HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Monday, 23 September 2013

NVGP * 2. NHÂN VĂN 3 * PHẦN 2

2. NHÂN VĂN 3 * PHẦN 2
Báo Nhân văn số 3 (phần thứ hai)

Hoàng Cầm
Đọc lại Vũ Như Tô, kịch của Nguyễn Huy Tưởng [1]

Là một người ham mê tìm đề tài trong lịch sử dân tộc viết thành kịch, tôi đã rất ham mê khi đọc lại vở kịch năm màn của Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng.

Tác giả đã dựng một nhân vật lịch sử Vũ Như Tô, một nghệ sĩ có tài, một nhà kiến trúc ôm hoài bão lớn là xây dựng một công trình nghệ thuật vĩ đại, tô điểm cho non sông. Hoài bão đó phù hợp với cuồng vọng của một tên bạo chúa – Lê Tương Dực - muốn có một toà lầu nguy nga để hưởng lạc thú. Nhưng tấn bi kịch đã xảy trong cái mâu thuẫn gay go giữa chế độ bạo ngược và tài năng nghệ sĩ. Lê Tương Dực thích có Cửu trùng đài, nhưng không tôn trọng, quí mến thiên tài. Hắn thích sống trong toà lầu nguy nga, nhưng lâu đài đó phải xây dựng bằng xương máu nhân dân đang oán ghét hắn, oán ghét chế độ thối nát của triều đại phong kiến đang đổ vỡ. Bản thân nhà nghệ sĩ Vũ Như Tô cũng gặp một mâu thuẫn, bi đát giữa trí sáng tạo rộng lớn với hoàn cảnh thực tế của nhân dân đói khổ lầm than mà nghệ sĩ vô cùng thương xót. Làm thế nào để đạt được nghệ thuật làm giàu cho kho tàng mỹ thuật của đất nước mà nhân dân lại không phải chịu sưu cao thuế nặng, tốn xương, tốn máu? Cái mâu thuẫn đó không thể giải quyết được. Bọn phong kiến đánh lẫn nhau, nhân dân nổi lên lật đổ bạo chúa. Kết quả: toà lầu không xây dựng được, nhà nghệ sĩ phải chết chém.

Nguyễn Huy Tưởng đã nêu bật được cái mâu thuẫn sâu sắc đó trong lịch sử. Hai nhân vật rất đẹp, rất tự hào, sống sôi nổi dưới ngòi bút của anh; Vũ Như Tô và Đan Thiềm, một cung phi đồng tình với nghệ sĩ.

Và tên bạo chúa Lê Tương Dực cũng hiện ra: cuồng bạo, bỉ ổi, tiêu biểu cho một triều đại phong kiến suy tàn và độc ác. Những rung cảm mãnh liệt của tác giả trước một nhân vật lớn, một nghệ sĩ của nhân dân, đã thổi một hơi rất mạnh khiến ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng trở nên sâu sắc. Qua 10 năm, từ khi vở kịch được in ra (1946-1956), tôi đọc lại và theo con mắt của một người đã từng sáng tác, đạo diễn và biểu diễn kịch lịch sử, tôi đã tưởng tượng ra những sân khấu rất tráng lệ, trong đó tấn thảm kịch Vũ Như Tô diễn ra, đau đớn nhưng mãnh liệt, những cảnh đó, với diễn viên chọn lọc và một nhà đạo diễn thông minh mà chúng ta không thiếu, nhất định sẽ nói được cái lớn lao của tâm hồn nghệ sĩ nhân dân: không khuất phục trước cường quyền, một lòng tin vững chắc vào nghệ thuật của mình làm khiếp đảm tên bạo chúa. Đồng thời, chúng ta sẽ thấy được cái mâu thuẫn ghê gớm giữa sức phát triển của nghệ thuật và chế độ không có tự do của bọn phong kiến. Cuối cùng trên sân khấu, tài năng của nhà nghệ sĩ Vũ Như Tô đã bị giẫm nát, đốt cháy, nhưng cũng lại do cái thông cảm lớn của Nguyễn Huy Tưởng, chúng ta thấy nghệ thuật của nhân dân có một ánh sáng lớn mãi muôn đời về sau, và tâm hồn nhà nghệ sĩ Vũ Như Tô đã như những tia hào quang rọi mãi từ thời Lê mạt đến chúng ta ngày nay.

Cuộc cách mạng vĩ đại của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, đã mở một chân trời rộng cho nghệ thuật. Văn nghệ sĩ nhất trí theo đường lối chính trị của Đảng, nhất trí với quyền lợi của nhân dân. Rồi đây trong cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, biết bao nghệ sĩ có tài sẽ càng ngày càng được khuyến khích, hun đúc tài năng, tạo nên những công trình nghệ thuật lớn cho nhân dân, muôn màu, muôn vẻ, làm thoả mãn đuợc cái khát vọng của bao nhiêu nghệ sĩ ngày xưa bị vùi dập bởi cường quyền, hôn quân, bạo chúa, thực dân, phát xít.

Kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, tuy bố cục còn lỏng lẻo (ở màn 2, màn 3) và lời nói của nhân vật nhiều chỗ chưa gọn, về căn bản tác giả đã thành công. Màn 1, màn 4, màn 5 là những màn sôi nổi nhất phản ánh sâu sắc cái mâu thuẫn gay go, bi thảm mà chủ ý tác giả định phơi bầy.

Chúng tôi nghĩ rằng các đoàn văn công lớn, các đoàn kịch tư nhân và Ban Nghiên cứu Sân khấu của Bộ Văn hoá sẽ xét lại một số kịch bản đã bị bỏ quên, nhất là vở Vũ Như Tô, và mạnh bạo đưa lên sân khấu, qua tay những đạo diễn nhiều kinh nghiệm như Thế Lữ, Chu Ngọc, Phan Vũ, Hoàng Tích Linh v.v... Làm như thế, chúng ta sẽ thoát khỏi tình trạng “thiếu vở” hiện nay, và trong khi chờ đợi có những vở mới, khán giả cũng đỡ phải xem đi xem lại một vài vở kịch giả tạo, công thức, đã quá nhạt nhẽo trước cuộc đời.


