HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Sunday, 22 September 2013

NVGP * 28.LƯƠNG NGỌC TRÁC * TỬ PHÁC

28. LƯƠNG NGỌC TRÁC * TỬ PHÁC CHỐNG ĐẢNG


Lương Ngọc Trác
Lời nói và việc làm của Tử Phác

Kể ra nói về Tử Phác cho được rõ ràng cũng không phải dễ vì nhóm Nhân văn có phương châm hoạt động là “jeu serré” (báo cáo Trần Dần) tức là dùng những đòn hiểm hóc, dùng những luận điệu hai mặt, kích người khác làm bậy hộ mình, Tử Phác lại được đồng bọn suy tôn làm mưu sĩ, tức là nghệ thuật đòn hiểm cũng đã khá lắm. Tôi không phải là một nhà thám tử cho nên chỉ giới thiệu những điểm mà trong quan hệ công tác với nhau Tử Phác đã làm tôi phải suy nghĩ.



Gần đây Tử Phác hay nói đến nghệ thuật, luôn tỏ ra cho mọi người biết là mình yêu nghệ thuật lắm và chê trách những ai không “yêu” nghệ thuật bằng mình! Gần đây Tử Phác tỏ ra mình thương yêu anh em, tự cho mình là người biết “hy sinh” cho anh em! Như vậy thực chất Tử Phác yêu nghệ thuật hay địa vị, thực chất Tử Phác có thương yêu anh em không?



Tôi xin lược ra đây tóm tắt bản lý lịch của Tử Phác. Bí danh là Tử Phác tức Nguyễn Anh Chấn, tên thật là Trần Kim. Xuất thân từ một gia đình phong kiến quan lại, đời ông làm quan to ra đầu hàng Pháp. Bố sang Tây du học về Hà Nội làm Tham tá lục lộ. Mẹ con quan, có vốn buôn tơ lụa, vàng bạc. Nhà có của, bố mẹ lại mất sớm nên Tử Phác tha hồ ăn chơi và sớm trụy lạc, rượu chè, thuốc phiện, dần dần bế tắc về tư tưởng, nghiên cứu triết học Nietzsche và các thứ tôn giáo. Làn sóng cách mạng đến gỡ Tử Phác ra khỏi cuộc sống bế tắc đó, lôi cuốn Tử Phác vào cuộc sống mới, con đường hoạt động cách mạng. Trong những năm đầu cuộc kháng chiến, Tử Phác được kết nạp vào Đảng và phụ trách tờ báo Thủ đô của khu II. Sau một thời gian công tác Tử Phác mắc khuyết điểm: bao biện, độc đoán, làm báo theo lối tư sản, v.v… tờ báo bị đình bản. Đầu năm 49 được vào Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ Liên khu III, công tác một ít lâu Tử Phác lại mắc khuyết điểm: bao biện, độc đoán, quan niệm công tác kiểu tư sản, v.v… và một lô khuyết điểm nữa như: tham ô, lãng phí, hủ hoá, v.v… cứ thế tiếp tục, Tử Phác còn thuyên chuyển qua nhiều cơ quan khác: báo Sự thật, báo Sức trẻ, cơ quan Trung ương Thanh niên, cơ quan tuyên huấn quân đội, phụ trách Đoàn văn công quân đội, v.v… Tới đâu Tử Phác cũng cố gắng được một thời gian rồi lại phạm vào những tật xấu đã quen mắc: bao biện, độc đoán, quan liêu, tham ô, lãng phí, hủ hoá, v.v…


Thậm chí thời kỳ ở văn công Tử Phác đã tìm cách quyến rũ cả một phụ nữ trong khi người chồng đi bộ đội vắng.

