Tình yêu Bác Hồ giành cho những
khúc dân ca.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu,
nhiều bài báo, lời ca, câu truyện… ngợi ca vẻ đẹp con nguời Hồ Chí Minh - đó
là vẻ đẹp của sự hoàn mỹ nhưng không xa lạ, vĩ đại mà gần gũi thân thương,
toả sáng mà ấm áp hiền hoà. Bản thân Người, cuộc đời của Người là nguồn đề
tài bất tận cho tất thảy những ai khao khát mong muốn cái đẹp “gieo mầm cho sự
sống”. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã
khiến cho mỗi chúng ta biết dừng lại trong nhịp sống hối hả của cơ chế thị
trường để tự soi mình vào tấm gương đạo đức Bác Hồ, tự gột rửa mình, làm cho
mình sống tốt đẹp hơn lên, có ích cho gia đình và xã hội hơn. Và trước muôn
vàn câu truyện kể về Người, trái tim tôi lại trào lên xúc cảm trước những
phút giây cuối cùng trong cuộc đời Bác – đó là câu truyện về tình yêu của
Người dành cho những khúc hát dân ca. Vào buổi sáng ngày 2/9/1969, đây
là buổi sáng cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác. Bởi sau 9 giờ sáng
hôm ấy Người thực sự bước vào “ cuộc trường chinh nhẹ cánh bay”, để lại cho
nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới một niềm đau thương, mất mát không thể
nào diễn tả nổi bằng mọi ngôn từ.
Không gian của câu truyện cũng chỉ
thu nhỏ trong căn nhà A67. Căn phòng này cách ngôi nhà sàn của Bác chỉ vài
chục bước chân. Trước đó, theo lời đề nghị của bác sỹ, để tiện cho việc theo
dõi, chăm sóc sức khoẻ của Người, ngày 18/8/1969, các đồng chí trong Bộ Chính
trị và những đồng chí trực tiếp chăm sóc Bác đã chuyển Bác xuống ở căn phòng
này.
Sau gần 20 ngày chống cọi với bệnh
tật, Bác đã yếu lắm. Nhưng hễ tỉnh lại là ngay lập tức, Người hỏi thăm tình
hình chiến đấu ở miền Nam, tình hình lũ lụt ở miền Bắc. Người còn dặn các
đồng chí trong Bộ Chính trị phải làm sao tổ chức ngày lễ Quốc khánh thật long
trọng để nhân dân vui, phải bắn pháo hoa cho nhân dân phấn khởi. Trong những
giây phút cuối cùng, đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết,
đối diện với quy luật nghiệt ngã của sự tồn vong Bác vẫn luôn nghĩ cho đồng
bào, cho đất nước mà “ nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Nằm trên giường bệnh,
sáng 2/9, lúc này Người đã rất mệt, mong muốn cuối cùng của Người là được gặp
và thăm đồng bào miền Nam không thực hiện được, hơi thở của người mỗi lúc một
yếu dần. Các đồng chí trong Bộ Chính trị và các bác sỹ không ai nỡ rời xa
Người dù chỉ là một phút. Lần đầu tiên tỉnh lại sau cơn đau, Người nhìn xung
quanh rồi hỏi:
- Trong các chú có ai biết hò Huế
không?
Mọi người lúng túng nhìn nhau, quả
là một tình huống không ai chuẩn bị trước. Thường ngày, Người vẫn thường nói
“ miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”, thêm vào đó Huế vốn là mảnh đất gắn bó
cùng Người suốt một thời gian dài tuổi thơ. Giờ đây, trong những phút cuối
cùng, có lẽ Người mong muốn mang hình ảnh miền Nam yêu thương, hình ảnh núi
Ngự, sông Hương với những kỷ niệm buồn đau theo mình vào cõi vĩnh hằng bất
tử. Nỗi niềm ấy của người dường như ai cũng thấu hiểu, nhưng tìm nghệ sỹ hò
Huế lúc này thật khó.
Lần thứ hai tỉnh lại, Người lại
hỏi. Lúc này giọng người đã yếu hơn nhiều:
- Trong các chú, ai có thể hát cho
Bác nghe một làn điệu ví dặm Nghệ Tĩnh được không?
