HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Monday, 23 September 2013

NVGP * 3. GIAI PHẨM MÙA THU 1956 * TẬP I


  3. GIAI PHẨM MÙA THU 1956 * TẬP I




Giai phẩm mùa Thu 1956



Tập II



ab





Trương Tửu


Xã luận


Bệnh sùng bái cá nhân trong giới l.đạo văn nghệ

Hoàng Cầm


Thơ


Em bé lên sáu tuổi

Trần Lê Văn


Xã luận


Một đêm không ngủ

Quang Dũng


Thơ


Những cô hàng xén

Phan Khôi


Xã luận


Ông bình vôi

Trần Duy


Xã luận


Những người khổng lồ

Phùng Quán


Thơ


Thơ cái chổi - Chống tham ô lãng phí

Trần Công


Thơ


Một vài ý nghĩ

Lê Đại Thanh


Xã luận


Cuốn sổ tay

K.


Xã luận


Ngụ ngôn: Tìm ưu điểm

Hồng Lực


Thơ


Tiếng nói của tình yêu

Hữu Loan


Thơ


Cũng những thằng nịnh hót

Hoàng Huế


Xã luận


Một bản đề án về Đại hội Văn nghệ lần thứ hai





ab









Trương Tửu





Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ





“Phê bình và tự phê bình đúng nguyên tắc và công khai là con đường đúng nhất để củng cố Đảng hơn nữa, để nhanh chóng khắc phục khuyết điểm…



… Quần chúng càng tham gia đông đảo vào cuộc đấu tranh chống các khuyết điểm thì khuyết điểm lại càng bớt đi.



… Mở rộng hơn nữa phê bình và tự phê bình, dũng cảm phát hiệt khuyết điểm trong tất cả các lĩnh vực xây dựng kinh tế và văn hoá”.



(Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng Cộng sản Liên Xô tại Đại hội Đảng lần thứ XX, Khơ-rút-sốp trình bày)





Hiện giờ, chính phủ và Đảng lãnh đạo đang phát động và tổ chức một phong trào quần chúng rộng rãi phê bình xây dựng chính sách và cán bộ ở mọi địa hạt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá v.v… Các đại hội đại biểu nhân dân ở các khu phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hoá; hội nghị tổng kết đợt 5 cải cách ruộng đất, hội nghị mở rộng của Mặt trận Tổ quốc ở các tỉnh; hội nghị học tập văn kiện của Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XX ở các cấp bộ Đảng; những cuộc kiểm điểm công tác ở các cơ quan nhà nước, phong trào học tập như Hồ Chủ tịch gửi nông dân ở các thôn xã; các buổi họp phê bình ban lãnh đạo ở các nhà máy và công trường; các buổi chuẩn bị đại hội văn nghệ toàn quốc; các cuộc thảo luận chính trị ở nhiều trại hè giáo viên v.v… đã cổ võ và phát huy đến cao độ tự do dân chủ, tự do tư tưởng, trong nhân dân cũng như trong hàng ngũ cán bộ.



Phong trào phê bình và tự phê bình có tính cách quần chúng ấy chứng tỏ rằng: Chính phủ ta thực sự là của nhân dân, Đảng Lao động thực sự là một đảng cách mạng chân chính, nhân dân dưới chế độ dân chủ cộng hoà thực sự là chủ nhân ông đất nước. Chính phủ và Đảng không sợ sự thực, muốn biết sự thực, cần nắm vững sự thực, yêu cầu nhân dân nói thực. Và nhân dân đã nói thực.



Sự thực ấy là gì?



Sự thực là: chế độ dân chủ nhân dân của chúng ta, trên đường phát triển, hiện đang vướng phải những mâu thuẫn khá gay go đòi hỏi một giải quyết hợp lý và cấp bách. Những lực lượng sản xuất dân tộc, được cách mạng giải phóng thoát khỏi ách đế quốc và phong kiến, đang vấp phải, trong bộ máy quan hệ sản xuất mới, những chính sách, những tổ chức, những tác phong lãnh đạo, những cán bộ chấp hành cản đường phát triển của nó. Những sai lầm nghiêm trọng trong đợt 5 cải cách ruộng đất cản trở lực lượng sản xuất của nông thôn, những khuyết điểm nhiều mặt của mậu dịch quốc doanh, của chính sách thuế khoá cản trở lực lượng sản xuất của thành thị; những tệ lậu của bộ phận lãnh đạo văn hoá cản trở sức phát triển của mọi lực lượng sáng tạo tinh thần (khoa học, nghệ thuật v.v…).



Những lực lượng sản xuất của chế độ dân chủ nhân dân đang yêu cầu chỉnh lý cấp bách những quan hệ sản xuất mới để tự do tiến triển: đó là ý nghĩa cơ bản của phong trào quần chúng phê bình rầm rộ đang diễn ra chung quanh chúng ta.



Chính phủ và Đảng phát động phong trào ấy là có ý muốn tạo ra điều kiện tốt để nhận thức đúng nội dung của mâu thuẫn nói trên một cách cụ thể và toàn diện. Có nhận thức đúng mới giải quyết đúng. Chính phủ và Trung ương Đảng đang chăm chú lắng nghe tiếng nói của nhân dân…



Cho nên, lúc này hơn lúc nào hết, nhiệm vụ của mỗi người công dân chúng ta là nói thực, “dũng cảm phát hiện khuyết điểm ở mọi lãnh vực xây dựng kinh tế và văn hoá”, nhiệt liệt tham gia cuộc đấu tranh chống các khuyết điểm ấy, để giúp các nhà lãnh đạo nhìn rõ toàn bộ sự thực. Trong cuộc đấu tranh này, riêng người trí thức phải can đảm tự gánh lấy một trách nhiệm xứng với cương vị xã hội của mình. Thẳng thắn phê bình những sai lầm thiếu sót của lãnh đạo, của chính sách, của cán bộ là thiết thực góp sức vào sự nghiệp hoàn thành Cách mạng tháng Tám, giữ vững hoà bình, củng cố miền Bắc, thực hiện thống nhất trên cơ sở độc lập và dân chủ thực sự. Lúc này hơn lúc nào hết, nói thực, nói thẳng, nói hết là cái thước đo lòng trung thành của người trí thức đối với chế độ dân chủ nhân dân. Không mạnh bạo phát hiện khuyết điểm và đề nghị sửa chữa là không tin chế độ, không tin Đảng, là tự mình tước bỏ cái nhân cách trí thức của mình, là phụ cái lòng kỳ vọng của nhân dân và chính phủ vẫn đặt vào giới mình.



Nghĩ như vậy nên tôi viết bài này, nối gót nhà văn lão thành dũng cảm Phan Khôi, góp ý kiến phê bình lãnh đạo văn nghệ, đặc biệt sự sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ.



Sùng bái cá nhân là một bệnh phổ biến trong giới lãnh đạo văn nghệ nước ta và đã tác hại khác nhiều đến toàn bộ sinh hoạt văn nghệ. Tôi nói đó là một bệnh phổ biến trong hàng ngũ lãnh đạo văn nghệ. Tôi không nói đó là bệnh của văn nghệ sĩ; vì rằng, hôm qua cũng như hôm nay, người văn nghệ sĩ tự trọng không bao giờ thừa nhận sự sùng bái cá nhân. Nghệ thuật là sáng tạo, là tự do. Sùng bái cá nhân là phục tùng mù quáng, là nô lệ. Hai thứ đó như nước với lửa; có cái này thì không có cái kia được.



Bởi vậy, không phải đợi đến sau Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, văn nghệ sĩ Việt Nam mới chống sùng bái cá nhân. Ai cũng còn nhớ, năm 1948, cố hoạ sĩ cố Tô Ngọc Vân đã tranh luận khá gay gắt với ông Trường Chinh về vấn đề: quần chúng phê bình nghệ thuật. Ngòi bút tranh luận của Tô Ngọc Vân chứng tỏ một khối óc độc lập, một tâm hồn có cá tính không vì uy quyền của lãnh tụ này hay lãnh tụ khác mà thủ tiêu ý kiến riêng của mình. Cũng năm 1948, nhân đi công tác qua Thanh Hoá, ông Trường Chinh có đến câu lạc bộ của Đoàn Văn nghệ Kháng chiến Liên Khu IV nói chuyện với anh chị em văn nghệ về chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam. Trong bài nói, có đoạn ông Trường Chinh lớn tiếng mạt sát hoạ phái lập thể chủ nghĩa (của Picasso). Ông cho hoạ phái ấy, cũng như các phái nghệ thuật Đa đa, Dã thú v.v…, chỉ là những cái nấm độc mọc trên trạng thái thối tha của chế độ tư bản chủ nghĩa ở Âu châu đầu thế kỷ 20. Sau buổi nói chuyện, anh em hoạ sĩ mạn đàm với nhau và nhất trí cho rằng ông Trường Chinh vì không am hiểu chuyên môn hội hoạ nên đã nhận định sai lầm về chủ nghĩa lập thể. Hoạ sĩ Sỹ Ngọc có viết một bài nói về chủ nghĩa lập thể trong tạp chí Sáng tạo số 4 (cơ quan ngôn luận của Đoàn Văn nghệ Kháng chiến Liên Khu IV) để gián tiếp bác ý kiến của ông Trường Chinh.



Ở đây, không nói đến chỗ sai hay đúng của các ý kiến Tô Ngọc Vân, Sỹ Ngọc; chỉ một việc tự do và mạnh bạo phát biểu quan điểm riêng của mình trái hẳn với quan điểm của một nhà lãnh tụ cũng đủ cho ta thấy rõ các bạn đó không có thói quen sùng bái cá nhân, hễ lãnh tụ đã đề ra một ý kiến gì là phải nhắm mắt tuân theo, ca tụng.



Đối với các nhà lãnh đạo bậc dưới, ở các khu hoặc tỉnh, anh em văn nghệ sĩ cũng thường xuyên giữ thái độ tự do tư tưởng như vậy. Tôi còn nhớ, trong Khu IV, nhiều lần văn nghệ sĩ đã xung đột kịch liệt với thiếu tướng Nguyễn Sơn lúc đó (1948-1949) làm Khu trưởng Liên Khu IV. Nhà quân sự này có tham vọng lãnh đạo cả văn nghệ trong phạm vi đất đai thuộc quyền mình. Vì thiếu học thức chuyên môn về nghệ thuật, Nguyễn Sơn đã phải dùng đến uy quyền Khu trưởng để đàn áp tư tưởng của văn nghệ sĩ, bắt anh em phải theo ý kiến chủ quan của ông, gây ra hết mâu thuẫn này đến mâu thuẫn khác giữa ông và văn nghệ sĩ suốt mấy năm trời, làm hại khá nhiều đến phong trào văn nghệ kháng chiến Liên Khu IV. Một lần, đoàn kịch Tiền tuyến, do một số kịch sĩ, hoạ sĩ và diễn viên phụ trách và công tác trong quân đội Liên Khu IV, diễn vở Dứt áo của Chu Ngọc. Kịch vừa hạ màn, quần chúng còn đang vỗ tay hoan nghênh thì ông Khu trưởng Nguyễn Sơn nhẩy ngay lên sân khấu, đả kích vở kịch, đả kích tác giả, đả kích đoàn kịch, đả kích cả khán giả trong hơn nửa tiếng đồng hồ. Theo lệnh của ông, vở kịch ấy không được phép tái diễn nữa. Vở kịch Dứt áo, lập trường đúng hay sai ở đây không bàn đến; chỉ biết rằng lối lãnh đạo “quân phiệt” ấy đã bị anh xem văn nghệ sĩ phản ứng lại mạnh mẽ: đoàn kịch Tiền tuyến tự giải tán.



Khoảng cuối năm 1948, trong trụ sở Xưởng hoạ Liên Khu IV ở Thanh Hoá, có một buổi sinh hoạt toạ đàm về lý luận văn nghệ. Hôm ấy, anh em thảo luận về vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ông Đặng Thai Mai, Bí thư thứ nhất Đoàn Văn nghệ Kháng chiến Liên Khu IV, Hội trưởng Hội Văn hoá Việt Nam, đưa ra ý kiến cho rằng ở xứ ta chưa thể áp dụng hiện thực xã hội chủ nghĩa trong sáng tác văn nghệ được. Theo ý ông thì xứ ta chưa kiến thiết xã hội chủ nghĩa nên chưa có cơ sở để vận dụng hiện thực xã hội chủ nghĩa. Rồi ông dẫn những lời nói của Maxime Gorki để chủ trì rằng văn nghệ Việt Nam chỉ nên sáng tác theo phương pháp lãng mạn cách mạng. Mặc dầu lúc đó có ông Mai ở cương vị một người lãnh đạo văn nghệ toàn Liên Khu IV, quan điểm của ông cũng không nhờ được uy thế đó mà khiến anh em văn nghệ sĩ phải rắp rắp tuân theo. Các bạn dự buổi toạ đàm, sau một hồi thảo luận, đều không tán thành ý kiến ông Bí thư thứ nhất của Đoàn Văn nghệ Kháng chiến Liên Khu IV.