*


Trần Phương
Coi trọng ý kiến và con người anh chị em biểu diễn nghệ thuật [2]

Cuối năm 1954, một số anh em trong Văn công Trung ương cộng tác sáng tác vở ca kịch Lửa rừng để góp phần xây dựng cho Đại hội Văn công Toàn quốc và cũng mang một mong ước góp thêm những viên gạch đầu tiên cho nền nhạc kịch mới của đất nước. Công trình viết vở và làm nhạc mất gần hai tháng trời (không kể thời gian đi nghiên cứu và sưu tầm tài liệu). Vở kịch được sơ bộ dựng lên sau một tháng trời luyện tập có sự tham gia ý kiến xây dựng của những người lãnh đạo ngành văn nghệ tức là Vụ Nghệ thuật bây giờ. Ai cũng mang một hy vọng vở ca kịch Lửa rừng sẽ mang một tiếng nói quan trọng cho Đại hội về vấn đề ca kịch mới. Lửa rừng dược đem diễn thử tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Thời gian trôi qua, Lửa rừng không đuợc tập và cũng không được biểu diễn nữa... Tôi có hỏi Lê Yên, người sáng tác phần âm nhạc của vở kịch, Lê Yên trả lời là cũng không nắm được vấn đề cụ thể. Thế là chúng tôi, những anh chị em diễn viên của vở kịch chỉ hiểu vẻn vẹn là cấp trên nhận dịnh sai cho nên không tập, cũng không biểu diễn nữa và tất cả diễn viên lúc đầu cũng chưa ai phân tích nổi cái sai của vở kịch.

Sau khi đi hỏi người này, người khác câu chuyện mới vỡ nhẽ ra là như thế này:

Hôm diễn ở Nhà hát Lớn chỉ vì một cái lắc đầu và một câu phê: “Tiểu tư sản!” của một đồng chí lãnh đạo cao cấp trong văn nghệ, ấy thế là các đồng chí lãnh đạo cấp dưới quyết định đóng cửa ca kịch Lửa rừng và cũng bất cần cả ý kiến của những con người đã đổ mồ hôi nước mắt, đã thao thức từ đêm này qua đêm khác cho vở kịch.

Tôi nghĩ đến những buổi học tập của diễn viên, lời nói của Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư còn như sang sảng bên tai: “... Người diễn viên, lao động sáng tạo nghệ thuật của mình, ý kiến người diễn viên góp phần vô cùng quan trọng cho sự thành công hay thất bại của vở kịch...” Tôi nghĩ đến lần đi xem biểu diễn những vở ca kịch lớn của nước bạn Trung Hoa, sau Bạch mao nữ và Lưu Hồ Lan rồi Tiếng hát trên đồng cỏ v.v...; những người diễn viên chúng tôi chua xót nhìn nhau nghĩ đến nền ca kịch mới của nước mình gần như chưa có gì, nghĩ đến trách nhiệm của mình, nghĩ đến cái lãnh đạo kém cỏi đã hạn chế sức sáng tạo trong đường lối trăm hoa đua nở của những con người sáng tác và biểu diễn ca kịch.

Ở đây tôi nói câu chuyện Lửa rừng làm một thí dụ trong nhiều sự việc ở những con người biểu diễn nghệ thuật trong các đoàn văn công để yêu cầu các đồng chí lãnh đạo đã nói thì phải làm, phải coi trọng, đề cao, lấy và phát triển ý kiến của những con người biểu diễn nghệ thuật. Một điệu múa, một bài hát, một vở kịch nên biểu diễn hay nên bỏ không phải ở một vài cá nhân lãnh đạo muốn hay không muốn mà phải do những người đã lao động vì nó nói tiếng nói trước nhất, đóng góp một phần quyết định quan trọng trong sự biểu diễn tác phẩm nghệ thuật.

Vấn đề thứ hai tôi muốn nói ở đây là những vấn đề trong đời sống sinh hoạt của người diễn viên. Tôi đã có dịp được gặp những anh chị em trong các đoàn nghệ thuật Liên Xô, Trung Hoa, cuộc sống thoải mái của họ gần như không phải bận bịu với những sinh hoạt hằng ngày. Họ không còn băn khoăn như những anh chị em diễn viên đội xiếc ở Vụ Nghệ thuật đã vào đội chín tháng trời, đã đi biểu diễn ở Hà Nội, Việt Bắc, khu Tả ngạn, Hữu ngạn (đồng bằng) mà vẫn chưa được tuyển dụng chính thức, vẫn còn phải mang theo một lo lắng: “Khi biểu diễn phải cẩn thận, ngã què chân mà lúc ấy không được tuyển dụng thì rồi sẽ làm gì?”

Trong chín tháng trời qua vẫn chưa đủ thời gian để nghiên cứu lý lịch hay sao mà vẫn để anh em canh cánh bên lòng một mỗi lo, ảnh hưởng tới việc biểu diễn như vậy. Nghệ thuật xiếc là một nghệ thuật vô cùng lao lực, rất dễ mang đến nguy hiểm cho người diễn viên, do vậy cần phải có chế độ bồi dưỡng và bảo hiểm tương đối thích đáng với lao động của họ. Đã sáu, bẩy tháng trời nghiên cứu mà đến nay vẫn chưa có thái độ dứt khoát, cũng vẫn một số sinh hoạt phí tạm tuyển trên dưới ba vạn đồng. Đó là một vấn đề rất thực tế, mang thêm một thắc mắc trong lòng anh em. Có phải là hoàn cảnh chúng ta hiện nay thiếu thốn quá đến mức như vậy không? Hay là sự chú ý của các đồng chí lãnh đạo còn chưa đoái hoài tới? Câu chuyện này không phải chỉ là diễn viên thắc mắc mà còn ở cả quần chúng nữa. Sau khi xem biểu diễn xiếc, thường có nhiều tiếng xì xào: “Trông diễn viên xiếc gầy quá, thương quá!” Thiếu tướng Chu Văn Tấn nói khi xem anh em biểu diễn: “Phải bồi dưỡng thêm cho sức khoẻ của anh chị em”.

Câu chuyện phải luôn luôn lo lắng về đời sống sinh hoạt rất phổ biến trong diễn viên. Sau một đem biểu diễn đã quá khuya, họ mệt mỏi nằm suy nghĩ lo lắng sáng mai không dậy được đúng còi, đúng kẻng. Người chuyên đánh đàn, lúc làm trực tinh cũng phải hô “nghiêm nghỉ” cho giống tác phong quân sự, người chuyên thổi kèn luôn luôn phải thắc mắc về cái chuồng lợn, chuồng gà cho đoàn. Những anh em khác bận rộn về chỗ ăn chỗ ngủ, cái bát, đôi đũa, cái bàn ngồi viết v.v... “trăm thứ bà dằn” đó đã làm bận bịu khá nhiều trong đời sống nghệ thuật của người biểu diễn.

Các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí chính trị viên chưa thiết thực làm nhiệm vụ giúp cho tinh thần của diễn viên được trau dồi. Chưa có người chuyên trách lo cho anh em những vấn đề sinh hoạt linh tinh để tâm hồn khỏi bận bịu, tập trung được nhiều trong việc sáng tạo làm cho nghệ thuật biểu diễn của chúng ta phát huy được hết khả năng.

Tôi mạnh dạn phát biểu một vài ý kiến của một người biểu diễn nghệ thuật, rất mong được sự góp ý thêm của các bạn diễn viên, để xây dựng một nề nếp công tác và sinh hoạt tốt cho diễn viên bấy lâu bị coi nhẹ và kìm hãm.


