HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Monday, 23 September 2013

NVGP * 9.. SÁCH TẾT 1957 * PHẦN II


9 .SÁCH TẾT 1957 * PHẦN II


HOÀNG TÍCH LINH



Mùa xuân ngoài cửa sổ
(kịch)

Nhân vật

Phượng: 30 tuổi, cán bộ, goá chồng
Tú: 8 tuổi, con gái Phượng
Bà Vĩnh Lợi: ngoài 40 tuổi, chủ nhà.
Bích Liên: 19 tuổi, con bà Vĩnh Lợi.
Sơn: 30 tuổi, cán bộ, thuê gian gác bên.

Thời gian

Những năm cuối năm. Nhưng thời tiết đã sang xuân. Nắng mới ấm áp, không gian trong sáng.

Bài trí

Căn gác của Phượng thuê: một gian phòng nhỏ, xinh xắn. Cửa ra vào trông thấy cầu thang gác và hành lang thông sang căn gác của Sơn. Cửa phía phải ra bao lơn trông xuống đường phố, cửa sổ trước mặt trông thẳng sang cửa sổ gác Sơn. Gian phòng kê được một giường, một bàn con, mấy ghế dựa, một tủ con đựng sách, quần áo, chăn màn. Trên mặt tủ để phích, cốc, bát Mậu dịch và chéo một góc, ảnh chồng Phượng. Trên cao ảnh Lê-nin màu sáng. Thấp hơn, trên đầu giường, ảnh Phượng và Tú chụp chung.

Cửa sổ và cửa trông xuống đường phố đều đóng kín. Căn nhà tối và lạnh.

Mở màn

Vào khoảng tám, chín giờ sáng. Tiếng ồn do dưới phố rộn rịp chuẩn bị tết. Qua cửa sổ thấy nắng rực rỡ bên ngoài.

Gian gác Sơn đang dọn nhà đi. Thỉnh thoảng ngừng tiếng dọn đồ, lại thấy tiếng hát. Cứ như thế đến lúc đóng màn.

TÚ (đứng ở hành lang chuyện với sang buồng Sơn) – Anh dọn nhà xong, em sang nhá!

BÀ VĨNH LỢI (ở chân cầu thang gác hướng lên) – Mẹ cháu đâu?

TÚ – Mẹ cháu họp Hội nghị kia mà.

BÀ VĨNH LỢI - À… (ra vẻ thông thạo) Phải rồi. Hội nghị phụ nữ toàn thành họp hôm kia, hôm qua, sáng nay bế mạc đấy mà! (bước vào trong nhà, nhìn quanh, buột miệng) Chết chửa! ai lại để nhà cửa tối om thế này bao giờ! Nhà lúc nào cũng vắng vẻ lạnh lẽo cứ như nhà… (nhớ ra, ngừng lại). Căn nhà có gian gác xinh nhất nhường cho bà ấy thuê, mà bà ấy cũng chẳng thiết kê dọn sửa sang cho ra mẽ. Nhà một mẹ một con có khác…

Bà Vĩnh Lợi ra mở cửa trông xuống đường. Ánh sáng ùa vào trong phòng. Tiếng ồn ào dưới phố vọng lên vui vẻ.

BÀ VĨNH LỢI (ngắm phố) – Có phải sáng sủa, vui mắt không nào? (định ra mở nốt cửa sổ trông sang gác bên)

TÚ (vội kêu) – Bác đừng mở cửa phía ấy!

BÀ VĨNH LỢI – Mẹ cháu mắng phải không? (cười) Mẹ về cứ mách là bác mở cho thoáng, mẹ chẳng mắng bác đâu mà sợ.

Bà Vĩnh Lợi mở cửa sổ phía trước mặt. Ánh nắng tràn vào. Trông thấy cửa sổ buồng Sơn, bóng Sơn đi lại dọn đồ. Cách hai cửa sổ, giàn giây leo tím ở hành lang. Mấy cành cây ở đường phố vắt ngang cửa sổ, lá non xanh rờn. Trên cao, một mảnh trời xanh biếc.

BÀ VĨNH LỢI (hớn hở) – Thế có phải gian phòng ấm áp hẳn lên không nào? (nhìn cửa sổ buồng Sơn) Mẹ cháu không muốn mở cửa này là phải. Trông cứ thông thống sang buồng bác Sơn coi sao tiện. Ấy thế mà nói mãi bác ta mới chịu dọn đi đấy. Từ giờ mẹ cháu tha hồ mở cửa phía này chẳng phiền phức gì nữa nhé (đi lại ngắm gian phòng) Ừ… Tính nước mời bác ta dọn đi chỗ khác lại hoá hay kia đấy. Bây giờ nhà đã hiếm, cán bộ lại ra ở ngoài nhiều, hai buồng này ấy à…cứ tính bỏ rẻ cũng phải hơn một vạn một gian chứ chẳng kém được. (nhìn Sơn dọn đồ, lẩm bẩm tính). Từ trước vẫn chỉ tính có bẩy nghìn một buồng. Bảy nghìn…rẻ ối ra. Phải lần này cho thuê ta cứ tính dứt khoát buồng kia một vạn rồi tự khắc bà Phượng buồng này cũng phải theo giá lên nốt thôi. Nhà sáng sủa, tĩnh mịch, cửa đi riêng biệt tiện lợi thế này, tính gọn có một vạn một gian cũng là nể nang chán ra rồi.

Bà Vĩnh Lợi ngồi yên suy tính.

BÀ VĨNH LỢI – Biết đến bao giờ bà Phượng mới về (đi lại quanh phòng trông thấy ảnh ở tủ đến nhắc lên xem) Chắc ảnh ông ấy đây. Ông này không mất sớm thì bây giờ cũng vào hàng chức to kia đấy. (một lát) Đằng đẵng tám chín năm giời ở vậy được. Ra cán bộ người ta cũng gan góc thật. Chỉ có mê mải công tác chẳng thiết gì hết. (trông thấy Tú ngồi chơi một mình ở hành lang) Nói chứ cán bộ cũng là người thôi, công tác đến mấy cũng chẳng quên được, mà đêm có khuya, ngày có rạng, bà ấy mới ba mươi, con lại lớn khôn rồi, chẳng lẽ chịu ở vậy mãi được à? (bật cười với mình) Tìm lại được người như ông ta bây giờ cũng khó chứ! Bà ấy lại là cán bộ, kín đáo, nghiêm trang như thế thì có mà giời hiểu được.

Tiếng dọn đồ bên buồng Sơn. Bà Vĩnh Lợi đi lại sốt ruột.

BÀ VĨNH LỢI – Cháu Tú này, bác chẳng đợi được mẹ cháu đâu. Mẹ về bảo xuống chơi bác ngay nhé!
TÚ – Vâng.

BÀ VĨNH LỢI – Cháu nói là việc cần lắm! Việc thuê nhà… Việc rất cần là mẹ cháu khắc biết ngay.

TÚ – Nhà cháu cũng phải dọn đi hả bác?

BÀ VĨNH LỢI (cười) – Không… nhà cháu việc gì phải dọn đi đâu. Ở đây với bác chứ! Cứ bảo bác gặp có việc cần lắm nhé.

Bà Vĩnh Lợi xuống gác. Tiếng Sơn hát buồng bên. Tú đem ghế ra cửa sổ đứng lên trông sang.

TÚ (nghịch nấp bên cửa gọi to): Anh Sơn!

SƠN (ở cửa sổ bên kia) - Tú đấy à? Này, anh để dành cho Tú món quà Tú thích lắm.

TÚ – Cái gì hở anh?

SƠN – Để anh dọn xong đây rồi anh đưa cho Tú nhé!

TÚ – Không… anh cho Tú ngay bây giờ cơ.

SƠN – Lát nữa anh đưa cho Tú cũng được. Chiều tối anh mới dọn đi kia mà.

TÚ – Đừng… anh đừng đi đâu, cứ ở đây.

SƠN – Tú nói dễ yêu nhỉ? Nhưng Tú có phải là bà chủ nhà này đâu? Tú muốn anh ở lại mãi với Tú cũng không được. Bà ta hẹn anh hai tháng phải dọn đi chỗ khác, hôm nay hết hạn rồi anh phải dọn đi chứ.

TÚ – Thế sao mẹ em không phải dọn nhà?

SƠN – Mẹ em khác, mẹ em là cán bộ.

Phượng ở cầu thang bước vào, dáng mệt nhọc.

TÚ – Thế anh cũng là cán bộ đấy thôi. Anh cứ ở đây với mẹ em không được à?

SƠN (cười) - Anh ở đây chỉ phiền cho mọi người. Trước hết, cửa sổ nhà Tú phải đóng lại này. Hay là anh phải che hoặc đóng chặt cửa bên anh. Gác anh có mỗi một cửa, nếu đóng nó lại suốt ngày như thế này (nghịch khép cửa sổ vào rồi lại ấn ra) thì anh đến chết ngạt mất, mà anh lúc nào cũng cần gió và ánh sáng.

TÚ – Em không thích anh dọn đi đâu.

SƠN – Tú không thích nhưng bà chủ nhà lại thích anh dọn đi ngay mới rắc rối chứ! Hôm nay anh cứ dọn tạm xuống ô ở với người quen ít lâu vậy. Xa phố một thời gian. Bao giờ tìm thuê được nhà khác, anh sẽ đến nói với mẹ cho Tú lại chơi với anh nhé.

TÚ - Ờ nhé. Tết anh cũng phải lại chơi với em đấy! Anh kèm xe em đi chơi khắp phố như mọi khi, anh Sơn nhé! Anh phải nói thật kia? Anh nói dối thì anh làm sao nào? Anh không đến em bắt đền đấy. Em không thèm chơi với anh nữa đâu.