Năm 1949, trên Liên khu Việt Bắc, Hội Văn nghệ có tổ chức một hội nghị tranh luận về thơ, tiểu thuyết, kịch, hoạ, nhạc, nhiếp ảnh. Trong những buổi thảo luận, anh chị em văn nghệ sĩ đều hoàn toàn tự do đề xuất và bênh vực ý kiến riêng của mình. Ông Tố Hữu cũng tham gia nhiều cuộc tranh luận. Nhưng không có một văn sĩ nào lại nghĩ rằng ông Tố Hữu đã đưa ra một quan điểm thì không ai được bàn cãi nữa. Tôi thiết tưởng nếu trong hội nghị có kẻ nào xu nịnh nhà lãnh đạo định đàn áp tự do dân chủ khi thảo luận thì chắc là kẻ ấy sẽ bị anh em công kích và khinh bỉ.



Người văn nghệ sĩ kháng chiến đi tìm chân lý, đi tìm chính nghĩa, đi tìm tự do chứ không đi tìm cuộc đời nô lệ dưới hình thức này hay hình thức khác. Lấy sáng tạo nghệ thuật để phục vụ cách mạng làm lẽ sống chủ yếu, họ không thể sùng bái bất cứ cá nhân nào, không thể thừa nhận bất cứ uy quyền độc đoán nào, chống lại bất cứ sức áp chế tư tưởng nào.



Với những văn nghệ sĩ yêu chuộng tự do như thế, hễ lãnh đạo độc tài, bè phái thì tất yếu sự phản kháng nẩy ra ngay. Đó là tình trạng văn nghệ của ta từ sau 1949.



Một mặt, cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc mỗi ngày một tôi luyện tâm hồn văn nghệ sĩ thêm cứng cáp, rèn rũa lập trường tư tưởng họ một ngày một thêm chính xác; đồng thời cuộc kháng chiến đã làm nở dần ra trong bản thân họ những xúc cảm mới, phong phú, mạnh mẽ và một ý chí phục vụ cách mạng mỗi ngày một thêm sắt đá. Họ muốn đem tất cả tài năng, tất cả cuộc đời hiến cho nhân dân. Họ muốn tiến hành những thí nghiệm sáng tạo nghệ thuật táo bạo phù hợp với yêu cầu của tâm tư súc tích những căm thù và yêu nước. Như đoàn chim đã có lông cánh, họ muốn bay vút lên tầng mây xanh thắm của lý tưởng xã hội chủ nghĩa, mỗi người theo một hành trình độc đáo. Như trăm hoa đầy nhựa sống, họ muốn nở tung ra, mỗi người một hương sắc riêng, giữa thanh thiên bạch nhật của cuộc đời dân chủ tự do. Họ muốn tạo ra một nghệ thuật xứng với một chế độ mà họ yêu quý như yêu quý vận mệnh bản thân. Họ đòi những điều kiện thuận lợi tối thiểu để phục vụ…



Một mặt khác, bộ phận lãnh đạo văn nghệ - cụ thể là Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam và các ban thường vụ chi hội ở các khu – càng ngày càng tiến sâu vào con đường mệnh lệnh, độc tài, quan liêu, bè phái, hẹp hòi…, càng ngày càng trắng trợn căng lưới trên khắp các nẻo đường sáng tác văn nghệ, định biến những văn nghệ sĩ nhiều chất sống và cá tính thành những con cừu ngoan ngoãn, sợ sệt chịu để cho bọn chăn dắt lùa đi ngả nào cũng được. Giống như bọn thầy bùa phong kiến, các nhà lãnh đạo văn nghệ của chúng ta muốn “yểm” tất cả các tâm hồn cứng rắn và tự do cho đến trở thành những hòn đất thó “tròn méo mặc dầu tay kẻ nặn”. Những lá bùa của họ chế tạo ra kể cũng đã khá nhiều: mất lập trường, phạm chính sách, phá đoàn kết, phá tổ chức, vô kỷ luật, chống Đảng, địch lợi dụng, có vấn đề, bất mãn cá nhân, óc địa vị, v.v… còn gì nữa?



Và phải nói ngay rằng ngần ấy lá bùa yểm cũng đã linh nghiệm ít nhiều. Một số văn nghệ sĩ non gan (số ít thôi) ngã vào tay bọn thầy bùa biến thành những tên thư lại văn nghệ xu nịnh trục lợi. Một số khác trốn vào thái độ tiêu cực, chán nản công tác, tâm tư nặng trĩu hờn oán và uất ức. Một số khác nữa “cất kín” cá tính và nghệ thuật xuống “đáy ba lô”, yên lặng làm bổn phận một người công dân kháng chiến bằng bút, bằng màu sắc, bằng dây đàn, bằng sân khấu – “đánh giặc đã!”. Còn một số không khuất phục, kịch liệt phê phán tác phong và đường lối lãnh đạo của thường vụ Hội thì bị chụp mũ, bị chèn ép, bị “trù”, bị hành hạ, bị gạt sang một bên…



… Cho đến hôm nay: sự phải xẩy ra đã xẩy ra. Nhân đã đẻ ra quả. Cuộc đấu tranh âm ỷ dai dẳng chống lãnh đạo độc đoán, quan liêu, bè phái, trong những năm cuối kháng chiến, khi hoà bình trở lại, đã bùng nổ. Khởi điểm là ở trong Phòng Văn nghệ Quân đội. Trần Dần, Phùng Quán, Trần Công, Tử Phác, Hoàng Cầm v.v… đề đạt nguyện vọng lên ban lãnh đạo yêu cầu một chế độ công tác hợp với tính chất đặc biệt của sự sáng tạo văn nghệ, yêu cầu trao trả quyền điều khiển văn nghệ cho văn nghệ sĩ, yêu cầu tự do trong sáng tác và sinh hoạt văn nghệ. Các nhà lãnh đạo văn nghệ quân đội, chủ quan và độc đoán, cương quyết đàn áp phong trào đấu tranh chính đáng ấy [1] . Kết quả là cuộc đấu tranh càng ngày càng lan rộng. Điểm cuối cùng của nó là lớp học tập lý luận văn nghệ tháng Tám vừa qua ở trụ sở Hội Văn nghệ. Suốt mười tám ngày, anh em văn nghệ sĩ trong Đảng cũng như ngoài Đảng đã đứng dậy đồng thanh tố cáo những hành động và thái độ độc tài, bè phái của ban lãnh đạo văn nghệ. Học tập văn kiện của Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô (đặc biệt bản tham luận của Cholokov), học tập văn kiện “Bách khoa tề phóng, bách gia tranh minh” của ông Lục Đỉnh Nhất, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, anh em văn nghệ sĩ càng phấn khởi và mạnh bạo nêu cao khẩu hiệu tự do tư tưởng, trăm hoa đua nở, lấy đó làm mục tiêu đấu tranh chủ yếu. Hôm tổng kết học tập, ông Nguyễn Hữu Đang, đại diện giới văn nghệ sĩ, đã đọc một bản tham luận lên án đường lối lãnh đạo độc tài bè phái của thường vụ Hội, sự việc thật là cụ thể, lời lẽ thật là tha thiết. Ông Tố Hữu, người có trách nhiệm chính về phong trào văn nghệ từ thời kháng chiến đến giờ, đã đứng lên sơ bộ tự kiểm thảo về tác phong quan liêu trong lãnh đạo văn nghệ. Anh em văn nghệ sĩ chưa thoả mãn về những lời tự kiểm thảo của ông Tố Hữu và có yêu cầu được gặp Trung ương Đảng để trình bày nguyện vọng. Cuộc đấu tranh còn tiếp tục… [2] .



Nguyên nhân nào đã xô đẩy các nhà lãnh đạo văn nghệ của chúng ta vào con đường, quan liêu, độc đoán, bè phái tai hại ấy? Nguyên nhân chính là bệnh sùng bái cá nhân. Nó phát sinh từ lúc một số người của Đảng nắm lấy độc quyền lãnh đạo văn nghệ bằng tổ chức.



Thực ra, Đảng lãnh đạo văn nghệ là một tất yếu lịch sử, anh chị em văn nghệ sĩ ai cũng thừa nhận với tất cả nhiệt tình thành thực của họ đối với Bộ Tham mưu Cách mạng đã lãnh đạo toàn dân làm ra tháng Tám 1945, đem quyền độc lập đến cho dân tộc đang quằn quại dưới gót phát xít Nhật, Pháp. Trông cậy vào sự giúp đỡ của Đảng để tự cải tạo, tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lênin để phát triển tài năng, vui vẻ đứng dưới lá cờ Đảng để giết giặc cứu nước: đó là nguyện vọng tha thiết của tuyệt đại đa số văn nghệ sĩ kháng chiến.



Văn nghệ sĩ tin ở Đảng và mong mỏi được Đảng lãnh đạo là bởi họ hiểu rằng Đảng đấu tranh để giải phóng dân tộc, giải phóng con người, giải phóng sự lao động trong đó có cả lao động nghệ thuật. Họ biết rằng chủ nghĩa Mác-Lênin là ngọn cờ tiền phong của tự do tư tưởng. Họ biết rằng một Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin là sứ giả trung thành và hăng hái nhất của tự do tư tưởng. Họ biết rằng cái chế độ mà Đảng đang cùng nhân dân xây dựng bằng xương máu là thiên đường của tự do tư tưởng.



Văn nghệ sĩ kháng chiến hào hứng tiến bước theo lá cờ của Đảng tiền phong. Nhưng trên đường đi, họ đã vấp phải một số người của Đảng trong bộ phận lãnh đạo phong trào văn nghệ. Số người ấy đã làm họ thất vọng. Nói cho đúng, anh em văn nghệ sĩ cũng không bao giờ phản đối sự trạng: đảng viên nắm quyền lãnh đạo. Nếu quả là những đảng viên tốt, ưu tú, giỏi chuyên môn lãnh đạo văn nghệ thì anh em hết sức hoan nghênh. Nhưng sự thật những “đảng viên” ấy thế nào?



Năm 1950, chúng tôi ở Khu IV lên Việt Bắc dự Đại hội Văn nghệ Toàn quốc. Một buổi tối, gặp ông Tố Hữu và ông Lưu Trọng Lư ở trụ sở Hội, nhân nói đến cái trường văn nghệ nhân dân mới lập ở Việt Bắc, một bạn nhà văn Liên khu IV có phát biểu ý kiến cho rằng: Hội Văn nghệ Việt Nam, từ ngày thành lập đến giờ, rất ít chú ý đào luyện cán bộ chuyên môn cho ngành mình, ít chú ý bồi dưỡng trí thức nghiệp vụ cho văn nghệ sĩ. Rồi anh bạn kết luận: “Lúc này mới mở trường văn nghệ nhân dân kể cũng hơi muộn so với nhu cầu của phong trào văn nghệ. Nhưng muộn còn hơn không”. Anh vừa nói dứt lời thì ông Lưu Trọng Lư sừng sộ nói như thét: “Anh bảo muộn là thế nào? Bây giờ mới làm là đúng lúc lắm chứ! Sao lại muộn?” Chúng tôi bình tĩnh nhìn Lưu Trọng Lư “đảng viên” không trả lời. Riêng đối với tôi thì tâm lý và thái độ của ông Lư không làm tôi ngạc nhiên chút nào vì tôi đã gặp tâm lý và thái độ ấy ở một số đảng viên khác, khá nhiều lần. Đó là tâm lý của những kẻ “bảo hoàng hơn cả nhà vua”.



Phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, những người của Đảng phụ trách lãnh đạo văn nghệ, trong kháng chiến cũng như sau khi hoà bình lập lại, đều có thứ tâm lý nói trên. Ở cửa miệng họ, bao giờ ta cũng bắt gặp cái điệp khúc bất di bất dịch này: Đảng không bao giờ sai lầm. Rồi từ chỗ nói: Đảng không bao giờ sai lầm, họ tiến đến chỗ nói: các cá nhân lãnh đạo Đảng không bao giờ sai lầm. Đứng trước một người “quần chúng” nào phê bình những điểm thiếu sót hoặc sai lệch của Đảng, nếu họ không bịt tai chạy trốn được thì thế nào họ cũng phải phản ứng lại kiểu Lưu Trọng Lư.



