HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Monday, 23 September 2013

NVGP * 23. HỒNG VÂN * NGUYỄN HỮU ĐANG


27. HUY VĂN * TRẦN DẦN ĐỒI TRỤY



Huy Vân
Một tâm hồn đồi truỵ: Trần Dần

Việc phục hồi cho các văn nghệ sĩ trí thức từng tham gia phong trào Nhân văn-Giai phẩm cũng như vinh danh sự nghiệp của họ chỉ thực sự có ý nghĩa cùng với việc thông tin đầy đủ và công khai về chính giai đoạn xảy ra tấn bi kịch của họ 50 năm trước. Nhân 10 năm ngày mất của Trần Dần (17.1.1997-17.1.2007), chúng tôi chọn đăng lại một bài viết về ông trên báo Nhân dân năm 1958, giữa thời điểm “Vụ án Nhân văn-Giai phẩm” vào hồi tuyên án, và một số đoạn về Trần Dần trong tác phẩm chưa được dịch ra tiếng Việt, Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam (Trăm hoa đua nở trong màn đêm nước Việt), của nhà nghiên cứu người Pháp Georges Boudarel.
talawas
Xưa nay có nhiều người, tuy xuất thân hư hỏng, quá khứ xấu xa, sau nhờ có ánh sáng của Ðảng, của cách mạng và nhờ có tinh thần tự nguyện tự giác cố gắng cải tạo, mà ngày nay đã trở thành những người hữu ích, những người cách mạng. Trần Dần không thuộc vào lớp đó.

Nhiều người ở Nam Ðịnh đều biết Trần Dần là con một nhà địa chủ và tư sản đã dựa vào thế lực thực dân để bóc lột nhân dân lao động. Sống trong một gia đình "ngồi mát ăn bát vàng" như vậy, Trần Dần đã sớm đi vào con đường truỵ lạc, bê tha. Khoảng từ năm 1943, Trần Dần đã là học trò của một bọn văn sĩ tơ-rốt-kít.

Cách mạng tháng Tám thành công, trong lúc số lớn thanh niên ta đều đem trái tim và tuổi trẻ của mình cùng với cha, anh đón chào thắng lợi của cách mạng, thì "trái tim, khối óc" của Trần Dần vẫn ngập trong khói thuốc phiện. Ở Hà Nội cuối năm 1946, cả dân tộc sắp đi vào kháng chiến toàn quốc, thì Trần Dần cùng với Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Ðịch đã lập ra nhóm "thi sĩ tượng trưng" viết báo Dạ Ðài để cho ra cái tuyên ngôn ngày 16-11-1946 với những câu: "Chúng tôi, một đoàn vong gia thất thổ, đã đầu thai nhằm lúc sao mờ...“. Rồi giữa đêm 19 tháng Chạp, trong lúc bộ đội và nhân dân thủ đô xông vào khói lửa chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, thì Trần Dần và những kẻ cùng nhóm vẫn còn chạy chọt để hòng cho ra số 2 của báo Dạ Ðài sặc mùi thuốc phiện! Những việc kể trên đây có thể tóm tắt phần nào cái thái độ lạc lõng xa lạ của Trần Dần đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của toàn dân ta. Trần Dần cũng đi vào kháng chiến, nhưng vẫn không chịu từ bỏ những quan điểm nghệ thuật sa đoạ của hắn. Trong "Nhóm văn nghệ Sơn La“, hắn đã vẽ toàn lối tối tăm khó hiểu, biến hình ảnh anh dũng và đẹp đẽ của bộ đội ta thành những hình thù rất quái gở, làm thơ cũng vậy. Ở Sơn La, cái lối sống và quan niệm sáng tác đã đưa Trần Dần đến nhiều sai lầm, bị thi hành kỷ luật.