Phượng từ lúc nãy vẫn lặng yên, vội gọi: Tú! – Tú quay lại, thấy mẹ, vội khép ngay cửa sổ lại, lúng túng xuống ghế.

TÚ – Mẹ (muốn khóc), không phải con mở cửa sổ đâu.

PHƯỢNG – Tú! mẹ dặn con thế nào?

TÚ (oà lên khóc) – Không, không phải con.

PHƯỢNG (kéo Tú vào lòng) – Mẹ mắng có mắng con đâu. Tú ngoan nào. Đừng khóc nữa. Bêu! Con gái ngoan của mẹ sao lại khóc. Con gái mẹ có lỗi thì nhận với mẹ chứ sao lại mếu máo thế. Xấu lắm!

TÚ – Bác Vĩnh Lợi, bác ấy lên đây… bác ấy mở… không phải con.

PHƯỢNG – À… bác ấy mở à. (âu yếm vuốt tóc Tú) Cửa sổ này lộng gió; sợ con lạnh, mẹ vẫn phải đóng lại, bác ấy mở ra cũng được. Mẹ có cấm đâu.

TÚ (ôm lấy mẹ) – Mẹ.

PHƯỢNG (yên lặng)… – Mẹ chỉ thương con… Mẹ thường dặn Tú thế nào nào? Mẹ vẫn dặn nhà trên gác không được chạy, được nhảy, được trèo lên ghế. Mẹ đi vắng luôn, nhà có mình con, nhỡ ngã thì sao. Vừa rồi con trèo lên ghế cao thế, mẹ không bằng lòng đâu.

TÚ – Vâng.

PHƯỢNG – Mẹ bảo nhé. Nói chuyện với người lớn, con phải ngoan chứ. Con không được nói “nói dối thì làm sao nào, bắt đền đấy, không thèm chơi nữa”, không được nói như lúc nãy nữa nhé. Con gái quý của mẹ phải ăn nói dịu dàng, không xấc láo như trẻ con đường phố được.

TÚ – Mẹ à, con nói với anh Sơn chứ! Anh ấy yêu Tú lắm, anh ấy không nghiêm như mẹ đâu!

PHƯỢNG – Tú! Ai dạy Tú nói thế?

TÚ (lo lắng nhìn mẹ) – Không.

PHƯỢNG – Ai dạy? Mẹ có dạy Tú nói thế không?

TÚ (lúng búng) – Anh Sơn. Anh ấy bảo mẹ nghiêm, anh ấy không dám sang đây với con.

PHƯỢNG (nghĩ ngợi) – Nhưng mẹ không muốn Tú nói như vậy. Mẹ có mình Tú. Mẹ nghiêm là muốn Tú ngoan. Mẹ thương Tú. Mẹ đã dặn điều gì con phải biết nghe lời mẹ chứ!

TÚ (ôm mẹ) – Nhưng mẹ đừng buồn nữa kia.

PHƯỢNG – Tú biết nghe lời mẹ, mẹ chẳng buồn nữa đâu. (như nói với mình) Đi có công tác, về lại có con bên cạnh này, mẹ chẳng thiết gì nữa, thật mẹ vui lắm chứ (thoáng buồn, nhìn nắng ngoài cửa).

TÚ – Mẹ vui thật mẹ nhé!

PHƯỢNG (vẫn thế) – Mẹ vui chứ. (lơ đãng trông xuống đường phố). Lại gần hết một năm nữa rồi. Tú lớn thêm một tuổi đấy.

TÚ – Tết này con lên chín, mẹ nhỉ.

PHƯỢNG – Ồ… Con lên chín (hơi buồn)… Lại thêm một tuổi nữa rồi! (thoáng nhìn ảnh chồng). Chín năm rồi đấy… Chẳng mấy lúc mà chóng già thật…

TÚ – Thế Tết mẹ cho con đi chơi nhé!

PHƯỢNG – Có chứ! Tết mẹ cho con đi chơi.

TÚ – Phải đấy! Mẹ đưa con đi chơi với anh Sơn. Mẹ này, anh Sơn này, con này, cùng đi chơi, thế mà lại thích kia đấy. Cả mẹ cũng đi chơi mới vui nữa mẹ nhỉ (định chạy đi). À thế con chạy sang con bảo cho anh Sơn anh ấy biết mẹ nhé…

PHƯỢNG (tự nhiên thấy ngượng, giữ con lại) – Tú hay nhỉ. Ngồi xuống đây mẹ bảo. Mẹ quên mất. Mẹ mới sắm tết được cho con cái này!

TÚ – Thế hả mẹ? Cái gì thế? Thế mà mẹ không đưa cho con xem ngay! Đâu hả mẹ?
PHƯỢNG (vội túm lấy áo) – Con vẫn thích cái áo khoác ngoài như con bác Phúc dưới nhà. Mẹ cố mua được cho con đây này, (Dở bọc lấy áo mặc cho con). Đẹp không? Con mẹ mặc vào mẹ xem nào?

TÚ – Vừa quá mẹ nhỉ?

PHƯỢNG – Mẹ chọn thế mà tài! Con mẹ mặc vừa xỉnh vừa xinh.
TÚ (đi lại ngắm áo) – Con mặc luôn mẹ nhé! Hay để dành đến tết hở mẹ?... Thế áo mẹ đâu? Mẹ không mua áo cho mẹ à?

PHƯỢNG (ôm lấy Tú) – Con mẹ ngoan quá. Mẹ mua áo cho con là đủ rồi, mẹ cần gì đến áo!
TÚ – Không… Mẹ cũng phải mặc đẹp cơ, Tết cơ mà!

PHƯỢNG – Tết cũng vậy thôi. Tết mà làm gì! (gượng cười). Bao năm rồi, mẹ chỉ vui với công tác, với con mẹ. Mẹ mặc đẹp làm gì nữa…Con mẹ cũng biết làm dáng cho mẹ đấy, lại định bắt mẹ mặc áo hoa màu à? Hoa thật mẹ còn chả thích nữa là hoa trên áo. Mẹ chỉ thích con mặc đẹp. Con mặc đẹp là mẹ đẹp rồi (một lát). Bây giờ Tú để mẹ nghỉ. Vừa họp xong mẹ cần nằm yên đỡ mệt.

TÚ – Vâng.

PHƯỢNG – Con chạy chơi nhé, chơi quanh quẩn trên gác thôi đấy!

TÚ – Mẹ cho con sang anh Sơn nhé. Con báo tết đi chơi cho anh ấy thích.

PHƯỢNG (cười) – Con mẹ thích cái gì là muốn làm ngay thôi. Để lúc khác sang chơi con ạ. Anh ấy đang bận dọn nhà… Hay là con xuống chơi với con bác Phúc vậy. Đừng rủ nhau ra đường chơi đấy!

TÚ – Chúng nó không có nhà! Hai bác ấy kèm chúng nó đi chơi từ sáng kia. Con chẳng có chỗ nào chơi nữa. Con chơi một mình chán lắm!

PHƯỢNG (nghĩ ngợi) – Mẹ cũng chịu, mẹ biết làm thế nào cho con khỏi chán được… À, con ngồi xuống đây, con đọc báo cho mẹ nghe vậy…

TÚ (cầm báo uể oải đọc một đoạn ngắn) – Con chẳng hiểu gì cả… Chán chán là…

PHƯỢNG – Thế con lấy hộp “kiến thiết” ra dựng nhà cho mẹ xem. Mẹ cùng chơi với…

TÚ (mang hộp ra) – Con chịu thôi. Con chơi mãi rồi.

PHƯỢNG – Thế này mẹ còn biết làm thế nào cho con vui được nữa.

TÚ (buồn sỉu) – Mẹ chẳng thích dẫn con đi chơi phố!

PHƯỢNG (kéo Tú đến gần) – Con mẹ đừng trách oan mẹ! Mẹ có muốn thế đâu…(nhìn quanh buồng vắng vẻ). Nhà chỉ có mẹ với con. Con phải tìm cách con chơi cho mẹ nghỉ chứ!... (một lát) Tú, mẹ bảo này, con ra đây ngồi. Mẹ mang đồ chơi cho con (ấn cửa trông xuống đường). Ngoài phố rộn rịp đi sắm tết có vui mắt không? Con vừa chơi, vừa ngắm phố, rồi chiều mẹ dắt con đi chơi như bác Phúc nhé.

Tú xếp đồ chơi một cách uể oải. Phượng nhìn con lặng lẽ. Tiếng đập mạnh ở cửa.

PHƯỢNG (khẽ hỏi) – Ai?

TÚ – Bác Vĩnh Lợi đấy! Con quên mất. Bác dặn con muốn gặp mẹ đấy!

PHƯỢNG (ra mở cửa, kéo ra mấy lần không được. Cửa như bị giữ ở ngoài. Phượng kéo mạnh cửa, gắt) – Ai? Sao lại nghịch thế?

Cửa mở tung.

SƠN (đứng ở hành lang, thấy Phượng, lúng túng) – Xin lỗi bà. Tôi tưởng bà chưa về, chỉ có mình Tú, tôi mới…

TÚ (láu táu chạy đến) – À…anh Sơn, em bảo này nhé!

PHƯỢNG (thấy ngượng, giữ Tú lại) – Tú, con để yên xem anh hỏi gì?...

SƠN – Anh hẹn cho Tú tập tranh ảnh đây (đưa tập tranh cho Tú rồi vội vàng chào, về gác mình) Xin lỗi bà, vừa rồi… tôi thật vô tình.

Phượng ngượng khép cửa lại.

TÚ (giở lung tung tập ảnh) – Mẹ xem ảnh có đẹp không? Ồ nhiều thiếu nhi không? Mẹ này, người gì đây hở mẹ?