Những đảng viên “bảo hoàng hơn cả nhà vua” ấy cũng thừa biết câu nói bất hủ của Lênin: “Chỉ có hai hạng người không bao giờ phạm sai lầm: hạng người còn nằm trong bụng mẹ và hạng người nằm trong quan tài”.



Họ cũng biết rằng xét theo một thời gian lịch sử dài thì Đảng không sai lầm – điều này đúng – nhưng xét theo từng giai đoạn nhỏ, từng chính sách, từng kế hoạch cụ thể thì một đôi khi Đảng vẫn mắc sai lầm; - lắm lúc sai lầm nghiêm trọng là đằng khác nữa.



Họ cũng biết rằng một đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin không bao giờ yêu cầu hoặc dung túng, ở người đảng viên, sự nhắm mắt phục tùng tuyệt đối cấp trên đến cái mức hủy diệt cả trí suy xét phê phán cá nhân; trái lại lúc nào Đảng cũng đòi hỏi ở người đảng viên tính sáng tạo tích cực, tinh thần dũng cảm phê bình và xây dựng mọi chính sách của Đảng.



Họ cũng biết rằng chân giá trị của Đảng Mácxít-Lêninít không phải ở chỗ không bao giờ phạm sai lầm - điều này không thể có được - mà chính là ở chỗ khi nào phạm sai lầm thì can đảm công bố cho quảng đại quần chúng biết là mình sai lầm, phân tích đúng nguyên nhân của sự sai lầm và quyết tâm sửa chữa sai lầm.



Các đảng viên lãnh đạo văn nghệ của chúng ta biết tất cả những điều sơ đẳng ấy. Họ đã học tập những văn kiện của Đảng, đọc sách báo Đảng, được theo lớp chỉnh Đảng. Họ lại là những người có điều kiện đọc được tác phẩm của Mác, Lênin, Mao Trạch Đông. Làm gì họ không biết những chân lý phổ thông ấy! Nhưng họ vẫn gào to vào tai quần chúng: Đảng không bao giờ sai lầm; lãnh tụ này hay lãnh tụ khác không bao giờ sai lầm. Và họ hành động, nói năng y như là họ tin thành thực rằng Đảng, lãnh tụ, các cấp ủy không bao giờ sai lầm cả.



Tại sao họ lại tự lừa dối như vậy? Không có gì lạ cả. Họ làm ra như vậy là vì làm thế có lợi cho bản thân họ. Đó là những đảng viên cơ hội chủ nghĩa điển hình. Họ theo phương châm sống: “khuất nhất nhân thân vạn thặng”. Họ sùng bái một người (cấp trên) để vạn người (cấp dưới) sợ cá nhân họ. Nhờ phương châm ấy, họ bám vào gót giầy cấp ủy ban này, cấp ủy ban khác, leo dần lên thang danh lợi, oai quyền hống hách, đàn áp cấp dưới, khinh miệt quần chúng, báo cáo lên trên thì xuyên tạc sự thực có dụng ý, lãnh đạo anh em thì mệnh lệnh độc tài. Họ sùng bái cá nhân là để trục lợi. Họ chỉ có thể tiến thân bằng đường lối ấy.



Cho nên, khi vị lãnh tụ văn nghệ Tố Hữu chỉ thị bỏ những tranh tĩnh vật trong một cuộc triển lãm tranh hội hoạ (1955) thì họ bỏ hết những tranh tĩnh vật; khi ông Tố Hữu tấm tắc khen bức tượng "Hướng điền" của Song Văn thì họ xô nhau vào tấm tắc khen theo; khi ông Tố Hữu chê hai bức sơn mài "Trăng lên" và "Niềm vui" của Nguyễn Sáng trong kỳ triển lãm năm ngoái thì họ ùa vào chê theo mặc dầu họ đã khen Nguyễn Sáng lúc ông Tố Hữu chưa cho ý kiến; khi ông Tố Hữu viết về bản thảo tập Thơ chiến sĩ của Hồ Khải Đại: “Đây là một tài năng mới cần cổ võ và biểu dương” thì họ nhấc tập thơ ấy từ giải khuyến khích lên giải ba [3] . Khi ban lãnh đạo văn nghệ quân đội biên thư cho thường vụ Hội Văn nghệ đề nghị (hay ra chỉ thị?) bỏ cuốn Người người lớp lớp của Trần Dần “phản động”, không chấm giải, thì họ ném Người người lớp lớp và cả nhà văn Trần Dần vào sọt giấy; khi mở ra cuộc phê bình tập thơ Việt Bắc thì họ chỉ rắp tâm hướng dư luận đến chỗ ca tụng ông Tố Hữu v.v… Suy xét, hành động họ nhất nhất rập theo đúng ý kiến và sở thích của cấp trên. Họ tự tước bỏ hết cá tính, tước bỏ trí phán đoán độc lập, tước bỏ luôn nhân cách văn nghệ sĩ. Và do đó họ cũng đã tự tước bỏ luôn cái tư cách cần phải có của một người cộng sản.



Phàm đã sùng bái cá nhân “cấp trên” thì tất nhiên có tâm lý và muốn bắt những người “cấp dưới” sùng bái cá nhân mình. Do đó sinh ra lối lãnh đạo độc đoán và bè phái. Trong số báo Nhân dân ra ngày 8-9-1956, ông Phượng Cầu có lôi ra ánh sáng vụ Nọc rắn, bằng chứng của thứ lãnh đạo văn nghệ độc đoán bè phái.



Vụ Nghệ thuật giao cho Đội kịch Trung ương tập vở Nọc rắn. Khi đi nghiên cứu nông thôn về và bắt đầu diễn tập, các diễn viên đã có ý kiến là vở kịch này nó thế nào ấy diễn không được, nó không đúng thực tế, nó gượng gạo, chắp vá v.v… Nhưng đồng chí Vụ trưởng xoa tay, dõng dạc bảo:



"Căn bản vở kịch này bảo đảm là tốt rồi đấy! Không cần bàn cãi nữa!" Người ta còn phê lên trán đội kịch ba chữ: Thiếu tin tưởng. Lúc đem diễn thử thì ai cũng thấy là vở kịch hỏng về căn bản. “Thế là công lao ăn tập hơn một tháng trời và gần ba triệu đồng của kế hoạch nhà nước biến thành mây khói”. Ông Phượng Cầu thuật xong câu chuyện có viết: “Vở kịch như người bị Nọc rắn nằm lăn ra đây.” Không! Bị Nọc rắn không phải là vở kịch. Bị Nọc rắn không phải là ông Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật. Bị Nọc rắn chính là kế hoạch nhà nước 1956. Ba triệu đồng, mồ hôi nước mắt của nhân dân đóng góp để củng cố miền Bắc, phút chốc bị cái nọc mệnh lệnh bè phái – nguy hại hơn Nọc rắn –của ông Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật làm cho tiêu tán.



Những con người khinh bỉ quần chúng như thế, phá đoàn kết như thế, hách dịch độc đoán như thế, nịnh trên chèn dưới như thế mà bao lâu nay vẫn lãnh đạo văn nghệ, vẫn được cấp trên khen là tốt – lại còn tuyên dương nữa! – thì không cần nói cũng biết cái không khí văn nghệ nghẹt thở đến mức nào!



Thêm vào tư cách lãnh đạo ấy sự hiểu biết nông cạn và lệch lạc về văn nghệ, sự áp dụng máy móc phương châm phục vụ kịp thời, sự bắt buộc lồng một cách công thức chủ trương chính sách vào tác phẩm nghệ thuật, sự độc quyền và bè phái trong việc xuất bản báo, sự áp chế có tính cách hành chính hoặc quân sự đối với những văn nghệ sĩ dám nói thực, nói thẳng, nói hết… là ta có tất cả cái tình trạng văn nghệ ngột ngạt năm sáu năm nay. Bao nhiêu năng lực sáng tạo văn nghệ vì thế mà quằn quại không phát triển mạnh được.



Tôi nói không phát triển mạnh được vì rằng, mặc dầu bị các nhà lãnh đạo kìm hãm, văn nghệ Việt Nam suốt thời kháng chiến và sau khi hoà bình lập lại vẫn theo đà phát triển lịch sử của Cách mạng tháng Tám mà phát triển, không sức bảo thủ nào ngăn lại được. Vả lại, đường lối văn nghệ của Đảng, tuy chưa có hệ thống và chưa được thể hiện ra một chính sách cụ thể, cũng vẫn là kim chỉ nam cho sự hoạt động văn nghệ. Những phương châm dân tộc hoá, khoa học hoá, đại chúng hoá, những khẩu hiệu thâm nhập quần chúng: khai thác vốn cũ dân tộc, mặc dầu thực hành thiếu sót, lệch lạc hay máy móc, cũng vẫn là hướng tiến của văn nghệ Việt Nam. Với đường lối đúng ấy, nếu lại có một chính sách cụ thể và một tổ chức lãnh đạo tốt thì không biết những khả năng sáng tạo của văn nghệ sĩ còn phát triển tưng bừng mạnh mẽ đến thế nào! Tiếc thay! Các nhà lãnh đạo văn nghệ đã kìm hãm sức phát triển ấy bằng một lề lối bè phái, độc đoán quan liêu, sùng bái cá nhân, bằng những thói quen tâm lý còn sót lại của thời thực dân phong kiến.



Họ đã làm trái hẳn ý muốn tốt của Đảng. Họ đã làm giảm sút phần nào uy tín của Đảng trong một số quần chúng văn nghệ quen đánh giá Đảng qua tư cách và hành động của những đảng viên. Họ không đủ tiêu chuẩn một cán bộ cách mạng chứ đừng nói đến tiêu chuẩn một đảng viên cộng sản.



Đã đến lúc phải sa thải những “nhà lãnh đạo” thiếu tư cách mà quần chúng tuyệt đối không tin tưởng nữa để quần chúng văn nghệ tự tay mình điều khiển công việc chuyên môn của mình một cách thực sự dân chủ.



Đã đến lúc phải thanh toán lối đàn áp tự do tư tưởng, khinh miệt quần chúng, mệnh lệnh, độc đoán, bè phái chủ nghĩa do bệnh sùng bái cá nhân đẻ ra, để mở đường cho trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói.



Đã đến lúc Đảng phải nghiên cứu, xây dựng và tuyên bố một chính sách văn nghệ đúng đắn, cụ thể, sát thực tế, để tạo cho văn nghệ dân tộc một cái đà phát triển mạnh mẽ và tự do trên chiều hướng tiến đến xã hội chủ nghĩa, để cho các nhà văn nghệ có đủ điều kiện khách quan làm tròn sứ mạng của họ là “kỹ sư của tâm hồn”.



Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên xô đã rọi ánh sáng tưng bừng vào các tâm hồn khao khát tự do tư tưởng, tự do sáng tác, tự do phê bình. Đại hội đã đánh thức dậy ở họ tinh thần dũng cảm chiến đấu vì chân lý, vì tương lai cộng sản chủ nghĩa, vì giá trị chân thực của con người. Những tâm hồn rạo rực ấy đang đòi hỏi những điều kiện tốt để hiến dâng phần cao quý nhất của họ cho cách mạng, cho tổ quốc, cho nhân dân. Đừng ai nghĩ thiển cận rằng hiện nay toàn thể anh em văn nghệ sĩ đấu tranh cho tự do tư tưởng, vạch trần những sai lầm nghiêm trọng của Hội, yêu cầu Đảng đề ra một chính sách lãnh đạo văn nghệ đúng đắn, chỉ là vì bất mãn cá nhân, vì óc địa vị, vì lương ít, vì muốn phá uy tín Đảng, vì có người xui dục, vì chịu ảnh hưởng xấu của giai cấp tư sản, muốn đòi tự do bừa bãi v.v…



Không! Văn nghệ sĩ (trừ một tối ư thiểu số) đấu tranh không phải vì những động cơ ấy. Họ đấu tranh vì họ yêu chế độ, yêu Đảng, yêu nghệ thuật, yêu con người. Họ đấu tranh là để cho chế độ tươi đẹp hơn, Đảng vững mạnh hơn, nghệ thuật phục vụ Cách mạng đắc lực hơn, con người có nhân cách cao quý hơn.



