tín, rồ dại. Quan huyện báo cáo lên quan tỉnh, quan tỉnh trình lên quan thượng thư bộ Học. Cuối cùng triều đình sa thải quan, và bổ nhiệm một quan giáo thụ mới cho huyện.

Một hôm, quan ghé chùa Từ Hiếu vãn cảnh. Quan hăng hái nói lên mộng ước Bồng Lai Tiên cảnh của mình, đồng thời than vãn tình trạng kém cỏi của nhân thế, nhất là của học trò ông. Một số khoe là đã tích cực, hoàn thành 500% công tác, vượt chỉ tiêu, nhưng tất cả chỉ là "làm láo, báo cáo hay".
Vị sư già chùa Từ Hiếu nhìn quan mỉm cười:
-Tiên cảnh, Niết Bát ở trong tâm. Mọi việc tùy duyên. Dục tốc bất đạt. Trong việc tu đạo, nhiều kẻ tuyên dương phép "đốn ngộ", "tiến nhanh tiến mạnh" thì họ có thể sa vào yêu đạo. Vạn pháp do tâm. Trước tiên hãy diệt tâm ma. Tâm ma sinh ra ảo vọng giàu sang quyền quý, hóa thánh hóa thần, thành Phật thành Tiên, dời non lấp biển. Xin để thế giới bình an. Đừng chặt chân cò mà chắp chân vịt. Đừng coi đó là lý tưởng, và tự coi mình là siêu nhân, là lãnh tụ, là sứ giả, là con của Thượng Đế. Ở đời có hai hạng người. Một hạng có tâm ma, một hạng là dối trá. Xin thí chủ suy ngẫm hai chữ "sắc không" thì may ra hiểu chân lý.

Quan về đóng cửa, suy ngẫm về hai chữ "sắc không". Một năm, hai năm, mười năm, quan đã quên Bồng Lai Tiên Cảnh, Thiên Đàng . . Quan không khoe là mình đã đến Tiên cảnh, không giảng thuyết về tu đạo nữa. Quan đã trở lại đời sống bình thường của một người bình thường. Quan không chê ai là trần tục, là súc sinh, quan cũng không đề cao giác ngộ, tiên tiến, đắc đạo. Các bạn cũ đã từ từ đến ngồi uống rượu với quan, và quan đã có nụ cười.


99. YÊU GÁI ĐẸP



Cậu Tám Bạc Liêu là con nhà giàu, đẹp giai, học giỏi, là thần tượng của hàng trăm, hàng ngàn thiếu nữ trong vùng. Cậu Tám cũng là tay chơi bời hào hoa, lão luyện. Bất cứ nơi nào có danh ca, danh kỹ là cậu tìm tới, bỏ ngàn vàng mua lấy trận cười. Cậu đã chán chê giai nhân thành phố Hoa Lệ, sang chơi bên Đông Kinh, Thượng Hải và Luân Đôn nhưng không nơi nào cầm được bước chân giang hồ của cậu.

Một hôm, cậu ra chơi đất Thuận Hóa, lên núi Túy Vân viếng chùa Tuý Vân. Sau khi lễ Phật, cùng tiểu đồng ra sau chùa ngắm cảnh, cậu thấy hai cô gái bước vào chùa, một một cô gái yếm thắm, áo tơ tằm vàng nõn, một cô yếm trắng, áo hồng bước vào lễ Phật. Cô yếm thắm coi xinh tươi hơn cô yếm trắng. Cả đời cậu đã thấy nhiều giai nhân nhưng không ai làm cậu say đắm như cô nàng yếm thắm. Cậu chờ hai cô lễ Phật xong thì sẽ đến làm quen nhưng vừa ra khỏi chùa thì bỗng chốc hai cô biến mất. Cậu trở vào buồn bã, không biết than thở cùng ai, và hỏi han ở đâu!