Riêng tôi có vài kỷ niệm về Tử Phác như sau:

Một lần tôi gặp Tử Phác ở Thanh Hoá hồi 1951, khi đó Tử Phác mới ở đoàn thể chuyển sang công tác quân đội. Sau những câu chuyện thân mật, Tử Phác cho biết là cấp trên định tạm xếp Tử Phác cấp phó chính ủy Trung đoàn (mới tạm thời tức là có ngụ ý sẽ phải cao hơn). Ít lâu sau tôi được biết là Tử Phác còn thấp hơn cấp đó vài nấc. Tôi nghĩ rằng cấp bậc là nhiệm vụ mà nhân dân trao cho, vinh quang của người cán bộ là phải làm tròn nhiệm vụ ấy. Đâu phải như chức nhiêu chức lý ngày xưa có thể dùng tiền tài hoặc thủ đoạn mà chiếm được. Tại sao Tử Phác lại tự cho mình cái chức mà mình không có. Chính vì Tử Phác thích cái lối ngôi thứ kiểu cổ như vậy.

Đến Tết năm đó chúng tôi nhận được mỗi người một phong thư chúc Tết khổ rộng có trang trí hoa lá, in trên giấy trắng tốt, nội dung là chúc tụng anh em và khuyến khích văn nghệ sang năm mới nên cố gắng, v.v… ký tên: Tử Phác Nguyễn Anh Chấn. Nhận lá thư mừng xuân chúng tôi tự nhiên phải nhìn nhau một cách hơi khôi hài vì chúng tôi cho rằng trong quân đội có lẽ chỉ có Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới ở cương vị cần thiết để làm việc này.

Năm 1954 ở chiến dịch Điện Biên, tôi có công tác đi qua và tạm lưu lại ở Đoàn Văn công Tổng cục chính trị do Tử Phác phụ trách thì gặp dịp anh em trong Đoàn hội nghị phê bình Tử Phác. Khuyết điểm là: quyến rũ nữ diễn viên tuy mình đã có vợ, quan liêu, độc đoán, v.v… Lần này Tử Phác lại bị kỷ luật và chuyển sang công tác khác.

Năm 1955, sau tiếp thu Hà Nội. Tôi được về công tác ở Phòng Văn nghệ Quân đội thì lại gặp dịp anh em cán bộ trong cơ quan đang phê bình Tử Phác về bệnh độc đoán, quan liêu, hay đè nén anh em, v.v… và đề nghị lãnh đạo thay Tử Phác đi công tác khác.

Đó là tạm nêu tóm tắt vài việc mà tôi biết.

Vậy mà trong bài giới thiệu Đoàn nghệ thuật Hung-ga-ri qua thăm Việt Nam ở báo Nhân văn số 4, Tử Phác đã viết:

“Người nghệ sĩ hãy làm công việc nghệ thuật đi, hãy sống chân thực và nhiệt tình, hãy đem “tâm hồn và trái tim” ra cống hiến cho nhân dân, đừng có rắp tâm đi trên con đường nghệ thuật bằng những biện pháp nào khác!”

Thâm ý Tử Phác viết đoạn này chính là chửi người khác, và như vậy kết quả sẽ là tự đề cao. Cái lối viết báo Nhân văn như thế đó.

Vậy thì cái giá trị của bài báo Nhân văn ấy thế nào? Sự thật Tử Phác đã dùng những biện pháp gì trên con đường nghệ thuật? Hàng chục năm lý lịch quá đủ để chứng minh là Tử Phác nện gót chân quan liêu độc đoán của mình trên lưng anh em văn nghệ với một nhịp điệu khá tàn nhẫn.

Vì những tật xấu cố hữu cho nên Tử Phác bị anh em văn nghệ không ưa và hoàn toàn mất tín nhiệm, bị cô lập. Tất nhiên Tử Phác phải tìm cách giải quyết. Thế là bắt đầu một giai đoạn mới: Tử Phác cải tiến biện pháp hoạt động.