Họ muốn gì?



Họ muốn tiêu diệt bệnh sùng bái cá nhân trong việc lãnh đạo văn nghệ đã cản trở sức phát triển nghệ thuật, làm đau khổ con người văn nghệ sĩ, làm rã rời tình đoàn kết thân ái trong mặt trận văn nghệ.



Họ muốn chấm dứt lề lối mệnh lệnh, độc đoán, quan liêu, bè phái, chụp mũ, trong sự lãnh đạo văn nghệ, giành lại quyền tự do tư tưởng bị chà đạp bấy lâu nay; vì thiếu tự do tư tưởng thì nghệ thuật sẽ co quắp, mòn mỏi như cụm hoa thiếu ánh sáng mặt trời.



Họ muốn công việc lãnh đạo văn nghệ phải trả lại cho những văn nghệ sĩ – bất kể trong Đảng hay ngoài Đảng – được quần chúng văn nghệ tự ý lựa chọn và tín nhiệm; họ đề ra khẩu hiệu: quyền điều khiển chuyên môn trả lại cho người công tác chuyên môn vì họ đã thấy rõ nếu không nắm được chuyên môn mà cứ chủ quan lãnh đạo chuyên môn thì tất yếu sẽ phạm những sai lầm làm hại đến phong trào văn nghệ.



Đề ra khẩu hiệu ấy, họ không bao giờ có ý nghĩ muốn tách chuyên môn ra khỏi chính trị. Họ vẫn chủ trì rằng mọi công tác chuyên môn đều phải phục vụ một đường lối chính trị chung có lợi cho quảng đại nhân dân, nhưng họ muốn trả lại cho người chuyên môn quyền điều khiển công việc thuộc về phạm vi chuyên môn của họ. Có như thế, chuyên môn mới phục vụ chính trị một cách đắc lực được.



Họ muốn Đảng có một chính sách văn nghệ “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói”, tạo ra những điều kiện tinh thần và vật chất cần thiết để họ đem hết tài năng phục vụ cho chế độ dân chủ nhân dân tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa. Họ muốn sáng tạo ra một nền văn nghệ xứng với Cách mạng tháng Tám, xứng với dân tộc anh hùng.



Họ muốn cùng với toàn thể nhân dân, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nỗ lực củng cố miền Bắc để làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giành thống nhất nước nhà bằng đường lối hoà bình trên cơ sở độc lập thực sự, dân chủ thực sự.



Những ước muốn ấy đã nổi bật lên qua mười tám ngày học tập, thảo luận, liên hệ sôi nổi tháng Tám vừa rồi, qua bản tham luận đọc hôm tổng kết. Đó là những ước muốn chính đáng, xây dựng.



Vấn đề chống sùng bái cá nhân, chống lãnh đạo quan liêu độc đoán bè phái, hiện nay, là một vấn đề rộng lớn, quan trọng. Mong rằng tất cả anh chị em nghệ sĩ nói riêng và anh chị em trí thức nói chung đem kinh nghiệm bản thân góp sức vào công cuộc tiễu trừ óc sùng bái cá nhân độc tài mệnh lệnh bất cứ ở lãnh vực nào. Đó là một cách xây dựng chế độ của chúng ta hiệu nghiệm nhất.



Để kết luận, tôi xin nhắc lại lời nói của ông Khờ-rút-sốp vang động ở Đại hội thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô: “dũng cảm phát hiện khuyết điểm trong tất cả các lãnh vực xây dựng kinh tế và văn hoá”.



10-9-1956





------------------------------------------------------------------



[1]Xem báo Nhân văn số I, bài "Con người Trần Dần" của Hoàng Cầm

[2]Xem báo Nhân văn số I. Bài "Đợt đầu học tập và đấu tranh của giới văn nghệ".

[3]Xem bài: “Một vài sự thật chung quanh vụ giải thưởng văn học 1954-1955”, của Yến Lan, Văn nghệ số 139.

***





Hoàng Cầm



Em bé lên sáu tuổi



Mỗi chính sách của Đảng

Là một tia nắng hồng

Nắng vướng mây xám lạnh

Cỏ hoa còn ngóng trông



Ước có nhiều trận gió

Thổi sạch quang vòm trời

Cho tia nắng nhảy múa

Vui hát thực trên đời.



I.



Em bé lên sáu tuổi

Lủi thủi tìm miếng ăn



Bố: cường hào nợ máu



Đã trả trước nông dân

Mẹ bỏ con lay lắt

Đi tuột vào trong Nam



Từ khi lọt lòng mẹ

Ăn sữa, ngủ giường êm

Áo hoa lót áo mền

Nào biết mình sung sướng



Ngọn sóng đang trào lên

Ai nghĩ thân bèo bọt

Nhưng người với con người

Vẫn sẵn lòng thương xót



Có cụ già đói khổ

Lập cập đi mò cua

Nghĩ đến loài địa chủ

Tim phồng căng oán thù



Cụ đã nuôi đứa bé

Trơn lông và đỏ da

Sáu năm, phường độc ác

Lột trơ xương thân già



Bố mẹ nó không còn

Đứa trẻ nay gày còm

Bỗng thương tình côi cút

Cụ nhường cho miếng cơm



Chân tay như cái que

Bụng phình lại ngẳng cổ

Mắt tròn đỏ hoe hoe

Mở nhìn đời bỡ ngỡ



“Lạy bà xin bát cháo

Cháu miếng cơm thày ơi”



II.



Có một chị cán bộ

Đang phát động thôn ngoài

Chợt nhìn ra phía ngõ

Nghe tiếng kêu lạc loài



Chị rùng mình nhớ lại

Năm đói kém từ lâu

Chị mới năm tuổi đầu

Liếm lá khoai giữa chợ



Chạy vùng ra phía ngõ

Dắt em bé vào nhà

Nắm cơm dành chiều qua

Bẻ cho em một nửa



Chị bần nông cốt cán

Ứa nước mắt, quay đi:

“Nó là con địa chủ

Bé bỏng đã biết gì

Hôm em cho bát cháo

Chịu ba ngày hỏi truy”



Chị đội bỗng lùi lại

Nhìn đứa trẻ mồ côi

Cố tìm vết thù địch

Chỉ thấy một bóng người



Em bé đã ăn no

Nằm lăn ra đất ngủ

Chị nghĩ: sau lấy chồng

Sinh con hồng bụ sữa



III.



Chị phải đình công tác

Vì câu chuyện trên kia

Buồng tối lạnh đêm khuya

Thắp đèn lên kiểm thảo



Do cái lưỡi không xương

Nên nhiều đường lắt léo

Do con mắt bé tẻo

Chẳng nhìn xa chân trời

Do bộ óc chây lười

Chỉ một màu sắt rỉ

Đã lâu nằm ngủ kỹ

Trên trang sách im lìm

Do mấy con-người-máy

Đầy gân, thiếu trái tim



Nào “liên quan phản động”

“Mất cảnh giác lập trường”

Trời nhập nhoạng tối sáng

Chân lý mù như sương



Mấy đêm khóc ròng rã

Ngọn đèn soi tù mù

Lòng vặn lòng câu hỏi:

“Sao thương con kẻ thù?



Giá ghét được đứa bé

Lòng thảnh thơi bao nhiêu

Nhưng bụng nó lúc đói

Giống bụng ta khi nghèo”



Em bé đến ngoài cửa

Thành quen xin miếng cơm

Nhịn cho em một nửa

Chị đưa qua khe tường



Ngồi viết lên từng chữ

Sáng tinh yêu con người

Ngoài kia sông núi mở

Thao thao đến chân trời



IV.



Có đồng chí cấp trên

Lật từng trang kiểm thảo

Nước mắt mấy giọt liền

Rơi trên tờ báo cáo:



“Đảng ta, trời nhân đạo

Còn vương vất bóng đêm

Đồng chí đã thắp đèn

Dòng mực vắt như sữa

Nhức căng hai đầu vú

Nuôi ngày mai lớn lên”



Em bé lên sáu tuổi

Được chăm nuôi lớn dần

Đã tung tăng cắp sách

Cùng trẻ em nông dân



Bướm bay quanh mắt sáng

Cỏ xanh rập rờn chân em

Cỏ đang lấp bùn đen

Của nghìn năm tội ác



Chị đội thăm trường học

Cờ lên, em đứng chào

Mắt sáng như hôm nào

Được miếng cơm của chị.





***





Trần Lê Văn



Một đêm không ngủ



Đã ba hôm nay, Lâm suy nghĩ về một đề tài truyện ngắn. Anh chàng chưa quen với lối làm việc có chương trình, kế hoạch. Cuốn sổ tay xinh xắn bìa màu gụ bóng, có in hình Tháp Rùa, đi đâu Lâm cũng mang theo trong người để tự nhắc nhở mình công việc hàng tuần, hàng ngày. Giở mấy trang đầu, quả có sự quyết tâm “đi vào kế hoạch cá nhân”. Cũng có những đề cương, dự án về sáng tác, cũng phân phối thời gian, có vẻ khoa học lắm. Nhưng mấy trang sau đã bắt đầu thấy những hình con chim con cò vẽ nguệch ngoạc, những câu thơ chữ Hán viết dở dang, những câu thơ trào phúng trao đổi ngầm với một người bạn trong một buổi họp kéo dài… Ba hôm nay, Lâm lại dùng đến quyển sổ tay một cách đều đặn. Anh ghi những ý nghĩ thoáng qua trong óc, phác ra những nhân vật, mường tượng những cảnh huống. Nhưng tối nào cũng vậy, cứ đặt bút viết được ba dòng là anh lại mặc quần áo đi ra đường. Chị vợ nguýt dài, chẳng biết trách yêu hay trách thật: “Lại đi biệt tăm, biệt tích!” Câu này Lâm nghe đã quen tai quá nên cũng chẳng quan tâm cho lắm. Cứ bước ra khỏi nhà là anh thấy “nhẹ nợ”. Ra khỏi nhà là vợ hết ỷ eo hỏi tiền chợ ngày mai, mấy đứa con hết quấn chân đòi mua đồ chơi và mắt anh khỏi trông thấy nồi niêu mắm muối ngổn ngang trên cái bàn viết. Ở nhà với vợ con, mặt anh rầu rĩ như đưa đám nhưng cứ ra đến đường là anh lại nhởn nhơ, gặp bạn thì nói huyên thuyên đủ các thứ chuyện, có khi đùa cả với con nít ngoài phố. Những lúc này, Lâm cũng cảm thấy mình hơi “vô trách nhiệm” nhưng anh chàng hay đãng trí nên dễ quên. Lên đến Hồ Tây thì cuộc đời lại thấy đẹp quá, đẹp như một bài thơ tình. Trăng non tháng Tám thấp thoáng sau những đám lá lăn tăn của hàng cây phượng bên đường Cổ Ngư. Con đường này mang một màu sắc duyên dáng đặc biệt của thời đại. Bên cạnh những bộ áo ka ki, vẫn có những tà áo màu, nhưng cũng có những cái áo thon ngắn, sau lưng tung tăng hai cái đuôi sam tết nơ con bướm. Gió mát đã hơi lành lạnh, mặt hồ gờn gợn, mênh mông. Hương lá sen thỉnh thoảng bốc lên đậm đà gợi đến một ấm trà ngon. Bên kia hồ Trúc Bạch, một cái nhà có nhiều ống khói “giống như một cái tàu thủy đỗ ở bến không bao giờ chạy”. Hình ảnh này là của một anh bạn hay ví von, thường rủ Lâm đi ngắm cảnh hồ. Trên những ghế đá ngoảng lưng ra đường, từng cặp người sát vào nhau, tưởng chập làm một. Từng hàng ô tô bóng loáng, có chấm đèn đỏ đằng sau, toả về những con đường nhẵn thín, rộng thênh thang: Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Cửa Bắc… Hà Nội ở đây không chen chúc, chật chội, ồn ào nữa. Hà Nội ở đây khoáng đãng, thanh tao, trầm mặc, rất tốt cho sự nghỉ ngơi, suy nghĩ hoặc yêu đương. Không khí nhẹ nhàng dễ thở. Gió thổi tung bay mái tóc, lồng ngực thở căng lên như cánh buồm no gió. Thoát khỏi những căn nhà hẹp ở những phố đông người, lên đây người ta muốn cởi phanh áo, khoa chân múa tay cho sướng đời. Lâm đi tha thẩn chẳng khác gì một người vô công rồi nghề, ngắm nghía các ngôi nhà ở dọc những đại lộ. Có những cái nhà vuông vuông tròn tròn, giàn hoa, cổng sắt, phảng phất như những lâu đài cổ bên Pháp. Có những cái giống hệt cung điện quốc vương Khơ-me, đằng trước cũng giồng những cây thuộc loại dừa, loại cọ. Có cái làm theo kiểu Á đông cổng lợp ngói men sứ, mái cong cong, ngoài hiên sáng rực những đèn lồng có tua đỏ, cổ kính, uy nghi. Lâm ngước nhìn lên những căn gác, cửa sổ có riềm lụa màu, lọc ánh đèn xanh dịu. Trên ban công nhà ai, đằng sau bức lan can trạm trổ tỉ mỉ như đăng ten, hai vợ chồng đang ngắm trăng hóng gió, ríu rít chuyện trò. Lâm có một ý nghĩ ngộ nghĩnh: “Không biết họ có nặng lời với nhau bao giờ không nhỉ!”, rồi mỉm cười một mình.



