Tưởng niệm Trần Đức Thảo
Cao Việt Dũng dịch và chú thích
Sau khi Trần Đức Thảo mất không lâu, tờ Les Temps Modernes số 568 tháng 11 năm 1993 (năm thứ 49) có dành mấy chục trang tưởng niệm một trong số rất nhiều người từng lên tiếng tranh luận với J. P. Sartre, trong đó có bài của Michel Kail về Trần Đức Thảo, bài về niên biểu cuộc đời Trần Đức Thảo do chính ông viết và ba chương đầu của tác phẩm bỏ dở Logique hiện tại sống động (La Logique du présent vivant).
Người dịch
Do tình cờ Trần Đức Thảo sinh ra là người Việt Nam, do lựa chọn ông trở thành lý thuyết gia của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chiến sĩ cho độc lập dân tộc. Ông mất - một trong những trạng thái hiếm hoi luôn được chia ở thời hiện tại - ngày 24 tháng Tư năm 1993, ở tuổi 76, ở bệnh viện Broussais, Paris. Chúng ta cần thêm rằng ông là "bạn đường" của tạp chí, một cách nói mà tính hợp thức đã từng bị đặt vấn đề bởi một số người trong một số giai đoạn. Quả thực những bài báo đầu tiên của ông đã xuất hiện trên Les Temps Modernes.
Vincent von Wroblewsky, bạn của Trần Đức Thảo, muốn trao cho chúng ta những văn bản chưa từng được công bố, và do đó cho phép chúng ta tưởng nhớ ông bằng cách tốt nhất là xuất bản hai trong số những văn bản đó. Một Niên biểu về chính mình (Note bibliographique) do Thảo viết ngày 1 tháng Hai năm 1984, và văn bản cuối cùng của ông, ba chương đầu tiên của một tác phẩm có tên Logique hiện tại sống động (La Logique du présent vivant), do tác giả viết vào năm 1993, dưới dạng một bản polycopie. Trong một bức thư gửi kèm văn bản này cho Vincent von Wroblewsky, ông viết:
"Tôi vui mừng gửi cho anh kèm theo đây ba phần đầu tiên của tác phẩm mới của tôi, Logique hiện tại sống động.
Tôi hy vọng tiếp tục được nhanh chóng, để từ đây đến cuối năm có thể đến được vấn đề cá nhân tính, về xã hội và nhân tính con người.
"Như anh sẽ thấy qua phần mở đầu này, cách nhìn (mes positions) triết học của tôi đã hoàn toàn thay đổi.
Tôi muốn kể lại, như anh đã đề nghị tôi vào năm 1982, những kỷ niệm của tôi về những năm tháng tuổi trẻ ở Paris. Năm 1982, điều này là không thể. Ký ức đã tê liệt, vì những lý do mà anh cũng hiểu."
(Thư được gửi từ Paris, ghi ngày 8 tháng Ba năm 1993).
Đọc hai văn bản mà chúng tôi giới thiệu hẳn cho phép đoán định được thay đổi mà Thảo thông báo trong bức thư này. Niên biểu có cái gì đó mang tính chính thức và không ngần ngại vay mượn "ngôn ngữ lòng vòng" [1] ; nó miêu tả chặng đường tiêu biểu của người trí thức chiến đấu, người biết tự thay đổi (se défaire), dưới ảnh hưởng của cuộc chiến chống thực dân, từ dấu ấn Husserl và của chủ nghĩa hiện sinh để xâm nhập thực tế mác-xít. Ngược lại, những chương đầu tiên của La Logique hiện tại sống động cho thấy những yếu tố mới của một nghiên cứu triết học nghiêm nhặt. Từ quan điểm này, hai văn bản trên có được ý nghĩa tài liệu, và nêu bật được thân phận của lao động trí thức.