Khi ấy năm 1955, anh em Văn nghệ Quân đội có một số thắc mắc về chính sách, đang đề đạt với lãnh đạo yêu cầu được giải quyết hợp lý. Lúc này quân đội bước đầu áp dụng điều lệnh chính quy, kỷ luật phải được tôn trọng; ngoài xã hội thì Hà Nội mới tiếp thu trật tự an ninh đang cần được củng cố; một vấn đề lớn như quy định những chế độ đặc biệt cho văn nghệ trong quân đội cần phải được nghiên cứu cẩn thận, không thể vội vã được. Một phần vì thế nên anh em văn nghệ ở Phòng Văn nghệ Quân đội sốt ruột và thắc mắc. Thế là Tử Phác trở thành một người rất “thương” anh em, bàn bạc với người này người khác để đấu tranh với lãnh đạo giành quyền lợi cho anh em! Tử Phác hay kể với anh em là do mình đấu tranh quyết liệt nên Tổng cục mới ký quyết định cho văn công được phụ cấp ăn thêm. Nói như vậy vừa là kể công mình vừa là để rút ra một “nguyên tắc”: đối với lãnh đạo phải đấu tranh quyết liệt thì “họ” mới nhả quyền lợi cho anh em. Việc này theo đồng chí phó Cục Tuyên huấn cho biết thì chính do đồng chí Đại tướng đã gặp văn công trong chiến dịch nên chỉ thị cho Cục Tuyên huấn phải nghiên cứu một chế độ bồi dưỡng cho văn công. Việc này Cục trao cho Tử Phác nghiên cứu thì Tử Phác làm rất chậm, phải giục mới xong. Thế là Tử Phác đã không làm tốt phần việc của mình còn đi nói xấu lãnh đạo.

Cái lối vu cáo như vậy Tử Phác luôn luôn dùng. Những câu nói nhọn hoắt như mũi dùi luôn luôn đâm vào sự bực tức của anh em. Tác dụng của nó làm cho cuộc đấu tranh cứ theo đà quá khích mà bốc mãi lên. Mâu thuẫn giữa cấp trên và anh em văn nghệ ở Phòng Văn nghệ Quân đội ngày càng sâu sắc.

Lúc này chiến thuật của Trần Dần là “Phải “imposer” lãnh đạo thực hiện mọi yêu cầu của ta” tức là phải làm quyết liệt và cấp tốc để lãnh đạo trở tay không kịp. Đột nhiên tờ báo Nói thật (của Hoàng Công Khanh) trịnh trọng đăng lên trang nhất bài: “Bước chia tay giữa văn nghệ và chính trị” (trích dịch bài của Lỗ Tấn viết thời kỳ đấu tranh với chế độ Tưởng Giới Thạch). Bài này thật là vu vơ với tình hình chung của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhưng lại rất đúng với những hành động của Trần Dần, Tử Phác trong quân đội.

Họ cứ theo đà vu cáo gây sự phẫn nộ trong quần chúng mà nổi lên theo. Tình trạng vô chính phủ trong cơ quan trở thành nghiêm trọng.

Các cấp ủy Đảng trong cơ quan luôn luôn giúp đỡ nhưng đến lúc này trong anh em mới có một số người bắt đầu nhìn thấy sự thật. Rõ ràng là cuộc đề đạt chính sách có tính chất nội bộ đã bị một số phần tử xấu kích lên thành một cuộc đấu tranh có tính chất đối kháng. Thế là anh em bắt đầu chống lại cuộc đấu tranh sai lầm kia. Qua nhiều cuộc tranh luận gay go, số anh em nhìn ra lẽ phải ngày càng đông và cuối cùng thì một nhóm quá khích đã lộ mặt. Đó là: Tử Phác, Trần Dần, Hoàng Cầm, v.v... Đúng như Trần Dần đã kiểm thảo: “cuộc đấu tranh chính sách của anh em Văn nghệ Quân đội chỉ là một cái cớ để chúng tôi khoét sâu mâu thuẫn giữa quần chúng với lãnh đạo…” Âm mưu của họ đã vấp phải sự giác ngộ và đoàn kết của anh em Văn nghệ Quân đội nên đã thất bại hoàn toàn. Trần Dần, Tử Phác bị kỷ luật. Nhưng với chiêu bài “vì quyền lợi quần chúng”, Tử Phác và đồng bọn đã tìm được nhau, kết thành vây cánh, phá phách được một thời gian trong quân đội. Họ sẽ mang chiêu bài đó đi hoạt động những nơi mà còn ít người biết.