*


Thơ Mai-a-cốp-ski
Nói lớn [3]
Trần Dần dịch theo từ bản tiếng Pháp của Elsa Triolet. Chú thích của Elsa Triolet và Trần Dần

Bài này Mai-a đọc lần đầu tiên trong “Cuộc triển lãm 20 năm làm việc” của Mai-a, năm 1930 – T.D.


Các đồng chí cháu vẻ vang ơi!
Trong khi
moi đống đá thời kỳ này,
nghiên cứu cái ngày nay tăm tối
các cháu
có lẽ không hiểu rõ
ta là ai?
Các cháu
sẽ nghe thầy học giảng
đàn ong câu hỏi
thầy đem tri thức phủ lên đầy,
giảng rằng
Mai-a xưa
là nhà thơ ca ngợi nước đun sôi
đối nước lã, anh ta thù số một [4]
Ông thầy hỡi!
hãy hạ đôi mục kỉnh!
Mặc tôi,
câu chuyện thời đại
câu chuyện tôi,
tôi kể lấy
Tôi là người tẩy uế,
là người phu gánh nước,
Cách mạng hô hào
tổng động viên tôi
tôi ra trận,
rời xa nơi thâm nghiêm kín cổng cao tường
là nơi ăn chốn ở nàng thơ,
con người kỳ quặc
Nàng có một khu vườn xanh xẻo:
một con tim
tí nước chảy
chút khí trời
một cái giường êm.
“Em dạo vườn em,
em hái bông hồng, bông lựu”
Anh thứ nhất đem thơ tới tưới
ướt người em!
Anh thứ hai
lại rảy nước thơ em!
- hết Mi-tơ-ray-ka lấm la
lại Cu-dờ-ray-ka lấm lét – [5]
Quái quỉ chưa! Đố gỡ cho ra!
Chúng làm ta phát muộn phát sầu
đứng trên bao lơn,
chúng tình tang cây măng-đô-lin tang tính:
“thơ thơ, thiếc thiếc
iếc, ơ”...
Phúc phận mỏng,
tôi lìa xa hồng lựu ý,
nào pho tượng người tôi
xuất hiện
giữa công viên
đầy đờm mủ của người gái đĩ
người ho lao,
đứa vô lại,
kẻ tim la
Và tôi,
người tuyền truyền động viên
thực chán ngấy chưa nào
Tôi có thể
đẻ đái ra
những bản tình ca:
ăn tiền lắm!
thực là ăn khách lớn!
Nhưng mà không
tôi tự kìm hãm ghìm
tôi,
tôi dang chân
chẹn cổ họng tiếng tôi ca.
Các cháu ơi!
Hãy lắng nghe ta,
người tuyền truyền,
người thủ trưởng phóng thanh!
Tôi dập tắt
những dòng thơ man mác
bước chân qua
những trang sách trữ tình
tôi đến đây đúng như
người đang sống
nói cùng người đang sống.
Tôi đến nói với các con, các cháu
Trong đời cộng sản xa xăm
không phải đến
như loài Ét-xê-nhin hon hót. [6]
Thơ tôi đến
trên đầu muôn thể kỷ
vượt qua vai
các vị cầm quyền, và mọi nhà thơ
Thơ tôi đến
không như cái lưỡi
trò chơi tình ái, đàn cầm,
cũng không như một đồng tiền cũ
đến tay nhà bác cổ mân mê
Cũng không như
sao tắt lịm trời
Thơ tôi
xé toang
đống năm tháng chất chồng nhau
Thơ tôi đến
nặng nề
thô tục,
gào kêu,
cũng tựa hôm nay đến với ra
những cống nước cầu cừ
người nô lệ La Mã xưa xây dựng.
Trong đống sách
là nấm mồ thơ phú
sắt thơ tôi bỗng ló mình ra.
Các cháu ơi,
tôn kính ta,
thì cũng chỉ sờ mó sắt thơ ta
như võ khí
đã cổ xưa
mà còn lợi hại
Tôi thì cái kiểu
dùng lời thơ mà gãi
chẳng phải nghề của tôi,
vành tai cô gái đồng trinh
qua món tóc xoăn
không thẹn đỏ
vì bị sờ tục tĩu
Tôi triển khai
đội ngũ những trang thơ
tôi đi duyệt
những dòng thơ bày thế trận.
chuẩn bị xong rồi!
những câu thơ nặng tựa chì
sẵn sàng đi
tử chiến
vĩnh viễn quang vinh
Những bài thơ,
đại bác xếp bên nhau
đang nhằm bắn
những đầu đề khoát đạt.
Những lời châm biếm thông minh,
là võ khí sở trường riêng,
chúng đứng đây kia
chuẩn bị sẵn sàng
vó ngựa ghìm cương
ngọn thương tua tủa,
những vần thơ nhọn hoắt mũi lê,
chúng lao lên
hò hét xuất quân.
Và, tất cả những đoàn quân
trang bị kỹ càng này,
đoàn quân đã hai mươi năm
liệng mình trong chiến thắng, -
không tiếc một trang nào
tôi hiến cả cho anh
người vô sản địa cầu ta.
Mọi kẻ thù
giai cấp công nhân
đối với tôi, cũng là kẻ tử thù.
Những năm nhọc nhằn,
những ngày đói khổ
giục ta đi
theo cờ đỏ dẫn đường.
Ta mở
sách Mác
quyển này quyển nọ
như khi ta
mở toang cửa sổ nhà ta.
Nhưng dù không đọc sách
con người ta cũng biết
phải đứng bên nào
sống thác
đấu tranh.
Đối chúng ta
biện chứng
không do Hê-ghen đem tới.
Mà nó ở trong sấm bão đấu tranh.
Nó xô xát vần thơ,
trong khi đó
dưới đạn ta
bọn tư sản
quất ngựa chạy cuồng
cũng như ta
quất ngựa chạy
khi xưa.
Khi thiên tài chết,
cô Vinh Quang đưa đám
goá bụa tủi hờn, -
cũng có câu thơ tôi gục ngã
vô danh
như người lính của ta,
một chiến sĩ
đi tấn công
gục ngã.
Tôi thì tôi chẳng thiết
những đồng hun hàng tấn
tôi cóc cần
đá bục tượng thơm danh!
Chia nhau vinh dự làm gì?
ta cả mà thôi:
tất cả chúng ta
chỉ cần
một đài kỷ niệm chung
là Chủ nghĩa Xã hội.
chính tay ta dựng.
Các cháu ơi,
hãy xem lại những nút phao nổi trên tự điển
nước sông Mê [7]
trôi
nhiều xác chữ
tựa như những chữ
“làm đĩ”
“vây hãm”
“ho lao”.
Các cháu ạ,
vì muốn cho các cháu vạm vỡ, dẻo dai
ta,
thi sĩ,
ngày đêm ta quyét
những mủ đờm phổi khạc
bằng lưỡi tranh áp phích gạn lì
Những năm tháng nối đuôi tôi
làm tôi giống như một con sò kỳ quặc
đuôi dài.
Hỡi đồng chí cuộc đời,
hãy đi nước đại, nhanh lên!
Những ngày kế hoặch năm năm
Nhanh hơn nữa
tới ngày kết quả!
Thơ tôi
chẳng kiếm được xu nào dành dụm
Người làm đồ gỗ
chưa bao giờ
trang trí cửa nhà tôi.
Thực ra,
ngoài chiếc áo sơ mi tươi tắn,
tôi chẳng cần gì
Trước
bộ kiểm tra Trung ương Đảng
những năm trong sáng tương lai,
vượt trên
lũ nhà thơ
bạc lận cờ gian
tôi sẽ giơ cao
tờ chứng minh thư Đảng
là toàn tập thơ bôn-sê-vích tôi làm