Mặc dù tư tưởng của Trần Dần có nhiều bê bết của cái cũ, Ðảng và quân đội ta vẫn hết lòng giáo dục, cải tạo. Chính vì muốn cải tạo Trần Dần có kết quả hơn, mà sau các kỳ chỉnh huấn, tổ chức của ta đã giúp cho hắn đi vào thực tế chiến đấu của bộ đội, tạo điều kiện cho hắn viết được cuốn Người người lớp lớp với ít nhiều tiến bộ về nội dung, song nghệ thuật vẫn còn non kém. Với cuốn sách đó, đáng lẽ Trần Dần phải tự thấy mình còn phải cố gắng nữa, nhưng trái lại, hắn đã vội dương dương tự đắc, lấy đó làm cái vốn để yêu sách Ðảng và quân đội.

... Khi về Hà Nội mới giải phóng, Trần Dần đã bất chấp cả tám chính sách và mười điều kỷ luật vào thành của chính phủ, bất chấp cả kỷ luật quân đội, tự do bỏ doanh trại ra ngoài sinh hoạt bê tha.

Mỗi lần về đơn vị, Trần Dần và bọn theo hắn dùng cách dương đông kích tây, cô lập người tốt, về hùa nhau đòi tự do, đòi bỏ nội quy để chúng được tự do sống theo cái lối truỵ lạc của chúng.

Giữa lúc những phần tử lạc hậu trong giai cấp tư sản ầm ĩ đòi đảm bảo cái thứ tự do "bóc lột", đầu cơ buôn lậu của chúng, thì trong bộ đội, Trần Dần lên tiếng đòi tự do tuyệt đối, đòi lối sống đồi truỵ và xuất bản những thơ văn chống chế độ. Trần Dần đã dùng lối "bắt rễ xâu chuỗi" tập hợp những phần tử xấu trong văn nghệ quân đội như Hoàng Cầm, Tử Phác, Hoàng Tích Linh, Trúc Lâm để kéo bè kéo cánh hoạt động chống đối với cơ quan lãnh đạo. Trần Dần, Lê Ðạt, Hoàng Cầm, Hoàng Yến đã lợi dụng việc phê bình tập thơ Việt Bắc và phong trào phê bình văn học lúc bấy giờ để lôi kéo vây cánh đả vào cán bộ chính trị và đường lối văn nghệ phục vụ chính trị. Lợi dụng thắc mắc của một số anh em văn nghệ quân đội, Trần Dần đã nấp dưới chiêu bài "chống công thức", "đi tìm cái mới", chỉ huy cái bào thai Nhân văn-Giai phẩm trong quân đội, kéo bè kéo cánh đả kích lãnh đạo và tụ tập nhau đề ra cái gọi là "chính sách về văn nghệ trong quân đội", công khai và trắng trợn đòi "văn nghệ phải độc lập với chính trị", "trả quyền lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ". Trước thái độ khiêu khích của bọn Trần Dần, tổ chức trong quân đội đã nhiều lần khuyên răn họ trở lại con đường đúng. Nhưng bọn Trần Dần vẫn tiếp tục ngoan cố. Bọn Trần Dần đã hoạt động như những phần tử tác động tinh thần.

Ðể truyền bá những tư tưởng phản động của mình, Trần Dần đã dự định ra khỏi quân đội, mưu viết báo chống lại chế độ. Sau khi cùng với Nguyễn Hữu Ðang, Lê Ðạt, Văn Cao, Hoàng Cầm mặc cả với những phần tử tư sản phản động về cái chức chủ bút một tờ báo tư với số lương tháng 10 vạn đồng, Trần Dần đã viết đơn xin ra khỏi Ðảng và quân đội. Những phần tử xấu trong văn nghệ bộ đội cũng hùa theo hắn viết thư "xin ra". Mặc dù Trần Dần đã đi đến chỗ rất xấu như vậy, chi bộ vẫn giữ phương châm kiên nhẫn giáo dục. Song hắn vẫn ngoan cố, lại dùng những lời lẽ khiêu khích chi bộ. Toàn thể chi bộ đã nhất trí quyết nghị khai trừ hắn ra khỏi Ðảng.

