HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Sunday, 22 September 2013

NVGP *93. TRẦN THỊ TRƯỜNG *NGUYỄN HỮU ĐANG

93. TRẦN THỊ TRƯỜNG * VĨNH BIỆT NGUYỄN HỮU ĐANG

Vĩnh biệt Nguyễn Hữu Đang: Giữa cô đơn - một vòng hoa tang trắng

By Ixij. Monday, 12. February 2007, 03:03:05

tin buồn
12.2.2007
Trần Thị Trường


Không biết có phải vì muốn tiễn Nguyễn Hữu Đang hay không mà trời Hà Nội sáng nay có mưa sau một thời gian dài khô hanh giá rét.

Khác với hình dung của tôi trước khi đi, sân Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông không đông người như những đám viếng mà người trong quan tài có cùng một thời kỳ oanh liệt. Có người bảo, sinh 1913, bạn bè còn ít lắm, người biết thân thế sự nghiệp còn ít hơn, nếu có biết thì cũng là những người sức đã cạn, lòng đã sẵn buồn, lại phải cái ngày trời mưa, ngày cúng tiễn ông Công ông Táo, gần 200 người có mặt ở đây nếu không phải vì nhiệm vụ [1] thì toàn là những người... hâm tỉ độ hệt như người nằm trong quan tài kia. Tôi quay sang người nói câu đó, ông đang kể tiếp: “... kỳ thật, các chú làm ở Bộ Giáo dục-Đào tạo mà chẳng biết gì. Ông này á, từng làm Trưởng ban Tổ chức Ngày tuyên bố Độc lập 2/9/1945 đấy, hàm bộ trưởng Chính phủ Lâm thời nhé, Thứ trưởng Bộ Thanh niên nhé, cán bộ chủ chốt truyền bá Quốc ngữ nhé, có nghe bố mẹ kể o tròn như quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ đà thêm râu không? Đấy, cách xóa mù chữ truyền miệng của các cụ ấy đấy. Nếu... không hâm thì bây giờ... to lắm”. Lời không giống như giọng, giọng ông đẫm nước mắt. Theo tay ông chỉ, người ta nhìn thấy các ông Lê Đạt, Dương Tường, bà Bùi Thị Ngọc Khuê, chị Trần Thị Băng Kha (vợ và con gái Trần Dần), gia đình Phùng Quán, Phùng Cung... “Đấy, ngoài anh em ruột thịt ra thì những người kia là chí cốt của ông ấy, từng có thời...”

Câu nói bị bỏ giữa chừng bởi tiếng gọi loa. Đoàn viếng đầu tiên là của Bộ Giáo dục-Đào tạo, rồi đến đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam do ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội, dẫn đầu, trong đoàn có các ông Nguyễn Trí Huân, Trần Đăng Khoa..., báo Văn nghệ (hình như đó là các cơ quan đồng tổ chức lễ tang). Đó là các đoàn có người viếng đông hơn cả, cũng như đoàn của các thân nhân. Tiếp sau những đoàn viếng khác là đến các đoàn nhỏ hơn, mỗi đoàn có 2-3 người: Nguyên Ngọc đi cùng Phạm Xuân Nguyên. Vòng hoa của Dương Tường bị đám dịch vụ vòng hoa viết nhầm là Dương Cường, có dòng chữ “Kính viếng anh”. Lê Đạt đi cùng con trai, vòng hoa của ông mang dòng chữ “Khóc cố nhân”. Vòng hoa kính viếng ông Nguyễn Hữu Đang của đoàn do Hoàng Hưng dẫn đầu là của talawas. Đoàn này đông hơn các đoàn vừa rồi: có Phạm Xuân Nguyên, Nguyên Ngọc, Lê Đạt, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Quang A, Trần Thị Trường, Đinh Tuấn Minh và một số người khác.





Trước đó, ông Nguyễn Quang A hỏi tôi: “Bạn đi với đoàn nào, tôi cùng đi được không? Tôi muốn viếng ông ấy mà không phải họ hàng thân thích gì, cũng không phải nhà văn, nhà báo, nhà giáo... chỉ là người ngưỡng mộ một con người... Đi vào đâu cũng không biết có được không?”. Lúc đó, vòng hoa của talawas chưa mang tới. Tôi nói với ông: “Thế thì tôi với ông trùng ý nghĩ, chúng ta làm vòng hoa riêng, được không?”. “Được. Tốt quá. Nhưng sao cậu lại mang theo chai rượu? Tôi chẳng hiểu gì về việc phúng viếng”. Trong tay Nguyễn Quang A có mấy thẻ hương, một chiếc phong bì. Tôi cười mếu: “Đọc Ba phút sự thật của Phùng Quán; Ô mai, Bến lạ của Đặng Đình Hưng thấy các ông ấy một thời toàn uống rượu quốc lủi có pha thuốc sâu, thì hôm nay mang rượu Việt thật đến, rẩy xuống mộ để ông biết người đời nhớ ông như thế nào...”. Vòng hoa riêng mang tên “Nguyễn Quang A và đồng sự” được đám dịch vụ mang vào thì Hoàng Hưng bảo: “Này các cậu, cũng talawas cả, thì đi vào đây”. Thế là đi cả vào lúc ấy...