PHƯỢNG – Người Mông Cổ…

TÚ – Thích không? Mẹ bảo con xem với. Lại cái gì thế này hở mẹ… Mẹ xem với con đi…

PHƯỢNG (miễn cưỡng) - Ảnh gia đình công nhân nước bạn. Đây là cảnh bố, mẹ, con ở nhà riêng này. Đây là cảnh gia đình đi xem hát. Đây là cảnh bố mẹ dắt con đi chơi phố đây… (yên lặng) Thôi mẹ chịu không chỉ cho con xem được nữa đâu. Mẹ mệt rồi. Bây giờ mẹ cho con sang anh Sơn chơi. Mang cả ảnh sang anh ấy chỉ cho con xem.

TÚ (mắt sáng lên) – Thế con sang mẹ nhé (ù té chạy ra hành lang sang gác bên).

PHƯỢNG (nhìn theo con lặng lẽ) – Chỉ có trẻ con nó sướng thật.

Phượng thẫn thờ. Tiếng cười của Sơn và Tú rầm rĩ phía cửa sổ bên kia. Phượng ra cửa sổ. Định nghé nhìn sang một lát thôi. Lặng lẽ nhìn đường phố.

BÀ VĨNH LỢI (bô bô từ dưới cầu thang) – Bà Phượng có nhà đấy phải không? …Gớm, đợi bà từ sáng tới giờ… Chào bà (Phượng kéo ghế mời ngồi). Bà mặc tôi. Mang tiếng chủ nhà, nhưng cũng như người nhà cả thôi. Bà cứ tự nhiên thế hơn.

PHƯỢNG – Cháu Tú vừa nói sáng ngày bà có lên tìm tôi.

BÀ VĨNH LỢI – Cô cháu ngoan thế đấy. Mẹ bận công tác suốt ngày, con lại chịu khó trông nhà. Giá phải con nhà khác thì đã bỏ đi chơi văng mạng rồi đấy.

PHƯỢNG – Việc gì cần thế bà?

BÀ VĨNH LỢI – Cứ kể cần, cũng cần lắm. Cũng chỉ định tâm gặp bà mấy lần để nhắc bà về cái gác bên kia đấy thôi.

PHƯỢNG – Làm sao hả bà?

BÀ VĨNH LỢI – Gác bên kia hôm nay ông Sơn dọn đi bà ạ… Nhiều người đã mối lái đến hỏi thuê. Nhưng tôi không nhận. Trước sau đã có ý muốn để dành cho bà, chỗ quen thuộc với nhau hai năm nay rồi, dễ ăn dễ ở hơn.

PHƯỢNG – Ấy chết! Tôi thuê làm gì nữa.

BÀ VĨNH LỢI (cười) – Bà có hỏi thuê đắt gấp mấy tôi cũng chẳng cho bà thuê nữa thật. Hai mẹ con ở căn buồng này rộng rãi quá rồi còn gì nữa. Có hỏi là để nhắc bà hồi trước bà có nhờ tôi thuê hộ cho vợ chồng ông gì… làm trưởng phòng ở Bộ Thương nghiệp ấy mà.

PHƯỢNG – À..vợ chồng bác Yến.

BÀ VĨNH LỢI – Phải rồi, vợ chồng ông Yến. Ấy, nói từ hồi ấy mà tôi vẫn nhớ tìm hộ mãi, may bây giờ mới lấy lại được căn gác này dành cho ông bà ấy.

PHƯỢNG – Thôi thế tốt quá rồi. Hai vợ chồng bác ấy đang cuống lên về nhà. Hôm qua còn giục tôi đi tìm hộ đấy.

BÀ VĨNH LỢI – Chuyện nhà cửa bây giờ khan hiếm lắm. Mà người ta chẳng ai muốn bỏ nhà cho thuê nữa kia, bà ạ… Ngay gian gác này, khối người đến đặt tiền thuê trước tôi cũng kiếu hết đấy. Bà tính có người cứ nằng nặc trả ngay hai vạn một tháng, lại chồng tiền trước cả năm, ấy thế mà tôi cũng chẳng thiết cho thuê nữa. Định bụng là cho ông bà ấy thuê thôi. Chỗ người lớn với nhau. Sau này đỡ lằng nhằng tiền nhà tiền cửa, thêm phiền ra, có phải không bà?

PHƯỢNG – May thật…thế để tôi báo cho hai bác ấy biết.

BÀ VĨNH LỢI – Tối mời ông bà ấy đến chơi. Có gì mai kia dọn ngay được. Ông bà ấy ở đây cũng tiện thôi. Nhà tôi có việc đi lại với trên Bộ luôn rồi cũng thành chỗ thân tình cả đấy mà.

PHƯỢNG – Được hai bác ấy ở đây càng vui cho tôi thêm.

BÀ VĨNH LỢI – Ấy tôi cũng nghĩ thế. Có gia đình bà Yến dọn đến đây rồi bà cũng đỡ cảnh một mẹ một con thui thủi trên gác.

PHƯỢNG – Vâng.

BÀ VĨNH LỢI – Chẳng phải nói khoe với bà chứ! Lấy lại được gian gác ấy khó khăn lắm. Bác Sơn dùng dằng có muốn dọn đi đâu. Tôi phải thúc sớm thúc chiều mới được đấy.

PHƯỢNG – Nhưng nghe đâu bác ấy chưa tìm được nhà khác.

BÀ VĨNH LỢI – Biết đợi đến bao giờ hở bà! Cứ hết hạn là phải dọn đi thôi. Bà còn lạ gì nữa. Không thúc không được. Tôi phải bảo có người nhà, em ruột ông nhà tôi cũng là cán bộ mới ở xa đổi về Hà Nội cần nhà ở ngay, nói cấp bách thế bác ấy mới chịu dọn đi ngay chứ!

PHƯỢNG – Bà tính lại xem. Bác ấy chưa có nhà ở, mình làm thế sợ không tiện chăng… Có khác gì mình hất người ta ra đường để lấy lại nhà…

BÀ VĨNH LỢI – Chẳng làm khác được, bà ạ. Bây giờ lấy lại nhà cũng khó lắm kia… Không làm cách thế, không lấy được nhà. Bà bảo không nói lấy cho người nhà ở thì có ai chịu đi.

PHƯỢNG (ngẫm nghĩ) – Bà làm thế không được. Như vậy là kiếm cách đuổi nhà người ta đang ở mất rồi…

BÀ VĨNH LỢI (cười khéo) – Có phải thế đâu. Bà đừng ngại điều đó. Cần đến mới lấy lại nhà, không dưng ai lấy lại làm gì?

PHƯỢNG – Cần thì cần lắm đấy. Nhưng giá bà cho người nhà thực sự ở thì cũng còn được. Đằng này lấy lại cho người khác thuê là việc nhất thiết không nên.

BÀ VĨNH LỢI (lo lắng) – Cứ kể ra cũng không phải. Nhưng tôi cho ông bà Yến ở, là chỗ quen với bà chứ có để cho ai đâu mà sợ. Có ai hỏi, tôi bảo lấy cho bà. Cũng là cán bộ ở cả. Chẳng ai nói vào đâu được nữa.

PHƯỢNG – Bà để cho ai ở cũng đều không đúng. Vô cớ lấy lại nhà có phải chuyện thường đâu. Đang lúc này nhà cửa sinh thêm khó khăn là vì thế đấy.

BÀ VĨNH LỢI (vội xuê xoa) – Bác ấy có một thân một mình, ở đâu chẳng được. Chỉ các bà có gia đình mới cần nhà hơn chứ!

PHƯỢNG – Bà làm thế chính tôi cũng không yên tâm. Có khác gì đuổi bác ấy đi cho bạn mình ở. Xử sự như vậy không tốt với nhau.

BÀ VĨNH LỢI – Có điều bác ấy ở đây cũng lắm cái phiền… Phiền cho cả bà nữa.

PHƯỢNG – Dù phiền cũng chẳng có cớ đuổi người ta đi.

BÀ VĨNH LỢI – Nhà rặt đàn bà con gái, cháu Bích Liên nó lại lớn rồi.

PHƯỢNG (cười) – Thế thì bà phải bảo cô Liên chứ sao lại ẩy người ta đi.

BÀ VĨNH LỢI – Nhà có con gái lớn, hàng phố hay dị nghị điều ra tiếng vào thêm khó khăn ra.

PHƯỢNG – Khó tại mình chứ có phải tại bác ấy đâu. Mà đã biết thế sao bà còn đồng ý cho người ta thuê từ trước?

BÀ VĨNH LỢI – Ấy thế nó mới rầy rà.

PHƯỢNG – Trừ phi bác ấy muốn dọn đi, đằng này bà chẳng có lý do gì xác đáng bảo người ta đi cả.

BÀ VĨNH LỢI – Rõ thật là rắc rối.

PHƯỢNG – Chính bà sinh rắc rối cho bác ấy tự nhiên không có nhà ở. Mà tết nhất đến nơi rồi.

BÀ VĨNH LỢI – Thế bây giờ tính thế nào cho êm việc hở bà?

PHƯỢNG – Khó gì đâu. Bà cứ để bác ấy ở lại đến khi tìm được nhà khác.

BÀ VĨNH LỢI – Ấy chết… biết đến bao giờ.

PHƯỢNG – Việc này, tuỳ bà…

BÀ VĨNH LỢI (băn khoăn) – Cháu Liên nó vẫn bảo tôi thế… nhưng mà… Hay là cứ để bác ấy dọn đi. Đằng nào cũng đã nhỡ rồi.

PHƯỢNG – Chết một nỗi, việc này không phải là chuyện riêng của bà với bác Sơn, mà lại dính dáng đến quyền lợi của những người thuê nhà khác. Rồi người ta biết người ta cũng trách cả tôi nữa

BÀ VĨNH LỢI (bối rối) – Vâng… Bà có bảo tôi mới vỡ lẽ ra…Vâng, thế để tôi thu xếp cho bác ấy ở lại vậy.