Trong bài "Con người Trần Dần" đăng ở Nhân văn số 1, để làm ra bộ Trần Dần là kẻ vô tội, bọn Nhân văn đã đưa ra một thứ Trần Dần vô tư không hề biết chuyện bài mình đăng trong cái tập Giai phẩm mùa Xuân năm 1956. Sự thật thì khác hẳn. Sau khi đã ngoan cố chống lại quân đội, Trần Dần đã ra bàn với Văn Cao, Lê Ðạt, Tử Phác, Ðặng Đình Hưng, Hoàng Cầm để âm mưu đẻ ra cái Giai phẩm mùa Xuân năm 1956 với ý định tập họp nhau lại bôi nhọ chế độ ta. Chính từ cái Giai phẩm mùa Xuân này đã bắt đầu thành hình một nhóm chống Ðảng, chống nhân dân. Hồi ấy là lúc quân đội đã cho Trần Dần xuống nông thôn để nhìn thấy thực tế mà sửa mình, nhưng hắn ta chẳng hề tỉnh ngộ, còn viết chuyện "Lão rồng" và chuyện "Anh Cò Lấm" để ám chỉ cán bộ Ðảng và chửi cải cách ruộng đất.

Vừa tích cực tham gia Giai phẩm mùa Xuân, Trần Dần vừa tiếp tục nói những lời chống Ðảng và có những hành động khả nghi bỏ nơi công tác về Hà Nội sinh hoạt truỵ lạc. Hắn đã vi phạm nặng kỷ luật bộ đội. Vì mục đích bảo vệ sự nghiêm chỉnh của kỷ luật quân đội, tổ chức bộ đội đã phải cho giữ Trần Dần để kiểm thảo, đi tới cải tạo. Nhưng vì quen cái lối đập đầu vu vạ của bọn khách nợ địa chủ, Trần Dần đã lấy một lưỡi dao cạo râu kéo da cổ ra, cứa ngoài da, rồi lu loa lên dọa tự tử, hòng gây dư luận xấu đối với quân đội. Trước thái độ kiên quyết của tổ chức bộ đội, Trần Dần đành vờ viết một bản kiểm thảo nhận những sai lầm của hắn và tự đề ra một kế hoạch sửa chữa. Vì thấy thái độ của Trần Dần có biểu hiện chuyển biến, tổ chức đã đưa hắn về đơn vị giữ nguyên chức vụ cũ, và về sau lại cho chuyển ngành theo nguyện vọng. Nhưng liền sau đó, hắn đã tráo trở ngay. Hắn đã mưu mô với Nguyễn Hữu Ðang, Phan Khôi, Trần Duy, Lê Ðạt, Hoàng Cầm, Văn Cao cho viết ra cái hồi ký "Con người Trần Dần". Ðó là một bài đầy rẫy những chuyện vu cáo. Khi bài "Con người Trần Dần" vừa ló ra, nhiều đồng chí trong và ngoài bộ đội biết chuyện đã từng viết bài muốn vạch sự thật về vụ Trần Dần. Biết cái mưu mô gian tà của mình khó lọt, Trần Dần và Hoàng Cầm đều hứa với các cơ quan có trách nhiệm, xin tự cải chính. Nhưng rồi hắn không cải chính, Trần Dần cũng như Lê Ðạt đã viết rất nhiều bài cho Nhân văn-Giai phẩm ký bằng nhiều tên khác nhau. Trần Dần còn mớm ý cho kẻ khác viết (Như Mai bài "Thi sĩ máy", Mai Hanh bài "Xuống trần", v.v...) hoặc tự tay sửa bài của bọn khác. Nếu lấy tất cả những bài Trần Dần đã viết cho Nhân văn-Giai phẩm (đã đăng, hoặc chưa đăng) đem thống kê lại thì ta thấy Trần Dần đã đả kích vào rất nhiều mặt quan trọng của chế độ ta: từ các đường lối chính trị trong nước đến quan hệ quốc tế, từ sự lãnh đạo của Ðảng trong văn nghệ đến sự lãnh đạo chung của Ðảng. Sau khi âm mưu chuyển mạnh sang hành động chính trị của nhóm Nhân văn bị bại lộ, Trần Dần đã cùng với Văn Cao tìm cách "cứu" cho bè lũ. Ðến khi báo Nhân văn bị cấm và nhóm Nhân văn bị dư luận quần chúng vạch mặt, thì Trần Dần lại ra sức gặp những kẻ cùng nhóm để động viên và giữ vững tinh thần, rồi lại tập hợp nhau tiếp tục hoạt động với những âm mưu mới, tinh vi và nham hiểm hơn...