Thêm một lần nữa sự im lặng và bối
rối bao trùm căn phòng. Câu ví dặm câu hát dân ca xứ Nghệ đã bao bọc và nuôi
dưỡng tâm hồn Người từ thủa lọt lòng. Ngươì lớn lên và đi ra thế giới từ
chiếc nội văn hoá quê hương mặn mòi tình nghĩa ấy. Trước giây phút sắp biệt
ly Người khao khát được nghe, được sống trong hơi ấm quê hương.
Lần thứ ba tỉnh lại, Người ngỏ ý
muốn nghe một khúc dân ca quan họ Bắc Ninh, lần này thật may mắn khi cô y tá
bé nhỏ Ngô Thị Oanh tiến lại gần Bác: “Thưa Bác, cháu xin hát cho Bác nghe
ạ”. Với chất giọng trong trẻo của người con gái Vĩnh Phúc, chị cất lời hát “
Ngươì ở đừng về”.. Căn phòng nhỏ chìm trong tiếng hát. tiếng hát hay tiếng
lòng! Không ai phân biệt được. Chỉ biết rằng lời quan họ sâu lắng, tha thiết
quá. “ Người ơi, người ở đừng về. Mà người ơi, người ở đừng về” đã nói hộ
lòng người. Cô y tá càng hát càng ngẹn ngào, những người xung quanh không ai
cầm được nước mắt. 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969 trái tim vĩ đại của Bác Hồ đã
ngừng đập, để lại muôm vàn tình thưong yêu cho đồng bào cả nước. Sinh ra và lớn
lên từ trong câu hát dân ca, từ điệu ví dặm ầu ơ ngọt ngào đằm thắm của mẹ,
cuối cùng Ngươì thanh thản nhẹ nhàng bước vào cuộc trường sinh bằng âm hưởng
tiếng hát dân ca.
Sau này, trong một bài báo tôi còn
đựơc biết chị Ngô Thị Oanh, cô y tá viện quân y 108, người hát khúc hát dân
ca “ Ngươì ở đừng về” vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời Bác kể lại:
Sau khi chị hát xong, Bác Hồ nhìn chị, chị cảm giác như Bác đang mỉm cười.
Người còn bảo lấy bông hoa hồng bạch trên bàn mang tặng chị. Cử chỉ nhỏ mà ý nghĩa
thật to lớn. Cho đến phút cuối đời, quên cả nỗi đau đang vò xé, Người vẫn
giành trọn niềm yêu thương, sự quan tâm đặc biệt cho mỗi người, đặc biệt là
phụ nữ. Và bông hoa hồng nhỏ bé ấy chị đã ép khô để luôn giữ và xem nó là vật
kỷ niệm thiêng liêng theo chị suốt cả cuộc đời:
Giấu mình đi Người chẳng làm phiền ai cả
Dép một đôi, áo quần vài bộ
Chỉ có trái tim bao la là tất cả gia tài
Câu truyện giản dị mà sâu sắc như
biết bao câu truyện kể về Người. Từ những tình tiết của câu truyện ta nhận
thấy ở Người một tình yêu lớn bao la và đặc biệt. Ngưòi không chỉ yêu cuộc
sống, yêu con người, không những chẳng làm đau một chiếc lá trên cành, thích
sống hoà đồng với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá mà Người còn yêu biết mấy những
khúc hát dân ca. Người thèm nghe một câu hò Huế, một làn điệu ví dặm hay một
khúc quan họ đâu phải chỉ là nghe hát mà chính là để mang cả hình ảnh quê
hương xứ sở, hình ảnh miền Nam yêu thương vào cuộc trường sinh. Cả cuộc đời
người sống cho nhân dân, cho dân tộc, không gợn chút riêng tư, hành trang mà
Người mang theo về thế giới người hiền chỉ là ước nguyện bình dị : Mang theo
âm hưởng câu hát dân ca vào cõi bất tử. Người đã để lại cho chúng ta bài học
sâu sắc, thấm thía rằng muốn yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết những câu
hát dân ca. Bởi khúc dân ca là linh hồn, là nơi nắng đọng tình yêu, tinh hoa,
bản sắc văn hoá dân tộc. Nó là nguồn sữa tinh thần bồi đắp và nuôi dưỡng tâm
hồn con người. Trước lúc đi xa Người muốn thế hệ sau hãy yêu những câu hát
dân ca, hãy trân trọng và giữ gìn nền văn hoá của dân tộc.