(1930)


*



Chu Ngọc
Quần chúng đã chán ghét lối “chặn họng” ấy rồi [8]


Sau khi Nhân văn số 2 ra rồi, dư luận trong quần chúng cho rằng chúng tôi trả lời bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân như thế nào là ôn hoà, phải chăng và tình hình có thể dịu đi để tiến tới hiểu nhau hơn.

Bởi vậy chúng tôi đã gác lại những bài của anh em văn nghệ sĩ, trí thức và những ý kiến phát biểu của bạn đọc về sự chỉ trích của bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân. Nhưng báo số 3 đang in thì lại thấy bạn Nguyễn Chương lên tiếng trên báo Nhân dân một lần nữa, tiếp tục chụp mũ chúng tôi thế này thế khác. Do đó chúng tôi bất đắc dĩ phải trở lại vấn đề.

Bài này của anh Chu Ngọc cũng như ý kiến của các bạn Trần Bái và Phùng Bảo Kim đều mới trả lời vào bài cũ của bạn Nguyễn Chương. Đối với bài mới của bạn Nguyễn Chương, nếu cần, chúng tôi sẽ trả lời trong số báo sau.

Nhân văn



Tôi không đi vào phân tích toàn bộ bài phê bình báo Nhân văn của ông Nguyễn Chương trên báo Nhân dân.

Tôi chỉ nói đến lối phê bình “chặn họng”, phá đoàn kết vì tính chất mệnh lệnh, uy hiếp tinh thần và khinh miệt quần chúng của nó.

Ông Nguyễn Chương kết luận phần nhận định báo Nhân văn rằng: “Bọn Mỹ, Diệm hiện đương ra sức vu cáo chế độ miền Bắc là không có tự do, dân chủ cho nên chưa thể tổng tuyển cử để thực hiện thống nhất nhà nước được.

Chúng ta không nên mắc vào âm mưu của chúng.”

Phải xem lại toàn bộ báo Nhân văn số 1 xem có bài nào, điểm nào chúng tôi “vu cáo” để “mắc vào âm mưu của địch”?

Phương pháp phê bình theo chủ nghĩa nghĩa Mác-Lênin là thực sự cầu thị. Phê phán phải dựa trên cơ sở thực tế, nghĩa là phải dẫn chứng. Nếu không chỉ chung chung, suy diễn. Và khi đã suy diễn tất nhiên phải tiến tới một quy kết hồ đồ.

Bài phê bình của ông Nguyễn Chương đã mắc vào sai lầm ấy.

Vì rằng Đảng và Chính phủ đương phát động rộng rãi phong trào phê bình trong nhân dân quần chúng để củng cố lại đường lối, chính sách cho phù hợp với nguyện vọng nhân dân. Công tác đó đã tiến hành ở các cơ quan, đoàn thể và các khu phố ở thủ đô cũng như nơi khác. Về ngành văn nghệ, báo Nhân văn có nêu lên một số hiện tượng sai lầm của lãnh đạo văn nghệ. Chứng người, chứng việc hiện còn đương sống với chúng ta.

Chúng tôi chỉ muốn thực hiện đúng phương châm trong việc phê bình của chúng ta là: Nói thẳng, nói thật, nói hết.

Báo Nhân dân là cơ quan của Đảng, ông Nguyễn Chương là một đảng viên, tất nhiên không lạ gì phương châm ấy.

Vậy khi nhân dân phát hiện một vấn đề nào, chúng tôi nghĩ cơ quan của Đảng cũng như các đồng chí đảng viên nên vui vẻ tiếp thu để nghiên cứu, sửa chữa. Sửa chữa để củng cố chế độ của chúng ta cho mỗi ngày một thêm tươi sáng.

Mà xây dựng chế độ, chúng tôi thiết nghĩ, chủ yếu là để cho nhân dân chúng ta sống một cuộc đời no, ấm về thể xác và cởi mở về tinh thần.

Vậy khi thấy một trở lực nào ngăn cản nguyện vọng ấy thì nhân dân đề đạt lên trên để yêu cầu sửa chữa, như thế có hại gì đến việc tiến hành củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam?

Nguyện vọng của chúng tôi là thế chứ chúng tôi không bao giờ có ý “muốn làm cho người ta hiểu lầm rằng toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng và toàn bộ chính trị miền Bắc là độc đoán, độc tài, chà đạp văn nghệ sĩ, chà đạp con người, không có ‘nhân văn’”.

Sao chúng tôi lại bị vu như thế với cái kết luận “chúng ta không nên mắc vào âm mưu của địch”?

Với luận điệu chụp mũ này người ta có thể hiểu rằng, theo báo Nhân dân và ông Nguyễn Chương thì không nên phát hiện gì cả. Chỉ nên phổ biến rộng rãi cái tác phong tiêu cực này ở các khu phố: “thứ nhất ngồi lỳ, thứ nhì đồng ý”.

Nếu không, cứ nói thật lên thì lại “mắc vào âm mưu địch”.

Tuy vậy ông Nguyễn Chương cũng nên thông cảm cho quần chúng là quần chúng không đến nỗi lạc hậu, hèn kém tới mức ấy đâu.

Người nào cũng có tai, có mắt, có bộ óc, có trái tim, đi theo cách mạng, phục vụ cách mạng không kỳ gian khổ, nhưng cũng không để ai có quyền khinh miệt quần chúng.

Tinh thần cách mạng chân chính chống lại bất cứ cá nhân, hay bè phái nào hạn chế tự do tư tưởng của quần chúng.

Cho nên khi thấy một mặt Đảng kêu gọi “nói thẳng, nói thật, nói hết” mà mặt khác những đảng viên như ông Nguyễn Chương và báo Nhân dân lại đe doạ: Công khai đấu tranh chống những sai lầm khuyết điểm của ta là chống chế độ, chống Đảng, là mắc mưu địch v.v... thì còn ai hiểu được! Cái lối khoá miệng quần chúng ấy đã khá phổ biến. Và đã bị và đương bị phản đối.