Nhân dân, ngày 25-4-1958

Nguồn: Trích lại trong cuốn Bọn Nhân văn-Giai phẩm trước toà án dư luận, Nhiều tác giả, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội 1958.


====

Trần Công
Mấy ý kiến về vấn đề lãnh đạo của Phòng Văn nghệ Quân đội

===


===

Trước khi nói phải có mấy lời thanh minh. Đây tôi chỉ nói riêng về Phòng Văn nghệ trong quân đội chứ không nói đến phong trào văn nghệ trong quân đội. Sở dĩ nói thế là vì khi nhìn Phòng Văn nghệ Quân đội một cách không tốt đẹp lắm thì bản thân tôi, một người ở mười năm trong quân đội, tôi vẫn quý mến quân đội, nơi đã giáo dục tôi thành con người biết yêu, biết ghét, biết suy nghĩ… để biết làm văn nghệ phục vụ nhân dân.

Đã từng có người nói, người đó là Nguyễn Đinh Thi, nhưng nay tôi cũng nhắc lại, là không có một thứ văn nghệ quân đội riêng biệt mà chỉ có văn nghệ trong quân đội. Tôi thấy điểm này rất đúng, vì nếu không thì lại phải có một thứ văn nghệ công nhân, một thứ văn nghệ nông dân, một thứ văn nghệ tiểu tư sản! Trong kỳ học vừa qua, một nhà văn ở Phòng Văn nghệ Quân đội lâu năm là Hoàng Yến đã phát biểu "rất thắc mắc về việc có cái văn nghệ quân đội và đòi xét lại nó". Nay tôi sẽ đứng trên lập trường nhận định này để nói về vấn đề văn nghệ quân đội.

Để làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, từ khi hòa bình lập lại, bộ đội ta ra sức học tập tiến lên hiện đại hóa. Tôi trông thấy hình ảnh những anh bộ đội ướt đẫm mồ hôi dưới nắng hè tập bắn súng trên bãi cỏ, cạnh đó là một số em thiếu nhi tung tăng đá bóng, thỉnh thoảng lại ngả lên lưng anh bộ đội; có anh ngừng tay súng nhìn theo quả bóng mỉm cười. Tôi thấy hình ảnh đó đẹp lắm, quý vô ngần. Hay cũng đã có những lúc tôi thấy mấy cô thiếu nữ trìu mến đứng nhìn một toán bộ đội tập thể dục. Theo tôi thì mấy cảnh như thế đều nói được tinh thần kiên quyết bảo vệ đất nước, tha thiết yêu hòa bình của bộ đội.

