HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Friday 20 September 2013

NVGP *176 . SINH NHẬT PHAN KHÔI

176 . SINH NHẬT PHAN KHÔI 117 NĂM NGÀY SINH PHAN KHÔI (20.08.1887 – 2004)

Người khởi xướng phong trào Thơ Mới

Tưởng rằng, những tư tưởng “đổi mới” của cụ Phan Khôi từng gây tranh luận khá gay gắt trong làng văn đã qua cùng với những quan điểm cá nhân của cụ “bị” bài xích. Nhưng hậu thế đã có cách nhìn mới về cụ và vẫn công khai khẳng định cụ là “người khởi xướng” phong trào Thơ Mới mà từ khi ra đời đã chịu búa rìu thì đến nay với hơn 70 năm trôi qua nhưng như mới vừa xảy ra. Trả vị thế về cho cụ là công việc cần và tiếp tục cho các nhà nghiên cứu…

Những trang nhận định về Phan Khôi

Nhà văn Phan Khôi

Một trí thức - nghệ sĩ sinh ra trong thời ly loạn của cuộc chiến và sống giữa chế độ phong kiến đến thời suy vi… ít nhiều chịu ảnh hưởng đến tư tưởng. Cụ Phan Khôi là một nhà Nho học nhưng chán cảnh quan trường. Cụ có những cách tân táo bạo trong hệ tư tưởng và cũng như trong quan niệm nghệ thuật. Chịu khó học hỏi và “dám” dịch cả Kinh Thánh, rồi tranh luận với những cuộc bút chiến sôi nổi giữa những thập niên 30, 40 của thế kỷ trước với cụ Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Hải Triều... Ấy là những cách tân táo bạo của cụ mà đỉnh cao là việc “ủng hộ” phong trào Thơ mới.

Nhân ngày sinh của cụ, chúng tôi xin lược trích một vài nhận định về sự nghiệp văn hóa, văn chương của cụ Phan Khôi.

Vũ Ngọc Phan trong cuốn Nhà văn hiện đại, Xuất bản Thăng Long, 1960. Vũ Ngọc Phan đã hết lời khen ngợi cụ Phan Khôi: “Phan Khôi là một trong những nhà văn xuất sắc nhất trong phái nho học. Ở một nhà cựu học như ông, người ta đã thấy nhiều người tân học cũng phải cho là “mới quá”. Đó thật là một sự chẳng ngờ… Về phép làm thơ, Phan Khôi nói rất phân minh, nào tự pháp, nào cú pháp, nào chương pháp, rồi nào thiên pháp… Phan Khôi không phải là một tay thợ thơ, chỉ có lúc có hứng ông mới làm, nên thơ ông không nhiều, nhưng làm bài nào tư tưởng đều thành thực, ý tứ dồi dào, dễ cảm người ta… Phan Khôi còn là một tiểu thuyết gia nữa. Nhưng ông không có duyên với môn này như với thơ… Lối bút chiến là lối ông sở trường nhất. Ông bút chiến về người, ông bút chiếnh về việc, rồi ông bút chiến cả về những chữ dùng sai.

Duy Vũ Ngọc Phan “phê” nặng về: “tiểu thuyết Tàu – tôi nói tiểu thuyết cổ - tuy có cái đặc sắc của Á Đông trong cách bố trí và phô diễn tính tình, nhưng lại có những tật rất lớn là cứ thỉnh thoảng tác giả lại hướng về độc giả, dùng lời khôn khéo để dặn dò, hay dùng lời nghị luận để giảng giải. Đó là một sự thấp kém về nghệ thuật… Tôi nhận thấy rằng Trở vỏ lửa ra đã có hai tật ấy”.

Và Vũ Ngọc Phan khẳng định: “Về thơ mới lại chính ông là người khởi xướng trước nhất. (…) Phan Khôi mà đóng vai ngự sử đàn văn thì thật là xứng đáng, vì không mấy người kiêm được nhiều điều kiện như ông: có óc tỷ mỷ, soi mói, lại dùng chữ rất đúng, học rộng, kinh nghiệm nhiều”.

Rồi Vũ Ngọc Phan kết luận rất xác đáng: “Trong văn giới Việt Nam, dù thuộc về phái già hay phái trẻ, tuy có nhiều người không đồng ý với Phan Khôi, nhưng ai ai cũng phải công nhận ông là là một tay kiện tướng”.