PHƯỢNG – Bây giờ dân chủ, cốt ăn ở với nhau cho phải nhẽ. Sau này bác ấy có dọn đi chỗ khác cũng không thắc mắc gì nữa, đôi bên thoả thuận, không điều tiếng gì với nhau, thế có tốt hơn không bà?

BÀ VĨNH LỢI (đứng dậy) – Thôi xin phép bà (dùng dằng). Nói đi rồi lại nói lại… nó thế nào ấy… Có lẽ thế này tiện hơn, bà gặp bác ấy nói giúp tôi.

PHƯỢNG – Vâng… thế cũng được.

BÀ VĨNH LỢI – Có gì bà nói kheo khéo cho bác ấy hiểu.

PHƯỢNG (cười) – Được… bà cứ an tâm, tôi khắc có cách nói được lòng cả đôi bên.

Bà Vĩnh Lợi tất tả xuống gác. Phượng định sang gác bên, nghĩ thế nào lại thôi.

PHƯỢNG – Lôi thôi… Tự nhiên mua việc vào mình (băn khoăn đứng ở hành lang). Thôi mặc bà ấy… Bà ấy khắc nói lấy. Ai nói giúp được (gọi sang gác bên) Tú ơi, về mẹ bảo.

TÚ – Mẹ gọi con?

PHƯỢNG – Con xuống nhà mời bà Vĩnh Lợi lên mẹ nói chuyện.

Tú chạy xuống gác. Phượng bứt rứt đi lại. Tiếng hát của Sơn gác bên. Đến cửa sổ, Phượng ngượng ngùng lại quay đi, có lúc lặng yên đứng nhìn nắng đường phố. Bích Liên trẻ, đẹp, ở dưới nhà lên.

BÍCH LIÊN – Chị.

PHƯỢNG – Cô Liên đấy à? Bà đâu cô?

BÍCH LIÊN – Mẹ em có việc ra phố, em mới lên gặp chị.

PHƯỢNG – Có việc gì thế cô?

BÍCH LIÊN – Không (ngập ngừng). Thôi…cũng chẳng có việc gì chị ạ… (mở cửa sổ) Em mở cửa sổ cho sáng chị nhé.

Nắng đầy phòng. Bóng lá nhảy múa trên sàn.

BÍCH LIÊN (nắng hắt vào mặt, bàng hoàng nhìn sang buồng Sơn) – Ồ… nắng mới đẹp quá, chị nhỉ? Anh Sơn dọn nhà hôm nay hở chị?

PHƯỢNG (cười) – Cô là chủ nhà còn lại phải hỏi tôi.

BÍCH LIÊN (bực bội) – Em có biết gì đâu! Em cũng chẳng muốn biết nữa…!

PHƯỢNG – Có chuyện gì thế cô?

BÍCH LIÊN – Em lên gặp chị cũng chẳng định nói chuyện gì đâu… Em lên chơi thôi…

PHƯỢNG (tinh ý) – Chị em với nhau cả, cô cứ nói.

BÍCH LIÊN – Thôi… em chẳng nói nữa, sợ chị cười… Em nói nó cứ thế nào ấy…

PHƯỢNG (cười) – Có gì mà ngại. Cô không nói tôi mới cười cô là không mạnh dạn, kém tự nhiên chứ.

BÍCH LIÊN – Chuyện riêng của em với mẹ em.

PHƯỢNG – Thế cô cứ nói… may ra tôi giúp được cô.

BÍCH LIÊN – Chị ạ, chuyện cũng chẳng có gì đâu. Em định lên nhờ chị. Chắc chị nói mẹ em phải nghe. Em nói mãi rồi… Nhờ chị, chị can mẹ em đừng lấy lại nhà.

PHƯỢNG (cười) – Gian gác bác Sơn đang ở đấy phải không cô?

BÍCH LIÊN – Vâng... Mẹ em đến hay lôi thôi… Người ta đang ở thì bảo dọn đi. Không hợp lý có phải không chị?

PHƯỢNG – Nhà riêng của bà, bà không muốn cho người ta ở nữa cũng được.

BÍCH LIÊN – Không được chị ạ. Nhà riêng của mẹ em thật đấy, nhưng không muốn cho ở nữa cũng phải thế nào chứ! Như bây giờ chị đang ở chẳng có chuyện gì, tự nhiên bảo chị dọn đi chỗ khác thế là không chính đáng.

PHƯỢNG – Chắc cần nhà bà mới không muốn cho người ta ở đây nữa chứ!

BÍCH LIÊN – Mẹ em định cho người khác thuê. Mẹ em sợ… lắm chuyện phiền phức. Em phản đối, mẹ em lại mắng là bênh. Em bênh gì kia chứ?

PHƯỢNG – Nhưng sao cô lại thiết tha cho người ta ở lại đây?

BÍCH LIÊN (lúng túng) – Ồ… anh ấy cũng như người khác thôi. Em thấy dọn đi như vậy không đúng… Anh ấy thì tốt, đứng đắn. Bảo đi là đi cũng chẳng có ý kiến gì…

PHƯỢNG – Thế là cô bênh người ta ra mặt rồi còn gì nữa…

BÍCH LIÊN (đỏ mặt) – Vâng… em bênh thật. Em cứ nghĩ, em bênh cũng được, có sao đâu chị nhỉ.

PHƯỢNG – Cô Liên, cô nhớ cô còn đang tuổi đi học kia đấy.

BÍCH LIÊN – Em cũng muốn nghĩ thế, nhưng em không cấm em được. Em cũng không hiểu tại làm sao em lại… cứ nghĩ đến anh ấy…

PHƯỢNG – Tốt hơn hết là cô chưa nên nghĩ đến những chuyện ấy.

BÍCH LIÊN – Chị nói đúng. Em vẫn thường bảo với em như vậy. Nhưng làm sao ấy, chị ạ… Em không hiểu cả em nữa. Em biết là em làm một việc vô ích. Anh ấy có yêu em đâu. Dù anh ấy ở đây cả đời nữa, anh ấy cũng không bao giờ yêu em.

PHƯỢNG – Thế cô lại càng không nên nghĩ đến những chuyện ấy làm gì nữa.

BÍCH LIÊN – Em biết thế lắm…

PHƯỢNG – Bây giờ cô đang tuổi học. Cô nên nghĩ đến học là hơn. Cô tham gia thêm công tác nhà trường nữa, rồi khắc quên dần đi. Chuyện đời vẫn là thế cả.

BÍCH LIÊN – Em không như chị được… Học thì em vẫn học, mà lại càng ham học. Nhưng bảo quên thì không tài em quên được. Em cũng muốn quên lắm chứ. Nghe thấy anh ấy dọn đi chỗ khác, nhiều lúc em mừng thầm muốn anh ấy đi ngay. Nhưng cuối cùng em vẫn chỉ mong anh ấy ở lại. Anh ấy yêu ai thì yêu. Em không cần. Em chỉ cần trông thấy anh ấy là đủ rồi. Em rắc rối quá, có phải không chị. (một lát) Chị là cán bộ, chắc chị buồn cười lắm nhỉ. Tâm trạng chúng em rắc rối quá!

PHƯỢNG (như nói với mình) – Ai cũng rắc rối cả thế thôi, cô ạ.

BÍCH LIÊN – Không, chị khác chứ! Nhiều lúc em mong được như chị. Em muốn đóng cửa buồng em lại, yên tâm học tập. Em không muốn yêu, không muốn nghĩ gì hết. Em muốn sống bình yên, vui trong công tác như chị. Có lẽ sung sướng hơn. Nhưng em không làm nổi. Em phải mở cửa buồng em ra. Em phải trông người đi đường phố. Em phải xem nắng ngoài cửa sổ, em phải sống bồng bột. (thấy Phượng nhìn ra xa suy nghĩ) Ồ… em xin lỗi chị. Mà sao em lại nói chuyện này làm bận tâm chị nhỉ?

PHƯỢNG – Cô cứ nói… tôi cũng chỉ như cô thôi.

BÍCH LIÊN – Như em thế nào được! Em chẳng nói nữa, không phải là chuyện công tác, chị không cần thiết nghe. (định xuống gác). Mẹ em về, em mời mẹ em lên gặp chị… Thế nào, chị cũng cứ nói giúp em.

PHƯỢNG – Bà đồng ý để bác ta ở lại đây rồi.

BÍCH LIÊN (sung sướng) – Thế hở chị!

PHƯỢNG – Cô mời bà lên ngay để bà sang báo cho người ta biết. Không phải mất công dọn đồ nữa.

BÍCH LIÊN – Ồ… có thế chứ! Em tưởng là không bao giờ được gặp anh ấy nữa!

PHƯỢNG – Bà có nhờ tôi sang giúp, nhưng tôi không tiện sang.

BÍCH LIÊN (hớn hở) – Thế để em sang báo cho… À, mà thôi, có lẽ em mời anh ấy sang đây với chị, không có mẹ em biết mẹ em lại mắng em (hấp tấp sang gác bên).

PHƯỢNG (nhìn theo Bích Liên thở dài) – Chuyện đời rắc rối thật!... Đến mình cũng chẳng hiểu cả mình nữa. (Lặng lẽ thu xếp đồ đạc cho gọn)

BÀ VĨNH LỢI (bước vào) – Bà gọi tôi? Thế nào hở bà? Ổn thoả rồi chứ?

PHƯỢNG – Tôi chưa kịp nói. Cô Liên mời bác ấy sang đây bây giờ, bà lên vừa gặp.