Thế mà trong văn nghệ quân đội đã tả nó như thế nào? Đám thiếu nhi, đám thiếu nữ sẽ biến thành cái động cơ mất tập trung tư tưởng… Tờ báo Văn nghệ Quân đội suốt năm hô hào viết về chỉnh huấn nhưng cho đến bao giờ các nhà văn quân đội sẽ ra được một tác phẩm văn học về chỉnh huấn? Tôi cho đó là một ảo tưởng. Đây tôi không chủ trương nói sâu về hướng viết, cách viết mà tôi chỉ nói qua thế để đặt vị trí và lối nhìn (tất nhiên là theo con mắt riêng của tôi) cho những người lãnh đạo Phòng Văn nghệ Quân đội. Theo ý tôi thì một số cán bộ lãnh đạo vì đã chủ trương có một thứ văn nghệ riêng biệt nên đã có những hành động độc đoán, không đếm xỉa tới nguyện vọng và nhân phẩm của những anh em văn nghệ sĩ công tác trong quân đội. Người văn nghệ sĩ bị gò bó vào điều lệnh, mỗi tuần chỉ được ra khỏi cổng trại ngày chủ nhật, sự đi lại tiếp xúc với nhân dân rất bị trói buộc. Nếu đi công tác thì phải xuống sinh hoạt với đơn vị để viết về điều lệnh, về thao trường. Còn cái khung hậu chính của cuộc đời là nhân dân, cái hồn chính của cuộc đời là con người, con người biết yêu biết giận thì không được có thời gian và luật lệ để hiểu. Dù là tiền phong đến thế nào chăng nữa, dù là bộ đội chính quy đến thế nào chăng nữa thì anh bộ đội cũng chỉ là con người, là nhân dân, giận giặc Pháp thì anh liều thân đánh giặc, nhưng là người thanh niên anh cần yêu, là người có con tim anh biết nhớ vợ, nhớ con, nhớ quê. Thế mà thứ văn nghệ tiền phong đó đã tạc anh nên một thứ tượng gỗ, tay cầm súng mắt mở to, chỉ hùng hục ngoài thao trường với lại lo cảnh giác đề phòng địch. Hoàn cảnh trong kháng chiến mở cho anh bộ đội một địa bàn hoạt động rộng lớn, sống cùng nhân dân nên cảm tình anh ít bị khô khan dù cho các nhà văn ta ít phản ánh được việc đó cho anh đọc. Hai năm gần đây bộ đội đóng trong trại, tập tành ngày đêm ít gần dân, tôi tưởng nhiệm vụ nhà văn là phải viết nhiều về con người bộ đội để giúp anh học tập chỉnh huấn chứ không phải thuật lại cảnh anh bộ đội chỉnh huấn để giúp anh chỉnh huấn. Cho nên dù là nhà văn quân đội (nói là trong quân đội thì đúng hơn) đi nữa thì khi viết cũng phải có một tấm phông cho tác phẩm của mình, tấm phông đó là nhân dân, trên đó hoạt động của con người bộ đội, đời tư của anh và đời công của anh. Trong truyện Cố hương, Lỗ Tấn phàn nàn về đời thơ ấu của mình bị bó hẹp trong bốn bức tường của lớp học khi so sánh mình với Nhuận Thổ. Ở Phòng văn nghệ Quân đội có một số nhà văn làm công tác nắm chính quyền ngồi vỏn vẹn trong buồng giấy và suy nghĩ về cách viết phục vụ bộ đội. Tôi tưởng rằng chữ phục vụ các anh đó dùng mà không thấy là mỉa mai, vì bản thân đã tự đóng khung óc mình vào bốn mảnh tường thì nhất định là họ bắt anh bộ đội phải nhai những tư tưởng lạc hậu, cũ rích của họ. Người bộ đội ta giầu tình cảm. Đó là căn bản để anh quên mình giữ nước. Sao lại có một số người bán thuốc giả cho anh em uống.