NSUT Phạm Quỳnh Hoa
Chuyện về những bữa cơm của Bác Hồ.
Phong cách sinh hoạt giản dị, thanh cao, ghét thói xa hoa,
lãng phí của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân Việt nam và nhân dân thế
giới ngưỡng mộ. Một tác giả nước ngoài đã viết rằng: Cuộc sống giản dị
của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự gần gũi với nhân dân là đặc trưng cho
tình yêu đối với đất nước của một Con Người đã trở thành huyền thoại
ngay trong cả cuộc sống đời thường của mình. Một trong những yếu tố góp
phần làm nên huyền thoại ấy bắt đầu từ điều vô cùng bình thường nhất, đó
là những bữa ăn của vị Chủ tịch nước.
Ngày mới giành chính quyền năm 1945, Bác làm việc tại Bắc Bộ Phủ
trong căn phòng nhỏ trên gác hai. Bác được cấp mỗi tháng 200đ cho việc
ăn uống. Tới giờ ăn, Bác đến ăn tại bếp tập thể cùng anh em. Bữa ăn của
Bác đạm bạc, thường chỉ có một miếng cá nhỏ, một bát canh, vài quả cà,
mấy cọng dưa, dăm lát ớt và miệng bát cơm. Ngày 10/4/1946, giữa lúc đất
nước bộn bề công việc, Bác về thăm Ninh Bình để dàn xếp vấn đề đối nội,
đặc biệt là tôn giáo,. Khoảng 8h, khi xe Bác đến thị xã, nhân dân ùa
đến, vẫy cờ, hô khẩu hiệu đón Bác. Anh em trong Uỷ ban khẩn khoản mời
Bác ở lại nghỉ cho đỡ mệt và ăn tối, nhưng Bác nói: “Hàng ngàn đồng bào
chờ Bác ngoài kia, Bác không thể nghỉ ở đây để ăn cơm vì 9h tối Bác đã
có việc ở Chủ tịch phủ. Bây giờ các chú giúp Bác: một chú ra tập hợp
đồng bào vào một ngã tư rộng gần đây để Bác ra nói chuyện với đồng bào
mươi phút; một chú ra cửa hàng bánh mua cho Bác một cặp bánh giò. Còn
các chú đi với Bác thì tranh thủ ăn cơm trước. Nói chuyện xong, Bác về
Hà Nội ngay cho kịp hẹn. Trong xe, Bác sẽ ăn bánh vừa đỡ tốn kém, vừa
tiết kiệm thời gian cho Bác”. Sau đó Bác ra nói chuyện với đồng bào. Khá
muộn, Bác vẫy tay chào đồng bào rồi lên xe về Hà Nội. Xe đi được một
quãng, Bác mới bắt đầu dùng bữa ăn tối của mình.
Kháng chiến bùng nổ, Bác cùng các cơ quan Trung ương và Chính phủ trở
lại Việt Bắc. Những năm đầu, đời sống kháng chiến vô cùng kham khổ, Bác
vẫn ăn chung với anh em, bát ăn chỉ là ống bương cưa ra, thức ăn chủ
yếu là măng, rau, cao cấp nhất là thịt chim, sóc săn bắn hoặc đánh bẫy
được đem kho mặn với muối để Bác ăn dần, thi thoảng tìm được con gà bồi
dưỡng riêng cho Bác thì Người nói lộc bất khả tận hưởng, rồi đem chia
đều cho mọi người. Món ăn chủ lực của Bác và anh em vẫn là món thịt Việt
Minh gồm: 1kg thịt + 1kg muối + 1 nửa kg ớt xào lên cho vào ống, đi đến
đâu dùng cũng tiện. Khi tăng gia, chăn nuôi được nhiều, anh em xin ý
kiến, Bác đồng ý cho bỏ món thịt Việt Minh. Có lần, đoàn công tác của
Bác đi qua huyện Yên Sơn theo kế hoạch ghé vào một cơ sở để ăn trưa.