Lâm về đến nhà đã mười giờ khuya. Vợ con anh đã đi ngủ hết. Trẻ con thì nó đi ngủ sớm đã đành. Vợ anh cũng có cái thói đi ngủ sớm. Như thường lệ, anh lẩm bẩm một mình: “Người đâu mà cứ lặn mặt trời đã buồn ngủ rồi!”. Anh có ai nghe nói: hay buồn ngủ là triệu chứng thiếu máu. Nhưng anh vẫn thấy bực mình về thói ngủ sớm của vợ.



Lâm vừa lau cái mặt bàn vừa hát nghêu, hát ngao, tạo “không khí” để lại bắt đầu viết cái truyện ngắn bỏ dở. Anh tợp một hớp nước chè tươi nóng, rít một mồi thuốc lào. Cái điếu này bằng nứa già đen nhanh màu gỗ mun, miệng bịt lại, Lâm coi là một vật quý giá. Anh có khắc vào mấy chữ: “Kỷ niệm Quán Giắt – Nông Cống 1954”. Lâm chắp tay sau lưng đứng ngắm bức tranh vẽ một em bé má phinh phính, tay chân bụ bẫm đang vờn một quả táo to, đỏ mọng. Tờ giấy trắng tinh giải trên bàn. Lâm chép lại những dòng đã viết, nét chữ nắn nót như chữ mẫu ở vở tập đồ. Bỗng nhiên thằng con thứ ba của anh khóc thét lên, đập chân xuống giường đành đạch. Nó nghịch ngợm suốt ngày và có thói quen là cứ đúng nửa đêm, nó nằm mê thấy bạn nó tranh mất con chuồn chuồn hoặc cái tàu bay gấp bằng giấy và khóc nằng nặc đòi trả. Anh mở màn quạt phành phạch, xoa lưng cho nó và dỗ mãi nó cũng không nín. Anh nổi nóng, phát cho nó một cái thật đau, nó càng khóc già và đạp lung tung. Thế là cả mấy đứa thi nhau vừa ho vừa khóc om nhà. Vợ anh giở mình, làu nhàu một lúc rồi lại ngủ. Dần dần không khí trở lại yên tĩnh. Lâm lại ngồi vào bàn, viết rồi lại xoá, loay hoay mãi chẳng thêm được dòng nào. Khoảng hai giờ sáng anh tắt đèn đi nằm nhưng cựa quậy mãi không tài nào nhắm mắt được. Câu chuyện anh bắt đầu viết mô tả một gia đình ở nông thôn bị mấy kẻ giá hoạ vu oan mà vẫn hết lòng tin yêu Cách mạng. Những nhân vật đang chập chờn trong trí anh, những ý nghĩ miên man về các tình tiết đang theo rõi anh, những câu những chữ đến dồn dập lộn xộn. Lâm bật đèn lên ghi vội rồi lại tắt đèn đi nằm, đầu nóng bừng lên như lên cơn sốt. Anh chợt nhớ tới lời đồng chí cấp dưỡng ở nhà báo phàn nàn về cái thói làm việc đêm của các đồng chí nhà văn sống tập thể: “Các ông ấy làm mất cả giấc ngủ của người khác. Cứ nằm một lát lại nhỏm bật dậy đèn hí hoáy viết rồi đi đi lại lại, làm ồn cả nhà. Đề nghị từ nay các ông đi ngủ sớm cho”. Một anh bạn có nói đùa một cách hơi thô trong khi luận về các nghề làm đêm… Câu đùa ấy, Lâm thấy đúng với thời xưa hơn là thời nay. Lâm không tin rằng viết văn thì cứ phải viết về đêm mới được. Giá có một gian buồng thật tĩnh, một cái bàn giấy tươm tất và một vài điều kiện lặt vặt thì viết ban ngày cũng được chứ sao?



Trong các văn nghệ sĩ Liên Xô, Lâm thích nhất Sô-lô-cốp vì theo ý ông này, mỗi nhà văn cần được ở riêng một nhà. Sô-lô-cốp đưa ra một ví dụ ngộ nghĩnh: Nếu tám nhà văn ở chung với nhau, tám cái bếp cùng sôi, tám bà vợ cùng tranh luận với nhau một lúc về ngôn ngữ học thì các ông chồng còn viết lách làm sao được! Bên Liên Xô, trình độ đã cao, các bà vợ đã biết tranh luận về ngôn ngữ học chứ bên mình, trong hoàn cảnh còn thiếu thốn, các bà văn nghệ sĩ chưa gột hết tàn tích cũ, lắm khi còn khẩu chiến với nhau về một mẩu củi hoặc một củ hành mặc dù họ có thể nhường cơm sẻ áo cho nhau được. Nếu không xảy ra những cuộc khẩu chiến ấy thì cũng sẵn có những sự lôi thôi khác ngăn cản suy nghĩ ban ngày của người viết văn. Ít lâu nay chị Lâm quen cái lối tính toán vừa buồn cười vừa sốt ruột. Nào là: bài văn tranh luận này mua được một thước vải, nào là: bài thơ kia đong được hơn một yến gạo. Lâm nhiều lần đã giảng giải cho vợ về ý nghĩa cao quý của nghề văn nhưng chị ấy nghe vẫn chưa thông. Một hôm, chị Lâm đang lúi húi thổi cơm, anh Lâm ở đâu hộc tốc chạy vào bếp đọc cho vợ nghe bài báo anh vừa viết, nhan đề là “Văn nghệ, một lợi khí đấu tranh”. Chị Lâm cúi xuống thổi lửa phù phù chẳng chú ý gì cả làm cho anh ta tưng hửng. Ngoài những nông nỗi ấy, còn chuyện trẻ con hò hét, đánh đấm nhau, khách khứa ra vào rậm rịch suốt ngày làm cho Lâm càng quen viết về đêm. Đêm là khoảng thời gian sung sướng nhất. Không gian rộng thêm ra. Mọi cái phiền nhiễu lặt vặt lắng chìm xuống. Con người hoàn toàn là của mình, hoàn toàn sống với tâm tư mình, nghe thấy rõ từng hơi thở, từng tiếng đập của tim mình. Lâm đã hiểu vì sao những người hay suy nghĩ thường lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm. Không ngủ được, Lâm đem cái chiếu võng của con giải lên thềm, ngồi nhìn ra ngoài sân, hít chút gió mát cho tỉnh người. Cây nhãn bên kia tường hàng xóm toả bóng kín nửa sân. Ánh đèn chiếu qua khung cửa hắt ánh sáng lên chòm lá xanh non của cây khế. Phần ngoạn mục nhất của nhà anh là cái khoảng sân này. Lâm thường ví nó như cái sân nhà Vương viên ngoại khi KimTrọng từ Liêu Dương trở lại tìm Kiều. Những đám rêu mọc ban ngày trông nham nhở bẩn thỉu, ban đêm trông rất nên thơ. Lúc này Lâm ngồi nhìn ra sân để tìm cảm hứng. Cảnh vật u tĩnh như trong sân ngôi chùa cổ. Trăng lặn rồi. Những ngôi sao sáng bật lên, óng ả, khiến người ta nghĩ tới người con gái đẹp buổi sáng trở dậy vừa mới rửa mặt xong. Hồi nhỏ, Lâm có đọc truyện Những ngôi sao sáng của Đi-đê-rô tả anh chàng chăn cừu một đêm có nàng con gái gục trên vai mình dưới bầu trời đầy sao khiến chàng tưởng một ngôi sao sa xuống trần biến thành người đẹp. Lâm nghĩ ngợi lan man. Những người bạn của Lâm giờ này cũng đang mải mê làm việc hay ngủ sớm không thành giấc. Công việc sáng tác đang ám ảnh, dằn vặt họ. Họ cũng đang tranh thủ lấy ít thời gian yên tĩnh, ít không gian rộng rãi của ban đêm để sống với tâm tư, để tạo cho mình một không khí thoải mái dễ chịu mà làm việc. Xã hội đang cố gắng thu xếp cho mọi người được sống thoải mái dễ chịu. Sự cố gắng của từng người thật có một ý nghĩa xã hội rất lý thú… Cuộc sống giống như một đoàn xe lửa. Lúc nó dồn toa, các toa va chạm vào nhau, có những hành khách chẳng may ngã kềnh ra. Chuyến xe chùn lại một chút, để rồi tiến nhanh trên đường vạn dặm. Kẻ nào ngồi trong cái toa xe chật vẫn nhìn lên vòm trời xanh và thích thú vì đoàn xe đang chạy, kẻ ấy thật có tâm hồn nghệ sĩ. Ví nghệ sĩ như kẻ ngồi trong xe, Lâm thấy chưa đúng hẳn. Phải ví họ như ngọn lửa đốt cháy những hòn than đun sôi cái nồi súp-de ở đầu máy. Xe không trật bánh là trông mong ở người lái máy. Hai tiếng “nghệ sĩ” khiến Lâm trìu mến nghĩ tới các bạn mình, những người Lâm gặp hàng ngày, những cái tên Lâm nhắc đến luôn luôn và đối với vợ con anh cũng đã trở nên quá quen thuộc. Ban đêm nhàn tưởng, nghĩ đến nhau cũng là một cách tiêu khiển có ý vị. Lâm không hiểu sao cuộc đời của mình lại gắn liền với cuộc đời của những con người bình thường mà kỳ dị ấy. Lũ con anh hay nhắc đến tên bác Vụ, bác Phùng, bác Long, bác Lý v.v… Chúng thấy mỗi bác một vẻ: người thì nghiêm nghị, người thì hay đùa nhưng đều giống nhau ở một vài điểm là người nào cũng ngồ ngộ một kiểu riêng, người nào cũng hay làm ồn như trẻ con và hay mua kẹo cho chúng, có khi lại chia tiền với bố chúng như trẻ con chia bánh với nhau. Con Nguyệt, đứa con gái đầu lòng của Lâm thì cứ nhăn nhó về việc đun nước và điếu đóm mỗi khi các bác đến bàn cãi với bố nó những chuyện đâu đâu. Lẫn với những tiếng lạ tai đối với trí tưởng tượng non nớt của một em bé lên tám tuổi: nào là kỹ thuật, nội dung, nào là công thức, điển hình… Nó tưởng toàn là những thứ ăn được cả. Các bác thường rủ nhau đến nhà nó bất kể buổi trưa, buổi tối. Có khi giơ chân giơ tay, tía tai đỏ mặt nói như cãi nhau, có khi giở hàng cuộn giấy ra đọc đọc ngâm ngâm một hồi lâu. Bố nó trong lúc bàn cãi với bạn hay có dáng điệu bế thằng cu Đán giơ cao lên, rúc mũi vào bụng nó, tỏ vẻ khoái trá. Thằng bé cười như nắc nẻ, đạp đạp hai bàn chân nhỏ xíu vào vai bố. Các bác đến rồi lại đi, đi rồi lại đến. Chỉ khổ cho nó phải đun nước và hót tàn đóm với bã thuốc lào. Lâm thấy diễn lại trong óc những hoạt cảnh như vậy và cũng diễn lại những mẩu đời của từng người bạn. Ý nghĩ chẳng thành hệ thống gì…



Vụ giờ này chắc cũng đang tiếp tục viết cái tiểu thuyết trường thiên Tấm tình cao cả tả đời sống và tình duyên của một anh cán bộ với một chị công nhân. Vụ là một anh chàng đã ngoại tứ tuần, lưng đã gò xuống như ông Lã Vọng, hay mặc cái áo đại cán màu xanh bạc phếch và ngày nào cũng lủi thủi đi ở các vỉa hè Hà Nội, tay cắp một cái cặp trông như một ông giáo già. Thời kháng chiến đã từng làm chủ báo, từ ngày tiếp quản, gặp ai cũng bàn về một tờ báo dự định cho ra đời, một tờ báo thật là “trăm phần trăm Hà Nội”. Cái ma-két bỏ trong cặp thỉnh thoảng lại đem ra sửa lại. Anh ta ở một gian gác, bốn năm tháng quên giả tiền nhà đến nỗi bà chủ phải nhắc nhở bằng cách khoá công-tơ điện và khoá máy nước. Vợ đứng tuổi làm nghề buôn gạo chạy chợ nhưng lắm khi phải vay gạo hàng xóm ăn. Anh ta đã có cháu gọi bằng ông ngoại. Bộ mặt hom hem nhưng mắt lại rất tình tứ, ban đêm thường ngồi bó củi ở sân gác nghĩ ra các loại truyện tình để giáo dục người lớn và truyện vui khoa học để giáo dục thiếu nhi theo một hướng mới. Anh lại tập sự viết cải lương “khai thác vốn cổ” để “cải thiện sinh hoạt”. Chẳng thuộc một điệu hát nào, anh mượn của rạp hát Tân Kỳ một vở về làm mẫu, xoay trần đếm số chữ, dò vần bằng vần trắc trong những bài vọng cổ, sàng sê, khốc hoàng thiên v.v… Công việc này nghe chừng cũng gay go, gian khổ lắm. Ngoài ra, anh đang chuẩn bị xây dựng một tiểu thuyết ba bốn trăm trang về những ngày tham gia kháng chiến ở Việt Bắc. Cốt truyện nhắc đi nhắc lại nhiều lần nên anh đã thuộc lòng tuy chưa viết thành văn.