BÀ VĨNH LỢI – Chết… sao bà lại bảo cái Liên… Thôi thế bà nói giúp, lúc khác tôi gặp cũng được…

Ở cửa sổ bên kia, tiếng Bích Liên, Sơn và Tú. Bà Vĩnh Lợi trông thấy con gái, khó chịu, lật đật xuống gác.

TÚ (vẫy mẹ rối rít) – Mẹ ơi! mẹ sang đây.

PHƯỢNG (đỏ bừng mặt, như không nghe thấy tiếng con. Quay lại, nhìn thấy ảnh chồng trên tủ. Bâng khuâng nhìn ra ngoài bao lơn: trời xanh thẳm, gió và nắng càng rực rỡ. Phượng nhẹ nhàng khép cửa sổ trông sang buồng Sơn lại) – Mở cửa, nắng mới mà vẫn lành lạnh.

Màn từ từ khép
Cuối năm 1956


*



Huy Phương
Đêm cuối năm của nhà thơ họ Đỗ
(truyện ngắn)

Mến tặng những bạn đã từng biết những lần dũng cảm “lại bắt đầu”

Lần này nữa không biết là lần thứ bao nhiêu - nhưng chắc là lần cuối cùng trong một năm - người thi sĩ già họ Đỗ lại ngồi vào bàn viết. Chiếc đèn trên bàn viết, cũng như mọi ngày, vẫn cúi cái lưng kiên nhẫn soi xuống tờ giấy trắng trước mặt gã. Nhưng hôm nay sao gã thấy tờ giấy rộng mênh mông một cách khác thường, và ánh đèn trăm nến quen thuộc ấy cũng lạnh lẽo một cách khác thường. Tất cả cái thứ mênh mông lạnh lùng ấy làm cho gã như ngợp đi, chơi vơi trong một cảm giác bàng hoàng, mỏi mệt…

Minh hoạ của Bùi Xuân Phái
Nhưng gã nhất định chấm ngòi bút vào lọ mực viết mấy chữ đầu tiên lên trang giấy. Vì gã biết nếu đêm nay gã không nhất định viết thì gã không bao giờ còn có cái can đảm lại bắt đầu nữa. Nhưng nắn nót viết xong cái đầu đề lên trang giấy, gã lại thấy bực bội, hối hận như vừa làm xong một việc hấp tấp, liều lĩnh. Ôi! Một năm nay biết bao nhiêu lần gã đã từng viết những cái đầu đề trịnh trọng như vậy lên trang giấy! Để rồi lại xoá đi, xoá đi rồi lại viết, mà những bài thơ gã dự định làm vẫn mãi mãi chỉ là… những cái đầu đề dự định!

Gã đặt bút xuống bàn và như lệ thường, chống tay lên thái dương mắt lim dim nhìn ra khung cửa sổ. Ngày xưa những lúc thấy khó viết, gã vẫn thường có cái thói quen (đã trở thành kinh nghiệm) ngồi đợi cảm hứng như vậy.

Nhưng lần này, ngồi lim dim mắt nhìn qua khung cửa sổ, gã chỉ thấy tâm hồn mình càng lênh bênh, trăm mối dọc ngang, truớc đêm tối mênh mông. Trong ánh đèn chiếu hắt qua cửa sổ, mưa phùn đổ xuống, trông như một lớp sương bạc bồng bềnh. Một thứ buồn khó tả như làn mưa bụi nhè nhẹ thấm vào lòng nhà thơ họ Đỗ và gã bất giác cất tiếng thở dài.

Mưa phùn đã rây bụi, là một năm sắp qua. Thế là đời gã sắp nặng thêm một tuổi. Gã nhớ những thuở còn trẻ tuổi, mỗi mùa xuân đến là mỗi lần làm cho gã như cảm thấy mình càng khoẻ hơn, khối óc chắc hơn và ngòi bút cũng càng sắc thêm. Gã chờ mùa xuân như một kẻ si tình chờ đón người yêu. Vì với gã, mùa xuân có nghĩa là một sự bắt đầu, có nghĩa là một năm sắp đến, với bao nhiêu tác phẩm mà gã sẽ ném tung vào đời như những đàn chim mỗi năm qua, lại càng vững cánh chắc lông…

Nhưng trong cái đêm cuối năm hôm nay, sao gã lại thấy ngậm ngùi. Mùa xuân của đất trời đang đến, sao gã chỉ có cái cảm giác xót xa như bao nhiêu những mầm non tươi đẹp nhất trong lòng gã đang theo những cái đêm cuối cùng của một năm từ biệt gã mà ra đi. Cái cảm giác ấy, thực ra chỉ hơn một năm nay gã mới dần dần cảm thấy, một ngày một thấm thía hơn. Không, gã biết chắc rằng sức sống trong người gã không phải đã hoàn toàn khô cạn. Gã vẫn thường tự nhắc với mình câu nói của Ê-ren-bua:

“Con người mỗi lúc mỗi già, tình cảm và sức khoẻ suy nhược đi… nhưng riêng nhà văn, nhà văn không hề biết tuổi già…”. Và mấy năm trời nay gã tin như thế. Một người đã từng vào sinh ra tử hơn hai mươi năm như gã trong nghề thơ, dễ đâu mỗi một lúc mà buông cán bút đầu hàng trước cuộc đời!

Nhưng hôm nay, trong cái đêm cuối năm này, sao câu nói của Ê-ren-bua chẳng những không làm cho gã phấn khởi mà chỉ càng làm cho gã chua xót, như một câu an ủi vô tình của một người bạn quá độ lượng và xã giao.

Lòng tin của gã thực đã mềm yếu đi từ một năm nay rồi ư? Tấm nhiệt tình của gã đối với cuộc đời thực đã suy yếu hẳn đi rồi ư? Thật quả gã chưa đủ sức để tìm ngay được chân lý trong một lúc này, nhưng gã mang máng thấy nhất định chưa phải là như thế. Suốt một năm nay, gã không viết được một dòng nào, không phải vì gã đã mất cái đức tính cần cù, nhẫn nại của hai mươi năm làm thơ đã qua. Càng không phải gã không còn giữ được tình yêu tha thiết đối với con người, đối với cuộc đời như trước nữa. Gã thấy rõ rằng nhất định không phải vì như thế.

Nhưng chính trong lúc này, ngồi đây, cố sức lục lọi tất cả những ngóc ngách của cái tâm hồn phức tạp của gã, gã cũng không thể nào tìm được cái nguyên do gì đã làm cho gã không viết được dễ dàng như trước nữa. Gã đi tìm cái nguyên do bí ẩn đó đã dằn vặt, hành hạ gã suốt một năm nay như anh chàng Sác-lô đi tìm hạnh phúc, mênh mông biển trời, càng đi xa càng lạc lối…

Gã chỉ biết chưa bao giờ gã sống những ngày căng thẳng, chưa bao giờ trong con người của gã lại có nhiều xao động như trong một năm vừa qua. Những biến chuyển lớn lao, những sự việc vĩ đại của cái năm 1956 này như một cơn gió lốc thổi tung tất cả những lần cửa thâm nghiêm của cái tâm hồn vốn giàu nghị lực của gã, và làm rung chuyển tất cả những gì sâu kín nhất trong con người gã. Bây giờ nghĩ lại những ngày đã qua ấy gã còn cái bàng hoàng ngơ ngác của một người vừa vượt qua một cơn giông bão bất ngờ…

Thực ra, ở cái tuổi của gã, cuộc đời chẳng có cái gì đáng gọi là bí ẩn hoặc khó hiểu nữa. Gã đã sống gần nửa đời người trong chế độ của thằng Tây… Cái quãng đời ấy không hề làm cho gã phải hối hận. Trái lại gã cho rằng chính cái quãng đời rẫy rụa để mà sống ấy đã đẽo sắc cái nhìn của gã, đã cho gã biết rõ nhân tình thế thái, hiểu thế nào là những cái buồn cháy ruột, những nỗi tủi nhục ê chề, làm cho tình cảm trong con người của gã càng phong phú, già dặn hơn.

Gã nhớ lại cái ngày gã ra đời bằng cái nghề kế toán ở một sở Lục lộ nọ. Trong cái xã hội đen bạc ấy, gã cho cái nghề nhỏ mọn của mình là một nghề thanh bạch, ngoài vòng cương toả. Huống hồ gì gã lại còn vừa làm việc vừa viết báo, làm thơ. Viết báo để chửi đời, làm thơ để gửi gắm cái tâm sự u uất của mình. Thơ gã không xuất sắc lắm, nhưng cũng đăng hết báo này sang báo khác, ba kỳ cũng chẳng ai lạ gì cái tên nhà thơ họ Đỗ. Và gã cho rằng như vậy là đã thừa sức hơn đời. Những lúc cao hứng, trước mặt vợ con và các bạn bè đồng sự thân tín, gã thường tự ví mình như Cao Bá Quát. Tuy rằng không có cái khí phách khởi binh làm việc nghĩa như Chu Thấn, nhưng ít nhất cùng giữ được cho mình cái chí khí của một nhà thơ chân chính. Cái lối sống “kẻ sĩ”của gã đưa đến cái kết quả là gã bị mất việc và phải về làm thầy giáo hồ lơ ở một huyện xép. Giữa lúc cuộc đời của gã tưởng chừng như đã rơi vào chốn u tì, không còn hi vọng gì nữa thì cách mạng bùng nổ. Gã vác bút đi tham gia cách mạng. Gã gặp cách mạng chẳng khác gì hàn sĩ gặp hộ rồng mây: mười năm kháng chiến, lúc phong trần, khi vinh hiển, dù có những phen áo một manh, quần một chiếc, xót dạ ăn rau trừ bữa, lội suối trèo đèo, gã vẫn một lòng một dạ trung thành với lý tưởng.

