Kết luận về thời gian Bác Hồ dạy học ở Phan Thiết
Quế Hà - Hải Yến
(Ảnh: Thủ tướng thăm trường Dục Thanh) |
Đoàn chủ tịch Hội thảo “Nghiên cứu, xác minh giá trị di tích và tư liệu về sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành sống và dạy học ở Phan Thiết” (Bộ VH-TT-DL và Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức) vừa đưa ra một số kết luận làm căn cứ để tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người dừng chân dạy học ở Trường Dục Thanh.
Thầy Thành dạy môn gì ở trường Dục Thanh?
Theo đó, 37 tham luận của Hội thảo được trình bày tại Phan Thiết (Nhân kỉ niệm 120 năm ngày sinh của Bác- 19.5.2010) tập trung vào các vấn đề: Cung cấp thông tin, chứng minh, khẳng định các hoạt động của thầy giáo Nguyễn Tất Thành khi Người dừng chân dạy học ở Phan Thiết. Đặc biệt, các tham luận tập trung xác định thời gian thầy Thành đến Phan Thiết khi nào; rồi từ Phan Thiết vào Sài Gòn; thầy Thành dạy các môn học gì ở Trường Dục Thanh.
Theo tham luận của TS Nguyễn Viết Lưu (Ban Tuyên giáo TƯ) thì việc dạy học của thầy Thành ở Trường Dục Thanh không đơn thuần là dạy chữ, Người xen ghép vào đó tinh thần yêu nước cho các học trò của mình. Tài liệu của bà Ngô Thị Mùi- Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh- Chi nhánh Bình Thuận, cho biết các học trò của Bác là cụ Nguyễn Quí Phầu và Nguyễn Đăng Lầu khi còn sống nói rằng thầy Thành dạy Quốc ngữ, Hán văn, Pháp văn và Thể dục. Nhưng tài liệu của PGS.TS Trần Thị Thu Hương (Viện lịch sử Đảng) thì nghiêng về khả năng thầy Thành dạy Quốc ngữ và Hán Văn. Về vấn đề này, Đoàn Chủ tịch Hội thảo đã đưa ra kết luận: “Thầy Thành dạy Thể dục là chính và dạy thay các thầy khác, trợ giảng ba môn Quốc ngữ, Hán văn và Pháp văn”.
(Ảnh: Trường Dục Thanh) |
Đây là vấn đề mà nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập. Theo bà Ngô Thị Mùi- khoảng tháng 8.1910, sau khi rời Bình Định vào Phan Rang, anh Nguyễn Tất Thành vào Duồng (nay là xã Chí Công, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) để gặp cụ Trương Gia Mô (một người bạn thân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc). Cụ Trương Gia Mô bố trí cho anh Nguyễn Tất Thành ở chùa Phước An vào ban ngày, ban đêm đưa về nhà mình. Tuy nhiên, không có một tài liệu nào nói rõ ngày tháng thầy Thành từ Duồng vào Phan Thiết. Bà Ngô Thị Mùi cho biết, khi còn sống, ngay cả bốn cụ là học trò của Thầy Thành cũng không nhớ rõ thời gian Bác vào Phan Thiết khi nào và đưa ra các mốc thời gian không thống nhất. “Đoàn Chủ tịch Hội thảo đã thống nhất và đề nghị các Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống các di tích về Hồ Chủ Tịch lấy thời điểm thầy Thành đến Phan Thiết là tháng 8.1910 và rời Phan Thiết vào Sài Gòn tháng 2.1911”- bà Ngô Thị Mùi cho biết.
Vấn đề thẻ căn cước của anh Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba khi lên tầu ở Cảng Nhà Rồng đi Pháp, được làm từ Phan Thiết hay vào Sài Gòn mới làm. Nhiều nhà nghiên cứu nghiêng về giả thuyết Bác làm thẻ căn cước này ngay tại Phan Thiết, chứ không thể vào Sài Gòn mới làm. Tuy nhiên, Đoàn Chủ tịch Hội thảo vẫn để ngỏ vấn đề này. Kết luận chỉ định hướng “Chúng ta cùng suy nghĩ mối quan hệ của cụ Hồ Tá Bang (một trong sáu người sáng lập Trường Dục Thanh- PV) với Công sứ Pháp Denier”. Rất có thể mối quan hệ này sẽ là cơ sở để khẳng định thẻ căn cước của anh Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba được làm từ Phan Thiết. Vì khi đó ông Hồ Tá Bang có mối quan hệ khá tốt với Công sứ Pháp tại Bình Thuận.
Quế Hà – Hải Yến
No comments:
Post a Comment