Cậu vẫn nấn ná ở lại chùa mười ngày, rồi nửa tháng, một tháng mà vẫn không thấy cô yếm thắm trở lại chùa. Cậu phải trở về Bạc Liêu. Nhưng hồn cậu ở Thuận Hóa. Cậu nhớ cô yếm thắm. Câu say mê như điên. Cậu nhờ một họa sĩ vẽ hình giai nhân. Cậu tả người cho họa sĩ vẽ truyền thần. Chàng tả từng ánh mắt, nụ cười, gò má, khuôn mặt. Họa sĩ cứ theo đó mà vẽ. Nếu không giống thì vẽ lại cho đến khi giống mới thôi. Người họa sĩ phải vẽ đi, vẽ lại hàng trăm, hàng ngàn lần thì cậu mới được một bức tranh giống như giai nhân trong mộng. Cậu bỏ ăn, bỏ uống, bỏ cả ngủ , say mê ngồi ngắm nghía người đẹp. Cha mẹ cậu tính cưới vợ cho cậu nhưng cậu cự tuyệt. Họ tổ chức các cuộc gặp mặt nhưng cậu từ chối. Cậu tuyên bố chỉ có cô yếm thắm ngoài Thuận Hóa mới là giai nhân, ngoài ra thiên hạ không có ai là đàn bà nữa! Cậu luôn nói với mọi người rằng cô yếm thắm là người yêu lý tưởng của cậu. Cậu chỉ yêu giai nhân trong tranh, thề không lấy vợ. Cha mẹ, anh em của cậu buồn rầu, lo lắng, cho là cậu ra Trung trúng ma Hời.

Một buổi chiều kia, cậu đang ngồi đọc sách trong chùa Tuý Vân thì thấy cô yếm thắm bước vào chùa lễ Phật. Thấy nàng lễ Phật xong, cậu vội chạy lại chào hỏi nàng. Nàng quay mặt không trả lời. Cậu chạy theo năn nỉ, ỉ ôi. Nàng nghiêm mặt mà nói:- "Thiếp biết chàng có cảm tình với thiếp, luôn tưởng nhớ đến thiếp. Thiếp xin cảm ơn tấm hảo cảm của chàng. Nhưng thiếp không phải loài người như chàng mà là loài Hồ. Thiếp xin chàng hãy quên thiếp, vì đôi ta khác chủng loại, không thể sống với nhau".
Nói xong, nàng khóc mà bỏ đi. Tỉnh dậy, té ra đó chỉ là một giấc mộng.

Cha mẹ cậu phải mời thầy trừ tà mà vẫn không lành. Cha mẹ cậu mới tính phương án khác là gửi cậu sang Pháp Lan Tây du học cho khuây nỗi buồn. Ở bên đó cậu cũng vui thú khiêu vũ và đi du lịch khắp nơi nhưng cậu vẫn nhớ quê nhà cho nên cậu lại trở về Bạc Liêu.

Vài năm trôi qua nữa. Trong Bạc Liêu có gia đình họ Phan vốn là một điền chủ giàu ngang ngửa với gia đình cậu Tám, có cô con gái rất tươi thắm tên là Bích Ngọc, tuổi độ mười tám, học trường Áo Tím ở Thành Đô. Nhiều nhà danh giá cho mối mai đến thăm dò đều bị từ chối. Cô ta ngang nhiên tuyên bố phải là người nhà giàu, đẹp giai, học giỏi như cậu Tám mới lấy.

Nghe tin người đẹp tuyên bố như vậy, cậu Tám lấy làm cảm động, bèn thuận tình cho người mối sang thăm hỏi. Nhà gái bằng lòng và đám cưới được tổ chức sau đó vài tháng. Quả thật Bích Ngọc rất đẹp, có thể là nói đẹp hơn cô yếm thắm ngoài Trung vì nàng có cái đẹp tươi thắm, tự nhiên và hiền hậu của các cô gái quý phái Miền Nam.