Long ở gần nhà Vụ. Người ta thường gọi là “Long đông con”. Mới băm sáu tuổi, anh đã sản xuất gần một tiểu đội thiếu nhi. Anh đã nghiên cứu các sách để hãm cái đà sản xuất ấy lại mà chưa thành công. Tính lầm lí ít nói nhưng uống rượu vào thì nói nhiều và hay khóc để tỏ lòng thương bạn. Vợ mượn được một cái máy khâu “Xanh-gie” cũ, hôm nào cũng kỳ cạch may hàng cho mậu dịch đến nửa đêm. Long có khiếu về hài kịch, tuy bề ngoài ít vẻ khôi hài. Hồi giặc Pháp đánh Thái Bình, anh suýt bị lính “rạch mặt” bắt được. Sau đó, anh viết vở Chống càn diễn khắp Liên khu Ba. Anh luôn luôn bận bịu về việc xây dựng những vở kịch bốn, năm màn. Từ ngày rút khỏi Thủ đô, anh vẫn mơ trở về diễn kịch ở Nhà hát Lớn.



Thành cũng ở một phố nhỏ. Anh là một tiểu thuyết gia có thâm niên nên được xếp vào loại “văn sĩ bậc năm” trong thang lương.



Khi mới về Hà Nội, anh đi thăm tất cả các ga-ra ô-tô để tìm một chỗ trú ngụ. Về sau có người nhường cho một gian gác xép. Bà con khu phố tốt bụng, ủng hộ gia đình anh một mớ ao len cũ. Anh có tác phong thích khề khà, thù tạc với bạn hữu. Bộ đồ trà hai mươi năm về trước còn giữ làm kỷ niệm, anh chỉ đem ra tiếp những người bạn chí thân. Hồi mới tìm được chỗ ở, việc đầu tiên là ra chợ giời tậu một mảnh gỗ đánh bóng véc-ni, dỡ ở một cái quầy hàng, đem về làm cái mặt bàn viết. Lại kiếm được một cái đĩa mài mực men xanh ở một hiệu thuốc Bắc, cho vào tí đất thành một cái chậu con, trồng một khóm thạch xương bồ, thỉnh thoảng vẩy vào mấy giọt nước cho nó tươi. Đêm đêm ngồi viết, thỉnh thoảng nhìn bụng vợ một cách ưu tư, nhưng trông thấy khóm cây xanh trên bàn, lòng lại thấy mát rượi, đủ hào hứng viết tiếp cái truyện Những người dũng cảm. Trước khi đi vắng dăm ba tháng làm phóng sự, anh không quên dặn vợ con tưới nước cho cây thạch xương bồ.



Cái tính yêu thiên nhiên của Thành cũng hơi giống tính Phùng. Anh này là một thi sĩ. Tầm vóc cao lớn, khí phách giang hồ. Lâm đã nhiều lúc say mê nghe anh kể lại những thời kỳ kéo nhị ở rạp hát, đánh vật ở cửa đền, ngao du ở Vân Nam. Phùng rất thích những phong cảnh ở nơi xa, xứ lạ. Anh hay tả lại cảnh hoa đào ở Nghi Lương, tiếng chuông cừu buổi sáng ở cổng thành Mông Tự, chim yến ở Yến Tử động. Phùng lại đã tham dự nhiều chiến dịch ở những miền rừng núi tiếp giáp đất Lào. Anh đại đội trưởng nghệ sĩ ấy có dáng dấp một hiệp khách thời xưa. Anh có hàng “co-léc-si-ông” những chuyện ly kỳ về những nơi đã qua. Quen thói hào phóng, tiêu tiền bạt mạng, thế mà ở góc nhà lại giấu một con lợn đất, thỉnh thoảng anh ta bỏ vào bụng nó dăm chục một trăm “để cuối năm có món tiêu”.



Phùng rất giàu trí tưởng tượng. Trong một bức thư, gửi cho Lâm khi Phùng công tác xa Hà Nội sáu tháng, anh vẽ và tả cái nhà tương lai của những người bạn. Lâm nhớ bức vẽ và một đoạn thư: “… Mai sau cái đời nhà văn sẽ khá. Chúng ta sẽ có một khu đất và những ngôi nhà. Anh hãy nhìn xem: cái nhà cao cao ngói đỏ là nhà đọc sách của hai chúng ta. Cái nhà ngoài sẽ là của riêng anh. Cái nhà thứ hai để tiếp đón bạn hữu những ngày chủ nhật. Cái nhà lấp sau cây và chuồng chim bồ câu đó chính là nhà tôi ở (vì tính tôi thích tĩnh mịch) Chúng ta sống với nhau thú lắm. Ngoài cổng của khu nhà sẽ đề mấy chữ: 'Vạn cổ thanh xuân trang’ hay 'Biệt thự bằng hữu’ gì đó…” Một hôm, đứng trước cửa một bệnh viện chờ giờ mở cửa để khám bệnh tê thấp kinh niên, Phùng tả cái hạnh phúc tương lai ấy như đã có thật. Phùng đang nghiên cứu viết một bài đại luận: “Thơ với nhân loại”.



Ý nghĩ về Phùng trong trí Lâm lôi kéo hình ảnh một số bạn thơ khác. Linh, nhà thơ quê ở cửa biển Thần Phù, lòng lúc nào cũng sôi lên như biển động. Anh ta thuê được một cái nhà cách Hà Nội năm cây số, ngày nào cũng đi bộ bốn lần “để nhớ những ngày kháng chiến”. Sau khi bán cái bút máy nho nhỏ xinh xinh có khắc tên người tình cũ, anh ta ân hận mãi và có làm một bài thơ thuộc loại lâm ly. Đó là trường hợp hãn hữu. Thường thường anh ta làm những bài thơ thuộc loại “sù sì” chuyên môn đả cái xấu để xây dựng cái tốt. Linh là bạn thân của một nhà thơ “sù sì” khác. Anh này tên là Trang, có bà mẹ mấy thời đại sống nương náu ở gần cái cái cống mà anh gọi là “cống Long Tu” (cống này đã được sửa lại, đời bà mẹ cũng mát mặt hơn xưa). Hồi Pháp thuộc, Trang đặt cho cống ấy một cái tên đẹp đẽ là “ Đầm Hoa sen” lấy ý rằng: sen chẳng nhuốm bùn. Trong nhóm bạn hữu này lại có Bằng nhà thơ của miền Nam, nhà thơ ngọt ngào của nhiều thành phần phụ nữ; Lý, nhà thơ của cửa biển Hải Phòng, bạc tóc vẫn có số đào hoa…



Nói cho văn vẻ thì những người ấy “như mây trôi bốn phương trời tụ lại”. Đời họ có nhiều chuyện. Họ mang nhiều tâm tư. Trong tâm tư mới còn vướng cả những tâm tư cũ. Về loại này có anh đã làm đến năm tập rồi tự ý đem đốt phăng. Thỉnh thoảng cũng hơi tiếc. Từ tập thứ sáu thì không đốt. Mở đầu có câu:



Tứ thơ giờ ấm hơi người…



Bọn họ cũng có những thói xấu, nết tốt như tất cả mọi người. Họ cũng biết hằm hè bực dọc, lo tính lặt vặt nhưng lại nhiều lúc đại lượng, đáng yêu. Cuộc đời đối với họ có khi quý chuộng, có khi quên lãng hay lạnh nhạt. Chế độ của chúng ta đang cố gắng vun trồng họ, họ cũng đem tâm huyết tưới bón cho chế độ. Kẻ địch dẫu có núi vàng cũng chẳng cám dỗ nổi họ. Ở họ chẳng có gì lạ, chỉ có một cái đáng kể là sự say mê. Ngày xưa, có nhà bác học thiêu ra tro cả nhà cửa để làm thí nghiệm một thứ men sứ. Những người nghệ sĩ cũng đã tự tay mình thiêu ra tro nhiều cái lợi lộc riêng tây để thí nghiệm sự sáng tạo nghệ thuật. Có thể thành công rực rỡ, có thể có sự thất bại đắng cay. Sự nghiệp sáng tạo vẫn quyến rũ họ như con mắt của người yêu. Bây giờ, bọn người ấy vẫn còn giữ cái thói quen chẳng biết tự bao giờ là sống về đêm. Ban đêm cái phần đẹp nhất của con người họ hiện lên, ghi lại, toả ra và có lẽ không bao giờ mất. Ngày nay, nào ai biết Ban-dắc nợ bao nhiêu món, cáu kỉnh bao nhiêu lần với người xung quanh; Nguyễn Du nhịn đói mấy bữa, lang thang những nơi nào. Nhưng Nguyễn Du, Ban-dắc còn để lại những công trình sáng tạo. Ấy là cái phần đẹp nhất của họ, cái ngọn lửa truyền từ đời này sang đời khác làm cho con đường đi của nhân loại sáng sủa ấm áp thêm. Những người nghệ sĩ Việt Nam của thời Dân chủ Cộng hoà cũng có cái hoài bão đem ngọn lửa ấy truyền đi mãi mãi, chói lọi hơn cả những thời trước. Ban đêm thường họ ngồi âm thầm, dùi mài làm việc giống những đạo sĩ thời cổ ngồi luyện đan. Có khi họ nhắm mắt mà chẳng ngủ, trằn trọc, khắc khoải hơn những người tương tư. Đầu họ bốc lửa, bốc lửa. Người họ tưởng chừng cao lớn hơn lên, vượt qua những gian gác xép, những cái ga-ra, những mái nhà thấp… Nghĩ đến đây chợt Lâm đứng bật dậy đèn. Tiếng còi tàu đêm gợi xa xôi. Tiếng chuông đồng hồ hàng xóm thủng thẳng khoan thai. Gió gần về sáng mát rợi làm cho Lâm tỉnh táo. Anh lẳng lặng đến bên giường, vén cánh màn lên, đứng một lúc lâu nhìn vợ con ngủ. Anh kéo tấm chăn nâu đắp kín ngực cho thằng bé đang ho. Anh tự hứa: hôm rằm tháng Tám phải mua cho lũ trẻ mấy con giống bằng bột. Con Nguyệt thích chơi cá vàng, thằng Hồng thích chơi con thỏ trắng… Lâm thấy vui vui nghĩ rằng lũ con anh sẽ có đồ chơi. Chủ nhật sắp tới, một nhóm bạn hẹn đến uống trà, ăn bánh và phê bình tác phẩm. Lâm giở quyển sổ tay bìa màu gụ bóng, nắn nót viết một dòng chữ bằng mực đỏ: Nhất định đêm thứ Bảy viết xong cái truyện ngắn.



Tháng 9-56



***





Quang Dũng



Những cô hàng xén

(Một bài thơ về quê hương cũ)



Rặng vải ven sông Đáy

Um tùm bóng cuối xuân

Sông cạn phơi lòng cát trắng

Người qua nâng gánh ôm quần

Những gánh hàng xén bồ căng

Má hồng thôn nữ.