Lúc bấy giờ, gã làm công tác ở một cơ quan tuyên truyền nọ, vừa lãnh đạo phong trào, vừa sáng tác. Thơ gã làm ra, chính gã cũng không lấy gì làm hài lòng cho lắm. So với trước, gã xét ra tuy có thạo tay, dễ viết hơn: một việc đóng thuế, một câu chuyện dân công… cái gì phút chốc cũng có thể thành thơ tất cả. Nhưng không khỏi có lúc gã đột nhiên thấy có một cái gì vướng mắc trong lòng, có một cái gì gượng gạo trên lời thơ. Thậm chí có khi đọc thơ mình gã lại có cái cảm tưởng như đọc thơ ai, chẳng phải là mình. Nhưng rồi gã lại tự nhủ:

“Ôi! Chẳng qua đó là cái nghiệp chướng còn xui ta lưu luyến những tàn tích cũ, phải đấu tranh vứt bỏ nó đi!”

Thế rồi gã đấu tranh được, vất bỏ được những tàn tích cũ. Gã sống những ngày thư thái, thấy như trên đời này không có điều gì đáng phải suy nghĩ, phải băn khoăn nữa. Thấy những cấp lãnh đạo khen gã “lập trường dứt khoát… thơ phục vụ được phong trào”, mỗi ngày mỗi được trên “tín nhiệm”, giao cho nhiều trọng trách, gã thấy mình quả là sung sướng hầu như đã đạt được mọi ý nguyện bình sinh.

Mười năm kháng chiến và một năm hoà bình, chầy chật, vất vả rồi cũng qua. Tóc gã đã hoa râm, sức đã yếu, chân thận cũng đã suy, đêm thức khuya đã thấy nhức lưng lắm rồi. Nhưng nhìn vào cuộc đời xung quanh gã thấy toàn một cảnh tượng “bốn bề âu ca thái bình”, con đường đi đến tương lai toàn là một vẻ “thênh thang tám thước” chỉ đi là đến. Và lòng gã nhẹ lâng lâng, vô cùng lạc thú, cơ hồ không có gì đáng phải băn khoăn nữa.

Thế mà không ngờ cái tâm hồn yên tĩnh của gã giữa cái tuổi 50 này lại phải trải qua một trận biến thiên như thế này nữa.

Đầu năm nay, gã được cơ quan phái đi cải cách. Hôm ra đi, vị đại diện cơ quan ân cần căn dặn: đi là một cơ hội tốt để lấy tài liệu sáng tác, nhưng chủ yếu là để cải tạo tư tưởng. Đã hai thứ tóc trên đầu mà lại còn phải đi “cải tạo”, gã không lấy gì làm phấn khởi. Nhưng nghĩ đến ý thức tổ chức, nghĩ đến nhiệm vụ vĩ đại mà cấp trên giao cho, gã lại hăng hái từ biệt vợ và bà con lên đường. Bốn tháng ở nông thôn, tuy công tác không có gì xuất sắc, nhưng gã tự xét đã tận tuỵ làm tròn nhiệm vụ. Sổ tay sáng tác của gã cũng chẳng ghi được một dòng nào. Nhưng gã kiêu hãnh vì đã làm đúng như lời dặn của cấp trên: cải tạo tư tưởng là chính. Gã còn kiêu hãnh vì được tham gia một trận đấu tranh long trời lở đất chưa từng có trong lịch sử mà gã là một chiến sĩ trong đoàn quân chiến đấu. Gã lại còn kiêu hãnh được sống những phút cảm động chưa từng có trong đời gã. Ôi, biết bao nhiêu lần gã đã rơi nước mắt khi dự những buổi tố khổ của nông dân, bao nhiêu lần gã đã bồi hồi xúc động khi đi ba cùng với cốt cán. Tất cả những cảm xúc mới mẻ ấy làm cho gã thấy con người của mình gắn bó với cuộc đời, với cách mạng hơn lên. Nhưng một mặt cũng làm cho gã ngợp đi, cuộc sống vươn lên những chiều vĩ đại quá tầm con mắt bé nhỏ của gã…Và cứ như thế, dù không ghi được một dòng tài liệu nào (gã tự nhủ: ghi làm thế nào cho chứa hết được tất cả cái vĩ đại và thiêng liêng của cuộc đời!) gã vẫn thấy trong lòng vô cùng yên ổn. Có những đêm không ngủ, gã nằm lơ mơ nghĩ đến bài thơ thật là vĩ đại ca ngợi những cái vĩ đại của cách mạng mà gã sẽ viết gần đây… Gã phấn khởi sống với mộng tưởng êm đềm ấy.

Nhưng đùng một cái giữa bước ba đợt công tác, gã đọc báo và lần đầu tiên được biết những tin tức về đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng Sản Liên Xô. Lão bồi hồi đọc những nhận định của đại hội về Stalin. Bình sinh, đó là lần đầu tiên gã thấy có một sự đổ vỡ trong lòng. Chẳng phải chỉ là bàng hoàng, kinh ngạc, gã còn thấy đau xót như có ai đó xúc phạm đến ngay chính con người của gã. Ôi! Stalin vĩ đại đến như thế mà còn có sai lầm, thì đến cái thân phận bé nhỏ như của gã thì phỏng còn có nghĩa lý gì ở trong trời đất?

Mang cái tâm sự ngậm ngùi ấy, nhà thơ họ Đỗ trở về cơ quan. Chân ướt chân ráo gã bước vào trụ sở, tay bắt mặt mừng, chuyện đấu tranh anh dũng chưa kịp giở ra, một anh bạn đã chỉ ngay vào cái huy hiệu gã đeo ở ngực mà quắc mắt cười:

“Đánh bao nhiêu người, bắt bao nhiêu người, khai thực với anh em rồi anh em tha cho!”

Câu nói đùa của ông bạn làm gã giận tái người đi. Nhưng gã vẫn mỉm cười, kiêu hãnh nghĩ thầm:

“Bốn tháng long trời lở đất, chúng nó ngồi đáy giếng đâu biết được trời cao.”

Nhưng thái độ quân tử của gã cũng không đi đến đâu hết, và sự thực vẫn cứ nhất định là sự thực. Khắp nơi người ta bàn tán xôn xao về những sai lầm của đợt 5 cải cách ruộng đất. Gã đi chỗ này chỗ khác lắng nghe, ngạc nhiên như nghe những chuyện cổ tích ly kỳ, vô cùng mới lạ…

Nói của đáng tội, thực ra cái cảm tính của một nhà thơ lâu năm như gã không phải là không nhạy thính. Ngày còn ở xã, chính gã cũng đã đôi khi cảm thấy có những điều “không được tốt”, những điều ngang trái. Nhưng gần mười năm nay, gã đã trót vô tình tạo lấy cho mình cái triết lý lạc quan không điều kiện, phục tùng vô điều kiện (ôi! biết bao nhiêu là thứ tuyệt đối vô điều kiện trong đời gã!) mất rồi! Gã sợ phải thấy cái xấu, sợ suy nghĩ, sợ động chạm, sợ đổ vỡ. Gã như người đi đêm, nơm nớp không dám quay lại đằng sau, luôn luôn sợ một bóng ma hiện hình trong bóng tối. Gã như con đà điểu chui đầu vào hốc đá khỏi nhìn thấy những cảnh đau lòng xảy ra trước mắt.

Minh hoạ của Bùi Xuân Phái
Và lúc này đây, khi sự thực đã trở nên hiển nhiên trước mắt, bên tai gã, sau cái phút choáng váng đã qua, gã bỗng vụt thấy hằn học như có ai lừa dối gã, có ai chơi xỏ gã, và cả cái cuộc đời “âu ca thái bình” này xưa nay vẫn hiền lành, phúc đức đối với gã nay cũng vùng cả dậy để xoay gã, không còn chiều ý gã một tý nào nữa. Lần thứ hai, gã lại thấy có một cái gì rạn vỡ trong lòng. Những đêm không ngủ, gã ngồi trước bàn viết, không viết nổi một dòng. Gã cầm bút mà có cái chán ngán của người thí sinh trước giờ đánh chuông, hết hạn nộp bài, thử lại một cách tuyệt vọng bài tính đã biết là sai bét của mình. Gã biết rõ rệt với cái lối nhìn đời tươi đẹp vô điều kiện của gã, bài thơ vĩ đại của gã về cải cách ruộng đất tuy chưa viết cũng đã căn bản thất bại rồi!

Giữa lúc ấy, những tin ở đâu trên thế giới ùn ùn kéo về, thế sự mỗi ngày chừng lại thêm rắc rối. Gã cố làm ra vẻ bình tĩnh nhưng thật trong thâm tâm, gã chưa bao giờ thấy bối rối bằng lúc này. Gã ít nói, nét mặt lầm lì, bí mật. Nhưng thực ra, gã không lúc nào ngồi yên được một chỗ, trong bụng dạ như có cái gì rạm rực, không ra buồn, cũng không ra lo, một thứ sốt ruột vô duyên cớ. Trước kia, muốn quên sự đời gã thường vùi đầu vào sách. Bây giờ gã nhìn vào sách như để nhìn quảng cáo, chữ nghĩa loang loáng truớc mắt, nhạt nhẽo vô vị lạ thường. Đêm đêm gã lại kiên nhẫn ngồi vào bàn viết làm thơ… Không viết về cải cách ruộng đất thì gã đã có sẵn trong óc từ một năm nay hàng chục đề tài khác nhau, nào là đấu tranh thống nhất, nào là kiến thiết miền Bắc… và cả sự ái tình thơ mộng nữa, đề tài nào cũng phơi phới hướng đi lên, phấn khởi và quyến rũ như nhau. Nhưng cái hồn thơ của gã dạo này nó bất thường như một chiếc săm xe đạp hỏng van. Cảm xúc dồn dập, ứ đầy là như thế, nhưng cứ hễ gã cầm bút định viết thì vụt một cái nó đã xẹp đi và tiêu tan đi đằng nào tất cả. Nhưng dòng chữ dập xoá chết ngay trên trang giấy như những cái thai non ngày non tháng. Gã có cái cảm tưởng trong tâm hồn gã như có một cái gì khập khễnh, một cái gì thiếu hụt… Cái gì ấy, gã nghĩ mãi vẫn không hiểu được nó là cái gì.