Dòng người vào tiễn không hết 2 giờ như lệ thường. Gần cuối cùng là đoàn người mang vòng hoa của những người dân vô danh có dòng chữ: “Vô cùng xúc động, tiếc thương, kính viếng - Những thường dân kính viếng cụ”. Trong lúc chờ cho hết giờ đã ghi ngoài Cáo phó, thân nhân và những người mang khăn tang trắng đi một vòng quanh sân, chắp tay thay lời, cảm động tri ân người gần người xa... Ngoài cửa vẫn còn những vòng hoa đề tên người viếng nhưng không có người đi cùng, ban lễ tang đã cử người ra mang vào và xướng tên trên loa. Đó là của ông Hoàng Tùng, của ông Vũ Đình Hòe (đề rõ Nguyên phó chủ tịch Hội truyền bá Quốc ngữ), của ông Hà Sĩ Phu và các thân hữu Đà Lạt... Lại nghe thấy giọng của cái ông ban sáng, nói: “Không biết hoa kia có phải của ông Hoàng Tùng báo Nhân dân không, nếu thế thì khác nào Chu Du khóc Gia Cát...”.

Khi kết thúc, hoa đã được đưa vãn ra ngoài xe. Còn lại sau linh cữu, trên thềm lẽ đài cạnh những vòng hoa xanh, đỏ, vàng, tím của các cơ quan trung ương, của Bộ trưởng đương nhiệm Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân... có một vòng hoa trắng tinh khôi. Đại diện Bộ Giáo dục-Đào tạo đọc điếu văn (xem phần phụ lục) và tuyên bố phút mặc niệm. Tiếp đến, ông Nguyễn Hữu Từ, thân nhân gia đình Nguyễn Hữu Đang đọc lời cảm ơn (xem phần phụ lục).

Xong phần tang lễ. Trong lúc linh cữu của ông được đưa ra ôtô để đến nhà hóa thân hoàn vũ, có người ghé tai tôi hỏi: “Chị có biết thì giải thích giùm tôi, tại sao trong điếu văn lại bảo cụ mắc sai lầm tham gia nhóm Nhân văn-Giai phẩm... Theo chỗ tôi biết thì bây giờ chuyện ấy có còn bị coi là sai lầm nữa đâu? Bây giờ là thời đại của minh bạch rồi. Cụ không sai, ai sai, thì phải nói rõ người đó ra chứ sao lại bảo cụ sai?”. Tôi trả lời: “Bác ơi, đấy là cả một câu chuyện dài... Ai cũng biết sự thật rất đẹp nhưng rồi ai cũng sợ sự thật. Sợ khi nhận mình sai thì mọi thứ sẽ lung tung ồn ĩ ra...”. Tôi đã lên xe đi rồi mà ông ấy còn níu lại hỏi với: “Tôi muốn tìm sự thật. Sự thật ở đâu? Tôi không sợ. Tôi thấy trong điếu văn có nhiều chỗ mâu thuẫn. Tại sao cụ lại mất quyền công dân để rồi mới được trở lại? Các con tôi chúng cũng muốn biết tại sao một con người lại có một số phận như vậy. Tài đức như thế, tại sao lại bị ta cho mất quyền công dân và địch bỏ tù? Trước khi tôi đến đây, chúng bảo tôi, ông đi và cố nhớ về cho chúng con câu chuyện sự thật... Tôi cũng chỉ là một thường dân nhưng tôi kính trọng người có lý tưởng đẹp, có cuộc sống giản dị khiêm nhường, dũng cảm và chân thật như ông Đang. Hãy chỉ cho tôi con đường có sự thật”. Tôi nghẹn lời: “Trí thức bao giờ cũng là những người giỏi giang chân thật và chỉ biết sống hồn nhiên cho lý tưởng của mình. Con đường ấy nhiều đau thương bác ạ. Cháu cũng ngại có khát vọng mà không đi được...”.