Về phong trào Thơ Mới, Hoài Thanh – Hoài Chân trong "Thi nhân Việt Nam" đã viết: “Đã lâu, người mình làm thơ hầu hết chỉ làm những bài tám câu, mỗi câu bảy chữ. Theo ông Phan Khôi lối ấy phải quy cho khoa cử…Thời oanh liệt của thất ngôn luật đã đến lúc tàn. Năm 1928, nó bị ông Phan Khôi công kích trên Đông pháp thời báo… Hồi bấy giờ Phụ nữ tân văn đương thời cực thịnh. Những lời nói của ông Phan được truyền bá khắp nơi. Cái bài thơ mới “Tình già” ông dẫn ra làm thí dụ, không rõ có được ai thích không, nhưng một số đông thanh niên trong nước bỗng thấy mở ra một góc trời vì cái táo bạo dấu diếm của mình đã được một bực đàn anh trong văn giới công nhiên thừa nhận”. Và khẳng định: “Ông Phan Khôi, người đã khởi xướng ra thơ mới”.

Nhà phê bình Thiếu Sơn trong bài viết: “Bài học Phan Khôi” (Thiếu Sơn Toàn Tập, tập II, NXB Văn Học, 2003) sau khi khen ngợi đã chỉ trích những “sai lầm” chủ yếu là về mặt tư tưởng vì “Ông Phan Khôi đã mạnh dạn phê bình và chỉ trích lề lối lãnh đạo của Đảng, những sai lầm trong chế độ, nhưng ông chỉ muốn xây dựng mà không đả phá. Có điều là ông vẫn chủ quan và phiến diện” (Phan Khôi là chủ nhiệm tờ báo Nhân Văn và công khai chỉ trích một số văn nghệ sĩ… nên mới có vụ án văn chương “Nhân văn Giai phẩm” - NV)

“Ông Phan Khôi khi ở thành sống rất bình dân, không xa hoa, đài cá, nhưng ông có tinh thần độc lập, ngang bướng và không chịu nghe ai… Ông trường kỳ kháng chiến để trường kỳ bất mãn. Nhưng ông nhứt định không về thành theo giặc và đó là giá trị của ông… Họ sẽ thấy mỗi nhà văn Việt Nam đều có cái độc đáo của họ. Nhưng không ai có thể thành công được nếu không chịu hoà mình vào với nhân dân và không biết sống đời sống dân tộc”.

GS Lê Đình Kỵ trong "Thơ Mới những bước thăng trầm", NXB TPHCM, 1993 với bài viết: “Một ít lịch sử” cũng khẳng định vị thế Phan Khôi trong Thơ Mới: “Bài thơ được coi là “Thơ Mới” đầu tiên và dư luận khen chê sôi nổi là bài Tình già, của Phan Khôi, được ra mắt bạn đọc trên Phụ nữ tân văn số 122, ngày 10.03.1932, cùng với bài giới thiệu lấy tên “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”… Lưu Trọng Lư với tất cả sự hăng hái, nhiệt thành của tuổi hai mươi, coi việc làm của Phan Khôi có ý nghĩa mở ra một lối thoát, “một tiếng chuông cảnh tỉnh làng thơ giữa lúc đang triền miên trong cõi chết” (Phụ nữ tân văn, số 153, tháng 6.1932). Nói và làm đi đôi: Đường đời và Vắng khách thơ là những bài thơ mới của Lưu Trọng Lư xuất hiện sau bài Tình già”.

Chính qua những bài bút chiến cả về triết học lẫn Nho giáo và tthi ca… mà nhà thơ Hoài Anh đã gọi Phan Khôi là “Vỏ lý luận ruột thi ca” trong “Chân dung Văn học” cùng với bài viết của bà Phan Thị Nga (vợ nhà phê bình Hoài Thanh, đã quá cố) khi sinh thời từng viết bài “Ông Phan Khôi học chữ Tây và làm quen với cô luận lý” (Hà Nội báo số 10, ngày 11.03.1936) rất lý thú về một phần hoạt động văn chương của cụ Phan Khôi.



Vài nét về Nhà văn, nhà thơ Phan Khôi

Chân dung Phan Khôi (ký hoạ)

Phan Khôi sinh 20.8.1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mất 16.1.1959. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Ông đã xuất bản: 19 công trình nghiên cứu, sáng tác và dịch thuật. Trong đó có: Chương trình thi thoại; Trở vỏ lửa ra; Việt ngữ nghiên cứu.

Nhà văn Phan Khôi hoạt động báo chí, văn học và nghiên cứu từ những năm hai mươi. Bài thơ "Tình già" đăng trong báo Phụ Nữ Tân Văn (1932) được coi là một đóng góp cho việc khởi động phong trào Thơ Mới lúc ban đầu. Phan Khôi bày ra một lối thơ: “đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà không bó buộc bởi niêm luật gì hết” và tạm mệnh danh là Thơ Mới (Theo "Nhà văn Việt Nam hiện đại", NXB Hội Nhà văn, 1997 trang 343).