Quần chúng của Đảng, nhân dân của chính thể này đã chịu sự giáo dục của Đảng, của chủ nghĩa Mác Lê-nin, phân biệt được thể nào là ta, thế nào là địch.

Suy diễn, nghi ngờ, gán ghép, khinh miệt quần chúng, đánh giá địch quá cao đã có nhiều hậu quả chua xót rồi. Quần chúng đã chán ghét đến cực độ luận điệu “chặn họng” cũ rích ấy rồi.

Báo Nhân văn không hề có tư tưởng bôi xấu chế độ. Vì một lẽ rất giản dị, là những người làm báo Nhân văn đều là con đẻ của chế độ xã hội miền Bắc. Họ với chế độ như thịt với da. Đời và tâm hồn họ gắn liền với sự sống còn của chế độ.

Nhờ được ánh sáng của Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô đã thấm vào người họ, họ lớn lên, mắt họ sáng ra, máu họ tươi thêm, mặt họ ngẩng lên, họ nhìn thấy trách nhiệm, thực sự thấy mình là chủ nhân của cuộc đời, họ thấy mình không phải là con rối.

Họ phải làm việc.

Và việc đầu tiên của họ là muốn đánh bật tận gốc những tàn tích phong kiến và thực dân trong hàng ngũ lãnh đạo văn nghệ nói riêng và hàng ngũ cách mạng nói chung.

Chúng tôi cố gắng đấu tranh trong tổ chức, song liên tục chúng tôi bị chế ngự, nguyện vọng của chúng tôi lên tới Trung ương Đảng đã bị thay thế bằng nguyện vọng của bè phái họ.

Chúng tôi nói lên sự thực, mục đích đề Trung ương Đảng nhận định lại vấn đề lãnh đạo văn nghệ.

Đó có phải là một hành động tội lỗi không?

Giải quyết được tình trạng bè phái lãnh đạo văn nghệ là góp được một phần khá lớn vào sự nghiệp củng cố miền Bắc, thống nhất nước nhà.

Chúng tôi đặt vấn đề như thế.

Đó là nguyện vọng của chúng tôi. Do những tấm lòng tha thiết ấy, chúng tôi nêu lên: “Báo Nhân văn đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác Lê-nin” là chúng tôi đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng, trong lúc đấu tranh nội bộ gay gắt này.

Ông Nguyễn Chương cho đó là chúng tôi “nêu lên như một cái chiêu bài”.

Với thái độ này, tôi thấy như ông Nguyễn Chương gạt quần chúng ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng trong khi quần chúng thiết tha lăn vào.

Thử xét lại xem qua thái độ đã toát ra từ bài phê bình, qua những nhận định và sự phê phán báo Nhân văn, ông Nguyễn Chương và báo Nhân dân đã giúp đỡ chúng tôi những gì để chúng tôi đấu tranh? Hay chỉ toàn thấy những giọng trịch thượng, hống hánh, chia rẽ, gây cho chúng tôi những cảm tưởng không tốt về một cán bộ tuyên huấn cao cấp và về vai trò của cơ quan ngôn luận Trung ương Đảng?


*


Nhân văn
Mấy lời chân tình gửi bạn đọc: Về dư luận xung quanh Nhân văn [9]

Báo Nhân văn ra đời, được các bạn khuyến khích, phê bình rất sôi nổi. Từ số 1 (ấn hành 2000 tờ) đến số 2 (ấn hành 6000 tờ), lần nào cũng chỉ trong một ngày là hết báo, điều đó chứng tỏ bạn đọc rất tha thiết đến việc mở rộng tự do dân chủ của chế độ và việc vận động đổi mới công tác văn nghệ, công tác trí thức.

Tuy nhiên, trong công việc xuất bản tờ báo này, chúng tôi còn mắc nhiều khuyết điểm mà hôm nay chúng tôi cần phải trình bày với các bạn và mong các bạn lượng thứ cho.

- Báo ra không đúng kỳ, không báo rõ ngày, khiến các bạn phải chờ đợi thắc mắc.

- Tổ chức trị sự (phát hành, thu tiền) rất luộm thuộm. Có nhiều bạn mua báo dài hạn đã không nhận được báo, hoặc nhận được chậm. Có nhiều bạn muốn mua báo dài hạn mà không biết gặp ai để ghi tên. Địa điểm bố trí báo chưa đều, nên có khu vực tập trung nhiều quá, có khu vực lại không có chỗ bán, khiến nhiều bạn tìm mua rất khó nhọc.

- Nội dung tờ báo, ngoài cuộc đấu tranh về văn nghệ, chưa đề cập đến nhiều vấn đề văn hoá, xã hội cụ thể đang nóng hổi trong tim, óc quần chúng như giáo dục, y tế, sinh hoạt nhân dân v.v...

Những thiếu sót đó là do chúng tôi vừa ít tiền vừa thiếu kinh nghiệm và trong khi gặp khó khăn về ấn loát, về mua giấy, về trụ sở, chúng tôi đã lúng túng trong phần trị sự cũng như phần biên tập; phần đông anh em lại ở trong biên chế chính quyền hay đoàn thể, làm báo Nhân văn có một tay trái.

Chúng tôi đang cố gắng sửa chữa những khuyết điểm, nhược điểm đó.

Tiện đây, chúng tôi đề nghị các bạn chú ý hai điều rất quan trọng chung quanh việc báo Nhân văn ra đời:

1. Ngay từ số 1, dư luận nhân dân, cán bộ và các báo rất sôi nổi về Nhân văn. Có nhiều người tán thành, nhiều người phản đối, thậm chí đi đến chỗ mạt sát khiêu khích báo Nhân văn và một số anh em cộng tác với tờ báo. Chúng tôi để ngoài tai những lời mạt sát, phỉ báng đó, kiên nhẫn tiếp tục nhiệm vụ và vẫn coi thái độ đối lập kia chỉ là thái độ hấp tấp, sai lầm của bạn với bạn mà thôi. Do quan niệm khác nhau về tự do dân chủ nên sinh ra mâu thuẫn; nhưng, tựu chung vẫn là người một nhà nên trước sau rồi cũng thống nhất. Mong bạn đọc sẽ đồng tình với chúng tôi và tránh mọi thái độ không lợi cho đoàn kết.

2. Nhưng bên cạnh ta, vẫn còn lẩn quất những tay sai của đế quốc Mỹ và bè lũ Ngô Đình Diệm muốn nhân lúc này, thò bàn tay bẩn thỉu vào chia rẽ hàng ngũ cách mạng. Chúng nhầm to. Báo Nhân văn cũng như các bạn, không mắc lừa chúng. Mọi âm mưu chia rẽ, phá hoại của chúng sẽ thất bại. Mong độc giả sẽ cùng với chúng tôi đề cao cảnh giác, chống mọi âm mưu xuyên tạc, ly gián của địch.