Nói thế này chắc lại có anh sẽ bảo là nói quá, chứ bây giờ thay đổi rồi. Tôi đồng ý có một số hình thức đã thay đổi rồi. Tôi đồng ý có một số hình thức đã thay đổi nhưng kỳ thực thì chưa có gì thay đổi về căn bản, mà cũng chưa đáng goi là cải lương (!) nữa. Sau khi Tú Nam đi Trung Quốc gặp Ngụy Nguy về có một vài điểm đề ra gọi là chính sách văn nghệ. Ví dụ như nhà văn quân đội được tự do đi lại hơn, có thể đi sáng tác một thời gian nào đó, nhưng kỳ thực đó chỉ là một lối làm theo chủ quan một vài cá nhân. Thực tế thì như thế nào? Thực tế thì các nhà văn, các nhà nhạc quân đội cũng "giống như tuyên huấn, như chính trị, người ta cũng phải suy nghĩ sáng tạo, sao người ta đúng giờ hành chính lên ngồi bàn giấy để làm việc mà các anh văn nghệ lại đòi ở riêng" (lời một người trực tiếp chỉ đạo văn nghệ quân đội). Thế tức là ở Phòng Văn nghệ Quân đội hiện nay, mỗi buồng có một số bàn ghế phân phối theo điều lệnh, đến giờ hành chính, các nhà văn lên ngồi đó sáng tác, hết giờ về phòng ngủ. Những người lãnh đạo sao không chịu suy nghĩ, tại sao lại có anh em quay mặt vào tường để sáng tác? Thực tế thì như thế nào? Thực tế thì trong bài nhận định về phong trào văn nghệ 6 tháng đầu năm đăng trên báo Văn nghệ Quân đội số gần đây, tình hình văn nghệ quân đội đã có gì đổi mới chưa hay vẫn là thế, vẫn là "nặng về chỉnh huấn, nhẹ về con người", "cần đi sâu đi sát hơn nữa". Thực tế là một nhà văn như Hồ Phương, vẫn thắc mắc lo lắng một cách đáng thương về những điểm rất nguyên tắc: "Chúng ta cần bàn bạc với nhau (trong cuộc kiểm điểm 6 tháng chưa bàn bạc đến sao?) làm thế nào để thể hiện được con người bộ đội cho sinh động và trung thực…", "Ta phải đi sâu vào những mơ ước, hy vọng của người chiến sĩ: tương lai, gia đình, tình yêu… công tác!...", "Ta cần nêu lên những cái hy sinh cao đẹp của người chiến sĩ, trong hòa bình không phải là họ đã hết gian khổ về vật chất và tình cảm" (trích bài “Viết về bộ đội” của Hồ Phương, báo Văn nghệ số 135). Sự thực thì cho đến nay trong tâm hồn con người đó vẫn như vướng mắc một cái gì chưa nói ra được và vì thế nên anh vẫn chưa viết nổi một tác phẩm nào thành hình.

Theo ý tôi thì những điểm nêu trên đây là cả những vương vất u ám hai năm nay trong Phòng Văn nghệ Quân đội. Nhưng cũng ở trong đó đã nẩy mầm lên những cái gì gọi là mới của văn nghệ nước ta. Từ cuối 1954, do hoàn cảnh thay đổi trên đường lối đấu tranh chính trị của nước nhà, nhiều anh em văn nghệ quân đội đã có một số kiến nghị mong xây dựng nên một chính sách văn nghệ toàn mỹ. Cụ thể có mấy điểm:

1) Văn nghệ và chính trị: đề nghị xét lại cương vị người chính trị viên trong các đơn vị văn nghệ, thường choán hết mọi quyền chuyên môn. Giả lại cho người văn nghệ những cái gì của họ để họ phát huy được triệt để khả năng phục vụ.

2) Phát huy mọi hướng sáng tác: đi đến cùng vẫn là phục vụ bộ đội. Chủ trương trăm hoa đua nở (từ đầu 1955 chúng tôi đã dùng danh từ này) cụ thể là tự do sáng tác. Người văn nghệ trong quân đội không chỉ viết về bộ đội mà có thể viết về công nhân, nông dân, nhưng để có tính chất riêng của nó, phải đứng trên quan điểm một người bộ đội để viết phục vụ bộ đội.