Nhưng khi đến nơi, thì nghe có tiếng máy bay địch nên Bác bảo anh em đưa
cơm ra bãi cỏ ở bìa rừng ngồi ăn thuận tiện hơn. Hai đồng chí bảo vệ
vào xóm bưng cơm lại mượn thêm chiếc chiếu của gia đình đồng bào ra
ngồi. Lúc đặt mâm cơm xuống, Bác thấy có con gà luộc, đĩa cá và hai bát
canh. Thấy thế, Bác không vui: “Các chú không nên mượn chiếu của bà con
làm phiền đến dân”, ngừng một lát, Bác nói tiếp: “Trong khi nhân dân
đang thắt lưng buộc bụng kháng chiến, mình ăn cơm thế này là ăn cơm
“quan” đấy”. Nói rồi, Bác vừa chia đôi tất cả các món ăn trên mâm. Bác
bảo anh em đem một phần đã chia đưa vào biếu các gia đình nghèo trong
xóm. Phần còn lại Bác lại chia làm đôi: Chỉ ăn một nửa, còn một nửa gói
dành cho bữa sau. Một lần khác đi công tác, mấy Bác cháu được bố trí ăn
cơm ở nhà một cơ sở.
Dạo đó thiếu thốn nên nồi cơm phải độn nhiều sắn,
khoai. Vì thương Bác nên gia đình đã nấu thêm nồi cơm gạo trắng và sắp
một mâm riêng. Khi vào bữa, Bác bưng bát cơm trắng, gắp thêm máy miếng
thức ăn ngon để mời cụ cố đang ngồi bên bếp lửa gian trong, Bác nói rành
rọt: “Cơm này là để dành cho người già nhất ăn”, rồi Bác lấy bát xới
cho mình một bát cơm độn và cùng ăn với cả nhà. Trong rừng chiến khu đôi
khi vẫn thiếu rau nhưng có nhiều mít, thế là Bác bày cách cho chị cấp
dưỡng làm món nhút ăn cho đỡ xót ruột. Bác còn chú ý cả hình thức trình
bày để bữa ăn tuy đơn giản nhưng ngon miệng. Một lần đi công tác, Bác
cháu dừng bên bờ suối nấu ăn, Bác bảo anh em nấu cơm để Người làm trứng
rán. Bác làm rất thành thạo, khi trứng rán xong cơm chưa chín, Người lấy
que sắt nung trên than hồng rồi đặt lên khoanh trứng tạo thành hình quả
trám rất đẹp, thấy anh em trâm trồ, Bác nói: “Khi có điều kiện làm cho
ngon hơn, đẹp hơn thì ta cứ làm chứ các chú!”.
Cũng có dịp đặc biệt như
cuối năm 1953, quân và dân miền Nam thắng trận U Minh, Đồng Tháp Mười,
Tây Nguyên, Bác quyết định mở tiệc khao quân với các món: Thịt gà luộc
(được chặt làm 20 miếng đều nhau vừa đủ số người trong cơ quan ), canh
cải xanh, rau muống xào tỏi, xôi nếp, cơm tẻ đều là sản phẩm cơ quan
tăng gia. Bữa tiệc xong, Bác bỗng nói, giọng trầm xuống: “Hôm nay Bác
cháu mình ngồi ở chiến khu Việt Bắc ăn xôi với thịt gà mừng chiến thắng,
thì quân và dân miền Nam đã 9 năm rồi, kể từ ngày 23/9/1945 không lúc
nào ngơi tay súng chiến đấu với quân thù để bảo vệ nên độc lập Tổ quốc,
biết bao chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh anh dũng…”. Mọi người cùng lặng
đi khi thấy hai giọt nước mắt Bác lăn trên đôi má gầy sạm…
Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Bác trở về thủ đô Hà Nội ở tạm
trong ngôi nhà của người thợ điện, gọi là nhà 54. Bữa ăn hàng ngày của
Người vẫn không cầu kỳ, không cao lượng mỹ vị. 7h, bữa điểm tâm của Bác
thường là xôi ruốc thịt hoặc bánh cuốn, bánh mỳ. Đến khoảng 9h. Bác uống
một cốc cà phê. 11h, Bác ăn cơm trưa, trên mâm cơm của Người thường có
bát canh nước trong, một món xào hoặc thịt luộc, cá quả hoặc cá bống kho
gừng và không thiếu hương vị miền quê cà kho tương hoặc dầm đường ớt…
bữa nào Bác cũng ăn đúng hai bát. Mỗi khi xong bữa, Người lại tự tay xếp
bát đĩa gọn ghẽ để bớt phần công việc cho các đồng chí phục vụ. Khoảng
14h, Bác uống một cốc sữa. 17h30, Bác dùng cơm tối. 21h, Bác uống một
cốc cà phê sữa cho tỉnh táo khi làm việc khuya. Có lần, đồng chí phục vụ
đưa lên đĩa cá anh vũ - một loại cá quý thường chỉ có ở ngã ba sông
Bạch Hạc (Việt Trì). Bác bảo: “Cá ngon quá, thế mà chú Tô (Thủ tướng
Phạm Văn Đồng) lại đi vắng !
Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về
cùng thưởng thức”. Thấy Bác khen, anh em gửi tiếp cá đến, nhưng thấy món
cá hôm trước lại xuất hiện, Bác không hài lòng: “Bác có phải là vua đâu
và phải cung với tiến?” rồi kiên quyết bắt mang đi, không ăn nữa. Năm
1957, Bác thăm một số nước Đông Âu. Sau buổi tiệc do Đại sứ quán Việt
nam tổ chức tiết kiệm và trang trọng, các món ăn không thừa, không
thiếu, Người nói: “Ăn uống lãng phí, Bác xót xa lắm, vì đây là tiền bạc
của nhà nước , của nhân dân. Bà con ta ở trong nước làm đổ mồ hôi, sôi
nước mắt, mới có miếng mà ăn. Vì vậy để lãng phí, xa hoa là có tội với
nhân dân”. Có lần ở Liên Xô, bạn chiêu đãi toàn những đặc sản, nhưng Bác
lại chỉ nhớ món cá bống kho lá gừng. Không để bạn phật ý, đồng chí thư
ký phải trổ tài tháo vát bằng cách giới thiệu với bạn một món cổ truyền
Việt nam để nồi cá bống được có mặt trong bữa ăn.
Từ tháng 5/1958, Bác chuyển sang ở nhà sàn, nhưng hàng ngày, đúng giờ
quy định, Người trở về dùng bữa tại nhà ăn phía bên kia bờ ao, cơm nước
xong, Người lại đi bộ trở về nhà sàn, dù thời tiết mưa to, gió lớn cũng
vẫn vậy. Các đồng chí phục vụ nhìn Bác xắn quần lội qua quãng đường
ngập nước mà thương Bác vô cùng. Một hôm, sắp hết giờ làm việc buổi
sáng, trời đổ mưa to. Thấy cơ hội thuận tiện, đồng chí giúp việc xin
phép được mang cơm sang nhà sàn, Bác dừng tay làm việc, trầm ngâm nhìn
trời mưa, hỏi đồng chí phục vụ “Thế mang cơm cho Bác cần mấy chú?”, “Dạ,
thưa Bác, một đồng chí bê cơm, một đồng chí bê thức ăn và hai đồng chí
đi kèm che mưa”, “Thế chú muốn một mình Bác vất vả hay muốn để nhiều
người vất và vì một mình Bác?”. Hết giờ làm việc, mưa vẫn tầm tã, Bác
xắn cao quân, tay cầm ô, tay chống gậy, lần từng bước qua con đường vòng
ao cá nước chảy xiết sang nhà ăn. Những lần đi công tác các địa phương,
Bác đều nhắc anh em mang cơm đi theo, khi thì cơm nắm, khi thì bánh mỳ
với thức ăn nguội, chỉ có món canh cho vào phích để đến bữa Bác dùng cho
nóng.
Trên đường đi, cứ đến bữa là Bác chọn nơi vắng, mát, sạch cho
dừng xe, Bác cháu bày cơm ra ăn đơn giản, không phiền ai cả. Một lần về
thăm Thái Bình, Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân cố nài Bác ở lại ăn cơm,
Người nói: “Đi thăm tỉnh lụt còn ăn uống nỗi gì?”, nhưng vì thương cán
bộ đã chót bày mâm, Bác lấy gói cơm nắm và thức ăn mặn rồi bảo đồng chí
cảnh vệ: “Chú mời đồng chí Bí thư và Chủ tịch đến ăn cơm với Bác. Còn
chú và chú bác sĩ sang mâm kia ăn với cán bộ tỉnh”. Khi phải công tác ở
địa phương nào lâu, Bác dặn cán bộ tỉnh chỉ làm cơm cho mấy người và ăn
những món nào, dù cán bộ tỉnh bày cỗ ra Bác vẫn chỉ gắp vào bát của anh
em và bát của mình mỗi người một miếng gọi là nếm thử, rồi xếp ngay ngắn
đĩa thức ăn ấy, để ra ngoài mâm, Bác vói với anh em: “Người ta dọn ra
một bữa sang. Bác cháu mình có khi chẳng ăn và chẳng ăn hết. Nhưng đi
rồi để lại cái tiếng: đấy Bác Hồ đến thăm cũng làm cơm thế này, thế nọ,
cũng điều động người làm mất thời gian. Thế là tự mình, Bác lại bao che
cho cái chuyện xôi thịt…”.