Thoảng mùi thơm quê mùa

Hơi thở ấm trầu răng đen rưng rức

Mẹ già nón nhẹ bay tua.



Rặng vải um tùm quả chín

Mòng mọng căng lên sức sống chan hoà

Cuối xuân mây lạnh

Đầu hạ gió đưa

Tu hú phương nào bịn rịn



Tu hú tu hú

Mùa vải ven bờ

Nơi quê hương trời xưa ấu thơ

Mái tóc em vừa vương hương bưởi

Chân nhẹ nhàng còn dính phấn hoa

Thôn nào cô mới đi qua

Gà vừa gáy sáng

Thắt lưng đào bên sông yên lặng

Kĩu kịt đôi bồ

Các cô hàng xén ngày xưa.



Các cô hàng xén ngày xưa

Gương tròn bỏ túi, tóc dắt hoa nhài

Hay ngậm ngùi xem Nhị độ mai

Gấp trang sách lại thương đời Cúc Hoa

Trong bồ đủ loại Tây Du

Chinh Đông-Chinh Tây

Bia sơn dầu gáy mốc

Đôi cuốn Thạch Sanh

Một chồng Trê Cóc

Khi gió mùa xuân

Xanh cành tươi lộc

Bói trang Kiều xem chuyện nhân duyên.



Tiếng trống trường xa đã điểm

Đường về trường huyện xôn xao

Các cô đôi má ửng đào

Mấy anh lớp nhất lối nào vừa qua

Hàng các cô:

Ngòi bút “ba la”

Giấy Tây, phẩm tín

Mươi bó quản bút

Thước kẻ tẩy chì

Các anh sắp đến mùa thi

Lúa đồng cũng sắp đến kỳ vàng hoe.



Rặng vải quanh đường về

Quả ngả màu hoàng hôn đỏ sẫm

Sông hiu hiu chiều

Gió mát ven đê

Các cô hàng xén gánh về

Tiếng cười khúc khích

Tu hú im rồi

Vàng nghiêng nắng chếch

Các cô về qua sông

Sông Đáy xuôi dải cồn cát mênh mông

Làng bên bờ xanh mía

Thoảng mùi hoa lan hoa nhài nhè nhẹ

Tiếng nói xa dần

Chiều tím cuối mùa xuân

Sông nước trong xanh

Những bước chân tròn cát mịn



Hàng cau chiều phất phơ

Diều sáo vang lên trăng sáng tỏ

Ngõ làng rộn tiếng cười reo

Chó sủa

Hoa lan vào ngõ tối còn thơm

Các cô hàng xén về làng,



Các cô hàng xén về làng

Mai lại đi từ tối đất

Cần cù nuôi mẹ nuôi em

Những cô hàng xén tên xinh

Đẹp như ca dao nước Việt







***





Phan Khôi



Ông bình vôi



Khắp nước Việt Nam có tục ăn trầu, cho nên ở đâu cũng có bình vôi.



Theo như tôi biết, ở vùng quê chúng tôi, có hai thứ bình vôi. Đều bằng đất nung cả, mà một thứ giống như cái hũ nhỏ, duy cổ eo, miệng loa, cho nhà trung thường dùng; một thứ hình tròn mà đít bằng, trên có quai xách, miệng ở về một bên, toàn thân tô màu lục hoặc màu vàng, cho nhà sang dùng. Cả hai đều để đựng vôi trong lòng nó. Nhưng mỗi khi cho vôi vào, người ta lại cũng dùng vôi đắp cái miệng nó cho cao lên.



Nhà tôi, hồi bà nội tôi còn sống, có một cái bình vôi hạng sang ấy. Mỗi khi mua vôi ở chợ về, bà tôi ngồi tỉ mỉ lấy cái chìa quệt vôi nhét vào miệng nó, gọi là “cho ông bình ăn”. Và lâu lâu đắp thêm cái miệng nó một lần, hoá nên cái miệng càng ngày càng chêu vêu ra.



Thứ bình vôi thường, dùng chìa bằng tre: nhưng thứ bình vôi sang, bao giờ cũng dùng chìa bằng sắt, ở thân cái chìa, đôi khi lại có đeo một lưỡi dao để rọc trầu.



Nhà khác thế nào tôi không biết, còn nhà tôi, tối lại, bà tôi cứ nhớ rút cái chìa ra để ra một nơi khác. Làm như thế, bà tôi cắt nghĩa rằng “ông bình” linh lắm, đêm hôm có kẻ trộm đạo, “ông” sẽ mách cho mình, mà nếu để cái chìa lấp cái miệng thì không mách được.



Tôi nói “nhà tôi có một cái bình vôi”, không đúng. Nói đúng là từ hôi tôi còn nhỏ cho đến năm tôi hai mươi lăm tuổi, bà tôi chết, nhà tôi có ba cái bình vôi kế vị nhau. Bởi vì dùng lâu ngày, trong lòng đầy vôi khô cứng, miệng nó vì cứ đắp nên tum húm lại, không dùng được nữa, phải mua cái khác.



Lúc đó nhà tôi có một cái tran thờ Tam vị: ở giữa là Phúc đức chính thần, hai bên là Thổ công và Táo quân. Hễ cái bình vôi nào bị thải ra thì bà tôi bảo đem đặt lên cái tran ấy, thờ nhân thể.



Sự thờ phượng như thế, không phải chỉ riêng một nhà tôi đâu. Cả làng, nhà nào có bình vôi thải ra, cũng đều đem đặt trên các tường thành đình hoặc chùa; như thế, người ta cho rằng thờ “ông bình” đó.



Cái bình vôi, tại sao lại gọi bằng “ông”, đọc từ đầu đến đây, bạn đọc đã biết. Ở vùng quê chúng tôi, mà có lẽ cả nước Việt Nam cũng vậy, vật gì nó có thể làm hại mình được thì gọi bằng “ông”, vật gì nó to hay sống lâu năm thì cũng gọi bằng “ông”.



Con cọp ăn thịt mình được, gọi bằng ông Cọp, con khỉ phá hoại hoa màu của mình được, gọi bằng ông Trưởng; con chuột, cắn quần áo của mình được, gọi bằng ông Tí. Cái đầu rau, dùng năm mười năm mới thay cái khác, gọi bằng ông Núc; cái che, to, đường kính của nó có khi gần đến một mét, gọi bằng ông Che [1] . Người Việt Nam về sau thế nào chưa biết, chứ về trước, hễ vật gì làm hại được hoặc lớn hoặc nhỏ, vật gì sống lâu và to xác thì đều gọi bằng “ông” để tỏ lòng tôn kính, sùng bái.



Tôi có phạm một cái tội hồi mới mười tám tuổi, bây giờ tôi xin tự kiểm thảo và thú nhận.



Năm tôi mười tám tuổi, tôi không tin như bà nội tôi tin nữa. Một đêm mùa hè, gió nam như bão, sáng trăng mờ mờ [2] , tôi rủ mấy thằng bạn lứa tuổi với tôi đi dọc đường cái làng, đi qua đình vào chùa, bao nhiêu “ông bình vôi” thờ trên tường thành, chúng tôi đều hất một loạt xuống đất cả. Sao lại làm như thế? Chúng tôi cứ làm như thế, không cần có lý luận. Nhưng, vài hôm sau, trở lại xem, không biết là do tay ai, thấy đều đặt lại tề chỉnh trên tường thành.



Tuy vậy, đó không phải cái tội riêng một mình tôi. Bấy giờ bọn thiếu niên chúng tôi hầu như đứa nào cũng có thể làm thế cả. Nếu ngày nay tôi phải tự kiểm thảo thì lũ thiếu niên ấy, bạc đầu rồi, cũng phải tự kiểm thảo như tôi.



Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cũ rũ trên tran hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng ông.



Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ nầy cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt:



Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Y như một cái bình vôi

Càng sống càng tồi,

Càng sống càng bé lại.







***





Trần Duy



Những người khổng lồ

(Gửi những người cộng sản chân chính)



Tôi xin kể các bạn nghe một câu chuyện cổ. Ngày xưa quả đất chưa có người ở, chỉ toàn là cây cỏ núi đá, sông, hồ biển rộng mênh mông. Thú dữ rất nhiều và ma vương quỷ dữ cũng nhiều. Lúc Thượng đế cho những con người đầu tiên xuống, con người hết sức khổ sở. Đời sống ở quả đất bấy giờ chỉ toàn là nước mắt và oán thán. Tiếng khóc tụ lại thành khí, nước mắt bốc lên thành mây dâng lên tận thiên đình. Ngọc Hoàng lo lắng, đau xót vô cùng. Thiên đình lo âu chẳng kém. Một vì sao tâu:



“Sức người có hạn, mà ma quỷ thì uy lực vô cùng, vậy nên phái thêm người nhà trời về giúp sức.”



Ngọc Hoàng bèn triệu tập hội nghị Thiên đình, ra chỉ nặn thêm một đoàn khổng lồ cho xuống hạ giới giúp sức loài người.



Thế là chẳng bao lâu, nặn xong lũ khổng lồ, mình cao trăm trượng, tay chân to lớn, sức lực vô địch. Ngọc Hoàng hà hơi sống, lũ khổng lồ cử động, Thiên đình mừng rỡ… Chỉ nay mai hạ giới sẽ chẳng còn tiếng khóc và nước mắt.



Đoàn khổng lồ xuống hạ giới: bạt rừng lấp bể, nhổ cây vớt rong, bóp vụn đã như nghịch bột, long trời chuyển đất. Đoàn khổng lồ vui sướng và tin chắc đã làm vừa lòng trời và thuận lòng người.



Nhưng một hôm Ngọc Hoàng mở cửa nhìn về hạ giới… Cớ sao tiếng khóc vẫn còn?



Ngọc Hoàng phán hỏi Thiên đình, Thiên đình ngơ ngác nhìn nhau. Có vì sao tâu:



“Việc hạ giới nên triệu Táo quân về đầu đuôi sẽ rõ.”



Mấy hôm sau Táo quân về. Vừa bước tới sân chầu, Táo quân đã vập đầu xuống bệ khóc nức nở. Ngọc Hoàng hỏi:



“Táo thần chưa tâu báo, đã khóc lóc, làm loạn cả quần tiên là cớ làm sao?”



Táo quân vẫn khóc. Ngọc Hoàng nói:



“Táo quân quên rằng quần tiên không có tiếng khóc, và Thiên đình chỉ có tiếng cười và vũ nhạc hay sao?”



Táo quân tâu:



“Hạ thần vẫn muốn như vậy, nhưng trọng trách của Ngọc Hoàng giao cho hạ thần là sống với loài người, chia vui sẻ buồn với họ, thần nỡ lòng nào cười múa lúc loài người còn tiếng khóc và oán hờn?”



Ngọc Hoàng hốt hoảng:



“Thế người khổng lồ hạ giới chẳng làm nên gì ư?”



Táo quân tâu:



“Người khổng lồ đã làm đầy đủ sứ mệnh của Thiên đình giao cho là sát phạt ma vương hổ báo, rẫy rừng, khai sông, lấp bể…”



Ngọc Hoàng hớn hở:



“Thật là tin vui… Nhưng cớ sao khanh còn khóc?"



"Tâu Ngọc Hoàng, tại vì loài người còn khóc."



Ngọc Hoàng chép miệng:



"Nhân thế sinh kiếp trầm luân có khác! Buồn cũng khóc, mà vui cũng khóc, ta biết làm thế nào?”



Táo quân tâu:



“Tâu Ngọc Hoàng, buồn thì phải khóc, nhưng mấy khi vui mà lại khóc?”



“Thế hạ giới chưa vui ư? Ma quỷ tan rồi, hùm beo quét sạch, rừng núi san bằng, loài người thảnh thơi, chỉ khác Thiên đình ở chỗ chưa được mùa xuân muôn thuở, tràng sinh bất tử mà thôi.”



Táo quân trả lời:



“Quả thật nhân thế nhờ người nhà trời mà thôi khóc cái hoạn nạn do ma vương quỷ dữ gây ra, nhưng chưa kịp cất lên tiếng cười thì nhân thế lại bắt đầu buồn về một ít hoạn nạn mới do…”



Ngọc Hoàng sốt ruột hỏi:



“Do ai gây ra?”



“Tâu Ngọc Hoàng… Do chính người nhà trời gây ra.”



Ngọc Hoàng và Thiên đình sửng sốt:



“Cớ sao?”