Họ kéo nhau ra khỏi quân đội. Đi đâu cũng than thở: “Ở quân đội bị bè phái chèn ép, không thể sống được”.

Việc ra khỏi quân đội của họ có những dụng ý rất đen tối cần vạch ra. Trong khi những anh em Văn nghệ Quân đội còn lại đang lăn mình vào công tác để giải quyết những công việc bị ứ đọng lại trong gần một năm qua và hàn gắn lỗ hổng của bọn họ để lại thì họ đã liên kết được với vây cánh sẵn có ở ngoài vừa vu khống và chửi rủa quân đội, vừa căng chiêu bài nghệ thuật lên chuẩn bị tấn công vào chiếm lĩnh các vị trí cần thiết ở các hội văn học và nghệ thuật.

Riêng như ở ngành nhạc, trong Ban đại diện lâm thời có một cuộc vận động của Văn Cao và Đặng Đình Hưng gạch tên một đại biểu khác của quân đội để thay Tử Phác vào danh sách đại diện. Rồi gạch tên một người khác của quân đội trong dự kiến về danh sách đại biểu đi dự cuộc họp ở Praha để thay Tử Phác vào (cũng trong khoảng thời gian này thì Phan Khôi chuẩn bị đi Trung Quốc, Chu Ngọc chuẩn bị đi Ấn Độ, Thái Thị Liên đi Praha, Nguyễn Văn Tý cùng danh sách với Tử Phác, v.v…). Lúc này Văn Cao đang phụ trách tờ Tập san Âm nhạc đã nhẹ nhàng rút lui và nhường chân thư ký toà soạn cho Tử Phác. Vai trò Tử Phác kể cũng đã được vây cánh tô điểm cho một cách khá kỹ càng nhưng đến lúc thành lập hội thì không một ai đề cử Tử Phác vào danh sách chấp hành hội cả. Đúng ra cũng có một người đã đề cử nhưng rồi chẳng hiểu nghĩ sao lại lên bảng xoá dòng chữ Tử Phác do chính mình đã viết. Sau này Ban chấp hành Hội nhạc đã cử đồng chí Lưu Hữu Phước đến phụ trách chủ nhiệm để lãnh đạo tờ báo của hội thì Tử Phác phản ứng. Rồi nhân dịp đồng chí Phước có việc đi quốc tế một thời gian thì ở nhà Tử Phác tổ chức một cuộc họp toà báo (không báo cáo cho thường vụ hội biết) đề nghị Văn Cao về làm chủ nhiệm thay Lưu Hữu Phước, rồi kẻ biển quảng cáo không đề tên chủ nhiệm. Đến lúc Ban chấp hành cảnh cáo Tử Phác mới kẻ thêm tên chủ nhiệm vào biển.

Một người hành động như vậy, với bè cánh như vậy mà lại đi kêu ầm lên là bị bè phái chèn ép. Thật là vừa ăn cướp vừa đánh trống.

Đến lớp chỉnh huấn văn nghệ vừa rồi. Tử Phác có kiểm điểm về sai lầm của mình và ân hận là mình có tài mà không được trọng dụng nên bất mãn (!) Nào là đang viết “lịch sử âm nhạc thế giới” (!), là trình độ mình thừa sức làm chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, v.v... Tôi nghĩ rằng cái việc nói bâng quơ cũng là cái tự do của con người, vả lại mấy việc đó thực là lớn quá tôi chưa đủ khả năng làm tới, chỉ xin nhận xét mấy công việc cụ thể mà Tử Phác đã làm.

Báo Nhân văn còn có phần của Tử Phác, đã quá nhiều người góp ý kiến, tôi không cần góp thêm. Xin nêu ra vài bài trong tờ Tập san Âm nhạc thời kỳ Tử Phác làm thư ký toà soạn.