Ngoài ra cũng còn một số người lạc hậu mang nặng tàn tích đế quốc và phong kiến, tuy đứng trong hàng ngũ cách mạng, nhưng vì quyền lợi, địa vị cá nhân, nên có hành động hoặc lời nói vu cáo, đe doạ định bóp nghẹt dân chủ bằng những phương pháp khi lén lút, khi trắng trợn. Chúng tôi mong bạn đọc sẽ cùng với chúng tôi đấu tranh thẳng thắn với những phần tử xấu đó, để bảo vệ tư do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu và sáng tác, làm cho chế độ ta thêm tốt đẹp.

Nói tóm lại, báo Nhân văn bao giờ cũng đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, kiên quyết đấu tranh cho thống nhất đất nước và dân chủ thực sự - một cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ - và kiên quyết đánh tan mọi âm mưu phá hoại của bọn tay sai Mỹ, Diệm, và cả của những phần tử xấu trong hàng ngũ ta.

Tờ báo này là của các bạn. Các bạn hãy tích cực ủng hộ cho nó sống mãi và càng ngày càng phát triển.

Nhân văn



*


Quảng cáo cho dầu cốt thần, dầu cù là, khuynh diệp hiệu Con Voi, 53 Hàng Gà, Hà NộI


*



Hà Bá
Chưa đẹp mắt [10] - Trang trí và Trật tự

Ấy là câu chuyện nghệ thuật và xử thế.

Hôm nọ có kỷ niệm nhà đại thi hào Nguyễn Du của dân tộc. Ý nghĩa của buổi lễ thực là cao đẹp và chứng tỏ chế độ ta quí trọng những thiên tài đã cống hiến tinh hoa cho nền văn hoá của dân tộc. Nhưng buổi lễ có hai điểm đáng trách.

Bài trí ở trên sân khấu, nhiều chậu cây đuợc đem lên và có nhiều hoa. Ý chừng là nghĩa trăm hoa đua nở chăng? Nhưng ai lại đi cài hoa giả! Một thứ hoa giấy nửa giống hoa hồng nửa như hoa thược dược được cài vào. Đinh lăng mà cũng có hoa! Cây ngâu, các thứ cây, cây nào cũng trổ hoa giả, giả một cách lộ liễu, trắng trợn. Bày la liệt ở sân khấu. Giữa là một cái đỉnh đồng to tròn, trên là mấy chữ cắt dán lùng bùng và ọp ẹp. Thiết nghĩ Bộ Văn hoá và Hội Văn nghệ thiếu gì các nhà trang trí lại đi tô điểm như thế! Bàn diễn giả có một lọ hoa “lay ơn” còn ngậm nụ, to quá, lấp cả ông diễn giả Trương Tửu làm cho công chúng mỏi cổ để nhìn ông mà chỉ thấy đôi kính lấp loáng. Chưa hết. Một số khán giả ngồi xem thiếu lịch sự. “Tác phong dân chủ” đưa chân và giầy dép lên ghế trước, thúc vào lưng người ngồi đằng trước, hãy còn nhiều. Hàng chục bà con lại ngồi ngả người ra như lúc mỏi mệt nhất ở nhà mình. Chắc họ nghĩ: cụ Nguyễn Du không có mặt ở đây nên chả cần. Đứng lên ngồi xuống tự nhiên như ở quán giải khát. Xình! Xình! Những tiếng động ngang bướng như lên giọng bất chấp: diễn giả nói thì kệ diễn giả! Thì ra bà con tự cho mình hoàn toàn tự do trong ngôn ngữ và cử chỉ mà không chú ý đến sự nghiêm chỉnh rất văn minh của những đồng chí nước bạn đến dự buổi lễ.


*


Y Du
Địa ngục miền Nam [11]

Quốc hồn quốc tuý

Ngày 26 tháng 10, Diệm sẽ tổ chức ở miền Nam lễ kỷ niệm tết Cộng hoà có ăn chơi, có đại biểu các nước, có duyệt binh đủ cả hải, lục, không quân. Nhưng ăn chơi thì ăn chơi lối Mỹ. Đại biểu thì đại biểu Mỹ, duyệt binh thì binh lối Mỹ... và hải, lục, không quân thì cũng của Mỹ nốt.

Như thế e rằng là không có tính chất dân tộc độc lập chăng? Vắt óc ra, Diệm chợt nhớ đến cái áo dài đen. Nó là “nghi thức cổ truyền thích hợp để tỏ lòng ngưỡng mộ và suy tôn các anh hùng cứu quốc!!!”

Các vị anh hùng cứu quốc nằm trong các lăng tẩm đền điện chỉ vào Diệm đồng thanh quát lớn:

"Thằng phản quốc đừng bán đứng tên tao!"

"... Mặc bộ quốc phục uy nghi người dân sẽ có dịp nhớ lại nguồn gốc của mình, tưởng niệm đến ông cha, nhớ ơn các vị anh hùng liệt sĩ, đã gây dựng nên giang sơn tươi đẹp ngày nay!!!"

Phạm Quỳnh nghe thấy hiện về bảo Ngô Đình Diệm:

"Ngài ăn nói quả có khéo hơn tôi thật!"

Đài Sài Gòn của Diệm còn triết lý:

“Âu phục tuy có gọn ghẽ, thuận tiện, nhưng chưa thể đánh đổ được bộ quần áo dài của ta... Vì với tinh thần yêu nước tha thiết, người Việt Nam lúc nào cũng tôn trọng những cái gì là Quốc hồn quốc tuý của mình, kể cả đồ trang phục. Tuy nó là hình thức bề ngoài nhưng rất quan hệ và ảnh hưởng đến việc duy trì nền văn minh dân tộc!!!”

Phường giá áo túi cơm bàn chuyện văn hoá dân tộc trên cái áo!

Áo dài nên màu gì?

“Màu lam tượng trưng sự vui mừng chế độ cộng hoà và hoan hô biện pháp”.

Cái màu lam bị buộc tội đồng loã với Diệm một cách oan uổng!

“Nhưng nếu không tiền may áo lam thì mặc áo dài đen cũng được.”

Đài Sài Gòn không phân tích về màu đen! Chính vì màu đen thường là mầu tượng trưng cho tang tóc, đen tối và buồn thảm...


*


Sĩ Ngọc
Bất mãn? [12]

Hiện nay đang có một dư luận không đúng về phong trào phê bình của báo Nhân văn cho rằng những người viết báo ấy là một nhóm bất mãn.