“Vì người nhà trời bạt núi, khai sông, quên mất loài người bé nhỏ sống gần sông và cạnh núi. Những bản tình ca vừa chớm nở, những hoa bướm, những đôi lứa trẻ mới yêu nhau, những tình thương nỗi nhớ vừa nhen nhúm, có một số người khổng lồ trông thấy đã xéo bừa lên, giày nát…”



Một vì sao hỏi:



“Loài người sống chính nhờ cơm, gạo, khí trời, chứ nhờ đâu tình ca, và hoa bướm.”



Ngọc Hoàng phán:



“Khi ta tạo con người, ta đã thổi vào người chúng cùng với khí nóng và máu, tình thương nỗi nhớ, oán ghét giận hờn, tiếng cười và nước mắt… Những thứ ấy sẽ sống đời đời kiếp kiếp với con người. Không tôn trọng những thứ ấy trong con người là không tôn trọng con người…”



Táo quân lại tâu:



“Vẫn cái số người khổng lồ ấy, không nghe được tiếng khóc, và tiếng cười; Họ nhổ vụt cây chết ma vương hổ báo, nhưng trong khi đánh vung vãi sướng tay, loài người cũng chết lây. Xác hoa bướm nằm cạnh xác ma vương hổ báo và xác người!”



Ngọc Hoàng đau xót nhìn Thiên đình. Thiên đình im lặng.



Một vì sao tâu:



"Nên cho đoàn khổng lồ về để biết tường gốc ngọn."



Đoàn khổng lồ về bái yết. Ngọc Hoàng thịnh nộ:



"Các người công ít tội nhiều, cớ sao đạp xéo cả lên tính mạng con người?"



Đoàn khổng lồ một số ngơ ngác nhìn nhau.



Ngọc Hoàng đập bàn:



"Sao dám đạp cả lên tâm hồn và cuộc sống con người?"



Số khổng lồ ấy càng ngơ ngác nhìn nhau.



Ngọc Hoàng vẫn chưa nguôi:



"Sao giẫm cả lên lời ca, tiếng cười và hoa bướm dưới trần thế?"



Số khổng lồ ấy lại càng ngơ ngác nhìn nhau.



Ngọc Hoàng nhìn đoàn khổng lồ:



"Và các người không đau xót ư?"



Vẫn số khổng lồ ấy ngơ ngác nhìn nhau, nhìn Ngọc Hoàng và Thiên đình… Nhất là những giọt nước mắt của Táo quân.



Sao Thái Bạch bước ra tâu:



"Cứ xem khí mạo, thì biết trong số khổng lồ có những người có thể mà không có tâm, không biết tiếng cười và tiếng khóc, thần e rằng phủ tạng họ thiếu một thứ gì."



Ngọc Hoàng truy hỏi. Nam tào Bắc đẩu cùng với La hầu và Kim tinh xét lại các sổ, đứng ra tâu:



"Đoàn khổng lồ lúc được chỉ nặn ra, chỉ cốt lấy to, nên hết nguyên liệu để nặn tim, cho nên trong đoàn khổng lồ phái xuống hạ giới có một bọn không tim."



Ngọc Hoàng biến thần sắc:



Một vì sao hỏi:



"Thiết nghĩ đoàn khổng lồ chỉ đánh ma vương quỷ dữ cần gì tim?"



Ngọc Hoàng trả lời:



"Nhưng ta tạo nên con người, con người đã có óc phải có tim. Loài người của ta cần sống giữa hoa đẹp hương thơm."



Vì sao lại tâu:



"Nhưng bộ óc to, cánh tay lớn chẳng đủ rồi ư?"



Ngọc Hoàng phán:



"Nhưng cánh tay lớn của một người không tim sẽ đập nát công trình của bộ óc hắn xây dựng."



Khi nhìn về hạ giới, nghe tiếng khóc và nước mắt vẫn còn, Ngọc Hoàng chép miệng phán bảo với đoàn khổng lồ:



"Hạ giới vẫn còn cần các ngươi, vì quỷ dữ ma vương vẫn còn hoành hành; Nhưng các ngươi phải biết yêu quý con người, tôn trọng quyền sống của họ. Quả đất là của con người, và sửa sang quả đất cũng là để cho con người. Làm công việc gì mà con người phải khổ, còn khổ thì dù công việc ấy có thành công cầm cũng như là thất bại. Chỉ có trí óc mà không có tim thì không thể sống được với loài người."



Sau lời chỉ giáo ấy, đoàn khổng lồ lại kéo nhau về hạ giới, lại như cũ, phá núi ngăn sông, tát bể, làm hì hục kỳ cho quả đất quang đãng mới thôi.



Ngọc Hoàng lại mở cửa nhìn về hạ giới: Cớ sao hãy còn tiếng khóc? Ngọc Hoàng phán hỏi Thiên đình. Có vì sao tâu:



"Lại xin cho triệu Táo quân về."



Táo quân lại lên chầu trời.



Ngọc Hoàng hỏi:



"Tiếng khóc vẫn còn ở hạ giới ư?"



Táo thần tâu:



"Nhân thế biết lượng lớn của Thiên đình, ăn chay nằm đất để tạ ơn Thượng đế, nhưng vẫn còn nước mắt!"



Ngọc Hoàng nói:



"Ta muốn ngăn những giọt nước mắt ở hạ giới phải làm thế nào?"



Táo quân tâu:



"Muốn ngăn được nước mắt ở thế gian, thì trước hết phải biết thu phục được lòng người."



Một vì sao hỏi:



"Thế nào là thu phục được lòng người?"



Táo thần đáp:



"Thu phục được lòng người là phải yêu người. Yêu người là biết được cái vui mà thật vui chung với người, đau xót trước cái đau xót của thiên hạ. Việc đáng vui nhưng thiên hạ chưa vui được cũng chớ bắt phải cười. Việc đáng khen, nhưng thiên hạ chưa rõ được cũng chớ bắt phải khen. Dù là ý trời, nhưng chưa được lòng người, ý trời vẫn sai; dù chưa phải ý trời, nhưng thuận lòng người thì vẫn cứ xem đó có là ý trời. Dù việc có hay nhưng cũng đừng cưỡng nhân tâm lúc nhân tâm chưa thuận. Lòng người lúc đã thuận rồi, không bảo vẫn cứ nghe, muôn người như một xô núi cũng đổ, tát bể cũng cạn dù có cấm hát cấm cười, người đời vẫn cứ cười cứ hát… Lúc bấy giờ nước mắt tự nó nó sẽ tan đi."



Ngọc Hoàng nhìn các vì sao. Vì sao ban nãy lại hỏi:



"Thế nào là cưỡng nhân tâm? Táo thần không hay rằng dụ chỉ của Thiên đình đã xoá bỏ những bất công ở hạ giới?"



Táo quân đáp:



"Cưỡng nhân tâm không cứ dùng gươm tên mà uy nạt mới cho là cưỡng. Bất công ở hạ giới như nước mạch thấm vào lòng đất đời đời kiếp kiếp, chẳng phải phút chốc vì một dụ chỉ mà nó tan đi. Bất công ở hạ giới là con quỷ già luyện kiếp, thiên hình vạn trạng, lúc ẩn lúc hiện, lúc to lúc nhỏ, lúc trắng lúc đen, lúc mặc áo cà sa, lúc mặc áo giấy, cười nói như người. Lúc người suy tôn thần thánh thì nó thành thần thành thánh để được suy tôn, lúc người khiếp sợ ma vương thì nó thành ma vương để uy nát, không chừng nó còn diện cả hia ngọc, hốt vàng đứng lẫn giữa các vì sao đây cũng có. Nếu Thiên đình còn cho rằng chỉ vì một dụ chỉ của Thiên đình mà hạ giới xoá bỏ được bất công, thì tiếng khóc và nước mắt ở hạ giới vẫn cứ còn đời đời kiếp kiếp."



Ngọc Hoàng nói:



"Nhưng ta đã phái người của Thiên đình xuống."



Táo quân đáp:





"Tâu Ngọc Hoàng, người của Thiên đình phái xuống có kẻ có óc có tim, thì họ ở đâu hoa thơm và tiếng cười ở đấy. Nhưng cũng có những người thiếu tim!"



Các vì sao hỏi:



"Như vậy sẽ có hại gì?"



"Thì số người nhà trời thiếu tim ấy sẽ chẳng được lòng người, ngược lại lòng thiên hạ, sẽ cưỡng nhân tâm, và sinh linh còn đồ thán, hờn oán Thiên đình."



Táo quân lại tiếp:



"Nước mắt do ma vương quỷ dữ gây ra thì loài người hợp sức với người nhà trời sẽ diệt được ma vương quỷ dữ. Nhưng nước mắt do người nhà trời gây ra, lẽ đâu loài người lại dám xúc phạm đến Thiên đình mà đụng đến người nhà trời ư? Do đó nước mắt lại ngấm ngầm chảy, tiếng khóc lại càng thầm lặng rền rĩ hơn. Nhưng đáng thương hơn cả vẫn là cái số khổng lồ không tim ấy vẫn tưởng mình đã hoàn toàn mang lại tiếng cười và niềm vui cho hạ giới!"



Ngọc Hoàng thở dài:



"Ta đã mấy lần phủ dụ…"



Táo quân đáp:



"Không biết thì dạy bảo sẽ biết. Không thấy thì chỉ giáo sẽ thấy. Không quen thì làm mãi sẽ quen… Nhưng không tim thì sách vở nào, lời lẽ nào, chỉ dụ nào có tạo nên tình cảm được!"



Ngọc Hoàng bóp trán suy nghĩ. Các vì sao im lặng. Ngọc Hoàng quay hỏi Thiên đình.



"Chư khanh nghĩ thế nào?"



Các vì sao tâu:



"Đoàn khổng lồ là đạo lính của Thiên đình phái về giúp loài người, nhất thiết không bỏ được; Máu thịt để nặn thành tim cho số khổng lồ ấy cũng chẳng còn. Hay là Thiên đình tạo thêm cho hạ giới thật nhiều hoa, nhiều bướm, nhiều tiếng hát, tiếng cười!"



Một số khổng lồ bước ra tâu:



"Nếu chúng ta làm như vậy chẳng khác nào chúng ta tạo thêm hoa thêm bướm tiếng hát và tiếng cười để cho lũ không tim ấy giẫm nát."



Ngọc Hoàng hỏi Táo quân:



„Vậy theo ý khanh nên như thế nào?"



Táo quân đáp:



"Nên làm thêm tim cho số khổng lồ ấy."



Thiên đình đồng thanh:



“Nhưng cạn sạch nguyên liệu.”



Táo quân trả lời:



“Nếu có những người khổng lồ đủ tim đủ óc thì đó là một điều hay, bằng không thà nặn những người nhà trời chỉ bằng con người hạ giới thôi, mà quả tim thật to; Bàn tay tuy có nhỏ, sức khoẻ tuy có yếu, bước đi tuy có ngắn, nhưng nếu nó có tim, nó sẽ sống cùng điệu với loài người, nghe được tiếng thở dài, và thấy được cái mỉm cười của họ, lúc bấy giờ bàn tay nó sẽ không bóp chết loài người cùng mà quỷ, sức khoẻ nó sẽ không đè chết loài người cùng hổ báo núi cây, bước chân nó sẽ không giầy xéo lên con người cùng với tình yêu và hoa bướm. Làm được như thế là thuận được với lòng người, thiên hạ hỗ trợ, thì mới trọn được ý trời; Và lúc bấy giờ hạ giới sẽ là nơi Thiên đình thứ hai, đầy tiếng cười và vũ nhạc…”



Ngọc Hoàng gật gù, nhìn Thiên đình cùng cho lời của Táo quân là phải…



Số khổng lồ có tim cũng gật gù nhìn thương hại lũ khổng lồ không tim.



Còn hạ giới thì hoan hỉ chờ mong ngày Ngọc Hoàng làm thêm tim cho số khổng lồ ấy, nhất là những người mới bắt đầu biết yêu nhau!...





----------------------------------------------------------------

[1]Che, dùng để dạp mía, ở Bắc gọi là đội hàn.

[2]Gió nam là thứ gió nóng ở Trung bộ, đêm có gió nam thì trăng kém sáng.







Nhấn vào đây F để xem tiếp
















Tags: văn
Prev: Giai phẩm mùa Thu - Tập I (Phần tiếp)
Next: Giai Phẩm Mùa Thu ( Tập II tiếp)

No comments:

Post a Comment