Cứ như thế gã sống những ngày dằn vặt, khổ sở, mắt sâu, má tọp hẳn đi. Đêm đêm vợ gã giật mình thức giấc hoảng hốt thấy chồng ú ớ nói mê, miệng lầm bầm những câu nói kỳ dị chẳng rõ là đọc thơ, hay cãi cọ với ai… Và gã nhất định không đi đâu, ngoài hai buổi đến cơ quan. Hễ về đến nhà là gã đóng chặt cửa buồng nằm sù sụ một mình trên chiếc ghế vải, y hệt một cuồng sĩ xa lánh cuộc đời.

Nhưng cuộc đời không buông tha gã. Cuộc đời đến đấm cửa buồng gã, đấm vào mắt, vào tai, dựng gã dậy. Gã đọc tất cả các thứ báo, chăm chú ngấu nghiến như một người bệnh thèm ăn của độc. Những bài phê bình, tranh luận trên báo làm gã lặng người đi. Nhưng dạo này, đã quen với những “biến cố” ở trên đời, gã đã bình tĩnh hơn – gã lẩm nhẩm lý luận để tự xác định cho mình một thái độ. Từ ngày cảm thấy cái triết lý “lạc quan vô điều kiện” của gã lung lay quá lắm rồi, gã đã bắt đầu tập suy nghĩ, tập lý luận một cách “tự lực cánh sinh” như thế. Nhưng lý luận cũng không đưa gã đến một chân lý nào hết. Gã thấy ghét cả những người làm ra sai lầm lẫn những người phê bình sai lầm.

“Ôi! Làm sai lầm là xấu, những nỡ đem khuyết điểm mà bô bô lên trên báo thế kia thì còn xấu gấp mười.”

Gã ghét cả đôi bên, vì gã cho rằng hai bên đều làm cho cuộc đời trở nên xấu xa, rắc rối; cả hai cùng là thủ phạm làm tổn thương đến cái triết lý lạc quan tuyệt đối cao thượng của gã. Và với cái ý nghĩ ấy gã chép miệng tự đặt cho mình một lập trường “ngoài vòng cương toả chân cao thấp” mà lúc này gã cho là hợp thời hơn bao giờ hết.

Khốn nỗi cái “lập trường” ấy của gã cũng chả đứng vững được bao lâu. Vì trong khi gã “ngoài vòng” như thế thì những người xung quanh gã vẫn cãi nhau, vẫn làm thơ. Ừ thì họ cãi nhau mặc họ. Họ bàn trăm hoa đua nở cũng mặc họ (cái năm làm thơ này của gã chỉ mong được một hoa cũng là quá đủ rồi!) Nhưng cứ nghĩ rằng trong khi gã đang bí như trẻ con ăn phải chuối chát như thế, mà thiên hạ vẫn có thể nhơn nhơn làm thơ như bổ củi thì gã không tài nào chịu được. Mà làm thơ thế nào? Toàn là một loạt thơ không vần, thơ tự do, thơ leo thang cứ rối như nếp lộn tẻ, rặt là một giọng thơ ngông nghênh, bố láo, xem trời bằng vung! Thế mà gọi là trăm hoa ư? Thế mà gọi là hiện thực phê bình ư? Mệt quá, mệt quá lắm. Thà rằng cứ một hoa, cứ văn nghệ một chiều, cứ là “tô hồng” như cũ, cứ sùng bái cá nhân cho nó đơn giản cái sự đời!

Và ghét thơ, ghét cả đến người, gã đâm ra giận cá chém thớt. Gã chưa lúc nào dám nói ra miệng – ôi chào, bây giờ cái phong trào nó thế, được mưa thì cóc nhái gẩy đàn – nhưng trong thâm tâm, gã chúa ghét mấy cái thằng làm thơ ít tuổi nhâng nháo ấy. Cái sắp trẻ tuổi ấy đi đến đâu thì ăn to, nói bạo, hoa chân, múa tay, toàn một bọn lấc cấc “vào chùa gọi bụt bằng anh”, cơ hồ chẳng còn biết kiêng nể ai! Nói của đáng tội, cũng có khi gã thấy thinh thích cái lối ăn thật nói thẳng của chúng nó. Chúng nó bây giờ sống như cái mũi tên bắn ra khỏi dây là cứ lao đi vun vút, chẳng đắn đo e dè gì cả. Gã vẫn nghĩ: giá như được sống như thế thì mới thật là thoả chí. Nhưng rồi suy hơn tính thiệt, nhất là lúc ngồi vào bàn, vợ kêu con khóc, thơ chẳng viết thành câu, gã lại cáu với chúng nó, gã tự nhủ:

“Không, không thể được, chúng nó còn trẻ. Mà tuổi trẻ thường thì khinh bạc, xốc nổi, phũ phàng. Ta không thể bắt chước chúng nó được.”

Hừ, đành rằng bây giờ như sức gã mà mơ tưởng viết nên những cái gì thật là vĩ đại ca ngợi cho hết cái vĩ đại của cuộc đời, thì nghĩ cho cùng tay với cũng chẳng đến nơi nữa. Nhưng mà lại hạ mình đi theo thời thượng làm thơ triết lý, thơ tư tưởng, thậm chí lại còn những là phê bình với đả kích thì thôi thôi, thà rằng không viết lách gì nữa thì thôi. Chẳng gì gã cũng đã hai thứ tóc trên đầu, mang trên vai hơn hai mươi năm sáng tác, theo đuôi “chúng nó” thì còn ra cái thể thống gì.

Nhưng thế tất gã cũng phải có một con đường thứ ba chứ? Con đường thứ ba ấy là gì?

Người thi sĩ già họ Đỗ, trong cái đêm cuối cùng của một năm này, vẫn chưa tìm ra được câu trả lời cho cái câu hỏi nó đang định đoạt cả một cuộc đời sáng tác của gã.

Nhưng lần đầu tiên, hôm nay gã đã thấy rõ ràng rằng nếp sống, nếp nghĩ, nếp cảm xúc và cả con đường nghệ thuật của gã ngày mai không thể giống như hôm qua nữa. Nó không thể là con đường ve kêu, chim hót êm đềm, bằng phẳng, rợp bóng mát của chính sách và “ấm áp ánh mặt trời của vị thủ trưởng” nữa. Ôi! Từ giã nếp tâm hồn cố hữu, từ giã con đường cũ thân yêu ấy, một lần này nữa, gã không thể nào không thấy lòng đau như cắt, không thể nào không bàng hoàng như vừa trong gian phòng kín cửa bước ra giữa ánh mặt trời, đột nhiên thấy mình quá đỗi tự do, quá đỗi bơ vơ và lạc lõng.

Nhưng dầu sao, trong đêm nay gã đã thấy từ đây gã không thể nào sống dễ dãi như trong mười năm qua được nữa. Chính gã, vâng chính gã, một khi hiểu rõ mình, gã cũng đã thấy chán ngán với tất cả các thứ “tuyệt đối vô điều kiện” nó đã ràng buộc gã trong bao nhiêu lâu. Cái triết lý đơn sơ và dễ dãi ấy đã cho gã được sống bao nhiêu năm trờì mơ ước êm đềm quyến rũ. Chính những mơ ước ấy thực cũng đã góp phần nâng đỡ cho hai bàn chân gã đủ sức bước theo cách mạng. Thực cũng đã đem đến cho gã nhiều ước vọng khao khát làm cho cuộc đời của gã so với cuộc đời tẻ nhạt, ngạt thở xưa kia, trở nên đáng sống và đẹp đẽ gấp nghìn lần. Tin tưởng đã cho gã sức mạnh và làm cho gã lớn lên. Nhưng một mặt khác chính lòng tin một chiều, lâu ngày trở nên một thứ mê tín ấy đã làm cho gã bé đi và gây cho gã một tâm lý lười biếng, ỷ lại. Gã bước theo cuộc đời, như một chú bé ngoan nắm vạt áo mẹ hiền. Là một nhà thơ, “kỹ sư của tâm hồn”, gã đã biến thành một người cung văn ê a chỉ ca ngợi cuộc đời một cách vô tư dễ dãi.

Ôi trong cái đêm cuối cùng của cái năm thứ năm mươi của đời gã, cái chân lý ấy đến với gã một cách đột ngột làm sao! Gã thấy hình như gã đã khám phá được nguyên nhân những khó khăn của mình trong sáng tác hơn một năm gần đây. Đó là sự mâu thuẫn giữa sự thực của cuộc đời với cái triết lý quá đơn sơ của gã, cái nhìn sai lệch của gã trước cuộc đời. Và cái điều thiếu hụt mà gã thường cảm thấy từ lâu trong con người của gã phải chăng đó chính là lòng tự tin, tự mình làm chủ lấy mình, dám suy nghĩ, dám phê phán, dám nói lên những tiếng nói sâu kín nhất của lòng mình, nói lên sự thực để góp phần tích cực vào cuộc đời.

Điều khám phá ấy làm cho gã ngậm ngùi xót xa. Lại bắt đầu một nếp sống, bắt đầu xây dựng một tâm hồn vào cái tuổi năm mươi này, điều đó có thể nào không làm gã buồn cho được. Nhưng đồng thời gã cũng thấy tràn ngập trong lòng một niềm tự hào, kiêu hãnh, gã tự nhủ:

“Bắt đầu cuộc đời vào tuổi hai mươi chỉ là một việc thường tình. Lại bắt đầu cuộc đời vào tuổi năm mươi, đó mới là dũng cảm.”