Nói chung một số người có thẩm quyền trong giới lãnh đạo đang cần tung ta một nhận định nhằm cô lập báo Nhân văn và những người cộng tác của báo ấy. Thậm chí cho phong trào phê bình của những người viết ở Nhân văn là phản ứng giai cấp (không nói rõ là giai cấp nào?).

Tôi là một người có cộng tác với Nhân văn vì cho là báo này trong một phạm vi rộng rãi, đã đề cập tới những vấn đề nóng hổi của xã hội, của văn nghệ, nhất là vấn đề phê bình lãnh đạo văn nghệ đã mở đầu sôi nổi. Phê bình để tiến tới xây dựng một chính sách đúng, đẩy mạnh phong trào văn nghệ như ý muốn chung của quần chúng và của Đảng.

Trong phong trào phê bình ấy tất nhiên không tránh được một vài lệch lạc do phẫn uất tích luỹ lâu ngày nổ bùng ra, nhưng theo tôi nếu không phê bình mạnh thì không thể làm cho lãnh đạo thấy vấn đề cho đúng tầm quan trọng của nó. Nếu phủ nhận sự cần thiết đó thì không thể hiểu tại sao chỉ sau khi có những bài phê bình ấy ông Hoài Thanh, ông Nguyễn Tuân, ông Nguyễn Đình Thi mới viết tự phê bình (tuy chưa đúng mức) đăng trên báo Văn nghệ? Đáng tiếc là một số người đang lầm lẫn việc bảo vệ uy tín của lãnh đạo với việc giữ thể diện cho một số cá nhân lãnh đạo.

Theo tôi nghĩ, trong tình hình hiện tại, muốn cho uy tín của lãnh đạo giữ được và tăng thêm thì lại càng phải tự phê bình thành khẩn. Không nên sợ mất sĩ diện khi cái sĩ diện ấy có hại cho Đảng, đi ngược lại với quyền lợi của quần chúng. Không nên (dù hữu ý hay vô tình cũng không nên) lẫn lộn uy tín của cá nhân lãnh đạo với uy tín của Đảng. Nếu uy tín chỉ xây dựng trên sự “không dám nghe” của mình và “không dám nói” của người khác thì cái uy tín cũng nên vứt bỏ đi.

Uy tín của Đảng, của người cách mạng là ở chỗ biết nghe và biết sửa.

Một số người không hiểu như thế nên cứ tìm cách lẩn trốn sự thực, sợ những lời phê bình mạnh, họ tìm cách bịt miệng một số người để cho những người này lại bịt miệng một số người khác nữa... Thực mà nói, nếu những người ở Nhân văn sai, tôi chắc quần chúng bao giờ cũng có đủ sáng suốt nhận định. Họ không dễ bị lừa đâu. Ai dối họ, ai đi ngược lại với quyền lợi của họ, họ đều biết cả!

Làm như thế một là khinh quần chúng không biết gì hoặc là sợ quần chúng sáng suốt nghe những lời nói đúng sự thật. Làm như thế là không tốt.

Nhưng nếu các bạn cứ thấy chúng tôi không bằng lòng cái này cái khác của thời đại mà muốn tìm một danh từ nào đề chỉ hiện tượng đó thì chúng tôi không e ngại tiếng “bất mãn” đến như nhiều người tưởng.

Bất mãn! Tại sao không bất mãn?

Ai thoả mãn trước những sai lầm trong Cải cách Ruộng đất hiện nay? Ai thoả mãn với những sai lầm khác như những sai lầm trong chính sách văn nghệ và trí thức chẳng hạn?

Tôi chắc chắn rằng không phải chúng ta, những người đã tham gia cách mạng, sống chết với cách mạng, những con người của cách mạng. Chúng ta, những con người có nhiệt tâm với nhân dân với xã hội, những con người biết đau xót về những sai lầm tồn tại làm tổn hại đến việc xây dựng miền Bắc, đến công cuộc cách mạng, chúng ta không thể không bất mãn với những sai lầm ấy, với những con người làm ra những sai lầm ấy.

Chúng ta, những người làm văn nghệ phục vụ cho cách mạng, luôn luôn đòi hỏi sự tiến tới không ngừng của xã hội, chúng ta tất nhiên phải bất mãn với những lực lượng phản tiến bộ cản trở bước tiến của xã hội. Chúng ta, những người làm văn nghệ và văn hoá muốn cho chuyên môn của ngành mình phát triển để phục vụ cách mạng cho tốt, tất nhiên phải bất mãn với những cái sai lầm làm cho văn hoá văn nghệ đáng lẽ phải phát triển hơn nữa, thì bị kìm hãm. Bất mãn với những cái sai lầm là chính đáng. Chỉ có kẻ nào thoả mãn với cái sai kẻ ấy mới là kẻ có tội.

Nếu ai nói những người bất mãn ấy là phản ứng giai cấp thì hỏi giai cấp nào phản ứng trước những cái sai lầm có hại cho cách mạng? Thiệt thòi đến nông dân, đến công nhân, đến trí thức, đến cách mạng, ai thoả mãn?

Ai không phản ứng trước những sai lầm ảnh hưởng tai hại đến Cải cách Ruộng đất? Ai không phản ứng trước những sai lầm nghiêm trọng làm tổn thương cho miền Bắc chúng ta trong khi đang cần củng cố và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân để mau tiến tới xã hội chủ nghĩa?

Nếu ai khuyên: Này thôi đừng nói nữa bọn Mỹ Diệm nó lợi dụng”. Tôi trả lời: Thằng Diệm nó vẫn chỉ có một luận điệu nói rằng ở miền Bắc không có tự do nên nó không hiệp thương. Thì những cái phê nình công khai trong nội bộ miền Bắc chỉ càng chứng tỏ rằng chúng ta đang thực hiện một cách đầy đủ quyền dân chủ của chúng ta. Ở miền Nam, bọn Mỹ, Diệm có dám cho nhân dân phê bình chính quyền của chúng không? Ở miền Nam, bọn Mỹ, Diệm có dám bảo đảm đầy đủ tự do dân chủ cho văn nghệ sĩ không?

Tại sao lại sợ thằng Diệm nó biết mình dân chủ? Có là ngây thơ mới nghe lời nói vô lý ấy.

Chỉ có chính quyền dân chủ nhân dân do dân làm chủ có Đảng lãnh đạo mới có những cuộc phê bình mà phong kiến, đế quốc, phát xít, đều sợ, đều cấm, đều đàn áp. Chỉ có những chính đảng thực sự làm cách mạng, mưu cầu lợi ích cho dân tộc, cho nhân dân, được quần chúng ủng hộ như Đảng Lao động Việt Nam mới dám tiến hành sự thực hiện quyền tự do dân chủ thực sự cho toàn thể chúng ta.