3) Yêu cầu cải tiến một số chế độ: như về học tập chính trị không nên căn cứ vào cấp bậc để định mức học. Vì thế thì có người như Văn Giáo, Phùng Quán chỉ là chiến sĩ cấp trung đội không được đi dự những lớp học trung cấp, rất thiệt cho sáng tác. Về điều kiện ăn ở, vì người văn nghệ không thể đến giờ hành chính buộc họ phải sáng tác, hết giờ về nghỉ được.

Vấn đề đề ra, đứng về trách nhiệm, về thành tâm thì rất đúng. Tất nhiên thời kỳ đó anh em đã có khuyết điểm là nóng nẩy trên thái độ, phát ngôn bừa bãi, không tuân thủ được một số kỷ luật. Nhưng tôi nghĩ rằng đấy không phải là điểm để người lãnh đạo không lắng nghe ý kiến đúng của quần chúng. Con nghịch ngợm làm bẩn rách áo thì mẹ đánh, nhưng không phải là lột áo của con bắt nó chịu rét.

Do lối nhìn thiển cận, thiếu quan điểm quần chúng, không rõ được đường lối văn nghệ cần thiết phù hợp với hiện trạng nước nhà, nên một số các người lãnh đạo văn nghệ và một số văn nghệ sĩ chuyên môn làm công tác lãnh đạo đã lúng túng trước những yêu cầu đó. Rồi không đủ khả năng giải quyết đã đi tới chỗ cho anh em đó là "hòa bình hưởng lạc", "bị tư sản tấn công", "đòi thoát ly chính trị", "vô chính phủ". Từ chỗ nhận định đó để bước vào bè phái chủ nghĩa, đàn áp ý kiến của những người không nghe mình, là một con đường rất gần. Hai năm nay trên con đường đó đã xảy ra nhiều việc không tốt mà tôi chưa tiện kể lại đây.

Nhưng tới nay, ánh sáng của Đại hội 20 đang khua dần u ám. Sự thực vẫn là sự thực. Những điều kiến nghị của chúng tôi dần dần được thực hiện. Tôi rất mừng và cám ơn Đảng, vì nếu không thì những cảnh đau lòng đó còn kéo dài đến bao giờ. Văn nghệ là một khí cụ đấu tranh của Đảng. Mà tâm hồn con người văn nghệ lại đen tối hay vướng mắc khổ sở thì bao giờ mới thực sự phục vụ được nhân dân, Đảng?

Một năm nay, Phòng Văn nghệ Quân đội đã làm được những gì? Tôi lại xin trích mấy câu của Hồ Phương, một nhà văn quân đội tương đối lâu năm: "… người bộ đội trong truyện hầu như thành một cái loa để tác giả mượn mồm mà thuyết lý chính trị và hô khẩu hiệu", "Quần chúng chiến sĩ họ không muốn đọc những bài máy móc, giáo điều và giả tạo ấy. Có đồng chí chiến sĩ đã nói: "đọc câu đầu đã biết câu cuối…, hoặc "lại đại khái như cái bài hôm nọ đã đăng báo rồi chứ gì?" (Bài “Viết về bộ đội” − Văn nghệ số 135 − Hồ Phương).

Tôi muốn mượn lời Gorki hỏi các bạn đó một câu: "Các anh viết nhân danh cái gì?" Trong đời con người có những phút cần im lặng để suy nghĩ. Trong cuộc chiến đấu thỉnh thoảng vẫn có một khắc không còn tiếng động. Bây giờ đã là lúc các bạn lãnh đạo văn nghệ quân đội nên thành thực tự hỏi mình câu hỏi của Gorki. Nên nhìn về quần chúng chiến sĩ xem mình đã thực phục vụ họ đến đâu, hai năm nay mình làm thiệt hại của nhân dân như thế nào. Và xét lại những cách đối xử sai lầm với anh Trần Dần trong một thời gian.
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Nội, s. 136 (30.8.1956), tr. 8-11. Lại Nguyên Ân biên soạn.




No comments:

Post a Comment