- Bài “Cần gì trước tiên” (trích dịch Anecdote musicale của V. de Velde): Ngày xưa có người hỏi nhạc sĩ Gờ-luých (Gluck) là cần gì trước tiên. Nhạc sĩ trả lời: Cần tiền! Rượu! Vinh quang! Phải chăng ông thư ký toà soạn đã dùng cái phép “ôn cũ biết mới” của Nhân văn để nói lên lẽ sống của mình là như thế.

- Bài “Con trâu nghe nhạc”: Ở miền Trung có điệu hò rất hay. Trâu kéo gỗ dù mệt rồi mà cứ nghe điệu hò nổi lên thì lại ra sức kéo không nghỉ nữa. Có bác nông dân tham việc cứ hò mãi, trâu kéo gỗ về đến nhà thì kiệt sức lăn ra chết. Phải chăng Tử Phác đã mượn bài này để bôi nhọ vốn dân tộc và xuyên tạc ảnh hưởng đúng đắn của văn nghệ với xã hội.

Tờ báo còn một loạt bài và những mục tin để đả chỗ này khen chỗ kia. Tất nhiên chúng ta rất hoan nghênh sự phê bình đúng đắn nhưng ở đây Tử Phác khen những cái chưa đáng khen và chê những cái chưa đáng chê, và nhất là có những dụng ý không tốt ở trong. Ví dụ: Tử Phác chê một sáng tác của Đ.P. là kém thì bị anh em phản ứng về lối phê bình không đúng đắn. Thế là Tử Phác đính chính: “Khuyết điểm trước phê bình chưa rõ ý. Nay đính chính lại rõ hơn là nếu chế độ sáng tác của ta mà khá hơn thì Đ.P. sáng tác không đến nỗi tồi như vậy”. Câu đính chính này rất có giá trị về mặt… xỏ xiên. Tử Phác rất thích dùng cái lối chửi xỏ như vậy, lặt vặt mà hiểm hóc.

Tử Phác có đăng một bài của nhạc sĩ Xô-viết A. Ka-cha-toa-ri-an viết về tình hình nhạc Việt Nam sau khi qua thăm Hà Nội (do Thụy Ứng dịch). Trong đó A.Ka có nhận định một điểm là ở Việt Nam chưa có dàn nhạc “quản huyền” lớn (orchestre symphonique). Tử Phác liền chú thích luôn ý kiến riêng của mình đại ý là: “nhận định này chỉ đúng với miền Bắc Việt Nam” nghĩa là Tử Phác muốn nói là Sài Gòn đã có dàn nhạc symphonique rồi, nghệ thuật Sài Gòn phát đạt hơn Hà Nội. Tội nghiệp cho Tử Phác! Sài Gòn đã làm gì có dàn nhạc symphonique lớn. Chưa nói đến nội dung tư tưởng trong nghệ thuật âm nhạc của Sài Gòn, chỉ nói đến cái hình thức mà Tử Phác rất chú ý ấy Sài Gòn cũng chưa có. Trong khi đó thì thực tế ở Hà Nội có Trường nhạc Việt Nam, năm ngoái nhà trường đã tổ chức hoà nhạc với hình thức của một dàn nhạc symphonique tập sự, tuy chưa đầy đủ nhưng nó đã thành hình. Tử Phác làm báo khách quan theo kiểu gì mà lại quảng cáo cho một sự kiện mà Sài Gòn chưa có?