Nhưng vì cô gái đẹp nên Cậu Tám quá yêu, không rời nửa bước. Cậu luôn ngồi bên nàng, ngắm nàng, ôm nàng, hôn nàng, và cầm tay nàng. Cậu giữ rịt trong nhà không cho vợ đi đâu cả, dù là đi chợ. Cậu không cho vợ về thăm cha mẹ . Vợ phải van xin thì chàng giang tay từ nhà ra kiệu không cho ai thấy nhan sắc của nàng. Khi vợ lên kiệu thì cậu đích thân bỏ rèm xuống che kín. Rồi cậu cưỡi ngựa theo sát phía sau, đến chiều tối thì giục về cùng mình. Cô vợ bực mình nói :-"Thiếp mà lăng nhăng thì chàng cấm cản được à?”
Cậu tức tối mà im lặng.

Một hôm, cậu Tám có việc phải lên quan, khi ra khỏi nhà thì khóa cửa nhốt nàng trong phòng, khiến cho vợ càng càng chán ghét. Hôm khác, nhân cậu đi ăn giỗ ở họ đại tông, người vợ bèn thay khóa phòng, khóa cỗng, cố ý làm cậu nghi ngờ. Khi cậu về, nhìn thấy cả giận, hỏi ống khóa lạ này ở đâu ra, người vợ bực bội nói không biết, cậu càng ngờ vực và tức tối nhiều hơn.

Một hôm cậu Tám đi xa về nhà, rình nghe hồi lâu rồi mở khóa vào nhà, sợ có tiếng động nên rón rén vào phòng. Thấy có người đàn ông đội nón lông điêu nằm trên giường, tức giận cầm dao xông vào chém chết. Nhìn kỹ lại thì ra vợ mình ngủ trưa sợ lạnh, lấy cái khăn lông điêu trùm kín mặt, chứ không phải có người đàn ông nào. Thấy vợ chết, cậu hoảng hốt và ăn năn.

Nhà vợ bèn kiện lên quan. Quan tước bỏ khăn áo học trò, đóng gông giam lại. Cha mẹ cậu phải bán điền sản hối lộ khắp cả trên dưới mới khỏi tội chết. Vì việc này, song thân cậu buồn bã theo nhau mà xuống suối vàng. Còn cậu từ đó tinh thần hoảng hốt, như tỉnh như say. Một hôm đang từ ngoài bước vào phòng, câu bỗng thấy vợ mình lõa lồ ôm ấp một người đàn ông trên giường, cậu bèn cầm dao chém cả hai nhưng họ đều biến mất. Định bước ra ngoài phòng, lại thấy hai người vẫn ôm nhau trên giường, tức giận quá cầm dao chém xuống giường, đứt nát cả chăn nệm, nhưng cả hai khúc khích cười mà bỏ chạy như chơi trò cút bắt. Cậu bèn ngồi lên giường cầm dao chờ đợi, Ngồi mãi mỏi mệt, cậu định nằm xuống thì cả hai lại ôm nhau nhảy nhót trước mặt, cậu nhỏm dậy phóng đao thì cả hai cười khanh khách mà bỏ đi. Ngày nào cảnh tượng cũng diễn ra như thế, chỉ khác nay thì người đàn ông rậm râu, mai thì chàng thanh niên mặt trắng, bữa khác lại là một người đàn ông to cao ôm ấp, hành lạc với vợ chàng, hoặc đứng, hoặc nằm trước mặt chàng. Cậu chịu không thấu bèn bán hết nhà cửa ruộng vườn, tới ở khu khác. Một đêm có bọn trộm vào, lấy hết vàng bạc, tiềng nong mang đi. Từ đó cậu trở nên bần cùng, đau khổ, và uất hận , dần dần mà chết, người làng phải đem cậu ra đồng chôn vào đám đất hoang dành cho những người vô gia cư hoặc vô thừa nhận..

No comments:

Post a Comment