Và tự nhiên gã cảm thấy mình quả là dũng cảm. Câu nói của Ê-ren-bua: “Người viết văn không biết tuổi già…” lúc này dội lên kiêu hãnh trong lòng gã, và gã thấy như đó là lời nói của chính mình.


Ngoài cửa sổ mưa mùa xuân vẫn đổ bụi một màu trắng bạc. Nhà thơ họ Đỗ nhìn đồng hồ, kim đã chỉ 4 giờ sáng. Cái đêm cuối năm này sao mà ngắn ngủi lạ. Trên bàn viết, tờ giấy vẫn trơ trọi một giòng chữ “Bài thơ cuối năm”; cái đầu đề tô đậm nét hằn lên trang giấy như một rặng núi giữa chân trời bao la.

Nhưng lúc này gã không thấy trong lòng còn có cái cảm giác chênh vênh, mờ mịt nữa.

Gã đã có một cái nhìn mới đối với cuộc đời, một thái độ mới đối với chính con người của gã. Cái “triết lý” mới ấy của gã chưa có gì là rõ rệt, chỉ mới mờ nhạt như ánh bình minh một đêm về sáng, nhưng cũng đủ để cho gã yên tâm và tìm một hướng đi ngày mai.

Bài thơ cuối năm của gã trong cái đêm cuối năm này vẫn chỉ là một dòng chữ trên giấy, như một con tàu cạn nước nằm trơ trên bãi. Nhưng gã đã bắt đầu cảm thấy tâm hồn gã phơi phơi, dập dồn cái hơi thở rạo rực của biển khơi. Ôi! Đã lâu lắm hôm nay gã mới thấy tâm hồn mình có cái say sưa rạo rực hôm nay.

Bài thơ cuối năm đã chết trên tờ giấy. Nhưng những bài thơ của một năm sắp đến, gã đã thấy như đang bắt đầu trong tâm hồn gã. Gã tắt đèn, đi ra ngoài hiên. Một thứ hương trầm quyện trong gió sớm làm cho gã nhớ đến cái tết trước mắt.

Một năm sắp bắt đầu. Người thi sĩ già ấy đưa bàn tay gầy gò lên vuốt nhẹ làn tóc hoa râm, và như thấy mình trẻ lại một nửa cuộc đời trong buổi sáng đầu tiên báo hiệu mùa xuân này.

Một đêm cuối năm
Nguồn: Sách Tết 1957, Nhà xuất bản Minh Đức, 1957. Bản điện tử do talawas thực hiện. Lời giới thiệu của Lại Nguyên Ân.





===

Hoàng Huế
Bài thơ mai sau

Con ơi đêm nay
Tỉnh xa mẹ con trở dạ
Một tiếng khóc oà
Chế độ ta thêm một công dân nhỏ
Cha ngồi trong đêm thủ đô
Thức viết trọn bài thơ

Giờ này nằm trong nôi
Có lẽ con đương khóc
Cha thấy mẹ con đầu xoà mái tóc
Nhìn bàn tay nhỏ xíu vẫy vùng
Ôi bàn tay con thịt đỏ hồng hồng
Ai đoán được sẽ làm gì đấy?

Con ơi mai sau lớn lên
Nếu con trở thành nhà văn
Cha sẽ trao con cây bút cũ
Cha con mình làm thơ dưới một ánh đèn

Nếu con thành công nhân
Kỹ sư những nhà máy mới
Con sẽ kể cha nghe đời con
Để cha chép vào trang sách nóng hổi

Nếu con thành phi công
Trên trời xanh bay lượn
Con sẽ kể cha nghe bầu trời gió lộng
Và những vì sao
Những vì sao mai
Những vì sao lấp lánh quanh con.

1956


*



Sỹ Ngọc
Tán tranh Tết

Ta vẫn có tục chơi tranh về ngày Tết, vì vậy gọi là tranh Tết, bởi vì chỉ ngày Tết mới có tranh treo. Đó là một thiếu thốn về sinh hoạt mỹ thuật của đời sống ngày trước. Ngày nay, chúng ta có thể chơi tranh suốt năm, lúc nào thích thì mua treo, và tranh xuất bản từ đầu năm đến cuối năm. Chơi tranh có nhiều cái thú vị, đẹp nhà, đẹp cửa, lại có nhiều tranh có ý nghĩa giáo dục. Một bức tranh treo trong nhà góp vào đời sống gia định nhiều điểm lý thú.

Tranh Tết xưa có nhiều đề tài: tranh gà, tranh lợn, tranh trèo dừa, đánh ghen, tranh ông đồ cóc, tranh đám cưới chuột. Mỗi cái một ý nghĩa. Tranh gà lợn là tả cảnh phồn vinh của sản xuất. Trong nhà cứ có một lợn nái là nhà cửa không lo thiếu thốn. Trong nhà luôn luôn có đàn gà có mẹ có con là nhà cửa làm ăn khá, không lo túng. Vì gà và lợn là hai thứ gia súc nuôi có lợi cho việc sản xuất. Được ăn được bán đi những lúc cần tiền tiêu. Cuối năm có con lợn mổ ăn Tết đụng với bà con, có bộ lòng ăn dấm ghém hôm ba mươi, có thịt gói bánh chưng. Và có cả phân lợn để bón ruộng. Có nái gà, túng tiền mang ra chợ bán vài con, không thì để sinh sôi nẩy nở; có bạn đến chơi, ngả một con đánh chén; có trứng ăn. Tranh gà lợn chúc cho người chơi tranh một đời sống như thế. Tranh gà lợn còn có thể chúc ngầm cho người chơi tranh, con cái đầy đàn. Con gà con, con lợn con khác gì trẻ nhỏ. Cũng vui thế, cũng ríu rít thế. Với người nông dân, lòng yêu súc vật tựa thể yêu con người.

Tranh trèo dừa là một bài thơ huê tình. Một cô thôn nữ vén váy hứng dừa. Quả dừa nần nẫn do những anh chàng trai (chưa vợ) ném xuống. Người thôn nữ hứng dừa được tả bằng những nét và khối hình rất đỗi linh động. Người thôn nữ ấy là hỉnh ảnh của những mối tình ở nông thôn đã bắt nguồn từ những sinh hoạt lao động. Trẻ con reo mừng, xem người và ăn dừa. Tranh đánh ghen là một bài thơ trào phúng. Chắc có lẽ trong một trăm gia đình có hai vợ thì chín mươi chín gia đình có việc xẩy ra như thế. Người vẽ đã hình tượng cụ thể hiện tượng “ghen”. Không có ghen bóng ghen gió gì. Ghen này là bắt quả tang. Ghen này phải cầm kéo mà moi gan moi ruột ra. Ghen này là một mối thù. Người vợ cả cầm kéo hầm hầm dáng điệu “xông vào”. Người vợ lẽ, nửa người ở trần và anh chồng tuy thế mà hãy còn “ríu” lấy cô vợ lẽ, vẫn còn muốn âu yếm tiếp tục. Thật là hai năm rõ mười. Thật bằng chọc tức chị vợ cả. “Chồng chung chưa dễ ai nhường cho ai”. Tình yêu vẫn là như vậy. Cớ sao chia sẻ tình này! Nhân sinh quan về tình ái của người lao động vẫn là như vậy. Nhưng chế độ đa thê của phong kiến đã làm cho tình cảm con người bị dày xéo. Tranh đánh ghen thật là một bài học tuyệt vời cho những ai muốn tham lắm vợ để thoả mãn lòng ích kỷ của họ. Và cũng giáo dục cho mọi người: Đẹp gì cảnh ấy mà đa mang vào. Ngày Tết, ngồi uống rượu người ta tán tranh như thế và liên hệ vào xóm làng địa phương.

Tranh “thầy đồ Cóc” cũng là một bài thơ trào lộng. Cái cảnh những thầy đồ ngày xưa thật đáng buồn. Học thì học những điều trong kinh sử, rất xa lạ với nhân dân lao động. Người ta nghe như một thứ tiếng lạ tai. Lối học thì nhồi sọ, cốt cho thành một con vẹt biết nói đúng như sách. Còn cách học thì cũng thật buồn cười. Học trò phải đun nước, quạt hoả lò cho thày. Trò nào học tồi thì bị đè ra đánh roi. Quang cảnh một lớp học xưa được ngọn bút trào lộng của hoạ sĩ diễn tả điển hình. Nhân vật là cóc mà lại đúng ra người. Sinh động đến mức xem tranh mà nghe như đâu đây có tiếng ê a: “tam tự kinh, nhân chi sơ…” v.v… láo nháo lào nhào. Tháy quát, trò kêu. Khác nào một buổi động trời mưa, cóc nhái kêu inh ỏi.

Tán qua một số tranh ấy, bật rõ một điều: nhân dân lao động lắm sáng kiến phát minh; nhiều óc sáng tạo. Bản chất văn nghệ dân gian là một vũ khí, là một nhu cầu thiết yếu. Không được học cũng vẽ, bị phong kiến cấm đoán cũng vẽ, cũng nói, nhưng nói chệch ra những cái khác. Những nụ cười trào lộng chửi vào chế độ đa thê, chửi vào lối giáo dục phong kiến há chẳng làm cho uy thế phong kiến phải giảm sút? Các tranh ca ngợi về sản xuất, cảnh chúc tụng nhau là những câu ân tình thúc đẩy nhau lao động.

Ngày Tết xem tranh, vui lắm thay!

1-1957


===

No comments:








No comments:

Post a Comment