*


Tôi đã định viết ở đây tất cả những gì tôi hiểu được về Nguyễn Hữu Đang nhưng ngẫm thì thấy trên talawas và trong nhiều bài viết, người khác đã viết hay lắm rồi. Tôi chỉ kể về cái phút cuối cùng này của ông mà tôi chứng kiến thôi.

© 2007 talawas


Phụ lục 1

Điếu văn cụ Nguyễn Hữu Đang

(do ông Quang Quý, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đọc lúc 11 giờ 30 ngày 10/2/2007 tại tang lễ ông Nguyễn Hữu Đang)

Kính thưa:
Các vị lãnh đạo dại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo
Đại diện Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Các cụ, các ông, bà đại diện gia đình cụ Nguyễn Hữu Đang
Trong niềm tiếc thương sâu sắc, hôm nay Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Câu lạc bộ diệt giặc dốt và gia đình tổ chức trọng thể lễ viếng, lễ truy điệu và tiễn đưa cụ Nguyễn Hữu Đang về nơi an nghỉ cuối cùng.

Cụ Nguyễn Hữu Đang (có bí danh là Phạm Đình Thái dùng trong thời kỳ chống Pháp) sinh ngày 15 tháng 8 năm 1913 trong một gia đình trí thức thuộc xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Từ nhỏ cụ đã tỏ ra là một người học giỏi, ham hiểu biết. Thừa hưởng nền nếp gia đình và truyền thống yêu nước của quê hương, cậu học sinh Nguyễn Hữu Đang sớm tham gia Hội Sinh viên thị xã Thái Bình thuộc Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Do những hoạt động yêu nước trong phong trào thanh niên học sinh, cuối năm 1930 cụ bị thực dân Pháp bắt giam hai tháng rưỡi tại thị xã Thái Bình. Mùa hè năm 1931, cụ bị đưa ra tòa xét xử, nhưng vì chưa tới tuổi thành niên, nên địch không thể ghép án tù. Thoát khỏi cảnh giam giữ, cụ lên Hà Nội học Cao đẳng Sư phạm. Cùng với học vấn được nâng cao, tầm nhìn và sự giao tiếp xã hội được mở rộng, Nguyễn Hữu Đang đem cả tuổi xuân đầy nhiệt huyết tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Hoạt động chủ yếu của cụ trong thời gian này là tham gia viết và biên tập cho các báo của Mặt trận Dân chủ như Thời báo, Ngày mới và báo Tin tức của Đảng.

Từ năm 1938 đến 1945, cụ là một trong những hạt nhân tích cực trong phong trào chống nạn thất học, là một trong những cán bộ chủ chốt của Hội truyền bá Quốc ngữ. Năm 1943 cụ Nguyễn Hữu Đang tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc. Mùa hè năm 1944, cụ Nguyễn Hữu Đang tham gia tổ chức và chủ trì Hội nghị Giáo khoa thư Toàn quốc họp tại Hà Nội. Mùa thu năm 1944, cụ bị địch bắt lần thứ hai và giam giữ một tháng tại Nam Định cùng với các đồng chí Vũ Quốc Uy, các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Như Phong, Tô Hoài... Sau khi cụ được thả cụ lại tiếp tục hoạt động và đén tháng 8-1945 được cử đi dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, được bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời. Cách mạng tháng Tám thành công, cụ được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Ngày tuyên bố Độc lập 2-9-1945. Từ tháng 11-1945 đến tháng 12-1946 cụ tham gia Chính phủ Lâm thời mở rộng, lần lượt được cử làm Thứ trưởng Bộ Thanh niên, Chủ tịch Ủy ban Vận động Hội nghị Văn hóa Toàn quốc, Trưởng ban Tuyên truyền xung phong Trung ương, phụ trách báo Toàn dân kháng chiến - cơ quan trung ương của Hội Liên Việt. Năm 1947, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ tháng 6 năm 1949 đến tháng 10 năm 1954 được cử làm Trưởng ban thanh tra Bình dân học vụ. Từ tháng 11 năm 1954 đến tháng 4 năm 1958 làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Trong thời gian này cụ mắc sai lầm tham gia nhóm Nhân văn-Giai phẩm. Sau khi được trở lại quyền công dân, cụ được Đảng, Nhà nước có chính sách đãi ngộ và chăm sóc chu đáo.

Gần 30 năm hoạt động cách mạng, cụ Nguyễn Hữu Đang là một nhà hoạt động văn hóa giàu nhiệt huyết, có công đóng góp cho phong trào truyền bá Quốc ngữ và sự nghiệp phổ cập giáo dục cho nhân dân, cụ là một nhà báo sắc sảo, một người có tài vận động tuyên truyền có ảnh hưởng sâu sắc trong giới trí thức và các tầng lớp trên ở thành thị. Là người am hiểu sâu sắc Tây học và Nho học, nhưng cụ luôn đề cao văn hóa dân tộc, đề cao thuần phong mỹ tục và thực hiện đời sống mới.