Có tài liệu nói về thân thế của Phan Khôi khá chi tiết rằng: Cha Phan Khôi là Phan Trân, trước làm Tri phủ, phủ Điện Khánh, sau từ quan về làm nghề dạy học. Mẹ Phan Khôi là con gái Hoàng Diệu, nguyên Tổng đốc Hà Nội, có lần đã đi sứ sang Tây Ban Nha và Anh Cát Lợi. Tổng đốc Hoàng Diệu tuẩn tiết khi thành Hà Nội bị lọt vào tay Henri Riviere năm 1882.

Phan Khôi học chữ nho rất giỏi và mới 19 tuổi đã đỗ Tú tài (1905), tuy rằng sức học đáng để cao hơn. Đỗ xong ông tỏ ý chán khoa cử vì được gặp cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh nên bị ảnh hưởng của hai nhà cách mạng nàỵ

Năm 1907 Phan Khôi ra Hà Nội, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và viết cho tờ tạp chí Đăng Cổ Tùng Báo do phong trào này xuất bản. Chẳng bao lâu tờ tạp chí bị cấm và phong trào bị khủng bố. Phan Khôi lui về Nam Định rồi về Hải Phòng ẩn náu. Ít lâu sau ông lén về Quảng Nam hoạt động trong phong trào Văn Thân cùng với nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.

Trong một cuộc biểu tình đòi giảm thuế Phan Khôi bị bắt và giam tại nhà lao Quảng Nam cho mãi đến năm 1914, vì có chiến tranh Đức - Pháp, toàn quyền Albert Sarraut mới ân xá cho nhiều tù nhân, trong đó có Phan Khôi.

Trong thời gian bị tù, Phan Khôi học chữ Pháp với những công chức cùng bị giam. Thoát khỏi tù, ông ra Hà Nội viết báo cho tờ Nam Phong, là tờ báo văn học duy nhất của thời bấy giờ. Vì bất bình với Phạm Quỳnh là giám đốc tờ Nam Phong, ông bỏ Hà Nội vào Sài Gòn viết cho tờ Lục Tỉnh Tân Văn . Năm 1920 ông lại trở ra Hà Nội viết cho tờ Thực Nghiệp Dân Báo và tờ Hữu Thanh của Ngô Đức Kế. Trong thời kỳ này Phan Khôi dịch thuê cuốn Kinh Thánh cho Hội Tin Lành. Cuốn Nam Âm Thi Thoại của ông ra đời trong thời kỳ này.

Năm 1928, tờ Thực Nghiệp Dân Báo và tờ Hữu Thanh bị đóng cửa, Phan Khôi lại vào Sài Gòn viết cho tờ Thần Chung và Phụ Nữ Tân Văn, và gửi bài ra Hà Nội cho báo Đông Tây. Trong thời kỳ này Phan Khôi bút chiến với Hải Triều, nhà văn cộng sản, về vấn đề duy tâm và duy vật. Cuộc bút chiến này gây sôi nổi dư luận trong toàn quốc.

Năm 1931, Phan Khôi lại trở ra Hà Nội viết cho tờ Phụ Nữ Thời Đàm. Năm 1936 cụ vào Huế viết cho tờ Tràng An và xin được phép xuất bản tờ Sông Hương. Cụ tái bản cuốn Nam Âm Thi Thoại và đổi tên là Chương Dân Thi Thoại (Chương Dân là bút danh của cụ - NV). Năm 1939 tờ Sông Hương chết, Phan Khôi lại trở vô Sài Gòn dạy học chữ Nho và viết tiểu thuyết. Thời kỳ này cụ viết cuốn "Trở vỏ lửa ra".

(…) Cuối năm 1954 cụ Phan Khôi ở chiến khu về Hà Nội cùng với đa số các văn nghệ sĩ khác. Vì không có nhà cửa ở Hà Nội nên Hội Văn Nghệ dành cho cụ một buồng ở tầng ba của nhà trụ sở hội đường Gambetta cũ. Cụ vẫn tiếp tục công việc biên dịch… và mất ngày 16.1.1959.

GIÁP NGUYỄN

Tình Già
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa
Dưới ngọn đèn mờ trong gian nhà nhỏ
Hai mái đầu xanh kề nhau than thở:
- Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn là không đặng
- Để đến tình trước phụ sau, chi bằng sớm liệu mà buông nhau.
- Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ
- Thương được chừng nào hay chừng ấy, chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy.
- Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung.

...

Hai mươi bốn năm qua tình cờ đất khách gặp nhau:
Đôi mái đầu đều bạc, nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi

PHAN KHÔI
(Phụ nữ tân văn, số 122, tháng 03.1932)

http://www.chuyenluan.net/2004/200410/0410_24.htm

No comments:

Post a Comment