Dù có thế nào đi nữa, Trần Đức Thảo trong suốt cuộc đời mình vẫn là một nhà nghiên cứu triết học. Tác phẩm quan trọng nhất của ông, Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng (Phénoménologie et matérialisme dialectique - Minh Tân, Paris, 1951), sẽ có một tầm ảnh hưởng quan trọng và sẽ được chào đón từ cả hai phía các nhà hiện tượng luận và các nhà mác-xít. Paul Ricoeur [2] tóm tắt chính xác tầm vóc tác phẩm của ông khi viết:
"Phần đầu tiên cuốn sách đáng chú ý của Trần Đức Thảo, được viết từ năm 1942 đến năm 1950, là một phân tích mang tính lịch sử và phê bình tư tưởng Husserl; được tư duy (conçue) theo đúng những hướng (perspectives) của chính Husserl, nó đã dẫn đến việc nhận ra một đối nghịch bên trong chính tác phẩm. Phần thứ hai, hoàn thành năm 1951, hoàn toàn bước sang lĩnh vực duy vật biện chứng; ở đó hiện tượng luận hiện ra như gương mặt cuối cùng của chủ nghĩa duy tâm đang tưởng nhớ đến thực tế (réalité); hiện tượng luận chạy sau cái bóng của thực tế trong ý thức; chỉ chủ nghĩa Marx mới nắm được thực tế thực sự (effective) của vật chất con người; nhưng hiện tượng luận không đơn giản tự bị loại trừ, như toàn bộ chủ nghĩa duy tâm trong chủ nghĩa Marx, nó còn hiện thực hoá ở đó ý nghĩa của các phân tích cụ thể của cái sở nghiệm do Husserl tiến hành, với một sự chăm chút và một sự kiên nhẫn đáng ngưỡng mộ, dù triết học duy tâm chính là khởi điểm cho chúng [3] . Những phân tích cụ thể này, "nội dung thực tế thực sự" (contenu effectivement réel) của hiện tượng luận tìm thấy chân lý của chúng trong một triết học của lao động" (Paul Ricoeur, Sur la phénoménologie, Esprit, 12/1952, p. 827 [4] ). Sự đánh giá cao của J.-F. Lyotard, khi đó còn là nhà mác-xít, rất gần với P. Ricoeur, ngay cả khi về nền tảng hai đánh giá này không đồng ý kiến về hiện trạng (statut) với triết học mác-xít: "Để tích hợp và vượt qua những kết quả của chủ nghĩa duy tâm siêu vượt, cần phải kéo dài nó bằng chủ nghĩa duy vật biện chứng, cái cứu nó khỏi hấp dẫn lực (tentation) cuối cùng của nó [chủ nghĩa duy tâm]: sự quay lại một chủ nghĩa hoài nghi có tính huỷ diệt, như người ta đã thấy ló hiện (transparaitre) trong bài viết của Husserl (Ursprung der Geometrie) và là không tránh được nếu người ta không trở về với tính chủ quan "những tính chất (prédicats) của thực tế".
"Chúng ta có thể nhấn mạnh xuống quyển sách đáng chú ý của Thảo. Nó đặt ra một cách rõ ràng tính bất khả quy (irréductibilité) của hai luận đề, bởi vì nó chỉ có được với cái giá là một sự định hình hoá (identification) của tính chủ quan khởi nguyên như vật chất mà chủ nghĩa mác-xít tự cho là đã tích hợp được hiện tượng luận khi vượt gộp [5] nó." (J.-F. Lyotard, La Phénoménologie, Paris, PUF, Que sais-je no 625, 1954, p. 112-113 [6] ).
Như vậy, chủ nghĩa Marx của Thảo có chủ đích đưa hiện tượng luận về với chân lý. Một chủ đích mà thời nay sẽ chứng tỏ là không thể khác (péremptoire). Không nghi ngờ gì nữa! Chỉ có điều chúng ta chưa biết cách tự định vị một cách thanh thản trong mối liên quan với chủ nghĩa Marx. Sự rút phép thông công hay sự mỉa mai cao ngạo là vô ích. Bằng những cách đó [rút phép thông công - hay là loại trừ luôn - và mỉa mai cao ngạo] tư tưởng phê phán sẽ không làm được gì nhiều. Sự coi trọng nghiêm túc các công trình của Thảo, hay của Lukács, chẳng hạn như Nicolas Tertulian (N. Tertulian, Georg Lukács et le stalinisme, Les Temps Modernes, tháng Sáu 1993, p. 1-45) đã chứng tỏ, hẳn có thể giúp chúng ta phát hiện chính xác những sai lầm của chủ nghĩa Marx, và do đó một trong những hình thức của tư tưởng phê phán.
© 2004 talawas
[1]langue de bois - chỉ cách nói không đi thẳng vào vấn đề, mà cứ vòng vo, ý Kail nói là Trần Đức Thảo dường như sợ cái gì đó mà không dám nói hết.
[2]Một trong những nhà triết học đương đại lớn nhất của Pháp, đi từ hiện tượng luận sang chú giải học (herméneutique), một truyền thống rất châu Âu từ Shleismacher và Dilthey
[3]Những phân tích của Husserl
[4]Esprit là tạp chí ra đời những năm 40 hay 50, do Emmanuel Mounier, một trong những người khởi xướng Nhân cách luận (personnalisme, theo cách dịch của Phan Ngọc.), chủ trương.
[5]Mượn một thuật ngữ của Phan Ngọc
[6]Jean-François Lyotard cũng xuất phát từ hiện tượng luận, nhưng sau lại cùng Jean Baudrillard khai phá khái niệm hậu hiện đại - postmodernisme, còn Que sais-je là bộ sách rất nhỏ về mặt hình thức nhưng rất lớn về mặt dung lượng kiến thức của PUF, Presses Universitaires de France, tập hợp những người nghiên cứu hàng đầu của các ngành, viết ngắn gọn dễ hiểu cho nhiều đối tượng một lúc; bộ sách này bao gồm rất nhiều đầu sách.
No comments:
Post a Comment