Tử Phác cũng hay nhắc đến tài năng của mình về sáng tác nhạc. Thực tình việc này tôi không muốn nêu lên vì sự phê bình âm nhạc là rất khó cụ thể, dễ suy diễn, có thể cãi nhau mãi được – nhưng vị quá kiêu căng nên một số anh em khó chịu đã góp thêm cho mấy ý kiến rất cụ thể. Bài “Lá reo” của Tử Phác sáng tác trong kháng chiến là mô phỏng âm hình đoạn A của bản Symphonie pastorale (Beethoven). Bài “Quay tơ” và “Gió Hồ Tây” là mô phỏng một âm hình của bản Flute enchantée (Weber). Bài nhạc thể dục buổi sáng mà Tử Phác đã báo cáo trước hội nghị là thức ba đêm liền để sáng tác thì chính là trích trong vũ kịch Phạm Minh Đức cũng của Tử Phác. Nhân đây giới thiệu luôn về vũ kịch này tuy rằng nó còn dở dang chửa xong. Vũ kịch là hình thức lớn trong sáng tác âm nhạc, nó đòi hỏi người sáng tác phải có một trình độ kỹ thuật nhất định chưa kể đến cảm xúc và các sự hiểu biết khác, Tử Phác không đủ những điều kiện đó nhưng cứ làm. Vì trình độ hoà thanh kém nên Tử Phác chỉ làm được một phần giai điệu còn phần bè đệm thì đến nhờ nhạc sĩ Hiếu giúp, mà loại sáng tác này thì hoà thanh là một công trình rất quan trọng trong việc xây dựng tác phẩm. Kể ra một người năng lực có chỗ còn thiếu sót phải đi nhờ người khác giúp đỡ thì không có gì lạ. Nhưng nó lạ ở chỗ là Tử Phác không chịu nhận là mình còn kém, đã đi nhờ anh Hiếu giúp lại còn sĩ diện nói với anh em bạn là: “Hiếu giúp mình về hoà thanh chẳng qua vì hắn biết đàn piano. Thật ra là tay Hiếu mà là óc mình”. Tử Phác có dám nói câu đó trước mặt anh Hiếu không? Phải chăng đó là biểu hiện của sự vô ơn? Đã vậy khi Cục Tuyên huấn tạm ứng một món tiền cho sáng tác này thì Tử Phác lấy cả và viết thư báo cáo với Cục Tuyên huấn là đã đưa anh Hiếu một nửa! Phải chăng đó là tâm hồn và trái tim của Tử Phác!

Kể những sự việc như trên thì lan man còn nhiều lắm. Sự thực về Tử Phác là như vậy. Cả một hệ thống những sai lầm xấu xa như thế mà cứ mang chiêu bài nghệ thuật và chân lý để chửi Đảng, chửi quân đội, phỉnh nịnh quần chúng hòng thực hiện những ý định đen tối của mình. Tử Phác và nhóm Nhân văn-Giai phẩm thường dùng những chữ lớn như văn nghệ sĩ là lương tâm của thời đại, chịu trách nhiệm trước lịch sử ngàn đời, v.v… Những chữ ấy kêu lắm nhưng cụ thể họ đã làm những gì cho đất nước trong mấy năm nay? Những đêm nằm cạnh bàn đèn thuốc phiện trên gác nhà Tử Phác, họ đã bàn bạc với nhau những gì: jeu serré, các lối vu cáo, đập người này lôi người kia, và những chuyện gì nữa? Họ hãy nói to những chuyện đã bàn bạc ấy lên cho nhân dân góp ý kiến với!

Hãy tỉnh lại đi thôi! Thực tế chứng minh là một số lớn trong bọn họ đã sa đoạ rồi. Họ nên mau mau trở về với thực tế cuộc sống, bớt những tham vọng điên cuồng tàn nhẫn đi. Không nên phá phách lung tung và cuối cùng là tự phá hoại. Chúng tôi nghĩ rằng đất nước chúng ta đang trên đường tiến lên xã hội chủ nghĩa. Xã hội này chỉ nhận làm công dân những người lương thiện và trung thực. Bất kể tài năng anh như thế nào, bất kể anh làm nghề nghiệp gì; là người thợ mỏ đào than hay là người nhạc sĩ sáng tạo ra âm thanh, bao giờ sự lao động lương thiện vẫn là vinh quang trước tiên của con người chân chính.

Nguồn: Văn nghệ Quân đội, số 5 (tháng 5-1958), tr. 53-57.

===



No comments:

Post a Comment