HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Saturday, 21 September 2013

NVGP *125. PHỎNG VẤN TRẦN TRỌNG VĂN

125. PHỎNG VẤN TRẦN TRỌNG VĂN VÊ GIẢI THƯỞNG

Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm nhận Giải thưởng Nhà Nước:
333 magnify

NHỮNG GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC SẼ ĐƯỢC TRẢ LẠI



Trong danh sách các tác giả được vinh danh trong Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt V - có 4 nhân vật của “Nhân Văn Giai Phẩm” là nhà thơ Trần Dần, nhà thơ Phùng Quán, nhà thơ Hoàng Cầm và nhà thơ Lê Đạt. Nhân dịp này, báo Phụ Nữ trò chuyện với nhà quay phim Trần Trọng Văn – con trai cố nhà thơ Trần Dần.

-Thưa anh Trần Trọng Văn, những người thân trong gia đình anh có bất ngờ khi đón nhận tin vui về Giải thưởng nhà nước của nhà thơ Trần Dần?

+Thực sự là tới giờ này gia đình tôi vẫn chưa chính thức nhận được thông báo nào về giải thưởng này. Tôi làm tại đài Truyền Hình Hà Nội, nên khi biết có họp báo công bố giải thưởng tôi xin đi đưa tin. Tôi mang về nhà tờ photo bản quyết định, gia đình xúc động truyền tay nhau xem. Chúng tôi đã mang bản photo ấy đốt trước mộ bố tôi. Nếu có cõi sau, bố tôi được chứng giám ngày hôm nay, hẳn ông sẽ vui lắm. Riêng mẹ tôi thì bà rất bất ngờ, bởi đã hơn 20 năm nay nhiều lần gia đình tưởng như bố tôi sẽ được công nhận- rồi lại thôi. Qua nhiều hứa hẹn không thành, mẹ tôi không dám chờ đợi nữa. Nhưng 3 chị em tôi thì vẫn luôn tin rằng rồi sẽ có ngày chân lý sẽ được công nhận , và hàm oan của nhà thơ Trần Dần sẽ được hoá giải.

-Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào với gia đình anh?

+Nhà thơ Trần Dần chịu kỷ luật Nhân Văn từ năm 28 tuổi đến năm 72 tuổi, ông qua đời vừa tròn 10 năm- đã có những nhìn nhận lại về ông và bạn bè trong Nhân Văn Giai Phẩm, nhưng chưa có sự công nhận chính thống nào. Điều ấy khiến mẹ tôi, một người phụ nữ cả nghĩ và yếu đuối, hàng chục năm chia sẻ những hàm oan với ông- luôn bị mặc cảm giày vò. Bà rất khổ tâm và đau lòng là cha tôi vẫn bị mang tiếng, sợ nhỡ sau này các cháu lớn lên, có đọc được đâu đó những tài liệu về Nhân Văn- lại phải hoang mang về ông. Trong khi đúng ra tất cả chúng tôi đều phải kiêu hãnh vì được là máu mủ của Trần Dần. Giải thưởng này không chỉ mát mẻ hương hồn người đã khuất, mà còn là điều an ủi để những người đang sống được nhẹ lòng.

-Được vinh danh bởi một giải thưởng cao quý nhất, đích đến ấy có thể coi như đã thoả mãn- kể cả với một người thơ khổng lồ như Trần Dần, thưa anh?

+Vậy nhưng đích đến của cha tôi chưa bao giờ là giải thưởng và sự xưng tụng. Nếu chỉ để đạt đến vinh quang, ông đã không sống cực đoan với xác tín của mình như thế, và không phải trả giá đến như thế. Điều ông đau đáu nhất, đó là được đến với độc giả và tạo ra độc giả Của Ông. Đáng tiếc là trong số hơn 30 tác phẩm và 200 hồ sơ sáng tạo của Trần Dần, mới có “Đi! Đây Việt Bắc”, “Mùa sạch”, “Cổng Tỉnh”, “Người ngưòi lớp lớp” được công bố, còn lại vẫn là phận bản thảo nằm. Ông yêu nghề viết quá, để cả đời khổ luỵ vì nó. Bây giờ gia đình chỉ ao ước in được tập sách cho ông. Không phải vì cá nhân Trần Dần, mà vì một điều lớn hơn: không để uổng phí mất, không để câm lặng những sáng tạo của ông.

-Tôi đã nghe nói về tập thơ Trần Dần đầu tiên do gia đình chuẩn bị bản thảo. Vậy bao giờ tập thơ này có thể ra mắt?

+Đã gần 1 năm nay, tập bản thảo “Thơ Trần Dần” (do Trần Trọng Vũ và Dương Tường biên soạn) đi hết nhà xuất bản này đến Nhà xuát bản khác vẫn chưa xin được giấy phép. Đã 3 NXB trả lời rằng “tập sách vẫn nhạy cảm- chỉ có thể in khi cắt bỏ phần nào”. Dù rất tha thiết với việc ra mắt bộ sách, nhưng người thân của Trần Dần từ chối đề nghị này. Bởi ông, khi sinh thời đã trả bao nhiêu đau đớn, chỉ để khăng khăng một mực là chính mình- nguyên vẹn! Điều gia đình chúng tôi hy vọng là: sau Giải thưởng nhà nước, những sáng tác của Trần Dần sẽ được in ấn. Giải thưởng để ghi nhận những đóng góp của Trần Dần cho nghệ thuật nước nhà, ghi nhận ấy sẽ thực sự có ý nghĩa khi tác phẩm của Trần Dần được có đời sống trong công chúng chứ không phải im lặng như hiện nay.

http://blog.360.yahoo.com/blog-2_z4QM8gbr9aoGSE1qXPKNo-?cq=1&p=369




No comments:

Post a Comment