Là một trong những cán bộ chủ chốt của Hội truyền bá Quốc ngữ, Nguyễn Hữu Đang là người phấn đấu không mệt mỏi chống giặc dốt, chống lại chính sách ngu dân của thực dân Pháp, tạo điều kiện cho quần chúng tiếp thu ảnh hưởng của cách mạng. Truyền bá Quốc ngữ cũng là truyền bá tinh thần dân tộc, ý chí tự cường, lòng yêu nước và truyền thống bất khuất của dân tộc. Trong những ngày đầu độc lập, cụ Nguyễn Hữu Đang có nhiều hoạt động bảo vệ và ủng hộ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Trong kháng chiến chống Pháp, với cương vị Trưởng ban Thanh tra Bình dân Học vụ, không quản khó khăn, nguy hiểm cụ đã đến nhiều địa phương ở miền Bắc để vực dậy phong trào. Trong cuộc sống hàng ngày, cụ là người giản dị, cần kiệm, liêm khết, dồn hết tâm sức cho công việc. Lúc đau yếu cụ được Nhà nước chăm sóc, cứu chữa tận tình, nhưng vì tuổi cao, bệnh trọng, cụ đã vĩnh biệt chúng ta lúc 6 giờ 41 phút ngày 8-2-2007 hưởng thọ 94 tuổi.

Cụ Nguyễn Hữu Đang mất đi là một mất mát không gì bù đắp được của gia đình, dòng tộc, là sự tổn thất cho giới văn hóa Việt Nam. Nhưng những gì cụ đã cống hiến cho dân cho nước sẽ còn lại trong lòng những người đang sống. Trong giờ phút đau thương này, thay mặt Ban lễ tang chúng tôi bày tỏ niềm xúc động và chia buồn sâu sắc với gia đình, họ tộc cụ Nguyễn Hữu Đang.

Xin vĩnh biệt cụ Nguyễn Hữu Đang và cầu chúc cho vong hồn cụ được yên nghỉ nơi vĩnh hằng.

Xin tất cả chúng ta dành phút mặc niệm vĩnh biệt cụ.




Phụ lục 2

Lời cảm ơn của gia đình

Kính thưa các vị
Đại diện các cơ quan, ban ngành trung ương tham gia tổ chức lễ tang
Đại diện chính quyền, đoàn thể và nhân dân ở địa bàn cư trú: Phường Cống Vị, Phường Nghĩa Đô, tổ dân phố khu nhà B tập thể Nghĩa Đô
Các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện Hữu Nghị
Các cán bộ, chiến sĩ Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng
Các con cháu, họ hàng thân thích
Cụ Nguyễn Hữu Đang, thân nhân ruột thịt của chúng tôi có một cuộc sống không được bình thường như mọi người: Không vợ con. Không gia đình. Mọi hoạt động, mọi tâm nguyện đều hướng về phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội cho đến cuối đời. Không một đòi hỏi cá nhân ích kỷ.

Thời gian gần đây, sức khỏe của cụ sút kém nhanh chóng, bệnh tình trầm trọng.

Ngoài sự chăm lo của con cháu trong họ, sự quan tâm thăm hỏi của bạn hữu già, trẻ còn được sự chăm sóc chữa chạy tận tình của các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện Hữu Nghị. Nhưng tuổi đã cao, sức càng yếu nên không qua khỏi và Cụ đã ra đi về cõi vĩnh hằng với cha mẹ, ông bà, tổ tiên và bạn bè đã đi trước Cụ, để lại cho những người còn sống là bạn bè, là thân thích nỗi đau buồn thật là khôn tả.

Lễ tang hôm nay của Cụ, được các cơ quan ban ngành ở trung ương tổ chức chu đáo, được sự giúp đỡ của Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, được sự thương cảm ưu ái của các thân bằng cố hữu, của chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, cũng như của họ hàng thân thích đối với Cụ thật sự đã gây cho chúng tôi một sự cảm động và lòng biết ơn hết sức sâu sắc.

Xin thay mặt cho thân nhân ruột thịt của Cụ một lần nữa xin gửi tới quý vị lời cảm ơn hết sức chân thành.

Xin trân trọng kính mời quý vị cùng chúng tôi sau đây đưa tiễn Cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Xin trân trọng cảm ơn.


[1]Trong Ban lễ tang, hoặc an ninh chẳng hạn

(Bài đăng lại từ talawas, để chia sẻ, và nguyện cầu)


No comments:

Post a Comment