ai lần Bác về thăm quê, tỉnh nhà đều làm cơm
chiêu đãi Bác. Năm 1957, Bác mời mọi người cùng ngồi chung mâm có đĩa
cà muối quê hương. Năm 1961, Bác cũng ngồi vào bàn ăn nhưng lại chiêu
đãi mọi người món cơm đã chuẩn bị sẵn, mang từ Hà Nội vào: đó là những
gói cơm nắm độn bắp, gạo trắng và ngô nhỏ mịn gói lại vuông vức. Bữa cơm
ấy thật ngon, nhiều ý nghĩa và cảm động. Năm 1965, cuộc chiến tranh phá
hoại của Mỹ đang ác liệt, nhân dân ta bắt đầu phải ăn cơm độn sắn, ngô,
Bác dặn anh em: “Các chú thổi cơm độn cho Bác. Nhân dân, cán bộ ta ăn
độn bao nhiều phân trăm, độn cho Bác từng ấy”. Khi đó Bác đã bước vào
tuổi 75, nhìn Bác ăn độn mà anh em xót quá, mới thưa lai có quy định các
cụ già trên 70 tuổi không phải ăn cơm độn, nhưng Bác bảo: “Bác cũng
nhiều tuổi, nhưng Bác còn khoẻ. Thế thì Bác theo cán bộ. Cán bộ thế nào
thì Bác thế ấy. Cứ thổi tiếp đi cho Bác ăn”. Anh em xay ngô thật nhỏ,
độn gọi là, nhưng Bác biết, người nhắc: “50% cơ mà!”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người được vinh dự dùng cơm với Bác nhiều
lần nhất, Thủ tướng kể lại rằng bữa ăn nào Bác cũng ăn tiết kiệm, vừa đủ
không bỏ món thừa, không vương vãi một hột cơm. Bác rất thích ăn những
món dân dã như vó bò, cà dầm tương, mắm, canh cua với rau chuối thái
ghém hoặc dọc mùng. Những hôm mời khách ăn cơm, bao giờ Bác cũng báo
trước cho đồng chí cấp dưỡng biết để chuẩn bị và số tiền đãi khách đó
được trừ vào tiền lương của Bác, không bao giờ người dùng vào tiền công
quỹ. Bác thường mời cơm thân mặt một số đồng chí trong Bộ Chính trị, đôi
khi cả gia đình một số đồng chí trong Trung ương, cán bộ, các anh hùng
dũng sĩ miền Nam ra báo cáo công tác hoặc chữa bệnh. Những lần tiếp
khách như vậy bao giờ Người cũng nhắc các đồng chí phục vụ nấu những món
ăn phù hợp khẩu vị của khách để anh em ngon miệng. Chiều ngày
01/8/1969, vị khách cuối cùng được Bác mời cơm là đồng chí Nguyễn Văn
Linh, Phó Bí thư Trung ương cục miền nam ra báo cáo tình hình với Người.
Phong cách sinh hoạt đời thường của Bác Hồ là biểu hiện của tình
thương yêu con người, là đạo đức cần - kiệm - liêm - chính, tạo nên nét
thanh cao và sự vĩ đại của một nhà hiền triết, một bậc thánh nhân thế kỷ
XX, bởi vậy: “ Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng. Đó là tấm
gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự
chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết. Tư tưởng và đạo đức
và đạo đức cao cả của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng
ta”./-
Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
|
|||
Cập nhật ngày Thứ sáu, 09 Tháng 3 2012 09:08 |
No comments:
Post a Comment