Ai sợ phê bình? Tôi xin nói thẳng là những ông Quan liêu, ông Địa vị, ông Sĩ diện. Đó là những đứa con của phong kiến, đế quốc. Cho nên chúng vẫn cứ dùng cái luận điệu đã kinh nghiệm từ thời thiếu dân chủ mà bảo là bất mãn, phản ứng giai cấp v.v... cho những ai dám phê bình chúng. Đảng và Chính phủ đang tiến hành những biện pháp để sửa chữa những sai lầm trong đó có biện pháp sửa chữa tác phong quan liêu, độc đoán, thiếu dân chủ để cho xã hội chúng ta thực sự là cách mạng.

Bất mãn là chưa thoả mãn với thực tế, tất nhiên không phải là muốn quyền lợi cá nhân chúng ta đi ngược lại quyền lợi của quần chúng nhân dân. Chúng ta bất mãn với những cái sai lầm, người sai lầm đã làm thiệt hại cho lợi ích của cách mạng.

Còn đối với một số người cho chúng tôi là bất mãn vì địa vị hay vì quyền lợi vật chất thì chúng tôi thấy không cần trả lời những con người thấp hèn ấy.


*


Hàn Phi Tử
Ngọc bích họ Hoà [13]

Nước Sở có người họ Hoà, được một hòn ngọc ở trong núi đem dâng Lệ Vương. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói “Đá, không phải ngọc”. Vua cho người họ Hoà là nói dối, sai chặt chân trái.

Đến khi vua Vũ Vương nối ngôi, người họ Hoà lại đem ngọc ấy dâng. Vua sai thợ ngọc xem, thợ ngọc nói: “Đá, không phải ngọc”. Vua lại sai cho họ Hoà là nói dối sai chặt nốt chân phải.

Đến khi vua Văn Vương lên ngôi, người họ Hoà ôm hòn ngọc khóc ở chân núi Sở Sơn suốt ba ngày ba đem, chảy máu mắt ra. Vua thấy thế, sai người đến hỏi. Người họ Hoà thưa: “Tôi khóc không phải là thương hai chân tôi bị chặt, chỉ thương về nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho tôi là nói dối!”. Vua bèn sai người xem lại cho rõ kỹ, thì quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên là “Ngọc bích họ Hoà”.

(Cổ học tinh hoa)


*

Thông báo của Phan Khôi [14]

Tôi đi công tác Trung Quốc một thời gian chưa biết bao lâu. Về tờ báo Nhân văn tôi uỷ quyền chủ nhiệm cho ông Trần Duy, thư ký toà soạn, ông Trần Duy sẽ chịu trách nhiệm trong những ngày tôi đi vắng. Tuy vậy, tôi cũng vẫn liên đới chịu trách nhiệm.
Phan Khôi


*


Đính chính [15]

1. Trong bài thơ “Nói lớn”, trang 4, cuối cột 1:

Thơ tôi đến
trên đầu muôn thế kỷ
Vượt qua vai
các vị cầm quyền

Xin đọc là:

Thơ tôi đến
trên đỉnh muôn thế kỷ
Vượt qua đầu
các vị cầm quyền.

2. Trong bài "Mấy lời chân tình gửi bạn đọc" trang 5, đầu cột 2:

Chúng tôi để ngoài tai...

Xin đọc là: Chúng tôi không tán thành…


*


Tranh châm biếm của Y Du [16] vẽ Phạm Quỳnh (1937, bên trái) dẫn đầu một đoàn khăn đóng áo dài, khom lưng trước một quan Tây và Ngô Đình Diệm (1956, bên phải), dẫn đầu một đoàn khăn đóng áo dài, khom lưng trước một quan Mỹ, với dòng chú thích:

“Quốc hồn quốc tuý” của Ngô Đình Diệm hay là câu chuyện chiếc áo dài trên trường chính trị


*


Danh sách những người góp tiền ra báo [17]

Chu Ngọc (Ban sân khấu) 20.000 đ. Trần Quế (Bộ đội giải ngũ) 300.000 đ. Phan Vũ (Ban Sân khấu) 10.000 đ. Nguyễn Sáng (Xưởng hoạ) 50.000 đ. Dương Bích Liên (Xưởng hoạ) 10.000 đ. Lê Anh Tâm (Xưởng phim) 10.000 đ


*


Thông báo: Tại sao Nhân văn bán 300 đ? [18]

Sở dĩ báo Nhân văn bán cao hơn các báo khác là vì chúng tôi chỉ được CƠ QUAN MẬU DỊCH TRUNG ƯƠNG cung cấp giấy cho đủ để in 2000 số, trong khi chúng tôi in tới 6000 số 2 và 7000 số 3. Chúng tôi đã phải mua thêm giấy ngoài thị trường với giá đắt gấp đôi giá mậu dịch. Do đó giá báo lên cao.

Nếu rồi đây chúng tôi cũng được cung cấp giấy rẻ đầy đủ như các bạn đồng nghiệp thì giá báo sẽ hạ xuống.

N. V.


[1]Trang 3
[2]Trang 3
[3]Bài chiếm toàn bộ trang 4, kèm ký hoạ chân dung Maia, tác giả ký tắt không rõ tên
[4]Trong cuộc chiến đấu chống dịch hạch, phải hô hào nhân dân không uống nước lã. Mai-a vốn đã là người rất vệ sinh, càng ưa thích công việc ấy. Như trong vở Con rệp viết năm 1919, Mai-a mường tượng xã hội Xô-viết tương lai hệt như một buồng mổ, anh tiểu tư sản bị ướp trong một cái lồng kính của phòng thí nghiệm, coi như là một di vật kỷ niệm bệnh thổ tả (E.T.). (Các chú thích trong bản dịch này đều của nguyên bản trên báo Nhân văn.)
[5]Mitreika và Koudreika là hai thi sĩ tầm thường đương thời, tác giả viết vào đây, chỉ cốt là chơi chữ (E.T.)
[6]Essénine: nhà thơ tâm tình yếu đuối (T.D.)
[7]Nguyên văn là Léthé: bến lú, sông mê ở âm phủ (T.D.)
[8]Trang 5
[9]Trang 5
[10]Trang 5, dưới cùng, bên phải
[11]Trang 6, góc châm biếm, trên cùng, bên trái, kèm hai tranh minh hoạ
[12]Trang 6
[13]Mục "Ôn cũ biết mới", trong khung, trang 6, in chen vào giữa bài "Bất mãn" của Sỹ Ngọc.
[14]Trang 6, thông báo nhỏ, đóng khung, ở gần cuối trang
[15]Trang 6, gần cuối trang
[16]Trang 6, cuối trang
[17]Trang 6, góc gần cuối trang, bên phải
[18]Trang 6, góc cuối trang, bên phải


Nguồn: Nhân văn số 3, ngày 15.10.1956. Bản điện tử do talawas thực hiện.
Nguồn: Talawas





No comments:

Post a Comment